diemxua
10-09-2006, 04:23 AM
ÁNH MẮT TRONG TIM
Chương 1
Gần nữa khuya, một bóng người chạy hớt hải trên con đường vắng lặng, mắt nhìn dáo dác . Là một thanh niên cao lớn, trạc dưới ba mươi , cả người đẫm mồ hôi . Anh ta chạy khá lâu rồi, trên nhiều con đường mới đến đây . Anh ta chạy từ lúc giật mình tỉnh giấc, người nằm bên anh đã biến mất . Và bây giờ, trong tâm niệm duy nhất của anh chỉ một ý nghĩ : "Phải tìm ra người ấy, dù đánh đổi bằng bất cứ giá nào .
- Anh Hai !
Anh ta vụt cất tiếng gọi vang, phá đi cái tĩnh mịch hiếm hoi, ngắn ngủi trên một đường phố của Sài gòn hoa lệ . Không một tín hiệu đáp lại, ngoài tiếng âm vang . Anh ta lại chạy, mắt lướt nhanh qua các lề đường , lối rẽ, và như mơ thấy bóng dáng thân thương quen thuộc đang đứng lẻ loi ở mái hiên nhà góc đường .
Anh ta lao nhanh qua, miệng gọi :
- Anh Hai !
Rít ... rít ... rít ...
Tiếng thắng xe rợn người, khiến người từ góc phố nghiêng tai lắng nghe . Anh ta chỉ không thấy chiếc xe dù thắng gấp vẫn hất tung người chạy qua rồi mới thắng được .
Người tài xế mở cửa xe, tung ra, đỡ người kia lên, miệng kêu không ngừng :
- Này ! Chú em có sao không ? Trời ơi! Sao đâm đầu vô xe tôi vậy ?
Người thanh niên đứng lên, khoát tay, tiếp tục đâm bổ qua đường, rồi rón rén bước chân, tới trước người kia, lảo đảo khuỵ xuống . Anh chợt ôm ngực ho một tràng xé ruột . Tiếng ho khiến người kia giật thót , lùi một bước , quơ quơ cây gậy trên tay như muốn đi .
Người bị xe tông đưa tay níu người kia, anh há miệng định nói, chợt nhợn nhạo, oẹ một tiếng . Từ miệng anh, máu tứa ra, tràn xuống ngực . Anh chợt nghe thê thiết cả cõi lòng, và cũng chợt nghe thanh thản . Mắt anh muốn nhắm lại , cố mở ra, anh thều thào :
- Anh Hai! Má linh thiêng đã chấp nhận lấy cái chết, em xoá bỏ ... mọi ... tội lỗi . Anh ráng ... đợi ít lâu để .. vuốt mắt em ... Em cầu xin ... anh ....
- Đạt ! Em điên rồi .
Người kia ôm lấy Đạt, để rồi kinh hoàng, miê5ng và ngực áo Đạt nhớp nháp những máu tanh nóng . Anh gào lên, tay sờ khắp mặt mũi Đạt, kêu cứu và oà khóc :
- Anh bằng lòng . Bằng lòng về với em , sống bên em suốt đời . Đạt! Nghe anh nói không ? Em mở mắt ra đi . Anh xin em .
Tiếng hú còi xe cấp cứu tới gần, nhấp nháy đèn xanh đỏ rồi dừng lại . Người tài xế ta-xi nhìn chiếc xe cảnh sát chạy phía sau, thở dài, đi lại gần .
- Báo cáo các anh, xe tôi vừa tông người ở khoảng đường này là tôi đã gọi các anh và xe cấp cứu .
Chiếc xe cấp cứu lao đi, hụ còi liên tục . Trong xe, Đạt nằm bất động, người bác sĩ chích liên tiếp vào anh nhiều mũi thuốc, chụp o-xy vào mũi anh, rồi quay lại hỏi người cùng đi với nạn nhân :
- Anh là gì của anh ấy ?
- Nó là em tôi - Người kia nấc lên, từ đôi mắt màu mây trắng tuôn tràn nước mắt .
Viên bác sĩ nhìn sững vào đôi mắt màu mây trắng vô hồn . Anh ta mù .
Chiếc xe vẫn lao đi bằng tốc độ nhanh nhất, còn trí não hai con người kia, một bên bờ vực chết, một luôn sống trong bóng tối, lại như hồn xác ly khai .
Ngược dòng thời gian về quá khứ ...
"Mình làm anh em đi ... Má! Nó là thằng Đạt ... Con muốn nhìn ba không ? Ổng cũng là ba thằng Đạt ... Thì ra anh là anh Hai em ? Ôi ! Sướng quá ! ... Tôi sẽ giết, sẽ đốt nhà kẻ giựt chồng tôi bằng ngọn đèn dầu rồi nói vô ý làm ngã phát cháy . Anh tin không ? Anh tin ... Cháy ! Căn nhà rực lửa ... Má ! Má ơi ! ... Một người nằm bất động, sũng nước, mặt đẫm máu ... Một xác phụ nữ cháy xém ... Má ơi ! Anh Hai ơi !..."
oOo
Năm tháng sau .
Quận Tân Bình mở rộng khu dân cư, đô thị hoá . Vùng đất hoang hoá sau khi được nhà nước san phẳng, chia lô, làm đường, bỗng dưng tràn sức sống . Những con đường trở thành lộ chín , mọc nhanh các nhà cao tầng . Những con đường nhỏ hơn, mọc các loại nàh thường thường bậc trung . Nghĩa là hoặc "một thớt" (một tầng lầu), hoặc là thớt sàn ván, có gác lửng .
Còn một loại đường nữa mọc lên những con đường phụ, loại đường chưa có số, có tên . Loại đường này, nhà nước chưa để mắt, bởi phải chờ khá lâu mới có dân cư . Mà dân cư ở tận những nơi này thì ... Chà, chà, phần quản lý nào cũng ớn hết .
Ở một con đường như thế, sáng nay bỗng dưng "mọc" ra một túp lều . Nói túp lều, vì không thể gọi bằng tên gì khác, bởi nó làm bằng loại miếng nhựa sọc xanh, đỏ, mà người ta thường dùng để che, đậy ở các công trình đang xây dựng . Vách bằng phên cót bán sẵn ở chợ và vài tấm ván cốp - pha nham nhở đã vứt bỏ .
Túp lều mọc sát khu nhà tạm của nhà thầu xây dựng, cất lên dành cho công nhân xa nhà ở . Công ty này đấu thầu một phần ba khu dân cư mới nên tha hồ có công ăn, việc làm dài lâu . Và túp lều kia cũng tha hồ tồn tại . Nếu muốn trở thành cư dân sở tại càng tốt, chẳng ai buồn đặt một câu hỏi : "Từ đâu tới ?"
Từ túp lều ấy, bước ra một cô gái và hai đứa nhỏ . Cô gái nhìn chẳng thể biết là bao nhiêu tuổi . Mười tám , hai lăm hay ba mươi ? Còn hai đứa nhỏ, một trai, một gái, thì đứa trai độ tuổi đến trường cấp I, đứa gái vào mẫu giáo . Duy một điều , ai cũng biết , họ là ba mẹ con, bởi họ đang nói chuyện với nhau .
"Bà mẹ"cốc tay vào đầu thằng con, nói :
- Lượm! Cấm chọc Hâu. Rõ chưa ? Má về mà nghe ngoại méc, má sẽ phạt con quỳ xơ mít .
Chà ! Một hình phạt đầy tính dân gian, nhưng đạt hiệu quả cao khi đem hăm doạ .
Thằng Lượm ngước nhìn mẹ, nói cụt ngủn :
- Biết rồi .
Có vẻ hài lòng trước hai tiếng "biết rồi" như một lời hứa, cô gái xăn tay áo, (loại áo xanh công nhân thời xửa, thời xưa) lên tới cườm tay, chụp cái mũ đồng loại như áo lên đầu, tất tả bước đi . Đứa con gái chợt gọi :
- Má !
- Gì ? - Cô quay lại, tiếng một .
- Trưa nay, con muốn ăn cơm .
- Cấm đòi hỏi - Thằng Lượm nạt .
Bà mẹ lại gật đầu :
- Má có việc làm, dĩ nhiên là được ăn cơm . Má dặn ngoại rồi, hai đứa đừng lo .
Chị đi trên con đường mòn xuyên ngang vùng đất rộng đỏ chạch, biến mất vào công trình xây dựng ở lộ chính .
Ở nhà, hai đứa nhỏ đi vô . Con Hậu nói liền liền khi đến bên người đàn bà cụt chân, đang ngồi ở vạt giường trải chiếu ni-lông, vá áo .
- Ngoại ! Má nói nấu cơm .
- Biết rồi !
- Hai lon hén ngoại ? - Con bé hỏi bằng giọng hồi hộp .
Ngẩng gương mặt xanh xao, khắc khổ lên, ánh mắt đục lờ loé tia sáng lạ kỳ . Thằng Lượm như vừa thương, vừa ghét, duy giọng nói vẻ nghiêm lạnh :
- Gì mà hai lon . Mày lại điêu ngoa rồi . Một lon rưỡi .
Lượm cốc nhẹ con Hậu một cái :
- Nghe chưa ? Một lon rưỡi .
Nó quay sang bà ngoại :
- Ngoại yên chí, con nấu đúng lon rưỡi .
Con Hậu thở hắt ra , bằng lòng với kết quả . Lại hỏi :
- Ăn với giống gì, ngoại ?
Thằng Lượm tằng hắng, liếm môi :
- Ngoài lộ chính, rau má mọc ê hề .
- Cho con đi hái với .
Bà ngoại gật rồi lại lắc đầu :
- Không được! Má biểu học bài .
Lưỡng lự một chút, bà nói tiếp :
- Tao đi chợ, ở nhà ôn bài đi . Về tao dò .
Hai đứa nhỏ mừng rơn, lăng xăng, đứa lấy túi, đứa đưa lược .Cuối cùng thằng Lượm đem ra một cái mo hình thuyền, làm bằng lốp xe và hai đòn gỗ .
Bà ngoại chúng chải tóc, bới gọn gàng xong, thay áo và một cái quần đùi hoa . Quần áo chẳng mới mẽ gì , nhưng sạch sẽ . Cái quần đùi dài phủ đôi chân cụt hơn nữa đùi trên . Bà ngắm nhìn khá lâu mới chịu chống hai tay đu người lên, ngồi vào cái mo thuyền, kéo hai sợi thun cột vào chân thật chặt, xong đâu đó, nhấc hai cái đòn để ở hai tay . Người đàn bà đi chợ bằng cách của bà . Tay phải nhấc đòn đưa lên phía trước, mông nhổm lên chồm tới, cùng lúc tay trái nhấc đòn đưa lên . Vậy là bà đã "bước đi" một bước . Và cứ thế , bà đi ra khỏi túp lều hướng về khu chợ mới hình thành theo khu dân cứ mới .
Hai đứa như quen cảnh ấy rồi, chẳng buồn nhìn theo, cũng không ôn bài, cứ thế, lăn ra nằm .
Bé Hậu thực tế lớn hơn tuổi người ta tưởng . Với cái đầu tinh ranh nhất khi nói đến một chuyện ăn uống, mơ màng hỏi :
- Anh Lượm! Đoán coi ngoại cho mình ăn uống gì ?
- Rau khoai, muối đậu .
Mắt con Hậu chớp lia :
- Giá được ăn một bữa canh chua cá bông lau .
Thằng Lượm xì dài :
- Ở đó mà mơ . Có cơm ăn, mừng rồi . Mày nhớ tuần trước hông ? Má nhịn đói cả hai ngày để tao với mày ăn đủ hai bữa cháo ?
- Giờ khác chứ bộ . Má nói khu này, xây nhà tới mấy năm hổng biết .
- Rồi sao ? Bộ ăn tuốt hết hả ? Biết chừng đâu , má bị đuổi , hay bị ... như bà ngoại .
Con Hậu bỗng ré lên :
- Nhổ nước miếng nói lại đi . Đồ nói bậy !
Thằng Lượm thở ra :
- Bộ tao muốn vậy sao ? Chuyện ràng ràng ra đó, má kể mình nghe cả trăm bận rồi .
- Nhưng má thời khác, má luôn may mắn . Nếu không, sao nuôi nổi tụi mình .
Câu này bé Hậu học được từ mẹ cô . Nó nói bằng vẻ tự tin lắm .
- Bỏ đi ! - Thằng Lượm ngồi dậy - Ôn bài lẹ, kẻo bị quỳ xơ mít đó .
Ôn bài, nhưng hai đứa cóc cần đi đâu hết . Trên tay thằng Lượm có thêm chiếc đũa tre và một rá nhựa đầy những chữ cái viết trên bìa cạc tông . Chìa ra một chữ , thằng Lượm hỏi :
- Chữ gì ?
- A .
- Chữ gì ? - Lượm chìa tấm khác .
- Nờ .
- Chữ gì ?
- Hờ .
Thằng Lượm ráp cả ba chữ xuống đất :
- Chữ gì ?
- A nhờ anh . Anh
- Giỏi .
Thằng Lượm thu ba tấm bìa , hất mặt :
- Viết đi - Nó chìa chiếc đũa, con Hậu cầm như cầm bút, chăm chú viết xuống nền đất chữ ANH nắn nót .
Và cứ thế, thằng Lượm làm "thầy", bắt con Hậu trả bài, và viết chính tả từng chữ Hậu thuộc . Chữ nào Hậu còn ngắc ngứ, nó để qua, lấy gạch đè lên .
Buổi học tiếp tục cho tới khi thằng Lượm nhìn bóng nắng, đứng lên đi nấu cơm .
o O o
- Nhân ! Bốn xe cát .
- Dạ có .
- Nhân ! Hai bao xi măng .
- Dạ có .
Tốc độ nhà xây càng nhanh, Nhân càng tất bật, chạy quanh không hở tay . Chị vác xi-măng chạy ù như dân phu chuyên nghiệp . Đẩy xe chở cát cứ băng băng . Hết nước ư ? Chuyện nhỏ . Hai tay Nhân xách hai thùng đầy, chạy ào ào, cho tới khi bể nước đầy .
Công trình này của công ty, nên được chăm chút cả hai bên . Giám đốc là người đàn ông khó đoán tuổi , luôn ăn mặc giản dị , ít lời . Nhưng khi ông ta mở miệng, thoáng nét cười, ta độ chừng ông chỉ bốn mươi .
Ông ta đang vào chỗ thi công, nón bảo hộ đội trên đầu . Ông nói lớn :
- Hôm nay mời anh chị ăn bồi dưỡng, sau đó ta làm bù độ mười lăm phút nhé .
Nghe đến chữ "ăn", ruột Nhân cồn cào dữ dội . Chị tựa vào gốc bằng lăng, cố nuốt nước bọt đang ứa đầy trong miệng, đầu nghĩ đến loại thức ăn mình chỉ nhìn thấy .
Đám thợ thầy tụ họp nhanh như chớp, mỗi người được phát một hộp xốp trắng . Nhân là người sau cùng, cô cố bình tĩnh, đi cách xa đám thợ, mở nắp hộp ra xem . Cha trời ! Xôi đậu xanh với tôm rang . Hai con tôm to quá .
Nước miếng Nhân nhiễu ra khỏi miệng không sao kìm được . Nhân bốc lẹ miếng xôi, nhai trệu trạo , nuốt chửng đến suýt mắc nghẹn . Tay nhón lấy con tôm rang, đưa lên miệng rồi bỏ xuống . Đảo mắt nhìn quanh, không có ai hết, đám thợ tụm lại vừa ăn, vừa nói chuyện tiếu lâm tục tĩu . Nhân liếm môi lia lịa, lấy từ túi áo tờ giấy báo , nhón hai con tôm cho vào báo, gói kín lại :
- Sao chị không ăn ?
Nhân giật nẩy mình, quay đầu lại . Một gã thanh niên đứng nhìn chằm vào chị vẻ tò mò . Là con của ông chủ nhà hay người ở công ty ? Nhân không kịp nghĩ, cứ ấp úng :
- Dạ, tôi để ... cho con ... à không ... để trưa ...
- Chị có con à ?
- Dạ .
- Mấy đứa ?
- Dạ hai ... với bà mẹ .
- Chồng chị đâu ?
- Dạ ... c...hưa . - Gương mặt lem luốc thoáng đỏ .
Người thanh niên nhíu mày, tò mò hỏi tiếp :
- Chị mới vô làm à ?
- Dạ, được ba bữa .
- Nhà ở đâu ?
- Dạ, bên khu nhà nghỉ công nhân . Dạ, tôi mới dọn đến hôm qua .
Nước bọt tứa ra, Nhân vò đại nắm xôi cho vào miệng, bất kể ánh mắt nhìn của gã thanh niên . Chị nhai vội , nuốt vội . Bốc miếng khác , hai con tôm còn y .
Gã thanh niên nhìn rồi ngẫm nghĩ , lại hỏi :
- Con chị bao lớn ?
- Đứa mười tuổi, đứa bảy tuổi .
- Chị để dành tôm cho hai đứa con , đúng không ?
Nhân liếm môi, gật đầu . Người thanh niên bước đến gần hơn :
- Chị cứ ăn đi, lát nữa, tôi cho phần khác đem về .
Nuốt vội miếng xôi, Nhân lắc đầu :
- Dạ, tôi không dám .
- Sao lại không dám ? Của tôi cho mà .
Nhân lắc đầu không nói , mắt lom lom nhìn gã như tự hỏi "Gã là ai ?" Hiểu ý, gã nói :
- Tôi tên Đạt, kỹ sư giám sát thi công bên công ty .
- Dạ, tôi tên Nhân, mới được thâu vô làm ở đây .
Nhân e dè đáp và nghĩ bụng : "Sao mấy hôm rày, mình không thấy anh ta ?"
Lại như hiểu Nhân nghĩ gì, gã nói tiếp :
- Tôi giám sát nhiều công trình thi nhân lắm , nên mỗi nơi chỉ đến rồi đi .
Ra là vậy . Mắt Nhân liếc qua đám thợ, thấy họ tản ra, trở về với công việc , cô liền vội vàng cho luôn miếng xôi còn lại vào miệng . Miếng xôi khá to, khiến chị lúng búng không chào được Đạt, chỉ đưa mắt nhìn rồi chạy đi .
Hôm đó, đến trưa Đạt mới ra về, anh nhìn Nhân làm việc không tiếc sức, tự hỏi thầm : "Chị ta ốm yếu vậy, chẳng biết làm được bao nhiêu ngày ?"
Còn Nhân, nhìn hộp xôi Đạt cho người đem lại, mừng lắm, nhưng ngần ngại không dám nhận . Chị luôn nhớ câu mẹ dạy : "Đời chẳng ai cho đi mà không muốn nhận về nhiều hơn . "
Người thợ để đại hộp xôi dưới gốc cây và ra về từ lâu rồi . Chung quanh không bóng người, Nhân bước đi rồi chần chừ quay lại . Chị nghĩ đến gương mặt rạng rỡ của con và mẹ khi nhìn thấy món ăn nầy . Nên hay không nên ?
Nhân cắn răng, cắm đầu chạy thẳng về nhà. Tay khư khư giữ chặt hai con tôm trong bọc áo, không một lần nhìn lại hộp xôi đặt dưới gốc cây đầy vẻ cám dỗ. "Hôm nay có cơm, má lại đi chợ, thêm hai con tôm, coi như tiệc rồi."
Trên tầng hai, người đàn ông chủ nhà dõi mắt nhìn theo Nhân chạy khuất, với thoáng ngậm ngùi.
-------
__________________
Chương 2
Đạt nhìn đồng hồ, đi như chạy trên lối đi trải nhựa vào căn nhà nằm giữa vườn đầy hoa và cây ăn trái. Căn nhà trệt, ngói đỏ, lót nền bằng gạch bát tràng, có đến hai cửa chính và rất nhiều cửa sổ. Có đến năm phòng ở, mỗi phòng có nhà vệ sinh riêng, phòng khách rộng thênh thang, trang trí nhiều tranh của các nhà danh học về thủy mạc và đồ cổ.
Cả căn nhà rộng lớn vậy, chỉ có anh em Đạt ở và người giúp việc nhiều năm. Hôm nay căn nhà thêm phần tĩnh mịch bởi Đạt không nhìn thấy cảnh quen thuộc mỗi chiều. Một thanh niên ngồi bên thềm nghiêng tai nghe chim hót.
- Anh Hai!
Chỉ có âm thanh Đạt gọi vọng lại ngân nga.
- Dì Út!
Đạt tuôn vào nhà. Mọi vật vẫn như cũ, những cánh cửa mở toang, gió thổi tung rèm. Bình cúc tím Đà Lạt thầm kín, dịu dàng nhìn Đạt, im lặng.
- Anh Hai! Dì Út!
- Dì đây. Chuyện gì mà con gọi thất thanh vậy?
Người đàn bà trạc ngoài năm mươi, to khỏe, lộ mặt từ ngoài cứa sổ hướng phòng Đạt, hỏi vòng vào:
- Anh Hai con đâu? Đạt hỏi hấp tấp, chạy vòng ra phía sau vườn.
Bà Út đưa mắt nhìn vào cuối sân vườn. Nơi ấy, có đám hoa quỳ nở vàng rực, có người thanh niên ngồi bất động im lìm.
- Anh Hai!
Đạt rón rén lại gần, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh anh, gọi nhỏ. Khá lâu, người thanh niên mới mở miệng:
- Em ở công trường mới về ư?
- Sao anh Hai biết tài vậy?
- Anh nghe mùi đất đá, vôi vữa lẫn khuất trong em.
Gã quay lại nhìn vào Đạt, đôi mắt đục màu trắng mây trời. Đôi mắt kẻ mù lòa .
- Em đi tắm rửa đi, xong, ta cùng ăn cơm.
Đạt thở ra nhè nhẹ, giấu nét mừng. Hôm nay anh Hai của anh không còn lạnh lùng đến khắc bạc. Đạt sẽ sàng nắm tay anh, không thấy dấu hiệu phản đối, Đạt muốn khóc. Anh cố nén xúc động, nói:
- Em vừa đặt mua một con Hoàng Yến, nó hót hay tuyệt. Ngày mai, người ta mang đến.
Gã mù nín thinh. Gã biết thằng em làm tất cả vì gã, nhưng nó có biết gã không còn ham thích thứ gì trong cuộc đời này.
- Chiều rồi phải không Đạt?
- Dạ.
- Hèn gì, anh như nghe cây lá lặng yên, ngơi nghỉ. Vô nhà thôi, kẻo dì Út chờ.
Đạt nắm tay anh, đi chậm vào nhà.
Đêm xuống thật nhanh, khi họ ngồi vào bàn dùng bữa tối. Đạt đích thân bỏ thức ăn vào chén cho anh, hỏi từng món anh thích. Bữa cơm kéo dài, bà Út nói:
- Đạt nè! Con đừng chăm thằng Thành quá. Hôm qua, nó nói với dì, nó không quen vậy, con cứ để nó ăn tự nhiên, gì nó không làm được, chớ ăn cơm nó biết.
Đạt nhìn anh, ngập ngừng:
- Xin lỗi anh Hai, em sợ ...
Thành thoáng nét cười, bỏ đũa tư lự:
- Em đừng lo. Anh sống trong bóng tối được mười năm và một tháng, đã thích nghi hoàn cảnh, chuyện ăn uống như người sáng mắt vậy, chỉ cần dì Út không di chuyển vị trí từng loại thức ăn, hoặc khi ngồi vào bàn cho anh biết thứ gì nằm ở đâu là được.
Mắt Đạt cay xè, chỉ một câu nói của Thành đủ làm Đạt đau đớn trong lòng. Anh em máu mủ tinh thâm, vì sao đến nỗi xảy đoạn trường?
- Anh Hai!
- Anh no rồi. - Thành đứng lên - Em đi công trường, nên ăn nhiều cho khỏe.
Thành không đến ngồi phòng khách nghe thời sự như mọi ngày, mà về thẳng phòng riêng. Đạt nhìn theo, nuốt nước mắt, thì thầm:
- Xin lỗi anh Hai.
Bà Út thở ra, khuyên dứt.
- Lỗi gì ở con, lại tự chuốc vô mình? Giờ anh em hòa thuận, chỉ cần lo cho nó suốt đời là được rồi.
Đạt gục vào đôi tay, thì thầm:
- Không đâu dì Út. Con linh cảm anh ấy không bao giờ tha thứ và con sẽ mất anh ấy mãi mãi.
Đạt rên xiết:
- Trời già cay nghiệt, hay người cay nghiệt để anh con tàn tật một đời? Con hận, con hận lắm.
oOo
Phòng của Thành ở có hai cửa sổ nhìn ra hai hướng. Hướng sau nhà, bên đám hoa quỳ là cây ngọc lan đang mùa hoa nở, tỏa hương thơm ngát sân vườn. Cửa bên kia là một dãy năm chậu mai hồng diệp. Đạt không nói, nhưng bà Út kể Thành nghe. Năm chậu mai này, Đạt tốn nhiều công sức, tiền bạc tậu về chỉ vì Thành. Cả năm cây mai đều được trồng hơn nửa thế kỷ, nên rất đắt. Có cây nở chín cánh, có cây nở mười hai cánh, hoa lớn, cánh dầy. Mùa xuân năm nay, năm cây rộ nở đúng dịp xuân. Thành đã nghe được hương hồng diệp mai tỏa đượm gian phòng.
Thành hiểu tâm ý của Đạt. Anh nhớ ngày Đạt tìm được anh, đã quỳ bên anh khóc, nói rằng:
- Má không chết đâu anh. Má luôn ở mãi bên anh em mình. Anh Hai! Cho em được sống với anh, với má nghe anh?
Mai là họ của Thành, cũng là họ mẹ Thành. Bà họ Mai tên Hồng Diệp. Nếu còn sống, năm nay bà ngoài năm mươi tuổi.
Thành ngồi bên cửa sổ, hương ngọc lan thơm tỏa, nhưng không át được hương mai trong lòng anh dù hoa mai đã đi theo mùa xuân. Anh gục đầu bên cửa sổ, mường tượng những cành lá đỏ khoe sắc, vẫy cánh chào vĩnh biệt bao đóa mai vàng lả tả rụng sau cơn gió của xuân. Má ơi!
Hồn Thành bay xa về quá khứ, về thời bé dại xa xưa...
oOo
Năm ấy, Thành học lớp ba, vừa đổi trường mới. Thằng nhóc lớp một đứng khóc sau gốc phượng già sân trường, khiến Thành chú ý:
- Sau mày khóc?
- Em ...mắc ...tè ...Hu, hu
Thằng Thành lõ mắt:
- Thì cứ đi tè. Cầu đằng sau kìa.
- Nhưng ...em mở nút ..hổng ra.
Thiệt hết biết. Thằng Thành mở nút chưa kịp rút tay, thằng nhóc đã tè như rồng ngay gốc phượng, nước tiểu bắn khắp tay Thành. Nó đổ quạu:
- Sao mày tè bậy hử?
Thằng nhóc lại khóc:
- Em hết nhịn nổi rồi. Hu, hu.
May mà giờ ra chơi, ở góc sau hè của trường không ai ghé mắt.
Thằng Thành chạy đi rửa tay, quay lại kéo khóa, gài nút cho cu cậu. Xong, hỏi:
- Mày tên gì?
- Dạ, tên Đạt.
Thấy mặt mũi thằng nhóc tèm nhem, thằng Thành dắt nó đi rửa mặt, lau khô rồi hai thằng ngồi làm quen.
- Bộ mày hổng quen ...cởi quần hả?
- Dạ, em học ...có cô giáo ..cởi quần, đút ăn.
- Đó là mẫu giáo, giờ mày lớn rồi mà.
Đạt sụt sịt cãi:
- Đâu ...lẹ vậy. Mới nghỉ hè xong.
Thằng Thành phì cười. Thằng này chắc là cậu ấm rồi.
- Vậy còn ở nhà?
- Ở nhà em mặc quần dây thun. Mà ..có vú ...với anh tài xế cởi.
Chẳng hiểu sao, Thành thấy thương thằng nhóc. Mà cũng lạ. Tính Thành ít nói, khó gần gũi ai, có lẽ ảnh hưởng nhiều tính mẹ nó, nhưng thấy thằng Đạt lại muốn kết bạn. Và chỉ vài buổi học nó hiểu tỏng nhà thằng Đạt là thế nào, để mà ...thương xót cho nó hơn.
Ông ngoại Đạt làm lớn lắm, ba má Đạt rất giàu, có xe hơi. Nhưng Đạt từ nhỏ đến giờ ít gần gũi ba má. Họ đi suốt, chỉ có dì Út và chú Lai chăm nom Đạt. Ở trường mẫu giáo, Đạt được chăm sóc "đặc biệt" nên ít bạn. Ở nhà càng không có, vì nhà biệt thự kín cổng cao tường. Thế đó.
Và chúng nó thành bạn nhau. Suốt ba năm ở cấp một, Thành và Đạt may mắn học chung buổi. Chúng rất gắn bó, thương yêu nhau. Lớn hơn có hai tuổi, nhưng Thành dạy Đạt được nhiều điều. Những điều Thành học được từ má Mai của nó ...
oOo
- Anh Hai!
Thành ngẩng lên, nghiêng tai.
- Em vào được không?
- Vào đi - Thành ngồi nguyên chỗ, chỉ vươn thẳng người. Đạt lấy ghế, đến ngồi bên anh trong bóng tối. Ánh điện từ sân vườn hắt quầng sáng soi bóng hai anh em. Thành rũ tóc che vầng trán và ánh mắt màu mây. Đạt nhìn anh, nói nhỏ:
- Em định xin nghỉ phép đưa anh sang Mỹ.
- Vô ích thôi em. Đừng tự đánh lừa mình.
Đạt muốn nói, Thành đưa tay ngăn:
- Bỏ đi. Em có nhớ hồi nhỏ từng nói với anh "Anh Thành không nói sai bao giờ" không?
Thành ngẩng lên, tưởng như thấy gương mặt Đạt thoáng niềm vui sướng.
- Ngày xưa vui quá, phải không em?
Đạt mừng muốn khóc, rụt rè nắm tay anh:
- Anh còn nhớ em?
- Anh có bao giờ quên. Em nhớ không, năm anh vào lớp sáu, em về đòi đi học lớp sáu theo anh.
Đạt ứa nước mắt:
- Sau đó, cứ đến giờ ra chơi, trường hai đứa cách nhau nửa cây số, anh chạy thật nhanh để đến chơi với em vài phút.
- Rồi anh vào cấp ba, vẫn leo rào về trường cấp hai để cùng ra chơi với em.
Đạt gục vào anh, nước mắt rơi đầy vai áo Thành:
- Em ước gì thời gian dừng lại mãi ở đó. Em luôn sung sướng và oán hận mình, vào cái ngày đầu tiên gặp má Mai.
Thành ngồi như pho tượng, rất lâu mới đưa tay ôm Đạt và sờ lên tóc anh. Đạt run lên. Ngày xưa, Thành luôn làm như thế mỗi khi Đạt có chuyện buồn Tính Thành nghiêm nghị, ít nói, nhưng tấm lòng độ lượng. Vào cấp ba, Thành đã là chàng trai chín chắn, những khi Đạt bốc đồng, gây chuyện nông nỗi, Thành nghiêm khắc răn đe. Những khi Đạt buồn ba mẹ, bao giờ Thành cũng khuyên lơn, dỗ dành.
Và cũng vì thương Đạt như em trai, Thành mới đưa về gặp mẹ. Thành nén thật sâu vào tận đáy lòng tiếng thở dài.
- Đừng tự trách mình thế em. Nào, cứng rắn lên. Em bây giờ đã là người đàn ông rồi, rất thành đạt, rất ...
- Mình sang Mỹ thử nhé anh?
Tay Thành rời tóc Đạt. Anh mù, nhưng hoàn toàn sáng suốt để hiểu. Đôi mắt anh không thể cứu chữa, Đạt làm tất cả mọi điều, chỉ vì quá yêu thương anh.
Đạt ngước lên, qua ánh điện hắt nguồn sáng xuyên cửa sổ, gương mặt Thành trong mắt Đạt như một tác phẩm điêu khắc trơ trơ, lạnh lẽo, khiến Đạt rùng mình.
- Anh Hai! Em ...
- Anh hiểu tấm lòng em.
Thành sờ soạng đứng lên, nói:
- Anh muốn nghỉ ngơi.
Đạt đỡ anh đi về giường. Ngồi bên anh mãi, tay lần tay Thành mân mê, hỏi nhỏ:
- Sao em không thấy anh đánh đàn?
Cây đàn Đạt mua rất đắt tiền. Thành từng ngồi vào dạo thử, nên biết. Chẳng phải Thành không thích đàn, chỉ vì anh không còn mẹ để lắng nghe và vì anh sợ vong linh mẹ nhìn cây đàn sẽ tủi. Cả đời bà, không làm sao mua được cho Thành chiếc dương cầm, điều mà Thành mong ước nhất.
- Nếu em thích, anh sẽ đánh đàn.
Đạt cắn răng:
- Anh Hai hãy đánh khi nào thích đánh.
Cho tới khi Thành thở đều vào giấc ngủ, Đạt vẫn ngồi đó, thả hồn vào tháng ngày thơ dại xa xưa. Ngày ấy, có thằng bé sống trong giàu sang, nhưng luôn thiếu thốn mọi thứ tình cảm.
Chương 3
Đạt ghét cay, ghét đắng gã chủ thầu ngồi với "xếp" anh. Gã chẳng làm gì Đạt cả, nhưng chỉ vài lần thấy gã, thậm thụt với ba anh là Đạt không ưa rồi.
Gã trông bảnh bao ra phết ở độ tuổi năm mươi, sung mãn và thành đạt. Lời ăn tiếng nói mềm mỏng, tế nhị, vừa trên được dưới. Với cô thư ký của xếp anh, gã ga lăng hết biết. Mỗi lần ghé cơ quan anh thăm, thường dấm dúi cho quà. Quà gì, ít ai biết, bởi ai hỏi, cô thư ký cứ tủm tỉm cười, liếc "xếp" ra vẻ ...
Đợi gã chủ thầu đi ra, Đạt mới vô gặp "xếp". Anh hỏi vẻ bực bội:
- Lão Thời lại tới mượn quân hả xếp?
Viên giám đốc ậm ừ. Đạt hậm hực ngồi phịch xuống ghế:
- Đợt này thầu lớn, lại công trình tư gia chiếm ba phần tư. Chú đừng cho mượn quân nghe, trễ hợp đồng, tôi không chịu trách nhiệm đâu.
Viên giám đốc lắc đầu:
- Lão không mượn quân, chỉ nhờ vả một việc mà chú khó từ chối.
- Việc gì?
Viên giám đốc khoát tay, đứng lên:
- Ê! Chuyện gì không liên quan tới mày, để tâm làm gì? - Ông choàng vai Đạt, vừa đi, vừa hỏi - Công trường đường Một, thi công tới đâu rồi?
- Đang đánh nhanh, dứt điểm trước mùa mưa.
- Tốt - Sực nhớ, ông hỏi - Cô Nhân đó hiện làm ở đâu?
Thấy Đạt nhíu mày cố nhớ, ông nhắc:
- Cô gái hôm xây nhà công ty, nó gói tôm nhét vô ngực áo đem về đó.
Đạt "à" một tiếng:
- Chú thấy hả?
- Tao còn thấy hộp xôi của mày bị con nhỏ bỏ lại ở gốc cây.
Đạt nhún vai:
- Nhỏ khỉ gì chú ơi. Hai con rồi.
Hai chú cháu thong dong xuống lầu. Một cô gái từ xa đi lại, gọi:
- Chú Đăng! Anh Đạt!
Cả hai tươi cười nhìn cô gái lại gần. Cô đẹp lắm. Ở tuổi ngoài đôi mươi được trang bị đủ kiến thức vào đời, với mọi điều kiện vật chất lẫn tinh thần và cô biết mọi ưu thế của mình.
Đăng, viên giám đốc nheo mắt nửa đùa nửa thật, nói:
- Phòng thiết kế hết việc muốn nịnh chú gì đây?
Cô gái liếc Đạt, mắt long lanh:
- Cuối tuần, con có việc nhờ anh Đạt, chú cho ảnh nghỉ nghe chú?
Ông Đăng nhìn Đạt:
- Ánh nó nói vậy, mày nghỉ sao?
Đạt cười nhẹ. Ngoài xã hội, Đạt là kẻ thâm trầm, lọc lõi. Anh thích Ánh, cô chuyên viên đồ họa, nhưng đâu có nghĩa là dễ dàng để cô ta xỏ mũi. Huống chi Đạt biết Ánh thích mình, có thể thích vì cô cộng luôn cả Đạt và tài sản lại thành một. Nhưng điều ấy có sao. Đời ai không thích giàu, đâu ai khờ như cái cô Nhân kia vậy.
- Cuối tuần, con bận lắm. Nhưng ...
- Còn nhưng gì nữa? - Ánh vờ dỗi, ngoảnh mặt đi.
Ông Đăng vỗ vai Đạt:
- Người đẹp muốn là trời muốn, mày còn nhưng gì nữa? OK. Chú cho nghỉ trọn thứ bảy.
Ông nháy mắt với Ánh. Chớ sao nữa. Ba cô với ông là chỗ thâm tình. Bạn nhờ kiếm chồng cho con gái, ông phải tận tâm chớ. Huống chi Ánh đã hăm bảy tuổi, còn Đạt chưa mối tình nào, chỉ giỏi chuyện ...kiếm tiền.
- Thôi, hai đứa hò hẹn gì cứ tự nhiên. Chú đi đây.
Ông Đăng đi rồi, Đạt tạt luôn qua phòng làm việc của anh. Ánh theo sát gót và kè sát anh khi anh ngồi vào ghế. Giọng thật ngọt, Ánh hỏi:
- Bộ không nhớ hứa gì với Ánh hở?
