PDA

Xem đầy đủ chức năng : Phấn hoa vàng



Cát
16-11-2006, 10:12 AM
Phấn hoa vàng
Sau bữa tiệc ngọt ngào lãng mạn chỉ riêng hai người, tôi tiễn chồng ra phi trường đáp chuyến bay 19 giờ 30. Anh phải đi công tác châu Âu một tháng.

Chúng tôi lấy nhau đã sáu năm, vì nhiều lý do nên chưa có con. Chồng tôi thật sự không muốn đi chuyến này, anh ngại để tôi ở nhà một mình cả tháng trời. Nhưng tôi thì nghĩ, đời sống hôn nhân bỗng có một lúc nào đó lại được tự do như thời son trẻ cũng hay, sẽ như khoảng lặng để đôi bên cùng chiêm nghiệm. Nói vậy nhưng khi vẫy chào anh trước cửa kính phòng cách ly tôi đã chảy nước mắt nhòe nhoẹt, tôi nghĩ rồi tôi sẽ nhớ anh nhiều lắm.

Trở về, mở cửa bước vào tôi nhìn ngay thấy bàn tiệc ngổn ngang. Cảm thấy vừa buồn vừa lười mà cũng không gấp gáp phải dọn dẹp, tôi nằm vật ra giường mở tivi xem. Chương trình thời trang với những cô người mẫu mảnh mai. Tôi ngắm các cô, nuối tiếc bản thân cái thời mình hạc xương mai mới đó. Bây giờ tôi đẫy đà, do có chồng không chịu gìn giữ. Màn hình chuyển sang một bộ phim ca nhạc, phong cảnh đồng quê. Ồ hoa đẹp quá, vàng rực cả một cánh đồng. Tôi yêu những sắc hoa vàng, sắc hoa mỗi khi bắt nắng sẽ sáng bừng lên màu mặt trời. Tôi biết ở đâu có một cánh đồng hoa như thế, nảy ra dự định: Ngay ngày mai, sau giờ làm việc tôi sẽ tới đó.

Nghĩ là làm, bởi để lâu ý thích sẽ nguội dần. Cánh đồng ở phía Nam thành phố, vùng ngoại ô, nơi tốc độ xây cất nhà cửa chưa bùng nổ vũ bão. Buổi mặt trời vừa chớm xuống, sắc vàng pha đỏ hắt trên ngọn cỏ lá cây bờ đất làm cho tất cả nhuốm màu hoàng kim óng ánh. Tôi dựng xe, đi xộc vào khoảng trống, ngất ngây vì hương cỏ hoa ập vào khứu giác. Gió lơn trên thịt da tôi, những đầu dây thần kinh nhạy cảm ngỡ chừng tê dại. Xa tít ở đằng kia, một vạt đong đưa ngút ngát hoa vàng. Dạo đó chồng tôi chở tôi đi ngang qua đây, chúng tôi tìm kiếm những lô đất căn ke mới được người ta phân ranh đóng cọc. Khi đó, bận tâm vì mấy chuyện đất đai, mua bán, quy hoạch, lỗ lãi, thiệt hơn, tôi đâu thanh thản sung sướng như bây giờ.

Tôi đi xăm xăm tới chỗ vạt hoa vàng, hai gấu quần bông cỏ may đơm đầy. Tới nơi, tôi hơi sững người trước tấm bảng nhỏ chặn bước: “Khu vực nguy hiểm”. Tôi nhìn quanh, không một bóng người, không một vòng rào, không một mẩu cọc cắm làm ranh. Khu vực nào? Nguy hiểm gì? Tôi bật cười: Vớ vẩn! Tôi ngồi bệt xuống cởi giày, từ tốn cởi luôn áo khoác ngoài. Tôi đi chân không vào giữa vạt hoa, xa dần tấm bảng cảnh cáo nền đen chữ đỏ. Tôi hét lên vui thích, nằm ngả ra trên thảm nhung mềm êm mượt. Một lớp bụi phấn vàng cuộn tung lên lơ lửng trong không trung vây quanh tôi tỏa mùi hăng hắc. Tôi hít hơi, mùi cỏ dại, mùi hoa không tên, mùi gió hoang, mùi đất ẩm. Tôi nhắm mắt, nghe nhột nhạt những con kiến nhỏ li ti bò trên người.

