PDA

Xem đầy đủ chức năng : hoa cõ may



Icrysoul
16-09-2005, 05:51 PM
Anh Khoa nói: "Đã được nhìn tận mắt cô đầu đi cứu thương, ông sư đi bộ đội dầu có phải chết ngay vẫn cứ sướng. Nói thế chứ mình vẫn chưa muốn chết, thật tình là chưa muốn chết..."

I

Cuối tháng 12 năm 1946, tôi xin gia nhập trung đội Tự vệ Chiến đấu của thị xã Hưng Yên. Tôi là đội viên nhỏ tuổi nhất của trung đội, năm ấy tôi vừa tròn 16 tuổi. Các dội viên phần lớn là thợ thủ công và nông dân các xã bao quanh thị xã. Thị xã có cái dáng dấp nửa quê nửa tỉnh, chạy lên lùi xuống, rẽ trái quẹo phải chỉ một thôi đường đã là làng lạc và đê bao. Chả thế chỉ với một đại đội tự vệ làm nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến trong có vài tháng mà cái thị xã đã trụi trơn, đứng đầu tỉnh nhòm thấu cuối tỉnh. Các đội viên trong trung dội hình như đều quen biết nhau từ nhiều năm trước, biết cả gia đình cả anh em, chỉ có tôi là dân mới về thị xã theo mẹ về quê ngoại khi Hà Nội bắt đầu chuẩn bị kháng chiến Những chuyên vui họ cười với nhau tôi cũng không thể cười vì có liên quan đến người và việc nổi danh của tỉnh lẻ từ thời xưa. Nghe không hiểu, cười góp không được, hỏi lại không dám, ngoài giờ gác, đi tuần tra và làm các việc lặt vặt trung đội giao tôi lại đứng lủi thủi một mình. Năm ấy tôi còn mắc bệnh lở, từ nửa thân người trở xuống lùng bùng toàn mụn lở, thuốc uống thuốc tiêm không có, chỉ tắm rửa bằng nước lá, ngày tắm ngày không nên mãi không khỏi. Bởi vậy mà anh ấy chú ý đến tôi, săn sóc cho tôi coi như người em trai. Anh tên là Khoa khoảng 22, 23 tuổi, người làng Đằng Châu, ngày trước làm thợ lợp mũ ở phố Hữu Môn rồi phải nghỉ việc vì lao phổi. Anh nói, bệnh của anh đã chữa trị gần khỏi nên mới xin được vào đội tự vệ ngay từ ngày mới thành lập. Anh không làm được việc nặng thì nhận làm mọi việc tạp vặt, luôn chân luôn tay từ sáng sớm tới tối khuya, đi chợ, phụ nấu cơm, quét dọn nơi đóng quân, giặt cả quần áo những anh em đi công tác xa về hoặc đau mệt. Anh chỉ ngủ một lúc khoảng chập tối còn từ nửa đêm về sáng anh gác thay cho đồng đội. Có lần anh rủ tôi đi chợ Bảo Châu mua rau, cần người đi theo gánh đỡ. Ngày ấy lực lượng vũ trang của địa phương ăn mặc như dân thường, ai có gì mặc nấy nên bà hàng rau mới chào: "Hai chú cháu mua rau cần đi!" Anh hơn tôi sáu tuổi nhưng nét mặt dáng người đã già lắm như người gần bốn chục, tóc cắt ngắn nửa đen nửa nâu nhìn xa như tóc muối tiêu, hốc mắt sâu, gò má cao, cái cổ chỉ một chét tay, nhăn nhúm, bàn tay, cẳng tay những xương là xương, chỉ được mỗi hàm răng là trẻ, rất đều rất trắng. Tức là bệnh lao của anh chưa khỏi hẳn, anh vẫn ăn cơm riêng, nằm ngủ riêng, trò chuyện với ai đều giữ một khoảng cách, một bàn tay đưa lên khum khum che miệng. Nhưng tôi chưa nghe anh ho bao giờ, khạc nhổ bao giờ. Trung đội trưởng muốn anh về nhà điều trị tiếp, vì bệnh lao là bệnh dễ lây. Chính trị viên thì tìm mọi cách để anh được ở lại, người ta đã tình nguyện dâng hiến những ngày cuối cho cách mạng cho kháng chiến nỡ nào mình lại chối từ.

