PDA

Xem đầy đủ chức năng : Không, không phải thế, anh yêu em - Nguyễn Văn Thiện (truyện ngắn) - completed



...::*MINmiE*::...
13-07-2006, 07:58 AM
Gác máy điện thoại lên, kéo rèm cửa lại, theo lối cửa sau và biến. Đó là cách mà tôi vẫn thường làm để giảm bớt căng thẳng ở cơ quan. Tám giờ vàng ngọc mà không làm được việc gì cho ra việc.

Ngồi với cái máy tính mãi thì cũng chán, hoa mắt, nhức đầu. Tốt nhất là ra quán.

Tôi tốt nghiệp cử nhân ngữ văn bằng khá! Ở quê tôi, những tiếng ấy xướng lên kêu như mõ, đủ làm mát lòng những bậc phụ huynh khó tính nhất.

Thế mà đem ra khỏi làng cũng chỉ là hạng cùng đinh.

Ba năm cấp ba chỉ giỏi mỗi môn thể dục, đăng ký thi khối C vì may ra giở được bài văn mẫu, không ngờ thế rồi đỗ thật, học thật và ra trường thật. Cử nhân ngữ văn chém cả tháng không hết.

Mấy thằng bạn đang còng queo ở nhà ăn hại bố mẹ, thế mà tôi đã xin được việc làm, tuy phải đi miền núi nhưng cũng còn hơn khối đứa. Mẹ ở nhà khoe với hàng xóm:

- Thằng Tuấn bây giờ là cán bộ huyện cơ đấy, cũng may nhờ có bác Hạnh...

Lúc đầu nghe thế tôi đỏ mặt, nhưng không tiện cải chính, nghe lâu rồi thành quen. Ừ, thì cán bộ huyện cũng được mà đọc báo pha trà mời khách thì cũng thế, như nhau cả.

Tất nhiên, công của bác Hạnh là rõ rồi. Bác Hạnh vốn là bạn chiến đấu với bố, hết bom đạn, bố về cày ruộng, bác Hạnh làm ở xã rồi sau đó lên huyện, bây giờ thì đã là chủ tịch huyện, nơi tôi vừa xin vào công tác.

Mỗi lần nhắc đến bác Hạnh, mẹ tỏ ý sùng kính ra mặt, bác Hạnh bảo thế này, bác Hạnh bảo thế kia, đến nỗi bố phải gắt: “Thì nó là Phật sống đấy!”.

Mẹ dài môi dưới: “Thì cũng còn hơn khối người, như ông đấy...”.

Bố đấm bàn cái rầm, tôi nhảy vô làm trọng tài, can mãi mới hạ hỏa.

Trong bụng nghĩ thầm: Mai mốt, mình đi rồi thì không khéo các cụ ở riêng mất, chuyện trò đến câu thứ ba là bất đồng ý kiến, khổ!

Đi làm được hai tháng thì quen khắp lượt các quán nhậu trong thị trấn, từ chủ quán cho đến tiếp viên. Cữ nửa chiều là tót ra quán ngồi. Ngồi thu mình vào một góc, gọi con chim nướng và một cút đầy, nhấm nháp.

Ở rừng có khác, mồi tươi, chất lượng, giá vừa phải. Rừng có cái hay của rừng. Quán Hương Rừng nằm ngay sau lưng ủy ban, rất tiện! Bà chủ quán mắt híp sợi chỉ lúc nào cũng cười:

- Cậu mới tới không biết chứ quán chị đây với ủy ban ta thân nhau như người nhà đấy chứ.

Quán khá sạch, thoáng mát, phía trước treo giàn phong lan rất đẹp. Mấy em tiếp viên ăn mặc theo mốt người rừng dây rợ lằng nhằng hở sau hở trước.

