PDA

Xem đầy đủ chức năng : Vu vơ lớp 10 – Trần Trung Dũng



00_:_00
29-05-2008, 01:47 AM
1.

Nó rảo bước băng qua con đường nhựa cắm biển chỉ dẫn “phố Tô Hiệu”. Tiếng ồn vọng lại đã nghe rất rõ. Tim nó đập nhanh hơn, nó xốc lại cổ áo và xắn tay áo lên đến khuỷu. Lấy bộ dạng nghiêm trang nhất, nó bước qua cánh cổng ngôi trường mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn – ngôi trường cấp III mà nó sẽ học và gắn bó trong suốt ba năm tới. Nó đeo lại cặp, chiếc cặp chỉ có một quyển vở và một chiếc bút, nhưng nó cảm thấy nặng hơn. Lập tức một thứ tiếng ồn huyên náo đến chói tai dội vào mặt nó. Tiếng ồn của ngày khai giảng.

- Ê! Hải “cối”! - Một bàn tay đập vào vai nó.

Nó lập tức quay mặt lại về phía trái – không có ai. Lạ nhỉ? Nó quay về phía phải và đầu nó đập ngay vào một cái đầu khác.

- Ái dùi ui! - Cả hai cái đầu cùng kêu lên.

Nó reo lên trong tiếng rên:

- À! Thằng Thịnh “ộp”, mày vẫn bộp chộp như hồi lớp 9! Chả khác tí nào!

- Ừ – Thằng Thịnh “ộp” nhăn nhở cười – Khỏe chứ?

- Khỏe cái con ếch ộp nhà mày! Mới đầu năm mà đã bị cộc đầu, dễ mà “dông” cả năm lắm. Thế nào, mày học lớp 10A bao nhiêu?

- Cùng lớp với mày.

- Mày biết tao học 10A bao nhiêu mà “thấy sang bắt quàng làm họ”? – Nó lên giọng đàn anh.

- Thì mày học 10A30 chứ đâu? Trên đời này có gì mà tao không biết – Thịnh “ộp” còn lên mặt hơn, cười tinh quái.

- Mày xem thông báo xếp lớp rồi chứ gì? - Nó nguýt.

- Thôi tao ra đây một lát - Thằng Thịnh vừa nói vừa biến mất trong đám học sinh đông nghẹt sân trường.

Nó đứng ngó lơ vơ một lát rồi lại đi tìm thằng Thịnh ộp để bắt nạt. Nó kiễng chân xoay đủ một vòng thêm lần nữa: toàn những khuôn mặt lạ hoắc. Nó không biết nên đi đâu để tìm nhưng cũng cứ đi.

Bỗng có tiếng loa vọng từ tầng hai của một dãy nhà vang khắp toàn trường:

- “Alô! Alô! Các em học sinh chú ý! Tất cả học sinh tập trung ở trước nhà A để chuẩn bị làm lễ khai giảng.”

Nó giật mình. Nhà A là ở đâu thế nhỉ? Nó chạy vội ra giữa sân trường ngó tất cả các dãy nhà, không có nhà A. Nó đành xem mọi người đổ về đâu thì đành đi theo vậy.

Đó là một khoảng sân không lớn lắm phía trước dãy phòng ba tầng hình chữ L. Nó không khó khăn tìm được lớp của mình, phía sâu trong sân. Vừa ngồi xuống, ngoảnh mặt sang bên cạnh, nó đã giật mình: thằng Thịnh “ộp”.

Nó gọi thằng Thịnh, lập tức thằng này đứng phắt dậy và định chạy. Nhưng thấy nó không động chân động tay gì, thằng Thịnh lại về chỗ cũ, ngồi cạnh nó.

- Lớp mình đâu mà mày lại ngồi đấy? – Nó gần như phải hét lên để át tiếng ồn hỏi thằng Thịnh.

- Ngồi đây thì sao? Tao ngồi đúng lớp rồi còn gì? – Thằng Thịnh cũng phải hét lên để đáp lại.

- Ừ, nhưng đấy là 10A29, lớp mày là 10A30 cơ mà?

- Hề hề – Thằng Thịnh cười trừ – Vừa nãy tao nói đùa mày đấy ạ. Thực ra tao học A29.

- Nói đùa - Nó nheo mắt - Cái tội bốc phét này! - Nó đứng dậy lại làm điệu xắn tay áo. Thằng Thịnh rúm người. Nó chuẩn bị tương ba phát vào lưng thằng này thì một loạt những cánh tay chặn nó lại. Nó ngẩng mặt lên.

- Ơ… Hải “tí”! Dũng “quềnh”! Bọn mày cũng ở đây à?

- Mày thích làm gì lớp trưởng lớp tao? – Dũng “quềnh” vẫn chưa buông tay ra khỏi cổ áo nó, và Hải “tí” cũng không nhả gáy nó ra. Cả hai thằng làm điệu bộ “du côn” nhưng miệng thì cười hềnh hệch.

- Lớp trưởng lớp mày? – Nó lên giọng hỏi lại – Thằng “ếch ộp” này mà cũng được làm lớp trưởng lớp mày cơ à? Mà cả hai bọn mày đều học A29 à? – Nó trề môi, mắt thì trợn ngược.

- Chứ sao? – Dũng “quềnh” hất hàm – Mày mà còn động tới cái lông chân của thằng Thịnh “ộp” thì tao “oánh” cả mày lẫn thằng Thịnh “ộp” đấy! Nghe chưa?

Cả bốn thằng rũ ra cười. Dũng “quềnh” trước nay vẫn luôn là thằng hay pha trò cười của nhóm, giờ bốn thằng bất ngờ hội ngộ càng khiến nó hứng hơn.

Số là bốn thằng hồi lớp 9 ngồi cùng bàn, cùng học giỏi, thân nhau tới mức cứ gặp nhau phải oánh nhau mới chịu được: Hải “cối”, Hải “tí”, Thịnh “ộp”, Dũng “quềnh”.

Hải “cối” đang ngồi yên bỗng đập đùi đánh đốp một cái. Nó đứng phắt dậy:

- À! Vừa nãy bọn mày bảo thằng Thịnh “ộp” là gì cơ? Lớp trưởng 10A29 à? Thật hay đùa đấy?

- Theo mày thì là thật hay đùa? – Dũng “quềnh” lắt léo.

- Nếu đùa thì tao phải túm gáy mày làm gì cho mệt xác ra? – Hải “tí” gợi ý.

- Tức là Thịnh “ộp” làm lớp trưởng thật à? Bất ngờ quá nhỉ? - Nó ngạc nhiên ra mặt - Không ngờ mày “thăng quan tiến chức” nhanh thế, từ nay anh em được nhờ rồi.

- Nhờ thì cũng không đến lượt mày! – Thịnh “ộp” lại hềnh hệch cười ra giọng đàn anh – Tao lớp trưởng A29 còn mày học A30 cơ mà. Có nhờ thì chỉ hai thằng “của nợ” này thôi! – Thịnh “ộp” đập vai Hải “tí” và Dũng “quềnh”.

- Ừ nhỉ – Hải “cối” chợt nhớ. – Nhưng mà không sao. Rồi tao sẽ tìm được người để nhờ vả cho mày thấy! Cứ gì phải nhờ một con ếch! Hề hề!

- Mày được lắm! – Thịnh “ộp” xắn cả áo lẫn quần lên.

Hải “cối” bị Thịnh “ộp” cùng hai đứa “tay chân” cù cho một trận lên bờ xuống ruộng. Nó sằng sặc cười.


Buổi khai giảng kết thúc. Học sinh ở hơn 70 lớp túa ra khắp mọi ngả trong sân trường. Đông và kẹt cứng còn hơn kẹt xe ở Ngã Tư Sở, ồn ào và huyên náo quá tả. Nó bị xô theo cùng dòng người chứ không phải là tự đi nữa.

Xong lễ khai giảng nhưng chúng nó chưa được về ngay. Nó còn phải lên lớp để tập trung. Việc lên lớp bây giờ cũng là cả một vấn đề. Cầu thang thì rộng có một mét, mà mấy trăm người cùng đua nhau chen vào. Thế là hết thảy lũ con trai phải xếp hàng dưới chân cầu thang nhường đường cho các chị em lên trước. Nó cũng phải chịu chung số phận như vậy.

Lớp nó và lớp thằng Thịnh “ộp”, A30 với A29 thì chắc cũng gần nhau. Đúng như nó đoán, bước được ba bước thì dòng chữ “Sáng 10A29 chiều 11A15” đập vào mắt nó. Nghĩa là lớp thằng Thịnh “ộp” ngay sát kề bên lớp nó. Cũng không đến nỗi xa xôi gì. Nó chỉ cần biết vậy và lại quay trở lại lớp mình. Thỉnh thoảng nó sẽ sang “chơi” thằng Thịnh “ộp”.


Như vậy là lớp A29 của thằng Thịnh “ộp” đã có hai “đồng minh”. Nhưng nó tìm mỏi mắt lớp A30 – lớp nó – mà chẳng thấy khuôn mặt nào khá dễ để kết thành “băng” với nó cả. Thế có nghĩa là từ giờ muốn bắt nạt thằng Thịnh cũng khó, mà vớ vẩn nó còn bị thằng Thịnh “ộp” sai “đàn em” bắt nạt lại nữa kia. Nó rùng mình tự cười ngặt nghẽo.

Đã mười giờ mười lăm, cô giáo còn chưa lên lớp. Nó định chạy sang lớp thằng Thịnh “ộp” một lúc rồi sẽ về. Nhưng vừa đến cửa nó đã đụng ngay phải một thầy giáo già. Rồi một cô giáo bước vào lớp nó, nó đành phải quay trở lại.

Cô giáo bước vào lớp – chắc là cô chủ nhiệm của nó – không còn trẻ, nhưng nó để ý cô đặc biệt có một nụ cười rất hiền, giống mẹ nó. Chính nụ cười hiền ấy cho nó cảm giác yên tâm mà lại rất gần gũi. Cô ổn định trật tự xong, và khi không còn ai nói gì, cô tự giới thiệu về mình – lời giới thiệu không hay nhưng rất ấm áp:

- Cô xin chào tất cả các con. Năm nay cô rất vui vì được chủ nhiệm lớp mười. Lớp mình là 10A30 nhỉ? – Cô hỏi lại – Lớp mười thì chưa hẳn đã lớn nhưng mà cũng không còn trẻ con nữa. Thế nên nghịch thì có nghịch nhưng mà nhiều cái cũng “ngố tàu” lắm!

Cả lớp cười. Cô cũng cười. Cô nói tiếp:

- Thế nên cô rất thích chủ nhiệm lớp mười, nhà cô có anh lớn thì đi làm rồi, còn chị thì đang học đại học cho nên cô quý học trò như con vậy. Mà lớp mình có tất cả bao nhiêu người nhỉ?

“Sáu mươi”, có tiếng nhao nhao lên như vậy.

- Sáu mươi cơ à? – Cô cũng không đếm – Càng nhiều “con” càng tốt, cô càng thích. Chưa năm nào cô được có nhiều con thế đâu – Cô cười tươi. Cả lớp cũng cười. Đứa nào cũng khoái chí vì được làm “con” của cô. Rồi lại có tiếng nhao nhao. “Thế cô tên là gì ạ?”. Cô giật mình.

- À quên, mải quá cô quên cả giới thiệu tên, các con cứ gọi cô là cô Kim Anh nhé!

Một đứa hét rất to:

- Thế con gọi là “mẹ Kim Anh” được không ạ?

- Ôi thế thì còn gì bằng - Cô cười, mắt ánh lên niềm vui của một người “mẹ”. Không khí lớp ấm hẳn lên.

- Thế nhé – Cô lại hạ giọng – Từ nay cô sẽ là chủ nhiệm lớp mình. Năm nay hay cả năm sau thì còn chưa biết nữa…

“Năm sau thì càng hay”, lớp lại nhao nhao lên. Có được một cô chủ nhiệm hiền, vui tính và nhất là thương trò như cô đâu phải dễ. Đứa nào đứa nấy đều muốn cô chủ nhiệm luôn cả ba năm cấp III ấy chứ lị. Nó cũng muốn thế. Nãy giờ nó ngồi như bị thôi miên bởi giọng nói trầm ấm của cô, giờ mới chợt tỉnh.

- Thôi, bây giờ đi vào việc chính nhé. Sắp tới lớp mình sẽ phải làm rất nhiều việc đây. Mua đồng phục này, lao động quét dọn lớp này, đóng lệ phí đầu năm này… Nhưng trước hết, - cô nhấn mạnh – Trước hết lớp phải cử ra một bạn lớp trưởng đã.

Lớp trưởng! Đúng rồi, cứ ở mỗi năm đầu cấp học nào cũng phải cử ra lớp trưởng. Thông lệ đã thành như vậy rồi. Nhưng nó nhớ là phải học một thời gian rồi xét tài đức thì mới bầu cử ai đủ tiêu chuẩn chứ nhỉ? Có lẽ cô muốn bầu một lớp trưởng “lâm thời” chăng.

- Bạn lớp trưởng sẽ phải lo cho cô tất cả mọi việc của lớp, thu chi sổ sách, đại diện cho lớp trước toàn trường… Trách nhiệm sẽ nặng nề đấy, nhưng quyền lợi cũng rất nhiều. Cho nên lớp mình ai thích làm lớp trưởng thì cứ giơ tay để cô xem.

Không ai giơ tay. Phần quyền lợi thì chẳng thấy đâu, nhưng trách nhiệm thì quả là nặng. Và không ai đủ dũng khí để gánh lấy cái trách nhiệm ấy cả.

- Nào, ai thích thì cứ giơ tay – Cô nhắc lại – Cô sẵn sàng bổ nhiệm luôn bạn đó làm lớp trưởng.

Vẫn không ai giơ. Không khí chùng hẳn xuống và im lặng. Không ai giơ tay. Nhưng nó giơ tay – một cái giơ tay dứt khoát và thẳng thắn. Bàn tay nó giơ cao hơn tất cả những cái đầu đang cúi xuống. Nó cũng không thể hiểu tại sao nó lại giơ tay. Ban đầu nó còn tự tin nhưng chỉ một phút sau bàn tay nó bỗng thấy run run, và tim nó đập liên hồi. Nó đang làm gì thế nhỉ? Nó giơ tay xin làm lớp trưởng ư? Nó không muốn thế. Nó hoang mang đưa mắt nhìn: những cái đầu đang ngoảnh lại nhìn nó. Nó làm lớp trưởng để làm gì kia? Nhưng nó bắt gặp ánh mắt cô: ánh mắt hài lòng và khích lệ như truyền một niềm tin cho nó. Nó giữ tay không run nữa. Và đưa lên cao hơn. Cô đang cần một lớp trưởng, và nó tình nguyện làm lớp trưởng. Đây sẽ là việc làm chín chắn nhất mà nó từng làm trong đời.

Im lặng. Cô giáo chờ xem còn cánh tay nào giơ lên nữa không. Nhưng rồi cô đưa tay lên vỗ trước lớp. Tiếng vỗ tay lan ra hai dãy bàn đầu, lan ra cả lớp thành một tràng pháo tay. Cô giáo vỗ tay động viên nó, cả lớp vỗ tay rào rào ủng hộ nó. Lần đầu tiên nó dám đứng trước một tập thể sáu mươi người, để nhận lấy trách nhiệm về mình, để khẳng định mình. Rằng nó muốn làm lớp trưởng.

- Tớ xin tự giới thiệu, tớ tên là Nguyễn Tuấn Hải, biệt danh: Hải “cối”.

2.
M

ột lớp có đến 60 người, và nó không quen ai cả. Nhưng nó vẫn dám đứng lên để nhận trách nhiệm về mình; tất cả đều do nó quí cô chủ nhiệm, mặc dù mới lần đầu nó gặp cô. Bởi vì cô đã nhận tất cả chúng nó làm “con” của mình. Nên nó “xin “ được làm “con trưởng”.

Về đến nhà, nó vào cất xe và leo hai lần cầu thang để lên phòng. Nhưng vừa chạm cửa phòng thì nó lại quay phắt người lại. Nó lao như bay xuống cầu thang với một nụ cười tinh quái.

Nó nhấc máy lên và bấm lia lịa, áp chặt ống nghe vào tai. Đầu dây bên kia nghe rõ tiếng tú tú. Chờ nửa phút thì mới có người nhấc máy. Và nó “độp” luôn khi biết đầu bên kia là ai.

- Alô, Thịnh “ộp” à? Mày về rồi à? Đố mày biết lớp trưởng lớp tao hôm nay là ai?

Nó không chào hỏi gì khiến thằng Thịnh bất ngờ.

- Tao có quen đứa nào lớp mày đâu mà biết được?

- Thế tao, mày không quen chắc? – Nó gợi ý.

- Mày bảo cái gì cơ? – Thằng Thịnh có vẻ giật mình – Mày nói lại cho rõ ràng xem nào. – Thằng Thịnh “ộp” nghiêm túc hẳn.

- Nói rõ ràng nhé – Nó hắng giọng. – Dỏng tai lên mà nghe này, tao làm lớp trưởng lớp 10A30.

Nó nói nhấn mạnh từng từ một. Đầu dây bên kia im lặng một lúc.

- … Thật à?

- Chứ tao bốc phét mày làm gì cho tốn tiền điện thoại ra.

Lại im lặng. Rồi thằng Thịnh nói bằng một giọng ngỡ ngàng nhưng đầy châm chích:

- Hạng đầu trâu chân đất mắt toét như mày mà cũng được làm lớp trưởng cơ đấy…

Nó tức, chỉ muốn thò tay qua điện thoại đấm cho thằng Thịnh “ộp” một phát. Nhưng nó có cách hay hơn.

- Con ếch như mày còn được làm lớp trưởng thì người sờ sờ như tao quá được làm lớp trưởng ấy chứ! Từ nay thì mày đừng hòng sai “đệ tử” bắt nạt được tao. Hề hề – Nó cười giễu – Vớ vẩn tao còn sai “đệ tử” bắt nạt mày kìa.

- Á à! – Thằng Thịnh “ộp” dẩu mỏ – Mày mới lên chức thì mày cũng lên mặt phải không! – Thằng này gầm gừ trong điện thoại. – Mà làm thế nào mày leo được lên cái chức ấy?

- Đơn giản cực – Nó xoa tay – Cô giáo hỏi ai thích làm lớp trưởng không, không ai giơ tay thì tao giơ thế là tao được làm lớp trưởng.

- Đơn giản thế kia à!?! – Thằng Thịnh “ộp” hét vào tai khiến nó giật cả mình – Hóa ra là mày… ngáp phải ruồi.

- Hừ, thế làm sao mày được làm lớp trưởng đấy? – Nó cũng hỏi lại Thịnh “ộp”.

- Tao ấy à? Tao quen cô chủ nhiệm.

- Hà – Nó cười – Hóa ra mày cũng ngáp phải ruồi… hề hề… tài cán gì đâu cho cam!

- Thì… - Thịnh “ộp” không biết nói sao – Mày thì hơn gì tao.

- Sao lại không hơn. Tao lớp trưởng A30, mày lớp trưởng A29.

- Thì hơn gì?

- Số 30 to hơn số 29.

Cả hai thằng cùng cười rũ. Nó toan cúp mày thì thằng Thịnh lại nó tiếp:

- À, này Hải “cối”, chiều nay mày có bận gì không?

- Làm gì?

- Đi bắn “Halflife”. Lâu lắm rồi anh em không “quần” nhau một trận rồi.

- Rủ cả Hải “tí”, Dũng “quềnh” đi nữa chứ?

- Tất nhiên! Rượu ngon mà không có bạn hiền thì còn gì là hứng thú nữa! Hai giờ nhé?

- Ừ!

Nó cúp máy.


Halflife là một trò chơi điện tử trên máy vi tính, phổ biến và hấp dẫn kỳ lạ. Nhưng sẽ chẳng còn gì hấp dẫn nếu chúng nó không đi chơi cả bốn thằng: Hải “tí”, Dũng “quềnh”, Thịnh “ộp” và nó – Hải “cối”.

Hai giờ hẹn, nhưng hai rưỡi cả bọn mới có mặt đông đủ. Đứa nào cũng hưng phấn và tay chực lướt trên bàn phím máy tính. Chúng nó kéo nhau vào quán điện tử cũng là lúc còn thừa đúng bốn máy.

Chúng nó chơi tới tận bốn rưỡi mới chịu rời quán khi bốn thằng đã “quần” nhau chán. Cả bốn bước ra khỏi quán, không ngớt bàn tán về những “trận” vừa trải qua.

Dũng “quềnh” đề xuất:

- Ê, đứa nào ăn chè không? Theo tao, tao bao!

Cả ba thằng đều giơ tay nhất trí. Quan trọng không phải là ở từ “ăn chè không” mà là ở từ “tao bao”. Có “tao bao” rồi thì thằng nào mà lại chả đi. Thế là bốn thằng lại rồng rắn lên mây đi “thăm quan” quán chè.


Cũng như người lớn, khi “rượu vào lời ra” thì bọn nó “chè vào lời ra”. Và mời được ba đứa đến quán chè, Dũng “quềnh” đổi lại được nghe những câu chuyện cho ra chuyện.

- Ê này bọn mày, vừa mới đầu năm mà bọn mình tay nghề “bắn” chả giảm sút tẹo nào nhỉ – Thịnh “ộp” nhận xét một câu, mà đứa nào cũng biết rằng câu tiếp theo nó sẽ tự khen mình.

Nhưng Thịnh “ộp” chưa kịp xổ ra thì Hải “tí” chặn họng bằng một chủ đề khác:

- À này, bọn mày có đứa nào biết lớp trưởng 10A23 không?

- Đứa nào?

- Con bé tóc để ngang vai, hay mặc áo đỏ, đeo kính cận ấy?

- Sao tự nhiên mày lại lôi con bé lớp trưởng A23 vào đây? – Thịnh “ộp” ngạc nhiên hỏi.

- Hay là mày “cảm” nó rồi? – Dũng “quềnh” thêm mắm muối – Nếu “cảm” thật rồi thì cứ nói thẳng ra, anh em tất có kế giúp mày – Dũng “quềnh” cười một nửa thành thật, một nửa chọc ghẹo.

- Tầm bậy! – Hải “tí” cắt ngang – Tao nhắc nó chẳng qua là nó cũng biết bắn Halflife. Mà bắn hay là khác! Cũng gần “ngang cơ” với anh em mình đấy.

- Kinh! – Nó phải thốt lên – Con gái mà cũng biết bắn Halflife cơ à? Lại còn bắn hay nữa?

Thịnh “ộp” thì lại quan tâm đến khía cạnh hoàn toàn khác:

- Thế nó có xinh không mày? Sao mày quen nó?

- Tao có quen nó đâu – Hải “tí” sửa lại – Hồi hè tao đi bắn vô tình gặp nó đấy chứ.

- Vậy là mày bắn với nó rồi à? – Nó thắc mắc.

- Chứ sao – Hải “tí” làm vẻ từng trải – Tao còn giáp mặt nó bao nhiêu trận cơ mà, tao “giết” nó bao nhiêu lần thì nó cũng “giết” tao ngần ấy lần.

- Đến thế cơ à? – Nó lại xuýt xoa – Con gái! Lớp trưởng A23! Bốn thằng ngồi như phỗng, thử mường tượng hình ảnh một đứa con gái thì sẽ bắn Halflife như thế nào.

Dũng “quềnh” bỗng đề xuất một ý kiến táo bạo:

- Ê, hay bốn đứa mình hôm nào rủ nó đi bắn đi!

- Đúng đấy! - Thịnh “ộp” bất ngờ hưởng ứng – Tao sẽ viết thư gửi cho nó.

- Không! – Hải “tí” có kế hay hơn – Tao biết chỗ nó hay bắn. Bọn mình sẽ “phục kích” nó ở đấy! Cứ chiều thứ tư nào nó cũng ra quán “Game World” bắn mà.

