PDA

Xem đầy đủ chức năng : Những bí ẩn của cuộc sống



DuyênBòMộng
12-07-2008, 08:09 AM
Bí ẩn ma cà rồng

Kể khi từ Vampire (ma cà rồng, ma hút máu người) được tạo ra vào năm 1734, huyền thoại ma cà rồng cứ lan rộng ra mãi, bước vào văn hóa dân gian và sau đó là tác phẩm Dracula của Bram Stoker (năm 1897).

Trong các cuốn sách, phim ảnh và tivi, ma cà rồng được thể hiện như là những sinh vật cực kỳ phức tạp. Theo truyền thuyết, mỗi ma cà rồng đều đã từng là một con người; sau khi bị con ma khác tấn công, chết đi rồi trỗi dậy từ nấm mồ để hóa thân thành con quỷ hút máu khủng khiếp.

Từ khi thể xác được phục sinh - di hài sống của một người chết - ma cà rồng thường được xem như là ''bất tử''. Chúng cũng có thể biến thành một người bình thường khỏe mạnh và khó mà bị phát hiện giữa những người sống. Ngoài ra sinh vật khủng khiếp này cũng có thể mang hình thù một con thú, thường là dơi hay *** sói, nhằm lặng lẽ tiếp cận nạn nhân.

Tuy vậy, ma cà rồng vẫn có một số nhược điểm. Chúng có thể bị tiêu diệt bởi cái cọc xuyên tim hay bởi lửa; chúng sẽ chết nếu bị chém đầu và bị phơi ra dưới ánh sáng mặt trời. Chúng rất sợ cây thập tự, nước thánh và củ tỏi. Ma cà rồng không có bóng và có sức mạnh siêu nhân. Hình ảnh ma cà rồng được sáng tạo theo nhiều cách tùy vào sức tưởng tượng của con người.

Những con ma cà rồng đầu tiên

Không ai biết hình ảnh ma cà rồng xuất hiện từ khi nào, nhưng truyền thuyết về nó đã có cách đây ít nhất 4.000 năm ở người Assyrie và người Babylone cổ, vùng Lưỡng Hà. Thời đó họ rất sợ Lamastu (còn gọi là Lamashtu), một nữ hung thần dữ tợn luôn tấn công con người. Theo truyền thuyết của Assyrie, Lamastu (con gái của thần bầu trời Anu) chuyên lẻn vào nhà dân lúc đêm khuya để bắt cóc hay giết chết trẻ con hoặc bào thai trong tử cung người đàn bà.

Lamastu cũng tấn công cả người lớn, hút máu thanh niên và gây dịch bệnh, chứng vô sinh và những cơn ác mộng. Lamastu được mô tả có đôi cánh, vuốt chim và đôi khi có đầu sư tử. Để tự vệ, các phụ nữ mang thai phải đeo bùa vẽ hình Pazuzu - một hung thần khác, khắc tinh của Lamastu.

Sinh vật tương tự mà người Hy Lạp cổ sợ phát khiếp là Lamia, một nữ quỷ nửa người nửa rắn. Trong một bản văn cổ về truyền thuyết, Lamia chính là một trong số các tình nương yêu quý của thần Zeus. Giận điên người vì ghen tuông, vợ cả của Zeus là nữ thần Hera đã hại Lamia đến mất trí, khiến Lamia ăn thịt luôn những đứa con của mình. Đến khi nhận thức được hành vi tội lỗi của mình, Lamia giận dữ đến mức tự biến mình thành một con quỷ chuyên hút máu trẻ con vì ghen tức với các bà mẹ của chúng.

Ma cà rồng cũng hiện diện trong thần thoại châu Á. Văn học dân gian Ấn Độ có con quỷ Rakshasa đầu thú hoặc đầu người chuyên sát hại con nít. Trong văn học dân gian Trung Hoa cổ, người chết có khi đội mồ sống dậy và đi lang thang. Đó là những người chết khi chưa tới số. Dân du mục đã lan truyền rất nhiều truyền thuyết khác nhau về ma cà rồng khắp vùng châu Á, châu Âu và Trung Đông. Sau đó miệng truyền miệng làm cho các truyền thuyết này biến đổi và kết hợp với các truyền thuyết ma cà rồng mới.

Ma cà rồng hiện đại

Truyền thuyết Dracula và truyền thuyết vampire hiện đại được cảm hứng trực tiếp từ văn học dân gian Đông Âu. Lịch sử ghi nhận hàng chục hình ảnh ma cà rồng truyền tụng trong khu vực này, cách đây hàng trăm năm. Nổi tiếng nhất là Upir của Nga và Vrykolakas của Hy Lạp. Còn ma cà rồng ở Moldavia, Wallachia và Transylvania (nay là Romania) được gọi chung là Strigoi. Không hồi sinh sau khi chết như Upir và Vrykolakas, con Strigoi này trải qua nhiều biến đổi khác nhau sau khi trỗi dậy từ nấm mồ. Đầu tiên nó có thể là một con yêu tinh (poltergeist) vô hình quấy rối gia đình bằng việc dời chuyển đồ đạc và đánh cắp thức ăn. Sau đó Strigoi hiện hình rõ ràng như người sống bình thường, rồi lại quay về gia đình quậy phá, xin ăn và gieo rắc dịch bệnh. Lúc này Strigoi bắt đầu tấn công con người, trước tiên là gia đình của nó và sau đến là bất cứ ai nó gặp trên đường.

Ngoài ra người ta cũng sợ lũ ma cà rồng sống (không phải người chết đội mồ sống dậy) gọi là Strigoi Viu. Đó là những đứa bé sinh ra dị dạng, như là có đuôi hay có màng thóp bằng kim loại. Khi Strigoi Viu này chết đi, người ta phải thiêu hủy xác của nó để tiệt trừ hậu hoạn. Ở những vùng khác của Đông Âu, lũ quỷ dữ dạng Strigoi được gọi là Vampire, hay Vampyr, biến thể từ Upir của Nga. Các quốc gia Tây Âu sau đó đã vay mượn từ này và thế là Vampyr (sau là Vampire) chính thức bước vào tiếng Anh.

Vào các thế kỷ 17 và 18, cơn sốt hoảng sợ ma cà rồng lan khắp Tây Âu. Người ta bảo họ nhìn thấy người chết sống lại đi khắp nơi tấn công người sống. Các chính quyền đã cho khai quật các phần mộ để thiêu hủy xác. Từ đó thế giới ma cà rồng gây kinh hãi khắp Tây Âu và đi vào thơ ca và hội họa. Sau đó các tác phẩm này gây cảm hứng cho nhà văn Ireland Bram Stoker viết nên tiểu thuyết nổi tiếng Dracula.

