PDA

Xem đầy đủ chức năng : Thành cổ Thăng Long



opal258
05-04-2005, 08:32 AM
http://www.danangpt.vnn.vn/news/vh_ddvh/image/vh_ddvh282_1.gif

Địa thế ưu việt của miền đất Hà Nội đã làm cho Hà Nội đóng vai trò một trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa từ lâu đời và giữ vai trò thủ đô của đất nước trong một thời gian dài nhất của lịch sử.

Từ năm 545, Lý Nam Đế đã dựng đô thành Vạn Xuân, rào lũy ở cửa sông Tô Lịch để chống quân xâm lược Trần Bá Tiên [1].

Năm 602, Nhà Tùy chuyển trụ sở đô hộ từ Long Biên sang Tống Bình (miền Hà Nội ngày nay).

Năm 621, Khâu Hòa xây dựng Tử Thành, năm 767 Trương Bá Nghi xây La Thành, năm 791 và 801. Triệu Xương và Bùi Thái sửa sang La Thành, năm 808 Trương Châu sửa lại La Thành [2] gọi là "An Nam La Thành".

Lần cuối cùng đắp thành ở miền Hà Nội trong thời Bắc thuộc là lần do Cao Biền đắp [3] trong khoảng những năm 866 - 868.

La Thành của Cao Biền có quan hệ chặt chẽ với thành Thăng Long đời Lý, và được gọi tên thành Đại La cũng từ chiếu dời đô của Lý Thái Tổ.

Từ năm 1010 Lý Thái Tổ định đô ở miền đất Hà Nội, kinh đô được gọi là Thăng Long. Qua suốt các triều Lý, Trần, Lê, tên thủ đô có đổi: Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh; thành lũy, cung điện có xây, có phá, có đổi chỗ, có mở mang, song vẫn ở quanh vùng Hà Nội ngày nay.

Miền đất Hà Nội do "có thể rồng cuộn hổ ngồi", "tiện hình thế núi sông sau trước", "muôn vật rất thịnh và phồn vinh", nên lịch sử đã ưu tiên trao cho địa vị trung tâm của đất nước qua nhiều thời đại. Cũng do sự ưu đãi đó của lịch sử mà miền đất Hà Nội đã chịu bao độ bể dâu, những kinh thành xây dựng trên đất này cũng chịu những đổi thay nặng nề tới mức có kinh thành hầu như không còn dấu vết.

A. Thành Thăng Long thời Lý

Trần Huy Bá đã đề xuất [4]:

"Phía bắc áng chừng ở vào chỗ rẽ đường xuống trường Đua Ngựa cho đến cửa đền Quan Thánh.

Phía đông từ quá đền Quan Thánh đến gần Văn Miếu bây giờ.

Phía nam từ gần Văn Miếu tới gần chỗ rẽ tránh đường xe điện Cầu Giấy.

Phía tây từ gần chỗ tránh đường xe điện Cầu Giấy đi tắt đến gần chỗ rẽ xuống trường Đua Ngựa bây giờ.

Núi Khán Sơn ở Bách Thảo và chùa Một Cột phải ở về phía đông Hoàng thành Thăng Long xưa. Hồ Ngọc Hà phải là ở về phía đông của nội thành mới đúng như bản đồ đời Hồng Đức ghi.

Như thế các cung điện chính phải ở vào khu Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Vạn Phúc, nhà máy rượu bia và chùa Bát Tháp bây giờ mới là đúng chỗ. Vậy thành Thăng Long xây năm 1805 có lẽ đã theo sự nhu cầu về gần bên sông Hồng Hà mà đã thiên hẳn ra ngoài phía đông thành Thăng Long cũ, rồi các di vật đều thiên cả ra mà sử không chép tường tận chăng?".

Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán đã có ý kiến khác: "Sử sách không hề chép có một sự di chuyển nào của kinh đô Thăng Long qua những triều đại Lý - Trần - Lê. Trái lại, những di tích ghi trong tài liệu cũ phối hợp với sự điều tra tại chỗ cho phép đoán định rằng thành Thăng Long đời Lý vẫn giữ nguyên vị trí cũ cho đến đời Nguyễn. Núi Nùng tức núi Long Đỗ được thuyết phong thủy coi như là một nơi tập trung của "Khí thiêng sông núi nơi đế đô" vẫn là trung tâm của đô thành Thăng Long qua bao nhiêu thế kỷ" [5]. "Như thế là kinh thành Thăng Long cũ bao gồm Hoàng thành cùng khu buôn bán về phía đông giáp với sông Hồng, khu nông nghiệp về phía tây đã được hình thành ít nhất ngay từ thời Lý".

Hai ý kiến khác nhau quá xa về vị trí địa lý của thành Thăng Long đời Lý cho tới nay vẫn chưa phân phải trái, vẫn phải đợi "Khi nào có đủ điều kiện khai quật thăm dò ở dưới lòng đất, thì sự xác minh mới là chính xác". [6]

Những dòng thư tịch chép về vị trí và cấu trúc thành Thăng Long đời Lý thật ích ỏi. Tuy vậy số lượng tư liệu nghèo nàn đó vẫn có giá trị nghiên cứu của nó, mà giá trị cao hay thấp còn tùy ở cách khai thác của từng người nghiên cứu.

Chúng ta gặp những dòng đầu tiên quan hệ tới kinh đô Thăng Long đời Lý trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ viết năm Canh Tuất (1010). Bài chiếu có đoại viết:

"... Thế mà nhà Định, nhà Lê lại theo lòng riêng, lơ là mệnh trời,... yên ở nơi quê quán, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tồn, muôn vật không nên. Trẫm rất xót thương, không thể không rời đi nơi khác. Huống chi đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thể rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả".

Như vậy kinh đô nhà Lý được định ra không câu nệ vào đất quê hương của dòng họ, mà chọn nơi trung tâm về địa lý, về kinh tế để xây dựng. Nơi ấy chính là La Thành cũ của Cao Biền (7).

Sử chép tiếp:

"Bèn xây dựng cung điện ở trong cung thành Thăng Long phía trước dựng điện Càn Nguyên là chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu làm điện Giảng Võ, lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, chính hướng nam là điện Cao Minh, đều gọi là thềm rồng; bên trong thềm rồng có mái cong, hàng hiên bao quanh bốn mặt. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An và Long Thụy làm nơi nghỉ ngơi, bên tả làm điện Nhật Quang, bên hữu làm điện Nguyệt Minh; đằng sau dựng hai cung Thúy Hoa và Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành đào hào, bốn mặt thành mở bốn cửa, phía đông gọi là cửa Tường Phù, phía tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía nam gọi là cửa Đại Hưng, phía bắc gọi là cửa Diệu Đức. Lại ở trong thành làm chùa Hưng Thiên Ngự và lầu Ngũ Phượng Tinh, ở ngoài thành làm chùa Thắng Nghiêm ở phía nam" [8].

Đoạn thư tịch này cho hay: Có một tòa thành trong mới được đắp, có tường thành và hào ngoài, mở bốn cửa ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Tòa thành này bao quanh các cung điện, kho tàng, chùa tháp của nhà vua và nằm trong thành Đại La của Cao Biền, như vậy thành Thăng Long thời Lý có hai vòng thành: thành ngoài là La Thành của họ Cao và thành trong mới đắp sau khi dời đô tới.

"Quý Sửu, năm thứ tư (1013)...
Mùa đông tháng 10...
Đắp thành đất ở bốn mặt kinh Thăng Long" [9]
"Giáp Tý năm thứ 15 (1024)...
Mùa xuân... sửa chữa kinh thành Thăng Long" [10].

Ghi chép tuy không rõ ràng, song ta cũng có thể nghĩ rằng việc đắp thành đất và việc sửa chữa kinh thành Thăng Long tức là tiếp tục đắp và sửa chữa tòa thành trong mới được đắp từ năm 1010, tường thành vẫn đắp bằng đất chứ không xây gạch hay đá, hoặc bằng loại vật liệu khác.

Đoạn chép: "Mậu Ngọ (1078). Mùa xuân, tháng giêng sửa lại thành Đại La", cho biết rõ ràng hơn, đó là công việc sửa chữa vòng thành ngoài của kinh thành Thăng Long đời Lý.

