Mộc
31-01-2008, 12:10 PM
* Mỗi tiếng rao là số phận một con người
...
Có tiếng rao như lời mẹ tôi,
như lời chị tôi.
mang quê hương trên đôi vai gầy
những trái ổi xẻ những trái me,
đậu phộng luộc, đòn gánh tre.
Ai mua? Ai không mua?
Tí ơi! có chua không?
Tèo ơi! có đắng không?
Có tiếng rao nghe sao lạc lõng... Tôi không biết có phải mình bị quá ám ảnh vì tiếng rao và những gánh hàng rong của bà, của mẹ thủa còn thơ hay không, nhưng đối với tôi "tiếng rao" không đơn thuần chỉ là tiếng mời gọi mà nó chứa đựng số phận con người, có tiếng rao tha thiết, có tiếng rao khắc khoải, có tiếng rao rộn ràng, cũng có tiếng rao nhẫn nhịn...
Tuổi thơ tôi lớn lên trong tiếng leng keng của bác Sáu bán cà rem, Ba tôi bảo cái thùng kem ấy có từ hồi ba của bác sáu, đến đời bác có vợ sinh con lại tiếp tục nghề gia truyền. Thanh kem mát lạnh ngọt ngào bác dành cho mấy anh em tôi lúc trưa hè nóng bức, chiếc xe đạp cũ kĩ chất trên mình nó cái thùng kem to đùng cũng già nua không kém, nhìn dáng bác nhỏ thó cố gồng mình chở cả thùng kem to, mà đúng hơn là chở cả một gia đình 4 miệng ăn trên đó mới hiểu tại sao bao người lưu luyến cái gánh hàng rong đến vậy...
Tôi nhớ năm 1994, năm tôi học lớp 7, vào một đêm mưa rất to, khi má tôi tắt đèn đi ngủ thì nghe tiếng rao văng vẳng trong đêm, thực sự không ai có thể tin được là vẫn còn có người bán hàng rong giờ đó nên má tôi vẫn nghĩ mình nghe nhầm. Nhưng tôi thì nghe rõ lắm, vì tiếng ra quá quen thuộc, dẫu lúc đó tiếng rao nhẹ hẩng và yếu ớt trong màn mưa dày đặc, nhưng tôi vẫn nghe tròn trịa tiếng rao: “Ai bánh ngọt bánh gói không”?
Có lẽ đây là tiếng rao ám ảnh tôi nhiều nhất, mãi tận bây giờ khi nghĩ về hàng rong tôi lại nghĩ ngay đến người đàn bà Quảng Trị ấy! Lúc ấy má và tôi đã chạy ra mở cửa, trong cơn mưa trút nước và con đường ngập ngụa nước, chúng tôi không thấy gì hơn ngoài tiếng rao ngắt quãng và tha thiết ấy... Má gọi cô bán bánh vào nhà, đó là một người đàn bà Quảng Trị vào Cam Ranh lập nghiệp. Chồng và con chị đang nằm viện, chị không thể không đi bán cho dù trời mưa hay nắng vì gánh hàng rong chính là thu nhập duy nhất của gia đình chị và cũng để giành giật sự sống cho người chồng! Tối hôm đó và qua ngày hôm sau nữa, gia đình tôi được ăn bánh gói trừ cơm. Có một điều lạ là : Nguyên thúng bánh gói lúc cô mở ra vẫn còn nóng ấm, dù chiếc áo mưa mỏng manh và đầu tóc cô thì sủng nước. Đó là những cái bánh gói ngon nhất mà tôi đã từng ăn cho đến giờ, có lẽ vì nó mang quá nhiều ẩn tình của người bán và cả người mua.
* Linh hồn của phố
Tôi xa quê lên thành phố lập nghiệp, những ngày đầu xa quê tôi nhớ nhà da diết... Lang thang qua từng con đường tấp nập của Sài Thành, tôi bắt gặp những hình ảnh thân quen tuổi ấu... Bà cụ già với gánh hàng rong nhỏ xíu nhưng cũng đủ làm oằn đôi vai gầy gộc. Gánh hàng rong ấy không đơn thuần là cóc ổi, me xoài,... mà gánh cả thời gian và ký ức mòn mỏi nuôi chồng nuôi con...
