PDA

Xem đầy đủ chức năng : Những chuyện tình hạnh phúc ^.^



whitemouse108
02-03-2010, 08:01 AM
Mối tình 62 năm

Người lính Nga Ivan Byvshyx đã làm quen với Lisa Waldheilm ở Đức vào những ngày đầu tiên ngay sau kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai...

Chàng là phiên dịch của hồng quân Liên Xô, khi đó đang đóng tại ngôi làng của Lisa là Turingia. Nàng là con gái rượu của một gia đình tư sản giàu có.

Nhưng những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi nhanh chóng qua đi, Ivan phải trở về tổ quốc. Tiễn người yêu ra nhà ga, Lisa đã bỏ vào ba lô người tình một lá thư: "Em đã có thai". Nhưng đứa trẻ đã không chào đời như mơ ước của cô gái Đức. Và sau đó Lisa đã không bao giờ có thể có con.

Ban đầu, đôi bạn giữ liên lạc và thường xuyên thư từ cho nhau. Nhưng về sau Ivan bị cấm viết thư cho người yêu: đảng viên cộng sản Ivan không có quyền thư từ cho một nữ công dân Cộng hòa Liên bang Đức.

Nhưng tình yêu không thể bị ngăn cấm. Những bưu thiếp, hình ảnh của Lisa thập niên 1950 được Ivan nâng niu cất giữ: Lisa ở viện bảo tàng, Lisa và các bạn, Lisa trong vườn. Những hồi ức về Lisa tràn ngập trong những quyển nhật ký dày chiếm cả một hàng dọc trên kệ tủ của Ivan Nikolayevich. Trong một quyển nhật ký, Ivan đã viết: "Tôi thò đầu ra khỏi cửa sổ toa tàu và ngoái nhìn. Lisa, Lisa tội nghiệp của tôi, nàng đứng trên nhà ga, nhìn theo tôi và tay vẫy chiếc khăn trắng mãi không thôi. Tôi đã nhìn thấy nàng vào phút chia tay, lần cuối cùng, như thế đó, và nàng vẫn mãi như thế trong ký ức của tôi...".

Thời gian trôi đi.

Cả hai đều lập gia đình, và có lẽ là số phận khi cả hai cuộc hôn nhân đều không thành công.

Thế rồi 60 năm sau, Ivan và Lisa may mắn tìm lại được nhau. Một người quen của Ivan, qua những người quen khác, tìm ra được người phụ nữ Đức kia. Những cánh thư lại đươc nối tiếp. Và năm ngoái, Lisa, 80 tuổi, đã lần đầu tiên tới quê người mình yêu, Krasnoyarsk.

Số phận đôi bạn già trở thành mối quan tâm của chính quyền địa phương. Hiểu được tấm tình của họ, chính quyền hứa tặng cho họ một căn hộ. Tin tốt lành này đã được báo cho Ivan Byvshyx vào ngày lễ chiến thắng 9-5-2007.

Tuy nhiên, để tổ chức một đám cưới, đôi tình nhân phải trải qua một số thủ tục khó khăn vì Lisa chưa có giấy ly hôn với chồng cũ. Và mới vài ngày trước, Lisa mang tới Krasnoyarsk đầy đủ giấy tờ. Ngay lập tức, ngày 8-11, họ đi đăng ký kết hôn.

Hôn lễ của họ sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12 năm nay. "Chúng tôi sẽ đón khoảng 50 vị khách: các đồng nghiệp cũ, những người bạn cùng trung đoàn, họ hàng", vị hôn phu vui sướng thông báo. "Hạnh phúc làm sao! Bởi tôi và Lisa rất hợp nhau. Trong suốt thời gian qua, chúng tôi chẳng cãi vã nhau bao giờ", cụ ông 82 tuổi hóm hỉnh kể.

Điều duy nhất vị hôn phu lo âu là liệu cô dâu - nay đã 80 tuổi - có quen được cuộc sống ở nước Nga khi hoàn toàn không biết tiếng Nga. Mà không ai khác ngoài Lisa sẽ phải lo chuyện nội trợ. Nhưng đó là chuyện ngày sau. Còn trước mắt, họ vẫn ấp ủ một kế hoạch như bao đôi uyên ương khác: trăng mật, du lịch rồi bài trí nhà cửa và sống hạnh phúc!