Cho tới nay, những cuộc khai quật lẫn tìm dấu vết thành Thăng Long thời Lý không nhiều và mới chỉ tiến hành ở vùng Ngọc Hà. Cũng có thể nói rằng phần do yêu cầu sự việc xây dựng của Hà Nội, phần do ý đồ muốn khảo nghiệm ý kiến về vị trí thành Thăng Long thời Lý của Trần Huy Bá mà những cuộc đào tìm đều tiến hành ở khu vực này.

Hiện vật thu nhặt được cũng nhiều và có hiện vật rất có giá trị song vẫn chưa đủ để chứng minh rằng thành trong của Thăng Long thời Lý là ở vùng Ngọc Hà ngày nay, nghĩa là chếch hẳn về phía tây thành Đông Đô thời Lê, Hà Nội thời Nguyễn.

Năm 1889, khi thực dân Pháp mở vườn Bách Thảo có tìm thấy cột đá chạm rồng suốt thân cột, đường kính cột 0,50 mét, cao trên 2 mét [11]. Đây là cây cột đá chạm rồng độc nhất ở nơi cung điện nhà vua trong thành Thăng Long đời Lý.

Mắy năm đầu thế kỷ XX lại đào được ở phía tây vườn Bách Thảo lan can đá chạm sấu, hai bên lan can còn chạm hoa cúc dây mang phong cách Lý - Trần [12]. Đây cũng là lan can bậc lên xuống các cung điện nhà vua.

Tháng 7-1932 đã tìm thấy một hộp nhỏ chạm hoa cúc dây, trong có một cán dao hình đầu con vẹt. Hai hiện vật đều bằng vàng tìm thấy ở độ sâu chừng 2 mét, nơi cổng vào trường Đua Ngựa [13].

Vùng Ngọc Hà, Vạn Phúc, Hữu Tiệp, Kim Mã v.v... hàng trăm năm nay thường tìm thấy đồ đất nung hình rồng, phượng, cầm thú v.v... Đó là những bộ phận vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc mang phong cách Lý - Trần. Hàng vạn mảnh đồ sứ tráng men xanh, vàng, nâu cũng tìm được tại vùng này.

Năm 1970 - 1972, Khoa Sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội đã khai quật ở sườn phía tây nam núi Cung nhằm tìm dấu vết cung Thái Hòa và thành trong. Đợt khai quật không mang lại kết quả mong muốn.

Năm 1972, Viện Bảo tàng Lịch sử khai quật khu Đồng Gạch và Đồng Giếng. Hàng loạt di vật kiến trúc như gạch, ngói, sư tử đá và đất nung... đã được phát hiện rải rác trong tần văn hóa nhưng chưa tìm thấy nền kiến trúc. Những chồng bát đĩa nung hỏng dính liền nhau tìm thấy ở Đồng Gạch và những di tích bếp đun tìm thấy ở Đồng Giếng gợi ý cho nhận định: đây là khu vực cư trú của những phường thợ thủ công sản xuất phục vụ cho kinh đô khi đó.

Năm 1978, để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng kiến trúc Cung Thiếu niên trung ương đã được xây dựng tại vùng Quần Ngựa khu Đồng Gạch lại được coi là một trọng điểm điều tra. Một phế tích kiến trúc xây dựng bằng vồ và ngói lưu ly nhiều màu được phát hiện. Hiện vật đều mang đặc điểm thời Lê, do vậy dự đoán về ngôi chùa Chân Giáo thời Lý, nơi đi tu và bị sát hại của vua Lý Huệ Tông cũng chưa được chứng minh.

Tháng 11-1978, khu Quần Ngựa lại tiếp tục được đào thám sát với quy mô lớn hơn. Khu Đồng Gạch cung cấp nhiều di vật gạch vồ, gốm sứ tráng men, bát đĩa, âu hũ nguyên vẹn trong một tầng văn hóa ổn định.

