Xem đầy đủ chức năng : Tobie Lolness - Timothee de Fombelle
lu_hehe
04-12-2009, 03:22 PM
Tớ thấy trên thư viện ebook có bản .pdf của truyện này rồi, cho nên nếu ai sốt ruột cứ sang đó down nhé. Đi khỏi VN tớ rinh theo cả 2 quyển (thích lắm cơ), nhưng để tớ, một kẻ chậm như rùa, type xong chắc cũng tốn một ít thời gian.
Không thấy trong mục lục nên tớ post. Bạn Trà nếu thấy ở đâu đó rồi thì cứ tự nhiên delete giùm tớ nha :D:D
--
TOBIE LOLNESS
Timothee de Fombelle
Nguyễn Thụy Phương dịch
Hãy nhắm mắt lại và hình dung: bạn sống trong một cây sồi cổ thụ và bạn chỉ cao có một milimét rưỡi. Một cuộc phiêu lưu ra trò, phải không nào? Ở đây, người ta làm nghề hút sữa ấu trùng hay chăn nuôi rệp son... Đó là cuộc sống thường ngày của Tobie, cậu bé mười ba tuổi và cả tộc người của cậu: những kẻ sung túc sống trên phần ngọn cây, những kẻ nghèo khổ nhất trú thân trong những cành lá. Sau một vụ việc ám muội, cha mẹ của Tobie bị kết án tử hình. Cậu trốn thoát, và cả tộc người của cậu lao đi truy lùng cậu. Tobie một mình chống lại tất cả trong một thế giới không biết đến xót thương và đầy rẫy những hiểm nguy. Một cuốn tiểu thuyết gây ngạc nhiên, pha trộn giữa chất phiêu lưu và ngụ ngôn về thế giới cây cỏ.
--
CHAP 1 - BỊ TRUY ĐUỔI
Tobie chỉ được một milimét rưỡi, như thế không phải là cao lớn gì so với tuổi của cậu. Mỗi hai mũi chân cậu nhô ra khỏi hốc vỏ cây. Cậu không cử động. Đêm ụp lên cậu như một xô nước.
Tobie nhìn bầu trời lỗ chỗ sao. Chưa có đêm nào vừa tối đen vừa rạng rỡ hơn cái màn đêm đang loang ra thành từng vũng giữa những chiếc lá hung đỏ khổng lồ.
Khi trăng không ở đó thì các vì sao nhảy múa. Ấy là điều cậu tự nhủ. Cậu cũng lặp đi lặp lại mãi với chính mình điều này: "Nếu như có một bầu trời nơi thiên đường, thì nó sẽ ít sâu hơn, ít nao lòng hơn, phải rồi, ít nao lòng hơn..."
Tobie để mặc cho ý nghĩ đó giúp mình nguôi ngoai. Duỗi dài người, cậu gối đầu lên rêu. Cậu cảm nhận cái lạnh giá của những giọt nước mắt vương trên tóc, gần bên tai.
Tobie đang ở trong một cái hốc vỏ cây tối đen, một bên cẳng chân bị thương, nhiều vết cào trên mỗi vai và những sợi tóc bết máu. Bàn tay cậu rát bỏng vì gai đâm, và phần còn lại của cơ thể nhỏ bé đang thiêm thiếp vì đau đớn và mệt mỏi không còn cảm giác gì.
Cuộc sống của cậu tưởng đã chấm dứt vài giờ trước đó, cậu tự hỏi mình còn làm gì ở đây.
Cậu nhớ lại mọi người thường kêu lên: "Vẫn còn ở đây hả, Tobie!" mỗi khi cậu tò mò chõ mũi vào mọi việc. Còn bây giờ, cậu lẩm bẩm với chính mình câu đó: "Vẫn còn đây ư?"
Nhưng cậu vẫn sống nhăn, ý thức rõ nỗi bất hạnh của mình còn lớn hơn cả bầu trời.
Cậu dán mắt lên trời như thể đang nắm chặt tay bố mẹ đi giữa đám đông trong lễ hội hoa. Cậu tự nhủ: "Nếu nhắm mắt lại, mình sẽ chết." Nhưng đôi mắt vẫn giương trừng trừng dưới đáy hai hồ nước mắt nhòe nhoẹt.
Lúc này đây, cậu nghe thấy tiếng họ. Lập tức, nỗi sợ hãi lại ập xuống cậu. Họ gồm bốn người. Ba người lớn và một đứa trẻ. Đứa trẻ cầm ngọn đuốc soi đường cho họ.
- Nó ở không xa đâu, cháu biết nó ở không xa đâu.
- Phải tóm lấy nó. Nó cũng phải trả giá. Như cha mẹ nó.
Đôi mắt của người thứ ba lóe lên một thứ ánh sáng vàng trong đêm tối.
Lão ta khạc ra rồi nói:
- Chúng ta sẽ tóm cổ nó cho mà coi, mày sẽ thấy nó trả giá.
Tobie những mong có thể tỉnh dậy, thoát khỏi cơn ác mộng này, chạy đến bên giường cha mẹ, khóc và khóc thôi... Tobie những mong có ai đó dẫn cậu, trong bộ đồ ngủ, vào một gian bếp sáng sủa, pha cho cậu một cốc mật ong nóng hổi, thêm chút bánh và nói với cậu rằng: "Qua rồi, tất cả qua rồi, Tobie bé bỏng."
Nhưng Tobie lại đang run rẩy toàn thân, tít sâu trong hốc, cố gắng thu đôi chân quá dài của mình lại để giấu chúng đi. Mười ba tuổi, Tobie đã bị cả một tộc người truy đuổi, chính là tộc người của cậu.
Những gì bấy giờ cậu nghe thấy còn khủng khiếp hơn cả cái đêm này đây, sợ hãi và lạnh lẽo. Cậu nghe thấy một giọng nói mà cậu hằng yêu mến, giọng nói của người bạn tri kỷ, Léo Blue.
Léo đến với Tobie từ hồi bốn tuổi rưỡi, để ăn ké bữa phụ của Tobie, và từ hôm đó, hai đứa chia sẻ với nhau tất cả. Những điều tốt đẹp và những chuyện kém vui. Léo sống cùng một bà dì. Cậu đã mất cả cha lẫn mẹ. Cậu chẳng giữ lại kỉ vật nào của cha, ông El Blue, người nổi tiếng thích phiêu lưu, ngoại trừ một cái boomerang bằng gỗ nhạt màu. Những bất hạnh đã trải qua ấy đem lại cho Léo Blue một người sức mạnh to lớn. Tuồng như cậu ta vừa có thể cực tốt, vừa có thể cực xấu. Tobie thích mặt tốt hơn: trí thông minh và lòng dũng cảm của Léo.
Tobie và Léo nhanh chóng trở thành đôi bạn chí thân. Có lúc người ta gọi chúng bằng một cái tên duy nhất, "Tobéléo".
Một hôm, hồi Tobie và cha mẹ sắp phải chuyển nhà xuống vùng Cành La, cả hai đứa chúng, tức là Tobéléo, đã trốn trong một cái chồi khô để không phải xa nhau. Mọi người tìm thấy chúng sau hai ngày ba đêm.
Tobie còn nhớ đó là một trong những lần hiếm hoi cậu thấy cha khóc.
Nhưng đêm nay, khi Tobie một thân một mình trốn trong hốc vỏ cây, không thể nào lại là thằng bạn Léo Blue, chỉ đứng cách cậu vài mét (*), đang giơ cao ngọn đuốc trong bóng tối. Tobie cảm thấy trái tim cậu như vỡ tan ra khi nghe thấy người bạn thân yêu nhất của mình hét lên:
- Chúng tao sẽ tóm được mày! Sẽ tóm được mày, Tobie ạ!
Tiếng của Léo dội từ cành này sang cành khác.
Đúng lúc đó, Tobie vụt nhớ đến một kỷ niệm rất rõ ràng.