- Được đấy – Nó hưởng ứng cả hai tay – Tao sẽ trực ở đó trước, lên mạng sẵn. Nó vào xong là tao khóa mạng luôn, như thế thì chỉ có bốn bọn mình với nó bắn nhau. Quá đã còn gì nữa.

- Tuyệt vời! Không ngờ Hải “cối” lại nghĩ ra kế hoạch hoàn hảo đến thế! - Thịnh “ộp” cũng phải vỗ tay, điều mà Thịnh “ộp” trước nay chưa bao giờ làm.

- Thế nhé! – Hải “tí” chốt lại một “âm mưu đen tối” – Hôm ấy anh em mình phải cho nó biết thế nào là “lễ độ”, phải biết kính nể “đàn anh” mới được.

Cả Hải “tí”, Thịnh “ộp” và nó – Hải “cối” đều vỗ tay rào rào, cười khoái chí hưởng ứng âm mưu “bắt nạt con gái” đầy ma lanh. Riêng Dũng “quềnh” thì không. Dũng “quềnh” trầm ngâm chờ cho ba thằng khoái chí hết xong, nó mới lên tiếng.

- Bọn mày suy nghĩ nông cạn quá – Cả ba thằng chợt im lặng nghe Dũng “quềnh” nói – Trình độ bắn thì tất nhiên là bọn mình hơn nó rồi còn phải so làm gì? – Nó chép miệng – Bọn này dọa nó thế chỉ khiến nó sợ chạy mà thôi. Có khi nó còn nghỉ bắn luôn ấy chứ lị.

Ba đứa đưa mắt nhìn nhau không hiểu Dũng “quềnh” muốn nói gì.

- Thế mày bảo tao phải làm thế nào? – Nó đưa ra câu hỏi trước.

- Đúng đấy, không “dọa” cho nó một trận thì làm thế nào? – Hải “tí” cũng ngạc nhiên.

- Bộ mày muốn phục kích nó chỉ để xem nó mồm ngang mũi dọc rồi về à?!? – Nó gắt lên.

Dũng “quềnh” chờ bọn nó nói hết rồi mới lại nói, giọng rất bí hiểm:

- Chỉ để “dọa” nó thì chả mất công cả một buổi chiều như thế. Đã mất công thì phải làm được việc khó hơn kia.

- Làm gì? – Cả ba thằng đồng thanh.

Ba cái miệng há ra chờ câu trả lời.

- Làm quen với nó – Dũng “quềnh” trả lời một câu lạnh đến gai xương sống. Gần như cả ba đứa nó đều cùng hét lên một câu:

- Trời đất ơi!

Nó – ngay lập tức – đã muốn dội một gáo nước lạnh vào đầu Dũng “quềnh” – cái đầu đang… hơi bị hâm hấp:

- Trời ạ! Mày có biết con gái mà đã làm đến chức lớp trưởng thì phải đanh đá đến thế nào rồi không!?! Mà nó lại thích bắn Halflife thì chắc nó mê bạo lực. Làm quen với đứa như thế mà mày không sợ có ngày phải vào bệnh viện à!?!

- Vào bệnh viện – Dũng “quềnh” cười – Chưa chắc đâu. Con gái như thế mới đáng làm quen chứ! Nó là lớp trưởng chứng tỏ nó có bản lĩnh lắm. Mà người có bản lĩnh, ai dùng “chân tay” bao giờ?

Đến lượt Hải “tí” “can gián” Dũng “quềnh”:

- Nhưng bọn mình đâu có “dây mơ rễ má” gì với nó mà đột nhiên làm quen. Thế thì vô duyên lắm.

- Ai bảo không liên quan gì? Bọn mình với nó cùng có sở thích bắn Halflife cơ mà; chả phải là liên quan rất lớn đó hay sao. Vả lại nó còn là con gái nữa, con gái bắn Halflife thì càng cần phải làm quen chứ!

Thịnh “ộp” phân vân:

- Nhưng có sợ bị bọn lớp trêu không? Bọn lớp mình, cả bọn lớp 10A23 nữa, kiểu gì bọn nó cũng gán ghép.

- Mày cứ lo hão! Mày là lớp trưởng A29, Hải “cối” là lớp trưởng A30, nó là lớp trưởng A23, toàn “cán bộ” với nhau, đố “thần dân” nào dám trêu vào. Mà bọn mình chơi với nhau trong sáng cơ mà…

Đến Thịnh “ộp” cũng hết ý kiến. Ba đứa ngồi im nghĩ ngợi cái kế hoạch táo bạo của Dũng “quềnh”. Đứa nào đứa nấy cũng gật gù như ông cụ non. Hải “tí” chép miệng bảo:

- Trước mắt cứ là cuộc hẹn “không mời mà gặp” thứ tư tuần sau đã. Bọn mình sẽ cho nó một phen bất ngờ.

3.

L

àm lớp trưởng đúng là không dễ dàng gì. Thậm chí còn bực mình là đằng khác.

Nó đã đoán trước được việc này nhưng vẫn không tránh khỏi đôi lúc nó cáu quá mà gắt lên với những đứa trong lớp, ngay ngày học đầu tiên.

Tiết một. Cô giáo đến muộn gần năm phút vì phải đi tìm lớp.

Nó đã nhắc lớp trật tự, nhưng chưa đầy ba giây sau lời nói của nó, đồng loạt cả hai bàn cuối dãy trong cùng rộ lên cười. Nó phải xuống tận nơi nhắc nhở. Toàn những thằng cứng đầu. Nó gào khản cổ không đứa nào chịu nghe. Chưa nhắc xong bàn cuối thì hai dãy bàn trên mất trật tự. Nó lại lên bàn đầu. Bàn cuối được thể nói to hơn. Nó quát một tiếng vang khắp lớp, mặt nó đỏ gay lên vì tức và vì lần đầu tiên nó phải quát người khác. Nhưng đáp lại chỉ là một phút im lặng. Rồi lại lốn nhốn, lại ồn ào.

May mà rồi cô giáo vào lớp.

Tiết hai. Ra chơi ồn như chợ vỡ. Trống vào lớp rồi lại càng ồn hơn. Cô giáo đã bước vào lớp, nhưng không thể nói được điều gì. Bởi chẳng có ai nghe. Nó phải đứng dậy trước mặt cô quát lớp trật tự, mà chỉ được một hồi. Trong lớp bọn nó vẫn nói chuyện rì rầm.

Tiết ba. Lớp có vẻ trật tự hơn, dường như có dấu hiệu của việc đi vào nền nếp. Nó ngồi yên được năm phút thì chợt phát hiện ra một “tệ nạn” nghiêm trọng: lớp không nói chuyện nhưng bọn nó viết thư tay cho nhau lia lịa. Nó lại phải ra tay nhắc nhở, nhưng chỉ dám nhắc khẽ để khỏi ảnh hưởng đến giờ. Nó cần làm sao cho khu vực quanh nó không viết thư cho nhau, cố gắng đến khi được hết tiết này. Khi trống đánh ba tiếng, nó thở một cái nhẹ nhõm.

- Tùng! Tùng! Tùng! – Tiếng hò reo nổi lên như sóng dậy.


Tiết thứ 4, là giờ văn của cô Kim Anh, cô chủ nhiệm lớp nó. Cô vào lớp khi trống đánh vừa được một phút. Và vẫn với nụ cười tươi như hôm đầu. Bọn lớp nó có lẽ nể cô nên trật tự đi chút ít. Cô nói vui vài câu trước khi vào bài học chính. Bài về “Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XV”. Cô ghi đầu bài lên bảng. Nó đưa mắt ngắm toàn lớp để phát hiện ra những “điểm nóng”. Nhưng chẳng có điểm nóng nào cả, cả lớp chẳng có chỗ nào quá ồn và thay vào đó là kiểu nói chuyện rì rầm, lao xao dàn trải. Nó khó chịu, nhưng cũng cho đó là tạm ổn. Dù gì cũng hơn ba tiết trước.

Nó yên tâm được mười phút đầu. Rồi hai mươi phút sau cũng không có sự vụ gì đáng kể. Tiết học đã trôi qua gần hết trong bình an, nó ngồi ước giá mà tiết nào cũng được như vậy. Hoặc chí ít ra các tiết sau của cô Kim Anh cũng được như vậy. Nó chẳng dám mong hơn.

Còn mười lăm phút nữa thôi sẽ hết giờ. Sẽ trôi qua một tiết bình yên. Thư tay vẫn được viết và trao tay cho nhau trước mắt hoặc sau lưng nó, mặc dù nó đã nhắc. Nhưng nó cho thế là bình thường, học trò thì cũng phải nghịch một tí chứ, có phải Phật đâu mà ngồi như tượng được; miễn là không gây ra tiếng động. Chỉ còn mười ba phút nữa thôi, nó không ý thức nhưng mắt nó cứ thỉnh thoảng liếc đồng hồ và óc tự đếm ngược từng giây. Cô giáo đang giảng về các tác giả văn học từ thế kỷ X đến thế kỷ XV: “Trần Quang Khải”, “Phạm Ngũ Lão”, rồi “Nguyễn Trãi”. Cô đột nhiên quặt sang một chủ đề khác, kể cho lớp nó nghe một giai thoại về Nguyễn Trãi. Thư tay vẫn được đưa trước mắt nó. Nó rất muốn nhắc, càng muốn quát hơn. Nhưng như thế thì chính nó lại làm mất trật tự trong giờ. Nó đành nín nhịn.

Nó không muốn gây sự với thằng ngồi bàn sau, nhưng chính thằng này lại gây sự với nó, bằng cách ném một viên giấy vào đầu một đứa bàn trên, thằng bàn trên cũng lập tức quay xuống ném một viên giấy vào đầu đứa đã gây sự với mình. Nhưng không may viên giấy bay lạc đường và lao trúng mặt đứa con gái ngồi cạnh. Một giọng nói chua loét vang lên. Thằng bàn trên quay xuống thanh minh cho mình. Nó nhắc nhưng không ngăn nổi hai đứa đổ lỗi cho nhau. Đứa gây sự đầu tiên cũng luôn mồm chối bay trách nhiệm của mình.

Tất cả đã đủ tạo thành một cuộc cãi vã, đủ để cho cô giáo phải dừng bài giảng lại:

- Có chuyện gì thế?

Cả lớp quay lại nhìn. Ba đứa đang cãi nhau vội dừng lại. Câu hỏi của cô không có ý trách cứ nó, nhưng khiến nó chột dạ. Nó ngồi ngay ở đó.

- Tôi hỏi có chuyện gì thế?

Ba đứa đã gây ra chuyện mặt cúi gầm. Nó hiểu cô đang giảng bài nhiệt tình và say sưa, đột nhiên bị cắt ngang bởi một chuyện không đâu, chắc chắn cô cảm thấy rất bực. Đó gần như là một sự xúc phạm.

Cả lớp im phăng phắc. Giọng nói ấm áp của cô được thay bởi một giọng lạnh lùng:

- Tôi hỏi không có ai trả lời phải không?

Vẫn là những cái mặt cúi gằm xuống. Rồi bất ngờ đứa con gái bị ném giấy vào mặt đứng phắt lên. Một giây im lặng. Rồi cũng có sự giải thích:

- Dạ thưa cô… bạn Tiến ném giấy vào mặt em! – Lời giải thích vừa có chút sợ sệt, nhưng rất rõ sự uất ức.

Cô vẫn không có một chút thay đổi nét mặt.

- À, thế ra bạn Tiến ném giấy vào mặt em.

Cô không nói thêm gì. Nhưng tự khắc đứa con trai bàn trên – tên Tiến cũng phải tự đứng dậy:

- Dạ thưa cô… em… ném nhầm ạ. Đáng lẽ em định ném bạn Phúc…

Lớp rúc rích cười. Cô chưa nói gì, Phúc đã vội đứng dậy và giải thích ngay:

- Dạ… em chỉ định đùa bạn một tí thôi ạ. Suốt từ đầu giờ bạn ấy cứ viết thư trêu em, cho nên…

Phúc không dám nói tiếp nữa. Dù gì thì nó cũng có lỗi, cũng là một phần nguyên nhân của sự việc này; cho nên bây giờ nó càng thanh minh thì tội sẽ càng nặng hơn. Hai đứa kia cũng vậy. Không ai dám nói thêm gì. Cô giáo cũng vẫn im lặng. Sự im lặng đáng sợ.

Đã hết giờ. Trống đánh lên ba tiếng giòn giã. Một loạt tiếng hò reo từ khắp trường. Đã là giờ ra chơi. Ồn ào, huyên náo ở tất cả các lớp học, trừ lớp nó.

Sự nhộn nhịp của giờ nghỉ không xóa được không khí căng thẳng. Không ai dám nói, cũng không dám thể hiện thái độ vui mừng gì. Cuối cùng cô cũng lên tiếng:

- Hóa ra là các anh chị ngồi không nghe giảng mà viết thư cho nhau phải không – Giọng cô lạnh băng – Chắc là các anh chị giỏi quá rồi, không cần tôi phải dạy nữa chứ gì? Được! Nếu thấy không cần thì cứ xin nhà trường bỏ môn văn của tôi đi, tôi càng nhàn.

Không khí lại càng trầm hơn. Cô bước xuống bục giảng và ra khỏi lớp. Nó ngồi như chết. Tim nó đập liên hồi và mắt như nhìn vào một khoảng hư vô. Tiếng ồn của buổi ra chơi không làm cho nó vui lên chút nào. Cả lớp nó cũng vậy. Đứa nào đứa nấy ngồi nguyên một chỗ, khác hẳn ba giờ ra chơi trước.

Nó cảm thấy cần phải làm một cái gì đó. Nó đứng phắt dậy, bước lên đứng trước lớp.

- Tôi xin mời bạn Tiến và bạn Phúc lên đây!

Hai đứa gây sự vẫn chưa ngồi xuống, mặt vẫn cúi gằm. Nó nhắc lại lần nữa. Cả hai cùng ra khỏi bàn và rệu rã bước lên. Nó hít một hơi dài, đứng trước mặt cả hai đứa.

- Các bạn có lòng tự trọng không hả? – Nó nói như hét.

Cả lớp im phăng phắc. Mặc cho tiếng ồn ra chơi dội vào.

- Các bạn năm nay học lớp mấy rồi mà còn xử sự như hai thằng trẻ con thế hả? Cô giáo thì đang giảng bài nhiệt tình như vậy, thế mà cả hai đều không tôn trọng cô một chút nào cả. Làm thế có khác nào xúc phạm cô không?

Không có tiếng đáp lại.

- Mà thôi – Nó hạ giọng – Các bạn cũng đã lớn cả, có lẽ không cần phải nói nhiều. Nhưng các bạn thử tự xem xét lại bản thân mình xem! Có đáng là học sinh không?

Cả 59 con người đều im thin thít. Trống đánh vào lớp. Cả lớp vẫn không hoạt động gì. Nó cứ đứng đấy, cho đến khi thầy giáo dạy tiết cuối bước vào.

Tiết cuối trôi qua trong một sự trật tự hiếm có.

4.

-T

hế là lúc đấy mày đứng lên quát lớp một trận tóe khói à? – Thịnh “ộp” hỏi lại.

- Chứ còn sao nữa! Lúc ấy không quát thì tao còn là lớp trưởng hay không – Nó hùng hồn đáp.

- Chậc chậc! – Dũng “quềnh” chép miệng – Ra dáng xếp đấy chứ nhỉ? Oai như … cóc ấy.

Nó ghè đầu Dũng “quềnh” ra tương cho mấy phát liền. Rồi lại nhặt cầu lên đá tiếp.

- Tao mà không oai thì tiết năm hôm ấy làm sao cả lớp im như thóc được. Mà tao đố Thịnh “ộp” quản lớp mày trật tự được như lớp tao hôm ấy đấy! – Nó vung chân phát cầu.

- Tao chịu thôi – Thịnh “ộp” làm vẻ khiêm tốn – Tao không thừa nước bọt như mày đâu – Thịnh “ộp” đẩy cầu sang cho Dũng “quềnh”.

- Thế đến hôm nay lớp mày vẫn trật tự như thế à? – Hải “tí” thắc mắc.

- Chứ còn sao nữa? Quy củ nền nếp đâu ra đấy. Không thì thời gian đâu mà bây giờ tao đứng đá cầu với bọn mày.

- Thế là – Dũng “quềnh” tổng kết, vẫn tâng cầu trên đùi – Bọn tao chỉ cho mày bao nhiêu phương pháp, cuối cùng mày chẳng áp dụng phương pháp nào cả, đúng không?

Cầu lại về chân nó. Hải “tí” động viên:

- Không sao, mày nghĩ ra thêm phương pháp mới lại càng hay. Chắc lớp mày là “quái lớp”, chỉ phù hợp với “quái chiêu” thôi. Phương pháp thường không áp dụng được.

Dũng “quềnh” bồi thêm:

- … mà “quái chiêu” cũng chỉ có “quái nhân” mới nghĩ ra được thật.

Nó vừa kịp nhận ra thằng “quềnh” xỏ xiên mình, sẵn có quả cầu trong chân, nó phát ngay một quả vuốt má trong, nhằm thẳng mặt thằng Dũng “quềnh”.

“Đốp!” Tiếng kêu nghe giòn tan.

Dũng “quềnh” đứng sững người. Hải “tí” và Thịnh “ộp” cũng phải giật mình. Quả cầu không rơi trúng mặt Dũng “quềnh”, mà va phải mặt một bạn nữ đang đi trong sân trường.

Dũng “quềnh” không biết phải làm sao, cứ đứng như trời trồng. Cô bé ấy có đeo kính, và không đứa nào biết quả cầu đã gây ra hậu quả gì chưa. Bốn đứa run run chờ phản ứng. Nhưng chẳng có phản ứng gì đáng sợ cả. Cô bạn xấu số – rất bình tĩnh đeo mắt kính lại, nhặt quả cầu lên và đưa mắt nhìn xung quanh. Hẳn là muốn tìm chủ nhân của quả cầu. Bọn nó còn chưa kịp đùn đẩy nhau xem ai sẽ ra xin lỗi, thì Dũng “quềnh” đã tự động bước lên. Nó, Hải “tí”, Thịnh “ộp” đứng từ xa nhìn.

Cô bé nói điều gì đó rất nhanh với Dũng “quềnh”, rồi thả trôi quả cầu và đi tiếp. Dũng “quềnh” quay lại tức khắc, và đi về phía bọn nó với bộ mặt nghệt ra như người mất hồn.

- Nó bảo gì mày thế? – Thịnh “ộp” sốt sắng.

- Ừ, bảo gì có một câu rồi đi luôn hả mày? – Nó cũng chưa hết ngạc nhiên.

- Đầu tiên tao bảo xin lỗi nó. – Dũng “quềnh” kể – Rồi bọn mày biết nó nói gì không?

- Nói gì?

- Nó bảo: “Bộ đội thế là thường”.

Dũng “quềnh” nhắc lại từng từ với bộ mặt thất kinh. Thịnh “ộp” có vẻ bị “sốc”.

- “Bộ đội thế là thường” – Thằng này hỏi lại. – Con gái đấy hả mày?

Cả ba thằng nó, Thịnh “ộp”, Dũng “quềnh” đều không ngớt sửng sốt về một cô bé bình tĩnh, và “gan” đến khó tin. Chỉ riêng Hải “tí” là thông suốt từ đầu sự việc tới giờ. Hải “tí” đã không tỏ ra một chút ngạc nhiên nào cả. Hải “tí” chỉ im lặng đứng nhìn. Rồi Hải “tí” cũng lý giải cái im lặng của mình:

- Cô bé ấy là lớp trưởng A23 đấy.

- Lớp trưởng A23!? – Nó giật thót mình – Là cái người mà mày bảo tao bắn Halflife giỏi ngang mày đấy hả?

- Là nó đấy. – Hải “tí” vẫn trầm ngâm – Mà không chỉ ngang ngửa tao. Ngang ngửa cả bốn bọn mình.

Thịnh “ộp” vội nhận xét ngay:

- Đeo kính, mặc áo đỏ, tóc đổ ngang vai. Đúng như hôm trước mày tả. Trông cũng xinh ra phết!

Dũng “quềnh” đột nhiên lên tiếng:

- Tao bắt đầu thấy hay rồi đấy. Nhất định tao phải làm quen bằng được với nó. Những nữ “hào kiệt” như thế thời nay không có nhiều đâu.

- Mà nhất là nó lại còn học giỏi – Hải “tí” cũng thấy nôn nao – Làm lớp trưởng chắc chắn học giỏi – Hải “tí” như sực nhớ ra điều gì – Theo tao biết, năm ngoái nó đạt nhì học sinh giỏi toán của tỉnh.

Thịnh “ộp” cũng muốn góp lời:

- Tao thì chỉ thấy nó xinh thôi, còn cái khác không quan trọng.

- Tao – nó cũng tỏ ra muốn làm quen – rất coi trọng những đứa con gái mạnh mẽ như thế. – Nó hít mạnh – Một đứa con gái với đầy vẻ cá tính của một thằng con trai. Rất mạnh mẽ! – Nó nhấn giọng.

- Thế thì thứ tư tuần sau nhé! – Có tiếng bàn bạc.

- Ừ – Cả bọn hưởng ứng.

- Thế tên nó là gì thế? – Một thằng hỏi.

Nhưng lần này đã có câu trả lời. Hải “tí” có lẽ đã dò hỏi được.

- Tên nó ấy à – Hải “tí” phát âm từng từ rành rọt – Mai Lan Anh.

Bất giác không ai bảo ai, cả bốn đứa đều ngoảnh mặt nhìn về cánh cửa lớp A23. Trống vào lớp. Cả trường còn ồn ào nhốn nháo hơn cả lúc mới ra.

Nhưng lớp 10A23 gần như không một tiếng động. Bọn nó cũng phải kéo nhau vào lớp.

Một giờ ra chơi thoải mái đến với nó. Tất cả là nhờ bài phát biểu – đúng hơn là quát tháo của nó hôm qua. Ngày học thứ hai sắp bình yên trôi qua, chỉ còn tiết cuối.
- Tùng!Tùng! Tùng! Tùng Tùng Tùng! Tùng Tùng Tùng Tùng!!!

Lớp nó cũng chẳng buồn hò hét, chẳng buồn đập bàn ghế. Đứa nào đứa nấy mệt mỏi ngáp ngắn ngáp dài, đến nỗi nó tập hợp lớp lại để nhắc một chuyện quan trọng, cũng không ai phản đối gì.

Nó cần tập hợp lớp để hỏi ý kiến về vệ sinh phòng học mà cô giáo đã nhắc nó hôm trước.

- Các bạn trật tự nhé – Nói một câu quá thừa, lớp nó chưa đứa nào ra khỏi chỗ – Tớ xin hỏi ý kiến lớp mình một việc đây – Không ai nói gì – Cô chủ nhiệm hôm trước nhắc lớp mình tổ chức làm vệ sinh quét dọn lớp, các bạn xem hôm nào rảnh để tất cả cùng làm một buổi cho xong.

Không khí lớp bắt đầu nóng lên một chút. Có tiếng bàn tán lao xao. Nó chọn đại một ngày:

- Chủ nhật này được không?

Lập tức tiếng phản đối nổi lên dữ dội:

- Cái gì? Chủ nhật à? Không được đâu!

Nó vội đổi giọng khác:

- Thì thứ hai nhé?

Tiếng phản đối dẹp xuống đôi chút. Nó tưởng đã chọn được ngày rồi thì bỗng gần một phần tư lớp đứng dậy:

- Hôm đấy bọn tớ phải đi học thêm.

Nó tặc lưỡi:

- Thôi thì thứ ba vậy, có ai bận gì thứ ba không?

Không ai có ý kiến gì, một số đứa mè nheo nhưng phần lớn là nhất trí.

