PDA

Xem đầy đủ chức năng : Thời để yêu thời để sống



50830
19-05-2010, 08:39 PM
Có bao nhiêu thời yêu trong một đời người? Nói đơn giản: Thời yêu trải dài theo đời người. Có 3 thời kỳ theo tuổi tác mà mọi người thường nói tới: Thời trẻ, thời trung niên, thời của tuổi vào già.

Ba thời ấy gối nhau đi suốt số phận con người: Yêu để sống - sống mà yêu. Là người bình thường, ai ai cũng có tình yêu, thời yêu, duyên phận hướng tới hạnh phúc gia đình. Thời yêu, ấy chính là thời ta đã và đang sống với tình yêu dào dạt mà mỗi thời ở từng khung tuổi tác, thời gian mang những đặc điểm, hoàn cảnh, trạng thái yêu, kết quả của tình yêu, dáng vẻ của tình yêu khác nhau.

Có người chỉ một lần yêu làm nên thời yêu suốt cả đời mình. Có người đứt khúc phải làm lại tình yêu qua từng thời tới tận lúc già mới thỏa ước mong. Có người mãn nguyện ngay từ khi còn trẻ. Có người vào tuổi trung niên mới bước vào thời yêu. Có người đằng đẵng suốt cả ba thời yêu mà không đậu lại một bến yêu nào. Đấy là tình yêu - mối tình chôn chặt trong lòng.

Từng thời yêu lại có một hay một vài nấc thang yêu tùy theo từng người đã có mấy mối tình, người tình đã vương. Hãy thử điểm qua từng thời yêu:

Thời tuổi trẻ: Đây là thời non tơ, bỡ ngỡ, tươi mới, háo hức, say đắm từ tuổi hoa niên chanh cốm (dậy thì) cho tới tuổi trưởng thành (18 tuổi) kéo dài tới tuổi 30. Tình yêu ở đâu, với ai, cũng phải đi tới hôn nhân gia đình mới là tình yêu chân chính - chính đáng, kể từ khi đủ 18 tuổi (theo Luật Hôn nhân Gia đình ở nước ta). Có thể nói: Tình yêu thời trẻ là thời yêu đa dạng nhất, sôi nổi, say đắm nhất giữa hai thái cực vui và buồn, ngọt ngào và cay đắng. Thời kì này hiện ra một cách tự nhiên và diễn biến qua 3 “khúc”: Khúc dạo đầu, khúc bước vào yêu, khúc hái lượm kết quả (gọi là khúc 1, 2, 3).

Khúc 1: Tình yêu đến (có thể từ từ hoặc bất chợt) như “khách không mời” mà đến rồi bám riết lấy ta từ đấy ở quãng 13 - 17 tuổi. Khi ấy, tình yêu chưa hiện ra trọn vẹn, còn mờ ảo, mới tinh khôi, chập chờn, lãng đãng, ngỡ ngàng nhưng cuốn hút vô cùng, khiến cho ta vừa thích thú, vừa e ngại mà chân vẫn bước đi- đi vào cái cõi bí mật mà ta chưa từng biết tới. Hẳn là một thứ tình cảm vấn vương, lôi cuốn, càng bỡ ngỡ càng mê mải tìm lời giải đáp.

Cũng tự nhiên nảy sinh tình cảm khác lạ trong tình bạn với bạn khác giới, với bản thân mình xao xuyến một chữ: “yêu”. Sẽ xảy ra hai tình huống: Cẩn thận, kín đáo để nhận biết tình yêu là gì, gồm có những gì và “nó” ra làm sao rồi mới từ từ... yêu. Hoặc là: Yêu luôn, lao thẳng vào tình yêu với tất cả sự vụng dại của mình. Dễ như thế lắm, bởi đã biết gì mấy đâu về tình yêu. Nên rất cần tới sự hướng dẫn chỉ bảo của người thân, người lớn và tự tìm hiểu, lắng nghe, quan sát cuộc sống ở xung quanh, đối chiếu và tìm câu trả lời đúng.

Đừng vội vã. Tuổi chanh cốm chưa phải là tuổi yêu. Mới chỉ là: Làm quen với tình yêu.

