PDA

Xem đầy đủ chức năng : Màu hoa phượng



Icrysoul
21-10-2005, 10:26 PM
Màu hoa phượng thắm

Nguyễn Xuân Hải



Khi chiếc xe Nissan của Tấn hút dần, nhìn hoa, tôi bàng hoàng. Những cánh đỏ mỏng manh đã bị bánh xe của Tấn nghiền nát. Từ những cánh hoa ấy rỉ ra những giọt li ti như máu. Trong tâm thức của tôi bỗng trỗi dậy một linh cảm rất lạ.

Tháng Tám. Cây phượng đầu phố chỉ còn sót lại vài bông héo hắt cuối mùa. Đêm trước, một cơn mưa giông giật nốt những cánh hoa đỏ ra khỏi vòm xanh ném đi khắp nơi. Một bông bay về đậu trước cửa nhà tôi. Khi mở cổng cho Tấn đi làm, tôi bỗng nhận ra nó. Một làn gió sớm lướt đến. Những cánh hoa như đang run rẩy lo sợ.


Tôi khóa cổng, trở lại phòng khách gieo mình xuống ghế. Những bông hoa màu máu như gọi tôi về một thuở học trò…

*

Đám học sinh lớp 12C đã leo đến đỉnh đồi thông. Tấn giơ cao cây đàn ghita, xoay người lại nhìn mọi người rồi nói như ra lệnh:

- Hạ trại!

Tất cả dừng chân. Mấy cậu con trai leo lên cây buộc dây, căng bạt. Bọn con gái chúng trôi trải nilon dọn đồ ăn, thức uống. Tấn đứng tựa vào một gốc cây lớn so lại dây đàn rồi cất tiếng:

- Thưa các bạn. Hôm nay chúng ta lên đỉnh đồi này là để chia tay tuổi học trò mộng mơ và tinh nghịch. Từ ngày mai đường đời mỗi người mỗi ngả. Số phận mỗi đứa mỗi riêng. Ai biết được rồi đây người nào trong chúng ta sẽ thành đạt, giàu sang; người nào chịu cảnh nghèo khó… Chỉ mong các bạn luôn nhớ rằng lớp 12C đã là một tập thể đoàn kết, thương yêu nhau, mãi mãi gắn bó với nhau.

Tiếng vỗ tay của chúng tôi cắt ngang lời của Tấn. Tấn là lớp trưởng, học giỏi, có tài diễn thuyết và có ngón đàn ghita khá mùi mẫn. Những cuộc hội họp, những buổi đi chơi của lớp, Tấn thường đóng vai người dẫn chương trình với những lời văn hoa như thế.

Đợi cho tiếng vỗ tay dứt hắn, Tấn đưa cả bàn tay chỉ xuống chân đồi, tiếp lời:

-Thưa các bạn, các bạn hãy nhìn xuống dưới thung lũng kia. Những cánh hoa phượng cuối mùa… Những cánh hoa màu máu ấy đang gieo vào lòng tôi những nỗi buồn chia xa khó tả.

Rồi Tấn lướt nhẹ phím đàn và cất giọng trầm buồn theo giai điệu của bài hát… Khi Tấn hát đến câu “Màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè sang kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm…”, thì trong đám con gái đã có đứa trào nước mắt. Câu hát đã dứt, nhưng nỗi buồn mênh mang còn đó. Chúng tôi không thể vỗ tay. Dường như không ai nỡ phá đi những phút giây đầy kỷ niệm ấy.

Bỗng, trong đám con trai, một người đứng dậy bước đến bên Tấn, giọng rắn rỏi:

- Cám ơn lớp trưởng đưa chúng tôi vào cõi mộng. Nhưng chúng ta không thể cứ ủy mị mãi thế này. Đề nghị lớp trưởng đệm đàn cho tôi bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ”.

