PDA

Xem đầy đủ chức năng : BÌnh LuẬn NgẮn VĂn HỌc CỦa ĐẠi HỌc VÀ Th ChuyÊn NghiỆp



DarkMythology
08-06-2008, 06:51 AM
1) Vội vàng

Là bài thơ tuyên ngôn một quan niệm sống của Xuân Diệu. Sống là tận dụng từng giây, từng phút có ý nghĩa nhất của cuộc đời ban tặng. Vội vàng là hành động tích cực, là thái độ sau khi đã suy ngẫm rất chín về sự đối lập giữa tuổi trẻ, giữa hữu hạn đời người với cái già nua của cuộc thế trong cái vô hạn của vũ trụ. Vội vàng không phải là cổ súy cho một lối sống gấp, sống buôn thả, sống ăn chơi mà là phải dồn tháng, dồn năm, phải kết tinh, phải sống có chất lượng, phải đánh thức tất cả những giác quan cũng như phải mở hết tâm hồn yêu của mình để mà sống toàn tâm, toàn ý, toàn hồn. Ngay tựa đề của Vội vàng nó đã có ý muốn giải thích, bình luận: “Tôi thấy tôi biết hương sắc cuộc đời còn mãi. Trần thế này là một thiên đường hạnh phúc nhưng xuân đất trời vĩnh cửu, xuân đời người giới hạn cho nên phải sống vội vàng…”. Tuy nhiên, cái mệnh đề triết lí ấy với độc giả người ta ít quan tâm. Đọc Vội vàng ta bị giọng điệu sôi nổi, cuốn trào đưa chúng ta dao động đồng pha với trái tim của tác giả. Chúng ta bị thuyết phục, chúng ta muốn sống vội vàng một cách chính đáng.

2) Đây mùa thu tới

Bốn âm tiết đặt tên cho bài thơ, chỉ có từ “đây” xác nhận một không gian, không gian rất gần để có thể quan sát rất kĩ, ba tiếng còn lại là nói về thời gian. Đó là mùa thu nhưng không phải là mùa thu đã hiện
diện với những đặc thù của nó mà mùa thu vừa chớm tới, vừa bước qua cái ranh giới rất mong manh của mùa hạ đang ra đi.Vậy là Xuân Diệu đã nhìn mùa thu ở đặc điểm giao thời, một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi nhưng rất khó xác định nó là bao nhiêu. Với một trái tim rất say mê cuộc sống trần thế, say mê mùa xuân của đất trời và tuổi trẻ nên nhà thơ rất nhạy cảm với những gì phai rồi tàn. Cho nên trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, Xuân Diệu miêu tả những vùng không gian quanh mình mà thực ra ta thấy nhà thơ đã hóa thân vào trong cảnh vật. Hè mới ra đi, thu mới tới nhưng ta cảm giác mùa đông đang tiến hành một cuộc hủy diệt toàn diện, làm phai tàn tất cả.

3) Thơ duyên

Cũng giống như phần lớn các bài thơ của Xuân Diệu, Thơ duyên cũng có một mạch cảm hứng lí giải giúp người đọc cắt nghĩa thế nào là duyên. Tuy nhiên, cái mạch ngầm này, nó bị những cảm xúc bồng bột giàu yêu thương phủ trùm nên ngời ta cứ tưởng Xuân Diệu là nhà thơ duy cảm. Đúng, ngoài cảm hứng, lí giải Thơ duyên còn là một cảm hứng vô cùng trong sáng với một mặc cảm lo âu của tình yêu đầu đời, tình yêu được hồi ức lại. Những kỉ niệm hạnh phúc khi được hồi ức bao giờ nó cũng lóng lánh những màu sắc lãng mạn. Chữ “duyên” là một cái gì đó rất mơ hồ, là một đường viền mà người chỉ cảm nhận khó phân tách rạch ròi. Từ một thuật ngữ của Phật giáo nói về những sợi dây vô hình ràng buộc bí mật giữa người này với người kia, giữa kiếp này với kiếp nọ. “Duyên” đã được người Việt sử dụng trong nội hàm của tình yêu lứa đôi. Có bao nhiêu người đã cố gắng cắt nghĩa, đã miêu tả cụ thể cái “duyên” ấy. Tục ngữ: “Phải duyên phải lứa thì thương”. Thơ Hồ Xuân Hwơng: “Có phải duyên nhau thì thắm lại” và Kiều khi đa kỉ vật: “Duyên này thì giữ, vật này của chung”….Có lẽ hay nhất là lối nói của nàng Vân trong màn tái hợp: “Rằng trong tác hợp cơ trời”. Vậy duyên là tác hợp cơ trời, là do trời định. Với Xuân Diệu ông phải giải thích nó rạch ròi hơn cụ thể hơn, thuyết phục hơn. Cái cơ trời bí mật ấy là thiên nhiên có xu hướng cặp đôi đầy luyến ái. Nó cho người con gái và người con trai chứng kiến. Nó biểu hiện cái hạnh phúc tuyệt vời khi có lứa có đôi. Nó diễn ra một cách lặng lẽ, âm thầm nhng nó khêu gợi ngọn lửa tình yêu của con người, phải bùng lên, phải tìm đến nhau. Thiên nhiên là những giai điệu, là tiếng huyền ngọt ngào, chúng yêu đương nhau một cách vô tư, vô tâm…Chúng đã biểu hiện để cho đôi lứa tự suy nghĩ, phải bị thuyết phục, phải bị chính cái duyên của đất trời dẫn dụ vào con đường tình yêu. Không phải ngẫu nhiên mà cấu trúc của bài thơ có một sự giao nhau giữa thiên nhiên với con người. Thiên nhiên dẫn dụ con người càng lúc càng đắm say khao khát.

4) Tràng giang

Theo nghĩa là Trường giang, là sông dài thế nhưng do cộng hưởng của hai vần “an” nó tạo nên một sự lan tỏa, mênh mang. Con sông ấy càng trườn dài về phía vô định thì âm khí lạnh lẽo của nó càng rợn ngợp. Nó gợi chiều rộng, chiều sâu hun hút của kiếp người cô đơn, cô độc và lạc lõng. Trường giang cơ bản là con sông ẩn dụ nó là con sông đời, con sông định mệnh, con sông chảy về phía siêu hình. Nó là biểu tượng cho cuộc sống, bập bềnh vô định đầy những sự ghẻ lạnh mà tầng lớp trí thức Việt Nam yêu non sông Tổ quốc nhưng bất lực nên cứ sống với cái tôi ngột ngạt dường như không lối thoát. Tên bài thơ là một vùng không gian, có cả ba chiều. Vì vậy đối ngược với người bạn tri kỉ Xuân Diệu, thơ Huy Cận lấy cảm hứng không gian làm chính. Vì vậy, mà ta gặp một tiếng lòng, một sự suy nghiệm của người đã từng trải, một người già ở lứa tuổi đôi mươi