Đạt vờ tìm giấy tờ, miệng nói:
- Xin lỗi. Anh lu bu quá.
- Là nhớ hay quên? - Ánh nũng nịu.
- Ánh nhắc đi - Đạt cố nhớ rồi lắc đầu.
- Anh hứa đưa em về thăm nhà đó.
Mình có nói không nhỉ? Hình như không. Chậc! Chả quan trọng, điều quan trọng là đưa về nhà nào? Về nhà kia hay nhà này?
- Ra là thế. Vậy thứ bảy nhớ gọi điện cho anh đến đón.
- Còn bây giờ?
- Anh đang làm việc.
Như sực nhớ ra điều gì, Đạt vỗ trán la:
- Chết rồi!
- Gì mà chết?
Đạt tất tả xách kẹp hồ sơ nhảy ba bước ra cửa, ngoái đầu lại nói:
- Cứ mỗi lần gặp Ánh là anh quên đầu quên đuôi. Anh đi gặp chú Đăng xin cấp dụng cụ làm nền đã.
Đạt biết Ánh rất sung sướng khi nghe anh nói vậy. Anh cười một mình, ra tới tận nhà xe. Lên chiếc cúp TOM 92, Đạt chạy êm ru về công trường và gặp Nhân bên bể nước đang rửa sạn. Thấy Đạt, Nhân rụt rè:
- Chào ...ông ...kỹ sư.
Đạt suýt cười, vờ nghiêm:
- Chào chị.
Đạt đi thẳng vào trong và bực bội khi thấy lão Thời ở đó với ông Đăng. Câu nói lão dội vào tai khiến Đạt không bước tới mà nép ngoài lắng nghe.
- Nghe nói, từ hồi giám đốc Bảy Mễ về hưu, bà ta không có tiền trợ cấp, sống khổ lắm, nhưng tôi lại bặt tin tức.
- Thật ra, anh nói chuyện xa xưa với tôi có dụng ý gì?
Thời cười khùng khục trong cổ họng lắc cái đầu bóng lưỡng:
- Hồi đó, anh giám sát thi công mà, anh phải có một phần trách nhiệm chớ. Hiện tại, tôi có tin tức về cô ta rồi. Anh nghĩ sao, nếu cô ta tìm đến gặp anh xin tiền trợ cấp hàng tháng.
Ông Đăng bực tức:
- Chuyện xảy ra hơn mười năm rồi. Trách nhiệm cũng không thuộc về tôi, bởi lúc đó, tôi đang ở Hà Nội.
- Tôi biết, điều tôi muốn nói là danh tiếng của anh. Người ta nào biết anh có lỗi hay không, chỉ cần cô ta ghé tới cơ quan anh đều đều. Ha, ha.
- Thôi đi. Thật ra, họ đang ở đâu?
- Bạn bè phải có qua có lại chứ anh Đăng.
- Điều anh yêu cầu giúp là không thể được. Cậu Đạt càng không chịu đâu.
- Được. Để anh suy nghĩ một hôm, mai ta bàn tiếp.
Thời cười khơ khớ, rồi đi ra. Vẻ ung dung đắc chí. Đạt ập vào, hỏi ông Đăng, giọng gay gắt:
- Lão ép chú chuyện gì mà sao chú dấu con vậy?
Ông Đăng phẩy tay:
- Hắn trắng trợn như vậy, chú nhất định không giúp. Mày đừng bận tâm.
- Còn chuyện kia, có sao không?
Ông Đăng nhíu mày, vẻ không bằng lòng.
- Xin lỗi chú. Con vô tình nghe thôi.
Thoáng buồn, lững thững đến bên khung cửa còn đầy hồ vữa, nhìn xuống, ông Đăng nói:
- Chú cũng mong gặp lại bà ta. Hơn mười năm rồi, liệu rằng với nỗi đoạn trường, với thân xác tật nguyền, bà ta còn sống được chăng?
Ông Đăng gục đầu đau xót. Đạt bối rối ngẩng nhìn. Có bao giờ chú ấy buồn đến vậy.
oOo
Những nhà cao tầng, nhà trệt, mọc nhanh như nấm mùa mưa, quanh trục đường số 1. Con đường cắt từ đường số 1 ấy qua cũng đã mọc đầy nhà, có tên có số hẳn hòi. Riêng khu vực sâu vào trong, chỗ nhà tạm công nhân, chỗ túp lều của mẹ con Nhân, vẫn chưa tiến triễn gì, vắng vẻ, đìu hiu lắm.
Cho nên con Hậu và thằng Lượm vui nhất là khi đám công nhân về. Lúc đó, hai đứa có thể lạng qua lạng lại nhìn đám đàn ông lấm lem kia, độc quần đùi, xúm nhau té nước, tắm rửa, giặt đồ, chửi nhau tục tĩu và cười hô hố trước những cái lườm nguýt của mấy cô cấp dưỡng. Nhưng rồi xảy ra một sự cố khiến hai đứa bị cắt luôn niềm vui ấy. Tất cả vì con Hậu. Hồi má nó thất nghiệp, nó ngày bữa cháo, bữa rau cũng qua. Giờ má nó có việc làm, lương ngày đến hai chục ngàn, cơm ngày hai bữa mà lúc nào nó cũng thấy đói. Bà ngoại tụi nó trừ khi đi chợ, ít ra khỏi "nhà", nên hai đứa tha hồ đây đó sau buổi học bài. Và trong khi thằng Lượm lang thang ra tận xóm ngoài tìm trẻ chơi lon, đánh tán, thì con Hậu mon men tới bờ rác dãy nhà công nhân nép vào một góc, hít lấy hít để mùi thức ăn xào nấu từ trong ấy bay ra.
Cha trời! Cơm công nhân ăn theo chế độ, có ngon lành gì, nhưng với những nhân vật trong túp lều của chúng ta thì là cao lương mỹ vị, nên con Hậu có như thế cũng bình thường. Và từ chỗ núp ấy, con Hậu thấy chị cấp dưỡng đi ra, trên tay là thau thức ăn lộn xộn, chị ta vừa đi, vừa cằn nhằn:
- Một lũ trời đánh! Ăn rồi bứa ra không dọn.
Con Hậu thấy trong thau có khúc cá ăn dở, to lắm. Trời ơi! Nước miếng nó tứa đầy miệng, mon men lại gần. Chị cất dưỡng thấy nó, hất hàm:
- Ê, nhỏ! Làm gì đó? Định chui rào ăn trộm hả?
Hỏi vậy, chớ nhìn con bé, chị không tin nó trộm nổi thứ gì mang đi với vóc dáng bé tẹo của nó.
Con Hậu đau đáu nhìn thau thức ăn thừa trên tay chị ta, ngón tay nó vẫn ngậm trong miệng:
- Cho ...cho ...con ...cá.
- Hả?
Chị ta nhìn xuống và hiểu, bèn chìa thau thức ăn ra sát bờ rào, ái ngại nói:
- Nhỏ lấy đi. Mày đói hả?
Con Hậu nhón lấy khúc cá, chạy u về nhà, không nói lời nào, mặc chị ta gọi giật. Nó trốn vào sau vách, ăn hết khúc cá một mình. Đang mút xương thì thằng Lượm bắt gặp. Nó gạn hỏi, con Hậu kể thiệt, còn khoe:
- Ngon lắm, anh Lượm. Mai mình ra xin hén?
Thằng Lượm nuốt nước miếng ừng ực nhưng sực nhớ lời má dạy và cũng có giận con Hậu ăn tham một mình, liền đe:
- Tao méc má.
Nó không méc, nhưng bà ngoại nghe mùi tanh của cá đầy trên quần áo con Hậu, liền tra gạn, nó khai, vậy là tối đó con Hậu bị quỳ xơ mít nửa giờ. Mẹ Nhân ra lệnh:
- Cấm không được tới nhà ai, xin cái gì.
Bà ngoại còn quát:
- Đói cho sạch, rách cho thơm.
Tối đó, trên chiếc chiếu rách phủ tấm vạt tre đầy mọt nhai nhả bột, thằng Lượm lấy dầu nhị thiên đường xoa hai đầu gối con Hậu, thì thầm lời xin lỗi em bằng lời hứa:
- Mai anh làm cho em một con diều.
Đối diện chỗ hai đứa nằm, Nhân và mẹ chị thấy hết diễn biến. Bà Hiền thở dài, nói:
- Má thấy đỡ đau rồi, uống hết thuốc, đừng mua nữa. Mua thêm chút cá thịt cho tụi nó.
- Không được đâu má. Bác sĩ nói, phải uống một thời gian dài, nếu không má bị thần kinh luôn đó.
Đói nghèo đã quen, nhưng bệnh tật bà Hiền quá sợ. Hơn một năm sống dở, chết dở, tự tử mấy lần không được, giờ bà Hiền hiểu được giá trị cuộc sống và sức khoẻ.
- Hay thôi. Tuần này đừng đi thăm con Hiếu.
- Không được. Con hứa rồi. Chỉ ở trong đó, tinh thần sa sút lắm, cần được quan tâm má à.
Bà Hiền chặc lưỡi:
- Một tuần làm chỉ được trăm mấy ngàn, nào chữa bệnh, nào thăm nuôi, tụi nhỏ bữa đói, bữa no, má xót lắm.
Bà thở ra:
- Giá con Hiếu được nửa con.
Nhân trở mình nhìn lên trần mùng:
- Má đừng trách chỉ nữa. Chỉ sa chân cũng vì muốn có chút tiền lo cho gia đình thôi.
- Má dù nghèo đói, dù chết ...
- Má! - Nhân gắt - Nhưng chỉ làm sao đành? Chỉ cũng đâu ngờ thằng khốn kia chơi để bỏ như vậy.
Bà mẹ làm thinh, mắt ráo hoảnh như cõi lòng từ lâu đã chết. Hơn năm mươi năm làm người, bà có được mấy niềm vui. Bà không thể nào ngờ, cuộc đời bà lại cùng cực đoạn trường đến vậy.
Đêm qua rất chậm, một chú thằn lằn bò thế nào rơi tòm và lỗ hổng trên mùng xuống mặt bà. Lấy tay hất ra, bà lại nghĩ về chuyện mua một cái mùng mới. Thế đó, nếu bà không là người thực tế, làm sao sống được đến bây giờ.
Bên bà, Nhân đã ngủ say.
Chương 4
Thành đi quanh khuôn viên, qua lối của những tấm đan đúc bằng xi măng và sỏi. Hôm nay là lần đầu tiên, Thành muốn biết căn nhà hình thành như thế nào, khuôn viên hình hộp, mỗi chiều dài đến sáu mươi bước chân. Nhà nằm góc vuông, xây hình hộp, sâu sau hẹp, trồng hàng cây, cả hoa lẫn cây ăn trái theo hình L. Sân trước vuông góc là hai hàng hồng diệp mai và cau, với hai thảm cỏ quanh hai hồ nước.
Thành khựng lại ở góc sân trước bên cánh cổng lớn, nghiêng tai, hít một hơi dài. Dì Út đang quét sân, vội dựng chổi lại gần hỏi:
- Cậu Hai nghe hương thơm lạ phải không?
- Dạ.
- Cậu Ba chiều qua chở về bốn chậu mai chiếu thủy đa. Đặt ngay trước phòng chỗ cửa sổ. Đây, cậu thử xem, các loài mai chiếu thuỷ đều thơm thoảngn và tinh khiết. Phải không? Mai chiếu thuỷ màu trắng.
- Năm cánh dài, hoa nở, nhìn vào nước, rất đẹp.
- Đúng rồi, cậu Hai. Cậu rờ xem. Nó đang nở đầy trong tay cậu, soi bóng dưới mặt hồ. Cậu Ba nói, Mai chiếu thuỷ nở bốn mùa, cao quý và trong trắng, sẽ đem lại cho cậu Hai một niềm vui.
Thành đứng lặng. Bà Út rụt rè nắm tay Thành dắt tới góc hồ. Dưới rặng liễu soi mình là bộ bàn ghế đá. Bà đỡ Thành ngồi xuống, nói:
- Con hoàng yến, cậu Ba mới mua về hót hay lắm. Cậu ngồi một chút đi, nó hót cậu nghe.
Bà định đi, Thành gọi lại:
- Dì Út! Dì ở đây lâu rồi?
Bà Út ngồi xuống bên Thành, thong thả nói:
- Ở với thằng Đạt hồi nó mới sinh lận. Tới năm đó, cậu mất tích, Đạt bỏ nhà đi hoang tìm cậu suốt cả năm, khi về, nhất định không ở với bà nhà. Ông ngoại thằng Đạt xót cháu mới cho miếng đất này và khoản tiền thừa kế với điều kiện, Đạt phải học xong đại học. Có lẽ vì nghĩ đến ngày hôm nay, nên Đạt nhận lời. Căn nhà này nó mới xây xong hồi đi làm, cây cối tự tay trồng lấy. Trời thật không phụ kẻ có lòng, nó tìm mãi rồi cũng tìm ra cậu. Hồi đi học, nó ở nhà trọ, nhà xây xong đòi tôi về ở, thấm thoát gần ba năm rồi.
Tiếng một con chim nào đó hót líu lo, rồi thì hàng chục con chim cùng lên tiếng, khiến cả sân vườn rộn rã. Thành nghiêng tai chăm chú lắng nghe. Bà Út nhẹ nhàng bước đi, nghĩ thầm: "Rồi cậu ấy sẽ quên hết buồn đau".
Có quên được chăng mỗi lòng Thành tự hiểu. Bởi giờ đây, tiếng chim hót không hề đi xuyên qua tâm hồn anh. Thành đang nhìn về quá khứ ...
Ngày ấy, Thành về nhà, trên tay là lồng chim yến. Thành không biết giá trị loài chim này, nhưng biết nó hót hay. Bà Hồng Diệp ngồi may trong nhà, thấy chim, hỏi con ở đâu mà có. Thành nói:
- Thằng em kết nghĩa cho con.
Bao năm, nhưng bà Diệp chưa hề thấy mặt Đạt, dù biết chuyện qua lời kể của Thành.
- Nó giàu lắm ư con?
Thành móc lồng chim trước hiên nhà, cất cặp, đến ngồi dưới chân mẹ:
- Hình như vậy. Nhưng nó cô độc lắm má.
Bà Diệp mắng yêu con:
- Con vì thương thằng nhỏ, bao năm trèo tường chơi chung với nó còn gì. Nó học đến đâu rồi?
- Dạ, lớp chín. Má yên chí. Hè này nó về học chung với con rồi.
- Một năm nữa, con vô đại học, có định trèo tường ra chơi với nó nữa không?
Thành mỉm cười:
- Con nghĩ lúc đó nó lớn rồi, mà con có muốn cũng đâu thể.
- Sao con không đưa nó về nhà chơi?
- Nó đi học như bị tù, xe đưa rước, chân không đụng đất, đâu như con.
- Tội nghiệp! - Bà Diệp nói, lại trở về với công việc.
Con chim đột nhiên cất tiếng hót. Thành vẫn ngồi dưới chân mẹ, lắng nghe vẻ thích thú.
- Nó hót hay quá má. Mai mua thêm con nữa cho nó có bạn.
Bà Diệp ngừng công việc, nói:
- Chim yến đắt tiền lắm, mua không nổi đâu con.
Thành ngẩn ra, nói vội:
- Nuôi một con cũng tốt há má. Mình nhìn thấy nó như thấy thằng Đạt.
Bà Diệp nhìn con:
- Thiếu gì cách để nó "tự do" hả con. Chẳng lẽ ngoài đi học, nó bị nhốt trong nhà có người canh?
- À há! - Thành vỗ trán - Sao con không nghĩ ra.
Thành đứng lên, nói với vẻ quả quyết, đắc ý.
- Chắc cú chiều nay, nó sẽ "diện kiến" má. Con đi nấu cơm đây.
Bà Diệp nhìn theo con, vui buồn lẫn lộn. Nó là đứa con ngoan, tài hoa. Còn bà bạc phước, không giữ được cho nó người cha.
Và chiều ấy, bà thật sự xúc động khi nhìn thấy Đạt. Ở nó, có nét gì thân thuộc như Thành. Nó đối với con bà, thương quý lộ rõ, một điều anh Thành, hai điều anh Thành, điều gì anh Thành nói là đúng tất tần tật.
Bà nhớ ánh mắt nó lúc nhìn Thành ngồi ôm chân bà, tựa người vào, để bà vuốt tóc. Một ánh mắt thơ trẻ đầy niềm ao ước
... mất 2 trang ... Bà từng nghe nhiều lắm, từ thời yêu nhau đến lúc lấy nhau.
- Đạt à! Ngoài tên Lợi, ba con có tên nào khác không?
- Người ta gọi ba con là ông Tiến Lợi.
- Vậy con có biết ngoại con tên gì không?
Đạt ngẫm nghĩ. Từ bé nó không có sự gắn bó gì với gia đình, kể cả ông ngoại rất yêu quý nó.
- Tên ngoại, con không biết. Thỉnh thoảng gặp người lớn, họ gọi ngoại là vua ô tô Tiến Phát miền Tây.
Mặt bà Diệp tái xanh. Trời xanh thật khéo trêu người. Đêm ấy, bà thức trắng, sáng ra nói với Thành:
- Con muốn nhìn cha không Thành?
- Không. Sao má hỏi vậy?
- Vì thằng Đạt là em khác mẹ với con.
Thành chết lặng, nhìn mẹ.
oOo
Ánh đến nhà Đạt lần thứ ba vẫn có cảm giác bồn chồn mà không hiểu tại sao. Cô tự giải thích vì căn nhà lớn quá, mà Đạt ở một mình và có lẽ vì bà giúp việc tỏ ra lạnh nhạt với cô.
Hôm nay cô lại đến, dù không hẹn Đạt. Cô muốn làm anh bất ngờ ở vẻ trẻ trung vừa tạo ra. Ai dám nói cô đã hai bảy trong trang phục này nhỉ? Một chiếc váy ngắn nửa đùi màu trắng, một chiếc áo sát nách thun trắng hở cổ, ôm sát ngực nẩy nở và vòng eo nhỏ xíu kèm với đôi giày thô trắng bạc và mái tóc cột đuôi gà chỏng ngược, phất phơ dãy ruy băng hồng.
Đạt đích thân mở cổng, hơi ngạc nhiên và thích thú khi thấy cô.
- Hôm nay, Ánh như cô nữ sinh đoạt vương miện.
Ánh cười khúc khích, tung tăng vào nhà:
- Thật sao? Em coi như lời khen tặng đó nghe.
Bà Út từ căn phòng sát phòng khách đi ra, tay khoá trái cửa, miệng hỏi:
- Cô cậu dùng nước gì?
Đạt khoát tay:
- Dì đi chợ mua dùm con mấy thứ dặn lúc nãy, ở đây để con.
Bà Út ra đi rồi quay lại:
- Nếu cô cậu đi ăn ở ngoài, cứ khoá cửa lại.
Ánh hơi thắc mắc trong lòng. Bốn lần ghé chơi, không lần nào Ánh được mời cơm, dù đúng bữa. Đang rất vui dù trong nhà hay ngoài vườn, hễ bà Út ra nói đã sáu giờ, là Đạt đưa cô ra ngoài ăn tối.
- Anh thích mẫu người vợ ra sao?
Họ đã ngồi bên nhau ở salon. Ánh hơi ngửa, dựa người ra sau, vươn khuôn ngực đầy hấp dẫn, hỏi.
Đạt nhìn cô không chớp mắt. Chuyện qua đường, chẳng thiếu đối với anh, nhưng điều nghiêm chỉnh Đạt chưa từng. Anh đang để mắt tới Ánh, vì cô quả thật vừa mắt anh, lại thông minh, rất được lòng mọi người, còn giỏi chuyên môn, thêm ông Đăng nói vô hết cỡ.
Và giờ, cô đang ngồi ở gần anh, khêu gợi anh với niềm đam mê rực mắt. Ánh yêu anh không cần che giấu với bất kỳ.
- Anh vốn tham lam - Môi Đạt khô lại.
- Là sao? - Trung thực đi - Cô chúm chím làn môi màu chocolate, gọi mời.
- Phải là cách tay đắc lực của anh ngoài đời và là một vợ hiền nội trợ trong nhà.
- Được rồi - Ánh đứng lên, ngọt ngào - Em tình nguyện làm ứng cử viên số một. Hôm nay anh muốn ăn gì, em sẽ đích thân làm bếp.
Đạt thoáng bối rối, nói nhanh, kéo Ánh ngồi xuống:
- Để khi khác, Ánh ạ. Hôm nay anh muốn ...
Chẳng biết phải Đạt mạnh tay không, mà Ánh ngã chúi vào tay anh. Cả người cô toả hương phủ lấy Đạt, khiến anh rạo rực.
Đạt khép vòng tay, tìm môi Ánh hối hả. Cô ôm chặt anh dâng hiến và thụ hưởng trong niềm đê mê từ lâu đè nén.
Họ quấn siết nhau, ngã dài xuống nệm ghế. Ánh hổn hển trong vòng tay Đạt, nói đứt quãng:
- Đạt! Ánh yêu anh. Yêu ...anh.
Đạt không nói, chỉ hôn và vuốt ve cô, thì thầm:
- Em "ngon" lắm. Hôn anh đi.
Nếu không có tiếng động lạ vang lên khô khốc, có lẽ Đạt không kiềm chế được. Anh choàng tỉnh, kéo váy Ánh xuống, xốc lại áo cho cô, nói nhanh:
- Anh đưa em đi chơi, sau đó mình đi ăn.
Ánh đờ đẫn gật đầu, nỗi đam mê còn đầy trong thân xác cô.
Mười phút sau, cả hai rời nhà. Tiếng xe nhỏ dần, cách cửa bên phòng kế bật mở. Thành sờ soạng đi ra, ngồi thừ ở ghế, gương mặt tái xanh qua ánh mắt đục lờ.
Điện thoại reo, Thành vô hồn bấm máy đưa lên tai.
- Thành! - Giọng người đàn ông nghẹn ngào - Con chịu nghe ba nói rồi sao?
Thành im lặng, và rồi bấm tắt, khoá luôn máy, để lên bàn. Anh vào phòng,, mở ra với túi xách nhỏ, kính đen che mắt và chiếc gậy dò đường. Quen thuộc mọi lối đi trong nhà, Thành đi thong thả, vượt sân vườn ra cổng.
Thành đi hết con đường rẽ, đến lộ chính, dò dẫm tới bưu điện, gọi taxi và đứng chờ. Khi lên taxi, anh mới gỡ kính nói:
- Nghe giọng nói, chắc anh trạc tuổi tôi, nên tôi xin phép gọi bằng anh. Thế này, anh tài xế. Tôi có vài công việ phải làm. Sau đó, tìm một nơi ở trọ để hoàn thành hết mọi việc, chắc tốn nhiều thời gian và sự giúp đỡ của anh, về tiền nong, anh đừng ngại, chỉ mong ...
- Tôi hiểu. Anh yên tâm. Giờ mình đi đâu?
- Đến ngân hàng công thương quận Tân Bình.
Người tài xế đúng là trạc tuổi Thành. Thấy Thành đi vào ngân hàng dáng chững chạc thì biết anh đã lui tới đây nhiều lần. Cô nhân viên thấy Thành, tươi cười chào, nói:
- Lâu quá, không thấy anh ghé.
- Vâng. Tôi đi xa khá lâu. Cô cho tôi rút tiền.
- Dạ, anh rút bao nhiêu để Thuỷ viết phiếu?
- Một triệu.
Vừa lập phiếu, cô vừa trò chuyện.
- Anh còn làm ở Lưu Luyến không?
- Tôi nghỉ lâu rồi, đợi thu xếp xong sẽ đi làm lại.
- Lâu rồi, Thuỷ không nghe tiếng đàn của anh.
- Cảm ơn cô. Tài hoa gì thứ cầm nghệ kiếm cơm.
- Anh lại thế nữa rồi. Anh qua bàn kế toán, nhận tiền nhé. Và nhớ đó, làm ở đâu, điện thoại cho Thuỷ.
- Tôi sẽ nhớ.
Thành ngồi vào xe, người tài xế hỏi:
- Giờ đi đâu?
- Nhờ anh tìm dùm chỗ trọ nào đó, giá tiền rẻ một chút mà yên tịnh.
Người tài xế ngẫm nghĩ rồi nói:
- Bên chỗ tôi ở, mới mở rộng khu dân cư, giá nhà rẻ, chắc tiền thuê cũng phải chăng. Có điều hơi xa đường lớn.
- Có trạm xe buýt không?
- Có trạm gần đó, ngoài hương lộ.
- Được. Mình đến thử.
Đúng như người tài xế nói, chỉ loanh quanh độ nửa giờ, Thành đã thuê được một chỗ. Là một căn nhà xây, lợp tôn, chủ nhân làm thợ xây dựng, có vợ và hai đứa con trai. Đứa đầu độ mười tuổi, đứa sau còn nhỏ. Họ dành cho Thành căn phòng có toilette, lối đi riêng với giá trăm hai một tháng, bao luôn điện nước. Tiền cơm hai trăm mỗi tháng.
Người vợ thấy Thành mù, hơi ngại, anh trấn an:
- Chí cần hai ngày, tôi làm quen nhà và lối đi đến các nơi cần thiết. Bà sẽ không có gì trở ngại cả. Vả lại, tôi chỉ ở tạm một thời gian, nếu thấy được, tôi sẽ mua một mảnh đất, dựng nhà.
Đôi bên thoả thuận, Thành đưa trước hai tháng tiền, còn bao nhiêu đưa hết cho người tài xế. Anh ta đưa lại Thành một trăm ngàn, nói:
- Anh giữ tiêu vặt. Chúc anh tìm được việc làm.
Thành cảm ơn rồi ngần ngừ nói:
- Có một điều xin anh hứa với tôi.
- Anh cứ nói.
- Nếu có ai hỏi về tôi, anh cứ nói không biết.
Người tài xế taxi nhìn Thành, anh ta không thấy gì trên gương mặt bình lặng kia ngoài đôi mắt vô hồn.
- Tôi hứa. Anh yên tâm.
Người tài xế đi rồi, Thành được chú nhỏ con chủ nhà dẫn về phòng riêng. Chú nhỏ tò mò lắm, nhìn Thành mãi, trong khi dắt anh đi quanh, để làm quen với mọi ngõ ngách trong nhà.
- Chú tên Thành. Còn cháu?
- Cháu tên Tiến, học lớp bốn. Chú ơi! Chú ngủ dưới nền nhà ư?
- Không. Chú sẽ nhờ mẹ mua dùm chú một tấm nệm mỏng, gối và mùng mền.
- Hay để con đưa chú đi, kẻo tối. Má con đang nấu cơm.
- Được, luôn tiện làm quen đường.
Cho tới khi thằng Tiến xách cà mên cơm vào, trải nệm, treo mùng dùm Thành, nó với Thành đã vô cùng thân thiết.
Chương 5
Đạt chết lặng nhìn cửa tủ quần áo mở toang. Thành bỏ đi, không đem theo gì ngoài ba bộ đồ anh mang đến lúc bước chân vô ngôi nhà này. Vì sao anh ra đi? Anh đã hứa rồi mà.
Đạt đau đớn đến quẫn trí, cứ đi quanh. Lẽ nào ...Bà Út quẹt nước mắt, kéo tay Đạt, gắt:
- Cậu sao vậy? Gọi ông chủ đi.
Đạt ngồi xuống giường, ôm đầu:
- Gọi làm gì? Ảnh đi rồi, không trở về đâu. Nhưng tại sao ảnh bỏ đi? Giận tôi hay vì lẽ gì?
Hỏi mà không đợi câu trả lời, Đạt thẫn thờ đi ra vườn. Sân vườn sáng rực điện do bốn ngọn đèn néon 1m2 đặt ở bốn gốc vườn chiếu vào. Đạt đặt thêm bốn ngọn điện này cách đây ba tháng lúc ấy Thành vừa mới về ở. Chẳng hiểu sao, Đạt nghĩ khi đêm về, chỉ cần khu vườn sáng như ban ngày, Thành sẽ đi không vấp té và đêm đen không bao giờ có trong lòng Thành.
Đạt biết mình ngốc nghếch với ý nghĩ này, nhưng anh lại vui sướng khi nhìn anh trai ngồi giữa sân vườn sáng rực, đầu hơi nghiêng, tóc rũ che vầng trán. Anh của Đạt đang lắng nghe tiếng thì thầm của đất trời, của lá, của hoa.
Nước mắt Đạt chảy ràn rụa, anh đi qua những lồng chim lớn nhỏ. Những cô hoàng yến, bạch yến, đang im lìm say ngủ, không hề biết người mỗi sáng, mỗi chiều nghe chúng hót đã ra đi.
- Anh Hai!
Đạt thụp xuống góc vườn có đám quỳ vàng hực, gào lên, oà khóc. Tất cả niềm vui, sự thoải mái bên Ánh từ giữa chiều, ngọn lửa tình le lói loé sáng đã tắt lịm biến mất trong Đạt, chỉ còn nỗi đau, máu thịt làm thắt tim anh.
Bà Út vừa kéo tay Đạt, vừa nói:
- Có khi nào vì cô bạn gái của cậu không?
Đạt ngẩng lên nhìn trừng. Bà Út nói:
- Từ bữa cậu đưa cô ta về chơi, cậu Hai lạ lắm. Cậu đi làm là cậu Hai ở miết trong phòng, không tập đàn, không dạo vườn. Có hôm, tôi thấy mặt cậu Hai buồn lắm.
- Nhưng anh Hai chưa gặp Ánh lần nào, sao cổ chọc ảnh giận được?
- Tôi không biết. Là tôi thấy sao nói vậy. Cậu bình tĩnh lại đi. Tôi gọi ông chủ rồi, ông đang trên đường đến.
Đạt đứng lên, vuốt mặt. Đột nhiên anh căm ghét tất cả. Tại sao người đau khổ lại là anh em Đạt? Và một lần nữa họ mất nhau, trong khi thủ phạm, cả kẻ chết và người sống đều an nhàn, vui sướng.
- Tôi không muốn gặp ông.
Đạt tuôn vào nhà, cùng lúc chiếc Mazda màu xám bạc dừng ngay khoảng sân trống. Ông Tiến Lợi bước ra quát:
- Đạt!
Anh dừng lại, quay đầu. Lòng chua chát tự nhủ: "Anh Hai nói đúng. Ta không thể nào, và bất cứ ai cũng không thể chống được sự áp đặt, hoặc những điều ông ta muốn".
- Chào ba.
- Tại sao nó bỏ đi? Từ lúc nào?
Ông Lợi ngồi ngay chiếc ghế đá, nóng nảy hỏi.
Đạt thản nhiên:
- Con rời nhà lúc hai giờ chiều, giờ mới về đến, ảnh đi khi nào, con không biết.
Ông Lợi hầm hừ:
- Nó bỏ đi phải có nguyên nhân, là ai?
- Con nghĩ, nguyên nhân đã có từ hơn mười năm rồi.
- Câm miệng! Tao không cần lời chỉ trích. Nó đã chịu ở đây, giờ bỏ đi, trách nhiệm thuộc về mày - Ông gào lên - Mày phải đem nó về cho tao.
Đạt hết chịu đựng nổi, anh bùng nổ:
- Ảnh không phải đồ vật, mà ba dùng sức, tiền là mua được. Ảnh không bao giờ quay về với ba và con sẽ không ép ảnh quay về dù là để sống với con.
Đạt lại trào nước mắt:
- Con không bao giờ bù đắp được những gì anh ấy phải chịu. Tội lỗi này con gánh trọn đời con. Ba đi đi.
Đạt đâm đầu chạy ra khỏi nhà. Ông Lợi gọi:
- Đạt! Đạt! Con đứng lại.
Đạt không nghe. Anh chạy mãi, trong mắt, trong tim không thấy gì ngoài đôi mắt màu mây vô hồn của anh trai và một trời lửa đỏ.
oOo
Thằng Lượm chưa làm được con diều cho bé Hậu vì một lẽ đơn giản, nó không có vật liệu để làm ra con diều, nên lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.
Từ bữa hôm quỳ xơ mít tới giờ, hai đứa chẳng dám mon men đến gần khu nhà công nhân, càng không dám tới gần nhà ai quanh đó, chỉ đứng thật xa, nhìn đám trẻ trạc tuổi, đứa thả diều, đứa đánh tán, đứa rê banh ở khoảng đất trống gần lộ chính với vẻ thèm thuồng, cam chịu.
Hôm nay, như mọi ngày chủ nhật, kể từ lúc có việc làm, má tụi nó rời nhà từ sáng sớm. Thức ăn có sẵn từ hôm qua, tụi nó có quyền rong chơi đến giờ, quay ngửa trên bãi cỏ, nhìn những cánh diều bay lượn từ xa, thằng Lượm nghĩ ra một điều, nó vụt nhổm lên kéo con Hậu chạy ù.
Chạy một đỗi, con Hậu trì lại, hào hển:
- Chạy đi ...đâu vậy ...anh Lượm?
- Đi lượm lon với bịch nilông. Anh có tiền sẽ mua con diều nilông luôn cho em.
- Mà lượm ở đâu? - Con Hậu thì thào - Hồi đó má nói, bữa nay người ta không mua nữa mà.
- Còn, nhưng rẻ hơn thôi. Khu này mới mở, chắc chưa có ai tới lượm đâu. Lẹ lên em.
Thằng Lượm nói đại mà trúng. Hai anh em đi vòng vòng ngoài đường số 1, rẽ qua lối nhỏ hơn, qua dăm bảy lối rẽ, đã vác được cả bao lon bia, lon sữa và bịch nilông, kéo rê về. Hai đứa đi ngang qua con đường gần nhà và ngạc nhiên khi thấy một căn nhà mới toanh hiện ra ngay lối rẽ. Căn nhà xây tường mới, lợp bằng tôn cũ, với màu vàng mơ.
Căn nhà chiếm diện tích hai phần ba đất, phần còn lại là khoảng sân nền đất với hàng rào kẽm gai vừa được trồng quanh bằng hoa dâm bụt.
Ở ngay bên hàng rào, có người thanh niên ngồi xổm, mò mẫm cào đất, trồng những cây hoa hồng đủ màu.
Từ trong nhà, một đứa nhỏ trạc tuổi Lượm, kéo khoanh ống cao su dọc theo bờ rào, miệng liến thoắng:
- Chú Thành! Xong rồi. Ngon bá cháy luôn. Giờ cắm điện bơm nước nghen.
Người thanh niên lắc đầu:
- Đợi chú trồng xong đã. Tiến vô bê bịch rác ra đây dùm chú. Thật lạ, ông thợ xây nào cũng nhậu.
Chà! Một bịch to đùng, đầy những lon bia. Thằng Lượm liếm môi, lại gần nói:
- Cho tao, tao đổ rác dùm cho.
Thằng Tiến rành chuyện này sáu câu, nó tò mò nhìn hai anh em qua hàng rào hỏi:
- Tụi bây lượm lon hả? Ở đâu, sao hồi nào giờ tao hổng thấy tụi bây?
Bé Hậu chỉ tay qua lối rẽ, rụt rè nói:
- Em ở trong đó.
- Ở với ai?
- Dạ, với má và bà ngoại.
- Họ làm giống gì để tụi bây lượm lon? - Giọng thằng Tiến đầy vẻ hạch sách, tò mò lẫn quan tâm.
- Dạ, ngoại không đi được. Còn má ...làm phụ hồ.
Thằng Tiến chìa bịch lon. Thằng Lượm đỡ lấy định đi, người thanh niên đứng lên, gọi:
- Này cháu! Có muốn thăm nhà mới của chú không?
Thằng Lượm ngần ngừ. Anh mỉm cười nói vẻ dụ khị:
- Chú còn mấy lon nước ngọt, mình uống xong, cháu đem luôn lon về.
Con Hậu đang bíu cứng tay anh, nghe nước ngọt, mắt sáng lên, liếm môi, thì thào:
- Em uống Fanta.
Thằng Lượm gắt:
- Mày muốn quỳ xơ mít nữa hả? Nhớ má đã dặn gì không?
Như hiểu, người thanh niên tươi cười hướng đôi mắt khuất sau kính đen về hai đứa.
- Má dặn đừng xin và nhận thứ gì của ai. Đúng không? Nhưng đây là chú chân thành mời hai cháu mừng tân gia của chú bằng một ly nước ngọt thôi mà.
Thằng Lượm còn chưa quyết định, thằng Tiến đã đỡ bịch rác từ tay nó để xuống đất, nói:
- Mày hổng uống cũng cho con nhỏ uống chớ. Nó khát khô cả cổ họng kìa.
Vậy là anh em thằng Lượm làm khách đường hoàng bước chân vào ngôi nhà còn nồng mùi vôi mới.
Con Hậu có ngay lon Fanta và nó suýt thả rớt cái lon, khi người thanh niên gỡ kính để lên cái bàn gỗ nhỏ. Thằng Lượm chụp kịp, suỵt khẽ, người thanh niên nghe, liền nói:
- Chú tên Thành. Bị mù từ năm mười tám tuổi, do tai nạn. Đừng sợ. Giờ cho chú biết, hai cháu tên gì?
- Cháu tên Lượm, chín tuổi.
- Con tên Hậu, bảy tuổi.
Thành ngồi xuống bên Hậu, sờ lên tóc nó, vuốt nhẹ, hỏi:
- Hai đứa có đi học không?
- Dạ không - Con Hậu nói, chưa kịp nuốt ngụm nước ngọt, nó suýt sặc.
Thành vuốt ngực nó. Thằng Lượm liến láu:
- Nhưng tụi cháu biết đọc, biết viết hết trọi, chỉ có điều chưa biết viết lên vở thôi.
Nó hút một hơi coca, thở khà với vẻ khoái trá. Thành hướng về nó, hỏi:
- Vậy học bằng cách nào. Ai dạy?
- Dạ, má cháu dạy.
