PDA

Xem đầy đủ chức năng : 10 Lễ hội xuân 2009 hấp dẫn Việt Nam



emgaicodo2000
29-11-2008, 07:27 PM
10 Lễ hội hấp dẫn nhất Xuân 2009
10 Lễ hội hấp dẫn nhất Việt Nam - Xuân 2009
10 Lễ hội xuân 2009 hấp dẫn Việt Nam
http://thugian.com.vn/uploads/news/vtc_179480_PICT1734.jpg
Lễ hội vật Liễu Đôi (từ 5/1 – 10/1 âm lịch)
Làng Liễu Ðôi thuộc xã Liêm Túc - Thanh Liêm - Hà Nam. Hàng năm từ 5 đến 10 tháng Giêng âm lịch, làng đều tổ chức hội Vật võ để kỷ niệm Thánh Ông (ông tổ của vật võ có công chống ngoại xâm). Ở các lễ hội khác, vật võ chỉ là trò vui thể thao thì trong lễ hội Liễu Ðôi này, vật võ lại là nội dung chính của ngày hội. Mở đầu là nghi thức Rước Thánh vào dóng. Lễ rước nghiêm trang đậm tinh thần thượng võ. Tiếp theo là lễ Phát hoả. Một ngọn lửa thật sáng được đốt lên, ông Trùm trao gươm và khăn đào cho một đô vật danh dự (lễ này gọi là lễ trao gươm và thắt khăn đào). Cuối cùng là lễ Thanh động còn gọi là "lễ múa cờ tụ nghĩa".
Sau nghi thức long trọng, cuộc vật võ bắt đầu. Có hai em bé trai được làng cử ra vật năm keo để trình làng, tiếp theo là các đô vật của Liễu Ðôi giao đấu trước, sau đó là đến các đô vật ở các nơi đến tranh tài. Ngoài việc vật võ, hội làng Liễu Ðôi còn tổ chức nhiều thú vui khác như hát vè, hát đối đáp... và những món ăn đặc sản do tài nghệ chế biến của nhân dân địa phương mang đến lễ hội để dự thi. Lễ hội Liễu Đôi là 1 lễ hội lớn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân xứ Sơn Nam.

Lễ hội chùa Bái Đính (từ 6/1 âm lịch đến hết xuân)
Lễ hội chùa Bái Đính trước kia chỉ kéo dài đến 1 tuần tại Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Từ năm 2008, với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, khu chùa được mở rộng trở thành khu văn hóa tâm linh tầm cỡ, to đẹp và nổi tiếng, lễ hội diễn ra trong suốt mùa xuân. Phần lễ ở chùa Bái Đính diễn ra trang trọng với việc dâng hương tưởng nhớ các vị sơn thần, phật tổ, bà chúa Thượng Ngàn; các danh nhân: đức Thánh Nguyễn, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh. Núi Bái Đính đứng độc lập, sừng sững giữa vùng bán sơn địa. Lên thăm hang động ở núi Bái Đính, du khách càng lên cao không khí càng trong lành và thoáng mát, mọi lo toan trong cuộc sống đời thường như bị quên lãng. Du khách đến lễ hội chùa Bái Đính sẽ cảm nhận tình yêu thiên nhiên, về quá khứ dựng nước của cha ông ở một làng quê chiêm trũng. Leo núi chơi hang, chơi động lý thú vui nước đông đảo mọi người tham gia và hưởng ứng. Cuộc hành hương ấy tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn lên đến cái đẹp. Các hoạt động hội hè với đấu vật, ném còn, đánh bài, kéo co, thi hát diễn ra khá nhộn nhịp đông vui. Chùa Bái Đính cách Cố đô Hoa Lư 5 km, tp Ninh Bình 12 km và cách Hà Nội 95 km. Đây là khu chùa có quy mô lớn nhất Việt Nam. Mặc dù đang trong quá trình xây dựng nhưng chùa Bái Đính đã thu hút khá đông du khách về thăm quan, chiêm bái. Chùa khánh thành nhân dịp đón đoàn đại biểu các nước trong đại lễ Phật Đản thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam 2008.

