PDA

Xem đầy đủ chức năng : Nhỏ và hoa tóc tiên



gnas81
19-01-2010, 06:21 AM
Tác giả: Nguyễn Khoa Việt Sang
Thể loại: Tình cảm tuổi học trò
Tình trạng: Đã hoàn thành
Năm sáng tác: Năm nhất đại học

Cho đến bây giờ Vĩnh Thạnh quê tôi vẫn mãi là một miền đất thơ mộng với những kí ức ngọt ngào gắn liền với tuổi thơ tôi.

Sau lưng nhà tôi là một con sông tuyệt đẹp. Chiều chiều tôi vẫn thường lén ra cửa sau để tắm, xong lại bí mật trở vào và chạy thật nhanh vào phòng tắm, thể như là vừa trong ấy bước ra. Sau lần suýt chết đuối, ba má tôi cấm tôi không được tắm sông. Một lần vì quá hấp tấp mà tôi đụng phải ngay ba tôi từ trong phòng tắm bước ra. Thế là một trận đòn nát đít! Tôi tu được ba ngày. Sang ngày thứ tư tôi lại tiếp tục với cái thú vui hồi hộp ấy. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi… ở dơ ba ngày!

Trước nhà tôi là một vườn cây ăn trái. Đang mùa sai quả, tôi tha hồ nằm vắt vẻo trên cây để vừa nhâm nhi vừa… nghĩ ngợi lung tung. Thường thì tôi nghĩ đến những chuyện như mình sẽ ăn tiếp theo là trái gì, hoặc xa hơn là những ngày tiếp theo mình sẽ có trò chơi gì với tụi con trai trong xóm… Nhiều lúc tôi ngủ quên luôn trên cây. Đương nhiên là không tránh khỏi những lần đang ngủ bỗng thấy… đau ê ẩm! Tôi rơi tự do như một trái mít rụng!…

Nhưng điều làm tôi nhớ nhất bây giờ không phải là con sông sau nhà với cái “thú vui hồi hộp” ngày nào, cũng không phải là vườn cây ăn trái trước nhà với những quả chín mọng. Điều bây giờ tôi nhớ nhất, không phải ở nhà tôi, mà là nhà dì Sáu, sát nhà tôi, ở giữa là một hàng rào bằng dây leo tóc tiên cao đến tận nóc…

Nhà dì Sáu giống hệt nhà tôi. Nhưng mảnh vườn trước nhà dì không trồng cây ăn trái, chỉ có duy nhất một cây nhãn ở đầu ngõ. Mà cũng thật hay, nhà tôi lại thiếu cây nhãn! Dì trồng toàn hoa là hoa, đủ các loại. Tôi thấy chúng cũng đẹp đấy! Nhưng không đẹp bằng giàn tóc tiên ở trên đầu, mát rượi cả một góc sân. Những bông hoa tóc tiên màu đỏ bé xíu, rung rinh như những nàng tiên tí hon đang rộn ràng với vũ điệu chào đón một mùa hè sắp bắt đầu!…

Mùa hè năm nay không giống như những mùa hè năm trước.

Dượng Sáu chở về một con nhỏ lạ hoắc. Không hiểu sao mới đầu tôi nghĩ ngay đó là… con rơi của Dượng mới tìm lại được - trí tưởng tượng của tôi hơi bị… phong phú, bởi nó có nét hao hao giống dượng. Dượng Sáu dắt xe vào trong, còn nó thì đứng im trước cổng! Phải đợi dượng Sáu ra dẫn nó mới chịu vào. Con nhỏ này làm phách thiệt!… Mà cũng không phải, mặt nó hiền đến thế kia mà! Chắc là tại nó chưa quen!? Như tôi á, tôi sẽ đi thẳng vào nhà và leo tít lên cây nhãn, giống như Tôn Ngộ Không năm xưa vậy!

Cả ngày hôm nay con nhỏ ngồi im một chỗ. Nó ngồi trước hè, trên cái ghế mây mà trước đây tôi vẫn thường ngồi. Hình như là gì Sáu phải khiêng ghế ra cho nó, lại còn phải bưng nước cho nó nữa chứ! Chà, không biết con nhỏ này là ai mà gì Sáu cưng nó dữ, còn cưng hơn cả tôi nữa! Tôi bắt đầu đâm ra ghét con nhỏ. Không khéo nó ăn hết mất cây nhãn của mình!? Nó ngồi đó, đôi mắt nhìn về một hướng. Hình như tôi thấy nó chỉ nhìn những bông hoa và giàn tóc tiên chứ không nhìn cây nhãn. Chắc con nhỏ này không thích ăn nhãn! Tôi tự an ủi mình như vậy!

Tôi đang nằm nhìn trời nhìn mây trên… cây mận. Thỉnh thoảng liếc qua nhà gì Sáu. Bấy nhiêu đó đủ để cho tôi nhìn thấy rõ mọi chuyện. Buồn buồn, tôi bẻ một trái mận nhai rộp rộp rồi quăng hột qua nhà dì Sáu, ngay trước mặt con nhỏ. Nó khẽ động đậy, nhưng không phản ứng gì. Được thể, tôi hái một trái mận thật to, lần này tôi quăng gần hơn. Nó nhìn quanh quất:

- Ai đấy?

Tôi tủm tỉm cười. Một lần nữa tôi hái một trái mận, nhưng….nhỏ xíu! Mục tiêu là…đầu con nhỏ. Tôi nheo mắt … bụp! Con nhỏ sờ đầu nói lớn hơn, vẻ sợ sệt:

- Ai đấy?

Tôi núp sau nhánh mận giả giọng ồm ồm:

- Ta đây! Ta là thần Nhãn đây! Nãy giờ ta để ý thấy ngươi cứ… liếc cây nhãn hoài. Nhà ngươi định chén sạch cây nhãn phải không?

Con nhỏ bình tĩnh:

- Con biết ông không phải là thần nhãn. Nhưng con không ăn nhãn của ông đâu! Mà ông nói cây nhãn nào cơ?

“Trời đất! Con nhỏ này làm bộ đui chắc”. Tôi nghĩ thầm - “Cây nhãn chình ình trước mặt nó, trái treo lủng lẳng vậy mà nó còn hỏi cây nhãn nào!?”

- Thì… cây nhãn trước mặt nhà ngươi đó! Bộ ngươi mù hả? - Tôi la lớn.

Tự dưng con nhỏ im lặng. Rồi nó ôm mặt khóc. Tôi hơi hoảng. Sao con gái dễ khóc đến thế nhỉ? Tôi tụt xuống cây mận, chạy qua nhà dì Sáu, rón rén lại gần con nhỏ…

- Ê! Tao đùa một chút!… Mày nín đi!… Rồi tao hái nhãn cho mày ăn!…

Con nhỏ ngước mặt lên. Những giọt nước còn đọng trên đôi mắt của nó. Lần đầu tiên tôi thấy một đôi mắt đẹp như thế! Đẹp hơn bất kì viên bi nào mà tôi có - hồi đó tôi thường so sánh như vậy! Nhưng… hình như… con nhỏ không nhìn thấy tôi… Tôi bắt đầu hiểu ra vấn đề! Tôi đưa tay huơ huơ trước mặt nó… “Trời ơi! Nó mù thiệt sao?…”.

