PDA

Xem đầy đủ chức năng : Bợm



namha
23-10-2007, 09:54 AM
Bợm


Tôi gọi nó là Bợm vì không biết tên của nó. Nó mới vừa dọn về xóm Cây Me hôm qua. Ông Sáu Dậu sát bên nhà tôi là ông Ngoại của nó. Chiều hôm qua tôi còn thấy nó khệ nệ bưng mấy chồng sách vở vô nhà. Sáng nay nó đã tót lên lủng lẳng trên cây ổi sát hàng rào nhà tôi. Nhà ông Sáu Dậu và nhà tôi chỉ cách nhau bằng cái hàng rào kẽm gai. Cây ổi xá lị của ông Sáu rất to, xoè tàn qua cả phần sân bên nhà tôi. Người lớn chẳng có vẻ phiền hà gì về chuyện đó. Tôi thì lại càng khoái tỉ. Lâu lâu tôi leo rào lên ăn ké vài trái. Nói lâu lâu cho lịch sự chứ thật ra tôi leo cây ổi gần như mỗi ngày. Có hôm chơi năm mười với mấy đứa trong xóm, tôi trèo lên đó trốn. Tụi nó đành chịu, kiếm không ra tôi. Bữa nay tự nhiên có đứa cháu ngoại của ông Sáu từ trên trời rơi xuống. Coi như thiên đường của tôi bị nó xí rồi. Tôi không ưa nó cũng là chuyện phải lẽ thôi. Chưa hết, nó lại là một đứa con gái. Tôi xưa nay không ưa chơi với con gái. Con gái hay mít ướt, con gái hay giận hờn, con gái hay méc, con gái đủ thứ phiền ... nói chung là tôi chạy con gái. Đã thế nó không có tóc đuôi gà. Tóc nó cũng cỡ như tóc tôi. Đồ bắc chước. Vốn dĩ đã không ưa con gái, giờ tôi lại càng không ưa nó, con gái gì không ra con gái mà cũng chẳng phải con trai. Con gái gì mà leo trèo như khỉ. Tôi đặt cho nó cái tên Bợm là đúng quá rồi. Dương dương tự đắc vì đã tìm ra cái tên rất xứng cho nó, tôi tằng hắng:

- Ê Bợm.

Nó vẫn tỉnh bơ tòn ten trên nhánh ổi. Tôi hơi quê độ, lấy hơi nhiều hơn và la to:

- Ê Bợm ...

Mặc cho tôi đứng dưới đất ngửa cổ lên trời, nó thủng thỉnh với tay hái một trái ổi rồi thảy xuống cho tôi. Cha mẹ ơi, nó có đôi mắt đen láy. Đôi mắt to tròn giống như mắt con búp bê của nhỏ em tôi chơi hằng ngày. Đã vậy nó còn trợn mắt nhìn tôi:

- Anh kêu tui đó hả ?

- Chứ còn kêu ai nữa. Ở đây đâu có đứa nào khác. Hổng lẻ tui kêu tui.

- Tui đâu phải tên Bợm.

- Tại tui đâu biết tên.

- Tui tên Diệu Hiền.

- Ha, ha, ha ... Diệu Hiền? Tên Bợm thì đúng hơn. Leo cây như khỉ mà Diệu Hiền cái nổi
gì. Cái này thuộc loại Khỉ Dữ.

Mới gặp mà đánh cú giáo đầu như vậy thì cũng hơi quá đáng. Nhưng ai biểu nó xí thiên đường của tôi. Tôi tưởng nó sẽ khóc hay gân cổ cãi lại. Nhưng không, nó bặm môi, mũi hĩnh căng phồng lên. Chẳng thèm đếm xỉa đến tôi, nó chuyền sang cành khác ngồi đung đưa chân bất cần đời. Aùi chà, cái chiêu này thì tôi hơi mệt đa. Tôi đâu có chuẩn bị tinh thần đối phó với cái màn không lời. Nó làm tôi quê quá. Mà hễ quê thì khó huề. Tôi hậm hực đi vô nhà với lời thề "Nó sẽ biết tay tôi". Đi ngang trước hiên nhà, tôi tức mình đá cái ghế cho đỡ tức. Cái tức không thấy đỡ mà tôi lại còn bị đau chân. Đúng là xui xẻo.

