PDA

Xem đầy đủ chức năng : ngôi trường trong kí ức của tôi z!



Narcisus
27-08-2005, 07:34 AM
Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến
Bèo lục bình mênh man màu mực tím
Tuồi thiếu thời trôi nhanh như dòng sông..."

Đó là những câu thơ mà cô Lý, giáo viên dạy văn của chúng tôi đã ngâm tặng cho lớp vào buổi học cuối cùng của 12 năm ngồi ghế nhà trường. Buổi chiều hôm đó tôi vẫn còn nhớ như in từng khuôn mặt bạn bè và thầy cô. Ai nấy cũng rưng rưng buồn. Trong lòng chúng tôi đều hiểu rằng sau buổi chia tay này không biết bao giờ mới được gặp lại. Mỗi đứa có một con đường riêng của mình và dòng đời cứ vô tình trôi mãi. 10 năm đã trôi qua như một cái chớp mắt. Có rất nhiều khuôn mặt đã nhạt nhòa, nhiều cái tên không còn trong ký ức của tôi nữa vì từ buổi chiếu ấy chúng tôi đã không còn gặp lại.

Mặc dù tuổi thơ của tôi có rất nhiều thăng trầm và thay đổi, vì hoàn cảnh gia đình nên tôi cứ thay đổi chổ ở liên tục và đương nhiên là cũng phải chuyển trường luôn. Nhưng trong ký ức của tôi, ngôi trường phổ thông trung học là ngôi trường mà tôi yêu quý và có nhiều kỹ niệm nhất.

Tuồi thơ của tôi đã êm đềm trôi qua đến năm học lớp 6, một chuyện không hay đã xảy ra với tôi. Một ngày như mọi ngày, ông thầy dạy tiếng Anh của chúng tôi gọi học trò lên trả bài. Một số bạn không đạt yêu cầu đã bị thầy phạt bằng cách bắt chụm các đầu ngón tay bé bỏng lại để cho thầy đánh bằng cây thuớc to và nặng. Tôi ngồi bàn đầu và đối diện với thầy. Hơn ai hết tôi là người nhìn "cận cảnh" nhất. Tôi nghe lòng mình đau nhói và thương bạn vô cùng vì vậy mà tôi đã thốt lên "Thầy ơi, thầy ác lắm, ác như phát xít vậy!". Lúc ấy. tôi nghe người ta nói phát xít ác độc lắm, chứ thật tình tôi có biết phát xít là ai đâu. Thế là ông thầy nổi cơn thịnh nộ, quyết định cầm thi tôi năm ấy. Chuyện tới tai ba mẹ tôi, tôi bị đánh đòn một trận nên thân. Cũng may nhờ ba tôi và thầy hiệu trưởng là bạn bè chí cốt nên cuối cùng năm ấy tôi cũng được đi thi.

Và mùa hè năm đó tôi đã theo mẹ lên Sài Gòn làm ăn, còn tôi thì học hè ở đó. Trong 3 tháng hè, tôi đã quen được một ông thầy dạy toán, biết là học sinh không có hộ khẩu thành phố như tôi thì khó mà xin nhập học được. Mẹ tôi đã nhờ thầy giới thiệu tôi là cháu của thầy, tôi mới được chính thức chuyển trường. Và đương nhiên là mẹ tôi cũng đã trả công hậu hĩnh cho ông thầy ấy. Năm ấy tôi vào lớp 7. Nếu ai đã từng trải qua tâm trạng bỡ ngỡ, lo lắng khi mới chuyển đến ngôi trường mới thì sẽ hiểu được tâm trạng tôi lúc ấy. Tôi luôn mặc cảm mình là con nhỏ nhà quê. Lúc đầu tôi chưa theo kịp chương trình học, nhiều lúc tôi khóc tức tưởi và muốn bỏ học. Nhưng nhờ có một số bạn bè và thầy cô tốt bụng đã động viên, giúp đở nên dần dà tôi cũng theo kịp và đạt được những kết quả rất tốt. Rồi thời gian cũng giúp tôi hòa nhập vào môi trường mới. Tôi đã có vài người bạn rất thân.

Thế nhưng dòng đời không êm xuôi như tôi tưởng, đến cuối năm lớp 9 tôi lại phải theo mẹ trở về quê vì hoàn cảnh gia đình. Bạn bè, thầy cô đều tiếc cho tôi vì ai cũng biết khó khăn lắm tôi mới được nhập học. Thầy giáo chủ nhiệm đã năm lần bảy lượt đến nhà xin mẹ cho tôi ở lại học. Còn bạn bè thì đề nghị tình nguyện làm tài xế chở tôi đi học mỗi ngày. Tôi xúc động trước tấm lòng của mọi người, tôi đã bật khóc nức nở. Nhưng không còn cách nào hơn tôi phải theo mẹ về quê vì khi ấy tôi cũng còn khá nhỏ để sống một mình ở nhà bà con. Một lần nữa tôi phải làm lại từ đầu, hòa nhập với trường lớp mới. Sau ba năm xa quê, bạn bè nơi đây đã trở nên xa lạ với tôi. Trong mắt bọn họ, tôi là một con nhỏ "dân Sài Gòn". Tụi con trai lấy làm hăm hở bao nhiêu vì sự có mặt của tôi, thì bọn con gái lấy làm ghen tức bấy nhiêu. Dường như bọn con gái không đứa nào muốn chơi với tôi hết. Rồi một lần nữa thời gian cũng giúp tôi. Dần dần tụi bạn hiểu được con nhỏ Sài Gòn này cũng dễ gần, không kênh kiệu, phách lối như tụi nó đã từng nghĩ. Và chúng tôi đã bắt đầu kết thân với nhau hồi nào không biết.