- Tao… tao xin lỗi mày nghen! Tao không biết là mày bị mù!

- Không, anh không có lỗi gì đâu! Tại em buồn em khóc đó thôi!

Thấy nó không giận, tôi lân la hỏi chuyện:

- Thế mày tên gì?

Con bé đã thôi khóc:

- Em tên Nhỏ. Nguyễn Diệu Nhỏ. Còn anh?

- À… ờ… Tao tên… Quân. Đỗ Hồng Quân.

Tôi hơi boăn khoăn, liệu cái tên mới mình tự đặt cho mình có vấn đề gì không nhỉ!? Tên cúng cơm của tôi là Đỗ Hồng Kha. Nhưng sao đứng trước con nhỏ này tôi lại không muốn cho nó biết cái tên Hồng Kha yếu ớt của mình. Còn tên của con nhỏ này cũng ngộ thật! Như vậy là từ sáng tới giờ mình gọi trúng phóc tên nó rồi còn gì! Ờ hén! Con Nhỏ!

Lần đầu tiên trong đời có một đứa con gái trạc tuổi mình gọi tôi bằng “anh”! Tôi có vẻ hãnh diện về điều đó lắm! Con bé đáng yêu thật! Không như lớp tôi lúc nào cũng gọi nhau bằng… “ông” với “bà”. Tôi hơn Nhỏ… hai tháng. Vậy mà tôi bảo với nó rằng tôi sanh trước nó hai năm. Thật tình tôi không muốn dối nó lần nữa! Đã lỡ dối tên, lại còn dối cả tuổi nữa! Nhưng ai biểu nó gọi tôi bằng “anh” nghe đến mát cả ruột làm gì! Tôi cầm lòng không đặng phải sửa lại… giấy khai sanh thôi! Tôi không muốn nó gọi tôi là “ông”… Kha “có” như bọn con gái lớp tôi, nghe không êm tai chút nào!…

Thế là cuộc sống của tôi có một sự thay đổi nhỏ! Tôi và Nhỏ ngày càng thân nhau hơn. Tôi ít đi chơi hơn và thường ở nhà để chơi với nó. Dần dần tôi hiểu được hoàn cảnh tội nghiệp của Nhỏ. Tôi nghe dì Sáu nói với mẹ: con Nhỏ chỉ bị mù cách đây ba tháng. Sau một trận sốt mê man gần 5 ngày, con bé tỉnh dậy và không còn nhìn thấy gì nữa! Bác sĩ bảo đây chỉ là sự rối loạn tạm thời, hi vọng là có thể chữa trị được. Nhưng có lẽ con bé bị sốc khá mạnh, trước hết cần phải để cho tinh thần nó ổn định đã… Dượng Sáu tôi thấy vậy mới xin đem nó về một thời gian. Không khí ba tháng hè ở miền quê sẽ giúp nó thanh thản hơn!

- Như vậy là Nhỏ nghỉ học giữa chừng à? - Bây giờ thì tôi có thể hỏi nó những câu như vậy mà không sợ nó khóc như những lần trước nữa.

- Dạ! Nó khẽ gật đầu.

Rồi hình như nghĩ ra điều gì, nó đứng dậy quờ quạng đi vào trong nhà. Tôi đi theo. Nó cũng đã quen với vị trí nhà dì Sáu cho nên tôi thoát kiếp làm… cây gậy dẫn đường cho nó. Một lát, nó ôm ra một cái túi xách nhỏ màu hồng, trông có vẻ quí lắm! Nó ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế mây đã xiêu vẹo:

- Em cho anh xem cái này!

- Gì thế? Đồ ăn hả? - Tôi tò mò nhìn vào trong xách của nó. Chẳng có cái bánh hay viên kẹo nào, nhưng có tới ba bốn cuốn sổ màu đen. Nó sờ sờ một lát rồi đưa tôi một cuốn.

- Anh xem đi! Lưu bút của lớp em đấy!

Rồi nó ngồi im. Chờ đợi. Tự dưng tôi không thèm để ý tới cuốn lưu bút nữa. Tôi nhìn Nhỏ, nhìn vào đôi mắt tuyệt đẹp của Nhỏ, một đôi mắt long lanh và sáng ngời hơn bất kì viên ngọc nào trên thế gian này! Tôi cảm thấy hơi xót xa! Giá mà Nhỏ đừng bị mù, thì đôi mắt ấy sẽ còn đẹp biết dường nào! Ôi! Cơn sốt quái ác đã cướp đi đôi mắt của Nhỏ! Liệu sau này Nhỏ có sáng mắt lại không!? Tôi băn khoăn nhìn vào bộ áo đầm trắng tinh của Nhỏ, tinh khôi như một thiên thần của mùa hạ. Một bông hoa tóc tiên rơi thật nhẹ xuống vai Nhỏ…

- Sao? Đẹp không anh?

Tôi giật mình:

- Ừ… ừ… Đẹp lắm!

Tôi xem qua loa vài trang, và dừng lại ở trang đầu của quyển sách: Nguyễn Diệu Nhỏ; Sinh ngày:…; Màu yêu thích nhất: màu trắng; Loài hoa yêu thích nhất nhất: hoa tóc tiên!… Hoa tóc tiên? Tôi ngước mặt lên giàn tóc tiên trên bờ rào và trên đầu. Mùa này hoa nở khá nhiều! Vậy mà Nhỏ vẫn chưa biết được có cả một bầu trời hoa tóc tiên trước mặt nó! Tôi liếc xuống cuối trang, có một nơi duy nhất Nhỏ còn để trống: Người bạn mình yêu quí nhất:…

Nơi đó, mãi đến sau này tôi mới biết, Nhỏ đã nắn nót viết vào ba chữ: Đỗ Hồng Quân.

Hai ngày nữa là sinh nhật Nhỏ.

Tôi ngồi bệt trước hè nhà dì Sáu, hai tay chống ra đằng sau, ngửa mặt lên trời… ngêu ngao hát. Mỗi lần hát xong một bài là Nhỏ lại vỗ tay. Thiệt, tôi chưa thấy đứa con gái nào dễ thương như nó! Tôi hát toàn… nhạc trẻ! Hay trên cả tuyệt vời! Ấy thế mà tụi con gái lớp tôi chẳng đứa nào biết thưởng thức nghệ thuật cả. Hễ tôi hát là tụi nó bịt tai lại bỏ đi chỗ khác. Có đứa còn nói: “Ai đánh ông vậy ông Kha “có”?”. Mỗi lần như vậy là tôi lại mất hứng. Còn với Nhỏ, tôi hát hứng dễ sợ! Nó đúng là dân “sành điệu” thứ thiệt! Chỉ có dân sành điệu mới biết nghe nhạc thôi! Con gái thành thị mà!