Một khẩu giếng quây bằng những bao nung đồ sứ (giống như khẩu giếng thời Trần phát hiện được ở Tức Mặc) [14] củng cố nhận định đã nêu: đây là khu vực thủ công nung gốm sứ. Nhiều phế phẩm đồ sứ dính liền nhau cũng lại tìm thấy ở đây. Dấu vết dòng sông cổ, đoạn còn đoạn mất, nối với sông Tô Lịch chính là con đường vận chuyển hàng hóa của những lò nung nơi đây đi tới các vùng tiêu thụ.

Khu "Chùa Chân Giáo" (?) lại được đào 5 hố. Kết quả cho phép khẳng định rằng ngôi chùa thời Lý đó không có ở nơi đây.

Đình Thái Tề, phía bắc núi Cung, cũng được thám sát và tìm thấy nhiều vật liệu kiến trúc đất nung thời Trần như: rồng, phượng trang trí trên các bờ nóc của mái kiến trúc cổ.

Chùa Vĩnh Phúc được đào 10 hố ở xung quanh. Một ngôi chùa cổ thời Lê còn để lại dấu vết khá rõ ràng, quy mô to lớn ở độ sâu chừng 1 mét.

Trên cơ sở đó, người phụ trách khai quật đã đưa ra kết luận:

"1- Quần Ngựa chỉ có một số kiến trúc thời Lý - Trần... Những phế tích kiến trúc thời Lê đậm đặc và đồ sộ.

2- Quần Ngựa chỉ là khu vực cư trú của những người bình dân suốt từ thời Lý - Trần đến đầu Lê. Và đặc biệt, từ thời Lê trở về sau thì mật độ dân cư ở đây mới thật sự đông đúc" [15].

Tóm lại cho tới nay vòng thành trong của kinh thành Thăng Long thời Lý, hay nói cách khác là vòng thành đắp vào thời Lý, dù đã mất nhiều công sức tìm tòi, vẫn chưa thấy rõ dấu vết. Mọi điều bàn bạc về hình dáng của nó đều vẫn chỉ là ước đoán. Về phần mình, tán thành ý kiến của Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán, chúng tôi nghĩ rằng chỉ nên tìm dấu tích của Thăng Long thời Lý ở khu vực kinh thành thời Trần, Lê về sau.

Cho dù chưa tìm thấy vòng thành trong của kinh thành Thăng Long thời Lý, do đó chưa thể có một bản vẽ mặt bằng có thể chấp nhận được về Thăng Long thời Lý, chúng ta vẫn có thể, bằng những tư liệu đã nói trên, nói được phần nào về cấu trúc của tòa thành này.

Thành gồm có hai vòng thành bao bọc lấy nhau. Vòng thành ngoài chính là La Thành của Cao Biền. Dấu vết La Thành ngày nay vẫn còn khá rõ. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng La Thành mặt phía đông cũng là đê sông Hồng lên tới Hồ Tây, tiếp là đoạn đường Hoàng Hoa Thám, rồi chạy dọc tả ngạn sông Tô Lịch từ Bưởi đến Ô Cầu Giấy, qua Giảng Võ đến Ô Chợ Dừa, Kim Liên, đường Đại Cồ Việt và đường Trần Khát Chân cho đến Ô Đống Mác rồi lại gặp đê sông Hồng.

La Thành là vòng tường thành khép kín, cơ bản là dựa theo địa thế tự nhiên mà xây đắp. Thời Lý, ngay từ đầu dời đô ra Thăng Long đã lợi dụng ngay toàn bộ vòng thành này làm vòng thành ngoài. La Thành được bồi đắp, sửa chữa trong suốt quá trình đóng đô tại đây của triều Lý.

Vòng thành này đắp bằng đất, phía ngoài có lợi dụng sông Hồng, sông Tô Lịch và nhiều đầm hồ làm hào tự nhiên [16].

Những cửa thành tuy không còn tư liệu gì nói tới, song có thể nghĩ rằng đó chỉ là những đoạn khuyết của tường thành mà không có xây cửa hay lầu cửa (vọng lâu) như những tòa thành các đời sau. Tất nhiên ở mỗi cửa này phải có nơi đóng quân canh gác.

