PDA

Xem đầy đủ chức năng : Đêm hoàng thành



Icrysoul
21-10-2005, 10:24 PM
Đêm hoàng thành

Hoàng



Từ khi Hoàng thành Thăng Long phát lộ đến nay, thỉnh thoảng trong những đêm tối trời mưa phùn gió bấc, vào khoảng sau canh ba có hai người đàn ông - đúng hơn là hai cụ già - xuất hiện trong khu di tích. Trái với tuổi tác của mình, hai người đàn ông bước đi thong thả, nhẹ nhàng vượt qua những hố khai quật, những mô đất, những hào rãnh như một cặp tình nhân trẻ tuổi đang dạo chơi trong một khu vườn bằng phẳng (cái can trong tay ông thấp lùn có hàng ria mép đậm như chỉ để làm dáng hoặc có ý nhấn mạnh tuổi già của mình). Bóng hai người lúc gần lúc xa, như có như không, chợt ẩn chợt hiện, vừa thoáng ở chỗ này phút chốc đã ở chỗ kia.

Bằng cách nào hai người đàn ông vượt qua con mắt bảo vệ nổi tiếng cẩn mật, canh phòng suốt ngày đêm? Họ là ai, có ý đồ mục đích gì, làm gì trong khu di tích? Căn cứ vào giờ giấc có thể khẳng định ngay họ không phải hai nhà khảo cổ hoặc cán bộ có trách nhiệm nào đó. Nhưng phong thái ung dung tự tại của hai người cũng cho thấy họ không phải là người xấu.

Dầu thế nào đi nữa, những ai đã nhìn thấy hai người đàn ông không thể không động lòng trắc ẩn, có chút băn khoăn lo lắng. Tuổi cao, râu tóc đã bạc cả, tuy trên đầu có mũ phớt đấy, trên mình có áo ba-đờ-xuy đấy, cổ có quấn khăn len đấy, tránh sao khỏi lạnh? Mùa này rét độc rét hại, lại thêm ẩm thấp, đêm hôm khuya khoắt ngộ nhỡ cảm mạo phong hàn thì biết làm sao? Nhưng mặc cho ai lo lắng, hai người đàn ông không mảy may để ý, vẫn thư thả dạo bước, như thể trước mắt họ không có mưa, không có gió, không những người bảo vệ, không cả thiên hạ. Theo như cách đôi lúc họ vẫn gọi nhau, thì cái ông thấp lùn tên Nguyễn, còn ông gầy gầy là Vũ.

Lâu lâu ông Nguyễn lại cúi xuống, nhặt một mảnh gốm, một miếng ngói vỡ hay một đồ vật gì đấy ngắm nghía. Với một số cái ông thận trọng đặt lại chỗ cũ (tính ông vốn thế, mọi thứ phải đúng với trật tự của nó, tuyệt đối chính xác). Nhưng cũng có cái sau khi quan sát kỹ, ông lẳng lặng cho vào túi áo (cái ông giữ lại hẳn phải đẹp, phải độc đáo vì ông nổi tiếng là người duy mỹ). "Ông cứ thu nhặt linh tinh! Chừng ấy năm giang hồ, tha về hết cái này cái nọ vẫn chưa đủ hay sao!". Đáp lại lời than phiền của bạn, ông Nguyễn tủm tỉm cười. Cái mảnh đất nung ông vừa nhặt, chắc hẳn là mảnh vỡ của một chiếc ấm đất Nghi hưng, Mạnh thần Thế đức hay Lưu bội, độc ẩm song ẩm hay quần ẩm, tạm thời ông chưa rõ. Trong vô vàn những hiện vật thuần túy Việt Nam, vết tích của chiếc ấm đất mách bảo ông đã từng xảy ra sự giao lưu về văn hóa trà, mà những chủ nhân của hoàng thành là những người đã đạt tới đỉnh cao nhất của văn hóa ấy bằng cách bỏ qua hình thức rối rắm để giữ lại cái tinh túy nhất, cái phù hợp với mình. Khác với người Việt nói chung vừa phải, đôi lúc qua loa đại khái cho xong chuyện, cái anh Tàu đã chơi là chơi đến nơi đến chốn. Chỉ một chén trà, họ sáng chế ra những dụng cụ cực kỳ tinh xảo phục vụ cho một cách uống cầu kỳ vương giả. Cái vương giả cầu kỳ không hẳn do phú quý sinh lễ nghĩa mà sâu xa hơn, bắt nguồn từ sự hiểu biết chân tơ kẽ tóc về công dụng của trà. Đơn giản như cái lò quạt than nhất thiết phải thể hiện tư tưởng kinh Dịch: Khảm thượng, ly trung, tốn hạ, thể quân ngũ hành khử bách bệnh. Nhưng cùng với thời gian, những cái phù hoa biến mất, nhường sự trường tồn cho những gì giản dị. Những chiếc ấm đất thoạt nhìn đơn sơ ẩn chứa trong chúng vẻ đẹp sâu lắng khiến người ta mê đắm. Mảnh đất nung ông Nguyễn vừa nhặt được có một vết nhỏ ở phía bên trong khiến ông chú ý. "Ông nhìn kỹ mà xem, chỗ có cái vết mờ mờ này này. Tôi ngờ rằng đấy là dấu vết một giọt nước mắt của một người con gái nào đó đã vô tình rơi xuống trước khi đưa ấm vào lò nung. Giọt nước mắt hay giọt mồ hôi hở ông?". Rồi chẳng đợi bạn trả lời, ông Nguyễn gật gù, mắt long lanh. “Giọt nước mắt! Phải là giọt nước mắt mới thú ông ạ!". Ông Vũ cầm mảnh đất nung ông Nguyễn đưa cho, nheo mắt. "Nó mới mịn, mới mỏng làm sao!...". Nhưng đột nhiên ông hạ giọng. "Tôi thì tôi nhìn thấy một sợi tóc... Tóc chị Hoài... Phải thế cơ ông ạ!". Giọng ông Vũ nghiêm túc, chẳng có vẻ gì là đùa cợt nhưng ông Nguyễn hiểu ngay ông bạn đang trêu mình. Vốn thông minh, sắc sảo và tinh quái, ông Nguyễn sẵn sàng đáp trả. "Thế cái ngày năm năm tư ấy, sao ông không cắt một ít tóc của bà nhà đem theo cho đỡ thương đỡ nhớ mười hai?". Lời vừa ra khỏi miệng, với sự nhạy cảm trời cho, ông Nguyễn hiểu ngay mình hơi quá đà, hơi ác. Một thoáng im lặng giữa hai người. Gió vần vũ và mưa thì đã dày hơn. Ông Vũ thì thào "Tôi hỏi thật ông nhé... Bạn bè với nhau cả... Trong chừng ấy năm, có ông nào lui tới thăm viếng nhà tôi không?".

Mảnh đất nung... Cái vết mờ đẩy trí tưởng tượng tới giọt mồ hôi, giọt nước mắt... sợi tóc... rồi rơi về thực tại một câu hỏi. Cuộc đời con người kể từ khi lọt lòng đến lúc nhắm mắt xuôi tay không bao giờ thiếu vắng những câu hỏi. Hỏi người thực ra là hỏi mình, là giải tỏa những nghi ngờ thắc mắc của chính mình, là cầu mong sự thanh thản cho tâm hồn. Tuy nhiên, ông Vũ hỏi mà không cần câu trả lời và ông Nguyễn thừa biết điều ấy. Hai ông bạn già dù cách mặt vẫn quá hiểu nhau, quá hiểu lẽ đời để thoát khỏi một chấp nê phiền não.

Nhưng câu hỏi như một cú hích mở toang cánh cửa vào quá khứ - một quá khứ không tầng tầng lớp lớp xưa cũ như hoàng thành, không cần phương tiện hiện đại phân tích xác định sắp xếp thế này hay thế nọ, nhưng cũng đủ để ngẫm ngợi cho một đời người. Hai con người, hai đầu Nam Bắc, hai hoàn cảnh. Người này trong cái vỏ dinh tê từng giờ từng phút đối phó với kẻ thù ngày đêm rình rập, làm một diễn viên bất đắc dĩ, rồi lặng lẽ ra đi không buồn rũ bỏ giả trang sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, thanh thản bởi đã hoàn thành phận sự một con người của mình, mặc cho thế gian muốn nói gì thì nói. Người kia đấu tranh với những người xung quanh mình, nhiều khi với cả chính mình để giữ cho được mình là mình. Người này ở Sài Gòn ngụy trang nỗi nhớ bằng cách dát vàng ngọc lên một quả nhót xanh, một chén chè bà cốt, một cữ mưa rươi... khiến những gì đơn sơ nhất của đất Hà thành vụt lấp lánh. Người kia ở Hà Nội tôn thờ cái đẹp đích thực, đã là người đầu tiên nhận chân ra giá trị văn hóa của một bát phở, một khoanh giò lụa, đã đi trước thời đại và chịu đựng bi kịch của kẻ tiên phong. Một tháng nhớ và ba mươi năm nhớ. Một tháng ở xứ người, người nhớ đứng trên nỗi nhớ, sáng tạo một nỗi nhớ cao cả và đẹp như viên phỉ thúy. Ba mươi năm, ở ngay chính quê hương mình, người nhớ nhập vào nỗi nhớ, tình vợ chồng hóa thân tình phở, để lại cho đời một tiếng thở dài vô cùng vô tận...

