PDA

Xem đầy đủ chức năng : “Không được khóc, mình là một cô bé kiên cường”



cobehoanthien_24
04-05-2010, 01:41 AM
“Không được khóc, mình là một cô bé kiên cường”
Gia đình nghèo túng, bố mẹ lại ốm đau, bệnh tật, các em thì vẫn còn quá nhỏ, khó khăn này cùng những bất hạnh khác liên tiếp tìm đến đôi vai gầy yếu ớt của Nguyễn Thị Hương (học sinh lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Thị Định, Thuận Thành, Bắc Ninh)...
Qua câu chuyện với bố mẹ Hương, tôi mới biết khi em đang học lớp 7 thì bất hạnh liên tiếp dồn lên đôi vai bé nhỏ của em. Bố bất ngờ bị tai nạn giao thông. Khi bố Hương còn đang điều trị trong viện thì người mẹ phải mổ sỏi thận, sỏi mật. Hương một lúc vừa phải lên viện chăm lo cho bố và mẹ hàng ngày, vừa phải chăm sóc cho bốn em nhỏ, trong đó có một em chưa tròn hai tuổi. Vừa được một tuần thì con bò - đầu cơ nghiệp của nhà Hương bỗng dưng lăn ra chết. Tai ương, bế tắc cứ liên tiếp tìm đến gia đình nghèo khốn, túng thiếu của Hương.
Một cô bé ở cái tuổi ăn còn chưa no, lo còn chưa tới đã trở thành trụ cột gia đình. Dù cuộc sống vất vả, Hương vẫn ham học và 6 năm nay đều có thành tích học tập cao. Em vẫn mong một ngày mình sẽ trở thành cô giáo để có thể giúp ích cho đời.
Chúng tôi tìm đến nhà em Nguyễn Thị Hương vào một buổi trưa chủ nhật, trời vẫn còn rét. Lúc đó em đang đi cấy thuê cùng mẹ và em gái ở ngoài đồng chưa về.
Người cha nhỏ thó, bước đi khó khăn, đang mang trong mình căn bệnh não tiếp chúng tôi trong một căn nhà nhỏ bé, tồi tàn. Gậm giường đầy khoai lang, giấy vụn, ba chiếc giường chiếm hết diện tích căn nhà bởi vậy mà không có chỗ để kê ghế. Thứ quý giá nhất trong nhà có lẽ là chiếc hòm cũ mục nát chứa thóc được kê ở gian giữa.
Ông Long, cha của em Hương tâm sự: “Tôi bị não, không làm được gì, kinh tế gia đình phụ thuộc vào vào bà xã tôi và cháu Hương, con gái lớn. Khi khỏe mạnh thì hai mẹ con làm, còn từ khi mẹ nó bị căn bệnh sỏi thận, sỏi mật hoành hành thì công việc chủ yếu do cháu Hương làm, bên cạnh đó thì đứa em đang học lớp 5 phụ giúp. Vì hoàn cảnh gia đình nên Hương phải học dán mặt nai (mặt nai dùng để làm hàng mã) từ khi học mẫu giáo, lên lớp 1 đã phải cùng mẹ ra đồng tập cấy".
Ông Long kể đến đây thì hai chị em đã đi cấy về, Hương lanh lẹ đặt 2 chiếc cuốc trên vai xuống, cởi bỏ chiếc quần lấm lem bùn đất, vào bếp nấu ăn. Gọi là nấu ăn thôi nhưng chỉ có nồi canh rau cải và siêu nước. Một lúc sau, ba chị em rủ nhau ra dán mặt nai. Những ngày tháng ấy là những ngày tháng bi đát nhất, có lúc nước mắt chực trào ra, nhưng em lại an ủi chính mình: “Không được khóc, mình là một cô bé kiên cường”. Rồi những ngày tháng đó cũng dần qua đi và bố mẹ Hương đều bình phục trở về.
Tôi hỏi Hương: “Em bận thế này thì học vào lúc nào? Cô bé nói: “Em dậy từ 3 giờ sáng học đến 6 giờ, dán mặt nai đến 7 giờ, rồi đi học, trưa về tranh thủ dán mặt nai, 1 giờ chiều đi học, tối về dán mặt nai đến 11 giờ đêm.”
“Thế em không đi thi học sinh giỏi sao?”, trước câu hỏi ấy của tôi, cô bé lặng buồn cúi mặt xuống. Một cô em gái của Hương phân bua: “Nếu chị ấy đi thi học sinh giỏi thì không có thời gian để giúp mẹ đập mặt nai nữa.”
Người mẹ gày gò, có nước da đen đúa tâm sự: “Cho dù chúng tôi có phải vay ngân hàng, cuộc sống gia đình có khó khăn, túng thiếu đến đâu cũng không bao giờ để con cái chúng tôi phải thất học”. Rồi bà bật khóc: “Tôi chỉ thương con Hương, nó là chị cả nên nó khổ nhất…”.
Chia tay tôi, Hương cầm cặp sách trên tay chuẩn bị đến trường, cô bé hứa: “Em sẽ cố gắng trở thành một cô giáo để thoát khỏi cái nghèo và giúp ích cho đời”.
Hình ảnh Hương đèo đứa em nhỏ tới trường, xa dần trên con đường làng, không biết cô bé ấy có đủ sức để chống chọi với những khó khăn sắp tới không. Mong rằng ước mơ của Hương sẽ có ngày trở thành sự thật.


trích violympic