PDA

Xem đầy đủ chức năng : Giai điệu tình yêu - Quỳnh Dao



Băng Nhi
14-04-2006, 07:56 AM
Chương 1


Phi cơ cất cánh đã lâu.

Bên ngoài khung kính là những đám mây chập chùng.

Chí Tường tựa người vào ghế, mắt nhìn qua khung kính. Từng lớp từng lớp mây trôi qua.

Lần đầu tiên ngồi phi cơ, lần đầu tiên đi xa... Lần đầu tiên rời khỏi xứ sở - Đài Loan. Trái tim như tràn ngập hàng trăm cảm giác, giống như những đám mây kia, chập chùng những lấp lánh tia nắng. Hồi hộp, chờ đợi, nỗi nhớ... Bịn rịn rồi hy vọng... Phấn chấn với tương lai. Bao nhiêu thứ tình cảm mâu thuẫn tràn ngập lòng ngực. Tường không biết cái cảm giác của ông anh Chí Viễn lần đầu tiên xa quê hương có giống như chàng bây giờ hay không? Một thứ cảm xúc không làm sao diễn tả được... Có lẽ lúc đó, anh ấy hẳn lúng túng, căng thẳng hơn - Bởi vì lúc đó Viễn đến xứ lạ có một mình. Còn bây giờ, khi Tường sang đây, thì đã có Viễn.

Anh của Tường - Chí Viễn bấy giờ đang ở La Mã. Cái thành phố thần kỳ của nghệ thuật và âm nhạc đang chờ đón Viễn, muốn Tường đến đấy để chia xẻ cái vinh quang và sự thành công. Roma, đối với Chí Tường là thành phố của cả núi bưu thiếp mà Viễn đã gởi về. Cái thành phố mà báo chí điện ảnh, du lịch hay đề cập đến. Đây là đấu trường La Mã, đây là hồ phun nước... Phế tích thành Roma... Rồi còn hí viện Opera tráng lệ... Roma! Cái thành phố bấy lâu nay Tường hằng ao ước... bây giờ ta đang hướng tới và càng gần điểm hẹn là càng xa quê hương.

Quê hương! Chí Tường lắc đầu, cố chỉ nghĩ đến Roma để quên nỗi buồn xa xứ. Nhưng mà những đám mây bềnh bồng đang ngập đầy ánh nắng kia, lại như đang lóng lánh, những giọt lệ của cha và mẹ.

Ba mươi hai năm, chuỗi ngày quá dài để nuôi lớn hai đứa con nên người. Tám năm trước đã tiễn chân một Chí Viễn. Bây giờ thêm một Chí Tường, Chí Viễn ra đi đã tám năm. Thế còn Chí Tường bao giờ mới trở lại?

Ngồi tựa lưng vào ghế, Chí Tường nhắm mắt lại, mái tóc bạc phơ của cha với đôi kính trắng trên mắt như hiện ra trước chàng.

- Chí Tường này. Con đừng có bịn rịn với cha mẹ. Con phải biết một điều là cha mẹ hiện nay còn khoẻ lắm! Có tiếp tục dạy thêm hai mươi năm nữa cũng không có vấn đề. Cứ yên tâm ra đi. Cố nên người như anh của con. Con biết đấy, cha mẹ không phải thuộc lớp người cổ hủ. Cha mẹ không mong con phải đậu bằng này bằng nọ. Chỉ muốn là con học được một cái gì đó rồi trở về đây.

Người cha bao giờ cũng là người cha. Suốt một cuộc đời gõ đầu trẻ, và theo một thói quen nghề nghiệp. Đưa con lên phi cơ mà vẫn dặn dò như với một học sinh. Hãy cố gắng học tập. Mẹ thì khác. Dù gì mẹ cũng là một người đàn bà, giọng nói của mẹ thật "mềm":

- Bao giờ gặp anh con, nhớ nhắc cho nó biết đã tám năm rồi. Nó bây giờ coi như công đã thành mà danh đã toại. Vậy cũng đủ, bảo nó hãy quay về. Về cho mẹ nhìn xem, vả lại bây giờ nó cũng đã ba mươi hai tuồi rồi, cũng phải lập gia đình chứ? - Ồ? Đúng là đàn bà! Cha của Tường đã vội cắt ngang - Sao bà nói vậy? Âm nhạc với nghệ thuật đều giống nhau. Cái học đâu có bến bờ. Chí Viễn nó không về là bởi vì nó cảm thấy học thế vẫn còn chưa đủ. Vả lại bây giờ Chí Tường lại sang đấy, nó cũng phải ở lại ít ra là hai năm, để hướng dẫn em nó. Bà giục nó về đây làm gì? Bao giờ thấy cần là nó sẽ trở về chứ cần gì phải nhắc.

- Có thật như vậy không? Mẹ Chí Tường đã cười buồn - Chỉ sợ những chú én sau khi đã trưởng thành không còn nhớ đến tổ của nó mà về nữa.

- Bà nói thế là thế nào? Bà không tin con của chúng mình ư?

Cha đã trách yêu mẹ như vậy. Chí Tường thấy cha mẹ - đôi vợ chồng già mà vẫn còn "tình" làm sao đấy. Có điều cái tình cảm đó ở đây, lại khiến cho Chí Tường cảm thấy xót xa.

Đôi vợ chồng già chỉ có hai thằng con trai, lại bỏ đi cả. Rồi họ sẽ lủi thủi, sẽ chỉ biết sống dựa vào hy vọng và Tường đã không quên lời cha nói với mẹ: "Hai đứa con trai của mình đứa nào cũng vượt trội hơn người cả".

Lúc đó mẹ đã cười nhại cha:

- Dĩ nhiên rồi. Mấy ông thì người nào chả vậy. Con của mình lúc nào cũng hay cũng giỏi, chỉ có vợ của người khác là tuyệt là sang thôi.

- Bây giờ bà định ghen cả với mấy đứa con của bà à?

Lúc đó mẹ đã cười. Cha cũng cười và Chí Tường cũng không nhịn được cười. Có điều tiếng cười lúc đó nó có vẻ buồn buồn làm sao. Chí Tường chợt thấy cổ họng như nghẹn lại. Chàng đã bước tới, mở rộng đôi tay choàng qua vai hai người.

- Cha mẹ hãy yên tâm. Con và anh Viễn sẽ không bao giờ quên được nhà của mình. Khi đã thành tài, chúng con sẽ quay về ngay.

- Làm sao mới học đã thành tài? Như anh của con đó. Nó học xong mà có về đâu? Nó lại nhảy vào ca kịch viện...

- Thì đó cũng tại gène di truyền của mẹ. Mẹ phải hãnh diện về điều đó chứ? Anh con bây giờ được diễn chung với bao nhiêu người nỗi tiếng thế giới. Vậy mà mẹ còn chưa vui à?

Mẹ chàng đã cười. Nụ cười có vẻ an ủi, nhưng Tường vẫn thấy buồn. Sau đấy bà còn thở ra nói:

- Con cái thành công thì cũng hay, nhưng mà...

Cha đã cắt ngang:

- Tại bà thương nhớ nó nên nói vậy. Chớ mấy năm nay nhờ tiền của Chí Viễn gởi về ta đã thanh toán được gần hết nợ cũ, còn để lo cho Chí Tường đi du học.

Bây giờ dù không dư, nhưng chỉ cần vài năm nữa, sau khi tính sổ hết nợ mới này, tôi định rồi chúng ta cũng sẽ làm một vòng sang châu Âu để thăm chúng nó. Lúc đó cũng thoả mãn được một phần cái mơ ước của bà.

- Bây giờ cái mơ ước đó đã thay đổi.

- Nói đi, nói lại cũng tại bà quá yêu mấy con thôi. Rồi ông thở dài - Nếu mà hai đứa con của mình, nó bình thường như bao nhiêu người khác thì cũng xong. Đằng này chúng nó ưu tú quá...

Ưu tú? Chí Tường đưa mắt nhìn ra ngoài khung kính. Những đám mây trắng bềnh bồng. Ưu tú? Chợt nhiên Tường nhớ lại cái khoảng thiếu thời, hình như lúc đó Tường mới sáu tuổi. Lần đầu tiên Tường mang chiếc cúp vàng đoạt giải nhất về hội hoạ thiếu nhi toàn tỉnh về nhà. Cha đã nhìn chàng với ánh mắt kiêu hãnh:

- Cha đã nói rồi mà. Nhà ta không chỉ có một thiên tài về âm nhạc, mà còn có cả một nhà nghệ thuật trẻ tuổi.

Lúc đó người đã nổi tiếng là thần đồng - anh Chí Viễn vừa mười bốn tuổi. Chí Viễn đã tham gia vào ban hợp ca Nhi Đồng từ năm lên bốn. Ngay từ nhỏ nhà đã đầy ắp những chiếc cúp bạc, cúp vàng với bằng khen. Mẹ thường diễu cợt cha

- Ông dạy hội hoạ, còn tôi dạy âm nhạc, điều này cho thấy gen di truyền của tôi mạnh hơn của anh rồi đấy.

Sau lần Chí Tường lãnh cúp hội hoạ mẹ không còn lên giọng nữa. Chí Tường cũng không để Chí Viễn lấn át. Mỗi lần Chí Viễn mang về một chiếc cúp là Chí Tường cũng mang về như anh. Nhưng mà hội hoạ dù gì cũng khác với ca nhạc. Chí Viễn với cái giọng bẩm sinh lại được thêm sự bồi dưỡng về âm nhạc, nên ngoài những chiếc cúp ra chàng còn được tán thưởng bởi những tràng pháo tay. Ngay từ nhỏ Chí Tường thường hay cùng cha mẹ đến khắp nơi để nghe Chí Viễn trình diễn. Mỗi lần tiếng pháo tay nổ vang là khuôn mặt của mẹ rạng rỡ thế là Chí Tường cũng vui lây. Cũng cảm thấy cả người như nóng ran lên. Chí Viễn trở thành thần tượng. Tường đã sùng bái anh từ đó. Cái ông anh lớn hơn tám tuổi như một thiên thần trong mắt Tường, hình như Viễn cũng hiểu được điều đó, anh chàng thỉnh thoảng vò lấy những sợi tóc đã sẵn rối trên đầu Tường, nói với giọng kẻ cả:

- Chí Tường này. Anh của cậu là một thiên tài lớn, còn cậu? Cậu sẽ là thiên tài nhỏ.

Lúc nói giọng của Chí Viễn thân mật tự tin, nhưng cũng thật cao ngaọ. Chí Tường không nghĩ cái đánh giá thiên tài nhỏ là đã hạ thấp chàng, bởi vì trước dáng dấp to lớn của Chí Viễn, Tường cũng thấy anh nói đúng. Làm sao Tường lại không hãnh diện vì có một ông anh tài danh như vậy. Không những chỉ giỏi về ca nhạc, Viễn lại khỏe mạnh, nhớ có lần khi Tuờng bị những đứa bạn lớn hơn ức hiếp Viễn đã bước ra, ưỡn ngực với giọng như gầm:

- Đứa nào dám ăn hiếp em của tao?

Tiếng gầm giống như tiếng chuông vỡ, và lũ trẻ nghe thấy là bỏ chạy mất. Với Tường, Chí Viễn giống như một vị thần hộ mệnh.

Cái thời thơ ấu như thế rồi trôi qua. Tuy là Tường cũng thường được giải thưởng, từng được nhà trường ban cho danh hiệu "một kỳ tài hiếm có" nhưng trước những hào quang của Chí Viễn, Tường vẫn thấy mình nhỏ nhoi làm sao. Viễn vẫn thường xoa xoa mái tóc rối của Tường nói:

- Chí Tường, rồi sẽ có một ngày nào đó, anh sẽ cố gắng bồi dưỡng em. Mặc dù em chỉ là một thiên tài nhỏ.

Mới bảy tám tuổi Chí Tường đã biết nghểnh đầu nói với anh

- Anh Viễn, sau này anh có trở thành một nhà âm nhạc vĩ đại, thì em cũng chỉ mong được làm một hoạ sĩ nhỏ thôi.

- Cậu là người không có chí khí!

Chí Viễn vừa xoa đầu em vừa mắng yêu.

Và rồi, khi Chí Viễn tròn hai mươi bốn tuổi chàng đã ra nước ngoài du học. Cha mẹ gom hết những tài sản chắt chiu, mượn thêm một số tiền lớn của bạn bè để cho Viễn sang Roma. Bởi vì lúc đó có tới ba giáo sư ở viện âm nhạc đề cử chàng. Lúc Chí Viễn ra nước ngoài Chí Tường mới mười sáu tuổi, đứng ở phi trường Tường đã không nén được xúc động. Từ đây Tường phải xa anh. Người anh mà nó kính yêu. Nó đau khổ hơn cả cha mẹ. Chí Viễn như hiểu được lòng em. Đứng trước mặt Tường, nhìn em với ánh mắt cương quyết, Chí Viễn nói:

- Hãy đợi, nhà hoạ sĩ trẻ tuổi của tôi. Rồi tôi sẽ tìm cách đưa em qua đấy.

Nói xong Viễn lại xoa đầu Tường, rồi mới đi vào phòng quang thuế. Chí Tường với nước mắt ràn rụa nhìn theo. Sau đấy nó thấy anh nó bước lên máy bay, lên đến tận cầu thang, mà Viễn vẫn còn quay lại vẫy tay với nó. Cái hình ảnh đó mãi đến giờ, Tường vẫn chưa quên.

Vậy mà mới đây đã tám năm.

Từ đó đến nay sự liên lạc giữa hai anh em chỉ bằng thư tín. Viễn có tật lười viết thư, nên thường dùng bưu thiếp để báo cáo những chuyện cần thiết. Tốt nghiệp, vào viện nghiên cứu, lại tốt nghiệp rồi vào ca kịch viện. Từ một diễn viên nhỏ đến vai phụ, thăng tiến dần để trở thành diễn viên nổi tiếng... Chí Viễn bắt đầu gửi tiền về nhà. Gửi liên tục: "Để nhà hoạ sĩ tài ba của chúng ta chuẩn bị đi du học chứ". Viễn đã viết về nhà như vậy, và đúng như điều Viễn đã mơ ước. Chàng đã cung cấp gần đủ tiền để Chí Tường được ra nước ngoài.

Máy bay hình như hơi chồng chềnh, có tiếng ở micro kêu gọi mọi người hãy buộc dây an toàn. Tường làm theo và chợt nhiên tay lại đụng phải miệng túi áo. Ở đây có một bưu thiếp với ảnh của một đấu trường cổ, phía sau là nét chữ quen thuộc của Chí Viễn:

"Nhà hoạ sĩ vĩ đại.
Tất cả đã chuẩn bị đầy đủ. Học viện nghệ thuật XX sau khi xem bức hoạ của em gởi sang họ đã ca ngợi hết lời. Họ cho em là một thiên tài hiếm có. Học phí... em khỏi phải quan tâm. Đã có anh ở đây. Anh cũng đã nhận được thư của em. Anh sẽ ra sân bay đúng giờ đón em. Anh em ta cách nhau đã tám năm. Chắc khi gặp nhau hẳn vui lắm! Hãy chuyển lời tới cha mẹ. Nói người an tâm, vì mọi chuyện của em đã có anh chu tất.

Anh
Chí Viễn"

Chí Tường trịnh trọng cho tấm bưu thiếp vào túi áo. Chí Viễn lúc nào cũng như vậy. Lời ít nghĩa nhiều. Tường lại đưa mắt nhìn ra khung cửa. Những đám mây bềnh bồng vẫn nối đuôi nhau lùi ra sau, qua những áng mây đó Tường như nhìn thấy mái tóc bạc phơ của cha mẹ với những giọt nước mắt. Nhưng ánh mắt vẫn viền sáng quanh mây, như báo cho chàng biết, một tương lai rực rỡ và ông anh vĩ đại đang chờ đón chàng.

Băng Nhi
14-04-2006, 09:40 AM
Chương 2


Đến Hongkong Chí Tường được chuyển sang một chuyến BOAC để bay thêm hai mươi tiếng nữa. Cuối cùng phi cơ đã dừng lại ở phi trường Roma. Lúc đó là tám giờ ba mươi phút sáng. So với múi giờ ở Đài Bắc xê dịch đúng bảy tiếng.

Cái đồng hồ to trên tháp phi trường Roma cho biết giờ chuẩn địa phương. Chí Tường chỉnh đồng hồ đeo tay, rồi đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm. Sân đón khách đông nghẹt người. Toàn là những khuôn mặt lạ. Bên tai là tiếng nói của người bản xứ. Chí Tường chợt như có cái cảm giác của người nằm mơ. Làm thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý. Hành lý quá cồng kềnh. Mẹ lúc nào cũng là mẹ. Người cứ chuẩn bị cho Tường một va li chật ních áo quần đủ cả bốn mùa xuân hạ thu đông. Đó là chưa nói còn quần áo của Chí Viễn nữa. Tay va li, tay mang gói lớn, gói nhỏ. Ra khỏi cửa, lại một màn nhìn quanh tìm kiếm. Chí Viễn đứng đâu? Anh Viễn cao những một thước tám, đẹp trai, chắc cũng không đến nỗi khó tìm. Chí Tường vừa đi vừa nhìn. Nếu vì một lí do nào đó anh chàng không ra đón thì sao? Chắc phải nhiều lúng túng. Bởi vì đây là lần đầu tiên Chí Tường ra nước ngoài. Chàng chưa thích ứng với những tình huống như vậy.

- Chí Tường.

Một tiếng gọi quen thuộc, thân thiết, nhiệt tình mà lâu lắm rồi Tường không nghe. Chàng quay người lại, chưa nhìn rõ mặt người, thì đã bị hai cánh tay như hai gọng kìm xiết chặt.

Tường vui sướng.

- Anh Viễn. Vậy mà em tường là anh chưa ra tới.

- Làm sao chưa ra được. Chí Viễn thở dốc nói - Anh đã đợi em ở đây suốt ba tiếng đồng hồ. Này nhé, ngồi trên băng ghế dài đằng kia, hút thuốc, hồi tưởng trong lúc chờ đợi.

Rồi Chí Viễn vỗ mạnh lên vai Tường một cái, mắt anh chàng như ướt ra.

- Ồ! Chí Tường, cậu bây giờ cao quá. Cao đến độ tôi không còn xoa đầu cậu được. Cậu cũng đẹp trai nữa nhé, đẹp như lúc tôi còn trẻ.

Chí Tường nhìn anh... Đến giờ chàng mới có dịp ngắm anh. Ông anh đã cách nhau tám năm trời... Ồ, cái khoảng thời gian từ hai mươi hơn đến ba mươi hai dài lắm ư? Tại sao Chí Viễn lại nhiều thay đổi thế? Anh vẫn đẹp trai. Có điều gầy đi. Nơi đuôi mắt bắt đầu có nếp nhăn... Viễn cũng đen hơn. Có lẽ cái nắng ở Roma gắt hơn ở Đài Bắc. Anh ấy hơi mệt mỏi, tiều tuỵ. Hậu quả của cái nghề ca hát lấy đêm làm ngày? Đúng ra giờ này phải là giờ anh ấy nghỉ ngơi. Chí Tường chợt nghe cả mùi rượu và mùi thuốc lá... Nghệ sĩ nào chẳng vậy... Cuộc sống buông thả... Chợt nhiên Chí Tường chăm chú nhìn anh. Hai anh em lại xiết chặt nhau.

- Hãy cho anh biết! Chí Viễn lên tiếng - Ba mẹ ở nhà khoẻ chứ em?

- Dạ... Tóc cha thì đã bạc... Còn mẹ thì mẹ cứ trách anh luôn.

- Trách anh?

- Vâng, mẹ bảo, anh không chịu viết thư về nhà. Có thì giống như đánh điện tín, chỉ sơ sài có mấy dòng... Mẹ cũng trách anh là không chịu cưới vợ... À... Anh cả này, có phải là... Anh đã có vợ Ý ở đây rồi phải không? Nên không dám báo cho nhà biết?

- Cậu hoàn toàn đúng đấy!

Chí Viễn cười lớn. Nụ cười thật trong sáng như ngày nào.

- Đúng à? Tường đã tròn mắt nhìn anh - À thế, chị ấy có cùng đi với anh ra đón em không?

- Nói đùa với cậu thôi. Khờ quá! Chí Viễn vừa đưa tay xách hộ va li cho em vừa nói - Anh làm sao dám cưới mấy cô người nước ngoài? Cái mùi da của họ hăng hắc làm sao ấy. Thôi đi nào. Về đến nhà nghỉ ngơi một lúc. Bao giờ rảnh, anh sẽ đưa em đi tham quan thành phố Roma nhé.

Ra khỏi phi trường. Cái nắng hè chói chang. Tường không ngờ mùa hè ở Châu Âu lại nóng thế này. Viễn đặt va li xuống đất, nói với Tường.

- Em đứng đây đợi anh nhé. Anh qua bãi đậu xe lấy xe qua.

- Anh cũng có xe riêng nữa à?

Chí Tường ngạc nhiên hỏi. Bởi vì làm giáo viên trung học ở cái xứ Đài Loan như cha với mẹ đâu có sắm nỗi chiếc xe bốn bánh. À! Thôi hiểu rồi! Dù gì anh Chí Viễn cũng là một diễn viên. Cuộc sống đương nhiên phải cao.

- Xe anh cà tàng lắm. Chí Viễn do dự một chút nói - Em có biết là ở Châu Âu mà không có xe giống như bị cụt chân không. Hôm trước biên thơ về... Anh cũng đã nói chuyện đó rồi mà?