Mỗi sớm mai thức giấc, đánh thức tôi dậy không phải tiếng kêu cơ học của chiếc đồng hồ báo thức, mà thay vào đó là mùi bánh mì thơm ngào ngạt và tiếng rao rộn ràng cả góc phố: Bánh mỳ đây! Câu bé đen nhẻm, nhỏ thó so với tuổi, cậu nhanh nhẹn vừa bán vừa thối tiền chẳng chậm một giây rồi thoan thoắt mất hút vào con hẻm khác, để lại tiếng rao còn vương lại lanh lãnh tinh khôi...
Trên con đường bắt đầu một ngày mới, tôi lại gặp từng đoàn xe bán hàng bánh mì, hủ tiếu gõ, bắp luộc...trong giờ xuất phát, tiếng cười ắp hy vọng của những con người tha phương cầu thực nương tựa vào nhau giữa đất Sài Thành. Vất vả trong nắng mưa, trắng tay với bọn cướp bóc, lừa lọc, thấp thỏm chạy công an, ...
Và, biết đâu trong hành trình mưu sinh bằng sức lao động chân chính đó, có những người đã mãi mãi ra đi trong nỗi cô đơn giữa thành phố thừa người nhưng thiếu những tấm lòng cảm thông?
Vẻ đẹp của một thành phố do nhiều yếu tố tạo nên, nhưng trong tiềm thức của người dân nhiều thế hệ, hàng rong làm nên linh hồn của phố. Gánh hàng rong, gánh cả một đời nhọc nhằn vất vả nuôi con, là tương lai số phận của bao người. Thử hỏi có người dân Sài Thành nào chưa từng, hay chưa bao giờ ngồi uống cà phê cóc vỉa hè, chưa từng dừng lại mua vội mớ rau, gói bắp xào, ổ bánh mì, gói xôi? Hay sớm mai xuống phố bắt gặp từng chiếc xe chở hoa chạy trên đường, sẽ có đôi lần bạn chạy theo hình ảnh đầy lãng mạn đó!
...
Có tiếng rao nghe sao lạc lõng
giữa phố chiều lao xao.
Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao
khuất sau hàng phố cao cao.
...
Blog Việt
...
Có tiếng rao như lời mẹ tôi,
như lời chị tôi.
mang quê hương trên đôi vai gầy
những trái ổi xẻ những trái me,
đậu phộng luộc, đòn gánh tre.
Ai mua? Ai không mua?
Tí ơi! có chua không?
Tèo ơi! có đắng không?
Có tiếng rao nghe sao lạc lõng... Tôi không biết có phải mình bị quá ám ảnh vì tiếng rao và những gánh hàng rong của bà, của mẹ thủa còn thơ hay không, nhưng đối với tôi "tiếng rao" không đơn thuần chỉ là tiếng mời gọi mà nó chứa đựng số phận con người, có tiếng rao tha thiết, có tiếng rao khắc khoải, có tiếng rao rộn ràng, cũng có tiếng rao nhẫn nhịn...
Tuổi thơ tôi lớn lên trong tiếng leng keng của bác Sáu bán cà rem, Ba tôi bảo cái thùng kem ấy có từ hồi ba của bác sáu, đến đời bác có vợ sinh con lại tiếp tục nghề gia truyền. Thanh kem mát lạnh ngọt ngào bác dành cho mấy anh em tôi lúc trưa hè nóng bức, chiếc xe đạp cũ kĩ chất trên mình nó cái thùng kem to đùng cũng già nua không kém, nhìn dáng bác nhỏ thó cố gồng mình chở cả thùng kem to, mà đúng hơn là chở cả một gia đình 4 miệng ăn trên đó mới hiểu tại sao bao người lưu luyến cái gánh hàng rong đến vậy...
Tôi nhớ năm 1994, năm tôi học lớp 7, vào một đêm mưa rất to, khi má tôi tắt đèn đi ngủ thì nghe tiếng rao văng vẳng trong đêm, thực sự không ai có thể tin được là vẫn còn có người bán hàng rong giờ đó nên má tôi vẫn nghĩ mình nghe nhầm. Nhưng tôi thì nghe rõ lắm, vì tiếng ra quá quen thuộc, dẫu lúc đó tiếng rao nhẹ hẩng và yếu ớt trong màn mưa dày đặc, nhưng tôi vẫn nghe tròn trịa tiếng rao: “Ai bánh ngọt bánh gói không”?
