PDA

Xem đầy đủ chức năng : Tittle: SỰ LẠ hay dăm ba thứ vớ vẩn



Morning's_Ears
14-12-2007, 07:25 AM
http://img508.imageshack.us/img508/9886/idiotcoveredem9.jpg

Tittle: SỰ LẠ hay dăm ba thứ vớ vẩn
Author: Morrning's_Ears
Gerne: Romantic (Lần đầu viết loại này)
Staticts: Never end.
Sumary: Không có. Đọc thì biết.

“Để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này ha”, đây có lẽ là câu ưa dùng của tôi trong hầu hết các chuyện kể mà tôi… chậc, đại khái thường được gọi là bào chế ra í mà. Không phải tôi khoái kiểu mở đầu này mà chỉ do tôi nghĩ nếu nói vậy thì sẽ tạo cảm giác muốn nghe với người ta thôi, thẳng thắng đó. Tôi thường viết các câu chuyện phiêu lưu có liên quan tới các chủ đề về phép màu, chuyện kỳ bí, hay một chút tình yêu chẳng hạn. Tất nhiên rồi phải có lúc tôi xấu hổ thừa nhận một vài sự thực nho nhỏ rằng thứ nhứt: Tôi không có một cây đũa phép như Harry Potter, thứ hai: Tôi chả khi nào quan tâm một cách nghiêm túc với các vấn đề kỳ bí, và điều thứ ba tệ hại hơn cả hai điều trước là một kẻ có thể tưởng tượng ra những chuyện tình đẹp đẽ như tôi – đồng chí Mones đã hai mươi hai tuổi đầu vẫn chưa có nổi một mảnh tình vắt vai và hiện tại đang nằm phè trên tràng kỷ tự nhạo báng bản thân rằng cái sinh vật đang viết cho các bạn đây chả biết quái gì về cái gọi là tình yêu cả. Sao? Nghe cũng hơi tan nát phải không?

Vậy đó, không biết mọi người nghĩ sao chớ với tôi thì ba vụ đó dù kéo dài tới năm tôi năm sáu chục tuổi cũng chả ngăn cản nổi tôi cảm thấy bữa sáng ngày hôm sau của mình kém ngon miệng đi. Cái gì cũng có ngoại lệ của nó mà, tôi đang thử coi trên đời này liệu có cái ngoại lệ nào đủ sức lay chuyển cả cuộc đời tôi sau từng đó năm ngồi ngáp gió trước hiên hay không. Viết nhật ký không phải là ý hay nếu muốn dính dáng tới những vấn đề mang tính ngoại lệ vì tôi sợ sau này sẽ ói luôn vô trang viết của mình khi đọc lại lắm. Quỷ thần ạ, như vậy thì còn gì hay ho nữa đâu chớ. Nhớ là giải pháp an toàn hơn cả vì nếu như vậy tôi chả cần thiết phải giấu giếm cuốn sổ tay của mình dưới gối, thích thì kể ra (mặc dù tôi cũng không dám chắc là liệu mình có làm ai đó buồn nôn hay không nữa). Chả sợ nhàm.

Ngoại lệ của tôi xưa giờ có nhiều lắm, nếu mà lên kế hoạch kể cho các bạn thì rõ là ngớ ngẩn nhưng biết sao được. Nhớ mà.





---=o0o=---


Chuyện thứ nhứt: ĐÊM CÓ MỘT NGHÌN CON MẮT




Như các bạn biết đó, tôi sắp kể lại một trong những điều hết sức bình thường mà bạn có thể đã trải qua vào lúc nào đó rồi. Hẳn bạn cũng thấy tiếc cho ai đó chưa từng nếm qua cái thú được ngắm sao trên nóc nhà vào một đêm đẹp trời. Ngắm sao hay cực kỳ và ở cái tuổi đầy rẫy tham lam này của Mones thì đó quả là niềm vui hiếm có. Bởi mẹ cứ hay càm ràm hoài mỗi lần tôi về nhà. Tính người già ưa càm ràm mà. Biết là vậy nhưng quanh năm con mới về nhà vài lần cho đỡ nhớ mà mỗi lần về là cứ y như rằng đứa nào cũng phải nghe câu “Mấy đứa tụi bây già đầu đập ra hột cứng ngắc rồi mà còn chưa có cháu cho tao ẵm” là lại muốn xách ba lô quay lên xe cho rồi, mấy chị em tụi tôi cứ hay đùa mà thiệt rằng tụi tôi là đám con bất hiếu là vậy, nhưng nhớ gia đình quá nên đứa nào đứa nấy đành nhe răng ra cười trừ, lịt lịt cái mặt quăng hành lý rồi xuống bếp nấu cơm liền chiều liền tắp lự. Chớ sao nữa, ai bảo ba mẹ sinh ra toàn mấy đứa quái vật trời đánh bảy búa làm chi.