- Thư của anh gởi về nhà, cái nào cũng cụt ngủn làm gì có nói rõ chuyện đó?

Chí Viễn cười. Không hiểu sao, nụ cười lại có vẻ thật gượng gạo. Rồi chàng bỏ đi lấy xe. Chí Tường chợt có cảm giác như mình vừa làm gì sai trái. Đúng ra không nên trách anh Viễn. Anh ấy hẳn rất bận, bận đến nỗi không rảnh để viết thư... Cũng có thể là... Cuộc sống của một diễn viên có rất nhiều thứ phức tạp... mà không diễn đạt được. Cha mẹ thì già, đầu óc bảo thủ. Có nhiều chuyện nói ra... có khi không chấp nhận được... Tường nghĩ và gật gù... Mặc... Anh cả có thế nào... Nếp sống của anh ấy ra sao thì... Ta là người trẻ tuổi ta phải đứng về phía anh ấy. Nhất định phải như vậy.

Có tiếng còi xe reo vang, Chí Tường ngẩn nhìn lên. Viễn đang từ trên xe nhảy xuống. Tường mở to mắt ngạc nhiên. Viễn không nói ngoa. Đúng là một chiếc xe cà tàng. Có lẽ màu nguyên xi của nó phải là màu đỏ... Vậy mà bây giờ đỏ không ra đỏ, hồng không ra hồng. Vết sơn lại loang lổ. Đèn xe vỡ, thân xe thì nhiều chỗ bị móp méo.

Chí Viễn vừa mang hành lí của Tường bỏ vào xe vừa nói như để giải thích.

- Bọn Ý ở đây vậy đó, chúng lái xe rất ẩu, bị đụng xe là bình thường, vì vậy sắm xe cho tốt cũng vô dụng thôi. Nếu nhà anh mà không xa hí viện lắm, thì chắc anh cũng không thèm sắm xe làm gì.

Rồi Viễn nhìn Tường như định nói thêm điều gì nhưng lại thôi, chỉ bảo

- Nào lên xe đi. Lên xe rồi chúng mình sẽ tiếp tục câu chuyện.

Chí Tường bước lên xe. Chàng cảm thấy ông anh như có cái gì đó là lạ.

Viễn cho xe nổ máy. Máy xe nổ lớn như xe tăng. Chiếc xe run rẩy rồi... máy lại tắt. Chí Viễn lầm bầm gì đó trong miệng. Có lẽ là nói tiếng Ý. Rồi nổ máy rồ ga lại, một lúc sau khi máy xe bắt đầu nóng, nó rú lên rồi trờ tới.

Xe đã ra giữa lòng đường. Viễn đốt điếu thuốc, vừa hút vừa lái xe. Đôi mày chau lại đầy vẻ suy nghĩ. Chí Tường không quen mùi thuốc lá, nói

- Anh Viễn, hình như anh hút thuốc hơi nhiều?

- À... Cũng tạm.

- Nhưng mà hút thuốc có ảnh hưởng gì đến giọng hát không?

- Ờ.

Chiếc xe quẹo cua gắt, suýt tí đã đâm sầm vào một chiếc đang ngược chiều. Viễn vừa bấm còi, vừa văng tục. Chí Tường toát cả mồ hôi.

- Anh Viễn... Em thấy thì ở nước Ý này lái xe là cả một nghệ thuật?

- Đúng, vì vậy nếu em mà lái xe thành thạo ở nước Ý này thì em có thể lái một cách vững chãi ở mọi nơi trên thế giới.

Chí Viễn vừa nói vừa nhìn về phía trước, chiếc xe lách giữa dòng xe... Một lúc, Viễn chợt tắt thuốc, nói

- Chí Tường, anh có chuyện muốn nói với em.

Chí Tường đang bị lôi cuốn bởi những kiến trúc cổ điển tây phương ở hai bên đường. Những ngôi nhà thờ với những phù điêu những vòi phun nước ở góc phố. Tường chợt kêu lên.

- Ồ! Khải hoàn môn! Vậy mà em cứ tưởng là chỉ có Paris mới có Khải hoàn môn chứ? Ồ còn đằng kia là gì? Đấu trường ư? Đấu trường của thởi cổ La Mã. Xe ngựa nữa kìa. Ồ! Chắc em điên mất. Những hình ảnh này làm em phát điên lên. Anh có thể ngừng xe lại, cho em lấy giấy bút ghi lại không?

- Chí Tường. Viễn có vẻ suy nghĩ rồi cười nói - Thời gian em ở đây còn dài. Bây giờ hãy về nhà nghỉ ngơi. Chiều rãnh chúng ta lại quay ra đây. Hôm nay mới là ngày đầu đến Roma mà?

- À! Ban nãy anh vừa bảo là - Có chuyện muốn nói với em?

- Ờ... Chí Viễn lại đốt thêm điếu thuốc - Để về nhà rồi nói sau.

Chí Tường chợt quay qua, hồ hởi nói

- Anh Viễn... Bây giờ anh đưa em đến một nơi được không?

- Nơi nào?

- Cái hí viện nơi anh trình diễn. Em muốn xem mấy nơi giới thiệu rồi đến sân khấu và phòng hoá trang của anh nữa.

- À! Chí Viễn căng thẳng - Để hôm khác đi. Suốt đêm qua vì nôn nóng chuyện em đến, nên anh không ngủ được. Bây giờ mệt quá... Vả lại bây giờ cũng đã đến giở dùng cơm trưa rồi.

À! Thì ra là vậy. Chí Tường quay lại nhìn anh. Hèn gì anh ấy chẳng mệt mỏi. Chẳng phải hút thuốc liên tục. So với anh, Tường thấy mình ấu trĩ quá. Nhưng mà mới đến nơi đất khách quê người mọi thứ cái gì cũng lạ, cũng hấp dẫn... nên Tường quên bẵng... Chàng chợt thấy xấu hổ.

- Em... xin lỗi anh nhé.

Tường nói. Chí Viễn chỉ đưa tay qua nắm lấy tay chàng xiết nhẹ, không nói gì cả.

Chiếc xe băng qua khu thương mại... Những kiến trúc cổ hiếm hoi dần. Chí Tường vẫn hướng mắt ra ngoài. Nơi ở của Chí Viễn rõ là xa... nhưng mà Tường cũng nghe nói, ở phương Tây... nhà giàu mới ở ngoại ô. Xe lượn quanh vào một con đường nhỏ... Hai bên là hai dãy nhà không lấy gì sáng sủa lắm. Có nhiều cái còn giống như những căn nhà cất bất hợp pháp ở khu ổ chuột thành phố Đài Bắc.

Thỉnh thoảng Tường bắt gặp mấy mụ đàn bà áo quần xộc xệch đứng phơi áo trước nhà... Con đường có lắm trẻ con. Chúng đang rượt đuổi nhau... chửi bới... Không tránh cả xe.

Rồi chiếc xe ngừng lại trước một toà nhà cũ kỹ, đổ nát.

- Đến rồi! Chí Viễn đơn giản nói - Lên lầu hai, quẹo qua trái. Đừng lộn mặt nhé. Bên mặt là nhà một tay say rượu, khiếp lắm. Đừng đụng đến hắn.

Chí Tường xách hành lí theo anh lên lầu. Cầu thang bằng gỗ, không có thang máy, bước lên mỗi bước đều nghe tiếng gỗ ọp ẹp. Đến lầu hai, quẹo trái. Viễn lấy chìa khoá ra mở cửa. Tường lặng lẽ bước theo vào.

Trong nhà, mùi ẩm mốc toả ra. Phòng chẳng đủ ánh sáng. Tường nhìn quanh "phòng khách" quan sát. Một bộ salon cũ kỹ, sách báo chồng chất. Một bàn làm việc, một ngọn đèn bàn, mấy chiếc ghế... Rồi một cái bàn ăn. Bốn bức tường thì sơn đã loang lổ với những vết ố do tường bị thấm dột. Cửa sổ với những tấm vải màn cũ kỹ... Chí Tường nhìn vào phòng ngủ. Trước cửa buồng có đôi liễng với nét chữ của Viễn.

"Xuân đi thu lại tuổi cứ cao
Góc biển chân trời chí cứ nản"

Chí Tường ngẩn ra rồi quay lại nhìn anh. Viễn đứng đấy yên lặng. Hai anh em cứ thế nhìn nhau. Mãi cho đến một lúc thật lâu, Tường mới hỏi - Có phải là... Anh cũng không có vai gì quan trọng trong nhạc viện, phải không?

Chí Viễn thú nhận

- Công việc đâu có dễ tìm. Nhất là... với những người đông phương như mình.

- Nhưng anh vẫn có việc làm ở nhạc viện chứ?

- Đúng.

- Vai phụ?

Chí Viễn yên lặng. Tường bước đến đặt tay lên vai anh.

- Không cần biết anh là diễn viên vai gì. Chí Tường xúc động nói - Anh vẫn là một thiên tài thanh nhạc, anh vẫn là ông anh vĩ đại đáng kính của em... Bây giờ em đã đến đây, chúng ta sẽ cùng nương nhau, cùng tiến... chậm nhưng vững chắc. Em sẽ giấu cha chuyện này, nhưng mà...

Chí Tường đột ngột bước ra cửa phòng ngủ, xé tan hai tấm liễng.

- Chí anh vẫn còn, không nản... Đúng không? Em nói vậy đúng không hở anh?

- Đúng! Chí Viễn nói, mắt long lanh đầy cảm xúc - Anh sẽ cố gắng như điều em nghĩ!

Cathumufy
14-04-2006, 11:48 AM
bạn ơi . Truyen nay hay lem do. post tip di nha.

Băng Nhi
14-04-2006, 11:58 PM
Chương 3


Chí Tường và Chí Viễn cuối cùng ngồi đối diện nhau. Chí Viễn lại đốt thêm một điếu thuốc, mặc dù chiếc gạt tàn để cạnh chàng đã đầy ắp tàn thuốc. Căn phòng vắng lặng, chỉ có khói thuốc phủ mờ. Viễn yên lặng nhìn em. Cậu em trai của chàng năm nay hai mươi bốn tuổi. Chứ không còn là mười sáu. Cái ngày mà chàng bỏ nước ra đi. Hắn cũng có tất cả những cái mà chàng có bấy giờ. Sự hăm hở, lý tưởng, nhiệt tình, sự phóng khoáng và hiếu kỳ. Chí Tường! Với mái tóc đen sẫm hơi quăn. Khuôn mặt trẻ trung và thông minh. Đôi mắt ngập đầy sự trong sáng. Chí Viễn ngắm mà tưởng chừng như nhìn thấy bóng dáng của mình của tám năm về trước.

- Anh cả. Chí Tường đột ngột lên tiếng - Bây giờ thì em hiểu rồi. Mấy năm qua, anh không sống một cách thuận lợi như nhà đã tưởng. Thấy anh cứ gởi tiền về liên tục, gia đình được giúp đỡ, còn có dư một phần để lo cho em đi ra đây. Và bây giờ, em đã có mặt ở đây... Em đã thấy rõ mọi thứ. Vậy thì, anh hãy để em có ý kiến nhé. Em sẽ không đi học, em phải đi làm kiếm tiền trước.

- Thứ hai tuần sau là trường đã khai giảng. Học phí của em anh đã đóng xong. Chí Viễn nói nhanh - Ngày mai này em phải mang hộ chiếu theo anh đến trường để làm thủ tục nhập học. - Em phải biết là, em đến Roma để học chứ không phải để đi làm.

Chí Viễn nhìn em nói một hơi. Giọng nói của chàng đầy mệnh lệnh.

- Em chỉ nên biết một điều là... Em sẽ sống một cách gian khổ, ăn uống tiện tằn một chút. Có điều anh đảm bảo với em chuyện học phí và đời sống đã có anh. Cái đó anh còn khả năng lo được...

- Anh Viễn. Tường đã nhìn anh xúc động nói - Anh nghe em nói nè...

- Em khỏi phải nói gì cả. Viễn đứng dậy, đi một vòng trong phòng - Tất cả những gì liên quan tới em, anh đã chuẩn bị xong tất... Đến xứ Roma này, em chỉ biết một điều là học và phải vâng lời anh.

Rồi Chí Viễn bước tới trước mặt Tường với nụ cười.

- Nhà hoạ sĩ nhỏ ạ. Cậu đừng có tưởng tượng về ông anh thiên tài của mình nhiều quá nhé. Đúng rồi... Anh của cậu chưa gặp thời. Không hề đóng những vai chính... Chỉ là phụ cho những vai phụ... Vâng... Vì vậy... lương bổng không cao... Nhưng mà... Vẫn có thể sống qua ngày được... Chí Tường... Em tin anh chứ?

Chí Tường nhìn anh, chợt thấy lòng êm ả.

- Vâng, đương nhiên là em phải tin anh. Anh Viễn.

- Vậy thì hãy phấn chấn lên, chứ làm gì lại mày châu ủ dột như vậy? Chí Viễn vừa cười vừa nói - Hôm nay là ngày đầu tiên cậu đến Roma, tôi phải có cái gì với cậu mới được.

Chí Viễn chưa dứt lời, thì bên ngoài đã có tiếng gõ cửa. Chí Viễn vừa có vẻ hồ hởi vừa có vẻ bí mật.

- Cô ấy đã đến!

Chí Tường ngạc nhiên.

- Ai vậy?

Viễn không đáp chỉ cười. Chàng bước ra mở cửa. Bên ngoài là một cô gái, hoàn toàn phương Đông. Tóc đen thả dài, một khuôn mặt bình dị với nụ cười đang chăm chú ngắm Tường với Viễn.

Viễn nói ngay với cô gái:

- Này Ức Hoa, cô xem này. Tôi nào có nói dối đâu? Cậu em tôi đẹp trai lắm đấy chứ?

Thì ra đây là một cô gái Tàu. Chí Tường đứng dậy, lúng túng. Cô gái tên Ức Hoa đã bước vào. Người có vẻ tự nhiên. Đôi mắt to đen, dịu dàng.

- Vậy là anh vui rồi nhé. Cô gái nói với Viễn. Tiếng Trung Quốc của cô ta rất chuẩn - Thấy anh cứ trông ngóng, trông ngóng mãi. Bây giờ thì em của anh cũng sang đến đây.

- Chí Tường. Chí Viễn đã ngoắc Tường đến gần - Cậu lại đây. Đây là Cao Ức Hoa. Cha cô ấy nói là... lúc cô ấy vừa chào đời đã định về thăm lại quê hương. Nên mới đặt tên là Ức Hoa. Được cha dạy tiếng Hán ngay từ nhỏ, nên Ức Hoa giỏi tiếng Quan Thoại lắm. Vậy mà mãi đến bây giờ Hoa vẫn chưa về Trung Quốc được. Sinh ra tại Ý mà giỏi tiếng Hoa thế này là cừ lắm. Bởi vì chín mươi phần trăm trẻ con người Hoa ở nước ngoài đâu biết tiếng Hoa. Đúng không hở?

Ức Hoa chỉ đứng đấy cười không nói. Chí Tường thấy giữa Hoa và anh của chàng hình như có mối dây liên hệ gì đó. Nghĩ thế nên Tường ngắm kỹ Hoa hơn.

Cô gái có vẻ còn trẻ. Khoảng hai mươi trở lại. Chiếc áo sô rộng màu sữa. Váy thắt nơ màu xanh biển có điểm hoa. Một nét đẹp tự nhiên như đoá hoa ban mai. Hay lắm! Dù gì thì anh của chàng sống ở nước ngoài cũng không đến nỗi đơn điệu.

Cái nhìn của Chí Tường làm Ức Hoa lúng túng, cô nàng đỏ mặt nói

- Nhanh lên, anh Viễn. Cơm nước bên nhà em đã chuẩn bị xong, quý vị sửa soạn nhanh lên để không cha em phải chở.

Chí Viễn không phải là không thấy cái đỏ mặt của Ức Hoa nên chàng một tay nắm lấy tay Tường, một tay nắm lấy tay Ức Hoa nói

- Cậu Tường, anh là đàn ông, kỹ thuật làm bếp kém cỏi, nên anh đã nhờ Ức Hoa đây chuẩn bị cho bữa tiệc đón em. Đừng có xem thường nhé. Cô ấy nấu ăn rất siêu. Món ăn tuyệt hảo, chưa chắc em vào nhà hàng mà có ăn. Đây cũng là lý do tại sao anh không dừng ở dọc đường ban nãy. Anh không muốn để Ức Hoa chờ. Ăn cơm xong, nếu chiều nay không mệt mỏi... ba người chúng ta có thể với chiếc xe cà tịch cà tàng này, làm một vòng Roma.

- Anh cả! Anh cũng thật là... Chí Tường liếc nhanh về phía Ức Hoa - Anh đã làm phiền cô Hoa đây.

- Sao lại quan trọng như vậy? Chí Viễn kêu lên - Mới cách nhau có tám năm mà cậu biến thành người lớn, lịch thiệp khách sáo. Cậu nên biết là Ức Hoa không hề câu nệ gì cả đâu. Ở đây thân như trong nhà, chỉ gọi tên là được. À, Ức Hoa còn có một cái tên Ý nữa nhé: Phờ-lo-ren-cis-ka. Cái tên nghe luộm thuộm quá. Thôi thì cứ gọi Ức Hoa cho dễ nhớ... Dù gì mình cũng không phải là người Ý. Thôi đi nào! Ta đến nhà Ức Hoa. À... Chí Tường, em phải tự nhiên đấy... Đến đấy cứ nghĩ như ở nhà... Đừng phân biệt hay khách sáo gì cả...

Giọng nói của Viễn cho thấy một sự thật rõ ràng. Tường chợt mỉm cười, yên lặng

Ra khỏi cửa, xuống lầu, họ lại ở giữa cái nắng. Mặt trời ở Roma rực rỡ mọi nơi... Khu nhà ổ chuột! Bất giác Chí Tường tự hỏi, không biết tất cả những đô thị lớn trên quả đất này... đều có những khu vực như thế này ư? Nhưng mà ổ chuột thì ổ chuột. Cái không khí, cái tình tự dân tộc mỗi nơi vẫn đậm đà... Những con đường lát đá... Những ngôi giáo đường nhỏ cuối hẽm với thập tự giá cô độc... Những cửa hiệu nhỏ đặc thù, quán bánh mì, cà phê, quán rượu, rồi quán Pizza (một loại bánh của Ý). Một người đàn bà mập đang đứng ăn bánh Pizza trước tiệm bánh, bà ta cho thêm phômát lên bánh rồi mới ăn. Chí Tường ngạc nhiên.

- Người Ý có vẻ thích ăn phômát dữ?

- Đúng thế. Chí Viễn giải thích - Phômát và bia. Vì vậy em thấy đấy, tám phần mười dân Ý là dân mập.

Họ dừng chân trước một cửa hàng da giày. Các cửa hiệu này có cửa rất nhỏ. Phía trên treo quảng cáo mấy tấm da cừu, da trâu, mấy đôi giày với một tấm biển bằng tiếng Ý và Anh mà khi dịch ra có nghĩ là "Tiệm giày Ha-ra. Chuyên sửa, đóng mới, giao hàng đúng hẹn". Ngay lúc đó Ức Hoa chợt nói.

- Đến rồi!

Chí Tường kinh ngạc. Không ngờ nhà Ức Hoa là một tiệm giày.

- Cha em hành nghề này lâu lắm rồi. Lúc đầu chỉ là học việc sau đấy mới mở tiệm. Ha-ra là tên Ý của ông ấy đấy.

Chí Viễn nhìn Tường tiếp lời.

- Cậu có biết... nghề da giày là cái nghề nổi tiếng khắp thế giới của dân Ý đấy.

Cái đó thì Tường biết. Giày Ý nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng mà ở đây ông thợ đóng giày là người Trung Quốc. Chí Tường còn đang phân vân thì Ức Hoa đã đẩy cửa.

Có tiếng chuông leng keng. Tiếp đấy Ức Hoa nói to vào trong.

- Cha ơi, khách đến rồi đây này!

Chí Viễn phụ hoạ.

- Phải phạt mới được.

Ức Hoa ngạc nhiên

- Sao vậy?

- Bởi vì ban nãy đã bảo là người nhà cả. Vậy mà còn gọi là khách... Ai là khách của cô?

Chí Viễn hất hàm hỏi, làm Ức Hoa lại đỏ mặt. Ngay lúc đó trong nhà có giọng nói ồn ào vọng ra.

- Chí Viễn, Chí Tường đến đấy à!

Tiếp đó là một ông già tóc bạc phơ, dáng dấp trung bình bước ra. Mặt ông đầy nếp nhăn phong trần nhưng mắt rất sáng. Một ông lão khoẻ mạnh, Tường nghĩ, trước bụng ông có một chiếc tạp dề. Có lẽ ông đang làm việc. Mùi da thú còn bốc nồng từ người ông.

- Dạ bác. Viễn lên tiếng một cách thân mật - Đây là Chí Tường, em trai con. Rồi Viễn đẩy Tường ra phia trước - Bác ngắm kỹ xem, hoạ sĩ tài ba tương lai đấy. Trông cũng đẹp trai chứ?

Chí Tường lúng túng, cúi chào người già trước mặt

- Chào bác Cao ạ.

- À. Tự nhiên. Ông lão có vẻ vui tính - Ở đây người Hoa quen biết họ gọi bác là Cao, dân Ý thì gọi là Ha-ra. Chứ đúng tên cả họ của bác phải là Cao Tổ Âm. Từ ngày mẹ của Ức Hoa qua đời, không còn ai gọi cái tên tộc đó của bác nữa.