Cụ ông bật mí: trong kế hoạch du lịch, cả hai sẽ trở lại ngôi làng mà ông gặp Lisa, đi lại trên những con đường cả hai từng đi và đứng trên chiếc cầu mà 62 năm trước, người lính đã tỏ tình với cô gái Đức!

whitemouse108
02-03-2010, 10:42 PM
Chuyện về những bức thư tình thời chiến


Từ câu chuyện tình…

Đại tá Đỗ Sâm sinh năm 1931, trong 1 gia đình thuộc dạng “Danh gia vọng tộc” ở Hà Nội. Thuở nhỏ, sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội, ông cùng các anh em trong nhà tham gia đội Thiếu niên cứu quốc ở khu phố Hàng Gai.

Năm 1950, Đỗ Sâm chính thức nhập ngũ. Thời gian trong quân đội, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo quân sự, với thành tích học tập xuất sắc, ông được bổ sung vào tổ giáo viên Hàng Hải, Thông tin ở Ban nghiên cứu Thủy Quân.

Sau đó ít lâu, Bộ quốc phòng quyết định tổ chức đại đoàn công, pháo 351 và giải thể Ban nghiên cứu Thủy Quân. Đỗ Sâm cùng 1 số chiến sỹ Thủy Quân chuyển sang pháo binh, hành quân bộ vượt biên giới Hà Giang - Vân Nam sang Trung Quốc lĩnh vũ khí và học tập.

Khi trở về nước, đoàn pháo Tất Thắng của ông vượt sông Hồng, qua Yên Bái, Pha Đin, Tuần Giáo lập những chiến công lẫy lừng trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Kháng chiến chống Pháp thành công, Đỗ Sâm được điều về làm giáo viên trường Sỹ quan Pháo binh ở Sơn Tây. Và trong thời gian ở đây, ông gặp bà Đào Thị Thu trong 1 lần gặp gỡ tình cờ. Đó là trong 1 lần, ông gửi đồ đạc và xe đạp ở 1 gia đình trường. Đó là nhà ông Đào Thiện Thùy, trưởng ty cảnh binh Sơn Tây (Sau này ông Đào Thiện Thùy được ngành Công an công khai công nhận là điệp báo viên cài vào lòng địch).

Khi đó, ông Thùy đã bí mật kiểm tra “tài sản” của chàng trai trẻ Đỗ Sâm và phát hiện ra trong đó toàn là sách và giáo án, bài giảng. Cảm mến trước học thức, đạo đức của Đỗ Sâm, ông Thùy đã giới thiệu cô con gái tuổi mới lớn, đẹp như bông hoa giữa Thành Sơn, Đào Thị Thu cho chàng bộ đội trẻ. Sau 1 thời gian tìm hiểu, ông Sâm và bà Thu nhận lời yêu nhau. Nhưng chuyện tình yêu của 1 người giáo viên trường Sỹ quan Pháo binh với 1 người con gái của 1 người khi đó vẫn bị mang tiếng là người làm việc với chính quyền Ngụy thật không hề dễ dàng. Rất may thiếu tá Trần Sơn khi đó đang là trường ban giáo viên trường Sỹ quan Pháo binh đã nghiên cứu kỹ với cấp trên và đưa ra quyết định: “Đỗ Sâm cứ tiếp tục quan hệ với cô Thu”.

Hai người yêu nhau từ năm 1961, nhưng mãi đến năm 1967, đôi tình nhân trẻ Đỗ Sâm và Đào Thị Thu mới được tổ chức cho phép đình hôn và làm đám cưới.

Đến những cánh thư thời chiến…

Đỗ Sâm và Đào Thị Thu cưới nhau vào tháng 7 âm lịch. Bạn bè bảo đó là những ngày Ngâu, không nên cưới vì vợ chồng sẽ phải suốt đời xa nhau. Đôi vợ chồng trẻ cười xòa: “Càng xa nhau, lòng chung thủy càng được thử thách”.

Thế rồi, không biết có phải vì cưới nhau trong những ngày Ngâu của Ngưu Lang, Chức Nữ hay không mà vừa mới cưới được mấy ngày, Đỗ Sâm đã được điều đến các trận địa pháo chiến đấu ở các tỉnh ven biển miền Trung. Xong nhiệm vụ, trở về bên vợ vài tháng, ông lại nhận quyết định cùng các cán bộ lên Bộ Tư lệnh Pháo binh để chuẩn bị vào chiến đấu ở miền Trung Trung Bộ.