Khi còn nhỏ xíu, cậu có một con rệp lá đã được thuần hóa tên là Lima. Tobie vẫn thường cưỡi lên lưng nó từ trước khi biết đi. Bỗng một ngày, con rệp lá không chơi đùa nữa mà quay ra cắn Tobie một phát sâu hoắm và lẳng cậu ra như một miếng giẻ lau. Bây giờ Tobie vẫn còn nhớ cơn điên của con vật đã buộc cha mẹ tách cậu khỏi nó. Cậu vẫn lưu giữ trong ký ức đôi mắt của Lima khi nó phát điên: con ngươi của nó nở ra như một vũng nước nhỏ dưới trời mưa. Mẹ đã nói rằng: "Hôm nay, chuyện này xảy ra với Lima nhưng ai cũng có thể phát điên vào một ngày nào đó."
- Chúng tao sẽ túm được mày, thằng Tobie kia!
Nghe thấy tiếng thét hoang dại này một lần nữa cất lên, Tobie đoán đôi mắt của Léo chắc cũng phải khủng khiếp như đôi mắt của con vật điên dại kia. Đúng vậy, hệt như những cái đầm dềnh lên vì nước mưa.
Nhúm người vừa tiến lại gần vừa chọc vừa đập những cây gậy nhọn hoắt lên lớp vỏ cây để dò tìm các hốc và rãnh. Bọn họ truy lùng Tobie. Chẳng khác nào cảnh đi săn mối, khi các ông bố cùng bọn con trai rời nhà mỗi năm một lần vào mùa xuân, đến tận những cành xa xôi để săn bắt các loài vật gây hại.
- Tao sẽ lôi nó ra khỏi hốc.
Cái giọng phát ra câu này sát sạt đến nỗi Tobie cảm nhận được cả hơi thở nóng hồi phả vào cậu. Cậu không cựa quậy, thậm chí không dám nhắm mắt lại. Những cú gậy tung về phía cậu trong bóng tối làm lóe lên những tia lửa. Thanh gỗ nhọn thọc rất mạnh chỉ cách mặt cậu một ngón tay. Cơ thể nhỏ bé của Tobie co cứng lại vì sợ. Tuy nhiên cậu vẫn mở to mắt nhìn chằm chặp lên bầu trời thỉnh thoảng ló dạng giữa nhữn cái bóng của mấy kẻ săn đuổi. Lần này, thể nào cậu cũng bị tóm. Thế là hết.
--
(*): trời ạ, cái cây có vài mét mà hai thằng nhỏ đứng cách nhau nhiêu đó thì vị trí chúng ở đâu đây??
lu_hehe
04-12-2009, 08:52 PM
Đột nhiên, bóng tối bao trùm lên cậu, ai đó tức tối hét lên:
- Ê, Léo! Mày làm tắt đuốc hả?
- Nó bị rơi đấy chứ. Xin lỗi, đuốc bị rơi đấy chứ...
- Đồ ngu!
Ngọn đuốc duy nhất của cả bọn tắt ngóm và cuộc truy tìm phải tiếp tục trong đêm tối.
- Không phải vì thế mà chúng ta bỏ dở. Sẽ tìm ra nó thôi.
Một tên khác vào hùa với tên lúc nãy và thẳng tay sục sạo các khe rãnh trong vỏ cây. Tobie cảm thấy cả không khí cũng bị khuấy đảo theo cử động của mấy bàn tay ở rất gần cậu. Gã đàn ông thứ hai này chắc chắn đã nốc nhiều rượu, phần vì nồng nặc mùi, phần vì các động tác của hắn vừa hung tợn vừa loạn xạ.
- Tự tao sẽ bắt nó. Chính tao sẽ băm nó ra thành từng mảnh. Và nói cho bọn kia tin là chúng ta không tìm thấy nó.
Tên kia vừa cười vừa nói về thằng bạn săn của hắn:
- Cái thằng cha này, chẳng thay đổi gì cả. Hắn giết bốn mươi con mối vào mùa xuân năm ngoái đấy!
Phải rồi, đối với bọn chúng, Tobie chẳng đáng bằng một con mối, và chắc chắn chúng sẽ cho cậu nếm mùi gậy nhọn và lửa đuốc.
Hai cái bóng đang ở ngay phía trên cậu. Không gì có thể cứu cậu nữa rồi. Thiếu chút nữa thì Tobie rời mắt khỏi bầu trời đã không ngừng giúp cậu đứng vững nãy giờ. Thấy cây gậy hạ xuống gần mình, cậu liền né vội người sang một bên cạnh và tên săn người chẳng cảm thấy gì dưới vũ khí của hắn, ngoài lớp gỗ cứng của thân cây.
Nhưng tên còn lại đã nhanh chóng thọc tay vào hốc.
Tobie giàn giụa nước mắt. Cậu thấy gã đang quờ bàn tay to tướng gần sát người cậu, rồi dừng lại, dịch bàn tay lên cao một chút, sát mặt cậu.
Kì lạ thay, Tobie cảm thấy nỗi sợ tan biến. Một cảm giác nhẹ nhõm vô cùng dâng lên khắp người cậu. Thậm chí môi cậu còn nở một nụ cười tái nhợt khi nghe thấy giọng nói kinh khủng kia cất lên tiếng thì thào hớn hở:
- Tao thấy nó rồi. Tao túm được nó rồi!
Im lặng bao trùm khắp xung quanh.
Những kẻ săn người khác sán lại gần. Ngay cả Léo Blue cũng không nói gì nữa, sợ biết đâu phải nhìn vào mắt thằng bạn chí cốt của mình.
Bọn chúng dồn cả lại, bốn hay năm người vây quanh một đứa trẻ bị thương. Thế nhưng Tobie đâu còn sợ gì nữa. Cậu cũng không rùng mình khi gã đàn ông luồn cánh tay vào trong hốc, giật một cái gì đó ra rồi gào lên sung sướng và khoe thứ đó với lũ kia.
Im lặng lại bao trùm, lần này dài hơn cả một mùa đông tuyết phủ.
Tobie đinh ninh là đã cảm thấy người ta vừa xé một mảnh quần áo của cậu. Lát sau, một vài giọng nói ré lên trong im lặng đầy băng giá:
- Vỏ cây, đây là một mẩu vỏ cây.
Đúng vậy, gã đàn ông chìa ra cho bọn kia xem một mẩu vỏ cây.
- Chúng mày bị tao lừa cho mà không biết! Rõ là nó không còn ở đây nữa. Chắc cao chạy xa bay về phía Cành La mất rồi. Ngay mai mới bắt được nó.
Đội quân buông ra những tiếng cằn nhằn thất vọng. Có đứa còn văng vài câu tục với kẻ đã giả bộ bắt được Tobie. Những bóng đen tản đi rất nhanh như một đám mây ảm đạm. Tiếng vọng của giọng nói cũng tan dần.
Và im lặng lại bao trùm xung quanh cậu.
Mất một hồi sau Tobie mới nghe thấy tiếng thở của chính mình. Mới cảm thấy trọng lượng của cơ thể cậu đè lên vách cây.
Chuyện gì đã xảy ra vậy? Những ý nghĩ từ từ trở lại trong đầu cậu.
Cậu hồi tưởng lại từng khắc một cái phút bí ẩn kia. Gã đàn ông đã chạm tay vào người cậu nhưng cứ ngỡ là gỗ. Gã đã giật một mẩu áo gilê của cậu mà cứ đinh ninh là vỏ cây. Và cả lũ cũng công nhận là vỏ cây. Như thể Tobie ẩn vào trong thớ gỗ. Chính cậu cũng có cảm giác như vậy. Đại Thụ đã che chở cậu dưới lớp áo khoác của vỏ cây.
Chợt Tobie nằm đờ ra bất động.
Liệu có phải là một cái bẫy không nhỉ?
