PDA

Xem đầy đủ chức năng : Vệt sót của huyền thoại



Icrysoul
24-10-2005, 04:24 AM
Vệt sót của huyền thoại

Nguyễn Vĩnh Nguyên



Tôi cảm thấy mũi đạn xoẹt toé lửa xé gió lao về phía trước. Một tiếng vút đi sau âm cạch khô khốc của cò súng, tiếng giật chùng của sợi lòxo căng bên trong. Mũi đạn xuyên qua tán lá rồi lao đến ngực trái người đàn ông, xuyên thủng bằng một lực bay xé siêu thanh.

Tiếng thét cất lên khi đầu tên cắm xuyên và lút chạm vào đốt xương sau của cơ thể con thú đang giãy đạp.

Máu.

Buổi sáng tù mù sương. Ba tôi bị đưa ra pháp trường. Sau khi ông đã ăn no một mâm cơm thịt gà sau những ngày ngồi khóc trước khoảng sáng của chiếc song sắt. Đôi mắt đã được bịt kín, dọn sẵn một vùng bóng tối âm u. Để từ đây, người sẽ ngụp lặn mãi mãi trong vũng tối vĩnh cửu ấy. Tôi nhắm mắt và hình dung mũi đạn ngày nào bật ra từ ngón trỏ lẫy cò trong cánh rừng âm u trước mặt, lại xoáy về vụt xé gió và lao ngược về hướng chiếc cột trụ vững đã buộc chặt cha tôi giữa mù sương của một sớm tháng mười. Phía sau dải vải đen là một con thú. Người ta bảo thế. Một con thú phải giết đi để không thể gây nguy hiểm cho thế giới con người nữa...

Mùa đông. Sương mù chờn vờn. Mẹ tôi không thấy đường. Mẹ bảo: Hãy cho tôi trở về, tôi còn hai đứa con...

Mẹ tôi xanh xao, bộ đồ sọc cũ nhăn nhúm sau lần giặt vội. Chiếc bảng tên mới. Đeo trên khuôn mặt u buồn. Bà đi trong sương mù. Có tiếng người nói từ phía sau: Bà đi đâu đó, quay lại mau! Mẹ tôi ngước mặt lên trời. Bà cảm nhận có ngọn gió độc vừa làm nhói một mũi sâu hoắm vào tim bà. Lần thứ hai, ngọn gió độc ấy xuyên qua tim bà như một vết dao ngọt. Khiến bà thấy đau dội lên, rồi vết đau lan ra, âm ỉ. Thời gian đông cứng trên những vòm cây ủ rũ. Sương mù những lối đi qua cánh đồng tháng mười hai. Tháng sinh nhật tôi. Tháng những mũi tên hình sương trắng được bắn đi đan chéo, mù mịt không gian. Thông điệp trên đầu những mũi nhọn sắc kia là cái chết. Cái chết lướt đi bằng một bộ áo mềm như khói. Thứ khói lạnh chẳng bao giờ tan trong hồn người, mà thổi vật vờ ra khắp không gian. Những chuỗi ngày u ám ấy đóng đinh vào tuổi thơ tôi.

Tháng mười hai. Máu.

...Họ về. Cầm những nòng súng đen ngòm đứng trước mặt tôi, áo đầy vệt máu thú rừng, bảo rằng, cuộc giành giật của hai người đàn ông đã kết thúc. Ba tôi cầm cây súng kíp dài hơn, vác lên vai phải. Tay còn lại bứt đứt hàng nút trên ngực. Máu chảy xuống. Máu từ một vết thương rất sâu còn tươi đỏ, chảy cho đến khi loãng ra và khô kiệt. Người nằm xuống vạt đất mù sương. Người không nói gì ngoài một tiếng thở dốc khiến lỗ thủng vết thương kia sôi lên sòng sọc. Những bong bóng máu bay lên trong một không gian đầy huyễn ảo. Thời gian loãng ra. Tôi ngợp khi nuốt ngụm nước miếng nóng đang chặn dưới cổ. Tôi ho sặc sụa. Tôi nghĩ người ta có thể chết đuối bằng ngụm ngước dãi trong cổ họng mình. Và lúc ấy thánh thần hay ma quỷ không có nghĩa lý gì nữa. Tất cả chỉ là chuyện mơ hồ. Người ta tự chết theo cách nuốt ngụm nước dãi và tự ngộp thở. Rất êm ái. Êm ái và phi lý.

