blood_omen
29-01-2008, 08:58 PM
Tôi tình cờ gặp em trên phố. Em khác trước rất nhiều, suýt chút tôi không nhận ra em. Kéo em vô quán nước, em ấp úng khoe đang đi đăng kí thi hoa khôi của thành phố. Tôi ngỡ ngàng khi biết đến bây giờ em mới nhận ra mình xinh đẹp đến mức nào, còn tôi, đứa bên em bao nhiêu năm, biết điều đó hồi còn bé xíu.
Ngày đó, em chuyển về xóm tôi khi tôi mười tuổi, em lúc đó lên bảy, xinh, rất xinh. Nhà em chỉ có hai mẹ con. Nghe đâu ba em mất vì tai nạn. Song mọi người lại đồn đại rằng ba em bỏ hai mẹ con vì em là con rơi con rớt gì đó. Gần nhà tôi có một thằng nhóc hơn tôi hai tuổi. Sở dĩ gọi là nhóc vì tuy lớn tuổi hơn nhưng nó lại lùn hơn tôi nửa cái đầu. Mặc kệ, tôi thích nó như thường. Khổ một nỗi nó lại không thích chơi với tôi mấy. Vậy mà từ ngày em chuyển về, thằng nhóc siêng qua nhà tôi chơi hẳn. Còn lân la dụ tôi rủ em qua chơi. Tôi cũng khôn chán, để thằng nhóc chịu qua nhà, tôi cũng đồng ý rủ em, nhưng để em ngồi đó, tôi thản nhiên chơi với một mình thằng nhóc. Một bữa nọ, tự dưng thằng nhóc không qua, dòm sang nhà em, tôi thấy nhà khóa cửa. Tôi tức tốc chạy sang nhà nó, từ ngoài cửa đã nghe tiếng khóc của em. Tôi xộc thẳng vô trong. Em ngồi đó giữa nhà, mặt méo xẹo. Thằng nhóc đang cố sức cởi nút áo em. Thấy tôi, nó trố mắt sợ hãi. Tôi lao tới, xô thằng nhóc vô tường, miệng la lên: “Thằng mất dạy!”. Không hiểu sao hồi đó, tuy chưa ý thức một cách rõ ràng, song tôi đã qui kết, đứa nào làm em khóc là mất dạy tuốt. Nói đoạn kéo em về nhà, vừa chạy vừa la bài hãi: “Mai mốt đừng thèm chơi với nó, có gì chạy qua tao nè, nhớ không!”. Em chơi với tôi từ ngày đó.
Lên cấp một, rồi cấp hai, tôi học trường nào là em bắt chước vô trường đó. Tôi với em như hình với bóng. Em cứ học làng nhàng nhưng trong lớp ai cũng biết em. Đơn giản vì em xinh, rất xinh.
Nét đẹp của em so ra cũng không phải là thứ nhan sắc quá mĩ miều thiên hạ không ai có, nhưng ở em luôn toát ra cái gì đó trầm buồn, bí ẩn, nét đẹp không nhạt nhẽo, tự dưng làm nên ở em sức thu hút kì lạ. Em vốn ít nói, bởi vậy người ngoài khó tiếp xúc được với em, đâm ra trông em kiêu sa lạ. Trong lớp tôi có một thằng bạn hâm mộ em như điếu đổ. Tính kế mãi không tiếp cận được em, nó xoay qua... dụ dỗ tôi, đương nhiên mục đích chính là hướng tới em. Thằng nhỏ kè kè theo tôi suốt ngày suốt đêm. Lúc đầu làm bộ nhờ tôi chỉ bài, tôi vốn thừa tốt bụng cũng nhiệt tình chỉ giáo cho nó. Được mấy hôm, nó viện cớ buổi trưa sợ tôi đói bụng, nó hỏi tôi địa chỉ nhà để buổi chiều tới. Tôi làm gì không biết dụng ý thằng nhỏ, muốn lân la quen tôi cốt rủ em như thằng nhóc ngày trước. Bữa đó, khi thằng bạn tôi mở lời, tôi tỉnh bơ: “Ờ, mày muốn tới thì tới, nhưng chiều nay nhỏ Ly không có ở nhà đâu”. Chiều đó, thằng bạn tôi biệt tăm. Sáng ra, mặc cho nó lúng túng giải thích, tôi dẹp luôn trò chỉ bài hộ. Hôm sau, tôi bỏ về một mình, không đợi em như mọi khi. Hồi đó, em học lớp bảy.
Mấy năm cấp hai trôi qua lặng lẽ. Ấy là tôi so với sau này, khoảng thời gian em học cấp ba. Dù sao, tụi nhóc cấp hai cũng không làm gì thái quá, cỡ như thằng bạn tôi là hết. Năm tôi cuối cấp, em đang học lớp mười, xảy ra chuyện động trời. Bữa đó, khi tôi đang lúi húi vo gạo thì má em qua, mắt đỏ hoe. Dì chạy ra tới nhà sau, níu tay tôi: “Con ơi dì không nói được con Ly rồi. Con chơi với nó, mình con nói được nó.” Nói rồi, dì giơ ra một bức thư. Thư một đứa con trai tỏ tình với em. Má em kể lể: “Hôm rồi đi họp phụ huynh, cô nó nói độ rày nó học tệ lắm. Rồi cổ hỏi nó bệnh gì mà hay nghỉ học.” “Trời đất, dì bệnh không chớ nó bệnh gì con, ngày nào nó cũng xách cặp đi học hết mà.” Tôi chỉ biết an ủi má em: “Dì đừng lo, nó không dám bỏ học đâu. Để lát nó về con chạy qua.” Má em ra về, thấy cái dáng liêu xiêu trong chiều, tôi cay cay sống mũi. Buổi tối tôi chạy qua, thấy em khóc thút thít, tôi gặng: “Má mày mới la hả? Ai biểu mày làm má mày buồn.” Em cãi lại: “Dzậy sao má làm em buồn? Em đâu phải đồ hư hỏng.” Tôi nạt: “Còn không hả, mày nghỉ học tùm lum, còn bày đặt bồ bịch này nọ, học hành không tới đâu hết.” Em ngước nhìn tôi: “Mệt chị quá, nói y như má. Chị yêu chưa mà biết.” Tôi cứng họng, em lớn hơn tôi tưởng, tôi hạ giọng: “Mày giờ ngon rồi, mày cãi tao đi, không nghe thì đừng có chơi với tao nữa nghe”. Nói rồi tôi bỏ về, lòng buồn buồn vì em, vì không làm được điều má em nhờ. Rốt cục tôi cũng đâu nói được em. Em không qua tôi mấy ngày sau đó. Cách cả tuần liền, một bữa sáng ra tôi thấy em đứng trước nhà, vẻ ngại ngần: “Sáng cho em ké lên trường nghen.” Tôi liếc em, thấy em buồn buồn. Tự dưng thấy tồi tội, vậy là tôi làm hòa với em. Đi đường, không đợi tôi hỏi, em thỏ thẻ: “Nó có bồ rồi. Con nhỏ dữ thấy ghê”. Tôi tính hỏi: “Vậy sao mày nói nó yêu mày?” nhưng nghĩ sao lại thôi, mắc công em tưởng tôi để bụng. Tôi chở em tới trường, bụng lo lo, không biết sau vụ này, em có sáng mắt ra không. Ngó thấy em vô trường, tà áo tung tăng, tóc buộc lúc lắc, trông vô tư tợn, tôi ngỡ như em đi đâu mấy ngày hôm qua, vừa mới trở lại.
Thoắt đã mấy năm trôi qua. Tôi lên thành phố học đại học. Lúc đầu còn liên lạc, sau phần vì làm biếng, phần vì bận học, tôi cũng thôi dần những lá thư tay. Cũng có khi em gọi điện lên, không thì tôi hỏi tin em qua gia đình. Nghe đâu em rớt đại học một năm. Đem chuyện hỏi em, em cười tươi rói: “Bộ chị tưởng giờ em lông bông hả, không dám đâu nha. Em đậu rồi đó”. Thì ra em mới đậu vô một trường dân lập, cùng quận tôi ở. Tôi mừng rỡ rủ rê: “Trời, cái trường đó sát đây nè. Mày chuyển về ở chung với tao đi.” Em ngoan ngoãn gật đầu. Như chưa hề có những năm xa cách, giờ tôi lại bên em.
