PDA

Xem đầy đủ chức năng : Sang mùa - Phí Thu Phương



Knife
30-11-2005, 03:02 AM
1/. Buổi sáng, sương mù báo nắng giăng như những đám mây sà xuống phố. Cả thành phố chìm trong một màu trung tính. Thành phố đón ngày mới bằng những ô cửa mở toang, những dòng xe tấp nập lao vun vút… Nhiên đi chậm trên chiếc cầu bắc qua con sông đỏ chảy ven thành phố… Hình như chỉ có mình Nhiên cảm thấy mùa hạ bắt đầu đến xôn xao trong từng ngọn gió… Mới cuối mùa xuân, có phải hơi sớm không? Hay là Nhiên mẫn cảm quá? Hay tại những vất vả bon chen trong nhịp sống sôi động khiến người ta quên cả khái niệm “mùa”? Hay trong lòng Nhiên còn lý do nào khác?...

2/. Cuối ngày được lĩnh lương, đám đàn ông rủ nhau đi nhậu, mấy cô gái rủ nhau đi shop, các chị, các mẹ rủ nhau vào siêu thị… Nhiên cầm ba triệu tiền lương cho vào ví mà đầu không nghĩ được gì… Cách đây hai năm lúc mới ra trường, còn đang thử việc, nếu được cầm số tiền này chắc chắn Nhiên sẽ xỉu đi vì sung sướng. Bây giờ thì tháng nào chả vậy, mức thu nhập ấy với tuổi trẻ như Nhiên còn là khiêm tốn. Thời điểm này có chút tài năng và có cơ hội để phát huy là dễ trở thành tỷ phú lắm… Nhiên thì không còn phải hà tiện khi đi may sắm, không phải đắn đo khi được mời dự tiệc cưới, thoải mái hơn khi mời bạn bè uống café. Và buối trưa có thể leo lên tầng thượng của plaza ăn bữa cơm văn phòng giá mười lăm ngàn đồng, để ngắm mặt hồ từ trên cao, qua khuôn cửa kính lớn… Ăn, mặc, chơi cũng chỉ đến đủ. Nhiên không phải là người sính mốt, không có “tâm hồn ăn uống” và không ham vui chơi. Vì thế những lúc lĩnh lương như thế này, nếu là mùa đông thì Nhiên ghé qua siêu thị mua cho ba chiếc mũ len, mua cho mẹ cái khăn quàng và đôi tất mới, hoặc rẽ vào nhà sách. Sau đó Nhiên thường cho xe chạy trong chiều muộn, để môi mắt và hai má nhuốm những ngọn gió mùa, hít hà chút hương hoa gì đó loang khắp phố và nhớ đến anh…

3/. Anh là hàng xóm của Nhiên, thời nhà Nhiên còn ở vùng quê xa xôi ấy. Anh hơn Nhiên năm tuổi nhưng hai đứa thân nhau từ thời bé tí. Lúc anh thi đỗ Đại học ở Hà Nội thì Nhiên còn học Trung học ở nhà. Mỗi lần về thăm nhà, anh chạy sang giúi cho Nhiên gói ô mai, kèm theo là cuốn sổ nhỏ xíu, hay một phi thuyền gấp bằng giấy màu, những thứ là lạ ở thành phố. Anh bảo anh mua bằng học bổng của anh đấy, ít thôi nhưng anh tự hào vì học giỏi mới có. Rồi anh mở vở kiểm tra sức học của Nhiên, chỗ nào yếu là Nhiên bị anh nhéo tai. Có lúc đau điếng sắp khóc Nhiên bảo “Anh không biết em là con gái à? Nhéo đau thế ai mà chịu được?”. Anh nghiêm mặt: “Để cho em nhớ… Em không học tốt sau này cái khổ nó chẳng phân biệt con gái, con trai đâu… Lúc đó còn đau không khóc nổi ấy chứ…”. Nhiên chẳng thèm nghe anh nói mà còn giận dỗi nghĩ rằng: mình sẽ phấn đấu học thật tốt để cho anh thấy không chỉ có mình anh giỏi… Ngày Nhiên nhận kết quả đỗ thủ khoa đại học, Nhiên kênh kiệu ngẩng cao cái trán, mắt không thèm nhìn anh… Thấy Nhiên vậy anh cười: “Hẹn gặp em ở Hà Nội” rồi anh lại nhanh tay nhéo một cái, nhưng lần này vào má thật nhẹ… Nhiên không để ý chỉ hồi hộp chuẩn bị cho ngày nhập trường… Rời miền quê xa xôi trong ba lô Nhiên có cả những kỉ vật nhỏ xíu của anh nữa…