Hát chán, tôi sực nhớ đến ngày sinh nhật của Nhỏ.

- Mốt là sinh nhựt Nhỏ rồi phải không?

- Sao anh biết?

- Thì… anh xem trong cuốn lưu bút đó! Sinh nhựt Nhỏ em muốn anh tặng gì nào?

Nhỏ cười:

- Em không biết! Nhưng cái gì em cũng vui cả!

Tôi bứt một cọng cỏ dưới hè bỏ vào miệng. “Hừ! Cái gì cũng được là cái gì!?”… Tôi liếc xuống cái ghế mây Nhỏ đang ngồi. “A! đúng rồi! Mình sẽ trổ tài cho Nhỏ thấy! Mình sẽ đóng cho nó một chiếc ghế thật đẹp!”.

Thế là tôi chạy vù ra khỏi cổng nhà dì Sáu, không kịp nghe Nhỏ nói gì.

Cả ngày hôm đó, và ngày hôm sau nữa, tôi “đóng đô” ở nhà cậu Bảy - một xưởng mộc lớn nhất ở vùng này. Cuối cùng thì tôi cũng vác được sản phẩm về nhà.

Vừa đặt cái ghế xuống sân, thằng Mốp em tôi chạy ra hỏi:

- Anh đem cái gì về thế?

- Mày không thấy đây là cái ghế à?

“Hừ! Mày là thằng thứ mười hỏi tao câu đấy rồi đó!” - Tôi rủa thầm trong bụng - “Cái ghế này do tôi… thiết kế, “mô đen” vậy mà ai cũng hỏi đó là cái gì? Mặc xác họ, Nhỏ là dân “sành điệu”, Nhỏ sẽ biết ngay đó là… cái ghế cho coi!…


**

- Nào! Đứng lên đi!

Tôi dẹp cái ghế mây đã… gần vào viện bảo tàng qua một bên.

- Rồi! Ngồi xuống đi!

Nhỏ sờ hai tay lên thành ghế:

- Cái gì vậy anh Quân?

Trời đất! Chẳng lẽ Nhỏ cũng hỏi tôi cái câu đáng ghét đó sao? Rõ ràng đó là cái ghế mà!?…

- Cái ghế ở đâu vậy anh Quân?

Phù! Cuối cùng thì Nhỏ cũng làm tôi hài lòng. Tôi xích lại gần nó:

- Anh làm đấy!

- Thật không?

- Sao lại không?

Rồi tôi hùng hồn kể về công việc mang tính “tầm cỡ” của mình. Đang bốc phét bỗng tôi khựng lại: “Nếu vậy thì cái ghế của mình phải đẹp hơn nhiều chứ?… Thôi kệ, nó có thấy đâu mà đẹp với xấu!”- Tôi cười ranh mãnh.

- Anh đặt tên cho nó là… “Long Thần Bất Tử” có được không? Anh nghĩ mãi mới ra đó!

Nhỏ nhăn mặt:

- Eo ôi! Nghe ghê quá! Để em xem… đặt tên cho nó là… A! Đúng rồi! Đặt tên cho nó là “Mộc Hạ” nghen anh!

- Mộc Hạ? Ừ… hay thiệt! Cái ghế của mình sẽ là Mộc Hạ. Để mai mốt anh lấy sơn ghi tên cho nó!

- Phải đấy! Ghi chỗ này nghe anh - Nhỏ chỉ tay vào lưng ghế.

… Tôi tiến lại gần bờ rào. Xin chào hoa tóc tiên - sắc màu của mùa hạ. “Tôi sẽ hái thật nhiều hoa tóc tiên để chúc mừng sinh nhật Nhỏ”. Nhỏ vẫn ngồi đó, hai tay đang sờ sẫm Mộc hạ trông thật hạnh phúc! Bộ áo đầm vẫn trắng tinh như ngày nào. Nắng mùa hạ sẽ phải ganh tị vì điều đó! Mùa hạ và áo trắng!? Phải chăng đó là điều kì diệu mà rồi sẽ càng kì diệu hơn khi thấy những bông hoa tóc tiên màu đỏ bé xíu đang vướng trên đôi cánh trắng của mình!

- Nhỏ xòe tay ra đi?

- … !?

Tôi đặt vào tay Nhỏ vài bông hoa tóc tiên. Nó cẩn thận nhặt một bông hoa rồi thốt lên:

- Ôi! Hoa tóc tiên!

Tôi mỉm cười hạnh phúc khi thấy đôi mắt Nhỏ rạng lên một vẻ sung sướng đến bất ngờ. Đối với tôi đôi mắt ấy không còn mù nữa, và sẽ mãi mãi không bao giờ mù! Nó sáng đến thế kia mà, sáng cả tâm hồn non nớt của tôi.

Tôi đưa tất cả những bông hoa tóc tiên hái được lên trên đầu Nhỏ, rồi nhẹ nhàng thả từng bông hoa rơi xuống, vương khắp người nó, vương khắp bộ áo đầm màu trắng của nó. Mùa hạ đã điểm màu. Nắng hạ đã được tô điểm thêm. Và Nhỏ trong tôi đã biến thành một nàng tiên của mùa hạ!…

Rồi chiều nào cũng vậy, Nhỏ đều bắt tôi hái cho nó một chùm hoa tóc tiên như thế!

Ngày nào hoa tóc tiên cũng nở đỏ rực. Tôi hái không xuể. Nhiều lúc Nhỏ bày trò chơi “đồ hàng”, lấy lá và hoa tóc tiên làm “đồ ăn”. Mới đầu tôi ỡm ờ không thích. Tôi vậy mà thèm chơi cái trò trẻ con ấy à? Nhưng rồi nó năn nỉ mãi tôi cũng xuôi. Chơi với nó riết tôi cũng giống con gái. Nhiều lần tụi con trai vẫn thường tắm sông với tôi đi ngang qua thấy vậy mới hô ầm lên:

- Thằng Kha “chuyển hệ” tụi bây ơi!

Tôi tức lắm! Nhưng chỉ biết giơ nắm đấm dọa chúng. Còn Nhỏ vẫn hồn nhiên ngồi nhặt những bông hoa tóc tiên bỏ vào cái lọ bé xíu rồi dúi vào người tôi:
- Xong rồi đấy! Anh Quân ăn đi!

Nhỏ vẫn chưa biết tên thật của tôi là Kha.

Từ dạo ấy, tôi không dám ra tắm sông với tụi con trai xóm nữa. Tôi biết, nếu mà gặp tụi nó, tụi nó sẽ xúm nhau mà cười vào mặt tôi rằng: thằng Kha chơi với con gái; thằng Kha “chuyển hệ”… Vì thế, một lần vừa ăn cơm trưa xong, đợi cho ba má vừa ngủ là tôi “biến” ngay qua nhà dì Sáu.

- Này! Mình ra sông chơi đi! Ở đó mát lắm! - Tôi rủ Nhỏ.