- Thôi nhé, nếu không có ý kiến gì – Nó theo dõi thái độ của lớp – Thì hôm thứ ba cả lớp mình mang dụng cụ đến vệ sinh lớp!

Giọng nó rất hăng hái nhưng cả lớp đáp lại bằng một câu “được rồi” uể oải. Nó cũng mất cả hứng. Mà cũng phải thôi, đi làm vệ sinh chứ có phải đi liên hoan đâu.

- Thế nhé – Nó lại phải nhắc lại lần nữa cho những đứa lãng tai – Thống nhất là chiều thứ ba cả lớp tập trung tại đây, mang chổi xẻng đi. Ai không đến thì trừ hạnh kiểm, tôi điểm danh đấy.
Về đến nhà, nó không buồn cất cặp, quẳng luôn ở phòng khách. Cứ nghĩ đến lớp nó lại thấy chán chường. Nó nằm xuống ghế xô pha nghỉ. Và quyết định không nghĩ ngợi gì nữa. Nhưng rồi nó cũng không được yên.

Vừa quẳng mình xuống ghế là chuông điện thoại reo inh ỏi. Nó lại phải ngồi dậy nhấc máy. Giọng thằng Thịnh “ộp”:

- Chết tao rồi mày ơi!

- Mày cháy nhà à?

- Không. Còn hơn cả thế nữa.

- Cái con ếch ộp này – Nó sốt ruột – Nói mau lên đi.

- Cái kế hoạch thứ tư của tao coi như “xong” rồi – Thịnh “ộp” nói với một giọng tràn trề thất vọng - Cuộc hẹn của tao với “nàng A23” thứ tư tới, hỏng hết cả cơm canh rồi!

- Của mày? – Nó lên giọng nhắc lại – Cả bốn đứa mình cùng hẹn cơ mà? À mà có phải hẹn đâu, bọn mình phục kích, “đánh chặn” nó đấy chứ?

Thịnh “ộp” im lặng, như để dồn nén tâm trạng rồi xổ ra một tràng với giọng điệu mà chỉ nghe thôi, không biết được nó đang “phẫn nộ” đến mức độ nào.

- Chủ nhật nghỉ cả ngày, không làm. Thứ hai ngày đầu tuần, không làm. Thứ ba học ít tiết, cũng không làm! – Thằng này hít một hơi – Đâm ngay thứ tư có cuộc hẹn của tao mà cô bắt làm vệ sinh lớp. Có cú không cơ chứ! Thế mà viện bao nhiêu lí do cô cũng không tha! Nào là hôm ấy tao đi học thêm! Nào là hôm ấy nhà tao có việc! Nào là hôm ấy tao sẽ… bị ốm! Thế mà…

00_:_00
29-05-2008, 01:49 AM
Vu vơ lớp 10 – Trần Trung Dũng (Phần 2)

Nó nghe thằng “ộp” ư ứ nghiến răng trong điện thoại, chỉ muốn ôm bụng cười; nhưng nó cũng biết là không nên cười trên sự “đổ vỡ” của người khác.

- Ừ, nhưng mà thế thì làm sao cơ chứ? Coi như thứ tư tuần sau mày không được bắn Halflife với con bé lớp trưởng A23 đi, thì mày làm sao?

- Thì sao? – Thằng Thịnh rống lên – Thì tiếc đứt ruột chứ sao! Thế mà cũng hỏi. Thời buổi này kiếm đâu ra được một “nàng” xinh mà lại bắn Halflife giỏi đến thế cơ chứ! Không làm quen thì tiếc đứt ruột chứ làm sao!

Nó im lặng một lát. Thái độ của thằng Thịnh “ộp” nó thấy không bình thường chút nào. Thậm chí còn hơi man man là đằng khác. Hình như là vì… mà không phải, chắc chắn là vì con bé lớp trưởng 10A23 kia.

- Thịnh “ộp” này – Nó nghiêm túc – Tao hỏi thật mày một câu nhé.

- Câu gì? – Thịnh “ộp” vẫn rên rỉ.

- Mày – Nó hắng giọng – Mày… thích con bé lớp trưởng A23 à?

Im lặng rất lâu. Rồi nó nghe tiếng thằng Thịnh lắp bắp:

- Làm gì có… làm gì có đâu… tao… có thích nó đâu…

- Không thích sao vừa xong mày im thin thít thế? – Nó lên giọng hỏi xoáy vào.

- Tao… - Thằng Thịnh lúng túng – Tao… sặc… nước bọt.

- Sặc… - Nó buồn cười quá không thể nhịn được, đời thuở ai, sặc gì lại “sặc nước bọt” – Mày… ặc… ặc… - Nó tức cười quá – Mày làm sao mà phải sặc… nước bọt! Có lấy lí do gì thì cũng đừng có che đậy cái kiểu ấy chứ! Nói thật đi! Mày thích nó phải không?

- Tao… tao… chả biết, …làm gì có chuyện…

- Thế là đúng rồi! – Nó độp một câu kết luận – Cái kiểu ấp a ấp úng như mày là đích xác rồi! Mày đừng có chối làm gì, tao đây kinh nghiệm hơn 20 năm chuyện “tình cảm” đấy!

- Mày đừng có đùa đi… - Thịnh “ộp” ấp úng.

- Ai đùa với mày! – Nó cười “đểu” – Mày mà còn chối thì mai tao loan tin cho Hải “tí”, Dũng “quềnh” biết đấy!

- Mày đừng đùa mà, làm gì có cái gì đâu. Tao nói nghiêm chỉnh đấy.

- Á à mày còn chối à? Thế thì tao càng phải loan tin cho cả lớp mày biết – Nó khoái chí – Không biết bọn nó cười thối mũi mày như thế nào nhỉ?

- Tao không đùa đâu nhé! – Thằng Thịnh bắt đầu cáu thật – Tao kể cho mày nghe không phải để mày chế giễu tao!

- Ủa, thế mày tưởng tao đùa à? Nói thật nhé, cái tên Phạm Đức Thịnh với cả, gì nhỉ, Mai Lan Anh là hơi bị “cạ” nhau đấy! – Nó vỗ tay – Nếu mày thích thì mai tao loan tin cho cả trường…

- Cạch! – Đầu dây bên kia vang tiếng dập máy.

Nó giật mình. Nó đang làm cái gì thế nhỉ? Nó đứng như trời trồng. Thằng Thịnh trước nay chưa bao giờ làm như vậy. Dập máy khi đang nói chuyện. Nó cảm thấy như mình vừa gây ra chuyện gì tồi tệ lắm. Thằng Thịnh có vẻ muốn nói chuyện nghiêm chỉnh thật. Thế mà nó cứ giễu cợt. Nó có lẽ phải xin lỗi mất thôi.

Nhưng nếu đúng như những gì thằng này vừa trả lời, thì chắc chắn Thịnh “ộp” đã “cảm” cô bé lớp trưởng A23 thật.
5.

H

ai ngày học liền, Thịnh “ộp” không sang lớp nó chơi. Hải “tí” và Dũng “quềnh” cũng vậy.

Nó, phần vì bận việc của lớp: phân công lao động, thu quỹ lớp, học phí… phần vì ngại, nên cũng không sang lớp A29. Thế là bốn đứa không có dịp họp mặt để bàn thêm về cái kế hoạch hôm thứ tư chút nào. Nhất là đang lúc có chuyện phải bàn: thứ tư, Thịnh “ộp” không đi được.

Nhưng nó thấy cái cần bàn hơn cả là việc Thịnh “ộp” “cảm” cô bé lớp 10A13 – Mai Lan Anh. Dù chơi thân với thằng này suốt một năm trời nó cũng không thể ngờ được Thịnh “ộp” lại… Nó chắc Hải “tí” và Dũng “quềnh” cũng không thể ngờ, nhưng có lẽ Thịnh “ộp” chưa cho hai đứa này biết.

Nhưng lần này là một sự khác biệt. Nó tưởng thằng này chỉ đùa, và nó cũng đùa cho vui, không ngờ lại khiến thằng này dập máy khi đang nói chuyện điện thoại. Thịnh “ộp” dập máy có nghĩa là đang tức giận. Mà tức giận có nghĩa là việc nó đùa cợt là sai, nghĩa là chuyện tình cảm của Thịnh “ộp” với cô bé lớp trưởng 10A23 là rất nghiêm túc.

Nó rùng mình. Hình như nó đang nghĩ ngợi quá xa rồi. Nó suy diễn hơi nhiều thì phải. Chỉ dựa vào mấy lời nói và sự ấp úng của Thịnh “ộp” qua điện thoại thì chả đủ để kết luận gì. Biết đâu Thịnh “ộp” sặc nước bọt thật. Vả chăng bọn nó cũng vừa mới chỉ lớp 9 lên lớp 10, tức là vẫn còn chưa đủ chín chắn để nói đến cái “chuyện ấy”. Cái chuyện… tình cảm nghiêm túc của “con trai” dành cho “con gái”. Việc của Thịnh “ộp” nó nghĩ có lẽ chỉ là một phút “hâm hâm” của thằng bạn mà thôi. Có khi Thịnh “ộp” khoái đi “bắn” với cô bé lớp trưởng A23 chỉ vì khoái “bắn” với một đối thủ tầm cỡ, chứ chả vì cô bé ấy xinh gì cả. Thịnh “ộp” lại cứ lấy cái lý do thứ hai để che đi cái lý do thứ nhất, để tỏ ra mình đã lớn, đã là một thằng “đàn ông”. Thế cũng nên.

Nó vừa nghĩ thế, nhưng lại chợt nghĩ đến Dũng “quềnh” và Hải “tí”. Dũng “quềnh” và Hải “tí” cũng muốn làm quen với cô bé ấy, chẳng lẽ hai đứa này cũng muốn thể hiện “mình đã lớn”? Không. Nếu thế thì mồm hai đứa này cũng phải “bô bô” giống Thịnh “ộp”, chứ không kín tiếng theo cái kiểu âm thầm như hai đứa đã thể hiện. Dũng “quềnh” còn là người đề xuất ý kiến làm quen; và chính thằng này thuyết phục cả ba đứa còn lại nghe theo. Còn Hải “tí”, nếu thực sự không quan tâm thì làm sao nó biết rõ cô bé kia hay đến quán điện tử “Game World” vào chiều thứ tư và đến tên cô bé là gì nó cũng biết nốt. Nó cảm thấy như cả ba đứa: Hải “tí”, Dũng “quềnh”, và Thịnh “ộp” nữa, mỗi đứa đều có sự âm thầm, khó hiểu, nhưng thật sự mạnh mẽ. Sự thay đổi khiến ba đứa vốn nhát gái, lại nhất quyết đòi làm quen bằng được một cô bé lớp trưởng. Sự thay đổi đó khiến nó không hiểu nổi đến ba thằng bạn thân của mình.

Ba thằng trong bốn đứa nó đã thể hiện rõ thái độ của mình.

Còn nó? Nó, có lẽ ngay từ đầu đã xác định được tình cảm của mình. Nó chỉ nể phục, thế thôi. Sự nể phục đối với một bạn gái tài giỏi. Đó là chuyện bình thường, chẳng liên quan gì đến việc nó là con trai còn cô bé là con gái cả. Nó nghĩ có lẽ nó là đứa còn “tỉnh táo” nhất trong số bốn thằng.

Ít ra cho đến trước “cuộc hẹn” ngày thứ tư.
Sự chờ đợi làm cho thời gian trôi chậm hơn nhiều lần.

Chủ nhật. Nó ở nhà. Không đứa nào đến chơi hoặc gọi điện cho nó. Nó thoáng nghĩ về ngày thứ tư sắp tới.

Thứ hai. Đầu tuần. Nó dậy sớm hơn năm phút so với mọi ngày. Đầu tiên, trong đầu nó, đã hiện lên hình ảnh bốn đứa đi bắn Halflife với nhau, và với cô bé lớp trưởng A23. Nó nghĩ nhiều về chuyện này, gần như là mọi lúc nếu nó có thời gian rỗi. Thứ ba. Trời mưa tầm tã. Một cơn mưa cuối hạ, đầu thu. Nó ghét trời mưa, bởi mọi vật ướt nhèm nhẹp. Nhưng nó không thể ngờ được trận mưa đúng ngày hôm nay có ảnh hưởng tới nó như thế nào. Theo lịch thì thứ ba lớp nó có buổi trực nhật dọn vệ sinh lớp. Nhưng trời mưa. Và buổi lao động sẽ phải dời sang thứ tư. Vậy là cuộc hẹn của nó với cô bé A23 sẽ bị hủy bỏ.

Nó không đi được hôm thứ tư. Thằng Thịnh cũng không đi được. Chỉ có Hải “tí” và Dũng “quềnh”. Mà phải! Nó sực nhớ Hải “tí” và Dũng “quềnh” học cùng lớp với Thịnh “ộp”. Thịnh “ộp” không đi được, thì chắc chắn hai đứa kia cũng không thể đi được!

Vậy có nghĩa là cả bốn đứa nó đều hỏng cuộc phục kích chiều thứ tư.

Kế hoạch táo bạo làm quen với lớp trưởng 10A23 có nguy cơ tan vỡ. Nó không thể khoanh tay đứng nhìn.

Thứ tư, nó đến trường. Vào lớp. Cất cặp. Và sang lớp thằng Thịnh “ộp”.

Việc đầu tiên nó phải xin lỗi Thịnh “ộp”. Sau đó cả bốn đứa nó sẽ bàn về “chuyện kia”. Nó gặp Thịnh “ộp” ở cửa. Thằng này cũng định sang lớp nó. Nó vội tuôn ra những lời lẽ đã sắp sẵn:

- Thịnh “ộp” à, cho tao xin lỗi chuyện hôm bữa tao trêu mày…

- Khỏi đi mày! – Thịnh “ộp” cắt ngang bằng một câu khẳng khái – Chuyện từ thuở nào rồi. Cái quan trọng là bây giờ tính chuyện chiều nay làm thế nào đây này!

Hải “tí” và Dũng “quềnh” cũng lập tức xuất hiện ở cửa lớp nó. Một hội nghị cấp cao được thiết lập ngay tại chỗ.

- Chuyện trực nhật của lớp mày hôm qua chuyển sang hôm nay tụi tao biết rồi, khỏi kể! – Thịnh “ộp” mào đầu trước – Như thế có nghĩa là cả lớp tao và lớp mày đều phải trực nhật chiều nay. Cả bốn đứa đều không đi được!

Bốn đứa thần mặt ra. Đột nhiên Dũng ‘quềnh” lên tiếng:

- Chúng mình đúng là ngu. Chẳng qua cũng chỉ là một nữ lớp trưởng biết bắn Halflife, tuần này không gặp thì thứ tư tuần sau. Có mất gì nào? – Dũng “quềnh” hắng giọng tiếp – Thứ hai: cứ gì cứ phải làm quen với nó qua Halflife nhỉ? Anh em mình người đàng hoàng, nếu thích thì cứ viết thư bay đến thẳng lớp nó mà làm quen. Cớ sao lại “phục kích”, rồi “tấn công” làm gì để gây hiểu nhầm ra?

Ba thằng cùng im lặng. Dũng “quềnh” nói cũng có phần đúng. “Phục kích” rồi “tấn công” đồng loạt một đứa con gái có lẽ không hay ho gì. Đó là cách làm của những đứa nông nổi – Thịnh “ộp” gật gù nhiều nhất. Nó cũng có vẻ như tỉnh ra. Nhưng ba đứa vẫn không nói gì.

Dũng “quềnh” lại thêm:

- Tao nghĩ nên từng đứa làm quen. Tốt nhất đứa nào thích thì cứ làm quen một mình, can gì mà lôi cả bọn vào? Con trai đường đường cơ mà, tiện cách nào thì cứ làm cách ấy, có gì mà phải sợ?

Lần này thì Thịnh “ộp” có ý kiến:

- Tao thấy có lẽ đúng. Thằng nào thích thì cứ làm theo cách riêng của mình. Can gì mà cả bọn cùng xô vào.

Hải “tí” cũng cho là phải:

- Ờ, nếu nghĩ thoáng như thế thì cũng chẳng có gì phải bàn. Không nhất thiết cứ phải chiều nay mới làm quen được với nó.

Nó cũng đành thuận theo:

- Nếu thế, ai dám làm quen trực tiếp với lớp trưởng A23 thì giơ tay lên xem?

Nó giơ tay đầu tiên. Thịnh “ộp” giơ. Hải “tí” giơ. Dũng “quềnh” cũng giơ. Cả bốn đứa chợt nhìn nhau. Thịnh “ộp” giơ cao nhất. Bất chợt Dũng “quềnh” hạ tay xuống sau khi nhìn mặt Thịnh “ộp”. Hải “tí” cũng vậy. Khuôn mặt Thịnh “ộp” thể hiện rất rõ sự nghiêm túc. Nó nghĩ có lẽ nó cũng không cần thiết phải làm quen với cô bé kia, và thu tay lại. Chỉ còn mình Thịnh “ộp”. Dũng “quềnh” lên tiếng:

- Tao “nhường” cho Thịnh “ộp” đấy – Rồi cười thoải mái.

Hải “tí” cũng cười:

- Ừ, bọn tao “nhường” hết cho mày đấy. Cố mà quen cho bằng được nghe chưa!

- Bốn người vì một người! – Nó phát biểu – Anh em mình giúp Thịnh “ộp” đi!

Cả bọn rào rào hưởng ứng. Thịnh “ộp” đỏ mặt vội rụt tay lại. Không khí căng thẳng của “cuộc họp” bỗng chốc được thay thế bằng tiếng cười đùa thoải mái. Chỉ có Thịnh “ộp” là không được thoải mái cho lắm.

Ba đứa nó cố lôi cho bằng được thằng này xuống 10A23, nhưng được nửa chừng cầu thang thì trống vào lớp.

Buổi lao động buổi chiều, lớp nó tập trung hai giờ rưỡi. Nó không phải “lăn tăn” vì một cuộc hẹn nữa, mà chỉ lo “giúp” Thịnh “ộp” thôi. Giúp cách nào bọn nó chưa biết, nhưng cứ biết là giúp. Mà giúp lúc nào đi nữa thì cũng không phải là chiều nay. Chiều nay nó phải dồn hết “trí lực” để điều khiển lớp nó trực nhật. Một cái lớp mà nó cho là “trước nay chưa từng có”.

Buổi lao động tiếp diễn với hàng trăm vấn đề thuộc về “bản chất” của nó. Cho đến khi lớp nó có thể gọi là sạch được – theo tiếng lóng thì đã mất gần hai tiếng đồng hồ.

5 giờ, nó kéo cả lớp xuống sân trường để làm nốt nhiệm vụ trồng cây. Đứa nào cũng mệt nên chẳng còn hơi đâu mà cãi cọ. Hơn hai chục gốc rau muống cảnh được “nguyên vẹn” cắm xuống bồn cây của trường mà không bị thằng nào vặt lá hay bứt gốc gì.

Buổi lao động kết thúc ổn thỏa lúc 5 giờ 30.

Nó vừa đi vừa thở hồng hộc vì mệt. Nó có cảm tưởng như cái cổ họng khản đặc lại bởi phải hét quá nhiều. Sau khi dọn sạch “bãi chiến trường” lớp nó bày ra, nó chỉ còn một mình. Năm chín đứa kia đã chuồn nhanh như trạch khi vừa được lệnh của nó. À mà không phải năm chín đứa, nó lững thững bước xuống cầu thang, tay cầm bản danh sách mười hai đứa bỏ buổi hôm nay không lí do. Đi hết cầu thang, nó còn phải cuốc bộ ra nhà để xe nữa. Trường vắng tanh vắng ngắt. Trời sẩm tối. Nó cảm tưởng như có mỗi mình nó thì phải. Nhưng đến nhà để xe thì hóa ra còn một người nữa. Nó đoán cũng là lớp trưởng như nó, chỉ có lớp trưởng thì mới luôn là người đến sớm nhất và về muộn nhất. Nó đạp chân chống lên và uể oải rút vé định đưa cho bác bảo vệ. Nhưng xe nó bỗng bị chặn trước bởi chiếc xe khác - chiếc xe của người kia. Với một dáng điệu vội vã, người ấy vừa dắt xe vừa gạt chân chống và vé đã cầm sẵn ở tay.

Nó giật mình – người ấy – một đứa con gái – tóc ngang vai. Áo đỏ. Đeo kính cận. Dưới ánh điện nhà xe, nó không thể nhầm được, đó chính là cô bé lớp trưởng 10A23. Tim nó đập liên hồi. Nó hồi hộp. Người mà bốn đứa nó định làm quen giờ đây ở ngay trước mặt nó. Nó không nói được câu nào. Nhưng trong trường hợp này nó không nên nói.

Cô bé lớp trưởng dắt xe vượt lên trước nó, ra khỏi nhà xe và băng qua sân trường. Nó cũng vội bước theo, sau khi trình vé xe. Nó không nên đến quá gần mặc dù rất muốn. Cô bé ấy sẽ nghi ngờ. Nó giảm tốc độ, và khoảng cách xa dần. Ba bước chân. Bốn bước chân. Năm bước chân. Nó giữ khoảng cách ấy. Cô bé ấy đột nhiên ngoảnh mặt lại nhìn nó. Cái nhìn thoáng vội. Nó đứng tim.

Một cái nhìn chớp nhoáng theo phản xạ. Nhưng rồi cô bé càng dắt xe nhanh hơn. Nó bủn rủn cả chân tay. Bước chân nó muốn phanh gấp lại, muốn đi chậm hơn một cách thật tự nhiên. Nhưng nó không thể tự nhiên được. Cô bé kia không biết có nghi ngờ gì nó không? Cô bé đã đi gần đến cổng trường. Hai chân nó ríu lại bước vội hơn. Mồ hôi nó lấm tấm trán. Tim vẫn đập liên hồi.

Cô bé đã ra khỏi cổng trường. Nó gần như lao bay cả xe lẫn người về phía ấy. Bánh xe nó nảy lên. Chân nó muốn rã ra. Đây là giờ phút quyết định của nó. Đã năm rưỡi. Trời tối. Nó phải về nhà. Cô bé kia cũng vậy. Nhưng nếu nó bám theo thì có thể nó sẽ biết được địa chỉ của “nữ tướng” A23. Và nó đã hứa giúp Thịnh “ộp”. Đây là cơ hội nghìn năm có một của nó.

Nó phanh xe ngay trước mặt cổng trường. Đường về nhà nó rẽ phải, nhưng cô bé kia – vẫn dáng điệu vội vàng lên xe rẽ trái. Nó đứng trước một sự lựa chọn.

Cô bé lớp trưởng 10A23 đi khá xa, nếu không đuổi theo sẽ không còn kịp. Bóng tối đổ xuống dần.

Nó lên xe, và đổ theo dòng người. Rẽ trái.

6.

N

ăm rưỡi là giờ tan tầm. Mọi ngả đường đông nghịt, kẹt cứng những người đổ ra từ các công sở. Nó không đi gần sát thì cô bé không thể nhận ra được. Người đông cũng khiến cô bé không để ý đến nó.

Tim nó vẫn đập thình thịch. Lần đầu tiên nó bám đuổi theo một đứa con gái, lại là một lớp trưởng. Nó cảm thấy hơi sờ sợ. Nếu cô bé phát hiện ra nó thì… Nó không dám tưởng tượng ra cảnh ấy. Chân nó đạp xe run run. Nếu đúng chiều nay 10A23 cũng lao động thì cô bé quả là một lớp trưởng tận tụy với công việc.

Thêm một ấn tượng tốt về cô bé lớp trưởng càng khiến nó nể phục hơn và cũng khiến nó run hơn. Nó không dám ngẩng mặt lên nhìn cô bé mà chỉ dán mắt vào chiếc xe. Chân vẫn đạp như cái máy.

