songthu_245
12-04-2006, 06:09 AM
Chương 1
Thiên Hương chặc lưỡi, thắng nhẹ chiếc xe đạp, tấp vào cạnh lề. Những ngã tư đèn xanh đỏ trong thành phố giờ này cao điểm, đông nghẹt. Nhỏ nhìn vào cái đồng hồ nhỏ xíu trên cổ tay mà than thầm.
- Chết rồi... trễ mất... kẹt xe kiểu này ít nhất cũng mất mười lăm phút !
Có tiếng động cơ xe máy nổ nhẹ và kề sát như muốn chồm tới trước một cái bánh xe. Đập ngay vào mắt Thiên Hương là đôi kính cận dày độ, có gương mặt rất quen thuộc.
- Dũng cận ! - Hương reo lên và gọi.
- Thiên Hương ! - Dũng nhấp nháy đôi mắt, lấp lánh niềm vui. - Tình cờ quá vậy ?
- Ừ ! Sao rồi... Ổn không Dũng ?
- Hỏi khía cạnh nào vậy Hương ?
- Mọi việc ! - Hương cười tinh nghịch chẳng khác gì lúc còn học phổ thông, làm cho Dũng ngây người. - Nè ! Hương hỏi Dũng đó, trả lời đi chứ ?
- Được, nhưng hỏi nhiều, phải trả lời mất thời gian . Cho nên không thể đứng ở đây nói chuyện được . Mình tìm nơi nào uống nước nhé Hương ? Coi như Dũng mời.
- Nhưng bữa nay Hương kẹt giờ dạy thêm rồi, sắp trễ nữa.
- Tới đó xa không ? Hay tìm nơi gởi xe đạp đi, Dũng tình nguyện "ga lăng" một chút với chức danh tài xế riêng cho lớp trưởng, được không ?
- Ghê chưa ? - Hương cười duyên dáng . - Đây mới đúng là dân thành phố thứ thiệt đấy . Nói năng lưu loát, hoạt bát chứ đâu cù lần như ngày nào chui tọt về quê để học . Thoạt đến lớp y như gà khờ.
- Thật à ? - Dũng cũng cưòi . - Bởi vậy mới bị các cô chiếu cố, "đì" sát đất . Cũng may lớp trưởng can thiệp kịp thời, ơn đức ấy Dũng ghi lòng tạc dạ và sẽ nguyện giữ đến suốt đời.
Đôi mắt Dũng mở to sau lớp kính cận . Cả hai bồi hồi cùng nhớ lại kỷ niệm ngày xưa khi bên nhau, cùng lớp, chung trường...
... Thiên Hương bước vào lớp vỗ tay ra hiệu cho các bạn im lặng . Đầu giờ thường ồn ào, nhỏ phải hét lớn.
- Im lặng đi ! Có việc cần báo đây.
- Chuyện gì, nói lớn lên . - Cả lớp nhao nhao hỏi, nhất là tụi Minh Hiếu.
- Lớp chúng mình... chuẩn bị đón thêm một bạn mới, từ thành phố chuyển về học.
- Hương ơi... là nam hay nữ ? - Kim Hà hỏi nhanh và lớn . - Nếu con trai... thì ta xí phần trước đó . Dân thành phố "ga lăng" và model lắm . Có thể còn là công tử giàu sang, đẹp trai và... viết chữ "bự" nữa.
Cả lớp phá lên cười như đàn ong vỡ tổ theo câu pha trò tinh nghịch lẫn quái ác của Kim Hà.
- Còn nếu là con gái thì... xin cho Hiếu đăng ký nhé ! - Hiếu giơ cao tay . - Con gái thành phố duyên dáng và tế nhị, lại có làn da tuyệt vời nhờ xài kem dưỡng da... E100 chống lão hóa, làm trắng da và không bắt nắng.
Cả lớp lại ào lên những trận cười như muốn bay tung nóc ngói của lớp học.
- "Stop" lại đi ! Thầy giám thị xuống tới đó . - Hương nói lớn, cố át tiếng ồn ào đùa giỡn, nhưng hầu như vô hiệu.
Những câu pha trò cứ thi nhau bật ra và tiếng cười lại tha hồ nổ như pháo tết, từng tràng liên thanh vang động.
Đúng là "Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò", Hương lắc nhẹ đầu chào thua, bước về chỗ ngồi, cố gắng ổn định trật tự lại một lần nữa.
- Đủ rồi các bạn, ồn ào quá bị kỷ luật đấy . Ảnh hưởng tới các lớp chung quanh kìa . Còn thành viên sắp gia nhập lớp mình là... con trai đấy.
- Á... hoan hô ! - Kim Hà ré lên . - Của ta đấy nhá . Các ngươi tranh giành không được đâu.
- Tới rồi Hà ơi . - Mai lên tiếng . Cả lớp tắt hẳn tiếng ồn ào khi bước chân thầy giám thị hiện ra ở cửa lớp.
Thầy nói vài lời với lớp trưởng xong trở ra . Trước mắt tập thể xuất hiện một nam học sinh với cặp kính dày cộm, thái độ... hơi rụt rè, không có vẻ gì là dân thành phố . Hắn mặc cái áo sơ mi đã ngả màu vàng nhạt cùng bộ... nhìn chung không thế gọi là modern chút nào, nếu như không muốn dùng chữ "cù lần".
Kim Hà tròn mắt quan sát kỹ rồi ỉu xìu thảm hại như bong bóng xì hơi.
Mọi con mắt bạn bè trêu chọc phá phách dồn từ thành viên mới của lớp rồi di chuyển về nơi Kim Hà ngồi.
Nhất là bọn con gái . Họ xì xào bàn tán nho nhỏ... rồi bật lên tiếng cười khúc khích rất "dễ quê", Mai nói lớn :
- Kim Hà ơi, đã lãnh phần rồi sao để người ta đứng ngơ ngác như nai vàng đạp lá vàng khô vậy ?
- Tao... hỏng thèm . - Hà chu môi từ chối làm cả lớp nổi trận cười, khiến thành viên mới bối rối lúng túng rất tội nghiệp.
Cái vẻ ngơ ngác ấy chuyển sang khù khờ, lúng túng, hắn chỉ biết mỗi động tác đẩy mãi cặp kính cận lên một cách vô tội vạ như muốn bay khỏi sóng mũi.
Thiên Hương đứng lên vì thấy đã tới lúc mình phát huy vai trò trách nhiệm của lớp trưởng.
- Xin lỗi... bạn tên gì ạ ? - Thiên Hương thân thiện hỏi.
- Tôi... Thành Dũng.
- Mình tên Thiên Hương, hiện là lớp trưởng . Này là chỗ của bạn . Hương đẩy nhẹ vai Minh Hiếu . - Cậu xích vào trong đi, ưu tiên cho Dũng ngồi đầu bàn dễ thấy hơn.
- Gì kỳ vậy ? - Hiếu nhăn mặt cự nự . - Thấy mới nới cũ hả... hay thấy đèn điện quen đèn dầu . Không được, bạn mới thông cảm ngồi giữa, chân tôi hay đi lắm, sợ phiền.
- Vậy... cũng được . - Dũng nói nhỏ và bước nhanh vào chỗ, cúi gầm mặt xuống không nói lời nào thêm cho đến cuối buổi học.
Trống tan trường, Dũng lại lầm lũi đi, như muốn né tránh mọi sự làm quen của các bạn ở lớp mới.
Đằng sau đôi kính cận ấy như ẩn chứa một cái gì đó cố tình dấu kín mà Thiên Hương chợt nhận được khi thầy giám thị giới thiệu làm quen.
- Dũng ơi . - Hương dừng xe đạp gọi . - Sao đi bộ vậy ? Thế xe Dũng đâu ?
- Không có . - Dũng khô khan đáp.
- Thế... nhà ở đâu, xa không ?
- Đằng kia . - Đứa con trai vẫn ngắn gọn, cộc lốc.
- Nè ! Lên đi, Hương cho quá giang một đoạn.
- Thôi, cám ơn . - Dũng nói xong lầm lũi dấn bước như cố ý chấm dứt mọi lời han hỏi của Thiên Hương, làm nhỏ hơi cau mày và nhẹ lắc đầu ấn chân vào bàn đạp lướt tới.
- Vậy... mình về trước nhé.
- Ừ ! - Thái độ Dũng thật khó gần dễ làm người khác bị chạm tự ái vì cái tính biệt lập, lầm lì, ít nói đó.
Còn đối với mình, hình như Dũng rất hài lòng cùng học chung với những khuôn mặt lạ và cậu không muốn ai thân thiện làm quen.
Những ngày tiếp nối Dũng như con ốc sên luôn cố thu nhỏ người trong cái vỏ bọc cứng cỏi của riêng mình . Cậu cứ lầm lì học, lầm lì làm bài và lầm lì ra về, hết ngày này nối tiếp ngày khác... , thầy cô gọi tên hỏi tới thì trả lời... không gọi thì thôi.
Nhưng có một điều đáng làm cả lớp ngạc nhiên lẫn nể phục là Dũng học rất cừ khôi các môn tự nhiên lẫn văn học.
Cái dáng vẻ khô khan thô lỗ ấy khó ai tin được bên trong là những dòng thơ êm dịu mượt mà, bóng bẩy . Hôm nay cũng thế, Dũng giải bài toán khó một cách trôi chảy và súc tích đến nỗi thầy Lâm phải kêu lên thán phục.
Cả lớp nhìn Dũng với ánh mắt khác... có lẽ thân thiện hơn . Giờ giải lao tất cả túa ra sân, nhất là bọn con trai, riêng Dũng vẫn ù lì ngồi lại . Đôi kính cận trễ xuống, mắt chăm chú vào một cuốn từ điển dày cộm.
Minh Hiếu đi vào nhẹ cau mày, vì chịu hết nỗi cái tên khờ này . Nó chụp giựt cuốn sách dấu nhanh, chuyền tay cho Mai Liên.
Dũng bật dậy từ tốn nói :
- Trả lại cho tôi đi.
- Không ! - Liên cho ngay vào cặp một cách tinh nghịch . - Đằng ấy muốn làm mọt sách hả . Người đâu mà... khô như đá . Nói thật nha... đừng ỷ học giỏi lên mặt với tụi này . Và cũng đừng có xạo sự nữa . Người ngợm thế mà dám xưng danh dân thành phố chuyển về đây học . Trên đời này có ai ngu đần vậy không hả ? Chẳng ai có thể tin nổi.
- Phải đấy . - Hiếu xen vào . - Làm cao khó chơi lắm.
- Tôi... - Dũng e dè . - Làm ơn cho xin lại quyển từ điển.
- Còn lâu . - Liên dài giọng hất cao mặt ra vẻ ta đây . - Nói đi ở thành phố học trường nào . Lí do gì phải chuyển về đây ? Còn nữa, hiện ở với ai, nhà, xã, ấp ?
- Tôi đã ghi rõ trong đơn xin nhập học rồi... Nếu muốn biết thì lên văn phòng mà lục coi.
- Nhưng tao muốn chính miệng câm như hến của mày khai báo ra . Có như vậy mới biết điều . - Hiếu ngang tàng . - Bọn này chung lớp đoàn kết lắm, chỉ có người lạ mới co đầu rụt cổ chơi một mình không tham gia gì cả . Nhất là chẳng hề giúp đỡ một ai trong việc học tập . Nè ! Mày tưởng mày ngon lắm hả ? Hơn được bọn tao à ?
- Tôi... không nghĩ như thế . - Dũng đẩy nhẹ gọng kính lên cho vừa tầm nhìn . - Thật ra mỗi con người đều có tính cách riêng, tôi nghĩ cư xử như bao lâu nay không thể gọi là mích lòng các bạn hay là quá đáng gì.
- Mày... - Hiếu nghiến ngầm, bặm trợn . - Có tin tao muốn dạy mày một bài học không vậy Dũng ?
- Tùy ở Hiếu, tôi không có ý kiến, nếu như bạn thấy tự cho mình có quyền và làm đúng . - Dũng thản nhiên nói rồi nhìn qua Mai Liên . - Nếu Liên thích xem thì tôi cho mượn đấy . Nhưng cuối tuần phải trả lại.
- Còn không ? - Hiếu hớt ngang . - Mày định làm gì tụi tao ?
- Nói thế rất khó nghe . - Dũng nghiêm giọng bỏ đi ra khỏi lớp . Đôi mày cau lại sau làn kính cận.
Hiếu hậm hực nói lớn :
- Phải dạy cho thằng này bài học lễ độ mới được.
- Không nên đâu . - Mai Liên cản . - Đùa vui tí thôi mà, cần gì giận dữ lớn chuyện đó . Còn nữa nha... Dũng học giỏi, thầy cô bắt đầu quan tâm, chú ý tới rồi . Đụng chạm tới nó không ổn đâu.
- Thằng này chưa biết sợ gì ai . Còn nữa, tôi tìm được cho nó biệt danh rồi đấy . Liên muốn nghe không ? - Hiếu hất mặt nói.
- Nói thử đi.
- "Người Sài Gòn" . - Hiếu như đắc ý với sáng kiến của mình . Cùng lúc ấy tiếng trống vào học lại vang lên . Tất cả trở vào lớp cùng vùi đầu trên trang vở.
Quang bối rối cụp nhanh mắt xuống với cái nghiêm khắc, chê trách của thầy dạy môn hoá. Đôi mắt ấy vừa giận vừa thất vọng bởi trong ấy vở của Quang, hầu như mọi bài tập đều bỏ trống. Mấy lúc gần đây sức học của cậu học sinh này rớt xuống nhanh đến thảm hại. Kiểm tra mười lăm phút, một tiết đều dưới điểm trung bình.
Giờ đen của lớp hầu như phần lớp thuộc về Quang gây nên. Cậu đi trễ liên tục, liên tục không làm bài và thuộc bài. Mặc dù Thiên Hương cố công tìm hiểu nguyên nhân.
Quang vẫn kín như bưng. Càng xuống dốc trong sự học, nó càng lầm lì ít nói. Thậm chí như muốn co cụm lại xa lánh mọi người.
Hôm nay cũng thế, vừa đánh trống tan học, thì Quang đã vội biến mất dạng, Hương nhìn quanh tìm kiếm và hỏi lớn:
- Có bạn nào thấy Quang đâu không?
- Về rồi. Kim Hà trả lời. Phóng cửa sổ sau.
- Sao Hà không kéo nó lại giùm Hương?
- Ai biết, sao không chịu nói chứ? Hà ôm cặp vào lòng giục. Hương về chưa? Hà đợi.
- Về! Hương thu dọn nhanh sách tập, mở cuốn sổ đầu bài ra nhìn và cau lại khó chịu. Tuần này bị điểm liệt nhiều quá. Toàn giờ C, D. Chắc cuối tháng tổng kết thi đua lớp mình đứng đầu bảng từ dưới đếm lên. Nhỏ thở dài. Không hiểu quỷ Quang thế nào ấy.
- Kệ nó đi… cuối cấp rồi, thân ai nấy lọ Không chịu học thì rớt, tha hồ khóc hận. Chừng đó có hối cũng không kịp nữa. Dạo này nó cứ tránh mặt tụi mình, đôi lúc thấy phát ghét.
- Hà biết lý do vì sao không?
