PDA

Xem đầy đủ chức năng : Xuân 2009 về Lễ hội chùa Bái Đính



emgaicodo2000
15-11-2008, 03:09 AM
Mùa xuân mới tràn về cũng là lúc trên đất Cố đô Tràng An – Hoa Lư, hàng triệu phật tử cả nước cùng du khách khắp thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Bái Đính. Hành trình về miền đất Phật, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng với thiên nhiên ở một vùng quê bên sông Hoàng Long huyền thoại. Mảnh đất sinh vương sinh thánh – quê hương của đức thánh Nguyễn và Đinh Tiên Hoàng đế, những người đã đặt nền móng và góp công lớn cho sự phát triển phật giáo nước nhà. Đây là một lễ hội truyền thống về cội nguồn điển hình của người Việt. Chùa Bái Đính là một trong những Di sản văn hoá quốc gia trên đất Cố đô, có giá trị về mặt tâm linh, văn hóa và danh thắng.
http://images7.dantri.com.vn/Uploaded/huongnt/0508/chua190508_10.jpg
Ngày mồng sáu tháng giêng là khai hội. Lễ hội trước kia chỉ kéo dài đến 1 tuần. Nay với sự quan tâm đầu tư cả nhà nước, khu chùa được mở rộng trở thành khu văn hóa tâm linh tầm cỡ, to đẹp và nổi tiếng, lễ hội chùa Bái Đính sẽ diễn ra trong suốt mùa xuân. Trước ngày mở hội và ngay cả trong thời gian đón tết, tất cả các động, chùa trên núi Bái Đính đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả vùng quê chiêm trũng vốn thanh bình yên ả.
Về phần lễ ở chùa Bái Đính diễn ra tương đối trang trọng vì ở đây không chỉ thờ các vị sơn thần, phật tổ, bà chúa thượng ngàn mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc với các danh nhân đức Thánh Nguyễn, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh. Như vậy, phần lễ gồm tổng hòa toàn thể hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Những tính chất tôn giáo có phần bị tình yêu thiên nhiên, tinh yêu nam nữ, tình cảm cộng đồng, dân tộc… tràn đầy chất thẩm mỹ vừa thanh cao, rất trần tục lấn đi. Trẩy hội chùa Bái Đính vì vậy mà cả tâm hồn và thể xác đều được đắm sâu vào trong hương đồng cỏ nội. Ngày hội, làng tổ chức rước thần từ động ra. Cờ trống đi trước dàn nhạc bát âm kế theo, trai thanh gái lịch phù kiệu, ông già bà cả thành tâm tiễn thần. Không khí ấy làm tâm linh mọi người sảng khoái. Trong suốt những ngày hội là sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, là sự thành kính của các bậc cao niên, là sự hoan hỷ mà nam phụ lão ai ai cũng có phần riêng của mình. Cả ở những triền núi thấp cao, những rừng cây, rừng thuốc… là những đoàn người trẩy hội. Kẻ đi ra, người đi vào, kẻ đi lên, người đi xuống bồng bềnh như những đám mây nhẹ. Họ gặp nhau, quen hay không quen cũng vui vẻ chào nhau bằng một lời chào: "Nam mô a di đà Phật" nhẹ nhàng. đằm thắm và ấm áp…
http://images7.dantri.com.vn/Uploaded/huongnt/0508/chua190508_5.jpg
Núi Bái Đính đứng độc lập, sừng sững giữa vùng bán sơn địa, được tạo thành bởi hai dãy núi khép lại hình cánh cung và hướng về phía tây - tựa như tay ngai, mở ra một thung lũng rộng hơn 3 ha - gọi là Thung Chùa. Lên thăm hang động ở núi Bái Đính, du khách bước trên 300 bậc đá, càng lên cao không khí càng trong lành và thoáng mát, mọi lo toan trong cuộc sống đời thường như bị quên lãng. Giữa đường lên động có Hang Voi phục ở bên phải, hang thờ Đức Ông Mặt Đỏ là người canh giữ khu chùa Bái Đính. Theo