Sáng em đi học, chiều em phụ trong một quán cà phê. Tôi ái ngại hỏi em: “Dì dạo này bệnh dữ lắm hả? Mày làm trong quán không sợ má mày lo sao?” Em ngạc nhiên nhìn tôi: “Gì mà lo, em vẫn đi học đàng hoàng mà.”
Dạo này em hay về trễ, cơm ngày nào cũng thừa lại. Tôi bực mình lắm, bụng lại thấy lo lo. Buổi tối về, em tắm rửa qua quýt rồi leo lên giường ngủ liền. Một buổi tối em không về nhà. Từ chiều, chưa kịp dựng xe, Phương đã oang oang từ ngoài sân: “Ê, nhỏ em mày trưa nay không đi làm hay sao đó. Nó mới qua mặt tao ngoài đường nè.” Tôi ngơ ngác kéo Phương vô nhà, không để nó dứt câu: “Mày có lộn không, phải nó không, mà mày biết nó đi đâu không?”. Phương trợn mắt dòm tôi: “Hỏi vô duyên, sao tao biết nó đi đâu. Không tin mày chạy thử lên chỗ nó coi sao.” Tôi đã thấy nóng ruột nhưng cố nán tới tối cốt chờ em về. Chiều dần buông, đêm đến. Gần mười giờ, quá giờ tan ca gần cả tiếng mà chưa thấy em về. Tôi bắt nhỏ Phương chở tôi đến quán em làm, sục sạo nháo nhào trong cái quán đông đúc mà không thấy em đâu. Tối nay em không về, tôi không biết nói sao với má em, dì ơi, con xin lỗi, tôi đã lẩm nhẩm câu nói đó trên suốt đường về. Nửa đêm, có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tôi nhào ra, là em. Tôi khựng lại, muốn ôm em nhưng nghèn nghẹn, tôi đẩy cửa cho em, lẳng lặng về giường. Nước mắt tự dưng muốn trào ra. Em len lén nhìn tôi, tôi lạnh lùng: “Thay đồ lẹ tắt đèn cho tao ngủ. Khuya rồi”. Tự dưng em bật khóc: “Sao chị không hỏi em đi đâu tối giờ, bộ chị hết thương em rồi hả?” Nói rồi em ngồi khóc ngon lành. Phương trở dậy, nặng nề: “Em đi đâu phải báo cho tụi chị một tiếng, không thương em tụi chị kiếm em làm gì, mà hồi chiều chị thấy em đi với ai đó...” Phương bỏ lửng. Nghe tới đó, em nấc lên. “Chị ơi, tha lỗi cho em...” em nức nở. Tôi đau thắt ruột, nỗi thương em cồn cào trong lòng. Em làm sao rồi, em ơi...” “Ổng là khách quen của quán. Ổng nói ổng trong ban giám khảo, em đi với ổng, em mới có cơ hội..” Tôi lao tới: “Mày ngu quá, vậy là mày chịu hả, ổng làm gì mày rồi, Ly ơi..” tôi bật khóc còn to hơn em. Em ngồi đó, ngước mắt nhìn tôi, như cái lần em hỏi tôi “yêu chưa mà biết” hồi còn học phổ thông. Em nín khóc: “Em không có đâu chị ơi”. Giọng em đột nhiên sôi nổi: “Còn lâu ổng mới làm gì được em, ổng còn ăn cái tát thì có.” Phương bật cười, dòm em lom lom. Tôi ngỡ ngàng: “Vậy chớ mày làm gì tới giờ này?”. “Bộ ổng tưởng cái giải hoa hậu, hoa khôi gì của ổng ngon lắm hả. Em nghỉ thi luôn rồi.” Tôi thở phào. “Em ghé quán, làm cho hết ca rồi xin nghỉ việc luôn. Em về trễ vì cái này nè”. Nói rồi, em giơ ra bọc đồ, nào đường sữa, cả mấy thứ trái cây được bao bọc cẩn thận. “Lương tháng của em đó. Trái cây lát chia ra phòng mình một nửa, còn lại - em hạ giọng - mai em mang về cho má”. Tôi áp đầu vào tóc em, sung sướng nhận ra cuối cùng em đã lớn, em đã về bên tôi như những ngày thơ ấu, trong đầu đã thầm tưởng đến chuyến xe sớm mai... trên đường về nhà, có tôi và em, em gái nhỏ của tôi!
