PDA

Xem đầy đủ chức năng : Đêm không nghe tiếng sóng



Icrysoul
02-10-2005, 07:46 PM
Anh có đúng 22 năm để trở lại thị xã này. Nếu không phải là đại biểu có tham luận trong hội nghị ngày mai chắc có lẽ anh không bao giờ đến đây. Ban chiều, chiếc xe rẽ vào con đường chính tim anh như muốn vỡ tung. Những kỷ niệm cũ và nỗi day dứt mơ hồ nào đó thi nhau vò xé lòng anh...

Ra trường năm 22 tuổi, anh nhận quyết định về dạy học ở một trường trung cấp nằm trong thị xã. Cùng về với anh đợt ấy có Khoa và Bích, hai bạn học cùng trường. Khoa là dân thành phố như anh, còn Bích là người địa phương. Học trò đa phần là các học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9, bộ đội phục viên hay cán bộ đi học. Anh dạy môn phụ nên dù đầy nhiệt huyết cũng không thoát khỏi tâm trạng chán nản. Còn Khoa, tuy dạy môn chính nhưng do gia đình ở thành phố tương đối khá giả, phải về đây Khoa cũng chẳng phấn khởi gì. Chỉ có Bích là thoải mái vì cô được về gần nhà và được dạy môn chính.

Anh và Khoa ở cùng phòng trong khu tập thể. Biết tâm trạng buồn chán của hai người, sáng nào lên lớp Bích cũng tranh thủ đi sớm gần nửa tiếng, tạt vào lôi anh và Khoa lên lớp. Có hôm cả hai trùm chăn kín mít mặc cho Bích gõ cửa đến mỏi tay và luôn vùng dậy khi nghe giọng cô bắt đầu nghèn nghẹn nước mắt.

Nhiệt tình của Bích dần cảm hoá được hai người. Cô kéo anh và Khoa từ trong đống chăn mền bèo nhèo trên chiếc giường đơn ở khu tập thể những ngày nghỉ cuối tuần để ra phố, về quê, ra biển hay về nhà cô - một ngôi nhà nằm trên con phố chính có cây xà cừ xoè tán rộng phủ trùm hết vuông sân thượng. Có những buổi sinh hoạt gia đình đầm ấm cùng những món ăn ngon do chính tay mẹ cô làm thết đãi hai người. Ba Bích là một người đàn ông vui tính và chân thật, thích chơi cờ; thỉnh thoảng ông vẫn nói đùa anh và Khoa là Sơn tinh và Thuỷ tinh, ai thắng ông liên tiếp ba ván sẽ được ông gả con gái. Không bao giờ anh hay Khoa thắng được ông, nhưng chắc có lẽ lúc ấy cả hai người chẳng ai có ý nghĩ muốn thắng ông liên tiếp ba ván...

Một học kỳ, hai học kỳ rồi những học kỳ sau đó trôi qua trong bình lặng và tẻ nhạt vô cùng đối với anh. Những lá đơn xin việc anh gửi về thành phố mong được chuyển một công việc làm khác ngày càng ít hy vọng; sự tự tin trong anh mòn dần, có đôi lúc biến thành mặc cảm, tự ti hay những buồn vui vô cớ. Anh đem tất cả những muộn phiền ấy trút hết cho Bích. Cô yên lặng hàng giờ nghe anh tâm sự, cố gắng cùng anh tưởng tượng về một tương lai khá hơn cho anh, thế nhưng cuối cùng bao giờ cô cũng nhận từ anh một gáo nước lạnh: "Em làm sao hiểu hết được những điều ấy!". Anh chẳng thèm đếm xỉa đến nét buồn u ám đến tội nghiệp trên mặt Bích, anh chỉ biết loay hoay với những trăn trở cho riêng mình.

Một buổi tối thứ bảy, Khoa đã về nhà. Anh cảm thấy rất ngột ngạt trong căn phòng 16 m2 trong khu tập thể, anh lôi chai rượu ra uống một mình. Những suy tư, dằn vặt về một tương lai không có viễn ảnh gì sáng sủa ở một thị xã nhỏ bé và hiu hắt này thi nhau giằng xé, anh có cảm giác mình như con cá bị bủa trong tấm lưới chật hẹp, càng vẫy càng bị bó chặt. Đang lúc cực điểm của sự bế tắc thì Bích đến. Như người chết đuối vớ được chiếc phao, anh ôm lấy Bích và trút hết vào cô những nỗi buồn, bế tắc. Bích dịu dàng vuốt ve anh xoa dịu dần sự căng thẳng. Khi sợi dây đã chùng, cô nhận thấy anh chẳng hề yêu cô; cô chỉ là một từ hay một cụm từ điền vào dấu ba chấm đang bị khuyết trong cuộc đời anh, cô lặng lẽ rời khỏi căn phòng ấy và nuốt ực xuống cổ cảm giác buồn, tủi, đớn đau.

