PDA

Xem đầy đủ chức năng : Sống muộn _ Kam



Kam
17-01-2011, 04:09 AM
Sống muộn


Tác giả: Kam
Tình trạng: oneshot
Giới hạn: dành cho những ai đã từng nghe bà ngoại kể chuyện ngày xưa



Người phụ nữ trông như đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hi từ lâu ấy thì tôi lại gọi bằng “chị”.

Dáng người chị đã bị bào mòn bởi thời gian, bởi những vất vả qua thăng trầm của cuộc sống. Chị không gọi tôi bằng em mà chị rụt rè trong miệng một từ: “cậu”. Cái tiếng “cậu” ấy ở đây chẳng phải chị gọi thay cho con chị đâu, mà trong tiềm thức của chị, trong cuộc đời của chị thân phận thấp bé, không địa vị không lời ăn tiếng nói đã ngấm vào máu chị rồi.

Chị vào làm dâu dòng họ nhà tôi cũng phải được hơn sáu mươi năm. Và cuộc đời của chị có lẽ đã chấm dứt khi chỉ mới mười lăm tuổi. Chồng chị là người mà tôi phải gọi bằng ông chú họ. Ông lấy chị khi đã ở tuổi băm, có hai đời vợ và bảy tám mụn con. Đến đứa con lớn nhất của ông cũng còn hơn chị một, hai tuổi. Nhưng đời mà, khi người ta có địa vị và tiền bạc thì những chuyện giờ đây tưởng như phi đạo đức lại quá đỗi bình thường.

Chị về làm dâu bà trẻ tôi với hai bàn tay trắng, của hồi môn duy nhất mà bố mẹ đẻ cho chị khi về nhà chồng là đôi quần lụa đen. Nhưng éo le thay mới được ba ngày làm con dâu trong nhà thì chị bị bà trẻ tôi túm tóc lôi ra giữa sân đánh một trận thừa sống thiếu chết, chỉ vì hai bà vợ trước của ông chú tôi lu loa lên rằng mất đôi quần lụa. Chị cắn môi đến bật máu mà không dám khóc trước nắm mây tả tơi theo từng nhát quất của mẹ chồng.

Bởi lẽ, trước khi đi làm con nhà người, mẹ đẻ đã dặn chị: “Đi lấy chồng thì con là con nhà họ. Con phải câm, đừng dại mà cãi lời người ta con ạ!”. Cũng đúng, ở cái thời mà quan niệm mẹ chồng con dâu còn khắt khe đến vậy thì phận làm con, làm lẽ như chị tốt nhất là cứ im lặng mà sống, mà thầm khóc khi chỉ còn một mình.

Đời người thiếu nữ mười lăm như chị trở thành con dâu gia đình giàu sang của chồng. Họ hỏi chị về để thêm người làm trong nhà, thêm con chó bảo gì nghe nấy. Chị âm thầm chịu đựng cảnh gà chưa gáy đã dắt trâu ra đồng, tay liềm thay cuốc. Đến khi nhà chồng chìm trong giấc ngủ khuya thì chị cùng đám người làm lại hò nhau giã gạo, bung ngô chuẩn bị cho một ngày mới sau đó. Chị mang tiếng sống ở nhà chồng nhưng có đến hai năm làm dâu chị chưa được đặt chân lên nhà giữa. Chị ăn cơm cùng người làm, chị ngủ cùng thóc, cùng lúa trong kho, và chị vui với công việc.

Sống riết rồi cũng phải quen. Chị tự nhủ sẽ cứ sống như thế, răm rắp cung phụng, phục tùng nhà chồng rồi thì năm cũng sẽ qua, đời cũng sẽ hết. Nhưng người tính đâu bằng trời tính. Ngày chị tròn mười tám tuổi, mặc dù chị chẳng xinh đẹp đoan trang như những cô thiếu nữ trong làng. Nhưng với cái xuân thì phơi phới trông chị cũng đằm thắm, mặn mà chẳng kém gì họ. Cũng có lẽ thế mà cuộc đời chị lại rẽ sang một trang mới: Đau đớn hơn, Tủi nhục hơn, Cùng quẫn hơn.