Nhỏ lắc đầu nguầy nguậy:

- Không! Bác Sáu la em chết!

- Không sao đâu mà! Mình ra một chút rồi về liền. Không ai biết đâu!

Tôi nắm tay kéo Nhỏ đi. Nó vùng vằng một lát rồi cũng miễn cưỡng đi theo. Tôi dẫn nó men theo con đường mòn dễ đi nhất để xuống đến bờ sông.

- Ở đây mát quá! - Nhỏ thốt lên.

- Em đứng ở đây, không được đi đâu hết nghe chưa! Anh nhảy xuống sông tắm một chút lên liền!

Nhỏ gật đầu. Tôi cởi phăng chiếc áo chỉ còn lại hai hột nút, rồi nhảy ùm xuống sông như cá mắt cạn lâu ngày. Tôi bơi ra thật xa, lặn hụp liên hồi. Thỉnh thoảng, Nhỏ lại gọi:

- Anh Quân ơi!

- Ơi! Anh vào liền!

Tôi “ơi” đến mấy chục lần như vậy mới chịu bơi trở vào. Đang bơi giữa chừng nó lại gọi:

- Anh Quân ơi!

Nhưng lần này tôi không trả lời. Tôi nằm ngửa ra và nhẹ nhàng bơi chậm lại. “Hì hì, mình sẽ trêu Nhỏ một chút!” - Tôi cười thầm.

Tôi cứ nằm nhìn trời nhìn mây như thế cho đến khi giật mình bởi tiếng kêu thất thanh của Nhỏ:

- Oái! Anh Quân ơi!…

Tôi hoảng hồn quay đầu lại. Nhỏ đang vùng vẫy dưới sông. Nước triều lúc này cao quá đầu tôi và Nhỏ. Tôi lập tức bơi trở vào và không còn biết có phải là mình đang bơi không nữa! Đầu óc tôi lúc này chỉ còn nghĩ đến Nhỏ. Số phận của Nhỏ bây giờ tùy thuộc vào tôi! Nhỏ ơi, đừng có bị làm sao nhé! Anh sẽ đến cứu em ngay!…

- Nào, bình tĩnh nào! - Tôi la lớn - Đừng ôm chặt lấy anh! Hãy gác nhẹ tay lên vai anh đây này!

Tôi ghé vai sát người Nhỏ. May thay, trong cái giây phút sống còn ấy Nhỏ vẫn còn đủ bình tĩnh để làm theo lời tôi. Chỗ Nhỏ té xuống chỉ cách bờ có một chút, vậy mà tôi thấy xa kinh khủng! Khi bám vào được cây cột neo thuyền trên bờ thì tôi cũng đã thấm mệt! Hình như tôi cảm thấy có cái gì đó rất đau ở bàn tay phải. Mặc kệ, tôi cố gắng dìu Nhỏ lên bờ…

Tôi nằm lăn ra đất. Và bây giờ tôi mới biết lòng bàn tay phải của tôi bị rách một đường rất lớn. Máu ra nhiều quá! Có lẽ do vật nhọn gì đó ở cột neo thuyền!? Tôi chỉ kịp nghĩ như thế! Rồi đôi mắt mờ dần đi, chỉ kịp nhìn thấy thoang thoáng trước mặt chiếc áo đầm trắng tinh của Nhỏ bị nhuốm một màu đỏ - không phải là màu của hoa tóc tiên…


**

Những ngày hè rồi cũng trôi qua nhanh chóng. Cái nắng miền Trung vẫn còn gay gắt lắm! Nhưng đã đến ngày tôi chuẩn bị cho năm học mới. Từ sáng tới giờ, tôi và Nhỏ cặm cụi ngồi bao sách vở. Nhỏ chỉ biết ngồi xếp ngay ngắn những quyển tôi bao xong, nhưng trông nó có vẻ vui lắm!

- Chừng nào Nhỏ về? - Tự dưng tôi buột miệng hỏi một câu như vậy.

- Chắc vài bữa nữa ba em xuống đón em về!

Rồi nó lại hỏi:

- Anh có buồn không?

Tôi hơi phân vân. “Sao nó lại hỏi thế nhỉ? Nó về mặc nó chứ mắc mớ gì tôi? Buồn à? Trong đầu tôi chưa có khái niệm này”.

- … Không!

- Em về anh không buồn sao?

- Ừ! Nhỏ về, anh đi học. Hè năm sau Nhỏ lại về chơi! Anh và Nhỏ lại đi… tắm sông!

- Vẫn không chừa à?

Rồi nó nắm lấy tay tôi, sờ vào vết sẹo ngày càng hằn to trong lòng bàn tay. Nó cười:

- Sẹo to thế này lớn lên ế vợ cho coi!

- Khi nào ế anh sẽ cưới em! Chịu không?

Nó gật đầu:

- Ừ! Mình sẽ cưới nhau! Anh Quân là chú rể còn em là cô dâu. Chắc lúc đó vui lắm nhỉ!


**

Ngày khai giảng, tôi tạm biệt Nhỏ ôm cặp tới trường…

- A! Chào ông Kha “có”! Lâu lắm rồi mới gặp! - Lũ con gái lớp tôi reo lên.

- Ừ! Chào mấy “bà”! Lâu lắm rồi tôi cũng chưa nghe câu đó! - Tôi bực mình trả lời.

Tụi con gái lớp tôi bao giờ cũng gọi tôi kèm theo chữ “có” ở đằng sau. Bởi thế, ba chục đứa con gái trong lớp đối với tôi đều đáng ghét và đều… xấu kinh khủng! Ước gì tụi nó đều là Nhỏ hết! Tôi chợt buồn cười vì ý nghĩ ngớ ngẩn của mình…

- Dì Sáu ơi! Nhỏ đâu rồi?

- Nó về rồi!

- Dì Sáu xạo con hoài!

Mỗi lần qua nhà dì Sáu tìm Nhỏ, dì Sáu lại bảo tôi như vậy! Thỉnh thoảng, khi nghe tiếng tôi ngoài ngõ là Nhỏ lại bày trò trốn tìm với dì Sáu để bắt tôi phải tìm nó. Chỉ có tôi là thiệt! Có bao giờ nó để cho tôi trốn rồi nó đi tìm đâu!

- Ra đi nào! Ở trong này chứ đâu! - Tôi vừa kéo cánh cửa vừa dòm vào trong.
Không, Nhỏ không núp sau cánh cửa. Nó trốn ở đâu nhỉ? Tôi ghé tai dì Sáu:

- Nhỏ trốn ở đâu vậy dì Sáu?