Dracula của Bram Stoker

Dracula của Stoker là một người có thật trong lịch sử - đó là hoàng thân Vladislav Basarab, cai trị xứ Wallachia (Valachie) vào giữa thế kỷ 15, thường được gọi là Vlad Dracula hay Vlad Tepes (nghĩa là “Vlad người đóng cọc”) do sự tàn bạo của ông ta đối với đối phương (đóng cọc nhọn xuyên qua thân người). Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy người ta tin rằng ông ta là ma cà rồng. Con quỷ của Stoker không phải là bản sao của Dracula, mà chủ yếu là Stoker mượn tên ông hoàng hung ác này để xây dựng hình tượng. Khác với con quỷ Strigoi vô gia cư, ma cà rồng của Stoker là nhà quý tộc sống trong lâu đài nguy nga hẳn hoi.

Tại sao có hiện tượng ma cà rồng?

Không có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ ma cà rồng tồn tại, song tiến bộ y học đã chứng tỏ được hạnh kiểm quỷ dữ này. Một trong các “bệnh lý ma cà rồng” là chứng rối toạn chuyển hoá porphyrine (porphyria). Chứng bệnh cực hiếm này sinh ra do sự mất cân bằng trong sản sinh heme, một sắc tố giàu chất sắt trong máu. Người mắc chứng bệnh này rất sợ ánh sáng mặt trời, đau bụng nhiều và có thể bị mê sảng. Thời xưa người ta chữa trị bệnh này bằng cách cho bệnh nhân uống máu tươi để khắc phục tình trạng mất quân bình trong cơ thể (mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nào về điều này). Một số bệnh nhân loại này thường có miệng và răng màu đỏ do hoạt động sinh sắc tố heme không ổn định. Porphyria có tính di truyền nên xưa nay người ta thường tập trung những bệnh nhân này vào một số khu vực nhất định.

Nguyên do thứ hai làm phát sinh “bệnh lý ma cà rồng” là chứng giữ nguyên thể (catalepsy), một sự kết hợp giữa chứng động kinh, tâm thần phân liệt và các bệnh khác tác động đến hệ thần kinh trung ương. Khi bệnh nhân lên cơn, toàn bộ cơ thể sẽ cứng đơ, nhịp tim và hơi thở suy yếu. Đôi khi người ngoài tưởng lầm bệnh nhân catalepsy đang lên cơn dữ dội là... một xác chết!

Ngày nay, y học đã có hiểu biết và đầy đủ phương tiện để kiểm tra xem một người nào đó còn sống hay đã chết thật sự. Tuy nhiên, ngày xưa con người chỉ dựa vào hiện tượng bên ngoài để phán đoán sinh mệnh một người, chính vì thế mà bệnh nhân catalepsy thường hay bị chôn lầm có thể “sống lại”. Giai đoạn bộc phát bệnh catalepsy có thể kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày - đủ thời gian để tiến hành một đám ma! Sau khi tỉnh lại trong phần mộ, nếu bệnh nhân còn mắc thêm chứng rối loạn tâm thần thì anh ta dễ bị coi là... ma cà rồng!

Trong khi các hiện tượng này gây sợ hãi cho con người, căn nguyên của toàn bộ truyền thuyết và hiểu biết về ma cà rồng lại nằm ở tâm lý hơn là thể xác. Sự chết là một trong các khía cạnh bí ẩn nhất của cuôc sống và mọi nền văn hóa cổ kim đều quan tâm đặc biệt đến hiện tượng. Một cách để luận giải về cái chết là nhân cách hóa nó - mang lại cho nó một dạng hữu hình, Thế nên, các con quỷ dữ Lamastu, Lilith và lũ ma cà rồng tương tự thời xa xưa là những cách giải thích đối với một điều bí ẩn kinh khủng, cái chết đột ngột của một trẻ nhỏ và bào thai trong tử cung. Con quỷ Strigoi và các thi thể phục hoạt khác chính là các tượng trưng cuối cùng của sự chết - chúng là di hài thật sự của những người đã chết.

Ma cà rồng cũng là ''hiện thân'' mặt tối của con người. Bằng cách vạch rõ cái ác thông qua các hình ảnh siêu nhiên, con người có thể luận giải tốt hơn về chính các xu hướng ác của mình. Sự biểu hiện quá nhiều con quỷ giống ma cà rồng trong xuyên suốt lịch sử, cũng như sự ám ảnh không dứt của chúng ta đối với lũ hút máu này, chứng tỏ rằng đó là một phản ứng tổng thể đối với thân phận con người. Nó đơn giản là bản tính con người nhằm loại trừ những sợ hãi.

-------

Bí ẩn hồn lìa khỏi xác

Bí ẩn về cái chết luôn luôn là nỗi ám ảnh của con người. Từ rất xa xưa, người ta đã muốn khám phá thế giới của con người sau khi chết. Thế nhưng trước đây, đi vào lĩnh vực ấy, chủ yếu chỉ có hai con đường: triết học và tôn giáo. Từ thế kỷ XVI đến nay, vấn đề được xét dưới một khía cạnh mới mang sắc thái sinh lý, sinh vật và y học.

Từ hơn 100 năm trước, những hiện tượng tâm linh được nhìn dưới góc độ khoa học. Loại nghiên cứu này được gọi là tâm linh học với nhiều tổ chức như Hội điều tra tâm linh của Đại học Cambride thành lập từ thập nhiên 1850. Gần đây, tên gọi tâm linh học được thay thế bằng siêu tâm lý học (Parapsychology). Một trong những vấn đề được ngành siêu tâm lý học quan tâm là những kinh nghiệm kỳ lạ thoát ly thân xác và thể nghiệm cận kề cái chết.

Kinh nghiệm thoát xác (Out of the body experience - viết tắt OBE)

Có thể được hiểu là kinh nghiệm linh hồn thoát ly thân xác, được tâm linh học giải thích: "Đó là kinh nghiệm của một cá nhân ở góc độ ngoài thân thể nhận biết thế giới". Hiện tượng thấu thị hay tri giác siêu cảm quan đều là những biểu hiện miêu tả tính chất của kinh nghiệm thoác xác. Một số thư tịch cổ đều có đề cập tới việc thần du, hồn du, nhập minh (vào cõi u minh), xuất thần, xuất hồn, cùng nhiều dạng thể nghiệm cảm nhận trực giác cái chết.

Hiện tượng này được coi là đặc thù nhưng không phải hiếm thấy trong sử sách cổ của Trung Hoa và cả ở phương Tây. Vào thế kỷ XVII, một nhà khoa học trứ danh của Thụy Điển đã trải qua những kinh nghiệm kỳ lạ như vậy. Từ 55 đến 84 tuổi, mỗi ngày Swif liên tục nằm mộng giữa ban ngày. Trong giấc mơ - một hình thức thoát xác - ông đã thần du lên trời, xuống đất, gặp gỡ thiên sứ, hội ngộ với nhiều vua chuá xa xưa, tiếp xúc với vô số linh hồn, giao du với người cung trăng, người Hoả tinh, Thủy tinh. Ông đã tường thuật chi tiết những điều tai nghe mắt thấy... trong mơ.

Từ đó, ông thiết lập lý luận mang tên Đối ứng u minh. Ở phương Tây, vấn đề nghiên cứu hiện tượng thoát xác - thần du đã trải qua lịch sử hơn 100 năm. Ra đời sớm nhất và phổ biến nhất về loại kinh nghiệm này là học thuyết "thần tri", được dùng làm cơ sở để xác lập lý luận Astral body, có nghĩa là một loại gần giống linh hồn, có thể tách rời thân xác để ngao du.

Năm 1929, hai tác giả người Anh và Mỹ - Carynton và Merdeen - hợp tác để hoàn thành công trình Linh thể rời thần xác. Trong công trình này, họ đưa ra nhiều dẫn chứng về hiện tượng linh thể thần du. Về sau, để phân biệt với khái niệm Asstral body, tâm linh học gọi hiện tượng này là kinh nghiệm thoát xác.

Theo điều tra của các chuyên gia, kinh nghiệm thoát xác là một loại thể nghiệm tương đối phổ biến với số người trải qua kinh nghiệm này khá đông. Điều tra tại Mỹ, Anh, Bangladesh, Hà Lan cho biết số người trải qua kinh nghiệm thoát thể chiếm từ 8 - 34%. Có người đã trải qua nhiều lần kinh nghiệm này, một số người khác còn cho biết họ có khả năng thoát xác một cách chủ động.

Thực ra, kinh nghiệm thoát xác và tín niệm tôn giáo không hề liên quan nhau. Đại đa số những người có kinh nghiệm này đều kiên trì cho rằng kinh nghiệm của họ và hiện tượng mộng cảnh là hoàn toàn khác biệt, bởi trong kinh nghiệm thoát xác, người ta có thể nhớ lại rõ ràng. Theo điều tra của Green, một phụ nữ đã tự thuật: "Lúc đó, tôi bị bệnh trầm trọng, đang nằm trên giường trong bệnh viện và không thể nhìn thấy bên ngoài. Một buổi sáng sớm, tôi cảm thấy mình bay bổng lên, nhìn xuống các bệnh nhân khác, đồng thời thấy chính tôi đang tựa vào chiếc gối, mặt trắng bệch. Bác sĩ cùng em gái tôi mang bình dưỡng khí đến trên một góc giường - nơi có cô gái quấn băng trên đầu. Bỗng nhiên, tất cả đều biến thành một khoảng trống không. Khi mở mắt, tôi thấy em gái tôi đang đứng trước mặt". Khi bà kể lại sự việc, em gái bà kinh ngạc vì hoàn toàn đúng như sự thật đã diễn ra. Nhiều người trải qua kinh nghiệm này đều có thể kể lại một cách sống động. Họ nói rằng trong thời gian thoát xác, thị giác hoạt động tối ưu, có thể nhìn thấy xuyên qua tường vách, chân di chuyển nhẹ nhàng và không có gì có thể cản ngăn hành động của họ. Có điều, khi cố ý di chuyển một đồ vật, họ không thực hiện được cũng như không thể làm cho người khác nhận ra mình. Trong những thể nghiệm của những người sống lại sau khi được chẩn đoán là đã tử vong, họ thường ở thư thế thật thoải mái và có khả năng tri giác siêu cảm quan như kiểu "thiên lý nhãn".

Trước hiện tượng này, nhiều chuyên gia phương Tây đã dùng nhiều phương pháp để nghiên cứu và khám phá. Đối với các trường hợp có thể chủ động thực hiện kinh nghiệm thoát xác, dùng thiết bị thăm dò, kết quả cho thấy khi thoát xác, chỉ số của tim, điện não đồ, hoạt động của nhãn cầu đều từ từ thay đổi. So với lúc ngủ và nằm mơ, các chỉ số sinh lý này có điểm khác biệt, chứng tỏ rằng kinh nghiệm thoát ly thân xác không phát sinh trong lúc ngủ và là một loại trạng thái tâm lý đặc thù không giống như giấc mơ. Khi kiểm tra bằng các thiết bị tia hồng ngoại và tử ngoại, các thiết bị điện trở biến nhiệt, rất ít khi nhận được phản ứng. Điều đó chứng tỏ rằng trong thời kỳ trải qua kinh nghiệm thoát xác, không xảy ra các hiện tượng vật lý bình thường. Nói cách khác, nếu có, thì hiện tượng vật lý này chưa thể nhận biết bằng các thiết bị hiện có, mà cần thiết một phương pháp thăm dò khác.

Theo Phật giáo, khi đạt tình trang "xuất thần", con người có thể nhận biết "dương thần" và cả "âm thần" mà người khác không thể thấy được. Kinh Lăng Nghiêm của Phật giáo, quyển thứ 9 nói người tu theo lối thiền định, đạt trình độ "âm tận" (đệ tứ thiền" thì có thể "kỳ tâm ly thân, phản quan lỳ diện, khứ trú tự do" (tâm rời thân xác, nhìn thấy chính mình, đi ở tự do) và "tâm ly kỳ hình, như điều xuất lung" (tâm rời hình xác như chim sổ lồng). Mật giác Tây Tạng cũng nhắc tới trường hợp "ảo thân", tức thần thức có khả năng thoát ly thể xác.

-------

Bí ẩn những người sống sot sau sét đánh

Khi sét đánh vào đám đông, nó chỉ trúng vào một người. Tại sao vậy? Người "được chọn" khác gì với những người kia? Cơ thể của người đó về sau thay đổi ra sao? Những nghiên cứu mới đây đã cho phép giải đáp một số, nhưng không phải là tất cả bí ẩn từ giông tố.

Sét săn đuổi chúng ta

Xác suất sét đánh trúng một người dường như không lớn, tối đa là 1/600.000. Nhưng khả năng đó tăng theo từng năm. Số người bị sét đánh ngày càng tăng lên, mặc dù bản thân sét phóng không thường xuyên hơn - vẫn khoảng 8 triệu lần mỗi ngày. Ở Mỹ, các hãng bảo hiểm thống kê số nạn nhân bị sét đánh, trung bình mỗi năm khoảng 600 người. Hiện tại con số này đã thay đổi đáng kể - tăng tới 1.500 người. Vậy có phải sét săn lùng con người như những con thú săn con mồi?

Đôi khi thực tế có thể so sánh sét với một “cơ thể sống”. Một giáo sư đã đánh giá sét như sau: “Những mũi chống sét dày đặc không làm sét lúng túng. Khi con đường thông thường đã bị chặn kín, sét tiến tới mục tiêu từ dưới, nó có đường vòng trong lòng đất”. Nhưng cho đến giờ người ta không hiểu được cái gì thu hút “cơ thể sống” này tới một cơ thể sống khác là con người. Có những nhà khoa học thậm chí nghiêm túc cho rằng đó là do testosterone - hormone sinh dục nam. Họ không tìm thấy cách giải thích khác bởi 86% những người bị sét đánh là đàn ông, nhưng lực hấp dẫn của hormone này ở chỗ nào thì họ lại không nói rõ được, mặc dù khẳng định trong đám đông sét nhất định chọn người có lượng testosteron cao hơn.