Và thằng Lượm kể Thành nghe cách học của anh em nó. Thằng Tiến trố mắt, nói:
- Trời! Sao mầy giống Trần Minh khố chuối đi học vậy.
Thằng Lượm thở ra, nói như cụ non:
- Tại bà ngoại tao bệnh hoài, một mình má tao đi phụ hồ, ngày hai chục ngàn, nuôi cả nhà, nên phải vậy thôi.
Thành nén tiếng thở dài, hỏi:
- Vậy hai đứa đi lượm lon, má biết không?
Thằng Lượm kể lể dài dòng:
- Hồi xưa, hoặc khi nào má cháu hổng có việc làm, thì má đi mua ve chai, còn tụi cháu đi lượm lon với bịch nilông. Giờ nghe nói, làm chỗ này việc nhiều lắm, ông chủ lại tốt, ngày nào cũng cho thợ phần ăn giữa buổi, nhà cháu ăn được ngày hai bữa, nên má hổng cho ai lượm lon nữa. Biểu ở nhà học toán.
- Vậy sao mày còn đi lượm lon? - Thằng Tiến hỏi vặn.
- Tại vầy.
Thằng Lượm kể chuyện bé Hậu quỳ xơ mít và lời hứa của nó, rồi nói:
- Mua xong con diều cho bé Hậu, tao vẫn đi lượm lon, có điều đi lúc rảnh thôi, và dấu má tao. Được nhiều tiền tao sẽ mua tập viết, để viết chữ đường hoàng.
Thằng Tiến nhìn anh em Lượm vẻ thương cảm lắm, nó chợt muốn kết bạn với hai đứa bằng cử chỉ đẹp.
- Tao nhiều tập vở lắm, năm rồi lãnh thưởng còn ối ở nhà. Tao với mầy "Đào Viên kết nghĩa" đi. Vậy của tao như của mày. Được không?
Thằng Lượm đâu biết Đào Viên kết nghĩa là cóc khô gì. Càng không hiểu lý lẽ "của tao như của mày" thằng Tiến nói. Những điều mẹ nó dạy, nó thuộc nằm lòng.
- Tao thích chơi với mày lắm, nhưng mẹ tao nói, thứ gì mình làm ra mới là của mình.
Con Hậu đã uống cạn lon Fanta, đứng lên xoa bụng rồi nói:
- Anh Lượm! Mình về nấu cơm.
Thằng Lượm nhìn bóng nắng, hết hồn đứng lên, nói:
- Chết rồi! Hổng kịp đi bán lon.
Thành hiểu, anh nói:
- Để đó chú giữ cho. Mai ghé lấy đem bán.
Hai anh em mừng rỡ, chào Thành rồi cắm cổ chạy về nhà. Thằng Tiến nhìn theo, tặc lưỡi:
- Trời! Tụi nó hổng nói, mình tưởng còn nhỏ chứ.
Thành cũng "thấy" được lúc sờ vào hai đứa. Cả hai bé choắt, gầy teo. Duy một điều Thành biết được, chúng dù nghèo đói, vẫn được mẹ chăm sóc và dạy dỗ đàng hoàng. Bộ quần áo bé Hậu đã có bốn mảnh vá, nhưng không hề có mùi hôi.
- Tiến nè! Chiều cháu đi học về ta cùng tới thăm nhà hai đứa nhé.
Thằng Tiến nhảy cẫng:
- Hoan hô.
Nhưng rồi nó gãi đầu:
- Trời! Còn đống lon của nó ề hề đây.
oOo
Thằng Tiến không đưa Thành đi tìm nhà anh em Lượm được, chỉ vì cơn mưa chiều bất chợt đến.
Lúc ấy, Nhân đi thăm nuôi chưa về. Chỉ còn mẹ Nhân và anh em thằng Lượm đối đầu với cơn mưa đầu mùa. Lúc mới mưa, hai đứa khoái lắm, được tắm thoả thích mà không cần đi mua nước gánh về. Rồi chúng lấy đủ thứ đồ dùng để hứng được nước, đổ vào đôi thùng thiếc.
Hứng nước đầy xong, hai đứa đã lạnh run, định đi thay đồ, chợt hoảng hồn thấy nước cứ ngập dần. Cả hai đâm bổ vào nhà, lay bà ngoại, nhưng bà đã mê man từ lúc nào.
Thật ra, mấy hôm nay, bà Hiền đau lắm. Bà rơi từ giàn giáo xuống, bị xe chở đá công trường cán nát hai chân. Vết thương đã lành, nhưng hậu quả là bà tàn tật suốt đời, lẫn những cơn đau triền miên khi trái gió trở trời.
Miệt bà đang ở, nhà nước chưa xây cống rảnh và chưa làm hệ thống cấp nước, nên phải đi mua nước về sinh hoạt và khi mưa, nước ngập rất nhanh.
Anh em thằng Lượm lay mãi, bà ngoại không tỉnh, biết là gay go. Mới mười tuổi đầu, nhưng thằng Lượm kinh nghiệm nhiều chuyện khó khăn rồi, nó không sợ hãi lắm, nói với con Hậu:
- Anh vác ngoại, mày che mưa, đem gửi bên kia nghe.
Con Hậu la:
- Không được. Ngoại không muốn ra ngoài đâu.
- Còn hơn để ngoại ngập nước sao. Đồ ngu!
Thằng Lượm khi quyết tâm thì nó như có sức mạnh thần kỳ, tấm thân gầy gò của nó cõng bà ngoại gọn ơ. Con Hậu trùm miếng ni-lông lên, thằng Lượm chệch choạng từng bước chân, lún sâu xuống đất nhão, đi qua lán công nhân xây dựng gọi vang.
- Mấy cô chú ơi! Cứu ngoại con với.
May cho nó, trong lán còn vài công nhân nghỉ ốm và chị cấp dưỡng đang vo gạo nấu cơm. Họ kinh ngạc khi đỡ tấm nilông, thấy một người đàn bà cụt hai chân sốt mê man. Thằng Lượm bệu bạo:
- Ngoại con bị đau mà nhà ngập nước, cho con gởi ngoại đợi má con về.
- Được. Được - Dấu vẻ thương cảm, chị cấp dưỡng đỡ bà Hiền để nằm xuống cái giường khuất gió. Chị lăng xăng quát gã công nhân đưa thuốc hạ sốt, quát lấy mền, lấy dầu xoa.
Hơi yên tâm, anh em thằng Lượm tuôn về nhà, nhưng không kịp rồi. Thùng cạc tông đựng áo quần và mền chiếu đều ngập nước. May mà hôm qua mẹ nó mua được cái thùng đạn mỹ đựng gạo. Hú hồn.
Vậy là trong mưa, hai đứa lấy áo quần thấm nước ra giặt lại nước sạch, vắt khô cho vào cái thau nhôm, thả nổi lình bình trong nước. Những thứ nào sức cả hai không giặt nổi thì túm chặt lại, cột vào cột nhà. Sau đó, hai đứa mới chạy qua bà ngoại.
Thấy cả hai lạnh tím người trong bộ đồ ướt sũng, chị cấp dưỡng quát:
- Sao hổng thay đồ?
- Dạ, quần áo ngập nước rồi - Lượm run cầm cập nói.
Chị cấp dưỡng kêu trời luôn miệng, mà biết làm sao. Anh công nhân nói:
- Lấy quần đùi tụi tui cho nó mặc đỡ đi, rồi lên giường trùm mền lại, để vậy nhiễm bệnh chết.
Hai đứa bị lột hết đồ, thay quần đùi với áo công nhân rộng thình, bị tộng lên giường. Lượm không chịu, nói:
- Cho con về giữ nhà.
Chị cấp dưỡng nạt liền:
- Nhà mày như bãi đồng nát, ai vô đó ăn trộm hử? Mày ngâm nước bị bệnh, má mày mới khổ đời đó.
Hai đứa chui vô mềm ấm, lập tức ngủ khì. Bà Hiền ngấm thuốc cũng hạ sốt. Chị cấp dưỡng nhìn ba bà cháu, cảm cảnh than:
- Đời thiệt bất công! Sinh chi con người khổ như vầy. Má nó tưởng gió thổi cũng bay, làm sao nuôi nổi chừng nấy con người?
Anh công nhân châm thuốc, lơ đãng:
- Nghe nói chị ta phụ hồ cho bên công trình một, chỗ ông Đăng.
Người công nhân nhìn qua căn nhà lều chìm dưới màn mưa, lắc đầu quầy quậy:
- Mình ở mấy tháng mà hổng biết trong nhà tới bốn người, thiệt là ...Cha! Hổng biết mấy cái cột tre với ba miếng tôn mục đó chịu nổi trận mưa rửa trời này không?
Rồi mưa cũng tạnh, Nhân về tới nhà, hốt hoảng gọi vang.
- Má ơi! Lượm ơi! Hậu ơi!
Chị cấp dưỡng chạy qua, nói:
- Ở bên này, chị ơi.
Nhân tất tả đi qua, nhẹ nhõm. Cảm ơn mọi người rối rít và dù không muốn, Nhân đành gởi tạm họ qua đêm, bởi vật dụng đều ướt sũng.
Đêm ấy, lót lòng bằng hai chén cơm đậu muối, Nhân thức trắng, gánh đất đổ nền cho cao hơn và dọn dẹp lại căn nhà, nhưng trông nhà không khá hơn tí nào sau cơn mưa.
Buổi sáng sớm, khi Nhân giăng đầy phơi mùng mền, áo quần xong, đám thợ xây dựng đến công trường, mấy cô cấp dưỡng đi chợ. Nhân bưng cháo qua, thấy mẹ đã thức, nhìn quanh ngơ ngác, bèn nói:
- Sao, má đau mà dấu con? May có mấy chị ở đây giúp đỡ. Nếu không, con biết làm sao?
Bà Hiền nín thinh, nói lảng:
- Hai đứa ngủ dữ. Gọi dậy thôi con.
Nhân tốc mềm, lay thằng Lượm và rụt tay hết hồn la:
- Thằng Lượm sốt dữ quá, má ơi.
Cả con Hậu, người cũng nóng như lửa. Nhân lật đật cõng mẹ về nhà, vét hết tiền cho vào túi, ghim lại, dặn mẹ:
- Cháo con nấu ăn luôn trưa, mẹ đói ăn đỡ, để con đưa hai đứa đi khám bệnh.
Nhân cõng thằng Lượm trên lưng, cột con Hậu trước bụng, lần dò đi ra lộ. Người chị đầm đìa mồ hôi, lê từng bước. Con đường bình thường giờ thành quá xa. Con Hậu lên cơn co giật, khiến Nhân sảng sốt, giữa đoạn đường đất vắng tanh, chị gào to:
- Cứu con tôi với. Cứu dùm với.
Tiếng la khiến người thanh niên đeo kính đen và đứa con trai đang lui cui khoá cổng ngẩng lên nhìn, chạy lại gần. Đứa con trai la:
- Anh em thằng Lượm, chú Thành ơi!
- Tụi nó sao? - Thành hỏi giật.
Nhân nức nở:
- Cứu ...cứu dùm con tôi.
Thằng Tiến đỡ con Hậu từ tay Nhân, nói nhanh:
- Tụi nó sốt dữ. Con Hậu co giật rồi.
- Lau nước mát cho nó - Thành ra lệnh.
Thằng Tiến nhúng khăn lau đại.
- Đem lau khô, thật khô, thay áo quần nhanh. - Thành nói.
Quần áo đâu mà thay? Thằng Tiến lấy khăn tắm của Thành đưa cho Nhân, chị quấn con Hậu kín bưng, mắt nhìn Thành đau đáu, trong khi thằng Tiến chạy ù ra nhà lấy đồ đứa em. Như thấy hết mọi việc, Thành nói:
- Giờ mình đứa cháu vô bệnh viện đi chị.
Nhân cõng thằng Lượm trở lại trên lưng, Thành đón bé Hậu, nói:
- Chị đi trước đi.
Thành đi sau Nhân, lắng nghe bước chân chị, đi theo không hề vấp. Qua tới nhà Tiến, nó ôm bộ đồ chạy theo, nói:
- Để cháu cõng bé Hậu cho. Má cháu gọi taxi rồi.
Mười phút sau, họ đến bệnh viện Trưng Vương. Thằng Lượm nằm cấp cứu để theo dõi. Con Hậu nhập viện ngay.
Nhân vét hết tiền trong túi chỉ đủ đóng viện phí ba ngày cho con Hậu. Thằng Tiến kề tai Thành thì thầm, anh nhìn chị từ tốn:
- Tôi có đem theo tiền. Chị cần cứ lấy tạm.
Đến giờ Nhân vẫn chưa tỉnh hồn. Chị rối rắm đến không hề tự hỏi vì sao Thành biết anh em Lượm. Chị như người máy, lấy tiền, đi mua thuốc, quanh quẩn mãi từ cấp cứu đến khoa nhi.
Quá trưa, hai đứa bớt sốt, tỉnh lại, kêu đói. Nhân sực nhớ, tặc lưỡi:
- Trời! Anh em bây làm má hết hồn. Cơm cháo gì cũng không nhớ.
Nói mới dứt câu, thằng Tiến lò dò xách cà mên vô, nháy mắt với thằng Lượm, nói:
- Chú Thành nói đem cháo cho hai đứa.
- Chú Thành! - Lượm bất ngờ.
Thằng Tiến liến láu kể chuyện xảy ra lúc sáng, rồi thao thao:
- Trời! Chú Thành hay bá chấy luôn. Cấp cứu rẹt rẹt, nếu không, con Hậu tiêu rồi.
Nhân đem cháo cho con Hậu, vừa đi, vừa nghĩ về Thành. Anh ta sao tốt quá vậy? Quen hai đứa con mình hồi nào? Vì sao cứ dấu cặp mắt sau cặp kính râm to thế?
Rồi Nhân cũng biết rõ, chị ái ngại lắm. Trời ơi! Người ta mù loà mà mình làm phiền quá thể.
Chị càng ngại hơn khi Thành ngồi mãi ở bệnh viện không về.
Trời tối dần, thằng Tiến đã về nhà. Nhân lo cho mẹ, cứ bồn chồn đi lại. Thành lắng nghe và nói:
- Có phải chị muốn về lo cho bác không? Nếu vậy, chị cứ đi, để hai đứa cho tôi.
Chẳng còn cách nào, Nhân lắp bắp cảm ơn Thành, tất tả đi. Thành gọi lại:
- Chị đừng sợ tốn kém, cứ đi honda ôm cho nhanh ...
Khi Nhân trở lại bệnh viện, đã thấy thằng Lượm nói chuyện với Thành như sáo. Thấy mẹ, Lượm khoe:
- Em đòi ăn thêm chén cháo, xong ngủ rồi. Bác sĩ nói, sốt cảm thôi, vài bữa sẽ khỏi.
Nhân thở phào, lén nhìn Thành, lòng tràn ngập sự mang ơn. Trái tim anh ấy không mù loà.
Chương 6
Đạt không đắn đo, hỏi độp Ánh, sau cả tháng trời tìm không thấy Thành.
- Mấy lần Ánh ghé chơi, có gặp ai trong nhà anh không?
Ánh không phải kẻ vô tâm, sự khác thường ở Đạt suốt mấy tuần qua, với Ánh là một bài toán chưa có đáp số. Nhưng cô thản nhiên nói:
- Không. Bộ nhà anh, ngoài anh và dì Út, còn có ai nữa sao?
- À! Không. Ánh này! Em có quen người bạn nào tên Thành không?
Cô lắc đầu:
- Em không nhớ. Nhưng bạn thân thì không có. Sao anh hỏi vậy?
Đạt nhìn mặt Ánh, biết cô nói thật. Anh buồn bã quay đi, quên cả chào Ánh.
Phòng làm việc buổi trưa vắng người, Ánh quyết hỏi cho ra lẽ. Cô kéo Đạt lại:
- Có chuyện gì, sao anh không nói với em?
Đạt lo đãng:
- Chuyện không liên quan đến Ánh đâu.
Ánh tự ái. Hai người yêu nhau, sao lại không liên quan? Hay quả thật cô chưa nắm chắc con tim Đạt?
- Anh nói vậy nghĩa là sao? Em chưa là gì trong anh ư?
Đạt sực tỉnh. Câu nói Ánh như muốn xác định chuyện hai người. Nhưng với anh, hiện tại chưa phải lúc. Anh thích Ánh đâu có nghĩa là tất cả.
- Anh đang có chuyện buồn trong nhà, Ánh thông cảm, một lúc nào đó, anh sẽ nói rõ ràng. Giờ anh phải đi. Xin lỗi Ánh.
Ánh bất lực nhìn theo. Cô hiểu anh khá rõ. Đối với công việc, Đạt nghiêm túc. Đối với đối thủ, Đạt không từ thủ đoạn để đạt kết quả. Đối với đồng sự, Đạt hoà đồng. Chỉ riêng với bản thân anh, giờ Ánh mới thấy, khi Đạt khép kín mình, không một ai có thể đến gần.
Lúc ấy, Đạt đã về lại công trình. Thật ra, anh muốn về nhà, một mình trong cõi riêng tư ấy, nhưng Đạt là mẫu người của công việc và trách nhiệm. Ngôi nhà họ đang thi công, cách chi nhánh công ty một quãng. Nhân cũng theo công trình, tiếp tục công việc phụ hồ.
Đạt dừng xe, cùng lúc Nhân tất tả chạy ra, má đỏ hồng trong nắng. Công trình còn vắng lặng bởi đang giờ nghỉ trưa. Thấy Nhân, Đạt hỏi:
- Sao chị đi làm sớm vậy?
- Lúc sáng, tôi rửa sạn chưa xong.
Nhân xắn tay áo, tới bên bể rửa, nhìn Đạt hỏi lại:
- Sao ông ghé sớm vậy? Công trình có vấn đề ư?
Chẳng hiểu sao, vẻ mặt khắc khổ, xanh xao của Nhân khiến Đạt có ấn tượng. Lạ kỳ nhất là đôi mắt, đôi mắt chị vẫn trong veo, trong một hình hài cằn cỗi.
Đạt đến ngồi tựa vào đống cốp pha chất cao, nhìn Nhân và nói:
- Không ai như chị cả. Làm hết việc không hết giờ. Tôi đến đây vì chẳng có chỗ nào để đi.
Nhân ngẩn ra, chẳng lẽ anh ta nghèo hơn mình, đến độ không có nhà? Không đâu. Anh ta có xe máy và dù trong bộ đồ bụi bặm công trình, con người ấy vẫn "toát ra" hơi tiền lẫn danh vị.
- Ông nói giỡn chứ gì?
Nhân lấy cái rỗ tre để lên đống sạn, lấy xẻng định xúc, Đạt chợt nói:
- Còn một giờ nữa mới chính thức làm việc, chị có thể nói chuyện với tôi một lát không?
Hình như anh ta không ổn? Nhân nghĩ và lẳng lặng đi lại gần anh, ngồi xuống và nói:
- Ông có chuyện buồn hả? Nếu vậy, nói ra sẽ dễ chịu hơn.
- Chị nói cứ như luôn gặp chuyện buồn và xử lý được cả.
- Tôi ngày nào mà không có chuyện buồn. Nghèo mà, nên bất cứ chuyện gì xảy ra, đều gây buồn. Nhưng tôi đã quen rồi. Mỗi khi buồn quá, tôi thường nghĩ đến má tôi, đến con tôi là như có thêm sức mạnh vượt qua tất cả.
Đạt nhếch môi cay đắng:
- Vậy sao? Nhưng má tôi, đáng cho tôi nghĩ về sao? Ba tôi đáng để tôi hy sinh sao? Tôi lại chưa có vợ con để có mục đích hiến dâng đời mình. Người tôi muốn trọn đời yêu thương, săn sóc, chia sẻ vui buồn là anh tôi. Nhưng anh ấy đã đi rồi.
Đạt thẫn thờ, mắt cay xè, đau đớn nói:
- Ảnh bỏ tôi đi rồi. Nghĩa là ảnh không thể nào tha thứ, ảnh không chút gì thương tôi.
Nhân bối rốt khi thấy mắt Đạt đẫm ướt. Anh gục đầu vào đôi bàn tay để trên đầu gối, dáng vẻ đầy tuyệt vọng, chán chường. Được em thương đến vậy, sao người anh bỏ đi? Chẳng lẽ ...có một lỗi lầm quá lớn?
- Ông đừng buồn nữa. Mọi sự ăn năn đều dẫn đến tha thứ, sẽ có một ngày, anh ông thấu hiểu, quay về.
Đạt miên man:
- Không đâu. Vì tôi, mẹ anh ấy chết, vì tôi anh thành kẻ mồ côi. Vì tôi, anh trọn đời tật nguyền. Ảnh có một người cha, là tôi cướp. Anh có một mái nhà, là tôi làm nát tan. Làm sao anh tôi có thể tha thứ được?
Nhân điếng hồn nhìn Đạt chầm chậm. Trời ơi! Có ghê gớm vậy không? Con người anh ta đâu có vẻ gì ...
Đạt ngẩng lên, vẻ kinh sợ trong mắt Nhân khiến Đạt sực tỉnh. Anh lắc mạnh đầu. Trời! Mình đã nói gì khiến chị ta nhìn mình như quái vật vậy? Đạt! Mày điên rồi.
Đạt bật dậy, bỏ đi, gắt gỏng:
- Không cần nhìn tôi kiểu đó, tôi cũng đủ muốn chết rồi. Nhưng không như chị nghĩ đâu.
Đạt lên xe phóng thẳng một mạch. Nhân nhìn theo lòng rối rắm: ghét, thương, giận, buồn lẫn lộn. Người đâu đến lạ. Còn mình, đâu hơn gì.
Hôm ấy, Nhân về kể cho mẹ nghe chuyện Đạt. Hôm ấy, Đạt cũng uống say mèm ở một quán bar và khi đến nhà, cứ ngồi suốt đêm trong ngôi vườn đầy ánh sáng.
oOo
Đêm cô tịch và vắng lặng, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió lay cây lá xào xạc. Tiếng thằn lằn chặc lưỡi canh khuya, lại khiến Thành thao thức với sự cô độc riêng mình.
Gương mặt người con gái trong quá khứ chợt hiện về dù Thành cố xua đi, cố chôn vùi suốt mười năm qua.
Ngày ấy, Ánh đẹp tinh khiết. Nét tinh khiết của cô nữ sinh mười hai làm vẻ rực rỡ của bó hoa trong tay cô trở thành thừa. Bó hoa ấy, Ánh tặng Thành vì lòng ái mộ tiếng đàn của anh. Giữa rừng người, giữa cờ hoa, Ánh trong mắt Thành nổi bật, in đậm vào con tim non trẻ tuổi mười tám. Năm ấy, Thành mới bước chân vào năm đầu nhạc viện.
Họ làm bạn nhau rất nhanh, yêu nhau ngay khi kết bạn. Thành nói yêu Ánh lúc cô không kiềm được, trong một lần anh biểu diễn về, đã ôm anh, hôn anh ngay giữa phố, bằng tất cả vẻ e ấp trinh nguyên.
- Anh yêu em.
Cô thẹn thùng lẫn vui sướng. Trai gái bén lửa yêu, như đôi sam khắng khít, bên ngoài cổng nhà Ánh.
Thành hôn Ánh, nụ hôn thiêng liêng đầu đời và hôn mãi vì Ánh không chịu rời anh.
Chuyện tình yêu mình, Thành chưa kể Đạt nghe, anh chỉ nói với mẹ về cô bạn gái và dự định đưa cô đến thăm thì biến cố đời anh xảy ra...
Họ đến bằng xe hơi bóng lộn, người tài xế chở Đạt đi học, cúi đầu trước họ cung kính nói:
- Dạ, cậu Đạt tới lui nhà này chứ không đi đâu cả, thưa ông bà chủ.
Người đàn bà lộng lẫy nhìn quanh rồi nhìn qua Thành, nhếch môi nói, đôi hàm răng trắng bóng khít rịt:
- Nó lấy vàng đưa cho chú em phải không?
Chẳng buồn đợi Thành trả lời, người đàn bà quay sang người đàn ông:
- Dù sao em cũng hú hồn, cứ tưởng nó rơi vô ổ xì ke, ma tuý.
Bà ngoe nguẩy, chỉ tay vào mũi Thành:
- Từ nay, chú em không được lân la với thằng Đạt, rõ chưa? Cũng may, vàng chưa vô tay chú em đấy. Nếu rồi, coi như rũ tù.
Thành chết lặng nhìn bà, rồi nhìn người đàn ông từng là cha mình. Ông ta sang trọng quá, bóng láng quá, gương mặt điển trai biến dạng ở lứa tuổi gần ngũ tuần, phì nộn, him híp, nung núc là thịt. Trong Thành không có cảm giác máu thịt, xúc cảm trơ trơ, chỉ dấy lên niềm khinh ghét đến gai người. Thành cung tay, gằn giọng:
- Mời ông bà đi cho. Còn con ông bà ...Xin lỗi. Nó muốn đến, tôi không cản được.
Ông Tiến Lợi nhìn chằm Thành, thằng con trai này có vẻ quen thuộc, mà ông không nhớ gặp ở đâu. Giọng ông không căng lắm.
- Thằng Đạt xin mấy cây, bác không cho vì không biết nó dùng vô việc gì. Nó dại lắm, bèn lấy cắp. Thì ra là vì cháu...
- Không phải - Thành cắt ngang - Tôi chưa khi nào cầm một đồng bạc của con trai ông. Với tôi, đồng tiền ...
Thành nín bặt. Bà Diệp đi chợ về, đang vô đến nơi, thấy người đông, ngỡ là khách sộp nào tới may đồ bèn xởi lởi:
- Chào ông. Chào bà. Xin lỗi, vì để ông bà phải ...
Bà nghẹn ngang. Ông Tiến Lợi và vợ xoay đối diện bà. Họ trợn mắt, há hốc.
Bà Hoa vụt gào lên, lăn xả tới, chụp bà Diệp, cấu xé, gào thét:
- Thì ra là mày. Thì ra chúng mày hùa nhau muốn cướp mất luôn con trai tao, cướp sản nghiệp tao.
Một thoáng bất ngờ, Thành nhào tới gỡ mẹ thoát khỏi tay người đàn bà, xô mạnh bà ra, hét:
- Đi! Các người ra khỏi nhà tôi mau. Đi đi!
Ông Tiến Lợi đứng sững, bối rối, ú ớ. Bà Hoa điên ruột, thét tài xế:
- Đánh mẹ con, con giật chồng này cho tao. Bằng không, mày mất việc. Lai! Mày nghe tao nói không?
Lai ngần ngừ "Lệnh ông không bằng cồng bà". Hắn tặc lưỡi bước tới, xô Thành chúi nhủi, dang tay tát mạnh vào bà Diệp đang nức nở khóc, hai tát tay mạnh nói:
- Cảnh cáo chị, từ nay liệu hồn xéo đi.
- Mầy ... - Ông Lợi quát, vụt khựng lại khi thấy đôi mắt đỏ ngầu, long sòng sọc của vợ.
Bà Diệp choáng váng ôm cột nhà, nỗi nhục, nỗi hận, khiến bà ngửa mặt gào lên, gào to, gào mãi những tiếng gào ghê rợn như không thể phát từ cửa miệng con người. Thành ôm mẹ, tâm trạng chẳng kém gì mẹ, anh điên dại, thấy mẹ bị làm nhục, đánh đập, còn anh bất lực đến không bảo vệ được.
Thành vội chụp cây kéo cắt vải nhào tới Lai. Ông Lợi sực tỉnh, ôm Thành lại.
- Đừng con.
Thành vùng vẫy. Bà Hoa lừ đừ đi lại gần bà Diệp. Ông Lợi quýnh, buông Thành ôm lấy vợ kéo đi ra, nói liên hồi, tay ném cây kéo ra xa.
- Anh thề với em, không hề biết bả ở đây. Chừng ấy đủ rồi, làm lớn chuyện sẽ tổn thương danh dự mình, không chừng dính đến công an thì phiền phức.
Kẻ xô, người đẩy, giằng co. Vừa lúc Đạt chạy xe máy vô nhà, Đạt bối rối nhìn quanh, định hỏi thì Lai thì thầm nói vội:
- Bà đó là vợ lớn của ba cậu. Cậu mà không khéo, họ gặp tai họa đó.
Đạt ngây người, xuống xe. Thành đúng là anh Hai của Đạt ư? Đạt đi vào như mơ. Bà Hoa thấy con, vụt gào khóc. Đạt ôm mẹ, nhìn cha:
- Má Diệp là má lớn của con thật hả ba? Vậy anh Thành đúng là anh Hai con rồi. Trời ơi! Con có anh thật sao?
Đạt không biết câu nói ấy, chính là bản án tử hình Đạt vô tình treo trên đầu bà Diệp. Lòng ghen tuông ích kỷ, thói hợm mình, ỷ tiến, ỷ quyền đã khiến mẹ Đạt thành kẻ sát nhân ...
Chương 7
Đứng trước cái lều kỳ quặc mà bọn trẻ bên ngoài chỉ, nói là nhà anh em thằng Lượm, Tiến thộn mặt, nhìn lơ láo, lẩm bẩm:
- Nhà thiệt sao?
Thành đứng bên thằng Tiến, tay đặt trên vai nó, nghe được câu lẩm bẩm, liền hỏi:
- Cái gì mà thiệt không? Sao chưa đi vô?
- Hổng phải nhà dì Nhân đâu chú. Đây là cái chòi, ngó thảm lắm.
Thành nhíu mày, nghe giọng nói thằng Tiến, Thành đoán được nó nghĩ gì.
- Cháu gọi thử xem.
- Lượm ơi!
Tiến gọi rồi nhìn lom khom qua cái lỗ hổng giống cái cửa.
Thằng Lượm chui ra, dụi mắt, theo sau là bé Hậu, mặt còn ngái ngủ.
- Chú Thành - Lượm reo lên.
- Còn tao chi mày? - Tiến lại gần, mắt đảo quanh căn nhà thằng bạn - Nhà mày đây hả Lượm?
Thằng Lượm cóc biết thế nào là nỗi buồn thân phận, nó vô tư trong cái nghèo của mình, "khoe" liền:
- Ừ. Nhà chính tay má tao "xây" à mày. Chỉ một buổi chiều đến nửa đêm là xong tuốt.
Con Hậu sau khi chào Thành, nép vào anh im lặng. Lượm hơi lúng túng một chút rồi nói:
- Mình về nhà chú Thành chơi hén.
- Sao cháu không mời chú vô thăm bà? - Thành hỏi.
- Ngoại không thích gặp ai. - Bé Hậu thỏ thẻ.
- Tại sao?
Thằng Lượm ấp úng. Thành và thằng Tiến đã tới sát cửa. Thằng Lượm chợt nói to:
- Ngoại ơi! Chú Thành muốn thăm ngoại.
- Mời vô đi.
Thằng Tiến bước vô trước, mắt đảo quanh, trong lòng ái ngại quá đỗi và khi nó nhìn vào người đàn bà ngồi ở chiếc chiếu trải sát góc nhà thì buộc miệng "ối chà!" một tiếng, khiến Thành nhăn tít mày.
Thành cảm nhận được cái nghèo khổ, sự thiếu thốn quanh khoảng không gian này. Nhưng làm sao hiểu được tất cả khi đôi mắt mù loà. Anh gắt nhỏ:
- Cháu sao vậy Tiến? Sao ...
- Dạ ...không ...có gì. A ...a...con chào bà ngoại. Con là Tiến. Còn đây là chú Thành, bạn anh em thằng Lượm.
Bà Hiền ngập ngừng nói:
- Xin lỗi cậu. Nhà không có ghế, cậu ngồi trên chiếu đỡ.
Thằng Tiến dắt Thành tới ngồi bên bà Hiền, cố không nhìn đôi chân cụt của bà. Nhưng không nhịn được, thỉnh thoảng liếc nhanh rồi quay đi.
Nhà chỉ có ly nhựa, con Hậu pha nước vô hai cái ly, bưng tới, rụt rè chìa qua Thành và Tiến. Đợi cả hai đặt ly xuống, bà Hiền thong thả nói:
- Chắc con Nhân chưa có dịp kể hoàn cảnh gia đình cho cậu nghe và càng không nói có bà mẹ cụt hai chân.
Mặt Thành bình thản, anh gỡ kính đeo mắt, nhìn qua bà Hiền, nói:
- Những nỗi khổ cực và mất mát cháu từng trải qua, và không chừng còn tiếp tục nếm trải. Bác dù sao vẫn còn sống đó, để mỗi khi chị Nhân cần chỗ nương tựa, là có bác một bên. Còn hơn như cháu, suốt đời khổ hận, có cha mà không thể nhìn, thấy mẹ chết cháu mà không cứu được, có thù mà không thể báo, tương lai bị huỷ diệt, đôi mắt mất đi ánh sáng. Còn đau khổ nào hơn? Bác à! Chỉ nghèo thôi, chưa phải là cái buồn, tàn tật chưa hẳn là phế nhân. Cháu nghĩ vậy, nên đứng lên được rồi.
- Mẹ con thằng Lượm nói về cậu không sai tý nào. Con Nhân tính cố chấp lắm, vậy mà từng khoe, làm bạn với cậu là phần phước trời ban.
Thành thoáng cười. Anh em thằng Lượm và Tiến lủi ra ngoài, xách theo con diều mua được bằng tiền bán lon. Bên trong, hai người già, trẻ, làm quen nhau qua cuộc chuyện chân tình, nhưng không đề cập đến quá khứ.
- Nghe con Nhân kể, cậu mới dọn tới ở lộ trước và ở có một mình, vậy làm ăn, sinh hoạt, có khó khăn không?
- Dạ, con ăn cơm tháng mẹ cu Tiến nấu. Còn việc làm, vài ba hôm nữa, con đi kiếm.
- Cậu làm nghề gì?
Thành im lặng một lúc.
- Cháu chơi đàn ở một thính phòng nhưng nghỉ thời gian lâu quá, nên có người thế chân rồi.
- Thính phòng có giống như vũ trường không? Nếu giống con Nhân xin việc cho cậu được. Hồi xưa, nó làm ở vũ trường.
Thành có vẻ bất ngờ, nhưng bà Hiền không nhìn thấy. Hồi xưa làm ở vũ trường? Chị ta từng làm vũ nữ ư? Từ bao giờ? Mười năm hay lâu hơn? Phải rồi. Thằng Lượm đã mười tuổi, chị ta chắc ngoài ba mươi, nhưng sao nghe giọng nói, mình ngỡ trẻ hơn tuổi nhiều.
- Dạ thính phòng khác vũ trường bác ạ. Người luôn sống trong bóng tối như cháu, khó có thể sinh hoạt bình thường.
- Tôi cũng vậy. Thân như vầy không muốn ra ngoài, hồi mới tới, chợ vắng, người thưa, tôi còn đi chợ, mới đó mà xây nhà chật đất rồi. Giờ con Nhân đi làm về là đi chợ luôn - Bà chép miệng. - Thêm nỗi, tôi đau hoài. Tội nghiệp con Nhân, vì tôi với hai đứa nhỏ mà hy sinh cả đời son trẻ.
Thằng Lượm chạy vô thở hổn hển nói:
- Chú Thành ơi! Chơi thả diều đi. Thằng Tiến cá với tụi ngoài kia "người lớn" ...cũng chơi thả diều.
Nghe Lượm ngập ngừng hai chữ "người lớn", Thành thoáng cười, nói:
- Chú nghĩ là nó cá như vầy "Chú tao mù mà biết thả diều cao nhất". Đúng không?
- Dạ ...dạ ..là thằng ..a ...là ...con nói.
- Cá cược thứ gì?
- Cược, nếu chú thả diều cao nhất tất cả tụi nó đi lượm lon nguyên ngày lấy tiền mua tập, bút cho con.
- Ra là vậy. Được. Chú cháu mình đi.
Thành đeo kính, đứng lên chào bà Hiền, sực nhớ, hỏi Lượm:
- Để ngoại ở nhà một mình sao?
Lượm ngần ngừ, ngoại nó thường ở nhà một mình có sao? Tụi nó lâu nay vẫn "đi làm" kiếm tiền mà.
Bà Hiền nhìn thằng Lượm:
- Có con diều nào để ngoại thả không?
Thằng Lượm tròn xoe mắt, ấp úng:
- Dạ ...có. Ngoại cũng biết ...thả diều sao?
- Cha mày! Thả diều ai không biết. Nào, lấy mo đi.
Thằng Lượm nhanh nhẹn lấy mo và đòn gỗ cho bà ngoại. Bà Hiền nhanh nhẹn tròng vô người, nói:
- Nào, cho con thấy ngoại thả diều hay cỡ nào.
Thằng Lượm lơn tơn đi trước. Thành đi với bà Hiền. Bà "đi" bằng hai tay bám đòn ngồi, nhưng bà đi khá nhanh. Bà vừa "đi" vừa tâm sự như trải lòng cho Thành nghe.
- Người lớn nào cũng có tuổi thơ hết. Hôm nay gặp được cậu, bỗng dưng sao nghe trong lòng vui vẻ quá. Tôi quyết định từ nay không trốn tránh người đời nữa, sống vui vẻ được ngày nào hay ngày đó.
Thành cảm động, nhưng không hé môi. Cả ba ra tới bãi cỏ, đám trẻ nhìn đến há hốc. Trời thần! Thằng Tiến nói thiệt. Chẳng những ông chú nó mù đi thả diều, còn thêm một bà già cụt hai chân. Đúng là hết biết.
Bọn trẻ vây thành vòng tròn. Khi Thành và bà Hiền nắm con diều và hò reo dậy trời khi cả hai cánh diều căng gió bay cao dần. Suốt chiều hôm đó, bà Hiền ngồi giữa đám trẻ với Thành, cùng thả diều, cùng vui đùa đến quên thời gian.
Nhân đi làm về, ngang qua nhìn thấy, ngây người sững ra. Chuyện gì xảy ra vậy? Cô lần tới gần, nhìn mẹ mặt ửng hồng, tóc bết mồ hôi:
- Ngoại không biết hát vọng cổ, hay ngâm thơ bù được không? Nếu không, ngoại nghỉ chơi.
- Được, được. - Bọn trẻ ré dậy trời.
Bà Hiền nhắm mắt hò:
- Hò ơ ...đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu ...
- Má!
Nhân tới sat bên mẹ, mừng muốn khóc. Bao năm rồi, mẹ không vui như vậy. Nhân nắm tay mẹ, nhìn Thành, hỏi:
- Sao ra hết đây vậy? Ông đến lâu chưa? Mẹ tôi bắt ông ra đây à?
- Là tôi đưa bác ra. Bác thả diều cao hơn cả tôi, nhưng hỏi đố thì bác thua tôi.
Nhân xúc động, ứa nước mắt, nói nhỏ:
- Vậy từ nay, mỗi chiều, con đưa má đi chơi. Mình ăn tối một chút không sao đâu hả má. Má thích con diều màu gì?
- Màu gì cũng được, miễn là vui như bữa nay.
Bà Hiền nắm tay Thành, nói:
- Nếu cậu Thành không kiếm được việc làm, con tìm giúp nghen.
- Việc làm? - Nhân bối rối - Ông ấy làm sao đi làm như con được? - Cô nói thật nhỏ.
- Sao con gọi cậu Thành bằng ông? Nó lớn hơn con giỏi lắm năm, bảy tuổi, lẽ nào chức ông to vậy? Gọi nhau xưng anh em được rồi. Còn việc làm, con cứ hỏi cậu Thành, cậu ấy nói đàn ở thính phòng gì đó.
Thành nghe bà Hiền nói hơi nghi hoặc trong lòng. Chẳng lẽ anh già lắm sao để bà biểu Nhân gọi bằng anh? Chẳng lẽ năm tháng vô tình tàn phá thể xác anh nhanh hơn tâm hồn?
Thành chợt thấy buồn rũ, chán chường, anh muốn quay về với sự cô độc riêng mình.
Không chào từ giã, Thành bước đi trước ánh mắt ngỡ ngàng của mẹ con bà Hiền. Thằng Tiến chạy theo, gọi vang:
- Chú Thành! Đợi cháu với. Đi đường này nè.Chương 8
Nhìn mặt Đạt ửng đỏ, mắt lờ đờ, Nhân ngần ngại muốn đến, rồi quay đi thở dài. Anh ta buồn gì mà độ rày say mãi.
Nhân về lại chỗ xe cát, chị xúc cát đổ vào xe rùa, kéo vô trong. Lúc trở ra, đã thấy Đạt đứng hút thuốc, tựa vào gốc cây.
- Chị muốn gặp tôi hả?
- Sao ông biết?
- Con mắt chị biết nói đấy.
Anh ta không say, hay người say biết cảm nhận?
Ngần ngừ, nhưng rồi Nhân cũng nói:
- Tôi muốn mượn nửa tháng lương, trừ tuần hai ngày tiền, nhưng bên tiền lương nói phải có người bảo lãnh.
Đạt nhún vai, sờ túi quần:
- Vậy việc quái gì chị mượn cho phiền phức. Chị cần bao nhiêu?
Nhân nhìn Đạt, tia nhìn khó hiểu:
- Tôi chỉ muốn mượn tiền công trình.
- Mượn tôi có khác gì. Mỗi tuần cứ trả tôi hai ngày lương.
Nhân khó xử, không biết nói sao. Vấn đề là chị không muốn mang ơn. Nhưng nếu Đạt bằng lòng bảo lãnh, coi như chị đã mang ơn rồi còn gì.
Nhân quay đi, cắm cúi xúc cát. Đạt nhìn Nhân vẻ nghĩ ngợi. Có lúc Nhân thật trẻ, như cô gái đôi mươi vậy, với đôi gò má căng lên ửng hồng trong nắng, với đôi mắt như biết nói cười. Những lúc ấy, vẻ gầy gò, khắc khổ trong Nhân biến mất, Đạt thấy chị thật mảnh mai, quyến rũ thanh tân.
- Nhà chị có việc à?
Nhân thở ra, đành nói thôi:
- Hôm rồi, tôi đi thăm nuôi, ở nhà mưa quá, má tôi với hai đứa nhỏ bệnh hết. Người hàng xóm có cho mượn một số tiền, có điều, tôi biết ông ta cũng không có tiền.
- Giờ khoẻ hết chưa?
- Rồi, nên tôi ...
- Tôi hiểu. Tôi thật lòng muốn giúp chị. Chị đừng ngại. Thật ra, số tiền chị mượn, với tôi chỉ một bữa nhậu, có lớn lao gì.
- Tôi sẽ trả anh một tuần bốn chục ngàn, được không?
- Được mà. Tới giờ nghỉ việc, tôi đưa cho.
Đạt lững thững quay đi, chợt nghe buồn buồn vô cớ. Thì ra, chồng chị ta ở tù, và tuần nào chị ta cũng đi thăm nuôi. Tại sao một người đàn bà như thế, phải khổ bởi duyên phận chẳng ra gì. Gã chồng chị ta là kẻ khốn kiếp có phước phần.
Đạt nghĩ đến mẹ mình, nhếch môi cười cay đắng. Đều là đàn bà, sao "ngươi ta" cực khổ vậy mà bản chất vẫn cao đẹp. Còn mẹ đâu thiếu thứ gì, vẫn làm chuyện tàn nhẫn đế di hận trong anh suốt đời.
Cứ nghĩ đến là Đạt muốn điên lên. Anh muốn đập phá, muốn say để quên, nhưng không lúc nào đôi mắt màu mây trắng đục lờ của Thành thôi ám ảnh anh trong màn lửa đỏ rực trời và một xác thân mảnh mai cháy bỏng rộp thịt da. Má Mai ơi! Anh Hai con bỏ con rồi. Con đã không tròn lời hứa với má trước khi má vĩnh biệt cõi đời ô trọc này. Con thật là có lỗi. Nhưng má hãy yên tâm. Dù bao tháng năm, con vẫn tìm, rồi sẽ có một ngày, anh con hiểu lòng con. Anh em con lại có nhau trong đời.
Đạt xách xe chạy quanh các công trình, rồi quay trở về chỗ nhà Nhân làm. Anh ngồi hút thuốc ở khu nhà kho chứa dụng cụ cho tới khi tan tầm. Nhân rửa sơ chân tay, cởi áo lao động móc vào kho. Đạt đứng lên, đi ra chỗ để xe, nói, mắt nhìn sững Nhân:
- Tôi đưa chị về.
Nhân lắc đầu lia lịa:
- Cám ơn ông. Tôi còn phải đi chợ.
- Đi chợ nào? Tôi đưa đi.
Anh cười cười, nửa đùa, nửa thật:
- Rủi chị trốn nợ, tôi biết đường đâu tìm.
Mặt Nhân sa sầm, giọng nặng nề:
- Vậy tôi không dám làm phiền - Chị quay lưng - Vì cái nhà tôi có dỡ hết ra, bán trả, cũng không bằng một phần số tiền ông cho mượn.
Thấy Nhân giận, Đạt sửng sốt, chặn Nhân lại:
- Tôi giỡn thôi mà chị giận thật à? Là tôi nghe mẹ và con chị bệnh, nên muốn ghé thăm thôi. Dù gì cũng chỗ bạn bè mà.
Nhân cúi mặt bối rối khi gặp mắt Đạt. Mắt anh nhìn lạ lắm, khiến Nhân rợn người, nổi gai ốc. Ánh mắt không như lão gì mới ghé đây lúc sáng, đầy dục vọng, nhưng giống ở vẻ ...Trời ơi! Nhân không dám nghĩ tiếp và càng không hiểu tại sao đã biết nhau hai tháng, lần đầu tiên Đạt nhìn chị bằng ánh mắt này.
Nhân làm sao biết, khi chị cởi bỏ chiếc áo lao động, tắm rửa sạch sẽ, chải tóc gọn gàng trong tà áo bà ba ôm sát người, dáng vẻ chị cuốn hút hồn người, mà đây là lần đầu tiên Đạt nhìn thấy.
Thấy Nhân làm thinh, Đạt chịu thua. Anh lấy tiền ra, dúi vào tay Nhân, nói:
- Cô không thích lời nói đùa, thì từ nay, tôi không nói đùa, đừng giận nữa.
Nhân nửa muốn nhận, nửa muốn trả. Còn đang ngần ngừ, vừa lúc Ánh tới. Nhìn Đạt chỉ một mình với cô gái lạ giữa khu nhà xây dở vắng tanh, Ánh khó chịu lạ kỳ. Mấy hôm nay, Ánh tìm Đạt khờ người, anh cứ như ma, biến mất tăm, từ nhà đến cơ quan, lẫn ở các công trình. Hôm nay, Ánh gặp, lại bì kỳ đà cản mũi. Tức không.
Mặt Ánh cố cười vẫn không dấu được vẻ ác cảm với Nhân. Cô nói nhỏ nhẹ:
- Có chuyện gì mà dùng dằng chưa chịu về hả anh?
Nhân dấu số tiền ra sau lưng theo phản ứng tự nhiên. Ánh thấy càng khó chịu. Đạt vô tư:
- Không có gì. Tìm anh có việc à?
Nhân lật đật cắp nón chào hai người, đi một nước.
Đạt nhìn theo, Ánh gắt:
- Anh sao vậy? Thích chị ta à?
Đạt chợt khó chịu, bởi cảm giác như đang bị lột trần. Anh lầm lì lên xe, nói:
- Nếu không có gì, anh về đây.
Ánh dậm chân:
- Anh hẹn cùng em về ăn cơm tối với ba má em mà.
Đạt không nhớ, vẫn gật đầu đại:
- Anh nhớ, nhưng giờ có việc đột xuất, Ánh thay anh xin lỗi bác dùm. Hẹn dịp khác.
Ánh rướm nước mắt, chút tự ái và khôn ngoan khiến cô ghìm được lời năn nỉ, hạ mình. Cô quay xe ra, phóng xe đi, không nhìn Đạt. Anh ngần ngừ rồi nhún vai, phóng về hướng ngược lại. Đạt muốn đi thăm mộ mẹ Thành. Anh hy vọng sẽ có một lần gặp được Thành ở đó.
oOo
Chiếc xe hơi quen thuộc đậu ngoài cổng nghĩa trang, khiến Đạt muốn quay về, nhưng anh vẫn chạy xe tận vào trong và thấy ông Lợi đang ngồi trầm ngâm trước mộ bà Mai.
Anh tắt máy xe, lẳng lặng đến ngồi bên cha, lơ đãng châm thuốc hút. Ông Lợi chợt nói:
- Ba nghĩ nó sẽ tới đây?
- Ba dám đối diện với ảnh sao?
Ông Lợi làm thinh, thở dài. Đạt chua chát:
- Có thật đồng tiền mua được mọi thâm tình, che lấp được tội ác không ba?
- Đạt! Mẹ con không chủ tâm. Con đừng tự hành hạ mình nữa.
- Tại sao có con trong đó? Chuyện cắn rứt lương tâm tới phần con sao?
Ông Lợi khẽ lắc đầu:
- Đừng dấu ba. Con là đứa con chí hiếu, lẽ nào quên câu "Sinh dưỡng đạo đồng"? Con càng thương thì càng hận khi ba má lỗi lầm và tự trách mình là nguyên nhân gây nên tội lỗi. Đạt à! Thật ra, trách nhiệm với lương tâm là ba má phải mang, con không nên dằn vặt mình, làm khổ mình.
Đạt cười chua chát:
- Chúng ta đều tội lỗi như nhau và sẽ kẻ trước người sau vào địa ngục thôi. Ba nói thật đi. Nếu hồi đó không vì má báo tin có tôi, ba có đành lòng bỏ mẹ con ảnh không?
Ông Lợi không thể trả lời, nếu nói thật. Sự ra đời của Đạt chỉ là cái cớ, bởi ông trăm mưu ngàn kế, chiếm cho được bà Hoa, mẹ Đạt chỉ vì cái gia tài khổng lồ bà thừa hưởng, thì chắc rằng ông sẽ bị đứa con còn lại khinh rẻ suốt đời. Còn nói rằng bà Hoa có Đạt mà ông cắn răng bỏ mẹ con Thành, thì Đạt sẽ dằn vặt cả đời.
Ôi! Giờ ông mới hiểu thế nào là quả báo nhãn tiền. Ai bảo có tiền là có tất cả chớ? Ông giờ sống trong giàu sang danh vọng, vẫn không lúc nào thanh thản với những đêm ác mộng triền miên.
Đạt nhìn cha, nửa xót thương, nửa oán hận. Thật ra, từ khi bà Hoa, mẹ Đạt còn sống, Đạt đã hiểu ba má mình là một cặp xứng đôi. Ông Lợi tham lam, quỷ quyệt, chốn thương trường không gặp đối thủ, để giàu thêm giàu. Ông không từ thủ đoạn nào để kiếm tiền. Mẹ Đạt lại là kẻ giàu từ trong trứng nước, con của một nhà doanh nghiệp lừng lẫy miền Nam hồi chưa giải phóng, tài sản nằm ở ngân hàng nước ngoài. Mẹ Đạt sống vị kỷ không bao giờ chịu thua sút ai. Bà mê mệt ba anh, lúc ấy làm người giao dịch của ông ngoại anh và hai con người ấy không từ thủ đoạn nào để đến với nhau chính thức.
Đạt đứng lên, nhìn vào tấm hình bà Mai cẩn trên bia mộ. Bà như đang trách móc anh, qua ánh mắt buồn vời vợi, thời con gái xa xưa. "Xin lỗi má".
Đạt lầm lũi bước đi. Ông Lợi gọi giật:
- Con không về nhà sao?
- Không.
Đạt đáp cộc lốc, tiếp tục đi.
- Mai đám giỗ má con đó.
- Biết rồi.
- Đạt!
- Ba về đi. Ảnh không đến đâu.
Đạt lên xe biến mất. Ông Lợi nhìn theo, buồn rũ. Nó lại đi lang thang rồi tìm đến một bar rượu nào đó.
Ông nhìn bà Mai qua khói hương lãng đãng. Em thương thằng Đạt phải không em? Anh biết và anh cầu xin em tha thứ cho anh với bả đi. Phù hộ cho anh em nó có nhau trong quãng đời còn lại.
Chương 9
Thành tiêu tiền đúng mực và giờ càng phải tiết kiệm bởi số tiền đã cạn dần mà anh chưa có việc làm.
Sáng nay, Thành dậy sớm, anh tập thế dục, tưới cây xong, ngồi luôn bên thềm, nghiêng đầu, lắng tai nghe tiếng bầy chim sẻ hót ríu rít trên cây sầu đông bên đường.
Nhân đi làm sớm, chị định ghé chợ mua rau trái miệt quê lên cho rẻ, đến trưa chỉ cần thêm chút cá. Chị thấy Thành ở trần, choàng khăn trên vai, mặc quần thể thao dài, ngồi ở thềm nhà, vẻ như chăm chú lắng nghe điều gì. Nét mặt anh lúc này thanh thản, bình yên, chợt đẹp đến lạ kỳ trong hồn Nhân. Chị đứng sững, nhìn anh không còn thấy người qua lại, không nghe cả tiếng chim hót, chỉ nhìn, nhìn mãi.
Thành không tập trung nghe tiếng chim hót được nữa, bởi anh có cảm giác bị ai nhìn lén. Cái cảm giác của người mù vô cùng tinh nhạy.
Đột nhiên, anh nghĩ đến một người, cái người mà lâu nay, cứ mỗi lần anh nghĩ đến y như là có chị hiện diện.
- Chị Nhân!
- Hả? - Nhân giật nẩy mình, buột miệng.
- Sao chị lại không vô nhà?
Nhân lúng túng đẩy cái cổng gỗ bước vô:
- À! Tôi đi ...làm.
- Đi làm? Đâu sớm vậy - Thành ngạc nhiên, mò tay vào túi quần, kéo cái đồng hồ, bật nắp sờ vào kim, rồi nói:
- Mới sáu giờ mà.
Nhân lảng chuyện:
- Anh có cái đồng hồ đẹp thiệt.
Thành chợt nhớ Đạt. Anh gượng cười:
- Loại quả quýt này dành cho người mù sử dụng. Em tôi gởi mua tận Thuỵ Sĩ, tặng tôi hôm sinh nhật.
Nhân ngơ ngác:
- Anh có em trai ư? Sao không thấy tới thăm anh?
Thành làm thinh, tay mân mê cái đồng hồ. Anh lần sợi xích nhỏ móc ở đồng hồ đến đai quần, cởi ra, đưa cho Nhân, nói nhỏ:
- Chị nhìn xem phải nó đẹp lắm không? Tôi biết nó rất đắt, nhưng chẳng nghĩa lý gì với tình thương em tôi dành cho tôi. Nó có thể cho tôi gấp vạn lần thế nữa, cho cả sinh mạng và tình yêu, chỉ để được có tôi, để tôi tha thứ, một sự tha thứ thật sự.
Thành im lặng khá lâu:
- Tôi không tha thứ được, vì không thể quên.
Nhân cầm đồng hồ, nhìn sững Thành. Thì ra anh đâu chỉ là một thanh niên mù bình thường như chị nghĩ. Cuộc đời anh cũng như chị, có quá khứ buồn đau chôn dấu.
- Chị đang nhìn tôi với điều không ngờ trong đầu ư?
- Sao anh biết? - Nhân thảng thốt.
Thành mỉm cười, nụ cười thật đẹp, làm rạng rỡ gương mặt thiếu sinh khí do cặp mắt vô hồn. Nhân lại nhìn sững anh, trong khi anh nghĩ thầm: Cô ta đôi lúc rất ngây thơ và trẻ trung, tại sao lại là người mẹ hai đứa con được?
- Đúng không?
- Vâng. Tôi cứ tưởng anh bình thường.
- Tôi mù sao bình thường được.
- Không - Nhân bối rối vặn vẹo đôi bàn tay, ấp úng - Mù có sao đâu, anh mù mà tốt đẹp chán vạn người sáng. Là tôi nói cuộc đời anh nhiều bí ẩn.
Thành cảm động, vờ cười cười:
- Có nhiều bí ẩn bằng chị không?
Nhân kêu lên:
- Tôi có gì bí ẩn?
- Sao không. Ta làm bạn nhau ba tháng rồi, tôi không biết chị và gia đình, từ nơi nào tới, chị bao nhiêu tuổi, chồng chị ở đâu ...
- Anh nói bậy. Tôi làm gì có chồng. - Nhân kêu lên.
Thành ngẩn ra một lúc. Nhân cũng ngẩn ra, rồi thốt nhiên cười giòn giã. Tiếng cười Nhân rót vào tai Thành như tiếng chuông gió, Thành thường nghe lúc bình minh. Tim anh đập mạnh rộn rã, không hiểu vì lẽ gì.
Một lúc, Nhân ngưng cười, chị lấy ống tay áo lau nước mắt, đứng lên, chìa cái đồng hồ vào tay Thành:
- Thôi, tôi đi làm đây. Lúc nào rảnh, anh biểu thằng Lượm kể cho nghe.
Nhân dợm đi, Thành vụt nắm tay Nhân lại:
- Cô muốn đi, phải trả lời tôi hai câu hỏi.
Mặt Nhân nóng ran khi bàn tay bị Thành nắm chặt, nhưng Nhân không muốn lấy bàn tay về.
- Anh hỏi đi.
- Vậy Lượm và bé Hậu là gì của cô?
- Hậu là con của chị tôi, còn Lượm là tôi lượm về nuôi. Người ta vứt nó trước công viên, hồi nó bốn, năm tuổi.
Môi Thành khô đi, anh đứng lên, vẫn nắm tay Nhân:
- Vậy năm nay cô bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi hai. Anh ...anh thả tay tôi ra.
Thành buông vội tay Nhân, lần này là anh cười giòn:
- Cô thật là không biết xấu hổ.
- Tại sao? - Nhân tái mặt.
- Làm mẹ năm mười hai tuổi, thật là ...
Anh lại cười, đột nhiên rất dịu dàng:
- Tôi đưa cô đi một đoạn nhé?
- Không cần đâu.
Cô vụt chạy đi, nói vọng lại trong tiếng cười:
- Tôi cứ thích anh gọi tôi bằng chị cơ.
Thành lắng nghe tiếng chân Nhân xa dần, từ từ ngồi xuống bên thềm. Đầu anh giờ rối tung lên, lộn xộn giữa niềm vui anh chưa dám lý giải với bao điều lo lắng. Anh sắp cạn tiền mà chưa có việc làm.
Thành nhắm mắt, hình ảnh người mẹ hiện về trong anh. Má ơi! Má có thấy người bạn của con không? Một người con gái, cũng là người bạn đầu tiên từ khi con mất đi ánh sáng. Cô ấy "đẹp" lắm má. Hệt như má ở tính can trường, nhân hậu, rất có nhân cách, biết tự trọng và không hề xem con là kẻ tật nguyền.
Má ơi! Má phù hộ con nghe má. Giúp con tìm được việc làm. Con muốn bắt đầu lại, bằng chính bản thân mình. Chẳng hiểu sao, sáng hôm nay, con thấy mình trào dâng sức sống, tưởng có thể lấp biển vá trời đó má. Có phải chăng đó là điều má từng nói ngày nào: "Và rồi, ta vẫn tồn tại, như được tái sinh, bắt đầu một cuộc đời mới, vẫn với bao ước mơ và niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời, vào con người."
Chương 10
Hắn mệt lử, lăn ra, thở như trâu, người nhợt mồ hôi. Người đàn bà nằm im, một lúc uể oải choàng áo đứng lên rời giường vào toilette. Khi trở ra, hắn đã há hốc mồm, ngáy như sấm, nước dãi chảy ra mép.
Người đàn bà nhìn hắn vẻ chán ngán, ghê tởm. Cho đến bây giờ, đã ăn sung mặc sướng, có được tất cả, ả lại thấy mình quá ngu ngốc.
Thiếu gì đàn ông đẹp trai phong nhã trên đời, chẳng hiểu sao ả lại đâm đầu vào "thằng cục súc" này, làm vợ hắn chính thức hẳn hoi mới chết chứ.
Đã vậy, hắn có biết trân trọng hương sắc vợ mình đâu. Vẫn thói đàng điếm gió trăng không bỏ. Đụng đâu "quơ" nấy. Chẳng biết với mấy "con điếm" qua đêm ấy, hắn có "làm ăn" được không, chớ với vợ nhà ...Trời ơi! Cứ ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước. Thật là uổng cho một đời hồng nhan.
Càng nghĩ, ả càng cay đắng. Đời người có bao nhiêu xuân sắc? Mà ả ngậm đắng nuốt cay hơn mười năm để rồi ngồi trên đống tiền, thấy đàn ông con trai người ta đi nheo nhẻo ngoài đường ...mà thèm.
Tiền. Tiền có mua được cho ả đêm xuân từng ao ước? Ả mở cửa phòng, buồn bã lê chân ra phòng khách, đến chỗ quầy rượu, uể oải dùng remote bật chùm đèn trên trần.
Ánh sáng mờ ảo đủ soi rõ bóng ả trong tủ kính đựng đầy rượu. Những chai rượu mà người ta chỉ tính bằng đô. Những loại chai đủ kiểu, những loại rượu đủ màu trong mắt ả qua chiếc ly pha lê trở nên lộng lẫy hơn. Ả chọn chai whisky ngay trước mắt, rót vào ly, cụng với chính ả trong gương mặt thật xinh đẹp, khêu gợi với nỗi buồn ..xác thịt. Ả uống cạn, rồi lẩm bẩm:
- Đồ bị thịt! Đồ hoạn quan!
Ả tà tà uống tiếp, mơ màng nhớ lại thời con gái vàng son treo cao giá ngọc. Bởi giá cao quá, nên ả không lên xe hoa được và trở thành cô chủ quán cà phê hộp đầu tiên trên tỉnh lẻ Bình Dương. Quán ả đông khách lắm. Đủ loại khách, nhưng đắt địa nhất vẫn là đám "trai" ngoài ba chục, đến quán ả chỉ đi một mình và thường nhìn ả đắm say, luôn "quên" nhận tiền thối lại.
Thời là người trong số đó và chinh phục ngay được ả bằng vẻ bảnh bao của nhà thầu "trẻ" danh tiếng, có "xế hộp" đời mới, hút xì gà và luôn thơm phức nước hoa.
Ôi chao! Bây giờ hắn vẫn thế, lúc ra đường, lúc làm ăn hoặc bên "em út", chỉ khi lên giường với vợ,, hắn mới hiện nguyên hình là con heo thiến.
Ả gục xuống quầy rượu trong nỗi bức rức hừng hực của thân xác và chợt nghĩ đến cái hồ bơi trong vắt bên ngoài.
Ả mở cửa, lững thững đi ra bể bơi, nhìn lại chiếc áo mỏng tang trên người ả hơi ngần ngại. Biệt thự kín cổng cao tường nhưng không chỉ hai vợ chồng ả, bởi dù không cho người làm ở lại ban đêm, sợ họ tham gian, nhưng chồng ả, luôn giữ bên mình người tài xế. Gã này là em họ chồng gã, hiền như bụt, lại chịu khó, làm tài xế còn kiêm luôn việc làm vườn, thợ ..."đụng". Bất cứ việc gì sai gã là hoàn toàn yên tâm. Chẳng biết thằng Phẩm ngủ chưa? Ả nghĩ thầm, nhìn quanh.
Đáp lại ý nghĩ ả, tên tài xế từ nhà để xe đi ra. Y đến gần, hỏi nhỏ:
- Chị chưa ngủ à?
Phẩm ở trần, mặc cái quần jean bạc màu, bó sát người phô tấm thân nở nang săn chắc ở độ tuổi ba mươi, khiến tim ả đột nhiên đập rộn, cái hừng hực trong thân xác chợt bùng lên. Ả liếm môi, nói như than:
- Ổng đầy mùi rượu, lại ngáy o o, cả đêm chị ngủ không được.
Ả vươn vai, vặn mình vẻ mệt mỏi, chiếc áo ngủ mỏng toanh lồ lộ khoe hết da thịt. Ả liếc mắt, hồi hộp lẫn đắc chí khi thấy ánh mắt Phẩm hực tia dục vọng. Ả làm sao biết cái "hiền" của thằng em họ chồng chỉ là để có cơ hội "ngoi" lên, bằng bất cứ con đường nào. Ả nghĩ rằng, mình thừa khả năng chinh phục chú nai tráng niên này.
Phẩm "vô tình" ngồi xuống kế bên ả, vẻ lo lắng hỏi:
- Vậy chị sẽ mệt lắm đó. Với phụ nữ, giấc ngủ quan trọng lắm. Trời! Anh Thời từ hồi ở quê đã xấu nết ăn ngủ, giờ cưới chị rồi mà không biết sửa mình.
- Bởi vậy chị khổ tâm lắm, có ai biết?
- Sao không có ai, tôi hiểu chị mà. Người như ảnh, cưới được chị, coi như kiếp trước tu chín kiếp. Thiệt tội cho chị.
- Biết sao được. Một khi đã ...lỡ ..- Ả tủi phận, mắt nhạt nhoà, nức nở.
Phẩm cuống quýt, nắm tay "chị" dỗ dành, an ủi. Một lúc, "chị" tựa vào vai Phẩm, thút thít. Phẩm lau nước mắt cho"chị" bằng bàn tay nóng hực. Bàn tay mơn man đôi má, đôi môi "chị" chẳng nỡ rời đi. "Chị" chúi vào lồng ngực Phẩm, tiếp tục nức nở. Phẩm siết "chị" dính chặt vào mình, thì thào:
- Chị đừng khóc nữa, tôi đau lòng lắm. Nếu ...mỏi mệt, cần nghỉ ngơi, cứ dựa vào tôi.
- Nhưng ngoài này gió lạnh.
Phẩm sợ "chị" gió lạnh, nên ôm chặt dìu chị vào trong. Không vào nhà, mà vào cái phòng chứa đồ của Phẩm thường ngủ.
Anh và ả chỉ chờ đợi mỗi giây phút này. Và trong ba mươi bảy năm làm người, đêm ấy, ả mới thật sự biết hai chữ khoái lạc là gì. Trong khi ấy, Thời ngưng ngáy. Bởi gã đang nằm mơ, gã mơ mình xoè những tờ tín phiếu bảy số, và cô phụ hồ có dáng vẻ như nàng Xê-da đang múa, ngả vào vòng tay hắn, để mặc hắn sờ mó. Thời cười khanh khách, trong mơ nghĩ: "Mẹ nó! Em đẹp cách mấy cũng phải quỳ luỵ đồng tiền thôi. Chỉ cần ta ra đúng giá".
Thế là gã tiếp tục sờ mó, ve vãn với cái gã còn vương hơi ấm của vợ gã, mà ngỡ rằng đang chiếm được cô phụ hồ của lão Đặng.
oOo
Nhân rờn rợn trước nụ cười của gã. Càng gai người khi gã tới gần dù gã láng boóng, thơm lừng và vô cùng lịch thiệp.
- Chào Nhân.
Nhân hơi lùi lại:
- Xin lỗi. Tôi không quen ông.
Gã cười thật ngọt:
- Ấy! Sao Nhân nói vậy. Tôi với anh Đăng, giám đốc của cô là bạn đồng nghiệp mà. Tôi thường gặp cô hồi xây chi nhánh của công ty anh Đăng đó.
Thì ra người đàn ông ấy cho xây chi nhánh công ty và ông ta chính là giám đốc. Giờ Nhân đã biết.
- Điều ấy, chẳng liên quan gì đến tôi. Xin lỗi ông. Tôi phải về.
- Ấy! Sao Nhân khó vậy? Cho tôi nói vài câu đã nào.
Nhân nhìn quanh. Tất cả đã về. Công trường vắng lặng. Cô làm sao ngờ, gã đã canh kỹ, biết cô luôn là người về sau cùng bởi cô còn phải dọn vật dụng làm cho vào kho, rồi tranh thủ rửa ráy để về nhà đỡ tốn nước.
- Tôi không thấy có gì muốn nói.
- Có chứ. Là vầy ...Từ hồi gặp em ở công trình lão Đăng, tôi đã thấy "quý" em. Biết em không chồng, cực khổ nuôi mẹ, nuôi con tôi "thương lắm". Nếu tôi là bạn em, chắc em sẽ sung sướng.
Nhân trố mắt nhìn gã, đến ngẩn ra, quên cả sợ. Sao lão biết chuyện nhà mình vậy? Gã còn biết được gì? Tại sao?
Cô lờ mờ đoán được, nhếch môi khinh rẻ, nhìn gã mai mỉa:
- Ông đúng là người có tấm lòng vàng. Rất tiếc, ông đến sai chỗ rồi. Có cần tôi cho vài địa chỉ các trung tâm cứu tế xã hội không?
Nhân quay ngoắt đi. Gã chặn ngang đường, cười xề xoà:
- Ậy! Là vầy. Bà bác bị tai nạn lao động, tôi có biết. Tôi cũng biết người giám sát công trình đó, đang làm ở công ty mới. Này em! Dù công ty cũ bị thua lỗ giải thể, nhưng vẫn có thể bồi tiền trợ cấp cho má em đó.
- Má tôi không phải là công nhân ở đó, bà đi mua chai bao, vào khu vực cấm, bị tai nạn thôi. Chúng tôi không thể trách ai.
Nói, nhưng đầu cô rối tung bao ý nghĩ. Gã là ai?
Nhân sấn tới, ngỡ gã tránh ra, ai ngờ gã dang rộng tay như muốn ôm cô. Nhân la:
- Ông làm gì vậy?
- Anh chỉ muốn giúp em thôi. Là vầy. Lán công nhân gần cái lều em là công nhân của anh. Tụi nó kển em đói khổ, vất vả lắm. Lão Đăng trả tiền công rẻ mạt, sao em nuôi nổi con với mẹ, hay qua làm chỗ anh, lương gấp ba, được không?
Nhân thừa hiểu lão già muốn gì, cô nổi xung thiên, chỉ tay quát:
- Cút! Đồ già dê. Mày tưởng tao dễ dụ sao. Không cút, tao la lên cho coi.
Dục vọng khiến lão mờ mắt, ngu tối. Từ ngày thấy Nhân ở chỗ công ty ông Đăng xây nhà, kẻ háo sắc như lão nhìn thấy ở Nhân cái mà khó ai nhìn thấy. Đó là nét thanh xuân mơn mởn dấu sau bộ đồ công nhân lam lũ và cái đói nghèo xanh xao.
Cách đây hơn mười năm, lão đã "mua" được cái thanh xuân như thế của một cô gái lần đầu đi bán bia ôm, bằng một cái giá "bèo", và lão tin rằng, cái trinh tiết của cô gái ấy là vận hên của lão từ đó đến nay. Hơn mười năm rồi, tên thầy bói mù, nói lão vận hên đã hết, cần phải tìm một nữ thần trinh tiết khác. Nghe Nhân có hai con, lão ngờ liền. Làm sao dáng vẻ ấy, đã có chồng sinh con? Lão mò mẫn tìm, và biết hai đứa nhỏ chỉ là con nuôi. Bất ngờ hơn, mẹ Nhân lại là người đàn bà bất hạnh thuở xưa, bị tai nạn ngay công trình ông Đăng giám sát thi công, còn lão lúc ấy cung cấp vật tư xây dựng.
Lão đã một lần yêu cầu ông Đăng đổi Nhân qua chỗ lão, nhưng ông từ chối, không sợ sự đe doạ, bởi bà Hiền hoàn toàn có lỗi.
Giờ đây, lão tin chắc, lão sẽ "mua" được Nhân như từng mua cô gái năm xưa, chỉ trong sớm muộn, bởi lão biết sự nghèo đói, bệnh tật của bà mẹ đang vây phủ lấy cô.
Rút ra một cọc tín phiếu, lão lăm le trên tay, nói:
- Tôi sẽ xây ngay cho em một căn nhà, chỉ cần em chịu qua làm bên tôi.
Nhân nhìn xấp tiền, người run lên, cô khao khát, uất ức, và tủi nhục. Cô bật khóc, ôm mặt. Lão Thời sướng rơn, đi lần tới. Tay lão vừa đụng vào Nhân đã bị xách hổng chân lên, hai má bị hai tát tai nhá lửa. Lão la oai oái. Nhân ngẩng lên, gạt nước mắt, sửng sốt khi thấy ông Đăng và Đạt. Đạt quăng mạnh lão Thời lăn cù dưới đất. Lão lồm cồm bò dậy, chỉ tay hét:
- Mày ...mày dám ...
- Tôi còn thấy ông mò tới đây một lần nữa, tôi sẽ đập gãy hai chân ông - Đạt gầm lên.
Lão Thời phủi lia áo quần, hầm hừ khi nhét tiền vào túi.
- Được. Thằng con lão Tiến Lợi! Mày nhớ nghe. Đời còn dài.
Gã quay sang ông Đăng:
- Anh dạy "lính" anh vậy sao? Tôi "tán" người tôi thích, có tán vợ nó đâu, mà nó sợ bị cắm sừng?
Ông Đăng nhìn gã, lạnh nhạt:
- Tôi đã nói với anh, cô ấy là người của tôi, trừ khi cô ta rời khỏi đây, tình nguyện theo anh. Nếu không, xin lỗi, tôi không khách sáo đâu. Anh đi đi. Nên nhớ, từ nay ở các công trình của tôi xây dựng, cấm anh đến.
Thời hầm hầm bỏ đi ra xe, đóng cửa cái rầm, vù lẹ. Đạt nhìn Nhân, cục tức ở đâu dâng lên, nghẹn ngang, anh trợn mắt nhìn Nhân, mai mỉa:
- Vì tôi phá đám, nên cô mất bạc triệu. Đúng không?
Nhân máy máy môi, mặt tái nhợt đi. Cô nắm chặt tay, lầm lũi bỏ đi, không nói lời nào. Đạt càng tức, hét:
- Sao cô không trả lời?
- Đạt! - Ông Đăng nạt - Mày làm gì vậy? Mày có quyền nói vậy với người ta sao?
- Chú không thấy à? - Đạt hổn hển - Cô ta ...
- Chú thấy hết. Chỉ chưa thấy cô ta nghèo cực đến đâu. Tại sao thằng Thời biết cô ta cần tiền và đem tiền tới dụ cô ta?
Đạt ngẩn ra anh cũng chưa biết gì về cô cả. Anh hỏi:
- Chú nhận cổ vô làm mà.
Ông Đăng tặc lưỡi:
- Làm lao động phụ, nhận ai không được. Cần gì biết lý lịch chứ. Ê! Mày nghe chú hỏi đã. Khi nãy, mày làm gì lồng lộn dữ vậy? Mày "mết" cô ta à?
- Chú ...
- Chú cháu gì. Mày tỏ thái độ đó là tao biết tỏng, có điều vậy là dở.
- Sao chú nói vậy? - Đạt giật mình.
- Mày có con Ánh ngon lành rồi, sao còn định vơ luôn gái nạ dòng? Nhân có hai con rồi, bộ mày tưởng son rỗi sao?
Đạt phản đối liền:
- Con với Ánh chưa chính thức nói gì cả. Với "chị" Nhân lại càng không. Chỉ là thấy bực cho tình đời thôi. Tiền, tiền nó có thể mua được tất cả sao?
- Dĩ nhiên không, với một số người nào đó thôi. Giờ đi không?
- Đi đâu?
- Đi coi thử cô Nhân ấy nghèo đến mức nào.
Đến sẩm tối, họ mới tìm ra chỗ Nhân ở, là nhờ thằng Lượm đi quơ củi về muộn mới gặp. Cả hai nhìn túp lều xiêu vẹo qua mấy cơn mưa, với ánh đèn dầu leo lét, ngỡ ngàng. "Nhà cô ấy đây sao?".
-------
Chương 1
Gần nữa khuya, một bóng người chạy hớt hải trên con đường vắng lặng, mắt nhìn dáo dác . Là một thanh niên cao lớn, trạc dưới ba mươi , cả người đẫm mồ hôi . Anh ta chạy khá lâu rồi, trên nhiều con đường mới đến đây . Anh ta chạy từ lúc giật mình tỉnh giấc, người nằm bên anh đã biến mất . Và bây giờ, trong tâm niệm duy nhất của anh chỉ một ý nghĩ : "Phải tìm ra người ấy, dù đánh đổi bằng bất cứ giá nào .
- Anh Hai !
Anh ta vụt cất tiếng gọi vang, phá đi cái tĩnh mịch hiếm hoi, ngắn ngủi trên một đường phố của Sài gòn hoa lệ . Không một tín hiệu đáp lại, ngoài tiếng âm vang . Anh ta lại chạy, mắt lướt nhanh qua các lề đường , lối rẽ, và như mơ thấy bóng dáng thân thương quen thuộc đang đứng lẻ loi ở mái hiên nhà góc đường .
Anh ta lao nhanh qua, miệng gọi :
- Anh Hai !
Rít ... rít ... rít ...
Tiếng thắng xe rợn người, khiến người từ góc phố nghiêng tai lắng nghe . Anh ta chỉ không thấy chiếc xe dù thắng gấp vẫn hất tung người chạy qua rồi mới thắng được .
Người tài xế mở cửa xe, tung ra, đỡ người kia lên, miệng kêu không ngừng :
- Này ! Chú em có sao không ? Trời ơi! Sao đâm đầu vô xe tôi vậy ?
Người thanh niên đứng lên, khoát tay, tiếp tục đâm bổ qua đường, rồi rón rén bước chân, tới trước người kia, lảo đảo khuỵ xuống . Anh chợt ôm ngực ho một tràng xé ruột . Tiếng ho khiến người kia giật thót , lùi một bước , quơ quơ cây gậy trên tay như muốn đi .
Người bị xe tông đưa tay níu người kia, anh há miệng định nói, chợt nhợn nhạo, oẹ một tiếng . Từ miệng anh, máu tứa ra, tràn xuống ngực . Anh chợt nghe thê thiết cả cõi lòng, và cũng chợt nghe thanh thản . Mắt anh muốn nhắm lại , cố mở ra, anh thều thào :
- Anh Hai! Má linh thiêng đã chấp nhận lấy cái chết, em xoá bỏ ... mọi ... tội lỗi . Anh ráng ... đợi ít lâu để .. vuốt mắt em ... Em cầu xin ... anh ....
- Đạt ! Em điên rồi .
Người kia ôm lấy Đạt, để rồi kinh hoàng, miê5ng và ngực áo Đạt nhớp nháp những máu tanh nóng . Anh gào lên, tay sờ khắp mặt mũi Đạt, kêu cứu và oà khóc :
- Anh bằng lòng . Bằng lòng về với em , sống bên em suốt đời . Đạt! Nghe anh nói không ? Em mở mắt ra đi . Anh xin em .
Tiếng hú còi xe cấp cứu tới gần, nhấp nháy đèn xanh đỏ rồi dừng lại . Người tài xế ta-xi nhìn chiếc xe cảnh sát chạy phía sau, thở dài, đi lại gần .
- Báo cáo các anh, xe tôi vừa tông người ở khoảng đường này là tôi đã gọi các anh và xe cấp cứu .
Chiếc xe cấp cứu lao đi, hụ còi liên tục . Trong xe, Đạt nằm bất động, người bác sĩ chích liên tiếp vào anh nhiều mũi thuốc, chụp o-xy vào mũi anh, rồi quay lại hỏi người cùng đi với nạn nhân :
- Anh là gì của anh ấy ?
- Nó là em tôi - Người kia nấc lên, từ đôi mắt màu mây trắng tuôn tràn nước mắt .
Viên bác sĩ nhìn sững vào đôi mắt màu mây trắng vô hồn . Anh ta mù .
Chiếc xe vẫn lao đi bằng tốc độ nhanh nhất, còn trí não hai con người kia, một bên bờ vực chết, một luôn sống trong bóng tối, lại như hồn xác ly khai .
Ngược dòng thời gian về quá khứ ...
"Mình làm anh em đi ... Má! Nó là thằng Đạt ... Con muốn nhìn ba không ? Ổng cũng là ba thằng Đạt ... Thì ra anh là anh Hai em ? Ôi ! Sướng quá ! ... Tôi sẽ giết, sẽ đốt nhà kẻ giựt chồng tôi bằng ngọn đèn dầu rồi nói vô ý làm ngã phát cháy . Anh tin không ? Anh tin ... Cháy ! Căn nhà rực lửa ... Má ! Má ơi ! ... Một người nằm bất động, sũng nước, mặt đẫm máu ... Một xác phụ nữ cháy xém ... Má ơi ! Anh Hai ơi !..."
oOo
Năm tháng sau .
Quận Tân Bình mở rộng khu dân cư, đô thị hoá . Vùng đất hoang hoá sau khi được nhà nước san phẳng, chia lô, làm đường, bỗng dưng tràn sức sống . Những con đường trở thành lộ chín , mọc nhanh các nhà cao tầng . Những con đường nhỏ hơn, mọc các loại nàh thường thường bậc trung . Nghĩa là hoặc "một thớt" (một tầng lầu), hoặc là thớt sàn ván, có gác lửng .
Còn một loại đường nữa mọc lên những con đường phụ, loại đường chưa có số, có tên . Loại đường này, nhà nước chưa để mắt, bởi phải chờ khá lâu mới có dân cư . Mà dân cư ở tận những nơi này thì ... Chà, chà, phần quản lý nào cũng ớn hết .
Ở một con đường như thế, sáng nay bỗng dưng "mọc" ra một túp lều . Nói túp lều, vì không thể gọi bằng tên gì khác, bởi nó làm bằng loại miếng nhựa sọc xanh, đỏ, mà người ta thường dùng để che, đậy ở các công trình đang xây dựng . Vách bằng phên cót bán sẵn ở chợ và vài tấm ván cốp - pha nham nhở đã vứt bỏ .
Túp lều mọc sát khu nhà tạm của nhà thầu xây dựng, cất lên dành cho công nhân xa nhà ở . Công ty này đấu thầu một phần ba khu dân cư mới nên tha hồ có công ăn, việc làm dài lâu . Và túp lều kia cũng tha hồ tồn tại . Nếu muốn trở thành cư dân sở tại càng tốt, chẳng ai buồn đặt một câu hỏi : "Từ đâu tới ?"
Từ túp lều ấy, bước ra một cô gái và hai đứa nhỏ . Cô gái nhìn chẳng thể biết là bao nhiêu tuổi . Mười tám , hai lăm hay ba mươi ? Còn hai đứa nhỏ, một trai, một gái, thì đứa trai độ tuổi đến trường cấp I, đứa gái vào mẫu giáo . Duy một điều , ai cũng biết , họ là ba mẹ con, bởi họ đang nói chuyện với nhau .
"Bà mẹ"cốc tay vào đầu thằng con, nói :
- Lượm! Cấm chọc Hâu. Rõ chưa ? Má về mà nghe ngoại méc, má sẽ phạt con quỳ xơ mít .
Chà ! Một hình phạt đầy tính dân gian, nhưng đạt hiệu quả cao khi đem hăm doạ .
Thằng Lượm ngước nhìn mẹ, nói cụt ngủn :
- Biết rồi .
Có vẻ hài lòng trước hai tiếng "biết rồi" như một lời hứa, cô gái xăn tay áo, (loại áo xanh công nhân thời xửa, thời xưa) lên tới cườm tay, chụp cái mũ đồng loại như áo lên đầu, tất tả bước đi . Đứa con gái chợt gọi :
- Má !
- Gì ? - Cô quay lại, tiếng một .
- Trưa nay, con muốn ăn cơm .
- Cấm đòi hỏi - Thằng Lượm nạt .
Bà mẹ lại gật đầu :
- Má có việc làm, dĩ nhiên là được ăn cơm . Má dặn ngoại rồi, hai đứa đừng lo .
Chị đi trên con đường mòn xuyên ngang vùng đất rộng đỏ chạch, biến mất vào công trình xây dựng ở lộ chính .
Ở nhà, hai đứa nhỏ đi vô . Con Hậu nói liền liền khi đến bên người đàn bà cụt chân, đang ngồi ở vạt giường trải chiếu ni-lông, vá áo .
- Ngoại ! Má nói nấu cơm .
- Biết rồi !
- Hai lon hén ngoại ? - Con bé hỏi bằng giọng hồi hộp .
Ngẩng gương mặt xanh xao, khắc khổ lên, ánh mắt đục lờ loé tia sáng lạ kỳ . Thằng Lượm như vừa thương, vừa ghét, duy giọng nói vẻ nghiêm lạnh :
- Gì mà hai lon . Mày lại điêu ngoa rồi . Một lon rưỡi .
Lượm cốc nhẹ con Hậu một cái :
- Nghe chưa ? Một lon rưỡi .
Nó quay sang bà ngoại :
- Ngoại yên chí, con nấu đúng lon rưỡi .
Con Hậu thở hắt ra , bằng lòng với kết quả . Lại hỏi :
- Ăn với giống gì, ngoại ?
Thằng Lượm tằng hắng, liếm môi :
- Ngoài lộ chính, rau má mọc ê hề .
- Cho con đi hái với .
Bà ngoại gật rồi lại lắc đầu :
- Không được! Má biểu học bài .
Lưỡng lự một chút, bà nói tiếp :
- Tao đi chợ, ở nhà ôn bài đi . Về tao dò .
Hai đứa nhỏ mừng rơn, lăng xăng, đứa lấy túi, đứa đưa lược .Cuối cùng thằng Lượm đem ra một cái mo hình thuyền, làm bằng lốp xe và hai đòn gỗ .
Bà ngoại chúng chải tóc, bới gọn gàng xong, thay áo và một cái quần đùi hoa . Quần áo chẳng mới mẽ gì , nhưng sạch sẽ . Cái quần đùi dài phủ đôi chân cụt hơn nữa đùi trên . Bà ngắm nhìn khá lâu mới chịu chống hai tay đu người lên, ngồi vào cái mo thuyền, kéo hai sợi thun cột vào chân thật chặt, xong đâu đó, nhấc hai cái đòn để ở hai tay . Người đàn bà đi chợ bằng cách của bà . Tay phải nhấc đòn đưa lên phía trước, mông nhổm lên chồm tới, cùng lúc tay trái nhấc đòn đưa lên . Vậy là bà đã "bước đi" một bước . Và cứ thế , bà đi ra khỏi túp lều hướng về khu chợ mới hình thành theo khu dân cứ mới .
Hai đứa như quen cảnh ấy rồi, chẳng buồn nhìn theo, cũng không ôn bài, cứ thế, lăn ra nằm .
Bé Hậu thực tế lớn hơn tuổi người ta tưởng . Với cái đầu tinh ranh nhất khi nói đến một chuyện ăn uống, mơ màng hỏi :
- Anh Lượm! Đoán coi ngoại cho mình ăn uống gì ?
- Rau khoai, muối đậu .
Mắt con Hậu chớp lia :
- Giá được ăn một bữa canh chua cá bông lau .
Thằng Lượm xì dài :
- Ở đó mà mơ . Có cơm ăn, mừng rồi . Mày nhớ tuần trước hông ? Má nhịn đói cả hai ngày để tao với mày ăn đủ hai bữa cháo ?
- Giờ khác chứ bộ . Má nói khu này, xây nhà tới mấy năm hổng biết .
- Rồi sao ? Bộ ăn tuốt hết hả ? Biết chừng đâu , má bị đuổi , hay bị ... như bà ngoại .
Con Hậu bỗng ré lên :
- Nhổ nước miếng nói lại đi . Đồ nói bậy !
Thằng Lượm thở ra :
- Bộ tao muốn vậy sao ? Chuyện ràng ràng ra đó, má kể mình nghe cả trăm bận rồi .
- Nhưng má thời khác, má luôn may mắn . Nếu không, sao nuôi nổi tụi mình .
Câu này bé Hậu học được từ mẹ cô . Nó nói bằng vẻ tự tin lắm .
- Bỏ đi ! - Thằng Lượm ngồi dậy - Ôn bài lẹ, kẻo bị quỳ xơ mít đó .
Ôn bài, nhưng hai đứa cóc cần đi đâu hết . Trên tay thằng Lượm có thêm chiếc đũa tre và một rá nhựa đầy những chữ cái viết trên bìa cạc tông . Chìa ra một chữ , thằng Lượm hỏi :
- Chữ gì ?
- A .
- Chữ gì ? - Lượm chìa tấm khác .
- Nờ .
- Chữ gì ?
- Hờ .
Thằng Lượm ráp cả ba chữ xuống đất :
- Chữ gì ?
- A nhờ anh . Anh
- Giỏi .
Thằng Lượm thu ba tấm bìa , hất mặt :
- Viết đi - Nó chìa chiếc đũa, con Hậu cầm như cầm bút, chăm chú viết xuống nền đất chữ ANH nắn nót .
Và cứ thế, thằng Lượm làm "thầy", bắt con Hậu trả bài, và viết chính tả từng chữ Hậu thuộc . Chữ nào Hậu còn ngắc ngứ, nó để qua, lấy gạch đè lên .
Buổi học tiếp tục cho tới khi thằng Lượm nhìn bóng nắng, đứng lên đi nấu cơm .
o O o
- Nhân ! Bốn xe cát .
- Dạ có .
- Nhân ! Hai bao xi măng .
- Dạ có .
Tốc độ nhà xây càng nhanh, Nhân càng tất bật, chạy quanh không hở tay . Chị vác xi-măng chạy ù như dân phu chuyên nghiệp . Đẩy xe chở cát cứ băng băng . Hết nước ư ? Chuyện nhỏ . Hai tay Nhân xách hai thùng đầy, chạy ào ào, cho tới khi bể nước đầy .
Công trình này của công ty, nên được chăm chút cả hai bên . Giám đốc là người đàn ông khó đoán tuổi , luôn ăn mặc giản dị , ít lời . Nhưng khi ông ta mở miệng, thoáng nét cười, ta độ chừng ông chỉ bốn mươi .
Ông ta đang vào chỗ thi công, nón bảo hộ đội trên đầu . Ông nói lớn :
- Hôm nay mời anh chị ăn bồi dưỡng, sau đó ta làm bù độ mười lăm phút nhé .
Nghe đến chữ "ăn", ruột Nhân cồn cào dữ dội . Chị tựa vào gốc bằng lăng, cố nuốt nước bọt đang ứa đầy trong miệng, đầu nghĩ đến loại thức ăn mình chỉ nhìn thấy .
Đám thợ thầy tụ họp nhanh như chớp, mỗi người được phát một hộp xốp trắng . Nhân là người sau cùng, cô cố bình tĩnh, đi cách xa đám thợ, mở nắp hộp ra xem . Cha trời ! Xôi đậu xanh với tôm rang . Hai con tôm to quá .
Nước miếng Nhân nhiễu ra khỏi miệng không sao kìm được . Nhân bốc lẹ miếng xôi, nhai trệu trạo , nuốt chửng đến suýt mắc nghẹn . Tay nhón lấy con tôm rang, đưa lên miệng rồi bỏ xuống . Đảo mắt nhìn quanh, không có ai hết, đám thợ tụm lại vừa ăn, vừa nói chuyện tiếu lâm tục tĩu . Nhân liếm môi lia lịa, lấy từ túi áo tờ giấy báo , nhón hai con tôm cho vào báo, gói kín lại :
- Sao chị không ăn ?
Nhân giật nẩy mình, quay đầu lại . Một gã thanh niên đứng nhìn chằm vào chị vẻ tò mò . Là con của ông chủ nhà hay người ở công ty ? Nhân không kịp nghĩ, cứ ấp úng :
- Dạ, tôi để ... cho con ... à không ... để trưa ...
- Chị có con à ?
- Dạ .
- Mấy đứa ?
- Dạ hai ... với bà mẹ .
- Chồng chị đâu ?
- Dạ ... c...hưa . - Gương mặt lem luốc thoáng đỏ .
Người thanh niên nhíu mày, tò mò hỏi tiếp :
- Chị mới vô làm à ?
- Dạ, được ba bữa .
- Nhà ở đâu ?
- Dạ, bên khu nhà nghỉ công nhân . Dạ, tôi mới dọn đến hôm qua .
Nước bọt tứa ra, Nhân vò đại nắm xôi cho vào miệng, bất kể ánh mắt nhìn của gã thanh niên . Chị nhai vội , nuốt vội . Bốc miếng khác , hai con tôm còn y .
Gã thanh niên nhìn rồi ngẫm nghĩ , lại hỏi :
- Con chị bao lớn ?
- Đứa mười tuổi, đứa bảy tuổi .
- Chị để dành tôm cho hai đứa con , đúng không ?
Nhân liếm môi, gật đầu . Người thanh niên bước đến gần hơn :
- Chị cứ ăn đi, lát nữa, tôi cho phần khác đem về .
Nuốt vội miếng xôi, Nhân lắc đầu :
- Dạ, tôi không dám .
- Sao lại không dám ? Của tôi cho mà .
Nhân lắc đầu không nói , mắt lom lom nhìn gã như tự hỏi "Gã là ai ?" Hiểu ý, gã nói :
- Tôi tên Đạt, kỹ sư giám sát thi công bên công ty .
- Dạ, tôi tên Nhân, mới được thâu vô làm ở đây .
Nhân e dè đáp và nghĩ bụng : "Sao mấy hôm rày, mình không thấy anh ta ?"
Lại như hiểu Nhân nghĩ gì, gã nói tiếp :
- Tôi giám sát nhiều công trình thi nhân lắm , nên mỗi nơi chỉ đến rồi đi .
Ra là vậy . Mắt Nhân liếc qua đám thợ, thấy họ tản ra, trở về với công việc , cô liền vội vàng cho luôn miếng xôi còn lại vào miệng . Miếng xôi khá to, khiến chị lúng búng không chào được Đạt, chỉ đưa mắt nhìn rồi chạy đi .
Hôm đó, đến trưa Đạt mới ra về, anh nhìn Nhân làm việc không tiếc sức, tự hỏi thầm : "Chị ta ốm yếu vậy, chẳng biết làm được bao nhiêu ngày ?"
Còn Nhân, nhìn hộp xôi Đạt cho người đem lại, mừng lắm, nhưng ngần ngại không dám nhận . Chị luôn nhớ câu mẹ dạy : "Đời chẳng ai cho đi mà không muốn nhận về nhiều hơn . "
Người thợ để đại hộp xôi dưới gốc cây và ra về từ lâu rồi . Chung quanh không bóng người, Nhân bước đi rồi chần chừ quay lại . Chị nghĩ đến gương mặt rạng rỡ của con và mẹ khi nhìn thấy món ăn nầy . Nên hay không nên ?
Nhân cắn răng, cắm đầu chạy thẳng về nhà. Tay khư khư giữ chặt hai con tôm trong bọc áo, không một lần nhìn lại hộp xôi đặt dưới gốc cây đầy vẻ cám dỗ. "Hôm nay có cơm, má lại đi chợ, thêm hai con tôm, coi như tiệc rồi."
Trên tầng hai, người đàn ông chủ nhà dõi mắt nhìn theo Nhân chạy khuất, với thoáng ngậm ngùi.
-------
__________________
Chương 2
Đạt nhìn đồng hồ, đi như chạy trên lối đi trải nhựa vào căn nhà nằm giữa vườn đầy hoa và cây ăn trái. Căn nhà trệt, ngói đỏ, lót nền bằng gạch bát tràng, có đến hai cửa chính và rất nhiều cửa sổ. Có đến năm phòng ở, mỗi phòng có nhà vệ sinh riêng, phòng khách rộng thênh thang, trang trí nhiều tranh của các nhà danh học về thủy mạc và đồ cổ.
Cả căn nhà rộng lớn vậy, chỉ có anh em Đạt ở và người giúp việc nhiều năm. Hôm nay căn nhà thêm phần tĩnh mịch bởi Đạt không nhìn thấy cảnh quen thuộc mỗi chiều. Một thanh niên ngồi bên thềm nghiêng tai nghe chim hót.
- Anh Hai!
Chỉ có âm thanh Đạt gọi vọng lại ngân nga.
- Dì Út!
Đạt tuôn vào nhà. Mọi vật vẫn như cũ, những cánh cửa mở toang, gió thổi tung rèm. Bình cúc tím Đà Lạt thầm kín, dịu dàng nhìn Đạt, im lặng.
- Anh Hai! Dì Út!
- Dì đây. Chuyện gì mà con gọi thất thanh vậy?
Người đàn bà trạc ngoài năm mươi, to khỏe, lộ mặt từ ngoài cứa sổ hướng phòng Đạt, hỏi vòng vào:
- Anh Hai con đâu? Đạt hỏi hấp tấp, chạy vòng ra phía sau vườn.
Bà Út đưa mắt nhìn vào cuối sân vườn. Nơi ấy, có đám hoa quỳ nở vàng rực, có người thanh niên ngồi bất động im lìm.
- Anh Hai!
Đạt rón rén lại gần, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh anh, gọi nhỏ. Khá lâu, người thanh niên mới mở miệng:
- Em ở công trường mới về ư?
- Sao anh Hai biết tài vậy?
- Anh nghe mùi đất đá, vôi vữa lẫn khuất trong em.
Gã quay lại nhìn vào Đạt, đôi mắt đục màu trắng mây trời. Đôi mắt kẻ mù lòa .
- Em đi tắm rửa đi, xong, ta cùng ăn cơm.
Đạt thở ra nhè nhẹ, giấu nét mừng. Hôm nay anh Hai của anh không còn lạnh lùng đến khắc bạc. Đạt sẽ sàng nắm tay anh, không thấy dấu hiệu phản đối, Đạt muốn khóc. Anh cố nén xúc động, nói:
- Em vừa đặt mua một con Hoàng Yến, nó hót hay tuyệt. Ngày mai, người ta mang đến.
Gã mù nín thinh. Gã biết thằng em làm tất cả vì gã, nhưng nó có biết gã không còn ham thích thứ gì trong cuộc đời này.
- Chiều rồi phải không Đạt?
- Dạ.
- Hèn gì, anh như nghe cây lá lặng yên, ngơi nghỉ. Vô nhà thôi, kẻo dì Út chờ.
Đạt nắm tay anh, đi chậm vào nhà.
Đêm xuống thật nhanh, khi họ ngồi vào bàn dùng bữa tối. Đạt đích thân bỏ thức ăn vào chén cho anh, hỏi từng món anh thích. Bữa cơm kéo dài, bà Út nói:
- Đạt nè! Con đừng chăm thằng Thành quá. Hôm qua, nó nói với dì, nó không quen vậy, con cứ để nó ăn tự nhiên, gì nó không làm được, chớ ăn cơm nó biết.
Đạt nhìn anh, ngập ngừng:
- Xin lỗi anh Hai, em sợ ...
Thành thoáng nét cười, bỏ đũa tư lự:
- Em đừng lo. Anh sống trong bóng tối được mười năm và một tháng, đã thích nghi hoàn cảnh, chuyện ăn uống như người sáng mắt vậy, chỉ cần dì Út không di chuyển vị trí từng loại thức ăn, hoặc khi ngồi vào bàn cho anh biết thứ gì nằm ở đâu là được.
Mắt Đạt cay xè, chỉ một câu nói của Thành đủ làm Đạt đau đớn trong lòng. Anh em máu mủ tinh thâm, vì sao đến nỗi xảy đoạn trường?
- Anh Hai!
- Anh no rồi. - Thành đứng lên - Em đi công trường, nên ăn nhiều cho khỏe.
Thành không đến ngồi phòng khách nghe thời sự như mọi ngày, mà về thẳng phòng riêng. Đạt nhìn theo, nuốt nước mắt, thì thầm:
- Xin lỗi anh Hai.
Bà Út thở ra, khuyên dứt.
- Lỗi gì ở con, lại tự chuốc vô mình? Giờ anh em hòa thuận, chỉ cần lo cho nó suốt đời là được rồi.
Đạt gục vào đôi tay, thì thầm:
- Không đâu dì Út. Con linh cảm anh ấy không bao giờ tha thứ và con sẽ mất anh ấy mãi mãi.
Đạt rên xiết:
- Trời già cay nghiệt, hay người cay nghiệt để anh con tàn tật một đời? Con hận, con hận lắm.
oOo
Phòng của Thành ở có hai cửa sổ nhìn ra hai hướng. Hướng sau nhà, bên đám hoa quỳ là cây ngọc lan đang mùa hoa nở, tỏa hương thơm ngát sân vườn. Cửa bên kia là một dãy năm chậu mai hồng diệp. Đạt không nói, nhưng bà Út kể Thành nghe. Năm chậu mai này, Đạt tốn nhiều công sức, tiền bạc tậu về chỉ vì Thành. Cả năm cây mai đều được trồng hơn nửa thế kỷ, nên rất đắt. Có cây nở chín cánh, có cây nở mười hai cánh, hoa lớn, cánh dầy. Mùa xuân năm nay, năm cây rộ nở đúng dịp xuân. Thành đã nghe được hương hồng diệp mai tỏa đượm gian phòng.
Thành hiểu tâm ý của Đạt. Anh nhớ ngày Đạt tìm được anh, đã quỳ bên anh khóc, nói rằng:
- Má không chết đâu anh. Má luôn ở mãi bên anh em mình. Anh Hai! Cho em được sống với anh, với má nghe anh?
Mai là họ của Thành, cũng là họ mẹ Thành. Bà họ Mai tên Hồng Diệp. Nếu còn sống, năm nay bà ngoài năm mươi tuổi.
Thành ngồi bên cửa sổ, hương ngọc lan thơm tỏa, nhưng không át được hương mai trong lòng anh dù hoa mai đã đi theo mùa xuân. Anh gục đầu bên cửa sổ, mường tượng những cành lá đỏ khoe sắc, vẫy cánh chào vĩnh biệt bao đóa mai vàng lả tả rụng sau cơn gió của xuân. Má ơi!
Hồn Thành bay xa về quá khứ, về thời bé dại xa xưa...
oOo
Năm ấy, Thành học lớp ba, vừa đổi trường mới. Thằng nhóc lớp một đứng khóc sau gốc phượng già sân trường, khiến Thành chú ý:
- Sau mày khóc?
- Em ...mắc ...tè ...Hu, hu
Thằng Thành lõ mắt:
- Thì cứ đi tè. Cầu đằng sau kìa.
- Nhưng ...em mở nút ..hổng ra.
Thiệt hết biết. Thằng Thành mở nút chưa kịp rút tay, thằng nhóc đã tè như rồng ngay gốc phượng, nước tiểu bắn khắp tay Thành. Nó đổ quạu:
- Sao mày tè bậy hử?
Thằng nhóc lại khóc:
- Em hết nhịn nổi rồi. Hu, hu.
May mà giờ ra chơi, ở góc sau hè của trường không ai ghé mắt.
Thằng Thành chạy đi rửa tay, quay lại kéo khóa, gài nút cho cu cậu. Xong, hỏi:
- Mày tên gì?
- Dạ, tên Đạt.
Thấy mặt mũi thằng nhóc tèm nhem, thằng Thành dắt nó đi rửa mặt, lau khô rồi hai thằng ngồi làm quen.
- Bộ mày hổng quen ...cởi quần hả?
- Dạ, em học ...có cô giáo ..cởi quần, đút ăn.
- Đó là mẫu giáo, giờ mày lớn rồi mà.
Đạt sụt sịt cãi:
- Đâu ...lẹ vậy. Mới nghỉ hè xong.
Thằng Thành phì cười. Thằng này chắc là cậu ấm rồi.
- Vậy còn ở nhà?
- Ở nhà em mặc quần dây thun. Mà ..có vú ...với anh tài xế cởi.
Chẳng hiểu sao, Thành thấy thương thằng nhóc. Mà cũng lạ. Tính Thành ít nói, khó gần gũi ai, có lẽ ảnh hưởng nhiều tính mẹ nó, nhưng thấy thằng Đạt lại muốn kết bạn. Và chỉ vài buổi học nó hiểu tỏng nhà thằng Đạt là thế nào, để mà ...thương xót cho nó hơn.
Ông ngoại Đạt làm lớn lắm, ba má Đạt rất giàu, có xe hơi. Nhưng Đạt từ nhỏ đến giờ ít gần gũi ba má. Họ đi suốt, chỉ có dì Út và chú Lai chăm nom Đạt. Ở trường mẫu giáo, Đạt được chăm sóc "đặc biệt" nên ít bạn. Ở nhà càng không có, vì nhà biệt thự kín cổng cao tường. Thế đó.
Và chúng nó thành bạn nhau. Suốt ba năm ở cấp một, Thành và Đạt may mắn học chung buổi. Chúng rất gắn bó, thương yêu nhau. Lớn hơn có hai tuổi, nhưng Thành dạy Đạt được nhiều điều. Những điều Thành học được từ má Mai của nó ...
oOo
- Anh Hai!
Thành ngẩng lên, nghiêng tai.
- Em vào được không?
- Vào đi - Thành ngồi nguyên chỗ, chỉ vươn thẳng người. Đạt lấy ghế, đến ngồi bên anh trong bóng tối. Ánh điện từ sân vườn hắt quầng sáng soi bóng hai anh em. Thành rũ tóc che vầng trán và ánh mắt màu mây. Đạt nhìn anh, nói nhỏ:
- Em định xin nghỉ phép đưa anh sang Mỹ.
- Vô ích thôi em. Đừng tự đánh lừa mình.
Đạt muốn nói, Thành đưa tay ngăn:
- Bỏ đi. Em có nhớ hồi nhỏ từng nói với anh "Anh Thành không nói sai bao giờ" không?
Thành ngẩng lên, tưởng như thấy gương mặt Đạt thoáng niềm vui sướng.
- Ngày xưa vui quá, phải không em?
Đạt mừng muốn khóc, rụt rè nắm tay anh:
- Anh còn nhớ em?
- Anh có bao giờ quên. Em nhớ không, năm anh vào lớp sáu, em về đòi đi học lớp sáu theo anh.
Đạt ứa nước mắt:
- Sau đó, cứ đến giờ ra chơi, trường hai đứa cách nhau nửa cây số, anh chạy thật nhanh để đến chơi với em vài phút.
- Rồi anh vào cấp ba, vẫn leo rào về trường cấp hai để cùng ra chơi với em.
Đạt gục vào anh, nước mắt rơi đầy vai áo Thành:
- Em ước gì thời gian dừng lại mãi ở đó. Em luôn sung sướng và oán hận mình, vào cái ngày đầu tiên gặp má Mai.
Thành ngồi như pho tượng, rất lâu mới đưa tay ôm Đạt và sờ lên tóc anh. Đạt run lên. Ngày xưa, Thành luôn làm như thế mỗi khi Đạt có chuyện buồn Tính Thành nghiêm nghị, ít nói, nhưng tấm lòng độ lượng. Vào cấp ba, Thành đã là chàng trai chín chắn, những khi Đạt bốc đồng, gây chuyện nông nỗi, Thành nghiêm khắc răn đe. Những khi Đạt buồn ba mẹ, bao giờ Thành cũng khuyên lơn, dỗ dành.
Và cũng vì thương Đạt như em trai, Thành mới đưa về gặp mẹ. Thành nén thật sâu vào tận đáy lòng tiếng thở dài.
- Đừng tự trách mình thế em. Nào, cứng rắn lên. Em bây giờ đã là người đàn ông rồi, rất thành đạt, rất ...
- Mình sang Mỹ thử nhé anh?
Tay Thành rời tóc Đạt. Anh mù, nhưng hoàn toàn sáng suốt để hiểu. Đôi mắt anh không thể cứu chữa, Đạt làm tất cả mọi điều, chỉ vì quá yêu thương anh.
Đạt ngước lên, qua ánh điện hắt nguồn sáng xuyên cửa sổ, gương mặt Thành trong mắt Đạt như một tác phẩm điêu khắc trơ trơ, lạnh lẽo, khiến Đạt rùng mình.
- Anh Hai! Em ...
- Anh hiểu tấm lòng em.
Thành sờ soạng đứng lên, nói:
- Anh muốn nghỉ ngơi.
Đạt đỡ anh đi về giường. Ngồi bên anh mãi, tay lần tay Thành mân mê, hỏi nhỏ:
- Sao em không thấy anh đánh đàn?
Cây đàn Đạt mua rất đắt tiền. Thành từng ngồi vào dạo thử, nên biết. Chẳng phải Thành không thích đàn, chỉ vì anh không còn mẹ để lắng nghe và vì anh sợ vong linh mẹ nhìn cây đàn sẽ tủi. Cả đời bà, không làm sao mua được cho Thành chiếc dương cầm, điều mà Thành mong ước nhất.
- Nếu em thích, anh sẽ đánh đàn.
Đạt cắn răng:
- Anh Hai hãy đánh khi nào thích đánh.
Cho tới khi Thành thở đều vào giấc ngủ, Đạt vẫn ngồi đó, thả hồn vào tháng ngày thơ dại xa xưa. Ngày ấy, có thằng bé sống trong giàu sang, nhưng luôn thiếu thốn mọi thứ tình cảm.
Chương 3
Đạt ghét cay, ghét đắng gã chủ thầu ngồi với "xếp" anh. Gã chẳng làm gì Đạt cả, nhưng chỉ vài lần thấy gã, thậm thụt với ba anh là Đạt không ưa rồi.
Gã trông bảnh bao ra phết ở độ tuổi năm mươi, sung mãn và thành đạt. Lời ăn tiếng nói mềm mỏng, tế nhị, vừa trên được dưới. Với cô thư ký của xếp anh, gã ga lăng hết biết. Mỗi lần ghé cơ quan anh thăm, thường dấm dúi cho quà. Quà gì, ít ai biết, bởi ai hỏi, cô thư ký cứ tủm tỉm cười, liếc "xếp" ra vẻ ...
Đợi gã chủ thầu đi ra, Đạt mới vô gặp "xếp". Anh hỏi vẻ bực bội:
- Lão Thời lại tới mượn quân hả xếp?
Viên giám đốc ậm ừ. Đạt hậm hực ngồi phịch xuống ghế:
- Đợt này thầu lớn, lại công trình tư gia chiếm ba phần tư. Chú đừng cho mượn quân nghe, trễ hợp đồng, tôi không chịu trách nhiệm đâu.
Viên giám đốc lắc đầu:
- Lão không mượn quân, chỉ nhờ vả một việc mà chú khó từ chối.
- Việc gì?
Viên giám đốc khoát tay, đứng lên:
- Ê! Chuyện gì không liên quan tới mày, để tâm làm gì? - Ông choàng vai Đạt, vừa đi, vừa hỏi - Công trường đường Một, thi công tới đâu rồi?
- Đang đánh nhanh, dứt điểm trước mùa mưa.
- Tốt - Sực nhớ, ông hỏi - Cô Nhân đó hiện làm ở đâu?
Thấy Đạt nhíu mày cố nhớ, ông nhắc:
- Cô gái hôm xây nhà công ty, nó gói tôm nhét vô ngực áo đem về đó.
Đạt "à" một tiếng:
- Chú thấy hả?
- Tao còn thấy hộp xôi của mày bị con nhỏ bỏ lại ở gốc cây.
Đạt nhún vai:
- Nhỏ khỉ gì chú ơi. Hai con rồi.
Hai chú cháu thong dong xuống lầu. Một cô gái từ xa đi lại, gọi:
- Chú Đăng! Anh Đạt!
Cả hai tươi cười nhìn cô gái lại gần. Cô đẹp lắm. Ở tuổi ngoài đôi mươi được trang bị đủ kiến thức vào đời, với mọi điều kiện vật chất lẫn tinh thần và cô biết mọi ưu thế của mình.
Đăng, viên giám đốc nheo mắt nửa đùa nửa thật, nói:
- Phòng thiết kế hết việc muốn nịnh chú gì đây?
Cô gái liếc Đạt, mắt long lanh:
- Cuối tuần, con có việc nhờ anh Đạt, chú cho ảnh nghỉ nghe chú?
Ông Đăng nhìn Đạt:
- Ánh nó nói vậy, mày nghỉ sao?
Đạt cười nhẹ. Ngoài xã hội, Đạt là kẻ thâm trầm, lọc lõi. Anh thích Ánh, cô chuyên viên đồ họa, nhưng đâu có nghĩa là dễ dàng để cô ta xỏ mũi. Huống chi Đạt biết Ánh thích mình, có thể thích vì cô cộng luôn cả Đạt và tài sản lại thành một. Nhưng điều ấy có sao. Đời ai không thích giàu, đâu ai khờ như cái cô Nhân kia vậy.
- Cuối tuần, con bận lắm. Nhưng ...
- Còn nhưng gì nữa? - Ánh vờ dỗi, ngoảnh mặt đi.
Ông Đăng vỗ vai Đạt:
- Người đẹp muốn là trời muốn, mày còn nhưng gì nữa? OK. Chú cho nghỉ trọn thứ bảy.
Ông nháy mắt với Ánh. Chớ sao nữa. Ba cô với ông là chỗ thâm tình. Bạn nhờ kiếm chồng cho con gái, ông phải tận tâm chớ. Huống chi Ánh đã hăm bảy tuổi, còn Đạt chưa mối tình nào, chỉ giỏi chuyện ...kiếm tiền.
- Thôi, hai đứa hò hẹn gì cứ tự nhiên. Chú đi đây.
Ông Đăng đi rồi, Đạt tạt luôn qua phòng làm việc của anh. Ánh theo sát gót và kè sát anh khi anh ngồi vào ghế. Giọng thật ngọt, Ánh hỏi:
- Bộ không nhớ hứa gì với Ánh hở?
Đạt vờ tìm giấy tờ, miệng nói:
- Xin lỗi. Anh lu bu quá.