Lễ hội Thánh Gióng (từ 6/1 âm lịch)
Nói đến Sóc Sơn – Hà Nội, ai cũng nhớ ngay đến truyền thuyết về Thánh Gióng. Chuyện kể rằng, Giặc tan, chàng Gióng lên đỉnh núi Sóc, cởi áo giáp, vái biệt quê nhà cưỡi ngựa bay về trời. Để tưởng nhớ công đức, nhân dân đã lập đền thờ và suy tôn là Thánh Gióng hay còng gọi là Đức Phù Đổng Thiên Vương. Lễ hội đền Gióng cho đến ngày nay vẫn được tuân theo đúng kịch bản từ cổ xưa. Ngày khai hội, hàng chục vạn lượt khách thập phương đến tham dự, lễ Phật, lễ Thánh thoả mãn nhu cầu văn hoá tâm linh. Đền Sóc thuộc xã Phù Linh được xây dựng thành Quần thể du lịch văn hoá tâm linh với bốn khu: khu bảo tồn di tích văn hoá Đền Sóc; Khu du lịch sinh thái; Khu vui chơi và Khu công trình công cộng. Chùa Non Nước được xây dựng từ thời Tiền Lê. Vị Thiền sư đầu tiên trụ trì ngôi chùa này tên là Ngô Chân Lưu. Ngài được vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Đại sư và là vị Quốc sư đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam. Nói đến các lễ hội Thánh Gióng không thể không nhắc đến lễ hội làng Phù Đổng ở Gia Lâm, nơi sinh ra của người. Hội bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng 4. Trong những ngày lễ dân làng rước cờ tới đền Mẫu, rước cơm chay lên đền Thượng. Ngày chính hội 9-4 có lễ rước kiệu và tổ chức hội trận. Ngày mồng 10 làm lễ duyệt quân tạ ơn Gióng. Ngày 11 lễ rửa khí giới. Ngày 12 lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất... Cuối cùng là lễ khao quân, đến đêm có hát chèo. Ngoài lễ hội chính tại làng Phù Đổng và Sóc Sơn còn có một số nơi khác cũng tổ chức hội Gióng: Hội đền Sóc (Xuân Đỉnh, Từ Liêm), hội Phù Gióng; hội Gióng Bộ Đầu...

Lễ hội chùa Hương (từ 6/1 âm lịch)
Không giống bất cứ chùa nào, chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một tập hợp nhiều động, nhiều chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp vừa thiên nhiên vừa nhân tạo, chiếm khoảng không gian rộng lớn bao gồm: Núi, đồi, hang, động, suối, khe, rừng cây trên dãy núi đá vôi của triền núi Hòa Bình. Hội chùa Hương là lễ hội tôn giáo có không gian rộng và thời gian dài nhất. Dịp đông vui là từ 15 đến 20 tháng 2. Nhưng thật ra từ mùng 6 tháng giêng cửa Chùa đã mở, hưởng ứng "Lễ mở cửa rừng" của địa phương, chào mời lứa khách đầu tiên, nhận mừng Xuân mới. Lễ khai sơn hay lễ mở cửa rừng tiến hành ở đền Trình, vào sáng mồng 6 tháng giêng, một nghi lễ tiền nông nghiệp của cư dân vùng sơn cước. Chỉ sau lễ này, từ mùng 7 dân làng mới được phép vào rừng khai thác lâm thổ sản và săn bắn. Hội trải dài trọn một mùa Xuân. Bến Yến thuyền vào, bến Trò thuyền ra, khách lên, khách xuống, trên bến dười thuyền nườm nượp đông vui. Vào hội, mọi chùa, đền, hang, động đều như bừng tỉnh. Hương án, đồ thờ được lau chùi sạch sẽ, đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút. Tất cả như sẵn sàng đón khách hành hương từ 10 phương tới. Trẩy hội chùa Hương là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là ước vọng - trên cái nền mùa Xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền...

