Ðăng Nhập

Xem đầy đủ chức năng : Mùa cuối-Lê Minh Nhựt



Tháng Tư
24-08-2008, 04:14 AM
Nước! Nước! Nước! Đâu đâu cũng nhìn thấy một màn trắng đục của nước mưa. Miếng ruộng sau nhà con Cẩm mới hôm qua còn lởm chởm đất cày, mẹ nó hồi tối còn tính đợi trời mưa vài đám rồi nắng lại cho đất giòn sau đó kêu máy cày vô cày ải.
Chẳng là năm nay mẹ nó tính sạ khô cho đỡ cực với lại ít bị đám ốc bươu vàng phá mạ non. Vậy mà chỉ một đám mưa đầu mùa cả cánh đồng đã lênh láng nước, miếng ruộng nhà con Cẩm cũng chịu chung số phận. Nhìn ra xa trên cánh đồng, vài tảng đất cày còn sót lại giống như những cù lao thu nhỏ, thoi loi giữa mênh mông biển nước. Còn những dãy bờ thì trông như đường kẻ lông mày mỏng mảnh, phơ phất những cọng cỏ tây, rau muống sắp sửa ngập lút giữa cơn trở chứng bất thường của thời khắc giao mùa.

Đứng trong chái nhà ngó ra đồng, mẹ con Cẩm thở dài:

- Vậy là phải chịu cực thêm một năm nữa rồi! Sáng mai ra chợ mua vài chục con vịt về nuôi cho nó mò ốc bươu vàng. Năm nay mẹ con mình chăn vịt nghen Cẩm!

- Chăn vịt thì chăn vịt! Con Cẩm làu bàu. Nó đâu có quan tâm tới mấy chục con vịt trong dự định của mẹ. Hiện giờ trong bụng nó đang tiếc hùi hụi cái đìa chưa kịp làm hầm để bắt cá nhảy ra ruộng. Mấy con cá lóc bự chảng chắc bây giờ đang khoái chí táp ùm ùm ngoài ruộng rồi. Lũ cá thừa dịp trời mưa lớn, từ trong đìa phóng ra ngoài ráo trọi, chúng đang cười nhạo cái con Cẩm chậm tay chậm chân nên không bắt được chúng. Mùa cá lên năm nay coi như con Cẩm trắng tay. Tức cành hông!

* * *

- Chắc mày ăn trúng bùa mê thuốc lú gì của con Cẩm rồi hả Huy? Con gái xóm này thiếu gì mà mày không quen mà lại đi quen con Cẩm mới được? Nó mà về làm dâu cái nhà này chắc tao với tía mày ra chuồng trâu mà ở. Con gái con đứa gì mà miệng mồm ong óng, từ đầu làng tới cuối xóm đều lắc đầu le lưỡi!

- Má nói vậy chớ con thấy Cẩm hiền khô hà, có ong óng gì đâu, với lại còn giỏi giang nữa, từ trong nhà ra tới ngoài ruộng đều một tay Cẩm hết. Má nghĩ lại coi, con gái xóm này có mấy người giỏi bằng.

- Thì má công nhận nó giỏi thiệt chớ đâu có chê nó dở, ý má nói là không ưa cái miệng của nó, y chang như mấy con mẹ bán cá ngoài chợ. Ờ, phải rồi! nó chỉ hiền với mày thôi, trúng ngay đối tượng mà. Chớ cái ngữ này khi về làm dâu rồi thì nó xỏ lỗ mũi mày dắt đi như dắt trâu!

Thằng Huy nín thinh. Nó biết có tranh luận với má chuyện con Cẩm cả ngày thì cũng chẳng đi đến đâu bởi ý chí sắt đá của má nó. Chi bằng hiện tại chịu lép vế, chơi chiêu mưa dầm thấm lâu. Thằng Huy không hiểu tại sao má lại không có thiện cảm với Cẩm, riêng nó thì không chê con Cẩm chỗ nào được. Cha Cẩm mất sớm, nhà chỉ còn hai mẹ con. Nhà thằng Huy có hai người đàn ông còn vất vả mới có cái ăn, nói chi nhà Cẩm mẹ góa con côi. Vậy mà con Cẩm cũng học được đến hết lớp 12 mới nghỉ ở nhà phụ mẹ lo cho đứa em trai vào đại học, nếu khá giả như người ta thì giờ này chắc con Cẩm cũng đã là sinh viên sắp sửa ra trường rồi chớ đâu phải suốt ngày cùng mẹ cặm cụi với mấy công ruộng, khản cổ hụt hơi với đàn vịt đang sức ăn như xáng cạp.

