Ðăng Nhập

Xem đầy đủ chức năng : Tuyển tập truyện ngắn 6



!!*Sun Bill*!!
25-05-2008, 08:39 AM
Cậu bé chờ thư - Louise Baker

Hồi đó tôi làm giáo sư một trường trung học con trai. Một học sinh tên là Bob, trái hẳn với các bạn, không bao giờ nhận được một bức thư nào cả. Vậy mà buổi chiều nào em cũng mau chân nhất, chạy lại chỗ đặt các hộc riêng chăm chú ngó vào hộc của em cho tới khi thư phát hết rồi mới quay ra.
Không phải là gia đình em quên em đâu. Tiền ăn ở trong trường, tiền tiêu vặt của em vẫn gởi tới đều đều đúng hạn. Tháng sáu, ông Hiệu trưởng nhận được thư xin cho em đi nghỉ ở một trại hè. Thì ra viên thư ký của thân phụ em lãnh nhiệm vụ lo cho em tất cả những chi tiết dó.
Nhưng song thân em không ai viết cho em một bức thư nào cả. Khi em kể lể với tôi rằng ba má em đã ly thân nhau, tôi mới hiểu tất cả nguyên do. Và tội nghiệp em, em vẫn tiếp tục trông thư một cách tuyệt vọng. Tôi thường đem tình cảm sầu thảm của em ra nói với một ông bạn đồng nghiệp, ông Joe Hargrove. ông ấy bảo:
- Nếu em đó ít lâu nữa mà không nhận được bức thư nào cả thì đáng ngại cho em lắm, có thể tai hại.
Thế rồi một bạn học thân nhất của em, tên là Laurent nảy ra một sáng kiến. Laurent ở trong một gia đình hòa thuận, có hạnh phúc, tuần nào cũng nhận được nhiều bức thư của cha mẹ, cả của anh chị em nữa. Một hôm Bob rầu rĩ ngó xấp thư Laurent cấm trong tay. Laurent thấy vậy, bảo ngay:
- Bob, vô trong phòng tôi di, tôi đọc thư của má cho Bob nghe.
Một lát sau tôi thấy hai em ngồi sát nhau cùng bàn tán về bức thư đó. Chiều hôm sau tôi nhận thấy khi phát thư, Bob chẳng những ngó hộc của em mà còn ngó hộc của Laurent nữa. Bob hỏi bạn:
- Lại có thư của má anh nữa hả?
- Không, hôm nay là thư của chị tôi.
Rồi Bob hỏi một bạn khác:
- Anh có thư của má anh không?
- Có !
- Anh cho tôi đọc chung với nhé?
- Ừ! Để tôi đọc lớn tiếng lên nhé!
Từ hôm đó, Bob tha hồ đọc thư của bạn. Khắp tứ phía nhao nhao lên:
- Ê, Bob, hôm nay muốn đọc thư của má không?
Tụi con trai đôi khi có vẻ tàn nhẫn, không giữ ý gì cả, nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy một em nào thốt một lời mỉa mai bóng gió hay chế giễu gì em Bob cả. Một hôm tôi kinh ngạc nghe em Bob tự do hỏi ngay Laurent:
- Hôm nay chúng mình có thư không?
Như vậy có dễ thương không chứ! Nên thưởng cho các em nhiều kẹo, nhiều bi mới phải ! Laurent mỉm cười đáp liền, không hề do dự:
- Có, hôm nay chúng mình có một bức.
Chuyện đó làm cho ông Joe Hargrove quyết tâm hành động. Tôi thì tôi cho má em Bob là hạng người ra sao rồi. Nhưng ông Joe đã gặp bà ta nhiều lần, định làm liều xem sao. Một hôm ông ta lại kiếm tôi, tay cầm sáu bức thư đánh máy và sáu bao thư đề địa chỉ của Bob, dán cò sẵn sàng. ông ta bảo:
- Coi này, tôi gởi cho bà Lennoux đây. Bà ta chỉ cần ký tên: "Má của con" rồi mỗi tuần bỏ một bức vào thùng thư.
Tôi đọc những bức thư đó. Viết được lắm, ít bữa sau, Bob cũng lại ngong ngóng đợi ở chỗ đặt các hộc riêng, nhưng chú hết ý vào cái hộc của Laurent. Bỗng học sinh lãnh việc phát thư, la lên:
- Ê, Bob, mày có thư này ! Có thư này!
Bob nhẹ nhàng đưa hai tay lên, cử chỉ y hệt một thiên thần đương cầu nguyện, để đỡ lấy bức thư. Em nói, như thể vẫn chưa tin:
- Ờ có tên tôi ngoài bao thư nè!
Rồi em la lên:
- A ! Tôi cũng có thư! Tôi cũng có thư! Anh em ơi, có ai muốn đọc thư của tôi không?
Những đứa khác cũng vui mừng, đồng thanh la lớn:
- Có ! Có ! Bob, đọc thư của bồ lên, đọc lên?
Cuộc phát thư tức thì tạm ngưng lại. Chúng đun Bob lên cho đứng trên một cái bàn rồi cả bọn vây chung quanh. Bob ngập ngừng đọc:
- Con cưng của má !
Rồi ngẩng lên nói:
- Tôi không đọc nhanh được !
Laurent bảo:
- Không sao, Bob! Cứ đọc chầm chậm, càng tốt. Đọc chậm mới hiểu rõ từng chữ chớ.
Và Bob chậm chạp đọc bức thư đó, lời lẽ âu yếm như bức thư của bất kỳ bà mẹ nào gởi cho con.
Tháng sáu, buổi phát phần thưởng, tôi thấy má em Bob lại dự. Tôi không ngạc nhiên về điều đó vì, sau khi gởi hết mấy bức thư ông Joe viết sẵn cho rồi, bà ta đích thân viết cho con, quả là một phép màu ! Bob đã cho tôi coi bức thư bà báo trước sẽ tới dự buổi lễ. Phát phần thưởng xong, bà ta kéo tôi ra một chỗ, hỏi tôi:
- Bà thấy thư tôi viết cho cháu được không?
- Được lắm!
Bà ta nói tiếp giọng hơi ngập ngừng:
- Tôi nhờ bà nói về tôi cho cháu Bob nghe...
- Vợ chồng tôi đã hòa thuận với nhau hơn trước, và chúng tôi tính với nhau nghỉ hè này cho cháu về nhà, và... chúng tôi sẽ tìm cách hiểu cháu hơn.
- Xin bà yên tâm, tôi sẽ hết sức giúp bà.
Tôi có cần gì nói thêm rằng không có công việc nào làm cho tôi vui bằng công việc đó không?

!!*Sun Bill*!!
25-05-2008, 08:41 AM
Khi bé Ami Hagadom vòng qua góc phòng họp bên cạnh lớp học, cô bé ko để ý nên va phải 1 cậu bé học lớp 5 đi ngược lại.
Cậu này hét vào mặt cô bé : "Đi đứng thế hả, đồ dị hợm", sau đó với ánh mắt giễu cợt, cậu ta nhấc chân phải lên và bắt chước dáng đi cà nhắc của Amy.
Bị xúc phạm, nhưng cố hết sức, Amy tự nhủ "kệ xác hắn" và lầm lũi bước về lớp học. Thế nhưng khi đi học về, Amy cứ nghĩ mãi về hành động của đứa bé kia, và cậu ta ko phải là đứa duy nhất. Kể từ lúc học lớp 3, Amy đã phải chịu đựng những lời giễu cợt của các bạn về cách phát âm và cái chân cà nhắc của mình. Amy cảm thấy tủi thân, trong phòng học đầy bạn bè, nhưng cô bé lúc nào cũng thấy mình đơn độc.
Bữa ăn tối hôm đó, Amy chẳng nói 1 lời nào. Mẹ cô bé đoán ngay là đã có gì ko hay xảy ra. Để giúp bé vui hơn, bà thông báo : "Amy này, có 1 cuộc thi về điều ước Đêm Giáng sinh. Hãy viết thư cho ông già Noel và con có cơ hội đạt giải thưởng. Mẹ nghĩ cô bé tóc vàng đang ngồi trên bàn ăn có thể tham gia đấy."
Amy cười khúc khích, cuộc thi có vẻ thú vị. Amy bắt đầu miên man suy nghĩ về điều ước của mình.
Chợt cô bé mỉm cười, biết mình phải ước gì. Lấy giấy và bút chì, cô bé bắt đầu viết về điều ước của mình bằng câu "Kính gửi ông già Noel".
Cả nhà bắt đầu đoán già đoán non Amy sẽ ước gì, chị Amy - Jamine và mẹ cô đoán Amy sẽ ước con búp bê có 3 chân, bố Amy lại đoán là 1 cuốn sách hình. Còn Amy thì vẫn giữ bí mật. Đây là bức thư Amy gửi ông già Noel.
"Kính gửi ông già Noel,
Cháu tên là Amy. Năm nay cháu 9 tuổi. Cháu có chuyện khó xử ở trường. Ông có thể giúp cháu ko ? Các bạn luôn chế giễu cách cháu phát âm và cái chân cà nhắc của cháu. Cháu bị bệnh liệt não. Cháu chỉ ước 1 ngày ko bị cười nhạo...
Thương yêu ông
Cháu Amy"
Hôm ấy tại đài phát thanh WJTL ở Fort Wayne, bang Indiana, rất nhiều thư từ khắp nơi đổ về tham gia cuộc thi "Điều ước đêm Giáng sinh. Nhân viên đài đôi khi phải bật cười vì những món quà khác nhau mà các cô bé, cậu bé mong ước.
Đến lá thư của Amy, giám đốc Lee Tobin đọc đi đọc lại mãi. Ông biết liệt não là 1 căn bệnh rối loạn cơ, mà bạn bè của Amy chắc chẳng thể nào hiểu được. Ông cho rằng, cần phải cho mọi người ở Fort Wayne nghe về câu chuyện đặc biệt của cô bé học lớp 3 và điều ước khác thường của cô. Ông nhấc máy gọi 1 tờ báo địa phương đến.
Ngày hơm sau, hình Amy và lá thư cô bé gửi ông già Noel xuất hiện trên trang nhất của tờ News Sentinel. Câu chuyện nhanh chóng lan nhanh. Trên cả nước, báo chí, đài phát thanh và truyền hình đều tường thuật về câu chuyện của cô bé ở Fort Wayne, Indiana, cô bé chỉ mong 1 món quà đơn giản nhưng đầy ý nghĩa của đêm Giáng Sinh - 1 ngày ko bị cười nhạo.
Hôm ấy như thường lệ bưu tá lại đến nhà Hagadorn. Rất nhiều thư được gửi cho Amy, cả trẻ em và người lớn trên khắp nước Mỹ. Đó là nhưng thiệp mừng hoặc những lời động viên khích lệ.
Suốt mùa Giáng sinh, hơn 2 ngàn người trên khắp thế giới đã gửi đến cho Amy những lá thư thân ái và động viên. Cả nhà Amy đọc từng lá thư một. Một số viết rằng họ cũng bị tật và bị chế giễu khi còn nhỏ. Mỗi lá thư là 1 lời nhắn gửi đặc biệt. Thông qua những lá thư và thiệp của mọi người, Amy phát hiện ra 1 thế giới toàn những bạn bè thực sự quan tâm và lo lắng cho nhau. Cô bé nhận ra rằng, ko còn bất cứ lời chế giễu nào có thể làm cho cô cảm thấy bị bỏ rơi.
Nhiều người đã cảm ơn Amy đã dám mạnh dạn bày tỏ mong ước của mình. Những người khác động viên Amy bỏ ngoài tai những lời chế nhạo và phả luôn luôn ngẩng cao đầu. Lynn - 1 cô bé học lớp 6 ở Texas, đã gửi cho Amy : "Mình muốn làm bạn của cậu và nếu cậu muốn thăm mình, chúng ta có thể chơi đùa với nhau. Ko ai có thể cười cợt chúng ta, và dù họ có làm như thế, chúng mình cũng chẳng thèm nghe."
Amy đã có 1 điều ước thật đặc biệt ko bị giễu cợt ở trường tiểu học South Wayne. Hơn thế, tất cả mọi người ở trường được thêm 1 bài học. Cả thầy và trò cùng nói chuyện với nhau về việc chế nhạo đã làm cho người khác cảm thấy bị tổn thương như thế nào.
Năm đó, thị trưởng Fort Wayne chính thức tuyên bố ngày 21/12 là ngày Amy Jo Hagadorn trên khắp thành phố. Thị trưởng giải thích rằng, bằng cách dám đưa ra 1 điều ước đơn giản như thế, Amy đã dạy cho mọi người 1 bài học.
Thị trưởng phát biểu rằng "Mọi người đều mong muốn và xứng đáng được người khác đối xử tôn trọng, thân ái và quý mến".

!!*Sun Bill*!!
25-05-2008, 08:42 AM
Xôpi trăn trở trên chiếc ghế trong quảng trường Mađixơn. Khi ban đêm ngỗng trời kêu to, khi những người phụ nữ không có áo da hải cẩu trở nên dịu dàng với chồng, và khi Xôpi trăn trở trên chiếc ghế của y trong quảng trường, thì ta có thể tin rằng mùa đông đang tới.
Một chiếc lá vàng rơi vào lòng Xôpi. Đó là tấm danh thiếp của nàng Sương muối. Nàng Sương muối rất tử tế với những kiều dân trú ngụ thường xuyên trong quảng trường Mađixơn và dịu dàng báo cho họ biết cuộc viếng thăm hàng năm của mình. Tại các ngã tư đường phố, nàng trao tấm thiếp của nàng cho chàng Gió Bấc, người hầu ở toà lâu đài Ngoài Trời, để báo cho những cư dân sống trong toà lâu đài đó chuẩn bị sẵn sàng.
Xôpi nhận thức được rằng đã đến lúc tự mình phải tham gia vào một uỷ ban kì quặc, uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách, để chống lại những điều khắc nghiệt sắp xảy ra. Vì thế, y trăn trở trên chiếc ghế của y.
Tham vọng nghỉ ngơi mùa đông của Xôpi không lớn lắm. Y không tính đi du lịch ở Địa Trung Hải và cũng chẳng hề mơ tới những bầu trời miền Nam êm ái ru ta ngủ hoặc dược rập rình trôi trên vịnh Vêduyvian (1). Ba tháng ở đảo Bléc-oen là niềm mơ ước khát khao trong lòng y. Ba tháng ở đảo Bléc-oen sẽ được đảm bảo chắc chắn về nơi ăn, chốn ở, có bạn bè dễ chịu, được yên ổn thoát khỏi chàng Gió Bấc, thoát khỏi những gã áo xanh (2). Ba tháng đó tựa như đối với Xôpi là niềm mong ước tha thiết nhất.
Đã bao năm nay, cái nhà tù trên đảo hiếu khách đó là nơi cư trú mùa đông của y. Mỗi mùa đông, cũng như những đồng bào Niu Yoóc may mắn hơn của Xôpi đi mua vé đến bãi biển Pam hoặc Riviera (3), thì y lại có những xếp đặt; tính toán giản đơn cho cuộc nghỉ ngơi mùa đông hàng năm của y ở đảo Bléc-oen. Và bây giờ, thời gian đó đã lại đến. Đêm trước, lúc nằm ngủ trên chiếc ghế cạnh vòi phun nước trong quảng trường cổ kính, với ba tờ báo chủ nhật chia ra lót dưới người, cuốn quanh mắt cá chân và phủ ngang bụng, y vẫn không chống nổi với khí trời lạnh lẽo. Cho nên, trong óc Xôpi, hòn đảo Bléc-oen hiện lên sừng sững và đúng lúc. Y rất khinh bỉ sự cứu tế được mệnh danh là lòng từ thiện đối với những kẻ được cấp đỡ ở trong thành phố này. Theo Xôpi, ngay Luật pháp cũng còn êm ái hơn Lòng từ thiện. Có vô số hội, ban, viện từ thiện mà y có thể đến xin được một chốn ở xuềnh xoàng, một miếng ăn đạm bạc. Nhưng đối với lòng kiêu hãnh của Xôpi, những của bố thí để lại một dư vị đắng cay. Mỗi ân huệ nhận được ở bàn tay từ thiện, nếu ta không trả được bằng tiền thì phải trả bằng lòng tự trọng. Như Xêda có Brutút, mỗi chiếc giường bố thí, mỗi miếng bánh mì đều phải trả bằng sự xoi mói cá nhân, riêng tư. Vì vậy, tốt hơn hết hãy là người khách của Luật pháp. Dù nằm dưới bàn tay luật lệ, người ta cũng chẳng bậy bạ xen vào việc riêng của một người có tư cách.
Đã quyết định phải tới đảo Bléc-oen, Xôpi tức khắc bắt tay thực hiện niềm khao khát. Có nhiều cách dễ dàng để làm việc này. Cách thú vị nhất là ăn một bữa thịnh soạn tại một khách sạn sang trọng nào đó, và sau khi tỏ rõ là không có tiền trả, tất sẽ được dẫn tới cảnh sát một cách êm ả, không ồn ào. Một viên quan toà thạo việc sẽ nhất định giải quyết nốt phần còn lại.
Xôpi rời chiếc ghế, ra khỏi quảng trường, đi lang thang, vượt qua ngã tư rải nhựa rộng mênh mông nằm giữa đại lộ Brốt-uê và đại lộ Năm (4). Y đi ngược lại đại lộ Brốt-uê, rồi dừng lại trước cửa một hiệu ăn rực rỡ ánh đèn, đó là nơi ban đêm tụ họp những của ngon vật lạ được chọn lọc kĩ càng nhất.
Trên con người Xôpi, y tự tin từ chiếc khuy áo thấp nhất trở lên. Y đã cạo râu, chiếc áo lịch sự, chiếc nơ đen kiểu thắt sẵn gọn gàng là của một bà truyền giáo cho y vào ngày lễ Tạ ơn (5). Nếu Xôpi tới được một cái bàn trong hiệu ăn, thoát khỏi những con mắt quan sát chặt chẽ, thì y chắc chắn sé thành công. Cái phần y phô bày ở phía trên mặt bàn sẽ không làm người hầu bàn nghi ngờ chút nào cả. Một con vịt trời quay, Xôpi nghĩ thầm, đúng là món thích hợp, một chai rượu Cheblít, rồi đến pho-mát Kerenbớt, một tách con cà phê và một điếu xì-gà. Một đôla xì-gà là đủ. Tổng số tiền sẽ không quá cao khiến nhà hàng phải có những biện pháp cực đoan, tuy thế bữa ăn phải làm sao cho no nê và thoải mái để bước vào cuộc hành trình tới chỗ ẩn náu mùa đông.
Nhưng khi Xôpi vừa bước qua cửa, cặp mắt của người đứng đầu nhóm hầu bàn chú ý ngay đến chiếc quần đã sờn và đôi giày cũ kĩ, mòn vẹt của y. Những bàn tay mạnh mẽ và sẵn sàng đã xoay người y lại, đẩy y, lặng lẽ và mau lẹ trở lại vỉa hè; như vậy, đã cứu dược con vịt giời bị đe doạ thoát khỏi cái số phận hẩm hiu.
Xôpi rời khỏi đại lộ Brốt-uê. Con đường dẫn tới hòn đảo Bléc-oen hấp dẫn bằng một bữa ăn tựa như không dành cho một tay sành ăn. Phải tìm cách khác để ngồi tù vậy.
Ở góc đại lộ Sáu, ánh đèn điện và các loại hàng hóa trưng bày khéo léo ở tủ kính một cửa hiệu trông thật là quyến rũ. Xôpi nhặt một hòn đá, đập mạnh vào mặt kính. Người ta chạy xô đến góc phố đó, một tên cảnh sát dẫn đầu. Xôpi đứng yên, hai tay đút túi, mỉm cười nhìn những chiếc khuy đồng lấp lánh. Tên cảnh sát nóng nảy hỏi:
- Đứa đập vỡ kính đâu?
- Ông không nghĩ là tôi cũng có thể dính dáng đến việc này chứ? – Xôpi hỏi lại, mỉa mai, nhưng thân mật như một kẻ chào đón vận may đã tới.
Trong ý nghĩ của tên cảnh sát, hắn từ chối việc tiếp nhận Xôpi, thậm chí chỉ là một đầu mối thôi. Kẻ đập vỡ kính không đứng lại để trò chuyện với người thừa hành pháp luật. Hắn phải trốn ngay chứ. Tên cảnh sát nhìn thấy một người ở giữa đường đang đuổi cho kịp chuyến xe. Hắn rút dùi cui, tham gia vào cuộc chạy đua. Đã hai lần không thành công, Xôpi ngập ngừng bỏ đi, trong lòng chán ngán.
Phía bên kia đường có một hiệu ăn vẻ không kiêu kì, thích hợp với những dạ dày to và những túi tiền nhỏ. Đĩa ăn quá dày, nhưng khăn giải bàn lại quá mỏng. Căn phòng đặc những người, nhưng xúp lại loãng. Đôi giày “tố cáo”, cái quần “phô bày” của Xôpi mang vào nơi này không bị phản đối Y ngồi vào một bàn, tiêu thụ bít-tết, bánh nướng, bánh phồng, bánh chả, rồi y tiết lộ cho người hầu bàn biết là y không hề có một xu dính túi. Xôpi nói:
- Bây giờ thì có việc đấy, đi gọi cảnh sát đi. Đừng để một người lịch sự phải chờ đợi.
- Với anh bạn thì chằng cần cảnh sát đâu, – người hầu bàn nói, giọng ngọt như mía lùi và ánh mắt tươi như rượu anh đào trong cốc cốc-tai (6) Manhatan. - Nào, Côn!
Hai người hầu bàn gọn gàng quăng Xôpi nằm nghiêng về phía bên trái trên cái vỉa hè vô tình. Y đứng dậy, duỗi hết khớp xương này đến khớp xương khác như người thợ mộc mở cái thước gấp, rồi y phủi quần áo. Việc bị bắt tựa hồ chỉ là một giấc mơ hoa. Hòn đảo như quá xa xôi. Một tên cảnh sát đứng trước cửa hiệu thuốc cách đấy hai nhà, cười và bước về phía cuối phố.

Đi qua năm dãy nhà thì Xôpi mới lấy lại được can đảm để ve vãn việc bị bắt. Y dại dột tự cho cơ hội lần này là “dễ ăn”. Một người phụ nữ trẻ, dáng diệu giản dị, có vẻ hài lòng đang đứng trước tủ kính, vui vẻ ngắm cảnh bày những cái cốc đựng xà phòng cạo râu và các bình đựng mực. Cách tủ kính hai thước là một tay cảnh sát to lớn; điệu bộ nghiêm khắc, đang tựa vào cái vòi nước.
Xôpi dự định sẽ đóng vai một “tay chơi” bỉ ổi, khả ố. Vẻ lịch sự, có giáo dục của nạn nhân của hắn, cùng với tay cảnh sát tận tâm đứng gần đã cổ vũ Xôpi tin rằng ngay lập tức móng vuốt êm dịu của chính quyền sẽ tóm lấy tay y và đảm bảo chắc chắn cho y chỗ cư trú mùa đông ở đúng hòn đảo nhỏ bé, hòn đảo nhỏ bé đến chật hẹp ấy.
Xôpi kéo cho thẳng chiếc nơ kiểu thắt sẵn của bà truyền giáo cho y, phanh cổ tay áo ra, kéo chiếc mũ nghiêng nghiêng ngang tàng, khép nép đi về phía người phụ nữ trẻ. Y liếc mắt đưa tình, đột nhiên đằng hắng, e hèm, cười làm duyên, rồi mặt dạn mày dày giở đủ mọi điệu bộ vô liêm sỉ, bỉ ổi của một “tay chơi”. Xôpi thấy tay cảnh sát đang nhìn mình chằm chằm. Người phụ nữ trẻ bước xa mấy bước, rồi lại chăm chú vào những cái cốc đựng xà phòng cạo râu. Xôpi bước theo, bạo dạn tiến sát gần, nâng mũ lên và nói:
- A, Bêđêliơ? Em có muốn đến giải trí trong sân nhà anh không?
Tay cảnh sát vẫn chăm chú quan sát. Người phụ nữ trẻ bị chòng ghẹo đó chỉ cần vẫy một ngón tay là Xôpi được thực sự lên đường (7) tới chỗ ẩn náu trên đảo. Xôpi đã tưởng tượng đến cái cảm giác ấm áp dễ chịu ở trong đồn cảnh sát. Người phụ nữ trẻ nhìn vào mặt Xôpi, đưa tay ra nắm lấy tay áo y.
- Có chứ, anh Maicơ ạ , – cô ta vui vẻ nói. – Em định bảo anh sớm hơn cơ, nhưng tay cảnh sát đang để ý đấy.
Cô ta bám lấy Xôpi như cây leo bám vào cây sồi, hai người đi qua chỗ tên cảnh sát. Số mệnh tựa hồ đã định cho y tự do.
Tới góc phố, Xôpi giãy khỏi cô bạn, chạy đi. Y dừng lại ở một khu mà về ban đêm đường phố sáng rực rỡ nhất và những trái tim, những lời thề nguyền và những tiếng đàn nhạc nhẹ tênh nhất trần đời. Đàn bà mặc áo lông thú, đàn ông mặc áo khoác ấm áp đang đi lại vui vẻ trong làn gió đông. Xôpi chợt sợ hãi cảm thấy như có một thứ thần chú ghê gớm khiến y không thể nào bị bắt. Ý nghĩ dó làm y khỉếp sợ, thấy một tên cảnh sát đang đường bệ đi lại trước một rạp hát sáng trưng, y chợt nghĩ tới “hành vi làm mất trật tự đường phố”. Y đứng trên vỉa hè, bắt đầu la hét rất to bằng cái giọng khàn khàn của y, lưỡi ríu lại như kẻ say rượu. Y nhảy nhót, hò hét, kêu gào, làm đủ mọi trò náo động trời đất.
Tên cảnh sát quay cái dùi cui, quay lưng về phía Xôpi và kể với một người dân:
- Đó là một gã thuộc đội Yây. Hắn reo mừng trận thắng, đã cho đội trường đại học Hátphớt xơi “trứng”. Có ầm ĩ đấy nhưng không hại gì. Chúng tôi đã được chỉ thị cứ để mặc họ.
Thất vọng, Xôpi liền ngừng những hành động gây huyên náo không có kết quả. Cảnh sát không bao giờ tóm y sao? Y thấy rằng hòn đảo tựa như một thiên đường không thể nào đạt tới được. Y cài khuy chiếc áo mỏng để chống lại gió lạnh.
Trong một hiệu bản xì-gà, y thấy một người ăn mặc lịch sự đang châm điếu thuốc, ánh lửa lập loè. Lúc bước vào hiệu, người đó để chiếc ô lụa ở cạnh cửa. Xôpi vào trong cửa hiệu, cầm chiếc ô, rồi chậm rãi bước ra. Người đang châm thuốc vội vã đuổi theo. Người đó nghiêm giọng nói:
- Chiếc ô của tôi.
- Ờ, thế à? – Xôpi cười khinh bỉ, thoá mạ việc ăn cắp vặt rồi cố ý thay đổi để dùng. – Tôi đã ăn cắp cái ô. Cái ô của anh! Tại sao anh không gọi cảnh sát? Có một người đứng ở góc phố đấy.
Chủ nhân cái ô bước chậm lại, Xôpi cũng bước chậm theo và cảm thấy vận may có lẽ một lần nữa lại không đến với y. Tên cảnh sát tò mò nhìn hai người.
- Tất nhiên, - chủ nhân cái ô nói, - đó là... ờ, ngài biết là có những sự nhầm lẫn… Tôi… Nếu đó là chiếc ô của ngài, tôi mong ngài tha lỗi... Tôi nhặt được trong một hiệu ăn vào sáng nay... Nếu ngài nhận ra đó là chiếc ô của ngài, tại sao… Tôi mong ngài sẽ…
- Tất nhiên đó là của tôi, – Xôpi tai ác nói.
Cái người không còn ô nữa rút lui. Tên cảnh sát vội vã đến giúp đỡ một phụ nữ tóc hung, dáng người cao, mặc chiếc áo biểu diễn nhạc kịch đang đứng ở phố bên kia chờ tàu điện cách hai dãy nhà đang tiến đến gần.
Xôpi đi về hướng đông, qua một đường phố bị đào tung lên để sửa chữa. Y ném chiếc ô vào một cái hố, nguyền rủa bọn mang dùi cui, đội mũ sắt. Bởi vì, y muốn rơi vào tay họ, thì họ coi y như một ông vua không thể nào lại làm những điều gì gọi là sai trái được.
Cuối cùng, Xôpi tới một đại lộ yên tĩnh ở phía đông, nơi mà ánh sáng lờ mờ, tiếng động yếu ớt. Y quay mặt về phía quảng trường Mađixơn, vì bản năng hướng về nhà vẫn tồn tại, ngay cả khi “nhà” chỉ là một chiếc ghế ngoài quảng trường.
Y đến một con đường cụt của một khu yên tĩnh lạ thường. Ở đây có một ngôi nhà thờ cổ kính, kì dị, đứng tách rời ra, hai bên có xây hồi. Ánh sáng êm dịu lọt qua một cửa kính màu tím, phía trong đúng là có một người đang chơi đàn ống, đang nhẹ nhàng lướt tay trên phím đàn để chuẩn bị biểu diễn cho thật chắc tay và chủ động bài thánh ca vào ngày lễ chủ nhật sắp tới. Tiếng nhạc êm ái vọng đến tai Xôpi làm y dán chặt người vào những thanh sắt uốn thành hoa ở hàng rào sắt.
Vầng trăng ở trên cao, trong sáng và êm ả; rất ít người và xe cộ qua lại; những con chim sẻ kêu chiêm chiếp buồn ngủ ở dưới mái hiên, trong một khoảnh khắc, nơi này có vẻ như một nghĩa địa miền quê. Bản thánh ca bay ra ngoài giữ chặt y lại bên hàng rào sắt . Y đã biết bản thánh ca này vào những ngày mà cuộc đời y còn bao gồm những thứ như tình mẹ và hoa hồng, tham vọng và bè bạn, những ý nghĩ trong sáng và những chiếc cổ áo sạch sẽ.
Trạng thái tâm hồn y hoà với ngôi nhà thờ cổ kính đã gây ra trong lòng y một sự thay đổi đột ngột và kì lạ. Y thoáng kinh sợ nhìn thấy cái vực thẳm mà y đã sa xuống, nhìn thấy những ngày nhục nhã, những ham muốn tầm thường, những niềm hi vọng đã chết, những năng lực tiêu tan, những động cơ thấp hèn đã tạo nên cuộc đời y.
Và cũng đúng lúc dó, cõi lòng Xôpi rung động đáp ứng với trạng thái tâm hồn mới lạ này, y quyết định phải đấu tranh mạnh mẽ, ngay tức khắc với số mệnh tuyệt vọng của y. Y sẽ vượt ra khỏi cảnh tối tăm, y sẽ trở lại con người cũ của y, y sẽ chiến thắng cái xấu đang chiếm lĩnh con người y. Hãy còn kịp, y vẫn còn tương đối trẻ. Y sẽ làm sống lại tham vọng sôi nổi ngày xưa và quyết tâm không rời bỏ tham vọng ấy nữa. Những nốt nhạc trang nghiêm và dịu dàng đã dấy lên trong lòng y một cuộc cách mạng. Ngày mai, y nhất định đi vào khu trung tâm thành phố lúc nào cũng ồn ào để tìm việc làm. Một người làm nghề nhập cảng lông thú có lần đã cho y một chân lái xe. Ngày mai, y sẽ tìm ông ta, xin làm việc đó. Y sẽ là một con người làm được một việc gì trên thế gian này. Y sẽ...
Xôpi cảm thấy có một bàn tay nắm lấy cánh tay y. Y quay phắt lại, nhìn thẳng vào khuôn mặt bè bè của một tên cảnh sát.
- Anh làm gì ở đây? – Tên cảnh sát hỏi.
- Không làm gì cả. – Xôpi đáp.
- Thế thì theo tôi! – Kẻ thừa hành pháp luật nói.

- Ba tháng tù ngồi ở đảo. – Viên quan toà trong phiên toà tiểu hình sáng hôm sau tuyên án./.

Chú thích:
(1) Vêduyvian: một vịnh đẹp ở nước Ý.
(2) Chỉ những tên cảnh sát.
(3) Riviera: miền bờ biển ở phía đông nam nước Pháp và tây bắc nước Ý.
(4) Đại lộ Năm: đại lộ sầm uất, sang trọng nhất ở Niu Yoóc. Khu trung tâm của thành phố Niu Yoóc là Manhatan có 12 đại lộ chạy dọc suốt bắc nam và 250 phố chạy từ đông sang tây. Tất cả những đường này đều gọi theo số, không có tên nào khác. Đặc biệt có một đại lộ lớn khác hẳn những đường phố khác, chạy chéo từ đông bắc qua tây nam, gọi là đại lộ Brốt-uê, dài vừa đúng 21 cây số
(5) Ngày lễ Tạ ơn: ngày lễ Tạ ơn Chúa vào ngày thứ năm trong tuần cuối cùng của tháng 11
(6) cốc-tai: loại rượu pha bằng nhiều thứ rượu khác nhau.
(7) Nguyên văn bằng tiếng Pháp: en route.

!!*Sun Bill*!!
25-05-2008, 08:44 AM
Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tai trường tiểu học của một thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa".
Chẳng những thế, cô thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những điều đọc được. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan... Em là nguồn vui cho người chung quanh". Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu". Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ". Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp". Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay. Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa". Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.
Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em". Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em". Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời". Rồi bốn năm sau nữa cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ". Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: "Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô được gặp em".

!!*Sun Bill*!!
25-05-2008, 08:45 AM
Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó.
Đó là tiền dề câu chuyện của chúng tôi. Qua truyện này, chúng ta sẽ rút ra được một kết luận từ tiền đề dó, đồng thời cũng chứng tỏ tiền đề đó không đúng. Đó là một điều mới mẻ về lô-gích và là một nghệ thuật kể chuyện có phần nào còn cổ hơn cả Vạn lý trường thành của Trung Quốc.

Giô Lerơbi ra đời ở vùng đồng bằng có nhiều cây sồi cổ thụ thuộc miền Mítđơn Oét, trong lòng rung động những xúc cảm hội họa. Hồi sáu tuổi, Giô vẽ một bức tranh về cái máy bơm của thành phố, có một công dân danh tiếng vội vã đi ngang qua. Sự nỗ lực này được đóng vào khung và treo ở tủ kính một hiệu thuốc, đứng bên cạnh bông lúa mì và một dãy số lẻ. Hai mươi tuổi, chàng rời quê hương lên Niu Yoóc, với một chiếc nơ thắt lỏng lẻo và một số tiền lưng buộc chặt hơn đôi chút.

Điliơ Cơradơ quê ở một làng miền Nam, trồng rất nhiều thông. Nàng lướt đôi tay trong sáu khoảng tám trên phím đàn dương cầm một cách đầy hứa hẹn đến nỗi họ hàng thân thuộc cố góp nhặt đủ những đồng tiền mỏng đặt trong cái mũ mỏng của nàng để cho nàng lên miền Bắc theo nốt việc học đàn. Họ sẽ chẳng thấy nàng theo nốt được việc học hành, nhưng đó lại là câu chuyện của chúng ta.

Giô và Điliơ gặp nhau trong một xưởng vẽ, một số sinh viên nghệ thuật và âm nhạc thường họp nhau ở đó để tranh luận về cách vẽ phối hợp màu sáng vả tối, về Vácne (1), âm nhạc, tác phẩm của Rembrăng (2), tranh vẽ và Uôntoiphơn, giấy trang trí tường, Sôpanh và chè hương Ô long.

Giô và Điliơ yêu nhau - hay là người nọ yêu người kia, tuỳ các bạn, - và chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã lấy nhau, vì, xin hãy xem ở đoạn trên, khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó.