Mồ hôi sôi lên, giày bị cháy thành than

Một điều không kém bí ẩn là tác động của sét khi nó xuyên qua cơ thể. Tưởng như điện tích hàng chục triệu von và dòng điện hàng trăm ngàn amper sẽ phải giết chết con người trong khoảnh khắc. Nhưng một số người không hiểu sao lại sống sót, mà không phải chỉ có một vài người như vậy. Ở Mỹ con số này là gần 900 người/năm. Đó là thông báo của Hội những người sống sót sau khi bị sét và dòng điện đánh (LS&ESSI). Theo bác sĩ thần kinh Nelson Hendler (Mỹ), những người này rất muốn để người ta nghiên cứu họ, nhưng ít ai lao vào vấn đề này vì cho rằng sét và dây dẫn trần hoạt động như nhau. Hóa ra là không phải như vậy. Đôi khi sét không để lại dấu vết gì trên cơ thể, nhưng lại xuyên qua các bộ phận bên trong. Hoặc ngược lại, sượt qua bên ngoài nhưng làm cháy áo quần và giày. Đã có trường hợp khi trên cơ thể người mồ hôi sôi lên, tạo ra đám mây hơi bao bọc xung quanh. Những đồng xu trong túi quần một người bị nóng chảy ra, biến thành một cục đồng, ở một người khác chiếc răng vàng bị chảy, người khác nữa bị chảy chiếc dây chuyền trên cổ và khóa kéo trên quần... Nhưng họ vẫn sống sót.

Các dây thần kinh “cháy” như dây dẫn

Những nghiên cứu cho thấy con người thoát chết bởi vì mặc dù luồng điện phóng có công suất lớn khủng khiếp nhưng chỉ “xuyên” qua cơ thể trong vòng vài phần triệu giây. Và không phải lúc nào cũng kịp đốt cháy. Cường độ tác động phụ thuộc vào trở kháng của các cơ quan và mô, trung bình khoảng 700 OHM. Số OHM càng lớn, hậu quả càng nặng nề.

Theo bà Mary Enn Kuper, nhà nghiên cứu các chấn thương do sét và chuyên gia hồi sức của Mỹ, mạch điện của chúng ta - những sợi thần kinh, bị “cháy” đầu tiên. Trong trường hợp nhẹ nhất vỏ bảo vệ của các sợi này, về bản chất giống như lớp cách ly ở các dây dẫn, bị tổn thương. Tỉnh lại sau cơn sốc, nạn nhân thậm chí có thể không cảm thấy những thay đổi. Đôi khi tác động chỉ thể hiện sau vài tháng, khi các sợi thần kinh bắt đầu “đoản mạch” và tạo ra những chỗ tiếp xúc ở nơi lẽ ra không cần có. Điều đó giải thích một số vấn đề ở những người sống sót.

Thực tế nhiều thành viên của LS&ESSI than phiền về sự định hướng cử động kém, chứng co giật, ù tai, đôi khi không kiểm soát được tiểu tiện, trở nên cáu gắt hơn. Một người đàn ông bị sét đánh thậm chí còn cạo trọc đầu, không phải vì đó là mốt mà do không chịu nổi việc tóc thường xuyên “lay động”.

Nhưng cũng có những tác động tích cực được ghi nhận. Một người tên Ian Glovache từ Cộng hòa Séc cho biết về sự hồi phục đáng kinh ngạc khả năng tình dục đã mất đi trước khi bị sét đánh. Theo bà Mary Enn, có thể ở anh ta đã xảy ra sự “đoản mạch” trong tủy sống và xuất hiện sự liên kết có tác dụng khôi phục việc truyền các sung thần kinh đảm trách sự cương cứng.

Phomai chảy

Có trường hợp sét đánh thẳng vào đầu. Khi đó hậu quả rất nghiêm trọng, từ nổ mắt, hôn mê và tê liệt hoàn toàn đến những hành vi cư xử lạ lùng. Một trong những bệnh nhân của tiến sĩ Hedler sau khi bị sét đánh đã “hồi tưởng” lại tuổi thơ và có hành vi như một đứa bé 2 tuổi. Người khác thì bị mất trí nhớ ngắn hạn, còn anh ta phải ghi ra giấy việc để đồ vật của mình ở đâu, nếu không sẽ không thể tìm thấy chúng. Ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy sét ngắt một phần đáng kể não của những người này. Nhưng thường những tổn thương bị ở từng điểm và cùng một lúc ở vài chỗ. Các nhà nghiên cứu thậm chí có thuật ngữ “đầu phomai Thụy Sỹ”, với nghĩa là những chỗ bị tổn thương nằm phân tán, như các lỗ hổng trên phomai cứng. Không ai có thể nói trước “các lỗ hổng” xuất hiện ở đâu, nhưng rõ ràng những bất thường phụ thuộc vào vị trí của chúng.

Ông Harold Dean ở bang Missouri trở nên nổi tiếng vì ông không có cảm giác lạnh nữa. Thậm chí mùa đông ông chỉ mặc áo phông. Chị Elen Vard ở Anh thì lại có cái mũi thính như mũi... ***. Lần theo mùi, chị có thể tìm thấy các vật mà trước đó có người đã sờ vào. Còn Hunter Lunge ở Berlin lại có được khả năng toán học đáng kinh ngạc: nhân nhẩm những số sáu chữ số. Nói một cách khác sét có thể biến con người trở nên giống cơ thể đột biến. Nhưng thú vị hơn là hóa ra trong não người còn tiềm ẩn những khả năng để hoàn thiện.

Cầu chì mất tác dụng

Có một số người sau khi bị sét đánh đã có thể nhìn xuyên qua người khác. Một phụ nữ có thể xóa các sọc từ trên thẻ tín dụng và các vé tàu xe bằng cách sờ tay vào. Bà bị tổn thương một vài chỗ ở phần trán trong não. Một người đàn ông bị “lỗ hổng” ở phần thái dương trái nói rằng anh ta cảm thấy bức xạ điện từ. Trên thực tế anh xác định được trong dây dẫn đang có dòng điện hay không.

Thử nghiệm của các nhà khoa học cho thấy việc ngắt một vài phần não, đóng vai trò kiểu như cầu chì, có thể làm tăng khả năng làm việc của não. Nhưng ai biết được những chỗ nối mới hay “đoản mạch” trong mạng lưới thần kinh sẽ dẫn đến hậu quả thế nào? Có vẻ như đôi khi sét có khả năng “hàn” các tiếp điểm, như trong vi mạch của máy tính. Sét không chỉ làm tê liệt hệ thần kinh, mà nó còn làm nảy sinh những khả năng bất thường siêu tự nhiên.

-------

Bí ẩn phút hấp hối

Con người đã và đang tìm kiếm các dấu hiệu tin cậy về cái chết để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Bên cạnh đó, các nhà khoa học thực sự lúng túng khi một số người đã kể lại cái chết cho biết những gì mà họ cảm nhận được trong thời gian hoàn toàn bất tỉnh hoặc mất hết hy vọng được cứu sống.

Vào năm 1957, tại một sân bay nhỏ của Anh đã xảy ra tai nạn khi máy bay hạ cánh. Một bác sĩ ngồi ghế phía sau bị văng khỏi báy bay, ngất đi và không có dấu hiệu sống. Từ nơi mà ông ngã gụi không thể nào nhìn được quang cảnh xungh quanh, nhưng thật lạ lùng là người đó thấy rõ tất cả những gì xảy ra ở sân bay. Nạn nhân thấy thân thể của ông ta nằm bất động ở phía dưới mình khoảng 60m, thấy cả người hoa tiêu và phi công dính máu đang chạy về phía mình. Việc những người đó biểu lộ sự chú ý đối với thân thể của ông đã làm bác sĩ ngạc nhiên và bực tức. Ông muốn được yên tĩnh. Sau đó, nạn nhân thấy một ôtô cứu thương từ nhà để xe đi ra và một bác sĩ nhảy vào. Xe chở nạn nhân dừng lại một trạm xá và lấy theo một thiết bị. Tiếp đó, nạn nhân theo dõi thấy xe chạy với vận tốc lớn, mang "thi thể" của ông tới bệnh viện thành phố. Thân thể nạn nhân được đặt lên một cái bàn trắng, mọi người cúi xuống làm việc. Ông ta cảm thấy mùi khó chịu của clorua amonium. Vào đúng thời điểm đó, ý thức rõ ràng và bình thản của nạn nhân đột nhiên mờ hẳn và lại quay vào "trong" thân thể bị thương, kèm theo cảm giác đau đớn.

Sau này, do tò mò, người đó đã phục hồi tỉ mỉ các sự việc ấy và những điều mô tả hoàn toàn khớp với thực tế.

Vào năm 1892, một nhà địa chất người Thụy Sĩ tên là Enbơ Hem bị trượt ngã xuống vực sâu, nhưng may mắn thoát chết. Quan tâm đến những cảm nhận của mình trong khoảnh khoắc hoàn toàn thất vọng, nhà địa chất đã thu thập được 32 trường hợp tương tự. Ông nhận thấy rằng, tất cả các "đồng sự" của mình đều trải qua một cái gì đó giống nhau ở ngưỡng cửa của cái chết khó tránh khỏi. Những quan sát đó của A. Hem đã được bổ sung đáng kể, đặc biệt là vào những năm gần đây, khi công việc hồi sinh đã có nhiều kết quả.

Khi rơi từ độ cao lớn, ở thời điểm đầu tiên, con người trải qua sự sợ hãi mạnh mẽ, tìm kiếm một cách vô vọng các khả năng cứu thoát. Giai đoạn thứ hai xuất hiện sự nhận thức đầy đủ về cái chết không tránh khỏi và các ý định thoát thân đã rời khỏi não bộ. Cái chết không còn làm kinh hoàng và phiền muộn, nhưng những điều vụn vặt ngớ ngẩn lại làm lo lắng: xót xa vì rách bộ quần áo đang mặc, vỡ vụn cặp kính đang đeo hoặc hỏng mất cái máy ảnh... Nếu thời gian rơi đủ dài thì sẽ xuất hiện giai đoạn thứ ba - hồi tưởng quá khứ. Các thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời hiện ra thành các mảng hình ảnh, giống như quan sát chúng từ tầng trên của rạp hát. Tuy nhiên, những hình ảnh ấy mãnh liệt đến mức nào còn tuỳ thuộc vào đặc điểm cá nhân của mỗi con người.

Vào năm 1972, một người trượt tuyết 19 tuổi bị ngã từ độ cao hàng ngàn mét và thoát chết với cái mũi dập nát. Nạn nhân kể lại:

"Khi bắt đầu rơi, tôi gào thét thảm thiết, nhưng sau đó, tôi hiểu rằng tôi đã chết. Cả cuộc đời hiện ra trước mắt tôi như một ánh chớp. Tôi thấy khuôn mặt mẹ tôi, thấy ngôi nhà mà trong đó tôi sống, thấy các bạn bè ...". Còn Hem lại mô tả bức tranh quá khứ như sau: "Tôi thấy mình là đứa bé bảy tuổi đi đến trường học, rồi thấy mình hồi lớp bốn cùng với thầy giáo yêu quí".

Các cảm xúc hồi tưởng quá khứ kéo dài không lâu và chuyển qua một trạng thái thần bí. Khi một người rơi xuống vực thẳm thì người đó hiểu được rằng, thân thể của mình sẽ va vào đá và bị huỷ hoại, xương sẽ gãy vụn và dập nát. Nhưng sự hồi tưởng về bản thân hoàn toàn không liên quan tới cơ thể nữa. Bắt đầu từ một thời điểm nào đó, nạn nhân không hề lưu tâm đến "thân xác" của mình. Sự cảm nhận của nạn nhân bị xâm chiếm bởi các ý nghĩ tuyệt đẹp và xen lẫn những nốt nhạc du dương. Một trạng thái tinh thần thanh thản, nạn nhân bay qua các bầu trời mày hồng và màu lam lộng lẫy, ở trạng thái siêu việt đó, nạn nhân cảm thấy dễ chịu đến nỗi nảy sinh sự phản kháng rõ rệt chống lại những cố gắng đưa cơ thể về với sự sống.

Tuy nhiên, đôi khi con người cũng có thể rời vào trạng thái đặc biệt do quá sợ hãi. Trường hợp như vậy đã xảy ra với nhà du lịch nổi tiếng Đevit Lêvingxtơn tại một vùng rừng Phi Châu. Một con sư tử nhảy đến sau lưng ông và bắt đầu cắn xé. Nạn nhân ngã sấp, cảm thấy rơi vào trạng thái thiêm thiếp, không hề thấy đau và hoảng hốt. Nạn nhân không thể và không muốn cử động, phản kháng. Con sư tử chấm dứt hành hạ cơ thể nạn nhân và ngồi cạnh ông. Khi đó sức lực của nhà du lịch đột nhiên trở lại. Ông bật dậy và phóng chạy thoát thân.

Trong những năm gần đây, các cảm nhận của những người chết lâm sàng đã được phân tích tỉ mỉ trong cuốn sách của R.Mouđi: Cuộc sống sau cái chết. Những người như vậy trải qua một cái gì đó giống nhau, mặc dù độ rõ nét có thể khác nhau. Họ rời bỏ "thân xác" và dễ dàng bay bổng lên không trung, quan sát hành vi của mọi người khác từ phía trên. Sau đó một quần sáng xuất hiện, giúp họ nhớ lại các sự cố của cuộc đời. Quầng sáng có thể thúc giục họ trở lại với "thân xác" vì còn chưa tới lúc "chuyển tiếp"...

Một câu hỏi hay được đặt ra là làm thế nào để phân biệt một người bất tỉnh nhân sự với một người vừa mới chết?