Cứ mỗi lần như vậy ba lại ngồi rung đùi cười hừ hừ, mẹ lườm ba. Ờ, tại vì gần đây ba lén đặt nickname cho mẹ là mụ quỷ già nhà tui mà. Năm nay về dự dịp kỷ niệm ngày cưới lần thứ mấy mấy hổng nhớ nổi mà thấy vậy tự nhiên mắc cười hết sức.

Những ngày về nhà nghỉ ngơi tôi vốn đã hạ quyết tâm gác lại hết công việc để chơi bời cho đã, vậy là được thể lăn ra đánh một giấc nghỉnh và chỉ lồm cồm bò dậy khi phát hiện tiếng kêu thảm thiết của máy điện thoại di dộng vang lên đâu đó dưới lưng mình. Rồi, sếp ạ? Dạ… (Gật đầu qua điện thoại), rồi, rồi, dạ… Lại lăn ra ngủ tiếp, sáng hôm sau thức dậy chả còn mảy may nhớ được mình đã nói hay hứa hẹn những gì nữa. Cái tật xấu cố hữu của tôi là vậy mà.

Trong vòng mấy ngày đầu Mones về nhà không biết trời mắc chứng gì mà mưa tầm tã hoài. Đấng phụ thân của tôi lại trở cơn thấp khớp rồi lại cằn nhằn cái lão trời sao mà vô duyên Grrbbblllmm (Nghĩa tự hiểu lấy), nhưng với tụi tôi thì chút thay đổi thời tiết này đúng là cơ hội thuận lợi cho mớ nấm lười nấm nhác có dịp sinh sôi, được thể cắm đầu ngủ nữa chớ sao. Nhưng mà đời đâu có chuyện hay ho dữ vậy bởi đám em cũng nhân đó mà quấn rịt lấy anh chị vòi vĩnh đủ thứ, nói không dứt mồm. Con bé út nhà tôi tự nhiên công bố một trong những phát hiện tầm cỡ vũ trụ. Gần vô lớp mười tới nơi mà nó vẫn còn nhảy cà đụi trên cẳng giò anh mình, thì thào ra chiều bí ẩn:

- Nè, em đố ai biết tại sao ở Tây Nguyên lại nóng hơn dưới đồng bằng?

Nhân tiện cũng giới thiệu chút đỉnh là nhà tôi ở Kontum, một trong những xứ chó ăn đá gà ăn muối nhứt nước. Ở đây thì làm gì có vụ nóng ba bốn chục độ như xứ Sài Gòn, Kontum nhìn đâu cũng khô gắt toàn ánh mặt trời theo đúng cái nghĩa cao nguyên mà cô giáo dạy môn Địa lý ngày xưa của tôi đã có lần miêu tả: “Mát” quá tới mức “mẻ” cả người.

Mà cũng nói luôn là với một câu đố xưa như trái đất vạ??y mà lại đặt ra trong cái nhà chỉ r?t một đám dân chuyên ngành sử địa thì quả là có vấn đề. Đương nhiên là bà chị tiến sĩ của tôi sẽ trả lời được liền:

- Tây Nguyên nằm trên nền cổ thuộc khối Indochine, nền địa tầng già lâu đời và hệ thống núi…

Hổng nhớ hết, nhưng tóm lại là nhiều lắm. Vậy mà trước một lô một lốc các dẫn chứng khoa học đủ làm các giáo sư địa lý choáng váng đó con nhỏ chỉ nhún vai:

- Trật lất!

Chị sáu nó láu táu chen vô:

- Do gió Lào phải hông?

- Trật luôn. Anh năm biết hông?

Đương nhiên anh năm nó trả lời cỡ nào cũng trật tuốt luốt. Câu đố mẹo thường khó giải mà. Con nhóc hả hê chờ cả đám anh chị uyên bác của nó lắc đầu chịu bại mới tiết lộ đáp án làm ai cũng phải giựt mình:

- Có vậy mà cũng hổng biết. Do Tây Nguyên nằm cao hơn đồng bằng, nằm gần mặt trời hơn thì phải nóng hơn chớ.