Cô bé đã dừng lại và dắt xe lên thềm. Nó chống vội, phanh gấp. Cô bé tiến thẳng lên căn nhà ba tầng số 19 sơn xanh nhạt, băng qua hai cây hoa sữa vỉa hè. Nó chỉ ngồi im và hết sức hồi hộp chờ đợi. Mắt nó căng ra. Cô bé đã qua hai cây hoa sữa nhưng không vào nhà mà quặt trái, vẫn với dáng điệu vội vàng.

Cô bé không vào căn nhà số 19 mà dừng lại trước tấm biển phản quang xanh đề con số 21, trước cửa một quán Halflife.

Cô bé dựng xe ở đó, bước vào quán, chào xã giao một câu với bác chủ và tự nhiên ngồi xuống trước một máy, như thể đó là chuyện bình thường. Cô bé bắt đầu bật màn hình lên. Vào mạng. Và chơi.

Nó sững sờ!

Nó nhìn nữ lớp trưởng của 10A23 qua hai lớp cửa kính, có lẽ nó sắp đưa ra một kết luận, nhưng nó vội dừng lại. Nó quay xe, dắt xuống khỏi vỉa hè. Nó dắt xe sang bên kia đường và hòa mình vào dòng người thưa thớt.

Đã muộn lắm rồi, nó phải về nhà.

Lại một ngày học mới bình thường. Lớp nó sau buổi lao động cật lực đã sáng sủa lên một chút. Sàn lớp, giấy vụn, vỏ kẹo và đủ các loại rác linh tinh đỡ rất nhiều. Bàn ghế và bốn cửa sổ trông cũng sáng sủa hẳn. Nó bằng lòng với kết quả ấy, vì nó biết có cố nữa thì khả năng của lớp nó cũng không thể hơn được. Ít ra thì lớp nó cũng làm cái có thể gọi được là lao động. Cô giáo chắc cũng không yêu cầu quá cao.

Sau một ngày lao động mệt mỏi, đáng lẽ ra tất thảy mọi người trong lớp nó phải tỏ ra chán nản, uể oải mới đúng. Đến nó, chỉ điều khiển lớp bằng mồm và “chỉ tay năm ngón” thôi mà giờ cũng còn không muốn động chân động tay. Nhưng biểu hiện của lớp nó sáng hôm nay đã khiến nó phải ngạc nhiên.

Gần như cả 59 người trong lớp nó bàn tán một cách xôn xao, sôi nổi. Tiếng ồn vọng ra khiến ngay từ tầng một nó đã nghe thấy, nó còn tưởng lớp nó đánh nhau. Nhưng nó chạy lên thì không phải. Nó để ý thấy rằng hầu hết dãy lớp 10 ở tầng hai cũng đều có một sự ồn ào, huyên náo như vậy. Có chuyện gì thế nhỉ? Nó tự hỏi và càng rảo bước hơn để vào lớp.

Vừa bước vào lớp thì tiếng ồn như dội hết vào mặt nó. Cửa lớp đông nghẹt, nó phải len vào. Nó không khó khăn gì nhận ra trung tâm của mọi sự huyên náo ấy ở lớp mình. Năm đứa con trai mặt lạ hoắc đang chễm chệ ngồi trên dãy bàn đầu tiên của lớp nó. Gần như cả lớp nó đang bâu xúm lại. Tiếng nói chuyện hò hét đưa đến khiến nó nhức cả óc. Năm đứa nào thế nhỉ? Nó mới chỉ nhìn thoáng qua, nhưng phân nửa trong số năm đứa ấy có khuôn mặt không lấy gì làm hiền lành, nếu không muốn nói là dữ tướng. Một đứa có đeo khuyên ở tai: con trai mà lại đeo khuyên tai. Một đứa tóc mái nuôi dài đến sát mắt, che gần hết khuôn mặt, và đôi mắt lừ lừ. Ba đứa còn lại mặt bạnh lên, xương, trông rất ngang bướng. Một thằng cạo tóc có lẽ phải đến hai phân, vuốt keo ngược lên, để lộ những đường trắng hếu trên đỉnh đầu. Một bộ dạng khiến người ta khó có cảm tình, chưa muốn nói là đáng sợ. Năm con người ấy, khuôn mặt như vậy, lại được gắn trên mình những bộ quần áo trông qua đã thấy đắt tiền. Năm bộ cánh bằng vải “chất” với toàn độc một màu, phía dưới tà áo có hoa văn cách điệu . Nó nhìn sơ qua đã thấy được “mác” của ba hãng: “Nike”, “CK”, “GUCCI”. Và chắc chắn là hàng “độc”.

Nó không mấy để ý lắm dù hơi lo lắng không biết bọn chúng vào lớp mình có việc gì. Nó len qua đám đông trước cửa lớp để ra ngoài. Nhưng bất chợt đám đông vội dãn ra xung quanh nó. Một thằng chỉ nó:

- Lớp trưởng lớp mình đây này!

Một trong năm đứa kia hỏi lại:

- Thế à? Dễ bắt nạt chứ? – Rồi cả bọn khanh khách cười.

Nó cứ bước thản nhiên ra khỏi lớp, làm như không quan tâm. Nhưng nó đã nghe hết cả. Bọn này chưa làm gì nó cũng chẳng liên quan gì tới nó, có nói vài câu khó nghe cũng chả sao, nó không thèm chấp.

Nó rời lớp nó sang bên lớp Thịnh “ộp”.

Nhưng lạ là lớp thằng Thịnh cũng huyên náo hệt như lớp nó, cũng lại ba, bốn đứa bị xúm quanh những người là người. Tiếng cười đùa hò hét ầm ĩ đến không nghe được gì cả. Nó ngạc nhiên, nhưng rồi mải đi tìm thằng Thịnh “ộp”, và cả Hải “tí”, Dũng “quềnh” nên không để ý.

Lớp nó len đã khó, để chen qua một lũ đứng tụ tập ngay giữa lớp Thịnh “ộp” còn khó hơn. Nó tìm thấy ba thằng bạn đang ngồi cuối lớp.

Ba thằng đang túm tụm lại một chỗ, tranh cãi về một điều gì rất căng thẳng. Nó ngồi xuống thì hai đứa kia cũng ngừng lại, ba đứa tập trung quay sang hỏi thăm nó:

- Thế nào? Lớp mày có mấy đứa?

- Mấy đứa? – Nó ngạc nhiên về câu hỏi, nhưng cũng trả lời – 5 thì phải. 5 thằng con trai.

- Thế thì mày chết rồi! – Hải “tí” vỗ tay chan chát – 5 thằng con trai thì mày chết!

- Ừ – Dũng “quềnh” lấy một bộ mặt hăm dọa nó – 5 thằng tao chỉ cần thấy một thằng nó nghịch thôi là nó xoay mày mệt đứt hơi rồi.

- Còn phải xem mặt mũi thế nào – Thịnh “ộp” có vẻ điềm tĩnh hơn – Nếu vớ phải đầu gấu, mặt trơ thì hết thuốc chữa. Còn cái bọn nghịch một tí nhưng biết sợ trời sợ đất thì mày cũng không phải lo.

Nó ngây mặt ra tiếp nhận ý kiến của ba thằng bạn bằng hai tai, và rồi tất cả chui ra đằng mồm. Biến thành một cái thắc mắc.

- Bọn mày nói gì tao chả hiểu. Năm thằng con trai thì sao?

- Năm thằng thì mày nhất chứ sao – Hải “tí” cố giảng giải.

- Thế hóa ra mày chưa biết gì cả? – Thịnh “ộp” ngạc nhiên.

- Biết gì? – Nó thấy rất khó hiểu.

- Đúng là “điếc không sợ súng”! – Dũng “quềnh” đế thêm vào.

Ba thằng nhìn nhau rồi nhìn nó. Thịnh “ộp” giải thích:

- Mày chưa biết à? Trường mình mới chuyển vào gần 100 đứa học sinh “thừa chỉ tiêu” ở bên trường Quang Trung loại ra đấy. Phân ra đều cho 30 lớp 10. Thành ra mỗi lớp được nhận thêm ba, bốn đứa chuyển vào. Vừa nãy tao hỏi là lớp mày chuyển thêm bao nhiêu đứa ấy?

- Chuyển vào? – Nó giật nảy mình – Hóa ra 5 đứa “đầu gấu” ngồi bên lớp tao là chuyển vào lớp tao à? – Mặt nó gần như tái đi – Thế thì tao chết thật rồi!

Điệu bộ nó như hết hơi khiến ba đứa kia buồn cười. Nhưng bọn này không cười, bởi sự việc này không lấy gì làm hay ho mà cười.

- “Đầu gấu”? – Thịnh “ộp” hỏi lại – Sao mày biết cả năm thằng mới vào lớp mày là đầu gấu?

- Sao tao lại không biết cơ chứ – Nó còn chưa hết “bàng hoàng” – Năm thằng, thằng thì khuyên tai, thằng thì cắt đầu đinh hai phân, toàn mặt dữ tướng, quần áo thì xịn đứt đuôi. Không phải hạng ăn chơi thì còn gì nữa! Thế là tiêu rồi.

Thịnh “ộp” bỗng lên tiếng:

- Chứ sao nữa. Năm nay chắc chắn lớp trưởng bọn mình “mệt” rồi – Giọng Thịnh “ộp” thấy rõ sự chán nản – Chỉ khổ những thằng lớp trưởng như tao…

Không ai bảo ai, nhưng tự nhiên nó và Thịnh “ộp” cùng thở dài. Thịnh “ộp” có vẻ chán nản hơn cả nó. Nó bất chợt sực nhớ ra điều gì, vội làm bộ mặt tươi tỉnh và thu hết sự chú ý của ba đứa bạn:

- Ê này, nói về chuyện cái lớp trưởng 10A23…

- Tùng! Tùng! Tùng! Tùng Tùng Tùng! Tùng! Tùng! – Một hồi trống nổ lên cắt ngang lời nó. Trống vào lớp. Nó còn chưa kịp nói ra chuyện. Ba đứa kia đứng phắt dậy. Nó phải về lớp.

Những đứa mới chuyển đến đã thực sự trở thành cái gai trong mắt nó. Năm thằng con nhà giàu, với đủ mọi thứ tật xấu của loại học sinh cá biệt, cộng thêm “bệnh” của những thằng nhà giàu, khiến nó luôn luôn muốn tống cổ từng thằng ra khỏi lớp.

Giờ truy bài, cô chủ nhiệm vào, giới thiệu năm đứa trước lớp và xếp chỗ ngồi. Tiết đầu là tiết toán. Cả năm đứa lần lượt bị gọi lên – vì mới vào, hay vì quá nổi thì không biết, cả năm đều cạy răng không nói được chữ nào cho ra hồn. Cô chỉ hỏi kiến thức hồi lớp 9. Nhưng hình như những thằng này không biết xấu hổ, vừa ngồi xuống đã vội nói chuyện. Nó tự nhiên bóp chặt ngón tay lại.

Tiết hai, tiết sử. Tình hình còn tồi tệ hơn. Năm đứa không biết đã xuống căn tin lúc nào, khuân về lớp một ôm những bọc hướng dương, chia cho cả lớp với cái tên “lễ ra mắt”. Tất nhiên trong lớp nó đứa nào lại từ chối? Cắn hướng dương trong giờ ra chơi rồi lan sang cả giờ tiết sử. Vỏ hướng dương đầy lớp đã khiến thầy giáo khó chịu, lại đôi lúc tiếng lách tách buộc thầy phải ngừng giảng. Nó quát một câu ngang lớp. Nhưng càng khiến nó bực bội hơn. Bởi cái gì đang diễn ra thì cứ tiếp tục diễn ra, và nó chả là cái gì cả.

Trống đánh ba tiếng, thầy bước luôn ra ngoài. Nó bước vội lên trước lớp, khi chưa đứa nào kịp ra ngoài. Nó nói, nó phải nói cho ra nhẽ, mặc dù chưa biết nói gì. Tất cả đều nằm trong sự bức xúc, khó chịu của nó suốt từ đầu buổi học.

- Lớp mình hôm nay thật làm cho tớ thất vọng quá! – Câu nói của nó được cả lớp chú ý – Có phải lớp mình đói ăn hay không mà phải ăn cả trong giờ thế? Mà sao tớ đã nhắc bao nhiêu lần, thầy giáo đã ngừng giảng bao nhiêu lần mà các bạn không biết xấu hổ à? Thầy đã không muốn nhắc thì thôi các bạn còn làm tới nữa? Hay là các bạn thích làm cho các thầy cô vào dậy ghét lớp mình? - Không khí lớp như chùng xuống. Lại những cái mặt cúi vẻ hối lỗi, nhưng nó biết rất rõ là chẳng mấy đứa hối hận thực sự cả. Năm đứa mới chuyển vào bộ mặt vẫn câng câng, rất thách thức, như muốn chọi với nó. Rồi bỗng đứa đeo khuyên tai lên tiếng:

- Lớp trưởng phát biểu hay quá! – Thằng này cười một tràng rất vô ý thức. Nhưng gần như cả lớp nó hưởng ứng, cười rúc rích dưới bàn. Hai tai nó đỏ gay.

Lớp im được một chút, nhưng rồi thằng cắt đầu đinh lại pha một câu rõ muốn chống đối nó.

- Nói hay thật! – Thằng này cười ha hả – Lớp mình vỗ tay khen lớp trưởng nào!

Thế mà cả lớp nó cũng vỗ tay. Những tràng vỗ tay vô ý thức đến ngu dốt. Những tràng vỗ tay thẳng thừng giễu cợt nó. Rõ ràng coi nó bằng một trò hề. Nó không thể ngờ. Một tập thể 60 con người mà nó tự nguyện đứng lên làm lãnh đạo lại là một tập thể như thế này. Giờ đây hơn 60 con người đều đứng lên chống đối nó. Chưa bao giờ nó có cảm giác thất vọng đến thế. Một cảm giác chán nản đến vô cùng.


7.

T

ất cả nguyên do là năm thằng mới vào lớp nó! Năm thằng mặt dày lì lợm đến độ “trơ”! Hôm nay nó đã tức đến hết mức có thể chịu đựng được. Nó đã bị tổn thương ghê gớm. Nó tiếc, phải chi hôm ấy nó đừng giơ tay cho rồi.

Nó đạp xe trên đường về, có lẽ đã nghiến răng mấy lần, và thở dài mấy lần. Chân nó đạp xe một cách vô thức, tay cũng lái một cách vô thức. Trông nó có vẻ bơ phờ lắm. Mới chỉ một ngày học trôi qua với năm thằng học sinh cá biệt. Nó không biết những ngày tiếp theo sẽ còn xảy ra chuyện gì nữa. Nó gần như kiệt sức rồi. Với một cái lớp dám chống đối lại lớp trưởng thì dù ai tài giỏi đến đâu có lẽ cũng phải chào thua.
Nó về nhà, nằm luôn xuống giường. Nó định ngủ, nhưng không tài nào ngủ được. Nó miên man nghĩ. Không hiểu thế nào, nó lại nghĩ linh tinh, nghĩ sang một chuyện khác. Chuyện cô bé lớp trưởng 10A23.

Nhìn cái cách cô gái chào chủ quán Halflife, thì có lẽ cô là khách quen, thậm chí rất quen. Nó chợt nhớ câu nói của Hải “tí”, rằng chiều thứ tư nào cô bé cũng đến chơi ở quán này, suốt từ hè đến giờ. Đầu tiên nó nghĩ cô bé chơi để giải trí, vì vậy một tuần mới chơi một lần. Nhưng giờ nó đã nghĩ khác. Có thể cô đã bị “nghiện”, vì vậy cho nên không chơi thì không thể chịu được, mặc dù trời đã tối.

Nó tự nhiên cảm thấy thất vọng. Trước đây nó còn nghĩ cô bé là một người mẫu mực. Một người mạnh mẽ và tự tin. Là lớp trưởng, chắc cô phải học giỏi. Nó còn nhớ như in câu nói của cô bé: “Bộ đội thế là thường”. Cô bé khác hẳn với những đứa con gái khác.

Và nó đã ngưỡng mộ cho đến tận chiều hôm qua.

Có lẽ việc tự do chơi bời cũng là một lí do để cô bé cho: “Bộ đội thế là thường”. Một kiểu mạnh mẽ đến gan lì và liều lĩnh. Đầu nó lại nghĩ “có lẽ nào” và mồm nó bất giác buột ra:

- … Đó là một đứa con gái hư hỏng.
Nó cảm thấy nó phải có trách nhiệm ngăn thằng Thịnh. Phải nói cho thằng này biết. Nhưng rồi chuyện để lâu lại khiến nó chần chừ và nó cứ suy nghĩ.

Biết đâu cô bé kia không phải là đứa con gái hư hỏng. Biết đâu chuyện hôm đó là có một nguyên do chính đáng nào khác? Nó ngăn thằng Thịnh thì chắc thằng này sẽ thôi, nhưng nếu nó phá hỏng một tình bạn sắp hình thành thì sau này nó sẽ ân hận.

Còn nữa, thằng Thịnh đang có vẻ thật sự muốn làm quen với cô bé. Nếu đột ngột cho nó một gáo nước lạnh như thế nó sẽ vô cùng thất vọng.

Thế nên nó quyết định sẽ tự tìm ra sự thật. Nó sẽ điều tra cho ra nhẽ. Và nó sẽ làm một mình. Nó làm thế bởi nó cảm thấy mình phải có trách nhiệm trong chuyện này.
Ngày học thứ hai với năm đứa học sinh cá biệt. Nó đến trường trong một tâm trạng không vui vẻ gì. Mới đến cổng trường, nghe tiếng ồn ào vọng ra từ lớp học, nó đã thấy nhức đầu. Bước qua tầng hai cầu thang, nó dỏng tai vào lớp để nghe tiếng động từ trong phòng phát ra. Không khí lớp học có vẻ im lặng hơn hôm qua. Nó tiếp tục leo đến cầu thang cuối cùng và bước vào lớp. Hóa ra chưa đứa nào đến cả.

Nó cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Chắc tại hôm nay nó đến sớm hơn mọi ngày. Lớp nó ngoài những đứa trực nhật ra thì chưa ai đến. Tiếng ồn vọng ra từ các lớp bên cạnh.

Trời vẫn còn đục một màu sữa. Gió lào xào thổi. Nó ngáp một cái dài, rồi mặt đừ ra. Tim nó bỗng đập thình thịch và cảm thấy hồi hộp. Tay nó run run. Nó cảm tưởng hai chân nó đứng không còn vững nữa. Nó đang nghĩ đến “lúc ấy”, nghĩ đến cái việc chỉ một lát thôi nó sẽ làm.

Thật ra hôm nay nó đi học rất sớm – từ 6 giờ – là có mục đích. Nó muốn đến trường khi cả trường còn vắng, khi các lớp chưa thật đông, khi cô bé lớp trưởng 10A23 còn chưa đến. Nó đến sớm để gửi một cái thư giấu tên cho cô bé, gửi vào ngăn bàn.

Lớp 10A23 cứ phải đến 6 giờ 35 mới có người. Trước đó lớp này vắng tanh. Mà nếu có người thì nó cũng ứng phó được. Cái thư ấy nó sẽ kẹp vào quyển sổ đoàn của trường. Nó là lớp trưởng, cô bé ấy cũng là lớp trưởng. Việc đưa một quyển sổ đoàn giữa hai lớp trưởng thì chả có gì đặc biệt. Sẽ không ai nghi ngờ gì nó. Vả lại, nó sẽ đút trong ngăn bàn kia mà. Còn nếu cô bé ấy phản ứng, thì đó là một cái thư giấu tên. Mà đã là cái thư giấu tên thì cô bé biết phản ứng với ai?

Nó đã tính kỹ như vậy, và có lẽ không thể có sơ suất gì. Đã trấn an mình như vậy, thế mà nó vẫn run. Lần đầu tiên nó làm một việc “thậm thụt” như thế. Tim nó lại đập loạn xạ một cách vô thức, kể từ hôm nó bám theo cô bé ấy đến giờ.

Nó giở ra đọc lại cái thư một lần nữa. Để chắc chắn, mặc dù nó đã chuẩn bị chu đáo từ tối qua.

“Chào bạn Mai Lan Anh!

Chắc bạn ngạc nhiên lắm khi nhận được bức thư này. Đã có vài lần tớ gặp bạn bắn Halflife ở Game World. Tớ rất khâm phục bởi bạn là con gái mà lại bắn Halflife rất tài. Nếu bạn đồng ý, thì 6 giờ chiều nay, hẹn bạn ra Game World để tớ có dịp thử sức.”

Chỉ một lá thư ngắn gọn như vậy mà nó đã mất cả buổi tối hôm qua. Nó hẹn đúng vào cái thời điểm mà hôm trước cô bé đã chơi, để thử xem sự việc ấy có thể lập lại lần nữa không. Nếu vậy thì nó có thể kết luận việc đi chơi lúc 6 giờ tối với cô bé là chuyện thường. Nó sẽ ngay lập tức khuyên thằng Thịnh “ộp” dừng cái kế hoạch làm quen lại. Còn nếu không, nó sẽ cho tất cả những chuyện nó nhìn thấy chiều hôm trước vào “dĩ vãng”. Một buổi chiều đi chơi lúc 6 giờ tối, chưa đủ đánh giá một con người. Nó sẽ hết mình giúp Thịnh “ộp” làm quen với cô bé ấy.

Việc đầu tiên của phần thực hành chính là đi gửi cái thư kia.

Nó run run đút lại cái thư vào phong bì. Và để cẩn thận, nó liếm phần keo dính lại cho kín đáo. 6 giờ 25 phút. Không còn nhiều thời gian cho nó lừ khừ, bởi lũ 10A23 sắp đến. Nó còn 10 phút để “hành động”. Nó hít một hơi dài lấy can đảm và đứng dậy bước ra khỏi chỗ, hướng thẳng ra khỏi lớp. Lũ làm trực nhật có vẻ để ý đến nó.

6 giờ 25 phút rồi nhưng trời chưa sáng hẳn, và cái vẻ tờ mờ đó làm “đồng minh” cho hành động ám muội của nó. Cầu thang vắng tanh. Nó lao thật nhanh xuống lần lượt ba gác cầu thang, và không gây ra tiếng động gì lớn. Khi run sợ thì người ta thường đi như mèo vậy. Nó đứng dưới chân cầu thang, tim đập thình thịch cố nén những hơi thở dốc. Và mắt nó – một cách vô thức – dán vào cửa lớp 10A23, chéo qua sân trường. Lớp 10A23 – cái lớp nằm giữa trong số bốn phòng một, tầng dãy nhà D, giờ vẫn còn vắng tanh.

Nó ngó qua tiếp một lượt cái dãy lớp mà nó sẽ phải đi qua để đến được 10A23. Có lớp vắng, vài lớp có tiếng ồn, vẻ đã đông. Nó rùng mình. Kinh nghiệm cho nó biết rằng mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào nó, nếu nó đi qua cửa một lớp lạ vào giờ này. Nó thấy hơi ớn, và quyết định chọn cách đi chéo sân trường cho an toàn.

Nó khẽ kéo cánh cửa đang đóng của 10A23 ra. Tiếng kèn kẹt khiến nó run bắn. Nó khéo léo lách người vào và lại kéo cửa lại. Nó đã ở trong lớp 10A23. Tim nó đập mạnh hơn bao giờ hết. Mồ hôi tay nó vã ra như rửa. Nó đi qua một lượt dãy bàn để đút cái phong thư vào.

