PDA

Xem đầy đủ chức năng : Topic tổng hợp nhanh kì thi ĐH-CĐ 2010 - Đợt I (3-5/7/2010) - (Update Đề thi môn Toán



Mr.Chuym
02-07-2010, 09:16 PM
TT - Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi tuyển sinh, các giáo viên sẽ chia sẻ với thí sinh những vấn đề liên quan đến đề thi các môn khối A.

Môn toán:
Theo cấu trúc đề thi, chúng ta thấy có một số dạng toán sau thường xuất hiện trong đề thi. Phần chung:
Câu I: 1. Khảo sát hàm số và vẽ đồ thị: đề thi yêu cầu khảo sát một trong ba hàm số: bậc ba, trùng phương và nhất biến. Trong đó, nếu khối A cho hàm nhất biến, thì khối B và D sẽ cho hai hàm số còn lại. 2. Bài toán ứng dụng đạo hàm, thường ra thi nhiều nhất là các bài toán cực trị, tiếp tuyến, sự tương giao và dùng đồ thị biện luận số nghiệm phương trình.

Ở câu II, phần giải phương trình lượng giác, thường gặp nhất là yêu cầu giải một phương trình mà sau khi biến đổi có thể đặt nhân tử chung để đưa về việc giải các phương trình cơ bản hoặc phương trình cổ điển. Thỉnh thoảng cho phương trình có điều kiện giải bằng cách đặt ẩn phụ. Phần giải phương trình, bất phương trình, hệ phương trình đại số, các bài toán đều được giải bằng cách đặt ẩn phụ.

Ở câu III, bài toán tích phân: khối D chủ yếu dùng phương pháp tích phân từng phần, trong khi khối A và B sử dụng phương pháp đổi biến để tính. Thỉnh thoảng ở khối A yêu cầu tính diện tích một hình phẳng hoặc thể tích một vật thể tròn xoay.

Câu IV: Bài toán hình học không gian: thường cho khối chóp hoặc khối lăng trụ. Dạng toán này thường được giải bằng phương pháp hình học thuần túy hoặc đưa hệ trục tọa độ vào để chuyển thành bài toán hình giải tích trong không gian. Câu V: Bài toán bất đẳng thức: đây là câu khó nhất trong đề thi, học sinh nên bỏ qua và sẽ quay lại bài này sau khi đã giải quyết những bài toán khác nếu còn thời gian.

GV HOÀNG HỮU VINH

Môn vật lý: lý thuyết từ 40-50%

Ở đề thi môn vật lý, tỉ lệ câu hỏi lý thuyết hằng năm vẫn dao động từ 40-45%, bài tập từ 55-60%. Đề thi luôn có ở tất cả chín chương sách giáo khoa lớp 12 và phân bố đều trong các đề mục của mỗi chương. Ví dụ chương V có cả bài tập mạch điện xoay chiều và máy phát điện xoay chiều.

Những năm gần đây, yêu cầu bài tập cũng cao hơn về kết hợp hệ thức độc lập liên hệ giữa ly độ, tốc độ với gia tốc tức thời, định luật bảo toàn năng lượng. Từ biểu thức tốc độ suy ngược về phương trình dao động hoặc từ suất điện động nắm đặc trưng của từ thông. Đề thi có thể đòi hỏi viết nhanh phương trình dao động, sóng cơ học, dòng điện, điện áp, sóng điện từ rồi dùng nó phối hợp với định luật bảo toàn năng lượng để tìm đặc trưng của dao động điều hòa của con lắc hay khung dao động.

Thí sinh cũng gặp các dạng bài toán tính số bụng, nút khi hai nguồn kết hợp ngược pha, lệch pha vuông góc. Với phần điện xoay chiều, thí sinh chú ý áp dụng định lý Viet trong bài toán công suất hoặc hình dạng giản đồ Fresnel trong bài toán cực đại về điện áp hiệu dụng.

ThS NGUYỄN HỮU LỘC

Môn hóa: chú ý công thức giải nhanh

Các em cần tập trung ôn thật kỹ thêm những vấn đề sau đây mà đề thi thường hay ra: những vấn đề liên quan đến oxy hóa khử; dung dịch điện ly; vận tốc phản ứng, cân bằng hóa học (các câu hỏi về sự dịch chuyển cân bằng); các câu hỏi liên quan đến chương cấu tạo nguyên tử - bảng hệ thống tuần hoàn.

Các bài toán của kim loại phản ứng với axit, kim loại phản ứng với muối; muối phản ứng với axit, oxit phản ứng với axit, phản ứng nhiệt luyện, kim loại phản ứng với H2O; kim loại phản ứng với hỗn hợp (Cl2, O2). Trong phần này các em chú ý các công thức vận dụng định luật bảo toàn điện tích, định luật bảo toàn khối lượng và các công thức sử dụng phương pháp tăng giảm khối lượng.