Lời giải nghe dễ đá này làm cả nhà sững lửng. Con Tí Nị sừng sộ:

- Nói bậy mà còn nói bự ghê chưa. Vậy Đà Lạt, Sapa nằm cao hơn mà có nóng hồi nào đâu.

Nói xong đã biết mình mắc lỡm, bé út giựt giựt tóc chị hai, cười nắc nẻ:

- Em nói Tây Nguyên chớ bộ, mấy chỗ khác đâu có tính.

Không ai bắt bẻ được chiêu trả miếng láu lỉnh của nó. Tới lúc này cả đám mới đồng loạt gật gù thấm ý. Ờ hé, con nhỏ nói vậy mà coi bộ đúng quá xá. Cũng phải thôi, hồi xưa thần đồng hỏi Khổng Tử còn phải chịu thua kia mà.

Cũng như mọi lần về nhà tôi thường dành thì giờ để đọc cho lũ nhỏ nghe phần tiếp theo của câu chuyện đang viết dở. Bạn biết đó, viết truyện là một chuyện còn đọc cho ai đó nghe lại là chuyện khác. Với hai thính giả nhỏ khó tính của tôi thì còn mệt hơn. Chúng nó một đứa lớp chín, đứa kia lớp mười hai mà vẫn cứ nằm sắp lớp ra vòi nghe kể. Kể hoài một kiểu thì chán òm cho dù thể loại chuyện phiêu lưu mạo hiểm của những cô bé cậu bé tuổi teen trong thế giới pháp thuật vốn rất được ưa chuộng. Nếu có ai phải ở hoàn cảnh tương tự Mones thì tôi sẽ mách cho bạn một mẹo mà tôi rất khoái xài: Đang đọc tới một đoạn hấp dẫn đứng tim thì…

- …Nó chúi người lượn xuống mặt dưới rầm cầu trong một cú lượn giật chỏ tốc độ chóng mặt…

Và đột ngột, thêm vào một câu làm người nghe hoảng vía:

- … ẦM! MỘT TIẾNG NỔ KHỦNG KHIẾP VANG LÊN, NÓ BẬT NGỬA RA SAU, ĐẦU ĐẬP VÔ TƯỜNG…

Đoạn “Ầm một tiếng” đó dĩ nhiên làm gì có trong kịch bản và nhân vật chính đâu thể có kết cục lãng nhách vậy được. Mà bạn cũng biết tôi thêm thắt vô để làm gì phải không? Vậy là từ đó về sau mỗi khi tôi Ầm một tiếng là tụi nhỏ lại xìa vô ké coi có dòng nào trong sổ viết như thế không rồi lại ngó tôi bằng ánh mắt hình viên đạn: “Rồi, lại nữa rồi”. Vậy mà cứ bắt kể mà lại ghiền nghe “một tiếng nổ khủng khiếp vang lên” hoài, còn tôi thì đọc một hồi khàn cả giọng tới nỗi tụi nó phải co cẳng chạy đi rót nước chữa cháy.

Rồi thì mưa cũng phải tạnh, chuyện cũng tới lúc tạm ngưng kể khi tụi nhỏ cuối cùng cũng lăn ra ngủ khì. Phần tôi sau đó cùng với các chị em phụ mẹ đơm cúc, làm khuy áo tới tận khuya. Nói không nói cũng phải nói chớ đây vẫn là một trong những việc tôi thích làm nếu không tính tới chuyện cả ba đứa con cứ phải vừa làm vừa nghe mẹ càm ràm chuyện cháu chắt. Mà tính ra tôi đã mấy lần suýt cho kim máy vắt sổ chạy luôn qua tay mình khi nghe câu “Kỳ này má của con bạn học mày mời nhà mình đi đám cưới” lận đó. Đám con bất hiếu chỉ biết nhìn nhau im thin thít. Thế này thì chịu, chỉ có nước trèo lên mái tôn mà trốn thì mới thoát nợ.

