PDA

Xem đầy đủ chức năng : ThÁm ChÀm Poklaung Garai



guide_khùng
21-05-2005, 08:43 PM
THÁP POKLAUNG GARAI

Tháp Poklaung Garai, còn có tên là Bửu Sơn, là một trong những cụm tháp lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất của người Chăm. Tháp được dựng trên đỉnh quả núi mà nhân dân địa phương gọi là núi Trầu cách thị xã Phan Rang chừng 5km về phía Tây – Bắc. Theo truyền thuyết, tháp được vua Jaya Simhavarman III (mà sử liệu Việt Nam thường gọi là Chế Mân) xây để thờ vua Poklaung Garai, người đã có nhiều công trạng đối với dân tộc Chăm trong việc chống giặc ngoại xâm và trong việc tổ chức khai mương, đắp đập làm cho đồng ruộng tươi tốt. Vây Poklaung Garai là ai?
Truyền thuyết của người Chăm về sự tích tháp Poklaung Garai như sau: Xưa kia, tại vùng Ninh Thuận, có hai vợ chồng già người Chăm không có con. Một hôm, ông bà đi qua bến dâu phía trên đập Nha Trinh và thấy một cái bọc trôi lềnh bềnh giữa sông. Ông già vớt cái bọc lên, mở ra, thấy một bé gái rất xinh. Ông bà rất đổi vui mừng, đem bé gái về nuôi.
Thắm thoát, cô bé đã lớn khôn và thường theo bố mẹ nuôi vào rừng kiếm củi. Một hôm, trời nắng gắt, cô gái khát nước, mà khu rừng, nơi ba người đang hái củi, lại không có khe, suối gì cả. Ông già khuyên con gái ráng chịu, về nhà sẽ uống nước. Không chịu nổi cơn khát, cô gái lén đi tìm nước uống. Đi một quãng xa, cô thấy một tảng đá rất to, ở giữa tảng đá có một vũng nước trong văt. Cô gái mừng rỡ, cúi xuống, lấy tay vục nước uống ngon lành. Khi ông bà già tìm thấy cô gái thì vũng nước tự nhiên cạn dần. Ba người cho là điềm lạ, đành quay về.
Từ hôm đá, tự nhiện cô gái thụ thai. Tới tháng, tới ngày, cô sinh được một bé trai mình mẩy ghẻ lở trông hết sức kinh tởm. Ông bà già rất qu‎ cháu, nuôi nấng cháu rất cẩn thận, và đặt tên cho cháu là Pô Ong. Lên bảy tuổi, Pô Ong đi chăn bò cho nhà vua. Ngày nào cũng như ngày nào, đàn bò Pô Ong chăn dắt đều được no và về chuồng đầy đủ.
Một hôm, vì mãi chơi cùng bọn trẻ chăn bò, Pô Ong để lạc một con bò trong đàn. Chạy tìm kiếm khắp nơi mà không thấy, Pô Ong bèn trèo lên một ngọn cây cao để nhìn, và thấy con bò của mình đang bị cột trogn vườn một ngôi nhà to lớn. Mừng quá, Pô Ong, tụt vội xuống đất, làm cho cái cây rung chuyển. Cái cây bỗng nhiên trở nên đỏ chói, rồi biến thành một con rồng. Con rồng đứng lên, nhìn chàng trai một cách kính cẩn.
Pô Ong nhờ một người lớn dẫn mình đến xin lại con bò. Không ngờ, chủ của ngôi nhà to đẹp ấy là một vị thầy cả có cô con gái xinh đẹp. Thấy Pô Ong ghẻ lở đầy mình, cô gái vội thưa với cha là hãy trả bò cho anh ta đi. Nhưng vị thầy cả, thấy trên người Pô Ong có nhiều tướng lạ, thì rất vui mừng. Ông nói lại cho con gái biết điều đó, và hứa gả con gái mình cho Pô Ong. Ông còn an ủi Pô Ong rằng, đến ngày lành, tháng tốt, những vẻ xấu xí bên ngoài của chàng sẽ biến mất.