Lịch sử y học đã chứng kiến nhiều trường hợp mà trong đó các bác sĩ giàu kinh nghiệm nhất cũng mắc phải sai lầm. Vào thế kỷ XI, Anđrei Vazali bị kết án tử hình vì đã giải phẫu thân thể một nhà quí tộc Tây Ban Nha. Người này đã tỉnh lại trên bàn mổ và bình phục trở lại. Tuy thế, bản án đối với ẠVazali vẫn được thi hành. Một điều trùng hợp kỳ lạ là chính viên quan toà đã dựng lên án đó, chẳng bao lâu cũng hồi tỉnh trên bàn mổ tử thi, nhưng sau đó ông ta không qua khỏi.

Vào năm 1964, tại một trong các nhà xác ở New York có một "tử thi" sống lại, đã nắm chặt lấy cổ và tay nhà phẫu thuật bệnh lý khi ông ta vừa thao tác dao mổ. Một nhà thơ tên là Patrarka đã hồi tỉnh trước khi đưa đi mai táng 4 giờ và còn sống thêm được 30 năm nữa. Một người phục vụ ở Vatican được coi là đã chết do bệnh hen. Trong số các bác sĩ làm nhiệm vụ có một người rất cẩn thận, đã đưa ngọn nến đến gần mắt người chết. "Tử thi" co giật mạnh và sau đó còn sống được khá lâu, với một cái sẹo trên mũi do bỏng.

Vào đầu thế kỷ XX, một hội đồng các bác sĩ có uy tín của Anh đã tiến hành nghiên cứu và kết luận rằng, mỗi năm ở nước này có khoảng 2.500 người bị chôn sống. Có thể điều vừa nêu bị phóng đại, nhưng quả thật có không ít trường hợp những người còn sống đã bị chôn vùi. Chính tại Anh và cuối những năm 60, đã xuất hiện một thiết bị đầu tiên cho phép ghi nhận được hoạt tính điện rất nhỏ của tim. Trong lần thử đầu tiên tại một nhà xác, người ta đã phát hiện được một cô gái còn sống nằm giữa các tử thi.

Những điều nêu trên cho thấy rằng, giữa sự sống và cái chết không có một ranh giới rõ ràng như đôi khi chúng ta vẫn tưởng. Sự ngưng thở được coi là dấu hiệu đầu tiên của cái chết. Nhưng ngay từ thế kỷ trước, quan niệm đó đã bị phủ nhận hoàn toàn. Một số nhà Yoga có thể tự ngừng thở mà sau đó vẫn sống khoẻ mạnh. Dấu hiệu khác của cái chết là sự mất mạch và sự ngừng hoạt động của tim. Tuy nhiên, điều đó không phải bao giờ cùng đúng. Các nhà Yoga có thể điều khiển nhịp đập của tim sao cho các dụng cụ đo chính xác cũng chỉ báo là tim hoàn toàn ngừng đập.

Số đo thân nhiệt cũng không thể là dấu hiệu đầy đủ của cái chết. Đã có những trường hợp người đứng tuổi sống qua ngày ở một khu nhà lạnh lẽo, nhiệt độ thân thể hạ xuống khoảng 24ºC mà họ vẫn không chết. Một cậu bé ở Thụy Điển được tìm thấy dưới lớp tuyết với nhiệt độ thân thể 18ºC, nhưng đã bình phục mà không có những biến chứng đáng kể. Một số chứng bệnh (như tả, đậu mùa, uốn váng) có thể làm cho thân thể tăng nhiệt độ sau khi chết.

Sự thay đổi ở nhãn cầu hay sự cứng đờ của thân thể cũng không phải là dấu hiệu tin cậy của cái chết. Hơn nữa, một số cơ quan tiếp tục hoạt động sau thời điểm chết lâm sàng. Cái chết tiến đến không tức thời. Đó là một dạng tồn tại đặc biệt, một sự tiến hoá dần dần với một xác suất thuận nghịch nhất định. Tử thi không có trường sinh học và cái đó cũng không thể là dấu hiệu của cái chết, bở vì trường sinh học ở một số người sống cũng có thể tạm thời biến mất. Tử thì có thể lưu giữ một hoạt tính điện nào đó cho đến ngày thứ 39, khi mà xung não đáng kể cuối cùng được ghi nhận.

Tuy vậy, việc hồi sinh được phép tiến hành sau khi nạn nhân bị chết lâm sàng chỉ mấy phút. Bởi vì nếu để lâu quá thì trong một số trường hợp, những người được cứu sống sẽ tiếp tục tồn tại mà không có tri giác, giống như những con búp bê sống. Giới hạn thời gian hồi sinh phụ thuộc vào các khả năng của nền y học hiện đại.

Tất cả những điều nêu trên có tác dụng lưu ý chúng ta hãy thận trọng khi xem xét các quá trình xảy ra với con người trên ranh giới giữa sự sống và cái chết.

-------

Bí ẩn về ngày của quỷ

http://mariecurie.biz/images/uploads/1/1214395491.jpg
Ở các nước phương Tây với đa số dân theo Công giáo, con số 666 được xem là con số của quỷ. Năm nay, ngày 6/6/2006, ứng với con số huyền bí 666, sẽ xảy ra chuyện gì? Đương nhiên sẽ là chuyện không hay bởi những gì liên quan đến quỷ thì có gì là tốt. Nhưng không phải ai cũng tin như thế.



6/6/2006 là ngày duy nhất trong thế kỷ 21 này có dãy số 666 huyền bí. Xưa nay, người ta sợ con số này bởi trong quyển cuối cùng của bộ kinh Tân Ước, thường gọi là sách Khải huyền, con số 666 được cho là dấu ấn đáng sợ của quỷ Sa-tăng. Con số 666 rất ấn tượng này thật ra không phải là “đặc sản” của Công giáo. Nhiều tôn giáo và nền văn hóa khác cũng xem con số này là xui xẻo, chỉ mang lại tai họa.


Tránh sinh con


Lo lắng nhất phải kể đến các thai phụ sắp sinh con trong tháng này. Trên website của tạp chí Mẹ và con, xuất bản tại London, các bà bàn luận sôi nổi chuyện nên hay không nên sinh con vào cái ngày đáng nguyền rủa ấy. Bà Francesca Renouf nói bà lo sợ đến nỗi buộc một bác sĩ bảo đảm với bà rằng sẽ không có chuyện sinh con vào ngày 6/6/2006. Một thai phụ khác, Melissa Parker, tâm sự trên tờ The Sun: “Mỗi ngày, tôi thức giấc với linh cảm sắp có chuyện chẳng lành. Nghĩ tới cảnh sinh khó hoặc sinh ra một đứa con có mầm mống của cái ác trong người vào ngày 6/6/2006 là tôi hãi hùng. Tệ hơn nữa, đứa bé có thể chính là quỷ dữ bằng xương bằng thịt”.

Nhưng có nhiều thai phụ khác không quan trọng hóa vấn đề như bà Parker. Thậm chí họ còn định đặt tên con theo tên nhân vật trong các phim kinh dị. Ví dụ bà Emma Parker cho biết sẽ đặt tên con là Damien, tên đứa con trai hiện thân của quỷ trong phim The Omen nổi tiếng. Một bà khác tên Donna Magnante, chọn tên Regan, một nhân vật trong phim The Exorcist.