Buồn cười, từng ấy vải trên người gom lại may ra thì đủ may một chiếc quần đùi. à, có một em răng khểnh, khá xinh, nhưng mặt hơi buồn. Làm vài ly tưng tưng, tôi xuất nhạc sến: “Sơn thủy hữu tình cớ sao lại buồn vậy em, là lá la...”.

Răng khểnh cười nhạt đáp trả, nhạt phèo! Tôi nghĩ bụng: Mặt đưa đám, thế nào rồi mày cũng bị đuổi việc cho mà xem. Kể ra, với chị em phụ nữ nói chung, tôi vốn sẵn ác cảm.

Mẹ tôi, chị gái tôi, những người phụ nữ từng khốn khổ vì tôi ấy lại làm cho tôi phát khiếp vì họ. Kể từ lúc tôi biết nghe tiếng người cho đến giờ, tôi chưa nghe được một câu nào mẹ nói với bố cho ra hồn, toàn là tôi khổ vì ông, ông khổ vì ai hay đại loại thế cả.

Còn chị tôi lại cai quản một ông giáo làng nghiện rượu. Ước mơ lớn lao nhất của ông anh rể tôi là chừng nào cầm được quyết định về hưu thì đánh chị tôi một trận cho bõ tức vì tội hay hỗn láo.

Hồi còn học phổ thông tôi cũng có để ý một em ngồi cạnh. Mối tình áo trắng ấy qua mau như một cơn mưa bất chợt. Cái mùi hoi hoi ngầy ngậy của tuổi mới lớn ấy qua lâu lắm rồi. Diễm đã chồng con đề huề từ mấy năm nay.

Bà mắt híp cắt ngang:

- Này, nó là gái nhà lành đấy, cậu xem thế nào, Diễm ơi, ra anh Tuấn hỏi gì này.

Trời ạ, lại Diễm! Chúng nó đang câu tôi đấy mà. Với tôi, bọn nhà hàng chẳng mấy đứa trong sạch. Nhưng thôi, mất mát gì, thử xem.

Hôm ấy, hứng chí thế nào, bà mắt híp đãi tôi món óc khỉ. Một con khỉ lông nâu buộc sẵn vào cột đúng tư thế của một thằng lãnh án tử hình. Con khỉ vẫn còn sống nguyên, mặt nó nhăn thê thảm.

Bà chủ cầm dao, em răng khểnh cầm rượu đứng cạnh. Món óc khỉ phải ăn tươi mới ngon, bà ta bảo thế. Đột nhiên, con khỉ ré lên một hồi dài rồi lịm hẳn, người nhũn ra.

Có lẽ nó đã sợ đến chết khiếp. Bà béo giục: Mau mau, cởi trói, kê đầu lên thớt mà hớt không hỏng mất. Em răng khểnh luýnh quýnh cởi dây. Nhưng dây vừa bung ra thì khỉ ta vùng dậy, nhanh như cắt chạy thẳng vào buồng trong, chui tọt vào gậm giường.

Thì ra nó chơi trò chết giả. Nhưng mà rủi thay, nó đã nhầm đường! Nếu nó nhanh chân phóc lên mái nhà thì còn có đường thoát, nhưng đằng này lại chui vào ngõ cụt. Cuộc vây ráp diễn ra, ba bốn thằng văn minh vây bắt một đứa dã man. Cuối cùng, nó đành chịu tóm.

Bữa rượu hôm ấy rôm rả hẳn. mọi người đều có ý hỏi xem tôi có thấy ngon không. Em răng khểnh phục vụ riêng tôi. Tôi biết, mình đang được hưởng lộc của ông Phật sống.

Giả sử tôi không phải là người nhà của bác Hạnh chủ tịch mà là một thằng dân lao động thử xem, nó chém thẳng vào tay như chém khỉ ấy chứ. Tôi múc một thìa óc đút vào miệng răng khểnh, em nhăn mặt nuốt.

Tối ấy, tôi say không biết đường về. Nửa đêm, miệng đắng ngắt, tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong phòng lạ hoắc, bên cạnh em răng khểnh đã cởi hết dây rợ.

