PDA

Xem đầy đủ chức năng : Hẹn Gặp Lần Cuối



dieu_hien
19-09-2005, 01:09 AM
Hẹn Gặp Lần Cuối
TG" Lê Duy Phương Thảo"
đây là giới thiệu truyện

Ngày 22-11.. Lập đông.

Tôi không biết mẹ đã làm điều gì lầm lỗi với cha khiến người nổi giận, để rồi cuối cùng mẹ con tôi phải khăn gói ra đi. Bên cạnh tôi, dáng mẹ yếu đuối, mong manh như cánh diều trắng của tôi mỗi khi gặp trời giông bão. Và đôi mắt mẹ mọng sưng vì đã khóc nhiều. Bất chợt tôi thấy mình như lớn hẳn lên, trưởng thành hơn cái tuổi mười bốn, mười lăm của mình để từ nay mẹ có tôi làm nơi tựa. Vậy đó, tôi biết từ nay mẹ cần có tôi, tôi là nguồn an ủi, động viên là mầm sống là nguồn nghị lực của mẹ và tôi cũng biết nếu từ nay không có mẹ, đời tôi sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa".

Đó là những dòng nhật ký mở đầu cho quãng đời gần năm năm vật lộn với cuộc sống bức xúc và đong đầy nước mắt của Lâm Huỳnh Thy.

Chắc hẳn trong chúng ta không ai tin một cô bé mười bốn mười lăm tuổi thì làm gì có đủ mộng đủ mơ, làm gì có sầu có tủi, có những tình cảm sâu sắc để viết nhật ký. Nhưng không, đó là sự thật, cái gia đình mà Lâm Huỳnh Thy sinh ra và lớn lên rẫy đầy những éo le, trắc trở do người cha mang đến. Cô bé phải làm quen với những giọt nước mắt của mẹ ngay từ thuở nhỏ. Chính cô cũng là người đêm đêm nằm trong vòng tay mẹ, lắng nghe những lời tâm sự nỉ non đầy trắc ẩn.

Từ đó đã tác động vào tư tưởng và tình cảm của cô bé, biến cô thành một thiếu nữ đa sầu, đa cảm để rồi nối tiếp sau đó là quãng đời đong đầy nước mắt.

chương1
Đó là cái làng chài nghèo nàn nép mình dưới rặng phi lao và một bên là rừng dương xanh thẳm. Có lẽ nó là hình ảnh nổi bật nhất của miền thôn dã này từ mấy đời nay. Họ gồm một thiếu phụ chừng bốn mươi tuổi, vóc dáng gầy gò, đôi má nhô cao, đôi mắt ẩn sâu buồn thăm thẳm, nhưng tất cả vẻ ngoài khắc khổ ấy không giấu được một phong thái đài các, toát lên từ dáng đi, cách nhìn và trang phục của bà.

Bên cạnh người thiếu phụ là một bé gái cũng giống như mẹ. Cô bé chừng mười lăm tuổi, cô có làn da trắng mịn màng, có sóng mũi thẳng và đôi môi mọng đỏ. Đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt của cô to, tròn, long lanh như có nước. Một đôi mắt đa sầu, đa cảm như lúc nào cũng sẵn sàng rơi lệ.

Hai người họ từ từ men theo dãy cát vàng trước làng chài. Nắng nhẹ đổ trên tóc, trên vai và trải dài quanh họ. Thiếu phụ chuyển chiếc va li to tướng từ tay phải sang tay trái. Cô bé đi cạnh lên tiếng, giọng nói mang âm sắc của người thành phố.

- Mẹ mỏi mệt lắm rồi, để con xách đỡ một đoạn.

Thiếu phụ xoa đầu con, chớp nhẹ đôi mắt buồn:

- Chiếc va li này không có nặng lắm đâu, so với gánh nặng rồi đây sẽ đè trĩu trên vai con. Bây giờ mẹ còn có thể gánh được thì con cứ để mẹ gánh.