***

Ông Sáu, ông ngoại nó, làm nghề vá xe đạp ở đầu đường. Từ ngày nó dọn về, tôi thấy nó hay đem cơm trưa cho ông Sáu. Tôi rình đi theo nó để tìm cơ hội trả thù. Cứ khoảng gần đúng ngọ là nó xách giỏ cơm đi trước. Còn tôi thì tò tò theo sau cách một khoảng. Tôi ngồi bên đây đường nhìn nó huyên thuyên với ông Sáu. Có bữa ông Sáu đang ăn cơm, có khách tới vá xe. Tôi thấy nó cũng ngồi lui cui bơm ruột xe, thử nước, bào bào, mài mài, trét keo, thổi thổi, gõ gõ cốc cốc. Cái ống bơm tay cao hơn bụng, nó ì ạch ẹo xương sống bơm. Cái dạng đứng bơm bánh xe của nó làm tôi tức cười dù cũng cảm thấy hơi tội tội. Tôi không ngờ nó cũng ngầu quá xá. Nó không giống mấy đứa con gái trong xóm mà tôi chạy xa từ lúc nhỏ. Thật ra nó còn ngầu hơn tôi tưởng nhiều. Tôi dọ hỏi biết được ba nó tên Đào. Lối xóm kêu ông ấy là Cậu Đào. Tôi như mở cờ trong bụng. Buổi trưa thấy nó xách giỏ cơm đi ra là tôi vọt theo ngay. Lần này tôi không còn giữ khoảng cách xa nó nữa. Tôi theo bén gót.

- Ê Bợm !

- Tui có tên mà anh cứ gọi tui Bợm hoài vậy?

- Diệu Hiền đâu có giống. Bợm giống hơn.

Nó làm thinh tiếp tục đi. Tôi đi theo ráng gỡ gạc:

- Không bợm chứ sao cắt tóc con trai. Con gái mà để tóc húi cua nhìn cao bồi lắm.

Nó vẫn làm thinh không trả lời, trả vốn gì hết. Đến nước này thì tôi phải dùng tuyệt chiêu.

- Cậu Đào. Cạo đầu. Cậu Đào. Cạo đầu ...

- Anh nói tui sao cũng được. Anh đừng động đến tên ba tui nha.

- Cậu Đào. Cạo đầu.

Nó quay lại quắc cặp mắt đen thui nhìn tôi:

- Tui cảnh cáo anh lần chót. Đừng động đến tên Ba tui.

Tôi nghĩ bụng, bà chằng lửa chịu nói rồi. Sức mấy nó dám làm gì tôi. Cùng lắm là nó khóc rồi chạy về méc má nó thôi. Tôi cứ chọc nó thử coi nó làm gì. Nghĩ là làm. Tôi đâu ngờ nó dữ quá cỡ. Tôi mới vừa sấn lên, miệng há ra chưa kịp nói xong chữ "Cậu Đào" đã bị nó thụi cho một đấm chảy máu mũi. Từ bữa đó, tôi kệch nó luôn. Lòng ấm ức vì chưa trả được thù, nhưng phải thú nhận tôi có chút gì đó gọi là thiện cảm đối với nó, con nhỏ bợm tên Diệu Hiền.

***

Xóm tôi có tên là xóm Cây Me bởi một lý do rất đơn giản: Đầu xóm có một cây me rất nhiều trái. Những buổi chiều mưa, lũ trẻ con trong xóm tụm lại lụm me rụng. Giữa mùa me dốt, đám con gái dùng dép chọi me; lũ con trai trèo lên rung và lựa trái nào thiệt to mới hái. Từ ngày nó dọn về đây, không còn chỉ lũ con trai trèo cây me nữa. Nó cũng trèo chẳng thua đứa con trai nào trong xóm. Thật ra nó chỉ lén trèo thôi. Năm rồi thằng Tí té cây me gãy tay phải bị băng bột cả tháng trời. Ông Sáu và ba má nó cấm không cho nó trèo cây me. Nhưng chiều nay hổng có người lớn ở nhà. Trời vừa nổi cơn gió lớn báo hiệu cơn mưa rào sắp đến, tôi đã thấy nó vắt vẻo trên cành me. Tụi con nít hò hét nhảy tưng vừa lụm me ăn, vừa tắm mưa. Mưa lúc đầu lác đác vài giọt, sau nặng và to dần. Với những cơn mưa lý tưởng như thế này thì đâu thể thiếu tôi ở sân chơi trẻ con đó chứ. Kẹt cái tôi vẫn còn hơi bị quê với nó nên hễ nó chuyền đến gần là tôi chuyền ra xa một chút. Vớ được một chùm me khá to, nó ngồi ăn ngon lành. Có một chiếc lá chùm gởi đã héo khô tòn ten gần chân nó. Trong chớp nhoáng, tôi nghĩ được cách trả đũa nó. Tôi chuyền tới gần nó:

- Ê Bợm, có sợ rắn không?

Nó điềm nhiên:

- Anh thấy rắn bao giờ chưa? Tui chỉ thấy trong tivi, sách báo thôi nên đâu có cảm giác sợ.

- Rắn cũng có nhiều loại: rắn to, nhỏ, rắn độc, không độc. Có con dài mấy thước. Có con độc cắn một cái là chết tươi.

- Nhưng mà anh có sợ nó không?

- Sợ gì. Xóm mình đâu có rắn độc.

- Vậy thì tui đâu có gì phải sợ.

- Không sợ thiệt hả.

- Ừ, không sợ.

- Dòm xuống chân kìa.

Vừa đúng lúc cái chân đong đưa của nó đụng phải lá chùm gởi khô. Nó hét toáng lên buông hai tay rớt xuống đất như trái mít rụng. Không riêng gì tôi, đám trẻ con cũng điếng hồn. Gốc me mới ồn như chợ vỡ thế đó mà giờ chỉ còn tiếng mưa và gió rít qua kẽ lá. Tôi tuột xuống gốc me. Cả đám đứng im thinh thít vài phút. Chưa có đứa nào kịp nghĩ là chạy vô nhà gọi người lớn. May cho tôi. Quả thật là may cho tôi. Nó lồm cồm bò dậy. Trời còn thương tôi, nó không sao cả ngoại trừ cái đầu gối bị trầy một chút. Nó đứng dậy, đi cà nhắc về nhà. Tôi còn tưởng nó sẽ chửi tôi như tát nước. Tôi chuẩn bị tinh thần để nghe. Nhưng tôi đã lầm. Nó chẳng nói câu nào. Điều này đã khiến tôi ân hận và hứa với lòng từ nay không trả thù gì nữa hết. Tôi chạy theo nó:

- Xin lỗi nha. Tui hổng cố ý. Chân Bợm, í quên, chân Hiền có sao không?

- Tui không sao. Lúc nãy tui còn tưởng bị gãy chân tay nữa chứ. Tưởng chuyến này chắc
chắn bị đòn rồi. Cũng may tui không sao, đầu gối hơi rát chút. Anh đừng giỡn kiểu đó nữa.

- Tui hổng dám nữa đâu.

- Có nên tin anh không?

- Tui thề mà.

Nó đi vô nhà mà miệng lẩm bẩm "Lại thề, ma mới tin anh thề". Đám trẻ con tiếp tục chơi trò tắm mưa. Còn tôi lủi thủi về nhà.

***

Sân trước nhà ông Sáu có cây bạch mai to lắm. Phải gọi là cội mai già. Điều lạ là hoa nở bốn mùa. Những cánh hoa trắng nhỏ li ti từng chùm đong đưa trước gió. Tuy không bằng dạ lý hương, nhưng bạch mai cũng có mùi thơm, một mùi thơm thoang thoảng thanh thoát. Đám con nít tụi tôi hay chơi trò đóng tuồng cô dâu chú rễ trong một đám cưới. Lẽ dĩ nhiên là cô dâu được cài bông bạch mai rồi. Đám cưới có dâu rễ, hai họ, và quà lễ mâm quả hẳn hòi. Dạo trước nhỏ Nga thường hay được làm cô dâu. Tôi làm chú rễ (chỉ có trò này và trò hái me tắm mưa tôi mới chịu chơi chung với con gái thôi). Tuần rồi mấy chị em nhỏ Nga đi Đà Lạt chơi với ba má tụi nó. Tôi mất cô dâu dễ thương, yểu điệu bên cạnh mình. Biểu sao thì nhỏ Loan, nhỏ Hạnh cũng không chịu làm cô dâu. Đám cưới mà không có cô dâu thì còn ra thể thống gì nữa. Tôi gạ đám bạn:

- Ê, hay là mình rủ nhỏ Hiền đi.