Bọn con trai như bừng tỉnh, ùa lên:

- Hoan hô Tường “khốt”! Nào, lớp trưởng đàn đi!

Lần đầu tiên lớp tôi được nghe Tường “khốt” hát. Chất giọng của Tường đẹp lạ lùng. Không ai nghĩ rằng anh chàng Tường ba năm nay âm thầm như một cái bóng mờ, giờ đây lại tỏa sáng bằng tiếng hát du dương bay bổng đến thế. Nghe Tường hát, hầu như chúng tôi quên bẵng giọng hát của Tấn với ca từ buồn não ruột mới trước đó ít phút … Và có lẽ từ sau giây phút đó, không chỉ riêng tôi, mà cả bọn con gái lớp 12C đều nhìn Tường với con mắt khác.

*

Chuông điện thoại reo. Cuộc điện thoại mà tôi và Tấn chờ suốt đêm qua đây chăng? Từ đầu dây bên kia không phải là giọng của thằng Đạt mà là Tấn. Vẫn cái giọng điềm tĩnh và trịch thượng như mọi khi, Tấn hỏi:

- Nó đã về chưa? Chưa hả? Thì gọi điện đến tất cả nhà bạn bè của nó hỏi xem.

- Em đâu có biết số điện thoại của đứa nào. Hay là anh bớt chút thời gian đến nhờ anh Tường xem sao… Em nghĩ…

Tấn cắt ngang lời tôi, giọng bực dọc:

- Sao lại Tường. Lúc nào cũng Tường. Phải rồi, anh ta đã từng là Trương Chi, từng là Lục Vân Tiên trong lòng các cô mà.

- Ý em là… hôm nay em linh cảm thấy…

Tôi chưa kip phân bua thì Tấn đã dập máy.

*

Đám cựu học sinh lớp 12C của tôi lại có mặt ở đồi thông năm trước. Nhưng hôm nay số người cũ đã vắng quá nửa. Thêm dăm người mới. Đó là vợ, là chồng và cả con nhỏ của một vài bạn đã yên bề gia thất. Cuộc gặp gỡ này cũng là sáng kiến của Tấn. Sau khi tốt nghiệp đại học vào loại xuất sắc, được phân công về một công ty vận tải biển, cuộc đời của Tấn là một chuỗi những chuyến viễn dương đến khắp năm châu.

Hè này, được lên bờ một tháng, Tấn đã chắp nối cả tuần mới có cuộc tái ngộ này. Đúng như lời của Tấn, từ sau mùa hè cuối cùng của tuổi học trò, số phận của chúng tôi mỗi đứa mỗi khác. Hầu hết những bạn không thi đỗ vào trường nào đã trở về với công việc đồng áng hay vật lộn trong những cuộc mưu sinh vất vả. Số thành đạt được như Tấn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trên đồi thông lộng gió, lại tấm bạt buộc trên những cây thông che nắng, lại những tấm nilon trải trên thảm cỏ mượt như nhung để bày biện đồ ăn thức uống do tôi và Hằng chuẩn bị. Chiều hôm trước, Tấn đưa cho tôi một xấp tiền với lời đề nghị:

- Em và Hằng chịu khó đi chợ giúp anh.

Chúng tôi ngồi hàng giờ trên đồi thông ăn uống trò chuyện, nghe nhạc từ chiếc cát-xét của Tấn mang theo. Chán nghe nhạc lại nghe Tấn kể chuyện đại dương, chuyện những hải cảng xa xôi mà anh đã đặt chân đến. Rồi đến tiết mục hát. Tấn so dây đàn và lần này anh bắt đầu bằng bài “Chiều hải cảng”.

Sau Tấn, đến lượt chúng tôi. Nhưng tất cả chỉ là những câu hát vô hồn, vô cảm. Bất giác một người thốt lên:

- Giá hôm nay có cậu Tường, chắc sẽ vui lắm.

