PDA

Xem đầy đủ chức năng : Nghịch lý cuộc đời



KenX
10-04-2010, 05:04 AM
Con người là một thể thống nhất, cuộc sống là một bức tranh toàn cảnh, nhưng do khả năng hạn chế, con người khó nhìn nhận cuộc sống, các vấn đề của mình một cách toàn diện, do đó họ khó tránh khỏi sai lầm.


Nghịch lý thứ nhất: con ngưòi khi có sức khỏe thì phung phí, khi không còn sức khỏe mới lo giữ gìn. Trong nhân dân có câu nói phản ánh thực tế cuộc sống là: “Trẻ ngồi quán trà, già tập thể dục”.
Đúng vậy, ở công viên, các địa điểm tập thể dục công cộng, chúng ta thường thấy đa số các cụ già, những người có tuổi – khi mà sức khỏe đã giảm sút trông thấy - tập thể dục để giữ gìn sức khỏe. Trong khi đó, những người thanh niên đang sung sức thì rất ít quan tâm đến sức khoẻ của mình, thậm chí còn phung phí, phá hoại sức khỏe như: ăn uống không điều độ, thức khuya (kể cả thâu đêm), hút thuốc lá, uống rượu bia “thả phanh”, làm việc căng thẳng quá mức… Đúng như nhiều người nhận xét: khi có thì chả giữ, khi không còn thì cố níu kéo. Đó là tâm lý chung qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ, nhưng thật khó rút được kinh nghiệm cho mỗi người.

Nghịch lý thứ hai: ở tuổi có khả năng hưởng thụ thì không có điều kiện để hưởng thụ, đến khi có điểu kiện thì không còn khả năng để hưởng thụ.
Chúng ta thấy, mọi người khi bắt đầu bước vào cuộc sống tự lập, còn trẻ, khỏe, thích ăn, thích diện, thích thể hiện bản thân. Nhưng khi đó họ mới bắt đầu lập nghiệp, còn bỡ ngỡ với công việc, chưa có kinh nghiệm, thu nhập thấp, khó khăn rất lớn về kinh tế. Tất nhiên, họ phải hạn chế nhu cầu hưởng thụ của mình và tập trung tất cả cho công việc, để nâng cao thu nhập, để tích lũy của cải, thậm chí có người không còn thời gian cho bản thân, không còn thời gian để chăm lo sức khỏe. Rồi họ phải lo cho cuộc sống gia đình. Và đến một độ tuổi nhất định, tuổi trưởng thành, khi họ đã có nhiều điều kiện về kinh tế, thì khi đó, nhiều người sức khỏe đã bị suy sút, có bệnh tật (do làm việc căng thẳng và những vấn đề khác của cuộc sống), họ phải kiêng khem, giữ gìn, không dám ăn và không được ăn, vui chơi, giải trí cũng cúng không còn là nhu cầu đáng kể.
Đúng là trong cuộc sống, tính thời điểm rất quan trọng, có những thời điểm chúng ta phải ưu tiên đầu tư, tập trung thời gian, công sức nhiều hơn vào những công việc, những vấn đề nào đó được quan tâm ít hơn. Nhưng cũng phải luôn luôn ghi nhớ, những vấn đề khác là vấn đề thứ yếu, chứ không thể bỏ qua. Chẳng hạn, khi còn trẻ tuổi, chúng ta phải chăm chỉ học hành, tích lũy kiến thức, cần cù lao động, tích cực khám phá, sáng tạo để có thu nhập tốt, xây dựng điều kiện cơ sở vật chất cho bản thân và gia đình. Nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể quên mất bản thân, không dành thời gian nghỉ ngơi, giải trí hợp lý, không chăm lo cho các mối quan hệ. Bởi vì những thứ mất đi rất khó lấy lại được, đặc biệt là sức khỏe. Có một hình ảnh rất thú vị: khi còn trẻ, một ngưòi thanh niên sử dụng hết sức khỏe của mình đề làm giàu, nhưng khi trở thành một ông già, giàu có, người đó muốn lấy tiền của để mua sức khỏe thì không mua được.
Những nghịch lý đó một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, cuộc sống là một bức tranh toàn cảnh, để có bức tranh đẹp, người họa sĩ phải biết sử dụng hài hòa nhiều màu sắc và cảnh vật. Nếu nhìn lệch lạc và phiến diện, cuộc sống sẽ mất đi nhiều ý nghĩa của nó.