lộ trình du khách lên hết dốc là tới ngã ba: Bên phải là động thờ Phật, bên trái là động thờ Tiên. Bước khoảng vài chục bước chân, du khách sẽ phải sửng sốt đến kinh ngạc trước Động thờ Phật. Phía trên cửa động có 4 chữ đại tự khắc trên đá: có nghĩa là: “Lưu Danh Thơm Cảnh Đẹp”. Với sự hiện diện của các pho tượng uy nghiêm hiện, ẩn trong làn hương trầm đang lưu chuyển ở nơi động cao. Cắm hương nhang, niệm điều tâm phúc xong, du khách đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối động sẽ dẫn tới một hang nhỏ hơn, đó là hang thờ Thần Cao Sơn - một vị tướng tài của Vua Hùng. Nếu du khách bước tiếp sẽ tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Tương truyền rằng đây là nơi có nhiều cây thuốc quý mà Thánh Nguyễn Minh Không thường xuống hái lượm mang về chế thuốc tiên. Hiện nay lá thuốc vẫn được người dân địa phương sử dụng làm dược liệu. Trở lại ngã ba đầu dốc, du khách theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới Động Tiên. Động Tiên lớn hơn động Phật nhiều lần, gồm 7 “buồng” tức là 7 hang, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hoá ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng lung linh huyền ảo. Bà Chúa Thượng Ngàn được đặt thờ giữa hang chính với các tượng bằng đá được sơn son thiếp vàng. Xung quanh Chúa Thượng ngàn là rừng nhũ, rừng hoa nhũ đá đẹp như mê hồn. Bằng sự tưởng tượng tinh tế, với một cái nhìn xa rộng, du khách có thể dễ dàng đặt tên cho từng cây nhũ, mỏm đá ở Động Tiên này. Mỗi nhũ đá, mỗi mỗi hòn đá trong Động Tiên là một kiệt tác của tạo hoá, là một tinh hoa của thời gian trên đá, chỉ có “ nước chảy, đá mòn” hàng ngàn vạn năm mới tạo nên những điều kì diệu đó.
http://images7.dantri.com.vn/Uploaded/huongnt/0508/chua190508_3.jpg
Du khách đến lễ hội chùa Bái Đính sẽ cảm nhận được tình yêu thiên nhiên trong ngày hội lịch sử để từ đó hướng về quá khứ dựng nước của cha ông ở một làng quê chiêm trũng. Leo núi chơi hang, chơi động lý thú vui nước đông đảo mọi người tham gia và hưởng ứng. Vì vậy mà leo núi Bái Đính dẫu có mệt nhưng có cảnh có người và có không khí của ngày hội nên ai cũng cảm thấy thích thú với cuộc chơi sông núi của mình. Cuộc hành hương ấy tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn lên đến cái đẹp. Và sự kỳ vọng cái đẹp hẳn sẽ làm cho chúng ta thêm phần sảng khoái tin yêu cuộc đời này hơn. Các hoạt động hội hè với đấu vật, ném còn, đánh bài, kéo co, thi hát diễn ra khá nhộn nhịp đông vui. Có thể thấy, trẩy hội chùa Bái Đính không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc - hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Đó là vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng của núi rừng, huyền bí của hang động… Và dường như đất - trời, sông núi đẹp hơn nhờ tài sáng tạo hình tượng - trí tưởng tượng này xuất phát từ lòng nhân ái của con người. Quan niệm lưỡng hợp biểu hiện ở thế đối ứng hai hiện tượng, hai phạm trù khác nhau mà bên nhau, làm cho cuộc hành trình về nơi thờ Phật dù có lúc vất vả nhưng vẫn đem lại sự cân bằng trong tâm thức và thể lực cho du khách. Trẩy hội chùa Bái Đính là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là uất vọng - trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.