Tấn nhíu mày, buông phím đàn, giọng xa xôi:

- Mình không thể nào liên lạc được với cậu ấy. Có ai biết tin gì về Tường không?

Tôi quay sang phía Hằng và nói:

- Muốn có thông tin về chàng Trương Chi thì phải hỏi nàng Mỵ Nương này.

Mọi người đều dồn mắt về phía Hằng. Hằng là hoa khôi, là người kín đáo nhất lớp tôi. Hằng cúi đầu, thoáng buồn, giọng nho nhỏ:

- Tường đang nằm trong bệnh viện của Bộ Công an. Một tuần rồi.

Mọi người đổ dồn mắt về phía Hằng. Một bạn gái hỏi:

- Nghe nói cậu ấy đang công tác ở biên giới phải không Hằng?

Một bạn khác:

- Hôm trước mình đọc báo thấy có một anh thượng sĩ công an tên là Tường bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Có phải là Tường của lớp mình không?

Hằng ấp súng:

- Đúng là có bài báo viết về anh ấy.

Một bạn trai tỏ ra hiểu biết về sự kiện này:

- Thế thì anh chàng Trương Chi của chúng ta vừa lập công to. Tớ đọc kỹ bài ấy nhưng xem ra ông nhà báo viết úp úp mở mở như còn giấu điều gì đó. Nào là Thượng sĩ Tường đang làm một nhiệm vụ đặc biệt. Nào là một mình tấn công lại nhóm tội phạm nguy hiểm có trang bị hung khí. Rồi cả chuyện người yêu anh, một cô gái rất xinh đẹp suốt đêm ngày có mặt bên giường bệnh là một trong những phương thuốc hiệu nghiệm nhất giúp anh vượt qua hiểm nghèo…

Cả lớp ùa lên:

- Thế còn đợi gì nữa. Chúng ta tạm dừng cuộc vui ở đây, kéo nhau lên bệnh viện để thăm anh chàng “Lục Vân Tiên” đã...

Hằng:

- Không được đâu. Bên Công an chưa cho ai vào thăm Tường, trừ một số người trong gia đình anh ấy.

Tôi cầm tay Hằng giơ lên và nói:

- Trong số người được vào thăm Tường, có cả cô gái rất xinh đẹp lớp 12C mà báo đã viết.

Từ lúc ấy cuộc picnic của chúng tôi dường như chuyển hẳn sang những bí hiểm xung quanh cuộc tình ly kỳ của Tường “Trương Chi” và Hằng “Mỵ Nương”. Hằng trở thành trung tâm của các câu phỏng vấn và tôi trở thành “phát ngôn viên” bất đắc dĩ của cô nàng. Đến khi tôi không thể thỏa mãn được cuộc tìm kiếm thông tin của các bạn cũng là lúc Tấn tuyên bố kết thúc cuộc vui. Nhìn gương mặt và ánh mắt của Tấn, tôi hiểu anh đang bị hẫng hụt. Tất cả những cuộc vui do Tấn khởi xướng cũng còn nhằm mục đích lấy lòng Hằng, cô bé có đôi mắt hút hồn của nàng La Giôcông, cái mũi của Đức mẹ Maria, đôi môi của “Người đàn bà xa lạ” trong tranh của Ivan Kramskôi… theo cách tả của Tấn. Tấn đang tìm mọi cách để chinh phục người đẹp.

Chuông điện thoại lại reo. Tôi như vồ lấy máy. Giọng nói đầy vẻ sợ sệt của bạn thằng Đạt. Nó thông báo tin dữ xảy ra đêm qua liên quan đến con tôi. Tôi ngồi lặng đi một lát rồi mới nhấc máy gọi cho Tấn. Chuông điện thoại phòng Tấn đổ rất đều nhưng không có người nghe. Tôi bấm số di động của anh. Câu trả lời quen thuộc “Số máy quý khách đang gọi, tạm thời không liên lạc được… ”. Vậy là tôi chỉ còn biết chờ đợi cho đến khi Tấn ra khỏi vùng không phủ sóng.