Chia tay trước khi lên xe, đôi vợ chồng trẻ chỉ còn biết nuốt nước mắt vào tromg và nhìn nhau quyến luyến. Câu cuối Đỗ Sâm đã tâm sự với vợ: “Anh sẽ viết thư về luôn. Nếu ở nhà sinh con trai, em đặt tên con là Đỗ Quyết Thắng, nếu sinh con gái thì đặt tên là Đỗ Bình Minh”.


Xe qua Hàm Rồng, Đồng Lộc, Tà Lènh…, những trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Sau đó theo đường Trường Sơn tiến dần về miền Nam. Cứ thời gian rảnh, Đỗ Sâm lại ra bờ suốt viết thư về cho vợ. Những lá thư trên giấy mỏng tang, trên vỏ bao thuốc lá…cứ lần lượt được “gửi ra tiền tuyến, gửi về hậu phương”, mang theo niềm tin, hi vọng về 1 ngày tất thắng, động viên đôi vợ chồng trẻ.

Tôi hỏi vui: “Nếu viết nhiều thế, thư vợ gửi ra ông để vào đâu?”. Đại tá Đỗ Sâm cười và đưa cho tôi 1 bức thư ông viết gửi về cho vợ. Trong đó có đoạn: “Có lẽ, em đã viết cho anh nhiều. Những lá thư của em đang tìm đường vào chiến trường với người chồng yêu quý của em. Có chiếc đang vượt biên giới, có chiếc đang nằm trong chiếc gùi của cô giao liên giải phóng quân trên đỉnh Trường Sơn, qua vùng rừng núi. Tây Nguyên hoặc đang trong những chiếc xe quân sự trên những đường hiểm trở đầy bom đạn kẻ thù…”

Đại tá Đỗ Sâm còn nói thêm: “Lúc ở chiến trường, anh em chiến sỹ không sợ cái thiếu thốn vật chất bằng thiếu thốn về tình cảm. Vì thế nên những lá thư vợ tôi gửi vào, tôi đều đọc cùng với đồng đội. Những bức thư thấm đẫm tình cảm gửi từ hậu phương đã động viên anh em chiến sỹ nhiều. Thư chuyền tay nhau đọc, nhiều người còn xin lại…và đã thất lạc đi rất nhiều. Khi trở về, chỉ còn lại vài cánh thư, vợ tôi không giận mà còn rất thông cảm với anh em chiến sỹ”.

Tám năm xa cách, ông Sâm khẳng định vợ chồng ông đã viết cho nhau không biết cụ thể là bao nhiêu nhưng chắc chắn trên 1 ngàn bức. Năm 2005, trong ngày kỉ niệm giải phóng miền Nam, số thư trên đã được trích đăng trong tập sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam. Đặc biệt 1 bức thư hiện giờ đang nằm trong Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.

Hiện nay, đôi vợ chồng thuở nào đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”. Hai anh con trai của họ đều có học vị tiến sỹ, 1 người đang công tác tại Bộ Khoa học & Công Nghệ, 1 người công tác tại Bộ Ngoại Giao. Những cánh thư tình thời chiến còn lại vẫn được họ cất giữ cẩn thận để là chứng nhân của 1 tình yêu có sức mạnh “Xua tan bom đạn kẻ thù”.

Trích bài thơ trong bức thư hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam của đại tá Đỗ Sâm:

...Thương anh đi giữa Hè oi bức
Nắng dội Trường Sơn,
nắng cháy rực người
Mơ ước sao rừng lá xanh tươi
Che bóng mát cho người yêu dấu
Gác tình riêng anh đi chiến đấu
Ở phương xa, vợ trẻ mong chờ
Cho những mối tình,
Cho những ước mơ
Cho anh, cho em
và cho tất cả
Yên tâm đi, đừng buồn anh nhé
Em vững lòng như đá bên bờ
Nước sói nhiều,
đá vẫn vững trơ
Rất cao thượng đá đứng chờ bên suối...