Chùa Bái Đính được xây dựng ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách Cố đô Hoa Lư 5 km, tp Ninh Bình 12 km và cách Hà Nội 95 km. Tên chùa đặt theo tên một ngôi chùa cổ trong hang động núi Bái Đính, nơi không chỉ thờ Phật tổ và Chúa Thượng Ngàn mà còn gắn với lễ tế cờ khi vua Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Đức thánh Nguyễn Minh Không là người đã biến các hang động thành chùa khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông. Núi Bái Đính còn là cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ 13 của các vua nhà Trần. Đây là khu chùa có quy mô lớn nhất Việt Nam. Nơi đây sẽ trở thành một khu văn hóa tâm linh với nhiều kỷ lục Việt Nam và khu vực, là điểm đến rộng lớn hấp dẫn nhất của rất nhiều du khách trong và ngoài n¬ước. Mặc dù đang trong quá trình xây dựng nhưng chùa Bái Đính đã thu hút khá đông du khách về thăm quan, chiêm bái. Chùa khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 17 tháng 5 năm 2008 nhân dịp cùng với khu di tích Yên Tử, vịnh Hạ Long đón đoàn đại biểu các nước về chiêm bái trong chương trình đại lễ Phật Đản thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam.

Các lễ hội mùa xuân khác ở đất Cố đô Ninh Bình:
• Lễ hội làng Yên Vệ: Diễn ra vào ngày mồng 4/1 âm lịch tại làng Yên Vệ thuộc xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình. Nơi có đền Thượng (thờ tam thánh: Giác Hải, Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không) và chùa Phúc Long (thờ phật và thờ Tiên thiên Thánh Mẫu, mẹ của Giác Hải thiền sư). Phần hội có trò chơi đấu vật.
• Lễ hội đền La: Diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/1 âm lịch ở thôn La Phù, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, tưởng nhớ hai vị Vua thời Hậu Trần là Giản Định Đế và Trùng Quang Đế.
• Hội đền Dâu: Tổ chức bắt đầu từ 20/2 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm tại phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp. Đền thờ công chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của điện thần Việt Nam. Đan xen với các nghi lễ trang trọng là các hoạt động văn hoá, thể thao dân gian truyền thống đặc sắc như múa rồng, múa lân, hát chầu văn...
• Lễ hội Cố đô Hoa Lư, Lễ hội Động Hoa Lư: diễn ra vào các ngày 6,7,8,9,10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao của 2 vua Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn.
• Lễ hội chùa Địch Lộng (huyện Gia Viễn): mùng 6 và mùng 7 tháng 3 (âm lịch). Phần lễ có dâng hương lễ phật như ở các chùa khác, phần hội thường tổ chức các trò chơi dân gian, múa rồng, cờ tướng, viết chữ nho.
• Lễ hội đền Thái Vi (huyện Hoa Lư): từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ công lao của các vị vua Trần.
• Hội đền Quảng Phúc: Đền thờ ba vị danh tướng thời Hùng Vương thứ 18. Hội thường tổ chức từ ngày 10 đến 15 tháng 3 hàng năm tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô. Phần lễ gồm lễ Thánh Thần, tri ân công đức các vị thành hoàng làng. Phần hội tổ chức hội rồng, hội chữ, hội sư tử, hội cờ...

vương tử vy
19-11-2008, 07:43 PM
cảnh chùa nhìn bình yên quá...:D

*Gemini
19-11-2008, 09:26 PM
Thêm nà
Đây là kái nhìn toàn cảnh

http://upanh.com/images/933_baidinh1.jpg (http://upanh.com/view-933_baidinh1.jpg)

Đây là Chuông lớn nhứt, hem nhớ hình như 75 tấn

http://upanh.com/images/886_bai_dinh_chuong.jpg (http://upanh.com/view-886_bai_dinh_chuong.jpg)

http://upanh.com/images/383_baidinhgiengzq2.jpg (http://upanh.com/view-383_baidinhgiengzq2.jpg)

Đây là Giếng ngọc


Có thêm kái để tự hào tí nhở! :hihi: