PDA

Xem đầy đủ chức năng : Cảm nhận thơ



Jack
26-07-2007, 12:56 AM
Màu áo trắng, một chàng trung niên ngẩn ngơ hoài niệm trước cổng trường... hình ảnh ấy quen quen, đến độ nhiều người... ngại không dám nói ra vì sợ... cũ. Nhưng chợt nhớ một câu hát trong bài Imagine bất hủ của John Lennon, dù sự đề cập là không tương đồng: Bạn có thể cho tôi là người mơ mộng, nhưng tôi đâu phải là kẻ mộng mơ duy nhất. Vậy thì chừng nào tình yêu vẫn còn, màu áo trắng vẫn còn, kí ức vẫn còn, hẳn trên đời vẫn không lạc loài những kẻ mộng mơ. Và kẻ ấy vẫn có những vần thơ mênh mang như vậy để đồng cảm:

Xa lắc mùa thu

Em không đến trường mùa thu năm ấy nữa
Em không đến trường cả mùa thu năm sau
Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa
Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu

Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu
Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc
Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay ký ức
Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng

Biết em còn đến lớp với tôi không
Lo phấp phổng tháng ngày trôi vội vã
Nắng ký thác đời mình trên sắc lá
Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi

Tôi quá tuổi học trò từ đấy em ơi
Chiều nay trước cổng trường rươm rướm nước mắt
Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất
Con gái tôi tan lớp giục tôi về.

Trương Nam Hương

Một chiều đi làm về, tôi choáng ngợp bởi sắc áo nữ sinh trung học. Dòng sông trắng sáng bừng góc phố. Tôi ngẩn nhìn, bồi hồi nhớ lại một thời đã qua.

Ngày ấy, màu áo ấy, tôi yêu, tôi say... Dường như trên cuộc đời này, em sinh ra là để mong manh, và em mong manh là để cần sự che chở của tôi?

Ai đó nói rằng: khi hồi tưởng về quá khứ, mọi thứ thường lung linh, hư ảo và đẹp! Vậy là chiều nay, tha thướt... tôi chợt nhớ đến những lời thơ của Trương Nam Hương:

Em không đến trường mùa thu năm ấy nữa
Em không đến trường cả mùa thu sau
Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa
Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu

Nhà thơ buồn. Buồn vì sự ly biệt bất ngờ. Ly biệt thì bao giờ cũng buồn, nhưng khi những người trong cuộc không biết trước, không chủ động, thì nỗi buồn là không tả xiết. Chắc hẳn, ai đã từng trải với những tình cảnh như thế sẽ cảm được nhà thơ. Thơ Trương Nam Hương thường giản dị. Chính thế, khi đau đớn, tác giả cũng biểu hiện ngay nỗi đau ấy ở ngôn từ: tiếc nuối, rụng, chảy... Em đã đi rồi, đi vào giữa mùa thu. Mùa thu thường đẹp và buồn. Nhưng, mùa thu ở đây không chỉ buồn mà nó là sự đớn đau:

Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu
Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc
Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay ký ức
Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng

Em đã đi, đi thật rồi. Và mùa thu kia cũng xa rồi. Nhà thơ dùng “xa lắc”, thọat nghe qua cứ ngỡ đó là một sự vụng về trong cách dụng ngôn. Nhưng không, thay vì dùng “xa xôi”, “xa ngái”, “xa tít” v.v. nhà thơ đã dùng “xa lắc”, rất giản dị và chứa cả nỗi niềm xót xa. Dù việc em ra đi đã trở thành quá khứ, nhưng, tôi vẫn đau lòng, tôi vẫn rưng rưng. Bởi vì, tôi chưa bao giờ quên em. Cho dù, tôi đã cố.

Biết em còn đến lớp với tôi không
Lo phấp phổng tháng ngày trôi vội vã
Nắng ký thác đời mình trên sắc lá
Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi

Nhà thơ hoài niệm. Ở đây, chúng ta thấy sự phập phồng, bất an, bàng hoàng. Nhưng rồi cũng hiểu: Sự thật là em đã ra đi. Sự thật là… tôi đã vĩnh viễn mất thời tuổi trẻ. Sự thật là… tất cả không bao giờ trở lại:

Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi.