Tôi trở về nhà khi trời tối hẳn, vào phòng tắm tôi khoan khoái xả nước nóng mù mịt như xông hơi. Tắm xong, vừa mở máy vi tính nối mạng mở hộp thư định đọc email của chồng, tôi bỗng kinh hãi nhận thấy da thịt mình bắt đầu phù rộp lên từng mảng trông vô cùng khủng khiếp. Chỉ trong không đầy năm phút, tôi phồng ra như một trái mít mẩn đỏ, mặt mày biến dạng, chân tay căng nứt. Ngứa ngáy phát điên nhưng hễ càng gãi tôi càng phù rộp hơn. Hoảng kinh, tôi vội tắt máy vi tính. Bốc điện thoại gọi cho ông bác sĩ quen thân với gia đình, kể lể tình trạng bi đát của mình và năn nỉ ông tới. Có lẽ lời tôi qua điện thoại thảm thiết quá nên đúng bốn mươi lăm phút sau ông bác sĩ đã có mặt trước cửa, bấm chuông. Tôi hối hả mời ông vào nhà. Bấy giờ cơ thể tôi đã phồng căng y như trái bóng sắp nổ, tôi phải khoác cái mền lùng nhùng thay vì mặc áo quần. Bác sĩ khám cho tôi, hỏi han cặn kẽ những sinh hoạt trong ngày, tập trung sự chú ý đặc biệt vào khoảng thời gian buổi chiều tôi đi lang thang giữa thảm hoa vàng.

- Dị ứng phấn hoa cấp độ nặng. – Ông ôn tồn kết luận.

Tôi chưa kịp nói gì thì điện thoại cầm tay của ông reo vang, một bệnh nhân khác gọi. Vừa trả lời điện thoại ông vừa soạn thuốc cho tôi, kết thúc cuộc điện đàm ông trao tôi số thuốc kèm lời dặn chia ba phần, uống mỗi phần cách nhau bốn tiếng. Tôi vừa định thắc mắc về những thứ phải kiêng cữ thì điện thoại của ông lại réo.

Thuốc của ông bác sĩ thật công hiệu, có tác dụng ngay sau khi tôi vừa uống. Tôi mừng thấy cơ thể mình dịu đi, da thịt không tiếp tục phồng lên mà có dấu hiệu xẹp dần. Tuy nhiên, tôi bắt đầu lơ mơ buồn ngủ. Tôi lo lắm, vì tôi có tật ngủ rất say. Tôi sợ sau bốn tiếng dù có để báo thức cũng không tỉnh dậy được để uống tiếp liều thuốc thứ hai, rồi còn liều thứ ba nữa. Nếu không uống đủ, thuốc sẽ không có kết quả trọn vẹn. Tôi quay ra định hỏi, nhưng bác sĩ vẫn tiếp tục nói chuyện điện thoại. Tính tới tính lui, tôi nông nổi dốc tuột tất cả số thuốc còn lại vào miệng với suy nghĩ: Thà cứ vậy cho yên tâm. Chiêu nước cho thuốc trôi hết xuống cổ, vừa lúc bác sĩ quay lại thanh minh:

- Xin lỗi cô, tôi phải đi bây giờ. Có một ca dị vật đường thở.

- Nhưng... – Tôi lo lắng.

Ông dịu dàng an ủi:

- Cô cứ bình tĩnh nghỉ ngơi, có sự cố gì báo ngay cho tôi biết.

Tôi nắm đôi tay ông ta:

- Tôi sợ lắm, bác sĩ. Giá là ông thì tôi sẽ bình tĩnh hơn, vì ít nhất tôi cũng biết được chừng nào mình khỏi bệnh.

- Cô nghĩ vậy nhưng bác sĩ đâu phải thần thánh. Chúng tôi cũng chỉ là người thường giống như cô. – Bác sĩ ôn tồn. – Thôi, cô cố gắng ngủ ngon. Hy vọng mọi điều tốt đẹp. – Ông vội vàng ra đi.

Tôi đã không ngủ được, khoảng một tiếng đồng hồ sau thì toàn thân bắt đầu đau đớn dữ dội. Đau đến nỗi tôi quyết định bò đến chỗ máy điện thoại để gọi cho bác sĩ. Mới lết được nửa đường, tôi bỗng phát hiện ra một sự cố kinh hoàng. Cơ thể tôi đang biến đổi dần thành một người đàn ông, chính xác hơn tôi đang biến ra ông bác sĩ. Bắt đầu từ tay chân, sau đó là mặt mũi, nội tạng, thân người. Trong vòng mười phút quá trình biến đổi hoàn tất. Tôi nghĩ mình uống thuốc quá liều nên bị ảo giác, nhưng không, đứng trước gương tôi tái tê với sự thật. Tôi sờ lên bộ râu “của mình”, sờ đôi tay và đôi chân thô, sờ khoảng ngực bằng phẳng, sờ phía dưới bụng. Tôi thét lên, chuyện quái quỷ gì thế này. Tôi cuống cuồng quơ điện thoại nhấn những phím số. Ông bác sĩ lại có mặt sau đúng bốn mươi lăm phút trước cửa nhà tôi. Ông giật thót vì ngạc nhiên khi thấy “chính ông” ra mở cửa.

Chúng tôi đã tranh luận kịch liệt. Ông bác sĩ mệt mỏi và duy lý không thèm tin câu chuyện huyễn hoặc tôi kể. Tôi khâm phục sự bình tĩnh và những lập luận khoa học chặt chẽ của ông. Đề nghị tôi phải nói năng từ tốn, ông tuyên bố không thích đùa. Tôi nói tôi không đùa, ông bèn đòi được gặp chủ nhà, tức là gặp chính tôi trong nhân dạng thật. Túng thế, tôi đành phải giải thích lại mọi việc từ đầu. Vậy là, ông ghi cho tôi địa chỉ bạn ông – một bác sĩ chuyên khoa thần kinh, yêu cầu tôi ngay ngày hôm sau tới đó kiểm tra mức độ minh mẫn của trí não. Ông cứng rắn và kiên quyết đến nỗi khi ông về rồi, tôi gần như tin mình đã bị mất trí.

Sáng hôm sau, vừa ngủ dậy tôi lập tức lao lại gương và sụp đổ vì thất vọng. Quá khứ không trở lại, cơn ác mộng không chấm dứt. Tôi bàng hoàng không biết mình sẽ phải làm gì. Đi làm ư? Chắc chắn không ổn rồi. Ở cơ quan sẽ chẳng ai tin tôi, mọi người sẽ đối xử với tôi cũng như ông bác sĩ, nghĩa là sẽ cho tôi địa chỉ một nhà thương điên và bảo tôi tới đó. Một người không biết mình là ai thì hẳn nhiên thần kinh không thể bình thường! Sau khi vất vả làm vệ sinh cá nhân buổi sáng (vì lần đầu phải cạo râu), tôi buồn bã vừa pha cà phê vừa suy nghĩ. Thở dài, tôi mở máy vi tính thảo một lá đơn xin nghỉ một tháng không lương với lý do phải thu xếp việc nhà, rồi gởi tới công ty qua đường email, thiết tha mong sếp chấp thuận. Sau đó tôi mở thư chồng, anh cho biết đã bay tới nơi, được bên đối tác đón tiếp ân cần, đã nhận phòng khách sạn, rất nhớ tôi, và kể vài cảm nhận ban đầu về một đất nước lần đầu tới. Tôi đắn đo rồi viết trả lời anh ngắn gọn, đại khái tất cả đều ổn. Vừa viết tôi vừa tủi thân. Trong đơn xin nghỉ phép sở dĩ tôi chọn mốc thời gian một tháng vì đó cũng là thời điểm mà chồng tôi trở về. Mong manh hy vọng, biết đâu tới lúc đó chồng tôi sẽ có hướng giải quyết thỏa đáng để giúp tôi trở lại là tôi như cũ.

Tôi tắt máy vi tính, lục tủ chọn một bộ quần áo của chồng để mặc đỡ rồi đóng cửa, đi lang thang ra đường. Thật sự tôi cũng chẳng biết phải đi đâu, làm gì. Cuối cùng tôi chọn một quán cà phê, ngồi thẫn thờ trong góc vắng. Tôi đang thở dài sườn sượt thì một cô gái từ cách đó mấy bàn bước tới, một cô người mẫu quen mặt tôi vừa thấy trên tivi hôm trước. Cô ta nghiêng đầu rất dễ thương:

- Chào bác sĩ, ông còn nhớ em không?

Tôi giật nảy mình, lúng túng. Tất nhiên tôi chẳng thể nhớ cô ta quen biết ra sao với ông bác sĩ. Nhưng cô đã giúp tôi:

- Em là M., bệnh nhân cũ của bác sĩ đây mà.

- Thường thì thầy thuốc ít khi nhớ bệnh nhân của mình...

Sự bất đắc dĩ tôi phải làm tròn vai diễn. Cũng may, cô người mẫu tên M. không quấy rầy tôi lâu. Cô nhỏ nhẹ nói rất biết ơn tôi (à không, biết ơn ông bác sĩ) vì đã chữa trị cô qua khỏi căn bệnh ngặt nghèo dạo ấy, rồi cô cúi chào và duyên dáng rời bàn, uyển chuyển bước đi. Tới lúc gọi bồi tính tiền tôi mới biết cô đã trả hộ. Công bằng mà nói M. thật xinh xắn trang nhã, nếu không buồn bực trong lòng hẳn tôi cũng muốn chuyện phiếm với cô đôi chút về thế giới người mẫu, hoặc về bệnh tật của cô hồi trước. Thậm chí khi cô nắm đôi tay tôi để bày tỏ sự trân trọng, tôi đã ước giá tôi được là cô – hẳn sẽ vui hơn nhiều so với phải đội cái lốt đàn ông.

Rời quán cà phê tôi tiếp tục đi lang thang không chủ đích, cuối cùng thấy mệt mỏi quá tôi quyết định trở về. Khi tra chìa khóa mở cửa để vào nhà, bà hàng xóm nhìn tôi lom lom như muốn báo cảnh sát. Cũng phải thôi, mang bộ dạng này tôi đã trở thành kẻ xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Chưa kể nếu là người có óc tưởng tượng phong phú, bà ta chẳng ngại gì không thêu dệt ngay trong đầu một mối quan hệ khả nghi giữa tôi và ông bác sĩ trong những ngày chồng tôi đi vắng. Nhưng tôi bất kể, chuyện đó cũng không bi đát bằng tai họa kinh khiếp mà tôi đang phải gánh chịu. Vào nhà, tôi uể oải thay đồ. Một cơn đau đớn khủng khiếp trỗi dậy làm tôi oằn mình. Tôi vã mồ hôi như tắm, nghiến răng kèn kẹt. Rồi tôi trợn mắt hoảng kinh, trời ơi, tôi lại thay đổi nữa. Mất khoảng mười phút, tôi hóa thân trọn vẹn ra cô người mẫu. Mảnh mai, duyên dáng, xinh tươi, uyển chuyển, thanh nhã. Không thể tin được, đầu óc choáng váng muốn nổ tung, tôi sắp phát điên. Chưa đầy một ngày, tôi đã liên tiếp thay hình đổi dạng, sao chép y chang những người tôi mới vừa tiếp xúc trước đó. Nảy những suy luận kỳ quái, tôi mặc vội quần áo mở cửa ra ngoài.

Tôi đi qua nhà hàng xóm bấm chuông. Khi bà láng giềng cảnh giác ló đầu ra, tôi ngọt ngào đóng vai một cô gái đang tìm nhà người quen. Giọng nói dịu dàng của tôi làm bà động lòng, chỉ vẽ hết sức ân cần. Tôi nắm lấy đôi tay bà để cám ơn, trong đầu máy móc nghĩ giá như tôi có thể biến thành bà cũng tốt. Sau đó tôi lén lút trở về nhà mình, bấm đồng hồ canh giờ. Đợi chờ thật khó chịu và lâu lắc, tôi xuống bếp tranh thủ nấu cơm cho qua thời gian. Đúng một tiếng đồng hồ kể từ cái nắm tay thu nạp hình ảnh của người hàng xóm, tôi gồng mình chịu đựng cơn đau đớn khủng khiếp và mất mười phút để biến hóa y hệt bà láng giềng cảnh giác đó.

Vậy là cuối cùng tôi đã tìm ra cách thức để trở lại là mình, chỉ cần tôi phải thu nạp được hình ảnh của chính tôi. Nhưng, tôi đau đớn nhận ra một sự thật hiển nhiên: Làm sao có một tôi khác để cho tôi có thể nắm tay, ghi nhận, ước ao và biến hóa. Tôi phát khóc vì thương thân, từ nay cho đến suốt kiếp sẽ không bao giờ tôi còn được là tôi nữa. Phấn hoa vàng và món thuốc chống dị ứng quá liều tai nghiệt đã tước đi của tôi niềm hân hoan được sống bởi chính mình.

Khóc chán tôi tự dỗ: Không thể đầu hàng, phải tìm được cách nào đó. Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi, vậy rồi cũng nghĩ ra. Tuy không hoàn hảo, nhưng ít nhất cách thức này sẽ giúp tôi sống tiếp gần giống với cuộc sống cũ. Từ đây cho tới khi chồng tôi trở về, tôi phải trải qua nỗi khó khăn bằng cách biến tai ương thành một thứ trò chơi. Tôi sẽ sử dụng quyền năng biến hình quái gở của mình để trải qua nhiều tính cách, nhiều nhân dáng, nhiều số phận, khám phá nhiều kinh nghiệm, nhiều cảm xúc, nhiều nỗi suy tư trăn trở, và có nhiều mối quan hệ... Trở ngại duy nhất của cuộc chơi là nỗi đau đớn khủng khiếp mỗi khi đổi lốt. Nhưng cũng phải thôi, có niềm vui nào ở đời lại không được đánh đổi bằng một cái giá nào đó, dù đắt dù rẻ.

Vào tuần lễ cuối cùng của thời gian một tháng, tôi gọi điện cho mẹ, thiết tha yêu cầu mẹ tới. Tôi đón mẹ trong cái lốt trẻ trung sôi nổi của một cô ca sĩ – tôi đã có được lốt này sau buổi tối cuối tuần đi xem ca nhạc, khi lên sân khấu tặng hoa cô ta tôi đã tranh thủ nắm tay “làm thủ thuật”. Vài ngày đội lốt một người nổi tiếng, tôi có được những niềm vui nho nhỏ từ các fan hâm mộ, nhưng thời khắc vui chơi đã hết, chồng tôi vừa báo tin anh sẽ trở về vào cuối tuần. Mẹ bàng hoàng vì câu chuyện của tôi, suýt nữa không tin nếu tôi không kể lại những kỷ niệm thời ấu thơ chỉ có tôi và mẹ biết, đồng thời thuyết phục bằng cách chứng minh cho mẹ thấy. Tôi nắm đôi tay mẹ, sau một tiếng đồng hồ chờ đợi và mười phút đau đớn tôi cải lốt trở thành bản sao của người. Người ôm ngực thì thào: “Được rồi, mẹ tin con. Bây giờ con muốn mẹ làm gì?”, tôi trình bày kế hoạch của mình. Mẹ gật đầu đồng ý, đoạn ôm lấy “tôi” vỗ về, an ủi. Khi đó tôi hiểu: Người đã nhận ra tôi chính nhờ linh cảm của tình mẫu tử thiên phú.

