PDA

Xem đầy đủ chức năng : Góc riêng & Ngẫu nhiên - Phan Hồn Nhiên



noilongtamsu
13-03-2008, 06:59 PM
Góc riêng

Nó mắc chứng bệnh mê sách cũ. Buổi sáng nó dậy thật trễ và không kịp ăn sáng. Bà nó sẽ nhét tiền vào túi. Nó dành dụm chỗ tiền ấy đem cho ông bán sách. Ông ta lại cho nó những quyển sách cũ mèm nhưng hấp dẫn vô song. Chỉ tội nghiệp bà nó thường hay thở thanh: “Nhìn con Thiếu Anh kìa! Nó học nhiều quá nên quắt queo hệt như trái chuối khô”. Lỡ có một ngày nó hứng chí lên đòi đi mua ve chai sách báo tập vở cũ, bà nó sẽ nói sao đây?

Sau một tuần bụng rỗng đi học, chiều thứ bảy chờ mong lại đến. Nó cầm bảy bữa ăn sáng ra đổi lấy “Mối tình đầu” của Tuôcghêniev. Cơm nước xong xuôi, nó lau sạch đôi tay ướt sũng nước rửa chén vào vạt áo và săm soi cuốn sách mới mua. Một tờ giấy chậm xanh lơ của người chủ cũ để quên, bay ra từ những trang sách ố vàng. Dòng chữ “nhớ gọi cho em nhé - 26503” nhòe to có lẽ được viết đã lâu. Tất nhiên “em” là cô gái vô danh nào đó. Thế nhưng sự tự do cuối tuần đã xúi nó hóa thân thành “em” ngay lập tức. Nó đứng dậy và bắt đầu lượn lờ qua lại tấm gương gắn tủ thấp ngang tầm mình. Lượn lần đầu: Mình giống búp bê đấy chứ! Lượn lần thứ hai: Mình hơi bị nhỏ con! Và lượn lần thứ ba: Trời ơi, mình đeo kính nên xấu điên! Nó ôm “mối tình đầu” ngã đùng vào giường của mình.

Đọc xong truyện ngắn đầu tiên, nó muốn uống nước. Khi hết khát, ánh mắt nó dừng lại ở nơi cái điện thoại trắng của ông nội. Nó nhấc máy và bắt đầu quay số mà “Em” được nhắn. Chuông reo bốn hồi dài thì có người nhấc máy :

- A lô! Xin lỗi ai đấy? - Một giọng đàn ông còn trẻ điềm tĩnh cất lên.

- Em! - Tự dưng miệng nó khô đắng.

- Em là ai vậy? - Giọng nói đầy vẻ ngạc nhiên.

- Em là Anh! - Nó xưng tên.

- Ái dà, thật quá sức tưởng tượng! Tại sao em lại là tôi? - Tiếng nói vang lên lớn hơn.
Vốn nhát cáy, nó rất sợ ai to tiếng với mình. Môi nó rung lẩy bẩy :

- Em là Anh... Em có số điện thoại... Anh đừng hét to... Em xin lỗi...

- Nhà em mới lắp máy nên em nghịch à? Thôi nhá, khuya lắm rồi. Nếu muốn, ngày kia em có thể gọi lại.

Nó gác máy và phát hiện rằng mình bị chứng nhũn xương chân với loại tim. Nó kẹp tờ giấy xanh lơ vào “Lời nói đầu”. Tuy mắc nhiều bệnh nhưng nó ngủ rất ngon.
Nếu buổi tối có một niềm vui đang chờ bạn, bạn sẽ thấy câu thơ “Trăm năm thì ngắn, một ngày thì dài ghê” của Tản Đà rất đúng. Đợi lúc ông bà Nội sang chơi nhà các cụ tổ hưu như thường lệ, nó chạy ngay lại điện thoại. Giọng nói hôm nọ vọng đến từ đầu dây bên kia.

- A lô! “Em là tôi” đang cầm máy phải không?

- Không đâu, em là Thiều Anh - Nó lắng tai nghe ngóng rồi cười - Hì!

Anh cười lại :
- Hì!

Nó và anh đã quen nhau như vậy. Nó không thích nói dối, nhất là lại nói dối với bà. Tuy nó đã lớn tướng nhưng bà vẫn xem nó lả đứa con nít ranh. Thỉnh thoảng bà nó lấy cây lược sừng và bắt đầu chải tóc cho nó đến khi mái tóc cũn cỡn kiểu Nhật Bản được phẳng phiu và bóng nhẫy. Vừa chải bà vừa thủ thỉ rất buồn cười :

- Thiều Anh thương ai nhất?