Theo vnmedia

whitemouse108
03-03-2010, 10:36 PM
Tình qua mạng, đẹp như cổ tích

Trước khi cưới nhau, con người ta cần phải yêu nhau, và trước khi yêu nhau họ cần phải biết nhau và vậy là trước hết cần phải gặp được nhau. Chính sự tình cờ làm nên các cuộc gặp gỡ. Khi hai bạn trẻ gặp nhau rồi đem lòng yêu nhau, ta có thể nói rằng đó là một sự tình cờ hạnh phúc. Câu chuyện của Trân và Philippe, hai người bạn bị khiếm thính, mà tôi sẽ kể với các bạn sau đây là một câu chuyện tình, một câu chuyện có thật giống như cổ tích.

Hồ Thúy Huyền Trân là một thiếu nữ Việt Nam 22 tuổi, cô thật đẹp với mái tóc đen dài và đôi mắt hiền dịu. Cô sống cùng cha mẹ tại thị xã Ngã Bảy (Phụng Hiệp), cách phía Nam Cần Thơ ba mươi kilômét. Cô quyến rũ, duyên dáng, thông minh nhưng lại bị khuyết tật bẩm sinh: cô bị câm điếc từ khi mới lọt lòng mẹ.

Cuộc sống của cô không hề bất hạnh bởi cha mẹ luôn dành cho cô tất cả tình yêu thương mà cô cần. Cô cũng không phải lo lắng gì về đời sống vật chất bởi gia đình cô không phải chịu cảnh bần hàn. Cha cô, ông Hoàng là chủ doanh nghiệp, ông điều hành một công ty sản xuất vật liệu xây dựng.

Trân hạnh phúc, nhưng cô lại cảm thấy cô đơn về mặt tình cảm. Cô mơ ước gặp được chàng hoàng tử quyến rũ, người sẽ mang lại một niềm hy vọng mới cho cuộc sống của cô. Trái tim cô đơn của cô tìm kiếm một con tim khác để yêu thương.

Webcam tình yêu

Giống như nhiều thiếu nữ ở tuổi cô, Trân thường dùng Internet để giải trí. Một lần, khi truy cập mạng cô phát hiện ra một địa chỉ dành cho những người khiếm thính trên thế giới. Cô vào địa chỉ ấy để tìm một thanh niên cùng độ tuổi với mình, với mong muốn được làm quen và có một người bạn tốt để có thể trò chuyện với nhau qua webcam.

Trong khi tìm kiếm, cô gặp một chàng trai người Pháp cũng bị khiếm thính giống mình, chàng trai này sống cách cô hơn 10.000 km. Anh tên là Philippe. Anh là người Pháp và hiện đang sống tại thành phố Mans, phía Tây nước Pháp. 26 tuổi và vẫn còn độc thân, anh là nhân viên trông coi cửa hàng trong một trung tâm thương mại.

Philippe rất ngạc nhiên và hạnh phúc khi được gặp cô gái Việt Nam này qua mạng, một cô gái rất khác so với phụ nữ Pháp. Ban đầu giữa hai người là mối quan hệ bạn bè xã giao, họ trò chuyện cùng nhau qua webcam trong nhiều tuần liền. Vì không thể nói như đa số mọi người nên họ dùng ngôn ngữ dấu hiệu, tức là trò chuyện thông qua các cử chỉ của bàn tay. Cùng với thời gian, mối quan hệ giữa Trân và Philippe tiến triển, mối quen biết sơ sơ biến thành tình bạn, rồi tình bạn trở thành tình yêu... Balzac đã từng nói, “Tình yêu là một ngọn gió huyền bí và mạnh mẽ nhưng ta lại chẳng biết nó từ đâu thổi tới”.

Hai người tiếp tục gặp nhau từ xa qua màn hình máy tính và trò chuyện cùng nhau mỗi ngày. Hàng nghìn kilômét ngăn cách họ như không còn tồn tại, khoảng cách như được rút ngắn nhờ sức mạnh kỳ lạ của tình yêu và định luật vạn vật hấp dẫn. Quả là vị thần tình yêu bắn mũi tên của mình vào ai và khi nào tùy thích! Một tình huống mới lạ kỳ làm sao! Một thiếu nữ Việt Nam và một chàng trai người Pháp đem lòng yêu nhau nhờ chiếc webcam! Họ chỉ thấy nhau qua khung màn hình máy tính nhỏ bé, nhưng từng ấy cũng đủ để tình yêu của họ nảy nở. Tháng ngày trôi đi, tình yêu ấy không phai nhạt mà ngược lại, mong muốn được hiểu nhau rõ hơn càng tăng lên trong họ.