Chiều đó, tôi về nhà ba mẹ ăn bữa cơm chung với gia đình trong lốt bà bạn lớn tuổi của mẹ. Không một ai ngoài mẹ biết tôi thật sự là ai. Cuối bữa cơm, tôi nắm đôi tay đứa em gái của mình và nhìn nó âu yếm, nói những lời ngợi khen trìu mến. Sau đó tôi vội vã trở về nhà mình. Vừa chịu cơn đau đớn để đổi lốt thành đứa em xong, tôi tức tốc ra tiệm cắt tóc để cắt phăng mớ tóc dài, làm lại kiểu đầu ngắn quen thuộc mà tôi thường để. Ngay ngày hôm sau tôi mò ra biển, phơi tới đen sạm làn da của em tôi vốn trắng. Tôi trang điểm thật đậm cho có vẻ già dặn. Tôi ăn uống thả giàn đồ ngon thức ngọt để lấy dáng đẫy đà trong thời gian ngắn. Nói chung, trên cái nền của đứa em gái cách tôi bốn tuổi, tôi cố tạo ra một bề ngoài gần giống với tôi nhất. Trước ngày đón chồng về, tôi bạo gan thử kết quả bằng cách trở lại cơ quan làm việc. Tôi thở phào như trút được gánh nặng khi mọi người trong công ty hầu như không ai phát hiện gì, thậm chí sếp sau khi khiển trách một tăng bỗng vu vơ nhận xét tôi dạo này trông trẻ trung, thon thả hẳn.

Ở sân bay, ngay giữa đống va li túi xách ngổn ngang chồng tôi ôm chầm lấy tôi, siết chặt tôi trong tay anh. Anh trông trắng hơn, có vẻ gầy đi nhưng hoạt bát. Chuyến công tác thành công trọn vẹn làm anh hết sức vui vẻ. Trong taxi, anh thì thầm rằng anh nhớ tôi đến phát điên, rằng anh có mua rất nhiều quà cho tôi, rằng anh ngỡ ngàng khi thấy tôi xinh đẹp tươi tắn biết bao, rằng anh chỉ mong được về tới nhà ngay để bế bổng tôi trên tay mà yêu thương trìu mến. Tôi lặng lẽ nhìn bâng quơ ra cửa kính, chẳng biết mình đang vui hay đang buồn...

Chúng tôi về tới nhà, khi cánh cửa vừa khép lại sau lưng chồng tôi vội vã kéo ập tôi vào anh, cuống quýt hôn tôi nồng nàn. Tôi thẫn thờ, để mặc anh âu yếm vuốt ve. Bàn tay anh dịu dàng quen thuộc. Bỗng, anh giật phắt mình bật dậy, lay tôi như đã phát điên:

- Vết sẹo của em đâu?

- Anh nói vết sẹo nào? – Tôi ngơ ngác.

- Vết mổ ruột thừa, ở ngay chỗ này nè. – Anh chỉ vào nơi lẽ ra tôi phải có vết sẹo xấu xí, kỷ niệm lần giải phẫu suýt chết. Rồi anh dằn giọng. – Cô không phải là vợ tôi.

- Không. Em đúng là vợ anh...

- Cô đừng hòng qua mắt, vợ tôi tôi biết. Cô là ai? Tại sao giả danh? Vợ tôi đâu? Cô đã làm gì cô ấy? – Anh nổi nóng.

Tôi im lặng không thể thốt nên lời, tôi nhìn thấy trong đôi mắt rừng rực của anh hình ảnh chính tôi: trong trẻo, vẹn nguyên, đầy ắp. Bất thình lình cơn đau dữ dội nhất từ trước đến nay ập tới làm tôi chết điếng. Mắt tôi nhắm nghiền, vạt hoa vàng hiển hiện. Phấn hoa hăng hắc bốc cao thành một đám mây lan tỏa bao bọc lấy tôi. Tôi ngã xuống thảm êm mềm mại. Rơi mãi, rơi mãi, rơi mãi. Sắc hoàng kim óng ánh như những sợi mặt trời đan quyện. Mùi cỏ dại, mùi hoa không tên, mùi gió hoang, mùi đất ẩm... Tôi rơi, rơi, rơi... Tất cả xoay tròn giống như đang trong một vòng xoắn ốc. Chao đảo ngả nghiêng. Và điều kỳ diệu xảy ra: Tôi lại trở về chính tôi.

Một giấc mơ có thể kéo dài tới ba mươi ngày không? Ngỡ như tất cả mọi chuyện xảy đến với tôi chưa bao giờ là có thật. Nhưng tình yêu thì rõ ràng đến mức tôi tưởng mình có thể cầm lên tay – như cầm một đóa hoa vàng – để nâng niu trìu mến..