Khúc 2: Đã vào tuổi 18 – tuổi thành niên đã đủ điều kiện kết hôn. Là tuổi có khả năng suy nghĩ, nhận xét cuộc sống và lựa chọn tình yêu, người yêu, lập gia đình. Tình yêu ấy, rất cần cho đời sống của con người. Tình yêu vốn rất đẹp và cho ta hạnh phúc. Song tình yêu cũng rất dễ vỡ. Ngọt ngào đấy, rồi cay đắng đấy.

Những buổi hẹn hò, những tay cầm tay, những nụ hôn, cả tiếng sét ái tình nữa, chưa đủ để đạt tới đỉnh cao an toàn cho tình yêu, bởi khi tình yêu chớm nở, thì đồng thời gặp ngay mọi thử thách khó khăn. Thử thách không chỉ do bên ngoài đem tới mà ngay chính người đang yêu cũng tự gây khó khăn cho mình. Nào lỡ hẹn, nào hiểu lầm, nào dỗi hờn, nào có yêu thì mới biết ai đấy là người không thể yêu được. Nào những điều kiện cần thiết để nuôi dưỡng tình yêu. Tuổi trẻ đã có đủ nghị lực, tài năng, trí thông minh giúp mình vượt qua những thử thách ấy chưa?

Biết yêu, yêu thật lòng, yêu chính đáng thì sẽ được đáp lại xứng đáng. Nói: biết yêu thì được yêu là như vậy. Cần phải tự tin và đừng bắt cá hai tay.

Khúc 3: Là kết quả hay là hậu quả xấu. Người xưa đã nói: Yêu sao được thế. Tuổi trẻ cũng có thời. Thời yêu cũng có thời. Lận đận hay suôn sẻ cũng trước hết do mình. Cái gì đã qua đi, không thể lấy lại như ban đầu.

Thời trung niên: Có người do say mê sự nghiệp, hoài bão, nuôi chí lớn nên chưa vội yêu khi còn trẻ. Có người lận đận yêu mãi vẫn chưa xong, chưa chọn được nửa kia cho mình. Có người bởi những sai lầm của mình khi yêu như: Thử “sống thử” mà hóa ra “chết” thật. Vấp rồi ngã. Gượng đứng lên, lại ngã. Thời trẻ trung vụt trôi qua.

Tuy nhiên, thời trung niên là thời con người ta đã từng trải, đã đắm mình vào cuộc sống, đã tự chọn điểm đứng, chỗ ngồi cho tình yêu hạnh phúc của mình vào lúc thích hợp. Hoặc đã “tỉnh ra” sau những gì nếm trải trong tình yêu, vừa nhận rõ tình yêu, vừa biết quý những gì còn lại của tình yêu, giá trị và mối quan hệ mật thiết ý nghĩa: Yêu để sống – sống mà yêu. Thời trung niên ít ai còn sôi nổi, vụng dại, đánh bạc với tình yêu.

Tuổi trung nên (30 đến 50) ví như mùa quả chín. Cũng là thời điểm sàng lọc: đâu là trái chín, đâu là quả nẫu. Có còn là hương nồng hay nhạt rồi thi vị của tình yêu. Thời gian nấn ná chẳng còn mấy nữa.

Thời cao tuổi: Cuối tuổi 50 trở lên. Còn phong độ đến tuổi 70 và hơn nữa. Ở tuổi ấy, tình yêu vẫn còn ở người già. Nhu cầu về tình dục không còn mãnh liệt như thời trẻ, không còn nồng đậm hồi trung niên đã qua.

Vào già, tình yêu đã biến đổi. Mối tình già lúc đó có giá trị khỏa lấp nỗi cô đơn hơn là luyến ái. Dù không nhiều, đã từng có cụ bà, cụ ông lỡ dở tình duyên khi còn trẻ, lúc vào già độc thân mới tìm thấy, tìm lại, đến với nhau hợp pháp (chỉ tội... đã già) nhưng thường gặp sự thiếu thông cảm của con, cháu, chắt hoặc trở ngại bởi hoàn cảnh xã hội, tình huống riêng của gia đình. Thành thử nhu cầu, dạng vẻ tình yêu đã khác. Nhiều cụ thanh thản: Có cũng tốt, mà không có cũng chẳng sao. Bao giờ con, cháu đến tuổi già rồi sẽ hiểu.

Thời ta yêu để sống – sống đẹp. Sống để làm việc cho đời. Sống để yêu thương với lòng nhân ái. Vượt qua được 3 thời yêu ấy tới đận thanh thản là có trọn một tình yêu.

Theo Hạnh phúc gia đình