Tôi lay dậy, hỏi: “Tại sao thế này?”. Em răng khểnh ngơ ngác dụi mắt: “Lúc đêm anh bảo anh không muốn về, anh bảo anh yêu em...”. Trời ơi, đồ ngu, sao lại tin lời thằng say hả?”.

Diễm ôm mặt khóc: “Vâng, em ngu...”. Biết mình quá lời, tôi nằm xuống, bắt tay qua trán. Diễm nói: “Nhưng mà em yêu anh”. Chậc, yêu thì có sao. Cái nết liều trong tôi trỗi dậy rất nhanh. Mùi da thịt đàn bà, mùi rượu cứ bện chặt lấy tôi cho tới sáng.

Từ hôm ấy, tôi thay đổi hẳn. Phải chăng những khoái lạc xác thịt đã mở mắt cho tôi, hay là tình cảm chân thành của Diễm đã làm cho tôi thay đổi quan điểm về cuộc sống?

Dù sao thì Diễm cũng rất đáng yêu, xinh nữa là đằng khác. Diễm kể cho tôi nghe về gia đình: Diễm mồ côi cha, mẹ rước về một ông ba bị mắt trắng môi thâm chuyên rình xem trộm con gái tắm. Diễm đã hắt cả một chậu nước bẩn vào mặt hắn rồi bỏ đi.

Đã hai năm nay, Diễm không về. Kể đến đấy, Diễm khóc: “Em biết làm cái nghề này chẳng ai tin, nhục lắm, nhưng không phải ai cũng là đồ bỏ đi cả, phải không anh?”.

Thằng bạn cùng văn phòng tròn mắt: “Mày dính vào thật hả, chớ nghe ca ve kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày, hiểu chưa thằng văn chương cám hấp!”. Tôi qua loa cho xong chuyện: “Tao bị bỏ bùa rồi. Không thể nào thay đổi được đâu”.

Mẹ nghe tin đồn hỏa tốc lên thăm, rên như bị voi giẫm: “Con gái thiếu gì mà lại dính vào mấy đứa nhà hàng hả con, mẹ ăn nói làm sao với chòm xóm đây hả giời...”.

Cha tuyên bố thẳng thừng: “Mày mà lấy con hở rốn ấy là tao từ mặt, đồ khỉ!”. Đến nước này thì tôi phát hoảng, giá như hôm ấy tôi đừng say rượu, giá như...

Ba hôm liền tôi cáo ốm không đến cơ quan, đến hôm thứ tư thì sốt thật. Diễm gọi điện bảo: “Anh sợ rồi phải không, nếu cần em sẽ ra đi, không dám làm phiền anh nhiều hơn nữa. Hóa ra anh cũng hèn thế thôi”.

Tôi quên sốt, hét lên trong máy: Không, không phải thế, anh yêu em, đồ ng... Tôi chưa kịp nhả hết câu chửi bậy quen thuộc thì Diễm đã cúp máy. Tôi hụt hẫng nghe lòng mình đắng ngắt. Nhìn qua cửa sổ thấy những giò phong lan tím ngần vẫn đong đưa như không hề có chuyện gì xảy ra.

Không, tôi không muốn mất không một thứ gì cả, không muốn mất Diễm, mất những người thân thiết nhất, bố mẹ, chị tôi, cả ông anh rể nghiện rượu của tôi nữa. Đã ba mươi tuổi, người ta có quyền giữ lại những thứ mà mình cảm thấy gần gũi nhất, phải thế không, Diễm?

Tôi khóa trái cửa lại và bước ra đường, hôm ấy là đã cuối mùa đông

tieuthu_rose
13-07-2006, 07:24 PM
thanks bạn nhiềụ................ câu chuyện của bạn rất hay...........

khi_dot_an_oi_hot
13-07-2006, 11:08 PM
bạn viết hay thật , đây là cau chuyện thật á?