- Cha cứ hay nhắc lại chuyện cũ. Ức Hoa vội vàng bước tới mở tạp dề cho cha ra - Cha mãi giờ này mà vẫn còn mang cái này.

Ức Hoa trách cha một cách trìu mến, làm ông lão vội vã nói...

- Thôi được rồi, cha sẽ không nhắc chuyện cũ nữa. Hôm nay là ngày vui, phải không Chí Viễn? Chúng ta phải uống một tí ăn mừng... Hôm nay Ức Hoa nó làm một bữa cơm khá thịnh soạn... Có lẽ nó tưởng mình đều là tay háo ăn cả đó.

- Cha kỳ quá!

Ức Hoa lại đỏ mặt là liếc nhanh về phía Chí Tường.

- Sao vậy? Ông Cao Tổ Âm trợn mắt - Hôm nay cha làm gì cứ bị rầy mãi, phải không? Nào vào đi! Lên bàn ngay. Ông thân mật nắm tay Chí Tường, rồi chợt đứng sững lại ngắm, và nói - Này Chí Viễn, nó trông hệt như cậu vậy đó...

Chí Viễn chợt nói nhanh.

- Bác muốn nói là nó hệt cháu lúc tám năm về trước ư?

- Anh Viễn. Ức Hoa lên tiếng, giọng nói dịu dàng làm rung động lòng người - Quý vị định để thức ăn của em nguội lạnh cả à?

- Thôi vào mau! Vào mau! Ông Cao Tổ Âm giục - Chí Tường này, cậu thấy đấy nhà chúng tôi tuy nghèo, rách nát nhưng mà... chúng tôi không thiếu lòng thành. Cậu thấy không, con gái tôi đã làm khá nhiều món ăn...

Qua khỏi căn phòng vừa dùng làm cửa hàng vừa làm giày là đến một căn phòng ăn nhỏ. Căn phòng này hoàn toàn kín mít. Không có lấy một chiếc cửa sổ. Vì vậy, dù là ban ngày, vẫn phải mở đèn sáng choang. Giữa phòng là một chiếc bàn hình chữ nhật, khăn trải bàn kẻ ô vuông đỏ. Bốn phần ăn, bốn khăn tay... Thức ăn phong phú đủ cả gà, vịt, cá... Còn đang bốc hơi thơm phức. Giữa bàn có một chai rượu màu đỏ.

- Ồ. Con gái keo kiệt của cha. Ông Tổ Âm chọt kêu lên, sao con càng ngày càng khó tính vậy? Lấy chai rượu ngon một chút nào? Chai Napoléon đó.

Ức Hoa lắc đầu.

- Con thấy cha và anh Chí Viễn... tốt nhất không nên uống rượu mạnh.

Chí Tường đứng bên cạnh bây giờ mới lên tiếng.

- Được rồi... Con thì không biết uống rượu. Anh Viễn cũng không nên uống rượu cao độ quá... Như vậy sẽ ảnh hưởng đến giọng hát.

Chí Viễn chợt ho khan một tiếng, rồi lui ra sau. Hình như có cái gì đó - Ức Hoa và ông lão không hẹn mà đưa mắt nhìn nhau. Chí Viễn liếm nhẹ môi. Rồi nói

- Thôi kệ... Hôm nay là ngày đầu em đến, hãy để anh say một chút chớ?

Ức Hoa lắc đầu

- Phải có người kèm anh thì hay hơn.

Ông Tổ Âm chợt vỗ hai tay vào nhau, nói

- Nào ngồi vào nào! Tôi đói quá rồi. Con gái, bảo các anh vào bàn đi.

Mọi người ngồi xuống. Chí Tường nhìn lên vừa kịp thấy Viễn đang nháy mắt với Ức Hoa. Hình như họ đang bàn tính hay kế hoạch một cái gì đó. Tường ngẩn ra. Còn ông lão? Ông ta như chẳng để tâm đến ai cả, cười một cách thoã mãn với chai rượu. "Bốp!" chai rượu được mở ra. Không biêt loại rượu gì mà tiếng nổ như Champagne. Rượu đã tràn ra, được rót vào ly.

Màu rượu đỏ như là máu!

Băng Nhi
15-04-2006, 10:41 AM
Chương 4


Những quảng trường rộng lớn. Đài kỷ niệm, tượng thần La Mã, khu phế tích, đấu trường cổ. Cổng thành xưa, rồi những vòi phun nước...

Chiếc xe cà tàng của Chí Viễn đưa ba người đi một vòng những di tích lịch sử, những kiến trúc đồ sộ từ thời César, Neron. Anh hùng hay bạo chúa, nhà nghệ thuật hay điêu khắc gia. Con người rồi biến đi theo thời gian. Còn lại chăng là những cột nhà, những phù điêu, những hình tượng trơ gan với tuế nguyệt.

Vâng. Chí Tường như bị mê hoặc trong đống phế tích đổ nát đó. Ai bảo Roma là một thành phố? Phải nói đấy là một hiện thân của nghệ thuật. Chí Viễn rất chịu khó, chàng dừng lại từng nơi một. Tiếc một điều là chiếc xe quá khó tính. Mỗi lần dừng lại rồi đi, khởi động máy là nó lại run rẩy, cằn nhằn, hổn hển thở.

- Hôm nay coi như cậu chỉ coi lướt qua thôi. Chí Viễn nói với Chí Tường - Sau này cậu còn nhiều thời gian, cậu có thể tỉ mỉ quan sát. Những pho tượng này it ra phải quan sát ba ngày, mới gọi là đầy đủ.

- Đừng có quên đến Vatican, ở đấy có những bức bích hoạ của Mikenlăng Giêlô nổi tiếng. Ức Hoa nói - Ngoài ra còn có đầu tượng của Adam, đều là những tuyệt tác của thế giới.

Chí Tường kinh ngạc quay sang Ức Hoa:

- Cô cũng đang học nghệ thuật à?

Ức Hoa đỏ mặt:

- Anh làm tôi xấu hổ. Tôi chỉ là một con người tầm thường, học hành chẳng đến đâu, làm sao dám nói đến chuyện nghệ thuật?

Chí Viễn tiếp lời.

- Cô ấy chỉ học đến tốt nghiệp phổ thông! Sau đấy vì nhà không có người. Vả lại ở xứ này học phí khá cao.

- Anh đừng nói giúp tôi như vậy. Ức Hoa vừa cười vừa nói - Nói thật là tại tôi quá ngu đần, không có chí. Tôi cũng không phải là một thiên tài, tôi chỉ là một đứa con gái bình thường. Thấy cha mình cứ mãi làm thân trâu ngựa để nuôi mình mà nhục. Nếu thật sự có tài thì tôi có muốn nghỉ ở nhà cha cũng không cho nghỉ. Cha con tôi như thế đấy, rất hiểu rõ về nhau.

Rồi quay sang Chí Viễn, Hoa nói:

- Anh thì lúc nào cũng thích thổi phồng. Anh đã rõ cái tầm thường của tôi rồi mà?

- Biết là mình tầm thường thì đã là không tầm thường. Chí Viễn nói một cách trang trọng - Dù gì thì trong mắt tôi, Hoa vẫn là một trong những cô gái hoàn hảo nhất trong đời này.

Câu nói của Chí Viễn làm Ức Hoa đỏ mặt trở lại, nàng có vẻ xúc động, quay đi. Viễn nhấn thêm ga để xe lướt nhanh hơn.

- Chí Tường, em hãy xem kìa, bên tay trái đấy là một công viên, ở trong đấy có một bảo tàng nhỏ. Trong đó có trưng bày pho tượng khoả thân của em gái Napoléon đại đế. Hôm nay hơi trễ rồi, không thể đưa em vào đấy tham quan. Bữa khác nhé? Ức Hoa sẽ hướng dẫn em. Hai người có thể mượn một cỗ xe ngựa thả chầm chậm trong công viên này. Em sẽ thấy, sẽ tìm được một lạc thú tuyệt vời... Đúng không, Ức Hoa?

Ức Hoa nhướng mắt ra ngoài xe như nghĩ đến một điều gì đó, nàng nói:

- Đúng! em còn nhớ rất rõ, lúc em còn tí xíu, anh thường đưa em vào đây chơi.

- À! Lúc đó em còn gọi anh là anh Trần. Bây giờ càng ngày càng lớn, em cũng thay đổi, em chỉ gọi anh bằng tên.

Ức Hoa cười nhẹ, không đáp, cũng không quay lại. Chí Tường nhìn hai người, chàng cảm thấy giữa họ như có một cái gì đó không đơn giản. Nhưng mà, dù gì chuyện đó cũng là của anh Viễn. Ta quan tâm đến làm gì?

- Anh Viễn. Cái nhà hát mà anh trình diễn đó có phải gọi tên là "Ca kịch viện Quốc gia" không. Ta đã đi ngang qua đấy chưa?

- Qua rồi! Cái nhà hát đó ở cạnh nhà ga xe lửa đấy.

- Sao anh không dừng lại cho em vào xem?

Hình như Chí Viễn đã giật mình, anh vội vã nói:

- Đâu nhất thiết phải dừng lại ở đấy. Thành phố La Mã này có hàng vạn điểm đáng xem hơn.

Trong khi đó Ức Hoa quay lại, nhìn Viễn:

- Chí Viễn, trời đã tối rồi, chúng ta quay về nhà đi.

Chí Tường hỏi:

- Anh Viễn, hôm nay anh không trình diễn à?

- Hôm nay vì có em, nên anh đã xin phép nghỉ một ngày, mai mới đi làm trở lại. Nhưng mà trước đó anh phải đưa em đi ghi tên nhập học. Chiều lại anh đi làm thêm. Tối mới là công việc chính thức từ tám giờ đến một giở khuya.

Chí Tường thắc mắc

- Tối anh phải trình diễn, mà ban ngày còn phải đi làm thêm, như vậy không mất sức à?

- Công việc ban ngày cũng rất nhẹ nhàng. Chí Viễn khoả lấp - Đó là... Anh đi dạy nhạc cho một trường trung học tư.

Chí Tường nghi ngờ. Dạy nhạc? Sao lại dạy suốt cả một buổi chiều?

- Anh Viễn, chuyện trình diễn của anh trong hí viện thế nào? Có phải hôm nào cũng có vở cả không?

- Ha... ha! Chí Viễn chợt cười lớn. Nhún vai một cách châm biếm - Ông anh của em là một thiên tài mà, làm sao vở nào lại vắng bóng được?

Chợt có tiếng còi chói tai. Chí Viễn cho xe lách nhanh, vượt qua được một chiếc cam nhông lớn. Nhưng xe chàng cũng suýt đâm vào một chiếc du lịch mui trần khác. Chiếc xe kia lách nhanh vượt lên cả lề đường. Đám thanh niên nam nữ ngồi trên đấy, lớn tiếng chửi rủa. Viễn tỉnh bơ, cho xe tiếp tục chạy. Ức Hoa thở dài.

- Chí Viễn. Anh cứ đùa mãi với tử thần.

- Đùa với tử thần? Chí Viễn nhướng mày - Đâu phải chỉ mới hôm nay? Tật tôi là thích phóng nhanh, lâu rồi không biết à?

Ức Hoa nhìn xuống.

- Trước kia thì không có vấn đề gì. Nhưng bây giờ anh phải nhớ là: trên xe còn có cả em trai anh.

Lời của Hoa làm những cơ bắp trên mặt Viễn giãn ra. Tốc độ xe cũng chậm lại.

Tối hôm ấy khi về đến nhà hai anh em đều mệt mỏi. Bữa cơm tối của ba người diễn ra trong một quán cà phê nhỏ. Lần đầu tiên Chí Tường thưởng thức được món mì ống của Ý. Sau bữa cơm, họ đưa Ức Hoa về trước, rồi mới trở về nhà riêng của hai người. Chí Viễn vừa đẩy cửa phòng ngủ, vừa nói với Chí Tường, bằng giọng điệu bức rức

- Trong những chung cư nghèo thế này, nó chỉ có một buồng ngủ. Vì thế em sẽ không có được phòng riêng. Cả hai anh em chúng ta đành phải ở chung một phòng vậy, em nhé.

- Anh Viễn, em rất thích được ở chung với anh.

Chí Tường nói như vậy, rồi bước vào. Phòng ngủ nhỏ thật, nó chỉ đủ để hai chiếc giường đơn. Có điều rất sạch, gối chăn, drap trắng đầy đủ. Giữa hai cái giường có một chiếc bàn nhỏ. Trên đó đặt đủ thứ, đèn bàn, sách vở, và cả một khung ảnh. Chí Tường bước tới cầm khung ảnh lên, lúc đầu chàng đã tưởng đây phải là khung ảnh của Ức Hoa. Nhưng thật ngạc nhiên, đó là một bức ảnh cũ của Viễn với chàng. Ảnh chụp ở trong sân nhà, ở Đài Bắc dưới tán cây đỗ quyên. Viễn lúc đó khoảng mười tám, mười chín tuổi. Còn Tường? Chỉ khoảng mười một, mười hai. Hai anh em đã đứng tựa vào nhau nụ cười tinh nghịch hồ hởi đầy niềm tin. Tường đặt khung ảnh xuống, hơi xúc động:

- Em không nhớ, ảnh này chụp lúc nào hở anh?

- Anh cũng quên mất! Chí Viễn nói, sẵn tay đốt một điếu thuốc - Em biết không? Lúc rời khỏi nhà anh đã quên chuyện mang ảnh theo, mãi đến lúc sang đây, tình cờ mở quyển sách cũ ra, mới phát hiện bức ảnh. Và nó đã trở thành báu vật của anh...

Rồi Chí Viễn nở nụ cười buồn. Chàng ngồi xuống mép giường, tiếp

- Lúc nào cũng như vậy, khi mà ta còn ở nhà, thì chẳng thấy nó có ý nghĩa gì cả. Nhưng khi đã đi xa mới cảm thấy nhớ nhung tiếc nuối.

Chí Tường ngồi xuống ghế, mới xa nhà mà Tường cũng đã thấy nhớ trách chi anh. Hình ảnh của mẹ cha như cứ hiện trong đầu. Đột nhiên Tường nghe Viễn gọi

- Chí Tường em.

- Dạ

Tường quay lại nhìn anh, chờ đợi. Viễn hỏi:

- Lúc còn ở Đài Loan em đã có bạn gái hay chưa?

- Chưa. Chí Tường lắc đầu nói - em đã sớm biết là rồi mình sẽ rời quê hương, thì để lòng bận tâm làm gì?

- Nghĩa là em chưa yêu?

- Vâng.

- Thật chứ?

- Thật! Tường ngạc nhiên quay sang anh - Nhưng anh hỏi để làm gì chứ?

Chí Viễn đã nhìn em trai với ánh mắt chăm sóc

- Vậy thì... Em nhận xét Ức Hoa như thế nào?

- Ức Hoa à? Chí Tường giật mình nhìn anh - Anh hỏi như thế là thế nào?

- Vậy thì để anh cho em biêt nhé. Chí Viễn rit một hơi thuốc rồi chậm rãi - Tường này, em có biết không? Cái cô bé đó anh biết rất rõ, anh không thổi phồng đâu. Đó là một cô gái tuyệt vời. Em biết không, mấy đứa con gái Huê Kiều ở đây phần lớn tân không ra tân, mà Tây chẳng ra Tây. Trông thật chướng mắt. Trong khi Ức Hoa lại khác, nhiều lúc anh thấy cô ta còn nề nếp hơn cả những cô gái Đài Loan.

Chí Tường không hiểu ý anh, cắt ngang

- Anh Viễn, em biết là cô ấy rất tốt nhưng mà...

- Không có nhưng mà gì cả. Viễn nói - Chỉ cần em thấy tốt là được rồi. Chuyện tình cảm là chuyện phải xây dựng từ từ. Hai người lại mới quen nhau, anh cũng không nôn nóng, đòi hỏi. Có điều anh muốn nhắc nhở cho em biết. Nếu em để hỏng mất cơ hội, thì thật đáng tiếc. Ở cả cái châu Âu này, muốn tìm một cô gái tuyệt vời như Ức Hoa, không phải là dễ dàng đâu.

Chí Tường cười lớn:

- Sao, kỳ vậy? Anh Viễn, em đã tưởng... Ức Hoa là bạn gái của anh chứ?

Chí Viễn có vẻ giật mình, điếu thuốc rơi xuống bàn, Viễn phải nhặt lên:

- Đừng có nói bậy. Chí Tường, em đã nghỉ xấu cho người ta. Em phải biết là anh lớn hơn cô ấy những mười tuổi. Anh quen cô ấy từ lúc cô còn bé xíu.

Chí Tường nhìn anh cười

- Vậy cũng nào có sao đâu? Ba mươi hai vẫn xứng với hai người cơ mà? Vả lại tuổi của anh cũng la tuổi phải lập gia đình rồi.

Chí Viễn có vẻ giận

- Em chỉ nói xàm. Chí Tường! Em không có quyền đem Ức Hoa ra làm trò đùa nhé. Em biết không, người ta là con nhà đàng hoàng, em đừng có thấy Ức Hoa chỉ là con một ông thợ đánh giày, rồi coi rẻ...

- Anh Viễn! Chí Tường nghiêm giọng nói - Sao anh lại hiểu lầm em như vậy? Em nào có khi dễ cô ấy đâu?

- Vậy thì tốt! Chi Viễn dụi tàn thuốc rồi đứng dậy, nhìn em. Chàng lại cười, đặt tay lên vai em nói - Tại anh cả, cái gì anh cũng gấp gáp. Thôi chuyện đó để từ từ rồi tính. Bây giờ anh đi pha cà phê. Em có uống không?

- Khuya thế này còn uống cà phê à? Anh không sợ mất ngủ sao?

- Quen rồi em ạ. Chí Viễn nói và đi pha cà phê - Một ngày nào đó rồi em cũng quen như vậy.

Chí Viễn ngã người lên giường hai tay gối đầu. Sau một ngày dài, chàng cảm thấy mệt mỏi. Tường nhắm mắt lại định nghỉ ngơi một chút, nhưng rồi chỉ một lúc sau trong cái mơ mơ màng màng Tường đã cảm thấy như Viễn đang đứng cạnh giường chăm chú nhìn mình. Rồi Tường thấy có ai cởi giày cho mình. Sau đấy Viễn đã kéo chăn đắp lên ngực cho chàng. Cái hành động đó của anh, làm cho Tường tỉnh hẳn ngủ. Chàng mở mắt ra gọi.

- Anh!

- Hãy ngủ đi! Viễn nói mà bàn tay vẫn đặt trên ngực chàng, trong cái ánh mắt đau khổ Tường nghe Viễn nói - Chí Tường!

- Dạ

- Em hãy hứa với anh một điều.

- Điều chi anh?

Chí Viễn yên lặng một chút, rồi nghẹn giọng nói

- Hãy hứa với anh là, sẽ không bao giờ em đến ca kịch viện để xem anh trình diễn.

Chí Tường bàng hoàng

- Tại sao vậy anh?

- Bởi vì... Chí Viễn nói một cách khó khăn. Bởi vì anh chỉ là một vai phụ của vai phụ.

- Anh Viễn! Tường đã xiết chặt tay anh nói - Em là em ruột của anh cơ mà. Anh có đóng một vai trò không quan trọng thế nào thì nào có nghĩa lý gì với em?

- Nhưng anh thì không được.

Viễn nói và Tường như chợt hiểu ra. Chàng gật đầu:

- Thôi được rồi. Nếu anh muốn như vậy thì...

- Anh muốn như thế.

Viễn nhất quyết và Tường lại gật đầu, dưới ánh đèn Tường thấy Viễn có vẻ buồn buồn lạc lõng làm sao. Không đến nỗi nào đâu. Tường nghĩ, rồi ta sẽ cố để anh ấy gạt bỏ được mặc cảm. Tường sẽ giúp anh lập lại niềm tin.

Sau đấy Viễn đã vỗ nhẹ lên vai Tường với nụ cười cảm kích, rồi mới bỏ đi.

Suốt đêm hôm ấy Tường nghe thấy tiếng trở mình của Chí Viễn bên kia giường, có cả mùi thuốc lá. Tường biết suốt đêm hôm ấy, Viễn đã không làm sao chợp mắt được.

Băng Nhi
22-04-2006, 12:55 PM
Chương 5


Và như thế, Chí Tường đã lao người vào lò luyện nghệ thuật Roma.

Chàng có cái cảm giác hừng hực bởi tia lửa và cái nóng của nghệ thuật. Tường thấy nóng cả người một cách thích thú. Những phù điêu, những bích hoạ, tượng điêu khắc đã hoàn toàn mê hoặc chàng.

Tựu trường chưa được bao lâu là Tường biết ngay. Cái trường mà chàng đang theo học là một trường học thuộc loại "quý phái", "cap cấp". Một loại trường tư với học phí cao, so với viện nghệ thuật Quốc gia Roma, với học phí hạ hơn nhiều. Sao vậy? Tường chợt hiểu sự hy sinh to lớn của Viễn.

Bạn học của Tường, đa số là người nước ngoài. Phần lớn là dân Anh và Thuỵ Sĩ. Rất ít có khuôn mặt phương đông.

Tựu trường hơn tháng sau, Tường mới thấy có hai đồng môn da vàng nhưng đó lại là hai tay Nhật kênh kiệu. Chí Tường gần như không có bạn bè trong trường. Thật sự ra chàng cũng không có thời giờ kết bạn. Chàng cũng không hứng thú lắm với chuyện đó.