Có lẽ đây là tiếng rao ám ảnh tôi nhiều nhất, mãi tận bây giờ khi nghĩ về hàng rong tôi lại nghĩ ngay đến người đàn bà Quảng Trị ấy! Lúc ấy má và tôi đã chạy ra mở cửa, trong cơn mưa trút nước và con đường ngập ngụa nước, chúng tôi không thấy gì hơn ngoài tiếng rao ngắt quãng và tha thiết ấy... Má gọi cô bán bánh vào nhà, đó là một người đàn bà Quảng Trị vào Cam Ranh lập nghiệp. Chồng và con chị đang nằm viện, chị không thể không đi bán cho dù trời mưa hay nắng vì gánh hàng rong chính là thu nhập duy nhất của gia đình chị và cũng để giành giật sự sống cho người chồng! Tối hôm đó và qua ngày hôm sau nữa, gia đình tôi được ăn bánh gói trừ cơm. Có một điều lạ là : Nguyên thúng bánh gói lúc cô mở ra vẫn còn nóng ấm, dù chiếc áo mưa mỏng manh và đầu tóc cô thì sủng nước. Đó là những cái bánh gói ngon nhất mà tôi đã từng ăn cho đến giờ, có lẽ vì nó mang quá nhiều ẩn tình của người bán và cả người mua.
* Linh hồn của phố
Tôi xa quê lên thành phố lập nghiệp, những ngày đầu xa quê tôi nhớ nhà da diết... Lang thang qua từng con đường tấp nập của Sài Thành, tôi bắt gặp những hình ảnh thân quen tuổi ấu... Bà cụ già với gánh hàng rong nhỏ xíu nhưng cũng đủ làm oằn đôi vai gầy gộc. Gánh hàng rong ấy không đơn thuần là cóc ổi, me xoài,... mà gánh cả thời gian và ký ức mòn mỏi nuôi chồng nuôi con...
Mỗi sớm mai thức giấc, đánh thức tôi dậy không phải tiếng kêu cơ học của chiếc đồng hồ báo thức, mà thay vào đó là mùi bánh mì thơm ngào ngạt và tiếng rao rộn ràng cả góc phố: Bánh mỳ đây! Câu bé đen nhẻm, nhỏ thó so với tuổi, cậu nhanh nhẹn vừa bán vừa thối tiền chẳng chậm một giây rồi thoan thoắt mất hút vào con hẻm khác, để lại tiếng rao còn vương lại lanh lãnh tinh khôi...
Trên con đường bắt đầu một ngày mới, tôi lại gặp từng đoàn xe bán hàng bánh mì, hủ tiếu gõ, bắp luộc...trong giờ xuất phát, tiếng cười ắp hy vọng của những con người tha phương cầu thực nương tựa vào nhau giữa đất Sài Thành. Vất vả trong nắng mưa, trắng tay với bọn cướp bóc, lừa lọc, thấp thỏm chạy công an, ...
Và, biết đâu trong hành trình mưu sinh bằng sức lao động chân chính đó, có những người đã mãi mãi ra đi trong nỗi cô đơn giữa thành phố thừa người nhưng thiếu những tấm lòng cảm thông?
Vẻ đẹp của một thành phố do nhiều yếu tố tạo nên, nhưng trong tiềm thức của người dân nhiều thế hệ, hàng rong làm nên linh hồn của phố. Gánh hàng rong, gánh cả một đời nhọc nhằn vất vả nuôi con, là tương lai số phận của bao người. Thử hỏi có người dân Sài Thành nào chưa từng, hay chưa bao giờ ngồi uống cà phê cóc vỉa hè, chưa từng dừng lại mua vội mớ rau, gói bắp xào, ổ bánh mì, gói xôi? Hay sớm mai xuống phố bắt gặp từng chiếc xe chở hoa chạy trên đường, sẽ có đôi lần bạn chạy theo hình ảnh đầy lãng mạn đó!
...
Có tiếng rao nghe sao lạc lõng
giữa phố chiều lao xao.
Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao
khuất sau hàng phố cao cao.
...
Blog Việt