Một thời gian sau, Pô Ong kết thân với một người bạn tên là Pô Klong Chanh và rủ nhau đi buôn trầu. Thường ngày hai người đội thúng trầu về nghỉ ở một chỗ rồi thay phiên nhau về nhà lấy cơm ra cùng ăn. Một hôm, đến lượt Pô Klông Chanh đi lấy cơm, Pô Ong nằm nghỉ, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi Pô Klông Chanh trở lại, thì thấy cảnh tượng lạ: một con rồng đang liếm khắp thân mình ghẻ lở của Pô Ong. Bao nhiêu vết ghẻ lở của Pô Ong, nhờ vậy, biến đi hết. Pô Ong trở thành chàng trai đẹp lạ thường. Pô Klông Chanh đứng nhìn bạn mãi không chán. Pô Ong thức dậy. Chàng đỡ lấy gói cơm và chia cho Pô Klông Chanh một nửa. Pô Ong cầm tàu lá chuối, rạch hai nửa bằng nhau, một cho bạn, một cho mình để đựng cơm. Vì bị rạch đôi mà ngày nay lá chuối bao giờ cũng có hai nửa giống nhau, và chỗ Pô Ong rạch là sống của lá chuối.
Một ngày kia, nhớ tới chàng trai chăn bò mình đầy ghẻ lở, vì thầy cả tìm đến để kết thân. Pô Ong nhận cô gái thầy cả làm vợ mình.
Được ít lâu, nhà vua băng hà, nhưng không có hoàng tử kế vị. Triều đình lo nghĩ, mà chưa có kế gì hay. Bỗng con voi trắng của hoàng cung phá chuồng chạy thẳng tới chỗ Pô Ong ở, quỳ xuống, đưa vòi ra tỏ ý. Tưởng con vật cầu nguyện gì, Pô Ong bèn nhảy lên mình voi. Con voi trắng từ từ đứng dậy, rồi đưa chàng về phía kinh thành. Khi đi qua sông Đà Rằng con voi dừng lại uống nước. Nhân cơ hội đó, Pô Ong bỏ trốn. Nhưng con voi cứ rống lên từng hồi, chạy tìm cho được Pô Ong. Bất đắc dĩ, Pô Ong phải trèo lên lưng voi để nó chở đi. Dân chúng, thấy thế, hết sức vui mừng, rủ nhau đi theo sau voi thành một đòan người dài vô tận.
Đến kinh đô, Pô Ong được tôn làm vua. Nhưng có người tỏ ra không phục, vì vua vốn chỉ là một anh chăn bò bẩn thỉu. Vua buồn quá, bỏ lên núi đi tu. Nhưng, vua bỏ đi, trong nước liên tiếp xảy ra nhiều tai biến như mất mùa, dịch bệnh…. Vì thế, triều đình và dân chúng lại lên núi rước vua về cung làm vua. Do có sự việc này, dân chúng mới gọi vua là Pô Klaung Garai.
Pô Klaung Garai là một vị anh quân. Ngài có tài dẫn thủy nhập điền. Ruộng vườn, trước kia khô cạn, nhờ có ngài mà tươi tốt. Dân chúng no ấm hơn xưa. Ngài cho làm một chiếc bè bằng thân cây chuối, đặt ít đất lên bè rồI thả bè trên sông Dinh, đọc thần chú cho bè trôi ngược dòng. Bè đi đến Nha Trinh, ngài hô: “Dừng lại!”, lập tức bè chìm xuống, biến thành cái đập lớn chắn ngang sông. Ngài chỉ cho dân đào hai con mương ở hai bên để dẫn nước vào ruộng mà ngày nay vẫn gọi là mương Chăm. Nữ đào mương bên phải, Nam đào mương bên trái. Vì cứ lo đi chọc ghẹo các cô gái, nên bên nam đào mương rất chậm. Con mương bên trái, vì thế, đành bỏ dở, không dùng được.