- Ông bà nhất - Nó nhăn nhó vì bà giật chùm tóc rối.

- Ai nhì?

- Tủ sách cũ nhì. - Nó phồng má bởi đau quá.

Nhưng bây giờ mà bà đắt mấy câu hỏi như vậy, dám nó sẽ khai là nó thương cái điện thoại trắng lắm. Và lúc đó mọi sự hỏng bét. Nó tự chải đầu lấy.
Những tối không phải đi học sinh ngữ, nó thường đợi ông bà đi vắng rồi bám trụ cùng máy điện thoại ở góc nhà.

Anh tên gì nó không hỏi, anh ở đâu nó cũng chẳng hay dẫu biết rằng có thể dò tìm trong danh bạ. Từ ngày quen tiếng anh, nó khám phá rằng mình rất lắm điều. Chẳng hiểu anh tìm ở đâu nhiều kiên nhẫn đến thế để nghe nó hết kêu ca chuyện học hành đến phàn nàn về bạn bè. Dần dà qua đống chuyện nọ xọ chuyện kia hàng đêm, anh biết tính cách của từng bạn nó trong lớp rất rõ. Người ta hay viết nhật ký. Vời nó, anh là quyển nhật ký cò lời khuyên mà nó tin tưởng và quý báu hơn mọi thứ trên đời. Mấy cô bạn cũng bàn lấy làm ngạc nhiên khi thấy con bé buồn thảm như nó giờ hay ngồi cười một mình. Và họ cũng khen rằng mắt nó rất sáng.

Sau những ngày dốc hết sức cho đợt thi chuyển giai đoạn, nó ốm liệt một tuần. Bà nội hàng buổi ngồi bên giường chăm sóc trông nom. Nó chỉ biết nhìn cái điện thoại bằng đôi mắt nóng bừng cơn sốt. Tối hôm nó đỡ bện, ông bà khóa cửa đi họp nó run rẩy quay những vòng số rất quen.

- Em đấy ư? Em đi đâu vắng suốt một tuần vậy? Anh thì chẳng có số phone của em - Tiếng anh đượm mừng vui.

- Em bịnh nặng - Bất giác nó tủi thân mếu máo.

- Thôi đừng khóc nữa nào! Thế em thích thứ gì nhất trên đời này? - Anh hỏi giống hệt bà nó.

Chẳng thể bảo mình thương cái máy điện thoại, nó thút thít :

- Sách cũ với kẹo.

Anh bật cười hẹn nó ngày mai lên thư viện trường. Ở đấy nó sẽ nhận quà của anh qua một bác thủ thư. Như vậy nó và anh vẫn không biết mặt nhau như cả hai đã từng giao ước. Đúng hẹn nó tới trường. Anh gửi cho nó bộ “Quo Vadis” mà nó vẫn hằng ao ước cùng gói kẹo bi rõ to.
Một tuần ba đêm nó lại gọi đến cho anh. Nó ít nói hơn. Đôi lần, hai đầu dây im tiếng. Lòng nó biết dịu êm khi bâng quơ nhìn lá ngoài song và ngỡ đâu có người đang cùng mình im lặng. Cứ như vậy mà đã một mùa thu.
Đến lần kia nó muốn khoe anh quyển sách mới. Nó nhấc ống lên nghe. Anh nói trước :

- Thiều Anh này, em có thích ra phi trường tiễn anh không?

- Quo Vadis? - Nó hụt hẫng.

- Anh đi xa lắm bạn nhỏ à. Bên ấy ba má anh đang chờ. - Anh nói chậm như một tiếng thở dài.
Nó cụp mắt xuống vì sợ mười con số gắn trên điện thoại sẽ nhìn xoáy lòng mình. Nó nhẹ nhàng gác máy. Trong một năm dài có những ngày vui. Rất vui.


Ngẫu nhiên

Cánh cổng gỗ dầy bị mọt, lung lay như một cái răng cửa sắp rụng. Khi người ta đẩy mạnh, nó thường rít lên một cách rầu rĩ vờ vịt và kiên quyết không nhích thêm một chút nào nữa. Nếu ai để ý, hẳn sẽ thấy phía trong cửa có một con bé hay bám chặt mấy song gỗ vươn cổ ra nhìn, mắt nó sau đôi kính trắng óng ánh như mẩu than quặng. Ðôi khi, con bé bị nhốt ấy se sẽ thở dài. Và trong lúc tận hưởng nỗi u sầu đầy vẻ người lớn ấy, nó vẫn vểnh tai lo lắng đón tiếng gọi của ông nội có thể vang lên bất cứ lúc nào. Lúc đó, nó sẽ rơi bịch xuống sân, miệng hét váng: “Ông ơi, con sẽ thuộc bài ngay ấy mà!”.