Phải rồi. Gã đàn ông đã cảm thấy đứa nhỏ dưới tay mình, và đang rình cậu trong bóng tối cách đó vài mét. Tobie tin chắc như vậy. Gã săn người này đã bảo muốn tự tay bắt cậu và nghiền nát cậu như một con mối mà! Chắc hắn còn đang nấp trong bóng tối, rình khi cậu chui ra thì sẽ nhảy bổ tới đâm cậu bằng gậy nhọn. Nỗi khiếp đảm lại nghẹn ứ trong cổ họng.
Tobie không nhúc nhích. Cậu lắng nghe từng âm thanh nhỏ nhất.
Không có động tĩnh gì.
Thế rồi, từ từ, cậu ngước lên nhìn bầu trời. Những người bạn tinh tú đồng hành như đang nhìn xuống cậu bằng muôn vàn con mắt.
Và, ở bên dưới mình, cậu cảm nhận được hơi ấm của Đại Thụ. Lúc này đang là cuối mùa hè. Cành cây đã hấp thụ hơi ấm dịu dàng. Tobie vẫn đang ở trên những Cành Cao, nơi mặt trời chiếu rọi từ sáng đến tối, và thơm lừng mùi bánh mì nóng và món bánh lá trộn phấn hoa mẹ vẫn làm.
Tobie thả mình theo mùi hương làm ấm lòng đang bao bọc cậu.
Mắt cậu liền khép lại. Cậu quên đi sợ hãi, quên cả cơn điên của Léo. Cậu quên mình đã trờ thành mồi cho lũ săn người và chúng có đến hàng nghìn tên chống lại cậu. Cậu buông mình theo một làn hơi dịu dàng, màn sương êm ả mà người ta vẫn gọi là giấc ngủ. Cậu quên hết thảy mọi sự. Sự run sợ, nỗi cô độc, sự bất công, và một câu hỏi lớn TẠI SAO đã dằn vặt cậu từ nhiều ngày qua.
Cậu quên hết thảy mọi sự. Thế nhưng màn đêm của cậu có một chốn nhỏ vẫn để trống. Giấc mơ duy nhất cậu để mặc cho đến nô giỡn trong giấc ngủ của mình.
Giấc mơ ấy có một khuôn mặt. Elisha.
--End of Chap 1--
lu_hehe
05-12-2009, 09:29 AM
CHAP 2 - VĨNH BIỆT XỨ NGỌN CÂY
Cả ngày chạy trốn kẻ thù, cậu đã tự nhủ không nên nghĩ đến cô.
Đó là điều duy nhất. Không nên. Như thế sẽ quá nghiệt ngã.
Cậu bao bọc trái tim mình bằng một thứ pháo đài với nhiều tháp canh và hào sâu. Cậu thả những con kiến chiến binh trong những lối tuần tra. Cậu không nên nghĩ tới cô.
Tuy nhiên, mỗi khoảnh khắc trôi qua, cô lại hiện về sống động trong ký ức của cậu với chiếc váy màu xanh lục. Cô chiếm trọn tâm trí cậu, còn hiện hữu hơn cả bầu trời.
Cậu quen Elisha khi cùng gia đình rời khỏi những Cành Bổng để đến sống ở Cành La.
Nên kể lại cuộc gặp gỡ này. Nên tạm quên là Tobie đang nằm thiêm thiếp trong hốc cây để quay trở lại năm năm về trước.
Đó là thời điểm diễn ra chuyến thiên di quan trọng.
Năm đó, vào một buổi sáng tháng Chín, khi người dân ở xứ Ngọn Cây hãy còn chìm trong giấc ngủ, Tobie đã cùng cha mẹ khăn gói ra đi.
Họ đi ròng rã trong suốt bảy ngày, hai phu khuân vác hộ tống vác theo những vật dụng thiết yếu luôn miệng càu nhàu. Họ không cần đến hai gã này để vận chuyển hai cái vali nhỏ, mấy bộ quần áo, vài cuốn sách và cái hòm tài liệu của ông Sim Lolness, cha của Tobie.
Hai gã phu khuân vác đi theo cốt để chứng thực rằng cái gia đình này sẽ không quay lại giữa đường.
Ông Lolness chắc chắn là bác học vĩ đại nhất vào thời đó. Không một ai nắm được những bí mật của Đại Thụ như ông. Ông được tất cả ngưỡng một vì đã ghi danh mình ở những khám phá tuyệt vời nhất của thế kỉ. Nhưng kiến thức siêu việt của ông chỉ là một phần rất nhỏ của con người ông. Phần còn lại là một tâm hồn khoáng đạt và tỏa sáng như chòm tinh tú.
Sim Lolness tốt bụng, nhân hậu và vui tính. Nếu muốn, hẳn là ông đã dễ dàng thành công lớn trong lĩnh vực kịch nghệ. Tuy nhiên, giáo sư Lolness chưa bao giờ thật sự tìm cách chọc cười. Chỉ đơn giản là ông phóng túng và độc đáo một cách đặc biệt.
Đôi khi, trong buổi họp Đại hội đồng của Đại Thụ, giữa một đám các nhà thông thái già cả, ông cởi bỏ quần áo, lôi từ trong chiếc rương nhỏ đem theo ra một bộ đồ ngủ màu lam, rồi sửa soạn cho giấc ngủ trưa. Ông nói rằng giấc ngủ là thần dược của mình. Cử tọa đành hạ giọng để yên cho ông ngủ.
Tobie và cha mẹ đi ròng rã nhiều ngày đường về phía xứ Cành La. Trong Đại Thụ, những cuộc hành trình như vậy luôn được xem là những chuyến phiêu lưu. Người ta cuốc bộ từ cành này sang cành khác, trên những con đượng hầu như chưa có dấu chân người, phải đối mặt với nguy cơ lạc vào ngõ cụt hay trượt dốc như chơi. Vào mùa thu, càng nên tránh đi qua lá, những phiến nâu rộng lớn, khi rụng xuống có cơ cuốn theo người du hành đi mất tăm.
Dù sao, rất hiếm khi có các ứng cử viên cho những chuyến đi kiểu này. Mọi người thường sống trọn đời mình trên cành cây nơi họ sinh ra. Ở đó họ tìm được nghề nghiệp và bạn bè... Từ đó mà xuất hiện thành ngữ "cành cội" để chỉ một người bạn lâu năm. Người ta kết hôn với một ai đó ở cành láng giềng hay trong phạm vi đó thôi. Đến mức mà, chẳng hạn đám cưới giữa một cô gái ở Ngọn Cây với một chàng trai ở Nhánh Cây đã trở thành một sự kiện hiếm hoi, và xem ra khó coi với các gia đình. Chuyện như vậy đã xảy ra với chính cha mẹ Tobie. Không một ai ủng hộ chuyện tình của họ. Tốt nhất là nên lấy người quanh vùng.
Trái lại, Sim Lolness lại thích ý tưởng về một "cây phả hệ", như thể mỗi thế hệ tự tạo lập nhánh riêng của mình, và mỗi lần như vậy lại vươn gần tới bầu trời hơn được một chút. Đối với những người cùng thời với giáo sư, đây là một ý tưởng nguy hiểm.
Tất nhiên, sự gia tăng dân số trên Đại Thụ buộc một số gia đình phải di cư đến những vùng xa xôi, nhưng đó là một quyết định mang tính tập thể, một cuộc vận động của đại gia đình. Một thị tộc chọn chiếm giữ những cành mới và đi đến những khu Hạ di dân. Những nơi này nằm lùi sâu trong Đại Thụ, trong những nhánh rợp.
Tuy nhiên, chưa một ai xuống đến Cành La, vì vùng này còn xa hơn, tít tận phía dưới.
Ít ra, chẳng một ai tự nguyện dời đến đó.
Ngay cả gia đình Lolness cũng vậy. Tối hôm đó, họ và hai phu khuân đã đặt chân đến vùng Onessa hoang dã, tận cùng của xứ Cành La.