Cô bé cầm tay mẹ lắc nhẹ. Tiếng nói dịu dàng thoát ra từ bờ môi mọng ướt của cô:

- Mẹ ơi! Mẹ nói gì mà con không hiểu?

Thiếu phụ lắc đầu, giông thật buồn:

- Rồi con sẽ hiểu, nhưng mà... đó là chuyện sau này.

- Thế sao mẹ không giải thích cho con biết ngay bây giờ đi?

Có tiếng thở dài não nuột từ thiếu phụ:

- Huỳnh Thi, có những chuyện cho dù có nói ngay bây giờ con cũng chẳng hiểu đâu. Rồi thời gian sẽ nuôi con khôn lớn, lúc ấy không cần mẹ giải thích con cũng hiểu.

- Không phải đâu mẹ - Cô bé tranh cãi - Thầy con nói: ta lớn khôn lên được như ngày nay là nhờ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Thế sao mẹ lại nói là thời gian?

Bất giác trên mắt thiếu phụ long lanh hai giọt nước. Giọng bà đau xót lạ:

- Tội nghiệp, con là một đứa bé thông minh, tiếc rằng... từ nay con không còn cơ hội đi học nữa.

Hai mẹ con vẫn bước đi giữa tiết trời đông giá lạnh. Cuối cùng họ dừng lại trước căn nhà cuối. Ngôi nhà không nhỏ lắm so với nhà cửa ở làng chài này. Ngập ngừng một chút rồi thiếu phụ thở than:

- Thật trớ trêu, không biết nơi này có chỗ dung thân cho mẹ con mình không.

Cô bé tròn mắt nhìn mẹ. Tâm hồn thơ trẻ của cô cảm nhận được vẻ bất an trong lời nói và cử chỉ của bà.

Cửa mở, phía sau khung gỗ là một thiếu phụ. Người đàn bà này mang dáng dấp đặc trưng của miền thôn dã. Áo bà ba và quần đen đã sờn cũ, lâu ngày không được là ủi. Bà dừng mắt trên y phục của hai người khách lạ, vẻ ngoài sang trọng của họ làm bà nể vì. Một chút kính trọng trong giọng nói:

- Bà cần gì ạ?

- Chào chị - Thiếu phụ đặt chiếc va li xuống nền cát rồi từ tốn nói - Mẹ con chúng tôi từ thành phố tới đây và muốn định cư. Hiện nay chúng tôi chưa có chỗ ở. Mọi người trong làng chỉ tới đây, họ nói là chị có thể giúp đỡ cho một chỗ ở tạm thời.

Người đàn bà im lặng và tiếp tục quan sát, đánh giá và cân nhắc. Lúc này, thiếu phụ nói thêm:

- Mẹ con tôi không còn chỗ nào để đến nữa, xin chị giúp đỡ cho. Tôi xin chịu mọi phí tổn.

Dường như câu nói ấy đã có tác dụng, một nụ cười nở trên môi chủ nhà:

- Được mà, người trong làng chỉ bà tới đây là đúng, bởi vì lúc trước tôi cũng từng ở thị xã.

- Vậy thì may quá!

- Vào nhà đi. Chà, bé gái xinh đẹp quá! Trên thành phố có khác, chả bù với bọn trẻ ở miền thôn dã này.

Thiếu phụ quay sang con nói bằng giọng âu yếm:

- Chào bác đi con.

Cô gái làm theo lời mẹ:

- Dạ cháu chào bác.

- Nó tên là Huỳnh Thi đó chị ạ.

- Chà cái tên đẹp quá! Người đàn bà lại tiếp tục khen ngợi.

- Năm nay cháu mười lăm tuổi. À tôi tên là Thụy Chi. Còn chị, tôi phải gọi chị bằng gì nhỉ?

- Tôi ấy à? Tên đầy đủ của tôi là Trần Thoại Mỹ. Bà cứ gọi tôi là Mỹ được rồi.