Và như dòng chảy của cuộc sống, sau “biến cố” ấy, nhà thơ đã trưởng thành:

Tôi quá tuổi học trò từ đấy em ơi

Nhà thơ, viết một câu, theo tôi là một “tiếng kêu” thì đúng hơn. Nhưng, dù sao đó cũng là sự thật. Tôi trưởng thành lên, tôi trôi đi trong dòng đời. Tôi thu xếp cuộc đời mình. Tôi không còn mơ mộng. Tôi có gia đình...Nhưng…

Chiều nay trước cổng trường rươm rướm nước mắt

Đến đây, nếu Em của nhà thơ đọc được bài thơ này, hay ít nhất là câu thơ này, tôi nghĩ, nàng sẽ hạnh phúc! Hạnh phúc, bởi vì, mình đã quá đẹp trong lòng của ai đó. Đến giờ phút này, dù bao nhiêu khó khăn của cuộc đời có ập đến, có lẽ nàng cũng sẽ vượt qua được. Nhưng rồi, hồi tưởng của tác giả tan biến:

Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất
Con gái tôi tan lớp giục tôi về

Tác giả đang định “nhặt”: mùa thu hay “ký ức”? Có lẽ cả hai. Nhưng, thực tại không như thế. Hình ảnh một người đàn ông đứng trước cổng trường, dõi mắt vào khoảng không mênh mông, vô định, tôi nghĩ, sẽ còn sống rất lâu trong lòng của những người đã, đang và sẽ yêu. Nếu không có tiếng gọi của đứa con gái, chắc nhà thơ sẽ bất động. Và nhà thơ của chúng ta, cần một sự lay động để trở về với đời sống hiện tại của mình. Nhà thơ sẽ trở về với gia đình của mình.

Sự chia lìa trong tình yêu bao giờ cũng tạo ra một sự đau đớn. Nhưng, có lẽ cảm ơn đời còn khiến cho chúng ta biết đau khổ vì tình yêu. Và chính nhờ những điều như vậy tình yêu mới trở thành bất tử. Hóa ra, đọc xong bài thơ này của Trương Nam Hương, chúng ta ngộ ra một điều rằng: Đôi khi, sự đau khổ giúp chúng trưởng thành hơn, vững chãi hơn và đáng yêu hơn.

Jack
26-07-2007, 12:57 AM
Những lời thơ rất đẹp của Xuân Quỳnh kết hợp với giai điệu chậm, trầm, da diết của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, qua giọng ca truyền cảm của ca sỹ Bảo Yến, Thơ tình cuối mùa thu đã đến với những người yêu thơ, yêu nhạc và những người yêu nhau.

Thơ tình cuối mùa thu được viết khi Xuân Quỳnh đã ở tuổi trung niên. Với một người phụ nữ, tuổi trung niên là lứa tuổi chín chắn nhất, tỉnh táo nhất sau biết bao những buồn vui, những hạnh phúc, những cay đắng đã trải qua. Tình yêu của một người phụ nữ từng trải khác lắm tình yêu của một cô gái tuổi đôi mươi mới bước vào đời. Bởi vậy, những vần thơ:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
cả trong mơ còn thức
(Sóng – Xuân Quỳnh)

chỉ có ở những cô gái trẻ tuổi, đầy say mê, đầy ước muốn và bồng bột. Tình yêu ở một người phụ nữ từng trải không phải kém phần say đắm hơn tình yêu tuổi trẻ song nó bước vào dạng khác, tương ứng với một giai đoạn khác của cuộc đời con người. Nó vẫn khát khao đấy, vẫn say mê đấy nhưng đằm thắm hơn, sâu lắng hơn, và đời hơn, đàn bà hơn.
Phải từng trải lắm Xuân Quỳnh mới nhận ra:

Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi

Ngay từ xưa con người đã nhận ra đời người như bóng câu qua cửa sổ, ngắn ngủi biết bao trước bánh xe vô tận của thời gian. Thời gian vô tình. Đời người dù hữu tình cũng phải phôi phai. Ai cũng có lúc đi đến mùa thu của cuộc đời. Buồn biết bao khi thời gian như mây trôi, đời người chỉ chốc thoáng.