Một ngày, Trân cho mẹ cô hay rằng cô đã gặp một chàng trai qua Internet. Cô phải thuyết phục bà mẹ rằng anh chàng Philippe này có tình cảm sâu nặng với mình. Trân giải thích cho cha mẹ rằng cô muốn thật sự gặp chàng tình nhân yêu quý này, người cũng bị khiếm thính giống cô nhưng sống ở nửa kia của Trái đất, ở một nơi rất xa, tại nước Pháp!

Đối với hai bạn trẻ, máy tính và khung màn hình nhỏ bé không đủ để thỏa mãn mong muốn hiểu nhau của họ. Họ muốn bước qua thế giới ảo, tuy thật tiện dụng nhưng chỉ là nhân tạo để tới với thế giới thực nơi mọi thứ thật hơn.

Hiện tượng Cyberlove có những hạn chế của nó bởi một người đàn ông và một người phụ nữ chỉ có thể thực sự hiểu nhau kể từ thời điểm họ có thể gặp mặt nhau.

Chàng trai khuyết tật một mình đến Việt Nam

Philippe bắt đầu để dành tiền và mua một vé máy bay từ Paris tới thành phố Hồ Chí Minh. Anh lên đường chỉ có một mình dù bị khuyết tật, anh tự xoay xở và tới sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 10/2008. Trân cùng cha mẹ tới đón anh. Philippe qua khu vực kiểm soát hải quan rồi tiếp tục bước qua cánh cửa cuối cùng của sảnh đến sân bay, và anh nhận ra Trân ngay giữa đám đông chen chúc.

Cả hai cùng bật khóc, như hai vì sao lạc nhau tìm lại được nhau vào buổi bình minh, họ nhẹ nhàng ôm lấy nhau, siết chặt vòng tay. Đây là lần đầu tiên họ thực sự gặp nhau, bên ngoài màn hình máy tính của họ! Sau 12 tháng chờ đợi và hy vọng, sau một thời gian dài đến vậy, giấc mơ đã trở thành hiện thực, cyberlove của họ đã hiển hiện: cuối cùng hai người bạn trẻ đã có thể gặp mặt nhau. Họ đã yêu nhau qua màn hình máy tính. Giờ đây trong đời thực, họ không hề thất vọng, họ vẫn luôn yêu nhau nhường ấy. Chẳng hề có điều bất ngờ ngoài ý muốn nào đối với anh cũng như với cô.

Philippe cùng Trân bước lên chiếc ôtô của gia đình cô chạy thẳng hướng đồng bằng châu thổ. Philippe lần đầu tiên khám phá Việt Nam. Mọi thứ đều mới mẻ với anh. Đây thực sự là một cú sốc hạnh phúc! Anh mê đi trước đất nước và nền văn hóa này, và đặc biệt là trước người dân ở đây.

Philippe vui thích khám phá ra biết bao kênh rạch rợp bóng cây tạo thành một mạng lưới đường thủy nơi hàng nghìn con thuyền chất đầy hàng hóa tấp nập qua lại. Cha mẹ Trân đã mời Philippe tới nghỉ một tuần tại nhà họ ở gần Cần Thơ. Ngôi nhà nằm ngay bên bờ sông. Từ phòng Philippe nhìn ra quang cảnh thật đẹp. Suốt một tuần, Trân cùng Philippe dạo chơi trên chiếc xe máy Nhật của cô. Mỗi ngày lại là một niềm đắm say đối với đôi tình nhân trẻ chỉ giao tiếp bằng tay. Nếu không biết thứ ngôn ngữ đặc biệt dành cho những người bị khiếm thính này bạn sẽ không thể hiểu được họ.

Để nói chuyện với cha mẹ mình, Trân nhìn miệng cha mẹ để hiểu những gì họ nói. Đôi khi mẹ cô viết vài lời lên một tờ giấy. Cha mẹ Trân tiếp đón chàng trai trẻ người Pháp bằng tấm lòng nồng nhiệt và họ đã nghĩ tới một đám cưới cho cô con gái đang rất hạnh phúc và vui sướng trong vòng tay anh chàng Philippe này.

