PDA

Xem đầy đủ chức năng : Mùa hoa cải bên sông Đáy



emgaicodo2000
29-12-2007, 05:14 PM
Mùa hoa cải bên sông Đáy
Những người từng du thuyền trên sông Đáy (Kim Sơn – Ninh Bình) hẳn không bao giờ quên được vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng pha lẫn chút hoang sơ của miền quê yên ả nơi đồng bằng Bắc Bộ. Sông Đáy hôm nay trở thành dòng sông huyền thoại nằm giữa di sản thiên nhiên UNESCO – Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng. Một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới hiếm hoi tại Việt Nam. Sự đa dạng sinh học với nguồn tài nguyên động thực vật phong phú biến nơi đây thành vườn ươm cho sự sống của đất nước Việt Nam và tương lai không xa sẽ là điểm đến lý tưởng cho những người yêu thích thiên nhiên và khám phá.
http://tbn0.google.com/images?q=tbn:8_MRNkl8CqSgHM:http://agriviet.com/uploads/news/news_s465.jpg
Đi dọc triền đê hữu ngạn sông Đáy (phía Ninh Bình là bên bồi, Nam Định là bên nở) ta sẽ nhận thấy những vườn cải ven sông từ thưở nào tuy không còn nhiều bởi bị lẫn với nhiều loại cây khác nhưng lại nổi bật với ngàn hoa toả hương thơm ngát lôi cuốn nhiều ong, bướm, chim chóc như đưa ta vào câu chuyện “Mùa hoa cải bên sông” của Nguyễn Quang Thiều, một con người mà tuổi thơ đã gắn bó mật thiết với dòng sông Đáy thân thương này.
Mùa hoa cải bên sông Đáy kể về chuyện tình lãng mạn đầy thử thách của một chàng trai xứ đoài (Hà Tây) và một cố gái xứ Nam (vùng đất gồm Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình bây giờ) sống nghề thuyền trên sông Đáy. Người cha của cô gái là một ông lão ngoài 60 vẫn ôm hận trong lòng về một quá khứ đau thương; vợ ông khi chết trẻ để lại 3 đứa con thơ nhưng oan nghiệt hơn khi ông ôm xác vợ vào bờ xin một nơi an nghỉ thì không ở đâu chấp nhận. Ông đưa vợ xuống lòng sông Đáy nơi êm nhất đào một hố và xếp đá đè lên. Từ đó ông có một lời nguyền: Tất cả những người trong gia đình ông không bao giờ được phép đặt chân lên bờ nữa. Họ sẽ sống một cuộc đời trên sông. Oan nghiệt thay, khi cô con gái lớn, tự bao giờ tâm hồn cô đã bị cuốn hút bởi những rặng hoa cải bên sông. Cô đã trốn vào bờ vào những đêm chăng và hái hoa cải. Một lần cô bị chủ vườn là chàng trai phát hiện. Sau đó họ đã yêu nhau và đưa mộ người mẹ chôn trên vườn cải trên bãi sông Đáy. Người cha biết tin, ông đã đánh đập cô gái và đưa thuyền vượt ngược dòng trong cơn bão để đánh lạc hướng còn chàng trai kia thì đi theo hướng xuôi dòng và chàng đã bị mưa ốm nặng. Thời gian rồi cũng đi qua khi vào một ngày mới, hoa cải nở rực vàng toả hương thơm ngát bên sông. Chàng trai sung sướng khi thấy vết chân quen thuộc từ vườn ngắt hoa đi xuống lòng sông. Câu chuyện thật bình dị mà say lòng biết bao trái tim người Việt bởi nó nói về cái đẹp của cuộc sống dân giã và đặc biệt là tâm hồn hướng thiện của con người.
http://tbn0.google.com/images?q=tbn:SNyfoqhzLxhRFM:http://i166.photobucket.com/albums/u91/hoangmaijp/showa2.jpg
Quay lại với dòng sông Đáy, một dòng sông chở bao huyền thoại từ Chùa Hương, Vân Đình (Hà Tây) xuôi xuống Ngũ Động Sơn, Kẽm Trống (Hà Nam) rồi là đường biên của khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long ngập nước lớn nhất Bắc Bộ, dòng sông như nhà điêu khắc dưới chân núi Non Nước ở trung tâm thành phố du lịch Ninh Bình, một thành phố trên đất cố đô Hoa Lư lịch sử, thành phố bên bờ sông Đáy đang đổi mới đi lên cùng dòng sông. Trăm sông cũng về với biển, nhưng trước khi đổ về biển thì sông Đáy cũng giống với nhiều dòng sông khác, nó đã kịp tưới tắm phù sa cho khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng, để rồi địa danh Nam sông Hồng kiêu hãnh trở thành vùng đất có năng suất lúa cao nhất nước với các sản phẩm nổi tiếng làm từ nơi đây mà ít ai biết đến như phở Nam Định, rượu Kim Sơn, gạo tám Hải Hậu .v.v. Ven sông hôm nay như một dải lụa nhiều màu sắc bởi không chỉ có hoa cải, hoa huệ cả những loại hoa dại được nhiều nhà khoa học ghé thăm tìm hiểu. Ngay cả những cô gái Kim Sơn trong làn da trắng ngần cũng được các tao nhân mặc khách ngợi ca là “hoa Kim Sơn”. Hoa nhưng vẫn tần tảo bên ruộng đồng sông nước để có được sông Đáy hôm nay nét đẹp vẹn toàn, dù nắng mưa vất vả vẫn ngân vang giọng hát ngọt ngào:
“Dòng sông Đáy quê em
Sông Trăng hay sông Lụa?
Năm kén vàng như lúa
Trọn vẹn một góc trời”
Đêm xuống du thuyền trên sông Đáy ta có cảm giác lao lao khó tả. Những con cá cũng cũng tấp lập hơn quấn lấy đuôi thuyền. Chúng bơi thành từng luồng và sáng lấp lánh như những mảnh trăng. Những giọt nước lung linh như những viên ngọc sáng tung lên.
Những ngọn gió đồng giống như những dải lụa mỏng đến mơ hồ bồng bềnh trôi trên những biển lúa, nương ngô, những ngôi nhà và dọc hai triền sông. Những con chuột đồng lấp lánh như những giọt nước lớn trôi trên những lối mòn ven chân đê. Dòng sông vẫn dịu dàng chảy về biển cả. Hương thơm đan quyện của phù xa và hương lúa tỏa ngào ngạt và thấm vào da thịt. Trăng mỗi lúc như một xuống gần hơn. Vầng trăng hình như cũng mang hương thơm của mùa màng ấm áp. Ta như tự hào mà bâng khuâng nhớ tới Hồ Chí Minh, một người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam nổi tiếng với bài thơ đi thuyền trên sông Đáy:
“Dòng sông lặng ngắt như tờ
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo
Bốn bề phong cảnh vắng teo
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan
Lòng riêng riêng những bàn hoàn
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng
Thuyền về trời đã rạng đông
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.”
Sông Đáy hôm nay kiêu hãnh vươn mình trở thành một dải sáng trên đất nước Việt Nam. Dòng sông sẽ mãi là tấm lụa rực vàng hoa cải chở bao huyền thoại để ta mãi mãi trân trọng và tự hào.