Hai mươi năm về sống với Tấn, dưới con mắt bạn bè, tôi là người sung sướng nhất. Tấn đẹp trai, tài giỏi, giàu có và thành đạt. Trong khi nhiều bạn cùng lớp chưa lo đủ tiền mua một chiếc xe máy thì Tấn đã đổi tới 6 đời xe ôtô. Nhưng với tôi, nỗi buồn luôn đồng hành với sự giàu có và sang trọng của Tấn. Tấn lấy tôi không phải vì tình yêu mà chỉ cốt để chứng minh cho mọi người biết sự lựa chọn của Hằng là sai lầm.

Chúng tôi tổ chức đám cưới sau đám cưới của Hằng và Tường một tháng. Tiệc cưới đặt tại một khách sạn sang trọng. Cả lớp 12C, trong đó có cả vợ chồng Hằng đến dự đám cưới chỉ dám ngồi vào một góc khuất để nhường chỗ cho các thực khách sang trọng, giàu có là bạn bè của Tấn. Hai mươi năm qua, cuộc đời tôi tựa như con chim nhốt trong lồng vàng. Tôi học xong Cao đẳng Sư phạm nhưng Tấn không cho đi làm mà bắt ở nhà trông con. Con trai tôi là tấm gương phản chiếu của bố nó. Đẹp trai, thông minh và đã từng làm lớp trưởng 9 năm liền. Nhưng từ khi nó học lên lớp 10 thì tôi không thể bảo ban được nữa. Thói quen quát nạt người trong cơ quan, quát mắng vợ con ở nhà của Tấn đã thấm vào giọng nói của thằng bé. Những câu nịnh bợ và nhận những phong bì tiền biếu xén dày cộp của Tấn dường như đã đọng vào mắt nó. Cái cách vung tiền tổ chức các cuộc pícníc chỉ để tỏ ra mình là người sành điệu, thời thượng của Tấn dường như đã ngấm vào máu nó…

Và năm ngoái, Tấn phải nhờ người này, cậy người kia nó mới có được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Đến kỳ thi đại học, tổng 3 môn thi của nó chỉ đạt 5 điểm. Năm nay, sau mười tháng vào các “lò luyện” đặc biệt, nó lại đi thi. Tấn thuê ôtô hạng sang và nhờ một người em họ đưa nó lên Hà Nội. Nhưng buông bút môn thi thứ ba vào buổi trưa thì buổi chiều nó biến mất khỏi khách sạn với vài dòng nguệch ngoạc để lại nơi lễ tân: “Cháu đi chơi với bạn, chú cứ về trước đi…”.

*

Tiếng chuông điện thoại khiến tôi giật thót người. Lần này là cuộc gọi của Tấn, giọng như gào lên trong máy:

- Cô đã biết tin gì chưa? Bọn rao báo đang ầm ĩ cả thành phố lên rồi kia kìa. Nhục ơi là nhục. Cô thay quần áo đi. Tôi về đón cô ngay bây giờ.

Tôi vừa thay xong quần áo thì có tiếng của Tấn ngoài cổng. Tấn quẳng cho tôi tờ báo tỉnh mới ra hồi sáng. Một dòng tít lớn ở trang nhất: “Một chiến sĩ công an bị trọng thương khi chặn tay hai nhóm côn đồ hung hãn”. Đọc đến những dòng viết về thằng Đạt, mắt tôi như hoa lên. Nó cầm đầu một nhóm côn đồ có kiếm. Nó đã đâm một đối thủ trọng thương. Một người công an cũng có tên là Tường đã kịp xông vào tước kiếm của nó. Và nếu người chiến sĩ công an không lao lên nhận về mình một vết thương ở ngực thì đường kiếm của kẻ cầm đầu nhóm đối thủ đã đâm trúng tim nó.