Thời gian với Tường là cả một sự căng thẳng. Ngoài cái ứng phó khó khăn về ngôn ngữ... làm quen với nếp sống xa lạ... Chí Tường phải bám theo thầy để nghe chỉ bảo thêm. Rồi còn mày mò trong các viện bảo tàng, các thánh đường và những dinh cơ cổ.

Sự bận rộn khiến Tường không để ý lắm đến nếp sống riêng tư. Tường cũng không có thời gian để tâm đến nhịp sinh hoạt của Viễn.

Mỗi ngày Viễn đi làm mãi đến một giờ khuya mới về đến nhà. Lúc đó thì Tường đã ngủ say. Và khi Tường thức giấc để đến trường là lúc Viễn còn say ngủ. Cứ vậy, Tường đến trường bằng xe bus, buổi trưa không về, tạt qua một góc phố nào đấy ăn cái gì qua loa rồi tiếp tục học. Mãi chiều Tường mới về nhà. Đến nhà thì Viễn đã đi làm. Cơm tối của Tường, Viễn đã thu xếp. Tường dùng cơm ở nhà Ức Hoa. Tường không rõ Viễn đã tính toán làm sao với cha con Ức Hoa, có điều Tường đã được hai cha con ông Cao cư xử như người trong nhà... thức ăn bao giờ cũng đầy đủ. Thời gian Tường ở gần với cha con ông Cao còn nhiều hơn là bên cạnh Viễn.

Cơm tối xong, Chí Tường thường ở lại nhà ông Tổ Âm, chuyện vãn đủ điều. Và những lúc đó bao giờ Ức Hoa cũng pha thêm một bình cà phê, rót cho chàng một ly rồi đi làm công chuyện khác.

Ức Hoa lúc nào cũng bận rộn. Thu dọn chén đĩa, quét dọn nhà cửa, sắp xếp lại đồ nghề cho cha hoặc may vá quần áo.

Trong cái phòng ăn này, lúc nào cũng có việc để làm. May vá, cắt xén da, ngâm da... thu dọn những tấm da vụn... Ức Hoa cứ thế mà bận rộn. Hết việc nhà đến việc của cha. Không hẳn chỉ có thế... Chí Tường còn thấy việc là... áo quần, chăn mền của chàng... Ức Hoa cũng gánh cả.

Có một bữa, Chí Tường hỏi:

- Ức Hoa. Cô đã quen anh Viễn trong trường hợp nào vậy?

Ức Hoa đang làm việc (hôm ấy Hoa đang thêu hoa cho một chiếc váy). Nàng tuy bận việc nhưng lúc nào cũng cho người khác cái cảm giác công việc rất nhẹ nhàng.

- Năm ấy, em mới mười bốn tuổi. Anh Viễn lần đầu tiên đến đây với một đôi giày thủng đế... Ức Hoa chậm rãi kể - Anh ấy đứng tựa người bên quầy hàng nhìn em với nụ cười tinh nghịch. Hỏi: "Cô có phải là người Hoa không?". Và khi em sử dụng tiếng Hoa trả lời, anh ấy đã nhảy nhỏm lên và chồm tới ôm chầm lấy em... Ức Hoa cứ nhìn xuống, có vẻ như mắc cỡ: "Lúc bấy giờ em vừa gầy vừa nhỏ con. Tuy đã mười bốn tuổi, nhưng lại chỉ như một đứa con nít... Sau đấy... anh Viễn cứ đến đây nói chuyện với cha. Cha hỏi: "Sao lại mang giày đến thủng cả đế?" Anh Viễn đáp: "Sống ở cái thành phố Roma này... mà giày không thủng đế thì làm sao chịu nổi?". Rồi Ức Hoa thở dài nói - Lúc đó, anh Viễn cũng không khác gì anh bây giờ. Anh ấy mê thành Roma như mê người tình... Bên cạnh đó... lại nhiệt tình, cao ngạo, lý tưởng và tràn ngập niềm vui.

Chí Tường xúc động nhìn Hoa, rất ít khi Tường nghe Hoa nói nhiều như vậy.

- Đó là chuyện tám năm về trước phải không?

- Vâng, bấy giờ anh Viễn mới đến Roma được có hai tháng. Anh ấy chỉ mới biết nói vài câu tiếng Ý đơn giản, anh đã cho tôi biết là cái tiếng Ý đầu tiên học được là mamia. Và tiếng thứ hai là... Ức Hoa đã đỏ mặt nói - Một tiếng "chửi thề". Anh ấy rất thích nói chuyện với cha, nhà Chí Viễn lúc đó ở khá xa nơi đây... Sau mấy lần đổi nhà, anh ấy dọn đến gần dần... Hai gia đình trở nên thân thiết... Rồi Ức Hoa cứ nhìn xuống, tiếp tục công việc - Dù gì... Ở xứ Roma này... người Hoa chúng ta cũng ít thật!

Chí Tường nhìn Hoa, rồi hớp một hớp cà phê, chàng có vẻ nghĩ ngợi.

- Ức Hoa này. Tại sao anh Viễn cứ không muốn tôi đến Ca kịch viện? Cô có thể cho tôi biết tại sao không? Anh ấy đã đóng vai trò gì? Đến đây hơn tháng trời rồi, mà tôi không thấy anh Viễn luyện giọng? Chả bù... Những ngày trước khi đi ra nước ngoài... anh ấy hôm nào cũng hát... luyện trong những lúc tôi đến trường...

Ức Hoa, đầu cúi thấp, như rất bận bịu với công việc nên không đáp. Ông Cao Tổ Âm bước vào, chiếc tạp dề còn trên bụng. Hình như ông vào lấy thêm chỉ may giày. Ông đã nghe thấy điều Tường thắc mắc. Lấy xong, vừa bước ra ông vừa nói với Tường:

- Cái hiểu biết của cậu về các nhạc viện ở Roma còn ít ỏi. Roma tổng cộng có hai nhạc viện lớn. Một là Ca kịch viện Roma và một là Ca kịch viện Lộ Thiên. Chuyện trình diễn cũng theo mùa chứ không phải là ngày nào cũng có... Người Á đông chúng ta mà được tham gia vào ban hoà âm hợp xướng ở đây đã là một vinh dự.

Và ông bỏ ra ngoài.

Chí Tường cảm thấy có cái gì kỳ quặc. Có hai nhà hát lớn? Vậy thì, anh Chí Viễn đã hát ở nhà hát nào? Càng nghĩ Tường càng rối rắm.

Ức Hoa đã may xong, rót thêm một ly cà phê khác cho Tường. Cô có cái nhìn không vui.

- Anh Tường! Anh giúp giùm một việc nhé?

- Việc gì?

- Đừng có nói lại cho Chí Viễn biết chuyện chúng ta đã nói hôm nay... Đừng hỏi anh ấy gì hết.

Tường nhìn Ức Hoa. Lần đầu tiên Tường thấy mắt Ức Hoa vừa đen vừa đẹp.

- Vậy cô làm ơn cho biết... anh Viễn thật đã đóng vai trò gì trong nhà hát đó?

Ức Hoa lặng lẽ.

- Mùa trình diễn của ca kịch viện Lộ Thiên là từ tháng bảy đến tháng chín, còn của Ca kịch viện Roma là vào mùa thu... nhưng mà anh không nên đến đấy... tuyệt đối đừng... vì như vậy anh Viễn không vui đâu.

Tối hôm ấy, Chí Tường mất ngủ. Nằm trên giường ngước mắt nhìn lên trần nhà mắt Tường ráo hoảnh. Cho mãi đến lúc Viễn về đến nơi.

Vào phòng, Viễn thấy em nằm đó, chàng ngạc nhiên.

- Ồ, giờ này vẫn còn chưa ngủ à?

- Em không buồn ngủ.

- Có phải vì nhớ nhà không? Chí Viễn vừa cởi áo vừa hỏi. Roma đang vào thu, trời trở lạnh, nhất là về đêm - Em vừa nhận được thơ của ba mẹ gởi sang à?

- Dạ không.

Tường nhìn Viễn. Trên áo của anh có bám bùn đất, trên mặt hình như cũng có bụi... Vậy thì Viễn đã diễn vai trò gì? Hát đồng ca ư? Tường mở to mắt. Trên trán của Viễn đã có nếp nhăn... Hát trong ban hợp xướng? Đóng một vai phụ? Một vai phụ của vai phụ? Không có một diễn xuất cá biệt? Chỉ là một đơn vị trong đám đông? Vậy thì... Nếp nhăn kia... Hẳn là một buồn phiền về mặt tinh thần. Bỏ cả tám năm cho nghệ thuật diễn xuất. Chỉ để làm một đơn vị trong đám đông? Đúng là một sự thất vọng.

- Sao vậy? Viễn kéo một chiếc ghế đến bên cạnh giường của Tường ngồi xuống nhìn em - Hình như em có tâm sự gì phải không? Rồi Viễn ra chiều suy nghĩ, mắt chợt như sáng lên - Nào để anh đoán xem nhé? Khi một người đàn ông mất ngủ, thì chỉ có khả năng là... Viễn đốt một điếu thuốc, mỉm cười với em trai - Có phải tại Ức Hoa không? Lúc gần đây... Tình hình đã tiến triến đến đâu rồi?

Chí Tường ngỡ ngàng.

- Anh nói gì? Ức Hoa à? Cô ấy đúng là người tốt.

- Điều đó anh đã khẳng định với em. Chí Viễn hồ hởi nói - Ông anh của em đâu có gạt em? Anh cũng biết nhìn người lắm chứ. Anh mà giới thiệu cho em người nào thì người đó phải đặc biệt... Và Viễn hít một hơi thuốc, nhìn em thăm dò rồi hỏi - Sao cho anh biết đi. Tình hình tiến triển đến đâu rồi?

- Cái gì mà tiến triển? Tường bình thản hỏi - Có cái gì đâu mà tiến triển.

- Em nói gì lạ vậy? Chí Viễn châu mày - Anh đã nói với em rồi, với những cô gái như Ức Hoa, không phải là dễ kiếm... Đó là những cô gái sống bằng nội tâm, kín đáo, chứ không phải như những cô gái Ý ở đây. Hôm đầu gặp mặt là hôm thứ hai đã cuồng nhiệt như yêu nhau từ kiếp nào... Vì vậy, em phải nhẫn nại... Thường đưa cô ấy đi chơi đó đây... Em biết không Roma là một thành phố trữ tình. Nơi nói chuyện tinh yêu thích hợp nhất thế giới... Vâng... Em có đưa cô ấy đi dạo phố mỗi ngày không?

- Dạ chưa bao giờ.

- Chưa bao giờ à? Chí Viễn ngạc nhiên - Sao em khờ như vậy. Em phải biết cảnh chiều ở Roma... Ánh trăng, rồi xe ngựa... Em phải biết lợi dụng những khung cảnh đó chứ? Vậy chớ mỗi tối em ở lại đấy làm gì?

- Chỉ nói chuyện phào.

- Chuyện phào? Chuyện gì chứ?

Chí Tường nhìn thẳng vào mắt anh.

- Chuyện về anh!

Chí Viễn giật mình nhìn em. Trong khi Tường buồn bã.

- Anh Viễn. Anh đừng làm chuyện vô ích đó. Thú thật với anh, em không hề để ý đến Ức Hoa... chứ bằng không em đã đưa cô ấy đi dạo Roma lâu rồi.

- Chí Tường, em yếu quá! Em vô tình.

- Không, em không yếu. Chí Tường nằm quay mặt vào vách - Nếu giữa hai anh em ta mà có một người vô tình... thì người vô tình đó chắc chắn không phải là em.

Hôm ấy, tới phiên Chí Viễn mất ngủ.

Tối hôm sau, khi về nhà, Tường thấy trên bàn có một mảnh giấy.

"Chí Tường,
Đừng có lãng phí cái thời gian quí giá. Đêm thu ở Roma thật trữ tình. Làm ơn đưa Ức Hoa đi dạo bằng xe ngựa, hoặc ngồi quán cà phê ở dọc quãng đường thi vị lắm. Trên bàn có năm ngàn lire, để em chi phí."

Tường nhìn năm ngàn lire trên bàn rồi nhìn mảnh giấy. Chàng nghĩ, anh Viễn có lẽ tưởng ta không có tiền nên không dám đưa Ức Hoa ra phố. Tiền? Vâng, Chí Tường không dư dả, nhưng cũng không thiếu thốn... Vì chỉ mấy hôm là Tường thấy túi mình lại đầy tiền. Chàng biết chính Viễn đã bỏ vào. Một tay hát trong ban hợp xướng. Mỗi tháng kiếm được bao nhiêu? Chiều còn phải đi làm kiếm thêm... Vậy mà... Bất giác, Tường ngẫn ra nghĩ ngợi.

Đồng hồ trên bàn chỉ đúng mười giờ. Đã mười giờ tối. Bây giờ ở rạp hát, người hẳn đông lắm... Toà Ca kịch viện Roma nổi tiếng. Người đến xem vừa đông vừa quý phái. Giá vé chắc chắn phải cao... Một phút xúc động. Chí Tường vội chụp lấy năm ngàn lire trên bàn, chàng bước ra khỏi nhà, gọi một chiếc taxi đến thẳng Ca kịch viện Roma.

Phòng bán vé đã đóng cửa. Người cảnh vệ gác bên ngoài bảo Tường mai đến. Ngày mai? Ngày mai biết có còn can đảm đến đây nữa không? Chí Tường cứ lẩn quẩn trước cửa rạp. Gió đêm thu khá lạnh. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng trên bầu trời, toả ánh sáng vàng vọt xuống quảng trường trước mặt. Tượng thần Vénus buồn bã trong sương đêm.

Chí Tường thấy chân đã mỏi. Chàng vội rảo bước ra phía sau rạp hát. Bất chợt nhìn thấy cổng nhỏ của cửa sau. Chàng vội hỏi người gác cổng.

- Tôi có thể vào tìm một diễn viên quen không?

Và Tường đã được vào.

Lần đầu tiên được vào hậu trường của một rạp hát Tường thấy nó lộn xộn hơn chàng tưởng. Người qua lại bận rộn. Dân phu khuân vác, dàn cảnh, rồi diễn viên đứng chờ ra sân khấu. Từ trong bức màn bên nhìn ra. Trên sân khấu một nữ diễn viên đang hát. Giọng Opera... Phía sau là ban hợp xướng. Đông thật cả chục người. Một vở đại nhạc kịch... Dưới ánh đèn màu Tường nhìn mãi mà không tìm được Chí Viễn... Chàng đứng ngẩn ra đó thật lâu.

Nhưng rồi... Đột nhiên, khi quay lại... Tường đã thấy ông anh của mình.

Vâng, đúng là Chí Viễn... Có điều không phải trên sân khấu, mà là bên dưới... Ở phía sau... Viễn đang bước tới, trên vai là một cây cột đá làm bằng giấy bồi... Anh ấy đang từ nhà kho phong cảnh bước ra. Khi hai anh em chạm mặt nhau cây cột kia suýt rơi khỏi vai Viễn, anh phải dùng sức ở hai tay chống lấy. Như vậy, cây cột đá kia không hẳn nhẹ lắm. Chiếc lưng của Viễn cong cong. Khi Viễn đã đứng vững được... Viễn hổn hển thở, mặt tái hẳn, bàng hoàng nhìn Chí Tường.

Tất cả đã hé rõ. Không phải diễn viễn chính, không phải phụ. Cũng không phải phụ của vai phụ... cũng không được chạy cờ hợp xướng. Mà chỉ là một phu khuân vác. Một công nhân bình thường trong hí viện mà thôi... sự thật là vậy? Một sự thật đau lòng, hèn gì... Chí Viễn đã không cho Tường đến xem hát.

Tường cảm thấy như tất cả máu trong người đổ dồn lên tim làm căng cứng cả lồng ngực. Chợt nhiên Tường thấy không thể ở lại, dù chỉ trong một phút... Bên ngoài sân khấu tiếng vỗ tay như muốn vỡ rạp. Tường thấy có gì nghèn nghẹn ở cổ. Chàng quay người, bước vội ra ngoài.

Viễn đã đặt trụ đá xuống, kêu lên.

- Chí Tường!

Nhưng Chí Tường đã chạy ra ngoài lộ. Gió lạnh phần phật thổi đến, làm Tường tỉnh táo đôi chút. Chàng cho cả hai tay vào túi áo lầm lũi bước... Rồi Tường nghe có tiếng chân đuổi theo phía sau.

- Chí Tường! Viễn gọi. Giọng đầy đau khổ - Anh xin lỗi em, đáng ra anh không nên giấu em. Em biết không ngay cái hôm đầu tiên em đến Roma, anh đã định thú thật... Nhưng rồi... Anh không làm sao mở miệng được... Giọng nói của Viễn như tắc nghẹn - Anh đã lừa dối em. Lừa dối cả cha lẫn mẹ... Bởi vì anh chưa tốt nghiệp, chưa lấy được văn bằng. Anh chỉ là một thằng công nhân... Buổi chiều đến nhà máy xây dựng làm tạp công, tối lại làm phu khuân vác ở hí viện. Đó là sự thật! Bộ mặt thật của anh đấy... Em cũng nên biết là... mức sống ở nước ngoài khá cao... Đời sống không phải dễ dàng...

Chí Viễn nói với nước mắt.

Làm tạp công ở nhà máy xây dựng. Có nghĩa là cái gì cũng làm... Phu khuân vác trong hí viện. Trời ơi! Tường cắn chặt môi, không nói được gì cả. Chí Viễn nắm lấy hai tay của em bắt Chí Tường phải nhìn vào mặt mình. Hai anh em nhìn nhau. Dưới ánh đèn đường... Có những dòng nước mắt.

- Chí Tường! Viễn run rẩy nói - Nhưng mà làm công nhân thì cũng đâu có gì nhục đâu em?

- Không, không phải như vậy! Cuối cùng Tường cũng thốt ra được. Trái tim chàng như tan nát - Em không hề thấy đấy là nhục. Vâng, em chỉ nghĩ là... những số tiền mà anh đã liên tục gởi về cho gia đình... tiền mua vé máy bay cho em đi du học... tiền học phí... ở cái trường quý tộc chết tiệc kia... Với số tiền năm ngàn lire mà anh đã để trên bàn...

Chí Viễn nhìn em, cái khuôn mặt đang tái xanh chọt đỏ lên

- Chí Tường... Em ngại gì... Anh có thể gánh được mà... Em hãy yên tâm... Hãy cố chăm học... Đừng nghĩ đến gì cả... Chỉ lo học thôi... Em xem này... Thân thể anh khỏe mạnh, rắn chắc... Anh còn có thể làm được nhiều thứ cơ mà.

Chí Tường cảm thấy toàn thân như rã rời. Chàng phải đưa tay bíu lấy bức tường kế bên. Bờ tường thật lạnh. Tường ngẩn nhìn lên mới phát hiện ra là mình đang đứng cạnh đài kỷ niệm chiến sĩ vô danh. Cái vật mà Tường đang vịn đấy là một bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng. Mặt pho tượng đang hướng về phía nền trời đen. Dưới ánh trăng, nó có vẻ bi tráng và cô độc vô cùng.

Chí Tường tựa đầu vào pho tượng không nói, trong khi Viễn cố chấn chỉnh tình cảm của mình. Viễn nói:

- Em thấy đấy, làm một công nhân dù sao cũng thoải mái hơn phải làm một phụ tá cho một vai phụ.

Gió từ công trường thổi qua. Lạnh ơi là lạnh!

Băng Nhi
24-04-2006, 01:58 PM
Chương 6


Chí Tường nằm dài trên giường, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần. Ở đấy, do thấm nước đã tạo thành một vết ố to, có dạng giống như khuôn mặt của tề thiên đại thánh.

Tường cứ nằm đấy ngắm. Ba tiếng đồng hồ đã trôi qua.

Chí Viễn thì ngồi bên mép giường hút thuốc. Khói thuốc hầu như mù mịt cả phòng. Cái gạt tàn ở cạnh đó đầy tàn thuốc.

Và như vậy, một người ngồi, một người nằm. Mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng tư.

- Chí Tường. Viễn đã phá vỡ cái yên lặng trước, chàng xúc động nói - Cậu có thể hiểu biết một chút không? Mình là đàn ông con trai mà. Khi tiến được thì lùi được. Anh đã không lấy cái chuyện chỉ là một công nhân mà buồn phiền... Thì cậu... cậu cũng không nên mang bộ mặt đưa đám như vậy chứ? Cậu phải bình tĩnh phấn chấn lên một chút được không? Cậu mà còn dàu dàu cái mặt như vậy nữa, nói thật với cậu... tôi sẽ nổi nóng, tôi nổi nóng thật đấy!

Chí Tường ngồi dậy, nhìn anh.

- Em đã nghĩ kỹ rồi anh ạ.

- Cậu nghĩ kỹ cái gì?

- Ngày mai em sẽ nghĩ học. Tường nói - Rồi em cũng sẽ tìm một việc gì đó mà làm. Hai anh em ta sẽ hợp sức nhau làm, gởi tiền về nhà để cha mẹ trả hết nợ nần... Sau đấy em sẽ tiếp tục làm việc, còn anh, anh tiếp tục việc học của anh... em còn trẻ, em còn nhiều thời gian.