Từ hai ngày nay, họ mới biết xứ này giống với cái gì. Cảnh vật trải ra trước mắt họ theo mỗi bước chân đi.
Đó là một mê cung mênh mông với những cành cây ẩm ướt và ngoắt ngoéo. Không thấy một bóng người hoặc gần như không có ai ngoài vài người vắt sữa ấu trùng, hễ nhìn thấy đoàn người là lủi mất.
Cảnh tượng xứ này gây ấn tượng mạnh. Những trảng vỏ cây nhão bùn, những chạc cây bí hiểm chưa ai đặt chân đến bao giờ, những hồ nước nhỏ được tạo nên từ nhiều cành cây đan chéo vào nhau, những vạt rừng rêu xanh lục, một lớp vỏ dày với những đường rãnh và những lạch ngòi chằng chịt, những loài côn trùng kỳ dị, những cành củi khô bị chẹt cứng từ bao năm nay ngay đến gió cũng không thể hất rơi xuống được... Một vùng rừng rậm treo lơ lửng, đầy tiếng động lạ.
Tobie khóc rấm rứt suốt dọc đường, khổ sở vì phải rời xa cậu bạn Léo Blue. Nhưng khi đến cửa ngõ xứ Cành La mà người ta đã mô tả cho cậu như một địa ngục thì nước mắt cậu bỗng khô sạch. Bị thôi miên bởi cảnh vật, cậu hiểu ngay lập tức rằng đây mới là nhà mình. Xứ sở kỳ diệu: một lãnh địa khổng lồ của vui chơi và mơ mộng.
Càng đi xa hơn và lấy lại được nhiều hơn vẻ mặt vui sướng của những ngày đẹp đẽ xưa thì cậu càng thấy mẹ, bà Maia, suy sụp bấy nhiêu.
Maia Lolness xuất thân từ dòng họ Alnorell, dòng họ sở hữu gần một phần ba lãnh thổ xứ Ngọn Cây và nhiều đồn điền địa y trên trục thân chính. Đó là một gia đình giàu có, thường tổ chức những cuộc săn bắn lớn trong vùng lãnh địa nằm ở phía được ánh mặt trời chiếu rọi, và những buổi dạ vũ khiến những con người xinh đẹp nhất chóng mặt đến rạng đông. Những đêm hội, đuốc thắp trên các con đường vẽ nên những tràng hoa trang trí cho xứ Ngọn Cây. Cha của Maia ngồi chơi dương cầm. Mọi người nhảy múa xung quanh. Những cặp tình nhân thở thẩn dưới ánh sao.
Maia, con gái yêu của người cha mà cô hết mực yêu thương, hậu duệ duy nhất của dòng họ Alnorell, đã lớn lên trong khung cảnh hội hè đó. Ông Alnorell là một người tinh tế, cô bé cũng giống cha ở điểm này; ông còn là một người đàn ông tao nhã, hào hiệp và ham hiểu biết.
Ông mất lúc còn trẻ, khi Maia mới mười lăn tuổi. Và vợ ông nắm quyền hành từ đó, bà chấm dứt vĩnh viễn những điệu valse và những dạ tiệc dưới trăng.
Bởi lẽ bà Alnorell, bà ngoại của Tobie, là một người buồn tẻ và xấu tính như một con nhện buổi sáng. Vì không tìm được hạnh phúc bên chồng và con gái nên bà biến viên thủ kho, lão Peloux, thành hạnh phúc của mình, là bởi đùng một cái, bà cắt nhiều khoản chi tiêu trong nhà và thế là một khối tài sản kếch sù bắt đầu chất đống xung quanh bà. Lão Peloux chứng kiến những khoản lợi tức có nguồn gốc từ đồn điền và những hoạt động kinh doanh khác của nhà Alnorell đổ về mỗi ngày, chứ không thấy một xu xuất ra khỏi quỹ bao giờ.
Bà Alnorell mê tiền đến nỗi quên mất nó dùng để làm gì. Như một đứa trẻ gom góp hàng đống kẹo nhựa cây giấu dưới gầm giường. Chỉ có khác là khi đứa trẻ tỉnh dậy vào một buổi sáng thì đống kẹo đã hóa thành nhựa mốc, trong khi tiền của bà Alnorell thì không lên mốc bao giờ. Cái lên mốc ấy, lại chính là bản thân bà. Bà trở nên xanh lét và tình cảm cũng nguội lạnh đi.
Tobie được nghe kể lại rằng khi tin lễ đính hôn của Maia với một chàng trai sống ở Nhánh Cây đến tai bà ngoại, bà đã nói:
- Thế là mày muốn sinh ra một lũ sên hả!
Câu nói này đã trở thành câu cửa miệng giữa hai vợ chồng Sim và Maia. Họ thường lấy câu ấy ra để đùa. Xứ Nhánh Cây, nơi xuất thân của Sim, nổi tiếng với giống sên, con vật khổng lồ hoàn toàn vô hại và sản sinh ra một loại mỡ lý tưởng dùng cho đèn dầu. Cư dân xứ Nhánh Cây vô cùng yêu quý loài sên, đến nỗi cha của Tobie thường âu yếm gọi cậu là "ốc sên của cha" để ghi nhớ câu nói của mẹ vợ.
lu_hehe
07-12-2009, 11:23 AM
Vậy là Maia Alnorell kết hôn với Sim Lolness. Họ yêu nhau. Họ vẫn yêu nhau say đắm như thuở ban đầu gặp gỡ, khi mới mười chín tuổi, trong một lớp học dệt.
Biết dệt lụa là hành trang bắt buộc đối với các thiếu nữ con nhà nề nếp. Vì lẽ Sim Lolness làm việc quá nhiều, cuộc sống chỉ diễn ra quanh quẩn hết trong thư viện, phòng thí nghiệm rồi lại đến vườn bách thảo, và vì anh không có thời gian để "hẹn hò", như mẹ anh thường nói, nên anh đã đến ghi danh vào một lớp dệt. Tất nhiên anh là cậu con trai duy nhất trong lớp. Mỗi tuần một tiếng, đảm bảo anh sẽ được gặp một lượt ba mươi cô gái và trong thời gian ngắn nhất có được ý niệm cơ bản về cái giống loài hoàn toàn lạ lẫm với anh đó.
Tuần thứ nhất, anh quan sát.
Tuần thứ hai, anh sáng chế ra máy dệt.
Tuần thứ ba, lớp học đóng cửa.
Thế là chấm dứt việc dệt lụa bằng tay.
Nhưng Maia xinh đẹp hiểu ngay điều gì ẩn giấu dưới chiếc mũ nồi của chàng trai từ Nhánh Cây xa xôi lên Ngọn Cây học tập. Cô đem lòng yêu mến chàng trai.
Một buổi sáng mùa xuân, cô gái đến gõ cửa căn phòng trọ của chàng sinh viên.
- Chào anh.
- Thưa cô... Ơ... Vâng?
- Anh để quên chiếc mũ ở buổi học trước.
- Ồ! Tôi... Trời đất...
Cô gái bước vào phòng. Sim lùi lại. Thực ra, đây là lần đầu tiên anh thực sự nhìn một cô gái, và anh có cảm giác như đang khám phá một hành tinh mới. Anh rất muốn ghi chép lại, nhưng tự nhủ làm như vậy có lẽ không phải phép cho lắm.
Thực lòng mà nói, anh cũng lấy làm kinh ngạc vì không cảm thấy có nhu cầu viết hai hay ba cuốn sách về chủ đề này: anh muốn đứng chôn chân ở đó, chẳng làm gì cả, chỉ để ngắm nhìn cô gái.
Cuối cùng, cô gái lên tiếng:
- Tôi không làm phiền anh chứ?
- Có chứ... Cô... Cô làm... cuộc đời tôi rối tung lên, nếu tôi có thể tự cho phép, với tất cả sự tôn trọng, thưa cô.
- Ồ, xin lỗi anh...