Bấy giờ, người đàn ông tình địch của ba tôi sẽ đến gần tôi, trong tay cầm khẩu súng kíp mới, màu sơn xanh. Khuôn mặt gã thoáng chút hổ thẹn, lại cứ ngước lên ra vẻ kiêu hãnh. Cây súng xanh của gã có vài vệt máu. Và cũng bằng một động tác khá bất ngờ, gã xé lớp áo trên ngực. Giữa vòm ngực hiện ra một vết thủng sâu giữa đám lông rậm. Gã gào lên: Súng của tôi còn một viên đạn, chẳng biết bắn vào đâu cả! Tôi bảo, có thể đi săn được một con thú. Điều đó có quá sức ông hay không? Gã cười. Chỉ có những con thú mới săn những con thú! Toàn thân tôi nóng ran vì căm hận. Gã đã xúc phạm đến ba tôi. Vì gã mà ba tôi phải nhận án tử hình. Dĩ nhiên, chi tiết cái mũi tên chỉ là một kiểu "mỹ hoá"mà tôi vừa hình dung ra lúc nãy để diễn tả sự việc không quá bi thảm.

... Sáng ấy, ba tôi cầm súng kíp vào rừng. Người sải từng bước dài, tất tả như sắp thực thi bước cuối của một phi vụ nào đó. Tháng mười hai, mùa bầy heo cái nhộn nhạo, phá phách, kiếm ăn và chuẩn bị vào mùa động đực. Bầy heo rừng già nua, đen trùi trũi với những cặp nanh cong vút trên miệng, thoắt ẩn thoắt hiện. Đôi khi chúng khiến tôi giật mình nghĩ đấy là những bóng ma nhỏ nhoi cứ lũ lượt lăn đi trong khu rừng già. Chúng cứ thế lăn đi và những tiếng kêu chẳng mấy hay ho. Những thanh âm lục đục, ủn ỉn như mang trong nó một âm mưu và sự doạ nạt của núi rừng.

Gia đình tôi bốn đời là thợ săn. Ở cách chân núi Thoại Sơn ba cánh rừng nguyên sinh. Tôi vẫn hình dung con đường lên núi là một con đường u tối và sâu thẳm. Và những người thợ săn như ba tôi sẽ là những chiếc bóng có thể biến mất trong ấy bất cứ lúc nào. Biết bao người đã chìm vào vách núi như thế!

Tháng trước, lũ voi rừng về làng tôi quấy nhiễu. Chúng tấn công khu làng bằng những cú quất vòi. Lũ trẻ con được người lớn cho về dưới xuôi, cách đó 20 cây số để đàn ông trong làng chuẩn bị súng ống chống lại bầy voi dữ. Chúng quất sập ba mái nhà rồi tìm đường về lại rừng sâu.

Rừng mưa. Tháng đông. Những đoàn người đi vào rừng, hành trang lỉnh kỉnh. Để rồi, những đoàn xe bò chậm chạp nối đuôi nhau chở ra khỏi cửa rừng những súc, những bi gỗ lớn. Dân buôn lảng vảng khắp làng. Phần thì buôn gỗ. Phần thì buôn thú rừng, chim chóc. Tháng này, ba mẹ tôi ở hẳn trong rừng, ít khi về nhà. Mẹ tôi chỉ có mặt ở nhà khi ba săn trúng đậm, phải gánh thịt thú rừng về. Những người đàn bà vùng này theo chồng đi săn, đã quen mạo hiểm, quen với cuộc tồn sinh có phần hoang dại. Mẹ tôi nói, đây là đời thứ ba trong dòng họ bên ngoại sống bám vào cánh rừng này. Mẹ tôi có nhiều câu chuyện về săn bắn nghe rùng rợn. Chủ yếu để doạ, không cho tôi đi chơi mà phải ở nhà coi nhà. Mẹ kể chuyện năm nào đó, nhà ngoại bắn chết con khỉ cái. Thế là hai hôm sau, bê nồi cao cốt khỉ, có hai con khỉ đực tìm về đâm đầu vào lửa mà chết. Mẹ nói, cứ như chuyện ông Táo bà Táo.