Nói tới mái tôn thì cũng có nhiều chuyện lắm. Nhà tôi nhỏ xíu, thuộc loại mùa đông thì ấm, mùa hè thì chả thua gì lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân, mèo đi trên nóc nhà mà nghe như có ai liệng đá lên rầm rầm… Tất cả cũng là do cái mái tôn đó. Hồi nhỏ mỗi đêm trời nóng ba hay dẫn tôi lên đó hóng mát, tôi lại không có mấy can đảm với độ cao nên lúc đó chả thấy trên mái nhà mình có gì hay ho. Tôi không hay lên đó lắm vì nó quá cao với một đứa trẻ, nằm cũng mỏi lưng lắm nên tôi thường tìm cách trèo ngay trở xuống. Bây giờ thì lớn ngộc đầu rồi, nằm đây vươn vi trên mái lợp mát lạnh những sương mới thấy được tuổi thơ của mình thực sự quá ngốc nghếch.

Tôi luôn thấp và quá nhỏ bé, bởi phía trên đầu tôi, trên cái bồn nước bằng inox và cột ăng – ten xương cá te tua là cả một bầu trời quang đãng đầy sao.

Sao nhiều và sáng lắm. Tôi chợt nghĩ đây là lần đầu mình nhận ra trên trời có nhiều sao tới vậy. Có bao nhiêu sao? Cả một bầu trời sao. Một dải ngân hà trắng bạc trải xéo qua trong cái khung tranh tưởng tượng vô hạn không bị cản trở của tôi như một dải voan cuốn tung trong gió làm rơi rụng ra biết bao nhiêu vì sao lớn nhỏ lấp lánh tứ tán khắp xung quanh. Người Anh họ gọi dải ngân hà là Milkyway cũng không sai vì thường thì hầu hết người ta đều có tâm hồn ăn uống mà.

Kiến thức thiên văn của tôi là một mớ chắp vá khá tồi tàn, các bạn biết đó. Tôi có thể ngó thấy ngay chòm sao Orion nằm hơi chếch chút đỉnh về phía tây bắc hay sao Thiên Bình nghiêm nghị chĩa cái chữ thập Nam Tào của nó đúng về phía nam, thậm chí tôi còn có thể dòm thấy chòm sao Thiên Lang rõ ràng có hình của một con chó ngay từ năm tám tuổi… Nhưng sự thực đáng xấu hổ vẫn là mãi tới bữa nay tôi mới biết được chòm sao Đại Hùng nổi tiếng mà tôi tìm kiếm từ lâu hóa ra lại rất bự và chỉ cần ngước một chút về phía bắc là ai cũng thấy rồi. Tôi nghĩ hoài vẫn không hiểu tại sao chòm sao lớn như vậy mà bao nhiêu năm nay mình lại không thấy kia chớ? Có phải tôi đã cố tình bỏ qua hay không cố gắng nhận thấy sự hiện diện quá hiển nhiên của nó chăng? Cũng chẳng biết nữa. Có lẽ là tôi sợ mình sẽ thất vọng nếu tìm thấy nó thì tôi sẽ còn phải thấy cái sự thực còn phũ phàng hơn rằng ngôi sao Bắc Đẩu nằm gần cái đuôi của nó – đại tinh cầu tuyệt vời nhất lịch sử loài người hóa ra cũng chỉ là một ngôi sao nhỏ xíu chẳng lấy gì làm sáng lắm. Tha lỗi cho tôi nếu Mones nói hơi lan man, nhưng tôi đã bỏ lỡ quá nhiều thứ trong đời để rồi không nhận ra được vẻ đẹp của một bầu trời đêm thực sự thì chẳng ngôi sao nào nên tỏa sáng trọn vẹn cả. Cũng giống như con người vậy, chúng ta tất cả đều không ai giống nhau, sự đa dạng giữ cho cái thế giới này luôn bí ẩn và có vẻ thi ca gợi cho người ta trí tò mò cố hữu.

Nếu bạn là một ngôi sao sáng thì bạn sẽ làm gì?

Bạn có muốn là một ngôi sao sáng hay không?

Nếu…

Ôi trời đất quỷ thần ơi, tại sao tôi lại có thể có những ý nghĩ “sến” quá mạng như vậy chớ? Sao thì cũng chỉ là một cục đá biết phát sáng trên trời thôi mà. Đơn giản là chỉ cần cục đá đó đừng có đâm sầm xuống ngay đỉnh đầu Mones thì tôi đây cũng đâu cần phải bày tỏ xúc cảm ngôn từ với nó.

Nhưng sao đẹp thiệt, đó là điều duy nhứt tôi không thể chối cãi khi nhìn lên đầu. Chúng làm tôi có cảm giác của một đêm cho ra đêm đẹp trời. Nếu là bạn thì bạn có làm như tôi không? Nằm bắt chân chữ ngũ, đầu gối dưới cánh tay và mồm thì mơ hồ lẩm bẩm theo một giai điệu Symphonic Power của band nhạc Nightwish.