Ở nhà chỉ có má là phản đối chuyện nó với Cẩm chớ tía thì dễ ẹc. Ông chỉ cười hề hề khi nghe má nó kể tội con Cẩm: nào là con gái chưa chồng gì mà ống quần lúc nào cũng xăn lên khỏi đầu gối, thiên hạ nhìn lom lom; nào là miệng mồm đi liền tay chân, nói nó một câu nó trả lời lại hai ba câu... còn vô số chuyện không được về con Cẩm mà má thằng Huy có thể ngồi kể cả ngày trời cũng không hết. Có bữa ngồi kể mỏi cả miệng, nhìn lại thấy ông chồng tỉnh rụi, lại còn cười tủm tỉm như đang coi chương trình hài kịch trên tivi. Má thằng Huy đổ quạu nói ở nhà có ba người thì hai tía con theo một phe cùng ăn hiếp một người. Tía thằng Huy lúc này mới thủng thỉnh trả lời: “Ủa, nãy giờ toàn là bà nói không chớ tía con tui có nói gì đâu mà nói là ăn hiếp. Oan ức quá!”.

Vậy là giận luôn. Từ đó tới chiều má không thèm nói chuyện với tía câu nào, còn tía thì bảo thằng Huy: Kệ bả, ngày mai là bả hết giận chớ gì. Tía con mình còn nghe bả ca bài ca con Cẩm dài dài, lo gì. Mà chuyện mày với con Cẩm tới đâu rồi? Mùi dữ chưa con? Đừng có làm ẩu nghen mậy, từ từ rồi tía tính. Lo học đi!

Miệng thằng Huy “dạ dạ” nhưng trong lòng nó thì bùng nhùng rối rắm. Tía nó đâu có biết má từng nói với nó là khi nào nó tốt nghiệp trung học xong là má nó đi hỏi con Thúy đầu xóm cái rụp liền. Không cần biết ý kiến của nó và tía ra sao. Má còn nói hồi đó má với tía có ai biết mặt ai mà chỉ toàn qua mai mối. Ông bà ngoại ừ thì má cũng gật đầu, có yêu đương trước gì đâu. Vậy mà cũng sống tới bây giờ!

Thằng Huy nghe má nó nói chuyện vợ chồng sao mà giống đi xin xăm trên chùa quá. Bưng cái hộp lên lắc lắc mấy cái, hên thì ngay quẻ “thượng thượng” còn xui xẻo nhằm quẻ “hạ ha” thì coi như tiêu đời. Tại má nó muốn có dâu sớm chớ thằng Huy có muốn vợ đâu. Nó tính học xong trung cấp điện, ra trường đi làm vài năm rồi mới tính. Ý con Cẩm cũng y hệt như vậy. Con Cẩm cũng tính đợi thằng Cảnh ra trường kiếm việc làm, cưới vợ cho thằng em trước rồi mới lo chuyện chồng con. Thằng Huy cằn nhằn: “Tới chừng đó chắc Cẩm thành bà già quá!”. “Kệ tui, ai muốn vợ thì cưới trước đi, còn tui thì chưa muốn lấy chồng!” Giọng con Cẩm hờn mát, hai bàn tay nó xoắn vào nhau, chân thì di di xuống đất. Được một lát, nước mắt của nó lăn dài rỏ xuống đất cái bộp. Thằng Huy nhìn xuống thì ra rớt trúng cái mo nan khô nên mới kêu lớn dữ vậy. Nó buột miệng nói một câu lãng nhách: “Ý trời, nước mắt của Cẩm nặng tới nỗi rớt lủng mo nan một lỗ rồi kìa!”.

- Đồ quỷ, người ta khóc không dỗ mà còn ở đó chọc nữa! - Vậy là con Cẩm bật cười, ngó điệu bộ Cẩm bây giờ cũng dễ thương quá chớ đâu có giống như lời má nó nói.