- Là nhớ hay quên? - Ánh nũng nịu.
- Ánh nhắc đi - Đạt cố nhớ rồi lắc đầu.
- Anh hứa đưa em về thăm nhà đó.
Mình có nói không nhỉ? Hình như không. Chậc! Chả quan trọng, điều quan trọng là đưa về nhà nào? Về nhà kia hay nhà này?
- Ra là thế. Vậy thứ bảy nhớ gọi điện cho anh đến đón.
- Còn bây giờ?
- Anh đang làm việc.
Như sực nhớ ra điều gì, Đạt vỗ trán la:
- Chết rồi!
- Gì mà chết?
Đạt tất tả xách kẹp hồ sơ nhảy ba bước ra cửa, ngoái đầu lại nói:
- Cứ mỗi lần gặp Ánh là anh quên đầu quên đuôi. Anh đi gặp chú Đăng xin cấp dụng cụ làm nền đã.
Đạt biết Ánh rất sung sướng khi nghe anh nói vậy. Anh cười một mình, ra tới tận nhà xe. Lên chiếc cúp TOM 92, Đạt chạy êm ru về công trường và gặp Nhân bên bể nước đang rửa sạn. Thấy Đạt, Nhân rụt rè:
- Chào ...ông ...kỹ sư.
Đạt suýt cười, vờ nghiêm:
- Chào chị.
Đạt đi thẳng vào trong và bực bội khi thấy lão Thời ở đó với ông Đăng. Câu nói lão dội vào tai khiến Đạt không bước tới mà nép ngoài lắng nghe.
- Nghe nói, từ hồi giám đốc Bảy Mễ về hưu, bà ta không có tiền trợ cấp, sống khổ lắm, nhưng tôi lại bặt tin tức.
- Thật ra, anh nói chuyện xa xưa với tôi có dụng ý gì?
Thời cười khùng khục trong cổ họng lắc cái đầu bóng lưỡng:
- Hồi đó, anh giám sát thi công mà, anh phải có một phần trách nhiệm chớ. Hiện tại, tôi có tin tức về cô ta rồi. Anh nghĩ sao, nếu cô ta tìm đến gặp anh xin tiền trợ cấp hàng tháng.
Ông Đăng bực tức:
- Chuyện xảy ra hơn mười năm rồi. Trách nhiệm cũng không thuộc về tôi, bởi lúc đó, tôi đang ở Hà Nội.
- Tôi biết, điều tôi muốn nói là danh tiếng của anh. Người ta nào biết anh có lỗi hay không, chỉ cần cô ta ghé tới cơ quan anh đều đều. Ha, ha.
- Thôi đi. Thật ra, họ đang ở đâu?
- Bạn bè phải có qua có lại chứ anh Đăng.
- Điều anh yêu cầu giúp là không thể được. Cậu Đạt càng không chịu đâu.
- Được. Để anh suy nghĩ một hôm, mai ta bàn tiếp.
Thời cười khơ khớ, rồi đi ra. Vẻ ung dung đắc chí. Đạt ập vào, hỏi ông Đăng, giọng gay gắt:
- Lão ép chú chuyện gì mà sao chú dấu con vậy?
Ông Đăng phẩy tay:
- Hắn trắng trợn như vậy, chú nhất định không giúp. Mày đừng bận tâm.
- Còn chuyện kia, có sao không?
Ông Đăng nhíu mày, vẻ không bằng lòng.
- Xin lỗi chú. Con vô tình nghe thôi.
Thoáng buồn, lững thững đến bên khung cửa còn đầy hồ vữa, nhìn xuống, ông Đăng nói:
- Chú cũng mong gặp lại bà ta. Hơn mười năm rồi, liệu rằng với nỗi đoạn trường, với thân xác tật nguyền, bà ta còn sống được chăng?
Ông Đăng gục đầu đau xót. Đạt bối rối ngẩng nhìn. Có bao giờ chú ấy buồn đến vậy.
oOo
Những nhà cao tầng, nhà trệt, mọc nhanh như nấm mùa mưa, quanh trục đường số 1. Con đường cắt từ đường số 1 ấy qua cũng đã mọc đầy nhà, có tên có số hẳn hòi. Riêng khu vực sâu vào trong, chỗ nhà tạm công nhân, chỗ túp lều của mẹ con Nhân, vẫn chưa tiến triễn gì, vắng vẻ, đìu hiu lắm.
Cho nên con Hậu và thằng Lượm vui nhất là khi đám công nhân về. Lúc đó, hai đứa có thể lạng qua lạng lại nhìn đám đàn ông lấm lem kia, độc quần đùi, xúm nhau té nước, tắm rửa, giặt đồ, chửi nhau tục tĩu và cười hô hố trước những cái lườm nguýt của mấy cô cấp dưỡng. Nhưng rồi xảy ra một sự cố khiến hai đứa bị cắt luôn niềm vui ấy. Tất cả vì con Hậu. Hồi má nó thất nghiệp, nó ngày bữa cháo, bữa rau cũng qua. Giờ má nó có việc làm, lương ngày đến hai chục ngàn, cơm ngày hai bữa mà lúc nào nó cũng thấy đói. Bà ngoại tụi nó trừ khi đi chợ, ít ra khỏi "nhà", nên hai đứa tha hồ đây đó sau buổi học bài. Và trong khi thằng Lượm lang thang ra tận xóm ngoài tìm trẻ chơi lon, đánh tán, thì con Hậu mon men tới bờ rác dãy nhà công nhân nép vào một góc, hít lấy hít để mùi thức ăn xào nấu từ trong ấy bay ra.
Cha trời! Cơm công nhân ăn theo chế độ, có ngon lành gì, nhưng với những nhân vật trong túp lều của chúng ta thì là cao lương mỹ vị, nên con Hậu có như thế cũng bình thường. Và từ chỗ núp ấy, con Hậu thấy chị cấp dưỡng đi ra, trên tay là thau thức ăn lộn xộn, chị ta vừa đi, vừa cằn nhằn:
- Một lũ trời đánh! Ăn rồi bứa ra không dọn.
Con Hậu thấy trong thau có khúc cá ăn dở, to lắm. Trời ơi! Nước miếng nó tứa đầy miệng, mon men lại gần. Chị cất dưỡng thấy nó, hất hàm:
- Ê, nhỏ! Làm gì đó? Định chui rào ăn trộm hả?
Hỏi vậy, chớ nhìn con bé, chị không tin nó trộm nổi thứ gì mang đi với vóc dáng bé tẹo của nó.
Con Hậu đau đáu nhìn thau thức ăn thừa trên tay chị ta, ngón tay nó vẫn ngậm trong miệng:
- Cho ...cho ...con ...cá.
- Hả?
Chị ta nhìn xuống và hiểu, bèn chìa thau thức ăn ra sát bờ rào, ái ngại nói:
- Nhỏ lấy đi. Mày đói hả?
Con Hậu nhón lấy khúc cá, chạy u về nhà, không nói lời nào, mặc chị ta gọi giật. Nó trốn vào sau vách, ăn hết khúc cá một mình. Đang mút xương thì thằng Lượm bắt gặp. Nó gạn hỏi, con Hậu kể thiệt, còn khoe:
- Ngon lắm, anh Lượm. Mai mình ra xin hén?
Thằng Lượm nuốt nước miếng ừng ực nhưng sực nhớ lời má dạy và cũng có giận con Hậu ăn tham một mình, liền đe:
- Tao méc má.
Nó không méc, nhưng bà ngoại nghe mùi tanh của cá đầy trên quần áo con Hậu, liền tra gạn, nó khai, vậy là tối đó con Hậu bị quỳ xơ mít nửa giờ. Mẹ Nhân ra lệnh:
- Cấm không được tới nhà ai, xin cái gì.
Bà ngoại còn quát:
- Đói cho sạch, rách cho thơm.
Tối đó, trên chiếc chiếu rách phủ tấm vạt tre đầy mọt nhai nhả bột, thằng Lượm lấy dầu nhị thiên đường xoa hai đầu gối con Hậu, thì thầm lời xin lỗi em bằng lời hứa:
- Mai anh làm cho em một con diều.
Đối diện chỗ hai đứa nằm, Nhân và mẹ chị thấy hết diễn biến. Bà Hiền thở dài, nói:
- Má thấy đỡ đau rồi, uống hết thuốc, đừng mua nữa. Mua thêm chút cá thịt cho tụi nó.
- Không được đâu má. Bác sĩ nói, phải uống một thời gian dài, nếu không má bị thần kinh luôn đó.
Đói nghèo đã quen, nhưng bệnh tật bà Hiền quá sợ. Hơn một năm sống dở, chết dở, tự tử mấy lần không được, giờ bà Hiền hiểu được giá trị cuộc sống và sức khoẻ.
- Hay thôi. Tuần này đừng đi thăm con Hiếu.
- Không được. Con hứa rồi. Chỉ ở trong đó, tinh thần sa sút lắm, cần được quan tâm má à.
Bà Hiền chặc lưỡi:
- Một tuần làm chỉ được trăm mấy ngàn, nào chữa bệnh, nào thăm nuôi, tụi nhỏ bữa đói, bữa no, má xót lắm.
Bà thở ra:
- Giá con Hiếu được nửa con.
Nhân trở mình nhìn lên trần mùng:
- Má đừng trách chỉ nữa. Chỉ sa chân cũng vì muốn có chút tiền lo cho gia đình thôi.
- Má dù nghèo đói, dù chết ...
- Má! - Nhân gắt - Nhưng chỉ làm sao đành? Chỉ cũng đâu ngờ thằng khốn kia chơi để bỏ như vậy.
Bà mẹ làm thinh, mắt ráo hoảnh như cõi lòng từ lâu đã chết. Hơn năm mươi năm làm người, bà có được mấy niềm vui. Bà không thể nào ngờ, cuộc đời bà lại cùng cực đoạn trường đến vậy.
Đêm qua rất chậm, một chú thằn lằn bò thế nào rơi tòm và lỗ hổng trên mùng xuống mặt bà. Lấy tay hất ra, bà lại nghĩ về chuyện mua một cái mùng mới. Thế đó, nếu bà không là người thực tế, làm sao sống được đến bây giờ.
Bên bà, Nhân đã ngủ say.
Chương 4
Thành đi quanh khuôn viên, qua lối của những tấm đan đúc bằng xi măng và sỏi. Hôm nay là lần đầu tiên, Thành muốn biết căn nhà hình thành như thế nào, khuôn viên hình hộp, mỗi chiều dài đến sáu mươi bước chân. Nhà nằm góc vuông, xây hình hộp, sâu sau hẹp, trồng hàng cây, cả hoa lẫn cây ăn trái theo hình L. Sân trước vuông góc là hai hàng hồng diệp mai và cau, với hai thảm cỏ quanh hai hồ nước.
Thành khựng lại ở góc sân trước bên cánh cổng lớn, nghiêng tai, hít một hơi dài. Dì Út đang quét sân, vội dựng chổi lại gần hỏi:
- Cậu Hai nghe hương thơm lạ phải không?
- Dạ.
- Cậu Ba chiều qua chở về bốn chậu mai chiếu thủy đa. Đặt ngay trước phòng chỗ cửa sổ. Đây, cậu thử xem, các loài mai chiếu thuỷ đều thơm thoảngn và tinh khiết. Phải không? Mai chiếu thuỷ màu trắng.
- Năm cánh dài, hoa nở, nhìn vào nước, rất đẹp.
- Đúng rồi, cậu Hai. Cậu rờ xem. Nó đang nở đầy trong tay cậu, soi bóng dưới mặt hồ. Cậu Ba nói, Mai chiếu thuỷ nở bốn mùa, cao quý và trong trắng, sẽ đem lại cho cậu Hai một niềm vui.
Thành đứng lặng. Bà Út rụt rè nắm tay Thành dắt tới góc hồ. Dưới rặng liễu soi mình là bộ bàn ghế đá. Bà đỡ Thành ngồi xuống, nói:
- Con hoàng yến, cậu Ba mới mua về hót hay lắm. Cậu ngồi một chút đi, nó hót cậu nghe.
Bà định đi, Thành gọi lại:
- Dì Út! Dì ở đây lâu rồi?
Bà Út ngồi xuống bên Thành, thong thả nói:
- Ở với thằng Đạt hồi nó mới sinh lận. Tới năm đó, cậu mất tích, Đạt bỏ nhà đi hoang tìm cậu suốt cả năm, khi về, nhất định không ở với bà nhà. Ông ngoại thằng Đạt xót cháu mới cho miếng đất này và khoản tiền thừa kế với điều kiện, Đạt phải học xong đại học. Có lẽ vì nghĩ đến ngày hôm nay, nên Đạt nhận lời. Căn nhà này nó mới xây xong hồi đi làm, cây cối tự tay trồng lấy. Trời thật không phụ kẻ có lòng, nó tìm mãi rồi cũng tìm ra cậu. Hồi đi học, nó ở nhà trọ, nhà xây xong đòi tôi về ở, thấm thoát gần ba năm rồi.
Tiếng một con chim nào đó hót líu lo, rồi thì hàng chục con chim cùng lên tiếng, khiến cả sân vườn rộn rã. Thành nghiêng tai chăm chú lắng nghe. Bà Út nhẹ nhàng bước đi, nghĩ thầm: "Rồi cậu ấy sẽ quên hết buồn đau".
Có quên được chăng mỗi lòng Thành tự hiểu. Bởi giờ đây, tiếng chim hót không hề đi xuyên qua tâm hồn anh. Thành đang nhìn về quá khứ ...
Ngày ấy, Thành về nhà, trên tay là lồng chim yến. Thành không biết giá trị loài chim này, nhưng biết nó hót hay. Bà Hồng Diệp ngồi may trong nhà, thấy chim, hỏi con ở đâu mà có. Thành nói:
- Thằng em kết nghĩa cho con.
Bao năm, nhưng bà Diệp chưa hề thấy mặt Đạt, dù biết chuyện qua lời kể của Thành.
- Nó giàu lắm ư con?
Thành móc lồng chim trước hiên nhà, cất cặp, đến ngồi dưới chân mẹ:
- Hình như vậy. Nhưng nó cô độc lắm má.
Bà Diệp mắng yêu con:
- Con vì thương thằng nhỏ, bao năm trèo tường chơi chung với nó còn gì. Nó học đến đâu rồi?
- Dạ, lớp chín. Má yên chí. Hè này nó về học chung với con rồi.
- Một năm nữa, con vô đại học, có định trèo tường ra chơi với nó nữa không?
Thành mỉm cười:
- Con nghĩ lúc đó nó lớn rồi, mà con có muốn cũng đâu thể.
- Sao con không đưa nó về nhà chơi?
- Nó đi học như bị tù, xe đưa rước, chân không đụng đất, đâu như con.
- Tội nghiệp! - Bà Diệp nói, lại trở về với công việc.
Con chim đột nhiên cất tiếng hót. Thành vẫn ngồi dưới chân mẹ, lắng nghe vẻ thích thú.
- Nó hót hay quá má. Mai mua thêm con nữa cho nó có bạn.
Bà Diệp ngừng công việc, nói:
- Chim yến đắt tiền lắm, mua không nổi đâu con.
Thành ngẩn ra, nói vội:
- Nuôi một con cũng tốt há má. Mình nhìn thấy nó như thấy thằng Đạt.
Bà Diệp nhìn con:
- Thiếu gì cách để nó "tự do" hả con. Chẳng lẽ ngoài đi học, nó bị nhốt trong nhà có người canh?
- À há! - Thành vỗ trán - Sao con không nghĩ ra.
Thành đứng lên, nói với vẻ quả quyết, đắc ý.
- Chắc cú chiều nay, nó sẽ "diện kiến" má. Con đi nấu cơm đây.
Bà Diệp nhìn theo con, vui buồn lẫn lộn. Nó là đứa con ngoan, tài hoa. Còn bà bạc phước, không giữ được cho nó người cha.
Và chiều ấy, bà thật sự xúc động khi nhìn thấy Đạt. Ở nó, có nét gì thân thuộc như Thành. Nó đối với con bà, thương quý lộ rõ, một điều anh Thành, hai điều anh Thành, điều gì anh Thành nói là đúng tất tần tật.
Bà nhớ ánh mắt nó lúc nhìn Thành ngồi ôm chân bà, tựa người vào, để bà vuốt tóc. Một ánh mắt thơ trẻ đầy niềm ao ước
... mất 2 trang ... Bà từng nghe nhiều lắm, từ thời yêu nhau đến lúc lấy nhau.
- Đạt à! Ngoài tên Lợi, ba con có tên nào khác không?
- Người ta gọi ba con là ông Tiến Lợi.
- Vậy con có biết ngoại con tên gì không?
Đạt ngẫm nghĩ. Từ bé nó không có sự gắn bó gì với gia đình, kể cả ông ngoại rất yêu quý nó.
- Tên ngoại, con không biết. Thỉnh thoảng gặp người lớn, họ gọi ngoại là vua ô tô Tiến Phát miền Tây.
Mặt bà Diệp tái xanh. Trời xanh thật khéo trêu người. Đêm ấy, bà thức trắng, sáng ra nói với Thành:
- Con muốn nhìn cha không Thành?
- Không. Sao má hỏi vậy?
- Vì thằng Đạt là em khác mẹ với con.
Thành chết lặng, nhìn mẹ.
oOo
Ánh đến nhà Đạt lần thứ ba vẫn có cảm giác bồn chồn mà không hiểu tại sao. Cô tự giải thích vì căn nhà lớn quá, mà Đạt ở một mình và có lẽ vì bà giúp việc tỏ ra lạnh nhạt với cô.
Hôm nay cô lại đến, dù không hẹn Đạt. Cô muốn làm anh bất ngờ ở vẻ trẻ trung vừa tạo ra. Ai dám nói cô đã hai bảy trong trang phục này nhỉ? Một chiếc váy ngắn nửa đùi màu trắng, một chiếc áo sát nách thun trắng hở cổ, ôm sát ngực nẩy nở và vòng eo nhỏ xíu kèm với đôi giày thô trắng bạc và mái tóc cột đuôi gà chỏng ngược, phất phơ dãy ruy băng hồng.
Đạt đích thân mở cổng, hơi ngạc nhiên và thích thú khi thấy cô.
- Hôm nay, Ánh như cô nữ sinh đoạt vương miện.
Ánh cười khúc khích, tung tăng vào nhà:
- Thật sao? Em coi như lời khen tặng đó nghe.
Bà Út từ căn phòng sát phòng khách đi ra, tay khoá trái cửa, miệng hỏi:
- Cô cậu dùng nước gì?
Đạt khoát tay:
- Dì đi chợ mua dùm con mấy thứ dặn lúc nãy, ở đây để con.
Bà Út ra đi rồi quay lại:
- Nếu cô cậu đi ăn ở ngoài, cứ khoá cửa lại.
Ánh hơi thắc mắc trong lòng. Bốn lần ghé chơi, không lần nào Ánh được mời cơm, dù đúng bữa. Đang rất vui dù trong nhà hay ngoài vườn, hễ bà Út ra nói đã sáu giờ, là Đạt đưa cô ra ngoài ăn tối.
- Anh thích mẫu người vợ ra sao?
Họ đã ngồi bên nhau ở salon. Ánh hơi ngửa, dựa người ra sau, vươn khuôn ngực đầy hấp dẫn, hỏi.
Đạt nhìn cô không chớp mắt. Chuyện qua đường, chẳng thiếu đối với anh, nhưng điều nghiêm chỉnh Đạt chưa từng. Anh đang để mắt tới Ánh, vì cô quả thật vừa mắt anh, lại thông minh, rất được lòng mọi người, còn giỏi chuyên môn, thêm ông Đăng nói vô hết cỡ.
Và giờ, cô đang ngồi ở gần anh, khêu gợi anh với niềm đam mê rực mắt. Ánh yêu anh không cần che giấu với bất kỳ.
- Anh vốn tham lam - Môi Đạt khô lại.
- Là sao? - Trung thực đi - Cô chúm chím làn môi màu chocolate, gọi mời.
- Phải là cách tay đắc lực của anh ngoài đời và là một vợ hiền nội trợ trong nhà.
- Được rồi - Ánh đứng lên, ngọt ngào - Em tình nguyện làm ứng cử viên số một. Hôm nay anh muốn ăn gì, em sẽ đích thân làm bếp.
Đạt thoáng bối rối, nói nhanh, kéo Ánh ngồi xuống:
- Để khi khác, Ánh ạ. Hôm nay anh muốn ...
Chẳng biết phải Đạt mạnh tay không, mà Ánh ngã chúi vào tay anh. Cả người cô toả hương phủ lấy Đạt, khiến anh rạo rực.
Đạt khép vòng tay, tìm môi Ánh hối hả. Cô ôm chặt anh dâng hiến và thụ hưởng trong niềm đê mê từ lâu đè nén.
Họ quấn siết nhau, ngã dài xuống nệm ghế. Ánh hổn hển trong vòng tay Đạt, nói đứt quãng:
- Đạt! Ánh yêu anh. Yêu ...anh.
Đạt không nói, chỉ hôn và vuốt ve cô, thì thầm:
- Em "ngon" lắm. Hôn anh đi.
Nếu không có tiếng động lạ vang lên khô khốc, có lẽ Đạt không kiềm chế được. Anh choàng tỉnh, kéo váy Ánh xuống, xốc lại áo cho cô, nói nhanh:
- Anh đưa em đi chơi, sau đó mình đi ăn.
Ánh đờ đẫn gật đầu, nỗi đam mê còn đầy trong thân xác cô.
Mười phút sau, cả hai rời nhà. Tiếng xe nhỏ dần, cách cửa bên phòng kế bật mở. Thành sờ soạng đi ra, ngồi thừ ở ghế, gương mặt tái xanh qua ánh mắt đục lờ.
Điện thoại reo, Thành vô hồn bấm máy đưa lên tai.
- Thành! - Giọng người đàn ông nghẹn ngào - Con chịu nghe ba nói rồi sao?
Thành im lặng, và rồi bấm tắt, khoá luôn máy, để lên bàn. Anh vào phòng,, mở ra với túi xách nhỏ, kính đen che mắt và chiếc gậy dò đường. Quen thuộc mọi lối đi trong nhà, Thành đi thong thả, vượt sân vườn ra cổng.
Thành đi hết con đường rẽ, đến lộ chính, dò dẫm tới bưu điện, gọi taxi và đứng chờ. Khi lên taxi, anh mới gỡ kính nói:
- Nghe giọng nói, chắc anh trạc tuổi tôi, nên tôi xin phép gọi bằng anh. Thế này, anh tài xế. Tôi có vài công việ phải làm. Sau đó, tìm một nơi ở trọ để hoàn thành hết mọi việc, chắc tốn nhiều thời gian và sự giúp đỡ của anh, về tiền nong, anh đừng ngại, chỉ mong ...
- Tôi hiểu. Anh yên tâm. Giờ mình đi đâu?
- Đến ngân hàng công thương quận Tân Bình.
Người tài xế đúng là trạc tuổi Thành. Thấy Thành đi vào ngân hàng dáng chững chạc thì biết anh đã lui tới đây nhiều lần. Cô nhân viên thấy Thành, tươi cười chào, nói:
- Lâu quá, không thấy anh ghé.
- Vâng. Tôi đi xa khá lâu. Cô cho tôi rút tiền.
- Dạ, anh rút bao nhiêu để Thuỷ viết phiếu?
- Một triệu.
Vừa lập phiếu, cô vừa trò chuyện.
- Anh còn làm ở Lưu Luyến không?
- Tôi nghỉ lâu rồi, đợi thu xếp xong sẽ đi làm lại.
- Lâu rồi, Thuỷ không nghe tiếng đàn của anh.
- Cảm ơn cô. Tài hoa gì thứ cầm nghệ kiếm cơm.
- Anh lại thế nữa rồi. Anh qua bàn kế toán, nhận tiền nhé. Và nhớ đó, làm ở đâu, điện thoại cho Thuỷ.
- Tôi sẽ nhớ.
Thành ngồi vào xe, người tài xế hỏi:
- Giờ đi đâu?
- Nhờ anh tìm dùm chỗ trọ nào đó, giá tiền rẻ một chút mà yên tịnh.
Người tài xế ngẫm nghĩ rồi nói:
- Bên chỗ tôi ở, mới mở rộng khu dân cư, giá nhà rẻ, chắc tiền thuê cũng phải chăng. Có điều hơi xa đường lớn.
- Có trạm xe buýt không?
- Có trạm gần đó, ngoài hương lộ.
- Được. Mình đến thử.
Đúng như người tài xế nói, chỉ loanh quanh độ nửa giờ, Thành đã thuê được một chỗ. Là một căn nhà xây, lợp tôn, chủ nhân làm thợ xây dựng, có vợ và hai đứa con trai. Đứa đầu độ mười tuổi, đứa sau còn nhỏ. Họ dành cho Thành căn phòng có toilette, lối đi riêng với giá trăm hai một tháng, bao luôn điện nước. Tiền cơm hai trăm mỗi tháng.
Người vợ thấy Thành mù, hơi ngại, anh trấn an:
- Chí cần hai ngày, tôi làm quen nhà và lối đi đến các nơi cần thiết. Bà sẽ không có gì trở ngại cả. Vả lại, tôi chỉ ở tạm một thời gian, nếu thấy được, tôi sẽ mua một mảnh đất, dựng nhà.
Đôi bên thoả thuận, Thành đưa trước hai tháng tiền, còn bao nhiêu đưa hết cho người tài xế. Anh ta đưa lại Thành một trăm ngàn, nói:
- Anh giữ tiêu vặt. Chúc anh tìm được việc làm.
Thành cảm ơn rồi ngần ngừ nói:
- Có một điều xin anh hứa với tôi.
- Anh cứ nói.
- Nếu có ai hỏi về tôi, anh cứ nói không biết.
Người tài xế taxi nhìn Thành, anh ta không thấy gì trên gương mặt bình lặng kia ngoài đôi mắt vô hồn.
- Tôi hứa. Anh yên tâm.
Người tài xế đi rồi, Thành được chú nhỏ con chủ nhà dẫn về phòng riêng. Chú nhỏ tò mò lắm, nhìn Thành mãi, trong khi dắt anh đi quanh, để làm quen với mọi ngõ ngách trong nhà.
- Chú tên Thành. Còn cháu?
- Cháu tên Tiến, học lớp bốn. Chú ơi! Chú ngủ dưới nền nhà ư?
- Không. Chú sẽ nhờ mẹ mua dùm chú một tấm nệm mỏng, gối và mùng mền.
- Hay để con đưa chú đi, kẻo tối. Má con đang nấu cơm.
- Được, luôn tiện làm quen đường.
Cho tới khi thằng Tiến xách cà mên cơm vào, trải nệm, treo mùng dùm Thành, nó với Thành đã vô cùng thân thiết.
Chương 5
Đạt chết lặng nhìn cửa tủ quần áo mở toang. Thành bỏ đi, không đem theo gì ngoài ba bộ đồ anh mang đến lúc bước chân vô ngôi nhà này. Vì sao anh ra đi? Anh đã hứa rồi mà.
Đạt đau đớn đến quẫn trí, cứ đi quanh. Lẽ nào ...Bà Út quẹt nước mắt, kéo tay Đạt, gắt:
- Cậu sao vậy? Gọi ông chủ đi.
Đạt ngồi xuống giường, ôm đầu:
- Gọi làm gì? Ảnh đi rồi, không trở về đâu. Nhưng tại sao ảnh bỏ đi? Giận tôi hay vì lẽ gì?
Hỏi mà không đợi câu trả lời, Đạt thẫn thờ đi ra vườn. Sân vườn sáng rực điện do bốn ngọn đèn néon 1m2 đặt ở bốn gốc vườn chiếu vào. Đạt đặt thêm bốn ngọn điện này cách đây ba tháng lúc ấy Thành vừa mới về ở. Chẳng hiểu sao, Đạt nghĩ khi đêm về, chỉ cần khu vườn sáng như ban ngày, Thành sẽ đi không vấp té và đêm đen không bao giờ có trong lòng Thành.
Đạt biết mình ngốc nghếch với ý nghĩ này, nhưng anh lại vui sướng khi nhìn anh trai ngồi giữa sân vườn sáng rực, đầu hơi nghiêng, tóc rũ che vầng trán. Anh của Đạt đang lắng nghe tiếng thì thầm của đất trời, của lá, của hoa.
Nước mắt Đạt chảy ràn rụa, anh đi qua những lồng chim lớn nhỏ. Những cô hoàng yến, bạch yến, đang im lìm say ngủ, không hề biết người mỗi sáng, mỗi chiều nghe chúng hót đã ra đi.
- Anh Hai!
Đạt thụp xuống góc vườn có đám quỳ vàng hực, gào lên, oà khóc. Tất cả niềm vui, sự thoải mái bên Ánh từ giữa chiều, ngọn lửa tình le lói loé sáng đã tắt lịm biến mất trong Đạt, chỉ còn nỗi đau, máu thịt làm thắt tim anh.
Bà Út vừa kéo tay Đạt, vừa nói:
- Có khi nào vì cô bạn gái của cậu không?
Đạt ngẩng lên nhìn trừng. Bà Út nói:
- Từ bữa cậu đưa cô ta về chơi, cậu Hai lạ lắm. Cậu đi làm là cậu Hai ở miết trong phòng, không tập đàn, không dạo vườn. Có hôm, tôi thấy mặt cậu Hai buồn lắm.
- Nhưng anh Hai chưa gặp Ánh lần nào, sao cổ chọc ảnh giận được?
- Tôi không biết. Là tôi thấy sao nói vậy. Cậu bình tĩnh lại đi. Tôi gọi ông chủ rồi, ông đang trên đường đến.
Đạt đứng lên, vuốt mặt. Đột nhiên anh căm ghét tất cả. Tại sao người đau khổ lại là anh em Đạt? Và một lần nữa họ mất nhau, trong khi thủ phạm, cả kẻ chết và người sống đều an nhàn, vui sướng.
- Tôi không muốn gặp ông.
Đạt tuôn vào nhà, cùng lúc chiếc Mazda màu xám bạc dừng ngay khoảng sân trống. Ông Tiến Lợi bước ra quát:
- Đạt!
Anh dừng lại, quay đầu. Lòng chua chát tự nhủ: "Anh Hai nói đúng. Ta không thể nào, và bất cứ ai cũng không thể chống được sự áp đặt, hoặc những điều ông ta muốn".
- Chào ba.
- Tại sao nó bỏ đi? Từ lúc nào?
Ông Lợi ngồi ngay chiếc ghế đá, nóng nảy hỏi.
Đạt thản nhiên:
- Con rời nhà lúc hai giờ chiều, giờ mới về đến, ảnh đi khi nào, con không biết.
Ông Lợi hầm hừ:
- Nó bỏ đi phải có nguyên nhân, là ai?
- Con nghĩ, nguyên nhân đã có từ hơn mười năm rồi.
- Câm miệng! Tao không cần lời chỉ trích. Nó đã chịu ở đây, giờ bỏ đi, trách nhiệm thuộc về mày - Ông gào lên - Mày phải đem nó về cho tao.
Đạt hết chịu đựng nổi, anh bùng nổ:
- Ảnh không phải đồ vật, mà ba dùng sức, tiền là mua được. Ảnh không bao giờ quay về với ba và con sẽ không ép ảnh quay về dù là để sống với con.
Đạt lại trào nước mắt:
- Con không bao giờ bù đắp được những gì anh ấy phải chịu. Tội lỗi này con gánh trọn đời con. Ba đi đi.
Đạt đâm đầu chạy ra khỏi nhà. Ông Lợi gọi:
- Đạt! Đạt! Con đứng lại.
Đạt không nghe. Anh chạy mãi, trong mắt, trong tim không thấy gì ngoài đôi mắt màu mây vô hồn của anh trai và một trời lửa đỏ.
oOo
Thằng Lượm chưa làm được con diều cho bé Hậu vì một lẽ đơn giản, nó không có vật liệu để làm ra con diều, nên lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.
Từ bữa hôm quỳ xơ mít tới giờ, hai đứa chẳng dám mon men đến gần khu nhà công nhân, càng không dám tới gần nhà ai quanh đó, chỉ đứng thật xa, nhìn đám trẻ trạc tuổi, đứa thả diều, đứa đánh tán, đứa rê banh ở khoảng đất trống gần lộ chính với vẻ thèm thuồng, cam chịu.
Hôm nay, như mọi ngày chủ nhật, kể từ lúc có việc làm, má tụi nó rời nhà từ sáng sớm. Thức ăn có sẵn từ hôm qua, tụi nó có quyền rong chơi đến giờ, quay ngửa trên bãi cỏ, nhìn những cánh diều bay lượn từ xa, thằng Lượm nghĩ ra một điều, nó vụt nhổm lên kéo con Hậu chạy ù.
Chạy một đỗi, con Hậu trì lại, hào hển:
- Chạy đi ...đâu vậy ...anh Lượm?
- Đi lượm lon với bịch nilông. Anh có tiền sẽ mua con diều nilông luôn cho em.
- Mà lượm ở đâu? - Con Hậu thì thào - Hồi đó má nói, bữa nay người ta không mua nữa mà.
- Còn, nhưng rẻ hơn thôi. Khu này mới mở, chắc chưa có ai tới lượm đâu. Lẹ lên em.
Thằng Lượm nói đại mà trúng. Hai anh em đi vòng vòng ngoài đường số 1, rẽ qua lối nhỏ hơn, qua dăm bảy lối rẽ, đã vác được cả bao lon bia, lon sữa và bịch nilông, kéo rê về. Hai đứa đi ngang qua con đường gần nhà và ngạc nhiên khi thấy một căn nhà mới toanh hiện ra ngay lối rẽ. Căn nhà xây tường mới, lợp bằng tôn cũ, với màu vàng mơ.
Căn nhà chiếm diện tích hai phần ba đất, phần còn lại là khoảng sân nền đất với hàng rào kẽm gai vừa được trồng quanh bằng hoa dâm bụt.
Ở ngay bên hàng rào, có người thanh niên ngồi xổm, mò mẫm cào đất, trồng những cây hoa hồng đủ màu.
Từ trong nhà, một đứa nhỏ trạc tuổi Lượm, kéo khoanh ống cao su dọc theo bờ rào, miệng liến thoắng:
- Chú Thành! Xong rồi. Ngon bá cháy luôn. Giờ cắm điện bơm nước nghen.
Người thanh niên lắc đầu:
- Đợi chú trồng xong đã. Tiến vô bê bịch rác ra đây dùm chú. Thật lạ, ông thợ xây nào cũng nhậu.
Chà! Một bịch to đùng, đầy những lon bia. Thằng Lượm liếm môi, lại gần nói:
- Cho tao, tao đổ rác dùm cho.
Thằng Tiến rành chuyện này sáu câu, nó tò mò nhìn hai anh em qua hàng rào hỏi:
- Tụi bây lượm lon hả? Ở đâu, sao hồi nào giờ tao hổng thấy tụi bây?
Bé Hậu chỉ tay qua lối rẽ, rụt rè nói:
- Em ở trong đó.
- Ở với ai?
- Dạ, với má và bà ngoại.
- Họ làm giống gì để tụi bây lượm lon? - Giọng thằng Tiến đầy vẻ hạch sách, tò mò lẫn quan tâm.
- Dạ, ngoại không đi được. Còn má ...làm phụ hồ.
Thằng Tiến chìa bịch lon. Thằng Lượm đỡ lấy định đi, người thanh niên đứng lên, gọi:
- Này cháu! Có muốn thăm nhà mới của chú không?
Thằng Lượm ngần ngừ. Anh mỉm cười nói vẻ dụ khị:
- Chú còn mấy lon nước ngọt, mình uống xong, cháu đem luôn lon về.
Con Hậu đang bíu cứng tay anh, nghe nước ngọt, mắt sáng lên, liếm môi, thì thào:
- Em uống Fanta.
Thằng Lượm gắt:
- Mày muốn quỳ xơ mít nữa hả? Nhớ má đã dặn gì không?
Như hiểu, người thanh niên tươi cười hướng đôi mắt khuất sau kính đen về hai đứa.
- Má dặn đừng xin và nhận thứ gì của ai. Đúng không? Nhưng đây là chú chân thành mời hai cháu mừng tân gia của chú bằng một ly nước ngọt thôi mà.
Thằng Lượm còn chưa quyết định, thằng Tiến đã đỡ bịch rác từ tay nó để xuống đất, nói:
- Mày hổng uống cũng cho con nhỏ uống chớ. Nó khát khô cả cổ họng kìa.
Vậy là anh em thằng Lượm làm khách đường hoàng bước chân vào ngôi nhà còn nồng mùi vôi mới.
Con Hậu có ngay lon Fanta và nó suýt thả rớt cái lon, khi người thanh niên gỡ kính để lên cái bàn gỗ nhỏ. Thằng Lượm chụp kịp, suỵt khẽ, người thanh niên nghe, liền nói:
- Chú tên Thành. Bị mù từ năm mười tám tuổi, do tai nạn. Đừng sợ. Giờ cho chú biết, hai cháu tên gì?
- Cháu tên Lượm, chín tuổi.
- Con tên Hậu, bảy tuổi.
Thành ngồi xuống bên Hậu, sờ lên tóc nó, vuốt nhẹ, hỏi:
- Hai đứa có đi học không?
- Dạ không - Con Hậu nói, chưa kịp nuốt ngụm nước ngọt, nó suýt sặc.
Thành vuốt ngực nó. Thằng Lượm liến láu:
- Nhưng tụi cháu biết đọc, biết viết hết trọi, chỉ có điều chưa biết viết lên vở thôi.
Nó hút một hơi coca, thở khà với vẻ khoái trá. Thành hướng về nó, hỏi:
- Vậy học bằng cách nào. Ai dạy?
- Dạ, má cháu dạy.