4/. Nhiên vào đại học cũng là lúc anh ra trường. Đến kí túc xá thăm Nhiên anh bảo: “Anh không làm việc ở Hà Nội đâu, nhưng yên tâm, anh còn ở đây thử sức, sẽ có thời gian kèm em học…”. Lại “kèm”, có phải như ngày xưa đâu? Anh không nhớ là Nhiên đã đỗ thủ khoa à? Tự ái dâng đầy, giọng Nhiên nặng trịch: “Em tự học được rồi, anh không phải bận tâm”. Anh cười: “OK! Thế là anh mừng!”… Bốn năm học tập Nhiên luôn đạt mức học bổng cao nhất. Sáng hôm Nhiên bảo vệ luận văn tốt nghiệp, anh đến, ngồi sau ban hội đồng, cười tươi rói khi Nhiên nhận điểm xuất sắc. Cuối buổi anh giúi vào tay Nhiên hộp bút Paker mới tinh, món quà mà anh hứa sẽ tặng cho Nhiên vào dịp trọng đại. Anh bảo: “Cố gắng phấn đấu nhé! Anh rất vinh dự, tự hào nếu sau này em dùng chiếc bút ấy để kí, một chữ kí của người có uy tín…”. Tối ấy anh và Nhiên leo lên tầng trên cùng của tòa cao ốc lớn nhất thành phố. Nhiên nhâm nhi cốc sinh tố chanh mát lịm và ngắm thành phố vào đêm lấp lánh như một biển sao. Anh quấy café leng keng, làm mặt nghiêm trọng bảo: “Em đừng ngủ quên trong chiến thắng nhé. Bây giờ chưa phải lúc hưởng thụ đâu…”. Lời anh nói phá tan sự thanh thản của Nhiên, giọng Nhiên như sắp khóc: “Bao giờ em mới xứng đáng đây?”. Thấy Nhiên sụt sùi, anh cười hì hì xoa dịu: “Là anh nói sắp tới những khó khăn mới đang chờ em, đó là những thử thách trong công việc… Em phải chuẩn bị tư tưởng…”. Nhìn bộ mặt cầu hòa thật buồn cười của anh Nhiên lặng im, Nhiên không tin mình sẽ gặp khó khăn lớn…

5/. Một năm trời vác tấm bằng tốt nghiệp loại ưu đi khắp thành phố mà Nhiên vẫn không tìm được một chỗ làm ổn định. Mệt mỏi, Nhiên về ào vào anh khóc như đứa trẻ con bị bắt nạt. Thấy Nhiên căng thẳng chán chường anh rủ: “Mình về nhà nhé!”. Sáng sớm Nhiên ngồi sau chiếc xe cồng kềnh của anh vượt hai trăm cây số. Trên đường đi anh bảo: “Cổ nhân dạy rằng: “Thiên-khốn-học”. Con người ta muốn trưởng thành trước hết phải nhờ vào những năng khiếu bẩm sinh, nhưng sau đó phải trải qua những khốn khó, cuối cùng mới đến học tập… Có nghĩa tài năng bẩm sinh chỉ là cái vốn, trường học thì dạy ta phương pháp để phát huy những cái vốn đó - còn những khốn khó chính là những trải nghiệm thực tế giúp ta lớn khôn thành đạt… Anh hy vọng em không nản chí…” Bài học cuối cùng anh dành cho Nhiên ấy đã theo suốt những chặng đường Nhiên đi… Mùa hạ năm đó nhà Nhiên chuyển ra Hà Nội, Nhiên có một chỗ làm ổn định với mức lương khá cao, thì cũng là lúc anh trở về miền quê heo hút với những khát vọng đã ấp ủ từ lâu. Ngày chia tay anh đùa: “Người như anh sống ở đâu chẳng được - em đừng lo…”. Nhiên biết thế, Nhiên có lo điều ấy đâu, Nhiên chỉ không biết rằng bao giờ mới được gặp lại anh, nhưng Nhiên không hỏi anh điều ấy…

6/. Chớm hạ, hoa Phượng lại nở đỏ rực những con phố hẹp. Hồ Tây trong veo. Dọc phố dài, những gánh hàng hoa bán rong lúc đỏ như ánh lửa, lúc hồng như má người thiếu nữ được chườm nóng, lúc lại tím miên man như sự đợi chờ… Nhiên chạy xe chầm chậm nghe gió lùa qua hai vai. Không biết tự bao giờ Nhiên không còn quá bị kích động khi mùa hạ sang với những ngày nắng tràn ngập cả bầu trời. Và cũng không quá buồn khi đông về, cho dù sự hao gầy của những rặng cây, sự hiu quạnh trải trên mái những ngôi chùa cổ có làm lòng Nhiên sụt xuống… Anh bảo: “Bao giờ em nhận thấy hạnh phúc và đau khổ sẽ khiến cho cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn, thì em sẽ không cần có anh ở bên để “dạy dỗ” nữa”… Ừ! Nhưng… anh nhầm rồi. Lúc này Nhiên đã biết chủ động đón nhận những dịu ngọt và cả những vết xước mà sự mẫn cảm luôn khiến Nhiên phải đi qua… Nhưng không hiểu sao Nhiên vẫn cần có anh ở bên đến thế?... Nỗi nhớ ấy lớn hơn nhớ một người anh, lớn hơn nhớ một người thầy… Sang mùa rồi! Và Nhiên nhớ anh… rất khác…

Phí Thu Phương