Cho đến một ngày anh nhận được sự chấp thuận về làm việc ở một viện nghiên cứu tại trung tâm thành phố. Tất cả như nhấn chìm anh xuống điểm cực tiểu khi Bích đến báo tin có một mầm sống đang cựa quậy trong cô. Đó là một đêm mưa. Tiếng mưa rơi đều đều trên mái tôn đưa anh từ từ rớt xuống tận cùng. Biểu đồ hình sin cuốn lại chập chờn dùng dằng trong anh, cuối cùng như một sợi dây nó kéo nhanh anh lên khỏi vực sâu với một lời từ chối quyết liệt: “Anh đã quyết định rời khỏi nơi này trong tháng tới!". Khi buột miệng nói câu đó, có lẽ lần đầu tiên trong đời anh nhìn thấy một đôi mắt khác thường đến như vậy từ Bích. Nó như một tấm thảm trải rộng được đan bằng những sợi dây thương yêu, oán hận, tuyệt vọng đến căm hờn. Bích đứng lên, quyết liệt và mạnh mẽ. Cơn mưa bên ngoài đã dứt, cô giũ thật mạnh tấm áo mưa cố làm rớt hết từng hạt nước nhỏ, rồi xếp lại một cách chậm rãi và bước rất nhanh ra khỏi căn phòng ấy.

Cuối cùng, mọi việc kết thúc như có một bàn tay sắp đặt khéo léo. Ngày đám cưới Khoa và Bích cũng là ngày anh bước lên xe đò rời khỏi thị xã.

Anh không gặp lại Khoa và Bích từ đó; tin tức của hai người thỉnh thoảng tạt vào đời anh như những cơn mưa bóng mây, khi thì nhỏ lúc thì ồ ạt. Họ đã có con, một bé gái xinh đẹp nhưng yếu ớt vì được sinh ra và nuôi nấng trong bối cảnh người mẹ bị đau ốm triền miên. Hai năm sau họ chia tay. Người ta nói họ không hợp nhau, nhưng hơn ai hết anh hiểu Khoa đã làm xong vai trò của mình. Khoa chuyển công tác về một thành phố trên cao nguyên và lập gia đình sau đó ít năm; còn Bích sau những chìm nổi trong cuộc đời, như một con bướm được thoát xác cô vươn mình đứng dậy, nghe nói mấy năm sau được đề bạt lên làm hiệu trưởng.

Anh bơi ngược bơi xuôi trong bể cuộc đời khi chìm, khi nổi cũng đến gần 10 năm sau đó mới lập gia đình. Cuộc sống hôn nhân của anh sẽ hoàn toàn thuận lợi và đầy đủ nếu vợ anh mang đến cho anh những đứa con; thế nhưng, một năm, hai năm rồi năm năm hy vọng ấy ngày càng lụi tắt. Vợ anh đòi đi khám, nhưng anh nhất quyết không chịu. Anh biết rất rõ điều này, anh yêu vợ thật sự và anh không muốn cô phải mang tâm trạng người có lỗi. Anh nhận phần thua thiệt về mình. Đó là lần đầu tiên trong đời anh làm hiệp sĩ, nhận mình là người bại trận: "Có lẽ anh đã lớn tuổi nên không thể có con được, nếu chúng mình yêu nhau thì sống như vầy cũng được rồi”. Anh nói với vợ như thế. Và từ đó trong căn nhà chung, họ là hai thế giới riêng biệt. Cô lao vào những đề án, những chương trình, những công việc ngoài xã hội. Anh chìm đắm vào những trang sách dịch, những bản văn tự cổ... Thế nhưng ám ảnh về những đứa con vẫn không thôi rời bỏ anh, những giấc mơ của anh thường xuyên có những đứa trẻ bụ bẫm bi bô không rõ nét, hay những tiếng cười trong trẻo. Thỉnh thoảng anh mơ thấy một ngôi nhà trên con phố chính có cây xà cừ xòe tán rộng, trên vuông sân thượng đặt sẵn một bàn cờ, có anh và một người đàn ông đang thận trọng đẩy từng quân cờ mong giành phần thắng, xung quanh lũ trẻ con chạy nhảy, chơi ô quan chơi canh chuông, có đứa thụp xuống níu lấy người anh mong được anh che chắn trong một trò chơi trốn tìm...