Và thằng Lượm kể Thành nghe cách học của anh em nó. Thằng Tiến trố mắt, nói:
- Trời! Sao mầy giống Trần Minh khố chuối đi học vậy.
Thằng Lượm thở ra, nói như cụ non:
- Tại bà ngoại tao bệnh hoài, một mình má tao đi phụ hồ, ngày hai chục ngàn, nuôi cả nhà, nên phải vậy thôi.
Thành nén tiếng thở dài, hỏi:
- Vậy hai đứa đi lượm lon, má biết không?
Thằng Lượm kể lể dài dòng:
- Hồi xưa, hoặc khi nào má cháu hổng có việc làm, thì má đi mua ve chai, còn tụi cháu đi lượm lon với bịch nilông. Giờ nghe nói, làm chỗ này việc nhiều lắm, ông chủ lại tốt, ngày nào cũng cho thợ phần ăn giữa buổi, nhà cháu ăn được ngày hai bữa, nên má hổng cho ai lượm lon nữa. Biểu ở nhà học toán.
- Vậy sao mày còn đi lượm lon? - Thằng Tiến hỏi vặn.
- Tại vầy.
Thằng Lượm kể chuyện bé Hậu quỳ xơ mít và lời hứa của nó, rồi nói:
- Mua xong con diều cho bé Hậu, tao vẫn đi lượm lon, có điều đi lúc rảnh thôi, và dấu má tao. Được nhiều tiền tao sẽ mua tập viết, để viết chữ đường hoàng.
Thằng Tiến nhìn anh em Lượm vẻ thương cảm lắm, nó chợt muốn kết bạn với hai đứa bằng cử chỉ đẹp.
- Tao nhiều tập vở lắm, năm rồi lãnh thưởng còn ối ở nhà. Tao với mầy "Đào Viên kết nghĩa" đi. Vậy của tao như của mày. Được không?
Thằng Lượm đâu biết Đào Viên kết nghĩa là cóc khô gì. Càng không hiểu lý lẽ "của tao như của mày" thằng Tiến nói. Những điều mẹ nó dạy, nó thuộc nằm lòng.
- Tao thích chơi với mày lắm, nhưng mẹ tao nói, thứ gì mình làm ra mới là của mình.
Con Hậu đã uống cạn lon Fanta, đứng lên xoa bụng rồi nói:
- Anh Lượm! Mình về nấu cơm.
Thằng Lượm nhìn bóng nắng, hết hồn đứng lên, nói:
- Chết rồi! Hổng kịp đi bán lon.
Thành hiểu, anh nói:
- Để đó chú giữ cho. Mai ghé lấy đem bán.
Hai anh em mừng rỡ, chào Thành rồi cắm cổ chạy về nhà. Thằng Tiến nhìn theo, tặc lưỡi:
- Trời! Tụi nó hổng nói, mình tưởng còn nhỏ chứ.
Thành cũng "thấy" được lúc sờ vào hai đứa. Cả hai bé choắt, gầy teo. Duy một điều Thành biết được, chúng dù nghèo đói, vẫn được mẹ chăm sóc và dạy dỗ đàng hoàng. Bộ quần áo bé Hậu đã có bốn mảnh vá, nhưng không hề có mùi hôi.
- Tiến nè! Chiều cháu đi học về ta cùng tới thăm nhà hai đứa nhé.
Thằng Tiến nhảy cẫng:
- Hoan hô.
Nhưng rồi nó gãi đầu:
- Trời! Còn đống lon của nó ề hề đây.
oOo
Thằng Tiến không đưa Thành đi tìm nhà anh em Lượm được, chỉ vì cơn mưa chiều bất chợt đến.
Lúc ấy, Nhân đi thăm nuôi chưa về. Chỉ còn mẹ Nhân và anh em thằng Lượm đối đầu với cơn mưa đầu mùa. Lúc mới mưa, hai đứa khoái lắm, được tắm thoả thích mà không cần đi mua nước gánh về. Rồi chúng lấy đủ thứ đồ dùng để hứng được nước, đổ vào đôi thùng thiếc.
Hứng nước đầy xong, hai đứa đã lạnh run, định đi thay đồ, chợt hoảng hồn thấy nước cứ ngập dần. Cả hai đâm bổ vào nhà, lay bà ngoại, nhưng bà đã mê man từ lúc nào.
Thật ra, mấy hôm nay, bà Hiền đau lắm. Bà rơi từ giàn giáo xuống, bị xe chở đá công trường cán nát hai chân. Vết thương đã lành, nhưng hậu quả là bà tàn tật suốt đời, lẫn những cơn đau triền miên khi trái gió trở trời.
Miệt bà đang ở, nhà nước chưa xây cống rảnh và chưa làm hệ thống cấp nước, nên phải đi mua nước về sinh hoạt và khi mưa, nước ngập rất nhanh.
Anh em thằng Lượm lay mãi, bà ngoại không tỉnh, biết là gay go. Mới mười tuổi đầu, nhưng thằng Lượm kinh nghiệm nhiều chuyện khó khăn rồi, nó không sợ hãi lắm, nói với con Hậu:
- Anh vác ngoại, mày che mưa, đem gửi bên kia nghe.
Con Hậu la:
- Không được. Ngoại không muốn ra ngoài đâu.
- Còn hơn để ngoại ngập nước sao. Đồ ngu!
Thằng Lượm khi quyết tâm thì nó như có sức mạnh thần kỳ, tấm thân gầy gò của nó cõng bà ngoại gọn ơ. Con Hậu trùm miếng ni-lông lên, thằng Lượm chệch choạng từng bước chân, lún sâu xuống đất nhão, đi qua lán công nhân xây dựng gọi vang.
- Mấy cô chú ơi! Cứu ngoại con với.
May cho nó, trong lán còn vài công nhân nghỉ ốm và chị cấp dưỡng đang vo gạo nấu cơm. Họ kinh ngạc khi đỡ tấm nilông, thấy một người đàn bà cụt hai chân sốt mê man. Thằng Lượm bệu bạo:
- Ngoại con bị đau mà nhà ngập nước, cho con gởi ngoại đợi má con về.
- Được. Được - Dấu vẻ thương cảm, chị cấp dưỡng đỡ bà Hiền để nằm xuống cái giường khuất gió. Chị lăng xăng quát gã công nhân đưa thuốc hạ sốt, quát lấy mền, lấy dầu xoa.
Hơi yên tâm, anh em thằng Lượm tuôn về nhà, nhưng không kịp rồi. Thùng cạc tông đựng áo quần và mền chiếu đều ngập nước. May mà hôm qua mẹ nó mua được cái thùng đạn mỹ đựng gạo. Hú hồn.
Vậy là trong mưa, hai đứa lấy áo quần thấm nước ra giặt lại nước sạch, vắt khô cho vào cái thau nhôm, thả nổi lình bình trong nước. Những thứ nào sức cả hai không giặt nổi thì túm chặt lại, cột vào cột nhà. Sau đó, hai đứa mới chạy qua bà ngoại.
Thấy cả hai lạnh tím người trong bộ đồ ướt sũng, chị cấp dưỡng quát:
- Sao hổng thay đồ?
- Dạ, quần áo ngập nước rồi - Lượm run cầm cập nói.
Chị cấp dưỡng kêu trời luôn miệng, mà biết làm sao. Anh công nhân nói:
- Lấy quần đùi tụi tui cho nó mặc đỡ đi, rồi lên giường trùm mền lại, để vậy nhiễm bệnh chết.
Hai đứa bị lột hết đồ, thay quần đùi với áo công nhân rộng thình, bị tộng lên giường. Lượm không chịu, nói:
- Cho con về giữ nhà.
Chị cấp dưỡng nạt liền:
- Nhà mày như bãi đồng nát, ai vô đó ăn trộm hử? Mày ngâm nước bị bệnh, má mày mới khổ đời đó.
Hai đứa chui vô mềm ấm, lập tức ngủ khì. Bà Hiền ngấm thuốc cũng hạ sốt. Chị cấp dưỡng nhìn ba bà cháu, cảm cảnh than:
- Đời thiệt bất công! Sinh chi con người khổ như vầy. Má nó tưởng gió thổi cũng bay, làm sao nuôi nổi chừng nấy con người?
Anh công nhân châm thuốc, lơ đãng:
- Nghe nói chị ta phụ hồ cho bên công trình một, chỗ ông Đăng.
Người công nhân nhìn qua căn nhà lều chìm dưới màn mưa, lắc đầu quầy quậy:
- Mình ở mấy tháng mà hổng biết trong nhà tới bốn người, thiệt là ...Cha! Hổng biết mấy cái cột tre với ba miếng tôn mục đó chịu nổi trận mưa rửa trời này không?
Rồi mưa cũng tạnh, Nhân về tới nhà, hốt hoảng gọi vang.
- Má ơi! Lượm ơi! Hậu ơi!
Chị cấp dưỡng chạy qua, nói:
- Ở bên này, chị ơi.
Nhân tất tả đi qua, nhẹ nhõm. Cảm ơn mọi người rối rít và dù không muốn, Nhân đành gởi tạm họ qua đêm, bởi vật dụng đều ướt sũng.
Đêm ấy, lót lòng bằng hai chén cơm đậu muối, Nhân thức trắng, gánh đất đổ nền cho cao hơn và dọn dẹp lại căn nhà, nhưng trông nhà không khá hơn tí nào sau cơn mưa.
Buổi sáng sớm, khi Nhân giăng đầy phơi mùng mền, áo quần xong, đám thợ xây dựng đến công trường, mấy cô cấp dưỡng đi chợ. Nhân bưng cháo qua, thấy mẹ đã thức, nhìn quanh ngơ ngác, bèn nói:
- Sao, má đau mà dấu con? May có mấy chị ở đây giúp đỡ. Nếu không, con biết làm sao?
Bà Hiền nín thinh, nói lảng:
- Hai đứa ngủ dữ. Gọi dậy thôi con.
Nhân tốc mềm, lay thằng Lượm và rụt tay hết hồn la:
- Thằng Lượm sốt dữ quá, má ơi.
Cả con Hậu, người cũng nóng như lửa. Nhân lật đật cõng mẹ về nhà, vét hết tiền cho vào túi, ghim lại, dặn mẹ:
- Cháo con nấu ăn luôn trưa, mẹ đói ăn đỡ, để con đưa hai đứa đi khám bệnh.
Nhân cõng thằng Lượm trên lưng, cột con Hậu trước bụng, lần dò đi ra lộ. Người chị đầm đìa mồ hôi, lê từng bước. Con đường bình thường giờ thành quá xa. Con Hậu lên cơn co giật, khiến Nhân sảng sốt, giữa đoạn đường đất vắng tanh, chị gào to:
- Cứu con tôi với. Cứu dùm với.
Tiếng la khiến người thanh niên đeo kính đen và đứa con trai đang lui cui khoá cổng ngẩng lên nhìn, chạy lại gần. Đứa con trai la:
- Anh em thằng Lượm, chú Thành ơi!
- Tụi nó sao? - Thành hỏi giật.
Nhân nức nở:
- Cứu ...cứu dùm con tôi.
Thằng Tiến đỡ con Hậu từ tay Nhân, nói nhanh:
- Tụi nó sốt dữ. Con Hậu co giật rồi.
- Lau nước mát cho nó - Thành ra lệnh.
Thằng Tiến nhúng khăn lau đại.
- Đem lau khô, thật khô, thay áo quần nhanh. - Thành nói.
Quần áo đâu mà thay? Thằng Tiến lấy khăn tắm của Thành đưa cho Nhân, chị quấn con Hậu kín bưng, mắt nhìn Thành đau đáu, trong khi thằng Tiến chạy ù ra nhà lấy đồ đứa em. Như thấy hết mọi việc, Thành nói:
- Giờ mình đứa cháu vô bệnh viện đi chị.
Nhân cõng thằng Lượm trở lại trên lưng, Thành đón bé Hậu, nói:
- Chị đi trước đi.
Thành đi sau Nhân, lắng nghe bước chân chị, đi theo không hề vấp. Qua tới nhà Tiến, nó ôm bộ đồ chạy theo, nói:
- Để cháu cõng bé Hậu cho. Má cháu gọi taxi rồi.
Mười phút sau, họ đến bệnh viện Trưng Vương. Thằng Lượm nằm cấp cứu để theo dõi. Con Hậu nhập viện ngay.
Nhân vét hết tiền trong túi chỉ đủ đóng viện phí ba ngày cho con Hậu. Thằng Tiến kề tai Thành thì thầm, anh nhìn chị từ tốn:
- Tôi có đem theo tiền. Chị cần cứ lấy tạm.
Đến giờ Nhân vẫn chưa tỉnh hồn. Chị rối rắm đến không hề tự hỏi vì sao Thành biết anh em Lượm. Chị như người máy, lấy tiền, đi mua thuốc, quanh quẩn mãi từ cấp cứu đến khoa nhi.
Quá trưa, hai đứa bớt sốt, tỉnh lại, kêu đói. Nhân sực nhớ, tặc lưỡi:
- Trời! Anh em bây làm má hết hồn. Cơm cháo gì cũng không nhớ.
Nói mới dứt câu, thằng Tiến lò dò xách cà mên vô, nháy mắt với thằng Lượm, nói:
- Chú Thành nói đem cháo cho hai đứa.
- Chú Thành! - Lượm bất ngờ.
Thằng Tiến liến láu kể chuyện xảy ra lúc sáng, rồi thao thao:
- Trời! Chú Thành hay bá chấy luôn. Cấp cứu rẹt rẹt, nếu không, con Hậu tiêu rồi.
Nhân đem cháo cho con Hậu, vừa đi, vừa nghĩ về Thành. Anh ta sao tốt quá vậy? Quen hai đứa con mình hồi nào? Vì sao cứ dấu cặp mắt sau cặp kính râm to thế?
Rồi Nhân cũng biết rõ, chị ái ngại lắm. Trời ơi! Người ta mù loà mà mình làm phiền quá thể.
Chị càng ngại hơn khi Thành ngồi mãi ở bệnh viện không về.
Trời tối dần, thằng Tiến đã về nhà. Nhân lo cho mẹ, cứ bồn chồn đi lại. Thành lắng nghe và nói:
- Có phải chị muốn về lo cho bác không? Nếu vậy, chị cứ đi, để hai đứa cho tôi.
Chẳng còn cách nào, Nhân lắp bắp cảm ơn Thành, tất tả đi. Thành gọi lại:
- Chị đừng sợ tốn kém, cứ đi honda ôm cho nhanh ...
Khi Nhân trở lại bệnh viện, đã thấy thằng Lượm nói chuyện với Thành như sáo. Thấy mẹ, Lượm khoe:
- Em đòi ăn thêm chén cháo, xong ngủ rồi. Bác sĩ nói, sốt cảm thôi, vài bữa sẽ khỏi.
Nhân thở phào, lén nhìn Thành, lòng tràn ngập sự mang ơn. Trái tim anh ấy không mù loà.
Chương 6
Đạt không đắn đo, hỏi độp Ánh, sau cả tháng trời tìm không thấy Thành.
- Mấy lần Ánh ghé chơi, có gặp ai trong nhà anh không?
Ánh không phải kẻ vô tâm, sự khác thường ở Đạt suốt mấy tuần qua, với Ánh là một bài toán chưa có đáp số. Nhưng cô thản nhiên nói:
- Không. Bộ nhà anh, ngoài anh và dì Út, còn có ai nữa sao?
- À! Không. Ánh này! Em có quen người bạn nào tên Thành không?
Cô lắc đầu:
- Em không nhớ. Nhưng bạn thân thì không có. Sao anh hỏi vậy?
Đạt nhìn mặt Ánh, biết cô nói thật. Anh buồn bã quay đi, quên cả chào Ánh.
Phòng làm việc buổi trưa vắng người, Ánh quyết hỏi cho ra lẽ. Cô kéo Đạt lại:
- Có chuyện gì, sao anh không nói với em?
Đạt lo đãng:
- Chuyện không liên quan đến Ánh đâu.
Ánh tự ái. Hai người yêu nhau, sao lại không liên quan? Hay quả thật cô chưa nắm chắc con tim Đạt?
- Anh nói vậy nghĩa là sao? Em chưa là gì trong anh ư?
Đạt sực tỉnh. Câu nói Ánh như muốn xác định chuyện hai người. Nhưng với anh, hiện tại chưa phải lúc. Anh thích Ánh đâu có nghĩa là tất cả.
- Anh đang có chuyện buồn trong nhà, Ánh thông cảm, một lúc nào đó, anh sẽ nói rõ ràng. Giờ anh phải đi. Xin lỗi Ánh.
Ánh bất lực nhìn theo. Cô hiểu anh khá rõ. Đối với công việc, Đạt nghiêm túc. Đối với đối thủ, Đạt không từ thủ đoạn để đạt kết quả. Đối với đồng sự, Đạt hoà đồng. Chỉ riêng với bản thân anh, giờ Ánh mới thấy, khi Đạt khép kín mình, không một ai có thể đến gần.
Lúc ấy, Đạt đã về lại công trình. Thật ra, anh muốn về nhà, một mình trong cõi riêng tư ấy, nhưng Đạt là mẫu người của công việc và trách nhiệm. Ngôi nhà họ đang thi công, cách chi nhánh công ty một quãng. Nhân cũng theo công trình, tiếp tục công việc phụ hồ.
Đạt dừng xe, cùng lúc Nhân tất tả chạy ra, má đỏ hồng trong nắng. Công trình còn vắng lặng bởi đang giờ nghỉ trưa. Thấy Nhân, Đạt hỏi:
- Sao chị đi làm sớm vậy?
- Lúc sáng, tôi rửa sạn chưa xong.
Nhân xắn tay áo, tới bên bể rửa, nhìn Đạt hỏi lại:
- Sao ông ghé sớm vậy? Công trình có vấn đề ư?
Chẳng hiểu sao, vẻ mặt khắc khổ, xanh xao của Nhân khiến Đạt có ấn tượng. Lạ kỳ nhất là đôi mắt, đôi mắt chị vẫn trong veo, trong một hình hài cằn cỗi.
Đạt đến ngồi tựa vào đống cốp pha chất cao, nhìn Nhân và nói:
- Không ai như chị cả. Làm hết việc không hết giờ. Tôi đến đây vì chẳng có chỗ nào để đi.
Nhân ngẩn ra, chẳng lẽ anh ta nghèo hơn mình, đến độ không có nhà? Không đâu. Anh ta có xe máy và dù trong bộ đồ bụi bặm công trình, con người ấy vẫn "toát ra" hơi tiền lẫn danh vị.
- Ông nói giỡn chứ gì?
Nhân lấy cái rỗ tre để lên đống sạn, lấy xẻng định xúc, Đạt chợt nói:
- Còn một giờ nữa mới chính thức làm việc, chị có thể nói chuyện với tôi một lát không?
Hình như anh ta không ổn? Nhân nghĩ và lẳng lặng đi lại gần anh, ngồi xuống và nói:
- Ông có chuyện buồn hả? Nếu vậy, nói ra sẽ dễ chịu hơn.
- Chị nói cứ như luôn gặp chuyện buồn và xử lý được cả.
- Tôi ngày nào mà không có chuyện buồn. Nghèo mà, nên bất cứ chuyện gì xảy ra, đều gây buồn. Nhưng tôi đã quen rồi. Mỗi khi buồn quá, tôi thường nghĩ đến má tôi, đến con tôi là như có thêm sức mạnh vượt qua tất cả.
Đạt nhếch môi cay đắng:
- Vậy sao? Nhưng má tôi, đáng cho tôi nghĩ về sao? Ba tôi đáng để tôi hy sinh sao? Tôi lại chưa có vợ con để có mục đích hiến dâng đời mình. Người tôi muốn trọn đời yêu thương, săn sóc, chia sẻ vui buồn là anh tôi. Nhưng anh ấy đã đi rồi.
Đạt thẫn thờ, mắt cay xè, đau đớn nói:
- Ảnh bỏ tôi đi rồi. Nghĩa là ảnh không thể nào tha thứ, ảnh không chút gì thương tôi.
Nhân bối rốt khi thấy mắt Đạt đẫm ướt. Anh gục đầu vào đôi bàn tay để trên đầu gối, dáng vẻ đầy tuyệt vọng, chán chường. Được em thương đến vậy, sao người anh bỏ đi? Chẳng lẽ ...có một lỗi lầm quá lớn?
- Ông đừng buồn nữa. Mọi sự ăn năn đều dẫn đến tha thứ, sẽ có một ngày, anh ông thấu hiểu, quay về.
Đạt miên man:
- Không đâu. Vì tôi, mẹ anh ấy chết, vì tôi anh thành kẻ mồ côi. Vì tôi, anh trọn đời tật nguyền. Ảnh có một người cha, là tôi cướp. Anh có một mái nhà, là tôi làm nát tan. Làm sao anh tôi có thể tha thứ được?
Nhân điếng hồn nhìn Đạt chầm chậm. Trời ơi! Có ghê gớm vậy không? Con người anh ta đâu có vẻ gì ...
Đạt ngẩng lên, vẻ kinh sợ trong mắt Nhân khiến Đạt sực tỉnh. Anh lắc mạnh đầu. Trời! Mình đã nói gì khiến chị ta nhìn mình như quái vật vậy? Đạt! Mày điên rồi.
Đạt bật dậy, bỏ đi, gắt gỏng:
- Không cần nhìn tôi kiểu đó, tôi cũng đủ muốn chết rồi. Nhưng không như chị nghĩ đâu.
Đạt lên xe phóng thẳng một mạch. Nhân nhìn theo lòng rối rắm: ghét, thương, giận, buồn lẫn lộn. Người đâu đến lạ. Còn mình, đâu hơn gì.
Hôm ấy, Nhân về kể cho mẹ nghe chuyện Đạt. Hôm ấy, Đạt cũng uống say mèm ở một quán bar và khi đến nhà, cứ ngồi suốt đêm trong ngôi vườn đầy ánh sáng.
oOo
Đêm cô tịch và vắng lặng, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió lay cây lá xào xạc. Tiếng thằn lằn chặc lưỡi canh khuya, lại khiến Thành thao thức với sự cô độc riêng mình.
Gương mặt người con gái trong quá khứ chợt hiện về dù Thành cố xua đi, cố chôn vùi suốt mười năm qua.
Ngày ấy, Ánh đẹp tinh khiết. Nét tinh khiết của cô nữ sinh mười hai làm vẻ rực rỡ của bó hoa trong tay cô trở thành thừa. Bó hoa ấy, Ánh tặng Thành vì lòng ái mộ tiếng đàn của anh. Giữa rừng người, giữa cờ hoa, Ánh trong mắt Thành nổi bật, in đậm vào con tim non trẻ tuổi mười tám. Năm ấy, Thành mới bước chân vào năm đầu nhạc viện.
Họ làm bạn nhau rất nhanh, yêu nhau ngay khi kết bạn. Thành nói yêu Ánh lúc cô không kiềm được, trong một lần anh biểu diễn về, đã ôm anh, hôn anh ngay giữa phố, bằng tất cả vẻ e ấp trinh nguyên.
- Anh yêu em.
Cô thẹn thùng lẫn vui sướng. Trai gái bén lửa yêu, như đôi sam khắng khít, bên ngoài cổng nhà Ánh.
Thành hôn Ánh, nụ hôn thiêng liêng đầu đời và hôn mãi vì Ánh không chịu rời anh.
Chuyện tình yêu mình, Thành chưa kể Đạt nghe, anh chỉ nói với mẹ về cô bạn gái và dự định đưa cô đến thăm thì biến cố đời anh xảy ra...
Họ đến bằng xe hơi bóng lộn, người tài xế chở Đạt đi học, cúi đầu trước họ cung kính nói:
- Dạ, cậu Đạt tới lui nhà này chứ không đi đâu cả, thưa ông bà chủ.
Người đàn bà lộng lẫy nhìn quanh rồi nhìn qua Thành, nhếch môi nói, đôi hàm răng trắng bóng khít rịt:
- Nó lấy vàng đưa cho chú em phải không?
Chẳng buồn đợi Thành trả lời, người đàn bà quay sang người đàn ông:
- Dù sao em cũng hú hồn, cứ tưởng nó rơi vô ổ xì ke, ma tuý.
Bà ngoe nguẩy, chỉ tay vào mũi Thành:
- Từ nay, chú em không được lân la với thằng Đạt, rõ chưa? Cũng may, vàng chưa vô tay chú em đấy. Nếu rồi, coi như rũ tù.
Thành chết lặng nhìn bà, rồi nhìn người đàn ông từng là cha mình. Ông ta sang trọng quá, bóng láng quá, gương mặt điển trai biến dạng ở lứa tuổi gần ngũ tuần, phì nộn, him híp, nung núc là thịt. Trong Thành không có cảm giác máu thịt, xúc cảm trơ trơ, chỉ dấy lên niềm khinh ghét đến gai người. Thành cung tay, gằn giọng:
- Mời ông bà đi cho. Còn con ông bà ...Xin lỗi. Nó muốn đến, tôi không cản được.
Ông Tiến Lợi nhìn chằm Thành, thằng con trai này có vẻ quen thuộc, mà ông không nhớ gặp ở đâu. Giọng ông không căng lắm.
- Thằng Đạt xin mấy cây, bác không cho vì không biết nó dùng vô việc gì. Nó dại lắm, bèn lấy cắp. Thì ra là vì cháu...
- Không phải - Thành cắt ngang - Tôi chưa khi nào cầm một đồng bạc của con trai ông. Với tôi, đồng tiền ...
Thành nín bặt. Bà Diệp đi chợ về, đang vô đến nơi, thấy người đông, ngỡ là khách sộp nào tới may đồ bèn xởi lởi:
- Chào ông. Chào bà. Xin lỗi, vì để ông bà phải ...
Bà nghẹn ngang. Ông Tiến Lợi và vợ xoay đối diện bà. Họ trợn mắt, há hốc.
Bà Hoa vụt gào lên, lăn xả tới, chụp bà Diệp, cấu xé, gào thét:
- Thì ra là mày. Thì ra chúng mày hùa nhau muốn cướp mất luôn con trai tao, cướp sản nghiệp tao.
Một thoáng bất ngờ, Thành nhào tới gỡ mẹ thoát khỏi tay người đàn bà, xô mạnh bà ra, hét:
- Đi! Các người ra khỏi nhà tôi mau. Đi đi!
Ông Tiến Lợi đứng sững, bối rối, ú ớ. Bà Hoa điên ruột, thét tài xế:
- Đánh mẹ con, con giật chồng này cho tao. Bằng không, mày mất việc. Lai! Mày nghe tao nói không?
Lai ngần ngừ "Lệnh ông không bằng cồng bà". Hắn tặc lưỡi bước tới, xô Thành chúi nhủi, dang tay tát mạnh vào bà Diệp đang nức nở khóc, hai tát tay mạnh nói:
- Cảnh cáo chị, từ nay liệu hồn xéo đi.
- Mầy ... - Ông Lợi quát, vụt khựng lại khi thấy đôi mắt đỏ ngầu, long sòng sọc của vợ.
Bà Diệp choáng váng ôm cột nhà, nỗi nhục, nỗi hận, khiến bà ngửa mặt gào lên, gào to, gào mãi những tiếng gào ghê rợn như không thể phát từ cửa miệng con người. Thành ôm mẹ, tâm trạng chẳng kém gì mẹ, anh điên dại, thấy mẹ bị làm nhục, đánh đập, còn anh bất lực đến không bảo vệ được.
Thành vội chụp cây kéo cắt vải nhào tới Lai. Ông Lợi sực tỉnh, ôm Thành lại.
- Đừng con.
Thành vùng vẫy. Bà Hoa lừ đừ đi lại gần bà Diệp. Ông Lợi quýnh, buông Thành ôm lấy vợ kéo đi ra, nói liên hồi, tay ném cây kéo ra xa.
- Anh thề với em, không hề biết bả ở đây. Chừng ấy đủ rồi, làm lớn chuyện sẽ tổn thương danh dự mình, không chừng dính đến công an thì phiền phức.
Kẻ xô, người đẩy, giằng co. Vừa lúc Đạt chạy xe máy vô nhà, Đạt bối rối nhìn quanh, định hỏi thì Lai thì thầm nói vội:
- Bà đó là vợ lớn của ba cậu. Cậu mà không khéo, họ gặp tai họa đó.
Đạt ngây người, xuống xe. Thành đúng là anh Hai của Đạt ư? Đạt đi vào như mơ. Bà Hoa thấy con, vụt gào khóc. Đạt ôm mẹ, nhìn cha:
- Má Diệp là má lớn của con thật hả ba? Vậy anh Thành đúng là anh Hai con rồi. Trời ơi! Con có anh thật sao?
Đạt không biết câu nói ấy, chính là bản án tử hình Đạt vô tình treo trên đầu bà Diệp. Lòng ghen tuông ích kỷ, thói hợm mình, ỷ tiến, ỷ quyền đã khiến mẹ Đạt thành kẻ sát nhân ...
Chương 7
Đứng trước cái lều kỳ quặc mà bọn trẻ bên ngoài chỉ, nói là nhà anh em thằng Lượm, Tiến thộn mặt, nhìn lơ láo, lẩm bẩm:
- Nhà thiệt sao?
Thành đứng bên thằng Tiến, tay đặt trên vai nó, nghe được câu lẩm bẩm, liền hỏi:
- Cái gì mà thiệt không? Sao chưa đi vô?
- Hổng phải nhà dì Nhân đâu chú. Đây là cái chòi, ngó thảm lắm.
Thành nhíu mày, nghe giọng nói thằng Tiến, Thành đoán được nó nghĩ gì.
- Cháu gọi thử xem.
- Lượm ơi!
Tiến gọi rồi nhìn lom khom qua cái lỗ hổng giống cái cửa.
Thằng Lượm chui ra, dụi mắt, theo sau là bé Hậu, mặt còn ngái ngủ.
- Chú Thành - Lượm reo lên.
- Còn tao chi mày? - Tiến lại gần, mắt đảo quanh căn nhà thằng bạn - Nhà mày đây hả Lượm?
Thằng Lượm cóc biết thế nào là nỗi buồn thân phận, nó vô tư trong cái nghèo của mình, "khoe" liền:
- Ừ. Nhà chính tay má tao "xây" à mày. Chỉ một buổi chiều đến nửa đêm là xong tuốt.
Con Hậu sau khi chào Thành, nép vào anh im lặng. Lượm hơi lúng túng một chút rồi nói:
- Mình về nhà chú Thành chơi hén.
- Sao cháu không mời chú vô thăm bà? - Thành hỏi.
- Ngoại không thích gặp ai. - Bé Hậu thỏ thẻ.
- Tại sao?
Thằng Lượm ấp úng. Thành và thằng Tiến đã tới sát cửa. Thằng Lượm chợt nói to:
- Ngoại ơi! Chú Thành muốn thăm ngoại.
- Mời vô đi.
Thằng Tiến bước vô trước, mắt đảo quanh, trong lòng ái ngại quá đỗi và khi nó nhìn vào người đàn bà ngồi ở chiếc chiếu trải sát góc nhà thì buộc miệng "ối chà!" một tiếng, khiến Thành nhăn tít mày.
Thành cảm nhận được cái nghèo khổ, sự thiếu thốn quanh khoảng không gian này. Nhưng làm sao hiểu được tất cả khi đôi mắt mù loà. Anh gắt nhỏ:
- Cháu sao vậy Tiến? Sao ...
- Dạ ...không ...có gì. A ...a...con chào bà ngoại. Con là Tiến. Còn đây là chú Thành, bạn anh em thằng Lượm.
Bà Hiền ngập ngừng nói:
- Xin lỗi cậu. Nhà không có ghế, cậu ngồi trên chiếu đỡ.
Thằng Tiến dắt Thành tới ngồi bên bà Hiền, cố không nhìn đôi chân cụt của bà. Nhưng không nhịn được, thỉnh thoảng liếc nhanh rồi quay đi.
Nhà chỉ có ly nhựa, con Hậu pha nước vô hai cái ly, bưng tới, rụt rè chìa qua Thành và Tiến. Đợi cả hai đặt ly xuống, bà Hiền thong thả nói:
- Chắc con Nhân chưa có dịp kể hoàn cảnh gia đình cho cậu nghe và càng không nói có bà mẹ cụt hai chân.
Mặt Thành bình thản, anh gỡ kính đeo mắt, nhìn qua bà Hiền, nói:
- Những nỗi khổ cực và mất mát cháu từng trải qua, và không chừng còn tiếp tục nếm trải. Bác dù sao vẫn còn sống đó, để mỗi khi chị Nhân cần chỗ nương tựa, là có bác một bên. Còn hơn như cháu, suốt đời khổ hận, có cha mà không thể nhìn, thấy mẹ chết cháu mà không cứu được, có thù mà không thể báo, tương lai bị huỷ diệt, đôi mắt mất đi ánh sáng. Còn đau khổ nào hơn? Bác à! Chỉ nghèo thôi, chưa phải là cái buồn, tàn tật chưa hẳn là phế nhân. Cháu nghĩ vậy, nên đứng lên được rồi.
- Mẹ con thằng Lượm nói về cậu không sai tý nào. Con Nhân tính cố chấp lắm, vậy mà từng khoe, làm bạn với cậu là phần phước trời ban.
Thành thoáng cười. Anh em thằng Lượm và Tiến lủi ra ngoài, xách theo con diều mua được bằng tiền bán lon. Bên trong, hai người già, trẻ, làm quen nhau qua cuộc chuyện chân tình, nhưng không đề cập đến quá khứ.
- Nghe con Nhân kể, cậu mới dọn tới ở lộ trước và ở có một mình, vậy làm ăn, sinh hoạt, có khó khăn không?
- Dạ, con ăn cơm tháng mẹ cu Tiến nấu. Còn việc làm, vài ba hôm nữa, con đi kiếm.
- Cậu làm nghề gì?
Thành im lặng một lúc.
- Cháu chơi đàn ở một thính phòng nhưng nghỉ thời gian lâu quá, nên có người thế chân rồi.
- Thính phòng có giống như vũ trường không? Nếu giống con Nhân xin việc cho cậu được. Hồi xưa, nó làm ở vũ trường.
Thành có vẻ bất ngờ, nhưng bà Hiền không nhìn thấy. Hồi xưa làm ở vũ trường? Chị ta từng làm vũ nữ ư? Từ bao giờ? Mười năm hay lâu hơn? Phải rồi. Thằng Lượm đã mười tuổi, chị ta chắc ngoài ba mươi, nhưng sao nghe giọng nói, mình ngỡ trẻ hơn tuổi nhiều.
- Dạ thính phòng khác vũ trường bác ạ. Người luôn sống trong bóng tối như cháu, khó có thể sinh hoạt bình thường.
- Tôi cũng vậy. Thân như vầy không muốn ra ngoài, hồi mới tới, chợ vắng, người thưa, tôi còn đi chợ, mới đó mà xây nhà chật đất rồi. Giờ con Nhân đi làm về là đi chợ luôn - Bà chép miệng. - Thêm nỗi, tôi đau hoài. Tội nghiệp con Nhân, vì tôi với hai đứa nhỏ mà hy sinh cả đời son trẻ.
Thằng Lượm chạy vô thở hổn hển nói:
- Chú Thành ơi! Chơi thả diều đi. Thằng Tiến cá với tụi ngoài kia "người lớn" ...cũng chơi thả diều.
Nghe Lượm ngập ngừng hai chữ "người lớn", Thành thoáng cười, nói:
- Chú nghĩ là nó cá như vầy "Chú tao mù mà biết thả diều cao nhất". Đúng không?
- Dạ ...dạ ..là thằng ..a ...là ...con nói.
- Cá cược thứ gì?
- Cược, nếu chú thả diều cao nhất tất cả tụi nó đi lượm lon nguyên ngày lấy tiền mua tập, bút cho con.
- Ra là vậy. Được. Chú cháu mình đi.
Thành đeo kính, đứng lên chào bà Hiền, sực nhớ, hỏi Lượm:
- Để ngoại ở nhà một mình sao?
Lượm ngần ngừ, ngoại nó thường ở nhà một mình có sao? Tụi nó lâu nay vẫn "đi làm" kiếm tiền mà.
Bà Hiền nhìn thằng Lượm:
- Có con diều nào để ngoại thả không?
Thằng Lượm tròn xoe mắt, ấp úng:
- Dạ ...có. Ngoại cũng biết ...thả diều sao?
- Cha mày! Thả diều ai không biết. Nào, lấy mo đi.
Thằng Lượm nhanh nhẹn lấy mo và đòn gỗ cho bà ngoại. Bà Hiền nhanh nhẹn tròng vô người, nói:
- Nào, cho con thấy ngoại thả diều hay cỡ nào.
Thằng Lượm lơn tơn đi trước. Thành đi với bà Hiền. Bà "đi" bằng hai tay bám đòn ngồi, nhưng bà đi khá nhanh. Bà vừa "đi" vừa tâm sự như trải lòng cho Thành nghe.
- Người lớn nào cũng có tuổi thơ hết. Hôm nay gặp được cậu, bỗng dưng sao nghe trong lòng vui vẻ quá. Tôi quyết định từ nay không trốn tránh người đời nữa, sống vui vẻ được ngày nào hay ngày đó.
Thành cảm động, nhưng không hé môi. Cả ba ra tới bãi cỏ, đám trẻ nhìn đến há hốc. Trời thần! Thằng Tiến nói thiệt. Chẳng những ông chú nó mù đi thả diều, còn thêm một bà già cụt hai chân. Đúng là hết biết.
Bọn trẻ vây thành vòng tròn. Khi Thành và bà Hiền nắm con diều và hò reo dậy trời khi cả hai cánh diều căng gió bay cao dần. Suốt chiều hôm đó, bà Hiền ngồi giữa đám trẻ với Thành, cùng thả diều, cùng vui đùa đến quên thời gian.