Sau một thời gian suy nghĩ, Philippe và Trân báo tin họ đồng ý cưới vào năm 2009. Sau một tuần hạnh phúc bên nhau, giờ chia tay đã đến. Philippe trở về Pháp để lại Trân rưng rưng nước mắt tại sân bay. Những thủ tục hành chính và pháp lý cho đám cưới bắt đầu được thực hiện vào mùa đông năm 2008. Một cô gái Việt Nam cưới một chàng trai Pháp là chuyện hoàn toàn có thể nhưng cần phải có thời gian để tập hợp tất cả những giấy tờ cần thiết theo quy định của hai Chính phủ. Tới tháng 7/2009 họ mới có thể làm đám cưới.

Đám cưới dưới mưa, đám cưới hạnh phúc

Có một câu ngạn ngữ Pháp nói rằng nếu trời mưa vào ngày hôn lễ, cô dâu chú rể sẽ được hạnh phúc. Ngày 20/7/2009, tại Cần Thơ, trời mưa rất to, nước như trút xuống từ bầu trời phủ kín mây. Bầu trời toàn một màu xám xịt chỉ trừ trong trái tim đôi vợ chồng trẻ, họ mặc quần áo cổ truyền của người Việt Nam với màu sắc rực rỡ: màu xanh lam cho chú rể còn màu vàng cho cô dâu.

Ngay từ sáng sớm, đoàn đón dâu bên gia đình Philippe đã tập trung trong sân một khách sạn tại Cần Thơ. Trong số các thành viên gia đình, có mẹ anh, Sylvie, đây cũng là lần đầu tiên bà tới Việt Nam, người bạn của bà Gil cùng con trai ông. Chị gái Philippe tên là Adèle, cô cũng bị câm điếc giống em trai mình. Cô thực sự rất mong muốn tới Việt Nam dự lễ cưới. Chồng cô tên Claude, anh là người thuộc quần đảo Antilles và trông rất giống Ronaldo.

Tại chợ Cần Thơ, nhiều bạn trẻ Việt Nam tới thật gần để nhìn anh chàng ngoại quốc này với ánh mắt như muốn nói: “Anh có phải Ronaldo không?” Từ Cần Thơ tới nhà cô dâu mất nửa tiếng đi ôtô. Những thành viên trong gia đình chú rể đã tới thị xã Ngã Bảy. Họ mang tới nhiều đồ lễ trên những chiếc mâm trang trí sặc sỡ, theo đúng truyền thống Việt Nam. Trên ngưỡng cửa gia đình, cô dâu xinh tươi trong chiếc áo dài vàng được cha mẹ, người thân vây quanh, và hơn 500 khách mời đã tới chật kín phòng ăn lớn nơi sẽ diễn ra bữa tiệc cưới.

Sau khi đã đứng suốt để chờ đợi, họ chào đón chú rể, theo đúng nghi lễ xa xưa của người Việt Nam. Mọi phong tục đều được tuân thủ. Gia đình chú rể trao những mâm lễ vật cho các thành viên gia đình cô dâu. Lễ cưới cũng diễn ra theo truyền thống của Việt Nam: thắp hương trước bàn thờ tổ tiên gia đình cô dâu, lễ vật, hai gia đình có vài lời, trao nhẫn cưới, rồi đến thời điểm xúc động của đám cưới. Sau đó, Trân và Philippe mời mỗi khách dự đám cưới một ly "vodka Hà Nội" nhỏ.

Bên ngoài nhà hàng, mưa tiếp tục rơi, mưa to tới mức một tấm bạt che đầy nước đã đổ sụp xuống... Nó khiến mọi người sợ hãi chứ không gây thiệt hại gì. Trời mưa nhưng Mặt Trời thì lại nằm trong tim tất cả mọi người vào ngày hôm ấy. Đôi vợ chồng trẻ nhìn nhau và họ ra dấu bằng tay: yêu nhau mãi mãi!

Olivier Buom Bay tên thật là Olivier Page. Anh là Tổng Biên tập của cuốn cẩm nang du lịch Le guide du routard Vietnam. Olivier Page năm nào cũng qua Việt Nam vài lần để cập nhật thông tin cho cuốn sách và cả để đi du lịch. Anh lấy bút danh là Olivier Buom Bay, vì như anh nói, anh giống con bướm cứ lang thang mãi hoài.

Lần trở lại Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa rồi đặc biệt hơn vì anh là nhân chứng của một đám cưới giữa một chàng trai Pháp bị câm điếc và một cô gái Việt không nghe, không nói được. Đây là bài viết của Olivier Page dành riêng cho Sinh Viên Việt Nam.