Nghe con Cẩm nói vậy, thằng Huy mừng húm liền xích lại gần gốc dừa nơi con Cẩm đang tựa lưng, kéo vạt áo thấm thấm lên gò má. Mấy sợi tóc dài của con Cẩm phơ phất lên mặt thằng Huy nhồn nhột. Không thấy con Cẩm có phản ứng gì, thằng Huy làm gan nhích lại thiệt gần trong khi trống ngực cứ đánh phình phịch như đang có nguyên một đoàn múa lân ở trỏng. Nó định bụng đợi con Cẩm ngó lơ chỗ khác là nó liền thực hiện ý định của mình. Nào ngờ khi cự li ngày càng thu ngắn lại thì bỗng dưng dưới chân chỗ nó và con Cẩm đang đứng bỗng rộn rịp cả lên. Vịt! Nguyên một đàn vịt lông vàng tươi óng ánh đang hiếu kỳ bu xung quanh. Có mấy con còn bạo gan leo lên chân của hai đứa. Chắc tụi nó tính thằng Huy và con Cẩm đang đóng phim tình cảm tâm lý xã hội sắp đến hồi lâm li bi đát đây nên mới kéo nhau đến mục kích. Con Cẩm bừng tỉnh, nó xô thằng Huy ra rồi chạy ù về nhà. Đằng sau lũ vịt con ngơ ngác làm bộ như chưa từng thấy chuyện gì xảy ra. “Khiếp! Khiếp! Khiếp! Anh Huy tính hun chị Cẩm bà con ơi!”. Hên là mấy con vịt không biết nói tiếng người, nếu không thì bọn chúng dám la làng cho cả xóm này biết lắm à. Đồ phá đám! Thằng Huy nhặt tàu lá dừa vung lên, lũ vịt con nháo nhác phóng xuống mương nước. Chúng chỏng đít, rúc đầu vô mấy bụi cỏ như có ý chọc quê cái thằng dở ẹc, có hun con gái mà cũng làm không xong.

* * *

Bây giờ thì trời không còn mưa lớn như hồi đầu mùa nữa mà thỉnh thoảng chỉ mưa một vài đám lấy lệ. Ông trời như có ý nhắc nhở rằng: Vẫn còn đang mùa mưa à nghen!. Mùa mưa thì mùa mưa, có ai nói hết đâu. Bây giờ có mưa tối trời tối đất hay nắng ròng rã mười bữa nửa tháng thì cũng chẳng sao. Mới đầu mùa cả cánh đồng còn trắng xóa nước thì nay đã được trải bằng một màu xanh rậm rì ngút ngàn của lúa sắp sửa đòng đòng. Mặt trời đang lịm dần về phía Tây nơi có đường viền của thảm lúa màu xanh ấy, hắt lên từng dãy màu đỏ lóa mắt. Bắt đầu nghe thấy tiếng của những con nhắc nheng đầu tiên vọng đi từ một bụi lúa nào đấy khởi xướng hợp âm cuối cùng của ngày, nghe sao mà rầu thúi ruột. Chiều rồi!

Bầy vịt của con Cẩm đã rũ bỏ bộ lông màu vàng và khoác lên mình bộ cánh trắng muốt. Từng con, từng con một chui ra từ đám lúa leo lên bờ, lạch bạch đi vô chuồng. Hai mươi tám! Hai mươi chín! Ba chục! Vậy là còn chẵn ba chục con - Mẹ con Cẩm vừa đóng cửa chuồng vừa lẩm bẩm - Nhờ tụi này mà lũ ốc bươu vàng đỡ phá lúa đấy. Vài tháng nữa là tụi nó đẻ đợt trứng đầu tiên, coi như có đồng ra đồng vô!

Trong xóm bây giờ tự dưng vắng hoe, nhà nào nhà nấy cũng chỉ còn lại mấy người già với lũ con nít. Tụi thanh niên kéo nhau lên tỉnh kiếm sở làm gần hết. Đứa thì đi làm hồ, làm mộc, giữ xe mướn; đứa có bằng cấp chút đỉnh thì đi học nghề đặng vô làm cho mấy công ty, xí nghiệp. Tháng rồi má con Cẩm mới bán hơn nửa bầy vịt để lấy tiền cho con lên tỉnh học uốn tóc trang điểm cô dâu. Chẳng biết tụi nó nghe tin ở đâu mà bảo xóm này sắp sửa quy hoạch giải tỏa để làm khu công ngiệp. Tới chừng đó đất ruộng đất vườn gì cũng bị san phẳng đổ cát hết rồi người ta cất lên trên đó những khối bê tông cốt thép. Ai có tay nghề thì được nhận vô làm công nhân, còn lại thì coi như thất nghiệp dài dài sống nhờ vào tiền đền bù giải tỏa. Mà ở không ăn thì tới núi cũng lở chớ đừng nói đến mấy chục triệu tiền đền bù đó. Nghĩ đến cảnh tượng ấy, mẹ con Cẩm bất giác buông tiếng thở dài.