Vua Pô Klaung Garai là người có mưu trí. Truyền rằng, lúc ngài được mọi người tôn lên làm vua, quan đại thần Pô Dam không phục, cho ngài là một tên chăn bò vô tài. Để đánh bại kẻ gièm pha mình, ngài bèn thi tài xây tháp với Pô Dam. Ngài đã đốc thúc dân chúng xây một khu tháp cổ đồ sộ và xong trước tháp của Pô Dam.
Một lần, người Khmer xâm chiếm lãnh thổ Chiêm Thành, Pô Klaung Garai ra điều kiện thi xây tháp. Nếu ngài xong trước thì ngườI Khmer phải rút quân về, còn nếu ngài thua thì sẽ nhượng đất cho họ. Ỷ vào số đông và tài xây tháp của mình, người Khmer nhận lời thách. Pô Klaung Garai truyền cho dân chúng lấy tre làm khung, lấy giấy phết làm gạch. Chờ người Khmer sắp hoàn thành tháp của họ, nhân đem tối ngài cho dựng mấy cây tháp bằng tre, giấy lên. Sáng sớm tinh sương, người Khmer ngủ dậy, thấy tháp của người Chăm đã mọc lên sừng sững. Họ đành chịu thua và rút quân về nước.
Sau khi đã lo cho dân được ấm no, vua Pô Klaung Garai hóa thân về trời và trở thành một vị thần che chở cho dân chúng. Nhớ ơn vua, dân chúng tạc tượng ngài, thờ trong ngôi tháp mà chính ngài đã dựng lên trong cuộc đọ tài với Pô Dam. Từ đó, ngôi tháp mang tên luôn tên ngài – tháp Pô Klaung Garai.
Tất nhiên, truyền thuyết, bao giờ cũng mang tính hoang đường nhiều hơn là sự thật; thế nhưng, vị vua Pô Klaung Garai trong truyền thuyết về tháp Pô Klaung Garai của người Chăm vẫn có những cốt lõi lịch sử. Đập nước Nha Trinh, núi Trầu và ngôi tháp Pô Klaung Garai đều là những di tích vật chất có thật. Vấn đề đặt ra là: Pô Klaung Garai là vị vua nào trong lịch sử Chămpa? Biên niên sử và truyền thuyết của người Chăm đều nói rằng Pô Klaung Garai là vị vua đã trị vì ở Chămpa vào những năm 1151 - 1205. Còn nếu xét theo những tài liệu bia ký, thì vào thời gian trên, trong lịch sử Chămpa nổi lên một vị vua anh minh, tài giỏi có tên là Vidyanandana Suryavarmadeva. Theo ghi chép của các bia ký, vào năm 1190, khi quân đội Khmer của Jayavarman VII tiến đánh Chămpa để trả thù, vị hoàng thân Chămpa trẻ tuổi Vidyanandana (người đã sống ở Campuchia thời trẻ) được giao chỉ huy đội quân viễn chinh này. Vị hoàng thân này đã hạ thành Vijaya, bắt vua Jaya Indravarman VII, lên ngôi ở Vijava. Xong các việc trên, hoàng thân Vidynandana tự dựng cho mình một vương quốc riêng ở Panduranga (tức Phan Rang) và lấy vương hiệu là Suryavarmadeva. Chỉ hai năm sau, vào năm 1192, nhờ tài năng và mưu mẹo, Vidyanandana Suryavarmadeva đã thống nhất được Chămpa và đưa đất nước thoát khỏi sự cương tỏa của người Khmer. Hai năm liên tục, năm 1193 và năm 1194, vua Jayavarman VII của Campuchia tìm cách bắt vua Chămpa phải trở lại phục tùng mình, nhưng không thành công. Mãi đến năm 1203, người bác là Yuvaraja Dharapatigrama, tay sai của người Khmer, mới truất được ngôi vua của Suryavarmadeva. Vidyanandana Suryavarmadeva xin hòang đế Việt Nam cho cư trú, nhưng bị khước từ. Sau đó, ông bị mất tích. Từ thời điểm đó (1203) đến năm 1220, Chămpa biến thành một tỉnh của người Khmer.
