PDA

Xem đầy đủ chức năng : [...]



chika
23-02-2011, 03:54 AM
Cụ rùa Hồ Gươm.

Hồ Gươm là trái tim của Hà Nội. Và Hà Nội, là thủ đô của cái đất nước này.
Tháp Rùa hiên ngang giữa hồ Gươm, là nhờ có cụ.
Cái tên của hồ, cũng là do chiến công nơi cụ. Là truyền thuyết hào hùng của dân tộc, là chói lọi trang sử vàng cứu nước.



Khi xưa, cụ giúp An Dương Vương xây thành, bảo vệ đất nước.
Khi xưa, cụ làm sứ giả của Long Quân, trao thanh gươm báu cho Lê Lợi, giữ sạch bờ cõi nước nhà.

Hoàn thành sứ mệnh, cụ lui về sống một cuộc sống yên bình, đơn giản. Cụ chẳng đòi hỏi gì nhiều, vẫn chỉ lặng lẽ sống.
Những ngày vui của đất nước, những sự kiện trọng đại, thỉnh thoảng cụ cũng nổi lên góp mặt.
Để gợi cho con cháu nhớ về lịch sử.
Để cho chúng ta rạng rỡ tự hào.



Việt Nam là một trong mười trung tâm đa dạng sinh học cao nhất thế giới.
Việt Nam có nhiều động thực vật quý hiếm, nhiều loài có tên trong sách đỏ.
Việt Nam cũng là nơi người ta săn bắn các loại thú quý hiếm để nấu cao, để ngâm rượu, để làm đặc sản. Quý lắm, hiếm lắm, ăn vào bổ Đông bổ Tây bổ dương bổ âm bổ tay bổ chân…



Tứ linh, Long - Lân - Quy - Phụng, chỉ mỗi Rùa là loài có thật, gần gũi và hiện hữu trong cuộc sống.


Hồi ấy, vào khoảng năm 1963, trời mưa to, nước ngập, một “cụ rùa” hứng chí muốn ngắm phố phường Hà Nội, đã bò lên vườn hoa Chí Linh. Đúng lúc ấy, mấy thanh niên đi qua nhìn thấy đã thay nhau trèo lên lưng cụ bắt cụ… phi nước đại. Chở mấy thanh niên nghịch ngợm một lúc thì “cụ” mệt, nằm thở phì phò. Không còn sức chống cự, mấy anh chàng bám một bên mai vật ngửa “cụ”, rồi hè nhau khiêng về mổ thịt, đem xương đi… nấu cao!




Ngược dòng thời gian vào năm 1945, đúng dạo nước sông Hồng lên cao, mưa lớn ngập khắp phố phường Hà Nội, một “cụ rùa” đã bò lên phố Lê Thái Tổ. Mấy ông chạy xe ba gác nhìn thấy con “ba ba” khổng lồ liền đuổi theo tóm lại rồi khiêng lên xe ba gác chở về… nấu chuối xanh. Cũng may mà chính quyền đuổi theo đòi lại được. Nhưng số phận “cụ rùa” này đến nay vẫn là một ẩn số.




Sau đó hơn chục năm, vào năm 1956, bão gió, lụt lội khắp phố phường Hà Nội, một “cụ rùa” lại mò lên đền Hàng Trống. Một ông đạp xích lô đâm phải gã chỏng vó. Tức mình, ông ta hô người khiêng “cụ” lên xe, kéo về phố Hàng Hành. Người ta dùng thừng thít cổ cụ, treo lên xà nhà để chuẩn bị chọc tiết, xẻ thịt như mổ heo trong nhà máy bên Tây. Cũng may mà quần chúng phát hiện báo công an giải cứu “cụ rùa” đúng lúc cụ đang ngắc ngoải. Do “cụ” yếu quá, nên người ta thả cụ vào ao bán nguyệt trong Vườn Bách Thảo.



Hồi năm 1967, khi phát hiện một “cụ rùa” dính lưới, họ (những người ở Quốc doanh cá) đã lấy xà beng đâm cụ chí chết, rồi khi tóm được cụ, thì liền gọi Công ty Thực phẩm đến định giá liền.


http://www.baomoi.com/Cu-rua-dao-pho-va-nhung-tai-nan-thuong-tam/84/3259062.epi



Cụ đã may mắn không mắc phải “tai nạn” như những người bạn của mình.
Và, rùa mai mềm, giờ chỉ còn mình cụ.
Dạo gần đây, cụ nổi lên nhiều lần.
Có lúc, giống như là cụ muốn “đào thoát” khỏi hồ.



Cụ nổi lên, người ta xúm đông xúm đỏ chen nhau xem.
Cụ nổi lên, người ta bu lại mà quay phim, chụp ảnh.
Cụ nổi lên, người ta tha hồ viết phóng sự.
Cụ nổi lên, được nhìn thấy cụ, là điềm may.


Có mấy ai nhớ rằng, cụ nổi lên là để kêu cứu?



Rùa tai đỏ, cá bệnh được người ta phóng sinh.
Rác bẩn vẫn cứ vô tư được thải xuống hồ.
Lòng hồ đang dần nâng lên, mực nước ngày càng thấp. Vài năm nữa, trái tim của thủ đô sẽ là đầm lầy Hoàn Kiếm.




.
.
.
Ừ, cụ kêu cứu đấy.

Thế nên, người ta triệu tập cuộc họp.
Thế nên, người ta tranh cãi, bàn luận.
Khẩn cấp lắm, phải nhanh chóng cấp cứu cho cụ. Phải chữa trị vết thương. Phải cải tạo nước hồ. Phải bắt rùa tai đỏ. Phải giáo dục ý thức người dân.



Trong khi người ta họp bàn, thì cụ vẫn phải chờ.




Trong khi cụ bị lở loét, nhiễm bệnh, thì người ta tự hào nói rằng cụ là cá thể rùa mai mềm duy nhất còn sót lại trong hồ Hoàn Kiếm.
Trong khi nước hồ bị tảo độc xâm lấn, thì người ta nói cụ đã vài trăm tuổi rồi. Cụ là loài quý hiếm cần được bảo tồn.
Trong khi rùa tai đỏ hung hăng gặm cả mai cụ, thì người ta họp. Các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, nhiều nhà chuyên môn, và những quan chức cấp cao. Mỗi người một ý. Ý nào cũng hay, sáng kiến nào cũng quan trọng.
Trong khi môi trường sống của cụ bị ô nhiễm, hình ảnh cụ nổi lên với bao vết thương cũng đã được đến hai tuần, bao nhiêu là phương án đề ra, bao nhiêu kế hoạch cấp cứu, vậy mà vẫn chưa có nổi một hành động thiết thực nào.


Trong lúc ấy, cụ vẫn cứ nằm chờ.






.
.
.

Liệu cụ có chờ nổi?