PDA

Xem đầy đủ chức năng : [VN] Về đất sinh Vua sinh Thánh sinh Thần



emgaicodo2000
01-08-2010, 03:42 PM
Hiếm có một vùng đất nào hội tụ đầy đủ các yếu tố nhân kiệt theo quan niệm truyền thống như ở Ninh Bình. Mảnh đất là quê hương của các bậc quân vương, các đức thánh tổ và những vị thần.
http://img121.imageshack.us/img121/4900/vuadinhtienhoang.jpg
Tượng Vua Đinh Tiên Hoàng ở khu di tích cố đô Hoa Lư
Đất sinh Vua:
Hoa Lư - Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Lê – Lý với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Đinh Tiên Hoàng đế là vị vua mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử đồng thời cũng là người con tiêu biểu của vùng đất này.

Do ở vào vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất Ninh Bình đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong từng ngọn núi, con sông. Đây còn là vùng đất chiến lược để bảo vệ Thăng Long của triều đại Tây Sơn, là căn cứ để nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông, đất dựng nghiệp của nhà Hậu Trần, nhà Mạc...

Ninh Bình đẹp làm say đắm lòng người, là nơi lưu lại bút tích của các đấng quân vương khi hành hương, vãn cảnh. Vua Lê Thánh Tông đã đề tặng động Bái Đính là nơi lưu danh thơm cảnh đẹp, chúa Trịnh Sâm tạc vào cửa Bích Động là Nam thiên đệ nhất động, vua Minh Mạng tặng Địch Lộng là Nam thiên đệ tam động, các vua Trần khi về già đều xây dựng hành cung Vũ Lâm để xuất gia tu hành.
http://img39.imageshack.us/img39/4698/250pxchuabaidinhcob2.jpg
Tượng đức thánh Nguyễn ở đền thờ thánh Nguyễn chùa Bái Đính cổ
Đất sinh Thánh:
Theo quan niệm người Việt, những nhân vật lịch sử có thật với nhiều công đức lớn sẽ được tôn vinh làm Thánh. Có 2 vị thánh nổi tiếng được thờ ở nhiều nơi nhất đó chính là đức thánh Trần (Trần Quốc Tuấn) và đức thánh Nguyễn (Nguyễn Minh Không). Đức Thánh Nguyễn Minh Không, người con của Ninh Bình từ phủ Tràng An ra kinh thành làm quốc sư triều lý, ông tổ nghề đúc đồng và là một trong những Quốc sư nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông được thờ ở 500 ngôi chùa mà tiêu biểu nhất trong số đó là chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng, chùa Quán Sứ, chùa Thần Quang, chùa Keo, chùa Quỳnh Lâm...

Ninh Bình cũng là quê hương, đất giấy nghiệp của hàng loạt các vị thánh tổ nghề mà năm 2014 chính phủ Việt Nam sẽ cho phép xây dựng đình thờ Tổ nghề Việt Nam tại cố đô Hoa Lư. Ninh Hữu Hưng người gốc Trường Yên là ông tổ nghề mộc La Xuyên, nghề trạm khảm Ninh Xá; Nguyễn Thị Sen thứ phi của Vua Đinh Tiên Hoàng là bà tổ nghề may; Phạm Thị Trân là bà tổ nghề hát chèo, Lý Quốc Sư là tổ nghề đúc đồng; Trần Thị Dung là bà tổ nghề thêu Ninh Hải... Ninh Bình cũng tự hào là quê hương của Định quốc công Nguyễn Bặc, là ông thủy tổ của dòng họ Nguyễn Việt Nam.

Gia phả một số dòng họ ở Bát Tràng như họ Trịnh, Lê, Vương, Phạm, Nguyễn... ghi nhận rằng tổ tiên xưa của họ từ Bồ Bát di cư ra đây (Bồ Bát là Bồ Xuyên và Bạch Bát). Ngày nay, Bồ Xuyên và Bạch Bát là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, vùng này có loại đất sét trắng rất thích hợp với nghề làm gốm. Theo truyền thuyết và gia phả một số họ như họ Vũ ở Bồ Xuyên, ngày xưa cư dân Bồ Bát chuyên làm nghề gốm từ lâu đời. Điều này được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc tìm thấy nhiều nơi ở vùng này. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Thăng Long trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt. Do nhu cầu phát triển của kinh thành, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long hành nghề và lập nghiệp biến Bát Tràng trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng.