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá

Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mông
Mùa thu vàng hoa cúc

Đoạn thơ như dòng thời gian lặng lẽ trôi cuốn đi tất cả. Tất cả cứ chuồi đi, cứ trôi đi: mây bay đi, lá cũng bay đi, mùa thu đi cùng lá. Mùa thu theo dòng nước trôi, hoa cúc cũng là của mùa thu.
Tất cả đều ra đi, vậy cái gì còn lại, cái gì ở lại với cuộc đời?

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại

Đời người hữu hạn nhưng tình yêu vô hạn. Kỳ diệu biết bao khi tình yêu không bị cuốn đi theo cơn gió vô tình của thời gian. Tình yêu mãi ở lại. Anh và Em yêu nhau từ mùa thu cũ. Nhưng cũ mà không trở nên xưa. Tình yêu cũ mà vẫn mãi tái sinh, mãi tồn tại theo thời gian.

Tình ta như hàng cây
Đã bao mùa bão gió
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ

Sau bao bão gió, thác lũ của cuộc đời, tình yêu vẫn mãi là bến bình yên neo đậu tâm hồn con người. Cơn gió heo may tràn về làm xao động thiên nhiên, xao động cả lòng người:

Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay.

Không gian chợt se lạnh bởi làn gió heo may, bởi những giọt sương thu se sắt. Nhưng có sao đâu một làn gió heo may. Lòng người bối rối khi tiết trời cuối thu, bối rối khi nhận ra mình đã bước vào mùa thu của cuộc đời. Song phút bối rối ấy chỉ là chốc thoáng. Một chút rối bời rồi lại trở nên êm đềm, một chút se lạnh rồi lại ấm áp bởi sự sưởi ấm của tình yêu.
Đã, đang và sẽ còn biết bao đôi lứa yêu nhau cùng nhau đi qua những mùa thu, những mùa gió heo may. Tình yêu đi cùng gió nhưng không bao giờ bị gió cuốn.

Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may

Bài thơ giản dị. giản dị như cuộc đời vốn giản dị sau bao phức tạp, xô bồ. Giản dị như tình yêu, tình yêu của một người phụ nữ khao khát một tình yêu trọn vẹn, vĩnh cửu. Kỳ lạ thay tình yêu! Kỳ lạ thay trái tim phụ nữ!

ndt_td
26-07-2007, 01:28 AM
Mười tám năm 1 quãng đường dài
Màu áo trắng , nhuốm tâm hồn thơ dại
Theo kỉ niệm , thân thương mái trường xưa
Nhớ 1 thời hoa phượng đỏ sân trường

Ngày xưa ấy bây giờ xa quá
Ngày tới trường lòng phấp phới yêu thương
Ngày thân thương cùng bạn cùng bè
Cùng ấp ủ tương lai ngày sau đóa

tranquyen
02-09-2007, 02:51 AM
tuổi học trò dấu buồn trong cành lá
để hạ về nhặt lá ép vào tim
rồi kiếm tìm lại kỷ niệm ngây thơ
trong trang sách hồng thơm mùi mực tím
ta tìm lại những dòng lưu bút
của ngày nào ta viết trao nhau
nhặt lại cánh phượng hồng tươi thắm
ép giữa dòng lưu bút thân yêu
với bao nhieu kỷ niệm tuổi thơ

kimanhvang
09-12-2007, 09:34 PM
Tác giả: Mai Văn Hoan


,Mùa xuân chín

Có rất nhiều bài thơ nói về mùa xuân nhưng không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh với “Mùa Xuân chín” của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ngay cái tiêu đề “Mùa xuân chín” đã khác lạ rồi. Trong “Bức tranh quê” của Anh Thơ ta gặp “Chiều xuân”, “ Đêm xuân”. Ở Xuân Diệu ta gặp “Xuân không mùa” và Chế Lan Viên ta gặp “Xuân”… Tất cả những tiêu đề đó đều rất quen thuộc nên ít gây ấn tượng. Tiêu đề “Mùa xuân chín” buộc ta phải nghĩ ngợi để tìm một cách hiểu. “Mùa xuân” sao lại “chín”? phải chăng mùa xuân là trái trên cây, là quả ở trên cành. Trên cành có quả xanh, quả chín. Mùa xuân cũng thế: có mùa xuân đang xanh và có mùa xuân đã vào độ chín. Hàn Mặc Tử là người đầu tiên có cách nói về mùa xuân độc đáo, mới lạ như vậy. Nhưng đó mới chỉ là suy đoán. Đọc hết bài thơ ta mới hiểu ngầm ý của tác giả.
Muốn hiểu chủ đề của “Mùa xuân chín” tốt nhất là ta thử làm phép so sánh, đối chiếu hai khổ thơ quan trọng sau đây:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang

Trước mắt chúng ta hiện lên hai bức tranh, hai khung cảnh gần như hoàn toàn đối lập nhau, hai khung cảnh hình như hoàn toàn đối lập nhau. Một bên “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”. Còn bên kia “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Cái “xanh tươi” của cỏ, đối với cái “chang chang” của nắng. Một bên “Bao cô thôn nữ hát trên đồi. Còn bên kia “Chị ấy năm nay còn gánh thóc”. “Cô” và “chị”, “Bao cô” và “Chị ấy”, “ Hát trên đồi” và “gánh thóc” bên sông… Một còn xuân xanh, một đã qua thời tuổi trẻ. Một bên đông đảo vui vẻ, một bên lặng lẽ cô đơn. Một bên hát hoà một cách say sưa. Bao cô thôn nữ đang hát những bài hát về tình yêu. Khi thì tinh nghịch như tiếng sáo thiên thai “vắt vẻo”, khi thì “hổn hển” như tiếng thở gấp của lồng ngực đang phập phồng. Khi thì “Thầm thì” như lời tình tự. Các cô thôn nữ hát một cách hồn nhiên, vô tư. Ở đây có sự hoà hợp giữa ngày xuân và tuổi xuân. Mùa xuân ở trên là mùa xuân đang xanh còn dưới kia là mùa xuân đã chín. Chị ấy đang gánh trên vai gánh nặng của cuộc đời. Chị cần mẫn, chăm chỉ, siêng năng như “con cò lặn lội bờ sông” như bà Tú trong thơ Tú Xương “lặn lội thân cò khi quãng vắng” Hàn Mặc Tử có ý nhấn mạnh chữ “còn”. Trong khi bao cô thôn nữ chơi đùa hát hò vui vẻ thì chị ấy “còn” gánh thóc, chị gánh năm này qua năm khác giữa cái nắng “chang chang” như vậy. “Chị” có vẻ đẹp riêng của “Mùa xuân chín”. Thi sĩ hết sức cảm phục nhưng đồng thời cũng hết sức cảm thông với chị. Từ hình ảnh chị ấy đang gánh thóc “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” mà Hàn Mặc Tử ngậm ngùi cho bao cô thôn nữ ở trên kia:

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Đó là quy luật ít ai cưỡng được. Thi sĩ biết vậy mà cứ tiếc thầm cho họ. Và biết đâu cũng như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử cũng tiếc cho cả tuổi xuân của mình. Xuân Diệu thì bộc trực hơn: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua. Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Hàn Mặc Tử cũng với ý ấy nhưng thể hiện kín đáo hơn. Nói cho cùng các thi sĩ đang nói hộ tâm trạng chung của mọi người. Vì ai mà chẳng muốn tuổi xuân của mình được dài thêm nếu “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” vì nói như Xuân Diệu: “Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật. Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian”… Trong khi tả cảnh mùa xuân vui tươi với các thi sĩ thường hay có những phút chạnh lòng như vậy. Ngày xưa Nguyễn Du vẽ cảnh mùa xuân thật sinh động với “Cỏ non xanh rợn chân trời” với “Dập dìu tài tử giai nhân”… Nhưng cũng chính Nguyễn Du đặt câu hỏi trước ngôi mộ của nàng Đàm Tiên (qua lời nàng Kiều):

Rằng sao trong tiết thanh xuân Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?

Cũng như vậy. Hồ Xuân Hương tả cảnh chơ idu trong ngày xuân với “Bốn mảnh quần hồng bay phất phới” với “Đôi hàng chân ngọc duỗi song song” và nữ sĩ hạ hai câu thật bất ngờ:

Chơi xuân ai biết xuân đang tá
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!