Nhưng rồi nó sực nhớ ra một điều vô cùng quan trọng, đó là nó vẫn chưa biết cô bé lớp trưởng kia ngồi ở đâu. Nó gần như hoảng loạn. Mắt đảo khắp lớp để cố tìm ra một dấu hiệu nào đó chứng tỏ cô bé đã từng ngồi. Nhưng tất nhiên là vô ích. Chân nó cũng run cả lên và không hiểu sao lúc này nó lại ngó đồng hồ. 6 giờ 31 phút. Còn 4 phút nữa cho nó. Nó vỗ tay đánh đét một cái nhưng rồi lại tự giật mình vì hành động này. Nó quay ngoắt lại, bước vội lên bàn giáo viên và mở ngăn kéo để tìm sơ đồ lớp. Có thế mà nó cũng không nghĩ ra! Một lớp trưởng như nó mà lại quên mất rằng sơ đồ lớp luôn đặt trong bàn giáo viên chứ! Nó vội vàng đặt cái sơ đồ ấy lên bàn và đảo mắt lướt qua thật nhanh tìm kiếm để không mất thì giờ của nó. Cái tên Mai Lan Anh nằm ngay trên đầu sơ đồ, tức là bàn cuối, dãy ngoài cùng và ngồi ở vị trí thứ hai từ phải sang. Nó ghi nhớ trong một giây và cất trả cái sơ đồ về chỗ cũ. Nó lao như bay xuống bàn cuối.

Nó vuốt cho thẳng mép cái thư.

- Két et… et… et… et! Két et et… et et et! – Có tiếng mở cửa.

Tim nó muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tay chân nó cứng đờ. Mặt nó trắng bệch ra nhưng hai tai thì đỏ gay. Cái thư nó cầm trên tay rơi cả xuống ghế. Chắc chắn người ấy đã nhìn thấy nó. Đầu nó một nửa đã nhô lên khỏi mặt bàn. Tóc gáy nó muốn dựng đứng cả lên. Người ấy cứ đi nhẹ nhàng như thể đang thử dây thần kinh của nó. Cái dây đã sắp đứt…

Nó rất hồi hộp quay đầu sang nhìn – một cái nhìn vừa mang tính phản xạ lại vừa sợ sệt.

Khuôn mặt ấy – khuôn mặt nó rất quen. Người vừa bước vào lớp cũng nhìn nó với ánh mắt ngạc nhiên như vậy. Thằng Thịnh “ộp”. Trên tay thằng này cũng là một lá thư.



8.

H

ai đứa nhìn nhau không nói gì. Sự xuất hiện của thằng Thịnh vào giờ này và ở đây đối với nó quả là một sự bất ngờ. Nhưng sự xuất hiện của nó đối với thằng Thịnh có lẽ còn bất ngờ hơn. Nó cứ thế nhìn thằng này. Và thằng này nhìn lá thư của nó vừa rơi xuống. Một cái nhìn chứa đựng sự suy nghĩ sâu sắc.

Hai tay nó vẫn chưa hết run và mồ hôi nó vẫn còn ươn ướt. Nó thở hắt ra một hơi dài để lấy lại sự bình tĩnh. Nó cầm cả lá thư và quyển sổ đoàn đứng dậy. Nó thở dài thêm một lần nữa để xóa tan không khí im lặng. Thằng Thịnh vẫn đứng yên. Thằng này nhìn lá thư, nhìn nó và rồi lên tiếng:

- Mày vào đây làm gì?

- Tao… tao vào… - Nó ấp úng không trả lời được. Kế hoạch của nó nếu trình bày sẽ quá dài dòng, không thể khiến Thịnh “ộp” hiểu ngay được.

- Tao… - Nó đang cố tìm từ diễn tả cho thật chuẩn xác những gì nó định làm – Tao…

- Gửi thư làm quen lớp trưởng 10A23 hả? – Thịnh “ộp” hỏi thăm nhưng không lấy vẻ gì đùa cợt. Mặt hắn lạnh tanh. Câu hỏi rất nghiêm túc.

- Không phải thế! – Đúng là không phải thế, nhưng nó trả lời như một đứa trẻ vừa ăn vụng bị bắt gặp – Tao có gửi thư làm quen nó đâu!

Thịnh “ộp” nhìn nó với con mắt rất khó hiểu sau câu trả lời. Đôi mắt Thịnh nheo lại và lông mày hơi nhăn. Nó lại bị hỏi tiếp:

- Thế cái thư mày cầm là thư gì?

Nó giật thót mình. Cái thư trong tay nó bỗng run run, vung vẩy. Nó không biết làm sao để thanh minh. Chỉ còn mấy phút nữa là lũ A23 sẽ đến.

- Hay ra ngoài đi, tao giải thích cho. – Nó quyết định nói thật – Bọn 10A23 sắp đến rồi. Bọn nó bắt gặp anh em mình ở đây thì không hay đâu.

Thịnh “ộp” không phản ứng gì sau câu nói của nó. Thịnh đứng yên, như đang ngẫm nghĩ rất nhiều, mắt dán vào bức thư của nó. Thằng này thở dài một cái, rồi cười một cái thật nhanh.

- Thôi khỏi cần, - Giọng Thịnh “ộp” đều đều. – Mày cứ đút cái thư của mày vào ngăn bàn của nó đi. Tao thôi.

Thịnh “ộp” đút cái thư của nó vào túi quần và quay ra.

- Khoan đã! – Nó gọi với theo. – Sao mày lại thôi? Mà mày định làm gì? Mày cứ làm đi! – Nó chạy theo. – Tao thật là không có ý định làm quen với nó mà.

Cả hai đứa ra khỏi lớp. Ngăn bàn của cô bé lớp trưởng A23 vẫn trống không. Nó phải đi như chạy mới có thể theo kịp bước chân của Thịnh “ộp”. Nó chưa biết phải giải thích ra sao. Nhưng lời lẽ trong mồm nó cứ vọt một cách lúng túng.

- Từ từ đã Thịnh “ộp”! Thư của tao không phải để làm quen đâu mà! Thư tao rất… đàng hoàng.

- Đàng hoàng à? – Thịnh “ộp” vẫn bước nhanh. – Đàng hoàng mà mày toát hết mồ hôi ra thế! Đàng hoàng thì việc gì mày phải lẻn vào lớp nó lúc sáng sớm như thế này?

- Tao, - Nó ấp úng – Thì không phải đàng hoàng, nhưng không phải là để làm quen. Tao đã hứa giúp mày thì làm sao mà tao lại viết thư làm quen được.

Thịnh “ộp” bỗng dừng lại. Thằng này quay phắt lại và đứng đối diện với nó.

- Không phải thư làm quen, vậy mày có dám mở ra cho tao xem không?

Mở ra cho Thịnh “ộp” xem! Nó lập tức rút cái phong bì ra khỏi quyển sổ và xé toạc một đầu của bức thư ra. Nhưng khi đã xé được nửa chừng thì nó sực nhớ: theo lời lẽ trong thư quả thực là nó muốn làm quen. Nó ngập ngừng, Thịnh “ộp” nheo mắt. Nó quyết định xé tiếp. Cứ để Thịnh “ộp” xem rồi nó sẽ giải thích tất cả kế hoạch của mình cho thằng này nghe, kể cả buổi chiều hôm lao động.

Nó xé hết một đầu phong bì và rút cái thư ra khỏi phong bì, không một chút do dự. Cái thư gấp làm tư, tự tay nó mở ra. Nó đưa cho Thịnh “ộp”. Nhưng rồi nó rụt lại, cần phải nói trước với Thịnh “ộp” một số điều.

- Đây chỉ là thư để tao thử nó thôi, tao hẹn nó đi bắn Halflife vào 6 giờ chiều nay. Nếu nó đi thì coi như nó là đứa ăn chơi, tao khuyên mày không nên làm quen. Còn nếu nó…

Thịnh “ộp” giật luôn lá thư trên tay nó, và đọc ngay những dòng ngắn ngủi mà nó đã cất công viết cả tối hôm qua. Thịnh “ộp” cười nhếch mép. Thằng này chăm chú vào bức thư hơn là vào những lời mà nó đang cố giải thích. Đọc xong, Thịnh “ộp” trả lại bức thư cho nó rồi bước đi. Nó chạy lên trước để chặn thằng này lại.

- Tao nói thật đấy, - Nó cố giải thích. – Mày không hiểu đâu. Chiều hôm nọ… chiều hôm thứ tư ấy, tao thấy… đã 6 giờ tối rồi mà nó còn đi chơi ở quán Game World. Tao nghĩ nó là đứa ăn chơi, tao định thử nó lần nữa. Nếu không phải thì…

Thịnh “ộp” tránh nó rồi đi tiếp. Hai tai nó đỏ ửng. Nó buộc phải đuổi theo Thịnh “ộp” lên cầu thang. Nó không biết phải nói làm sao thật ngắn gọn để cho Thịnh “ộp” hiểu được, thì thằng này lên tiếng:

- Mày không cần phải thế đâu, - Thịnh “ộp” bước lên cầu thang. – Có gì mày chỉ cần nói với tao một câu, tao sẽ sẵn sàng nhường nó cho mày làm quen, kể cả khi mày đã hứa giúp tao. – Thịnh “ộp” ngừng lại – Tao sẵn sàng chấp nhận. Việc gì mày phải giải thích khổ sở thế.

Nó tức đến đỏ bừng cả mặt. Không phải tức vì thằng bạn mà vì nó không có khả năng giải thích rõ ràng được. Rồi Thịnh “ộp” nói một câu khiến nó điếng cả người:

- Mày quay lại gửi cái thư của mày đi. Tao nhường cho mày làm quen đấy. Tao không tức gì mày đâu.

- Thật sự là tao không thích làm quen với nó. – Nó nói như quát, giọng đầy bức xúc. – Mày phải nghe tao nói đã.

Thịnh “ộp” vẫn im lặng và bước đi vội vàng. Thịnh lên tầng ba thì càng bước nhanh hơn. Nó chặn Thịnh “ộp” lại ở ngay cửa lớp A29. Nó đã tìm ra một lý lẽ để thanh minh:

- Cứ cho là mày nói đúng đi! – Nó hùng hồn – Nếu tao viết thư làm quen với nó tao phải đề tên họ chứ? Đằng này tao không nói tên tao thì làm sao nó biết? Vả lại một bức thư làm quen không thể ngắn như thế!

00_:_00
29-05-2008, 01:50 AM
Vu vơ lớp 10 – Trần Trung Dũng (Phần 3)

Thịnh “ộp” nhướn lông mày, im lặng, rồi cất lên một câu bình thản:

- Thế chiều nay mày không định ra Game World cho nó nhận mặt à? Rồi còn cái gì thì lúc ấy không nói được hay sao?

Thịnh “ộp” len qua người nó để vào lớp, rồi quay lại nói với nó một câu cuối:

- Tao nói thật đấy. Mày cứ làm quen đi, đừng áy náy. Tao không tức mày đâu, anh em với nhau mà.

Rồi thằng này đi thẳng vào lớp. Nó giậm chân một cái mạnh ở cửa lớp thằng Thịnh. Nó tức đến phát khóc. Thằng Thịnh bây giờ không tin lời giải thích của nó, nhất là một câu chuyện khó tin như thế.

Thế là bao nhiêu việc nó làm cho một thằng mà nó coi là bạn đã đổ hết xuống sông. Cái thư không được gửi nữa. Lũ A23 cũng đã đến lớp rồi. Nó bỏ mặc, muốn tới đâu thì tới. Thịnh “ộp” có làm quen phải với một đứa ăn chơi nó cũng không thèm quan tâm. Mà rồi thằng này hiểu nhầm nó, tức nó hay cú nó thế nào nữa nó cũng mặc.

Chỉ vì một đứa con gái. Nó thật không ngờ. Nó đi về lớp, không muốn nghĩ thêm gì về chuyện này nữa. Đó là việc của thằng Thịnh, thằng Thịnh tự phải lo lấy. Nó cần gì phải quan tâm. Nó thở một cách bực dọc, nhưng hơi mạnh và dài. Nó cố lấy lại vẻ bình thường, mặt bớt đỏ và hai tay cảm thấy khô, rã ra. Nó lấy sách ra học bài.

Nó cố đọc những dòng kiến thức trong vở ghi thật to, để xua đi mọi ý nghĩ bực dọc cứ lởn vởn trong đầu. Nhưng chẳng mấy hiệu quả. Nó đọc to hơn nữa. Những đứa trong lớp nhìn nó như thể nhìn một sinh vật lạ. Nó mặc kệ. Và tiếp tục đọc oang oang khắp lớp, cho đến vào học.
Trống ba hồi vào giờ truy bài. Nó không ngồi truy bài. Nó ngồi tỉ mẩn xé vụn tờ thư nó định gửi. Xé luôn cả phong bì. Bức thư chỉ có mấy dòng ngắn ngủi, và được xé đều khắp, nên những mảnh vụn có chữ và những mảnh vụn còn trắng cứ lẫn lộn vào nhau. Nó bóp chặt rồi rắc vào sọt rác.

Nó thở một hơi ngắn. Rồi một hơi dài.

Những đứa ngồi cạnh nhìn nó với con mắt rất lạ. Nửa ngạc nhiên, nửa sợ, và quả thật trông nó cũng có một chút đáng sợ. Mặt nó ẩn chứa một câu quát rung trời, nếu bọn này chớm mất trật tự. Vì thế lũ này ngồi câm như hến.

Lớp nó hôm nay cũng có vẻ rất nề nếp, tuy có hơi ồn, nhưng không đến mức phải nhắc nhở. Nó tự nhiên thấy lạ. Nó cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đấy khiến nó khó chịu, mới gần đây thôi. Nó cố nhớ mà không nhớ được. Nó bỏ qua luôn không muốn cố nhớ nữa. Cái đã khiến nó khó chịu thì nó nhớ làm gì cho khó chịu ra. Nó hơi vui vui vì lớp nó hôm nay không phải hét, thậm chí không phải quát.

Nhưng nó chỉ vui cho đến được hết giờ truy bài. Vào tiết một, tiết hai đầu tiên của ngày thứ sáu thì nó hết vui, nếu không muốn nói là nó đâm ra lo lắng.




Tiết một là tiết toán – đại số. Cô giáo vào rất bình thường. Lớp đứng dậy chào, cô cho ngồi xuống. Cả lớp ngồi xuống, nhưng cô vẫn đứng. Cô đứng, và mắt đảo khắp một lượt lớp. Cô chú ý hai bàn đầu dãy trong, rồi bàn sau dãy cuối. Nó không hiểu cô nhìn cái gì. Rồi bỗng cô gọi nó:

- Lớp trưởng đứng dậy – Cô gọi bằng một giọng nghiêm trang – Sao lớp hôm nay vắng nhiều thế?

- Vắng ạ? – Nó giật mình cũng đảo lại lớp một lượt. Đúng là lớp nó vắng thật. Nó không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt. Nhiều bàn trống chỗ – như thể là một cuộc bỏ học tập thể vậy. Bàn ba dãy một, bàn hai và bàn ba dãy giữa, liền tù tì ba bàn cuối dãy ngoài cùng, đều chỉ có ba người.

Nó đếm đi đếm lại, lớp có tiếng xì xào. Rất nhiều đứa quay lại nhắc cho nó về những đứa vắng mặt. Có vẻ đây không phải là việc đột xuất, mà là có chủ định trước.

Lớp nó vắng năm đứa mới chuyển vào. Nó nghiến răng. Lại năm thằng cá biệt ấy! Nó đã đoán trước được năm thằng này vào lớp nó sẽ gây ra nhiều chuyện nghịch phá. Nhưng nó không thể ngờ được cả năm lại dám làm chuyện này. Bỏ học tập thể trong ngày thứ hai mới vào lớp! Thật là quá vô kỷ luật!

- Mới vào lớp mà đã dám bỏ tiết thế này, ảnh hưởng hết cả thi đua của lớp còn gì. – Cô giáo chép miệng.

Nó mát dạ, cô cũng thông cảm cho nó đấy chứ. Vì vậy có lẽ cô cũng góp tiếng nói giúp nó trong việc đẩy năm thằng kia ra khỏi lớp mình.

Cô thở dài một cái, và vào bài học.

Tiết học trôi qua bình yên.
Nó ngồi chờ tiết sinh hoạt. Còn ba tiết nữa.

Ba tiết nữa, năm đứa dám vào lớp nó nghịch phá, và nhất là xúi giục lớp chống lại nó sẽ phải “bán xới”. Nó không thể để năm thằng sâu làm rầu một nồi canh. Một lớp tốt như lớp nó không thể tiếp nhận năm học sinh cá biệt, để rồi mang tiếng một lớp cá biệt. Như vậy là tốt cho lớp nó. Và cũng tốt cho nó, nghĩa là nó trả được cái “thù riêng” lẫn”thù chung”. Mà “thù riêng” cũng từ “thù chung” mà ra chứ đâu.

Nó đứng ngoài hành lang, vừa mới nghĩ đến đoạn không biết bức thư kia của thằng Thịnh viết gì, thì Dũng “quềnh” và Hải “tí”tới. Hai thằng định vào lớp nó, nhưng gặp nó ở hành lang. Có lẽ hai đứa đã biết chuyện. Nó không vội giải thích cho hai thằng này. Mặc dù hai đứa bây giờ là những người “ngoài cuộc”, có lẽ là sáng suốt nhất để nhìn nhận sự việc. Nó để hai thằng tự nói.

- Hải “cối”! – Hải “tí” đập vai nó.

- Mày có biết hôm nay thằng Thịnh bị làm sao không? – Dũng “quềnh” gợi chuyện.

- Làm sao là làm sao? – Nó biết những vẫn giả vờ – Hai bọn mày học cùng nó còn không biết thì sao tao biết?

- Tao cũng không biết được – Dũng “quềnh” chép miệng – Tính tình nó hôm nay khác hẳn.

- Khác thế nào? – Nó ngạc nhiên, có vẻ hai thằng vẫn chưa biết gì.

- Khác! – Hải “tí” lắc đầu – Tự nhiên hôm nay nó nghiêm túc hẳn. Mọi hôm lớp ồn thì không sao, hôm nay nó quát như tát nước vào mặt.

- Lại cả ba đứa mới vào nữa – Dũng “quềnh” cũng tỏ ra rất ngạc nhiên – Hôm qua mới vào thì chỉ nhắc nhẹ, nhưng hôm nay ba đứa mới nghịch một tý mà đã suýt đánh nhau. Thằng Thịnh suýt nữa đánh bọn nó, may mà tao can.

- Bọn tao cứ thấy nó thế nào ấy – Hải “tí” nhìn nó như để chờ câu trả lời - Nó suýt đánh luôn cả bọn tao nữa!

- Thế nó chưa nói với bọn mày chuyện gì à?

- Chuyện gì?

- Nó ngập ngừng không muốn nói. Hóa ra hai đứa vẫn chưa biết chuyện sáng nay. Nó quyết định cũng không nói.

- À không! – Nó vội đổi chủ đề – À thế sáng nay bọn mới vào làm gì mà để thằng Thịnh phải đánh?

Hải “tí” Dũng “quềnh” đưa mắt nhìn nhau về sự thay đổi thái độ đột ngột của nó.

- Có làm gì đâu? – Dũng “quềnh” lắc đầu – Ba đứa chỉ nhai kẹo cao su nhổ ra sàn lớp thôi. Nó nhắc không được thế là tự nhiên nó sửng cồ lên.

- Thế còn không đáng đánh à?! – Nó bám ngay vào chi tiết ấy để lái câu chuyện sang hướng khác – Hành động như thế quá là vô ý thức còn gì! – Nó làm như thái độ của Thịnh “ộp” là rất bình thường – Đánh cho là còn nhẹ!

Dũng “quềnh” và Hải “tí” lại đưa mắt nhìn nhau. Hai đứa lại thấy nó cũng khó hiểu nốt. Nó vội tiếp lời.

- Những đứa mới vào tuy có đứa nghịch có đứa không nghịch, nhưng cái thái độ nhơn nhơn, khinh người mới đáng ngứa mắt.

Nó giải thích. Chắc lúc ấy thằng Thịnh thấy ngứa mắt nên định dọa bọn nó một trận thôi.

- Chắc thế! – Hải “tí” nhún vai. Dũng “quềnh” làm như đó là một “hiện tượng lạ” của thằng bạn.

Nó lái sang chuyện của lớp nó.

- Cứ như lớp tao đây này, vào tận năm thằng mà có phải ngoan hiền gì đâu. Cái mặt nhơn nhơn của bọn này mới đáng cáu chứ! Tao định hôm nay xin cô cho chuyển cả năm thằng đi đây này!

- Chuyển làm sao? – Hải “tí” ngạc nhiên.

- Thì chuyển sang lớp khác chứ sao? – Nó cũng ngạc nhiên.

- Không được đâu! Không chuyển đi đâu được đâu! – Dũng “quềnh” muốn dội một gáo nước lạnh vào đầu nó – Chắc chắn cô chủ nhiệm mày không đồng ý, mà ban giám hiệu cũng không đồng ý!

- Sao lại không? – Nó sửng sốt.

- Bọn chuyển vào gần 100 đứa, phân ra 30 lớp thì mỗi lớp cũng phải đến ngần ấy đứa. Lớp nào cũng đông rồi làm sao chịu cho mày chuyển sang nữa? Với lại đây là quyết định của ban giám hiệu. Một lớp trưởng như mày làm sao thay đổi được.

Nó hơi tái mặt:

- Thế có nghĩa là năm đứa ấy sẽ học ở lớp tao hết năm nay à?

- Chứ còn sao nữa?

Nó cảm thấy mồ hôi túa ra. Và chết lặng.

9.

L

ớp trưởng của một lớp có năm thằng học sinh cá biệt suốt một năm học, chưa bao giờ nó cảm thấy trách nhiệm đè nặng lên vai nó như thế này.

Tiết hai. Năm thằng bỏ tiết đã có mặt, đem tới một không khí ồn ào, náo loạn cho lớp nó.

Năm thằng khoác vai nhau, dàn hàng ngang đi giữa lối đi chung. Nó đã muốn ngứa mắt. Những cái đầu quái dị, quần áo cũng khác người, điệu bộ chẳng khác gì một lũ đầu đường xó chợ. Những người muốn đi lại đều phải dừng, lách qua một bên để tránh lũ này. Không ai muốn dây dưa phiền phức. Ai cũng ngại. Rồi năm thằng leo tót lên bàn ngồi. Nó càng tức hơn. Chẳng nhẽ cứ để cho năm thằng lộng hành thích làm gì thì làm!

- Năm bạn làm cái gì thế hả?!! – Nó đứng hẳn dậy – Các bạn có biết thế nào là lịch sự không!!!

Năm đứa không phản ứng gì. Câu nói của nó bị tiếng ồn của giờ ra chơi át đi. Bọn này vẫn oang oang tán chuyện, cười bằng giọng điệu lố bịch. Nó phải đứng ra trước mặt cả năm đứa, lần này không phải là câu quát nữa mà là một câu ra lệnh.

- Đề nghị các bạn xuống ngay!!!

Cả bọn chợt im lặng quay sang nhìn nó bằng con mắt khinh khỉnh. Hai thái dương nó nổi cả gân lên. Một thằng trong đứa phá lên cười, và bốn đứa còn lại cũng ôm bụng cười. Mặt nó đỏ bừng. Nó như một trò hề.

- Mày dân ở đâu mới lên đây thế? – Thằng có xỏ khuyên tai nói xỏ một câu rồi tự gục mặt xuống cười rũ rượi. Bốn đứa kia cũng lập tức có cớ cười to hơn.

Không chỉ có tiếng cười của bọn này. Lớp nó cũng bắt đầu xúm quanh lại, cười nó. Nó lộn ruột.

- Đề nghị các bạn xuống ngay!!! – Nó nhắc lại một lần nữa. Không đứa nào thèm nhúc nhích. Mà đáp lại chỉ là những tràng cười to hơn nữa. Nó bị cô lập giữa chính lớp nó. Một lớp trưởng bị các thành viên chế giễu. Nó giận tím mặt. Nó không còn biết nói sao nữa, khi đang ở một nơi mà ý thức được đưa ra làm trò cười.