Trong thời gian trị vì, theo các tài liệu bia ký, Suryavarmadeva đã tới vùng Mỹ Sơn và dân tặng phẩm cho vị thần Mỹ Sơn là Srisanabhadres “để được công lao ở thế giới này và ở thế giới bên kia”. Các tặng phẩm có nhiều, trong đó có một kosa (vỏ bọc linga) bằng vàng sáu mặt, nặng 510 thoi - một trong những kosa quan trọng nhất mà văn minh Chămpa nhắc tới. Các bia ký còn nói, trong thời gian lưu lại ở vùng Amaravati (vùng bắc Chămpa), đức vua Suryavarmadeva đã cho xây lại ở đây “tất cả các ngôi chùa” và dựng một ngôi đền cho vị thần cua Phật giáo Đại Thừa là Heruka. Còn bản thân nhà vua thì tuyên bố mình theo Dharma (giáo pháp) của Tiểu Thừa Phật Giáo.
Những sự kiện quan tới Suryvarmadeva có nhiều nét trùng hợp với vị vua huyền thoại được thờ ở tháp Pô Klaung Garai. Rất có thể, chính Pô Klaung Garai là Suryvarmadeva - một ông vua Chămpa có cuộc đời và sự nghiệp phiên lưu, chìm nổi, nhưng cũng rất oai hùng. Chính vì thế mà Jaya Simhavarman III - người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông vào cuối thế kỷ 13 của Chămpa – đã dựng tháp thờ vị vua tiền bối có cuộc sống và sự nghiệp gần giống mình. Thế nhưng, chắc là Jaya Simhavarman III chỉ góp phần làm thêm và tu bổ lại những kiến trúc cũ vốn đã có ở đây từ trước, vì hiện nay tại tháp Pô Klaung Garai vẫn còn một số bia ký có niên đại xưa hơn thế kỷ 13. Bia ký xưa nhất ở Pô Klaung Garai là bia ký của hai hoàng thân – hai em trai của vua Jaya Paramesvarman I có niên đại năm 1050. Nội dung của bia ký nói về việc hai vị hoàng thân trên tên là Yuvaraja và Devaraja, sau chiến thắng trong việc đàn áp cuộc nổi dậy của ngườI dân Panduranga (Phan Rang), đã cho dựng một linga và một cột chiến thắng (Jayastambha). Bia ký của Yuvaraja và Devaraja được khắc trên một tảng đá nằm bên ngoài tháp chính, bên cạnh khu nền của một kiến trúc đã không còn nữa. Còn trên các trụ cửa bằng đá của ngôi tháp chính là những dòng bia ký bằng chữ Chăm cổ của vua Jaya Simhavarman III. Các dòng bia ký này nói tới việc vua Jaya Simhavarman III dâng đất và nô lệ cho thần Jaya Simhalingesvara. Rõ ràng, vị thần lần này là thần (Siva) 0 vua (Simhavarman III) dướI dạng linga. Theo các nhà nghiên cứu, các ngôi tháp hiện còn và tấm điêu khắc đá trên trán cửa tháp chính của Pô Klaung Garai đều có niên đại thời Java Simhavarman III.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu nghệ thuật Chămpa, tấm điêu khắc đá trên trán cửa tháp chính ở Pô Klaung Garai là một trong những tác phẩm điêu khắc đẹp nhất của phong cách nghệ thuật Tháp Mắm. Chiếc trán cửa bằng đá này thể hiện thần Siva đang múa. Vị thần Siva đứng trên một bệ nhỏ, đôi chân chùng xuống, bành hai đầu gối ra, bàn chân trái dẫm xuống đất, bàn chân phải chỉ tựa đầu các ngón chân xuống. Sau cánh tay đưa lên nhịp nhàng và cân đối quanh thân: hai tay trên giao nhau bên trên đầu; hai tay giữa, một cầm con dao (tay phải), một cầm cái chén (tay trái); hai tay dưới, một cầm đinh ba (tay phải), một cầm hoa sen cuộng dài (tay trái). Đầu thần đội chiếc mũ nhọn đầu cong ra phía trước có bảy hàng trang trí bằng những cánh hoa và những hạt ngọc. Cả cái đầu hơi nghiêng sang phải, tạo cho hình tượng có dáng đung đưa trong cân bằng thần bận một chiếc quần có ba vạt: hai vạt sau tỏa ra theo hướng xuôi xuống, vạt trước thõng xuống phía trước rốn. Trên mình thần theo một dãi balamon, chiếc vòng cổ và chiếc thắt lưng.