Lễ hội “Du lịch về cội nguồn 2009” (từ 6/1 âm lịch)
Đây là một lễ hội văn hóa du lịch lớn có sự liên kết tham gia của 3 tỉnh miền núi tây bắc dọc trục quốc lộ 2: Phú Thọ - Yên Bái – Lao Cai. Năm 2009 tỉnh Phú Thọ là trưởng nhóm hợp tác tổ chức các sự kiện trong Chương trình Du lịch về cội nguồn. Năm 2009, trên địa bàn 3 tỉnh sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tôn vinh văn hóa cội nguồn; tuyên truyền, quảng bá giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về tiềm năng, thế mạnh du lịch của ba tỉnh.
Trong đó có những hoạt động chính tại Phú Thọ: Lễ khai mạc Chương trình vào tối ngày 31/1/2009, Chương trình "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam" diễn ra cùng ngày, lễ Giỗ tổ Hùng Vương (26/3-4/4/2009)....;
Tại Yên Bái: Lễ hội đền Đông Cuông (3/2/2009), Tuần lễ khám phá Thác Bà (tháng 7/2009), Lễ hội văn hóa danh thắng ruộng bậc thang Mù Căng Chải (tháng 10/2009)...;
Tại Lào Cai: Lễ hội đền Thượng (9-10/2/2009), Tuần văn hóa du lịch Sa Pa (30/4-3/5/2009), Lễ hội đua ngựa truyền thống các dân tộc Lào Cai (6/6/2009), Tuần văn hóa du lịch Bảo Yên (4/9/2009), Giải leo núi quốc tế "Khám phá, chinh phục đỉnh Fansipan" lần 3 (12-14/11/2009), Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung (tháng 11/2009)...
Ba tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hưởng ứng ở nhiều nơi trong suốt năm 2009. Tập trung xây dựng và quảng bá những sản phẩm du lịch đặc sắc trên cơ sở khai thác các lợi thế về tiềm năng du lịch sẵn có của mỗi tỉnh, tăng cường sự phối hợp, mối liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn 3 tỉnh trong hoạt động kinh doanh du lịch, phát huy vai trò của các ngành các cấp và toàn xã hội trong phát triển du lịch.

Lễ hội xuân hồ Ba Bể (từ 9/1 – 10/1 âm lịch)
Đến hẹn lại lên, cứ ngày 10 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Xuân Ba Bể lại được tổ chức tưng bừng tại xã Nam Mẫu huyện Ba Bể - Bắc Kạn. Đây là lễ hội truyền thống đầu năm, thể hiện những nét văn hoá đặc trưng của người dân địa phương. Lễ hội xuân Ba Bể là nơi phô diễn những bản sắc dân tộc của đồng bào địa phương với nhiều trò chơi truyền thống như: đua thuyền độc mộc, tung còn, kéo co, bịt mắt bắt dê… cùng nhiều hoạt động văn hoá và thể thao khác của đồng bào dân tộc. Đến với lễ hội du khách còn đi du lịch trên hồ Ba Bể bằng thuyền để ngắm cảnh hồ, thả mình giữa những rừng cây chen đá, lá chen hoa. Hồ Ba Bể nằm ở tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội 240km. Hồ Ba Bể là thắng cảnh đẹp nhất của tỉnh Bắc Kạn với một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Nơi đây đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong cũng như ngoài nước tới. Hồ Ba Bể nằm ở độ cao145m so với mặt nước biển và được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi cao tới 1.754m. Người ta cho rằng nó được hình thành cách đây 200 triệu năm. Mang tên là Ba Bể là do 3 cái hồ thông với nhau với tổng chiều dài 8km và chiều rộng 3km. Chính vì diện tích của hồ Ba Bể như vậy mà người dân ở đây coi Hồ Ba Bể như là biển của họ. Trong hồ có rất nhiều hòn đảo nhỏ, đặc biệt là Ao Tiên, tương truyền đây là nơi ngày xưa các nàng tiên trên trời thường xuống tắm và chơi cờ. Ba Bể dường như tươi đẹp hơn khi có khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú và mỗi dòng sông, con suỗi xanh trong giống như dải lụa mềm mại.

Lễ hội Yên Tử (từ 9/1 âm lịch đến hết xuân)
Hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân. Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thú vui "như hội" là leo núi, lên đỉnh cao nơi có chùa Ðồng. Trên đường đi chốc chốc lại gặp ngôi chùa, ngọn tháp, con suối, rừng cây mỗi nơi là một truyện cổ tích sâu lắng tình người. Lên đến đỉnh núi tựa như cổng trời, sau khi thắp nén nhang ai nấy như mình đang đứng giữa trời, lòng lâng lâng thoát tục. Khi trời quang mây tạnh, từ nơi đây có thể phóng tầm mắt dõi nhìn khắp vùng biển miền Ðông Bắc. Với thời gian trung bình 3 giờ leo núi, đường lên đỉnh Yên Tử là một cuộc thử thách đức tinh, kiểm chứng lòng thành với Phật. Ðến được chùa Ðồng, những tín đồ của Phật có cảm giác mãn nguyện như đến được cội nguồn cõi Phật. Dường như nơi đây là chốn đào viên để Tiên, Phật đánh cờ, luận đàm kinh kệ, truyền cho các bậc hiền triết của trần gian. Rải đều trên các cung bậc của hành trình Hội xuân Yên Tử là những cụm kiến trúc chùa, bia, am, tháp...Lúc náu mình trong rừng cổ nguyên sinh, khi phô bày giữa không gian thoáng đãng, nhiều lúc ẩn hiện trong mây, huyền ảo như trong chuyện cổ tích, vừa quyến rũ du khách, vừa khích lệ tinh thần chinh phục. Vào dịp lễ hội, trong dòng người thập phương đổ về Yên Tử, có nhiều người hành hương tìm đến cõi Phật để thể hiện đức tin, cầu lộc, cầu tài. Có người về Yên Tử để du xuân, vãn cảnh, thưởng ngoạn không khí thanh bình. Nam nữ thanh niên đi Yên Tử để khám phá, chinh phục. Rất nhiều khách nước ngoài đã biết đến Yên Tử như một điểm hấp dẫn du lịch tôn giáo, lịch sử, văn hóa và sinh thái.