Nhưng rồi trống vào lớp. Năm thằng kia buộc phải vào chỗ, nhưng không phải do yêu cầu của nó. Bọn lớp nó cũng tản ra về chỗ. Tiếng cười thưa dần, thay bằng sự im lặng. Nó vẫn đứng đấy. Tay nó nắm chặt thành một nắm đấm. Gân tay nó nổi lên chằng chịt. Cho đến khi cô giáo vào lớp.
Tiết học thứ hai. Có năm đứa học sinh cá biệt, nhưng vẫn rất trật tự. Lý do là cô giáo “mời” một trong năm đứa lên – thằng cắt đầu đinh – đứng xó. Vì lý do giật tóc đứa bàn trên, ném giấy trong lớp. Những đứa còn lại tất nhiên ngồi im re. Cả lớp nó cũng vậy. Năm thằng hôm nay đụng phải cô khó tính, “tắt điện” luôn. Nó cười thầm vì phần nào hả dạ.

Giờ ra chơi, năm đứa này đã kịp chạy về từ căng tin. Trên tay mỗi thằng là điếu thuốc lá. Năm bộ mặt non choẹt búng ra sữa với năm điếu thuốc nghi ngút khói. Nó thực sự bất ngờ. Nếu không muốn nói là sự sửng sốt.

Lũ này có vẻ là dân ăn chơi thật sự. Hút thuốc. Năm thằng trẻ con mới mười mấy tuổi đã tập học hút thuốc. Trong bụng nó thầm cười nhạo lũ này. Những đứa trẻ con mà muốn tập làm người lớn thì sẽ chẳng bao giờ lớn được. Càng muốn thể hiện ta đây là người lớn thì lại càng giống trẻ con hơn. Nhất là đến thể hiện làm người lớn bọn này cũng còn lúng túng. Điếu thuốc trên môi chúng ngậm không chặt, cứ phải giơ tay giữ như giữ kẹo vậy. Rồi hút cũng không biết hút, thằng để mái sát mắt cứ rít một hơi dài là nước mắt nước mũi lại sặc sụa. Nó không nhịn được ôm bụng cười, gục cả mặt xuống bàn mà cười.

Khi nó ngẩng mặt lên thì lũ này đã đi đâu mất hút. Chỉ còn lại khói thuốc chưa tan, lất phất trên trần lớp. Nó hả hê thay cho cái thằng hút thuốc bị sặc khói thuốc ấy. Kể ra có tiền ăn chơi cũng không phải dễ! Nó mà có tiền, và giả sử nó có ăn chơi nó cũng không ngu mà đi đâm đầu theo kiểu ấy đâu.

Nó khoái chí vì được nhìn thấy một trong những thằng cá biệt bị sặc vì ăn chơi. Nhưng nó không ngờ rằng một khi đã bị sặc thì dân ăn chơi quyết tập cho bằng được hút tiếp. Vì vậy, chúng hút cả trong giờ học.

Tiếng trống vào lớp được nửa phút nó đã thấy bộ dạng khó chịu của năm thằng này. Ba thằng vào trước và hai thằng theo sau, phì phèo điếu thuốc.

Nhưng đã ba phút mà chưa thấy cô giáo vào. Năm đứa kia lúc này không chỉ hút. Cả năm đứa cùng a dua vừa hút, vừa xả khói vào mặt những đứa xung quanh. Khói thuốc um cả lớp. Cả lớp đặc một màu trắng nhạt của những chất độc hại. Bắt đầu có tiếng phản đối và la ó của những đứa con gái. Lũ con gái vốn rất ghét thứ này. Năm đứa kia lại càng được thể xả khói ra nhiều hơn. Đến lũ con trai cũng phản ứng. Tiếng yêu cầu lúc đầu rì rầm, sau thành tiếng chửi rì rầm. Và rồi thành tiếng chửi bới huyên náo.

Lớp nó bây giờ đang thực sự bất bình với năm đứa kia và bây giờ nó – một lớp trưởng thay mặt lớp đến yêu cầu lũ kia tắt thuốc thì chắc chắn sẽ được ủng hộ. Nó không chần chừ gì nữa.

Đứng phắt dậy, nó lên ngay bàn đầu, giật phăng điếu thuốc trên môi của thằng đầu đinh. Thằng này lúc đầu giật mình. Sau sừng sổ lên với nó. Nhưng bọn lớp nó quá ủng hộ và đồng tình nên thằng kia không dám làm gì. Nó lên tới tiếp được bàn ba dãy thứ hai. Thằng xỏ khuyên tai đã vội đứng lùi vào trong, khỏi tầm với của nó. Nó cũng không thèm với. Nó yêu cầu dõng dạc và lịch sự:

- Đề nghị bạn tắt thuốc lá ngay – Nó lấy thêm “đồng minh” – Theo yêu cầu của cả lớp!

Thằng kia không nói không rằng gì, lại đưa thuốc lên ngậm. Hắn rít một hơi phải tàn đến nửa phân đầu điếu thuốc. Sau đó hắn phồng mồm, ép ngực phun tất cả khói thuốc ra. Phun thẳng vào mặt nó. Nó giận điếng người. Thằng kia và cả bốn đứa còn lại cười lố bịch. Lớp nó rộ lên phản đối. Nó cảm thấy mát lòng mát dạ, vì cuối cùng lớp cũng đứng về phía nó. Dù vẫn còn rất cáu, nhưng nó bây giờ là người đại diện cho lớp, và nó phải giữ được sự bình tĩnh. Nó rất rõ ràng:

- Mời bạn ra ngoài cho!!! – Giọng nó gần như quát - Lớp này không có những người vô ý thức như thế!

Thằng kia lạnh mặt. Lớp nó lác đác có tiếng vỗ tay. Nó càng vững tin hơn. Nhưng rồi thằng kia cũng biết phản lại:

- Tao cứ thích hút đấy! Tao thích hút ở đây đấy! Mày làm gì được?

Nó cáu tiết chỉ muốn giơ nắm đấm lên để giải quyết. Thằng kia thấy nó lúng túng càng được thể lấn tới.

- Ơ hay, sao không làm gì đi? Gan mày chỉ to bằng quả trứng vịt lộn thế thôi à?

Năm đứa phá ra cười. Mặt nó đỏ bừng bừng. Không phải vì tức, mà vì nó sợ. Lớp nó bắt đầu đã có đứa cười theo câu pha trò của thằng xỏ khuyên tai. Tim nó đập mạnh hơn. Nó lại chống chế bằng lý lẽ:

- Bạn không thấy thế là quá vô ý thức à!? Tôi là lớp trưởng, là đại diện của lớp, của cô giáo, đang yêu cầu bạn tắt thuốc lá đi. Bạn nghe rõ chưa?

Thằng kia cũng chả tỏ vẻ nao núng gì với lý lẽ của nó. Bọn này đã từ lâu chẳng cần lý lẽ gì rồi. Thằng này lập tức “bật lại”:

- Chưa, bạn nói gì tôi chả nghe rõ! – Thằng này làm điệu bộ kéo tai ra trước mặt nó như trêu ngươi – Bạn nói lại xem nào?

- Đề nghị bạn tắt thuốc lá ngay!!! – Nó hét lên.

Lớp im lặng trong ba giây. Thằng kia vẫn kéo tai ra làm điệu bộ trêu ngươi nó.

- Bạn nói gì tớ vẫn chả nghe rõ? – Thằng kia cười đểu nó.

Lớp nó lập tức rộ cả lên những tràng cười to nhất. Nó chết lặng người. Cả đến lớp nó bây giờ cũng cười nó. lại ùa theo năm thằng cá biệt để chống lại nó. Gân tay nó lại nổi lên, tay nó lại nắm thành một nắm đấm. Nó vung nắm đấm ấy ra trước mặt thằng kia, với tất cả sự tức giận của nó từ nãy đến giờ. Một ý nghĩ thoáng vụt qua đầu nó. “Rầm!” Chiếc bàn rung lên. Mặt bàn rạn ra chỗ vết nứt. Nó nghiến răng, thở dốc. Hai thái dương nó lại nổi gân. Hai tai nó bừng bừng.

Thằng kia suýt ngã khi vội lùi lại tránh. Điếu thuốc rơi xuống đất. Nó căm phẫn thực sự. Lớp nó im thin thít. Thằng xỏ khuyên tai cũng hoảng hồn. Mắt nó trừng trừng nhìn thằng này. Tay phải nó vẫn ấn chặt xuống mặt bàn. Tiếng thằng kia thở phì phò. Rồi lại cười.

Bắt đầu từ bốn thằng còn lại. Nó không nghe rõ câu nói này phát ra từ đâu:

- Chúng mày xem con bò tót nó húc vào bàn kìa!

Nhưng sau đó là lớp nó. Tất cả thành viên trong một lớp cười chế nhạo chính lớp trưởng của cái lớp ấy.

Những tiếng cười ngu dốt.

Những tiếng cười vô ý thức.

Không còn biết đâu là phải trái nữa. Mặt nó sầm xuống. Máu nó sôi lên trong những tiếng cười. Lớp nó nghiêng ngả cười.

Những tiếng cười càng lố bịch khi chen thêm những câu cay độc của năm đứa cá biệt.

- Mặt nó đỏ như con gà quay kia!

- Thôi các bạn, nó đại diện cho cô giáo đấy, “đánh chó cũng phải ngó mặt chủ” chứ!

- Anh em ơi cho nó một tràng pháo tay nào! Nó diễn trò hay quá kìa!

- Đứa nào thưởng cho nó nắm cỏ?


Nó nhắm chặt mắt lại. Tai nó như có thể điếc luôn cũng được. Môi nó mím chặt phía ngoài, hai hàm răng đang mài vào nhau. Nó không còn muốn thở nữa. Nó tức đến nghẹn thở.

Nó rút tay ra khỏi bàn, quay ngoắt lại về chỗ mình . Nó không thể học ở cái lớp này được nữa! Nó phải ra đi! Sự có mặt của nó ở đây là quá thừa! Nó chỉ làm trò hề cho cái lớp này!

Nó rút cặp ra! Gom tất cả sách vở vào, nó hùng hục bước ra khỏi lớp. Tất cả đều tránh đường cho nó. Nó càng thấy cáu hơn.

Nhưng rồi cô giáo đến ngay khi nó vừa chạm cửa lớp. Cô có vẻ vội vàng, gọi nó vào lớp lại, và ổn định trật tự. Lớp nó láo nháo về chỗ. Tiếng cười tắt dần thay bằng tiếng xì xào. Và tiếng xì xào cũng tắt. Nó giận lớp nó chứ không phải tại cô. Nó nghe lời cô, về chỗ. Nhưng thái dương nó vẫn nổi gân lên.

Nó không ngồi học, không chép bài mà ngồi viết một tờ đơn. Nó giật vở ra. Nó nắm chặt cây bút, tì mạnh lên trang giấy. Và viết không do dự:

“Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”

Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc

ĐƠN XIN TỪ CHỨC LỚP TRƯỞNG”

Nó viết như đó là điều nghiêm túc nhất nó từng viết. Như đó là điều đúng đắn nhất nó phải làm bây giờ. Nó ấn thật mạnh tay. Bút cào rách mặt giấy. Nó xé toạc đi, và lại giật vở một tờ giấy khác. Lại viết. Nó viết lại đến bốn tờ, và đây là tờ thứ năm. Tờ đơn xin từ chức chứa đầy sự khó chịu, bức xúc, tức giận của nó trước từ đầu năm đến giờ. Nó ký tên. Cái tên nó nguệch cả ra mặt giấy.

Nó gập đôi lại, rồi gấp tư, và nắm chặt trong tay. Nó chờ đến giờ sinh hoạt.

10.

T

iết sinh hoạt, tiết cuối cùng của ngày thứ sáu. Và có lẽ là tiết cuối cùng nó làm lớp trưởng. Nó vẫn giữ chặt tờ đơn, chỉ chờ cô giáo vào là nó đưa. Lớp nó vẫn không mảy may hay biết gì. Không khí vẫn náo nhiệt, tiếng của giờ ra chơi cũng giống mọi giờ ra chơi khác. Nó càng thêm thất vọng và hơi một chút tự ái.

Trống vào. Tim nó đập thình thịch. Năm đứa cá biệt mất dạng. Nó chẳng cần, dù có hay không năm đứa này thì nó cũng xin từ chức. Nó vẫn ngồi im, không hô hào lũ bạn vào chỗ ổn định trật tự như mọi ngày. Năm đứa cá biệt vẫn mất dạng. Bọn này có lẽ lại định bỏ tiết nữa chăng? Không chắc. Đây là tiết sinh hoạt – có mặt của cô giáo chủ nhiệm. Nếu tụi này dám bỏ thì kể như nhẹ là bản kiểm điểm – nặng là mời bố mẹ. Nhưng mà thôi, nó chẳng quan tâm. Bọn này thì biết gì là sợ. Có lẽ bị đuổi học đi nữa thì bố mẹ chúng lại xin cho vào một trường khác. Rồi lại tiếp tục nghịch phá. Nó quá hiểu rõ loại học sinh này – bản chất đã là cá biệt thì không thể nào thay đổi. Số nó đen đủi gặp “được” năm thằng như thế. Năm thằng này nếu không đi thì không tránh khỏi một lớp trưởng như nó phải đi – tức là từ chức. Loại ấy, nếu không phải người lớn “trị” thì không được. Nó muốn tống cổ cả năm thằng vào trại cải tạo.

Trống đã gần năm phút, thế mà cô giáo vẫn chưa vào lớp. Nó sốt ruột. Nhưng rồi cũng hơi sợ. Không biết phản ứng của cô thế nào. Nó vẫn nhớ hôm đầu tiên chính nó đã dũng cảm đứng lên nhận lấy trách nhiệm làm lớp trưởng này. Cô đã rất tin tưởng nó. Ngày hôm ấy mới hào hứng và phấn khởi làm sao. Cô chắc rất bằng lòng với thái độ của nó. Lần đầu tiên nó được làm lớp trưởng một lớp 60 con người.

Nó ngồi thấp thỏm chờ cô đến. Đã hơn bảy phút trống vào. Chẳng lẽ… nó vừa chợt đưa ra một ý nghĩ thì lũ đang đùa nhau ở ngoài hành lang chợt toán loạn chạy vào lớp. Không phải chờ lâu, cô giáo chủ nhiệm nó từ dưới cầu thang đi lên, qua hai cửa sổ lớp, và bước vào cửa chính.

Cô cho cả lớp ngồi, nó định đứng dậy thì ngay lập tức ngoài cửa lớp có tiếng ồn. Năm thằng cá biệt dàn thành một hàng xin cô vào lớp. Cô nhíu mày, nhưng rồi cũng cho vào. Cả bọn tỏa ra khắp lớp toán loạn như một bầy vịt. Nó đứng phắt dậy. Mở tờ đơn ra, nó bước lên bàn cô giáo với đôi chân run lên. Nó nghĩ đến những lúc nó bị năm thằng – và cả lớp chế nhạo để lấy thêm dũng khí.

- Em thưa cô – Nó lấy sự chú ý của cô và đặt tờ đơn lên bàn. Môi nó run run. Nó nín thở.

Cô ngạc nhiên nhìn nó, rồi nhìn tờ đơn. Nó đứng im lặng trước lớp. Cả lớp cũng im lặng không hiểu chuyện gì. Cô chăm chú đọc. Cô gạt mọi sổ sách sang một bên, đặt tờ đơn ra giữa và đọc. Cô lau kính, đeo vào, và đọc. Bất chợt cô quay sang nhìn nó:

- Sao lại thế này hả Hải? – Giọng cô trầm nhưng vang, không ấm và lạnh lùng. Trong giọng nói có một sự trách móc.

Tim nó nhói lên. Nó càng run hơn, nhưng lời đáp lại rõ ràng:

- Em thưa cô, em thấy không đủ năng lực ạ.

- Không đủ năng lực nghĩa là thế nào? – Giọng cô vẫn đều và lạnh – Anh giải thích rõ ràng chuyện tôi nghe.

Cô đã dùng từ xưng hô “anh”, “tôi” với nó càng khiến nó cảm thấy chán và buồn. Có nghĩa là nó đã làm cho cô thất vọng thực sự. Cô thất vọng về nó.

Nó cảm nhận được điều ấy và cũng tự thất vọng về mình. Nhưng nó không còn cách nào khác. Nó nói những câu đã chuẩn bị từ trước, những lý lẽ để nó được từ chức một cách suôn sẻ. Nói như một thằng điên.

- Thưa cô, em thấy em không đủ khả năng điều khiển lớp. Em không có khả năng làm lớp tiến bộ hơn. Mong cô chấp thuận cho em.

Nó nói xong mà vẫn còn rùng mình. Như thể nó vừa làm gì ngu ngốc lắm. Cô không nói gì, chỉ thở dài, hơi nhăn trán, và lại nhìn vào tờ đơn. Rồi cô lại nhìn nó:

- Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?

“Suy nghĩ kỹ chưa?” – Nó giật mình. Nó chưa chuẩn bị cho câu hỏi này. Tờ đơn nó mới chỉ viết vào tiết hai, có thể gọi là suy nghĩ kỹ được hay không. Nó không biết. Nhưng nó đáp liều:

- Dạ. Em suy nghĩ kỹ rồi ạ…

- Nghĩ kỹ rồi – Cô đưa mắt nhìn xuống lớp, nhắc lại lời nó – Thế anh có nghĩ anh vừa từ bỏ quyền được lãnh đạo một lớp không? Anh có nghĩ rằng anh vừa từ bỏ quyền được đại diện cho gần 60 con người hay không? – Cô ngừng một lát – Anh có nghĩ anh vừa từ bỏ quyền được tự rèn luyện bản thân không?

Nó điếng người. Cô đã giận nó thực sự. Nó đã sợ rằng cô sẽ giận, nhưng không nghĩ rằng cô lại giận đến mức ấy. Nó im lặng. Nó không dám ngước lên nhìn cô nữa. Nhưng rồi nó cũng trả lời câu hỏi, câu trả lời càng khiến cô thất vọng hơn.

- Dạ. Em biết ạ.

Cô muốn quát nó. Nhưng rồi lại thôi. Lớp nó vẫn im lặng theo dõi diễn biến của tất cả sự việc từ đầu tới giờ. Có đứa sợ. Có đứa cười thầm – là năm thằng cá biệt.

Nó im lặng chờ thái độ của cô. Lớp nó không đứa nào dại gì mất trật tự trong lúc này. Cô cũng im lặng. Cô đang suy nghĩ. Lớp nó bao trùm một không khí nặng nề, trong khi các lớp khác đang sinh hoạt sôi nổi. Tiếng hát và tiếng vỗ tay vọng lại.

Mồ hôi tay nó vã ra. Rồi cô cũng lên tiếng:

- Anh đã nghĩ kỹ rồi chứ gì? – Cô thở dài hỏi lại nó.

- Vâng ạ – Nó đáp như một phản xạ.

Cô không nói không rằng, rút bút ra, ký vào tờ đơn của nó. Cô đưa cho nó.

- Anh cầm về. Từ nay anh không còn là lớp trưởng của lớp này nữa. - Giọng cô lạnh ngắt.

Thế đã xong. Nó đã từ chức lớp trưởng. Nhưng nó không vui mừng. Thái độ của cô khiến nó thấy nó thật là hèn kém. Nó cầm tờ đơn, nhưng không vội về chỗ ngay. Nó muốn hỏi cô một điều.

Cô không nói gì, nó cũng ngập ngừng. Nhưng rồi nó cũng cất lên được:

- Dạ thưa cô… cho em được hỏi cô một câu ạ…

Cô không nói gì. Nó tiếp.

- … Ai sẽ lên làm lớp trưởng thay em ạ?

- Cái ấy anh không phải lo! – Cô trả lời nó bằng một giọng cao và sắc – Tuần sau lớp tôi khắc có đại hội chi đội, lúc ấy bầu cử ra người có năng lực hơn anh. Anh hiểu chưa?

Nó nuốt nước bọt.

- Thế thì em yên tâm rồi ạ.

Rồi nó bước lững thững về chỗ. Không có tiếng ồn ào bàn luận, nhưng nó cảm nhận được cái “xã hội” kia đang nghĩ gì về nó. Những tiếng chép miệng. Những cái lắc đầu. Nó như một viên tướng bại trận, xấu hổ thì ít nhưng thất vọng thì nhiều. Nó tự thất vọng về bản thân nó.

Lớp bàn tán trong sự im lặng. Nó cứ gục mặt xuống thế. Khi tất cả những cái đầu đã quay lên, không còn những cái nhìn nữa, thì tiếng nói mới được cất lên.

Tiếng của cô giáo:

- Vâng. Đầu năm thì anh ấy nhận làm lớp trưởng lớp này rất hào hứng. Giờ chưa được một tháng thì anh ấy xin từ chức. – Cô ngừng lại như muốn để câu nói thấm vào đầu nó. Nó càng cúi gằm mặt – Anh ấy bảo chưa đủ năng lực. Thế thì ai trong cái lớp này đủ năng lực làm lớp trưởng?

Câu nói của cô vang và tan nhanh trong không khí. Lớp cũng toàn những khuôn mặt đang cúi gằm. Cô đang “giận cá chém thớt”.

- Ai trong lớp này đủ năng lực làm lớp trưởng? – Cô nhắc lại.

Giọng nói như thấy rõ rằng cô đang tức giận. Nhưng tưởng chỉ để hả giận mà thôi, không ngờ câu hỏi của cô cũng có người đáp lại. Một đứa trong lớp nó đứng dậy.

Một trong năm thằng cá biệt.

- Em ạ.

Cả lớp nó thật sự bất ngờ và tiếng xì xào lúc này không thể không nổi lên. Nó cũng không thể gục mặt nữa. Nó ngẩng lên nhìn: thằng có xỏ khuyên tai.

- Em xin nhận làm lớp trưởng ạ! – Thằng này dõng dạc tuyên bố lại. Bằng một giọng bị bóp méo đến khó chịu, như thể để trêu ngươi, đùa cợt. Bốn đứa còn lại ôm bụng cười rúc rích. Nó biết thằng này sắp làm trò hề. Nó cáu tiết. Sao thằng này có thể dám làm trò hề với những việc như thế này được!

Nhưng nó không thể làm gì. Nó đã từ chức lớp trưởng, và có người xin nhận thay, nó làm gì có quyền nói. Nó nói ai sẽ thèm nghe nữa? Nó đành để mặc thằng kia diễn trò.

Cô giáo chắc phải thừa biết thằng xỏ khuyên tai này là một trong những đứa học sinh cá biệt. Đời nào cô lại cho nó làm lớp trưởng. Nhưng giờ đây cô đang cáu giận thực sự với nó, cô làm điều khiến nó cũng phải giật thót mình.

- Anh Tùng hả? – Cô nhìn đứa xỏ khuyên tai – Anh muốn làm lớp trưởng chứ gì? Được thôi. Anh Hải từ chức thì anh Tùng lên thay. Chỉ cần có khả năng thì sẽ được làm lớp trưởng. Tôi bổ nhiệm luôn anh Tùng vào vị trí ấy. Anh Tùng đồng ý hả?

- Dạ vâng ạ! – Thằng này trả lời một câu nửa lễ phép, lại nửa hét toáng lên như muốn pha trò.

Bốn đứa còn lại đã ôm bụng gục xuống cười rã miệng. Những con mắt đổ dồn về nhìn những thằng này. Nhưng cô không quát, thậm chí không nói gì bọn cá biệt ấy. Cô chỉ tập trung vào cái vị trí lớp trưởng.

- Thế được rồi. Từ nay đến tuần sau anh Tùng sẽ là lớp trưởng của lớp 10A30. Còn thì thứ sáu sẽ bầu cử đàng hoàng, chọn lớp trưởng hẳn hoi. Có ai có ý kiến gì không?