Những dấu tích còn lại cho biết, xưa kia Pô Klaung Garai là một quần thể kiến trúc lớn gồm nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau. Nhưng hiện nay, tại đây chỉ còn lại ba ngôi kiến trúc gạch: tòa tháp chính (tháp thờ vua Pô Klaung Garai), ngôi tháp nhỏ phía đông (có thể là tháp cổng), ngôi tháp mái dài cong phía nam. Cả ba kiến trúc này, như trên đã nói, xét về mặt phong cách nghệ thuật, đều được xây dựng thời vua Jaya Simhavarman III (thế kỷ 13 – 14) và có tên gọi là đền thần Jaya Simhalingesvara.
Tháp chính là kiến trúc lớn nhất, cao trên 20 mét và mỗi cạnh rộng trên 10 mét. Tháp là một tháp tầng, bình đồ vuông theo truyền thống của kiến trúc Chămpa với nội thất là một hình chữ nhật theo hướng đông – tây và mở cửa ở mặt đông. Các mặt ngòai của tường thân tháp được trang trí bằng các cột ốp (mỗi mặt trường năm cột) nhô ra để trơn (các cột ở góc tường nhô ra nhiều hơn). Ở chân mỗi cột ốp có một trang trí áp nhô mạnh ra ngoài như hình một tháp mái cong nhọn, còn đầu của cột ốp là một hệ thống các gờ lượn mang những hình lá dài đối xứng quanh một môtíp trung tâm. Tại các góc trên đỉnh đầu các cột ốp góc tường, nhô ra một phiến đá trang trí: hình thủy quái ở góc ngoài, hình thiên nữ ở góc trong. Đứng trên đỉnh các cột ốp ở góc tường là bốn tháp góc có hình như một cái u nổi lớn tạo bởi bốn mặt cong khép vào với nhau. Còn phía trên bộ diềm mái, ở khoảng trống giữa hai tháp góc, được trang trí các hình áp nổi giống các hình áp ở các chân các cột ốp (mỗi mặt năm hình áp). Ngoài các cột ốp, mỗi mặt tường (trừ mặt đông có cửa ra vào) đều nổi lên ở chính giữa và trùm lên phần dướI của cột ốp trung tâm một cấu trúc cửa giả. Các cửa giả gần như tách khỏi tường tháp thành một cấu trúc độc lập gồm ba lớp cửa vòm hình mũi lao. Lớp trong cùng chỉ là một bộ phận gắn vào lớp tường tháp và có chức năng làm nền cho hai lớp ngoài. Hai lớp cửa giả ngoài có hình dáng hình mũi lao nhọn phía trên. Quanh mép ngoài của trán cửa, các hình trang trí kiểu lá nhọn bằng đất nung (người Chăm gọI là “ling”) được cắm vào, khiến cả vòm cửa giả hiện ra như một ngọn lửa lớn. Giữa các trán cửa được khóet sâu vào thành một ô khám để đặt một hình chạm khắc đá thể hiện một nhân vật nào đó ngồi trầm tư.