Hiểu sai kinh thánh


Sách Khải huyền có nhiều đoạn trình bày thiếu khúc chiết có thể hiểu nhiều cách. Con số 666 nằm trong một đoạn như thế, cụ thể ở chương 13, từng gây tranh cãi giữa các học giả. Một số học giả cho rằng người ta đã hiểu sai. Con số của quỷ chính xác là 616 chớ không phải 666. Tuy nhiên, xưa nay người ta vẫn thiên về dãy số 666 bởi cái vẻ huyền bí của nó.

Phillips Stevens Jr., giáo sư khoa nhân chủng học thuộc Đại học Khoa học và Mỹ thuật, nhận xét: “Khải huyền là một cuốn sách phức tạp và lộn xộn. Các học giả đã tìm thấy nhiều 'con quỷ' trong chương 13 và nhiều chương khác. Tất cả đều nói về Rome, các hoàng đế La Mã, các kiểu thờ thần La Mã và thờ cúng hoàng đế”.

Theo giáo sư Stevens, cũng giống như mọi kiểu mê tín dị đoan, cái gọi là con số của quỷ dựa trên một dữ liệu sai. Chữ "quỷ" trong sách Khải huyền không chỉ quỷ Sa-tăng mà là nhiều thực thể khác nhau.

Tác giả sách Khải huyền là John ở Patmos mà người ta thường gọi là thánh John tông đồ. Ông viết cuốn sách này với ít nhiều mật mã. Giáo sư Stevens cho rằng dãy số 666, dấu ấn của quỷ, có nghĩa là những người tận tâm phục vụ hoàng đế La Mã, cũng đồng nghĩa với chống Chúa. Nó cũng là con số tương đương với số từ Nero Caesar (vị hoàng đế La Mã cuối cùng của triều đại Julio- Claude khét tiếng độc ác) trong tiếng Do Thái.

Doanh nhân tìm vận may


Ai lo sợ mặc ai, riêng giới kinh doanh ngành công nghiệp giải trí lại thấy ngày 6/6/2006 là một cơ hội trăm năm mới có để biến quỷ thành vàng.

Ngày 6/6 tới, hãng phim 20th Century Fox sẽ tung ra phim The Omen. Làm lại từ bộ phim ma quỷ cùng tên nổi tiếng ăn khách năm 1976, đạo diễn John Moore cho biết ý nghĩa sâu xa của phim The Omen mới là bình phẩm một thế giới thời hậu 11/9/2001. Phần mở đầu là những đoạn phim tư liệu quay cảnh sụp đổ của tòa tháp đôi ở New York, vụ nổ tàu con thoi Columbia, thảm họa sóng thần ở châu Á cuối năm 2004, hình ảnh tù binh Iraq bị làm nhục trong nhà tù Abu Graib.

Ngẫu nhiên với con số 666


Nếu bắt đầu từ 1/8/1914 là ngày bùng nổ thế chiến thứ nhất, khoảng cách 666 ngày có một ý nghĩa đặc biệt. Nhân với 666 ta sẽ có một tháng tương ứng đánh dấu bằng những sự kiện tiêu cực với xác suất cộng trừ vài tuần. Ví dụ:

- 5 x 666: Tháng 9/1923. Đúng ngày 1/9, một trận động đất 8,9 độ Richter đã tàn phá một khu vực lớn ở Tokyo.

- 11 x 666: Tháng 12/1941. Ngày 7/12, Nhật tấn công Trân Châu cảng. Mỹ buộc phải tham gia thế chiến thứ hai.

- 17 x 666: Tháng 8/1945. Ngày 6/8, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima.

- 34 x 666: Tháng 8/1976. Đây là thời điểm bùng phát một loạt thảm họa nhân đạo như bệnh Ebola ở châu Phi, động đất lớn nhất thế kỷ ở Trung Quốc (ngày 28/7).

Trong thế giới tự nhiên cũng có những dãy số 666 đáng chú ý như nguyên tử carbon, thành phần cơ bản của sự sống, gồm có 6 hạt proton, 6 hạt neutron và 6 hạt electron.

Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và phu nhân Nancy tin vào sự xui xẻo của dãy số 666. Ngôi nhà của vợ chồng ông ở bang California mang số 666. Khi về hưu, ông bà Reagan yêu cầu chính quyền đổi thành số 668. Cái chuyện mê tín này không hiểu có phải bắt nguồn từ nguyên nhân sau đây: Tên đầy đủ của ông là Ronald Wilson Reagan mà tên đầu, tên lót và tên cuối, tên nào cũng gồm 6 chữ cái!

-------

Bí ẩn các trận giao chiến trên trời

Một trận tử chiến đã diễn ra gần 400 năm trước tại một điểm gần Ethin (Anh) khiến 5.000 binh lính bỏ mạng. Về sau, thỉnh thoảng dân chúng quanh vùng vẫn thấy hình ảnh hai đạo quân ma đánh nhau trên bầu trời.
Các nhà ngoại cảm dùng thuật ngữ “Honting” để biểu thị mối liên hệ giữa một số ảo ảnh với một điểm địa lý nhất định. Thỉnh thoảng, tại những địa điểm ấy, người ta thấy xuất hiện trên bầu trời hàng trăm ảo ảnh. Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ, “Honting” thường quan sát được ở những nơi mà nhiều năm về trước đã diễn ra những trận ác chiến thực sự.
Một trong những địa điểm như vậy nằm ở nước Anh, gần Ethin, là nơi vào năm 1643 hai đạo quân của hoàng tử Rupectơ và Olive Cromoen đã gặp nhau trong một trận quyết chiến. Hơn 5.000 binh lính đã phơi thây trên bãi chiến trường.