Mỗi người một cách, họ đã gặp nhau ở tận cùng tình yêu quê hương xứ sở. Và chừng ấy là quá đủ để không phải thêm một lời nào nữa!

***

Khi đêm đã gần tàn, hai người đàn ông rời khỏi hoàng thành, đi về một quán phở. Quán phở ở ngay hồ Hoàn Kiếm, nằm trong một cái ngõ không rộng lắm. Những cái bàn dài kê dọc hai bên thành ngõ. Bếp than hồng đặt ở đầu ngõ hắt ánh hồng lên mặt người, đẩy cái giá lạnh ra phía bờ hồ. Dạo này những hàng phở ngày càng nhiều, xuất hiện cả trong khách sạn sang trọng. Một ông bếp Tây mê phở đã tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về phở, in cả catolog giới thiệu 100 hàng phở "ăn được" của thủ đô (đọc đến chữ "ăn được" ông Vũ và ông Nguyễn gật đầu tán thưởng). Tuy tinh tế là thế nhưng ông Vũ không khó tính lắm, ông có thể ăn ở bất cứ hàng phở nào, bất cứ phở gì, miễn là ở Hà Nội (đã chừng ấy năm ôm một nỗi tương tư, chín bỏ làm mười là điều dễ hiểu!). Ngược lại với bạn mình, ông Nguyễn kén cá chọn canh hơn. Khó có thể mời ông dùng một bát phở trong khách sạn. Kinh nghiệm cho ông biết những nơi nhà cao cửa rộng, bàn ghế sang trọng, bát đĩa sáng choang hiếm khi cho một bát phở ngon. Ông bực mình khi nhà đài mời anh bếp Tây kia lên nếm phở, hoan hỉ vỗ tay khi anh ta gật gù! Ông nhìn thấy trong cái hành động ấy sự thiếu tự trọng (có một anh "chí" ngồi trước ti vi bữa ấy đã phán một câu rất "chí" rằng làm thế, nào có khác gì mời một thằng cha bá vơ nào đó về ngủ với vợ mình để nghe nó khen vợ mình đẹp!). Đã đành ta phải tôn trọng bạn bè nhưng non sông cẩm tú của mình, mình không dám tự khẳng định, không dám tự hào, hỏi có tự ti không? Cách đây vài chục năm ông đã sớm nhận ra phở tuyệt diệu, đặt nó ngang hàng với núi cao bể rộng của đất nước. Ông đã gặp không ít khó khăn khi ấy nhưng ông tin ở điều ông viết!

Ông hàng phở nhận ra hai ông khách, tự tay bưng ra bàn một đĩa ớt đỏ thái lát mỏng, chai tương ớt hồng tươi, vài miếng chanh cốm xanh non. Lại bưng ra một lọ nước mắm Nghệ (bây giờ có nhiều loại nước mắm ngon hơn, nhưng ông khách đã trót yêu nước mắm Nghệ mất rồi!). Đáp lại cái nhìn dò hỏi của ông hàng phở, ông Vũ gọi một bát gầu. Còn ông Nguyễn, chẳng cần phải hỏi, bởi ông bao giờ cũng chỉ dùng phở chín. Phở cho hai ông khách sành ăn tất phải bày trong bát chiết yêu. Bánh phở được làm từ gạo chân ruộng phù sa non, thái bằng tay, dẻo mà không dai, thoang thoảng mùi thơm của hương gạo, làm bật lên cái hương thơm đậm đà quyến rũ của lát thịt chín thái mỏng và to bản, cái ngầy ngậy giòn giòn của miếng gầu. Màu nâm sẫm của những lát thịt chín, màu trắng ngà của bánh phở, màu trắng nõn của những củ hành chần, dúm rau mùi và hành hoa xanh ngát, một hai lát ớt đỏ tươi, nước dùng trong và ngọt - tất cả đều nóng hôi hổi kéo người ta đến hàng phở để rồi thành nghiện!