Hội Lim (từ 12/1 – 14/1 âm lịch)
Kinh Bắc xưa và nay là 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh, cách Hà Nội 18 km là nơi mở hội quan họ. Hội mở trên đồi Lim, có chùa Lim nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu, người sáng lập tục hát quan họ. Hội Lim mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Khách kéo về dự hội Lim rất đông để được xem hát quan họ giữa các "liền anh" "liền chị", hát sau chùa, hát trên đồi, hát đối đáp từng cặp đôi, hát trên thuyền... với đủ các làn điệu quan họ khác nhau. Ngoài ra, trảy hội Lim còn được xem các cuộc thi dệt của các cô gái, vừa dệt thi vừa hát quan họ. Cũng như các Hội khác, hội Lim cũng có đủ các phần từ lễ rước đến tế lễ cùng nhiều trò vui khác. Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ. Ngoài những hoạt động truyền thống như những năm trước, Hội Lim Mậu Tý 2009 sẽ có một số nét mới, thêm phong phú, sinh động song vẫn đậm đà bản sắc. Ban chỉ đạo Lễ hội Lim huyện Tiên Du đã xây dựng kế hoạch quản lý tổ chức Lễ hội vùng Lim năm 2009 sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Góp thêm nét mới cho Hội Lim năm nay, sát ngày hội, cổng chào vào trung tâm lễ hội sẽ được khẩn trương hoàn thiện. Để bảo đảm không gian truyền thống của lễ hội, Ban chỉ đạo lễ hội chỉ cho phép các hoạt động dịch vụ bán đồ lưu niệm, sách báo, băng đĩa… Các dịch vụ ăn uống sẽ được bố trí ở khu vực đường vòng quanh đồi Lim và các hoạt động vui chơi, giải trí khác ở phía sau đồi Lim. Tất cả sẵn sàng cho Hội Lim 2009 vui tươi, lành mạnh và đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội Côn Sơn (từ 10/1 – 22/1 âm lịch)
Hàng năm, bắt đầu từ ngày mồng Mười tháng giêng, chùa Côn Sơn (Chí Linh Hải Dương) đón khách thập phương đến lễ phật và trẩy hội. Chính thức lễ hội bắt đầu từ ngày rằm tháng Giêng đến ngày 22 thì kết thúc. Cái hấp dẫn du khách thập phương trước hết vì Côn Sơn là một vùng danh lam cổ kính nổi tiếng. Nguyễn Trãi mô tả bằng thơ: “Côn Sơn suối chảy rì rầm, Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.” Đường vào Côn Sơn từ nhiều ngả đều trải nhựa, chung quanh chùa có rừng thông cổ kính, ngoài ra còn có vườn thực vật với nhiều giống cây quý hiếm. Cổng chùa có hồ Bán Nguyệt, xa hơn nữa có hồ Rừng Sành. Cây vải thiều Thanh Hà được các nhà sư trồng kín quanh vườn chùa, tỏa bóng sum suê. Du khách đến Côn Sơn vào bất cứ mùa nào cũng thấy không khí mát lành, bởi nơi đây tấm thảm thực vật che kín cả không gian. Vào những ngày đầu xuân mưa lất phất, nắng hửng nhẹ, mây nhởn nhơ bay thấp, cây cối đua nhau nảy lộc, không gian ở Côn Sơn càng mát dịu tưởng như trời đất hòa quyện với nhau. Đi dưới mặt đất mà tay có thể với được những giải mây bồng bềnh. Nếu bạn leo lên sườn núi thì người bạn có thể lẫn trong mây. Đã đến Côn Sơn du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng. Côn Sơn không chỉ nổi tiếng vì là một danh lam thắng cảnh, mà còn nổi tiếng vì nơi đây gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Mới đây ngôi đền thờ Nguyễn Trãi bề thế được khánh thành càng tạo thêm vẻ tôn nghiêm, tráng lệ cho vùng danh lam thắng cảnh này.