Người ta có thể dối với bất cứ ai, giấu giếm nhiều người nhưng không bao giờ qua mắt được người mẹ. Tối nay anh đã đến ngôi nhà đó. Thời gian phủ một lớp mờ lên tất cả mọi thứ. Cây xà cừ đã có dáng vẻ hơi cỗi, vẫn xòe tán rộng ôm hết vuông sân thượng. Anh dựa lưng vào nó rất lâu như tựa vào một người quen cũ. Qua khung cửa kính anh nhìn thấy bộ salon cổ ngày trước. Khi cánh cửa mở ra, một người đàn bà có gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc trắng, dáng đi nhẹ nhàng thanh thoát, nhìn anh chẳng có gì lạ lẫm hay ngạc nhiên:

- Tôi biết rồi cũng sẽ có một ngày cậu đến đây!

Không mời anh vào nhà, đứng dưới gốc cây xà cừ bằng một giọng nhẹ như gió thoảng bà đã nói với anh:

- Mọi việc đã qua lâu rồi, chúng tôi cũng đã quên tất cả. Mong cậu hãy hiểu cho là giờ đây chúng tôi đang sống rất bình yên.

Cánh cửa sắt kéo lại, những bánh xe có lẽ từ lâu chẳng được tra dầu mỡ nghiến ken két trên đường ray như nghiền nát trái tim anh. Ánh sáng bên trong vụt tắt trả tại bóng tối của cây xà cừ trùm kín lấy anh.

Hội nghị được tổ chức theo kiểu bàn tròn tọa đàm. Từng thành viên tham dự lần lượt được giới thiệu. Anh bị thôi miên vào góc cuối căn phòng, người ta vừa giới thiệu một đại biểu còn rất trẻ, cô vừa tốt nghiệp ra trường nhưng đã có nhiều công trình nghiên cứu đóng góp cho địa phương và hiện đang dạy tại một trường cao đẳng trong thị xã. Một mái tóc xõa dài ôm bờ vai nhỏ nhắn, nụ cười e ấp và khuôn mặt ửng hồng vì thẹn. Anh giật mình. Có phải là tuổi trẻ của anh đó không? Một khuôn mặt quen lắm anh đã gặp trong miền ký ức xa thẳm nào đó? Bên cạnh anh có tiếng một người giới thiệu với một người như muốn khẳng định thêm uy tín của cô gái: "Con cô Bích, hiệu trưởng trong trung cấp Y...".

Có một cái gì chạy dọc theo xương sống anh lạnh toát, tay anh run rẩy, đầu óc anh choáng váng. Mọi việc sau đó diễn ra một cách máy móc đối với anh, những ánh đèn flash lóe sáng, những ống kính cận kề, bài tham luận và những câu trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị... Đầu anh ong ong, tim anh như muốn vỡ tung ngàn mảnh... Ngôi nhà có cây xà cừ xòe tán rộng và câu nói văng vẳng: "Giờ chúng tôi đang sống rất bình yên...". Anh đã làm dang dở một thời tuổi trẻ của cả ba người: anh, Khoa và Bích, đã gây biết bao rắc rối trong quá khứ ở đây. Anh không có quyền làm xáo trộn sự bình yên nơi này một lần nữa.

Hội nghị còn tiếp tục một ngày nữa, nhưng chiều tối hôm ấy không chịu nổi những dằn vặt và nỗi buồn nặng trĩu trong tim, anh rời khỏi nhà nghỉ, ngoắc một chiếc xe đò Bắc - Nam, vội vã giống như một ngày mưa cách đó 22 năm.

Chiếc xe đò dừng lại một quán án bên đường cho tài xế cùng hành khách nghỉ ngơi, ăn tối. Đứng tựa lưng vào một gốc cây nhìn ra quốc lộ nhuộm một màu đen thẳm của đêm, anh nghe tiếng hát một người mù ai oán tả cảnh gà trống nuôi con và trách cứ ông trời sao bày vẽ chi nhiều bi kịch bắt người đời phải gánh chịu. Người chủ quán nói với những người xung quanh: “Ông ta mù hát rong kiếm tiền mà nuôi con gái tươm tất tắm. Con gái ông học rất giỏi, vừa thi đậu vào trường chuyên ở thị xã đó...".

Câu nói bâng quơ như nhát dao xắn vào trái tim nặng trĩu của anh một nhát thật sâu. Không suy nghĩ gì thêm nữa, anh khoác vội chiếc túi du lịch bước ra đường cái vẫy một chiếc xe đò Nam - Bắc đang ngược về thị xã.

Người phụ xe xếp cho anh một chỗ ngồi trên băng ghế sau cùng. Quá khứ, hiện tại, tương lai hiện lên trong mắt anh như một cầu vồng nhiều màu sắc khi nhòa, khi tỏ. Bên ngoài cửa xe, những luồng gió đêm đang tạt vào trong xe mang theo cái mùi nồng nồng của rơm rạ xoa dịu bớt nỗi đau trong anh. Biển trước mặt anh trải rộng đến vô cùng và xanh thẫm một màu ngọc bích. Vẫn là đêm không hề nghe tiếng sóng.