Oliver Buom Bay

Nguồn: Báo SVVN

whitemouse108
04-03-2010, 11:33 PM
Mối tình của người thương binh 'vàng'

Trong căn phòng 17m2 ở phố Lãn Ông (Hà Nội), ông Trần Mạnh Tuấn ngồi xe lăn, khó nhọc xúc từng thìa cháo cho người vợ đang bị ung thư. Thỉnh thoảng người thương binh già lén lấy tay chấm mắt nhìn người vợ đã 20 năm gắn bó với cuộc đời tàn tật của mình.

Năm 1971, học xong lớp 10, chàng trai Hà Thành Trần Mạnh Tuấn quyết tâm xếp bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước, gia nhập đoàn quân Nam Tiến vào vùng Đông Nam Bộ.

Hai năm sau ngày nhập ngũ, trong trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, Tuấn bị thương nặng do trúng phải mảnh pháo của địch. Mê man bất tỉnh, ông được đưa xuống hầm. Tỉnh dậy cũng là khi trời vừa hửng nắng, đồng đội đưa ông lên chỗ bóng cây để hứng ánh mặt trời. Đúng lúc đó, loạt pháo của địch bắn vào hầm. Một đồng đội hy sinh còn ông thoát chết.

Sống sót, nhưng ông lại chịu thương tật đầy mình, với di chứng gãy 2 đốt cột sống và lún sọ. Sức khỏe yếu nên đi 4-5 bệnh viện, nơi nào bác sĩ cũng lắc đầu "bó tay phó mặc số phận". Suốt 4 năm, chàng thanh niên hơn 20 tuổi phải nằm hôn mê, liệt giường. Nằm viện đối với anh đã trở thành "cơm bữa", hết viện 103, 108, 109 rồi lại đến 357...

Tình nguyện lấy thương binh liệt 2 chân

"Đã bao lần chết đi sống lại nên đối với tôi, sống sót trên cõi đời đã là diễm phúc, nào dám mơ đến hạnh phúc lứa đôi. Mỗi khi nhìn cảnh đồng đội, bạn bè có đôi, có lứa lại thấy tủi thân", ông Tuấn xúc động kể lại.

Duyên số run rủi, ông gặp Hồ Thị Phương, nữ sinh khoa Toán CĐ Sư phạm Hải Phòng vào những lần bà đến thăm anh trai nằm cùng khu điều trị. Nhưng mỗi khi bị anh trai Phương gán ghép "vợ chồng" là Tuấn lại đỏ mặt lảng tránh. Mãi 3 tháng sau, chàng thương binh liệt 2 chân ngỏ lời với cô sinh viên.
Cuộc sống chật vật, vất vả của đôi vợ chồng trẻ đã khiến cô giáo Phương phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình. Từ một cô con út vốn được chiều chuộng, một giáo viên quen với phấn bảng, học trò, người vợ trẻ dần quen với công việc gia đình. Để trang trải cuộc sống, Phương phải làm mọi nghề, từ bán hàng hóa tạp phẩm cho tới hàng phở, hàng cơm, hàng nước…

Những lúc con thơ ốm đau bệnh tật, chồng thì vật vã vì thương tật của chiến tranh, đôi vai gầy của chị lại oằn xuống vì phải thêm gánh nặng lo toan. Nhiều lúc "sóng gió, bão táp" của cuộc đời khiến con thuyền hạnh phúc của họ tưởng như đổ vỡ. Nhưng rồi tình thương làm nên phép màu để cả anh và chị biết họ không thể sống thiếu nhau.

Ông Tuấn tâm sự, ông luôn mang trong mình sự biết ơn bởi bà quá can đảm dám hy sinh tuổi xuân để lấy một "con bệnh từng vài lần bị khênh xuống nhà xác vì đã chết lâm sàng". "Nhiều lần mình ra vào viện liên tục, đồ đạc trong nhà lần lượt ra đi. Nhìn căn nhà hơn chục m2 trống hoác còn mỗi cái phích là có giá trị để bán mà lòng quặn đau", ông rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Vận động viên thể thao khuyết tật

Ít ai ngờ người thương binh bị 81% thương tổn do liệt nửa người, chấn thương sọ não, phải cắt đến 1,5 m ruột Nguyễn Mạnh Tuấn lại là chủ nhân của hàng chục chiếc huy chương và đạt nhiều thành tích trong các kỳ Đại hội thể thao trong nước và quốc tế.