Hai vợ chồng Lorơbi bắt đầu công việc tề gia nội trợ trong một gian gác. Đó là một gian riêng biệt, trông na ná như một nốt la giáng chúc cái đuôi xuống phím đàn dương cầm. Họ sống rất hạnh phúc, vì họ đều có Nghệ thuật của mình và người này có người kia ở bên. Tôi khuyên chàng thanh niên giàu có hãy đem bán tất cả những thứ gì mình có để lấy tiền cho người nghèo, hãy làm một người gác cổng để được hưởng đặc quyền sống trong một gian nhà cùng với Nghệ thuật và với Điliơ của mình.

Những người sống trong một gian nhà như vậy nhất định sẽ xác nhận lời quả quyết của tôi rằng hạnh phúc của họ là hạnh phúc duy nhất thật sự. Nếu một căn nhà hạnh phúc thì không bao giờ quá chật hẹp, hãy hạ cái tủ áo nằm xuống thành một bàn bi-a, hãy để bệ lò sưởi trở thành một xuồng máy, bàn viết thành một buồng ngủ dự phòng, chậu rửa mặt thành đàn dương cầm loại dây thẳng đứng; hãy để bốn bức tường hoà hợp với nhau để bạn và Điliơ của bạn sống ở giữa. Nhưng nếu một căn nhà thuộc loại khác thì nó cần phải rộng lớn, bạn bước vào ở Cồng Vàng (4), treo mũ tại Hetơrớt (5), treo áo choàng ở Onót (6) và ra khỏi nhà ở Labrađo (7).

Giô đang học vẽ ông Medixtơ danh tiếng, chắc bạn cũng biết tiếng ông ta. Học phí cao, bài học nhẹ nhàng, những cái đó cùng với những điểm sáng nhất trên bức tranh đã nhẹ nhàng đưa ông Medixtơ tới đỉnh cao danh tiếng. Điliơ theo học ông Rôdơnxtốc, chắc bạn từng biết ông ta nổi danh là một người gây được bão táp trên những phím đàn dương cầm như thế nào rồi.

Chừng nào tiền nong vẫn còn, họ rất hạnh phúc. Tất cả… đều là như vậy - nhưng tôi không phải là người thích chỉ trích đâu. Mục đích của họ rất rõ ràng, đã được xác định, Giô phái sớm sáng tác được những bức tranh mà những ông già lịch sự, có bộ ria mép mỏng dính và những quyển sổ tay dày cộp sẽ cùng nhau bao vây xưởng vẽ của chàng để giành được đặc quyền mua tranh. Điliơ sẽ phải luyện tập cho thật quen thuộc với nàng âm nhạc, rồi có thể coi thường nàng âm nhạc để khi nhìn thấy những chỗ ngồi gần dàn nhạc và những lô không bán được vé thì Điliơ sẽ kêu đau cổ họng, ăn tôm hùm trong buồng ăn riêng ở nhà và từ chối việc bước lên sân khấu.

Nhưng tốt nhất, theo tôi, là cuộc sống gia đình trong một gian nhà nhỏ: những cuộc trò chuyện linh hoạt, thắm thiết sau một ngày làm việc, những bữa ăn ấm cúng và những bữa điểm tâm ngon lành, nhẹ nhàng; các cao vọng kế tiếp nhau, cao vọng này xen lẫn vào cao vọng khác, sự giúp đỡ lẫn nhau và cảm hứng tương đồng, và, xin bỏ qua sự vô nghệ thuật của tôi, những cái bánh xăng-đuých kẹp đầy pho-mát trộn ô-liu vào lúc mười một giờ khuya.

Nhưng sau một thời gian ngắn, con tàu nghệ thuật đi chậm lại. Đôi khi xảy ra như vậy, ngay cả khi người bẻ ghi nào đó chưa vẫy cờ ra hiệu ngừng. Mọi thứ đều đội nón ra đi mà không có cái gì bước về nhà cả, như những người tầm thường thường nói. Họ thiếu tiền trả học phí cho ông Medixtơ và ông (8) Rôdơnxtốc. Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó. Vì thế, Điliơ bảo rằng nàng phải đi dạy nhạc để giữ được tiếng bát đĩa vẫn vang lên trong nhà.

Nàng ra phố hai ba ngày cố tìm chỗ dạy nhạc. Một buổi tối, nàng mừng rỡ về nhà.
“Anh Giô thân yêu ơi, - nàng vui vẻ lên tiếng, - em đã có một học sinh rồi. Trời, những người đáng yêu nhất đời! Con gái viên tướng… tướng A.B. Pinhcơni... ở phố Bảy mươi mốt (9). Một toà nhà tráng lệ vô cùng, anh Giô ạ... anh phải nhìn thấy cái cửa phía trước! Bidăngtin (10), em nghĩ rằng hẳn anh sẽ gọi như thế. Còn ở trong nhà nữa chứ! Trời, anh Giô ơi, em chưa từng bao giờ trông thấy một nơi nào như thế.

Cô học trò của em tên là Clemơntin. Em đã mê cô bé quá đi rồi. Cô bé thật mảnh dẻ..., bao giờ cũng mặc đồ trắng, cử chỉ rất mực dịu dàng, hết sức giản dị! Mới chỉ mười tám tuổi. Em sẽ dạy ba buổi một tuần. Anh thử đoán xem, anh Giô! Mỗi buổi năm đôla. Em không băn khoăn chút nào đâu, vì hễ có được hai ba em học trò nữa thì em lại tiếp tục học ông Rôdơnxtốc. Nào hãy xoá những nếp nhăn trên trán đi, anh thân yêu, chúng ta sẽ ăn một bữa thật tuyệt nhé”.

- Em Điliơ, với em, thế là ổn đấy, - Giô vừa nói vừa dùng con dao ăn và cái thìa tấn công vào hộp đỗ, - nhưng còn anh. Em nghĩ là anh bằng lòng cho em đi chen vai thích cánh để kiếm tiền, trong lúc anh vẫn vui chơi quanh quẩn trong những miền nghệ thuật cao quý ư? Không bao giờ em ạ, anh thề trên đống xương của Benvenutô Xêlini (11). Anh nghĩ rằng mình có thể đi bán báo hoặc làm công nhân rải đường dề kiếm lấy một hai đôla

Điliơ bước lại gần, đu vào cổ chồng:

- Anh Giô thân yêu, anh ngốc nghếch quá. Anh phải tiếp tục theo học. Không phải là em từ bỏ âm nhạc để đi làm việc khác đâu trong lúc dạy nhạc, em vẫn học. Em vẫn luôn luôn gần gũi âm nhạc của em. Với mười lăm đôla một tuần, chúng ta có thề sống sung sướng như những nhà triệu phú. Anh không được nghĩ đến việc bỏ học ông Medixtơ.

- Được rồi, nhưng anh không muốn em phải đi dạy học. Đó không phải là nghệ thuật. Làm như thế, em thật tốt quá.

- Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó.

- Ông Medixtơ đã khen ngợi cái nền trời trong bức phác họa anh vẽ ở công viên. Và ông Tincơn đã đồng ý cho anh treo hai bức tranh tại tủ kính bày hàng của ông ta. Có thể anh sẽ bán được một bức, nếu may ra có một tên ngu ngốc sẵn tiền nào đó nhìn thấy những bức tranh đó.