- Chịu. Hà lắc đầu đi ra cửa, theo sau là Thiên Hương. Ngần ngừ một lúc, nhỏ hỏi. Hà rãnh chiều nay không?
- Chi?
Mình tới nhà Quang đi.
- Để làm gì? Hà ngạc nhiên.
- Hương muốn tìm hiểu rõ nguyên nhân sự tụt dốc của Quang trong học tập. Biết đâu có chuyện gì bất ổn đến với nó, để còn kịp thờI giờ giúp đỡ nữa. Hai kỳ họp đoàn Quang đều không đến tham dự, chẳng có cơ hội nào để tìm hiểu hoàn cảnh.
- Hương thích thì đi một mình, Hà không rãnh lo bao đồng chuyện tụi nó.
- Nói gì kỳ vậy? Hương phật ý, - Dù gì cũng chung lớp ba năm nay rồi.Vả lại, Hà đã là ban cán sự thì phải có trách nhiệm chứ?
- Thì… Hương kêu thằng quỷ Nhật đi cùng… Nó là lớp phó học tập đấy. Còn Hà… không đi đâu.
- Sao vậy… bộ giận rồi hả?
- Còn lâu… hơi đâu giận người dưng cho mệt. – Hà nói xong ấn mạnh chiếc bàn đạp xe cho lướt tới.
- Hương lắc nhẹ đầu đạp xe theo con đường hương lộ đá đỏ, dài hun hút và cơ man là bụi, bốc lên giữa trưa nắng gắt hầm hập khó chịu vô cùng. Nhỏ đưa tay quẹt nhanh những giọt mồ hôi túa ra làm bê bết tóc ở trán và thái dương.
- Bữa nay nắng quá trời! – Hươong ca cẩm.
- Ừ! Nóng gắt phải nói. À phải! Quỷ Dũng cận nhà ở đâu hả Hương?
- Mình không biết.
- Nó học cừ quá hén. Bài văn phân tích “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam nó làm thật tuyệt vời y như triết gia ấy. Cô Hạnh khen nức nở, đọc cho cả khối cùng nghe. Nhưng mặt nó tỉnh bơ như không có gì.
- Nói chung Dũng rất khó khăn. – Hương nhận xét. – Có lẽ bởi nó học quá giỏi so với tụi mình.
- Vậy Hương “khiếp” à? Mất mặt vậy.
- Đâu có, mình đang cố gắng hết mình để theo kịp nè. Nhưng nói thật nha… nhìn cái cặp kính cận của Dũng… cũng hơi ớn lạnh. Mấy thằng vậy học như điên. Với lại nó mới quá nên chưa biết sức học của nó tới đâu nữa.
- Bây giờ tính sao? –Kim Hà nhìn Thiên Hương hỏi. – Cái đà này học kỳ một của Dũng cận có nhiều khả năng đứng nhất đấy. À, nghe đâu Minh Hiếu với Mai Liên đang đụng chạm với tụi nó rồi.
- Vậy hả? Hồi nào sao Hương không biết gì cả. Ủa, Hà ơi… nhìn coi ai giống Quang mới chạy qua vậy?
- Đâu? –Hà nhìn theo tay chỉ của Thiên Hương thì chỉ còn thấy toàn là bụi đỏ. – Có thấy ai đâu, nắng quá Hương bị hoa mắt rồi. Ta rẽ à?
- Ừ!
Hà đạp nhanh như trốn chạy cái nắng. Còn lại Thiên Hương phải qua một đoạn đường dài nữa. Bánh xe bỗng nhiên chao mạnh rồi bẹp dí. Nhỏ chậc lưỡi đoạn tụt xuống xe, lắn nhẹ đầu than thâm, khi nhìn quanh không một nơi vá xe đạp.
Dẫn bộ, đoạn đường thướng ngày thân quen, giờ như dài thêm ra.
- Hương!
- Ủa… Dũng. – Hương reo lên.
- Xe bị sao mà dẫn bộ vậy?
- Xẹp bánh rồi. Tới ngã ba mới có chỗ vá.
- Đây tới đó xa không? – Dũng hấp háy mắt. - Bộ nhà Hương ở đường này à?
- Phải. Còn Dũng?
- Ngoài thị trấn, mình vào đây câu cá rộ Mùa này nhiều cá lắm. – Dũng cười có vẻ bẽn lẽn. Đôi kính cận trệ xuống trông ngộ nghĩnh. – Hay Hương gởi xe đi, lát Dũng dẫn ngược trở ra đường nhựa vá. Lấy xe này về nhà, để ba mẹ trông. Mai mình đổi lại.
- Như thế, đâu có tiện sợ phiền Dũng.
- Có gì chứ. – Dũng gãi nhẹ đầu với mái tóc hớt cao, cười thân thiện. – Còn không thì để Dũng đưa hộ cho Hương tới nhà. Nắng thế này đi bộ… dễ bị cảm lắm.
Hương thật sự ngạc nhiên bởi người bạn mới này. Ở lớp hắn lầm lì khó gần bao nhiêu thì ở đây thân thiết vui vẻ hoạt bát bấy nhiêu. Nhỏ ngần ngừ khá lâu mới nhẹ nhàng đồng ý.
- Vậy… Dũng làm ơn cho Hương mượn đỡ chiếc xe đạp nhé. Mai tới lớp trả lại.
- Được! – Dũng biến nhanh vào bụi cây kéo ra chiếc xe mới toanh, toàn bộ là đồ Nhật, khiến nhỏ hơi e dè, đắn đo mãi vẫn không biết nên mượn hay thôi.
- Đây!… Hương cầm lấy đi.
- Nhưng xe này… mới quá, chỉ e…
- Một đời ta… ba đời nó. Sợ gì chứ.
- Hay thôi đi. – Hương lắc đầu từ chối. - Khoảng hai cây số nữa tới nhà rồi… Mình đi bộ cũng tới. Hương về nhé.
- Gì kỳ vậy? – Dũng nhăn nhó. – Không mượn… Dũng buồn lắm đó. Thật ra về đây bấy lâu, mình rất muốn làm bạn với Hương… nhưng ngại.
- Đôi mắt Dũng cụp xuống, đôi chân làm động tác đi đi xuống đất. Chiếc cần câu trăn trở trong đôi tay cậu có vẻ thừa thải thế nào ấy. Khác lâu Dũng mới ngẩng đầu lên giục nhỏ. – Hương về đi, muộn lắm rồi. Nè, nếu chiều rãnh, mình muốn dẫn Hương tới chỗ Quang.
- Ủa! Dũng biết nhà Quang à? Hai bạn thân nhau lâu chưa?
- Nói chuyện sơ sơ thôi, chứ đâu có thân. – Dũng cười xoa quanh mái tóc hớt cao, điệu bộ có phần dạn hơn lúc nãy. - Cạnh nhà bà mình có quán cà phê, Quang thường xuyên ngồi ở đó.
Hương cau mày tư lự:
- Hèn nào, dạo này học tụt dốc qua trời. Hương cũng đang rất muốn tìm hiểu nguyên nhân. Thôi Hương về đây, chiều rãnh tới nhà Quang. À phải! Mình đến nhà Dũng trước được không?
- Dĩ nhiên là được rồi.
- Vậy hỏi sao để tìm ra?
- Nhà bác sĩ Tài ấy.
- Biết rồi, thế bác sĩ là gì của Dũng?
- Chú ruột.
- Oai nghen. – Hương cười tươi để lún sâu một bên má cái đồng tiền duyên dáng rất dễ “cảm”. – Hèn nào Dũng học giỏi mấy môn tự nhiên quá trời. Báo hại Hương chạy theo hụt hơi mà không kịp. Nói thật lòng nha… nghe xong Dũng đừng cười…Làm lớp trưởng như Hương, học thua bạn khác… quên lắm. Vả lại bấy lâu quen đứng nhất rồi... giờ đột nhiên bị Dũng lấn… ức nhiều đấy.
- TrờI ạ. – Dũng cười cởi mở và cất giọng tự nhiên lẫn thân ái đáp lại sự chân thật của Thiên Hương. - Biết làm sao được chứ lớp trưởng… hay để Dũng nhường một bước.
- Không! Coi như giao kết đi. – Hương tinh nghịch. – hai tụi mình ngầm thi đua được không? Ai dở bị phạt. Ai ngu thì… phải buộc lòng bỏ ra một… ngàn đồng.
- Để làm gì… mà ít vậy? – Dũng thích thú lẫn ngạc nhiên hỏi nhanh. - Một ngàn làm sao xài được vào việc chi?
- Tiền phạt đâu được xài.
- Chứ…làm gì?
- Quỹ công đoàn, hay nói rõ hơn là tiền tích lũy của lớp, để giúp đỡ ai trong chúng mình gặp khó khăn.
- Được! Nhưng Dũng chưa hiểu lắm với từ dở và ngu mà Hương nêu ra khi nãy.
- Có gì đâu. Dở là không thể hiểu và theo dõi kịp được lời thầy cô giảng để bị điểm liệt. Còn ngu thì… biết và hiểu rất rõ mà vì sơ ý bỏ quên một chi tiết nhỏ nào đó… hoặc nộp bài trước thời gian quy định để bị… điểm không đạt chuẩn. Nhóm Hương đặt ra điều kiện này nhằm làm cũng cố tính thận trọng, chi li của các bạn, trong học tập thôi. Mọi thứ trong học tập, điều không thể hấp tấp đúng không nào?
- Hiểu ra rồi. – Dũng gật nhanh. - Vậy còn giỏi toàn diện thì sao?
- Thưởng chầu chè, gồm tất cả mọi thành viên của nhóm.
- Độ… bao nhiêu người?
- Tuỳ, ai thích thì cứ tham gia.
- Chà… coi bộ nhộn nhịp dữ đó. Nhưng quan trọng là tài chánh ở đâu để khao tập thể.
- Đương nhiên là người xuất sắc phải chi từ A tới Z rồi. – Hương cười khúc khích. Một thành tích học tập cao, đầy mỹ mãn, khao chầu chè có gì quá đáng chớ?
- Ôi…như thế thì đâu thể gọi là được thưởng… mà bị phạt nặng đó.
- Cả hai bật cười thoải mái, làm dịu đi cả bầu trời buổi trưa trời nắng gắt.
Chương 2
- Mẹ của Quang à? – Hương ngơ ngác nhìn Dũng, đôi mắt cau lại đầy nghi vấn.
- Phải đó.
- Không thể đâu. – Hương lắc mạnh đầu như muốn phản đối. – Có nhiều khả năng Dũng lầm lẫn gì đó chứ sao lại như thế được?
- Chính mắt Dũng thấy rất rõ ràng, sao lẫn lộn được.
- Không đâu, nhà Quang giàu sang lắm, mẹ bạn ấy năm nào cũng tới dự họp phụ huynh. Hương là lớp trưởng những ba năm liền, lý nào không biết rõ hơn Dũng.
- Nếu thế… tức có chuyện lạ rồi đó.
- Dũng do dự một thoáng, vừa định nói gì đó thì Quang trờ tới, đôi mắt tối sầm giận dữ hỏi.
- Hai tụi mày làm gì ở đây? Theo dõi tao hả. Cút xéo đi cho!
- Quang! – Thiên Hương ngạc nhiên lẫn khó chịu. – Nói gì khó nghe vậy? Chẳng qua là…
- Thôi không thèm nghe, về đi. – Quang xua taỵ - Mặc kệ tôi… không mượn mấy người quan tâm.
- Nhưng Quang biết mình…
- Thì đã sao? – Quang một lần nữa lấn lướt cướp lời của Thiên Hương và bốp chát không chút nể nang. – Hương là lớp trưởng thôi mà… trong giờ học thì có quyền hạng một chút, ra khỏi trường rồi làm ơn đừng tào lao nữa. Có biết mình quá phiền phức không vậy? Còn thằng người Sài Gòn này… Mày nhớ rằng mình là con trai đó, bẻm mép quá trời, khó ưa lắm. Lần này tao tạm bỏ qua, lần sau đừng có trách, nếu như vẫn còn tiếp tục xen vào đời tư người khác.
- Quang lầm rồi… tôi và Hương chỉ muốn tốt cho bạn thôi, chứ không có ý gì cả, - Dũng từ tốn nói. – Còn nhỏ đang ngồi ở ghế nhà trường, đều cần thiết nhất là nên thật thà khiêm tốn. Dám nhìn thẳng sự thật cho dù thế nào đi nữa. Kẻ sống dối trá… hai mặt chẳng có lợi lộc gì, khi mọi người biết được càng khó dung hòa. Chừng đó sao tránh khỏi bạn bè cười chê cho!
- Ê thằng cận. – Quang sấn tới đẩy mạnh vào ngực Dũng làm nó loạng choạng lùi ra sau mấy bước vì không đề phòng. – Mày đừng bao giờ nghĩ mình là dân thành phố là ngon nhạ Định dạy đời tao hả. Xin thưa… nếu có ý định đó thì làm ơn quên đi cho tao nhờ. Hình như quả đấm này của tao ít khi nằm yên với những thằng “cà chớn” lắm nha!
Quang cung tay dọa nạt, thái độ hung tơn mà lần đầu tiên Hương được tận mắt nhìn, quả là ngoài sức tưởng tượng của nhỏ rồi.
Nếu không chứng kiến chắc chẳng khi nào nhỏ tin những gì xảy ra là sự thật.
- Quang làm gì dữ vậy? Có cần phải lên tay hạ chân như thế không nhỉ?
Hương khó chịu nói:
- Không thể nào ngờ… mình về đi Dũng. Mặc kệ người ta.
- Nhỏ quay bước, kép nhẹ tay Dũng, càng khiến cho Quang xốn mắt. Nó hậm hưc nhảy nhanh về phía trước chận ngang đườn giọng rất ra đây:
- Mai mốt đừng bao giờ bám theo tôi nữa.
- Ai thèm.
- Còn nữa, không được tìm gặp mẹ tôi nói gì cả, biết chưa?
- Chuyện này tôi không tự hứa được. – Hương nghiêm trọng. – Trách nhiệm tôi là báo cáo lên thầy chủ nhiệm.
- Nói như thế tức là… chẳng nể mặt nhau rồi phài không Hương?
- Tôi không biết gì cả. Tóm lại, thầy phân công đi tìm hiểu nguyên nhân sự sa sút học tập của Quang. Còn liên hệ sao với gia đình… coi như tôi ngoài cuộc. Quang học thì nhờ thân, muốn nghỉ thì làm đơn, đừng có cả lơ phất phơ hoài, ảnh hưởng chung cả lớp. Bài vở chẳng chịu làm, việc tốt không cố học mà đi nhiễm thói xấu. Bạn của Quang mấy năm trời nay mới biết rõ đấy.
- Hương…
- Gì chứ? Tôi nói không đúng à?
Quang làm ơn nhìn lại mình đi. Con người thiếu tư cách như thế… tôi không chấp nhận làm bạn, nhất là bạn học, người ngoài tưởng lầm nhìn vào coi cùng một thứ hay ho gì.. Không nói nhiều lời nữa Quang tránh ra đi cho tôi về.
Hương ấm ức nói một hơi dài, ánh mắt giận hờn thấy rõ, làm Quang chợt thấy lúng túng. Bởi hơn ai hết, nó hiểu rõ lòng tốt của cô bạn gái chung lớp chung trường này. Hai đứa lớn lên theo từng trang vở và có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp của tuổi học trò với màu phượng đỏ khi hè đến.