Vòng thành trong [17] được xây đắp hoàn toàn mới, kể từ khi Lý Thái Tổ dời đô hồi tháng 7 năm 1010. Vòng thành bao quanh một loạt cung điện mới dựng. Thành đắp bằng đất, có đào hào ngoài, mở bốn cửa Tường Phù, Quảng Phúc, Đại Hưng và Diệu Đức ở bốn mặt đông, tây, nam, bắc. Hiện không còn dấu vết nào để có thể khẳng định rằng bốn cửa thành xây dựng ra sao, song cứ lý mà suy thì vòng thành trong là công sự trực tiếp bảo vệ các cơ quan đầu não của Nhà nước cùng họ hàng nhà vua nên cửa ra vào tất phải có đóng mở nghiêm ngặt, cửa thành chắc phải được xây dựng kiên cố và ít nhất ở cửa chính (cửa Tiền) phải có dựng vọng lâu uy nghi đẹp đẽ.

Phạm vi của vòng thành thứ hai, cho tới nay vẫn chưa có ý kiến khẳng định, tuy vậy có thể đoán rằng phạm vi tất không nhỏ, bởi vì vòng thành đó phải bao bọc hàng trăm kiến trúc cung điện, lầu gác, chùa tháp xây dựng liên tiếp suốt cả thời Lý [18].

Hai vòng thành ngoài và trong đã nói trên đây cho dù xây dựng trước sau khác nhau nhưng được các vua nhà Lý tiếp nhận vào đồ án kiến trúc chung của kinh thành triều đại mình.

Một bình đồ kiến trúc gồm hai vòng thành bao bọc lẫn nhau lần đầu tiên xuất hiện trong kiến trúc thành Việt Nam. Hai vòng thành này, cứ theo sử cũ, mang tên gọi khác nhau. Vòng ngoài gọi là Đại La thành với hàm nghĩa là vòng thành lớn bao xung quanh Cung thành.

Vòng thành trong được gọi là Cung thành (theo Đại Việt sử ký toàn thư) với ý nghĩa là một tường thành bao quanh cả khu vực các cung điện nhà vua mới xây dựng từ khi dời kinh đô tới. Cung thành ở đây chưa mang ý nghĩa là Hoàng thành hay Tử cấm thành như những thành xuất hiện thời sau nữa. Một chứng cứ sinh động là năm 1012, nhà vua đã "sách phong Hoàng thái tử. Phật Mã làm Khai Thiên Vương, làm cung Long Đức ở ngoài thành cho ở, có ý muốn cho biết việc dân gian" [19].

Nói tóm lại bình đồ kiến trúc đầu tiên của kinh thành Thăng Long thời Lý có tiến bộ hơn so với thành Hoa Lư. Hai lớp vòng thành bao bọc lẫn nhau tăng cường sức kiên cố và thế hiểm trở cho công trình. Hai lớp vòng thành cũng có ý nghĩa phân biệt rõ ràng thêm một bước trật tự phong kiến giữa các cư dân trong thành, tuy nhiên cũng phải thấy trật tự phong kiến lúc này vẫn chưa thành luật lệ quá phiền phức và hà khắc.

Đời vua Lý Thái Tông, năm 1029, một sự kiện mới xuất hiện đáng để cho ta chú ý về bình đồ kiến trúc của kinh thành Thăng Long.

Sử chép: "Tháng 6, rồng hiện ở nền cũ điện Càn Nguyên. Vua bảo các quan hầu rằng: "Trẫm phá điện ấy [20], san phẳng nền rồi, mà rồng thần còn hiện, hay là chỗ ấy là đất tốt đức lớn dấy nghiệp ở chính giữa trời đất chăng?". Bèn sai quan theo quy mô rộng lớn, nhằm lại phương hướng, làm lại mà đổi tên làm điện Thiên An. Bên tả làm điện Tuyên Đức, bên hữu làm điện Diên Phúc thềm trước điện gọi là thềm Rồng (Long Tri); bên đông thềm Rồng đặt điện Văn Minh, bên tây đặt điện Quảng Vũ; hai bên tả hữu thềm Rồng đặt lầu chuông đối nhau để nhân dân ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên; bốn xung quanh thềm Rồng đều có hành lang giải vũ để các quan hội họp và sáu quân túc vệ. Phía trước làm điện Phụng Thiên, trên điện dựng lầu Chính Dương làm nơi giữ giờ khắc; phía sau làm điện Trường Xuân, trên điện dựng gác Long Đồ làm nơi nghỉ ngơi chơi ngắm. Bên ngoài đắp một lần thành bao quanh gọi là Long Thành" [21].