Ngày đó, em chuyển về xóm tôi khi tôi mười tuổi, em lúc đó lên bảy, xinh, rất xinh. Nhà em chỉ có hai mẹ con. Nghe đâu ba em mất vì tai nạn. Song mọi người lại đồn đại rằng ba em bỏ hai mẹ con vì em là con rơi con rớt gì đó. Gần nhà tôi có một thằng nhóc hơn tôi hai tuổi. Sở dĩ gọi là nhóc vì tuy lớn tuổi hơn nhưng nó lại lùn hơn tôi nửa cái đầu. Mặc kệ, tôi thích nó như thường. Khổ một nỗi nó lại không thích chơi với tôi mấy. Vậy mà từ ngày em chuyển về, thằng nhóc siêng qua nhà tôi chơi hẳn. Còn lân la dụ tôi rủ em qua chơi. Tôi cũng khôn chán, để thằng nhóc chịu qua nhà, tôi cũng đồng ý rủ em, nhưng để em ngồi đó, tôi thản nhiên chơi với một mình thằng nhóc. Một bữa nọ, tự dưng thằng nhóc không qua, dòm sang nhà em, tôi thấy nhà khóa cửa. Tôi tức tốc chạy sang nhà nó, từ ngoài cửa đã nghe tiếng khóc của em. Tôi xộc thẳng vô trong. Em ngồi đó giữa nhà, mặt méo xẹo. Thằng nhóc đang cố sức cởi nút áo em. Thấy tôi, nó trố mắt sợ hãi. Tôi lao tới, xô thằng nhóc vô tường, miệng la lên: “Thằng mất dạy!”. Không hiểu sao hồi đó, tuy chưa ý thức một cách rõ ràng, song tôi đã qui kết, đứa nào làm em khóc là mất dạy tuốt. Nói đoạn kéo em về nhà, vừa chạy vừa la bài hãi: “Mai mốt đừng thèm chơi với nó, có gì chạy qua tao nè, nhớ không!”. Em chơi với tôi từ ngày đó.
Lên cấp một, rồi cấp hai, tôi học trường nào là em bắt chước vô trường đó. Tôi với em như hình với bóng. Em cứ học làng nhàng nhưng trong lớp ai cũng biết em. Đơn giản vì em xinh, rất xinh.
Nét đẹp của em so ra cũng không phải là thứ nhan sắc quá mĩ miều thiên hạ không ai có, nhưng ở em luôn toát ra cái gì đó trầm buồn, bí ẩn, nét đẹp không nhạt nhẽo, tự dưng làm nên ở em sức thu hút kì lạ. Em vốn ít nói, bởi vậy người ngoài khó tiếp xúc được với em, đâm ra trông em kiêu sa lạ. Trong lớp tôi có một thằng bạn hâm mộ em như điếu đổ. Tính kế mãi không tiếp cận được em, nó xoay qua... dụ dỗ tôi, đương nhiên mục đích chính là hướng tới em. Thằng nhỏ kè kè theo tôi suốt ngày suốt đêm. Lúc đầu làm bộ nhờ tôi chỉ bài, tôi vốn thừa tốt bụng cũng nhiệt tình chỉ giáo cho nó. Được mấy hôm, nó viện cớ buổi trưa sợ tôi đói bụng, nó hỏi tôi địa chỉ nhà để buổi chiều tới. Tôi làm gì không biết dụng ý thằng nhỏ, muốn lân la quen tôi cốt rủ em như thằng nhóc ngày trước. Bữa đó, khi thằng bạn tôi mở lời, tôi tỉnh bơ: “Ờ, mày muốn tới thì tới, nhưng chiều nay nhỏ Ly không có ở nhà đâu”. Chiều đó, thằng bạn tôi biệt tăm. Sáng ra, mặc cho nó lúng túng giải thích, tôi dẹp luôn trò chỉ bài hộ. Hôm sau, tôi bỏ về một mình, không đợi em như mọi khi. Hồi đó, em học lớp bảy.