- Nó… về… rồi…! - Dì Sáu kéo dài giọng - Hồi sáng ba nó lên “rước” về rồi!
Lần này dì Sáu không đùa nữa, dì Sáu nói thật với tôi đấy ư! Tự dưng tôi cảm thấy hơi hụt hẫng. Tôi nhớ lại trận cười trên lớp định kể cho Nhỏ nghe…

Vậy là ngày khai trường hôm ấy cũng là ngày kết thúc câu chuyện giữa tôi và Nhỏ. Nhỏ đã trở về thành phố mà không một lời tạm biệt! Nhỏ để lại Mộc Hạ, để lại giàn hoa tóc tiên, để lại những ngày cùng chơi đồ hàng và… để lại tôi! Nhỏ đã đi như sự kết thúc của một mùa hạ! Những buổi chiều sau đó chỉ còn lại mình tôi, với Mộc Hạ. Tôi cứ ngồi thừ trên Mộc Hạ, cũng chẳng buồn đi chơi với tụi con trai trong xóm. Tôi cảm thấy cuộc sống thiếu thiếu điều gì, có cái gì đó rất khó chịu trong người, một cảm giác rất lạ mà trước đây tôi chưa bao giờ có: hình như tôi nhớ Nhỏ!?… Và mãi đến sau này tôi mới biết, đó chính là nỗi buồn đầu tiên trong đời của tôi!…


**

Mùa hè năm sau, dượng Sáu lại chở về một con nhỏ hệt như Nhỏ của tôi. Mới đến đầu ngõ, tôi nghĩ ngay là Nhỏ về thăm tôi làm tôi mừng hụt. Nhìn xa thì nó giống nhỏ thật. Cũng bộ đầm trắng, cũng tóc dài, cũng đứng lớ ngớ trước cổng nhà dì Sáu. Nhưng nó khác Nhỏ một chỗ: mặt nó xấu kinh khủng! Tôi nhìn thấy mà phát ớn, đến nỗi tối nằm ngủ tôi thấy nó… cầm dao rượt tôi chạy bán mạng. Tôi la oai oái làm má tôi phải đập tôi dậy. Cũng may là nó ở có vài ngày rồi về, nếu không thì tối tôi chẳng dám ngủ nữa.

Khi con nhỏ có bộ mặt “trời gầm” đó về rồi, tôi lại đâm ra nhớ nhớ, nhưng không phải là nhớ nó. Tôi nhớ Nhỏ của tôi. Không biết Nhỏ có về thăm tôi không!? Hết mùa hè. Rồi lại một mùa hè nữa. Nhỏ dần dần bị lãng quên trong tôi. Tôi có thêm nhiều bạn mới, và vì thế tôi chẳng bao giờ nhớ đến nó nữa. Tôi đã thôi tắm sông, thôi trèo cây và bỏ dần hết những trò nghịch ngợm khác. Tuổi thơ tôi đi qua nhẹ nhàng trong tiếng chảy êm đềm của con sông sau nhà, trong tiếng gió xuyên qua vườn cây ăn quả, và… kết thúc ở một mùa hè…

**

còn nữa...

gnas81
19-01-2010, 06:28 AM
...tiếp theo và hết

Mùa hè năm nay không giống như những mùa hè năm trước: tôi vào Đại học.
Nếu như hồi phổ thông tôi nghịch ngợm bao nhiêu thì lên Đại học tôi lại hiền lành bấy nhiêu. Trong lớp, tôi ngồi im thin thít từ đầu buổi cho đến cuối buổi, chẳng thèm phát biểu hay nói chuyện lấy một câu. Mỗi lần đi học, tôi đợi cho đến đúng giờ, liếc số phòng một cái rồi lặng lẽ ôm tập đến lớp. Học xong, lại lặng lẽ về. Tôi chẳng biết ai trong lớp mà cũng chẳng ai biết tôi. Bởi vậy, mọi hoạt động của lớp, của trường, tôi hoàn toàn mù tịt!

Tôi sống trong một căn phòng trọ thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương cùng với 7 thằng con trai khác. Chật chội, phức tạp, nhưng vui, và rất sinh viên! Hằng ngày, tôi phải đi bộ qua Sài Gòn để học. Nói cho oai vậy chứ chỉ băng qua một con đường cái – là ranh giới giữa Bình Dương và Thủ Đức. Cuộc sống xa nhà đã khiến cho tôi trở nên trầm tĩnh hơn, và cũng cứng rắn và chín chắn hơn!

Học Đại học thì y chang như phổ thông! Y chang ở chỗ tôi vẫn bị tụi con trai trong lớp gọi bằng cái tên mà tôi cay cú từ bé đến giờ: thằng Kha… “có”! Thậm chí nhiều lúc tôi còn bị gọi trắng trợn là thằng… “kho cá”! Nhưng may mắn một điều, con gái lớp tôi không bao giờ gọi tôi như vậy. Bởi lẽ, … giảng đường khoa Xây dựng của lớp tôi chỉ có độc nhất một cô con gái! Cô ta có cái tên khá dễ thương: Diệu Khanh.

Tên đẹp ắt người cũng đẹp! Nhưng con nhỏ này thì khác, nó còn đẹp hơn cả cái tên của nó. Tụi con trai trong giảng đường xây dựng gọi nó là “đóa hoa hồng mọc giữa sa mạc”; là “viên ngọc của hành tinh xanh”; là “cục cưng của lớp” v.v.. Nhưng tôi không gọi nó bằng những cái tên như vậy, tôi gọi nó là… “đứa con cầu con khẩn” của giảng đường xây dựng này. Mà là con cầu con khẩn, thế nào nó cũng… chết yểu! Tôi bực dọc rủa thầm cái câu độc địa đó mỗi khi nhìn thấy mấy cái mặt ngơ ngơ ngẩn ngẩn vì đứa con cầu con khẩn ấy.

Số tôi và cái đứa con cầu con khẩn ấy không biết có phải là do trời định không. Bữa nọ, tôi đến lớp hơi sớm. Đang nằm lim dim ở cuối lớp bỗng nghe có tiếng gọi:

- Đỗ Hồng Kha!

Tôi giật mình bật hẳn người dậy, để cái đầu tóc bù xù và đôi mắt lờ đờ vì còn ngái ngủ lên tiếng:

- Có chuyện gì thế?

Cả lớp cười rầm rầm. Tôi quê quá! Nhưng đành chịu vì chẳng biết chúng cười cái gì. Tôi thấy đứa con gái duy nhất của lớp đang đứng trên bảng, tay đang cầm một tờ giấy gì đó. Tôi bắt đầu nhớ ra: nó là bí thư của lớp mình.

- Đề nghị các bạn trật tự! - Nó đưa cặp mắt về phía tôi - Lớp chúng ta hưởng ứng 100% phong trào trồng cây xanh ở khu đất trống sau trường. Mỗi lớp chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm hai người trồng một cây xanh. Bạn Kha và Khanh sẽ là một nhóm - Nó đưa tay chỉ vào tôi, rồi chỉ vào nó kèm theo cái gật đầu nhè nhẹ làm tôi tỉnh ngủ hẳn.