Long Thành là một vòng tường thành nhỏ chỉ bao bọc quanh một khu vực mới xây gồm điện Thiên An, nơi làm việc chính của nhà vua và triều đình, và mấy điện khác như điện Tuyên Đức, Diên Phúc, Văn Minh, Quảng Vũ, Phụng Thiên và Trường Xuân. Điện Trường Xuân cũng là nơi ở, bên trên có xây gác Long Đồ để nhà vua nghỉ ngơi chơi ngắm. Đây cũng là nơi vua Lý Thái Tông băng vào năm 1054.

Vòng tường thành này rõ ràng là vòng tường thành trong cùng, vòng tường thành thứ ba lọt trong phạm vi của vòng tường thứ hai đắp năm 1010, và chỉ bảo vệ riêng nơi ở và làm việc của nhà vua. Người ta có thể tin vào lý do đó mà coi vòng tường này là Cấm Thành, là Tử Cấm Thành. Thực ra khái niệm Tử Cấm Thành chưa có vào thời này. Sử đã chép rõ nơi này, theo suy nghĩ của nhà vua "là đất tốt đức lớn dấy nghiệp ở chính giữa trời đất" nên được xây dựng làm trung tâm hành chính quốc gia và được đắp thành bao quanh, phần để bảo vệ, phần để giữ vẻ tôn nghiêm vô thượng. Tên đặt Long Thành cũng phần nào chứng minh điều đó.

Có thể dự đoán không sai rằng vòng tường Long Thành xây dựng không to cao lắm, không có hào ngoài, cửa thành không có lầu bởi vì công trình chỉ mang tính chất nửa quân sự.

Nếu tính Long Thành là một vòng tường thành thì kinh thành Thăng Long thời Lý gồm ba vòng tường thành bao bọc lẫn nhau. Như vậy kiểu kiến trúc "tam trùng thành quách" đã xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thời Lý, có sớm hơn cả ở Trung Quốc. Chúng tôi không nghỉ như vậy bởi vì không coi Long Thành là kiến trúc hoàn toàn quân sự. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng Long Thành là tiền đề cho một vòng thành thứ ba mang đầy đủ tính chất quân sự trong bình đồ kiến trúc của các kinh thành những thời sau.

B. Thành Thăng Long thời Trần

Cuộc thay triều đổi đại từ triều Lý sang triều Trần đã diễn ra ở kinh đô Thăng Long bằng màn kịch nhường ngôi của vị nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng cho chồng là Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông) vào năm 1225.

Cuộc đảo chính êm ả đó làm cho kinh đô của đất nước hầu như không bị xáo động. Ngay cả cái tên kinh đô: Thăng Long, cũng tồn tại nguyên vẹn; cho mãi tới cuối triều Trần, khi mà Hồ Quý Ly cho xây dựng thành Tây Đô để chuẩn bị cướp ngôi nhà Trần, kinh thành Thăng Long mới được gọi thêm tên mới là Đông Đô nhằm phân biệt với Tây Đô.

Nhà Trần tiếp thu toàn bộ mọi tài sản của kinh đô nhà Lý rồi tiếp tục tu bổ xây dựng theo yêu cầu mới.

Vòng thành Đại La có lúc mở rộng thêm [22], có hồi dựng thêm rào trại củng cố việc phòng thủ chung cho cả kinh thành [23]. Tuy nhiên về cơ bản vòng thành này vẫn không có gì thay đổi về cả hình dáng, kỹ thuật kiến trúc lẫn chức năng của nó.

Đáng chú ý có vòng thành trong cùng được đắp từ thời Lý gọi là Long Thành. Ơở thời Lý, Long Thành mới được đắp như một vòng tường bao quanh một số cung điện nơi vua ở và làm việc.