Thằng con trai thứ của người mang danh chồng chị đã nhân lúc mọi người đi vắng mà cưỡng bức chị. Nằm trên những thân lúa mới tuốt hạt vẫn còn thơm mùi đồng ruộng, chị cắn chặt răng cam chịu bị người ta dày vò. Chị không muốn khóc, đúng hơn chị chẳng dám khóc. Chị sợ rằng nước mắt sẽ nhấm chìm chị, sẽ làm chị chết ngạt trong nỗi đau đớn của người con gái vẫn còn trắng trong.

Những ngày sau đó chị sống như một người đã chết. Chị bị mẹ chồng đánh nhiều hơn, bị hai bà vợ trước của chồng chửi nhiều hơn, thậm tệ hơn bởi chị không làm hết công việc trong nhà. Người ta chẳng nhắc gì đến chuyện chị bị cưỡng bức. Hay người ta không biết? Không nhắc tới cũng tốt, mà không biết thì càng tốt hơn. Chị cảm thấy đủ nhục nhã, đủ nhơ nhớp cho đời mình rồi, nếu họ hay mọi chuyện thì không biết chị còn có thể sống nổi không?

Lời dặn của mẹ đẻ vẫn vang lên trong đầu chị: “Con phải câm, đừng dại mà cãi lời người ta con ạ!”.

Chị nằm khóc trong kho lúa khi trời đã tờ mờ sáng, hương gạo mới, mùi rơm khô và những tháng ngày làm dâu âm thầm, lặng lẽ khiến chị nghẹn ngào hơn. Nước mắt chị ướt mèm hai gò má, sống mũi cay xè và bờ môi run run bị nghiến chặt bởi hàm răng. Chị cam chịu, chị tiếp tục im lặng cho nỗi đau phải bỏ cuộc.



Người ta nói hồng nhan thì bạc mệnh, nhưng với chị có lẽ là ngoại lệ. Mới mười tám tuổi lẻ mấy tháng mà trông chị như một quả phụ héo hon, hốc hác. Từng ngày qua đi với chị như thời gian người ta bị cầm tù trước khi mang ra pháp trường. Rồi cái gì đến cũng phải đến, chị bắt đầu khó ở trong người, cái bụng chị sình lên như người bị bệnh. Người ta nào biết chị bệnh gì, họ chỉ biết bệnh của chị là bệnh lười, làm chưa xong việc đã thở không ra hơi.

Còn chị? Chị lo sợ, chị mất ăn mất ngủ với cái thai đã hơn bốn tháng. Người chị gầy đét như thanh củi khô bị đeo bám bởi cái tai mộc nhĩ tròn xoe trước bụng. Mẹ chồng bắt đầu để ý và bà kêu trời, than phật khi phát hiện con dâu không ngủ với chồng mà có bầu. Bà lồng lộn tra hỏi chị và những người làm là đàn ông trong nhà. Tiếng bà chát chúa như tiếng người ta nện búa vào đe ở lò rèn. Bà lôi tám đời, mười họ nhà chị ra để chửi bới, rủa xả cho hả cơn tam bành. Rồi thân gái mười tám tuổi bị bà lột trần, nắm tóc lôi sang nhà mẹ đẻ kêu trao giả loại con dâu mất nết. Bà đánh, bà chửi, bà xỉ nhục rồi chưa hả, trên đường đi về bà còn rêu rao khắp đầu làng cuối xóm rằng con dâu bà chửa hoang, rằng bà không chấp nhận cái ngữ lăng loàn ấy.

Chị quỳ suốt đêm trước cửa nhà bố mẹ đẻ. Đêm lạnh căm căm, côn trùng cũng im bặt mặc cho tiếng nấc nghẹn ngào của chị lạc lõng, rơi tõm vào đen đúa của màn đêm tăm tối. Cửa nhà bố mẹ chị không mở đã hai ngày chị quỳ rồi. Vài người đi qua, có người thương quẳng cho chị tấm áo, có người ghét buông những lời thậm tệ.