Tầng thứ nhất, nhưng không có cửa ra vào. Do bị thu nhỏ hơn, nên tầng này chỉ có ba cột ốp và chỉ có ba hình áp trang trí phía trên diềm mái. Tầng thứ hai cũng có hình dáng và bố cục như tầng một. Do bị thu nhỏ hơn nữa, nên mỗi mặt tường tầng hai chỉ còn có hai cột ốp trang trí ở hai mép tường và không còn hình áp nằm trên các diềm mái nữa. Tầng ba gắp lại bố cục của tầng hai, nhưng vì quá nhỏ, nên các tháp góc mái biến thành các u nhỏ hình sừng và các hình điêu khắc đá cũng không còn chỗ ở các ô khám trên các trán cửa giả nữa. Cuối cùng, tầng đỉnh là một cái đế vuông có hai gờ được trang trí ở góc bằng các phiến đá điểm góc hình bò thần Nandin bán thân. Trên cái bệ gạch đó, nổi bật lên phiến đá nóc hình tháp vuông mặt cong nằm trên đài sen đá.
Cửa ra vào nằm ở chính giữa mặt tường phía đông của thân tháp một khối kiến trúc dạng phòng dài khá lớn gồm tòa tiền sảnh và phần cửa ba thân. Tòa tiền sảnh là một cấu trúc như một ngôi nhà mái vòm bằng vững chãi gồm tường và mái. Tường của tiền sảnh có cấu trúc và trang trí như tường thân tháp, nhưng chỉ có bốn trụ ốp không có hình trang trí như tường thân tháp, nhưng chỉ có bốn trụ ốp không có hình trang trí áp ở chân và không có cửa giả. Vòm mái cong hình cung nhọn được trang trí ở chân bằng một dãy bốn trụ ốp ngắn. Đầu hồi phía đông của tiền sảnh có ba lớp cửa vòm lớn và có cấu trúc và hình dáng như các cửa giả. Hai lớp cửa phía trong hoàn toàn bằng gạch và được trang trí ở mép vòm cửa các hình ngọn lửa bằng đất nung. Lớp cửa ngoài cùng có hai trụ lớn bằng đá, một lanh tô lớn cũng bằng đá đỡ vòm cửa hình mũi lao lớn bằng gạch phía trên. Giữa trán cửa ở vòm cửa ngoài cùng là một ô khám chứa hình điêu khắc thể hiện thần Siva múa (đã mô tả ở trên).
Tòa kiến trúc quan trọng thứ hai là tháp cổng, nằm ở phía đông, đối diện trực tiếp với tháp thờ. Tháp cổng cũng là một kiến trúc gạch và cũng có hình dáng, cấu trúc giống như ngôi tháp thờ, nhưng nhỏ hơn (cao chừng 10 mét). Vì có chức năng làm cổng, nên ngôi tháp này có hai cửa thông nhau (cửa đông và cửa tây) được trang trí đơn giản hơn so với ngôi tháp thờ và có bình đồ hình chữ nhật bè ra hai bên (phía bắc và phía nam). Mỗi mặt ngoài tường vách chỉ co ba cột ốp; chân các cột ốp không có hình trang trí áp. Về cơ bản, các các tầng trên của tháp cổng có cấu trúc, hình dáng và trang trí giống tháp thờ, nhưng chỉ có hai tầng chứ không phải ba. Hai cửa ra vào không nhô ra mà thụt vào so với mặt tường ngoài và có cấu trúc, hình dáng như các cửa giả.
Tòa kiến trúc thứ ba mà người Chăm thường gọi là tháp thờ thần Hỏa, nằm ở phía nam, lại có hình dáng và cấu trúc khác nhiều so với hai ngôi tháp vừa mô tả ở trên. Tòa nhà này nằm kéo dài từ đông sang tây (dài 8 mét, rộng 4mét), cao chừng 10 mét, có hai tầng giả bên trên và hai gian bên trong lòng. Gian phía Tây hình chữ nhật theo hướng đông – tây, có một cửa ra vào (phía Bắc) và một cửa sổ, gian phía đông chỉ có một cửa số và một cửa bên trong thông sang gian phía tây. Cả hai gian đều có vòm (vòm giả kiều so le giật cấp) tương ứng ở phía trên. Mặt tường bên ngoài của tòa nhà được trang trí các hình ngọn lửa bằng đất nung cắm vào. Mặt vòm ngoài cùng cũng được khóet vào làm ô khám, nhưng không mang hình điêu khắc gì. Các cửa sổ và cửa già cũng có hình dáng và cấu trúc như cửa chính, nhưng chỉ có hai lớp. Trong các ô khám của cửa sổ và cửa giả ở lớp vòm ngoài cùng lại có hình chạm bằng đá thể hiện người ngồi trầm tư như ở các khám của tháp thờ.