Bọn khỉ thành tinh, chẳng khác gì con người ta. Tối tối lại thấy có mấy cái bóng trắng có đuôi chạy hốt hoảng dưới bếp. Bóng ma của lũ khỉ đấy. Mẹ lại kể chuyện hai con rắn tiên mà ba giết chết cách đây vài năm. Đó là hai con rắn to như cột nhà, đi đến đâu, xáo xác cây lá đến đó. Lần ấy, ba phải phục kích nửa tháng trời mới giết được con rắn đực. Con cái lần tìm về tới làng, nằm quấn trong cái chảo đại mà chết khi thấy xác chồng chỉ còn là chút thịt vằm thừa thãi sau một bữa cơm... Huyền thoại về rừng thì nhiều, hiện qua những câu chuyện đứt khúc và gián đoạn của mẹ tôi - Những ký ức thường đến và đi loáng thoáng như những ngõ rừng không dẫn về đâu cả. Chúng làm ba tôi bực bội. Ông thường hực lên như một con thú bị thương: "Đồ đàn bà!". Tôi chẳng hiểu nổi đàn bà là gì mà ông hiềm khích đến thế. Tôi chỉ biết, đàn bà vẫn thường dễ khóc hơn đàn ông. Những con thú cái thì dễ làm những điều xuẩn ngốc, dễ sa bẫy hơn những con thú đực.

Chiều ấy, tôi đã nghe từ trên đỉnh núi một tiếng rền của khẩu súng kíp. Chính xác là tiếng súng kíp của ba tôi. Tôi ngồi trước hiên chong mắt đợi ông về. Ngày thường, mỗi khi về, ông vẫn đi ngang tôi, áo quần nhàu nhĩ, bẩn thỉu và mồ hôi ông toát ra một mùi thú hăng hăng. Đó có thể là mùi máu heo rừng hay mùi lông khỉ mà tôi vẫn nhặt lên ngửi từ đống lông sau mỗi nồi cao cốt khỉ sôi sùng sục. Tôi ngồi đợi ông về. Tôi hình dung một ngày nào đó, ông sẽ trở về, trên người bê bết máu cọp. Ông sẽ lại lạnh lùng xoa đầu tôi, đôi mắt sâu hoắm và hung dữ nhìn chòng chọc vào mắt tôi, từ trong đám râu quai nón rậm rạp như một chùm lông heo rừng phát ra một tiếng nói đanh, sắc lạnh như rít qua kẽ răng: Mày đợi tao hả? Tôi lơ mơ cảm thấy câu nói gằn giọng ấy chất chứa một sự dồn nén và không phải dành cho người ruột thịt. Bàn tay nóng, đầy vết chai sần và những đường sẹo của ông xoa lên mặt tôi. Nhiều đêm tôi mơ bàn tay ấy bất ngờ bóp mạnh và bẻ gãy quai hàm của tôi. Đầu tôi gãy rụp, ngoẹo một bên trên cổ. Tôi không sao cất tiếng, không sao bước đi. Toàn thân tôi cũng ngoẹo sang một bên. Đôi mắt tôi đong đưa như hai chiếc đèn chiếu qua chiếu lại, ánh nhìn lúc lắc trên nền đất rồi trở nên bất động. Tôi chết trong mùi thú toả ra từ người đàn ông.

Tôi chẳng biết cách nào để chống lại những mũi tên sắc nhọn cứ bay tua tủa về phía mình. Tôi là một con thú. Những lời nói bật từ môi thiên hạ là những mũi tên. Tôi yếu đuối và rệu rã cho đến khi đầu óc quay cuồng và rụng xuống đất như con nai con yếu đuối. Người ta lại gào lên: Xem kìa! Xem kìa! Thằng Khờ con của con dâm phụ mà cũng nghe được! Củ thối tha sinh ra từ ngoại tình đấy! Thằng nhãi suốt ngày ngồi đợi bố nó ngoài hiên! Ê, bố mày đâu, chỉ tao xem... hê hê...

Tôi nằm mở mắt nhìn lên trời. Trời xanh. Những khuôn mặt xoay vòng, xoay vòng. Một vòng tròn khép kín bọc vây lấy tôi. Những mặt người khoanh vòng tròn lên trời xanh. Gió. Gió mát thổi quanh tôi. Nhưng tôi đã ù tai. Cổ họng nghẹn cứng. Nói không được.

Xem kìa, thằng ngọng đang muốn nói ra bí mật của con mẹ đĩ thoã của nó đấy! Nhưng cả làng này cũng đã biết rồi. Thứ đàn bà lăng loàn. Hạng đàn ông bạc nhược.