Tới thời Trần, vòng thành này được đắp thêm kiên cố và có đặt quân canh gác nghiêm mật. Vòng thành đã mang hoàn toàn tính chất quân sự và trở thành vòng tường thứ ba của công trình kiến trúc quân sự Thăng Long.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết "Quý mão (1243)... Tháng 2 đắp thành bên trong gọi là thành Long Phượng" [24]. Thành Long Phượng cũng chính là Long Thành thời Lý. Có chỗ sử chép khác gọi là Phượng Thành, nhưng cũng chỉ là vòng thành trong cùng của ba vòng thành của kinh đô. Quân Tứ Sương canh giữ bốn cửa thành và quản cả số tội đồ vào làm việc dọn ở Phượng Thành.

Cung điện trong thành được dựng thêm không ít. Ngay từ đời Trần Thái Tông đã xây thêm cung điện mới. Đại Việt sử ký toàn thư chép "Canh dần (1230)... Trong thành dựng cung điện, lầu gác và nhà lang vũ đông tây, bên tả là cung Thánh Từ (nơi Hoàng thượng ở), bên hữu là cung Quan Triều (nơi vua ở)". Tiếp tục những đời sau xây thêm khá nhiều. Đường sá phố phường có nhiều đổi thay.

Những lần chiến tranh, kẻ thù vào cướp phá Thăng Long ví như lần quân Chiêm Thành vào Thăng Long ngày 27 tháng 3 nhuận năm Tân Hợi (1371) đã "đốt phá cung điện cướp lấy con gái, ngọc lụa đem về", "giặc đốt cung điện, đồ thư trụi cả", khiến cho "Trong nước từ đấy sinh ra nhiều chuyện". Bộ mặt Thăng Long đổi thay to lớn, vẻ uy nghiêm, tráng lệ, sầm uất mất hẳn. Song những vòng thành, những dải hào ngoài thì, dù cũng có bị tàn phá phần nào, vẫn giữ được dáng vẻ cũ, vẫn hoàn toàn có thể sử dụng lại được.

--------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán: Bàn thêm về thành Thăng Long đời Lý - Trần. Nghiên cứu Lịch sử, số 85, tháng 4-1966, tr. 35.

(2) Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán viết: "An Nam La Thành cao 22 thước (x 31cm = 6,82 mét). Thành có 3 cửa, trên có lầu. Cửa Đông và cửa Tây có lầu ba gian, cửa Nam (là cửa chính) có lầu năm gian. Trong thành có 10 cung, hai bên tả hữu đại sảnh dựng lều giáp trượng 40 gian để chứa vũ khí. Đây là cái thành đầu tiên có quy mô tương đối lớn (Xem Nghiên cứu Lịch sử, số 85, tháng 4-1966, tr. 35).

(3) Sách Tư trị thông giám chép: "La thành của Cao Biền đắp chu vi là 3.000 bộ (6 x 31cm = 5,580km) trong đó đựng 40 vạn gian nhà". Việt sử lược chép: "Biền đắp lại La Thành chu vi 1.980 trượng 5 thước (=6,139km), cao 2 trượng 6 thước (=8,06 mét), chân thành rộng 2 trượng 6 thước (=8,06m), bốn mặt xây nữ tường (tường nhỏ xây trên tường lớn) cao 5 thước 5 tấc (=1,70 mét) 55 lầu vọng dịch (vọng gác) 5 môn lầu (lầu xây trên cửa thành), 6 củng môn (cửa tò vò, cửa nách), đào 3 ngòi nước, đắp 34 con đường, lại đắp đê chu vi 2.125 trượng 8 thước (=6,589 km), cao trượng 5 thước (4 = 4,65 mét), chân đê rộng 3 trượng (=9,30 mét), lại dựng hơn 5.000 gian nhà". Theo Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán, Nghiên cứu Lịch sử: Đã dẫn tr. 37 - 38.

(4) Trần Huy Bá. Thử bàn về vị trí thành Thăng Long đời Lý. Nghiên cứu Lịch sử, số 6, tháng 8-1959, tr. 77-81.