Đó chính là sự gặp nhau của những tâm hồn lớn. Những thi sĩ vốn mang nặng “nỗi đau nhân tình”. Cái điều họ “Sực nhớ”, sực nghĩ, cái điều họ băn khoan… tuy nó khác nhau nhưng đều quy tụ trong tình yêu thương đối với con người - đặc biệt là số phận của người phụ nữ.

qminhnguyen
09-05-2008, 08:43 AM
Một ngày lang thang trên web, tôi tình cờ đọc được những vần thơ của anh, những vần thơ chất chứa những xúc cảm thầm kín, những chiêm nghiệm về tình yêu đôi lứa…khiến cho tôi không khỏi bồi hồi. Tôi không biết anh là ai, anh sống ở đâu và là người như thế nào, nhưng chỉ qua những vần thơ của anh, tôi hiểu, anh là con người của... yêu thương…
Trong rất nhiều bài thơ của anh, hầu hết đều nói về tình cảm không dám thổ lộ của một chàng trai đối với một cô gái, tôi tâm đắc nhất là bài thơ “ Dấu kín”.

Dấu Kín

Hình em thắt bím môi cười
Cho tôi xao xuyến một trời bâng khuâng
Trên cao chim hót ngại ngần
Thênh thang đôi cánh mùa xuân ửng hồng

Long lanh một hạt sương trong
Tưởng như rớt xuống cõi lòng quạnh hiu
Màn đêm giấu kín nắng chiều
Riêng tôi dấu kín tình tôi yêu nàng.

MQN

Mở đầu bài thơ là hình ảnh rất dễ thương của cô gái “ thắt bím môi cười” , như một mảng màu chính được đặt trong bức tranh của khung cảnh mùa xuân tươi đẹp, đó là sự mở ra của không gian và thời gian. Không gian là “ trời , đêm, mùa xuân, cõi lòng…” để từ đó thời gian cũng được nói đến. Từ không gian, thời gian của thiên nhiên nhà thơ khéo léo dẫn dắt người đọc tới không gian, thời gian của lòng người, để từ đó cảm xúc cũng được thăng hoa…

Hình em thắt bím môi cười
Cho tôi xao xuyến một trời bâng khuâng
Trên cao chim hót ngại ngần
Thênh thang đôi cánh mùa xuân ửng hồng

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một cô gái trong tấm hình, chỉ vậy thôi mà làm chàng trai của chúng ta “xao xuyến một trời bâng khuâng”, khiến người ta tự hỏi cô gái này là ai, tại sao lại có sức hút diệu kì như vậy? Câu trả lời đơn giản là: bởi vì chàng trai đã yêu cô gái mất rồi, chỉ có tình yêu mới có thể làm nên những điều kì diệu. Hình ảnh thơ lãng mạng, đẹp, không gian lại không hoàn toàn bị thu hẹp lại mà nó lại trải ra theo một chiều hướng khác, rộng hơn, mênh mang hơn : “Trên cao chim hót ngại ngần. Thênh thang đôi cánh mùa xuân ửng hồng” . Bao giờ cũng vậy, nói đến mùa xuân là nói đến tình yêu, khung cảnh mùa xuân mới khiến cho cả con chim khi cất tiếng cũng phải “ ngại ngần” vì có lẽ mùa xuân trong trẻo quá, tinh khôi quá,… con chim sợ rằng tiếng hót của nó sẽ phá vỡ mất sự tinh khôi, trong trẻo đó của mùa xuân, nên nó "ngại ngần" chăng? Nhà thơ đã cố tình chắp thêm cho mùa xuân đôi cánh “ thênh thang”, biến mùa xuân thành vị nữ thần của tình yêu và hạnh phúc. Bằng đôi cánh đó, nàng Xuân có thể bay khắp nơi ban tặng tình yêu và sức sống cho muôn loài. Hình ảnh tiếng “chim hót ngại ngần” chỉ là một nét chấm phá nhỏ trong khung cảnh mùa xuân vừa sâu vừa rộng kia thôi, nhưng cũng đủ cho ta thấy cái tuyệt mỹ của thiên nhiên.