- Chị Mỹ này, chị cứ gọi tôi tên Chi đi, đừng kèm theo tiếng "bà" nữa, nghe như là tôi già lắm vậy.

- Ồ, vậy cũng tiện. Chi ngồi xuống đây đi, cả bé gái nữa, ngồi đi cháu.

Cả ba cùng ngồi quanh bộ ghế bằng gỗ soài đã cũ. Bà Chi quan sát căn nhà. Mọi thứ ở đây đều làm bằng gỗ, đơn giản và mộc mạc. Căn nhà khá rộng, ngoài ra còn có một cái chái nhỏ về hướng Đông và xoay mặt ra biển.

Có tiếng chủ nhà vang lên:

- Chị cũng thấy đó, nhà cửa tương đối rộng rãi, chỉ có mỗi mình tôi và hai đứa con trai sinh sống. Nhưng có điều nó không được tiện nghi lắm.

Đúng là không tiện nghi, nếu không muốn nói là nghèo nàn, Nhưng tất cả những gì gọi là tiện nghi, vật chất cao sang bây giờ đều không còn ý nghĩa gì đối với mẹ con Huỳnh Thi.

Mới trước đó một ngày, họ cất bước ra đi từ một thế giới cao sang hơn nơi này gấp vạn lần. Nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên với thời gian. Nhưng tất cả bây giờ đã trở thành quá khứ. Bà Chi nhận thức được rằng một chỗ ở thế này là điều mong muốn trong tương lai của họ.

- Không sao cả - Bà Chi cố nuốt ngược dòng hồi ức đau thương vào lòng. Chúng tôi tới đây và chấp nhận tất cả. Tôi mong mỏi được hòa nhập vào cuộc sống với bà con làng quê này. Chị Mỹ, nếu có thể được, xin phép chị cho mẹ con tôi ở lại đây làm ăn và sinh sống! Tất nhiên tôi sẽ chịu một phần phí tổn, nhưng điều quan trọng hơn hết là tôi xin chị giúp đỡ cho chỗ ở tạm thời. Bởi vì - giọng người thiếu phụ tự dưng nghẹn lại - bởi vì... chúng tôi không còn nơi nào để đến nữa.

Sao vậy nhỉ? - Bà Mỹ thầm nghĩ - mẹ con họ có vẻ sang trọng quá. Ta có nên đồng ý không, hay là từ chối... lợi hay hại đây? Cuối cùng bà nói:

- Thôi thế này nhé! Chị và cháu cứ tạm thời ở đây. Vấn đề còn lại chúng ta sẽ bàn bạc sau - bà cười rồi nói thêm - để tôi hỏi lại ý kiến thằng con trai. Thôi bây giờ tôi phải đi làm đây, thằng con tôi nó đi học sắp về tới rồi. Nó tên là Trần Gia Bảo.

Bà bước đi rồi chợt quay lại hỏi:

- Chị muốn ở lại đây luôn thật sao?

- Vâng... !

Huỳnh Thi thấy mắt mẹ mờ lệ. Sao vậy... Sao đời mẹ có nhiều nước mắt thế nhỉ?

********************************

- Đó là lần đầu tiên họ gặp nhau, nhìn thấy nhau. Lúc đó Lâm Huỳnh Thi đang thơ thẩn bên rừng phi lao cạnh nhà. Lập tức cô gái có cảm giác thân thiện như đã gần gũi với cậu ta từ lâu lắm vậy.

Bảo là cậu bé chừng mười lăm tuổi, nước da trắng ngần đáng ngạc nhiên so với màu da của đa số người dân vùng biển này. Bộ đồng phục trên người cùng với chiếc áo sơ mi trắng toát có đính phù hiệu, cặp táp trên tay, chân mang dép da, mái tóc bồng bềnh và gương mặt sáng lạng biểu lộ sự thông minh, lanh lợi của một đứa bé có học và được dạy dỗ cẩn thận...

Dáng dấp ấy gợi nhớ trong lòng Huỳnh Thi, và cho cô bé cảm giác gần gũi bởi đây là hình ảnh đã gắn liền với cuộc đời của cô suốt thời thơ ấu.