- Nói bậy! Viễn đã đỏ mặt, vung tay đập mạnh xuống bàn. Chàng bắt đầu giận dữ - Cậu đừng có nhắc đến chuyện học nhạc của tôi nữa được không? Nếu tôi còn học được, bây giờ tôi đã ra trường. Chí Tường. Cậu bức quá, tôi đành phải nói thật. Tôi là con người bỏ đi rồi... Tôi không phải là một thiên thần tài năng lý tưởng của tám năm trước. Tôi chỉ là một miếng giẻ rách. Trước ngày cậu đến đây, cậu biết không? Tôi tưởng chừng mình đã mất hết mọi ý nghĩa của cuộc sống. Tôi bi quan, chán đời... Rồi cậu qua đây... Cái tuổi trẻ của cậu, cái nhiệt tình lý tưởng của cậu... làm cho tôi thấy lại cái bóng dáng của mình tám năm về trước... Thế là... Tôi sống lại... Tôi phấn chấn... Đúng rồi... Vì ngày xưa ngay từ lúc còn nhỏ cậu đã là cái bóng của tôi... Mà đã là cái bóng thì những gì mà tôi không làm được, cậu phải làm được. Tôi lỡ thất bại thì cậu phải thành công... Tôi bỏ dỡ nửa chừng, cậu phải hoàn thành một cách mĩ mãn... Chỉ cần cậu thành công là tôi không thấy mình sống phí... Tôi vẫn có giá trị. Cậu có biết không? Có hiểu không chứ?

Chí Tường ngỡ ngàng nhìn anh

- Em không biết, em không hiểu gì cả. Chí Tường lớn tiếng - Tại sao anh lại bỏ dỡ hy vọng của anh chứ? Tại sao anh lại đặt cái hy vọng đó vào em? Em không hiểu gì cả.

- Em hãy nhìn đây này. Chí Viễn chụp lấy vai Tường hướng về phía mình - Anh năm nay đã ba mươi hai tuổi. Trên thế gian này không có một nhà thanh nhạc nào ba mươi hai tuổi mới bắt đầu. Trong khi em còn trẻ. Hoạ phẩm của em đã được học viện nghệ thuật chấp nhận. Rồi em sẽ trở thành một nhà nghệ thuật lớn. Nếu bây giờ em nhảy ra đi làm thì tương lai của em chỉ như anh thôi...

- Kệ nó! Chí Tường lắc đầu nói - Em không đành lòng sử dụng cái đồng tiền cực khổ của anh để chui vào cái trường nghệ thuật quý phái kia. Thà là không ra gì, còn hơn là học trong day dứt... Anh có nói gì cũng mặc... Mai em nghỉ học.

Viễn bóp chặt vai Tường, mắt mở trừng trừng

- Em có còn sáng suốt không?

- Vẫn sáng suốt chứ! Chỉ vì sáng suốt, mới không tiếp tục học.

- Có nghĩa là em muốn cha mẹ chúng ta ân hận cả đời? Viễn nói một cách giận dữ - Anh đã hư đốn. Em lại hư theo... Chí Tường... Hãy suy nghĩ một cách lý trí sáng suốt. Cha mẹ chúng ta chỉ có hai thằng con trai thiên tài... Thì ít ra cũng phải có một đứa thành công... Đã có một thằng làm công nhân ở nước ngoài rồi. Chưa đủ sao? Không lẽ cả hai đều không ra gì cả?

Giọng nói của Viễn đầy đau khổ làm Tường bị thuyết phục. Chàng ngồi đấy trừng mắt nhìn anh. Viễn buông xuôi hai tay đứng dậy, đi tới đi lui trong phòng. Tường ôm lấy đầu chua xót.

- Anh đi làm khổ sai, em lại đi học... Như vậy làm sao em học vô được chứ?

Viễn lại đứng trước mặt Tường.

- Phải học, phải cố mà học. Viễn nói một cách xúc động - Nếu em còn coi anh là anh ruột của em. Nếu em còn biết quý trọng tin yêu thằng anh này... Em không coi anh là một thằng công nhân thấp kém, thì... Em phải tiếp tục học... Em phải vì anh mà học... Vì anh mà lấy tiếng với đời... Chí Tường... Hãy nghĩ tất cả là vì anh đi.

Chí Tường ngẩn lên, nhìn anh.

- Đó là ước nguyện của anh à?

- Ừ, không phải chỉ là ước nguyện mà còn là kỳ vọng! Kỳ vọng, em hiểu không?

Chí Tường cúi đầu yên lặng, thật lâu Tường mới nói

- Thôi được em sẽ làm theo ý anh. Em sẽ tiếp tục học. Nhưng mà em sẽ chuyển sang học viện nghệ thuật quốc gia. Ở đấy học phí rẻ, em còn có thể sử dụng thời gian dư thừa để làm thêm một việc gì đó.

Chí Viễn gật đầu:

- Tuỳ em. Nhưng mà em phải biết là muốn chuyển sang học viện nghệ thuật quốc gia, phải qua một kỳ thi tuyển để xếp lớp, trong khi ở trường này thì tất cả các thầy đều thích em. Vả lại chế độ của nhà trường lại là chế độ học phần, em có thể học một cách gấp rút để sớm ra trường. Theo anh thì em không nên hoán chuyển, vì có thể lợi ít mà thua nhiều. Riêng về việc em muốn kiếm việc làm thì miễn bàn đi. Thay vì thế, em dồn hết thời gian cho việc học, anh thấy hay hơn.

- Anh Viễn!

Chí Tường chỉ kêu lên được một tiếng rồi như nghẹn lời. Chàng rưng rưng nước mắt. Viễn vỗ nhẹ lên vai em như để động viên, nước mắt đã lưng tròng, nhưng vẫn cố nở nụ cười.

- Như vậy có nghĩa là em đã đồng ý? Em sẽ nghe theo anh phải không? Anh biết mà, dù gì em cũng là em trai của anh. Chắc chắn em sẽ không phụ lòng anh. Anh biết em giống anh. Háo thắng! Ương ngạnh nhưng cũng đầy tình cảm.

Cuộc nói chuyện kết thúc.Tường lại nằm xuống giường tiếp tục mở to mắt, nhìn cái vết ố trên trần nhà, tình cảm xúc động nhất thời đã trôi qua. Thay vào đấy là một niềm đau man mác. Chí Viễn cũng nằm xuống giường. Giống như em, chàng cũng không ngủ được. Căn phòng chìm trong im lặng. Sau đấy Tường lại lên tiếng:

- Có phải bác Cao và Ức Hoa đã giúp anh che đậy hay không?

- Ừ! Anh đã nhờ họ.

Chí Tường thở dài.

- Em đúng là một thằng ngốc! Ngu không thể tưởng.

Chí Viễn đưa tay tắt đèn.

- Đừng có tự trách như vậy. Tường ạ! Dù gì định mệnh cũng không bạc bẽo lắm. Nó đã cho anh có em, em có anh, cha mẹ có chúng ta. Đó là một sự an ủi. Vậy thì đừng tự trách. Hãy ngủ ngon đi! Mai sáng em còn phải đi học.

Chí Tường đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Bình minh đang ló dạng ở chân trời. Chàng vẫn nằm yên nơi đấy suy nghĩ về những điều mà Viễn vừa nói. Định mệnh đã không bạc bẽo, vì nó đã cho chúng ta có nhau. Càng nghĩ Tường càng cảm thấy buồn hơn. Trách nhiệm trên đôi vai của mình không nhẹ, trước mắt Tường chợt hiện cái hình dáng của Chí Viễn đang khom lưng vác cây cột đá nặng nề, nhưng cái sức nặng của cột đá kia lại như đang trên vai chàng. Chí Tường lẩm bẩm như nói với chính mình. "Ta phải vác lấy nó, không cần biết đó là trách nhiệm của ai".

Tối hôm ấy khi đến nhà Ức Hoa dùng cơm tối như thường lệ, thái độ của Tường khiến cha con Ức Hoa như hiểu Tường đã biết tất cả, bữa cơm thật yên lặng, chẳng ai nói với ai điều gì. Cơm xong, như thường lệ Ức Hoa pha cha Tường một ly cà phê nóng, rồi tiếp tục kéo bàn ra ủi lấy quần áo. Chí Tường thấy phần lớn quần áo được ủi là của hai anh em chàng.

Ông Cao Tổ Âm thường khi làm việc ở nhà ngoài, hôm ấy lại mang đồ nghề vào trong, ông mang cặp kiếng lão lên, dưới ánh đèn lui cui may giày. Tiếng kéo chỉ nghe rõ mồn một.

- Thưa bác. Chí Tường hớp một ngụm cà phê rồi nói - Bắt đầu từ hôm nay con sẽ đến đây học nghề may giày, bác thấy thế nào?

Ông lão ngước lên, nhìn Tường qua cặp mắt kính.

- Ta đã xem Chí Viễn như con, mấy năm qua ta theo dõi từng chút, thấy nó phấn đấu vật vã rồi thấy nó thất bại, ta đã cố tìm mọi cách định giúp nó, nhưng lại không biết phải giúp thế nào? Trước khi con đến đây, có một khoảng thời gian dài, con biết không Chí Viễn nó đã sống như một xác không hồn, nó không biết cười nữa. Thế rồi có một bữa nó lại hồ hỡi đến tìm ta, nó vừa cười vừa reo lên: "Em con sắp qua đây" và từ đó nó chỉ nói về con từ sáng đến chiều. Nó đem từng bức tranh mà con vẽ gởi sang, khoe với mọi người rồi đem nộp cho trường nghệ thuật, tìm giáo sư bảo trợ để lo cho con vào học. Cuối cùng được cái viện nghệ thuật này chấp nhận. Học phí tuy có cao, nhưng các thầy lại hiểu được tài của con. Rồi đến lúc con sang đây Viễn nó hoàn toàn đổi mới, nó như sống dậy, nó tìm lại được niềm tin, hy vọng và mục đích sống.

Ông lão vừa làm việc, vừa nói:

- Con có biết là nó đã đặt hết hy vọng vào con, nó muốn con phải trở thành một nghệ sĩ thực tài, chứ nó không muốn con là một thợ giày tầm thường đâu con ạ.

Chí Tường ngỡ ngàng nhìn ông lão. Cái mái tóc bạc phơ, những ngón tay chai cứng vì nghề nghiệp nhưng vẫn lanh lẹ. Một thợ giày già, chợt nhiên chàng thấy qua cặp mắt kính ông ta như đã trông suốt quả tim chàng.

- Thưa bác, bác quen với anh con đã lâu lắm, vậy thì bác có thể cho biết tại sao anh con lại bỏ học nữa chừng? Chứ tám năm trước khi rời Đài Loan, ai cũng biết anh ấy là một thiên tài cơ mà?

Ông lão vẫn cúi đầu làm việc, với cái giọng đều đều, ông như kể lại câu chuyện đời xưa.

- Tám năm trước, cậu ấy đúng là một thiên tài. Viễn đã học thanh nhạc một cách say mê ở học viện âm nhạc. Trong trường Viễn đã diễn kịch, đã từng đóng vai chính. Nhưng mà nghe nói lúc đi du học, nhà đã phải mượn nợ, phải gom góp tất cả tài sản bán đi, mới đủ tiền cho cậu ấy ra đi. Thế là ngoài cái giờ đến lớp, thời gian còn lại Viễn đã lao đầu vào công việc, cố kiếm tiền gởi về nhà. Thực tế như cậu biết, cuộc sống của sinh viên ra nước ngoài du học rất kham khổ, họ phải dồn sức vào việc học, vì nếu yếu một chút là bị mất học bổng, đằng này Viễn ngoài việc học, còn phải kiếm tiền gởi về nhà. Cậu ấy đã làm việc giống như một con trâu! Lúc đó, còn khoẻ mạnh lại háo thắng, mỗi một kỳ nghỉ hè là Viễn lại đi làm những cái việc mà người khác không làm, cực khổ không thành vấn đề, miễn có càng nhiều tiền càng tốt. Năm đó cách đây năm năm. Viễn sắp thi tốt nghiệp, mùa nghỉ lạnh đến Viễn lại lên núi làm việc; năm đó tuyết đổ rất nhiều, mà công việc bấy giờ là làm đường, công việc tiến hành giữa bão tuyết. Thế rồi núi lỡ. Viễn đã bị chôn trong tuyết, lúc được cứu ra, nó gần như không còn biết gì nữa. Sau đấy vì nhiễm lạnh Viễn bị viêm phế quản trầm trọng. Thế là sau hai tháng nằm bệnh viện về, Viễn phải nghĩ học luôn.

Chí Tường mở to mắt

- Chuyện đó ở nhà chúng tôi hoàn toàn không hay biết.

Ông lão nhìn lên, rồi lại cúi xuống tiếp tục công việc:

- Cậu có biết không, cái thói quen của những người đi du học là thế, tin vui thì báo về nhà, còn tin buồn thì ém nhẹm. Viễn đã không báo cho nhà biết cũng không dám nhờ đại sứ quán giúp đỡ. Lúc đó chỉ có tôi và Ức Hoa. Chúng tôi đã chăm sóc cho cậu ấy. Cũng may là Viễn có sức khỏe, nên bình phục nhanh chóng. Chỉ tiếc một điều là giọng hát hoàn toàn hư.

Ông lão đặt kim chỉ xuống, chậm rãi nhìn lên.

- Cậu có nghe ai nói là người mà giọng hát đã bị hư rồi còn có thể tiếp tục học thanh nhạc nữa không? Đừng nói đến chuyện diễn opera, một cách hát phổ thông cho trẻ con cũng không hát được...

Tường cắn môi, đầu choáng váng. Ức Hoa vẫn yên lặng bên đống quần áo đang ủi, nhưng Tường đã nhìn thấy có hai giọt lệ đang chảy dài trên khuôn mặt của nàng.

- Vì vậy Tường ạ! Ông lão thu xếp đồ nghề đứng dậy - Con không nên nghĩ ngợi gì cả, cũng đừng tìm kiếm việc làm. Con làm vậy là có lỗi với Chí Viễn. Cái điều mà con cần làm hôm nay là phải cố học, cố vẽ cho thật giỏi. Con có thành công thì Viễn mới sung sướng được.

Ông bước tới đặt lên vai Tường.

- Hãy cố gắng Tường ạ! Hãy yêu anh con, và giúp đỡ nó. Nó là một thằng thanh niên tốt. Nó kỳ vọng ở con. Và con phải học giỏi để trả ơn nó.

Chí Tường và ông lão nhìn nhau yên lặng, bên tai chàng chỉ có tiếng sột soạt của chiếc bàn ủi chạy trên vải.

Chương 7


Những ngày kế tiếp, cuộc sống đầy tính chiến đấu. Chí Viễn cũng làm việc một cách cật lực, tăng việc, tăng ca. Ở xí nghiệp xây dựng, Viễn không từ một việc gì. Khiêng đất, khiêng gạch, lái xe, đập đá. Những gì có thể làm được, Viễn đều nhận làm. Ở ca kịch viện thì từ tháng mười một đến tháng ba, là giai đoạn hoạt động rầm rộ nhất. Những vở hát lớn được khai trương. Phông mới, cảnh trí mới rồi chuyện quét dọn, thu vén mọi thứ ở hậu trường, treo băng quảng cáo ở ngoài rạp... Hùng hục như một chú trâu nước.

Với Chí Tường thì ngốn nghiến tri thức, sách vở, vẽ như điên, học như điên... Những cơn gió đầu mùa đông thổi đến, lúc hạn chế việc ra ngoài là Tường lại lăn xả vào việc nghiên cứu Tượng. Phải thừa nhận một điều là... chỉ có ở Châu Âu ta mới hiểu được thế nào là "tượng". Chí Tường nghiên cứu tỉ mỉ. Mô phỏng kiến tạo những bức tượng xưa. Những ngày cuối tuần chàng mang giá vẽ đến một nơi nào đấy ở ngoại ô nơi có những danh thư đặc sắc phác hoạ hay ký lại những đặc điểm quan trọng của tượng đá. Từ chân dung người, tượng thần, tượng thú... Hàng trăm bức như vậy... Ở nhà những bức ký hoạ như vậy đã chất thành núi trên bàn.

Viễn đi làm, nửa khuya mới về đến nhà nhìn núi tranh, nhìn những pho tượng đá đang tạc dở, rồi nhìn Chí Tường đang co ro nằm ngủ quên dưới sàn nhà, trên tay còn cầm dao điêu khắc hay phấn than, là chàng xúc động. Chàng đứng ngẩn ra ngắm em với ánh mắt trìu mến, rồi mới đánh thức em dậy, để Tường lên giường.

Trong khi Chí Tường, mỗi sáng thức dậy nhìn dáng dấp ngủ của anh, cái khuôn mặt tiều tuỵ, hốc hác, mệt mỏi mà đau lòng. Chàng ngồi đấy và ngẩn ra nhìn. Nhìn thật lâu rồi mới khoác áo ra ngoài, bước xuống bếp pha ấm cà phê nóng, nướng mấy lát bánh mì, rán hai cái trứng, một trái táo gọt sẵn vỏ, tất cả đặt vào bàn với mảnh giấy.

"Anh Viễn nhớ ăn sáng nhé" hoặc "Anh Viễn, đừng làm việc gắng sức quá nhen". Và thường khi đi học về, Tường lại trông thấy mảnh giấy khác của anh để lại.

"Ngày mai chủ nhật rồi, em nhớ đưa Ức Hoa đi chơi nhé?" hoặc "Lúc này buổi tối lạnh lắm, ở nhà Ức Hoa sưởi ấm rồi hãy về" hay "Con mọt sách ạ, ngoài chuyện học ra, cậu đừng quên chuyện tình cảm nhé".

Ức Hoa! Chí Viễn lúc nào cũng muốn gép chàng với Ức Hoa. Tại sao vậy? Nhưng Tường không biết phải giải thích thế nào. Rõ ràng là giữa Ức Hoa với chàng... Thân mật thì có thân mật, nhưng đạt đến cái mức mà Viễn mong muốn thì vẫn chưa có. Tường không hiểu sao lại thế. Ức Hoa dịu dàng, tỉ mỉ, an phận và biết nuông chiều. Không chim sa cá lặn, nhưng lại đủ để người đối diện mềm lòng... Vậy mà không hiểu sao... Hoa lại không nhóm được trong lòng Tường một ngọn lửa? Có lần Tường đã thành thật thú nhận với anh.

- Anh Viễn. Anh biết không? Ức Hoa có thể là bạn, là tri kỷ, là một cô em gái. Nhưng không thể là một người tình của em. Anh đừng có sốt sắng thái quá. Với em bây giờ chỉ có học. Học là quan trọng nhất. Em không rảnh đâu mà nghĩ đến chuyện có bạn gái.

- Rồi từ từ nó sẽ đến thôi. Chí Viễn đã nói một cách tin tưởng như vậy. Chàng lại nhớ đến cái thói quen xoa đầu Tường nói - Em dồn hết tâm trí cho chuyện học, điều đó đúng. Nhưng chuyện có bạn gái... thì dù muốn hay không, khi tình yêu đến, chưa hẳn là em dứt được!

Có vậy ư? Tình yêu đến một cách bất chợt? Trên trời rơi xuống? Tình yêu như nhựa bám, bức không rời? Có thể ư? Chuyện đó với Tường hẳn còn lâu.

Hôm ấy là ngày chủ nhật. Tháng 12. Trời rét nhưng vẫn có nắng, ngay từ sáng sớm Chí Tường đã đến viện bảo tàng nghệ thuật, Tường đã bị lôi cuốn bởi một tác phẩm điêu khắc vĩ đại của Binini, đó là tác phẩm "Bắt cóc".

"Bắt cóc" là một tác phẩm điêu khắc bằng đá hoa cương nổi tiếng thế giới, nó gồm hình tượng của một người đàn ông với những bắp thịt cuồn cuộn, tượng trưng cho cứng rắn. Trên vai của anh ta là một thiếu nữ, với khuôn mặt sợ hãi, đường nét của thiếu nữ mềm mại yếu đuối, đây là một huyền thoại nhưng với Chí Tường cái lôi cuốn hấp dẫn chàng không phải là điển tích, mà là cái biểu hiện của toàn thể tác phẩm, cái "cương" của người đàn ông và cái "nhu" của người đàn bà, kết hợp tạo thành một nét đẹp tuyệt vời, ngắm mãi không thấy chán. Hôm ấy Chí Tường đứng trước bức tượng, chàng đang ký hoạ lại từng phần của pho tượng. Cái bàn tay gân guốc đầy sức mạnh của người đàn ông, cái thon thả của đùi phụ nữ. Pho tượng tuy bằng đá nhưng người xem vẫn thấy cái mềm mại của da thịt.

Tháng 12 không phải là tháng ngao du, vì vậy khách trong viện bảo tàng không đông lắm. Chí Tường đặt hết tâm trí vào công việc, không để ý đến du khách chung quanh, rồi đột nhiên bên tai chàng có một giọng nói trong trẻo, êm ru của phụ nữ, mà đó lại là tiếng Hoa mới lạ.

- Ba mẹ ơi! Lại đây xem này, một lực sĩ đang cõng một cô gái đẹp

Ở nước ngoài mà được nghe đến tiếng Hoa là cả một niềm vui lớn, đối với Tường, chưa kể đó là giọng nói của phụ nữ. Chàng quanh nhanh lại, đột nhiên thấy tim đập mạnh, bên cạnh pho tượng có một tác phẩm nghệ thuật sống động khác. Một đôi mắt đen nháy, đang ngắm lấy pho tượng với cái nhìn tò mò, nhưng cũng thật dạn dĩ.

Đó là một thiếu nữ người Hoa rất trẻ, chắc chưa đến hai mươi với chiêc áo khoác ngoài bằng lông thú màu sữa, bên trong chiếc robe đỏ. Chí Tường là một người rất nhạy cảm với màu sắc. Cô gái trước mặt thật tươi mát, khuôn mặt bầu bĩnh trẻ trung, chiếc mũi nhỏ với đôi môi hình quả ấu. Tường đã ngắm thiếu nữ với đôi mắt của một nhà làm nghệ thuật. Cái nhìn của chàng khiến cô gái lúng túng. Cô ta quay sang cặp vợ chồng đứng tuổi người Trung Quốc cạnh đó.