Một buổi chiều, sau tết Đinh Hợi chừng một tháng, có một cặp nam nữ còn rất trẻ xuất hiện tại trung đội chúng tôi. Người nam khoảng 23, 24 tuổi, mặc áo trấn thủ, mũ ca lô, đi giày vải, ngang lưng cài hai trái lựu đạn. Người nữ cũng 20, 21 gì đó mặc áo len nâu cài khuy, quần vải đen, vuông khăn len màu xanh thắt nơi quanh cổ như mọi cán bộ phụ nữ. Chính trị viên giới thiệu hai người đó là các chiến sĩ tự vệ của Hà Nội, đã chiến đấu trong lòng thủ đô suốt sáu chục ngày đêm, lúc rút lui thì mất liên lạc nay trên đường tìm về đơn vị cũ. Ngày ấy chúng tôi đóng quân tại nhà Tuần Ích đối mặt với Hồ Bán Nguyệt. Nhà Tuần Ích là một khu đất rộng chừng hai sào Bắc Bộ, gồm mấy tòa nhà hai tầng, xây nửa mới nửa cũ. Mái ngói cong, cột đúc, cứa gỗ đục chạm cầu kỳ lắp kính màu, nền nhà lát đá hoa mặt rộng, hành lang có mái chạy suốt các khu nhà, có nhiều cây ăn quả và một tòa giả sơn cao vài mét án trước mặt tiền của tòa nhà chính. Khu nhà mới xây xong giáp Tết Bính Tuất, cuối năm đã bị phá theo lệnh tiêu thổ của Ủy ban Kháng chiến tỉnh, nhưng vẫn để lại mấy phòng làm trụ sở của đội tự vệ thị xã. Cả trung đội ngồi vây quanh hai chiến sĩ có dáng dấp sinh viên vừa được rèn luyện trong máu lửa của mặt trận Hà Nội, nhìn ngắm họ như người phàm chiêm ngưỡng thần nhân, vừa thân vừa lạ. Cuộc chiến đấu dài ngày qua lời kể của họ giống như một cuộc phiêu lưu hồi hộp và hào hùng, lại rất vui nữa, chả có gì là đáng sợ. Người con trai lại nói, có rất nhiều em mới 14, 15 tuổi, là học sinh hoặc dân nghèo đã lập nhiều chiến công rất thần kỳ trong những trận đánh giữa các đường phố, còn hơn cả chú bé Gavroche của Victor Hugo nữa. Rồi anh chỉ vào tôi: “Còn nhỏ tuổi hơn cả em này, em đã được ra mặt trận bao giờ chưa?" Cả mọi người quay mặt lại nhìn tôi cười ồ. Sáng sớm hôm sau, cả hai anh chị chiến sĩ - sinh viên của Hà Nội từ biệt chúng tôi để đi tìm đơn vị. Anh Khoa cùng với mấy đội viên, cả tôi nữa tiễn hai người ra tận bến tàu thị xã. Bên kia sông Hồng là bến đò Yên Lệnh thuộc huyện Lý Nhân của tỉnh Hà Nam. Anh Khoa đưa cho họ một cái túi bằng vải nâu, như tay nải các nhà sư, nói ngượng nghịu: “Trong này có mấy sệp vải để anh chị may quần áo và hai bọc xôi vừng, đi đường nếu không gặp hàng quán cũng có thể ăn được một ngày”. Anh nói là quà tặng của trung đội nhưng tôi biết đó là tiền riêng của anh bỏ ra mua sắm. Anh em trong trung đội đau ốm đi nằm bệnh viện anh cũng có tiền riêng cho họ. Chắc là tiền còn dành lại sau mấy năm đi làm, vợ con chưa có nên cứ lấy dần ra tiêu cho bạn bè. Họ còn nhiều cơ hội phục vụ kháng chiến, còn anh sống thêm ngày nào biết ngày ấy, lo xa cho mình làm gì.

II

Những tối không nhằm phiên gác anh Khoa đều rủ tôi ra nhà thông tin của thị xã nghe thông báo tin tức chiến sự. Đó là ngôi nhà hai tầng ở cuối phố Khách còn dành lại cho cơ quan thông tin tuyên truyền. Sau ngày tiêu thổ người của thị xã tản cư về các xã ven thị, ban ngày chỉ có trung đội tự vệ chia nhau vác súng, vác mã tấu đi tuần, đi một phố nhìn thấu suốt mấy dãy phố. Nhưng tối đến người của thị xã sống ở các làng kề cận lại nườm nượp kéo đến nhà thông tin nghe tin tức. Nghe tin không cốt biết tin nhanh, tin lấy ở các báo, báo ra chậm đến tay người đọc tin càng chậm. Tin nhanh nhất là do những người ở những nơi đang xảy ra chiến sự có việc qua thị xã nói lại. Nghe tin dẫu chậm nhưng vẫn rất háo hức vì những tin tức ấy đã chứng minh chính phủ ta vẫn đang điều hành công cuộc kháng chiến, quân đội vẫn tiếp tục chiến đấu trên các mặt trận từ Nam ra Bắc, các thành phố lớn tuy bị Pháp chiếm đóng nhưng vùng nông thôn bao la vẫn là vùng đất của tự do. Chỉ cần dám đánh Pháp và duy trì được cuộc kháng chiến là đủ, còn lâu bao năm cũng được, lâu lắm là vài năm chứ mấy!