- Nhỏ Hiền không có tóc đuôi gà thì làm sao cài hoa ?

- Nhỏ Hiền làm chú rễ chứ làm cô dâu sao được.

- Thôi thôi, um xùm quá đi. Nhỏ Hiền được mà. Chú rễ có quyền chọn cô dâu.

Chẳng đợi tụi nó có chịu hay không. Tôi chạy bay đến trước ngõ nhà ông Sáu:

- Bợm ơi! Bợm ...

- Suỵt! Đây nè. Anh kêu tui chi ?

- Ra chơi với tụi này đi .

- Ngoại không cho đâu, bị đòn chết.

- Đâu có leo cây đâu mà sợ. Chơi trò đám cưới mà.

- Tui làm ông mai hả, hay là bưng mâm vậy?

- Thì ra đây cái đã.

Thoắt cái nó đã rời nhánh ổi, tuột xuống đất.

- Làm cô dâu.

Nó trợn trừng mắt, miệng há hốc, mặt đỏ au nhìn tôi.

- Anh giỡn chơi hoài. Tui làm cô dâu đâu có giống. Thôi đợi khi tui mượn được đầu tóc của bà ngoại tui đi rồi hẳn tính.

- Xưa quá Bợm ơi. Tui nghe nói con gái có mái tóc đờ mi nhìn đẹp lắm. Đâu cần phải tóc dài mới làm cô dâu được.

- Đẹp con khỉ. Vậy người nào chuyên môn kêu tui là Bợm đó?

- Vậy tui hổng kêu Bợm nữa. Chịu làm cô dâu hông?

Nó cười toe toét:

- Vậy mới được chứ.

Bợm đúng là bợm không hơn không kém. Nó thừa lúc tôi thiếu cô dâu nên chơi trò bắt chẹn tôi. Ừ thì bây giờ không kêu nó là Bợm nữa. Đợi mai mốt tôi mới kêu Bợm cũng chả sao. Tôi hăng hái kéo tay nó chạy ra khỏi cửa ngõ. Thành phần đoàn rước dâu gồm có:

- Tôi: Chú rễ.
- Bợm: Cô dâu
- Nhỏ Loan: Dâu phụ
- Nhỏ Hạnh: Má cô dâu
- Thằng Hậu: Ba cô dâu
- Nhỏ Tuyết: Má chú rễ.
- Thằng Nghĩa: Ba chú rễ.
- Thằng Nhân: Ông mai
- Nhỏ Hồng, nhỏ Vi, nhỏ Uyên, thằng Tín: Bà con hai họ bưng mâm lễ vật.

Bông bạch mai nhà ông Sáu được cài tóc cho cô dâu. Kẹt cái tóc cô dâu ngắn củn nên không cài được. Bợm đành nhét chùm bông bạch mai trên vành tai. Bông bụp nhà bà Ba được hái cài lên áo cả đoàn rước dâu. Dây tơ hồng nhà bà Mười được quấn vắt lên cổ, lên tóc mấy đứa con gái. Mâm quả có mấy trái chùm bao nhà bà Mười, mấy trái ổi xá lị nhà ông Sáu, mấy trái mận non nhà cô Tám, mấy trái nhãn non nhà bà Ba, mấy trái bình bác nhà bà Bảy, nhánh me khô làm con heo quay. Hai họ vẻ mặt trịnh trọng nghiêm trang. Cô dâu chẳng yểu điệu chút nào bên tôi. Nó cứ khúc khích cười mãi.

- Ê cười hoài vậy? Đừng cười nữa.

- Tại mặt anh tức cười quá, tui nhịn cười hổng nổi.

- Mặt tui sao mà tức cười?

- Tui hổng biết.