- Cha mẹ! Cô gái tinh nghịch vừa nhìn về phía Tường vừa nói - Cha mẹ xem kìa, có một chàng man man cứ nhìn con mãi, có lẽ hắn là người Nhật. Con không ưa người Nhật. Ta về đi.

Mal mal? Người Nhật? Cô bé dùng từ thật ngộ nghĩnh, nhưng thấy bị gọi là người Nhật, Tường thấy xúc phạm, nên nói

- Tôi thấy thì cô mới đúng là người Nhật.

Cô gái vừa quay đi, nghe Tường nói, dừng lại trợn mắt

- Ai bảo anh tôi là người Nhật? Anh định chọc quê tôi à?

- Thế cô nói tôi thì sao?

Cô gái nhìn Tường nghĩ ngợi rồi cười với Tường:

- À! Người Hoa phải không?

- Đương nhiên!

- Thế đàng ấy tên gì vậy?

- Trần Chí Tường. Còn cô?

- Chu Đa Li.

- Ồ! Tên lạ quá! Đa Li có phải là Dolly của tiếng Anh đấy không?

- Anh nghe lầm rồi. Tên tôi là Chu Đan Chi, có nghĩa là cái trái vải màu son đấy.

- Ồ cái tên đẹp tuyệt

Tường nói, cô gái im lặng một chút

- Anh du học à? Anh đến từ Đài Loan hay Hồng Kông?

- Từ Đài Loan. Thế còn cô?

- Thuỵ Sĩ

- Thuỵ Sĩ à?

- Vâng, nhà chúng tôi ở Thuỵ Sĩ. Cha tôi trước kia từ Hồng Kông di dân sang Thuỵ Sĩ. Vì vậy chúng tôi có đến hai quốc tịch. Chúng tôi đến Roma nghỉ hè.

Ngay lúc đó. Tường chợt nghe người đàn bà đứng tuổi nói:

- Đan Chi. Chúng ta đi thôi. Ở đây toàn những pho tượng đá, trông mãi phát chán.

Đan Chi quay sang Tường, nhún vai nói:

- Cha mẹ tôi là vậy. Cái gì họ không thích là họ không cho mình xem. Tôi không hiểu hoa lá có gì đẹp? Mà họ chỉ thích xem cây cảnh. Đi chơi mà chỉ một chút là lại chui vào các nhà hàng có máy lạnh để thưởng thức beefsteak thôi.

Cái thái độ của cô bé khá bộc trực làm Chí Tường thấy buồn cười. Chàng liếc nhanh về phía cha mẹ cô ta, rồi nói hỏi

- Cô có thích xem tượng, xem vòi phun nước, cô có sợ lạnh không?

- Buồn cười không. Tôi mà sợ lạnh à?

- Nếu không sợ lạnh, thì tôi sẵn sàng làm hướng dẫn viên cho cô. Ở đây tôi quen thuộc từng tấc đất.

Trong khi cha cô gái nhìn lại

- Đan Chi. Con làm gì đấy? Chúng ta đi thôi.

Đan Chi do dự rồi nói nhanh với Chí Tường

- Anh đứng đây đợi nhé, để tôi đi thương lượng với cha mẹ xem.

Rồi cô gái bỏ đi về phía cha mẹ. Chí Tường đứng nhìn theo, cuộc thương lượng hình như xảy ra. Cha mẹ cô gái lắc đầu. Sau đấy là màn giận dỗi, giậm chân, rồi Tường thấy họ nhìn về phía chàng, cuối cùng Đan Chi với nụ cười, vừa khoát tay với cha mẹ vừa chạy về phía chàng.

- Bai... bai... Con sẽ trở về trước bữa cơm tối. Cha mẹ đừng lo.

- Nhớ về sớm nhé. Chơi rong ngoài trời nhiều quá coi chừng cảm lạnh.

Lời dặn dò của người mẹ, Đan Chi đáp:

- Con biết rồi!

Khi chỉ còn hai người, Đan Chi mới nói với Tường

- Thật khó mới được cha mẹ cho phép.

- Khó đâu mà khó. Tường nói - Tôi thấy ông bà có vẻ chiều cô.

Đan Chi cười

- Anh nói cũng đúng. Cha mẹ rất chiều tôi. Bởi vì họ yêu tôi, mình cũng phải biết sử dụng vũ khí đó để đạt được mục đích chứ.

Chí Tường yên lặng nhìn Đan Chi, chàng không ngờ cô gái trẻ có một kinh nghiệm về cha mẹ khá độc đáo.

- Thế ban nãy cô nói gì mà người đồng ý vậy?

- Tôi bảo là: tôi gặp một người bạn.

- Hừ. Ban nãy cô vừa mắng tôi là người Nhật rồi bây giờ lại nhận tôi là bạn. Sao mâu thuẫn thế? Cha mẹ cô cũng tin à?

- Tôi đã đính chính, tôi bảo ban nãy tôi nhìn lầm.

- Rồi cha mẹ cô tin?

- Đương nhiên là họ không tin. Nhưng họ hay giả vờ để mình vui.

- Họ biết là cô nói dối. Nhưng vẫn buông thả, họ không sợ tôi là người xấu, rồi bắt cóc cô ư?

- Bắt cóc à? Đâu anh thử xem. Cô gái nhướng mày một cách tinh nghịch - Anh biết không. Cha mẹ tôi rất phóng khoáng, người biết là khó có thể cột chặt được tôi, vả lại ban nãy tôi cũng doạ, tôi nói với cha mẹ, nếu người không cho tôi đi chơi với anh thì người phải đưa tôi đi khắp các bảo tàng, nào là của thánh Peter, thánh Phaolô, thánh Maria, thánh Martinv... Ông ấy nghe tôi nói sợ quá vội bảo "Ờ thôi cứ đi đi".

Chí Tường ngơ ngác

- Ồ sao lại vậy? Tôi ở đây cũng khá lâu mà sao chẳng nghe ai nói đến những bảo tàng đó?

Đan Chi cười

- Đương nhiên là anh không nghe. Bởi vì nó có đâu mà nghe? Tôi chỉ bịa ra để hù cha thôi.

- À! Chí Tường chợt cười lớn, tiếng cười của hai người trong cái không khí yên lặng, làm những người còn lại khó chịu. Tường kéo Đan Chi ra ngoài. Từ lúc đến Roma đến giờ chưa bao giờ Tường lại cười thoải mái như vậy.

- Cô còn ở đây bao lâu nữa?

- Một tuần.

- Thế cô có xem qua phim "Mùa hè ở La Mã" chưa?

Đan Chi đã cười

- Nhưng tôi không phải là công chúa, mà anh cũng không phải là chàng phóng viên.

Có một chiếc xe ngựa chạy trờ tới, gã xa phu người Ý, dùng cái tiếng Anh ngượng nghịu chào khách. Đan Chi có vẻ thích thú định nhảy lên xe. Chí Tường phải chận lại hỏi giá

- Bao nhiêu tiền một cuốc vòng quanh công viên?

- Ba ngàn lire.

Một số tiền lớn! Chí Tường ngẫm nghỉ trong túi chàng chỉ có sáu ngàn lire, mà ban sáng Viễn đã đưa, với lời dặn: "Tối nay nhớ đưa Ức Hoa đi xem phim nhé". Tường định trả giá. Nhưng rồi khi nhìn vào ánh mắt ngạc nhiên của Đan Chi, cái tự ái của người đàn ông chợt nổi lên. Thế là chàng vội kéo cô gái lên xe.

Gã xa phu giật mạnh giây cương. Vó ngựa lộc cộc trên nền đá, tạo thành một khúc nhạc êm dịu. Đan Chi cười to, tiếng cười ngây thơ đã xua đuổi đi cái mặc cảm phạm tội trong lòng Tường.

Băng Nhi
24-04-2006, 08:58 PM
Chương 9


Nắng từ ngoài xuyên qua cửa sổ.

Chí Viễn trở mình trên giường, cái mệt mỏi vẫn còn làm đôi vai đau nhức. Không phải chỉ có đôi vai mà như lan rộng cả người. Có lẽ vì lúc gần đây Viễn đã làm việc quá nhiều. Chàng nằm đấy kiểm điểm bản thân. Nhưng mà học phí của học kỳ sau của Chí Tường chưa đóng... Rồi tiền phải gởi về quê nhà... Mấy hôm nay Tường xài tiền hơi nhiều... Nhưng mà con trai ở cái tuổi của Tường... Khi mở thế tấn công thì phải vậy. Không biết tình cảm giữa Tường và Ức Hoa đã tiến đến đâu... Dù gì ta cũng phải gắng một chút... Phải kiếm thêm một số tiền... Nếu có thể được. Sáng có thể nhận thêm một vài việc làm... Sự suy nghĩ của Viễn chợt bị tiếng động ở phòng khách cắt ngang.

Ai vậy? Viễn mở mắt, nghiêng đầu, lắng nghe có tiếng chân đang đi tới lui. Tiếng động khá quen thuộc. Viễn nhìn vào đồng hồ. Mười một giờ sáng... Vậy là vừa rồi...

Viễn ngồi dậy vươn vai. Vớ lấy chiếc áo choàng vào người rồi đi thẳng ra phòng khách.

- Ức Hoa đấy à?

Ức Hoa đang lau bàn, nghe tiếng hỏi vội ngẩn lên

- Ồn quá làm anh giật mình tỉnh dậy à?

- Đâu có! Tại tới giờ thức rồi đấy chứ.

Viễn đáp và liếc nhanh về phía Hoa. Cô này có dáng dấp bình thản yên phận... Một thứ mặt hồ thu. Viễn không tìm thấy ở đấy một sự biến động gì về tình cảm. Sao lạ vậy?

Viễn bỏ đi vào phòng vệ sinh. Rửa ráy xong, chàng lại bước ra ngoài... Bất chợt bắt gặp Ức Hoa đang ngẩn ra nhìn những bức phác hoạ của Tường. À! Sự tiến triển nằm ở đây thôi. Viễn gật gù và bước tới thăm dò.

- Sao? Ức Hoa thấy thế nào? Tường nó vẽ được chứ?

- Đẹp! Đẹp lắm. Ức Hoa tấm tắc khen - Anh ấy đúng là một nhân tài. Hèn gì cứ nghe anh ca ngợi mãi.

- Tôi biết là cô cũng phải phục hắn. Chí Viễn nói một cách xa vời - À mà này... Ức Hoa... Có chuyện gì thì không được giấu tôi nghe không?

- Giấu anh? Chuyện gì? Ức Hoa nhìn lên ngạc nhiên - Từ xưa tới giờ, có chuyện gi mà tôi giấu anh đâu?

- Thật không đấy?

Chí Viễn nhìn Hoa với ánh mắt nghi ngờ.

Ức Hoa lúng túng với cái nhìn của Viễn. Chợt nhiên nàng đỏ mặt, rồi quay đi như né tránh. Ức Hoa đặt mấy bức tranh của Tường xuống, gom lấy những bộ áo dơ trên ghế, rồi nói.

- Em có làm mấy món mà anh thích ăn ở đằng nhà. Anh đến ngay nhé. Có món xíu mại xốt cà nữa. Nhanh đấy cha đang chờ..

- Sao vậy? Chí Viễn tò mò nhìn Hoa - Hôm nay có gì đặc biệt thế?

- Lạ chưa? Hôm nay anh mới lạ. Ức Hoa châu mày nói - Chuyện em mời cơm là chuyện rất bình thường. Anh cũng biết rồi cần gì đặc biệt hay không đặc biệt. À... Anh có để ý không, lúc gần đây em thấy anh gầy nhiều đấy. Cần phải bồi dưỡng một chút.

- Có món xíu mại xốt cà à? Chí Viễn vừa liếm mép vừa nói - Sao em lại phí công làm mấy món cầu kỳ đó chi vậy... Nhưng mà... Sao không để dành cho bữa cơm tối?

- Để dành cho cơm tối?

Ức Hoa ngẩn ra không hiểu ý. Viễn ngần ngừ một chút nói.

- Cô biết không, Chí Tường nó lâu lắm rồi không được ăn cái món xíu mại xốt cà... Hay là mình dành lại cho nó ăn đi... Anh thì chỉ cần một miếng sandwich jambon là xong bữa... Tường nó mới ra nước ngoài, món ăn Ý nó chưa lấy gì làm quen.

Ức Hoa ôm đống quần áo dơ, đứng đấy. Nàng ngơ ngác nhìn Viễn thật lâu, mới thở dài nói.

- Anh Viễn... Trong trái tim anh lúc nào cũng chỉ có hình bóng Chí Tường thôi sao?

- Dĩ nhiên là không phải vậy. Viễn nói và bước tới đặt tay lên vai Hoa - Còn có em nữa chứ.

Ức Hoa run người.

- Còn có cả em nữa à?

- Đúng rồi. Có cả hai người. Rồi Viễn nhìn Hoa với ánh mắt chăm sóc - Sao, thế nào? Tình cảm hai người đã đến đâu? Chắc cũng không đến nỗi nhạt lắm? Bật mí cho tôi biết đi. Hai đêm qua mấy người đã đi đến đâu chơi nào?

Mặt Hoa chợt tái đi, nàng nhìn lên, trừng mắt với Viễn thật lâu mới nói.

- Đã mấy ngày, tôi không gặp Tường... Tối anh ấy cũng không đến nhà tôi dùng cơm... Còn cái chuyện anh không thích ăn xíu mại xốt cà... thì tuỳ anh... Tôi và cha tôi cũng sẽ không để nó ế...

- Ồ! Sao vậy? Chí Viễn ngạc nhiên - Mấy hôm nay Tường nó không dùng cơm bên ấy à?

- Anh Viễn. Ức Hoa thở dài nói - Tại sao anh cứ bắt buộc Tường phải ở bên tôi? Thôi, nếu bây giờ anh không đi, thì tôi về một mình vậy.

Và Ức Hoa quay người về phía cửa, định bỏ đi.

Viễn như sực tỉnh, gọi với theo.

- Khoan đã, chờ một chút. Đợi tôi lấy thêm áo.

Và Chí Viễn chạy vào phòng ngủ lấy áo khoác ngoài quay trở ra, chàng vừa đi vừa lẩm bẩm

- Lạ thật... Thế mấy ngày nay nó làm gì? Sao có vẻ bí mật vậy? Thế mà tôi tưởng... Tôi tưởng là nó đi với cô chứ?

Ức Hoa bước đến bên chồng tranh phác hoạ của Chí Tường, lưạ một tấm đưa lên, nói

- Hay là... Anh ấy bận với cô này?

Chí Viễn đỡ lấy bức tranh nghi ngờ. Đấy là một bức ký hoạ vẽ bằng bút than. Trong tranh là một thiếu nữ tóc ngắn, mặc chiếc áo lông thú. Khuôn mặt bầu bĩnh với dáng vẻ tinh nghịch. Cô gái ngồi trên cỗ xe ngựa, tay đang vung roi. Tranh tuy chỉ là ký hoạ, nhưng thật sống động.

Viễn ngẩn ra nhìn, thật lâu mới nói.

- Cô khéo tưởng thôi, chứ đây... hẳn là người mẫu của trường nghệ thuật họ mướn đấy.

- Tôi không tưởng tượng. Mà tại sao phải khéo tưởng tượng chứ? Có điều... Tôi biết... Người mẫu họ chỉ làm mẫu trong xưởng vẽ thôi, họ ít ra ngoài... Vả lại, ở thành phố Roma này... đâu phải dễ tìm một người mẫu Trung Hoa?

Rồi Ức Hoa lại quay sang nắm tay Viễn

- Bây giờ anh có muốn ăn xíu mại xốt cà không nào?

Chí Viễn vẫn còn ngơ ngác nhưng rồi cũng theo chân Ức Hoa, vừa đi chàng vừa lẩm bẩm

- Kỳ thật, chuyện này kỳ thật!



Cùng lúc đó Chí Tường và Đan Chi đang ngồi ở một quán cà phê bên đại lộ. Họ vừa ăn vừa tán gẫu. Đan Chi có vẻ rất thoải mái, cô nàng nói chuyện huyên thuyên. Hôm ấy trời rất lạnh nên vỉa hè cũng vắng người qua lại.

- Nhỏ Chi này. Chí Tường vừa thở dài vừa nói - Thật ngày mai Chi về Thuỵ Sĩ rồi à? Không ở lại được thêm mấy hôm nữa sao?

Đan Chi nhướng mắt nhìn Tường.

- Anh mong tôi ở lại thêm mấy hôm à?

Chí Tường thở ra, tựa người ra sau, rồi bưng tách cà phê nhấm nháp. Hơi nóng cà phê bốc lên tạo thành một làn khói mỏng... Tường nhìn theo... Mọi thứ như lờ mờ... Bất giác Tường nghĩ đến Chí Viễn. Lúc này Chí Viễn gầy đi thấy rõ... Anh ấy làm việc hùng hục với hy vọng... Viễn cố làm cho thật nhiều tiền... Nhưng không phải để ta hoang phí. Tường lại hớp một hớp cà phê. Nhanh thật, mới đấy mà cà phê đã nguội. Đột nhiên Tường như ngộ ra. Một sinh viên nghèo... ngay tư cách giao thiệp với bạn gái cũng không có nhất là... với những bạn gái xuất thân từ gia đình khá giả như Đan Chi... Những đứa con gái không hề bị quấy nhiễu bởi nghèo khó.

Chí Tường bỗng nói

- Thôi được rồi, cô cứ về Thuỵ Sĩ đi.

Đan Chi quay lại nhìn Tường

- Anh rõ là kỳ cục. Từ nào tới giờ chưa thấy ai như anh. Con người đầy mâu thuẫn.

- Sao vậy?

- Tôi đi chơi với anh cả tuần lễ nay thấy anh thay đổi như chong chóng, lúc thì hồn nhiên, đùa giỡn như một đứa con nít, lúc lại âu sầu như ông lão.

Chí Tường cười buồn

- Cô thấy rõ hết rồi phải không?

- Vâng, thấy hết, thấy hết. Đan Chi vừa khuấy cà phê vừa nói - Tôi còn thấy anh cao ngạo, phách lối không coi ai ra gì!

Chí Tường buồn rầu

- Vậy à?

- Vâng. Đan Chi lớn tiếng - Anh còn dè dặt nữa.

- Dè dặt?

- Vâng, anh dè dặt với tôi. Anh lúc nào cũng giữ khoảng cách. Đan Chi thành thật nói - Anh làm như tôi sắp bắt cóc anh không bằng... Rồi Đan Chi lại nhướng mày - Anh sợ tôi phải không? Đừng lo... Khỏi phải sợ gì cả. Vì tôi không hề có ý định đó đâu.

Chí Tường nhìn Chi cười, nhưng không nói gì hết.

- Để tôi nói thật anh biết nhé. Đan Chi tiếp - Lúc còn ở Thuỵ Sĩ tôi có rất nhiều bạn trai. Người Hoa có, người Âu có... Tất cả đều chiều chuộng, đều sẵn sàng cúi người trước mệnh lệnh của tôi. Bản chất tôi phóng khoáng. Tôi không yếu đuối... nên làm bạn với tất cả mọi người tôi chưa hề bị một đứa con trai nào khuất phục... Đó cũng là lý do tại sao cha mẹ tôi lại dễ dãi cho tôi làm bạn với anh... Họ biết là tôi với anh chỉ là một đôi bạn tình cờ... Sự biết nhau đó rồi không có dài lâu. Bèo mây tình cờ gặp nhau, rôi sẽ xa nhau. Đứa con gái hờ ơ như tôi có coi cái gì là quan trọng? Vì vậy, nhóc Tường, cậu khỏi lo. Cậu có giữ hay không giữ tôi lại cũng vậy thôi. Ngày mai rồi tôi về Thuỵ Sĩ. Ngày mốt tôi sẽ quên cậu ngay. Cậu biết chứ?

Chí Tường nhìn Đan Chi rất lâu, nhưng vẫn yên lặng, khiến Đan Chi thắc mắc

- Tại sao anh không nói gì cả vậy?

- Còn nói gì nữa bây giờ? Tường nói - Cô đã nói hết, cô đã khuyên tôi như vậy, thì tôi chỉ còn biết nghe theo thôi. Ngày mai cô về Thuỵ Sĩ. Ngày mốt cô đã quên tôi...

Chí Tường nhìn lên bầu trời, rồi đứng dậy, đặt tiền lên bàn

- Thế cũng tốt! Tốt lắm! Thôi bây giờ tôi phải đi học. Chào nhé! Đan Chi!

- Khoan đã nào! Đan Chi đứng dậy theo - Hôm nay mà anh còn đi học được à? Anh không biết hôm nay là ngày cuối cùng tôi ở lại Roma? Anh không ở lại chơi với tôi một ngày nữa được sao?

- Cô biết là... tôi coi việc học quan trọng cỡ nào?

Đan Chi giận dữ

- Trọng hơn cả tôi nữa à?

Chí Tường suy nghĩ. Chợt nhiên bao trở ngại như hiện rõ trước mắt

- Cô với tôi như bèo mây gặp nhau, nhưng dù gì chúng ta cũng có được một kỳ nghỉ vui vẻ ở Roma, vậy là quý rồi. Mai cô cũng "sẽ đi" và tôi cũng phải như cô, sẽ quên mất... Tường nói và cố tình làm ra vẻ tỉnh - Nhỏ Chi này, cô dùng chữ "trọng" ở đây không đúng nhé. Bởi vì giữa chúng mình đã có gì đâu, phải không?