Đối với nhóm bài kim loại phản ứng với axit, các em cần chú ý công thức giải nhanh các bài toán hỗn hợp kim loại phản ứng với HNO3; H2SO4 đặc sinh sản phẩm khử; các bài toán hỗn hợp kim loại tác dụng với dung dịch HCl hoặc H2SO4 loãng; bài toán có Mg, Al phản ứng với HNO3 sinh NH4NO3 và các bài toán của Fe với HNO3; H2SO4 đặc tạo hỗn hợp muối.

GV NGUYỄN TẤN TRUNG - M.G. ghi

___________________
Theo Tuổi trẻ

Chúc các sĩ tử may mắn :wish:

Mr.Chuym
03-07-2010, 07:10 PM
Bắt đầu từ 7h15 phút sáng nay, thí sinh dự thi đại học 2010 khối A và V bắt đầu làm bài thi môn Toán với thời gian 180 phút. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi đợt này đạt 74,12% so với hơn 800.000 thí sinh đăng ký dự thi.

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, trên cả nước có 83 đại học, học viện và trường đại học đã làm thủ tục dự thi cho các thí sinh dự thi khối A và V. Tổng số điểm thi là 997 với 25.233 phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 863.721 em, giảm khoảng 8 % so với năm 2009.
Tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 640.168 em, tăng khoảng 4% so với năm 2009. Tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi/số thí sinh đăng ký dự thi là 74,12%, tăng 7,94% so với năm 2009.

Tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi tăng 7,94% so với năm 2009. Cao nhất vẫn là khối các trường An ninh (trên 90%) và Quốc phòng (trên 80%). Đại học Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, Cụm thi thành phố Cần Thơ... tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục thi đều trên 80%. Tại cụm thi Hà Nội, số thí sinh đến dự thi của các trường chỉ đạt 60 - 70%, thậm chí có trường chỉ đạt trên 50%.

......................
(theo Dân trí)

Mr.Chuym
03-07-2010, 09:50 PM
Đề thi đại học khối A môn Toán 2010:
- Theo nhận định chung của nhiều sĩ tử, đề thi Toán năm nay khá 'xương'. Thậm chí rất nhiều thí sinh tại điểm thi ĐH Công nghiệp TP HCM không làm được bài.
http://img.news.zing.vn/img/362/t362704.jpg

................
(Zing news)

Mr.Chuym
04-07-2010, 08:33 AM
TTO - Nhiều thí sinh đánh giá đề thi Toán và Lý trong ngày đầu tiên tuyển sinh ĐH đợt một 4-7 là "quá khó".

TP.HCM: Thí sinh đánh giá đề Lý dài, suy luận nhiều

Ghi nhận nhanh các điểm thi khu vực Thủ Đức như ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Ngân hàng, THCS Hoa Lư… rất hiếm thí sinh ra trước giờ làm bài.

Tại điểm thi THPT Nguyễn Hưu Huân, các thí sinh đánh giá đề lý năm nay tương đối dài và có tính lập luận nhiều hơn năm trước. Tỷ lệ lý thuyết và bài tập tương đối cân bằng, những câu lý thuyết phần lớn là định tính, rất ít câu ra lý thuyết suông trong SGK.

Ngủ quên, quên máy tính

Sau môn thi toán buổi sáng, nhiều thí sinh căng thẳng, hoang mang. Kết thúc môn thi vật lý buổi chiều, nhiều thí sinh vẫn cảm thấy lo lắng, nhiều thí sinh ngủ quên, quên máy tính.

“Do thi trắc nghiệm nên không có chuyện bỏ giấy trắng, bạn nào cũng làm hết, trả lời hết. Nhưng trong phòng có rất nhiều bạn làm "lụi" mà không có tính toán” - thí sinh Trần Thị Thu Hiên, quê Quảng Nam, dự thi vào Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) - nhận xét.

Thí sinh Trần Tiến Thành, quê Lâm Đồng, dự thi vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ: “Đề thi khó tương đương đề toán lúc sáng, các bạn học giỏi khối A sẽ đạt điểm 7, còn các bạn trung bình thì khó lấy được điểm trên 5”.

Hà Nội: nhiều thí sinh bỏ thi

Thí sinh tại Hà Nội bước vào môn thi thứ hai trong thời tiết nắng nóng hầm hập. Thời tiết quá nắng nóng cùng với sự căng thẳng, điều kiện sinh hoạt bị thay đổi khi đi thi… là nguyên nhân khiến nhiều thí sinh bị kiệt sức, cần đến sự hỗ trợ của cán bộ y tế.

Tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, làm bài thi Vật lý được một lúc, một nữ thí sinh bị nôn ói ngay tại phòng thi. Nguyên nhân được thí sinh cho biết là ngồi thi trong phòng có điều hòa nhiệt độ không quen, bị “say”. Vì sức khỏe của thí sinh, hội đồng thi phải tắt điều hòa nhiệt độ, chỉ bật quạt.

Theo phản ánh của các điểm thi của học viện Ngân hàng, ĐH Công đoàn, tình trạng thí sinh bị mệt mỏi gia tăng trong buổi thi thứ hai do quá nắng nóng. Hầu hết các điểm thi được bố trí quạt điện, tránh sử dụng phòng thi cấp 4, mái tôn nhưng nóng nắng vẫn khiến thí sinh bị mệt. Một số thí sinh của ĐH công đoàn cho biết nhiều bạn do quá mệt đã nằm gục xuống bàn nhiều lần nhưng do lo lắng không hoàn thành bài thi nên đã từ chối được chăm sóc y tế.

Bên cạnh đó cũng có nhiều thí sinh bỏ cuộc. Nguyên nhân có lẽ do thí sinh đã không làm tốt bài thi môn Toán buổi sáng. Ông Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết trường có 63 thí sinh bỏ thi môn Vật lý. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có 67 thí sinh bỏ thi, trường ĐH Giao thông vận tải 57 thí sinh, ĐH Mỏ Địa chất 25 thí sinh, ĐH Khoa học tự nhiên 29 thí sinh, ĐH Ngoại thương 30 thí sinh, ĐH Nông nghiệp Hà Nội hơn chục thí sinh…

Đà Nẵng: người "méo mặt", người "trúng tủ"

Tại một số hội đồng thi ở Đà Nẵng, sau tiếng trống kết thúc giờ làm bài, nhiều thí sinh tỏ ra thất vọng do đề thi môn Vật lý quá khó.

Tại một số Hội đồng thi như Bách khoa, Sư phạm, Cao đẳng Kinh tế kế hoạch, đa phần các thí sinh đều cho rằng đề vật lý quá khó: “Khó gấp đôi thậm chí gấp ba so với đề thi tốt nghiệp. Vừa rồi tốt nghiệp môn Vật lý em làm được 8 điểm nhưng đợt này chắc không được 5 điểm nữa” - thí sinh Thu An tại Hội đồng thi Bách khoa cho biết.

Không khí tại một số Hội đồng thi chiều 4-7 khá ảm đạm do đa phần các thí sinh làm bài không thực sự tốt. Tại Hội đồng thi ĐH Sư phạm, nhiều thí sinh cho rằng đề thi môn Vật lý quá khó: “Học sinh có học lực trung bình khó mà làm được 5 điểm, đề thi chỉ dành cho học sinh có học lực khá trở lên thôi. Em làm chắc cũng được 4 điểm thôi” - Phan Văn Quỳnh, thi vào ngành Cử nhân công nghệ thông tin buồn bã nói.

Bên cạnh đó cũng có nhiều thí sinh “trúng tủ” nên khi ra về tỏ ra rất phấn khởi: “Dù đề thi tương đối khó, đa phần ra ở chương trình 12 và dồn trọng tâm vào phần điện nhưng nhờ được ôn tập kỹ phần này nên bài làm của em khá tốt, chắc được trên 7 điểm”, thí sinh Lê Nhân Văn, thi tại Hội đồng thi trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng hào hứng.

Tây Nguyên: Đội mưa đi thi

Kết thúc buổi thi môn Vật lý chiều 4-7, rất nhiều thí sinh tại cụm thi ĐH Tây Nguyên đều cho biết đề thi năm nay ra rất khó và dài, thí sinh phải nắm vững toàn bộ kiến thức chương trình và phải hết sức vất vả mới giải được hết đề.

Bước ra từ điểm thi THPT Hồng Đức, thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Thảo, dự thi vào ĐH Tây Nguyên lắc đầu cho biết, so với năm ngoái thì đề Vật lý năm nay khó hơn nhiều, hầu hết các thí sinh thi chung phòng với Thảo đều ngồi trong trạng thái hết sức căng thẳng, tới lúc nộp bài nhiều bạn vẫn chưa giải quyết xong bài thi.

Tại địa điểm thi ĐH Tây Nguyên, nhiều thí sinh khi được hỏi cũng cho biết đánh giá chung là đề thi năm nay khó hơn năm trước rất nhiều. Do đề khó nên hầu hết thí sinh phải ngồi đến cuối giờ, không có thí sinh nào ra sớm trước giờ.