Needed elsewhere
To remind us of the shortness of our time
Tears laid for them
Tears of love, tears of fear
Bury my dreams, dig up my sorrows
Oh, Lord why
The angels fall first

Thiên thần luôn luôn là kẻ phải chịu đày đọa trước tiên, và sự thực xấu xí vẫn cứ là điều đó đó chỉ xảy ra là nếu họ tồn tại trên thế giới này. Nếu thiên thần có thực thì họ đâu để cho…

Một vệt sáng dài xinh xẻo trượt nhẹ qua tấm khăn voan của tôi như một đường chỉ ánh bạc chợt xuyên qua dải khăn vĩ đại giữa bầu trời đêm một cách ngọt ngào rồi vụt tắt rất nhanh.

Tôi vụt nhỏm dậy khi vệt sáng thứ hai vút qua tầm mắt gần như ngay lập tức sau dải lấp loáng đầu tiên. Trong nhà lúc này vọng ra tiếng reo nho nhỏ của chị hai tôi:

- A sao băng kìa! Đẹp ghê, hai cái lận.

Đúng là sao băng thiệt rồi. Nghe đồn là cứ mỗi sao băng hiện ra mà người ta kịp cầu khấn một điều nào đó thì điều ước sẽ trở thành sự thực. Trời ạ, tiếc quá đi mất. Tôi chờ sao băng hoài để ước mà có lần nào thành công đâu, nếu không bỏ lỡ thì cũng khấn hổng kịp cái lời khấn tiền bạc, sức khỏe, chiều cao kèm theo đủ thứ mong muốn linh tinh mà nếu viết ra giấy thì chắc cũng được một cuộn dài như sớ táo quân của tôi.

Nói mơ mộng cho cái đầu đỡ bị khô khan đó thôi chớ tôi đâu có cầu khấn cho sao băng xuất hiện hoài. Lũ nhi đồng cụ chúng tôi sớm đã thuộc một câu chuyện khác khá bi đát nói về bầu trời ngay cả khi còn chưa có khái niệm gì về những điều ước đến từ mỗi giọt nước mắt xót thương của các thiên thần đông thành đá cục rơi xuống ban phước cho thế gian, có người nào đã từng nói rằng mỗi một vì sao trên bầu trời tượng trưng cho sinh mạng của một con người và khi sao đổi ngôi thì cũng đồng nghĩa với việc ai đó trên thế giới này đã ra đi tới cái xứ đẹp đẽ mà hổng ai tới rồi lại còn muốn quay về. Tôi biết đó không phải là tôi vì bây giờ tôi vẫn còn thấy được sao băng, nhưng trên quả địa cầu lúc nhúc toàn người với người như vầy thì biết đâu được cái phần vừa mất đi đó lại không thuộc về mình kia chớ.

Thường thì tôi không hay chiêm nghiệm nhiều về những điều huyền bí tới từ bầu trời đêm, nói đúng hơn là tôi sợ phải biết quá rõ về những vì sao, vậy nên tôi bằng lòng với thú vui nho nhỏ của mình là sao trời như những viên ngọc đẹp rực rỡ dát trên mái vòm tím xa xăm mà tưởng chừng như chỉ bằng một cái với tay đã hái được cả mớ đem về xâu dây làm vòng đeo cổ. Giới hạn suy nghĩ của mình chỉ ở mức vớ vẩn như vậy thôi. Thiệt đó.

Nhưng dù gì thì cũng nên nói thẳng: Sao trên trời đẹp nhưng chỉ là những cục đất, điểm nực cười này hoàn toàn mâu thuẫn với một sự thực khác rằng cả một bầu trời có hàng tỉ tỉ vì sao như bầu tời tôi đang nằm đây ngắm lại quá cao xa và quá sang trọng để loài người có thể chen chân cho một chỗ trú cho số phận của linh hồn mình trong một ngôi sao nào bất kỳ.

Có ai nghĩ giống Mones không nhỉ? (Cười)

Chắc là có, tôi nghĩ vậy và chợt nhìn xuống ba mình đang đứng dưới sân nhà. Chậc, tời đã khuya lơ rồi mà ba vẫn còn thức, có lẽ cái tật thức khuya này cũng như mọi thói quen khác trong đời tôi đều học tập từ ba mà nên cả. Và tôi cũng không phai là người duy nhứt bắt chước theo thói quen của ba bởi khi ngó ra con hẻm băng ngang sân nhà lúc này cũng đã thấy lù lù hai bóng người đi tới.