Vào hạ, trời rực vàng và phượng vĩ bắt đầu lóe đỏ. Người ngoài phố rảo nhanh, để tuột lại sau lưng con bé học về đi bộ, thi thoảng ngửa mặt quanh quẩn tìm ve. Nó bước chậm hơn khi đến gần nhà, sựng lại vì suýt va vào người đang cặm cụi vẽ trước cái cổng mọt. Hắng giọng, nó oai vệ hỏi một câu vô nghĩa :

- Anh làm chi đó?
Dưới chiếc mũ tai bèo héo hon vì nắng, tiếng người van vỉ cất lên tựa như nghe câu hỏi ấy lần thứ một trăm :

- Tôi vẽ, cô nhỏ ơi. Bài tôi còn nhiều chỗ phải làm lắm.
Nó khom lưng tò mò ngó vào dưới chiếc mũ. Gương mặt trong đó ngẩng lên, buồn cười và hơi bực bội. Con bé tròn mắt đe dọa :

- Anh là ăn trộm chứ gì? Ăn trộm thì hay giấu mặt và vẽ sơ đồ nhà khác. Tôi biết ngay mà.
Ðẩy mạnh cửa, nó chui tọt vào trong sân, còn kịp nghe tiếng anh ta vọng lại :

- Thật quái gở, để rồi xem!

Buổi chiều làm xong bài vở, nó đứng giữa phòng phấn chấn hát to, cuối mỗi câu hát lại đệm nhịp nhàng “Ðể rồi xem! Ðể rồi xem!” Ông nó mở cửa nhìn sang, nhắc nhở: “Cơm Nguội, con thừa biết là ông đang dịch sách, phải không nào?” Nó ra sân, dụ dỗ con mèo nằm trên mái ngói bằng những tiếng kêu líu ríu, lào thào.
Bắt đầu mùa hè và những buổi rong chơi. Nó thức dậy sớm, nằm dài nheo mắt nặn ra các trò kỳ thú. Ông nó xem sổ báo điểm và nói :

- Ba tháng nghỉ là quá dài. Buổi chiều ông xin cho con đi học thêm. Sáng ở nhà đọc sách. Ðừng nghĩ đến chuyện lêu lổng đấy nhé!
Nó giẫm lên đốm sáng lọt giữa nhà, cụp mắt thất vọng.

- Ông ạ, chẳng có đứa nào 14 tuổi bị nhốt trong nhà đâu.

- Và cũng chẳng có đứa nào 14 tuổi tai quái như con đâu, Cơm Nguội à!

Ông nó dứt chuyện bằng tiếng thở dài. Nó thò tay cho đốm sáng nhảy lên ấm nóng.
Quanh quẩn trong nhà chán, nó ra sân buồn rầu gác cằm lên ổ khóa lạnh lùng, ghé mắt vào khe hở ngóng phố. Người có cái mũ cụp vành vẫn ngồi chỗ hôm qua vẽ tiếp bức tranh dang dở. Ðắn đo một lúc, nó lấy can đảm gọi khẽ :

- Anh vẽ ơi! Anh mở chốt ngoài cho em đi!
Anh ta thoáng giật mình nhìn con bé thò mũi qua khe cửa cầu cứu. Nhớ những lời chế nhạo của nó, anh ta cười châm chọc :

- Tên trộm đang vẽ sơ đồ, chưa đến lúc bẻ khóa đâu.
Nó sịt mũi, rơm rớm nước mắt :

- Ông bà đi họp, nhốt em ở trong nhà. Hè em cũng không được đi ra phố.
Mủi lòng trước những giọt nước đọng trong kính trắng, anh ta giao hẹn :

- Tôi mở chốt cho em chút xíu, rồi vô liền nghe.

Nó toét miệng cười khi khung cửa rít lên bực bội. Ðôi chân gầy nhỏ của nó như chân chim thoăn thoắt nhẩy ra.
Ngày hè đầu tiên của nó có anh họa sĩ. Với thói mê tín kiểu trẻ con, nó thường gọi vài sự kiện trong ngày đầu giai đoạn mới là “điềm” và ngồi suy đoán vẩn vơ những ngày sắp đến. Mùa hè của nó buồn hay vui, bây giờ nó vẫn không rõ. Nó chỉ dám nhớ đến bầu trời trong vắt muộn mưa ngày ấy, và nó vội quay đi.