Chị vẫn im lặng bởi “ Con phải câm, đừng dại mà cãi lời người ta con ạ”.


Ừ! Chị phải câm mà rằng để cho số phận quyết định tất cả.

Nhưng số phận có nghiệt ngã quá không khi đày ải chị thế?

Xin thưa rằng: Không!

Nhưng nếu không thì sao chị lại khổ sở, cùng cực như vậy?

Cũng xin thưa rằng: Không!

Đời người còn muôn vàn điều đau khổ hơn thế. Đau khổ của chị có chăng chỉ là vì xã hội chị đang sống nó vậy mà thôi. Đau khổ của chị có chăng chỉ là vì chị đã cam chịu chấp nhận nó mà thôi.


Chị dựng một cái lán nhỏ bên triền đê để sống tạm qua ngày và chờ sinh đứa con trong bụng. Mẹ đẻ chị có qua thăm nom đôi lần, nhưng lần nào cũng lén lút, gấp gáp như đang làm chuyện mờ ám.

Chị vẫn im lặng. Có lúc người ta tưởng như chị đã câm hoặc chị không nói được tiếng người.

Chị vẫn im lặng. Chị vác cái bụng vượt mặt đi làm thuê, cuốc mướn cho nhà người mong rằng cuộc sống đừng làm khổ chị thêm nữa. Rồi cũng đến ngày chị sinh. Một thằng con trai, giống thằng con của ông chồng hờ như đúc. Và cuộc đời lại xô đẩy chị đến một ngã rẽ khác.

Bà mẹ chồng lôi theo một đám người làm đến cái lều rách của chị. Chưa tới nơi bà đã nheo nhéo cái giọng ngoa ngoắt đòi chắt nội. Mọi chuyện sáng tỏ. Người ta biết chị bị cưỡng bức nhưng người ta vẫn nói xấu sau lưng rằng chị lẳng lơ, ngủ cả với con chồng. Đứa bé mới hơn tháng tuổi khóc ngằn ngặt trên tay mẹ chồng mà bây giờ chị phải gọi bằng bà. Chị gạt nước mắt và tủi hận ôm lấy con, đấm vào miệng nó bầu vú căng sữa. Rồi chị lẽo đẽo, lếch thếch bước theo đám người trở về nhà họ. Chị biết rồi đây cuộc sống mình cũng chẳng khá hơn trước là mấy, nhưng ít ra con chị sẽ có một mái nhà, nó sẽ được sống đủ đầy, no ấm. Chị chua chát nghĩ về đời mình bao nhiêu thì chị lại ấm lòng khi nghĩ về con mình bấy nhiêu. Thằng con cả của ông chồng cũ không có con trai, nên con của chị với thằng con thứ sẽ là cháu đích tôn của dòng họ nhà ấy. Còn thứ gì chắc chắn cho cuộc đời của nó hơn cái địa vị làm trưởng họ sau này. Chỉ nghĩ đến vậy thôi chị đã quyết định dù có khổ sở, cùng quẫn hơn nữa thì cũng ráng mà chịu đựng.



Chị được bà của chồng chia cho một gian nhà lá nhỏ nhưng sạch sẽ và ấm áp hơn túp lều trên đê của chị. Bà ra lệnh cho chị phải chăm sóc, nuôi nấng đứa chắt trai quý hơn vàng của bà, có sơ sẩy gì với nó thì bà cứ chị mà khảo. Chị chỉ biết im lặng và tuân lệnh. Bởi dù bao nhiêu năm đi nữa thì lời dặn của mẹ chị vẫn cứ văng vẳng như ngay cạnh mà thôi.

“Con phải câm, đừng dại mà cãi lời người ta con ạ!”