- Hổng biết cũng cười.

- Tui nói rồi, tui hổng làm cô dâu được đâu.

- Thì đừng cười nữa là được rồi.

- hihihi ... Tui sẽ ráng.

Đoàn rước dâu về đến nhà, tức là gốc me, Hai họ bày thức ăn ra. Tôi lựa chùm bạch mai to nhất đưa cho nó:

- Tặng em.

- Hả anh nói cái gì?

- Thì đang đóng tuồng, chú rễ tặng quà cho cô dâu đó.

- Ờ hén, tui quên nữa.

Nó làm bộ trịnh trọng nhận chùm bông. Lần đầu tiên tôi cảm thấy bài hát của ông gì đó đúng ghê. Cô dâu của tôi tóc đờ mi nhưng trông xinh tệ, cặp mắt đen láy long lanh, cái mũi hĩnh dể thương, cái miệng cười làm tôi mát ruột. Tôi còn đang mơ màng vẽ bức tranh cô dâu xinh thì nó vỗ vai tôi:

- Có trái ổi cho anh nè.

***

- Có trái ổi cho anh nè.

Nó thảy cho tôi trái ổi khi tôi vừa bước ra hiên nhà. Hôm nay Bợm làm khỉ sớm quá. Tôi quen gọi nó là Bợm rồi. Tôi nghĩ tôi không thể sửa được, dù đã hứa với nó là tôi không gọi nó là Bợm nữa.

- Bợm ăn ổi sớm vậy?

- Đi chợ không?

Nó chẳng thèm trả lời câu hỏi của tôi. Hai đứa tôi dạo này chơi thân lắm. Bợm là đứa con gái đầu tiên tôi có thể chơi thân được. Tính nó thẳng như ruột ngựa lại có phần lì và liều mạng giống tôi. Hai đứa hay học chung, chơi chung dù tôi học hơn nó một lớp.

- Đi chợ mua gì vậy?

Nó nheo mắt gạ:

- Đi hái trộm tắc ở chợ hoa.

- Vậy cũng nói đi chợ, còn tưởng đi mua gì chứ.

- Mua thì có. Nhà hết dây cột bánh tét rồi. Má biểu đi mua thêm. Sẵn đó đi hái tắc luôn.

Hai đứa tôi len lỏi gần chết mới vào được trong nhà lồng chợ để mua dây cột bánh tét. Hàng hoa, hàng trái cây, ba bữa Tết người ta bày ra sát lề đường. Hàng bán dây lại lọt thỏm trong lòng chợ làm tụi tôi đổ mồ hôi hột chen lấn. Lấn cái thân mình đã khổ còn dắt theo chiếc xe đạp. Mà nếu gởi xe đạp thì cũng phải trãi qua cảnh chen lấn chẳng khác gì. Mà phải đi mua gì nhiều cho cam, chỉ có vài tép dây cột bánh. Tôi làu bàu chửi thầm cái nhà lồng chợ nghẹt người. Chen chân đến được hàng bán dây thì nó la lên:

- Chết cha. Quên mất là dây lạt hay dây lát rồi. Hồi nãy hình như má nói là mua dây lát.

- Chắc hông?

- Hình như hổng phải, chắc dây lạt. Anh có biết dây cột bánh tét gọi là dây gì không?

Tôi ngớ người ra. Nhỏ lớn tôi có phải đi mua dây cột bánh tét bao giờ. Mà thật ra dây gì lại không cột bánh tét được chứ.

- Dây lạt đó.

Hai đứa mua được mấy tép dây lạt xong lại chen lấn để ra bên hông chợ đi thông qua chợ hoa Tết. Mấy chậu tắc cao nghệu, đầy trái xếp thành từng hàng dài chờ khách mua. Hai đứa tôi đi ngang thoáng cái là túi đã đầy những trái tắc vàng mọng. Tôi không ưa lắm mấy trái tắc chua líu lưỡi này, nhưng khoái phá phách hái chơi. Nó thì thích lắm lột tắc ăn ngon lành. Tôi ngồi lên xe, đạp đi:

- Ăn ít thôi, chua thấy mồ.

- ...

- Ngon không? Sao hổng nói gì hết vậy?

- ...