Mấy năm cấp hai trôi qua lặng lẽ. Ấy là tôi so với sau này, khoảng thời gian em học cấp ba. Dù sao, tụi nhóc cấp hai cũng không làm gì thái quá, cỡ như thằng bạn tôi là hết. Năm tôi cuối cấp, em đang học lớp mười, xảy ra chuyện động trời. Bữa đó, khi tôi đang lúi húi vo gạo thì má em qua, mắt đỏ hoe. Dì chạy ra tới nhà sau, níu tay tôi: “Con ơi dì không nói được con Ly rồi. Con chơi với nó, mình con nói được nó.” Nói rồi, dì giơ ra một bức thư. Thư một đứa con trai tỏ tình với em. Má em kể lể: “Hôm rồi đi họp phụ huynh, cô nó nói độ rày nó học tệ lắm. Rồi cổ hỏi nó bệnh gì mà hay nghỉ học.” “Trời đất, dì bệnh không chớ nó bệnh gì con, ngày nào nó cũng xách cặp đi học hết mà.” Tôi chỉ biết an ủi má em: “Dì đừng lo, nó không dám bỏ học đâu. Để lát nó về con chạy qua.” Má em ra về, thấy cái dáng liêu xiêu trong chiều, tôi cay cay sống mũi. Buổi tối tôi chạy qua, thấy em khóc thút thít, tôi gặng: “Má mày mới la hả? Ai biểu mày làm má mày buồn.” Em cãi lại: “Dzậy sao má làm em buồn? Em đâu phải đồ hư hỏng.” Tôi nạt: “Còn không hả, mày nghỉ học tùm lum, còn bày đặt bồ bịch này nọ, học hành không tới đâu hết.” Em ngước nhìn tôi: “Mệt chị quá, nói y như má. Chị yêu chưa mà biết.” Tôi cứng họng, em lớn hơn tôi tưởng, tôi hạ giọng: “Mày giờ ngon rồi, mày cãi tao đi, không nghe thì đừng có chơi với tao nữa nghe”. Nói rồi tôi bỏ về, lòng buồn buồn vì em, vì không làm được điều má em nhờ. Rốt cục tôi cũng đâu nói được em. Em không qua tôi mấy ngày sau đó. Cách cả tuần liền, một bữa sáng ra tôi thấy em đứng trước nhà, vẻ ngại ngần: “Sáng cho em ké lên trường nghen.” Tôi liếc em, thấy em buồn buồn. Tự dưng thấy tồi tội, vậy là tôi làm hòa với em. Đi đường, không đợi tôi hỏi, em thỏ thẻ: “Nó có bồ rồi. Con nhỏ dữ thấy ghê”. Tôi tính hỏi: “Vậy sao mày nói nó yêu mày?” nhưng nghĩ sao lại thôi, mắc công em tưởng tôi để bụng. Tôi chở em tới trường, bụng lo lo, không biết sau vụ này, em có sáng mắt ra không. Ngó thấy em vô trường, tà áo tung tăng, tóc buộc lúc lắc, trông vô tư tợn, tôi ngỡ như em đi đâu mấy ngày hôm qua, vừa mới trở lại.
Thoắt đã mấy năm trôi qua. Tôi lên thành phố học đại học. Lúc đầu còn liên lạc, sau phần vì làm biếng, phần vì bận học, tôi cũng thôi dần những lá thư tay. Cũng có khi em gọi điện lên, không thì tôi hỏi tin em qua gia đình. Nghe đâu em rớt đại học một năm. Đem chuyện hỏi em, em cười tươi rói: “Bộ chị tưởng giờ em lông bông hả, không dám đâu nha. Em đậu rồi đó”. Thì ra em mới đậu vô một trường dân lập, cùng quận tôi ở. Tôi mừng rỡ rủ rê: “Trời, cái trường đó sát đây nè. Mày chuyển về ở chung với tao đi.” Em ngoan ngoãn gật đầu. Như chưa hề có những năm xa cách, giờ tôi lại bên em.
Sáng em đi học, chiều em phụ trong một quán cà phê. Tôi ái ngại hỏi em: “Dì dạo này bệnh dữ lắm hả? Mày làm trong quán không sợ má mày lo sao?” Em ngạc nhiên nhìn tôi: “Gì mà lo, em vẫn đi học đàng hoàng mà.”