Chị được ngồi ăn cơm cùng cả nhà, được ăn những món ăn bổ dưỡng để có sữa nuôi con. Chị bắt đầu khỏe mạnh và thân hình trở lại tươi mới như thì son sắc. Cũng chính vì thế mà chồng chị - cái thằng đã làm nhục chị ngày trước lại để ý đến chị. Nó bắt đầu năng sang phòng chị với lý do thăm con, chơi với con nhưng kì thực là để soi mói, ve vãn chị. Lần đầu tiên trong đời chị được nghe những lời ngọt nhạt, đưa đẩy. Cũng lần đầu tiên trong đời chị biết thế nào là cảm giác xao xuyến bởi một người đàn ông. Chị bắt đầu xốn xang, động lòng trước những cử chỉ, lời nói yêu thương của hắn. Chị bắt đầu thấy cuộc sống đẹp hơn lên, tươi vui hơn lên và đáng sống hơn. Chị hạnh phúc trong vòng tay của chồng dù cho những lần hắn đến với chị chỉ đơn giản là vì nhu cầu sinh lý còn lại là sự hờ hững, thoáng qua. Chị không dám nghĩ đó là tình yêu, nhưng cảm giác lần đầu tiên mới có này cũng đủ làm chị hạnh phúc.

Nếu cuộc sống chỉ có như vậy. Chỉ là sớm chiều làm việc nhà, nuôi con. Đôi lần được chồng đoái hoài đến thì có lẽ đời chị đã không còn sóng gió. Nhưng tất cả chỉ là nếu. Bởi khi đứa bé trai kia lớn lên, mọi kỳ vọng, niềm tin và tình yêu chị đặt vào nó đều thoáng chốc tan biến như tia nắng yếu ớt giữa ngày đông.

Khi thằng bé được năm tuổi, cái tuổi chẳng biết được gì nhiều mà có biết thì cũng chưa thông. Bà nội của chồng chị nhẫn tâm tách chị khỏi đứa con thơ dại. Bà mặc cho đứa cháu dâu tội nghiệp gào khóc như có thể chết bởi cạn kiệt sức lực. Bà mặc cho đứa chắt nội oằn oại, ré lên đòi mẹ và khóc ngằn ngặt đến độ lả đi. Bà bảo bà chỉ cần đứa chắt chứ không cần thứ cháu dâu đi quyến rũ cả bố chồng. Tất cả chỉ vì hai bà vợ của bố chồng chị, những kẻ trước đây cũng làm vợ, làm mẹ như chị, chúng bảo thấy chị ve vãn bố chồng trong khi chính ông ta mới là con quỷ vô đạo đức.

Một lần nữa chị bị đuổi khỏi nhà chồng. Nhưng đau đớn hơn chị mất cả con trai, còn tên chồng chị vốn nghĩ hắn thương mình thì ném cho chị cái nhìn khinh rẻ, vô cảm. Chị như người điên lang thang khắp làng, khi nhớ con chị lại lén nhìn nó qua hàng rào hay đánh liều quỳ trước cổng nhà chồng van xin, lạy lục. Ban đầu họ còn chửi bới, rủa xả nhưng lâu dần rồi họ chẳng thèm đoái hoài gì đến chị. Họ mặc cho chị khóc lóc cầu khẩn mà cứ bước qua chị như bước qua một bãi rác bẩn thỉu.

Đứa con trai thơ ngây của chị được sống cách ly hoàn toàn với mẹ. Nó lớn lên, gọi một người khác là mẹ và cũng nhìn chị khinh bỉ như những người trong gia đình nó. Chị ngây dại trước ánh mắt rẻ rúng của chính con trai mình, chị tủi hận khi nó quay lại phỉ nhổ vào mặt mình.

Đời chị vậy là chẳng còn gì đáng để luyến tiếc. Chị câm lặng và hờ hững với cuộc đời, trong thâm tâm chị cuộc sống đã chết. Chị hận rằng đã nhiều lần chị định quyên sinh thì ông trời lại từ chối và tiếp tục đày ải chị với kiếp sống cô đơn, quạnh quẽ.