Tâm trạng Quang bất ngờ bị đảo lộn quá mạnh, ảnh hưởng thật nhiều đến việc học. Chưa bao giờ nó cảm thấy hụt hẫng đến thế này. Đầu óc nó rối loạn, không tài nào nhét nổi vào những con số li ti khô khốc.
Tuổi của Quang là lúc giao thừa giữa ngây thơ và trưởng thành đã đụng ngay vào sự nan giải khó lòng chấp nhận.
Tâm hồn xáo động, hỗn loạn mà nó không thể nói với vai trong bạn bè trang lứa. Quang mang theo trong người sự tức giận dằn xé. Từ hiền lành chăm chỉ, nó trở thành thô lỗ cộc cằn và hung dữ lúc nào không haỵ Nó tự động xa lánh bạn bè, quay lưng lại với sự quang tâm lo lắng của mỗi người. Quang đã thật sự thay đổi. Nó cứ cúi thấp đầu tránh cái nhìn dò hỏi trách móc của Thiên Hương. Chờ tiếng chân nhỏ đi xa dần, Quang mới ngẩng lên, trong ánh mắt mang theo quá nhiều buồn tủi.
Nó lầm lũi bước nhanh vào mái nhà tranh đơn sơ mà Dũng chỉ lúc nãy. Ngồi phịch xuống giường tre ôm lấy đầu gục khóc, nước mắt con trai chảy dài uất ức. Chưa bao giờ nó cảm thấy đời mình tối tâm như thế này. Còn Dũng và Hương cũng lặng lẽ bước đi, chẳng ai buồn lên tiếng. Nhất là Hương, nhỏ cảm thấy quá thất vọng về một người bạn.
- Hương ơi! – Dũng gọi cố xua bớt sự nặng nề.
- Gì?
- Lúc trước Quang học giỏi lắm hả?
- Ừ! Cũng là top ten của lớp đấy, không hiểu sao dạo này tụt hoài. Nó khác quá trời.
- Theo Dũng… hình như Quang có tâm sự gì đó cố tình giấu kín đấy.
- Sao Dũng biết?
- Tại… - Dũng gãi nhẹ tóc cố nén tiếng thở dài, bởi lòng nó cũng đang đầy ắp tâm tư khó nói cùng ai. Khá lâu sau nó mới ngần ngừ nói tiếp – Mình đoán như thế thôi. Hay để Dũng tìm hiểu thủ có gì nói lại với Hương và tìm biện pháp giúp đỡ Quang.
- Mặc kệ nó đi. – Hương còn giận. – Mình không muốn Quang coi thường lòng tốt bè bạn. Hôm nay nhìn nó thấy ghét quá chừng, nói năng chẳng nghe lọt tai tí nào. Cầu trời cho nó nghỉ học luôn để lớp khỏi khổ.
- Đâu thể nói như vậy chứ Hương. Nên nhớ Quang đang rất cần sự giúp đỡ, nhất là vòng tay bè bạn. Chỉ có những tình cảm đó mới thật sự đưa nó trở lại mái trường… Còn không thì… tiêu luôn. Hương lại là lớp trưởng và chi đoàn phó, trách nhiệm càng nặng nề hơn.
- Biết vậy, nhưng thằng quỷ đó nói nghe phát ghét. Mai vào lớp giao việc này cho Minh Hiếu và Mai Liên lo.
- Không ổn đâu, để Dũng gánh chọ Vả lại… ít nhiều gì thì mình cũng hiểu được đôi chút về Quang.
- Cũng được. À nè Dũng ơi!
- Gì?
- Thời gian lúc không đến trường bạn rãnh nhiều không?
- Chi vậy?
Mình học nhóm đi. Hôm qua thầy chủ nhiệm nói cần kèm thêm cho một số bạn bị điểm liệt và yếu. Lớp minh hơi đông, một người lo không xuể. Vả lại, vào học cũng mấy tháng rồi, Dũng nên chuyển sinh hoạt đoàng về đây mà tham gia.
- Học nhóm thì Dũng tán thành. Sinh hoạt đoàn đã có giấy chuyển và giới thiệu, khâu này Hương chịu khó hỏi lạI Minh Hiếu thử nhé.
- Bộ Dũng đưa cho Hiếu hả?
- Ừ!
- Sao Hương không nghe nó nói gì vậy. – Hương ngạc nhiên. – Nghe kể là Hiếu gây sự gì với Dũng à? Chuyện gì thế?
- Đâu có gì – Dũng cười lãng tránh. - Chỉ đùa thôi.
- Thật không ? Bạn bè chung lớp Hương không muốn mất đoàn kết đâu, đừng có bằng mặt chẳng bằng lòng nhé. Ê ! Kim Hà. – Hương gọi lớn.
Chiếc xe cub dừng lại, nét mặt đầy lo lắng, Hà hỏi nhanh:
- Thầy Minh Hiếu đâu không ? Bữa nay thì bóng chuyền giao lưu, tự nhiên nó biến đâu mất tiêu rồi. Tới nàh cũng không gặp, thiếu một người làm sao đánh được, biết thế ai vào giờ phút này chứ ?
- Có nói trước với Hiếu không ? – Dũng xen vào.
- Cho nó biết cả tuần lễ rồi. Sáng nay Hà còn gọi điện nhắc lại nữa kia, gặp ngay Hiếu chứ ai. Tánh nó xưa nay vẫn thường thế, luôn muốn quan trọng hoài bản thân và bắt mọi người cầu cạnh, năn nỉ, thiệt là tức, kiếm ai thế luôn, không cần nữa. Hương… tính sao đây ?
- Hà tới nhà Hiếu đó hả?
Ừ!
- Biết đâu nó đến nơi thi đấu. Mình tới đó thử coi. – Dũng nói nhanh. - Nếu như vào giờ chót thì… để Dũng thế cho.
- Được không ? – Hà vừa mừng vừa nghi ngờ.
- Tất nhiên là được rồi, ta đi đi.
Cả ba đạp nhanh tới trường cấp II của huyện. Nơi đó đang diễng ra thi đấu thể thao giao lưu của các chi đoàn.
Nhìn quanh tìm bóng Hiếu, nhưng nó vẫn mất biệt. Kim Hà lo lắng ra mặt, quay nhìn Thiên Hương cầu cứu.
- Dũng ơi… bạn vào đội hình thử vài đường bóng cho quen cùng các bạn đi. – Hương quyết định nhanh. - Đừng đợi Hiếu nữa.
- Được ! Nhưng thình lình quá, Dũng không có đem theo đồ thể thao.
- Hà có, lấy đồ Minh Hiếu mặc chắc là được. Thông cảm và đừng ngại nhé Dũng.
- Không sao đâu. – Dũng cầm lấy và lao nhanh vào khu tollet, chỉ một thoáng đã trở ra gọn gàng khỏe mạnh trong bộ thể thao trắng. Nó làm vài động tác khởi đầu rất thành thục, rồi nhập lẫn vào đám đông bạn chung lớp với đội hình bóng rổ của trường.
Những cú đập bóng rắn chắc và điêu luyện làm cho Hà và Hương ôm chầm lấy nhau mừng rỡ, thật sự đặt trọn niềm tin tuyệt đối.
Năm phút trôi qua khi tiếng còi vang lên báo hiệu vào trận thì Minh Hiếu hổn hểnh lấn tới bên Hà và giục:
- Hà ! Nhanh lên, đưa áo quần cho Hiếu trễ mất rồi.
- Khỏi cần ! Đội hình đã đủ người. – Hà dửng dưng trả lơi mà mắt không rời sân bóng, đuổi mãi theo từng bước chân của Dũng một cách đầy tự hào và thán phục.
- Nè ! Sao đủ được. - Hiếu cau mày. -Giận hả Hà ?
- Không ! Từ nay Hiếu khỏi chơi bóng cho đội nữa, khổ thân và phiền phức lắm. Làm phiền bạn bấy nhiêu đó đủ rồi.
- Ê! Nói thế tức là sao… có ý gì ? - Hiếu bực bội và phóng tầm mắt nhìn theo ánh mắt của Hà lẫn Hương.
Đôi mắt nó cau có tức giận khi phát hiện ra Dũng cận đang sôi nổi quả quyết dập những pha bóng gây cấn cứu nguy cho đội nhà nâng cao tỉ số cách biệt mỗi lúc mỗi lấn lướt hơn
Những tràng vỗ tay vang lên tán thưởng đầy thuyết phục của cổ động viên lớp và trường, dường như dành quá nhiều ưu ái ngưỡng mộ cho Dũng, càng khiến Minh Hiếu sôi lên ngọn lửa căm giận và ganh ghét.
Vị trí tối ưu của no, bấy lâu nay không ai đủ bản lĩnh thay thế, giờ đã bị Dũng chiếm đoạt một cách công khai và có phần trội hơn. Chạm tự ái, Minh Hiếu hằn học lắc vai Kim Hà thô bạo như quát.
- Ai ch phét thằng người Sài Gòn thế chỗ tui vậy ? Hà phải không?
- Phải. – Hà nghiêm giọng trả lời. – Không lý Hiếu buộc đội trường bỏ cuộc vì thiếu mỗi mình bạn à? Nên nhớ giùm cho đừng bao giờ để mọi người chỉ vì mỗi một mình Hiếu.
- Hà…
- Tôi nói rõ ràng rồi. Trách nhiệm lớp phó Văn thể mỹ buộc phải tìm người khác thế vào thôi.
- Ai trong lớp mình có thể được, riêng thằng Dũng thì không. - Hiếu gầm gừ hung dữ. – Tôi chưa đồng ý.
- Tại sao vậy? – Hương xen vào. - Vị trí này không hẳn độc tôn dành cho Hiếu. Thể thao học đường là rèn luyện thể lực khỏe mạnh phải cần có nhiều đội viên bóng dự bị để kịp thời lấp vào chỗ trống khi đột xuất thiếu vắng ai đó. Làm việc gì cũng thế, chủ động vẫn luôn hơn bị động. Vả lại, Dũng làm rất tốt vai trò và trách nhiệm của mình ở vị trí của Hiếu có thua sút gì đâu.
- Tôi… - Hiếu mím môi giận dữ. Nó thật sự không ngờ thằng ngườ Sài Gòn này lắm tài đến thế.
Tự nhiên lại tạo cơ hội cho nó chen chân vào đội bóng để khẳng định tài bằng một cách điêu luyện tài tình thì thật tức chết đi được !
Càng nghĩ Hiếu càng hậm hực cay cú. Sự ganh tị lớn dần làm nó khó chịu vô cùng. Cố giữ bình tĩnh theo dõi trận đấu nhưng nó luôn để ý tìm sơ hở của Dũng để có những lời phê bình chê trách… nhưng thật lòng mà nói, Dũng tuyệt vời, đến Hiếu còn phải công nhận.
Trận đấu kết thúc với tỉ số chung cuộc đội bạn thua đậm liên tục ba ván. Dũng cười thật tươi hân hoan trong vòng tay bè bạn cùng đội và cùng lớp, những lời chúc mừng lẫn hài lòng của thầy thể dục càng khiến cho Hiếu mất tự chủ, Nó cảm thấy tự ti mặc cảm vì bị bơ vơ, lạc lõng và “thất sủng”, chẳng một ai quan tâm ngó ngàng tới.
Hiếu lầm lũi bước nhanh, mang theo nỗi giận đầy ứ, uất nghẹn và trút phát cả lên người Dũng cận. Một thằng đáng ghét, từ đầu lù lù vác thân về để chiếm đoạt và lấn lướt tài nghệ của nó trong lòng các bạn.
Sự bực tức này nếu nó không trút được… thì khó lòng sống yên.
Mai Liên giận đến run người và tức trào nước mắt. Vì nghĩ các bạn trong lớp chơi khâm mình, vắt chanh bỏ vo?
Nhỏ ngẩng cao mặt thách thức chận ngang lối đi của Thiên Hương và Kim Hà đang dẫn xe ra khỏi cổng trường.
- Tao có chuyện muốn nói với mày đây Hương.
- Việc gì vậy Liên?
- Làm tỉnh quá hén. - Giọng Mai Liên gay gắt. – Làm bạn bao lâu nay giờ mới biết lòng dạ mày đó, thật không ngờ.
- Nè ! Liên nói gì tôi không hiểu. Còn nữa, đang họp lớp, tự nhiên bỏ về là ý gì ?
- Liên với Hiếu độ này kỳ quặc thế nào ấy, tụi mình không sao hiểu nổi. – Hà xen vào. – Hình như muốnn hoạt động độc lập thì phải. Đang tập trung ôn bài chuẩn bị kỳ thi học kỳ I sắp tới, tự nhiên bỏ ngang, chẳng chịu tham gia gì cả, bỏ dồn đống cho Hà với Hương.
- Lỗi không phải do tao với Minh Hiếu.
- Vậy theo Liên tại ai ? – Hà bốp chát. - Lớp trưởng đang thi đua khối, ai cũng bận bù đầu. Thành tích tốt đạt được cả tập thể hưởng, đâu riêng cá nhân nào. Hễ biết mình có năng khiếu là luôn muốn người khác đầu luỵ, khẩn cầu chắc! Tùy ý Liên thôi, tụi này chẳng ép uổng. Muốn thì làm, không thì thôi, có người khác thay thế.
- Đủ rồi đó Hà. Tao biết dạo này mày ngon lắm, đừng có lên mặt dạy khôn người khác. Con người tao là vậy đó.
- Thế chận đường tụi này làm gì? – Hà căng giọng. - Chiều phải tập văn nghệ nữa, đâu rãnh đứng ở đây nghe trách móc giận hờn. Hương ! Mình về đi.
Hà kéo nhẹ tay Hương tỏ ý chấm dứt chuyện cần bàn, rồi ấn chân vào bàn đạp lướt về phía trước. Hương nhìn Mai Liên từ tốn hỏi:
- Theo Liên thấy… Hương làm sai việc gì à? Mày giận tao vụ gì? Học chung mấy năm trời, có gì phật ý cứ nói, để trong bụng hoài ai biết đâu sửa đổi. Lúc nãy góp ý Liên là việc chung của tập thể lớp chứ không có gì cá nhân cả. Cuốn từ điển Anh Văn của Dũng cũng nên trả lại cho người ta học, đùa dai như vậy dễ bị hiểu lầm mình không tốt.
- Nói vậy tức mày nghĩ tao tham hả?
- Hương chưa bao giờ có ý đó.
- Tóm lại một câu, trong tất cả các phong trào thi đua của lớp, có thằng Dũng cận thì không có tao với Minh Hiếu.