http://mariecurie.biz/images/uploads/1/1214426591.jpg
Hiện tượng xuất hiện hình ảnh các trận giao chiến trên trời vẫn là điều bí ẩn. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Sau đó một tháng, những người chăn cừu địa phương đã nhìn thấy một hiện tượng kỳ lạ: Hai đạo quân ma đụng độ nhau dữ dội trên bầu trời, lại nghe thấy tiếng súng nổ, tiếng trống trận và tiếng gươm giáo va vào nhau loảng xoảng... Từ đó trở đi, thỉnh thoảng dân chúng các vùng lân cận vẫn tiếp tục nhìn thấy trận đánh ảo ảnh này diễn ra trên bầu trời chiều.
Năm 1785 tại Uiexto ở Xiledi, người ta đã tổ chức lễ mai táng tướng Phon Coden một cách trọng thể. Vào đúng lúc hạ huyệt, trên bầu trời bỗng xuất hiện một đội quân hùng dũng đang rầm rập tiến bước.
Năm 1748, ở Đôphin gần thành Viên, 20 người đã tận mắt nhìn thấy một đạo binh đang đi trên bầu trời.
Năm 1888, trong suốt mấy tiếng đồng hồ, trên bầu trời Varagodin ở Khovati xuất hiện một đoàn kỵ binh do một viên sĩ quan tay cầm gươm sáng loáng dẫn đầu. Những sự kiện lạ lùng ấy đã được miêu tả khá tỉ mỉ trên báo chí thời đó.
Những trường hợp quan sát thấy “các trận giao chiến trên không trung” tại lãnh thổ nước Nga cũng được ghi lại trong sử biên niên cổ đại.
Trong thời gian diễn ra trận giao chiến với đạo quân Thánh giáo dòng tu của Đức trên mặt hồ đóng băng ở Chuxco vào năm 1242, nhiều binh sĩ trong đội quân của quốc vương Alexandre Nhepxki đã nhìn thấy “một binh đoàn của thượng đế” bỗng xuất hiện trên bầu trời để đến chi viện cho quân Nga...
Vào tháng 11/1956, hai người Anh tên là Pete Dinoviep và Patrich Xkipui đã tổ chức một cuộc du ngoạn trên núi Culin. Vào khoảng 3 giờ sáng, họ bỗng nghe thấy tiếng ầm ầm dữ dội, hai người bèn chui ra khỏi lều và nhìn thấy hàng chục xạ thủ Scotland đang bắn vào kẻ thù vô hình. Sáng sớm, những tiếng động trên bầu trời lại đánh thức họ và lần này họ nhìn thấy những người Scotland ấy, nhưng trông rất thiểu não, đang vội vã tháo chạy và vấp vào những tảng đá vô hình.
Sau khi trở về thị trấn Xlaigasane, Pete và Patrich kể lại những điều mắt thấy tai nghe với viên quản lý khách sạn. Ông ta cho biết rằng họ không phải là những người đầu tiên quan sát thấy hiện tượng này và đó là hình ảnh của trận đánh xảy ra vào năm 1745.
Lý giải của khoa học
Tiến sĩ toán lý A.Gurvich đã giải thích những ảo ảnh tương tự bằng hiện tượng quang học phức tạp trong khí quyển, do sự khúc xạ của ánh sáng trong hệ tầng khí quyển.
Hiện tượng này cũng được khảo sát kỹ lưỡng bởi các nhà vật lý Mỹ A. Phrayde và U.Makhơ. Các nhà bác học này cho rằng đặc tính kỳ lạ của “thấu kính khí quyển” là tạo ra những ảo ảnh khác nhau và thay hình đổi dạng các thông tin do ánh sáng chuyển tải theo mức độ truyền lan của nó qua khối không khí.
Ảo ảnh - quả là một cách giải thích thuận tiện. Nhưng vấn đề là ở chỗ một số biểu hiện của hiện tượng này không hoàn toàn nằm gọn trong kiến giải đó. Chẳng hạn dân chúng ở thị trấn Vecve (Bỉ) đã nhìn thấy trận giao chiến này xảy ra sau trận Oateclô đúng một tuần.
Các chuyên viên của Hội nghiên cứu thần giao cách cảm nổi tiếng trên toàn thế giới cho rằng bí mật của những trận đánh trên trời là ở chỗ trong thời gian giao chiến xảy ra, đã có sự phung phí rất lớn nguồn năng lượng sinh lý tinh thần. Sự kết vón của nỗi đau đớn, tâm trạng thất vọng và nỗi lo sợ được in dấu trong không gian rồi sau đó, thậm chí qua nhiều năm tháng, đã khơi gợi những hình ảnh trong đầu óc của những người rất nhạy cảm về mặt tâm lý.
Các nhà nghiên cứu Mỹ Oen và Pret cũng đi đến kết luận tương tự. Hai ông đã phân tích hơn 100 trường hợp “ảo ảnh” và đi đến hết luận rằng phần lớn những người nhìn thấy “trận giao chiến trên trời” vào thời điểm ấy đã ở trong trạng thái bị kích thích cao độ, có lẽ vì thế đã nhìn thấy cái mà người khác không nhìn thấy.
Vậy có đúng là “những trận giao chiến của các bóng ma” không phải xảy ra trong hiện thực mà chỉ diễn ra trong đầu óc con người và gần với những ảo giác hơn là những ảo ảnh và những hiện tượng quang học khác? Xin chớ vội đi đến kết luận.
Điều bí ẩn về “những ảo ảnh lầm lạc trong không gian” có lẽ sẽ được lý giải bởi các chuyên gia thuộc Ủy ban nghiên cứu các hiện tượng dị thường ở Voronegiơ (Nga). Họ đi cùng các cán bộ của xí nghiệp “Địa chất Voronegiơ” mới đây đã tiến hành một cuộc khảo sát trong đới đứt gãy kiến tạo ở Novokhopexcơ. Ở đó họ đã phát hiện và chụp ảnh được “những kênh thoát năng lượng của trái đất”. Trên ảnh thấy rõ những quả cầu và đám mây phát quang ở phía bên trên các khu đất dị thường.
Hơn nữa, theo sự khẳng định của một trong những người chỉ đạo cuộc khảo sát là ông Henrich Xilanop, đoàn đã chụp ảnh được những sự kiện xảy ra tại những địa điểm đó trong quá khứ xa xôi. Trên ảnh chụp được nhờ một thiết bị đặc biệt ở trên bờ sông Hopec, ta nhìn thấy rõ những cái lều, những hình người đội mũ sắt... Trong lúc chụp ảnh, ở đó không hề có những thứ ấy.
Các chuyên gia Voronegiơ về những hiện tượng dị thường đã giải thích như sau: Có thể tấm phim đã ghi lại được một thông tin thị giác về thời xa xưa mà “trường ký ức” năng lượng thoát ra từ đới đứt gãy còn lưu giữ. Sự thể là ở chỗ trong những năm chiến tranh vệ quốc chống phát xít Đức, tuyến phòng thủ đã chạy qua những địa phương ấy. Tham gia tuyến phòng thủ này có một Trung đoàn Tiệp Khắc do L.Xvvoboda chỉ huy. Và những người lính đội mũ sắt hiện hình trên các bức ảnh cũng như trang phục của họ hoàn toàn phù hợp với thời kỳ đó.
Nhưng ngay cả khi nếu giả thuyết trên được xác nhận thì vẫn còn nhiều điều bí ẩn về những “trận giao chiến trên trời”. Chẳng hạn, một số tài liệu đã thông báo về hiện tượng vật chất hóa lạ lùng của những đồ vật trong khi diễn ra những trận đánh trên trời. Ví dụ, năm 1686, tại Anh quốc, người ta quan sát thấy cuộc diễu hành trên trời của các binh lính có vũ trang. Và có rất nhiều khí giới, gươm súng, mũ giáp rơi lả tả xuống mặt đất.
Năm 1800, sau trận giao chiến trên trời ở vùng Kinken, người ta phát hiện thấy trên mặt đất có những cành cây bị gãy và nhiều vết máu trên cỏ.


(sưu tầm)

silentspirit
17-07-2008, 09:33 PM
Bài viết của bạn rất hay, cảm ơn