Không bàn tay nào giơ lên. Đúng hơn là không dám giơ lên. Lớp đang diễn ra một sự việc quá nghịch lý: lớp trưởng từ chức thành học sinh và học sinh cá biệt lên làm lớp trưởng. Không ai hiểu ý cô muốn làm gì, nên không dám ý kiến.

Riêng nó thì hiểu. Nó – một lớp trưởng thật sự lại từ chức, còn cô để một đứa cá biệt lên làm thay. Chắc chắn cô quá hiểu lớp nó sẽ ra sao dưới tay tên lớp trưởng này. Cô đang đánh vào trách nhiệm của nó. Bao nhiêu lâu nó làm lớp trưởng như vậy, lẽ nào nó lại để lớp nó sa sút? Lẽ nào nó chịu nhìn một thằng học sinh cá biệt điều khiển lớp mình?

Nó chắc chắn không. Cô giáo nghĩ vậy. Nhưng bây giờ, ngay lúc này thì nó nghĩ là có. Nó đã quá mệt mỏi rồi. Nó không muốn đấu tranh với bất cứ cái gì nữa.
Nó vừa về đến nhà thì chuông điện thoại reo. Nó uể oải nhấc máy. Là thằng Dũng.

- Alô, Hải “cối” à? Tao, Dũng đây. Vừa nãy sao tao tìm mãi mày ở cổng trường mà không thấy?

- Lớp tao về muộn – Nó đáp gọn lỏn – Có việc gì?

Câu hỏi thiếu sự nhiệt tình của nó khiến thằng Dũng hơi ngạc nhiên, nhưng rồi thằng này cũng nói.

- Thằng Thịnh có chuyện rồi Hải ạ! – Một giọng nghiêm trọng – Thằng Thịnh từ chức lớp trưởng rồi.

Nó giật mình và áp chặt ống nghe hơn vào tai.

- Mày bảo cái gì cơ?! Mày nhắc lại tao nghe xem nào?

- Hôm nay thằng Thịnh xin từ chức lớp trưởng!- Thằng Dũng nhắc lại lần nữa, rõ ràng từng từ một.

Nó sững sờ. Chẳng lẽ đến thằng Thịnh cũng cảm thấy chán chường như nó. Cả hai thằng cùng từ chức lớp trưởng. Nó im lặng để tiếp nhận cái thông tin ấy trong một phút. Rồi mới hỏi cho rõ sự việc:

- Có phải vì mấy thằng mới vào không?

- Sao mày biết? – Dũng “quềnh” ngạc nhiên – Mày sang lớp tao à?”

- Không – Nó bình tĩnh đáp – Tao đoán thế. Chỉ có mấy thằng mới vào mới khiến thằng Thịnh từ chức thôi.

- Mày đoán đúng rồi đấy – Dũng “quềnh” xác nhận – Đúng là mấy thằng ấy đấy. Hai lần thằng Thịnh đánh nhau với bọn nó, may mà tao với Hải “tí” can ra được. Mà tao không hiểu hôm nay nó làm sao nữa. Mới vào giờ mà nó đã cáu bẳn, quát tháo. Khác hẳn mọi ngày.

- Thế à? Thế mọi ngày nó làm sao?

- Chả làm sao cả, nhưng mọi hôm nó không dễ nổi cáu thế – Dũng “quềnh” đưa ra thắc mắc rồi bỏ trống đấy – Mà tao hỏi thật mày nhé, mày với thằng Thịnh có chuyện gì không?

- Chuyện gì, sao tự nhiên mày hỏi thế?

- Tại hôm nay lúc về thằng Thịnh bảo tao đừng kể chuyện nó từ chức cho mày biết. Tao nghĩ là hai đứa mày có chuyện gì xích mích với nhau.

Nó định giấu Dũng “quềnh” chuyện sáng nay. Nhưng bây giờ nó đang chán chường, nó cũng chẳng buồn giấu nữa. Nó kể tất cả, hy vọng là có thêm một người có thể thông cảm cho nó.

- Không phải “xích mích” đâu – Nó thở dài – Một cái hiểu lầm to tướng.

- Hiểu lầm chuyện gì?

- Chuyện cô bé lớp trưởng A23 đấy.

- Chuyện… - Dũng “quềnh” như giật mình – Chuyện lớp trưởng 10A23 á? Thống nhất là giúp thằng Thịnh làm quen rồi còn gì?

- Đúng là thế – Nó lại chán không muốn kể nữa – Nhưng mà rồi lại có chuyện. Sáng nay…, mà thôi, mày nghe tao kể từ chuyện hôm thứ tư đã. Nếu không mày cũng hiểu lầm tao nốt mất.

- Hôm thứ tư làm sao?

- Hôm thứ tư lớp mày trực nhật mày có nhớ không?
Nó phải mất đến hơn mười lăm phút để kể lại toàn bộ câu chuyện một cách công bằng nhất, cho Dũng “quềnh” nghe. Và trả lời những thắc mắc chen ngang vào của Dũng.

- Vậy là hôm ấy mày đi theo nó suốt à?”

- Chứ còn sao. Tao cứ tưởng nó về nhà, không ai ngờ được nó lại vào quán Halflife.

- Sáu giờ tối?

- Đúng. Lúc đi là sáu giờ kém, đến quán Game World đã hơn sáu giờ.

- Dũng “quềnh” có vẻ nghiền ngẫm nghĩ và thốt ra một câu khiến nó phải thất vọng:

- Đúng là câu chuyện của mày khó tin thật.

- Khó tin!? – Nó nổi xung lên – Khó tin thì thôi mày đừng nghe nữa. Tao dập máy bây giờ đây!

- Ấy, mày làm gì mà cáu thế! Tao không phải nói mày không đáng tin, mà là chuyện của mày không nói ngay từ đầu, lúc ấy mới kể thì thằng Thịnh làm sao mà tin được?

- Chắc thế – Nó ngán ngẩm – Tại tao cả.

- Không, tại thằng Thịnh quá ham làm quen với cô bé kia. Mày có thấy năm nay nó khác không? Năm trước nó cứ đứng cạnh con gái là run lên…

- Ừ, tao cũng thấy lạ. Mà lạ nhất là chuyện ấy lại có thể ảnh hưởng khiến nó từ chức lớp trưởng được mới lạ chứ.

- Chuyện ấy… Bây giờ bốn đứa mình chỉ còn mình mày làm lớp trưởng thôi…

- Không. Tao cũng từ chức lớp trưởng luôn rồi. - Nó nói thản nhiên như không. – Hôm nay tao vừa từ chức xong.

- Cái gì? – Dũng “quềnh” như hét lên – Mày cũng xin từ chức rồi à?!!

Nó lại phải mất thêm mười lăm phút nữa để giải thích cho thằng này hiểu chuyện gì đã xảy ra ở lớp nó sáng nay. Dũng “quềnh” thật sự bàng hoàng.

- Tao thật chán hai đứa chúng mày quá! Hết thi nhau hiểu lầm, rồi lại thi nhau từ chức lớp trưởng! Tao thật không hiểu nổi! Giờ mày định thế nào?

- Chả thế nào cả.

- Không được! – Dũng “quềnh” phản đối gay gắt – Chuyện hiểu lầm hai đứa xử lý trước. Chiều nay mày sang ngay nhà thằng Thịnh giải thích với nó cho rõ đã…

- Trừ khi mày lôi nó đến đây xin lỗi tao – Giọng nó nghiêm túc – Không thì không bao giờ.

- Mày…

- Tao là thằng như thế đấy! Có sao không?


11.

-S

ao! Đến thằng Hải “cối” cũng từ chức lớp trưởng à?! – Hải “tí” vã mồ hôi.

- Đúng thế – Dũng “quềnh” nghiến răng – Tao cũng không thể ngờ! Hai thằng chết nhát đều đồng loạt từ chức!

- Chỉ vì mấy đứa mới chuyển vào lớp? – Hải “tí” tròn mắt.

- Không. Thằng Hải “cối” còn vì lớp nó cả nghe theo bọn mới vào chống đối nó nữa!

- Thế có nghĩa là bây giờ cả hai thằng đều từ chức!?

- Đúng. Nhưng tao nghĩ chuyện hai đứa nó hiểu lầm nhau mới nghiêm trọng. Anh em chơi với nhau suốt từ năm lớp chín tới giờ mà lại tức nhau chỉ vì một đứa con gái! Tao thật không thể hiểu nổi hai đứa này nữa!

- Tao cũng thế. Năm nay chúng nó điên hết rồi thì phải! -

Dũng “quềnh” thở dài một hơi và nheo mắt nhìn lơ đãng - Ai bảo đầu năm mày nói chuyện con bé lớp trưởng A23 làm gì cơ chứ.

- Tao có biết đâu. Tao không ngờ thằng Thịnh nó lại ham đến thế! Vả lại tại thằng Hải “cối” gây hiểu nhầm đấy chứ?

- Thì ngay từ hôm đầu mày đứng giới thiệu nữa được không!!! – Dũng “quềnh” như quát lên.

- Thì tao cũng nói chuyện chơi thôi! Thằng nào bảo là bọn mình phải làm quen với con bé ấy đi? – Hải “tí” cũng gắt lên – Chính bọn mày đòi làm quen cho bằng được thì có!

- Nhưng hôm ấy mày không nói thì lấy đâu ra thằng Thịnh nó đòi làm quen? Mày nói bớt đi một câu không được à? Hay là mày không nói thì mày ngứa mồm?!!

- Chính mày hôm ấy cũng đòi làm quen mày có nhớ không? Bây giờ chuyện đã ra như thế này rồi mày lại đổ hết trách nhiệm cho tao phải không!? Sao mày vô lý thế!!!

- Tao vô lý đấy! Chính mày cũng muốn làm quen chứ khác gì tao? Mày không làm quen sao mày biết được nó hay chơi ở quán nào?

- Cái đấy thì… Mày chặn bất cứ đứa nào A23 mà chả hỏi được? Tao làm thế cũng chỉ vì thấy bọn mày nhất quyết đòi làm quen. Không thì thằng ngu nào mất công tìm hiểu hộ chúng mày? Rồi bây giờ chúng mày lại thi nhau đổ lỗi lên đầu tao!

Mắt Hải “tí” đỏ gay gắt và thở dốc. Hai đường mạch máu ở thái dương nổi lên rõ rệt. Hai tai Dũng “quềnh” cũng đỏ gay, cổ họng rát khan. Hai thằng đứng im nhìn nhau, răng nghiến lại. Tim Dũng “quềnh” đập thình thịch. Bàn tay Hải “tí” nắm lại đến run lên.

Hai thằng không nói gì cho đến lúc một trong hai thằng không chịu được nữa.

Dũng “quềnh” bảo:

- Thôi không nói chuyện này nữa! – Thằng này thở hắt ra. Một cái thở phá vỡ không khí căng thẳng.

- Đúng. Nói tiếp chắc tao với mày đánh nhau mất.

- Cái quan trọng bây giờ là giải quyết chuyện của thằng Hải “cối” với thằng Thịnh “ộp” đi. Đầu tiên giảng hòa bọn nó đã, sau rồi động viên hai đứa lên làm lớp trưởng trở lại. Chứ tao với mày ở đây cãi nhau thì giải quyết được việc gì? Hồi nãy tao hơi mất bình tĩnh quá.

- Thôi khỏi. Cũng tại tao. Thế mày đã nghĩ ra cách gì chưa?

- Cách à? – Dũng “quềnh” lắc đầu – Chỉ còn nước tới nhà thằng Thịnh giải thích cho nó hiểu thôi. Tao với mày.

- Thế thì đi luôn bây giờ đi – Hải “tí” sốt sắng – Không giảng hòa nhanh rồi hai đứa chúng nó cạch mặt nhau thật thì không biết đến thế nào nữa – Thằng này thở dài.

- Thế thì… mày xuống nhà lấy xe đi, đèo tao đi luôn đến nhà nó.

- Ờ.

Hai thằng lục đục xuống nhà dưới nhà Hải “tí”, dắt xe ra cửa. Nhưng vừa xuống đường thì Hải “tí” dừng lại như nhớ ra được gì.

- Không được rồi Dũng ạ! – Hải “tí” thốt lên khiến Dũng “quềnh” đang định lên yên sau giật mình – Tao thấy không được đâu.

- Sao lại không được? – Dũng “quềnh” đứng dậy ngạc nhiên.

- Nếu thằng Thịnh hỏi làm sao bọn mình biết chuyện thằng Hải “cối” kể là đúng hay không thì trả lời thế nào? chẳng lẽ bảo là Hải “cối” kể với bọn tao thế.

- Thằng Thịnh chắc chắn không tin. Ờ nhỉ? – Dũng “quềnh” cũng chợt nhớ ra – Thế chẳng khác gì bọn mình nói lại những gì Hải “cối” đã nói. Phải có lý lẽ khác, phải có bằng chứng.

- Tao nghĩ ra một cách – Hải “tí” có vẻ trầm ngâm.

- Cách gì? – Dũng “quềnh” buột miệng hỏi.

Hải “tí” không vội nói ngay. Nó đứng ngẫm nghĩ một lúc mới nói.

- Cứ đứng đây mà nghĩ cách hòa giải hai đứa thì chẳng ra vấn đề gì cả. Vấn đề là ở lớp trưởng A23 con bé ấy là nguyên nhân của mọi chuyện, tao nghĩ – Hải “tí” hít một hơi – nên tập trung vào nó.

- Con bé Mai Lan Anh đấy á! – Dũng “quềnh” rùng mình – Mày định làm gì?

- Tao muốn liều một phen.

- Hải “tí” ngừng, nhưng Dũng “quềnh” cũng không hỏi. Câu nói của Hải “tí” đang còn dở.

- … Tao muốn điều tra nó.
Hải “cối” hết nằm xuống giường lại ngồi dậy. Không có việc gì nhưng đôi lúc nó lại tự nhiên thấy chán vô kể. Buồn lạ lùng. Chẳng ai tin nó. Đến cả bản thân nó cũng thấy mình chẳng đáng tin tưởng tý nào.

Nó lại thở dài. Mới đầu năm cấp III mà đã có bao nhiêu chuyện buồn. Thế mà trước đây nó luôn nghĩ lớn hơn lên rồi sẽ vui hơn, sẽ được sống sôi nổi hơn. Nhưng càng lúc lại càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Có lẽ nó cứ nên sống như hồi cấp II là được. Làm một học sinh bình thường, khả năng bình thường và tất cả đều bình thường có lẽ hơn. Nó chợt nhớ lại lời cô giáo mắng nó: “Anh có biết anh vừa bỏ qua một cơ hội tự rèn luyện bản thân mình hay không?”. Đúng vậy. Nó bỏ qua một cơ hội quý giá để tự rèn luyện bản thân, để nâng cao năng lực của nó. Nó là kẻ không biết nắm lấy cơ hội. Nó là một thằng bất tài!

Nó lại thở dài. Nó tự thấy mình quá hèn kém.
Ngày thứ bảy. Ngày học đầu tiên của một lớp, với lớp trưởng là học sinh cá biệt.

Mọi chuyện diễn ra đúng như nó đoán. Hỗn loạn. Huyên náo. Vô tổ chức. Thằng lớp trưởng ấy, thằng có xỏ khuyên tai, thằng Tùng, là nguyên nhân chính của mọi chuyện. Nguyên nhân sâu xa là bốn đứa mới vào còn lại.

Cả năm tiết lớp đều ồn, tiếng la hét, cười đùa ầm ĩ.

Trống về. Lớp nó reo lên như rạ, đầu tiên là thằng lớp trưởng. Nó uể oải giật cặp trong ngăn bàn ra và tống tất cả sách vở vào. Năm thằng cá biệt họp lại thành một nhóm đi cùng nhau, bàn về những trò nghịch phá vô ý thức của mình. Nó chen theo dòng người bước ra ngoài cửa. Cửa lớp chật cứng

00_:_00
29-05-2008, 01:54 AM
Vu vơ lớp 10 – Trần Trung Dũng (Phần 4)

“Phù!” – Nó giật mình. Mũi và mồm nó sặc lên vì khói thuốc. Nó nhắm tịt mắt lại và tai nghe oang oang những tràng cười. Nó đưa tay lên xua. Khói thuốc không bốc lên được cứ đóng lại trước mặt nó. Nó ho sặc sụa. Tiếng cười càng to hơn. Mặt nó mờ mờ nhìn thấy năm đầu điếu thuốc đỏ làm nó cáu tiết:

- Chúng mày làm cái trò gì thế hả?

Một đứa nói xen vào tiếng cười:

- Hun chuột! Hề hề.

Lập tức tất cả những đứa xung quanh đấy rộ lên cười. Học sinh các lớp xúm lại xem nó tạo thành một đám đông. Mắt nó cay xè, chỉ nghe được tiếng ồn ào bàn tán.

Tiếng năm đứa kia chế giễu nó.

- Thế nào? Vui chứ!? Sao không yêu cầu đề nghị gì nữa đi?

- Đề ề ề ề… nghị các bạn tắt thuốc ngay! Lúc ấy thì oai như cóc ấy nhỉ? Thế mà bây giờ sao nhũn như con nhái bén thế?

- Em thấy không ông ông… đủ năng lực. Nghe lâm li quá nhỉ?

- Sợ mất mặt rồi à? Không đủ năng lực thì để thằng này làm cho. Hê hê – Thằng xỏ khuyên tai nhại lại lời nó, và cười điệu quái dị.

Bốn thằng kia cũng cười theo những điệu cười không đâu có. Xung quanh không biết chuyện gì xảy ra nhưng cũng cười theo. Nó giận tím mặt. Khói thuốc đã tan, nó trừng mắt nhìn cả năm thằng bằng cái nhìn khinh bỉ. Những thằng kia vẫn tiếp tục cười, và đám đông vẫn xúm lại.

Nó coi như gặp phải chó dại, không thèm nói câu nào, nó quay mặt bỏ đi. Nó nghe thoáng tiếng xì xào. “Thằng hèn”. Nhưng nó coi như điếc.

Nó bước ra khỏi đám đông và cắm đầu đi thẳng. Bỗng có tiếng gọi giật nó lại. Nó chỉ dừng nhưng không ngoảnh lại sau. Tiếng thằng Dũng “quềnh”.

- Tao thất vọng về mày quá đấy Hải ạ.

Nó im lặng.

- Mày hèn như thế từ bao giờ thế Hải!?

Nó vẫn im lặng. Dũng “quềnh” không nói gì thêm. Nó đành trả lời.

- Tao vốn hèn thế rồi đấy. Bây giờ mày mới biết à?

- Mày…! - Dũng “quềnh” muốn tức điên lên – Mày đi theo tao!

- Tao chả phải đi đâu cả.

- Nếu mày còn coi tao là bạn, thì mày phải đi theo tao – Dũng “quềnh” cương quyết – Mày phải gặp một người.

Nó lưỡng lự. Nhưng rồi cũng phải miễn cưỡng đi theo Dũng “quềnh” vì nó vẫn coi thằng này là bạn.

Hai thằng bước xuống cầu thang, băng chéo sân trường, không nói thêm với nhau một lời nào. Dũng “quềnh” dẫn nó lên thềm nhà. Dẫn băng qua hai phòng, và rẽ vào một lớp ở giữa. Lớp 10A23. Nó bước vào lớp ngập ngừng. Căn phòng vắng tanh, dường như hôm nay lớp này chỉ có bốn tiết. Nó sừng sờ nhận ra ba người đang ngồi trong lớp. Hải “tí”. Thịnh “ộp”. Và cô bé lớp trưởng 10A23, Mai Lan Anh.

Cả ba cùng ngước lên nhìn nó. Nó im lặng. Dũng “quềnh” bước vào cùng nó, và nói một câu chỉ đủ cho nó nghe.

- Hôm nay mày phải nói tất cả cho rõ ràng.

12.
C

ả năm người cùng im lặng. Nó và Dũng “quềnh” cứ đứng như vậy, mắt nó nheo lại. Dũng “quềnh” nhìn nó rồi thở dài. Thịnh “ộp” cúi mặt xuống nên chỉ nhìn thấy tóc. Không ai nói câu gì. Bởi không biết nói gì.

Cô bé lớp trưởng 10A23 bắt đầu trước.

Bạn là Tuấn Hải phải không? – Cô bé hỏi nó.

Phải thì sao? – Nó đáp trống không.

Có phải bạn muốn kết bạn với tớ? – Cô bé đưa đôi mắt sắc lên nhìn nó.

Phải thì sao? – Nó lặp lại một cách khó chịu.

Vậy bây giờ tớ muốn làm bạn với bạn, bạn có đồng ý không? – Cô bé vẫn bình tĩnh.

Đồng ý thì sao? – Nó dường như chỉ biết nói một kiểu câu. Nhưng cô bé không tỏ vẻ gì khó chịu.

Đồng ý thì sao à? – Cô bé cười nửa miệng. – Đồng ý, thì với tư cách một người bạn, tôi muốn nói rằng bạn là một thằng hèn!

Nó im lặng. Cũng cười một nửa miệng. Câu nói vang trong không gian và trĩu nặng. Không ít người, và chính bản thân nó cũng đã từng nó với nó câu này. Nó chỉ đáp lại đơn giản:

Tôi vốn là một thằng hèn.

Dũng “quềnh” nghiến răng. Nhưng cô bé kia vẫn tỏ ra rất bình tĩnh.

À, hóa ra bạn cũng biết điều này à? Hóa ra bạn cũng không đến nỗi tồi.

Tất nhiên, có gì mà tôi không biết – Nó trả lời theo kiểu cùn.

Thế bạn có biết việc bạn xin từ chức lớp trưởng đã ảnh hưởng tới bao nhiêu người không? – Cô bé vẫn kiên trì.

Chả ảnh hưởng đến ai cả! – Nó nhướn lông mày – Chả ai cần tôi làm lớp trưởng mà ảnh hưởng cả. Có chăng là mấy đứa cá biệt càng vui hơn thôi…

Sai! – Cô bé cắt ngang lời nói bằng một giọng đanh thép. – Làm sao bạn biết được lớp bạn không cần bạn làm lớp trưởng?

Cần một thằng lớp trưởng để rồi bảo không đứa nào nghe, làm trò cười cho cả lớp mà gọi là cần à?!? – Nó như trút toàn bộ bức xúc vào câu nói.

Thế bạn thấy từ trước đến giờ có lớp nào đồng thanh hô lên là “chúng tôi cần lớp trưởng” chưa? – Cô bé cũng như bức xúc – Làm lớp trưởng cần phải biết lớp mình cần gì chứ? Làm lớp trưởng bạn cần lòng tự trọng chứ không phải lòng tự ái bạn có hiểu không?

Nó vẫn lặp lại kiểu trống không:

Tôi chả hiểu. Tôi thấy không đủ năng lực làm lớp trưởng thì từ chức có thế thôi.

Bạn không đủ năng lực làm lớp trưởng hay bạn không thể quản nổi các học sinh cá biệt mới vào? – Cô bé như đánh đúng chỗ khó của nó – Tôi nói cho bạn biết: Lớp tôi chuyển vào tới sáu thằng con trai chứ không phải chỉ năm như lớp bạn đâu. Bạn tưởng rằng lớp bạn thế đã là nhiều à?

Mặt nó gần như sượng đi nghe tới con số sáu. Thịnh “ộp” cũng ngẩng lên. Nó không biết nói gì thêm, và cô bé tiếp lời.

Thế mà tôi, một đứa con gái, vẫn điều khiển được lớp, vẫn quản được lớp nghe lời, còn bạn thì sao? Bạn lại xin từ chức, bạn có thấy xấu hổ không?

Nó cậy miệng không nói được câu nào. Cô bé kia nói đúng. Nó là một thằng kém cỏi. Tai nó đỏ bừng. Nó cúi gằm mặt.

Bạn có trách nhiệm với cuộc đời mình không vậy?