Lễ hội Cố đô Hoa Lư (từ 5/3 – 10/3 âm lịch)
Lễ hội Cố đô Hoa Lư diễn ra đầu tháng 3 tại các đền, chùa thuộc khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Đây là một lễ hội tưởng nhớ công lao của 2 vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Không khí sôi động của lễ hội thường được dấy lên từ nhiều ngày trước ngày khai hội. Tràn ngập đường phố Hoa Lư là cờ hoa, đèn màu rực rỡ... Bao giờ cũng vậy, Từ sớm hơn 6h sáng, đoàn rước nước từ sông Hoàng Long về đền vua Đinh và đền vua Lê tại sân khấu lễ hội để khai hội. Người ta tin rằng nước được lấy vào giờ Dần đem về lễ thì sẽ được mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt. Đến với lễ hội Hoa Lư, du khách sẽ được xem các tích "Cờ lau tập trận", diễn lại cảnh Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân lên ngôi Hoàng đế, thi đấu vật, bắn nỏ, cờ người, thi thư pháp…. Lễ hội năm nay sẽ tổ chức nhiều hoạt động chuyên nghiệp như: trống hội Hoa Lư, Người đẹp Kinh đô Hoa Lư, Giọng hát chèo hay, hội trại… Đặc biệt, tiến tới 1000 năm Thăng Long Hà Nội trên đất Cố đô, Lễ hội truyền thống Hoa Lư ngày càng được quan tâm, chú trọng và nâng lên một tầm cao mới, tương xứng với giá trị của một khu di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia. Đến với Lễ hội Cố đô Hoa Lư, Du khách như được trở về với thời kỳ hưng thịnh của đất nước nghìn năm văn hiến, với cảm giác linh thiêng, hào hùng. Hình ảnh Đinh Tiên Hoàng Đế và Cố đô Hoa Lư càng được khắc sâu vào tiềm thức của mỗi người, từ đó soi lại mình để sống xứng đáng hơn với truyền thống dựng nước và giữ nước của thế hệ cha ông.

Lễ hội đền Hùng (từ 9/3 – 11/3 âm lịch)
Lễ hội đền Hùng gần đây trở thành ngày giỗ tổ của toàn dân Việt Nam, trong số các lễ hội diễn ra ngày 10/3 âm lịch thì lễ hội ở Phú Thọ là lớn nhất. Đền Hùng nằm ở trên núi Nghĩa Lĩnh, huyện Phong Châu, Phú Thọ là nơi hàng năm thường diễn ra lễ hội mang tính chất quốc gia để suy tôn các vua Hùng là người đã có công dựng nước. Lễ hội diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 9 đến hết ngày 11 tháng 3 âm lịch. Việc tế lễ được tổ chức rất trọng thể vào ngày chính hội (10/3), bắt đầu bằng lễ dâng hương có đại diện của Nhà nước, tại đền Thượng là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất. Ðồ tế lễ ngoài mâm ngũ quả còn có bánh chưng, bánh dày để nhắc lại sự tích Lang Liêu, cũng là nhắc nhở công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa. Phần rước, có nhiều cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích... Sau tế lễ còn có múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ) và nhiều trò chơi khác. Hội đền Hùng không chỉ thu hút khách thập phương đến dự lễ bởi những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc mà còn ở tính thiêng liêng của một cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam. Ðến hội, mỗi người đều biểu hiện một tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ về quê cha đất tổ. Ðây là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức mỗi con người Việt Nam, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu.

tiesto
01-12-2008, 02:00 AM
Rất đúng. Ai không về thăm lễ hội Yên Tử thì thật phí một đời người!

pé Sỏi
05-12-2008, 08:50 PM
sao ít hình vậy! mình thích nó có hình cơ!

starfish_and_my_dream
05-12-2008, 11:59 PM
những hội này hình như ở Huế và HN, đâu phải ở SG hả ta