Cô gái tiến về phía cửa, Sim lao vội ra để ngăn cô lại. Anh chỉnh lại đôi kính.
- Không! Tôi... Cô cứ ở lại...
Anh mời cô gái cốc nước lọc và một viên kẹo gôm. Cô cầm chiếc cốc theo kiểu nào đó khiến thậm chí Sim còn muốn vẽ một bức ký họa. Anh cố cưỡng lại ham muốn ấy. Anh cứ mân mê viên kẹo gôm trong lòng bàn tay mãi đến nỗi cầm đến vật gì cũng dính.
Maia cười thầm.
Sim chống tay lên tường để củng cố tinh thần nhưng lại thành chăng tơ gôm khắp bốn góc phòng.
Một lúc sau, Maia xin lỗi phải đi. Cô bước qua một sợi tơ, chui qua một sợi khác rồi đi ra ngoài.
- Cảm ơn cô về cái mũ, Sim nói và nhìn cô đi xa dần.
Đến lúc đó anh mới phát hiện chiếc mũ nồi vẫn ở trên đầu mình, anh vẫn đội nó khi cô đến, tóm lại, anh không hề để quên nó ở đâu cả.
Thế là anh gỡ đôi kính dày cộp ra, đặt nó lên bàn rồi lăn đùng ra đất, bất tỉnh nhân sự.
Sau đó anh mới hiểu ra vì sao hôm ấy mình té xỉu. Thật đơn giản, bởi lẽ, theo lô gíc của sự việc, nếu cô ấy mang trả cái mũ nồi mà anh không hề bỏ quên, thế nghĩa là cốt để gặp lại anh.
Chính anh.
Nội điều đó thôi cũng quá đủ để ngất xỉu.
Một năm sau, họ cưới nhau. Một đám cưới long trọng trong xứ Ngọn Cây. Bà lão Alnorell đã chấp nhận chi chút ít tiền từ khối tài sản của mình. Lão Peloux thủ kho vừa than vãn vừa nhặt hai đồng vàng khỏi một cái bồn đầy ắp tiền.
Lão nói:
- Thưa bà, chúng ta sạt nghiệp đến nơi rồi...
Rồi lão ta ngắm nhìn cái bồn đầy ắp và cái hành lang dẫn đến mười bốn căn phòng chứa đầy hôm xiểng, nơi chất đống cả núi tiền xu và tiền giấy.
Trong lễ cưới, quý bà Alnorell bày vẽ kiểu cách cốt chỉ để chế giễu cha của Sim và nét vụng về của ông.
Vì không biết những lề lối của giới quý tộc nên cha của Sim Lolness đã cư xử một cách hơi lố. Ông nhấm nháp những cánh hoa dùng để trang trí bàn tiệc. Ông nhấc đuôi váy dài của các quý bà để chúng không dính bụi bẩn. Sau vài ly rượu, ông định quay sang hôn tay cả những người đàn ông, rồi xoắn chiếc cà vạt quăn như giấy gói kẹo.
Trong hai mươi năm liền, đôi vợ chồng hạnh phúc ấy không có lấy mụn con, điều này khiến cho bà lão Alnorell tức điên.
Thế rồi một ngày...
Tobie.
Cậu xuất hiện thật bất ngờ trong cuộc đời của Sim và Maia mang lại cho họ niềm vui vô bờ bến.
Bà ngoại nhanh chóng thấy thằng bé giống nhà Lolness quá mà không giống nhà Alnorell mấy.
Cứ đến hè Tobie lại về nghỉ lại gia trang của bà ngoại. Bà phó mặc cậu cho mấy bà quản gia và làm mọi cách để không phải thấy mặt thằng cháu. Một đứa trẻ... nghĩa là bẩn thỉu và ủ đầy mầm bệnh. Bà ta tránh xa ngay khi nhìn thấy thằng bé. Đến nỗi sau bảy hay tám mùa hè gì đó, hiếm hoi lắm bà mới giáp mặt đứa cháu trai có đôi lần.
Và mỗi lần như thế, bà lão lại ba máu sáu cơn và rít lên the thé.
- Đưa nó ra chỗ khác! Ta uất lên rồi đây!
Người ta mang Tobie đi như một con bệnh dịch hạch.
Đó là lý do vì sao trên đường đi đến vùng Cành La, đến nơi từ này bà sẽ sinh sống với chồng và con trai, Maia Lolness phải cố gắng đè nén những tiếng nức nở. Bởi lẽ, những thói xấu của xã hội thượng lưu mà bà đã cố gắng làm nhẹ đi ở mẹ bà và bản thân, bà cảm giác chúng lại trỗi dậy trong nỗi ghê tởm bà dành cho cái xứ Cành La tối tăm và ẩm ướt này.
Ông Sim nhìn vợ mình khóc, thỉnh thoảng lên tiếng hỏi:
- Em không ổn à, Maia?
- Em quá đỗi hạnh phúc được ở bên bố con anh, bà cố nói với một nụ cười gượng gạo.
Bà Maia lại dợm bước, thu mình trong chiếc khăn san.
Tobie nhìn cha. Cậu biết cha đang đau khổ. Không phải ông thương thân, bởi Sim Lolness luôn tìm ra được điều gì đó gây thán phục trong bất kì cái gì, kể cả trong ruột của một con ruồi. Nhưng ông khổ tâm vì để vợ và con trai bị liên lụy, chịu cùng hình phạt với mình.
Bởi lẽ gia đình này bị đày đi biệt xứ.
Ba sinh linh này bị hai phu khuân vác bỏ mặc giữa cái chốn không biết là đâu, trong địa phận Onessa, ở tận cùng một cái cây bên dưới lủng lẳng hai chiếc lá khổng lồ màu lửa, ba thân phận bị trục xuất khỏi Đại Thụ, bị kết án tước hết mọi quyền lợi và đày biệt xứ.
- Chính chỗ đó, cha của Tobie thì thầm.
Cành cây ẩm ướt đến nỗi người ta ngỡ như đang đi trên lớp xúp lạnh ngắt. Tobie, ngồi trên vali, đang thấm đôi bít tất cho khô.
- Chính chỗ đó, ông Sim nhắc lại bằng giọng nghẹn ngào.
Bà Maia Lolness giấu những dòng nước mắt trong tấm khăn san.
Sau hào quang, vinh dự, và tất cả những thành công, Sim Lolness và những người thân yêu nhất của ông bắt đầu lại từ con số không.
Thậm chí từ dưới mức không.
--End of chap 2--
lu_hehe
08-12-2009, 08:35 PM
CHAP 3 - CHẠY ĐUA VỚI MÙA ĐÔNG
Khi đến Onessa vào tháng Chín, Tobie và cha mẹ cậu hiểu ngay rằng chiếc đồng hồ đếm ngược đến mùa đông đã bắt đầu hoạt động. Mới tiết thu mà trời đã giá lạnh, xứ Cành La này hứa hẹn những mùa đông khủng khiếp. Đêm đầu tiên cả nhà phải ngủ ở bên ngoài thật khổ sở. Một luồng gió nhẹ mang theo hơi ẩm luồn qua dưới tấm chăn nơi gia đình bé nhỏ đó run lập cập.
- Lại đây con trai. Vào việc thôi.
Rạng đông hôm sau, ông Sim Lolness bắt đầu trổ nhà.
Trên Ngọn Cây, một tốp năm sáu thợ cùng một cỗ xe do bọ đầu dài đã thuần dưỡng cần đến sáu tháng mới trổ xong một căn nhà có kích cỡ khiêm tốn.
Người ta bắt đầu bằng cách dọn quang lớp vỏ cây để bố trí mấy ô cửa, một cửa ra vào và vài cửa sổ. Tiếp theo, người ta khoét vào khối gỗ để làm thành ba đến bốn gian chính, vị trí các gian này được tính toán để không làm tổn thương cây và đảm bảo nhựa cây được lưu thông.