Tượng thờ (dặt trong tháp thờ) là một mukhalingai (linga có mặt người) đẹp còn được giữ gìn hoàn hảo. Phía trên linga, nhô ra đầu và cổ một vị thần. Vị thần khuôn mặt thanh tú, có bộ ria thưa, chòm râu nhọn và đôi mắt hơi xếch về phía mang tai. Đầu thần đội một chiếc mũ hình trụ, miệng tròn, ở giữa hơi mở rộng và được trang trí một băng nhỏ hình hoa bốn cánh. Phía dưới mũ, lộ ra bộ tóc được tết tinh vi. Thần đeo ở phía trên ngực một vòng cổ và ở tai một bảo thạch hình quả trứng nhọn. Cả chiếc mukhalinga được dựng trên bệ đá hình chữ nhật (dài 1,47mét, rộng 0,94mét) cao 0,24mét. Bệ được trang trí hai đường gờ nổi, đối nhau qua một dãy hạt tròn ở giữa.
Cho đến nay, người Chăm vẫn gọi mukhalinga là tượng vua Po Klaung Garai. Nhưng rõ ràng, vị vua đã được thần hóa và được thể hiện như thần Siva dưới dạng mukhalinga. Còn nếu xét về mặt phong cách và niên đại nghệ thuật, thì theo các nhà nghiên cứu, chiếc mukhalinga ở tháp Po Klaung Garai không phải là Jaya Simahalingesvara do vua Jaya Simhavarman III dựng vào đầu thế kỷ 14, mà là tác phẩm của cuối thế kỷ 16 hoặc đầu thế kỷ 17.
Dù tượng thờ hay các hình điêu khắc có được mô phỏng các thần linh của Ấn Độ, dù các tòa kiến trúc có phải làm đi làm lại nhiều lần, thì đối với người Chăm, khu tháp Po Klaung Garai và một vài đền tháp khác mới thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của người Chăm. Mbăng Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm được tổ chức để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc và ông bà, tổ tiên. Một trong những vị anh hùng đó là vua Po Klaung Garai. Lễ hội được tổ chức vào đầu tháng bảy (lịch Chăm) tại các tháp. Ngay vào ngày cuối của tháng sau, các thầy tế, các chức sức địa phương đã phải làm lễ thỉnh y tại danok (nơi giữ đồ lễ của vua) để hôm mang y phục lên tháp dâng lễ cho vua. Lễ gồm trứng gà; trầu, rượu và bánh trái. Trong khi các thầy tế làm lễ thì những người khác kéo đàn và hát bài hát ca ngợi công đức vua rồi múa mừng thần. Sáng hôm sau, mọi người làm lễ đưa lễ phục lên tháp. Đám rước thật đông vui, nhộn nhịp và trang nghiêm. Lễ phục được đặt trong kiệu đưa lên tháp, sau kiệu là một đoàn phụ nữ vừa đi vừa múa quạt. Tới tháp, các thầy tế làm lễ xin mở cửa tháp (Pơh Yang). Sau đó đến lễ tẩy rửa tượng vua (Pamưnay Yang) và lễ dâng, mặc lễ phục cho vua. Sau khi kết thúc lễ ở tháp, mọi người trở về nhà làm lễ cúng ông bà, tổ tiên, đi thăm hỏi nhau, vui chơi, ăn uống.