Ngồi trên vỉa hè nóng ran, nó im thin thít như đã giao ước để xem anh ta vẽ. Xô nước nó mang cho anh rửa bút dần lẫn lộn đủ màu. Ðoạn phố quen nó đi mòn guốc vào tranh anh bỗng thành lạ lẫm. Phố dài là dải khăn xám mỏng manh buộc lại với nhau các bó hoàng diệp sắp bay lên trời thắp lửa. Chỉ những ngôi nhà mái thấp là lặng yên. Chúng vàng hơn, chẳng hiểu vì ánh hoa hay ánh nắng. Vẽ rất lâu, anh ta nghỉ tay rót nước từ bi đông vào nắp để con bé uống rồi tiện tay gấp luôn cho nó cái mũ giấy. Anh hỏi :

- Em tên là gì, cô nhỏ?

- Cơm Nguội - Nó nhăn mặt.

- Hi hi. - Anh ta không nhịn được cười.

- Hi - Nó cười theo, giải thích - Trước nhà cũ của em ngày xưa có cây cơm nguội. Không phải cơm nguội trong nồi đâu.

- Ngộ hén! - Anh cuộn lại bức tranh vừa khô - Em vào đi, trưa người nhà sắp về rồi đó.
Nó dè dặt: “Mai anh ra nữa không?” Anh gật đầu và cười khi nghe nó dụ khị: “Anh mở chốt cho em nữa nghe!”
ở trường chuyên có mở một lớp bồi dưỡng cho học sinh giỏi toán. Ông nội dắt nó đi thi tuyển, để rồi chiều chiều chở nó đến trường, thắc thỏm nhìn đồng hồ e nó dỗi nếu đón muộn. Những đồng tiền bà cho nó nhét vào ống dành dụm. Người trong nhà hỏi, nó tiết lộ: “Sau hè con mua máy tính...” Con bé thích môn toán hay các buổi sáng lẻn ra ngoài đi dọc phố với anh sinh viên hơn. Không ai biết. Chỉ thấy rằng tháng sáu đi học thêm về, nó cố làm xong bài tập để sáng mai được nghe những câu chuyện lạ lùng của kẻ ra phố vẽ tranh.

Người sinh viên mỹ thuật đến thành phố nhỏ này nhằm hoàn tất bộ bài tập cuối năm. Từng tận mắt nhìn và vẽ nhiều miền đất, thế nhưng cái thành phố đi chưa trọn ngày đã hết đã buộc chân anh hơn một tháng. Không gian trước những ngày sắp sạm đi vì mưa gần như hào phóng sắc màu. Mấy dãy phố hẹp đều đặn các ngôi nhà mái thấp, phượng vĩ và hoàng điệp đan nhanh với nhau, chẳng biết hoa nào của cây nào. Anh lang thang bao ngày, rồi cả buổi tối. Thảng khi khuya dừng lại trong thành phố vắng người, anh bỗng nôn nao, cảm nhận cái cảm giác không tên, cảm giác của những ngày xưa cũ bình yên, êm ả đến vô chừng. Mùi lá cây nhan nhát, những nốt nhạc uể oải gần tắt trên một cây đàn, ánh sáng nhợt nhạt hắt ra từ vòm cửa nhỏ... tất cả thấm đẫm vào không khí quanh anh, nhẹ bỗng, mông lung.

Những buổi đi phố làm bài với anh bao giờ cũng thú vị. Và có lẽ, buổi vẽ ấy thú vị hơn khi có Cơm Nguội quấn quít bên anh, lúc lặng yên, lúc ríu rít như con chim học nói. Bó gối nghe anh kể về các chuyến đi, mắt nó sau kính bỗng xa vắng, ngẩn ngơ. Trong giấc mơ ban ngày, nó thấy mình đang lang bạt kỳ hồ, cũng chôn chân trên cao nguyên, cũng gấp thuyền làm quà cho biển. Chân nó nhỏ bé, chưa từng đi xa.