Rồi từ cái vòng tròn ấy, loé lên một tia lửa và phát súng nổ đinh tai. Một chùm râu rậm như lông thú cúi xuống, một bàn tay đầy gân guốc và chai sẹo túm lấy cổ áo tôi. Tôi bị nhấc bổng lên. Bầu trời đong đưa, đong đưa. Vòng tròn tản ra. Người đàn ông xốc tôi trên vai, bước những bước dài về nhà. Người ông hôi mùi thú, mùi máu heo rừng, mùi lông khỉ, mùi rắn nhưng chưa từng một lần hôi mùi cọp... Tôi úp mặt trên vai, hai khớp xương chân cạ vào nhau trong vòng tay xiết chặt của người đàn ông ấy, đau điếng. Tôi luôn biết mình không cách gì tự vệ nổi trước sức mạnh của con người và thế giới này. Tôi cất những tiếng ọ ẹ...

Đạch!

Tôi bị quăng nằm ngay đơ ra mặt phản gỗ.

Một trận roi bằng dây lang được bện sẵn vùn vụt quất lên da thịt tôi. Điên cuồng. Tôi bặm môi, mắt tôi đầy nước. Tôi lăn lộn cho tới khi toàn thân là một khối thịt nhoe nhoét, không cảm giác. Tôi nằm úp mặt xuống mặt phản gỗ khẳn mùi nước đái của chính mình rồi lê từng chút một trên những vụn dây khoai văng tung toé. Bàn tay chai sần ấy chợt lần trên những đường lằn vết thương tôi và rên rỉ như những vết thương ấy là thuộc về chính người đã gây ra nó, chứ không thuộc về tôi. Rồi những cọng râu xoàm xoàm như lông heo rừng bắt đầu chà xát lên vết thương khiến chúng nhói lên từng hồi, xót buốt. Tôi bặm môi, cố gắng lắm, mới bật lên một tiếng: "Ba!". Rồi khóc trù trù. Đến bây giờ thì tôi đã khóc được. Tôi nấc lên từng hơi dài. Toàn thân tôi là nước mắt. Người đàn ông nằm bên tôi. Buông một tiếng thở dài. Làn môi thâm dưới lớp râu ngày thường vẫn rít lên hung tợn, nay méo xẹo, bật ra tiếng trù trù, rên rỉ. Hai tiếng trù trù của tôi và của người đàn ông ấy cứ như dìu nhau cất lên, như hai làn bè đau đớn từ cõi người, càng lúc càng lan xa ra, hoang mang giữa một bầu trời chiều tháng tám u ám. Gió ngoài rừng hắt hơi mưa lan trong không khí. Trên đầu chúng tôi là mái nhà. Một mái nhà không đủ lành lặn trước mỗi đợt mưa qua...

...Mẹ tôi về. Nằm vắt trên vai mẹ không phải một con thú mà là một người đàn ông. Mẹ chạy về làng như chạy trốn một điều gì đó đầy hung hiểm từ rừng. Vác trên vai người đàn ông độc thân còn lại của làng. Mắt gã trợn ngược. Người bê bết máu. Phải rồi, chiều nay tôi nghe tiếng súng kíp của ba cất lên đầu núi. Không lẽ đó lại là con thú mà ba tôi săn được sau nhiều ngày lội rừng? Không lẽ đó là cách xử lý duy nhất của người lớn trong những khúc mắc không sao giải quyết được? Mẹ tôi khóc, quỳ bên xác người ấy và xé chiếc áo trắng mới nhất trong nhà bọc quấn những vết thương máu loang đỏ tấy. Vết đạn xé banh ngực gã. Và có lẽ làm gã gục chết tại chỗ. Người ta lại kéo đến, xếp thành những vòng tròn mặt người trên bầu trời xanh. Xì xầm những lời phỏng đoán nghiệt ngã...