Nhân đi làm về, ngang qua nhìn thấy, ngây người sững ra. Chuyện gì xảy ra vậy? Cô lần tới gần, nhìn mẹ mặt ửng hồng, tóc bết mồ hôi:
- Ngoại không biết hát vọng cổ, hay ngâm thơ bù được không? Nếu không, ngoại nghỉ chơi.
- Được, được. - Bọn trẻ ré dậy trời.
Bà Hiền nhắm mắt hò:
- Hò ơ ...đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu ...
- Má!
Nhân tới sat bên mẹ, mừng muốn khóc. Bao năm rồi, mẹ không vui như vậy. Nhân nắm tay mẹ, nhìn Thành, hỏi:
- Sao ra hết đây vậy? Ông đến lâu chưa? Mẹ tôi bắt ông ra đây à?
- Là tôi đưa bác ra. Bác thả diều cao hơn cả tôi, nhưng hỏi đố thì bác thua tôi.
Nhân xúc động, ứa nước mắt, nói nhỏ:
- Vậy từ nay, mỗi chiều, con đưa má đi chơi. Mình ăn tối một chút không sao đâu hả má. Má thích con diều màu gì?
- Màu gì cũng được, miễn là vui như bữa nay.
Bà Hiền nắm tay Thành, nói:
- Nếu cậu Thành không kiếm được việc làm, con tìm giúp nghen.
- Việc làm? - Nhân bối rối - Ông ấy làm sao đi làm như con được? - Cô nói thật nhỏ.
- Sao con gọi cậu Thành bằng ông? Nó lớn hơn con giỏi lắm năm, bảy tuổi, lẽ nào chức ông to vậy? Gọi nhau xưng anh em được rồi. Còn việc làm, con cứ hỏi cậu Thành, cậu ấy nói đàn ở thính phòng gì đó.
Thành nghe bà Hiền nói hơi nghi hoặc trong lòng. Chẳng lẽ anh già lắm sao để bà biểu Nhân gọi bằng anh? Chẳng lẽ năm tháng vô tình tàn phá thể xác anh nhanh hơn tâm hồn?
Thành chợt thấy buồn rũ, chán chường, anh muốn quay về với sự cô độc riêng mình.
Không chào từ giã, Thành bước đi trước ánh mắt ngỡ ngàng của mẹ con bà Hiền. Thằng Tiến chạy theo, gọi vang:
- Chú Thành! Đợi cháu với. Đi đường này nè.Chương 8
Nhìn mặt Đạt ửng đỏ, mắt lờ đờ, Nhân ngần ngại muốn đến, rồi quay đi thở dài. Anh ta buồn gì mà độ rày say mãi.
Nhân về lại chỗ xe cát, chị xúc cát đổ vào xe rùa, kéo vô trong. Lúc trở ra, đã thấy Đạt đứng hút thuốc, tựa vào gốc cây.
- Chị muốn gặp tôi hả?
- Sao ông biết?
- Con mắt chị biết nói đấy.
Anh ta không say, hay người say biết cảm nhận?
Ngần ngừ, nhưng rồi Nhân cũng nói:
- Tôi muốn mượn nửa tháng lương, trừ tuần hai ngày tiền, nhưng bên tiền lương nói phải có người bảo lãnh.
Đạt nhún vai, sờ túi quần:
- Vậy việc quái gì chị mượn cho phiền phức. Chị cần bao nhiêu?
Nhân nhìn Đạt, tia nhìn khó hiểu:
- Tôi chỉ muốn mượn tiền công trình.
- Mượn tôi có khác gì. Mỗi tuần cứ trả tôi hai ngày lương.
Nhân khó xử, không biết nói sao. Vấn đề là chị không muốn mang ơn. Nhưng nếu Đạt bằng lòng bảo lãnh, coi như chị đã mang ơn rồi còn gì.
Nhân quay đi, cắm cúi xúc cát. Đạt nhìn Nhân vẻ nghĩ ngợi. Có lúc Nhân thật trẻ, như cô gái đôi mươi vậy, với đôi gò má căng lên ửng hồng trong nắng, với đôi mắt như biết nói cười. Những lúc ấy, vẻ gầy gò, khắc khổ trong Nhân biến mất, Đạt thấy chị thật mảnh mai, quyến rũ thanh tân.
- Nhà chị có việc à?
Nhân thở ra, đành nói thôi:
- Hôm rồi, tôi đi thăm nuôi, ở nhà mưa quá, má tôi với hai đứa nhỏ bệnh hết. Người hàng xóm có cho mượn một số tiền, có điều, tôi biết ông ta cũng không có tiền.
- Giờ khoẻ hết chưa?
- Rồi, nên tôi ...
- Tôi hiểu. Tôi thật lòng muốn giúp chị. Chị đừng ngại. Thật ra, số tiền chị mượn, với tôi chỉ một bữa nhậu, có lớn lao gì.
- Tôi sẽ trả anh một tuần bốn chục ngàn, được không?
- Được mà. Tới giờ nghỉ việc, tôi đưa cho.
Đạt lững thững quay đi, chợt nghe buồn buồn vô cớ. Thì ra, chồng chị ta ở tù, và tuần nào chị ta cũng đi thăm nuôi. Tại sao một người đàn bà như thế, phải khổ bởi duyên phận chẳng ra gì. Gã chồng chị ta là kẻ khốn kiếp có phước phần.
Đạt nghĩ đến mẹ mình, nhếch môi cười cay đắng. Đều là đàn bà, sao "ngươi ta" cực khổ vậy mà bản chất vẫn cao đẹp. Còn mẹ đâu thiếu thứ gì, vẫn làm chuyện tàn nhẫn đế di hận trong anh suốt đời.
Cứ nghĩ đến là Đạt muốn điên lên. Anh muốn đập phá, muốn say để quên, nhưng không lúc nào đôi mắt màu mây trắng đục lờ của Thành thôi ám ảnh anh trong màn lửa đỏ rực trời và một xác thân mảnh mai cháy bỏng rộp thịt da. Má Mai ơi! Anh Hai con bỏ con rồi. Con đã không tròn lời hứa với má trước khi má vĩnh biệt cõi đời ô trọc này. Con thật là có lỗi. Nhưng má hãy yên tâm. Dù bao tháng năm, con vẫn tìm, rồi sẽ có một ngày, anh con hiểu lòng con. Anh em con lại có nhau trong đời.
Đạt xách xe chạy quanh các công trình, rồi quay trở về chỗ nhà Nhân làm. Anh ngồi hút thuốc ở khu nhà kho chứa dụng cụ cho tới khi tan tầm. Nhân rửa sơ chân tay, cởi áo lao động móc vào kho. Đạt đứng lên, đi ra chỗ để xe, nói, mắt nhìn sững Nhân:
- Tôi đưa chị về.
Nhân lắc đầu lia lịa:
- Cám ơn ông. Tôi còn phải đi chợ.
- Đi chợ nào? Tôi đưa đi.
Anh cười cười, nửa đùa, nửa thật:
- Rủi chị trốn nợ, tôi biết đường đâu tìm.
Mặt Nhân sa sầm, giọng nặng nề:
- Vậy tôi không dám làm phiền - Chị quay lưng - Vì cái nhà tôi có dỡ hết ra, bán trả, cũng không bằng một phần số tiền ông cho mượn.
Thấy Nhân giận, Đạt sửng sốt, chặn Nhân lại:
- Tôi giỡn thôi mà chị giận thật à? Là tôi nghe mẹ và con chị bệnh, nên muốn ghé thăm thôi. Dù gì cũng chỗ bạn bè mà.
Nhân cúi mặt bối rối khi gặp mắt Đạt. Mắt anh nhìn lạ lắm, khiến Nhân rợn người, nổi gai ốc. Ánh mắt không như lão gì mới ghé đây lúc sáng, đầy dục vọng, nhưng giống ở vẻ ...Trời ơi! Nhân không dám nghĩ tiếp và càng không hiểu tại sao đã biết nhau hai tháng, lần đầu tiên Đạt nhìn chị bằng ánh mắt này.
Nhân làm sao biết, khi chị cởi bỏ chiếc áo lao động, tắm rửa sạch sẽ, chải tóc gọn gàng trong tà áo bà ba ôm sát người, dáng vẻ chị cuốn hút hồn người, mà đây là lần đầu tiên Đạt nhìn thấy.
Thấy Nhân làm thinh, Đạt chịu thua. Anh lấy tiền ra, dúi vào tay Nhân, nói:
- Cô không thích lời nói đùa, thì từ nay, tôi không nói đùa, đừng giận nữa.
Nhân nửa muốn nhận, nửa muốn trả. Còn đang ngần ngừ, vừa lúc Ánh tới. Nhìn Đạt chỉ một mình với cô gái lạ giữa khu nhà xây dở vắng tanh, Ánh khó chịu lạ kỳ. Mấy hôm nay, Ánh tìm Đạt khờ người, anh cứ như ma, biến mất tăm, từ nhà đến cơ quan, lẫn ở các công trình. Hôm nay, Ánh gặp, lại bì kỳ đà cản mũi. Tức không.
Mặt Ánh cố cười vẫn không dấu được vẻ ác cảm với Nhân. Cô nói nhỏ nhẹ:
- Có chuyện gì mà dùng dằng chưa chịu về hả anh?
Nhân dấu số tiền ra sau lưng theo phản ứng tự nhiên. Ánh thấy càng khó chịu. Đạt vô tư:
- Không có gì. Tìm anh có việc à?
Nhân lật đật cắp nón chào hai người, đi một nước.
Đạt nhìn theo, Ánh gắt:
- Anh sao vậy? Thích chị ta à?
Đạt chợt khó chịu, bởi cảm giác như đang bị lột trần. Anh lầm lì lên xe, nói:
- Nếu không có gì, anh về đây.
Ánh dậm chân:
- Anh hẹn cùng em về ăn cơm tối với ba má em mà.
Đạt không nhớ, vẫn gật đầu đại:
- Anh nhớ, nhưng giờ có việc đột xuất, Ánh thay anh xin lỗi bác dùm. Hẹn dịp khác.
Ánh rướm nước mắt, chút tự ái và khôn ngoan khiến cô ghìm được lời năn nỉ, hạ mình. Cô quay xe ra, phóng xe đi, không nhìn Đạt. Anh ngần ngừ rồi nhún vai, phóng về hướng ngược lại. Đạt muốn đi thăm mộ mẹ Thành. Anh hy vọng sẽ có một lần gặp được Thành ở đó.
oOo
Chiếc xe hơi quen thuộc đậu ngoài cổng nghĩa trang, khiến Đạt muốn quay về, nhưng anh vẫn chạy xe tận vào trong và thấy ông Lợi đang ngồi trầm ngâm trước mộ bà Mai.
Anh tắt máy xe, lẳng lặng đến ngồi bên cha, lơ đãng châm thuốc hút. Ông Lợi chợt nói:
- Ba nghĩ nó sẽ tới đây?
- Ba dám đối diện với ảnh sao?
Ông Lợi làm thinh, thở dài. Đạt chua chát:
- Có thật đồng tiền mua được mọi thâm tình, che lấp được tội ác không ba?
- Đạt! Mẹ con không chủ tâm. Con đừng tự hành hạ mình nữa.
- Tại sao có con trong đó? Chuyện cắn rứt lương tâm tới phần con sao?
Ông Lợi khẽ lắc đầu:
- Đừng dấu ba. Con là đứa con chí hiếu, lẽ nào quên câu "Sinh dưỡng đạo đồng"? Con càng thương thì càng hận khi ba má lỗi lầm và tự trách mình là nguyên nhân gây nên tội lỗi. Đạt à! Thật ra, trách nhiệm với lương tâm là ba má phải mang, con không nên dằn vặt mình, làm khổ mình.
Đạt cười chua chát:
- Chúng ta đều tội lỗi như nhau và sẽ kẻ trước người sau vào địa ngục thôi. Ba nói thật đi. Nếu hồi đó không vì má báo tin có tôi, ba có đành lòng bỏ mẹ con ảnh không?
Ông Lợi không thể trả lời, nếu nói thật. Sự ra đời của Đạt chỉ là cái cớ, bởi ông trăm mưu ngàn kế, chiếm cho được bà Hoa, mẹ Đạt chỉ vì cái gia tài khổng lồ bà thừa hưởng, thì chắc rằng ông sẽ bị đứa con còn lại khinh rẻ suốt đời. Còn nói rằng bà Hoa có Đạt mà ông cắn răng bỏ mẹ con Thành, thì Đạt sẽ dằn vặt cả đời.
Ôi! Giờ ông mới hiểu thế nào là quả báo nhãn tiền. Ai bảo có tiền là có tất cả chớ? Ông giờ sống trong giàu sang danh vọng, vẫn không lúc nào thanh thản với những đêm ác mộng triền miên.
Đạt nhìn cha, nửa xót thương, nửa oán hận. Thật ra, từ khi bà Hoa, mẹ Đạt còn sống, Đạt đã hiểu ba má mình là một cặp xứng đôi. Ông Lợi tham lam, quỷ quyệt, chốn thương trường không gặp đối thủ, để giàu thêm giàu. Ông không từ thủ đoạn nào để kiếm tiền. Mẹ Đạt lại là kẻ giàu từ trong trứng nước, con của một nhà doanh nghiệp lừng lẫy miền Nam hồi chưa giải phóng, tài sản nằm ở ngân hàng nước ngoài. Mẹ Đạt sống vị kỷ không bao giờ chịu thua sút ai. Bà mê mệt ba anh, lúc ấy làm người giao dịch của ông ngoại anh và hai con người ấy không từ thủ đoạn nào để đến với nhau chính thức.
Đạt đứng lên, nhìn vào tấm hình bà Mai cẩn trên bia mộ. Bà như đang trách móc anh, qua ánh mắt buồn vời vợi, thời con gái xa xưa. "Xin lỗi má".
Đạt lầm lũi bước đi. Ông Lợi gọi giật:
- Con không về nhà sao?
- Không.
Đạt đáp cộc lốc, tiếp tục đi.
- Mai đám giỗ má con đó.
- Biết rồi.
- Đạt!
- Ba về đi. Ảnh không đến đâu.
Đạt lên xe biến mất. Ông Lợi nhìn theo, buồn rũ. Nó lại đi lang thang rồi tìm đến một bar rượu nào đó.
Ông nhìn bà Mai qua khói hương lãng đãng. Em thương thằng Đạt phải không em? Anh biết và anh cầu xin em tha thứ cho anh với bả đi. Phù hộ cho anh em nó có nhau trong quãng đời còn lại.
Chương 9
Thành tiêu tiền đúng mực và giờ càng phải tiết kiệm bởi số tiền đã cạn dần mà anh chưa có việc làm.
Sáng nay, Thành dậy sớm, anh tập thế dục, tưới cây xong, ngồi luôn bên thềm, nghiêng đầu, lắng tai nghe tiếng bầy chim sẻ hót ríu rít trên cây sầu đông bên đường.
Nhân đi làm sớm, chị định ghé chợ mua rau trái miệt quê lên cho rẻ, đến trưa chỉ cần thêm chút cá. Chị thấy Thành ở trần, choàng khăn trên vai, mặc quần thể thao dài, ngồi ở thềm nhà, vẻ như chăm chú lắng nghe điều gì. Nét mặt anh lúc này thanh thản, bình yên, chợt đẹp đến lạ kỳ trong hồn Nhân. Chị đứng sững, nhìn anh không còn thấy người qua lại, không nghe cả tiếng chim hót, chỉ nhìn, nhìn mãi.
Thành không tập trung nghe tiếng chim hót được nữa, bởi anh có cảm giác bị ai nhìn lén. Cái cảm giác của người mù vô cùng tinh nhạy.
Đột nhiên, anh nghĩ đến một người, cái người mà lâu nay, cứ mỗi lần anh nghĩ đến y như là có chị hiện diện.
- Chị Nhân!
- Hả? - Nhân giật nẩy mình, buột miệng.
- Sao chị lại không vô nhà?
Nhân lúng túng đẩy cái cổng gỗ bước vô:
- À! Tôi đi ...làm.
- Đi làm? Đâu sớm vậy - Thành ngạc nhiên, mò tay vào túi quần, kéo cái đồng hồ, bật nắp sờ vào kim, rồi nói:
- Mới sáu giờ mà.
Nhân lảng chuyện:
- Anh có cái đồng hồ đẹp thiệt.
Thành chợt nhớ Đạt. Anh gượng cười:
- Loại quả quýt này dành cho người mù sử dụng. Em tôi gởi mua tận Thuỵ Sĩ, tặng tôi hôm sinh nhật.
Nhân ngơ ngác:
- Anh có em trai ư? Sao không thấy tới thăm anh?
Thành làm thinh, tay mân mê cái đồng hồ. Anh lần sợi xích nhỏ móc ở đồng hồ đến đai quần, cởi ra, đưa cho Nhân, nói nhỏ:
- Chị nhìn xem phải nó đẹp lắm không? Tôi biết nó rất đắt, nhưng chẳng nghĩa lý gì với tình thương em tôi dành cho tôi. Nó có thể cho tôi gấp vạn lần thế nữa, cho cả sinh mạng và tình yêu, chỉ để được có tôi, để tôi tha thứ, một sự tha thứ thật sự.
Thành im lặng khá lâu:
- Tôi không tha thứ được, vì không thể quên.
Nhân cầm đồng hồ, nhìn sững Thành. Thì ra anh đâu chỉ là một thanh niên mù bình thường như chị nghĩ. Cuộc đời anh cũng như chị, có quá khứ buồn đau chôn dấu.
- Chị đang nhìn tôi với điều không ngờ trong đầu ư?
- Sao anh biết? - Nhân thảng thốt.
Thành mỉm cười, nụ cười thật đẹp, làm rạng rỡ gương mặt thiếu sinh khí do cặp mắt vô hồn. Nhân lại nhìn sững anh, trong khi anh nghĩ thầm: Cô ta đôi lúc rất ngây thơ và trẻ trung, tại sao lại là người mẹ hai đứa con được?
- Đúng không?
- Vâng. Tôi cứ tưởng anh bình thường.
- Tôi mù sao bình thường được.
- Không - Nhân bối rối vặn vẹo đôi bàn tay, ấp úng - Mù có sao đâu, anh mù mà tốt đẹp chán vạn người sáng. Là tôi nói cuộc đời anh nhiều bí ẩn.
Thành cảm động, vờ cười cười:
- Có nhiều bí ẩn bằng chị không?
Nhân kêu lên:
- Tôi có gì bí ẩn?
- Sao không. Ta làm bạn nhau ba tháng rồi, tôi không biết chị và gia đình, từ nơi nào tới, chị bao nhiêu tuổi, chồng chị ở đâu ...
- Anh nói bậy. Tôi làm gì có chồng. - Nhân kêu lên.
Thành ngẩn ra một lúc. Nhân cũng ngẩn ra, rồi thốt nhiên cười giòn giã. Tiếng cười Nhân rót vào tai Thành như tiếng chuông gió, Thành thường nghe lúc bình minh. Tim anh đập mạnh rộn rã, không hiểu vì lẽ gì.
Một lúc, Nhân ngưng cười, chị lấy ống tay áo lau nước mắt, đứng lên, chìa cái đồng hồ vào tay Thành:
- Thôi, tôi đi làm đây. Lúc nào rảnh, anh biểu thằng Lượm kể cho nghe.
Nhân dợm đi, Thành vụt nắm tay Nhân lại:
- Cô muốn đi, phải trả lời tôi hai câu hỏi.
Mặt Nhân nóng ran khi bàn tay bị Thành nắm chặt, nhưng Nhân không muốn lấy bàn tay về.
- Anh hỏi đi.
- Vậy Lượm và bé Hậu là gì của cô?
- Hậu là con của chị tôi, còn Lượm là tôi lượm về nuôi. Người ta vứt nó trước công viên, hồi nó bốn, năm tuổi.
Môi Thành khô đi, anh đứng lên, vẫn nắm tay Nhân:
- Vậy năm nay cô bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi hai. Anh ...anh thả tay tôi ra.
Thành buông vội tay Nhân, lần này là anh cười giòn:
- Cô thật là không biết xấu hổ.
- Tại sao? - Nhân tái mặt.
- Làm mẹ năm mười hai tuổi, thật là ...
Anh lại cười, đột nhiên rất dịu dàng:
- Tôi đưa cô đi một đoạn nhé?
- Không cần đâu.
Cô vụt chạy đi, nói vọng lại trong tiếng cười:
- Tôi cứ thích anh gọi tôi bằng chị cơ.
Thành lắng nghe tiếng chân Nhân xa dần, từ từ ngồi xuống bên thềm. Đầu anh giờ rối tung lên, lộn xộn giữa niềm vui anh chưa dám lý giải với bao điều lo lắng. Anh sắp cạn tiền mà chưa có việc làm.
Thành nhắm mắt, hình ảnh người mẹ hiện về trong anh. Má ơi! Má có thấy người bạn của con không? Một người con gái, cũng là người bạn đầu tiên từ khi con mất đi ánh sáng. Cô ấy "đẹp" lắm má. Hệt như má ở tính can trường, nhân hậu, rất có nhân cách, biết tự trọng và không hề xem con là kẻ tật nguyền.
Má ơi! Má phù hộ con nghe má. Giúp con tìm được việc làm. Con muốn bắt đầu lại, bằng chính bản thân mình. Chẳng hiểu sao, sáng hôm nay, con thấy mình trào dâng sức sống, tưởng có thể lấp biển vá trời đó má. Có phải chăng đó là điều má từng nói ngày nào: "Và rồi, ta vẫn tồn tại, như được tái sinh, bắt đầu một cuộc đời mới, vẫn với bao ước mơ và niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời, vào con người."
Chương 10
Hắn mệt lử, lăn ra, thở như trâu, người nhợt mồ hôi. Người đàn bà nằm im, một lúc uể oải choàng áo đứng lên rời giường vào toilette. Khi trở ra, hắn đã há hốc mồm, ngáy như sấm, nước dãi chảy ra mép.
Người đàn bà nhìn hắn vẻ chán ngán, ghê tởm. Cho đến bây giờ, đã ăn sung mặc sướng, có được tất cả, ả lại thấy mình quá ngu ngốc.
Thiếu gì đàn ông đẹp trai phong nhã trên đời, chẳng hiểu sao ả lại đâm đầu vào "thằng cục súc" này, làm vợ hắn chính thức hẳn hoi mới chết chứ.
Đã vậy, hắn có biết trân trọng hương sắc vợ mình đâu. Vẫn thói đàng điếm gió trăng không bỏ. Đụng đâu "quơ" nấy. Chẳng biết với mấy "con điếm" qua đêm ấy, hắn có "làm ăn" được không, chớ với vợ nhà ...Trời ơi! Cứ ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước. Thật là uổng cho một đời hồng nhan.
Càng nghĩ, ả càng cay đắng. Đời người có bao nhiêu xuân sắc? Mà ả ngậm đắng nuốt cay hơn mười năm để rồi ngồi trên đống tiền, thấy đàn ông con trai người ta đi nheo nhẻo ngoài đường ...mà thèm.
Tiền. Tiền có mua được cho ả đêm xuân từng ao ước? Ả mở cửa phòng, buồn bã lê chân ra phòng khách, đến chỗ quầy rượu, uể oải dùng remote bật chùm đèn trên trần.
Ánh sáng mờ ảo đủ soi rõ bóng ả trong tủ kính đựng đầy rượu. Những chai rượu mà người ta chỉ tính bằng đô. Những loại chai đủ kiểu, những loại rượu đủ màu trong mắt ả qua chiếc ly pha lê trở nên lộng lẫy hơn. Ả chọn chai whisky ngay trước mắt, rót vào ly, cụng với chính ả trong gương mặt thật xinh đẹp, khêu gợi với nỗi buồn ..xác thịt. Ả uống cạn, rồi lẩm bẩm:
- Đồ bị thịt! Đồ hoạn quan!
Ả tà tà uống tiếp, mơ màng nhớ lại thời con gái vàng son treo cao giá ngọc. Bởi giá cao quá, nên ả không lên xe hoa được và trở thành cô chủ quán cà phê hộp đầu tiên trên tỉnh lẻ Bình Dương. Quán ả đông khách lắm. Đủ loại khách, nhưng đắt địa nhất vẫn là đám "trai" ngoài ba chục, đến quán ả chỉ đi một mình và thường nhìn ả đắm say, luôn "quên" nhận tiền thối lại.
Thời là người trong số đó và chinh phục ngay được ả bằng vẻ bảnh bao của nhà thầu "trẻ" danh tiếng, có "xế hộp" đời mới, hút xì gà và luôn thơm phức nước hoa.
Ôi chao! Bây giờ hắn vẫn thế, lúc ra đường, lúc làm ăn hoặc bên "em út", chỉ khi lên giường với vợ,, hắn mới hiện nguyên hình là con heo thiến.
Ả gục xuống quầy rượu trong nỗi bức rức hừng hực của thân xác và chợt nghĩ đến cái hồ bơi trong vắt bên ngoài.
Ả mở cửa, lững thững đi ra bể bơi, nhìn lại chiếc áo mỏng tang trên người ả hơi ngần ngại. Biệt thự kín cổng cao tường nhưng không chỉ hai vợ chồng ả, bởi dù không cho người làm ở lại ban đêm, sợ họ tham gian, nhưng chồng ả, luôn giữ bên mình người tài xế. Gã này là em họ chồng gã, hiền như bụt, lại chịu khó, làm tài xế còn kiêm luôn việc làm vườn, thợ ..."đụng". Bất cứ việc gì sai gã là hoàn toàn yên tâm. Chẳng biết thằng Phẩm ngủ chưa? Ả nghĩ thầm, nhìn quanh.
Đáp lại ý nghĩ ả, tên tài xế từ nhà để xe đi ra. Y đến gần, hỏi nhỏ:
- Chị chưa ngủ à?
Phẩm ở trần, mặc cái quần jean bạc màu, bó sát người phô tấm thân nở nang săn chắc ở độ tuổi ba mươi, khiến tim ả đột nhiên đập rộn, cái hừng hực trong thân xác chợt bùng lên. Ả liếm môi, nói như than:
- Ổng đầy mùi rượu, lại ngáy o o, cả đêm chị ngủ không được.
Ả vươn vai, vặn mình vẻ mệt mỏi, chiếc áo ngủ mỏng toanh lồ lộ khoe hết da thịt. Ả liếc mắt, hồi hộp lẫn đắc chí khi thấy ánh mắt Phẩm hực tia dục vọng. Ả làm sao biết cái "hiền" của thằng em họ chồng chỉ là để có cơ hội "ngoi" lên, bằng bất cứ con đường nào. Ả nghĩ rằng, mình thừa khả năng chinh phục chú nai tráng niên này.
Phẩm "vô tình" ngồi xuống kế bên ả, vẻ lo lắng hỏi:
- Vậy chị sẽ mệt lắm đó. Với phụ nữ, giấc ngủ quan trọng lắm. Trời! Anh Thời từ hồi ở quê đã xấu nết ăn ngủ, giờ cưới chị rồi mà không biết sửa mình.
- Bởi vậy chị khổ tâm lắm, có ai biết?
- Sao không có ai, tôi hiểu chị mà. Người như ảnh, cưới được chị, coi như kiếp trước tu chín kiếp. Thiệt tội cho chị.
- Biết sao được. Một khi đã ...lỡ ..- Ả tủi phận, mắt nhạt nhoà, nức nở.
Phẩm cuống quýt, nắm tay "chị" dỗ dành, an ủi. Một lúc, "chị" tựa vào vai Phẩm, thút thít. Phẩm lau nước mắt cho"chị" bằng bàn tay nóng hực. Bàn tay mơn man đôi má, đôi môi "chị" chẳng nỡ rời đi. "Chị" chúi vào lồng ngực Phẩm, tiếp tục nức nở. Phẩm siết "chị" dính chặt vào mình, thì thào:
- Chị đừng khóc nữa, tôi đau lòng lắm. Nếu ...mỏi mệt, cần nghỉ ngơi, cứ dựa vào tôi.
- Nhưng ngoài này gió lạnh.
Phẩm sợ "chị" gió lạnh, nên ôm chặt dìu chị vào trong. Không vào nhà, mà vào cái phòng chứa đồ của Phẩm thường ngủ.
Anh và ả chỉ chờ đợi mỗi giây phút này. Và trong ba mươi bảy năm làm người, đêm ấy, ả mới thật sự biết hai chữ khoái lạc là gì. Trong khi ấy, Thời ngưng ngáy. Bởi gã đang nằm mơ, gã mơ mình xoè những tờ tín phiếu bảy số, và cô phụ hồ có dáng vẻ như nàng Xê-da đang múa, ngả vào vòng tay hắn, để mặc hắn sờ mó. Thời cười khanh khách, trong mơ nghĩ: "Mẹ nó! Em đẹp cách mấy cũng phải quỳ luỵ đồng tiền thôi. Chỉ cần ta ra đúng giá".
Thế là gã tiếp tục sờ mó, ve vãn với cái gã còn vương hơi ấm của vợ gã, mà ngỡ rằng đang chiếm được cô phụ hồ của lão Đặng.
oOo
Nhân rờn rợn trước nụ cười của gã. Càng gai người khi gã tới gần dù gã láng boóng, thơm lừng và vô cùng lịch thiệp.
- Chào Nhân.
Nhân hơi lùi lại:
- Xin lỗi. Tôi không quen ông.
Gã cười thật ngọt:
- Ấy! Sao Nhân nói vậy. Tôi với anh Đăng, giám đốc của cô là bạn đồng nghiệp mà. Tôi thường gặp cô hồi xây chi nhánh của công ty anh Đăng đó.
Thì ra người đàn ông ấy cho xây chi nhánh công ty và ông ta chính là giám đốc. Giờ Nhân đã biết.
- Điều ấy, chẳng liên quan gì đến tôi. Xin lỗi ông. Tôi phải về.
- Ấy! Sao Nhân khó vậy? Cho tôi nói vài câu đã nào.
Nhân nhìn quanh. Tất cả đã về. Công trường vắng lặng. Cô làm sao ngờ, gã đã canh kỹ, biết cô luôn là người về sau cùng bởi cô còn phải dọn vật dụng làm cho vào kho, rồi tranh thủ rửa ráy để về nhà đỡ tốn nước.
- Tôi không thấy có gì muốn nói.
- Có chứ. Là vầy ...Từ hồi gặp em ở công trình lão Đăng, tôi đã thấy "quý" em. Biết em không chồng, cực khổ nuôi mẹ, nuôi con tôi "thương lắm". Nếu tôi là bạn em, chắc em sẽ sung sướng.
Nhân trố mắt nhìn gã, đến ngẩn ra, quên cả sợ. Sao lão biết chuyện nhà mình vậy? Gã còn biết được gì? Tại sao?
Cô lờ mờ đoán được, nhếch môi khinh rẻ, nhìn gã mai mỉa:
- Ông đúng là người có tấm lòng vàng. Rất tiếc, ông đến sai chỗ rồi. Có cần tôi cho vài địa chỉ các trung tâm cứu tế xã hội không?
Nhân quay ngoắt đi. Gã chặn ngang đường, cười xề xoà:
- Ậy! Là vầy. Bà bác bị tai nạn lao động, tôi có biết. Tôi cũng biết người giám sát công trình đó, đang làm ở công ty mới. Này em! Dù công ty cũ bị thua lỗ giải thể, nhưng vẫn có thể bồi tiền trợ cấp cho má em đó.
- Má tôi không phải là công nhân ở đó, bà đi mua chai bao, vào khu vực cấm, bị tai nạn thôi. Chúng tôi không thể trách ai.
Nói, nhưng đầu cô rối tung bao ý nghĩ. Gã là ai?
Nhân sấn tới, ngỡ gã tránh ra, ai ngờ gã dang rộng tay như muốn ôm cô. Nhân la:
- Ông làm gì vậy?
- Anh chỉ muốn giúp em thôi. Là vầy. Lán công nhân gần cái lều em là công nhân của anh. Tụi nó kển em đói khổ, vất vả lắm. Lão Đăng trả tiền công rẻ mạt, sao em nuôi nổi con với mẹ, hay qua làm chỗ anh, lương gấp ba, được không?
Nhân thừa hiểu lão già muốn gì, cô nổi xung thiên, chỉ tay quát:
- Cút! Đồ già dê. Mày tưởng tao dễ dụ sao. Không cút, tao la lên cho coi.
Dục vọng khiến lão mờ mắt, ngu tối. Từ ngày thấy Nhân ở chỗ công ty ông Đăng xây nhà, kẻ háo sắc như lão nhìn thấy ở Nhân cái mà khó ai nhìn thấy. Đó là nét thanh xuân mơn mởn dấu sau bộ đồ công nhân lam lũ và cái đói nghèo xanh xao.
Cách đây hơn mười năm, lão đã "mua" được cái thanh xuân như thế của một cô gái lần đầu đi bán bia ôm, bằng một cái giá "bèo", và lão tin rằng, cái trinh tiết của cô gái ấy là vận hên của lão từ đó đến nay. Hơn mười năm rồi, tên thầy bói mù, nói lão vận hên đã hết, cần phải tìm một nữ thần trinh tiết khác. Nghe Nhân có hai con, lão ngờ liền. Làm sao dáng vẻ ấy, đã có chồng sinh con? Lão mò mẫn tìm, và biết hai đứa nhỏ chỉ là con nuôi. Bất ngờ hơn, mẹ Nhân lại là người đàn bà bất hạnh thuở xưa, bị tai nạn ngay công trình ông Đăng giám sát thi công, còn lão lúc ấy cung cấp vật tư xây dựng.
Lão đã một lần yêu cầu ông Đăng đổi Nhân qua chỗ lão, nhưng ông từ chối, không sợ sự đe doạ, bởi bà Hiền hoàn toàn có lỗi.
Giờ đây, lão tin chắc, lão sẽ "mua" được Nhân như từng mua cô gái năm xưa, chỉ trong sớm muộn, bởi lão biết sự nghèo đói, bệnh tật của bà mẹ đang vây phủ lấy cô.
Rút ra một cọc tín phiếu, lão lăm le trên tay, nói:
- Tôi sẽ xây ngay cho em một căn nhà, chỉ cần em chịu qua làm bên tôi.
Nhân nhìn xấp tiền, người run lên, cô khao khát, uất ức, và tủi nhục. Cô bật khóc, ôm mặt. Lão Thời sướng rơn, đi lần tới. Tay lão vừa đụng vào Nhân đã bị xách hổng chân lên, hai má bị hai tát tai nhá lửa. Lão la oai oái. Nhân ngẩng lên, gạt nước mắt, sửng sốt khi thấy ông Đăng và Đạt. Đạt quăng mạnh lão Thời lăn cù dưới đất. Lão lồm cồm bò dậy, chỉ tay hét:
- Mày ...mày dám ...
- Tôi còn thấy ông mò tới đây một lần nữa, tôi sẽ đập gãy hai chân ông - Đạt gầm lên.
Lão Thời phủi lia áo quần, hầm hừ khi nhét tiền vào túi.
- Được. Thằng con lão Tiến Lợi! Mày nhớ nghe. Đời còn dài.
Gã quay sang ông Đăng:
- Anh dạy "lính" anh vậy sao? Tôi "tán" người tôi thích, có tán vợ nó đâu, mà nó sợ bị cắm sừng?
Ông Đăng nhìn gã, lạnh nhạt:
- Tôi đã nói với anh, cô ấy là người của tôi, trừ khi cô ta rời khỏi đây, tình nguyện theo anh. Nếu không, xin lỗi, tôi không khách sáo đâu. Anh đi đi. Nên nhớ, từ nay ở các công trình của tôi xây dựng, cấm anh đến.
Thời hầm hầm bỏ đi ra xe, đóng cửa cái rầm, vù lẹ. Đạt nhìn Nhân, cục tức ở đâu dâng lên, nghẹn ngang, anh trợn mắt nhìn Nhân, mai mỉa:
- Vì tôi phá đám, nên cô mất bạc triệu. Đúng không?
Nhân máy máy môi, mặt tái nhợt đi. Cô nắm chặt tay, lầm lũi bỏ đi, không nói lời nào. Đạt càng tức, hét:
- Sao cô không trả lời?
- Đạt! - Ông Đăng nạt - Mày làm gì vậy? Mày có quyền nói vậy với người ta sao?
- Chú không thấy à? - Đạt hổn hển - Cô ta ...
- Chú thấy hết. Chỉ chưa thấy cô ta nghèo cực đến đâu. Tại sao thằng Thời biết cô ta cần tiền và đem tiền tới dụ cô ta?
Đạt ngẩn ra anh cũng chưa biết gì về cô cả. Anh hỏi:
- Chú nhận cổ vô làm mà.
Ông Đăng tặc lưỡi:
- Làm lao động phụ, nhận ai không được. Cần gì biết lý lịch chứ. Ê! Mày nghe chú hỏi đã. Khi nãy, mày làm gì lồng lộn dữ vậy? Mày "mết" cô ta à?
- Chú ...
- Chú cháu gì. Mày tỏ thái độ đó là tao biết tỏng, có điều vậy là dở.
- Sao chú nói vậy? - Đạt giật mình.
- Mày có con Ánh ngon lành rồi, sao còn định vơ luôn gái nạ dòng? Nhân có hai con rồi, bộ mày tưởng son rỗi sao?
Đạt phản đối liền:
- Con với Ánh chưa chính thức nói gì cả. Với "chị" Nhân lại càng không. Chỉ là thấy bực cho tình đời thôi. Tiền, tiền nó có thể mua được tất cả sao?
- Dĩ nhiên không, với một số người nào đó thôi. Giờ đi không?
- Đi đâu?
- Đi coi thử cô Nhân ấy nghèo đến mức nào.
Đến sẩm tối, họ mới tìm ra chỗ Nhân ở, là nhờ thằng Lượm đi quơ củi về muộn mới gặp. Cả hai nhìn túp lều xiêu vẹo qua mấy cơn mưa, với ánh đèn dầu leo lét, ngỡ ngàng. "Nhà cô ấy đây sao?".
-------