Đó là hai cậu trai trong xóm đang vừa đi vừa thì thầm trò chuyện, điệu bộ nghênh ngang hoang dại hết chỗ nói. Tôi biết một trong số hai cậu nhóc này nên cũng chẳng lấy gì làm lạ khi cả hai lại mò ra đường vào cái giờ mà hầu hết các trẻ em nên đi ngủ. Mà nếu đúng là trời xui đất khiến cho hai cậu nhóc chọn đường đi ngang qua trước cổng nhà tôi thì hẳn là sắp có chuyện vui để coi rồi đây.

Y như rằng, ba tôi đặng hắng làm lũ nhóc giựt mình cái đụi:

- Trời nóng quá hả mấy đứa?

Cả hai mạng con trai sững sốt dừng lại, chúng ngó ba như thấy ông ba bị tới nơi. Ba là thầy giáo mà.

Tôi bấm bụng cười đoạn ngóc qua bờ giáp mí để coi rõ đứa ngó phong lưu nhứt đám đang gãi tai sột soạt trước mặt ông giáo:

- Dạ, con chào thầy. Giờ mà thầy còn chưa nghỉ sao thầy?

Trông ba cũng muốn phá ra cười tới nơi lắm, ông gật đầu:

- Ừ, thầy thức khuya quen rồi. Thời tiết này lại càng khó ngủ.

Khẽ liếc qua hai cái mặt xám xịt vô số tội, ông lại hỏi đùa:

- Một giờ sáng rồi mà hai đứa còn đi đâu vậy?

Ngu sao khai thiệt, theo đúng logic thì các cậu phải nói xạo chớ còn sao nữa:

- Dạ, tụi con đi chơi thôi thầy. Trời nóng quá mấy đứa con ngủ hổng được.

- Đi chơi? – Ba gật gù – Đi đứng cẩn thận đó, đi chơi đêm kiểu tụi bây nguy hiểm quá đó.

Làm sao mà ba không biết lũ nhóc đang nói dóc, còn thiên hạ có đui cũng thấy lờ mờ hai thanh mã tấu sáng loáng vừa bị chủ nhân của chúng giấu ẩu tả vô đằng sau lưng áo chớ.

“Ba không khuyên tụi nó” tôi nghĩ thầm trong bụng như vậy. Bởi dù gì thì trước mặt ba chúng vẫn là những đứa trẻ ngoan đó thôi.

Người ta không ai quá vô tình, nhưng cũng không ai đủ sức lo lắng những chuyện nhỏ nhặt cho cả thế giới này được. Nhưng tôi nghĩ hiện tại tôi vẫn có thể lo lắng được cho ba những cái be bé như nấu một bữa ăn khuya vậy. Vả lại tôi vũng thấy lưng mình bắt đầu rêm rêm rồi.

Ba đã chép miệng ngó khi tôi vừa lục cục trèo xuống khỏi nóc nhà:

- Mấy đứa con nít… Chậc, đi ngoài đường ban đêm vầy mà ngó quậy hết biết…

Tôi cười:

- Ba oai nhứt mà. Thanh niên xứ mình thì chỉ có trò đó thôi chớ biết chơi gì khác. Mà sẵn trong tủ còn ít thịt bò, để con nấu gói mì cho ba nhe.

- Ừm, con nấu nhiều nhiều rồi hai cha con ăn luôn. Lúc nãy nghe con nằm rên trên nóc nhà ba cứ tưởng mẹ mày hồi chiều nấu cơm không đủ.









---=o0o=---





P/S: Bạn thấy đó, với tôi thì những phép màu không phải lúc nào nằm trên đầu đũa phép, nó hoàn toàn là sự thực. Có thể vào một lúc nào đó bạn đã bỏ lỡ những dịp thú vị trong đời như tôi đã từng bỏ lỡ, và được ngắm sao trời đại loại cũng là một trong những dịp đó.

Các bạn nghĩ gì về câu chuyện tôi vừa kể? Liệu tôi có nên viết tiếp không đây? Ôi trời, nếu kể ra thì tôi vẫn còn ối chuyện hay dành cho những ai muốn nghe. Mà bạn có chuyện để kể ra không? Nếu có hãy đặt ngay đề cho nó sau dòng nháy: ”Chuyện thứ hai:” và kể cho mọi người cùng nghe há.