Đan Chi trừng mắt nhìn Tường. Đôi mắt của nàng thật to. Hình như có một chút giận dữ. Một lúc, Đan Chi giậm chân lớn tiếng

- Hừ. Đi học đi, đi đi! Anh tưởng là anh ngon lắm hở. Khỉ thật! Tôi đi đây. Từ rày về sau, anh đừng hòng thấy được tôi.

Và Đan Chi quay người đi, mặc cho gió rét. Chí Tường đứng đấy nhìn mãi cho đến lúc bóng Chi khuất nơi góc phố, chàng thở dài, ôm chồng sách, lầm lũi đi về hướng trường, trong lòng như có một cái gì căng thẳng, nhói đau... Tại sao vậy? Tại sao phải nói những lời gay cấn như vậy. Nhỏ Chi... Chí Tường gọi khẽ trong lòng. Cả hai ta đều giống như những chú sâu mang đầy màu sắc tự vệ. Chẳng ai chịu kém ai... Không ai chịu để cho đối phương thấy rõ được cái thật của mình. Nhỏ Chi này, em biết không, nếu không phải là ở nước ngoài, nếu không vì mang quá nhiều trọng trách... cây cột đá của thành Roma và quê nhà đang đè nặng trên vai... Cả Chí Viễn... Nếu như... Nếu như... Nếu như chẳng có hàng trăm cái nếu như... như vậy thì có lẽ... Chí Tường đã không buông tha em đâu!

Ngồi trong giảng đường, mà Chí Tường không nghe được gì cả. Lời thầy giảng như những âm thanh xa lạ... Trước mặt Tường chỉ có khuôn mặt của Đan Chi. Đan Chi cười, Đan Chi chống tay hất hàm, Đan Chi tinh nghịch... Vụt cười ròn rã... Quậy... Hồn nhiên... Chỉ có một tuần... Một tuần bên cạnh Đan Chi mà sao đủ thứ... Từng tình tiết... Từng cử chỉ... như hiện rõ trong đầu chàng. Cuộc gặp gỡ ở bảo tàng... Cưỡi ngựa trong công viên. Những cuộc lang thang bên phế tích. Đuổi nhau trong trường đua... Đan Chi như vậy đó, tự nhiên không kệch cỡm. Cô có thể leo lên những đống gạch ngỗn ngang ở phế Thành, ngồi xổm đấy... Cũng có thể đứng giữa quảng trường hét to... Chí Tường không bao giờ quên hình ảnh của Đan Chi, đứng dưới cung tròn của cổng đấu trường với bài hát

"Bầu trời trong xanh
Mây trắng xoá
Mây trắng trời xanh đẹp biết bao..."

Tiếng hát của Đan Chi vang vang... Nàng vừa hát vừa cười cười... Nụ cười hồn nhiên như làm mát cả đấu trường.

Tất cả đã qua rồi, qua rồi ư? Chỉ là một thứ duyên kỳ ngộ? Một cơn gió thoảng qua? Một giấc mộng nhỏ?

Chí Tường thở dài. Ừ... Rồi không bao lâu... Đan Chi sẽ quên chàng. Tường tin như vậy. Cái con người hồn nhiên như Chi, thì có bao giờ để vướng bận điều gì? Chắc như thế. Đó là chưa nói... giữa họ... nào đã có gì xảy ra đâu? Mà có cũng chưa chắc được. Tường có muốn giữ chặt... thì cũng không được... Nó sẽ như gió... sẽ lọt qua kẽ tay và bay đi, chỉ có một tuần lễ thôi mà...

Chí Tường nhìn lên thầy... Nhưng trước mắt Tường không phải là thầy nữa mà là Chí Viễn đang còng lưng khiêng lấy cột đá. Những bước chân nặng nề... Ngoài sân khấu tiếng vỗ tay không ngớt... Tiếng hát tiếng đàn... Còn ở hậu trường... Kho phong cảnh... Những chiếc cột đá... Cái còng lưng của ông anh.

Chí Tường lắc đầu cố xua... hình bóng của Đan Chi. Thôi đừng mơ tưởng nữa, đừng nghĩ ngợi nữa... Tiếng hát nụ cười... Sự nũng nịu... Cái nháy mắt... Trêu chọc... Tại sao xua mãi mà không tan... Tại sao cứ thấy lòng nhức nhối?

Băng Nhi
25-04-2006, 11:58 AM
Chương 10


Lễ giáng sinh qua không bao lâu là mùa xuân đến.

Tối hôm ấy Chí Viễn xin phép về sớm.

Phải trực tiếp nói chuyện với Chí Tường. Không biết nó đã bận gì? Phải hiểu rõ tình cảm của nó. Bởi vì... lúc gần đây Tường nó có vẻ làm sao ấy. Nó lầm lầm lì lì. Rủi ro mà nó bị một đứa con gái không đứng đắn nào đó mê hoặc... thì nguy mất. Bao nhiêu sự sắp xếp của chàng sẽ tan thành mây khói. Âu châu chứ không phải Đài Loan. Sự quyến rũ vật chất mạnh, rất dễ bị hư hỏng. Chắc chắn Chí Tường không bê bối như vậy... Nhưng mà... Anh em cũng đã lâu rồi... không có dịp để nói chuyện với nhau.

Vừa về đến cửa, thấy ánh đèn trong cửa sổ toả sáng... Viễn biết ngay là Chí Tường đang ở nhà. Nhìn vào đồng hồ mới 9 giờ tối. Vậy thì Tường nào có lê la bên ngoài mãi khuya mới về đâu. Một tình cảm nhẹ nhàng dâng lên trong lòng. Chí Viễn chợt thấy bức rức. Vậy mà sao ta lại nghi ngờ, lại còn nghĩ đến cả hai chữ hư hỏng. Rõ ràng là ta đã không tin tưởng em trai ta. Một thanh niên ưu tú, biết phấn đấu như vậy. Một hình bóng cũ của ta.

Chí Viễn vội vã bước lên lầu. Mở cửa ra, là Viễn thấy ngay Tường. Chí Tường đang đứng trước bàn ăn. Đang chú tâm bên bức tượng bán thân thiếu nữ.

Nghe tiếng động cánh cửa, Chí Tường quay lại, thấy Chí Viễn, chàng có vẻ không an tâm.

- Ồ! Anh! Sao hôm nay anh về sớm vậy? Anh không được khoẻ à? Hình như tối hôm qua, em nghe có tiếng ho của anh.

- Không có gì đâu, anh khoẻ lắm em ạ. Chí Viễn vui vẻ, ái mộ nhìn em - đang làm, chợt nhiên anh lại muốn về sớm mấy tiếng, nên anh xin phép về. Chí Viễn bước lại cạnh Tường, tiếp - lúc này anh thấy em có vẻ thích thú với ngành điêu khắc. Em tạc càng lúc càng khéo đấy chứ.

- Vâng, thầy em cũng nói tác phẩm điêu khắc của em rất lôi cuốn.

- Vậy à? Chí Viễn thích thú - thấy chưa, thầy em cũng đã thấy trước tài năng của em.

Chí Tường cười:

- Em cũng mong như vậy. Ông ấy còn nói, nếu tình thế mà phát triển thuận lợi thì chỉ khoảng hai năm nữa là em có thể ra trường.

- Ra trường à? Chí Viễn xuýt xoa - Ý em muốn nói là chỉ hai năm nữa là xem như em hoàn tất được số học phần. Em sẽ lấy được bằng cấp?

- Vâng. Chí Tường vừa ngắm lấy bức tranh trên bàn vừa tiếp - Nhưng mà nghệ thuật là môn học không có hạn. Tác phẩm có xuất sắc hay không còn tuỳ tài năng và kinh nghiệm và sự thành công cũng tuỳ sự đánh giá của công chúng. Vì vậy, em tự kiểm điểm hoài và nhận thấy hình như tác phẩm của mình còn thiếu một thứ.

- Thiếu gì? Chí Viễn ngồi xuống, chăm chú nhìn bức tượng. Tượng chỉ mới phác sơ nhưng đã có dạng... một thiếu nữ khá xinh. - Anh không thấy nó thiếu cái gì cả.

- Có chứ! Chí Tường ngắm tượng, chợt buông lưỡi dao khắc. Chàng ngồi xuống ghế, hai tay ôm lấy đầu - Nó thiếu sự sống động, nó khô khan. Không biểu thị được gì cả. Và Chí Tường đau khổ nhìn lên - Khi tác phẩm của ta đạt đến một mức độ nào đó, mà ta thấy không thể phát triển hơn được, thì đó là một điều đau khổ.

Chí Viễn đặt tay lên vai em, thương hại nói:

- Tại em quá nôn nóng. Chí Tường! Đừng em, đừng bức bách mình quá. Cái mà em cần làm bây giờ là... phải nghỉ ngơi một chút... Đi nghỉ mát hay tìm... một cô bạn gái chẳng hạn...

Chí Tường châu mày:

- Anh nói thế là thế nào?

Chí Viễn đứng dậy, rót hai ly cà phê. Một ly đưa cho em trai còn một ly cho mình. Chàng ngồi trở lại bàn, chăm chú nhìn em. Chí Tường có vẻ xanh xao, tiều tuỵ. Điều này làm cho Viễn xót xa. Chàng thấy mình chưa tròn trách nhiệm.

- Anh biết em có chuyện không vui - Chí Viễn nhìn kỹ pho tượng rồi nghĩ đến bức hoạ hôm nào, hình như nó có cái gì liên hệ với nhau - Chí Tường, em đừng giấu anh. Hãy cho anh biết. Nỗi buồn đó đến từ đâu? Có phải từ Ức Hoa không?

- Không! Không! Chí Tường lắc đầu nhanh - Hoàn toàn không dính dáng đến cô ấy.

- Vậy thì - một cô gái khác? Có phải cái cô bé cưỡi xe ngựa không?

Chí Tường giật mình quay đầu lại. Chàng nhìn Viễn tái mặt

- Anh cũng biết cô ấy nữa à?

Chí Viễn không đáp hỏi ngược lại:

- Nghĩa là chuyện đó có thực chứ?

- Vâng có thật. Chí Tường chợt đẩy ghế ra, đứng dậy, chàng đi một vòng phòng như để lấy lại bình thản, rồi hỏi - Nhưng mà... Ai đã nói lại cho anh biết vậy?

- Em

- Em?

- Ừ, Chí Viễn hớp một hớp cà phê rồi nói - Anh thấy từ một bức ký hoạ. Chí Tường, em hãy cho anh biết. Cô ấy thế nào. Người Hoa à?

- Có thể gọi là người Hoa, cũng có thể nói là không phải.

- Thế là thế nào?

- Trên huyết thống thì cô ta một trăm phần trăm là người Hoa, nhưng trên phương diện quốc tịch thì không phải.

Cốp! Lần này đến phiên Chí Viễn đẩy bàn đứng dậy. Ly cà phê trên bàn bị sóng sánh nước. Viễn chồm qua nắm lấy tay Tường, xúc động

- Vậy là không được. Mặc dù anh không có quyền can thiệp vào cuộc sống riêng tư của em. Em muốn có vợ thế nào là quyền của em. Em không thích anh sắp xếp cũng được. Nhưng mà... anh cực lực phản đối chuyện em có bạn gái người Hoa mà quốc tịch nước ngoài. Thà là gặp một cô mũi lõ mắt xanh chính cống, còn thế này không được. Em có thể cho anh là hủ lậu, phong kiến, không tiến bộ gì gì cũng được. Nhưng anh ghét nhất chuyện đó. Quốc tịch ta ta phải giữ lấy. Ta đến từ nơi nào ta phải quay về nơi đó, em hiểu không?

Chí Viễn vừa thở vừa nói

- Em cũng vậy nữa. Đừng bao giờ quên quê hương của mình, huyết thống của mình. Em thấy đấy, Ức Hoa mặc dù sinh ra ở Ý nhưng em có biết quốc tịch của cô ấy là gì không? Trung Quốc! Trung Quốc từ đầu chí cuối không thay đổi. Cha con đều vậy.

Đó là điều làm cho anh đây phải nể phục.

Chí Tường nhìn anh, chàng bức rức.

- Làm gì mà anh lại xúc động như vậy? Cô bạn của em quốc tịch gì mặc cô ấy. Bởi vì, chuyện đó dù sao cũng đã qua rồi.

Chí Viễn ngạc nhiên:

- Qua rồi?

- Vâng, đã đi vào quá khứ rồi. Chí Tường vừa sờ lên pho tượng vừa nói - Vì mọi chuyện đi vào bế tắc. Thôi anh đừng nhắc tới nữa. Anh chỉ nên biết là: cô ấy đã bỏ đi. Không còn ở cái thành phố Roma này nữa. Anh yên tâm.

Viễn chưa hết ngạc nhiên nhìn em. Cái thái độ buồn bã thất tình của Tường làm Viễn thấy lúng túng rồi bất bình. Sao kỳ vậy? Đẹp trai như Tường mà cũng bị gái bỏ rơi, đùa cợt ư?

- Hừ. Chí Tường. Chuyện thế nào? Tại cậu bỏ rơi người ta hay người ta không còn yêu cậu?

- Anh Viễn. Chí Tường có vẻ bức rức - Thôi chúng ta đừng đề cập đến chuyện đó nữa, được không? Bởi vì anh thấy đấy. Chuyện mới bắt đầu đã kết thúc ngay. Vậy thì có gì để nói nữa chứ? Bỏ qua đi.

- Thôi được, thôi được! Anh sẽ không nói đến chuyện đó nữa. Chí Viễn đốt một điếu thuốc. Ngồi tựa người vào ghế, lặng lẽ nhìn em - Đúng rồi - Tất cả chúng ta, ai cũng đều mệt mỏi, mệt mỏi quá. Hôm nào rảnh mình sẽ phải tìm một nơi nào đó... giải trí.

Chí Tường thở dài. Nhắm mắt lại chàng thấy đầu óc bỗng thật căng thẳng. Tội nghiệp ông anh. Ta đã khiến anh ấy vừa phải lo lắng vừa phải buồn. Sao vậy? Tiền học, tiền ăn, tiền chi phí... mọi thứ. Vậy mà chẳng hề thấy anh ấy kêu ca... Chí Tường định nói gì đó nhưng rồi không nói được.

- Chí Tường này. Chí Viễn cố làm ra vẻ thật vui để phá tan cái không khí căng thẳng - Đừng nghĩ ngợi gì cả... Cũng đừng để ý những điều anh vừa hỏi nghen. Coi như anh hơi tò mò vậy thôi. Bây giờ, em nghe này. Có phải hai tháng nữa là em sẽ nghỉ hè rồi không? Đợi đến lúc đó, anh cũng sẽ xin phép nghỉ một tuần, chúng ta rủ cả hai cha con của Ức Hoa cùng đến Venise chơi. Venise đấy! Bảo đảm cậu là đến đấy sẽ mê tít... Không có thành phố nào lại tuyệt vời như nó.

Chí Tường quay lại nhìn anh với ánh mắt cảm động, chàng bước tới ngồi cạnh Viễn nói

- Không được, anh Viễn ạ. Đến lúc nghỉ hè... Anh cứ đi chơi đi, em ở lại đây, em kiếm một việc gì đó làm... Em không muốn anh suốt năm cực khổ vì em. Anh thấy đấy. Em cũng là đàn ông, em có sức khoẻ... Em có thể làm bất cứ việc gì mà anh làm được.

- Đừng có điên, Chí Tường ạ, Viễn cười một cách khoan dung - Cái việc mà em có thể làm được hiện nay là học. Em phải cố học, phải thành tài. Còn cái chuyện kiếm tiền trong lúc này... là bổn phận của ông anh cậu...

Ngay lúc đó đột nhiên có tiếng gõ cửa. Hai anh em nhìn nhau rồi Chí Tường hỏi:

- Ai đấy? Sao đến tối vậy?

Cửa mở. Ức Hoa đứng bên ngoài với nụ cười nhìn Chí Viễn với ánh mắt long lanh.

- Anh Viễn, hôm nay anh về sớm quá hử?

Hoa nói tay bận bịu với một chiếc đĩa to. Trên đĩa là những chiếc bánh bao bốc khói

- Cha em hôm nay thèm ăn bánh bao. Thế là em hấp cả một nồi. Nhớ đến hai anh bên này. Một người thì cặm cụi điêu khắc, còn một người thì mệt với ca đêm, nên em mang một ít qua đây. Có hai loại đấy. Bánh ngọt lẫn bánh mặn, muốn thứ nào cũng có cả.

Tuyệt thật! Chí Viễn nghĩ. Không lẽ có chuyện thần giao cách cảm. Biêt ta hôm nay về sớm nên mang bánh qua cho cả hai anh em? Hay là... đây chỉ là vì một người thôi? Vậy là... cái về sớm của ta chưa hẳn là hay. Nghĩ đến chuyện đó, Viễn chợt ngẩn đầu lên nhìn em trai. Hèn gì Chí Tường hôm nay có vẻ say mê công việc quá. Và Viễn chợt nghĩ đến chuyện rút lui.

- Ồ! Hai người ngồi đây nói chuyện nhé. Công việc ở đằng rạp của tôi chưa xong. Phải về đấy tiếp tục.

Và Chí Viễn vội vã đi về phía cửa. Nhưng Chí Tường đã chặn lại.

- Anh Viễn, anh nói vậy là sao?

Ức Hoa có vẻ không vui đăt đĩa bánh xuống bàn, nói:

- Anh Viễn, bộ anh tưởng là em không biết anh về rồi à? Hừ, cái chiếc xe cũ kỹ của anh, đến đâu là máy rú ồn đến đấy. Nó chạy qua cửa nhà em và em biết ngay. Em đã quen với tiếng xe này bao nhiêu năm rồi. Anh đi làm hay trở về lúc nào là em đều biết cả...

À! Chí Tường nhìn anh. Như thế này thì... Tường nghĩ sự hiện diện của mình ở đây quả thừa thãi. Người ta thấy tiếng xe mới mang bánh bao đến. Tường vội bước tới nhặt lấy một cái bánh, rồi vừa ăn, vừa bước ra ngoài.

- Hai người cứ nói chuyện tự nhiên nhé, tôi ra ngoài dạo mát một chút.

- Này Chí Tường! Viễn nắm áo em kéo lại - Ức Hoa thành khẩn mang bánh đến cho hai anh em ta sao cậu không ngồi lại ăn đàng hoàng mà bỏ đi?

Chí Tường miễn cưỡng ngồi xuống ghế, nhưng cứ cúi xuống ăn bánh không nói gì cả. Trong khi Ức Hoa nhìn hai anh em. Cô này cũng cảm thấy có cái gì ngượng ngiụ, nên nói:

- Chắc hai anh em có chuyện gì muốn nói riêng phải không? Vậy thì tôi về. Tôi chỉ có bổn phận mang bánh đến đây thôi.

Viễn vội kéo tay Ức Hoa lại

- Đi đâu? Ngồi xuống chứ? Ngồi xuống nói chuyện với anh em chúng tôi. Tụi này cũng đang nói về cô đấy.

- Nói về tôi à? Ức Hoa ngạc nhiên - Nói gì về tôi chứ?

Viễn nói:

- Tôi đang bàn tính với Chí Tường là đợi đến lúc nghỉ hè sẽ mời cả hai cha con của cô đến Venise chơi.

- Thật à? Anh không xạo chứ? Ức Hoa tròn mắt hỏi - Anh có thể nghỉ phép ư?

- Nghỉ có một tuần chắc không bị mất nồi cơm đâu.

Chí Tường chợt nói:

- Em không đi đâu! Ức Hoa, cô đi với anh Viễn nhé? Còn tôi, tôi sẽ ở lại đây tìm việc làm.

- Chí Tường! Viễn không hài lòng - Tôi đã bảo cậu rồi, chuyện kiếm tiền là chuyện của ông anh cậu. Cậu không tin khả năng của anh cậu sao? Anh không nuôi nổi được cậu à?

Chí Tường không chịu thua:

- Nhưng mà anh cũng cần nghỉ ngơi. Nghỉ hè những ba tháng, em có thể tìm được việc làm, anh phải dưỡng sức.

- Anh không cần nghỉ gì cả. Chí Viễn nói - Người cần dưỡng sức là em. Em đã gắng sức quá nhiều. Nửa năm qua anh thấy em học hùng hục...

- Thôi, không nói chuyện đó nữa. Chí Tường chợt cắt ngang - Dù gì từ đây đến đó cũng còn mấy tháng. Từ từ tính, được chứ? Tính sớm quá làm gì?

- Phải tính sớm mới sắp xếp được chứ. Chí Viễn nói - Tóm lại là cậu phải cùng đến Venise với chúng tôi, sau đấy cậu và Ức Hoa có thể đến Florence, Milan, Napoli rồi quay về sau cũng được.

Chí Tường vẫn ngoan cố:

- Không, tôi không đi đâu cả, tôi sẽ tìm việc làm.

- Tìm việc làm! Việc làm! Chí Viễn nổi nóng nói lớn - Cậu ngay cả cái tiếng Ý còn chưa thạo, tìm việc làm cái khỉ gì? Tôi thành thật cho cậu biết, việc làm không phải dễ kiếm đâu.

- Ít ra thì tôi cũng tìm được việc làm như anh. Tường không chịu kém - Dù gì tôi cũng còn trẻ, có sức và có thể làm những việc nặng hơn cả anh!