Giọng Tấn lạnh lùng cắt ngang những suy nghĩ đang bấn loạn của tôi:

- Tôi vừa ở trụ sở công an về đây. Họ không cho gặp thằng bé.

- Vậy anh chở em đi đâu bây giờ?

- Còn đi đâu nữa. Đến bệnh viện thăm ông công an đã...

*

Chúng tôi hỏi thăm vào khu vực bệnh nhân số 2, nơi người công an bị thương đêm qua đang được các y bác sĩ cứu chữa... Ngoài hành lang có hàng chục người đang vây quanh một người phụ nữ. Tôi sững người lại. Người phụ nữ ấy chính là Hằng. Vậy thì người công an bị thương kia lại chính là anh Tường của lớp tôi rồi. Hằng đang trả lời phỏng vấn của mấy anh chị nhà báo. Đứng bên cạnh Hằng là một số bạn lớp tôi. Họ đều lam lũ, nhếch nhác và già hơn cái tuổi ngoài bốn mươi. Giọng Hằng vẫn nhỏ nhẹ như ngày nào:

- Vâng, tối qua anh Tường về sớm hơn mọi ngày. Chúng tôi định sáng sớm nay cả nhà sẽ đi tham quan đồi thông trước khi cháu đi học xa. Anh Tường còn hứa sẽ lên đến đỉnh đồi sẽ hát cho mẹ con tôi nghe lại bài “Thành phố hoa phượng đỏ”. Đến mười hai giờ đêm hôm qua bỗng có điện thoại. Anh gỡ tay tôi ra khỏi vai, nói rằng có việc phải đi gấp. Đã quen với cảnh chia tay như thế này rồi nên tôi chỉ còn biết nằm thao thức chờ anh. Nào ngờ…

Một nữ phóng viên trẻ ngắt lời Hằng:

- Cô vừa nói em nhà mình sắp đi học xa. Xin hỏi em sẽ đi học ở đâu ạ?

- Em nhận được học bổng của một trường đại học bên nước Anh. Người ta đặt vé máy bay cho em đi vào chiều mai … Vậy mà bây giờ … Em cứ nhất quyết hoãn chuyến đi chờ cho đến khi nào bố bình phục. Em nói với cô rằng việc học là cả đời, con sẽ cố gắng phấn đấu để tìm cơ hội khác.

Một phóng viên chĩa chiếc máy ghi âm nhỏ xíu về phía Hằng hỏi tiếp:

- Theo nguồn tin mà tôi nắm bắt được, đồng chí Tường đã lao lên trước mũi kiếm của một tên côn đồ là để cứu đứa con nghịch tử của một đại gia rất giàu và có thế lực phải không ạ?

Hằng trả lời một cách rắn rỏi:

- Không đúng. Anh ấy chỉ cứu một đứa trẻ. Nhưng có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đứa trẻ này là con của hai người bạn học phổ thông của chúng tôi. Gần sáng nay, trong khoảnh khắc tỉnh lại ngắn ngủi, anh nói với tôi rằng khi nhận ra thằng bé, anh đã sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy.

Hằng nhìn sang xung quanh và nói tiếp:

- Và giờ này các bạn lớp 12C đang ở xung quanh tôi đây.

Tất cả các nhà báo đều ồ lên vì chớp được một chi tiết khá đắt giá. Họ nhất loạt giơ máy ảnh và bấm lia lịa.

Không ai bảo ai, tôi và Tấn đều lùi lại phía sau rồi lặng lẽ quay gót ra xe.

Từ bệnh viện về nhà, chúng tôi không nói với nhau một nửa lời. Một vài cánh phượng cuối mùa vương vất trên đường. Tôi như đang nghe được tiếng lép bép của những cánh hoa bị bánh xe của Tấn lướt qua. Những cánh hoa ấy đang rỉ ra những giọt li ti như máu.