Chẳng thế mà khi ông Nguyễn và ông Vũ đang xì xụp thì một người khách sớm khác xuất hiện. Thoạt nhìn, có thể biết ngay đó là một người ăn xin. Kinh tế phát triển, đời sống nhìn chung cao hơn trước, những kẻ ăn xin ít đi, đặc biệt ở Hà Nội. Nhưng vẫn có người nghèo, có kẻ đói ăn đi xin ăn. Lại đi xin ăn khi trời còn chưa sáng thì đố ai ngăn cản xua đuổi! Người ăn xin dừng lại bên hàng phở, giữ một khoảng cách không quá xa nhưng cũng không gần đến độ vô lễ, hỗn xược. Đang lúc cao hứng, phải cởi khuy áo để xua bớt hơi nóng trong mỗi miếng nuốt vào, ông Vũ vui vẻ gọi ông hàng phở. "Hỏi ông ta ăn gì, làm cho ông ta một bát!". Ông hàng phở chưa kịp mở miệng đã thấy người ăn xin chắp tay. "Dạ, con cám ơn hai cụ. Thưa con đủ rồi ạ!". Vừa nghe giọng nói, ông Nguyễn giật mình suýt đánh rơi đôi đũa. Ông nhận ra giọng nói quen quen, như thể của người xin trà năm xưa! "Đã ăn lúc nào mà kêu đủ?" - Ông Vũ thật thà hỏi. "Dạ thưa, con nói khí không phải, xin hai cụ xá tội. Như hai cụ là bậc thầy về phở, nhưng...". "Nhưng làm sao? Cứ nói!". "Dạ, hai cụ xá tội con mới dám nói...". "Cái anh này hay nhỉ! Có ai bắt một câu nói đi tù đâu mà sợ!". "Dạ thưa, cụ dạy chí phải. Nhưng lời nói đôi khi phiền lụy đau lòng lắm ạ...". "...Thôi thì các cụ đã cho phép... Con thưa với hai cụ con đã đủ rồi là bởi tuy trên đời này không ai hiểu phở bằng hai cụ nhưng hai cụ có ăn thì mới biết ngon dở. Còn con chỉ ngửi mùi cũng đã biết. Thưa hai cụ, phở mà không sá sùng, không thảo quả thì khác gì tô mì, phải thế không ạ? Có anh hàng phở dối khách dùng mực nướng thay cho sá sùng, chỉ lừa được những kẻ thực bất tri kỳ vị. Lại có anh dùng nước luộc su su để tăng thêm độ ngọt, thưa cũng chỉ qua mặt được những người ăn cốt lấy no. Đến chuyện chữ phở, cụ cho biết có người nói chữ ấy là từ chữ phấn trong ngưu nhục phấn mà ra. Thế hóa ra phở có nguồn gốc Trung Hoa hay sao? Hoàn toàn không phải thế! Tỉ như cái củ gừng kia, con đọc sách thấy có can khương sinh khương nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy gừng nướng. Ấy ấy... thưa hai cụ, cái củ gừng nướng, cái con sá sùng nó khẳng định phở dứt khoát là của ta đấy ạ...". Người ăn xin nói một hơi, ngập ngừng gãi gãi đầu trước khi quyết định chấm dứt câu chuyện. ... “Thưa hai cụ, nước dùng của hai cụ hôm nay, đã kém một tí sá sùng, lại thêm cái củ gừng nướng hơi bị non ạ!".

Chắp tay xá một cái, người ăn xin khua gậy đi về phía bờ hồ. Người xin trà, người xin phở - thời nào mà chẳng có kỳ nhân? Ông Vũ và ông Nguyễn kinh ngạc không thốt nên lời. Ông hàng phở đưa ngọn đèn 60 watt tới bên thùng phở, lấy cái muôi vớt lên mấy củ gừng. Quả thật gừng hơi bị non!

Đúng lúc ấy, chuông đồng hồ của bưu điện bờ Hồ vang lên mấy tiếng. Trời đã sáng, mưa đã ngừng rơi. Hai ông khách rời khỏi quán lúc nào chả ai để ý. Những người ăn phở sớm kẻ trước người sau lục tục kéo nhau tới hàng phở. Họ xuýt xoa, phấn chấn với bát phở trong tay, không hay biết chuyện gì đã xảy ra.