- Sao kỳ vậy? – Hương bất bình phản đối, nhỏ nghiêm ngặt. - Ở tập thể lớp thì mọi người đều có quyền bình đẳng tham gia bất cứ việc gì, môn nào họ thích, dù không cần năng khiếu thực tài. Dũng cũng thế, nó cũng là thành viên của lớp, sao cấm đoán được huống gì nó có tài thực tế, mang vinh quang về cho tập thể lớp, mà ai cũng biết, cũng công nhận. Mình nghĩ chẳng có lý do gì rút tên nó ra khỏi danh sách vận động viên. Vả lại, biểu quyết cả rồi, đã gởi lên thầy thể dục. Riêng Mai Liên và Hiếu tham dự hay không thì tùy, nếu như hai bạn cho đó là sự từ chối chính đáng. Ai cũng lớn rồi, chúng ta là những người chủ tương lai của đất nước, phải dám nhìn thẳng vào vấn đề, dám chịu trách nhiệm về việc mình làm, để mai này bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời khỏi lập lờ, lơ lửng và quan trọng là... đừng bao giờ đố kỵ tài năng, tự cho mình là cao hơn người khác . Xã hội ngày nay cần người có tài lẫn có đức, thiếu một trong hai thứ đó đều trở thành người vô dụng cả . Những gì muốn nói mình đã nói xong rồi, Liên suy nghĩ lại đi . Thật sự chẳng ai muốn mất đoàn kết, hãy vì phong trào thi đua của cả lớp mà nắm chặt lấy tay nhau phấn đấu cùng tiến bộ . Thành tích đạt được không phải chỉ của riêng ai, tập thể hưởng thôi.
- Đủ rồi Hương . - Liên cắt ngang . - Tao không đủ thời gian nghe nữa đâu, khỏi cần giảng đạo . Mày về đi, nhưng nhớ cho kỹ khỏi ghi tên tao và Hiếu nhé.
- Vậy là Liên quyết định dứt khoát rồi à ?
- Ừ ! Mấy năm nay không có thằng Dũng tụi tao cũng làm nên thành tích chớ có khi nào để lớp thất vọng không ? Tại sao tập thể không chịu nghĩ lại chứ ?
- Nhưng thêm Dũng thì đội thi đấu của mình sẽ tăng cường lực lượng để mạnh hơn chứ đâu có hại gì ai ? Hoặc có đụng chạm chi tới Liên và Hiếu ?
- Vậy Hương trả lời sao với sự việc thế người ngang xương trong tuần rồi thi đấu giao hữu bóng rổ ? Đừng nói là Hương không biết đó.
- Tất nhiên là Hương có ở đó . Chuyện không có gì quá đáng cả . Bởi vì tới giờ không có Hiếu phải thế người . Không lí bỏ cuộc ?
- Nói với Hương uổng calo quá đi . - Liên nóng giận gạt ngang, không thèm nói thêm lời nào . Nó cố ấn chân vào bàn đạp chạy nhanh bỏ lại Thiên Hương với cái lắc đầu bực bội khó chịu.
Dạo này ở lớp toàn là chuyện đâu đâu, rối bù đầu óc, Hương cảm thấy quá mệt mỏi . Vai trò lớp trưởng chưa bao giờ nhỏ thấy nặng nhọc rối tung như lúc này.
Đoạn đường về tới nhà như dài thêm ra bởi cơn mưa dai dẳng ngập ngụa nước lẫn sình, lại trơn trợt với những khúc đã trôi hết đá đỏ.
Hương thật sự vất vả với chiếc xe đạp của mình, nhỏ không tài nào chạy được đành dẫn bộ và cố hết sức né tránh để khỏi lấm bẩn áo quần.
Lo âu nhìn chiếc kim đồng hồ đeo tay nhích dần về con số bảy, nhỏ thầm kêu khổ trong dạ . Bởi hôm nay có tiết thi đầu giờ của giáo viên, làm lớp trưởng đi trễ là việc không nên có, khó ăn nói cũng như biết trả lời sao bây giờ.
Dường như biết cô chủ đang gấp rút thu ngắn đoạn đường tới trường, chiếc xe muốn trêu ngươi nên trở chứng không phải lúc . Cái vỏ xe vốn nhòn nhẵn gai, giời cán nhằm vật nhọn khiến cho ruột bị thủng, xì lép xẹp . Khốn khổ vô cùng luôn, Hương càu nhàu rồi tự mình nghe, mà không biết phải làm gì với hoàn cảnh hiện tại . Cuối cùng nhỏ quyết định thật nhanh, đem gửi xe vào nhà cạnh đường rồi bôn ba cuốc bộ . Mười phút trôi qua, nhỏ đã tới được đoạn khô ráo . Ánh mắt sáng lên khi thấy Mai Liên trờ xe tới :
- Liên ơi ! May quá... làm ơn cho Hương quá giang nhé . Đường sình mà xe mình lại hư rồi.
- Vậy à ? - Liên lạnh nhạt . - Rất tiếc bánh xe sau của tôi yếu lắm không thể chở lớp trưởng được . Thông cảm đón xe bạn khác mà đi nhé.
Hương hụt hẫng mất vài giây mới vội bước nhanh, khi bóng Mai Liên vụt về phía trước . Nhỏ đi như chạy để mong kéo kịp thời gian . Mồ hôi túa ra như tắm dù đang là buổi sáng . Chưa bao giờ nhỏ mong gặp bạn đến thế này . Thêm một nguồn hy vọng mới, khi từ xa bóng Minh Hiếu lù lù xuất hiện.
- Hiếu . - Hương vẫy nhanh . Chiếc xe Hiếu vẫn bon bon không hề giảm tốc độ, như không hề nghe nhỏ gọi . Thấy vậy nhỏ ức lòng muốn khóc.
- Bạn bè cái kiểu gì kì cục, hình như tụi nó muốn cô lập mình thì phải . Năm phút nữa tới giờ thi rồi, làm sao đây... chẳng tài nào kịp . Chết thật rồi... xe đạp ơi... mi hại ta.
- Hương ! - Tiếng xe thắng gấp lại.
- Ủa Dũng ! - Hương mừng rỡ.
- Lên xe đi... sắp tới giờ rồi.
- Ừ ! Xong rồi, chạy đi... nhanh lên một chút.
- Biết . - Dũng ấn chân vào bàn đạp, chiếc xe vút nhanh . - Xe Hương đâu ?
- Hư rồi . Nè, thật quá may mắn cho Hương vì cứ tưởng trễ mất thôi . À phải, sắp tới giờ Dũng còn đi đâu vậy ?
- Đón Hương chứ đi đâu . Để lội bộ trễ là cái chắc.
- Xạo ! Sao biết Hương đi bộ ?
- Thì... nghe nói.
- Ai ?
- Người nào Hương xin quá giang đó.
- Mai Liên à ? - Hương cau mày, nhưng lại im lặng không hỏi thêm gì nữa cả . Chẳng biết lòng nhỏ nghĩ điều chi mà Dũng chỉ nghe tiếng thở dài liên tục.
Gởi xe xong cả hai chạy nhanh đến lớp cũng vừa khi tiếng trống đổ dồn dập báo giờ vào thi . Kim Hà reo vui :
- Tao tưởng trễ đấy.
- Ừ ! - Hương nhẹ gật đầu, nhưng ánh mắt nhìn nhanh qua chỗ Mai Liên lẫn Minh Hiếu để kịp nhìn thấy cái cười ha hả của hai tụi nó.
Giờ thi cũng trôi qua nhanh chóng . Cả lớp xôn xao cùng bàn luận về đề bài :
- Làm được không Hà ? - Hương hỏi.
- Khó quá, tao làm chưa kịp xong . Còn Hương thế nào ? Nè ! Mày nhìn qua bàn Minh Hiếu thử coi kìa, hình như Dũng bị mất cái gì đó, thấy nó kiếm quá trời.
Đưa mắt nhìn theo tay Hà, Hương lại bắt gặp cái cười nửa miệng rất khó ưa của Minh Hiếu . Còn Dũng đang cau có với đôi mắt không gọng kính, tối sầm phía trước như bị ụp mảnh vải đen.
Hình như suốt buổi học đó Dũng ngồi cầm bút chứ không hề viết được chữ nào và cũng chẳng tài nào nhìn được chữ của thầy, nói chi là làm bài kiểm tra, cuối giờ đành buộc lòng nộp giấy trắng khiến thầy toán ngạc nhiên hỏi lớn.
- Dũng đâu... em đứng lên !
- Dạ ! - Dũng bật dậy cuối gầm mặt.
- Như thế này là sao đây ? - Thầy cáu gắt . - Em trả lời đi, không làm bài là tại sao ?
- Thưa... kính cận em bị hư . - Dũng ngập ngừng nói làm cả lớp cười ồ lên . To nhất có lẽ là giọng cười khoái trá của Minh Hiếu . - Em sơ ý làm rớt xuống đất và tròng bị bể rồi cho nên chẳng thấy gì cả . Em xin lỗi thầy.
- Thôi được rồi... em ngồi xuống . À không, lên đây nhận lại bài kiểm tra . Coi như tôi cho cơ hội lần nữa.
Thầy toán trầm ngâm khá lâu rồi gật nhẹ đầu nói lớn :
- Không biết em có thể trả lời miệng những phương trình tôi nêu ra bây giờ không nhỉ ? Trúng thì mười điểm, sai thì số 0 . Em có quyền suy nghĩ lại đề nghị này.
Hương và Kim Hà đều lo âu nhìn về phía Dũng chờ đợi quyết định của nó . Bởi thang điểm lỡ bị điểm không cộng vào sổ thì coi như toi mạng.
- Thưa thầy, - Hương bật dậy . - Em xin phép có ý kiến ạ.
- Nói đi, tôi đang nghe.
- Xin thầy cho bạn Dũng kiểm tra lại một mình những tiết học tới khi đã làm xong kiến cận.
- Không được, giờ kiểm tra này là cuối học kỳ đấy . Không còn thời gian đâu để chờ đợi nữa . Hôm nay thứ năm, đến thứ bảy là phải thi rồi.
Chương 3
- Vậy... nếu câu trả lời miệng của Dũng không sai nhiều... thì có thể cho ít điểm lại, chứ đâu nhất thiết phải lãnh 0 ạ ?
- Đó là ân huệ lắm rồi, không được khiếu nại . Không lý nào cả tập thể lớp em chỉ vì mỗi một mình Dũng làm chậm lại à ? Còn tôi bị khiển trách ? Phần ai nấy lo đi . Hãy chú tâm coi như đây là một kỳ thi quan trọng, không được quyền sơ ý, nếu lỡ trục trặc thì hỏng ráng chịu đừng kêu ai.
- Thưa thầy...
- Em ngồi xuống . - Thầy toán nghiêm giọng tỏ ý chấm dứt mọi đề nghị rồi nhìn Dũng hỏi . - Thế em suy nghĩ kỹ chưa ?
- Dạ rồi . - Dũng gật mạnh đầu đầy tự tin nói . - Xin thầy cho đề ạ.
- Được ! Cố nghe cho kỹ nhé . Em nào ngồi gần có thể chép lại đề rồi đọc kỹ dùm Dũng . Tôi cho em mười phút còn lại của tiết này.
Thầy nhíu sâu đôi mày đọc rõ từng con số . Hương ghi thật nhanh rồi nhìn Kim Hà . Cả lớp nhao nhao bàn luận.
- Khó quá thầy ơi, sao làm nổi với mười phút được.
- Cho thêm thời gian đi thầy.
- Dũng ơi .. cố lên nhé.
- Im lặng . - Thầy gõ mạnh cây thước xuống bàn để vãn hồi trật tự.
Dũng cau mày bỏ ngoài tai bao sự Ồn ào, đôi mắt cận thật tội nghiệp cúi sát vào trang giấy trắng, cố viết ra những con số li ti khô khan chẳng ngay hàng thẳng lối.
Cả lớp cũng căng thẳng hồi hộp theo Dũng . Ai cũng cố giải cho thật nhanh và gọn đề toán khó nuốt trôi này trong vòng mười phút.
Hương là học sinh cừ nhất cũng lắc đầu cho rằng thời gian quá ít, mà lời giải quá dài, không cách nào tài nào tóm gọn cho kịp quy định.
Năm phút, rồi bảy tám phút trôi nhanh như cái chớp mắt . Trán Dũng lấm tấm mồ hôi, nét mặt nó thật căng thẳng.
- Tới giờ rồi, trả lời đi . - Thầy lên tiếng và nhìn chăm chú vào Dũng.
Nó bật ra những lời giải gọn gàng súc tích như in sẵn trong não, nhanh hơn cả bấm bằng máy điện tử.
Hương và Kim Hà thở phào nhẹ nhõm lẫn vui mừng ra mặt . Còn thầy thì như reo lên vì phát hiện ra cậu học trò ưng ý . Dũng thật sự đã làm cho thầy vừa kinh ngạc vừa hứng thú . Bởi thầy biết được đề toán mình ra mức độ khó đến thế nào, trên thực tế nó vốn dĩ là bài thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
- Đúng không các em ? - Thầy nghiêm trang hỏi . - Có ai có ý kiến gì không ?
Cả lớp im lặng . Hình như đề toán này đã vượt khá xa vốn hiểu biết và khả năng của tập thể.
- Đúng không Dũng ? - Thầy hỏi đúng.
- Thưa thầy... đúng ạ . - Dũng khẳng định đầy tự tin.
- Chắc chắn chứ ?
- Dạ !
- Nếu như... tôi nói sai thì sao ?
- Thưa... Ở điểm nào, xin thầy giải cho . Theo em thì... không thể nào sai được.
Nếu có thì chỉ là cách giải khác thôi ạ . Nhưng kết quả cho ra cũng hoàn toàn như thế này.
- Vậy theo em... Ở đề này có mấy cách dẫn giải ?
- Dạ... ba ạ, nhưng tóm tắt gọn thì chỉ có một cách duy nhất mà em đã thể hiện . Hai cách còn lại phải đi vòng, áp dụng quy tắc tam thức rồi mới co cụm chứng minh để cho ra kết quả.
- Rất tốt, cám ơn em . Dũng xứng đáng được nhận điểm mười cộng đấy . - Giọng thầy thật hài lòng . - Bây giờ mời một em nào đó lên bảng ghi hệ chữ số theo giải trình của Dũng, sẵn thầy trò mình học tập luôn . Lớp trưởng đâu...
- Dạ ! - Hương đứng lên, đi nhanh tới khung bảng đen.
Tội nghiệp cho cặp mắt cận của Dũng lại một lần nữa khốn khổ trước những con số . Cả lớp đều vui, duy chỉ có hai người hằn học với sự thông minh học giỏi của Dũng.
Hiếu mím môi cố nén sự ganh tị bùng nổ ngày một lớn hơn trong lòng . Nó đứng lên ra về dù cả lớp đang cùng thầy ngồi lại.
Quang lủi nhanh vào đám đông nhưng không tránh khỏi cặp mắt lục tìm của Hiếu.
- Ê Quang ! Đứng lại đã . - Hiếu gọi lớn.
- Gì nữa đây ! - Quang cau mày . - Mày tha cho tao được rồi đó.
- Gì dữ vậy... tụi mình vẫn là bạn kia mà . À phải ! Cừ lắm đấy, chỉ một phát dậm chân là đi toi đời cái kiếng cận của thằng người Sài Gòn . Tao bái phục sát đất luôn đấy . Quang này, tiếp tới là tiết mục gì nữa há, cứ tự do thoải mái quạy đã đời nó đi nghen !
- Mày dư hơi, rảnh rỗi thì làm lấy một mình, đừng lôi kéo tao vào cuộc nữa . Tao với thằng đó không thù oán gì cả . Còn nữa, mày không thấy mình hại người chẳng bằng ý trời à ? Nó không tốn sức gì lại nổi bật hẳn lên, thầy toán cưng như trứng mỏng, cả trường biết tiếng . Nó hơn tao với mày cái đầu đấy.