- Em điên rồi nên em mới chọn những việc làm như anh. Viễn nói mà mắt đỏ hẳn - Em là một con người trời sinh ra để làm nghệ thuật. Tay em là để cầm bút vẽ, cầm dao điêu khắc... Chứ không phải để làm chuyện khác.

Chí Viễn cầm bàn tay của Tường lên. Những ngón tay của Tường vừa thon vừa mềm. Chàng quay sang Ức Hoa nói:

- Ức Hoa xem này... Đây có phải là bàn tay của người làm nghệ thuật không? Bàn tay này để sáng tạo những tác phẩm vĩ đại đấy.

Chí Tường nhìn vào đôi tay mình, rồi chụp lấy đôi tay của Viễn mở xoè ra. Những ngón tay của Viễn với nét sần chai cứng. Công việc nặng nhọc làm tay như nở to ra. Chưa kể những vết cắt, những vết bầm... Bất giác Chí Tường cảm thấy như bị choáng, máu như căng cứng cả lồng ngực, nó dâng lên tận cổ, làm chàng như nghẹt thở, cả người rã rời. Chí Tường thấy không còn chịu được chàng đứng bật dậy, rồi bỏ chạy ra ngoài. Chạy xuống lầu và xông ra cả phố vắng.

Viễn như ngẩn ra mấy phút. Quay lại vừa chợt bắt gặp ánh mắt đầy lệ của Ức Hoa. Chàng bàng hoàng rồi cũng đứng bật dậy, đuổi theo Chí Tường.

Trong nhà chỉ còn lại một mình Ức Hoa. Nàng ngơ ngẩn nhìn đĩa bánh trên bàn, nhìn pho tượng điêu khắc dở, chợt thở dài

Trong khi đó, giữa cái lạnh của gió đêm, Viễn đang đuổi theo Tường trên phố vắng.

- Chí Tường!

Tường vẫn mãi bước. Chiếc áo sơ mi không đủ ấm phất phơ. Viễn đuổi theo, cởi chiếc áo khoác ngoài ra đắp lên vai Tường.

- Em phải mặc áo kín một chút. Ở đây chứ không phải Đài Loan đâu em ạ. Không cẩn thận sẽ bị cảm lạnh đấy.

Chí Tường đứng lại nhìn anh chợt xúc động vô ngần. Viễn đứng đấy, ánh mắt đầy chăm sóc thương cảm.

- Em thấy đấy... Cả hai chúng ta bỏ đi ra ngoài cả, để Ức Hoa một mình trong nhà. Vậy có hơi quá đáng không?

Viễn nói trong khi Tường yên lặng. Tường không làm sao khác hơn được vì... mặt chàng đã ràn rụa nước mắt. Thật lâu Tường mới quay lại lặng lẽ đi bên anh. Cả hai đi sát nhau, cùng trở về nhà, không nói thêm một lời nào cả.

Băng Nhi
26-04-2006, 12:48 PM
Chương 11


Tan học, Chí Tường bước ra khỏi trường, đầu còn đầy ắp những điều mới học về điêu khắc. Nguyên liệu để tạo tác phẩm quá rộng rãi, có thể gồm gỗ, đá, kim loại như đồng, sắt... Môn học mấy hôm nay phải nói là "tạo hình" chứ chưa phải là "điêu khắc". Tạo khuôn trước bằng đất rồi sau đấy gia công. Binini không thích dùng cái phương thức này. Nhưng đại điêu khắc gia này hay sử dụng nguyên tảng đá to rồi gia công từng nét... để tạo nên sản phẩm. Còn bây giờ trên thương trường đầy rẫy những tác phẩm "điêu khắc" mạo hoá bằng cách đúc khuôn thạch cao, dáng dấp cũng như vậy, cũng là một pho tượng nữ thần Vénus, thần Davis, César đại đế, nữ thần Roma...

Nhưng chỉ có những du khách bình thường mới xuýt xoa coi như báu vật, còn những tay nghề như Tường là sẽ thấy ngay nó không phải là tượng, vì nó không có sức sống, không hồn, không có tình cảm, nó chỉ là một khối đá trơ không truyền đạt được ý nghĩa gì.

"Trong tất cả các chất liệu để tạc tượng, đá hoa cương là chất liệu dễ diễn đạt nhất, nhưng cũng khó nhất". Chí Tường vừa đi vừa nghĩ "Nếu chỉ để mô phỏng thì nên sử dụng đồng. Vì đồng là chất liệu diễn đạt truyền cảm, nhưng rồi ta sẽ tạc tượng gì? Đúng rồi, một bức tượng "Thiếu nữ và ngựa"".

"Thiếu nữ và ngựa". Chí Tường vừa nghĩ đến đề tài đó thì trong đầu lại hiện ra hình bóng của Đan Chi. Đôi mắt sáng, mái tóc cắt ngắn. Đan Chi lái xe ngựa chạy bay dưới ánh trăng đầy vẻ cuồng dại. Nhỏ Chi! Nhỏ Chi. Chợt nhiên nhắc đến cái tên đó Chí Tường đã thấy lòng đau nhói. Tại sao chỉ có một tuần mà Chi đã để lại trong lòng Tường dấu ấn sâu đậm thế này? Nhỏ Chi! Chí Tường lại ngước lên nhìn bầu trới ửng bóng hoàng hôn. Hoàng hôn nào cũng vậy, rực rỡ với ánh nắng hồng. Nhỏ Chi! Bây giờ em ở đâu? Thuỵ Sĩ? Em đang làm gì? Thuỵ Sĩ với bao nhiêu thành phố lớn nhỏ. Vậy mà đến cái địa chỉ nhỏ nhoi, em cũng keo kiệt không để lại cho ta. Hừ! Chí Tường lại thở dài. Hãy quên lãng đi, đừng nghĩ đến nữa... Hãy nghĩ đến Chí Viễn và Ức Hoa thôi, nghĩ đến chuyện học hành, những tảng đá hoa cương và gỗ và thạch cao.

Có một thằng bé người Ý đi đến. Nó chợt đưa tay ra chận Tường lại. Chí Tường nhìn và nhận ra ngay. Đó là con của lão chủ quán cà phê ở góc phố, nơi mà Chí Tường thường ghé qua với chiếc bánh nướng và ly cà phê mỗi trưa.

- Antonia, cậu có chuyện gì thế?

Chí Tường ngạc nhiên hỏi. Thằng bé không trả lời chỉ đưa cho Tường một mảnh giấy nhỏ rồi bỏ chạy mất. Tường ngỡ ngàng mở giấy ra. Ngạc nhiên vì chữ viết trong ấy là chữ Hoa, nét chữ rất lạ, vẻn vẹn mấy chữ. "Tôi sẽ chờ anh ở trường đua, đến ngay có chuyện muốn nói".

Một bức thư không đầu không đuôi. Lạ quá. Chí Tường nghĩ ngợi không biết là của ai. Hay là Ức Hoa? Lâu lắm rồi Tường chưa nói chuyện riêng rẻ với Hoa, những lần gặp mặt nếu không có lão Cao thì cũng có lần Viễn ở cạnh. Nếu lần này là Ức Hoa... Nói chuyện riêng hẳn phải có liên hệ đến Chí Viễn. - Tường nghĩ. Hằng ngày Tường cũng thấy Ức Hoa như có tâm sự gì đó. Viễn cũng vậy. Hay là... Ức Hoa muốn thanh minh một cách rõ ràng cái tình cảm nhập nhằng giữa hai người? Nghĩ thế Chí Tường vội đi ngay đến trường đua.

Cái trường đua cổ của thành Roma nằm giữa trung tâm thành phố. Nghe nói nó đã có hơn hai ngàn năm lịch sử. Một vật kiến trúc mà dãi dầu qua hơn hai thế kỷ thì tránh sao chẳng hoang phế. Cái vòng cung bên ngoài vẫn còn, nhưng đã sạt lở hơn phân nửa. Bước vào trong là những bậc thang bằng đất, nghe nói cái tường đất này ngày xưa rất kiên cố, là chỗ nhốt sư tử. Vậy mà bây giờ chỉ là một đống đất vụn...

Đường vào bên trong đầu trường có rất nhiều cửa, những chiếc cửa hình cung. Chí Tường vừa bước vào là có cái cảm giác như ai đó đã định đùa với chàng. Một đấu trường ngày xưa chứa năm sáu mươi ngàn người, thì làm sao Tường biết được là người hẹn đang đứng ở đâu?

Chí Tường ngẫm nghĩ, rồi leo lên trên tận cùng của bức tường đất. Đứng thẳng người để ai đó hẹn sẽ nhìn rõ chàng, nhưng Tường đứng như vậy thật lâu, chàng cũng đưa mắt nhìn quanh mà chẳng thấy ai vẫy tay với chàng cả. Đây không phải là mùa du lịch, đấu trường thật vắng. Chỉ có mấy đứa con nít người Ý vào đây chơi trò rượt bắt thôi.

Chí Tường đưa tay lên làm loa gọi lớn bốn phía

- Ai? Ai muốn gặp tôi?

Nhưng Tường không nghe ai trả lời. Chỉ có tiếng vang của chính chàng.

- Ai? Ai muốn gặp tôi?

Chí Tường chau mày, đưa mắt tìm kiếm một lần nữa, và rồi chàng đã gặp. Dưới chiếc cổng hình cung, có một chiếc bóng nhỏ. Người mặc áo đỏ ngồi trên bậc thềm trống, khoảng cách khá xa, nên Tường không nhìn rõ mặt... Nhưng trái tim của Tường đã đập mạnh. Có thể như vậy không? Có thể không? Một sự nôn nóng, đợi chờ... Một niềm vui... Đúng là nàng không? Chắc hẳn như vậy. Vì chỉ có cô ấy mới nghĩ ra cái cách hẹn gặp kỳ cục thế này... Chỉ có cô ta mới nghĩ đến cái đấu trường này. Chí Tường vội bước nhanh. Bước thật nhanh về phía chiếc bóng màu đỏ... Chàng muốn có ngay đôi cánh để bay nhanh đến cạnh chiếc áo chờ đợi kia. Và cuối cùng rõ ràng là Chí Tường đã thấy. Đã thấy rõ ràng, đúng như điều mong đợi. Tường hét to

- Nhỏ Chi! Ê! Nhỏ Chi! Nhỏ Chi!

Đan Chi ngồi đấy, quần dài đỏ, chemie trắng, nhưng áo khoác ngoài lại đỏ. Gió chiều làm rối mái tóc ngắn. Chi đã thấy Tường, nhưng vẫn ngồi yên đấy. Tay chống lấy cằm nhìn về phía chàng.

Chí Tường đã đến trước mặt Chi. Chàng đứng đấy hổn hển thở, Chi vẫn ngồi yên như pho tượng, thái độ thật trang nghiêm. Chi như biến thành một người khác. Tường ngẩn ra.

- Nhỏ Chi! Phải nhỏ Chi đấy không? Phải không?

Đan Chi tròn mắt nhìn Tường. Cái nhìn thật khác lạ.

- Không phải à? Chí Tường ngạc nhiên - Đây không phải là Đan Chi sao? Lạ vậy?

Chi vẫn như pho tượng, nhưng là một pho tượng biết nói

- Chắc là không phải rồi. Chi nói - Bởi vì - Đan Chi ngày cũ cái gì cũng bất cần, phớt lờ... Một Đan Chi không biết buồn, chỉ biết cười, biết quậy... Không biết yêu, không hề bị bức rứt vì tình yêu... Lũ con trai trước mắt nó ngoan ngoãn như những con cừu non, mặc tình nó muốn làm gì thì làm. Muốn mổ xẻ sao cũng được... Trong khi Đan Chi hôm nay khác hẳn... Hoàn toàn khác.

Rồi Đan Chi nhìn Tường ánh mắt xa vời.

- Này có tin không? Nhóc Tường... Có một gã con trai cao ngạo, tự đại, kỳ cục... Vậy mà hắn đã khiến cho tôi phải đơn thân độc mã từ Thuỵ Sĩ lặn lội đến thành phố Roma này.

Chí Tường ngẩn ra. Giọng nói của Đan Chi bỗng êm dịu như một điệu nhạc... Tường thấy trái tim như mềm ra. Và khuôn mặt trước mắt trở nên tuyệt diệu làm sao. Tường muốn ngừng thở. Chàng không biết đây là thật hay là mơ. Tường nói mà không tin tưởng lắm.

- Ồ... Không... Nhỏ Chi ạ... Thật khó tin... Khó tin quá... Nhỏ Chi, từ nào tới giờ... Tôi không hề tin... lời nguyện cầu. Thần linh hay bất cứ một phép lạ nào... Vậy mà...

Tường nói và Đan Chi đột nhiên đứng dậy, đứng sát người chàng với ánh mắt long lanh, khuôn mặt đỏ gắt và hơi thở dồn dập. Đan Chi nói... Nói thật to

- Anh là một thằng điên... Anh khờ khạo lắm... Làm sao lại không tin? Làm sao lại cầu nguyện? Thay vì vậy sao anh không đi tìm tôi? Viết thơ cho tôi? Anh đã làm tôi phải điêu đứng. Anh biết không? Tôi từ Genève một mình đến đây. Anh ác lắm! Anh tàn nhẫn, anh ngu thật là ngu... Làm tôi thấy căm thù, thấy hận anh...

- Khoan đã, nhỏ Chi ạ. Em cần phải công bằng một chút chứ? Chí Tường cũng nói lớn - Tại sao em lại bỏ đi ngang nhiên như vậy? Đi một cách rốt ráo, không để lại địa chỉ. Như vậy làm sao tôi biết được thành phố, con đường, số nhà mà gởi thư cho em? Vậy mà em có biết là tôi đã điên thật, tôi lại viết thư và gởi nữa...

Đan Chi tròn mắt

- Anh đã gởi đi đâu?

- Gởi sang cho em.

- Nhưng mà em có nhận được đâu?

- Chắc chắn là em đã nhận được, bằng không sao em quay sang đây? Chí Tường nói - Mỗi ngày tôi có gởi cho em một lá thư, đến hôm nay tất cả 33 lá rồi.

Đan Chi cắn nhẹ môi nhìn Tường. Có nước mắt hiện trong mắt nàng.

- Nhóc Tường!

Chi kêu lên rồi lập tức không dằn được, nàng ngã ngay vào lòng chàng. Lập tức cả hai quyện lấy nhau. Cả hai cùng xúc động tưởng chừng như không còn xa nhau được nữa.

Tường tham lam cúi xuống đặt nụ hôn lên môi nàng. Nước mắt chảy xuống, chảy cả vào môi hai người.

- Nhỏ Chi! Em có biết không... Mấy hôm nay anh khổ lắm. Anh cứ bị dày vò, vật vã... Anh như mất hồn.

- Em biết rồi... Đan Chi run rẩy trong lòng Tường - Trái tim của anh đang nói điều đó với em. Nó đập mạnh quá. Đan Chi kề sát tai vào lồng ngực Tường - Em thích nghe tim anh đập kia kìa... Nó đập như điên... Anh đừng có cười... Thật đấy. Ba mươi ngày qua, em cũng đã muốn phát điên... Bây giờ dù gì... em cũng ở bên anh rồi... Em muốn mãi mãi bên anh suốt quãng đời này.

- Ờ! Lời nói của Đan Chi làm trái tim Chí Tường bốc lửa - Nhỏ Chi, anh cũng thế. Anh cũng cương quyết không để em đi nữa. Anh và em phải mãi mãi bên nhau.

Đan Chi nhìn lên. Có lẽ ráng chiều làm nhuộm đỏ cả khuôn mặt, làm ánh mắt long lanh.

- Anh nói thật đấy chứ? Chắc không? Anh không để tôi đi chứ?

Câu hỏi của Đan Chi làm Tường giật mình, lý trí quay về thật nhanh. Tường chợt thấy ngay cái bồng bột của mình. Khuôn mặt của Chí Viễn hiện ra trong đầu. Cái đôi mắt như lo lắng của anh... Nhưng rồi... Cái nhiệt tình của Đan Chi, cái hơi thở nóng hổi của người con gái, sự tin tưởng... Làm Chí Tường choáng váng tới nỗi như bị nhận chìm dưới cái khuôn mặt chờ đợi, dưới những giọt lệ long lanh đọng trên mi

- Ừ, anh nói thật đấy! Chí Tường nói nhanh như sợ không còn dịp để nói - Nhỏ Chi! Anh nói thật mà. Làm sao anh có thể để em đi vuột khỏi... Em là cả nguồn sống, nguồn cảm hứng nghệ thuật của anh, là hạnh phúc và niềm vui. Để em đi mất có nghĩa là anh mất tất cả.

- Vậy thì... Đan Chi khẽ nói - Anh có biết là em đã bỏ nhà ra đi không? Bây giờ anh sẽ sắp xếp thế nào cho em chứ?

- Cái gì? Chí Tường suýt nhảy chồm lên, chàng đẩy Chi ra xa một chút, chăm chú nhìn... Em nói... Em bỏ nhà đi à? Có nghĩa là ba mẹ em cũng không biết chuyện em đến đây?

- Biết chứ - Đan Chi nói - Em có để lại mảnh giấy trên bàn, em nói là em sang Roma học nhạc và thế là em bỏ đi...

Chí Tường nghĩ ngợi. Bây giờ mới thấy cái nhiệt tình, cái sung sướng đột xuất ban nãy biến đâu mất. Thay vào đấy là một áp lực nặng nề... Những vấn đề chưa nghĩ đến, không nghĩ đến bỗng nhiên từ đâu ùn ùn kéo đến... Hiện nay sự sống, sự học của chàng đều lệ thuộc vào anh. Vậy thì phải sắp xếp thế nào cho Đan Chi đây? Bản thân còn chưa lo nỗi, trong khi Đan Chi lại là cô gái con nhà giàu... chưa hề chịu đựng cực khổ... Tất cả niềm vui ban đầu biến nhanh. Chí Tường lặng lẽ ngồi xuống. Hay tay ôm lấy đầu, chàng cảm thấy rối rắm không cùng... Tình hình gần như hoàn toàn bị bế tắc

- À! Đan Chi nhìn Tường nói - Hình như anh đang lúng túng phải không? Anh không có khả năng thu xếp giùm em, phải không?

Chí Tường ngẩn lên thành thật

- Ừ. Nhỏ Chi ạ... Anh phải thú thật với em dù chuyện đó có làm cho em khinh thường, dè bỉu, chê bai. Nhưng đó là sự thật. Anh không thể sắp xếp gì cho em được cả... Vì anh tuy được học ở Roma, nhưng anh không phải là nhà giàu, nhà anh rất nghèo. Chuyện anh và anh của anh đi du học, đã để cha mẹ trong nước phải gánh nợ... Ngay bây giờ chuyện học và chuyện ăn ở của anh là do anh ruột anh chu cấp. Với em, chuyện đưa cho gã lái xe ngựa một xếp tiền là chuyện tuỳ hứng, vô nghĩa, nhưng với anh thì không được... Tiết kiêm được mấy trăm lire là đỡ mấy trăm... Với số tiền đó anh có thể có một bữa cơm, một ly nước. Nhỏ Chi. Anh nói không phải là để kể khổ, mà bởi vi... Em đã đến đây, vì anh mà đến đây... Anh không thể giấu giếm sự thật... Em đã hỏi anh, phải sắp xếp thế nào, anh có thể nói: đừng lo, rồi anh sẽ cưới em, anh sẽ xây cho em cả một toà cung điện, mua cho em một chiếc xe ngựa bằng vàng... Mua nguyên một bầy ngựa hàng trăm con cho em... Nhưng mà như vậy là xạo, là nói dóc... Anh không thể làm được điều đó. Ngay cả chuyện hôn nhân anh còn không dám ước mơ... Trước khi anh tốt nghiệp, có việc làm... anh không làm được điều gì cho em cả, em hiểu không?

Chí Tường nói một cách xúc động, chàng không dám nhìn lên.

- Bây giờ là lúc... em nên mở to đôi mắt để nhìn anh, nhìn thật rõ... Xem thử xem anh có đáng để em phải bỏ nhà trốn đi không? Nếu em thấy sự thật làm em thất vọng thì...

Đan Chi ngồi xuống cạnh Chí Tường, yên lặng nghe Tường nói, Tường kể lể... Rồi đột nhiên nàng đưa tay bụm lấy miệng Tường... Nàng nói, nói một cách bình thản, khẳng định

- Đừng nói nữa, nhóc Tường ạ... Dù gì em cũng đã đến đây. Em sẽ không làm tăng gánh nặng trên vai anh đâu... Em sẽ tự thu xếp được mọi thứ cho mình... Với một điều kiện...

- Điều kiện gì?

- Anh hãy cho biết... anh có nghĩ đến em, có nhớ em, có thấy cần thiết phải có em bên cạnh không?

Chí Tường nhìn lên, nhìn trừng trừng vào mắt Chi

- Anh biết là... Em cũng biết... Em đâu có cần hỏi những điều đó... Mắt Tường chợt ướt - Em cũng biết mà - Tất cả niềm vui... hạnh phúc của anh... đều đang nằm trong tay em, đang ở giữa cái khung cửa này...

- Hỏi vậy là đủ rồi. Đan Chi nói, nàng có vẻ xúc động - Vậy thì em sẽ ở lại... Bây giờ anh có đuổi em đi thì em cũng sẽ không đi, em sẽ ở lại...

Chí Tường nhìn Đan Chi. Mặt trời đang lặn. Cả đấu trường hoang phế nhuộm đỏ trong ráng chiều tạo nên một khung cảnh đẹp như thơ như mộng. Đan Chi đẹp quá. Chưa bao giờ Chí Tường thấy Chi đẹp thế này.