Tật nguyền nhưng Tuấn quyết không chịu khuất phục trước số phận. Bạn bè vẫn thường gọi vui là "chàng thương binh vàng" vì ông là chủ sở hữu của hàng chục huy chương các loại. Là vận động viên xe lăn, bắn súng rồi bơi lội, ở lĩnh vực nào ông cũng rất thành công.

Năm 2003, ở giải tiền Paragames 2 và Paragames 2 được tổ chức tại Việt Nam, vận động viên bơi lội với đôi chân liệt này đã giành 4 huy chương trong đó 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Với môn bắn súng, ông cũng giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao khuyết tật toàn quốc năm 1997, tại Asean Paragames năm 2001. Ngoài ra ông còn đạt nhiều thành tích xuất sắc trong môn xe lăn ở Đại hội thể thao Châu Á - Thái Bình Dương dành cho người khuyết tật…

Tuy nhiên, để có được thành tích như thế, không phải nhờ may mắn. Ban đầu, chỉ là tập cho vui để được hòa đồng cùng xã hội nhưng đến khi lắp viên đạn hay bước những bước xe lăn đầu tiên ra sân tập, bản chất người lính lại trỗi dậy. "Bao năm kháng chiến vào sinh ra tử, vất vả gian nan đều đã từng nếm trải nên mình không dễ thua cuộc trong những thử thách của số phận", ông nói..

Có những đêm 1, 2h sáng, gió rét căm căm, trời lất phất mưa nhưng ông Tuấn vẫn tự mình đi xe lăn lên Hồ Gươm hay Hồ Tây để tập. Khi tập bắn súng, phải tập trung căng thẳng, vết thương cũ tái phát co giật như luồng điện làm các cơ cứng lại không cử động được, ông chỉ còn biết dừng lại nén đau rồi lại kiên cường cất bước.

Những bậc thang ở bể bơi là nỗi ám ảnh với ông. Có những hôm không nhờ được bạn bè khiêng từ xe vào bể, ông phải tự mình "đi" bằng cách bò lết xuống đất di chuyển bằng tay từng bước một. Vào được bể bơi, người yếu ho sặc sụa, nước tràn vào phổi lại ốm. Rồi có khi xuống đến nước thì quay tít vì không giữ được thăng bằng, bơi vẹo vọ vì chân không làm được bánh lái…

Những giọt nước mắt bên giường bệnh

Sau 19 năm kết hôn, Trần Mạnh Tuấn (thương tật 81%) và cô giáo Hồ Thị Phương đã có một gia đình êm ấm, 2 cô con gái. Chuyện tình của họ tưởng như kết thúc có hậu. Nhưng năm ngoái, sau lần đi khám và phát hiện mình bị ung thư vú di căn, bà Phương lặng người, đôi chân như muốn khuỵu xuống.

"Lo cho mình thì ít mà lo cho gia đình thì nhiều hơn. Lỡ mình có mệnh hệ gì, anh và hai đứa con sẽ sống ra sao?", đôi mắt chị ngấn lệ.

Nghĩ đến điều đó, người phụ nữ này lại quyết tâm phải sống. Sau 2 lần lên bàn mổ, 6 đợt truyền hóa chất, xạ trị... giờ trông bà Phương đã "có da có thịt", tóc mọc trở lại trên chiếc đầu trơ da. Ngày ngày, ông miệt mài bên chiếc xe lăn đi lại chăm sóc bà.

Tuy nhiên, khi bệnh tình của bà thuyên giảm cũng là lúc gia đình rơi vào cảnh nợ chồng nợ chất. Chi phí cả trăm triệu đồng buộc người thương binh phải "vay chỗ nọ đập chỗ kia", người gầy rộc đi. "Mừng là cô ấy đã khỏe trở lại. Sống được ngày nào với gia đình là tốt ngày đó", giọng ông như nghẹn lại. Vừa nói, ông vừa lấy tay vuốt sống lưng để xua đi cơn đau âm ỉ hành hạ anh suốt mấy chục năm qua.

Mỗi lần hàng xóm, đồng đội cũ đến thăm, người đàn ông này lại rớm lệ. "Giá tôi có thể đổi sự sống cho cô ấy", ông nghẹn ngào.

Sưu tầm