Sống lâu với nỗi buồn khổ chị thôi ý định tự tử. Chị quay trở về cái lán bên triền đê, ngày ngày đi cày thuê, cuốc mướn . Người phụ nữ bạc mệnh sống đơn chiếc ở tuổi ngoài tứ tuần, nhưng sâu thẳm trong đáy lòng chị thi thoảng vẫn nhói lên một niềm tin, một ước mơ ông trời sẽ bù đắp cho chị sau này.

Liệu trời có thấu và có đắp bồi được những vết thương lòng đã quá sâu trong chị không?


Cái ngày mẹ đẻ chị qua đời cũng là ngày con trai chị lấy vợ ba. Chị chít vành tang trắng mỏng te nằm khóc ngất bên ngôi mộ vừa đắp trong khi cách đó không xa là tiếng chúc tụng, hả hê của đám cưới con mình. Vết thương lòng chị càng sâu hơn, máu rỉ ra như những mạch nước ngầm không bao giờ cạn.

Hết trăm ngày để tang mẹ, chị lại cặm cụi đi về chăm sóc cha già ốm yếu. Ông chưa bao giờ tha thứ cho chị kể từ cái ngày chị bị người đàn bà kia lột trần mang sang cổng nhà ông rủa xả. Chị vẫn âm thầm báo hiếu cho cha mặc cho ông không nhìn mặt chị mà chỉ suốt ngày ngồi hướng lên bàn thờ tổ tiên với đôi mắt rớm lệ. Rồi ông cũng mất. Chị trở thành kẻ không người thân thích. Chị dọn về ngôi nhà của cha mẹ nhưng cũng chỉ được dăm bữa người ta lại đến siết nợ bởi những lý do không tưởng tượng được. Chị câm lặng gói chiếc áo cánh sờn và đôi quần bạc trở về cái lán ven đê.

“Con phải câm, đừng dại mà cãi lời người ta con ạ!”

Chị chưa bao giờ quên từng từ trong lời dặn của mẹ mình. Chị cho rằng đó là báo ứng từ kiếp trước mà chị phải chịu.


Người đàn bà héo hon cứ sống như thế cho đến một ngày. Cô gái trẻ chừng tuổi chị lúc đi lấy chồng bồng bế một đứa bé còn đỏ hỏn đến ngồi co ro bên cái lán với hai dòng lệ còn chưa khô. Hỏi ra mới hay cô gái là con ở nhà con trai chị - thằng con trai đã từng khinh rẻ chị, nó hãm hiếp con người ta đến nỗi mang thai, rồi khi người ta sinh con cho nó thì nó rũ bỏ như thứ đồ vướng víu bẩn thỉu. Chị rưng rưng đôi mắt tưởng như đã cạn khô ôm đứa bé gái còn tanh mùi máu vào lòng. Chị nhận mẹ con nó làm con, làm cháu.


Có lẽ sau bao khổ ải, đau đớn, bao đày đọa của một kiếp người, đến giờ ông trời mới ngỡ đã bỏ quên chị bên lề của số phận chăng?

Mẹ con chị nương tựa vào nhau để sống. Đứa bé lớn lên, ngoan ngoãn khỏe mạnh. Cô con gái hiếu thảo, chăm làm. Đời chị lại bước sang một trang mới dường như nó sáng sủa hơn, ấm áp hơn bởi có tình yêu và niềm vui của lửa ấm gia đình. Chị cứ ngỡ những tháng ngày cuối đời mình có lẽ sẽ bớt khổ hơn. Nhưng chị lầm, ông trời vẫn chẳng đoái hoài đến chị, ông cướp đi đứa con của chị khi đứa cháu gái còn chưa hiểu gì về nỗi đau mất mẹ. Chị ôm cháu vào lòng ngửa mặt lên trời than trách kiếp đầu bạc đưa tiễn tóc xanh.