Long lanh một hạt sương trong
Tưởng như rớt xuống cõi lòng quạnh hiu
Màn đêm giấu kín nắng chiều
Riêng tôi dấu kín tình tôi yêu nàng.

Trở lại với cảm xúc sâu kín của bài thơ chính là không gian sâu thẳm của lòng người, ở đó, con người như nhạy cảm hơn trước bất cứ sự đổi thay nào của trời đất. “ Một hạt sương trong “ chỉ là một giọt nước bình thường với đầy dủ thành tố hóa học, dĩ nhiên nó sẽ rơi vào đâu đó và biến mất như chưa từng có trên đời, vì nó nhỏ bé quá không đáng được chú ý. Nhưng đối với một người đang yêu thì “ hạt sương” đó như rơi vào “cõi lòng quạnh hiu” và làm lay động toàn bộ những sợi dây cảm xúc dù nhỏ nhất. Khiến người ta đang buồn thì dường như buồn hơn, đang "quạnh hiu" thì dường như "quạnh hiu" hơn… Sự song hành giữa thiên nhiên với con người “ hạt sương – cõi lòng” , giữa tính chất với tâm trạng “ trong – quạnh hiu” càng làm tăng thêm mối liên hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, từ tính chất của thiên nhiên ta có thể đoán ra tâm trạng của con người. Đó cũng là cái tài tình của nhà thơ, là cái hay, cái thi vị của thơ ca… Không thể gọi là một bài thơ hay khi tất cả mọi hình ảnh, mọi cảm xúc đều được nhắc đến một cách rõ ràng…

Màn đêm giấu kín nắng chiều
Riêng tôi dấu kín tình tôi yêu nàng.

Khi đọc xong hai câu cuối của bài thơ, người đọc như chợt “ ồ !” lên ngạc nhiên vì đã hiểu ra tất cả mọi chuyện như cách đây mấy trăm năm Colombus tìm ra Châu Mỹ cũng “ồ!” lên như vậy. Thì ra suốt cả bài thơ người đọc nghĩ rằng hai nhân vật trữ tình đang yêu nhau thắm thiết, nhưng kì thực không phải như vậy. Sự thật là chỉ có anh chàng yêu cô nàng mà thôi. Ở đây, người đọc được hé lộ thêm một chi tiết là chàng trai không những yêu cô gái rất sâu đậm mà còn yêu trong thinh lặng, chưa dám thổ lộ hay còn gọi là yêu thầm. Có lẽ cái đẹp, cái mộng mơ của tình yêu là ở chỗ khi nó chưa được thổ lộ, chưa được biết đến. Thêm một lần nữa ta thấy vai trò của thiên nhiên nhiên trong việc biểu lộ tình cảm. Từ chỗ “màn đêm giấu kín nắng chiều” chỉ là cái cớ để chàng trai thổ lộ tâm trạng của chính mình ” riêng tôi dấu kín tình tôi yêu nàng”. Không cần phải đào sâu, buộc phải có cái nhìn chiều sâu nội tâm mới cảm được cái tình trong cảnh, mượn cảnh để tả tình của nhà thơ…

Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát, gồm tám câu chia làm hai đoạn rất cân phương cả về nội dung lẫn hình thức. Chỉ riêng tựa đề bài thơ “ Dấu Kín” của anh cũng đủ để gây sự tò mò : Dấu kín là dấu kín cái gi? Dấu kín điều gi? Và người đọc buộc phải đọc thơ anh để tự giải đáp thắc mắc của mình. Còn riêng tôi, vốn là một độc giả yêu thơ anh, cảm thơ anh theo góc nhìn khách quan, có thể tôi cảm nhận sai, cũng có thể tôi cảm nhận đúng. Tôi không hiểu tại sao anh không dám tỏ tình với người con gái anh yêu thương, để rồi người ta cứ mãi không bao giờ là của anh như thế? Hay có lẽ tình yêu chưa được thổ lộ mới là tình yêu đẹp, nhờ vậy người ta mới có những vần thơ tuyệt tác? Tôi dành câu trả lời đó cho anh.

ThiNuong mạn phép vài dòng “ bình loạn” thơ anh, hi vọng ThiNuong cảm nhận đúng. Hihi!

ThiNuong