- Con khỉ . - Hiếu bực dọc . - Tóm lại phải triệt nó, nếu không, tao chẳng cam tâm . Muốn thế mày nhất định phải giúp tao một tay mới xong việc.
- Muốn thì tự làm lấy.
- Còn mày ?
- Không . - Quang đáp cộc lốc rồi bỏ đi nhưng bị Hiếu nhanh chân hơn cản lối . - Mày muốn gì nữa chứ Hiếu ?
- Hình như miệng tao ít giữ kín chuyện đã được biết lắm đó.
- Ê... mày dọa tao à ? - Quang nổi nóng . - Thằng này cóc sợ đâu.
- Mày ngon lắm . - Hiếu gật đầu rất anh chị . Nó nhìn Quang với ánh mắt cười cợt . - Anh hùng rơm, để coi thế diện còn giữ được không khi cả lớp biết cái tin giật gân về mày . Nào là đi xe cúp, ở nhà lầu, con trai giàu có học giỏi... ha... ha... ha... - Hiếu cười lớn như xoáy mạnh vào màng tai của Quang . - Mọi thứ hơn người, ai dè...
- Mày im đi . - Quang hét lớn hai tay bịt chặt tai . - Tao... cấm mày nói nữa... nếu không thì đừng có trách.
- Trời ơi... tao sợ quá . - Hiếu nhún vai chế diễu.
- Muốn đánh tao chứ gì ? Thử đi rồi biết con ạ . Đụng tới tao, mày đủ tiền lo thuốc không hả ? Bày đặt ta đây . Hết ngon từ lâu rồi . Có mơ cũng không được như ngày xưa . Nếu muốn bạn bè, nên nghe lời tao, để khỏi đổ bể chuyện tùm lum, tụi con gái bàn tán.
- Được, không nhiều lời . Tóm lại, mày muốn tao làm gì thằng Dũng, nói đại đi dài dòng quá phí thời gian.
- Làm gì cũng được, miễn nó rớt kính cận ra khỏi mắt trong đợt tham gia thi đấu cuối tuần này là tốt . Nhưng nhớ cho rằng không để nó có thời gian mua lại kịp lúc.
- Như vậy mày cho là ổn à ? Thật quá đáng . - Quang nóng giận . - Thành tích lập được cả lớp đều hưởng, sao có thể hại cả bạn . Tao không làm được đâu.
- Quang . - Hiếu gọi giật lại khi thấy Quang dợm bước . - Như vậy mày quyết định rồi chứ ? Không ân hận à ?
- Không.
- Suy nghĩ kĩ lại đi.
- Tao chẳng có gì để nói nữa cả . - Nói xong Quang bỏ đi nhanh, hai tay thọc túi quần lầm lũi bước . Trông dáng điệu thật chán chường.
Minh Hiếu mím môi rít giọng :
- Mày không làm thì thằng Dũng cũng chẳng thoát khỏi tay tao đâu . Hãy chờ xem.
Vừa lúc đó Mai Liên đỗ xe lại, hất mặt hỏi :
- Đi đâu để ta tìm muốn chết vậy Hiếu ?
- Kiếm quỷ Quang nè.
- Nó đâu rồi, gặp chưa ?
- Rồi . - Hiếu hầm hừ . - Dở chứng không chịu hợp tác . Chẳng biết làm thế nào bây giờ . Hết tuần này là vào cuộc rồi.
- Quang không chịu thì mình làm, lo gì chứ . Hiếu bày cách chơi khăm thằng Dũng... nhưng lại tạo thêm cơ hội cho nó lấy uy tín . Cái kính cận bị bể không uổng phí chút nào . Hôm đó khi nhìn thấy mặt nhỏ Thiên Hương và Kim Hà thấy ghét gì đâu ấy . Nói thật nha... thằng Dũng mà chuyển đi, mình dám cúng ông địa nải chuối lắm đó.
- Thôi đi bà... nói tào lao hoài . - Hiếu cau có gắt gỏng . - Bây giờ về nhà chưa ?
- Chi vậy ?
- Mượn xe đi lại đằng này một chút . Còn nữa, dư thời gian thì tới nhà thăm mẹ Thiên Hương một lát . Bà phải biết nói gì rồi chứ ? Chuyện thọc mạch, con gái dễ làm hơn . Cố làm sao để hai tụi nó khỏi liên kết chơi thân, mình mới có cơ hội ngoi lên được . Cái thằng quỷ ám đó từ đâu chui lên... mà thứ gì cũng biết rành, báo hại bọn ta mất chỗ đứng . Hôm qua mình tình cờ nghe nhỏ Kim Hà thắc mắc về việc đóng tiền quỹ của lớp đấy, Mai Liên coi chừng đó.
- Chẳng hơi đâu mà sợ . - Liên trễ môi . - Tôi làm gì cũng có sổ sách giấy tờ . Nghi mặc kệ nó . Ngon thì xung phong làm thủ quỹ đi.
- Tôi nghe nói lại vậy, còn sợ hay không tùy Liên . Tóm lại, rất có nhiều khả năng bị ê mặt đó.
- Còn lâu . Tôi làm gì chứ ?
- Có hay không Liên tự biết . Nè đưa xe đây tôi lái cho.
- Đây . - Liên trao tay lái cho Hiếu để ngồi lùi về phía sau với nét mặt khó chịu vô cùng . Thật lòng mà nói, nhỏ hơi lo về những lời úp mở của Hiếu.
Thật ra... số tiền quỹ không lớn lắm... nhưng nó là của tập thế lớp... lỡ tụi nó biết được... thì tiền ở đâu mà thường vào.
- Ê ! Liên nhìn kìa ! - Hiếu gọi nhỏ chỉ hướng ngược chiều với nó là Dũng cận đang đi cùng Thiên Hương và Kim Hà.
Chẳng biết họ đang nói gì, chỉ thấy cười rất tươi và ra vẻ tâm đắc, hớn hở lắm . Mai Liên hậm hực nói :
- Mấy con nhỏ khó ưa quá trời . Coi thử có con đường liên xã nào đó quẹo cua đi Hiếu, đừng cho tụi nó gặp mình.
- Sợ gì ?
- Ghét thôi . Tuần rồi nó bị bể bánh xe, quá giang ai thèm cho, để đi bộ cho bỏ tật ngu, bênh vực kẻ lạ mặt, đồ thứ khôn nhà dại chợ . Phải rồi, tới nhà thằng Khải đi, biểu nó chơi Dũng cận một vố.
- Liên tưởng mình là ai hả ? Nói nó chịu nghe sao ?
- Tại sao không chứ ? Nó chúa ghét Dũng cận, để việc này Liên lo được . Nè Hiếu, theo bạn thằng quỷ người Sài Gòn có biết lội sông hoặc lội sình bùn được không hả ? Liên nghĩ nó học tuy giỏi nhưng chắc chắn dở ba thứ miệt vườn quê mình lắm đó . Bấm bụng rủ nó đ chơi một lần được không Hiếu ?
- Ừ ! Để coi lại.
- Con khỉ, chuyện gì cũng lưỡng lự hoài . Nghe Thiên Hương nói nó thích câu cá lắm . Nếu thiệt là vậy, coi như Liên trả được cơn giận rồi . - Liên cười hài lòng với ý nghĩ vừa chợt đến.
Chia tay với Hiếu, nó ra về lòng cảm thấy phơi phới khi nghĩ tới lúc chơi xỏ được Dũng.
Phen này quyết chí cho nó bò xuống sình để coi đủ sức vợt bóng bàn cho kỳ thi tới được không, rồi sẽ biết Dũng ơi... Hãy chờ đấy ! Mày thua chắc rồi, đừng mơ không có đối thủ quật nổi mình.
Dũng ung dung đưa bước với cây cần câu và chiếc giỏ đựng cá rô cầm tay . Nó đi dọc theo con đường đất cạnh những thửa ruộng đang vào thì con gái xanh mượt như thảm nhung chạy xa tít ngút ngàn tầm mắt.
Miền quê mùa này thật bình dị và êm ả . Những ngọn gió nhẹ làm gợn sóng lúa nhấp nhô tuyệt đẹp, lẫn khuất vào những vuống vườn rợp bóng cây ăn quả đang vào mùa sai cành trĩu quả . Những bờ dậu mồng tơi xanh um bao bọc mái tranh hiền hòa đơn sơ trông đến mộc mạc nằm như ngủ giữa buổi trưa, tạo nên làng quê Việt Nam một nét độc đáo rất riêng biệt, mà có lẽ chưa đất nước nào có được . Nhất là khi chiều xuống, khói lam quấn quýt bên mái nhà, tỏa lan đều lên những lũy tre cuối xóm làng.
Làng quê Việt Nam thường ẩn mình dưới vườn cây, chạy dài dọc theo bờ sông dịu hiền như bàn tay mẹ âu yếm sẵn sàng ban dòng sữa phù sa màu mỡ, bồi đắp chở che cho tình người, tình đất . Những rặng cây nối dài xanh um tạo cho Dũng cảm giác như đang lạc bước vào cõi xưa trong chuyện cổ tích bà thường kể, mà bao cây lá ấy là bộ râu dài muôn trượng của ông khổng lồ cứ dài... dài thêm mãi.
Ngoài giờ học ở trường ra, có lẽ Dũng khoái nhất là lang thang chui từ bụi cây này sang con mương khác để câu cá, để nhìn ngắm quê hương hoa gấm của nước non mình.
Lớn lên ở thành thị Ồn ào bụi khói và tiếng xe cùng bao rắc rối của cuộc sống trong những kế mưu sinh, hình như Dũng chán ngấy với cảnh đó . Nhất là gia đình mình . Tiền bạc, vật chất, cha mẹ nó không thiếu... nhưng có lẽ nó thiếu tình cảm êm ấm, dịu dàng của một mái nhà hòa thuận sau ngày dài bon chen vất vả ở xã hội và thương trường.
Dũng là đứa con duy nhất của ba mẹ, được cưng như trứng mỏng, muốn gì được nấy, xin gì cũng cho, đòi chi cũng có . Vật chất, tiền tài nói chung Dũng đều có . Nhưng có một thứ Dũng rất cần và xin mãi mà cha mẹ vẫn không thể đáp ứng được, đó là sự quan tâm tình cảm thiêng liêng của cha mẹ dành cho nó chứ không phải thể hiện qua đồng tiền.
Mẹ Dũng không thuộc loại phụ nữ tề gia nội trợ . Cuộc sống của bà là xã hội thương trường . Đối với mẹ, tiền là trên hết và là tất cả . Còn Dũng .. nó thực sự không biết mình nằm ở đâu, vị trí thế nào trong lòng, trong trái tim mẹ.
Nó buồn lắm, cảm thấy quá cô đơn, cô độc trong chính căn nhà mà ai nhìn vào cũng cho là tổ ấm lý tưởng của gia đình cha mẹ mình . Không chịu đựng nổi sự tẻ nhạt buồn chán đó với đám bạn bè giàu có, đua đòi hưởng thụ và bất cần sự quan tâm chăm sóc tinh thần của cha mẹ . Thế là nó bỏ đi... bỏ tất cả mọi thứ ở lại sau lưng đế làm cuộc đổi đời về với bà, với chú ở chốn thị trấn nhỏ bé này nơi miền quê êm ả với khu trường huyện luôn rợp bóng mát của những gốc phượng già.
Dũng tìm quên và học tập một cách rất bình dị với các bạn cùng thầy cô mới. Nó thật sự hài lòng với cuộc sống hiện đại.
- Dũng - Mai Liên gọi lớn làm nó giật mình rời khỏi dòng suy tự - Làm gì có vẻ buồn quá vậy? Nhớ thành phố hả?
- Đâu có - Dũng cười đưa tay gãi tóc là thói quen cố hữu - Ủa, nhà của Liên ở đây à?
- Ừ! Nè câu được cá nhiều không, đưa Liên coi thử.
- Chưa có con nào cả. - Dũng thơ thẩn nói.
- Xạo!
- Thiệt đó, không tin Liên thử coi đi. - Nó chìa cái giỏ về phía Liên cười e dè. - Câu
cá giải trí thôi, đôi lúc đứng mỏi cả chân vẫn không tài nào làm cá cắn câu.
- Tại Dũng tìm không đúng chỗ. Liên biết có một nơi rất nhiều cá, nhưng đi hơi xa, mãi tận cuối xóm.
- Thiệt hả, Liên chỉ đi.
- Đi một mình à?
- Ừ!
- Nhưng đường hơi khó đi, qua hai cây cầu tre lắt lẽo bắc qua sông mới tới được.
- Kệ, hôm nay chủ nhật cũng rảnh thì sợ gì đường xa.
- Vậy... liệu có qua cầu được không? - Liên cười tinh quái, nghịch ngợm. - Nhưng nói đi, còn nói lại, con trai như Dũng lo gì té đau hoặc tõm xuống sông, phải không? Muốn gia nhập vào cuộc sống ở đây phải biết và làm được những việc đơn giản đó. Cởi bỏ cái lớp thị thành thực thụ thì mới làm dân thị trấn, nhắm được không Dũng?
Dũng cười không trả lời. Đôi mắt nó nhấp nháy sau làn kính cận trông ngộ nghĩnh lạ! Nhưng Mai Liên vốn dĩ thiếu thiện cảm từ đầu, nó thản nhiên tiếp:
- Đi tới cuối con đường này là tới cây cầu bắt qua kênh, ở đó có bãi ruộng hoang có nhiều cá lắm. Hôm kia, tụi thằng Hiếu câu được toàn loại bự ngon ơi là ngon. Mê lắm. Còn nữa, ở đó toàn ruộng cạn không sâu, tự do thoải mái đi lại, đừng lo bị dính sình. Hy vọng chiều nay Dũng có được nồi canh chua do chính mình câu cá để nấu. Tiếc thật, nếu Liên rảnh đi theo Dũng... Nhưng bận rồi, phải ở nhà phụ mẹ thôi. Dũng đi đi kẻo chiều rồi.
- Ừ! Dũng đi nhé Liên.
Dũng quay bước nên không kịp nhìn thấy nụ cười nửa miệng thâm hiểm của Mai Liên. Nó hả hê đi vòng đường tắt theo dấu chân Dũng cận.
- Liên!
- Hiếu! Làm hết hồn. Đi đâu vậy?
- Theo thằng Dũng - Hiếu trả lời và đảo mắt nhìn quanh. - Nó mới đây biến đi đâu rồi?
Ở đường kia. Mình đi đi. - Liên giục rồi cả hai lần theo, cười nhỏ. - Phen này, nếu lên được nó cũng rim người, để xem bản lãnh dân thành phố tới đâu khi chiến đấu với sình non. Mình chờ nó lún sâu từ từ rồi dìm luôn đầu nó.
- Ê Liên!
- Gì?
- Có khi nào nó chết luôn không bà? Xuống đó khó ngoi lên lắm đấy.
- Nói gì ghê quá vậy? - Liên nhìn Hiếu. - Mình đi nhanh lên một chút để coi thế nào. Lỡ nó lún lầy thì còn kịp kéo lên.
- Có gan chơi sợ gì chứ? - Hiếu chậm chạp tiếp tục đe dọa thêm Mai Liên. - Chỗ đó vắng lắm, ít người qua lại. Lún rồi càng vùng vẫy càng mau bị chìm xuống, chết như chơi. Có bề gì bà chịu trách nhiệm đó. Con gái bày đặt ác độc, mai này lớn lên ở giá luôn chứ ai dám cưới.