Rồi thì nhà con trai cho người đến lôi bà cháu chị về. Chúng bảo chị vẫn danh chính ngôn thuận là vợ của bố chúng, giờ ông ta ốm liệt giường không ai chăm lo thì chị phải làm tròn nghĩa vụ vợ chồng với ông. Chị gạt bỏ những hận thù, đớn đau cắn răng chịu đựng sự tệ bạc của vợ chồng thằng con trai để làm trọn tình nghĩa vợ chồng. Chị biết ông chẳng coi chị là gì, chị cũng biết sâu trong lòng chị tình yêu đã chết từ lâu. Nhưng cái nghĩa vợ chồng còn đó. Những người vợ trước của ông có thể bỏ mặc mà đi, nhưng chị không thể mặc ông nằm chỏng chơ với thân hình còng queo bệnh tật đó được.


Chị ngậm đắng nuốt cay chăm sóc người đã từng là chồng mình cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay. Cũng vì trút được gánh nặng sang cho chị nên sau khi bố mất, thằng con chia cho chị căn nhà thờ tổ tiên rồi mặc chị với khói nhang, giỗ tết cho dòng họ nhà chồng. Nó đưa vợ con lên tỉnh, xây một căn nhà khanh trang và sống cuộc đời sung sướng. Còn chị tiếp tục lặng im, ngày ngày lau dọn ban bệ, nhà thờ tổ tiên những kẻ đã vùi dập đời chị. Có những lần chị ngồi nhìn bát hương của bà nội của bố chồng và của chồng mà thầm oán trách họ. Nhưng rồi chị lại gạt đi những ý nghĩ “độc ác” ấy. Ai lại đi chấp những người đã chết bao giờ?


Những năm đổi mới qua đi, cuộc sống con người dần trở nên sung túc hơn, ấm no hơn. Ruộng đất cải cách, thôn làng cũng thay đổi, người ta chẳng còn nhắc đến những chuyện cũ xưa nữa. Chị vẫn ra vào ngày ngày trong gian nhà gỗ thờ tổ tiên. Đứa cháu gái cũng đã lớn, nó giúp chị được nhiều việc hơn và nó cũng làm chị ấm lòng hơn. Nhưng cha nó – thằng con trai duy nhất của chị lại trở về. Nó mang một đống giấy tờ, văn bản bắt kẻ chưa từng biết đến con chữ như chị ký vào cái giấy bán nhà.

Hai bà cháu chị run rẩy ôm bát hương tổ tiên đứng nhìn người ta kéo đổ căn nhà gỗ, còn thằng con trai cười hả hê với mớ bạc lạnh lẽo. Chị nuốt nước mắt dắt đứa cháu gái quay trở về triền đê, dựng lại cái lán cũ, đặt bát hương lên cái ghế gãy một chân phải dựa vào vách. Đứng trên đê nhìn về căn nhà tổ tiên, chị đau đớn quặn lòng mà cổ họng vẫn câm đặc. Rồi đây đời chị sẽ trôi về đâu?





Tôi lặng người đi sau câu chuyện về đời chị. Sự cam chịu đã ăn sâu vào máu chị để đến bây giờ sau bao năm chị vẫn là người câm lặng và nhẫn nhục đến kì lạ.

Chị sai đứa chắt ngoại đưa tôi ra giếng rửa chân tay. Ngang qua vườn bưởi, qua vài luống cải và một hai gốc mít, tôi như tưởng tượng ra những khó nhọc mà chị phải lèo lái để có được ngày hôm nay. Chị sống trong căn nhà gỗ thấp le te nhưng ngày ngày thơm mùi nhang khói trên bàn thờ tổ tiên.

Ấp một vốc nước mát lạnh từ lòng đất lên mặt, cảm giác sảng khoái thư thái làm tôi dễ chịu hơn.

Chắc chắn rằng từ đây đời chị sẽ khác. Chị sẽ sống đường hoàng trong căn nhà mà bàn tay chị gây dựng lên từ cái lán năm xưa. Chị sẽ ấm lòng hơn bởi tình thân gia đình của đứa cháu ngoại và con của nó. Chị sẽ lại thấy cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp đi lên từ đau khổ, khốn cùng.

Với chị dù cho là “sống muộn” thì số phận cũng đã không bỏ rơi chị.