Những ngôi nhà đẹp nhất được bố trí vài ban công, đồ đạc tiện nghi, lò sưởi hai ngăn. Một vài gia đình còn có bể hứng mưa để lấy nước dùng.
Gia đình Lolness chỉ dám hy vọng có được một gian phòng nhỏ dùng chung và một ống dẫn khói lò sưởi cho mùa đông đầu tiên này. Đó đã là một công việc quá sức.
Sim Lolness là một người đàn ông tầm thước, cao gần hai milimét, nặng có đến tám xentigram. Nhưng người đàn ông ngũ tuần khỏe mạnh này lại rất ít kinh nghiệm lao động chân tay. Người có thể đọc thuộc lòng cả xuôi lẫn ngược bản cửu chương đến số hạng hàng nghìn, người có thể viết những cuốn sách dày năm trăng trang Tuổi thọ của loài bọ cánh lớn, hay Vì sao loài bọ rùa không bao giờ có năm chấm trên lưng? hay là Quang học của giọt nước, người chỉ bằng một cái liếc mắt đã phát hiện một ngôi sao mới, nhưng không hề biết cầm chiếc búa theo chiều nào và dễ chừng ông lại đóng cả ngón tay mình vào lỗ trước khi cầm tới cái đinh.
Ông phải tự mình học lấy tất cả mọi việc cùng với vợ con.
Tobie tiến bộ lên trông thấy và còn nhanh hơn bất kì ai. Lúc đó, cậu đã bảy tuổi. Cậu đảm nhiệm những việc cần đến sự tinh tế. Vóc dáng bé nhỏ cho phép cậu đục đường ống dẫn khói lò sưởi. Đó là loại công việc không thể giao phó cho những con bọ đầu dài.
Với bộ hàm sắc như dao rựa, những con bọ cánh cứng này không làm được những việc tỉ mỉ và phức tạp.
Việc nuôi dưỡng những con bọ đầu dài để trổ nhà đặt ra một vấn đề rất tế nhị, bởi nếu điều khiển không khéo, chúng có thể bào Đại Thụ thành mạt gỗ. Cha của Tobie phản đối việc chăn nuôi bọ đầu dài theo quy mô lớn, công việc đang có xu hướng phát triển trên Đại Thụ, gắn liền với các ngành công nghiệp xây dựng.
Còn gia đình Lolness không hề có bọ đầu dài, không có thợ xây, không có cả đến những công cụ nhỏ nhất. Tobie sử dụng giũa móng tay, cha thì dùng dao cắt bánh mì, mẹ thì đúc khuôn nhựa cây làm cửa sổ, khâu những mụn vải thành chăn và thảm.
Cả mùa thu đó chỉ gói gọn vào mỗi một việc: trổ nhà. Một ngày hai bữa xúp đạm bạc giúp họ lấy lại sức. Đêm xuống cả nhà chỉ ngủ vài tiếng, và không đợi trời sáng đã tiếp tục công việc, dưới trời mưa.
Buổi sáng hôm Giáng Sinh, cả nhà khép cánh cửa gỗ lại sau lưng và ngắm nghía công trình của mình. Đây hẳn không phải là kiểu nhà người ta chọn mua theo catalogue. Nền nhà thoai thoải, tường nhà chỗ lồi chỗ lõm, cửa sổ có hình dạng của chòn Đại Hùng tinh. Lò sưởi nom giống một cái hốc hình tam giác và khói thoát ra theo một ống dẫn hình xoắn ốc.
Tobie kê một chiếc giường dọc theo lò sưởi và có thể kéo ri đô vào buổi tối để có không gian riêng. Trong số những mụn vải được khâu lại thành chiếc ri đô, người ta có thể nhận ra một cái quần đùi, hai áo sơ mi và một cái váy lót màu tím.
Không biết Tobie đã nằm dài trên giường lắng nghe tiếng lửa tí tách và nhìn ánh lửa phản chiếu lên mụn vải quần đùi trắng bao lâu trong những năm tháng đó? Những cái bóng và tia sáng chiếu lên làm thành những câu chuyện không có hồi kết mà mỗi lần Tobie tưởng tượng lại khác hẳn nhau.
Những tối đầu tiên cả gia đình Lolness bước vào căn nhà của họ, Tobie đã không ngủ.
Cả ba đến ngồi trên giường của cha mẹ, đối diện với một đống lửa nổ lẹt đẹt. Họ nắm lấy tay nhau. Đúng lúc hạ chốt cửa thì bên ngoài gió nổi lên và một vài bông tuyết tan chảy ròng ròng trên cửa kính. Mùa đông đã ập tới.
Ngôi nhà tuy nhỏ bé và xiêu vẹo nhưng không có niềm vui nào lớn hơn ngồi trong căn nhà do chính tay mình dựng nên mà nghe gió bão gào rít bên ngoài. Nhìn môi mẹ lại thoáng nở nụ cười mà Tobie rơm rớm nước mắt. Thấy hai mẹ con xúc động, ông Sim đùa:
- Hai mẹ con có công nhận là chúng ta rất ổn không nào?
Tobie sụt sịt nói:
- Con khóc vì quá sung sướng đấy chứ, và cậu bật cười.
Nước mắt chảy dài trên má bà Maia, và lần này, cả ba người cùng nhìn nhau cười.
lu_hehe
09-12-2009, 05:18 PM
Kì lạ thay, mùa đông năm đó đọng lại trong tâm trí Tobie như một kỷ niệm êm đềm. Cả gia đình họ hầu như không rời khỏi nhà.
Buổi sáng, cả nhà ra ngoài làm một vài việc. Bà Maia lấy một gói bột lá trong gian dự trữ thức ăn khoét trong vỏ cây, cách nhà vài bước chân mang về. Tobie và cha đi nhặt lấy ít củi và sửa chữa vài thứ thiết yếu. Rồi cả nhà lại nhanh chóng quây quần trong gian phòng chung. Ngọn lửa đang núp trong hốc của mình chờ họ.
Tobie đặt tên cho ngọn lửa là Flam và đối xử với nó như một con thú nhỏ. Khi quay về phòng, Tobie vứt cho nó một thanh củi và Flam vui mừng chụp lấy.
Bà Maia mỉm cười. Một đứa trẻ cô đơn bao giờ cũng tự tạo cho mình một người bạn đồng hành.
Ông Sim Lolness rút từ giá sách ra một tài liệu dày cộp màu xanh rồi đặt lên bàn. Ông giơ ra trước mặt Tobie một tập rồi khoanh tay nhìn.
Tobie bắt đầu cất giọng đọc to.
Ngày nào cũng vậy, suốt bốn tháng liền. Lúc đầu, Tobie không hiểu lấy một chữ những gì mình đã đọc cho cha nghe. Ba tuần đầu tiên, cậu hoàn toàn không hiểu tí gì về tài liệu "Kiến tạo của lớp vỏ cây", ngay cả khi thỉnh thoảng cha cậu buột ra một tiếng thở dài mãn nguyện hay một tiếng ậm ừ nhỏ chứng tỏ giáo sư Lolness đang lắng nghe cuốn sách khoa học như đang nghe những chuyện phiêu lưu.
Tobie ngày càng tập trung. Cậu bé vô cùng vui sướng khi hiểu được những thuật ngữ như "ánh sáng", "chuyển động trượt". Rồi dần dần, các khái niệm bắt đầu sáng tỏ. Tài liệu thứ hai mang tên "Tâm lý học của bọ cánh màng", và Tobie nhanh chóng hiểu ra nó nói về loài kiến. Giọng đọc của cậu ngày càng tự tin hơn. Bà Maia đã đan lát trở lại, thỉnh thoảng thoảng trong những lúc đó, bà rời mắt khỏi đống đồ đan của mình, cũng hết sức chăm chú lắng nghe.
Tất cả những tài liệu đó chứa các nghiên cứu chính của giáo sư Lolness, và vợ ông vẫn còn nhớ rõ từng thời điểm mỗi công trình được biên soạn. Ví dụ công trình "Kén nhộng của loài bướm" nhắc bà nhớ lại những năm tháng đầu tiên đời vợ chồng son, mỗi tối Sim về nhà, mũ nồi đội lệch, hoan hỉ kể ngay cho vợ phát kiến của mình.
Sang đến tháng Tư, họ vẫn chưa hề gặp mặt ai và không rời xa nhà quá mười phút. Nhưng đến tuần đầu tiên của tháng Tư, khi xung quanh họ những chồi non mập mạp bắt đầu căng lên và nứt ra dưới sức ép của nhựa cây thì cả nhà nghe thấy tiếng động.
Lúc đầu, Tobie tưởng mình ngủ mơ. Có người đang gõ vào cửa kính. Cậu tưởng đó là cơn mưa cuối cùng trước những ngày xuân ấm áp. Nhưng tiếng cốc cốc lại vang lên. Cậu quay về phía cửa sổ và nhận ra một khuôn mặt râu ria xồm xoàm đang nhìn mình. Cậu ra hiệu cho cha, ông Lolness sững lại ngạc nhiên một lúc rồi ra mở cửa.
Một người đàn ông luống tuổi đang đứng trước nhà.
- Tôi là Vigo Tornett, hàng xóm của anh.
- Rất hân hạnh, tôi là Sim Lolness.
Cái tên Tornett nghe quen quen. Ông Sim nói thêm:
- Xin lỗi, tôi ngờ ngợ đã gặp bác ở đâu rồi...
- Không, chính tôi mới biết anh, giáo sư ạ. Tôi vô cùng ngưỡng mộ các nghiên cứu của anh. Tôi đã đọc cuốn sách anh giải thich về nguồn gốc của vạn vật. Tôi đến đây để chào gia đình anh, cũng là chỗ hàng xóm láng giềng với nhau.
- Hàng xóm ư?
Ông Sim phóng tầm mắt qua đôi vai của ông Tornett. Ông đang chưa hiểu sao lại có được hàng xóm láng giềng trong cái chốn khỉ ho cò gáy như Onessa này. Ông già Tornett giải thích:
- Tôi sống ở ngôi nhà đầu tiên cách đây ba giờ đi bộ về phía mặt trời lặn.
Ông bước vào phòng và rút ra từ chiếc ba lô con một gói giấy nâu.
- Tôi sống với người cháu trai làm nghề vắt sữa ấu trùng. Tôi mang đến cho gia đình khúc dồi.
Bà Maia bước lại gần và nhận lấy cái gói.
Dồi ấu trùng là một món ăn ngày lễ được bán trên Ngọn Cây với giá đắt khủng khiếp. Nhưng nó lại được sản xuất ở dưới Cành La này, cái xứ nghèo nhất và kém phát triển nhất của Đại Thụ. Bà Maia mở gói giấy được tám khúc dồi to tướng bóng loáng.
- Trời ạ, bác Tornett, làm sao chúng tôi dám nhận...?
- Xin chị nhận cho, hàng xóm với nhau, giúp đỡ nhau đôi chút cũng là thường mà.
- Bác nán lại đây dùng bữa với chúng tôi.
- Cảm phiền chị, tôi phải về nhà cái đã. Nhưng vì tôi không muốn đợi thêm một ngày nào nữa mà không qua chào anh chị. Cái bệnh thấp khớp làm tôi tê liệt suốt cả mùa đông, chẳng may tôi lại không hợp cái khí hậu này. Xin bỏ quá cho. Mãi đến hôm nay tôi mới được làm một người hàng xóm thân tình.
Ông bắt tay mọi người và ra về.
Nhờ chuyến viếng thăm đó mà một mùa tươi đẹp bắt đầu.
Cái gọi là mùa đẹp ở xứ Cành La này cũng chỉ là một mùa bớt ẩm ướt hơn, đỡ giá lạnh hơn và trời hửng sáng hơn những tháng còn lại của năm mà thôi. Còn thì quần áo không lúc nào hết ẩm, chân và tay lạnh cóng ngay khi bước ra khỏi nhà...
Tobie đã ngừng việc học và đọc những kiến thức khoa học và bắt đầu khám phá vùng đất mới này. Cậu rời nhà từ sáng sau khi húp một bát nước vỏ cây đặc sánh rồi trở về khi trời tối, người ngợm bẩn thỉu và ướt nhèm, tóc tai rối bù, đôi mắt mệt mỏi nhưng rực sáng.
Cậu sắp tiến hành cuộc thám hiểm về hướng nhà ông Tornett.
Cậu lạc đường mất năm lần trước khi giáp mặt ba con ấu trùng to đùng đang ngáy o o trong tổ kén. Ông Vigo Tornett từng nói về người cháu trai làm công việc vắt sữa ấu trùng nên Tobie đoán chừng mình không còn cách mục tiêu bao xa. Cuối cùng cậu cũng tìm thấy căn nhà. Hai phòng đơn không cửa sổ, với một cánh cửa ra vào rộng. Một anh chàng kỳ lạ đang ngồi trên ngưỡng cửa. Nhìn thấy Tobie, anh ta đứng dậy và biến mất. Ông già Tornett từ trong nhà bước ra và mỉm cười với Tobie.
- Thật là vui được gặp lại cháu. Làm sao cháu tìm được đường đến đây?
Nhân vật kia xuất hiện trở lại sau lưng ông Vigo Tornett. Ban nãy không phải Tobie mơ. Ông Tornett giải thích:
- Đây là Plum, cháu họ của ông. Chúng ta đang ở nhà nó đây. Nó tốt bụng cho ông bác già cả này ở nhờ từ mấy năm nay rồi. Plum, bác giới thiệu với cháu...
- Em là Tobie, Tobie vừa nói vừa chìa tay ra.
- Phải đấy, Tobie Lolness, ông Tornett nhắc lại. Bác đã kể cho cháu nghe đấy. Tobie là con trai một vĩ nhân, một nhà bác học siêu việt: Sim Lolness...
Plum ậm ừ tỏ vẻ yên tâm rồi trở vào nhà.
- Plum bị câm. Nó làm nghề vắt sữa từ hai mươi năm nay. Giờ nó đã ba mươi lăm tuổi rồi.
Thế mà Tobie cứ ngỡ anh ta mới mười hai tuổi rưỡi.
Tobie mở túi lấy bánh quy ra mời ông Tornett cùng ăn. Cậu rất ngạc nhiên được đón tiếp chân tình, như một người bạn. Ông Vigo Tornett thật vô cùng đáng mến. Ông kể về vùng đất này với một sự trìu mến và nói mình đã bắt đầu cảm thấy gắn bó với nơi đây. Chỉ có đôi chân của ông là phiền phức vì ở đây thường xuyên làm ông đau nhức vì độ ẩm cao.
- Thời trai trẻ ông rất khờ dại. Ông đã từng làm những điều vô nghĩa lý. Bây giờ ông đã già, ốm yếu, nhưng mắt thì mở to hơn. Hình như rốt cuộc ông cũng trưởng thành.
Plum thỉnh thoảng lại ghé đầu qua cửa, nhìn chòng chọc vào người khác trẻ tuổi. Tobie ra dấu thân thiện thì anh ta lại biến mất hút như một luồng không khí.
- Cháu mấy tuổi rồi hả, chàng trai? Ông Tornett hỏi.
- Bảy tuổi ạ, Tobie đáp.
Ông Tornett cắn miếng bánh rồi gật đầu.
- Thế là cùng tuổi với con bé Lee...
- Bé nào cơ ạ?
- Cô bé Lee, ở đường biên.
- Đường biên nào ạ?
- Đường biên Trụi, cách nhà cháu bốn đến năm giờ đường.
Tobie biết rất rõ sự tồn tại của những người Trụi, nhưng đây là lần đầu tiên người ta nói công khai trước mặt cậu. Từ "Trụi" được coi là một từ thô tục không nên nói trước mặt trẻ con.