Chiều 4-7, tại TP Buôn Ma Thuột bất ngờ đổ mưa lớn và kéo dài tới hết giờ làm bài của thí sinh. Tại các địa điểm thi, hàng ngàn thí sinh và người nhà phải lội mưa đi thi, trong khi con cái đang làm bài phía trong thì bên ngoài hàng ngàn phụ huynh đội mưa đứng chật kín, nhiều người chịu cảnh ướt sũng để ngóng con.

Do mưa lớn và kéo dài nên đã xảy ra tình trạng ách tắc đường cục bộ. Tại cụm thi ĐH Tây Nguyên, lượng xe cộ và người chen chúc gây nên cảnh kẹt cục bộ kéo dài từ cầu Ea Tam về đến trường CĐ Nghề thanh niên Dân tộc. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại một số địa điểm thi như THPT Hồng Đức, THPT Chu Văn An…

Theo báo cáo nhanh từ Hội đồng tuyển sinh ĐH Tây Nguyên, trong buổi thi chiều 4-7 đã có một cán bộ coi thi bị đình chỉ vì xé nhầm bài của thi của thí sinh. Có 42 thí sinh không đến dự thi.

Cần Thơ: thí sinh than đề Lý quá khó

Tại cụm thi Cần Thơ, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi than đề thi môn Lý năm nay quá khó và có nhiều câu hỏi hóc búa. Phần lớn các câu hỏi trắc nghiệm phần lớn nghiêng về phần bài tập khiến thí sinh tốn khá nhiều thời gian giải quyết các câu hỏi. Nhiều thí sinh cho biết học sinh học lực trung bình khó có thể đạt điểm 5.

Kết thúc buổi thi môn lý, tại cụm thi Cần Thơ có 9.347 vắng thi. Tỷ lệ thí sinh có mặt dự thi chiếm 81,1%. Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Cần Thơ cho biết có 1 trường hợp thí sinh tại hội đồng THCS An Hòa 2 (quận Ninh Kiều) bị khiển trách do vẫn cố tình làm bài khi đã hết thời gian quy định.

Miền Trung: nắng nóng "hành" thí sinh

Nắng nóng tiếp tục “hành” thí sinh tại buổi thi chiều nay. Nhiệt độ ngoài trời tại Quảng Nam lên tới 38-39 độ C. Nắng nóng cộng với áp lực thi cử khiến cho nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi với vẻ bơ phờ dù theo một số thí sinh, đề thi môn Lý “dễ thở” hơn nhiều so với môn Toán trước đó. Ngay cả phụ huynh đứng chờ con em trước các hội đồng thi cũng than “chịu không nổi” với cái nóng.

Theo đánh giá của hội đồng tuyển sinh trường Đại học Quảng Nam, ngày thi đầu tiên diễn ra khá nghiêm túc, an toàn và đúng qui chế. Dù vậy, đã có hai trường hợp vi phạm qui chế thi bị xử lý kỷ luật (một bị đình chỉ thi và một bị khiển trách). Buổi thi chiều có thêm ba thí sinh bỏ thi.

Tại Bình Định, thời tiết nóng bức cũng làm ảnh hưởng đến việc làm bài của thí sinh. Tại điểm thi Trường THCS Nhơn Phú của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có 1 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi, 1 thí sinh khác bị khiển trách.

Tại điểm thi vào Trường ĐH giao thông vận tải TP.HCM đặt tại trường tiểu học Trần Quốc Toản, TP Quy Nhơn có 1 thí sinh đi thi trên đôi nạng gỗ. Đó là em Lê Trung Toàn, học sinh Trường THPT Chu Văn An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Toàn cho biết em không may bị tai nạn trước ngày thi không lâu, chân tay đều phải băng bột nhưng vì không muốn bỏ lỡ cơ hội vào đại học nên em vẫn cố gắng đi thi với sự trợ giúp của các anh chị ở Hội doanh nghịêp trẻ tỉnh Quảng Ngãi.

Về đề thi, một số thí sinh tiếp tục "kêu" đề thi Vật lý khó hơn đề năm ngoái, chỉ làm được chắc chắn khoảng 50% số câu hỏi của đề thi.

Tại TP Huế, trong buổi thi vật lý chiều 4-7, thêm 40 thí sinh vắng mặt so với buổi sáng, nâng tổng số vắng lên 2.884, song tỉ lệ dự thi vẫn đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm qua với 86,12% (17.896 thí sinh/20780 hồ sơ). Tại điểm thi Trường THCS Thống Nhất, một thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi.