PDA

Xem đầy đủ chức năng : 6 kinh nghiệm xét tuyển NV2



Tháng Tư
02-09-2009, 03:36 AM
1. Xác định xem mình được quyền tham gia xét tuyển NV2 không?

Nếu bạn đã trúng tuyển NV1 thì chắc chắn bạn nằm ngoài danh sách này. Kinh nghiệm tuyển sinh những năm trước cho thấy, nhiều thí sinh dù đã trúng tuyển NV1 những vẫn muốn tham gia xét tuyển NV2. Không ít thí sinh lúc đăng ký dự thi đã chọn những ngành vừa phải mà không thực sự ưa thích để dễ đỗ, đến khi có thông báo điểm cao hơn một số ngành khác lại tiếc nuối.

Nếu bạn có bất kỳ một môn nào bị điểm 0 (dù tham gia các khối thi phổ thông hay các khối ngành năng khiếu), bạn cũng không có quyền này.

Nếu điểm thi của bạn (kể cả thi theo đề ĐH hay đề CĐ) cộng với điểm ưu tiên khu vực và đối tượng dưới điểm sàn CĐ (khối A-D: 10, khối B-C: 11), bạn cũng không còn cơ hội nào vào ĐH, CĐ trong năm nay.

Nằm ngoài 3 trường hợp này, bạn yên tâm tham gia cuộc đua NV2.

2. Sẵn sàng giấy chứng nhận kết quả thi:

Quan trọng nhất trong hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 là giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường đăng ký dự thi.

Nếu bạn đỗ NV1, trường sẽ gửi Giấy báo trúng tuyển đợt 1. Nếu điểm thi của bạn thấp hơn điểm sàn CĐ, bạn sẽ được nhận Giấy báo điểm. Trong cả 2 trường hợp này, bạn không phải là đối tượng cần đọc bài này.

Ngược lại, bạn sẽ nhận được 2 Giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2. Nhiều thí sinh đến giờ vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận, trong trường hợp này, nên nhanh chóng đến nơi đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi để hỏi tình hình, hoặc liên hệ với trường đã đăng ký dự thi.

Với trường hợp thất lạc giấy chứng nhận, bạn có thể tới Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT nhờ giúp đỡ hoặc cầm giấy giới thiệu (của nơi bạn đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi) trực tiếp tới trường xin cấp giấy báo điểm mới.

3. Tổng hợp NV2 từ nguồn tin cậy:

Thông tin ngồn ngộn về điều kiệu xét tuyển NV2 của các trường dễ làm thí sinh ngợp, bối rối trong phân tích, lựa chọn. Chưa kể có quá nhiều nguồn thông tin, và ngay cả thông tin các con số về điểm xét, chỉ tiêu trên báo chí đôi khi cũng lệch nhau.

Nguồn được coi là chính thống và đầy đủ nhất là tổng hợp toàn cảnh NV2 các trường ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT. Thống kê này thí sinh có thể xem được ở trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc ở những tài liệu thông báo tại trường THPT nơi đang học (do Bộ - Sở chuyển về), tuy nhiên lại chưa đầy đủ (còn thiếu gần 20 trường).

Ngoài tài liệu này ra, nguồn chuẩn nhất là ở website của các trường hoặc tại các thông báo dán ngay ở các trường ĐH. Tuy nhiên, không phải ĐH nào cũng có website, có website không hẳn đã cập nhật và không phải thí sinh nào cũng ở các thành phố để dễ dàng tới trực tiếp các trường ĐH.

Ngoài ra, ở nguồn báo chí thí sinh cũng nên so sánh giữa thông tin từ nhiều báo khác nhau.

4. Chọn lọc danh mục phù hợp:

Từ những thông tin tổng hợp, chọn ra một short-list phù hợp với mình, bao gồm: Những ngành cùng khối thi với bạn, có vùng xét tuyển hợp lý, có chỉ tiêu tuyển NV2, có mức điểm xét tuyển bằng điểm thi của mình trở lên.

Trên cơ sở đó, phân tích trên nguyên tắc loại trừ, xếp loại các chỉ tiêu NV2 này thành các nhóm. Ví dụ, nhóm ngành có mức điểm xét tuyển bằng mức điểm của mình, nhóm ngành có mức điểm xét tuyển thấp hơn 1-2 điểm.

Có thể bạn hay nghe thấy trên báo chí rằng các chuyên gia tuyển sinh khuyên nên có điểm thi cao hơn điểm xét tuyển ít nhất 2 điểm mới dễ có cơ hội đỗ. Điều này chưa hẳn vì có rất nhiều trường mà điểm trúng tuyển NV2 công bố sau đó bằng đúng điểm xét tuyển NV2 đã thông báo.

Nên chú ý đến sự "hot" của các ngành bạn định tham gia xét tuyển. Tìm các nguồn thông tin đối chiếu với điểm xét tuyển NV2 những năm trước.

Lưu ý, những ngành học càng xét tuyển ở nhiều khối thi đồng nghĩa với số lượng thí sinh đăng ký càng nhiều và cơ hội bị chia nhỏ. Các nhóm ngành học đang hot năm nay như Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng, Tiếng Anh... sẽ có nhiều thí sinh đăng ký hơn các ngành khác.

5. Thật cẩn thận với hồ sơ xét tuyển:

Bạn cần chú ý tuyệt đối không lẫn lộn giữa giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2 trong lúc làm hồ sơ xét tuyển NV2. Giấy chứng nhận kết quả thi số 1 được dung cho việc xét tuyển NV2, còn chỉ khi nào trượt NV2, bạn mới cần dung giấy chứng nhận kết quả thi số 2 để tham gia xét tuyển NV3.

Trong hồ sơ, nên ghi thật cẩn thận, đầy đủ và chính xác các chi tiết: Tên trường xét tuyển NV2, mã trường, đăng ký học ĐH hay CĐ, tên khoa hoặc ngành học (kèm theo mã ngành). Tất nhiên không nên quên ghi địa chỉ liên hệ và kèm theo số điện thoại (nếu có) để nhà trường dễ liên hệ. Đề phòng một số trường hợp có sai sót trong khi ghi hồ sơ thì nhà trường có thể thông báo điều chỉnh kịp thời.

Cũng đừng đãng trí tới mức nộp hồ sơ NV2 trường A nhưng ngoài bì thư lại đề địa chỉ nơi đến là trường B.

6. Tận dụng hết thời gian xét tuyển:

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời gian cho việc đăng ký xét tuyển NV2 kéo dài đến hết ngày 10/9. Còn gần 10 ngày nữa và bạn không cần phải vội vàng, vì nhanh nhẹn cũng không hề được tính điểm ưu tiên trong trường hợp này.

Đừng lo các trường ưu tiên cho hồ sơ đến sớm. Những năm trước, có một số trường “xé rào” để nhận hồ sơ NV2 sớm trước hạn quy định hòng thu hút thí sinh, nhưng nếu đóng cửa NV2 trước thời hạn, sẽ bị Bộ GD-ĐT xử lý.

Vì thế, nên tận dụng hết quỹ thời gian được phép để nghiên cứu, phân tích kỹ các cơ hội cộng thêm nghe ngóng, theo dõi để bổ sung thêm các thông tin tham khảo.

Đôi khi, những giai đoạn nước rút, nhiều trường có thể hé lộ thông tin trên các phương tiện báo chí về tình hình số lượng hồ sơ, điểm số, dự tính điểm chuẩn.

Có những năm, đến gần sát giờ G, có những thông tin quý giá như trường X nhận được tới 800 hồ sơ NV2 trong khi chỉ có vài chục chỉ tiêu NV2, điểm chuẩn NV2 dự kiến phải trên 20,21, hoặc trường Y mới có 70 hồ sơ xét tuyển…

Đó chẳng phải những lợi thế thông tin quá rõ rệt so với các đối thủ đã nhanh chân nộp sớm hay sao?