Thi nhìn cậu bé, môi nở nụ cười làm quen thật tươi và đầy thiện cảm. Nụ cười rất đẹp và vô cùng duyên dáng. Ô kìa! Thế mà cậu ta lại lạnh lùng bỏ đi, không buồn đáp lại, cũng chả đưa mắt nhìn Huỳnh Thi lấy một lần nữa.

Thi tức tối nhìn theo, ấm ức đến đỗi mắt óng ánh nước. Có đôi lúc cô bé tức cho đôi mắt của mình, làm sao mà nó dễ dàng rơi lệ đến thế nhỉ. Nhưng biết làm sao hơn khi mà Huỳnh Thi vốn là cô bé đa sầu đa cảm.

Trần Gia Bảo bước vào nhà, khẽ liếc nhìn thiếu phụ lạ mặt ngồi trên bàn, lạnh lùng gật đầu chào rồi đi vào nhà bếp. Ở đó bà Mỹ đang dùng đôi đũa trở lát cá chiên trên chảo.

- Mẹ - Bảo gọi rất thân mật - mẹ xem con đã về rồi nè.

- Ồ, con trai cưng của mẹ - bà Mỹ vẫn bận rộn với công việc của mình - Con tắm rửa rồi lên nhà chờ mẹ một chút! Mẹ sắp xong rồi.

Bảo vẫn đứng đó nói:

- Hôm nay con vẽ hình sinh học được mười điểm, mẹ phải thưởng cho con mới được đấy nhé!

- Con học thì ngày nào mà chẳng có điểm mười.

Bảo cười thật tươi khác hẳn với vẻ mặt lạnh nhạt lúc nãy:

- Con đùa thôi, mà nè, ai ở nhà trên vậy mẹ?

- Suýt chút nữa thì mẹ quên, con rửa mặt rồi vào phòng riêng , mẹ có chuyện muốn nói.

Bảo không hỏi gì thêm. Cậu ta lẳng lặng đi rửa ráy rồi thay bộ đồng phục bằng cái áo thun và quần sọc ngang gối. Xong cậu vào phòng riêng ngồi chờ mẹ. Đây là căn phòng dùng để ngủ và cũng là để học của Gia Bảo. Khắp nhà dường như chỉ có nơi này là khá hơn hết. Điều đó cũng cho thấy bao nhiêu tình cảm bà Mỹ dành cả cho đứa con trai này.

Cửa mở, bà Mỹ bước vào ngồi bên cạnh con trai trên chiếc giường của nó. Bà nhìn con âu yếm:

- Sao rồi, đi học về có mệt không con?

- Mẹ cũng biết mà, chuyện học đối với con đâu có gì là mệt mỏi.

- Mẹ biết! Biết con học giỏi, nhưng chỉ ngần ấy không thôi thì chưa đủ. Năm sau con đã lên lớp mười, cần phải ra thị xã học mà điều ấy thì rất tốn kém. Con cũng biết đó, nhà mình đâu có dư giả gì. Cuộc sống chỉ trông mong vào chiếc tàu đánh cá của thằng Nguyên Ngữ. Cho nên việc học sắp tới của con sẽ là vấn đề nan giải.

Bảo hỏi, giọng cậu ta trưởng thành hơn hẳn cái tuổi của mình:

- Mẹ nói với con chuyện đó trong lúc này chắc hẳn là có lý do?

- Đúng là như vậy, con cũng thấy mẹ con người khách lạ trong nhà mình rồi chứ gì?

- Có phải cái bà ngồi ở trong phòng khách và con bé có mái tóc dài thắt bím không mẹ?

- Đúng là họ - dừng lại một chút bà tiếp - họ muốn mướn nhà mình để ở. Gia Bảo, con thấy như thế có tiện không?

Bảo nhăn mặt:

- Cho con gái vào đây ở hở mẹ?