Phía bên nhà thằng Huy cũng im ắng lạ thường. Chỉ nghe thấy tiếng đưa võng cọt kẹt đều đều của ông già, thỉnh thoảng chen vào là tiếng thở sườn sượt của má nó. Thằng Huy mới đi xuất khẩu lao động hồi tuần rồi, đem bằng khoán đất ruộng ra ngân hàng vay được gần hai mươi triệu để mua vé máy bay với thế chấp theo yêu cầu của công ty xuất khẩu lao động. Nghe nói đi thời gian ba năm trừ chi phí còn dư được hơn trăm triệu. Vậy còn hơn cầm cái bằng trung cấp điện rồi nằm không ở nhà, sau này có vốn liếng chút đỉnh về mở tiệm sửa đồ điện nho nhỏ ở xóm chắc là cũng đủ sống. “Sao tui lo quá ông à! Thằng Huy đi hơn tuần mà mới chỉ có một lá thư, không biết ở bển nó sống ra sao?”. Coi bộ thở dài hoài cũng không phải là cách tốt nhất nên má thằng Huy mới móc lá thư trong túi ra đọc thêm một lượt nữa. Ý chừng như coi thử có đoạn nào mình đọc sót không. Lá thư thằng Huy gửi về vỏn vẹn có một mặt giấy học sinh chẳng biết má nó đọc bao nhiêu lần rồi mà bây giờ đã cũ mèm. Bây giờ gấp lá thư lại chắc má nó dám đọc thuộc lòng một hơi không sót một chữ. “Bà làm như bên Malaysia về Việt Nam bằng từ nhà mình ra chợ vậy, thư từ thì cũng lâu lắm mới về được. Mà nó đi qua bển cũng cắm đầu vô làm, thời gian đâu mà viết thư. Chắc ăn là phải cực hơn ở nhà rồi, lấy được đồng tiền của người ta đâu có dễ!” - Má thằng Huy nín thinh. Chắc là không còn thằng con ở nhà làm “thính giả” nên đây là lần đầu tiên má nó nghe tía cằn nhằn mà không thèm trả lời trả vốn như mọi khi.

Từ lúc thằng Huy đi tới giờ, không nghe má nó nhắc gì tới chuyện đi cưới con Thúy ở đầu xóm, cũng không nghe “ca bài ca con Cẩm” như thường lệ. Mà cũng phải, con Thúy nó sắp sửa lấy chồng Hàn Quốc. Nghe đâu ông chồng lớn hơn nó hai con giáp. Mười lăm âm lịch tháng sau làm đám cưới, lễ cưới tổ chức ở nhà hàng tuốt trên Sài Gòn nên bà con hàng xóm chắc không có ai tham dự. Mấy bữa nay nhà con Thúy buồn hiu, chẳng nghe ai bàn bạc gì đến việc gả con gái cả. Nội coi phim thấy bên Hàn Quốc tuyết rơi trắng xóa chắc là lạnh thấu xương; còn cái món kim chi để tủ lạnh cay xé họng nữa, ai mà nuốt cho nổi. Biết làm sao được, con Thúy là con gái lớn đằng sau nó còn cả đàn em mà nhà thì không có một cục đất chọi chim. Thôi thì con Thúy đành chịu hy sinh cho cha mẹ, em út nó được nhờ vậy. Nhưng cầm cả ngàn đô của “ở bển” đưa sao mà giống bán con quá!.

Má thằng Huy tính đợi hết hợp đồng lao động về nước là lo chuyện cưới vợ cho nó, sanh gấp cho ông bà già đứa cháu. Có tiếng con nít cũng ấm nhà ấm cửa. “Mà cưới con cái nhà ai vậy bà?”. “Thì con Cẩm chớ ai, ông đừng có giả bộ. Tía con ông cùng một phe mà!” Tía thằng Huy nghe vợ bàn vậy bèn giả bộ hỏi vặn chơi chớ dư sức biết bà vợ lại nhắm tới đám nào rồi. Chẳng biết có phải lúc này tụi nhỏ đi hết nên đâm buồn quá hay không mà bả tính toán lung tung, xoay ngược ba trăm sáu mươi độ so với lúc trước. Vậy cũng tốt! Hàng xóm láng giềng gần gũi, sau này thành sui gia cũng tiện qua lại thăm nom lẫn nhau.

Thấp thoáng ngoài ruộng trong ánh nhập nhoạng của cuối chiều, vẫn còn vài người đang hì hụp lặn lội thả câu, giăng lưới tìm kiếm những con cá may mắn còn sót lại qua một mùa lẩn trốn. Tờ mờ sáng hôm sau, sẽ lại là họ - những bàn chân lấm lem, nhẫn nại đi bộ ra chợ để rao bán những thứ mà ngày hôm nay kiếm được. Ngày này qua tháng khác cũng vẫn vậy, đến khi nào những khối bê tông cốt thép của khu công nghiệp kia mọc lên - theo lời của tụi thanh niên nói thì có lẽ mới dừng hẳn. Nhưng có thể đây cũng là mùa cuối cùng. Đến lúc đó chắc là sẽ buồn và nhớ lắm! n