Vụ rét cuối năm 46 đầu năm 47 là rét lắm, hoặc giả vì tôi không có áo rét mà thấy rét hơn mọi năm chăng? Suốt một vụ rét tôi chỉ mặc có hai cái áo cánh nâu lồng vào nhau, cái quần vải bông của Nhật, thắt dây vải, trên rộng lùng thùng, dưới ống bó, đi đất. Gần hết vụ rét anh Khoa đã yếu đi nhiều, thỉnh thoảng lại húng hắng ho, nước da xám dần, nhìn gương mặt gầy tóp, nửa đen nửa vàng như mặt nhọ mà thương. Anh là người phụ nấu cơm nhưng trung đội lại cứ thêm tôi phụ giúp anh những việc nặng nên được nghe anh kể nhiều chuyện nửa vui nửa buồn của cái thị xã thiu thiu ngủ của một thời. Những nhà giàu và có chút ít thế lực gồm mươi nhà xếp vào hai nhóm, được gọi là Ngũ Hung và Tứ Kiệt. Cả hung lẫn kiệt đều làm giàu bằng mở sòng bạc, cho vay lãi, buôn xăng, đầu cơ thóc ngô, bán rượu ty và thuốc phiện ty. Rồi những lãnh binh, mật thám, cai đội của cơ lính khố xanh của tỉnh. Những cô đồng, thầy cúng, thầy tướng số, sư vãi của vô số chùa chiền đền miếu trong thị xã. Và cái tầng lớp đông nhất, tạo ra cái không khí hiu hiu của tỉnh nhỏ vẫn là gia đình các viên chức nhỏ và những người buôn bán nhỏ. Họ không ác cũng không thiện, không làm hại ai cũng không muốn giúp đỡ ai, một đời chỉ cầu đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành là đã rất mãn nguyện. Cái mặt váng tù đọng, đông cứng ấy đã nghĩ sẽ còn tồn tại đến mãi mãi, nào ngờ chỉ một trận cuồng phong Tháng Tám nó đã bị trôi sạch, không khí của một ngày mới, của tự do tràn ngập mọi nơi, mọi nhà, mọi lứa tuổi, người người trở nên hồn nhiên, rộng rãi, quên hẳn chuyện riêng để chỉ nghĩ tới cái chung, háo hức, hãnh diện được hy sinh cho công cuộc kháng chiến, cứu quốc.

III

Tháng 10 năm 47 tôi được tỉnh đội dân quân chọn đi học lớp y tá do bệnh viện của khu tả ngạn mở bên đất Thái Bình. Bốn tháng sau tôi trở lại đơn vị cũ mới biết là anh Khoa đã mất từ cuối năm trước, gia đình xin bệnh viện đưa xác về quê chôn. Trên bốn chục năm sau, năm 91, tôi trở lại Hưng Yên có về thôn Đằng Châu, là quê anh Khoa, cách thị xã chừng ba, bốn cây số. Đằng Châu có đền Mây thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ tức Phạm Phòng Át, là một ông sứ quân của cái thời Thập Nhị Sứ Quân. Tôi có hỏi mộ anh Khoa và gia đình anh nhưng cán bộ xã hiện giờ không ai biết cả. Lại hỏi, có anh bộ đội nào chết khoảng cuối năm 47 và được chôn ở quê nhà không? Trả lời, năm ấy người làng này đi bộ đội đông lắm, hy sinh cũng nhiều, ở mặt trận Bần, mặt trận Hải Dương, mặt trận Hải Phòng đều có người Đằng Châu cả. Vẫn hỏi, có gia đình nào có người bị lao phổi những năm ấy không? Không nhớ, chuyện từ nửa thế kỷ trước làm sao còn nhớ. Rồi lại nói, thời ấy các cụ đi thoát ly thường lấy tên khác, ở nhà gọi là Tý, là Tèo đi bộ đội lại gọi là Quyết Chiến, Quyết Thắng, khó tra cứu lắm. Hỡi ôi, người thì chết lâu rồi, tên không còn, mộ không còn, đến một dấu vết để người cùng làng có thể nhớ cũng không có. Nhưng rõ ràng là anh đã sống, đã là đồng đội của tôi trong một năm, đã từng nói với tôi như anh khuyên em: “Số cậu là may lắm nhé, khỏe mạnh, vô bệnh là cái may lớn nhất. Đừng có phí của giời mà mang tội." Buồn chán, lười biếng là phí của giời, dồn tâm sức vào những chuyện không đâu cũng là phí của giời. Ông giời cho mình khỏe mạnh là để...

Với tôi Anh mãi mãi là có thật, có thật trong mỗi ngày và trong mỗi việc làm.