Thì ra nó đang đọc danh sách nhóm những người trong cây xanh cho trường. “Đoàn với trường, chỉ vẽ chuyện!” - Tôi nghĩ thầm - Cây thì cứ để nó tự mọc, trồng làm gì cho mệt xác chứ?!”…

- Cuối giờ các nhóm tự gặp nhau và bàn bạc. Còn cây con thì Khanh sẽ liên hệ với Đoàn trường sau - Giọng con bí thư lại vang lên.

Thế là tôi với đứa con cưng của lớp đã ở chung một xuồng. Đó là điều tôi không thể ngờ tới bởi đây là cơ hội tuyệt vời để tôi với nó làm bạn. Trong danh sách lớp, tên “Kha” và tên “Khanh” nằm kề nhau, tên nó sát dưới tên tôi. Vì thế mà tôi với nó mới có thể ở chung trong một nhóm. Mấy thằng trong lớp nói với tôi vẻ ganh tị:

- Nhất mày rồi đó Kha!

Còn tôi, cũng chẳng biết điều đó có phải là “nhất” không. Nhưng tôi cũng cảm thấy thinh thích! Dù sao thì tôi cũng đã có ấn tượng về nó từ lúc mới gặp. Biết đâu, đây là bước ngoặc đầu tiên thì sao!?…

Tôi và Diệu Khanh quen nhau từ đấy. Tình cảm giữa chúng tôi ngày càng lớn dần lên theo sự lớn lên của cây tràm sau trường mà tôi và Diệu Khanh cùng nhau chăm sóc. Nhờ có cái cây tràm đó mà tôi và Diệu Khanh ngày càng thân thiết và gắn bó với nhau hơn. Tuy nhiên, giữa tôi và Diệu Khanh vẫn chỉ là một tình bạn hiểu theo nghĩa đen không hơn không kém…

- Chiều nay Khanh có chuyện phải về sớm. Kha ở lại tưới nước một mình nghen!
Tôi gật đầu, một cái gật đầu vừa đồng ý vừa không đồng ý. Đồng ý là vì nó là Diệu Khanh, chứ không phải là người khác, còn không đông ý là vì… cũng vì nó là Diệu Khanh! Thế là hụt mất một buổi chiều được tưới nước chung với nó!
Chiều nay tôi phải tưới nước một mình. Tôi đã quen với những buổi chiều được tưới nước chung với Diệu Khanh. Bởi vậy, tôi chợt nhận ra một điều, nếu như tôi không ở chung nhóm với Diệu Khanh, mà với một thằng con trai khác, thì cái cây tôi trồng đã chết quẻo từ lâu rồi. Tôi chán nản đổ nguyên thùng nước lên trên cái cây con bé nhỏ và tội nghiệp, rồi lặng lẽ về mà không hề biết rằng hậu quả vẫn còn lưu lại đến ngày hôm sau…

- Có kẻ phá hoại! - Diệu Khanh giật cuốn sách tôi đang cầm trên tay rồi nhét vô hộc bàn.

- Chuyện gì thế? - Tôi thắc mắc.

- Đi theo Khanh sẽ rõ!

Tôi há hốc mồm khi nhìn thấy cái cây của tôi và Diệu Khanh nằm chỏng gọng trong ô đất bị nước xoáy một lỗ rất lớn. Thủ phạm còn ai vào đây! Tôi thật là vô ý, chỉ vì buồn bực mà tôi chẳng thèm để ý tới cái cây sau khi trút cho nó thùng nước chiều hôm qua. Tôi đứng như trời trồng chẳng biết phải nói với Diệu Khanh như thế nào.

- Khanh sẽ trình bày việc này lên văn phòng Đoàn! Kẻ nào mà vô tâm thế không biết?!

Nó chửi kẻ nào vô tâm, mà tôi nghe như nó chửi tôi vậy. Nó mà biết được thủ phạm là tôi, chắc nó nghỉ chơi với tôi luôn quá!… Tôi làm bộ an ủi:

- Thôi bỏ đi! Mình sẽ trồng lại và chăm sóc cẩn thận hơn!…


**

Trong lớp, tôi và Diệu Khanh có cùng một sở thích là… ngồi ở bàn chót. Bao giờ nó cũng đi sớm hơn tôi và giành cho tôi một chỗ. Tôi chẳng biết vì sao nó lại thích ngồi bàn cuối. Chứ còn tôi, tôi thấy ngồi bàn cuối tiện kinh khủng, bởi tôi có thể… ngủ thoải mái mà chẳng sợ ai nhìn, trừ những người ngồi cùng bàn và Diệu Khanh ngồi sát bên. Ở nhà, tôi ngủ đã quá đủ, bởi vậy tôi đâu có thèm lên lớp ngủ làm gì. Nhưng hễ nghe thấy tiếng giảng đều đều là tôi cứ như uống phải thuốc ngủ. Và đến lúc không thể chịu đựng được nữa thì tôi tự cho mình cái quyền được ngủ… xả hơi tại chỗ với thời gian… không định trước. Bởi, … đã có Diệu Khanh bên cạnh.

- Này! Dậy đi! - Diệu Khanh hích cùi chỏ vào hông tôi - Dậy chép bài đi này! Nhanh quá Khanh chép không kịp - Nó đẩy đến trước mặt tôi cuốn vở mà tôi nhờ nó chép trước khi ngủ.

Tôi ngáp cái thứ nhất… Rồi lại cái thứ hai… Đến cái thứ ba thì… tới giờ giải lao. Tôi rủ Diệu Khanh:

- Mình đi lục thư đi!

Thỉnh thoảng, đến giờ giải lao là tôi lại rủ nó xuống thùng thư ở dãy D để tìm thư. Nó không phải học xa nhà như tôi, vậy mà thư nó tuần nào cũng có. Còn tôi có khi cả tháng không được lá nào. Dù vậy tôi vẫn cứ thích ngày nào cũng được đi lục thư với nó.

- Không. Nó trả lời cộc lốc .

“Quái! Tự dưng hôm nay nó trở chứng gì kì vậy? Mọi hôm tôi rủ là nó đi liền mà!?”

- Có chuyện gì hả “cục cưng”?

- Chẳng có chuyện gì hết.

- Thôi mà, Kha sẽ không ngủ gật nữa!

Nó vẫn im lặng. Tôi quyết định dùng chiêu cuối cùng:

- Định làm nũng hả? Được rồi, cuối giờ Kha sẽ đi ăn chè thưng một mình à?
Nghe nói đến món khoái khẩu, nó làm lành liền:

- Hì hì, Khanh đùa đấy! Mình đi lục thư đi!

Nó nắm tay kéo tôi chạy vù ra khỏi lớp…

Được làm bạn với Diệu Khanh, tôi nghĩ chắc đó cũng là phước tám đời của cụ cố cụ tổ gì đó để lại. Vị trí của tôi ấy à, hai trăm thằng con trai trong giảng đường xây dựng ngày đêm thắp nhang vái bàn thờ ông địa cũng chẳng được đấy. Nhiều gã si tình hỏi tôi với vẻ thất vọng:

- “Em” Khanh “chảnh” thế mà mày “cua” được sao hay dzậy mầy?