Dạo này em hay về trễ, cơm ngày nào cũng thừa lại. Tôi bực mình lắm, bụng lại thấy lo lo. Buổi tối về, em tắm rửa qua quýt rồi leo lên giường ngủ liền. Một buổi tối em không về nhà. Từ chiều, chưa kịp dựng xe, Phương đã oang oang từ ngoài sân: “Ê, nhỏ em mày trưa nay không đi làm hay sao đó. Nó mới qua mặt tao ngoài đường nè.” Tôi ngơ ngác kéo Phương vô nhà, không để nó dứt câu: “Mày có lộn không, phải nó không, mà mày biết nó đi đâu không?”. Phương trợn mắt dòm tôi: “Hỏi vô duyên, sao tao biết nó đi đâu. Không tin mày chạy thử lên chỗ nó coi sao.” Tôi đã thấy nóng ruột nhưng cố nán tới tối cốt chờ em về. Chiều dần buông, đêm đến. Gần mười giờ, quá giờ tan ca gần cả tiếng mà chưa thấy em về. Tôi bắt nhỏ Phương chở tôi đến quán em làm, sục sạo nháo nhào trong cái quán đông đúc mà không thấy em đâu. Tối nay em không về, tôi không biết nói sao với má em, dì ơi, con xin lỗi, tôi đã lẩm nhẩm câu nói đó trên suốt đường về. Nửa đêm, có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tôi nhào ra, là em. Tôi khựng lại, muốn ôm em nhưng nghèn nghẹn, tôi đẩy cửa cho em, lẳng lặng về giường. Nước mắt tự dưng muốn trào ra. Em len lén nhìn tôi, tôi lạnh lùng: “Thay đồ lẹ tắt đèn cho tao ngủ. Khuya rồi”. Tự dưng em bật khóc: “Sao chị không hỏi em đi đâu tối giờ, bộ chị hết thương em rồi hả?” Nói rồi em ngồi khóc ngon lành. Phương trở dậy, nặng nề: “Em đi đâu phải báo cho tụi chị một tiếng, không thương em tụi chị kiếm em làm gì, mà hồi chiều chị thấy em đi với ai đó...” Phương bỏ lửng. Nghe tới đó, em nấc lên. “Chị ơi, tha lỗi cho em...” em nức nở. Tôi đau thắt ruột, nỗi thương em cồn cào trong lòng. Em làm sao rồi, em ơi...” “Ổng là khách quen của quán. Ổng nói ổng trong ban giám khảo, em đi với ổng, em mới có cơ hội..” Tôi lao tới: “Mày ngu quá, vậy là mày chịu hả, ổng làm gì mày rồi, Ly ơi..” tôi bật khóc còn to hơn em. Em ngồi đó, ngước mắt nhìn tôi, như cái lần em hỏi tôi “yêu chưa mà biết” hồi còn học phổ thông. Em nín khóc: “Em không có đâu chị ơi”. Giọng em đột nhiên sôi nổi: “Còn lâu ổng mới làm gì được em, ổng còn ăn cái tát thì có.” Phương bật cười, dòm em lom lom. Tôi ngỡ ngàng: “Vậy chớ mày làm gì tới giờ này?”. “Bộ ổng tưởng cái giải hoa hậu, hoa khôi gì của ổng ngon lắm hả. Em nghỉ thi luôn rồi.” Tôi thở phào. “Em ghé quán, làm cho hết ca rồi xin nghỉ việc luôn. Em về trễ vì cái này nè”. Nói rồi, em giơ ra bọc đồ, nào đường sữa, cả mấy thứ trái cây được bao bọc cẩn thận. “Lương tháng của em đó. Trái cây lát chia ra phòng mình một nửa, còn lại - em hạ giọng - mai em mang về cho má”. Tôi áp đầu vào tóc em, sung sướng nhận ra cuối cùng em đã lớn, em đã về bên tôi như những ngày thơ ấu, trong đầu đã thầm tưởng đến chuyến xe sớm mai... trên đường về nhà, có tôi và em, em gái nhỏ của tôi!