- Em tin anh nhất định bán được tranh, - Đíliơ dịu dàng nói. - Còn bây giờ thì chúng ta hãy cảm ơn viên tướng Pinhcơni và món thịt bê rán của ông ta.

Suốt cả tuần tiếp đó, hai vợ chồng Lerơbi đều ăn điểm tâm sớm. Giô đang say sưa vẽ ở công viên Trung ương (12) những bức kí hoạ rất cần đến ánh mặt trời buổi sáng. Điliơ nấu nướng cho Giô ăn no nê trước khi chàng đi, khen ngợi và hôn chàng vào lúc bảy giờ. Nghệ thuật là một bà chủ gia đình thu phục được lòng người. Chàng phần nhiều về nhà vào lúc bảy giờ tối.

Cuối tuần, Điliơ hân hoan thắng lợi tung ba tờ năm đôla lên giữa cái bàn kích thước 8 x 10 insơ trong căn phòng khách kích thước 8 x 10 bộ. Nàng nói, vẻ hơi mệt mỏi:

“Em mệt vì Clemơntin. Em sợ cô ta không tập luyện chuyên cần, dạy một đoạn nhạc, em phải bảo đi bảo lại nhiều lần. Cô ta bao giờ cũng mặc toàn đồ trắng, mặc như thế thì phải tẻ nhạt thôi. Nhưng tướng Pinhcơni là một ông già đáng quý nhất! Em muốn anh quen biết ông ta, anh Giô ạ. Thỉnh thoảng ông ta đến chỗ em và Clemơntin ở bên cạnh đàn pianô, - anh biết không, ông ấy góa vợ - và đứng ở đấy, tay vuốt chòm râu trắng xoá. Ông ta bao giờ cũng hỏi: “Những nốt móc đôi, móc ba tiến bộ đến đâu rồi?”

Anh Giô ạ, em muốn anh nhìn thấy lớp ván lót ngoài mặt tường trong căn phòng khách đó. Và những cái rèm cửa Atrakhan (13) nữa chứ! Clemơntin húng hắng ho, rất ngộ nghĩnh. Em mong cô ta được khoẻ hơn vẻ bề ngoài của cô ta.

Ồ, em đã thực sự quấn quýt cô ta rồi, cô ta rất dịu dàng, dòng dõi cao quý. Người anh của tướng Pinhcơni đã có lần làm đại sứ ở Bôlivia”.

Còn Giô, với dáng điệu của Môngtơ Crixtô, rút ra mấy tờ giấy bạc: một tờ mười đôla, một tờ năm, một tờ hai và một tờ một đôla, tất cả đều mới tinh. Chàng đặt bên cạnh món tiền của Điliơ, và báo tin:

- Bán được bức tranh màu nước vẽ cái đài kỉ niệm hình bút tháp cho một người ở thành phố Piơriơ rồi, em ạ!

- Anh đừng nói đùa với em, không phải ở Piơriơ.

- Đúng ở đấy mà. Anh ước gì em trông thấy ông ta, em Điliơ ạ. Một ông béo phệ, quàng một cái khăn len to tướng và có một cái tăm bằng lông nhím. Ông ta nhìn thấy bức tranh ở tủ kính của ông Tincơn. Thoạt tiên, ông ta tưởng là vẽ cái cối xay gió, nhưng dù sao ông ta cũng đã mua bức tranh. ông ta đặt một bức nữa... một bức tranh sơn dầu vẽ kho hàng Léccơuônnơ để mang theo về... Những giờ dạy nhạc! Ồ, anh nghĩ trong đó vẫn còn đôi chút Nghệ thuật.

Điliơ niềm nở nói:

- Em rất sung sướng thấy anh vẫn tiếp tục học. Anh nhất định thành công đấy, anh thân yêu ạ. Ba mươi ba đôla. Từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng ta có nhiều tiền như thế này. Tối nay, chúng ta sẽ ăn sò huyết.

Tối thứ bảy sau, Giô về nhà trước. Chàng trải mười tám đôla lên trên mặt bàn trong phòng khách, rồi đi rửa những vết bẩn, tựa như thuốc vẽ màu sẫm, bám đầy tay.

Nửa giờ sau, Điliơ về, bàn tay phải của nàng quấn trong bó băng và vải xô, chẳng ra hình thù gì cả.

Sau câu chào hỏi thường lệ, Giô hỏi :

- Sao lại thế này, em Điliơ?

Điliơ cười, nhưng không vui lắm. Nàng giải thích:

- Sau buổi học, Clemơntin cứ năn nỉ mời em ăn bánh mì nướng, rưới bơ nóng. Một cô gái kì khôi thế đấy! Bánh mì nướng, rưới bơ nóng vào lúc năm giờ chiều. Tướng Pinhcơni cũng có mặt. Giá anh thấy ông ta tíu tít lấy đĩa ăn hâm nóng, anh Giô ạ, cứ như trong nhà không có một người đầy tớ nào ấy. Em biết Clemơntin không được khoẻ lắm, cô ta rất hay xúc động. Lúc rưới bơ, cô bé đánh đổ rất nhiều nước bơ sôi lên bàn tay và cổ tay em. Rát ghê lắm, anh Giô ạ. Clemơntin rất hối hận! Còn tướng Pinhcơni!... Anh Giô ạ, ông ta cuống lên. Ông ta lao xuống cầu thang, - người ta nói là người đốt lò hay người nào đó trong tầng hầm ấy ra hiệu thuốc mua dầu và các thứ để băng tay cho em. Bây giờ thì không rát lắm dâu.

- Thế cái này là cái gì? - Giô hỏi, dịu dàng cầm bàn tay Điliơ và kéo mấy sợi vải màu trắng nằm dưới đám băng.

- Cái vải gì mềm mềm đã thấm dầu ấy mà. Ờ, anh Giô này, anh đã bán được bức tranh nữa đấy à? - Điliơ nhìn thấy món tiền trên bàn.

- Anh đã bán được ư? Chính cái ông ở thành phố Piơriơ. Hôm nay, ông ta lấy bức tranh vẽ kho hàng đã đặt trước ấy mà. Tuy không chắc chắn lắm, nhưng ông ta nghĩ là sẽ mua thêm một bức tranh vẽ cảnh công viên và một cảnh trên sông Hắtxơn (14). Chiều nay, em bị bỏng tay vào lúc mấy giờ, em Đili (15) nhỉ?

- Lúc năm giờ, - Điliơ ta thán - Cái bàn là... em định nói bơ nóng lấy ra khỏi lò vào khoảng giờ đó. Anh Giô ơi, anh nên gặp tướng Pinhcơni, khi...

- Em Đili, em hãy ngồi xuống đây một lát đã, - Giô nói, chàng dìu vợ ngồi xuống giường, rồi ngồi bên cạnh ôm lấy vai nàng, chàng hỏi: “Em đã làm gì trong hai tuần vừa rồi, em Đili?”
Nàng giữ được can đảm một lát, khoé mắt tràn đầy tình yêu và sự bướng bỉnh, nàng lẩm nhẩm một hai câu mơ hồ về tướng Pinhcơni. Nhưng rồi nàng cúi đầu, sự thật trào ra theo dòng nước mắt.