Đất sinh Thần:
Thần là khái niệm cơ bản của tôn giáo, tín ngưỡng và cả mê tín, bắt nguồn từ thể hiện ý nhân cách hóa của người xưa về các lực lượng tự phát của giới tự nhiên như sấm, chớp, mưa, gió... có sức mạnh chi phối đời sống của con người và cộng đồng. Ninh Bình là quê hương gắn bó với các vị thần Quý Minh, Cao Sơn và Thiên Tôn.

Khi Đinh Tiên Hoàng Đế dựng kinh đô Hoa Lư đã cho xây dựng 3 ngôi đền để thờ các vị thần trấn giữ ở 3 vòng thành. Theo đó, thần Thiên Tôn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Đông, thần Quý Minh trấn giữ cửa ngõ vào thành Nam và thần Cao Sơn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Tây. Ngôi đền thần Cao Sơn hiện tại thuộc khuôn viên chùa Bái Đính cổ, cũng xây tựa lưng vào núi, có hành lang ngăn cách với thung lũng ở phía trước. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân - Âu Cơ. Đền thờ chính của thần ở huyện Phụng Hóa (Nho Quan, Ninh Bình). Vị thần này có công phù trợ quân Lê Tương Dực diệt được Uy Mục, sau cũng được dân làng Kim Liên rước về thờ và được phong là Cao Sơn đại vương trấn phía Nam kinh thành, một trong Thăng Long tứ trấn. Theo như thần phả của đền Núi Hầu (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, Ninh Bình) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi vâng mệnh vua anh (Hùng Vương thứ nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ.

Theo truyền thuyết dân gian xứ Sơn Nam, Đức Thánh Quý Minh Đại Vương là một trong ba anh em – ba vị thần núi đã được phong Thánh, là người có công trấn giữ vùng núi ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng thứ 18. Người là một “thượng đẳng thần”, được các nhà vua qua nhiều triều đại ban sắc phong, được nhân dân khắp xứ này thờ phụng. Đền chính được Vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng tại thành Tràng An ở cố đô Hoa Lư, sau vua Trần Thái Tông cho xây dựng lại với quy mô như ngày nay.
http://img688.imageshack.us/img688/2886/300pxcodohoaluc7.jpg
Tượng thần Thiên Tôn ở động Thiên Tôn
Theo thần tích đình làng Bích Đào, làng Đại Phong, Ninh Bình, thì thần Thiên Tôn là vị thiên thần, nguyên là hoàng tử, do hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, có thai rồi sinh ra ngài vào ngày mồng 3 tháng 3 năm Khai hoàng thứ 25 (năm 625), gọi là Huyền Nguyên. Lớn lên hoàng tử dũng mãnh hơn người, đi khắp thiên hạ, vào núi Dũng Dương Hoa Lư tu luyện 42 năm, khi đắc đạo có thể bay lượn, biến hóa, tận trừ tà ma quỷ quái. Ngọc hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và phong làm Bắc phương Trấn Vũ đại tướng quân. Sau phóng gươm ở dưới núi Cánh Diều (Ninh Bình) mà hóa. Năm 938, Cao Đô Đường Thái sư xây đền ở cửa động Thiên Tôn, tạc tượng tay chống bảo kiếm, chân đạp lên rùa rắn và ban sắc phong là Trấn Vũ An Quốc đại vương... Đinh Tiên Hoàng khởi nghĩa ở động Hoa Lư được hai tướng Rùa, Rắn của thần giúp sức nên được sắc phong là An Quốc hoàng đế. Có 7 nơi thờ thần là Bích Đào, Đại Phong, Yên Cư của huyện Yên Khánh, Lực Giá và Phú Gia của huyện Gia Viễn đều thuộc Ninh Bình

Với những thế mạnh đặc trưng và độc đáo của một vùng đất hội tụ hồn thiêng sông núi, Ninh Bình hôm nay đang phát triển trở thành một đàu tàu kinh tế ở cửa ngõ miền Bắc, một trung tâm du lịch, y tế và quân sự của cả nước.