Tôi lên mặt:

- Trời, đó là bí quyết mấy chục năm kinh nghiệm mà mậy!

- Mầy xạo vừa thôi! Mày với em Khanh chỉ là bạn bè. Nó có thương yêu quái gì mày đâu. Nhưng nhiều lúc tao ước chỉ được như mày.

- Nhưng mà… tao thương nó. Rồi nó cũng sẽ… thương tao thôi. Mày không biết tình yêu bắt dầu từ tình bạn à?

Tự dưng tôi hơi đỏ mặt. Sau lần đó, tôi đâm ra bối rối mỗi khi đối diện với Diệu Khanh. Tôi bỗng thấy đôi mắt đó càng lúc càng đẹp, đẹp đến nỗi lúc nào nó cũng lởn vởn trong đầu tôi. Một lần hỏi bài, đôi mắt ấy nhìn tôi chờ đợi, còn tôi thì hồn xiêu phách lạc bay tuốt lên mây. Tôi không còn đủ tỉnh táo để hiểu rằng Diệu Khanh đang hỏi bài mình.

- Này, Kha sao thế? - Nó nghiêng cái đầu nhìn vào mắt tôi.

- À… ờ… không có gì. Đâu Khanh hỏi lại coi!

- Nhớ người yêu ở quê à? - Khanh nheo mắt.

- Ừ! Không biết vợ con Kha ở nhà thế nào rồi!?

Rồi cả hai cùng cười. Những tiếng cười giòn tan ở giảng đường xây dựng đợi đến đêm lại len lỏi vào trong giấc ngủ của tôi. Diệu Khanh vẫn vô tư là một người bạn chân thật. Còn tôi, tôi đã đơn phương để cho mình rơi vào sự suy tư - cái được gọi là bạn đồng hành của một chút gì đó xôn xao nơi lồng ngực, một chút gì đó ngu ngơ, một chút gì đó của Xuân Diệu: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.

Tôi bắt đầu biết làm thơ. Những bài thơ tôi làm đều dành riêng cho Diệu Khanh, nhưng không bao giờ tôi dám tặng, và cũng sẽ không bao giờ tôi tặng. Bởi tôi sợ sẽ đánh mất tình bạn giữa tôi và Diệu Khanh.

Bỗng một hôm hạ thì thầm rất khẽ
Tình yêu ơi tình đến tự bao giờ?
Cho buồn về trong đôi mắt ngu ngơ
Cho thơ thẩn nửa hồn tôi ngờ nghệch.

Thơ tôi làm chẳng có ý nghĩa gì ráo, chỉ nghĩ về nó rồi viết cho suông miệng vậy thôi. Có khi chỉ mất 10 phút là tôi đã làm xong một bài thiệt dài rồi.

Tôi đếm thời gian, đếm thời gian
Bên đời rất lặng gió miên man
Bâng khuâng tự hỏi: người đâu mất?
Để bước lang thang, bước lang thang…
Tôi đếm thời gian, đếm buổi chiều
Bên đời rất lặng gió đìu hiu
Bâng khuâng rất nhẹ, hồn đâu mất?
Tím cả hoàng hôn, tím buổi chiều…

Mà cũng có khi tôi trằn trọc suốt đêm mới được một bài vừa ý. Diệu Khanh trong thơ tôi còn đẹp hơn cả Diệu Khanh thật. Và chỉ cần bấy nhiêu đó, tôi cảm thấy như vậy là hạnh phúc rồi.

Nghiêng đôi mắt em tìm ngôi sao ước
Rũ tóc mây em tìm hạt sương rơi
Làn tóc rối em cho tôi chờ đợi
Hỏi em rằng tình có đợi người ơi!?

Tôi ngủ thiếp đi, mơ màng nhìn thấy đôi mắt của Diệu Khanh ẩn hiện sau những vần thơ còn đang lở dở…


**

Chiều mưa Sài Gòn. Những giọt buồn lặng lẽ nối tiếp nhau trôi qua những ngày còn sót lại. Một năm Đại học trôi qua nhanh chóng. Hai ngày nữa, chỉ còn hai ngày nữa là tôi được về quê nghỉ hè. Một ngụm cà phê thơm thơm nơi đầu lưỡi khiến cho tôi nhớ đến quán cà phê “Hạ Trắng” từ hai tuần trước, một điều bất ngờ và thú vị làm tôi nôn nao mãi.

- Khanh sẽ về Bình Định vời Kha! - Khanh hớn hở khoe.

Tôi tròn mắt:

- Thật không?

- Sao lại không! Hồi trước nhà Khanh ở Qui Nhơn, sau đó cả gia đình chuyển vào Sài Gòn. Nhưng Khanh vẫn còn người bà con ở Qui Nhơn, và cả ở Vĩnh Thạnh nữa!

- Vĩnh Thạnh ư? Trái đất bé nhỏ đến thế sao?

Khanh cười:

- Vậy là Khanh sẽ mua 2 vé tàu. OK?

Tôi gật đầu mà lòng vẫn cứ thấp thỏm. “Tự dưng đùng một cái nó lại đòi về quê với mình. Đã thế thì có ra đến Hà Nội cũng được, 2000 cây số vẫn còn là quá ngắn!”…

Tiếng tàu xình xịch đưa tôi và Diệu Khanh về với miền Trung yên ả và bình dị. Chúng tôi tạm biệt nhau ở ga Diêu Trì. Khanh đón tắc-xi về thành phố, còn tôi đón xe về Vĩnh Thạnh. Khanh hứa sẽ tìm đến nhà tôi.

Nhà tôi thì vẫn như ngày nào. Chỉ có điều vườn cây ăn trái bị ba tôi chặt bớt một khoảng để trồng cây cảnh. Giàn tóc tiên giữa nhà tôi và nhà dì Sáu vẫn nở đỏ rực. Vườn hoa bên sân nhà dì Sáu cũng thế, quanh năm vẫn bốn mùa hoa nở. Được về quê nghỉ hè, tôi cảm thấy thật thanh thản…

Ngày tôi chờ đợi cũng đã đến. Diệu Khanh đến thật. Nó gọi tôi từ ngoài cổng. Dù đã chuẩn bị trước ngày này nhưng tôi cũng thấy thật bất ngờ và hồi hộp. Tay chân tôi cứ lóng nga lóng ngóng khi phải mở cái cánh cửa mà tôi vẫn mở ra mở vô hàng ngày.

- Không khí ở đây trong lành quá! - Diệu Khanh hít một hơi thật sâu - Thật tuyệt vời!

- Khanh tìm nhà Kha dễ không?

- Hm… hơi “bị” khó một chút!

Chúng tôi không vào nhà. Tôi mang 2 chiếc ghế ra trước sân ngồi cho mát, rồi hái một rổ mận đặt trước mặt Diệu Khanh. Diệu Khanh không ăn vội, nó đưa tay tháo chiếc kẹp cột lại mái tóc đã rối bời vì đường nắng và bụi. Tôi ngỡ ngàng nhìn nó, nhìn vào đôi mắt của nó và bỗng dưng tôi chợt nhớ đến Nhỏ - cô bạn ngày xưa cũng có một đôi mắt đẹp như vậy!