- Nếu con không thích thì thôi. Nhưng mà mẹ nghĩ, làm như vậy chúng ta sẽ có thêm một món tiền để sang năm cho con ra thị xã học.

Gia Bảo đứng lên, quanh qua quẩn lại trong phòng ra dáng vẻ suy nghĩ y hệt như một người lớn thật sự. Bên ngoài có tiếng ì ầm của gió biển vọng vào. Bảo đã chán ngắt cuộc sống tẻ nhạt ở miền quê này rồi. Trong lòng cậu đang nuôi một tham vọng, quyết tâm học thành tài để thoát khỏi cuộc sống lam lũ này. Đối với Bảo, chuyện học hành rất là quan trọng, dù đánh đổi bằng bất cứ giá nào, cậu ta cũng đồng ý chấp nhận. Và thế là Bảo quyết định, mặc dù viễn cảnh sống chung với một con bé gái nhiều chuyện không mấy làm Bảo thích thú. (Đối với Bảo, đàn bà bao giờ cũng rắc rối và nhiều chuyện. Trên thế gian này chỉ có mỗi mình mẹ Bảo là người phụ nữ tốt bụng duy nhất mà thôi).

- Mẹ muốn sao cũng được. Nhưng mà mẹ dặn trước với họ là không được bén mảng vào phòng của con.

- Ồ được mà - bà Mỹ đứng lên - mẹ sẽ dặn họ chuyện này.

Người đàn bà bước ra ngoài, không để ý đến thái độ khác thường và giọng nói trịch thượng của con. Đối với bà Gia Bảo bao giờ cũng là đứa con ngoan, học giỏi và thành đạt.

********************************

Bữa ăn đã gần xong, vậy mà Huỳnh Thi không thấy Bảo ngẩng lên nhìn mẹ con nàng đến một lần. Người gì đâu mà cao ngạo, lạnh lùng đến mức khó ưa thế? Nhưng mà sao cái dáng vẻ lạnh nhạt cộng thêm với gương mặt đẹp trai , biểu lộ sự thông minh của cậu ta cứ cuốn hút lấy Thi. Cô bé cố gượng để không phải lên tiếng làm quen với hắn.

Cuối cùng bà Mỹ trở lại vấn đề của mẹ con nàng:

- Chị Chi này, hoàn cảnh của chị và cháu đây tuy chưa biết được một cách rõ ràng, chính xác nhưng mà tôi vẫn tin chị là người tốt.

Mẹ nàng có vẻ xúc động:

- Cảm ơn chị đã tin tưởng.

- Chị ở lại đây thì cũng được, không có gì bất tiện cả. Nhưng mà thú thật với chị, thằng con của tôi đây sang năm sẽ phải ra tận thị xã học, vần đề chi phí rất tốn kém.

- Chị Mỹ - bà Chi xen vào - tôi hiểu chị. Vấn đề tiền nong xin chị cứ nói ra một cách thẳng thắn để chúng ta cùng thương lượng.

Và thế là cuối cùng họ cũng thương lượng xong. Mẹ con Huỳnh Thi được ở lai đây. Giang sơn của họ là cái chái nhỏ nằm về hướng Đông của ngôi nhà. Ở đây chật hẹp, tồi tàn, thiếu thốn đủ mọi thứ nhưng mà cái thiếu lớn nhất của họ là tiền nong. Rồi họ sẽ phải sống ra sao đây? Làm gì đây ở cái làng chài heo hút này? Đêm đó Huỳnh Thi ghi thêm vào nhật ký của mình:

" Ngày 23-11...

Trời vẫn se lạnh, cái lạnh càng rét buốt hơn với từng cơn gió biển cứ lùa qua kẽ vách. Vậy là tôi sẽ ở lại đây, sinh sống tại làng chài này. Theo như lời mẹ nói thì tương lai của mẹ và tôi sẽ cùng đen tối. Tôi không hình dung được cuộc sống thế nào, nhưng có lẽ sẽ nhiều nước mắt hơn..."