...




Kam

Muội Muội
17-01-2011, 04:23 AM
Ài, bạn Kam "già" đi nhiều quá! :blushing:
Không phải MM nói bạn già vì bạn gọi nhân vật nữ ấy là "chị" đâu ^^ Dù bạn đã giải thích rõ ràng thân phận cũng như mối quan hệ của nhân vật "tôi" trong fic này nhưng MM chẳng nhớ gì hết, vì quá chú tâm vào cuộc đời người phụ nữ bất hạnh ấy. :blushing:
Đọc đoạn đầu, liên tưởng đến Mị trong "vợ chồng A Phủ". Nhưng "chị" của bạn theo một cách nào đó, khổ hơn Mị và khổ hơn cả chị Dậu của Nam Cao nhiều.
Chỉ biết nói với bạn là: Fic rất hay ^^ Có lẽ tớ hiểu ý tứ của title "Sống muộn" ^^
Cảm ơn ha :huglove:

[K]shadow
17-01-2011, 05:32 AM
Tớ thích truyện này của bạn ^^

Happy_ending
17-01-2011, 06:24 AM
Umh...đúng là rất khác vơj gjong văn thường ngay cua kam, có lẽ là "gja" hơn thât. Nhưng dù sao truyên cũng rât hay. Thanks tg (măc dù mjnh đã bj ám ảnh khj đoc truyên nay, có lẽ nó sẽ gjup mjnh sống tôt hơn chăng!)

hacxanh
17-01-2011, 10:08 AM
t bị thích truyện của bạn Kam mất rồi :(

t cũng đã liên tưởng đến Mị, nhưng "chị" ở đây còn khổ hơn thế rất nhiều :(

Kam
17-01-2011, 11:10 AM
@ MM: mỗi lần bạn ấy com cho tớ là mỗi lần tớ thấy mình trưởng thành hơn thế nên tớ "già" đi là phải rồi *cười toe toét
"Sống muộn" là cái tên tớ đắn đo rất nhiều khi đặt cho fic, nhưng may sao nó phù hợp và giúp người đọc "cảm" được những gì tớ muốn truyền tải chăng :D (sướng)

@[K]shadow: cúi đầu cảm tạ :)

@Happy_ending: hạnh phúc nhất của tớ là những gì tớ viết khiến người đọc vui và biết đâu thay đổi được một vài suy nghĩ của họ. Mong rằng fic này của tớ giúp được bạn nhiều hơn ^^

@hacxanh: *cười tớ cũng thấy Mị trong "chị" nhưng tớ còn thấy nhiều người phụ nữ đau khổ hơn trong "chị". Cảm ơn bạn vì đã yêu thích fic của Kam :D

Akai
17-01-2011, 10:02 PM
Thực sự, anh đọc không nhiều truyện, trước đây, các tác giả được anh hâm mộ ngoài Chu Lai, Ngô Tất Tố ..........anh sẽ thêm cái tên Kam vào trong đó nữa, anh thật sự thích truyện của chú mày :D . Thích thật sự ấy, đừng hiểu nhầm nhé :D

Sọ Dừa
18-01-2011, 12:20 AM
Gần đây các bạn đang tìm về nguồn cội của đau thương, để làm đòn bẩy bật lên phúc. *vật vã

Tớ căm thù đồng chí.

Tớ hận đồng chí.

*tự kỷ tiếp

Phong Linh
18-01-2011, 02:09 AM
tớ không muốn thành "kẻ theo đuôi" của ai cả, dưng mờ mỗi khi thấy fic của bạn kam thì lại không-thể-kiềm-chế-được mà nhào vô đọc :mecry:

mà mỗi khi đọc 1 fic nào đó ( của bất kỳ tác giả nào), tớ thường quan tâm đến 2 điều : cách viết mới lạ, độc đáo hoặc nội dung biểu đạt...
ngay cả khi mà tớ đọc nhiều đến nỗi mọi thứ đều trở nên nhàn nhạt và bão hoà hết cả, thì fic của kam vẫn để lại trong tớ một ấn tượng sâu sắc.