- Lột xong chưa, đưa một trái thử coi ngọt không?

Tôi quay qua thì cái yên sau trống trơn. Té ra nó còn chưa ngồi lên xe, tôi đã chạy tuốt luốt. Tôi đảo vòng xe lại, nó vẫn đang đứng cầm mấy tép dây lạt và tay đang lột vỏ tắc. Nó đưa trái tắc mới lột xong cho tôị Hai đứa nhìn nhau cười chảy nước mắt (hay tại trái tắc chua ?).

Cái tội tài lanh của tôi làm nó bị la. Số là dây lạt thì dùng để cột lá lợp nhà. Dây lát mới dùng để cột bánh tét. Nếu mà lúc đó tôi nhận là mình không biết thì có lẽ nó đã hỏi bà bán hàng rồi. Và cũng có lẽ bây giờ nó cũng không ngồi bí xị bên hè nhà. Rốt cuộc ba nó đã đưa dây điện thoại cho má nó cột bánh. Thấy nó không vui, tôi định hái mấy trái mận bên nhà cô Tám hối lộ cho nó. Vừa bước chân lên hàng rào kẽm gai, con Tô của cô Tám đã vọt chạy ra táp tôi một cái. Con Tô dữ lắm. Bình thường cô Tám cột con Tô trong nhà. Bữa nay tôi xui. Con Tô xổng ra cắn tôi đau điếng. Bợm hốt hoảng lấy giấy chậm máu cho tôi. Nó quên mất nó là kẻ đang bị la. Và tôi là kẻ muốn làm cho nó vui. Nó ngồi xổm xuống đất xuýt xoa thổi vết thương chân tôi. Nhìn đôi mắt đen láy long lanh nước lo lắng, tôi dưng không thấy thương nó vô cùng. Chẳng phải thương như đứa bạn thân bấy lâu nay. Là thương như chú rễ thương cô dâu vậy đó. Lúc bấy giờ tôi mới mười bốn và nó mười ba.


oOo



Ăn Tết xong nó biến mất tiêu. Cả tháng sau mới nghe ông Sáu nói là ba má nó đưa nó đi vượt biển rồi. Ông Sáu vẫn chưa nhận được tin tức gì của con và cháu. Cây ổi giờ lại là thiên đàng của riêng tôi. Nhưng tôi chẳng cảm thấy vui tí nào. Gần nửa năm sau, ông Sáu mất, vẫn không có tin tức gì của con và cháu. Tôi hay lang thang ra chổ ông Sáu sửa xe, ngồi mường tượng hình ảnh Bợm vá xe giúp ông thuở nào. Tôi hay ngồi dưới gốc me ngơ ngẩn nhìn những lá chùm gởi khô đong đưa trước gió. Rồi lại nhớ gương mặt tóc đờ mi xinh tệ của nó hôm đóng tuồng làm cô dâu. Tôi không ngờ mình nhớ Bợm đến như vậy. Có lẻ người lớn gọi đây là triệu chứng tương tư. Tôi tương tư Bợm mấy năm trời.

Mười năm trôi qua, nhiều mối tình đã đến và đi trong đời tôi. Tôi từng yêu tha thiết. Tôi từng thề non hẹn biển. Trong khoảng thời gian mười năm ngụp lặn với bao mái tóc dài, tôi lớn lên, học xong, và đi làm. Tôi không thể quên Bợm. Có lẽ vì vậy mà tôi chưa cưới vợ. Giờ trở về thăm nhà, tôi nghe lòng mình càng dậy lên bao kỷ niệm. Cây me già đã bị ngã trốc gốc sau một trận giông to. Cây ổi xá lị giờ đã lão, trái lưa thưa. Cội bạch mai vẫn nở hoa bốn mùa trước sân nhà ông Sáu. Bây giờ ngôi nhà đó có cô con gái út ông ở. Vẫn không ai biết được tí tin tức gì về vợ chồng ông bà Đào và nhỏ Hiền. Bợm của tôi giờ đang ở phương nào? Sống còn ra sao? Có biết tôi nhớ Bợm lắm không? Nỗi nhớ không dồn dập như những năm đầu. Nỗi nhớ da diết, ray rứt như kim đâm vào tim.


2000