(5) Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán: Đã dẫn, Nghiên cứu Lịch sử, số 86, tháng 4-1966, tr. 35-45. Đoạn chép về thời Lê Tháng Tông, năm 1480 "Tháng 11 đắp rộng thêm Phượng thành, nhân theo quy chế của nhà Lý, nhà Trần..." trong Đại Việt sử ký toàn thư, T. III, tr. 307, đã tỏ ra ủng hộ ý kiến này, chứng minh rằng Phượng thành thời Lê là Phượng thành thời Lý - Trần có đắp rộng thêm.

(6) Trần Huy Bá: Bàn thêm về nội thành Thăng Long ở triều Lý - Trần - Lê. Nghiên cứu Lịch sử, số 51, tháng 10-1966, tr. 63.

(7) Yý này còn được chép rõ trong đoạn: "Mùa thu, tháng 7 (1010) vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long". Đại việt sử ký toàn thư: Đã dẫn, tr. 191.

(8) (9) (10) Đại Việt sử ký toàn thư: Đã dẫn, tr. 191 - 195 - 198.

(11) Hiện vật này được bày tại Viện Bảo tàng lịch sử, sổ kiểm kê nhập kho là 61.3512.

(12) Hiện vật này được bày tại Viện Bảo tàng lịch sử, sổ kiểm kê là D.121-53.

(13) Trần Huy Bá: Thử ban về vị trí thành Thăng Long đời Lý. Nghiên cứu Lịch sử, số 6-1859, tr. 79.

(14) Đào Đình Tửu: Giếng thời Trần ở Tức Mặc (Nam Hà). Khảo cổ học, số 5 - 6, 1970, tr. 89 - 92.

(15) Phạm Quốc Quân: Khảo cổ học Quần Ngựa và vấn đề hoàng thành Thăng Long, Nội san Viện Bảo tàng Lịch sử, số 1, tháng 12-1979, tr. 46.

(16) Sách Việt sử lược có đoạn chép: "Năm Âất dậu (1165)... Vua xuống chiếu dời Đại La Thành ở cửa Triềi Đông lùi vào 75 thước, xây bằng gạch đá để tránh nước sông vô lở". Chúng tôi không có ý định sử dụng tư liệu trong Việt sử lược, tuy nhiên cũng trích đoạn này để bình luận và chứng minh rằng: dù có đoạn ghi chép này, ta vẫn có thể nghĩ vòng thành Đại La là vòng thành đắp bằng đất. Đoạn tường thành xây bằng gạch đá trên đây được làm với mục đích chống sói lở vì nước sông chứ không hề gia cố chỉ vì mục đích phòng vệ quân sự.

(17) Trần Huy Bá còn gọi là Nội thành, Cấm thành, Long thành trong bài viết của mình trên Nghiên cứu Lịch sử, số 91, tháng 10 năm 1966, tr. 58.

(18) Chúng tôi chỉ căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư thống kê sơ lược những kiến trúc cung, điện, lầu, gác, chùa tháp đã thấy có 16 cung, 39 điện 2 lầu, 7 gác, 10 chùa.

(19) Đại Việt sử ký toàn thư: đã dẫn, tr. 193.

(20) Điện Càn Nguyên xây dựng năm 1010, năm 1017 bị sét đánh hỏng và đã bị san phẳng coi như hủy bỏ.

(21) Đại Việt sử ký toàn thư: Đã dẫn, tr. 207 - 208.

(22) Đại Việt sử ký toàn thư, T. II, tr. 11, chép: "Canh dần (1230)... Hoặc có làm ruộng thêm phía ngoài thành Đại La, bốn cửa thành thì quân Tứ Sương thay phiên nhau canh giữ".

(23) Đại Việt sử ký toàn thư, T. II, tr. 195 - 196 chép: "Quý hợi (1383)... Mùa hạ, tháng 6, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga... đem quân đi bộ, theo chân vua ra trấn Quảng Oai, do đường đền đóng ở sách Khổng Mục, kinh sư kinh động... Nguyễn Đa Phương dốc quân dựng rào trại ở kinh thành, ngày đêm canh giữ".

(24) Đại Việt sử ký toàn thư: đã dẫn, tr. 19.