Mẹ bước về phía tôi và thầm thì: "Gọi ba đi con!". Tôi không sao hiểu nổi tại sao bà lại thều thào vào tai tôi như thế. Toàn thân tôi lạnh toát. Da tay tôi túa ra một thứ mồ hôi nhớt và lạnh. Tôi lắp bắp mãi không bật thành tiếng. Mẹ tôi, mắt giàn giụa nước: "Gọi ba đi con, để ba nhắm mắt!". Tôi bò lên, ngóc đầu nhìn khuôn mặt người đàn ông lạ. Người đàn ông độc thân cuối cùng đã bỏ làng biệt tăm mang theo nhiều huyền thoại và bí mật. Người ta bảo ông ta đã biến thành thú rừng. Chẳng lẽ một con người, chỉ vì ngoại tình với một phụ nữ đã có chồng, mà phải bỏ làng đi vào rừng từng ấy năm và biến thành thú rừng? Tôi làm sao tin rằng đó là người cha của tôi chứ không phải là người mà tôi vẫn chờ đợi bấy lâu, chờ đợi một ngày trở về bên tôi với bộ lông con cọp vằn lớn nhất còn sót lại của cánh rừng này. Và ông đã trở về như thế. Dưới mớ tóc bết máu là khuôn mặt đen nhẻm, xương hàm cương nghị, cặp môi thâm đen luôn mở ra như cơn khát lâu năm vẫn còn giày vò ông cho đến lúc tắt thở. Bộ râu xồm xoàm vì lâu ngày không được cắt trở nên vô hồn và thừa thãi trên một khuôn mặt thất thần, trắng bệch vì máu ra quá nhiều. Vết thương ở tim. Mọi người bảo vậy. Một vết đạn súng kíp khoáy sâu vào nơi hiểm nhất của sự sống, cắt hết tất cả những giềng mối duy trì sự tồn tại dù là nhỏ nhất. Ba tôi đã nhắm chính xác đến nỗi không còn thể nói gì thêm.

Bây giờ, tôi đang nằm cạnh người đàn ông ấy. Chính xác là người cha mà tôi chưa từng một lần hình dung hay chờ đợi. Người ấy, tôi phải gọi là ba. Mẹ tôi bảo thế. Một huyền thoại đã chết. Mẹ tôi là người hiểu rõ nhất huyền thoại bi thương này. Mẹ tôi hiểu rõ nhất bí mật về sự ra đời và tồn tại của tôi. Và hiểu rõ nhất câu chuyện thêu dệt dành cho người đàn ông độc thân kia. Tôi nằm bên người đàn ông mắt trợn ngược, mình vấy máu mà không sao cất nổi một tiếng, dù chỉ là kêu thương..

Tháng mùa đông. Con thú cuối cùng bị hạ và đành trườn mặt ra khỏi rừng già. Người đàn ông ấy đi ngang tôi, tôi nhắm mắt lắng nghe mùi cọp. Lạ thay. Tôi đã không còn nghe mùi thú mà bấy lâu nay tôi mê say, ngưỡng vọng. Mùi thú duy trì sự sống và hơi thở của tôi đã không còn. Nhưng sao tôi vẫn thở, vẫn ngoi ngóp chờ đợi. Người đàn ông vuốt tóc tôi lần cuối rồi mãi mãi ra đi. Hàm râu rậm và xồm xoàm như lông heo rừng cạ lên cổ tôi, xon xót. Tôi bật khóc sau bao nhiêu năm làm thằng người thiểu năng, tôi bắt đầu bập bẹ muốn gọi người đó là cha như bao nhiêu lần đớn đau vì đòn roi, tôi đã gọi. Nhưng cha tôi - người đàn ông hôi mùi thú lẫn người đàn ông huyền thoại, cả hai, đều đã ra đi.

Có điều gì đó nghẹn cứng dưới cổ tôi khiến tôi không bật thành tiếng. Hai người đàn ông ấy, tôi vẫn hình dung họ mang theo một túi hành trang, trong đó là những mũi tên độc đã nhiều lần vấy máu, hai nòng súng đen ngòm qua biết bao nhiêu mùa săn thú. Tôi cũng hình dung mẹ tôi sẽ là người biến mất. Mẹ sẽ không chết. Mà biến mất trong sương mù. Tôi ở lại với ngôi nhà này. Hàng xóm từ nay vẫn bảo tôi là thằng khờ, con trai của con mẹ ngoại tình và tay thợ săn vừa bị án tử hình vì tội giết người. Hắn đã giết một con thú đội lốt tình nhân hay một gã tình nhân đội lốt thú.

Nhưng mọi người sẽ hình dung đó là một sự việc được bủa vây trong những mù sương huyền thoại.

Huyền thoại mang nhiều bất hạnh.

Rừng mưa.

Sài Gòn, 3.7.2005