Câu chuyện dừng ở đó vì ông Tornett nhật thấy đã muộn nên giục Tobie về nhà trước khi trời tối.
Ngày hôm đó, khi đã nằm dài trên giường lắng nghe tiếng than hồng nổ lép bép và tiếng kim đan lách cách của mẹ, Tobie như nhìn thấy những đường nét thân thể kỳ bí của người Trụi in lên trên miếng vải quần đùi trắng của ri đô, cùng lúc cái lên cô bé Lee trở lại trong tâm trí cậu.
Khi một cậu bé bảy tuổi, sống cách biệt và cô đơn biết được rằng cách nhà mình chưa đến một ngày đường có một đứa trẻ khác bằng tuổi mình, cậu có thể làm tất cả để tìm cho ra đứa trẻ đó. Đó là lực hút của nam châm mà trẻ con biết rất rõ.
Và cả những người đang yêu.
Thế mà cũng phải mất trọn một tháng trước khi sự kiện lớn xảy đến.
--End of chap 3--
lu_hehe
14-12-2009, 09:29 PM
CHAP 4 - ELISHA
Ngày hôm đó, nói thẳng là Tobie bị lạc thật sự. Không phải là lạc đường thông thường cậu vẫn gặp hàng ngày như kiểu nhầm đường, lượn vòng vo, ba bước phía trước rồi lộn lại ba bước đằng sau...
- Con trai ạ, xứ Cành La của con là cái thứ ngõ cụt và mối bòng bong! Cha cậu, người thậm chí chưa bao giờ mạo hiểm ra ngoài góc vườn nhà mình, vẫn thường bảo thế.
Tobie bị lạc mười lần mỗi ngày trong cái mê cung nào dây leo, núi vỏ, rừng rêu xám nhưng cũng nhờ thế mà giác quan định hướng của cậu ngày càng nhạy bén. Nhạy đến mức hôm đó, cậu phải mất nhiều tiếng mới nhận ra mình đang rơi vào tình thế đáng lo ngại hơn nhiều.
Có một quy luật đáng buồn cho những người dạo chơi bị lạc đường:
1, Mỗi khi lạc đường anh càng bước nhanh.
2, Đã thế, mỗi bước anh đi lại càng đẩy anh xa nhà mình hơn.
3, Vậy là anh càng lạc đường hơn.
Sau bốn đến năm tiếng luẩn quẩn mệt đứt hơi, mồ hôi mồ kê túa ra, Tobie dừng lại vì không còn khả năng nhận ra cao thấp gì nữa.
Cậu ngồi nhẩm tính lại đáng lẽ mình phải chọn lối đi như thế nào vài tiếng đồng hồ trước đó. Nhưng thật tình mà nói, cậu đang lâm vào thế cực kỳ bất lợi. Đêm sắp xuống. Cha mẹ không biết cậu ở đâu và kiểu gì thì cha cậu cũng không thể đi khỏi cửa quá mười xăngtimet mà không bị trượt chân xuống vũng hay sa xuống hố. Ông Tornett thì ít nhiều bị tê liệt vì bệnh thấp khớp rồi. Anh Plum thấp bé thì không bao giờ rời khỏi mấy con ấu trùng. Tóm lại, tình cảnh này không vui vẻ tẹo nào. Cậu chẳng trông cậy được vào ai cả.
Một thân một mình, cậu đành chặc lưỡi: "Mình lạc mất rồi...(*)"
Tobie ngồi trên cành cây to nơi cậu vừa dừng chân. Cậu bắt đầu lôi tất ra vắt, đó luôn là cách giúp cậu trấn tĩnh, và điểm lại tình hình. Tất ướt làm tư duy rối tung và dìm chết tinh thần.
Vắt chặt chiếc tất trong đôi bàn tay nhỏ bé, cậu thấy một dòng nước nhỏ không được trong lắm đang chảy. Mắt cậu dõi theo dòng nước đó thì phát hiện thấy nước chảy vào một rãnh vỏ cây và tiếp tục chảy ra xa hơn. Cậu xỏ giầy vào chân nhưng mắt vẫn tiếp tục dõi theo lạch nước nhỏ.
Cậu không còn nghĩ đến chuyện gì nữa. Cậu đứng dậy, bước từng bước một, thơ thẩn đi theo dòng chảy đó.
Lúc này, một cọng rêu xám đang trôi theo làn nước. Tobie dán mắt vào nó như người mất hồn.
Nước lại ngấm vào tất khiến Tobie phải bước nhanh hơn để theo kịp con thuyền rêu xám trôi dọc theo thân cành khổng lồ. Trong khoảnh khắc sợ hãi này, tuổi thơ bất ngờ trở lại với cậu bé. Cậu không còn là chàng trai tháo vát mà mọi người vẫn cư xử như đối với một người lớn. Cậu thực sự trở lại với độ tuổi lên bảy. Lứa tuổi này là nơi nương náu của cậu với những trò chơi và sự vô tư...
Rãnh nước tạo thành dòng suối thực sự mà Tobie cứ thế chạy theo. Cậu trèo qua những dằm gỗ chắn đường, vòng tránh những cuống lá khô mà tim đập thình thịch. Vì mải chăm chú theo con tàu nhỏ mà cậu không phát hiện ra cách đó không xa, dòng nước đổ xuống vực. Cậu lao nhanh xuống phần vỏ cây dốc và suýt nữa thì bị văng đi cùng với mấy cọng rêu nếu không có một cái chồi nhỏ làm cậu vấp ngã kịp thời...
Độ dài một ly rưỡi của cậu bổ nhào, đầu lao về phía trước, ba phần tư cơ thể lơ lửng trong không trung.
Bị treo lủng lẳng một lúc như vậy, và khi cậu thì thầm: "Mình bị lạc rồi!" thì lúc này câu đó đã mang một ý nghĩa khác trước. (*)
Sự sống của cậu treo đầu sợi tóc. Bàn chân cậu được chồi cây dính đầy nhựa xuân níu lại.
Thình lình, một cảm giác hãi hùng xâm chiếm cậu bé. Cậu bắt đầu cảm thấy mình trượt ra khỏi đôi tất. Luôn luôn là điểm nhạy cảm này: đôi tất... Trong khi đôi giày vẫn dính vào chồi cây thì Tobie từ từ rơi xuống hư không.
Hư không ư? Tobie đánh liều đưa mắt nhìn thẳng xuống vực thẳm. Cậu cảm thấy có cái gì đó kỳ lạ trong cái khối đen sẫm ấy. Đôi chỗ phản chiếu những ánh lam phơn phớt khiến cậu tò mò. Cậu phải mất trọn một phút đồng hồ, lóa mắt vì kiệt sức và chóng mặt, để hiểu được cái nơi hư không này giống cái gì.
Phía dưới, cách cậu trăm bước chân, chính giữa một nhánh cây to xù xì, trải ra một cái hồ mênh mông.
Một hồ nước treo lơ lửng lưng chừng Đại Thụ. Một kỳ quan.
Hẳn là một cành cây to đã rụng và tạo thành một hố sâu trong vỏ cây, giờ đây lung linh mặt nước hồ trong veo. Những bãi rêu cao lan ra tận mép nước và Tobie còn nhìn thấy cả những bãi vỏ trắng, những cái vịnh nhỏ tuyệt đẹp nơi cậu có thể dựng trại.
Con suối cậu đuổi theo ban nãy đổ vào hồ này. Nó tạo thành một thác nước cao đến chóng mặt làm tung bọt trắng xóa xuống mặt hồ trong vắt. Hóa ra nước vắt của đôi tất lại làm nên cơ duyên.
--
(*) Nguyên văn tiếng Pháp: Je suis perdu! có thể hiểu theo hai nghĩa: Mình lạc rồi! hoặc Mình hỏng rồi!
Powered by vBulletin® Version 4.2.5 Copyright © 2025 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.