Đó là cuộc đời riêng của tôi, không khiến bạn quan tâm!

Phải! Nhưng bạn đã nhận tôi làm bạn. Với tư cách là một người bạn tôi phải thức tỉnh bạn – Cô bé quay sang nhìn thằng Thịnh – Chứ không phải như bạn và Thịnh đâu. Thịnh hiểu lầm bạn đã đành, nhưng bạn làm gì? Bạn bỏ mặc đấy, bạn bỏ mặc tình bạn trong sự nhỏ nhen. Bạn có biết tình bạn nghĩa là gì không? Tình bạn là một cái tát khi bạn mình sai lầm! Còn bạn, bạn không tự tát nổi mình một cái!

Nó im lặng. Mặt nó lại như vừa nhận một cái tát mạnh.

Bạn có biết rằng chỉ cần đứng trên ý chí thôi, con người đã có thể cao hơn đỉnh Everest không? – Cô bé ngừng lại để những lời nói ngấm vào đầu nó – Thế mà bạn mới chỉ vấp ngã trước một gò đất thấp đã vội bỏ cuộc. Loại người như bạn chẳng bao giờ leo nổi lên một bậc thang chứ đừng nói đến đỉnh Everest!

Bạn không cần phải nói nữa!!! – Nó hét lên. Môi nó run run và mặt nó đỏ bừng. Tim nó đập như chưa bao giờ được đập – những nhịp đập thật sự.

Máu trong lồng ngực nó như sôi lên, hai bàn chân nó không còn vững được nữa. Nó quay mặt và bước thẳng ra khỏi cửa lớp, không nói không rằng. Nó bước đi nhưng chân tê cứng lại. Nó cứ muốn bước nhanh hơn. Răng nó cắn chặt vào bờ môi.

Máu nó như muốn sôi lên.
Dũng “quềnh” vội đuổi theo nó nhưng cô bé lớp trưởng ngăn lại. Vẫn bằng giọng đầy tức giận và nhiệt huyết, cô bé nói:

Cứ để bạn ấy một mình suy nghĩ về bản thân!

Rồi cô bé quay thẳng vào lớp và xách cặp lên định bước ra cửa. Không khí im lặng đến rợn người.

Khoan đã!

Cô bé dừng chân. Thằng Thịnh bỗng đứng dậy, với khuôn mặt đăm chiêu:

Cảm ơn bạn – Thằng Thịnh nói bằng một giọng nghiêm túc đến đáng sợ.

Vì chuyện gì? – Cô bé quay lại và nheo mắt nhìn thằng này.

Vì tất cả những gì bạn vừa nói – Thằng Thịnh ngẩng mặt lên nhìn, một cái nhìn trân trọng – Vì đã giúp tôi nhận ra được sai lầm của mình. Tôi đúng là một thằng hèn.

Cô bé cúi mặt xuống, thở dài và lại ngẩng lên, khuôn mặt “sắc” lộ ra giữa hai làn tóc đến ngang vai. Cô bé hơi cười.

Không ai là thằng hèn cả! – Cô bé cũng nhìn lại thằng Thịnh - Khi đã biết sai lầm thì không ai hèn cả.

Thằng Thịnh cũng cười – một điệu cười buồn. Cô bé quay mặt bước tiếp ra khỏi lớp rồi khuất sau khung cửa.
Nó đi lang thang giữa đường. Hàng cây và vạch sơn đường băng qua nó. Nó đang đi trên làn đường của xe có động cơ. Nó lái bạt mạng, may là không có tai nạn nào xảy ra. Nó đã về đến nhà. Nó không hiểu sao nó lại về nhà.

Nó vào phòng vệ sinh, xả đầy bồn nước, rồi nhúng đầu mình vào đó. Nước xộc vào mũi nó. Nó nhấc đầu lên, ho sặc sụa. Nó lại nhúng đầu vào. Và lại ho sặc lên.

Lần thứ ba thì nó vuốt hết nước trên mặt, rồi bỏ lên phòng. Nó quăng mình xuống giường. Nó cứ nằm thế, cho đến chiều.

Rồi nó bỗng bật dậy. Nó đứng như chết trân, tháo kính ra đặt lên bàn. Nó giơ tay lên và tự tát mình một cái. Cái tát mạnh như sự ân hận của nó.
Nó xuống nhà gọi điện cho thằng Thịnh.

Đã 5 giờ, điện thoại nhà nó để kênh máy lúc nào mà nó không để ý. Nó ấn lại để gọi nhưng lập tức chuông điện thoại reo lên. Nó hơi giật mình. Có người đang gọi đến nhà nó, mà vào giờ này thì chỉ có thể là cho nó.

Nó chưa áp ống nghe vào tai, nhưng đã nghe thấy tiếng từ đầu bên kia.

Alô, Hải à? Tao, Thịnh đây.

Thịnh à? – Nó lấy giọng rõ ràng và rành mạch – Chuyện gì thế?

Tao… nợ mày một lời xin lỗi.

Nó chợt im lặng. Tim nó bỗng đập nhanh và thở mạnh hơn. Nó bất ngờ. Nó cũng đang định xin lỗi thằng Thịnh. Nên nó vội nói ngay khi đã có dũng khí, nó sợ không nói rồi sẽ không nói được nữa.

Tao cũng thế. Tao cũng nợ mày một lời xin lỗi.

Mày có lỗi gì? Chuyện ấy không phải tại mày.

Không. Tại tao, tất cả là tại tao. Mọi chuyện đều tại tao.

Điệu bộ của nó khiến thằng Thịnh buồn cười nhưng thằng này không cười. Cả hai đều chẳng có tâm trạng nào mà cười.

Thôi bỏ qua đi mày ạ – Thằng Thịnh chép miệng – Đằng nào thì chuyện cũng qua rồi, tao không muốn nhắc lại nữa.

Ừ – Nó tự gật đầu đồng ý – À, Thịnh này, tao muốn hỏi mày về cái cô bé lớp trưởng A23…

Về cô bé ấy… - Nó chưa hỏi hết câu nhưng thằng Thịnh đã hiểu.

Tao cũng mới biết sáng nay thôi. Cô bé ấy… là Hải “tí”, Dũng “quềnh” đấy.

Hải “tí”, Dũng “quềnh” làm sao?

Hai thằng hôm trước đến tận quán Game World để hỏi, rồi sáng nay hai đứa lại sang A23 để “nói chuyện” với cô bé ấy.

Cô bé ấy… - Nó ngập ngừng – Cái hôm tao đi theo đến Game World lúc 6 giờ tối…

Không phải như mày nghĩ đâu – Thằng Thịnh ôn tồn – Hôm đấy không phải cô bé đi chơi, mà là… “đi làm”.

Đi làm? – Nó ngạc nhiên – Làm gì ở quán Halflife?

Làm… - Thịnh “ộp” khó giải thích – Mày nghe tao kể từ từ đã. Nhà cô bé ấy không phải giàu sang gì mà ăn chơi như mày tưởng đâu. Cô bé ấy làm thêm cho bác chủ quán Halflife , làm… như kiểu là cố vấn về kỹ thuật mạng máy tính ấy, mày hiểu không?

Cố vấn về mạng máy tính? – Nó lục bộ nhớ – Tao có biết.

Đấy! Cô bé ấy giỏi tin học nên bác chủ quán Game World thuê làm để thỉnh thoảng sửa chữa rồi nâng cấp mạng lên. Bác ấy trả tiền theo tháng như là một công việc làm thêm vậy.

Tao hiểu. Thế có nghĩa là cô bé ấy không phải… ăn chơi chứ gì?

Sao mày lại nghĩ thế được – Thằng Thịnh có vẻ không bằng lòng – Mày có biết tiền học phí hàng tháng cô bé đều tự lo không?

Tự lo tiền học phí? – Nó thực sự bất ngờ – Cô bé ấy không phải xin tiền bố mẹ?

Bố mẹ cô bé mất rồi.

Tim nó chợt nhói lên. Nó ngậm ngay miệng lại như thể nó vừa làm gì sai trái.

Bố mẹ cô bé mất rồi? Tao không biết – Nó chợt như bị hẫng.

Thằng Thịnh cũng ngập ngừng. Nói về chuyện buồn của một người bạn, cả hai đứa đều cảm thấy không thể đùa.

Tao cũng mới biết thôi. Cô bé ở với bác, nhà ở trên đường Nguyễn Trãi. Cứ chiều thứ tư nào cô bé cũng đi làm thêm ở Game World để lo tiền học phí. Hôm chiều thứ tư mày gặp ấy là cô bé bận buổi lao động nên phải làm bù, 7 giờ tối cô bé mới được về ăn cơm.

Cổ họng nó tự nhiên nghẹn lại. Nó ân hận. Nó muốn thốt ra một lời gì đó nhưng không nói được.

Nó hỏi như quát thằng Thịnh.

Mày có biết số điện thoại nhà cô bé ấy không?

Mày định làm gì?

Tao muốn nói một lời xin lỗi… và… cảm ơn.

Tao không biết – Thằng Thịnh tặc lưỡi – Nhưng tao nghĩ mày nên đến lớp gặp trực tiếp thì hơn.

Ừ. Thế thì ngày mai…
Ngày mai. Nó quên mất rằng ngày mai là chủ nhật. Nó không đi học, cô bé kia cũng không đi học. Nó không có cơ hội để nói lời xin lỗi và cảm ơn tới cô bé.

Nó cảm thấy ân hận hơn là xấu hổ. Hoàn cảnh của cô bé khiến nó vô cùng bất ngờ. Cô bé mồ côi cha mẹ, phải tự đi làm thêm để kiếm tiền học. Cô bé không được hưởng những gì chúng nó được hưởng. Và phải làm những gì chúng nó không bao giờ phải làm.

Nhưng cô bé vẫn vươn lên, vẫn chiến thắng số phận nghiệt ngã. Bây giờ nó lại không thể ngờ cô bé làm lớp trưởng. Một cô bé hoàn cảnh như vậy lại có thể làm được lớp trưởng. Nó cảm phục con người ấy. Nó muốn nói một lời cảm ơn chân thành và một lời xin lỗi. Nhưng rồi nó không nói được.
Thứ hai, nó đi học muộn và không kịp rẽ qua lớp cô bé. Nó phải vào sân trường chào cờ, rồi lên lớp luôn. Nó đã nóng lòng ngang qua lớp A23, nhưng cô bé ngồi chỗ nào đó nó không thấy được. Cả trường đều mặc đồng phục trắng. Trong khi nó tìm một dáng áo đỏ. Nó chợt nhớ ra hôm nay là thứ hai. Tất cả đều phải mặc đồng phục. Nó thôi không tìm nữa, mà lát nữa ra chơi sẽ lên tận lớp tìm cô bé.

Trống ba hồi kết thúc giờ chào cờ. Nó đứng phắt dậy. Cả trường dù chưa được lệnh cũng nhốn nháo đứng dậy. Nó cố len qua một dòng người chật cứng để tiến về lớp 10A23 nhưng chẳng mấy hiệu quả. Nó bị cuốn đi. Nó cố lách thật nhanh để đi qua, nhưng bỗng vang lên tiếng loa của nhà trường:

Alô! Alô! Yêu cầu các học sinh trở về lớp mình ngay để chép thời khóa biểu mới.

Nó đành xách cặp lên lớp. Lớp cũng ồn, nhưng không khí chép thời khóa biểu thì có khác. Giấy tờ bày la liệt lên bàn. Nó đi xuống chỗ ngồi của mình, đi qua năm thằng cá biệt. Tự nhiên nó thấy ngứa mắt.

Nó buông cặp để vào ngăn bàn thì vừa lúc cô chủ nhiệm vào lớp. Cô mang theo thời khóa biểu mới. Nhưng cô không nói về chuyện thời khóa biểu. Cô bước vào lớp vội vàng, vừa ngồi vào bàn giáo viên, cô lập tức gọi người mang sổ đầu bài lên. Cô lật quyển sổ một cách chăm chú, và nó không nhầm thì cô đang lật trang của ngày thứ bảy. Ngày đầu tiên một thằng học sinh cá biệt lãnh trách nhiệm đứng đầu lớp.

Ngày thứ bảy, tiết Lý, lớp nó được 5 điểm – 5 trên 10. Nó biết rằng điểm 5 ấy đang đập vào mắt cô. Điểm 5 trong một cột những điểm 9 và 10. Cô gọi thằng lớp trưởng đứng dậy. Cô nói một câu nội dung không có gì gọi là mắng mỏ, nhưng giọng thật sự tức giận:

Anh Tùng, anh xin được làm lớp trưởng mà anh làm thế này đây! – Cô nhìn thằng Tùng rồi lại nhìn quyển sổ. – Điểm 5 trong giờ Lý là vì lý do gì hả?

Thằng Tùng ấp úng, vẫn cái dáng điệu nghiêm túc pha trò rất ngứa mắt:

Dạ… dạ em thưa cô! Hôm ấy lớp hơi ồn ạ!

Hơi ồn – Mặt cô lạnh tanh – Hơi ồn thì không thể bị điểm 5 được! Anh làm lớp trưởng thế này à? Lớp trưởng không phải là chỗ cho anh đùa, anh hiểu chưa? Nếu anh không có khả năng thì nghỉ, để người khác làm thay!

Dạ, - Thằng Tùng cúi gằm mặt xuống vẻ hối lỗi. Tay phải cấu cấu chiếc khuyên tai. Bốn đứa còn lại đã bắt đầu cười. Thằng này lại còn muốn thêm trò cười nữa - Dạ, thế thì em xin nghỉ ạ. Em thấy không có khả năng ạ.

Bốn thằng kia lập tức rúc rích cười ra tiếng. Cô giận ra mặt. Môi cô mím lại. Tay cô ấn chặt vào cuốn sổ đầu bài. Cô gấp lại thật mạnh.

Không cần anh phải xin nghỉ, tôi tự khắc đuổi anh ra khỏi vị trí ấy. Anh chưa xứng đáng là một học sinh đâu. Anh đừng tưởng anh đã giỏi giang!

Lớp còn ai muốn làm lớp trưởng nữa không? – Cô hỏi một câu không có mấy phần hy vọng.

Lớp im lặng. Sau chuyện từ chức của nó thì niềm tin của cô đã vơi đi nhiều. Cô hỏi lớp nhưng chắc cô cũng chẳng mong có lời đáp. Bốn thằng cá biệt còn lại không dám tiếp tục pha trò nữa. Khắp lớp toàn là những cái đầu cúi xuống. Nhưng rồi đã có một người đứng dậy. Một người đứng dậy xin lãnh lấy cái trách nhiệm – cái trách nhiệm đã khiến nó phải gục ngã.

Cô nhìn chằm chằm người ấy, bằng con mắt ngạc nhiên và sửng sốt. Nó biết rằng cô thật sự bất ngờ. Tim nó đập liên hồi. Nó không sợ bị cô mắng, mà nó sợ không biết cô có muốn cho nó trở lại vị trí lớp trưởng nữa hay không. Cô hơi hé miệng ra định nói gì, nhưng rồi cô thở dài. Cô bước lên vị trí bàn giáo viên. Cô bước một cách chậm rãi và nói rất bình thản:

Anh đã suy nghĩ kỹ chưa? Lớp này không cần những lớp trưởng hai tuần đâu. Tôi cần những người có trách nhiệm suốt ba năm cấp III với lớp tôi, và phải là người có năng lực.

Nó không cúi mặt xuống trước những lời ấy. Nó biết mình sai lầm và bây giờ là lúc nó phải dám nhận lỗi.

Dạ thưa cô, em biết ạ. – Nó nói không ngập ngừng. – Lần trước em đã xin từ chức, là một hành động vô trách nhiệm. Em cũng nói rằng em không có năng lực, đó cũng là lời nói vô trách nhiệm. – Nó ngưng lại trong sự im lặng. – Em xin nhận lỗi trước cô và cả lớp. Lần này, em xin được làm hết trách nhiệm và hết sức mình. Em tin là em có đủ khả năng. Về chuyện lần trước, em hứa là sẽ không lặp lại nữa. – Nó nói một cách dõng dạc. – Em xin nhận làm lớp trưởng của lớp trong ba năm cấp III, mong cô đồng ý ạ!

Cô không có phản ứng vội. Hình như cô hơi lúng túng trước sự rõ ràng và quyết tâm của nó. Mới tuần trước nó nhất quyết đòi từ chức, mà bây giờ đã… Cô đưa tay lên trán. Nó đứng như tượng. Nó còn muốn nói rất nhiều điều, nó muốn lấy lại niềm tin của cả lớp. Nhưng rồi cô lên tiếng:

Anh có dám khẳng định rằng anh không bao giờ xin từ chức nữa hay không?

Em xin hứa ạ! – Nó lập tức bật ra như một phản xạ. – Em hứa là chuyện này chỉ xảy ra một lần.

Cô im lặng. Cô đưa mắt khắp cả lớp và trao cho nó một cơ hội.

Thế thì anh hỏi cả lớp xem lớp có đồng ý cho anh làm lớp trưởng không. Nếu lớp đồng ý thì anh cứ việc làm. Còn nếu không – Cô thở dài – Đấy là việc của anh.

Cô không muốn nói nhiều. Nó nhận ra điều đó. Cô ngồi xuống, lại bận rộn với những đống sổ sách. Cô làm ra vẻ không quan tâm. Nhưng nó biết cô đang lắng nghe những gì đang diễn ra. Và cô nghe những gì nó sắp nói – lắng nghe cách nó nắm lấy cơ hội cho mình.

Nó bước hẳn lên, đứng trước lớp, với đôi chân vững vàng, không hề run. Lớp trở nên im lặng.

Tôi muốn nói rằng tôi đã sai lầm khi từ chức lớp trưởng. – Nó nhìn thẳng xuống ba dãy bàn. – Tôi đã vô trách nhiệm với lớp. Nhưng hôm nay tôi xin được nhận lỗi. Và tôi mong các bạn cho tôi cơ hội. Tôi nghĩ trong cuộc đời không ai là không có sai lầm, vì vậy nếu được tin tưởng lần nữa tôi sẽ làm một lớp trưởng thật sự. Tôi không dám hứa sẽ làm tốt mọi việc nhưng tôi dám hứa tôi sẽ làm hết sức mình.

Nó dừng lại để nhìn lớp một lượt. Những khuôn mặt nghệt ra lắng nghe nó nói. Có đôi ba ánh mắt khó chịu, nhưng nó vẫn tự tin.

Chắc các bạn vẫn còn nhớ hôm thứ sáu tuần trước tôi xin từ chức lớp trưởng. Lúc đó tôi cho rằng tôi không đủ khả năng. Tôi tưởng rằng mình kém cỏi. Nhưng thật ra tôi chỉ là một thằng hèn, tôi đã không dám đối mặt với khó khăn. Nhưng hôm nay tôi xin khẳng định lại một lần nữa: tôi xin nhận lấy mọi trách nhiệm của lớp mình. Tôi xin hứa sẽ gắn bó với lớp trong suốt ba năm học.

Hơn sáu mươi khuôn mặt ngẩng lên nhìn nó một cách chăm chú và đầy tin tưởng. Nó nhận ra những cái nhìn ấy – những cái nhìn trao cho nó niềm tin. Nhưng nó muốn làm một điều gì đó để những niềm tin ấy được thể hiện rõ ràng hơn. Nó muốn sự ủng hộ.

Vậy bạn nào đồng ý tôi làm lớp trưởng, xin giơ tay lên. Giơ tay thật cao lên!

Lớp đã thực sự tin tưởng nó. Tin vào tài năng của nó. Và sẵn sàng ủng hộ nó. Nhưng không một bàn tay nào giơ lên. Mà là tiếng vỗ tay rầm rộ. Những tràng pháo tay rào rào muốn nổ tung cả lớp. Tiếng hò reo động viên. Tiếng huýt sáo quá khích. Cả căn phòng như muốn vỡ ra. Hơn sáu mươi con người đang tung hô và rót đầy niềm tin cho nó. Nó bất giác nhìn sang cô chủ nhiệm, để đón nhận một nụ cười.
Nó xuống lớp A23, để cảm ơn một người bạn đã giúp nó đứng dậy, để xin lỗi người bạn đã cho nó một cái tát khi nó sai lầm. Một người đã giúp nó hiểu ra tình bạn là gì.

Nó bay qua sân trường với tâm trạng hồi hộp. Nó không biết cô bé sẽ nghĩ gì nếu nó đã trở lại làm lớp trưởng. Một nụ cười? Không chắc. Cô bé có lẽ sẽ không bất ngờ, bởi cô bé biết nó sẽ vươn lên, nó sẽ thành công.

Nó dừng lại ở cửa lớp, định sẽ hỏi thăm. Nó không dám vào tận nơi để nói chuyện. Tim nó đập nhanh hơn, và run hơn.

Xin lỗi bạn – Nó rụt rè hỏi một bạn nữ vừa vào. – Bạn vui lòng cho hỏi bạn Mai Lan Anh, lớp trưởng…

Nó chưa nói hết câu thì cô bạn kia đã vội dừng lại, và nhìn nó khó hiểu.

Bạn là gì của Lan Anh?

Tớ là… - Nó ấp úng - … bạn của bạn ấy.

Bạn của Lan Anh à? – Cô bạn kia ngạc nhiên – Thế mà bạn không biết gì à?

Biết gì? – Nó cũng ngạc nhiên.

Cô bạn lại nhìn nó một cách khó hiểu.

Lan Anh về quê rồi, bạn không biết thật à?

Về quê? – Nó sửng sốt. – Thế bao giờ bạn ấy lên?

Bạn ấy không lên nữa – Cô bạn nhún vai – Bạn ấy phải bỏ học để về quê rồi. Tội lắm! Bác của bạn ấy ốm nặng, hai bác cho không đủ tiền nhà nên phải về quê ở. Bạn ấy phải bỏ học.

Sao lại thế được? Bạn ấy làm thêm ở quán Game World mà?

Đúng, bạn ấy còn làm thêm ở một quán nữa cơ, nhưng vẫn không đủ tiền. Bác của Lan Anh bị ung thư gan, tiền thuốc hình như đã hơn triệu rồi. Bạn ấy đi làm thêm chỉ đủ tiền cho bạn ấy học thêm.

Nó choáng váng. Cô bạn kia quay mặt nhìn xuống đất:

Lan Anh đã định xin nghỉ từ mấy tháng trước, nhưng cố làm hết tháng để nhận công…

Cô bạn kia im lặng. Nó cũng im lặng. Nó tái người. Và cảm thấy mặt mày tối sầm lại. Môi nó run run:

Thế bạn ấy về bao giờ?

Mới sáng hôm qua thôi. Lan Anh không nói cho bạn biết à?

Không.

Cổ họng nó nghẹn lại. Nó dường như không thở được. Và thật khó khăn cho nó để thốt ra một câu hỏi:

Bạn có biết địa chỉ của bạn ấy không?

Tớ không biết… Tớ chỉ biết địa chỉ nhà trên này thôi, còn địa chỉ ở quê thì bạn ấy không nói…

Nó không biết hỏi gì thêm. Tay nó tê cứng lại, và chân nó bủn rủn. Nó nhìn vào chỗ ngồi của cô bé qua cửa sổ bằng cặp mắt vô hồn. Nó quay mặt bước đi, bỏ mặc cô bạn kia nhìn theo ngạc nhiên.

Nó không thể hiểu tại sao trên đời này lại có những hoàn cảnh éo le như vậy. Người bạn ấy lần lượt mất dần những người thân, giờ lại phải một mình chống chọi với số phận. Không biết rồi đây bạn ấy sẽ sống ra sao.

Dù thế nào đi nữa, ở nơi xa kia, nó vẫn mong người bạn nó luôn ngẩng cao đầu…



END

bachlang
06-06-2008, 08:26 AM
hay wa. truyen nau co nhieu tinh tiet thu vi nhi