vẫn sẽ tiếp tục cắm đầu vào đọc nếu như thấy fic mới của kam :blushing: khen ngợi thì không, ( cứ ngầm hiểu là tớ đứng về số đông đi :") ), nhưng sẽ nhào vô chê bai luôn nếu như bạn kam viết xuống tay :P

Kam
18-01-2011, 02:50 AM
@Lão huynh Akai: thằng em rất sung sướng khi có tên trong danh sách những người viết truyện mà ông anh yêu thích. Hiểu nhầm gì chứ? Ông anh cứ lo xa hế hế.

@A.S.D: Ấy chết, 5Kam tớ đây đâu dám mang "cội nguồn của đau thương" ra mà làm đòn bẩy gì chứ bạn ấy, oan cho tại hạ ^^

Mà đồng chí mắc bệnh đó từ bao giờ thế. Nghe giang hồ đồn đại đồng chí là "bựa nhân" cơ mà nhỉ =)). Hà cớ gì phải tự kỷ hở đồng chí? Tớ đây sẵn sàng mang tấm thân anh dũng ra cho đồng chí báo thù, rửa hận =)))) [không biết vì sao các hạ hận thù ta nhể :D]

@Bạn chuông: Bạn ấy làm tớ ngượng đỏ cả mặt *chớp chóp*. Đọc com của bạn mà tớ không thể kiềm chế ham muốn được viết tiếp. Kam sẽ cố gắng hơn để không bị chém tả tơi vì xuống tay :D

Sọ Dừa
18-01-2011, 05:14 AM
Bạn Leng Keng chưa bao giờ khen tớ *vật vã

Đồng chí 5Kam, nếu hựn mà có thể dễ dàng nói ra vì sao lại hựn, thì mối hựn đóa nóa hem có đủ "sâu xa xôi thịt mỡ hành ngò tỏi ớt sừng trâu bò bê đê điều hành hạ giá cả thèm khát máu me dốt đặc biệt lập thể thao trường lớp..." (cứ 2 chữ đứng cạnh nhau là được 1 từ = =")

Noái chung là tớ hựn đồng chí = ="

*tự kỷ tiếp

Note: *gào* Tớ muốn thuê người viết hộ.

Kam
19-01-2011, 02:44 AM
Bạn chuông có nói rồi mà đồng chí, bạn ấy không khen tớ mà :D hê hê
Đồng chí hận ta vì mấy mớ dưa hành đó hở :D
Ta hận đồng chí về dự án Khúc xạ của ta.
Hôm nay tự dưng ngồi đọc lại fic ngẫm thấy mình già đi thật, tự dưng liên tưởng thấy mình đang sống ở thời các cụ ngày xưa. Thương cho người phụ nữ *chẹp chẹp*

Phong Linh
19-01-2011, 07:19 AM
Thấy bạn Sọ Dừa nhắc tên mình, lò dò xỏ găng tay vô tám [ HN của mình đang rét phát khiếp, online cũng phải xỏ găng, hức hức ].

Tội lỗi là tại mình lười vô fic của tác giả để comment :D mình chỉ có tám lèng phèng là giỏi thôi :") Thỉnh thoảng điên điên lên cơn lắm thì mới chiễm chệ nhảy vô fic người khác, không lăng xê thì chém giết :blushing: , còn ko cũng chỉ nhảy vào nói mấy câu hú hoạ vô thường vô phạt, kiểu tám là chính buôn là chủ yếu :"). Mình ngại vô fic người quen, máu tám nó lại nổi lên =))

Mà hồi đầu mình đọc lớt phớt cái chữ 5Kam, mình tưởng bạn Sọ Dừa viết 5Km :so_funny: Lại còn tự ý suy đoán đây là nickname thân thiết của bạn Kam =))

Kam
24-02-2011, 10:36 AM
Có bạn nhắc đến Sống muộn làm mình nhớ nó :D
Lôi lên đọc lại vậy