Gió thổi tung mũ của con nhỏ ném ra phố. Nó chạy theo, mảnh mai tựa tia nắng xiên. Bất giác, anh chợt nhớ đến cái đêm lớp anh cắm lều trên núi gần bờ biển. Ðêm sâu dần, bọn côn trùng cũng lặng yên, ngẩng lên ngóng trời. Anh thót tim lúc nhận ra trên kia là cánh đồng sao. Cánh đồng ấy rắc xuống biển những hạt giống bé xíu, lung linh. Có phải Cơm Nguội là một trong những ngôi sao thông minh, trong vắt ấy không?
Nó nhặt lại được chiếc mũ đỏ đội lên đầu và bắt đầu những câu hỏi theo cách của mình :

- Anh này, anh là người tốt chứ?

- Tại sao em lại hỏi như vậy? - Anh sinh viên thoáng ngạc nhiên.
Nó xoè mấy ngón tay giải thích :

- Em không biết. Em đọc sách thấy có người rất tồi, thực ra, cuối cùng đó là người tốt. Ðôi khi như vậy.
Anh chậm rãi :

- Không thể hỏi thẳng một ai rằng bạn có tốt hay không? Ở lâu rồi biết, cô nhỏ ạ. Nếu ai hỏi em là cơm nóng hay cơm nguội, em có buồn cười không? Mai mốt lớn đi xa rồi em thấy.

- Nhà em sắp chuyển tới thành phố lớn rồi. - Nó hấp háy mắt, quên ngay câu chuyện dở dang.
Anh đặt vào tay con bé chân dung nó anh vừa mới vẽ xong :

- Mai tôi vẽ phố khác. Em ở nhà làm nhiều bài tập toán nghen. Nếu còn ở đây, thỉnh thoảng tôi ghé lại xem em có thò mũi ra cửa nữa không. Ðược chứ?

Nó gật đầu, ôm bức chân dung trước ngực chạy cho gió kêu bên tai như một chú ong.
Thành phố chuyển mùa, chuyển cả màu sắc. Lá bàng xanh là thế, nay ngấn vàng, những mái nhà rêu nâu phủ màu đồng xạm của lá khô rơi. Bài tập toán thầy giao về nhà nhiều lên, nó làm đến tối khuya, rồi cả buổi sáng. Chỉ nơi giấc ngủ muộn nó mới xỏ chân vào đôi dép quen rồi chu du theo ước vọng. Con đường nó đi trong mơ vẫn chỉ là lối ngập tràn bụi đỏ, biển mênh mông và trời lúc nào cũng trong veo. Sáng dậy làm bài, lắm khi vẩn vơ cộng những hoa quỳ hái được đêm qua.

Sắp chuyển nhà. Con bé rối rít lên giữa muôn lời nhắc nhở dọn dẹp của ông bà. Lúc ngơi tay, nó bám lên cánh cửa gỗ hom hem để mỏi mắt nhìn. Nhưng hình như nó thường ra muộn. Ngày đi, nó tần ngần viết lên cửa dòng phấn trắng: “Cơm Nguội chuyển nhà đến...” Xe đi nhanh trong nắng ra ga.
Con bé 15, rồi gần 16. Ở thành phố lớn, nó bận bịu giữa những lớp học chuyên. Chỉ có bức chân dung treo trên tường nhìn xuống bộn bề sách vở cảm thông với nó. Một tối lễ, nó leo lên tầng trên cùng của cao ốc giữa thành phố. Dưới kia mỗi ô cửa sổ đều sáng lên ngôi sao nhỏ. Bất chợt, nó bỗng nhớ một cánh đồng đầy những hạt giống biết tỏa sáng lung linh. Nó khóc, nước mắt đọng trong kính tựa hai vì sao mới.

Cuối năm anh sinh viên sẽ ra trường. Thỉnh thoảng, anh mở tập tranh cũ, nhìn những miền đất đã đi qua, nghi ngờ tự hỏi con bé có cái tên lạ lùng của mùa hè năm ấy là thật, hay chỉ là trò chơi của trí tưởng tượng.
Anh và nó đều không biết rằng cơn mưa đầu mùa hôm nó ra ga đã xóa đi dòng phấn trắng trên cửa.
Trong những câu chuyện ngày nào anh kể cho nó nghe, chưa bao giờ anh nhắc đến sự ngẫu nhiên.

yeuvan
15-03-2008, 09:52 PM
hay quá hà , truyện của phan hồn nhiên đúng là lưôn hồn nhiên như chính tên tác giả tuy nhiên có những cái gì đó vương chút bưồn nhỉ

mưa_buồn
15-03-2008, 11:50 PM
đúng là hồn nhiên thật....nhưng...xen lẫn một chút cảm giác gì đó.....khó tả...