Diệu Khanh mân mê trái mận như lưỡng lự điều gì. Nó xoay xoay trái mận trong tay:

- Khanh không thích ăn mận.

- Làm nũng hả “cục cưng”? Đòi ăn chè thưng à? - Tôi chọc nó.

Nó đứng dậy ném trái mận về phía tôi:

- Cầm mận mà đi nấu chè thưng cho Khanh này!

Nó ném trái mận mà cứ như… bắn đại bác vậy. Tôi mà không chụp được chắc vỡ bụng quá. Tôi xô ghế đứng dậy, định bụng sẽ đem mận đi… nấu chè thưng thật.

- Vườn hoa đẹp quá! Cả giàn tóc tiên nữa! - Diệu Khanh vạch những nhánh tóc tiên dòm sang nhà dì Sáu.

- Nhà dì Sáu Kha đấy! Khanh muốn qua chơi không?

- Thế à, mình qua chơi đi! À, lát nữa Kha dẫn Khanh đi tìm nhà người quen dùm Khanh nghen! Hình như cũng rất gần khu này…

- Được rồi, lát nữa hãy tính!…

Chưa kịp dứt câu, nó đã kéo tôi chạy qua nhà dì Sáu.

- Không có ai ở nhà cả à?

- Mọi người đi làm cả rồi.

Khanh sung sướng mân mê từng cánh hoa. Nó vén mái tóc cúi xuống ngửi những bông hoa màu trắng mà nó cho là đẹp nhất. Còn tôi thì cứ lẽo đẽo theo sau nó đi hết một vòng quanh sân. Nó dừng lại trước giàn tóc tiên khá lâu như nghĩ ngợi điều gì…

Thấy nó im lặng, tôi mới hỏi:

- Hồi nãy Khanh nói cần tìm người quen ở đây à? Ai thế?

Khanh không trả lời. Nó đưa tay tháo chiếc kẹp để mái tóc thật dài xỏa xuống vai nó:

- Đấy là một kỉ niệm buồn, nhưng cũng thật tuyệt vời của tuổi thơ Khanh. Khanh chỉ đến đấy một lần, rồi mãi không bao giờ trở lại nữa! Hồi đó, nếu như không có một người, chắc Khanh sẽ không thể nào vượt qua nổi cú sốc ấy! Kha biết không, Khanh bị mù, rồi bác Minh đã đưa Khanh về vùng quê yên ả này để chăm sóc. Khanh đã có một người bạn, mà hơn thế nữa đó là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Khanh lúc bấy giờ. Anh ấy đã dìu Khanh qua được cú sốc khủng khiếp! Cho đến giờ đây, khi đã không còn là Nhỏ nữa, Khanh vẫn luôn nhớ đến anh ấy! Lần này về, Khanh nhất định sẽ đi tìm anh ấy!

- … Khanh vừa nói… “Nhỏ”… nào thế?!

- Đấy là tên của Khanh lúc bấy giờ, sau này khi mắt Khanh được chữa sáng, ba mẹ mới đổi tên cho Khanh.

Trời ơi! Tôi không còn tin vào tai mình nữa. Nhỏ đây ư!? Nhỏ của tôi đã trở về rồi đấy ư!? Cô bạn Diệu Khanh mà tôi đã quen gần một năm trời ở miền đất Sài Gòn xa xôi lại là Nhỏ của tôi ngày nào sao!? Ôi, không biết có phải là tôi nằm mơ không!? Tại sao ông trời lại sắp đặt những cuộc hội ngộ quá bất ngờ đến thế này!?… Tôi vụt chạy về nhà trước cái nhìn ngơ ngác của Diệu Khanh…
Tôi trở lại với “Mộc Hạ” trên tay. Đã lâu lắm rồi nhưng hai chữ “Mộc Hạ” được tôi viết bằng sơn vẫn còn rõ lắm! Tôi đặt chiếc ghế xuống giữa sân. Diệu Khanh run run sờ vào hai chữ “Mộc Hạ”, rồi nó nhìn tôi như hiểu ra điều gì. Tôi đẩy Diệu Khanh ngồi xuống ghế, đôi mắt kinh ngạc đến xúc động nhìn thẳng vào tôi. Tôi bước đến bên giàn tóc tiên, hái thật nhiều, thật nhiều, rồi nhẹ nhàng thả xuống người nó, vương khắp tóc nó, vương khắp bộ quần áo màu trắng của nó… Nó run run chụp lấy tay tôi, sờ vào vết sẹo trong lòng bàn tay, bàng hoàng như chạm phải một cái gì đó đã ngủ yên từ rất lâu rồi trong kí ức. Rồi đôi mắt nó bỗng long lanh bởi những giọt nước nơi khóe mắt:

- Anh Quân!…


Bình Dương, 24.10.2000

umbrella_tn
19-01-2010, 07:06 AM
bóc kái tem !!! hihi

Đây như là một truyện ngắn vậy... Cũng khá là hay

nhưng mà đoạn vào đầu hơi dài nên nêu k có kiên nhẫn chắc k đọc được hết quá

Nhưng kết như vậy thì chung quy là cuộc gặp gỡ định mệnh của cả 2 người rồi , vậy liệu cuối cùng có yêu nhau k?

Àk mà mấy bài thơ trong này rất hay , tác giả tự làm sao??? giỏi ghê

gnas81
22-01-2010, 10:42 AM
Cảm ơn bạn umbrella_tn! Cúi cùn thì bạn có đọc hết k?



Nhưng kết như vậy thì chung quy là cuộc gặp gỡ định mệnh của cả 2 người rồi , vậy liệu cuối cùng có yêu nhau k?

Àk mà mấy bài thơ trong này rất hay , tác giả tự làm sao??? giỏi ghê

2 người có yêu nhau k thì người đọc tự cảm nhận:blinking:
Những bài thơ là của mình luôn đó, chẳng lẽ mình lấy thơ người khác bỏ vô thì kỳ lắm, sao gọi là sáng tác đc.

natnothnab
02-02-2010, 12:46 AM
Câu chuyện giúp ta cảm thấy tâm hồn thật thanh thản! Cảm ơn bạn!

umbrella_tn
02-02-2010, 02:29 AM
duyệt, lun wa' à

thơ hay thơ hay, chuẩn chuẩn

chắc phải xin bái làm sư phụ quá

À mà bạn ơi chuyện đọc nghe như thật ý, chuyện này có thậy sao????

gnas81
02-02-2010, 08:10 AM
Đây là 1 câu chuyện tưởng tượng nhưng cảnh vật thì gần như là thật. Nếu không có cảnh thật chắc không thể nào viết được "thật" như bạn umbrella cảm nhận đâu.

natnothnab
07-03-2010, 06:20 AM
Vĩnh Thạnh là ở đâu vậy bạn???