- Ê! Vừa phải thôi nha Hiếu! - Mai Liên gắt. - Ai biểu nó ngu ráng chịu, liên can gì tới tôi chứ? - Giọng Mai Liên cũng hơi lo âu. - Việc này Hiếu cũng có phần đó, chính bạn chỉ nơi này bày biểu tôi tìm cách dẫn thằng Dũng cận tới.
- Thì đã sao? - Hiếu bật cười thích thú. - Dọa một chút đã sợ tái cả mặt. Đúng là con gái có khác. Xưa tới giờ bà có nghe ai bị chìm sình mà chết chưa? Sao mà dễ tin quá vậy. Thôi đi lẹ lên thôi.
Hiếu bước nhanh với đôi chân trần thoăn thoắt, theo sau là Mai Liên. Cả hai vẹt bụi rậm lấn tới, xuyên qua khỏi mấy vuông vườn là nhìn được thửa ruộng hoang với những dề lục bình có màu hoa tím nhạt lẫn lau sậy lác đác quanh khu cỏ ấy.
Thật sự mà nói ở đây cũng có rất nhiều cá, nhưng chỉ nằm giữa khu trũng nước, ít ai câu bắt được nếu như không có đủ khả năng lấn chiếc xuồng nhỏ qua vùng lầy với lau lách, cỏ cây chằng chịt quanh miệng.
Thoạt nhìn và không phải người dân thật thụ Ở vùng này rất dễ bị lầm lẫn vì cứ ngỡ dưới những cỏ cây kia là vùng đất cứng đi được. Nhưng thực tế nó toàn là sình nhão lún lầy. Sơ ý lọt chân xuống phải chật vật lắm mới ngoi lên khỏi, nếu không có ai kịp đi ngang qua kéo hộ thì coi như tiêu đời dễ hơn trở bàn tay.
Khi Hiếu và Mai Liên tới nơi. Cả hai nhìn quanh tìm kiếm. Bốn bề hoang vu, vắng lặng, rì rào chỉ là những bông cỏ may lung linh trong gió như đưa lời tâm sự.
- Nó đâu rồi Liên?
- Ai biết đâu.
- Có thể nó không tới. Thằng quỷ đó khôn lắm, đi xa ngu gì lội cho mệt. Vả lại, nó câu cá thư giãn thần kinh thôi, đâu phải câu cá kiếm ăn cho cực thân.
- Nói cũng phải, nhưng nó thích cá lắm. Ngày kia chính mắt Liên thấy nó câu được con cá bé tí tẹo mà mừng hơn bắt được vàng. Chẳng phải nó nghèo khổ tìm cá bán đổi cơm gạo mà tại nó thích, thì không lý do sợ xa bỏ cuộc đâu. Có thể nó chưa đi tới kịp tụi mình.
- Không đâu. Đường nó đi gần hơn tôi với bà lội đó. - Hiếu phóng tầm mắt nhìn bao quát với một bàn tay che ngang mày như thể cố giảm bớt ánh nắng chói lọi của ông mặt trời làm cay mắt. - Liên! Nhìn coi phải cái giỏ cá của thằng Dũng nằm ở vạc cỏ đó không?
- Đâu!
- Đó... Ở góc trái kìa, còn cần câu thì nằm xa hơn. Thấy chưa Liên?
- Có thấy gì đâu! - Liên nhón chân cố nhìn rõ. - Ý trời... phải rồi Hiếu ơi. Ủa, vậy thằng Dũng đâu?
- Ai biết... lẽ nào nó lọt xuống sình lún lầy luôn rồi. - Hiếu đâm lọ - Đâu bà chạy lại đó coi rõ hơn coi.
- Thôi... tôi sợ quá. - Liên run giọng. - Lỡ nó chìm thiệt thì sao hả Hiếu? Hay mình la làng lên đi, coi có ai cứu giúp mình mò xác thằng Dũng lên.
- Im đi bà... khùng! - Hiếu nạt lớn và chạy nhanh về phía có cần câu và giỏ cá. Một chiếc giày bata trắng của Dũng còn vướng lại ở lùm cỏ rậm rì dây leo nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của nó đâu cả.
Đôi mắt Hiếu mở to đảo quanh lùng sục từng bụi rậm tìm kiếm, lòng nó bắt đầu run sợ, lo lắng. Nỗi lo ngày một lớn dần khiến Hiếu cơ hồ như không tự chủ được nữa.
- Đưa tay làm loa miệng nó kêu thật lớn:
- Dũng ơi... Dũng... - Giọng Hiếu vang xa âm hơi theo gió lồng lộng. - Dũng ơi... mày đâu rồi...
- Dũng ơi... Dũng ơi... - Liên gọi theo trong cuống cuồng lo lắng. - Hiếu ơi... tính sao bây giờ? Chắc là nó chìm xuống sình thật quá. Tôi sợ lắm...
- Dũng ơi... Dũng ơi... - Hiếu gọi hai lần nữa. Đáp lại lời Hiếu chỉ là tiếng gió vi vu, lao xao cỏ lá. Nó thật sự quá kinh sợ, quá hãi hùng, đôi chân như tê dại không nhất lên nổi.
Mai Liên cũng thế. Cả hai run rẩy tái nhợt nhạt cả mặt, cố gào lên kêu gọi Dũng đến khan cả giọng. Giữa cái lúc tuyệt vọng nhất thì Dũng chạy nhanh về toàn thân sũng nước từ đầu tới chân hỏi:
- Ủa Hiếu, Mai Liên. Sao hai bạn lại ở đây và hình như khóc nữa. Chuyện gì vậy?
- Mày... Hiếu bật dậy dụi mắt, nó thoáng mừng nhưng rồi nổi cáu. - Đi đâu kệ tao, hỏi làm gì. Nè! Ai chỉ mày tới đây câu cá hả?
- Thì Mai Liên. Nhưng... tôi chưa có câu được con nào cả.
- Tao không tin. Nói đi, tự nãy giờ mày lủi trốn ở đâu?
- Tôi vừa tới, chưa kịp quăng cần câu thì có tiếng bà mẹ la làng kêu cứu hộ con mình đi học về qua cầu tre bị trượt chân té xuốn nước cho nên...
- Cứu người ta chứ gì? Oai quá hén. - Mai Liên dài giọng khi lấy lại được tinh thần. - Xí! Đi dâu cũng ta đây. Hiếu, mình về thôi.
- Ừ!
- Khoan đã... hai bạn chờ tôi một lát. - Dũng nói nhanh. - Đợi tôi về luôn.
- Nè! Bộ tụi này thân với mày lắm à. - Hiếu cau mặt. - Đi được, về được.
Nói xong nó bỏ ngang lấn bước, theo sau là Mai Liên. Cả hai đi một hơi không thèm nhìn lại và lặng im đến suốt đoạn đường về tới nhà, chẳng ai mở lời câu nào.
- Hiếu về nghen... Liên tới nhà rồi.
- Biết. - Hiếu cộc cằn. - Bà đó, tính tào lao hại nó không được báo đời thêm lo muốn chết luôn.
- Bỏ đi. Hoàn cảnh đó ai không sợ chứ. Cũng may nó không có gì, mình chỉ hù cho bỏ ghét thôi.
- Nhát như thỏ.
- Bộ Hiếu gan lắm hả?
- Thôi mệt, không nói nhiều. - Hiếu quê độ bỏ đi nhanh.
Chiều xuống thật chậm, tắt hẳn ánh nắng, Mai Liên cũng có ý đợi hoài sao Dũng cận vẫn không đi ngang qua lối nhà mình, hay có ai đó chỉ nó lội đường tắt, hơi đâu mà lo lắng.
Nhỏ tự trấn an, nhưng hình như cứ phập phồng mãi và mang theo luôn vào giấc ngủ.
Thiên Hương chặc lưỡi, thắng nhẹ chiếc xe đạp, tấp vào cạnh lề. Những ngã tư đèn xanh đỏ trong thành phố giờ này cao điểm, đông nghẹt. Nhỏ nhìn vào cái đồng hồ nhỏ xíu trên cổ tay mà than thầm.
- Chết rồi... trễ mất... kẹt xe kiểu này ít nhất cũng mất mười lăm phút !
Có tiếng động cơ xe máy nổ nhẹ và kề sát như muốn chồm tới trước một cái bánh xe. Đập ngay vào mắt Thiên Hương là đôi kính cận dày độ, có gương mặt rất quen thuộc.
- Dũng cận ! - Hương reo lên và gọi.
- Thiên Hương ! - Dũng nhấp nháy đôi mắt, lấp lánh niềm vui. - Tình cờ quá vậy ?
- Ừ ! Sao rồi... Ổn không Dũng ?
- Hỏi khía cạnh nào vậy Hương ?
- Mọi việc ! - Hương cười tinh nghịch chẳng khác gì lúc còn học phổ thông, làm cho Dũng ngây người. - Nè ! Hương hỏi Dũng đó, trả lời đi chứ ?
- Được, nhưng hỏi nhiều, phải trả lời mất thời gian . Cho nên không thể đứng ở đây nói chuyện được . Mình tìm nơi nào uống nước nhé Hương ? Coi như Dũng mời.
- Nhưng bữa nay Hương kẹt giờ dạy thêm rồi, sắp trễ nữa.
- Tới đó xa không ? Hay tìm nơi gởi xe đạp đi, Dũng tình nguyện "ga lăng" một chút với chức danh tài xế riêng cho lớp trưởng, được không ?
- Ghê chưa ? - Hương cười duyên dáng . - Đây mới đúng là dân thành phố thứ thiệt đấy . Nói năng lưu loát, hoạt bát chứ đâu cù lần như ngày nào chui tọt về quê để học . Thoạt đến lớp y như gà khờ.
- Thật à ? - Dũng cũng cưòi . - Bởi vậy mới bị các cô chiếu cố, "đì" sát đất . Cũng may lớp trưởng can thiệp kịp thời, ơn đức ấy Dũng ghi lòng tạc dạ và sẽ nguyện giữ đến suốt đời.
Đôi mắt Dũng mở to sau lớp kính cận . Cả hai bồi hồi cùng nhớ lại kỷ niệm ngày xưa khi bên nhau, cùng lớp, chung trường...
... Thiên Hương bước vào lớp vỗ tay ra hiệu cho các bạn im lặng . Đầu giờ thường ồn ào, nhỏ phải hét lớn.
- Im lặng đi ! Có việc cần báo đây.
- Chuyện gì, nói lớn lên . - Cả lớp nhao nhao hỏi, nhất là tụi Minh Hiếu.
- Lớp chúng mình... chuẩn bị đón thêm một bạn mới, từ thành phố chuyển về học.
- Hương ơi... là nam hay nữ ? - Kim Hà hỏi nhanh và lớn . - Nếu con trai... thì ta xí phần trước đó . Dân thành phố "ga lăng" và model lắm . Có thể còn là công tử giàu sang, đẹp trai và... viết chữ "bự" nữa.
Cả lớp phá lên cười như đàn ong vỡ tổ theo câu pha trò tinh nghịch lẫn quái ác của Kim Hà.
- Còn nếu là con gái thì... xin cho Hiếu đăng ký nhé ! - Hiếu giơ cao tay . - Con gái thành phố duyên dáng và tế nhị, lại có làn da tuyệt vời nhờ xài kem dưỡng da... E100 chống lão hóa, làm trắng da và không bắt nắng.
Cả lớp lại ào lên những trận cười như muốn bay tung nóc ngói của lớp học.
- "Stop" lại đi ! Thầy giám thị xuống tới đó . - Hương nói lớn, cố át tiếng ồn ào đùa giỡn, nhưng hầu như vô hiệu.
Những câu pha trò cứ thi nhau bật ra và tiếng cười lại tha hồ nổ như pháo tết, từng tràng liên thanh vang động.
Đúng là "Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò", Hương lắc nhẹ đầu chào thua, bước về chỗ ngồi, cố gắng ổn định trật tự lại một lần nữa.
- Đủ rồi các bạn, ồn ào quá bị kỷ luật đấy . Ảnh hưởng tới các lớp chung quanh kìa . Còn thành viên sắp gia nhập lớp mình là... con trai đấy.
- Á... hoan hô ! - Kim Hà ré lên . - Của ta đấy nhá . Các ngươi tranh giành không được đâu.
- Tới rồi Hà ơi . - Mai lên tiếng . Cả lớp tắt hẳn tiếng ồn ào khi bước chân thầy giám thị hiện ra ở cửa lớp.
Thầy nói vài lời với lớp trưởng xong trở ra . Trước mắt tập thể xuất hiện một nam học sinh với cặp kính dày cộm, thái độ... hơi rụt rè, không có vẻ gì là dân thành phố . Hắn mặc cái áo sơ mi đã ngả màu vàng nhạt cùng bộ... nhìn chung không thế gọi là modern chút nào, nếu như không muốn dùng chữ "cù lần".
Kim Hà tròn mắt quan sát kỹ rồi ỉu xìu thảm hại như bong bóng xì hơi.
Mọi con mắt bạn bè trêu chọc phá phách dồn từ thành viên mới của lớp rồi di chuyển về nơi Kim Hà ngồi.
Nhất là bọn con gái . Họ xì xào bàn tán nho nhỏ... rồi bật lên tiếng cười khúc khích rất "dễ quê", Mai nói lớn :
- Kim Hà ơi, đã lãnh phần rồi sao để người ta đứng ngơ ngác như nai vàng đạp lá vàng khô vậy ?
- Tao... hỏng thèm . - Hà chu môi từ chối làm cả lớp nổi trận cười, khiến thành viên mới bối rối lúng túng rất tội nghiệp.
Cái vẻ ngơ ngác ấy chuyển sang khù khờ, lúng túng, hắn chỉ biết mỗi động tác đẩy mãi cặp kính cận lên một cách vô tội vạ như muốn bay khỏi sóng mũi.
Thiên Hương đứng lên vì thấy đã tới lúc mình phát huy vai trò trách nhiệm của lớp trưởng.
- Xin lỗi... bạn tên gì ạ ? - Thiên Hương thân thiện hỏi.
- Tôi... Thành Dũng.
- Mình tên Thiên Hương, hiện là lớp trưởng . Này là chỗ của bạn . Hương đẩy nhẹ vai Minh Hiếu . - Cậu xích vào trong đi, ưu tiên cho Dũng ngồi đầu bàn dễ thấy hơn.
- Gì kỳ vậy ? - Hiếu nhăn mặt cự nự . - Thấy mới nới cũ hả... hay thấy đèn điện quen đèn dầu . Không được, bạn mới thông cảm ngồi giữa, chân tôi hay đi lắm, sợ phiền.
- Vậy... cũng được . - Dũng nói nhỏ và bước nhanh vào chỗ, cúi gầm mặt xuống không nói lời nào thêm cho đến cuối buổi học.
Trống tan trường, Dũng lại lầm lũi đi, như muốn né tránh mọi sự làm quen của các bạn ở lớp mới.
Đằng sau đôi kính cận ấy như ẩn chứa một cái gì đó cố tình dấu kín mà Thiên Hương chợt nhận được khi thầy giám thị giới thiệu làm quen.