- Em không có một em học trò nào cả, - nàng thú nhận. - Thấy anh phải bỏ học, em không thể nào chịu được. Em nhận việc là sơ-mi trong xưởng là rất to ở phố Hai mươi bốn ấy. Em nghĩ rằng việc sáng tạo ra tướng Pinhcơni và cô bé Clemơntin lả rất khéo, có phải không anh Giô? Chiều nay, một cô gái trong xưởng lỡ đặt chiếc bàn là nóng lên tay em. Suốt trên đường về nhà, em sáng tác ra câu chuyện bánh mì nướng, rưới bơ nóng. Anh không giận em chứ, anh Giô? Nếu em không tìm được việc làm, anh đã không thể bán được tranh cho cái ông ở thành phố Piơriơ.

- Ông ta không ở Piơriơ đâu, - Giô chậm rãi đáp.

- Ờ, ông ta ở đâu đến cũng chẳng hề gì. Anh thông minh quá, anh Giô… và… anh hôn em đi, anh Giô… làm sao mà anh lại đoán ra là em không dạy nhạc cho cô bé Clemơntin?

- Phải đến tối nay anh mới đoán được. Từ trước, anh không đoán ra, ngay cả lúc chiều nay lúc từ phòng máy, anh gửi thứ vải vụn và dầu này lên cho một cô ở tầng trên bị bàn là làm bỏng tay. Hai tuần vừa rồi, anh đốt lò ở chính cái xưởng giặt là đó.

- Thế ra anh không...

- Cái ông ở thành phố Piơriơ đã mua tranh và tướng Pinhcơni đều là hai tác phầm của cùng một nghệ thuật... nhưng em không thể gọi đó là hội hoạ hoặc âm nhạc được đâu.

Giô và Điliơ cùng cười. Giô bắt đầu:

- Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là…

Nhưng Điliơ đặt tay lên môi Giô, ngăn chàng lại:

- Không. Chỉ cần: “Khi người ta yêu”./.


Dịch giả: Đắc Lê
Chú thích:
(1) Vácne (1813 - 1883): nhạc sĩ Đức.
(2) Rembrăng (1616 - 1669): hoạ sĩ Hà Lan danh tiếng.
(3) Sôpanh (1810 - 1849) : nhạc sĩ Ba Lan vĩ đại.
(4) Cổng Vàng: eo biển rộng hai dặm ở phía tây Caliphonia, nối vịnh Xan Phranxixcô với Thái Bình Dương.
(5) Hetơrớt: một hòn đảo ở phía bắc Carôlina nằm giữa eo biển Penlicơ và Thái Bình Dương.
(6) Onót: mũi đất ở phía nam Chilê, điểm cực nam của Nam Mỹ (vĩ tuyến 55o59 nam).
(7) Labrađo: bán đảo ở phía đông Canađa, nằm giữa vịnh Hắtxơn và Thái Bình Dương.
(8) Nguyên vãn bằng tiếng Đức: Merr.
(9) Phố Bảy mươi mốt: trong khu Manhattan.
(10) Bidăngtin: thành phố thời xưa, nổi tiếng về kiến trúc lộng lẫy, tráng lệ.
(11) Benvenutô Xêlini (1500 - 1571): nhà điêu khắc và nhà kim hoàn Ý nổi tiếng.
(12) Công viên Trung ương: công viên rất lớn ở giữa khu Manhattan, khu trung tâm của thành phố Niu Yoóc.
(13) Atrakhan: một thành phố ở Nga, nổi tiếng về các loại rèm cửa.
(14) Môngtơ Crixtô: nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Bá tước Môngtơ Crixtô của Alêchxăng Đuyma.
(15) Hắtxơn: dòng sông ở đông bắc nước Mỹ, chảy qua Niu Yoóc, đổ ra Đại Tây Dương, dài 500 km.
(16) Đili: tên gọi thân mật thay cho Điliơ

!!*Sun Bill*!!
25-05-2008, 08:47 AM
Đó là một cuộc chạy đua tại địa phương - cuộc đua mà chúng tôi đã phải tập luyện gian khổ để được tham dự. Vết thương mới nhất ở chân của tôi vẫn chưa kịp lành. Thật sự tôi đã phải tự đấu tranh xem tôi có nên tham gia cuộc đua không. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng đang chuẩn bị tham dự vòng chạy 3,200m.

"Chuẩn bị... sẵn sàng..." Tiếng súng lệnh vang lên và chúng tôi xuất phát. Những đứa con gái khác đều chạy trước tôi. Tôi nhận ra rằng tôi đang cà nhắc một cách đáng xấu hổ ở đằng sau mọi người và tôi càng ngày càng xa ở sau.

Người chạy đầu tiên đã về đích trước tôi đến hai vòng chạy. "Hoan hô!" Đám đông hét lớn. Đó là tiếng hoan hô lớn nhất mà tôi từng nghe ở một cuộc đua.

"Có lẽ mình nên bỏ cuộc," tôi thầm nghĩ khi tôi cà nhắc tiếp. "Những người kia không muốn chờ để mình chạy tới đích." Nhưng cuối cùng thì tôi cũng quyết định chạy tiếp. Hai vòng chạy cuối cùng tôi đã chạy trong đau đớn. Tôi quyết định không tham gia chạy vào năm tới. Thật không đáng, dù cho chân của tôi có khỏi hay không. Tôi cũng không thể thắng nổi cái cô bé đã thắng tôi đến hai lần.

Khi tới đích, tôi nghe tiếng hoan hô - cũng lớn như lần trước khi cô bé kia tới đích. "Có gì vậy?" Tôi tự hỏi. Tôi quay lại nhìn và thấy bọn con trai đang chuẩn bị vào vòng chạy. "Đúng rồi, họ đang hoan hô mấy đứa con trai."

Tôi đang chạy thẳng vào nhà tắm thì có một cô gái đâm sầm vào tôi. "Oa, bạn thiệt là có lòng dũng cảm!" cô gái đó nói với tôi.

Tôi nghĩ thầm "Lòng dũng cảm? Cô này chắc nhầm mình với ai rồi. Tôi thua mà!"
"Nếu tôi thì đã không thể chạy nổi hai dặm như bạn vừa làm. Tôi chắc sẽ bỏ cuộc ngay từ vòng đầu tiên. Chân bạn có sao không? Chúng tôi đã hoan hô cổ vũ bạn đó. Bạn có nghe không?"

Tôi không thể tin nổi. Một người lạ hoắc lại hoan hô tôi - không phải vì cô ấy muốn tôi thắng, mà vì cô ấy muốn tôi tiếp tục mà không bỏ cuộc. Tôi lại lấy lại được niềm hy vọng. Tôi quyết định sẽ tham gia kỳ thi đấu năm tới. Một cô gái đã lấy lại cho tôi ước mơ của mình.

Vào hôm đó tôi học được hai điều:

- Thứ nhất, một chút thân ái và tin tưởng vào người khác có thể làm thay đổi người đó rất nhiều.

- Thứ hai, sức mạnh và dũng khí không phải luôn được đo bằng những huy chương và những chiến thắng. Chúng được đo bằng những vật lộn mà chúng ta vượt qua được. Những người mạnh nhất không phải lúc nào cũng là những người thắng cuộc mà là những người không bỏ cuộc khi họ đã thua.

Tôi chỉ có một ước mơ vào ngày đó - có lẽ là khi cuối cấp - tôi có thể thắng cuộc đua này với tiếng hoan hô vang dội như khi tôi được hoan hô ngày hôm nay.