Mặc dù vậy, tôi cũng còn chân ướt chân ráo với nơi này. Đầu năm lớp 10, trời xui đất khiến đứa nào không bị chuyển lớp, chỉ có mình tôi. Tôi thấy thật là bất công, bởi vì lớp mới này toàn dân "nhà quê", tập hợp từ nhiều xã khác tới học. Tôi không biết ai cả. Sau nhiều lần khiếu nại được trở về lớp cũ không thành, tôi đành chấp nhận thử thách mới, làm lại từ đầu! Ngày tháng cũng trôi qua, tôi khám phá ra nhiều điều thật thú vị là tụi nó rất hiền và thật thà. Mà nhà đứa nào cũng có cây trái sum xuê, đó là điều tôi khoái nhất . Trong lớp chỉ vỏn vẹn có 5 đứa con gái, nên bọn tôi được cưng như trứng mỏng. Quen nước quen cái rồi, bọn tôi quậy như quỷ xứ. Đúng là "nhất quỷ nhì mà thứ ba là... bọn tôi". Quậy thì số 1, mà học cũng chẳng kém ai, cho nên cô giáo chủ nhiệm rất thương lớp. Tiếng tăm siêu quậy của lớp tôi không thầy cô nào mà không biết. Vì vậy, sang năm lớp 11, chẳng có vị nào muốn làm giáo viên chủ nhiệm cái lớp A3 này. Thế là bất đắc dĩ, cô Lan lại phải nhận lại lớp cũ. Bọn tôi thương cô lắm, vì vậy rất nghe lời. Vì cô sống độc thân một mình cho nên hễ rãnh rỗi là cả lớp kéo lại nhà cô nấu cơm, ăn uống, rồi ngồi nghe cô dạy những bài học làm người.
Năm đó, trường tôi tổ chức cắm trại, bọn tôi vui mừng khôn tả vì lâu lắm rồi trường mới cho tổ chức cắm trại lại. Lớp đề cử tôi đại diện lên thi Nữ sinh thanh lịch, và đơn ca. Vì cô và bạn bè nói mãi, cuối cùng tôi nhận lời. Mẹ tôi vui lắm, bà lăng xăng theo giúp tôi sửa soạn quần áo, và dặn dò đủ thứ. Đêm ấy tôi đã đoạt được danh hiệu nữ sinh thanh lịch của trường và giải nhất đơn ca. Kết quả thật bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi cứ trông cho mau chấm dứt chương trình văn nghệ để về trại ăn chè với bạn bè. Ai dè đến khi tôi hỏi tới chè thì đã không còn một tí gì sót lại. Tôi ấm ức khóc vì nghĩ rằng không ai chừa phần cho mình cả. Cô an ủi tôi rằng tại trại mình có khách tới đông quá cho nên không đủ chè. Nghe xong tôi mới vui vẻ trở lại vì dù sao tụi bạn cũng không tệ như tôi nghĩ. Lần đầu tiên được ngủ đêm với bạn bè, không muốn bỏ phí thời gian, tôi rủ cả lớp ngồi quanh đống lửa trại còn cháy âm ỉ để trò chuyện suốt đêm. Những câu chuyện của bọn tôi dài bất tận. Ánh bình minh đầu tiên đã lên, chúng tôi lục tục kéo nhau về dỡ trại và thu xếp lại đồ đạc.
Thời gian cũng trôi qua vùn vụt. Năm cuối cấp đã đến. Lần này thì cô Lan tự nguyện xin nhà trường cho cô được làm giáo viên chủ nhiệm lớp chúng tôi năm cuối cùng. Thật ra ngoài cô ra thì cũng chẳng thấy cô nào muốn "mang gông vào cổ", vì lớp tôi vẫn đứng nhất về thành tích quậy. Ai cũng sợ mất danh hiệu thi đua của mình, chỉ có cô, người mẹ thứ hai của chúng tôi không quan tâm đến điều đó. Năm học cuối cấp bao giờ cũng làm lũ học trò cẳng thẳng và một cảm giác muốn níu kéo thời gian. Căng thẳng vì lo cho kỳ thi tốt nghiệp, công trình của 12 năm ngồi ghế nhà trường. Bồi hồi, nuối tiếc vì sắp phải rời xa mái trường yêu dấu, xa bạn bè, thầy cô...nơi mà trong ký ức mỗi người được khắc ghi rất sâu đậm. Cái tuổi mới lớn nhiều rung động, biết xao xuyến trước người khác phái...Cây điệp già trong sân trường mang trên mình biết bao cái tên, thế hệ này qua thế hệ khác...trong đó có cả bài thơ con cóc và chữ ký của tôi.

Hạ đến bâng khuâng tự thuở nào
Để lòng chợt thoáng chút xôn xao
Đong đưa cánh phượng, cơn mưa vội...
Giã biệt trường xưa-nuối tiếc hoài.

Tôi giã biệt tất cả sau buổi chiều ấy để lên Sài Gòn thi đại học. Còn cô giáo chủ nhiệm của tôi cũng đã chuyển trường đi nơi khác. Kể từ ngày đó tôi thật sự rời xa, thật sự biết mình đã không bao giờ còn có thể tìm lại được những kỹ niệm ngày xưa nữa. Đúng như một câu trong bài thơ ngày ấy..."Tuổi thiếu thời trôi nhanh như dòng sông".
Thời sinh viên của tôi nhạt nhẽo trôi qua, không để lại ấn tượng gì. Bạn bè cũng chẳng mấy ai thân. Trong tôi chỉ có mái trường xưa, bạn bè và thầy cô ngày ấy. Khi đi xa, tôi luôn nhớ về nơi ấy với một ước mơ...sẽ có một ngày trở về thăm và góp phần mình xây dựng lại ngôi trường cho các em có nhiều điều kiện học tập hơn chúng tôi ngày xưa.

USA, 03-29-05