- Dũng ơi . - Hương dừng xe đạp gọi . - Sao đi bộ vậy ? Thế xe Dũng đâu ?
- Không có . - Dũng khô khan đáp.
- Thế... nhà ở đâu, xa không ?
- Đằng kia . - Đứa con trai vẫn ngắn gọn, cộc lốc.
- Nè ! Lên đi, Hương cho quá giang một đoạn.
- Thôi, cám ơn . - Dũng nói xong lầm lũi dấn bước như cố ý chấm dứt mọi lời han hỏi của Thiên Hương, làm nhỏ hơi cau mày và nhẹ lắc đầu ấn chân vào bàn đạp lướt tới.
- Vậy... mình về trước nhé.
- Ừ ! - Thái độ Dũng thật khó gần dễ làm người khác bị chạm tự ái vì cái tính biệt lập, lầm lì, ít nói đó.
Còn đối với mình, hình như Dũng rất hài lòng cùng học chung với những khuôn mặt lạ và cậu không muốn ai thân thiện làm quen.
Những ngày tiếp nối Dũng như con ốc sên luôn cố thu nhỏ người trong cái vỏ bọc cứng cỏi của riêng mình . Cậu cứ lầm lì học, lầm lì làm bài và lầm lì ra về, hết ngày này nối tiếp ngày khác... , thầy cô gọi tên hỏi tới thì trả lời... không gọi thì thôi.
Nhưng có một điều đáng làm cả lớp ngạc nhiên lẫn nể phục là Dũng học rất cừ khôi các môn tự nhiên lẫn văn học.
Cái dáng vẻ khô khan thô lỗ ấy khó ai tin được bên trong là những dòng thơ êm dịu mượt mà, bóng bẩy . Hôm nay cũng thế, Dũng giải bài toán khó một cách trôi chảy và súc tích đến nỗi thầy Lâm phải kêu lên thán phục.
Cả lớp nhìn Dũng với ánh mắt khác... có lẽ thân thiện hơn . Giờ giải lao tất cả túa ra sân, nhất là bọn con trai, riêng Dũng vẫn ù lì ngồi lại . Đôi kính cận trễ xuống, mắt chăm chú vào một cuốn từ điển dày cộm.
Minh Hiếu đi vào nhẹ cau mày, vì chịu hết nỗi cái tên khờ này . Nó chụp giựt cuốn sách dấu nhanh, chuyền tay cho Mai Liên.
Dũng bật dậy từ tốn nói :
- Trả lại cho tôi đi.
- Không ! - Liên cho ngay vào cặp một cách tinh nghịch . - Đằng ấy muốn làm mọt sách hả . Người đâu mà... khô như đá . Nói thật nha... đừng ỷ học giỏi lên mặt với tụi này . Và cũng đừng có xạo sự nữa . Người ngợm thế mà dám xưng danh dân thành phố chuyển về đây học . Trên đời này có ai ngu đần vậy không hả ? Chẳng ai có thể tin nổi.
- Phải đấy . - Hiếu xen vào . - Làm cao khó chơi lắm.
- Tôi... - Dũng e dè . - Làm ơn cho xin lại quyển từ điển.
- Còn lâu . - Liên dài giọng hất cao mặt ra vẻ ta đây . - Nói đi ở thành phố học trường nào . Lí do gì phải chuyển về đây ? Còn nữa, hiện ở với ai, nhà, xã, ấp ?
- Tôi đã ghi rõ trong đơn xin nhập học rồi... Nếu muốn biết thì lên văn phòng mà lục coi.
- Nhưng tao muốn chính miệng câm như hến của mày khai báo ra . Có như vậy mới biết điều . - Hiếu ngang tàng . - Bọn này chung lớp đoàn kết lắm, chỉ có người lạ mới co đầu rụt cổ chơi một mình không tham gia gì cả . Nhất là chẳng hề giúp đỡ một ai trong việc học tập . Nè ! Mày tưởng mày ngon lắm hả ? Hơn được bọn tao à ?
- Tôi... không nghĩ như thế . - Dũng đẩy nhẹ gọng kính lên cho vừa tầm nhìn . - Thật ra mỗi con người đều có tính cách riêng, tôi nghĩ cư xử như bao lâu nay không thể gọi là mích lòng các bạn hay là quá đáng gì.
- Mày... - Hiếu nghiến ngầm, bặm trợn . - Có tin tao muốn dạy mày một bài học không vậy Dũng ?
- Tùy ở Hiếu, tôi không có ý kiến, nếu như bạn thấy tự cho mình có quyền và làm đúng . - Dũng thản nhiên nói rồi nhìn qua Mai Liên . - Nếu Liên thích xem thì tôi cho mượn đấy . Nhưng cuối tuần phải trả lại.
- Còn không ? - Hiếu hớt ngang . - Mày định làm gì tụi tao ?
- Nói thế rất khó nghe . - Dũng nghiêm giọng bỏ đi ra khỏi lớp . Đôi mày cau lại sau làn kính cận.
Hiếu hậm hực nói lớn :
- Phải dạy cho thằng này bài học lễ độ mới được.
- Không nên đâu . - Mai Liên cản . - Đùa vui tí thôi mà, cần gì giận dữ lớn chuyện đó . Còn nữa nha... Dũng học giỏi, thầy cô bắt đầu quan tâm, chú ý tới rồi . Đụng chạm tới nó không ổn đâu.
- Thằng này chưa biết sợ gì ai . Còn nữa, tôi tìm được cho nó biệt danh rồi đấy . Liên muốn nghe không ? - Hiếu hất mặt nói.
- Nói thử đi.
- "Người Sài Gòn" . - Hiếu như đắc ý với sáng kiến của mình . Cùng lúc ấy tiếng trống vào học lại vang lên . Tất cả trở vào lớp cùng vùi đầu trên trang vở.
Quang bối rối cụp nhanh mắt xuống với cái nghiêm khắc, chê trách của thầy dạy môn hoá. Đôi mắt ấy vừa giận vừa thất vọng bởi trong ấy vở của Quang, hầu như mọi bài tập đều bỏ trống. Mấy lúc gần đây sức học của cậu học sinh này rớt xuống nhanh đến thảm hại. Kiểm tra mười lăm phút, một tiết đều dưới điểm trung bình.
Giờ đen của lớp hầu như phần lớp thuộc về Quang gây nên. Cậu đi trễ liên tục, liên tục không làm bài và thuộc bài. Mặc dù Thiên Hương cố công tìm hiểu nguyên nhân.
Quang vẫn kín như bưng. Càng xuống dốc trong sự học, nó càng lầm lì ít nói. Thậm chí như muốn co cụm lại xa lánh mọi người.
Hôm nay cũng thế, vừa đánh trống tan học, thì Quang đã vội biến mất dạng, Hương nhìn quanh tìm kiếm và hỏi lớn:
- Có bạn nào thấy Quang đâu không?
- Về rồi. Kim Hà trả lời. Phóng cửa sổ sau.
- Sao Hà không kéo nó lại giùm Hương?
- Ai biết, sao không chịu nói chứ? Hà ôm cặp vào lòng giục. Hương về chưa? Hà đợi.
- Về! Hương thu dọn nhanh sách tập, mở cuốn sổ đầu bài ra nhìn và cau lại khó chịu. Tuần này bị điểm liệt nhiều quá. Toàn giờ C, D. Chắc cuối tháng tổng kết thi đua lớp mình đứng đầu bảng từ dưới đếm lên. Nhỏ thở dài. Không hiểu quỷ Quang thế nào ấy.
- Kệ nó đi… cuối cấp rồi, thân ai nấy lọ Không chịu học thì rớt, tha hồ khóc hận. Chừng đó có hối cũng không kịp nữa. Dạo này nó cứ tránh mặt tụi mình, đôi lúc thấy phát ghét.
- Hà biết lý do vì sao không?
- Chịu. Hà lắc đầu đi ra cửa, theo sau là Thiên Hương. Ngần ngừ một lúc, nhỏ hỏi. Hà rãnh chiều nay không?
- Chi?
Mình tới nhà Quang đi.
- Để làm gì? Hà ngạc nhiên.
- Hương muốn tìm hiểu rõ nguyên nhân sự tụt dốc của Quang trong học tập. Biết đâu có chuyện gì bất ổn đến với nó, để còn kịp thờI giờ giúp đỡ nữa. Hai kỳ họp đoàn Quang đều không đến tham dự, chẳng có cơ hội nào để tìm hiểu hoàn cảnh.
- Hương thích thì đi một mình, Hà không rãnh lo bao đồng chuyện tụi nó.
- Nói gì kỳ vậy? Hương phật ý, - Dù gì cũng chung lớp ba năm nay rồi.Vả lại, Hà đã là ban cán sự thì phải có trách nhiệm chứ?
- Thì… Hương kêu thằng quỷ Nhật đi cùng… Nó là lớp phó học tập đấy. Còn Hà… không đi đâu.
- Sao vậy… bộ giận rồi hả?
- Còn lâu… hơi đâu giận người dưng cho mệt. – Hà nói xong ấn mạnh chiếc bàn đạp xe cho lướt tới.
- Hương lắc nhẹ đầu đạp xe theo con đường hương lộ đá đỏ, dài hun hút và cơ man là bụi, bốc lên giữa trưa nắng gắt hầm hập khó chịu vô cùng. Nhỏ đưa tay quẹt nhanh những giọt mồ hôi túa ra làm bê bết tóc ở trán và thái dương.
- Bữa nay nắng quá trời! – Hươong ca cẩm.
- Ừ! Nóng gắt phải nói. À phải! Quỷ Dũng cận nhà ở đâu hả Hương?
- Mình không biết.
- Nó học cừ quá hén. Bài văn phân tích “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam nó làm thật tuyệt vời y như triết gia ấy. Cô Hạnh khen nức nở, đọc cho cả khối cùng nghe. Nhưng mặt nó tỉnh bơ như không có gì.
- Nói chung Dũng rất khó khăn. – Hương nhận xét. – Có lẽ bởi nó học quá giỏi so với tụi mình.
- Vậy Hương “khiếp” à? Mất mặt vậy.
- Đâu có, mình đang cố gắng hết mình để theo kịp nè. Nhưng nói thật nha… nhìn cái cặp kính cận của Dũng… cũng hơi ớn lạnh. Mấy thằng vậy học như điên. Với lại nó mới quá nên chưa biết sức học của nó tới đâu nữa.
- Bây giờ tính sao? –Kim Hà nhìn Thiên Hương hỏi. – Cái đà này học kỳ một của Dũng cận có nhiều khả năng đứng nhất đấy. À, nghe đâu Minh Hiếu với Mai Liên đang đụng chạm với tụi nó rồi.
- Vậy hả? Hồi nào sao Hương không biết gì cả. Ủa, Hà ơi… nhìn coi ai giống Quang mới chạy qua vậy?
- Đâu? –Hà nhìn theo tay chỉ của Thiên Hương thì chỉ còn thấy toàn là bụi đỏ. – Có thấy ai đâu, nắng quá Hương bị hoa mắt rồi. Ta rẽ à?
- Ừ!
Hà đạp nhanh như trốn chạy cái nắng. Còn lại Thiên Hương phải qua một đoạn đường dài nữa. Bánh xe bỗng nhiên chao mạnh rồi bẹp dí. Nhỏ chậc lưỡi đoạn tụt xuống xe, lắn nhẹ đầu than thâm, khi nhìn quanh không một nơi vá xe đạp.
Dẫn bộ, đoạn đường thướng ngày thân quen, giờ như dài thêm ra.
- Hương!
- Ủa… Dũng. – Hương reo lên.
- Xe bị sao mà dẫn bộ vậy?
- Xẹp bánh rồi. Tới ngã ba mới có chỗ vá.
- Đây tới đó xa không? – Dũng hấp háy mắt. - Bộ nhà Hương ở đường này à?
- Phải. Còn Dũng?
- Ngoài thị trấn, mình vào đây câu cá rộ Mùa này nhiều cá lắm. – Dũng cười có vẻ bẽn lẽn. Đôi kính cận trệ xuống trông ngộ nghĩnh. – Hay Hương gởi xe đi, lát Dũng dẫn ngược trở ra đường nhựa vá. Lấy xe này về nhà, để ba mẹ trông. Mai mình đổi lại.
- Như thế, đâu có tiện sợ phiền Dũng.
- Có gì chứ. – Dũng gãi nhẹ đầu với mái tóc hớt cao, cười thân thiện. – Còn không thì để Dũng đưa hộ cho Hương tới nhà. Nắng thế này đi bộ… dễ bị cảm lắm.
Hương thật sự ngạc nhiên bởi người bạn mới này. Ở lớp hắn lầm lì khó gần bao nhiêu thì ở đây thân thiết vui vẻ hoạt bát bấy nhiêu. Nhỏ ngần ngừ khá lâu mới nhẹ nhàng đồng ý.
- Vậy… Dũng làm ơn cho Hương mượn đỡ chiếc xe đạp nhé. Mai tới lớp trả lại.
- Được! – Dũng biến nhanh vào bụi cây kéo ra chiếc xe mới toanh, toàn bộ là đồ Nhật, khiến nhỏ hơi e dè, đắn đo mãi vẫn không biết nên mượn hay thôi.
- Đây!… Hương cầm lấy đi.
- Nhưng xe này… mới quá, chỉ e…
- Một đời ta… ba đời nó. Sợ gì chứ.
- Hay thôi đi. – Hương lắc đầu từ chối. - Khoảng hai cây số nữa tới nhà rồi… Mình đi bộ cũng tới. Hương về nhé.
- Gì kỳ vậy? – Dũng nhăn nhó. – Không mượn… Dũng buồn lắm đó. Thật ra về đây bấy lâu, mình rất muốn làm bạn với Hương… nhưng ngại.
- Đôi mắt Dũng cụp xuống, đôi chân làm động tác đi đi xuống đất. Chiếc cần câu trăn trở trong đôi tay cậu có vẻ thừa thải thế nào ấy. Khác lâu Dũng mới ngẩng đầu lên giục nhỏ. – Hương về đi, muộn lắm rồi. Nè, nếu chiều rãnh, mình muốn dẫn Hương tới chỗ Quang.
- Ủa! Dũng biết nhà Quang à? Hai bạn thân nhau lâu chưa?
- Nói chuyện sơ sơ thôi, chứ đâu có thân. – Dũng cười xoa quanh mái tóc hớt cao, điệu bộ có phần dạn hơn lúc nãy. - Cạnh nhà bà mình có quán cà phê, Quang thường xuyên ngồi ở đó.
Hương cau mày tư lự:
- Hèn nào, dạo này học tụt dốc qua trời. Hương cũng đang rất muốn tìm hiểu nguyên nhân. Thôi Hương về đây, chiều rãnh tới nhà Quang. À phải! Mình đến nhà Dũng trước được không?
- Dĩ nhiên là được rồi.
- Vậy hỏi sao để tìm ra?
- Nhà bác sĩ Tài ấy.
- Biết rồi, thế bác sĩ là gì của Dũng?
- Chú ruột.
- Oai nghen. – Hương cười tươi để lún sâu một bên má cái đồng tiền duyên dáng rất dễ “cảm”. – Hèn nào Dũng học giỏi mấy môn tự nhiên quá trời. Báo hại Hương chạy theo hụt hơi mà không kịp. Nói thật lòng nha… nghe xong Dũng đừng cười…Làm lớp trưởng như Hương, học thua bạn khác… quên lắm. Vả lại bấy lâu quen đứng nhất rồi... giờ đột nhiên bị Dũng lấn… ức nhiều đấy.
- TrờI ạ. – Dũng cười cởi mở và cất giọng tự nhiên lẫn thân ái đáp lại sự chân thật của Thiên Hương. - Biết làm sao được chứ lớp trưởng… hay để Dũng nhường một bước.
- Không! Coi như giao kết đi. – Hương tinh nghịch. – hai tụi mình ngầm thi đua được không? Ai dở bị phạt. Ai ngu thì… phải buộc lòng bỏ ra một… ngàn đồng.
- Để làm gì… mà ít vậy? – Dũng thích thú lẫn ngạc nhiên hỏi nhanh. - Một ngàn làm sao xài được vào việc chi?
- Tiền phạt đâu được xài.
- Chứ…làm gì?
- Quỹ công đoàn, hay nói rõ hơn là tiền tích lũy của lớp, để giúp đỡ ai trong chúng mình gặp khó khăn.
- Được! Nhưng Dũng chưa hiểu lắm với từ dở và ngu mà Hương nêu ra khi nãy.
- Có gì đâu. Dở là không thể hiểu và theo dõi kịp được lời thầy cô giảng để bị điểm liệt. Còn ngu thì… biết và hiểu rất rõ mà vì sơ ý bỏ quên một chi tiết nhỏ nào đó… hoặc nộp bài trước thời gian quy định để bị… điểm không đạt chuẩn. Nhóm Hương đặt ra điều kiện này nhằm làm cũng cố tính thận trọng, chi li của các bạn, trong học tập thôi. Mọi thứ trong học tập, điều không thể hấp tấp đúng không nào?
- Hiểu ra rồi. – Dũng gật nhanh. - Vậy còn giỏi toàn diện thì sao?
- Thưởng chầu chè, gồm tất cả mọi thành viên của nhóm.
- Độ… bao nhiêu người?
- Tuỳ, ai thích thì cứ tham gia.
- Chà… coi bộ nhộn nhịp dữ đó. Nhưng quan trọng là tài chánh ở đâu để khao tập thể.
- Đương nhiên là người xuất sắc phải chi từ A tới Z rồi. – Hương cười khúc khích. Một thành tích học tập cao, đầy mỹ mãn, khao chầu chè có gì quá đáng chớ?
- Ôi…như thế thì đâu thể gọi là được thưởng… mà bị phạt nặng đó.
- Cả hai bật cười thoải mái, làm dịu đi cả bầu trời buổi trưa trời nắng gắt.
Chương 2
- Mẹ của Quang à? – Hương ngơ ngác nhìn Dũng, đôi mắt cau lại đầy nghi vấn.
- Phải đó.
- Không thể đâu. – Hương lắc mạnh đầu như muốn phản đối. – Có nhiều khả năng Dũng lầm lẫn gì đó chứ sao lại như thế được?
- Chính mắt Dũng thấy rất rõ ràng, sao lẫn lộn được.
- Không đâu, nhà Quang giàu sang lắm, mẹ bạn ấy năm nào cũng tới dự họp phụ huynh. Hương là lớp trưởng những ba năm liền, lý nào không biết rõ hơn Dũng.
- Nếu thế… tức có chuyện lạ rồi đó.
- Dũng do dự một thoáng, vừa định nói gì đó thì Quang trờ tới, đôi mắt tối sầm giận dữ hỏi.
- Hai tụi mày làm gì ở đây? Theo dõi tao hả. Cút xéo đi cho!
- Quang! – Thiên Hương ngạc nhiên lẫn khó chịu. – Nói gì khó nghe vậy? Chẳng qua là…
- Thôi không thèm nghe, về đi. – Quang xua taỵ - Mặc kệ tôi… không mượn mấy người quan tâm.
- Nhưng Quang biết mình…
- Thì đã sao? – Quang một lần nữa lấn lướt cướp lời của Thiên Hương và bốp chát không chút nể nang. – Hương là lớp trưởng thôi mà… trong giờ học thì có quyền hạng một chút, ra khỏi trường rồi làm ơn đừng tào lao nữa. Có biết mình quá phiền phức không vậy? Còn thằng người Sài Gòn này… Mày nhớ rằng mình là con trai đó, bẻm mép quá trời, khó ưa lắm. Lần này tao tạm bỏ qua, lần sau đừng có trách, nếu như vẫn còn tiếp tục xen vào đời tư người khác.
- Quang lầm rồi… tôi và Hương chỉ muốn tốt cho bạn thôi, chứ không có ý gì cả, - Dũng từ tốn nói. – Còn nhỏ đang ngồi ở ghế nhà trường, đều cần thiết nhất là nên thật thà khiêm tốn. Dám nhìn thẳng sự thật cho dù thế nào đi nữa. Kẻ sống dối trá… hai mặt chẳng có lợi lộc gì, khi mọi người biết được càng khó dung hòa. Chừng đó sao tránh khỏi bạn bè cười chê cho!
- Ê thằng cận. – Quang sấn tới đẩy mạnh vào ngực Dũng làm nó loạng choạng lùi ra sau mấy bước vì không đề phòng. – Mày đừng bao giờ nghĩ mình là dân thành phố là ngon nhạ Định dạy đời tao hả. Xin thưa… nếu có ý định đó thì làm ơn quên đi cho tao nhờ. Hình như quả đấm này của tao ít khi nằm yên với những thằng “cà chớn” lắm nha!
Quang cung tay dọa nạt, thái độ hung tơn mà lần đầu tiên Hương được tận mắt nhìn, quả là ngoài sức tưởng tượng của nhỏ rồi.
Nếu không chứng kiến chắc chẳng khi nào nhỏ tin những gì xảy ra là sự thật.
- Quang làm gì dữ vậy? Có cần phải lên tay hạ chân như thế không nhỉ?
Hương khó chịu nói:
- Không thể nào ngờ… mình về đi Dũng. Mặc kệ người ta.
- Nhỏ quay bước, kép nhẹ tay Dũng, càng khiến cho Quang xốn mắt. Nó hậm hưc nhảy nhanh về phía trước chận ngang đườn giọng rất ra đây:
- Mai mốt đừng bao giờ bám theo tôi nữa.
- Ai thèm.
- Còn nữa, không được tìm gặp mẹ tôi nói gì cả, biết chưa?
- Chuyện này tôi không tự hứa được. – Hương nghiêm trọng. – Trách nhiệm tôi là báo cáo lên thầy chủ nhiệm.
- Nói như thế tức là… chẳng nể mặt nhau rồi phài không Hương?
- Tôi không biết gì cả. Tóm lại, thầy phân công đi tìm hiểu nguyên nhân sự sa sút học tập của Quang. Còn liên hệ sao với gia đình… coi như tôi ngoài cuộc. Quang học thì nhờ thân, muốn nghỉ thì làm đơn, đừng có cả lơ phất phơ hoài, ảnh hưởng chung cả lớp. Bài vở chẳng chịu làm, việc tốt không cố học mà đi nhiễm thói xấu. Bạn của Quang mấy năm trời nay mới biết rõ đấy.
- Hương…
- Gì chứ? Tôi nói không đúng à?
Quang làm ơn nhìn lại mình đi. Con người thiếu tư cách như thế… tôi không chấp nhận làm bạn, nhất là bạn học, người ngoài tưởng lầm nhìn vào coi cùng một thứ hay ho gì.. Không nói nhiều lời nữa Quang tránh ra đi cho tôi về.
Hương ấm ức nói một hơi dài, ánh mắt giận hờn thấy rõ, làm Quang chợt thấy lúng túng. Bởi hơn ai hết, nó hiểu rõ lòng tốt của cô bạn gái chung lớp chung trường này. Hai đứa lớn lên theo từng trang vở và có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp của tuổi học trò với màu phượng đỏ khi hè đến.
Tâm trạng Quang bất ngờ bị đảo lộn quá mạnh, ảnh hưởng thật nhiều đến việc học. Chưa bao giờ nó cảm thấy hụt hẫng đến thế này. Đầu óc nó rối loạn, không tài nào nhét nổi vào những con số li ti khô khốc.
Tuổi của Quang là lúc giao thừa giữa ngây thơ và trưởng thành đã đụng ngay vào sự nan giải khó lòng chấp nhận.
Tâm hồn xáo động, hỗn loạn mà nó không thể nói với vai trong bạn bè trang lứa. Quang mang theo trong người sự tức giận dằn xé. Từ hiền lành chăm chỉ, nó trở thành thô lỗ cộc cằn và hung dữ lúc nào không haỵ Nó tự động xa lánh bạn bè, quay lưng lại với sự quang tâm lo lắng của mỗi người. Quang đã thật sự thay đổi. Nó cứ cúi thấp đầu tránh cái nhìn dò hỏi trách móc của Thiên Hương. Chờ tiếng chân nhỏ đi xa dần, Quang mới ngẩng lên, trong ánh mắt mang theo quá nhiều buồn tủi.
Nó lầm lũi bước nhanh vào mái nhà tranh đơn sơ mà Dũng chỉ lúc nãy. Ngồi phịch xuống giường tre ôm lấy đầu gục khóc, nước mắt con trai chảy dài uất ức. Chưa bao giờ nó cảm thấy đời mình tối tâm như thế này. Còn Dũng và Hương cũng lặng lẽ bước đi, chẳng ai buồn lên tiếng. Nhất là Hương, nhỏ cảm thấy quá thất vọng về một người bạn.
- Hương ơi! – Dũng gọi cố xua bớt sự nặng nề.
- Gì?
- Lúc trước Quang học giỏi lắm hả?
- Ừ! Cũng là top ten của lớp đấy, không hiểu sao dạo này tụt hoài. Nó khác quá trời.
- Theo Dũng… hình như Quang có tâm sự gì đó cố tình giấu kín đấy.
- Sao Dũng biết?
- Tại… - Dũng gãi nhẹ tóc cố nén tiếng thở dài, bởi lòng nó cũng đang đầy ắp tâm tư khó nói cùng ai. Khá lâu sau nó mới ngần ngừ nói tiếp – Mình đoán như thế thôi. Hay để Dũng tìm hiểu thủ có gì nói lại với Hương và tìm biện pháp giúp đỡ Quang.
- Mặc kệ nó đi. – Hương còn giận. – Mình không muốn Quang coi thường lòng tốt bè bạn. Hôm nay nhìn nó thấy ghét quá chừng, nói năng chẳng nghe lọt tai tí nào. Cầu trời cho nó nghỉ học luôn để lớp khỏi khổ.
- Đâu thể nói như vậy chứ Hương. Nên nhớ Quang đang rất cần sự giúp đỡ, nhất là vòng tay bè bạn. Chỉ có những tình cảm đó mới thật sự đưa nó trở lại mái trường… Còn không thì… tiêu luôn. Hương lại là lớp trưởng và chi đoàn phó, trách nhiệm càng nặng nề hơn.
- Biết vậy, nhưng thằng quỷ đó nói nghe phát ghét. Mai vào lớp giao việc này cho Minh Hiếu và Mai Liên lo.
- Không ổn đâu, để Dũng gánh chọ Vả lại… ít nhiều gì thì mình cũng hiểu được đôi chút về Quang.
- Cũng được. À nè Dũng ơi!
- Gì?
- Thời gian lúc không đến trường bạn rãnh nhiều không?
- Chi vậy?
Mình học nhóm đi. Hôm qua thầy chủ nhiệm nói cần kèm thêm cho một số bạn bị điểm liệt và yếu. Lớp minh hơi đông, một người lo không xuể. Vả lại, vào học cũng mấy tháng rồi, Dũng nên chuyển sinh hoạt đoàng về đây mà tham gia.
- Học nhóm thì Dũng tán thành. Sinh hoạt đoàn đã có giấy chuyển và giới thiệu, khâu này Hương chịu khó hỏi lạI Minh Hiếu thử nhé.
- Bộ Dũng đưa cho Hiếu hả?
- Ừ!
- Sao Hương không nghe nó nói gì vậy. – Hương ngạc nhiên. – Nghe kể là Hiếu gây sự gì với Dũng à? Chuyện gì thế?
- Đâu có gì – Dũng cười lãng tránh. - Chỉ đùa thôi.
- Thật không ? Bạn bè chung lớp Hương không muốn mất đoàn kết đâu, đừng có bằng mặt chẳng bằng lòng nhé. Ê ! Kim Hà. – Hương gọi lớn.
Chiếc xe cub dừng lại, nét mặt đầy lo lắng, Hà hỏi nhanh:
- Thầy Minh Hiếu đâu không ? Bữa nay thì bóng chuyền giao lưu, tự nhiên nó biến đâu mất tiêu rồi. Tới nàh cũng không gặp, thiếu một người làm sao đánh được, biết thế ai vào giờ phút này chứ ?
- Có nói trước với Hiếu không ? – Dũng xen vào.
- Cho nó biết cả tuần lễ rồi. Sáng nay Hà còn gọi điện nhắc lại nữa kia, gặp ngay Hiếu chứ ai. Tánh nó xưa nay vẫn thường thế, luôn muốn quan trọng hoài bản thân và bắt mọi người cầu cạnh, năn nỉ, thiệt là tức, kiếm ai thế luôn, không cần nữa. Hương… tính sao đây ?
- Hà tới nhà Hiếu đó hả?
Ừ!
- Biết đâu nó đến nơi thi đấu. Mình tới đó thử coi. – Dũng nói nhanh. - Nếu như vào giờ chót thì… để Dũng thế cho.
- Được không ? – Hà vừa mừng vừa nghi ngờ.
- Tất nhiên là được rồi, ta đi đi.
Cả ba đạp nhanh tới trường cấp II của huyện. Nơi đó đang diễng ra thi đấu thể thao giao lưu của các chi đoàn.
Nhìn quanh tìm bóng Hiếu, nhưng nó vẫn mất biệt. Kim Hà lo lắng ra mặt, quay nhìn Thiên Hương cầu cứu.
- Dũng ơi… bạn vào đội hình thử vài đường bóng cho quen cùng các bạn đi. – Hương quyết định nhanh. - Đừng đợi Hiếu nữa.
- Được ! Nhưng thình lình quá, Dũng không có đem theo đồ thể thao.
- Hà có, lấy đồ Minh Hiếu mặc chắc là được. Thông cảm và đừng ngại nhé Dũng.
- Không sao đâu. – Dũng cầm lấy và lao nhanh vào khu tollet, chỉ một thoáng đã trở ra gọn gàng khỏe mạnh trong bộ thể thao trắng. Nó làm vài động tác khởi đầu rất thành thục, rồi nhập lẫn vào đám đông bạn chung lớp với đội hình bóng rổ của trường.
Những cú đập bóng rắn chắc và điêu luyện làm cho Hà và Hương ôm chầm lấy nhau mừng rỡ, thật sự đặt trọn niềm tin tuyệt đối.
Năm phút trôi qua khi tiếng còi vang lên báo hiệu vào trận thì Minh Hiếu hổn hểnh lấn tới bên Hà và giục:
- Hà ! Nhanh lên, đưa áo quần cho Hiếu trễ mất rồi.
- Khỏi cần ! Đội hình đã đủ người. – Hà dửng dưng trả lơi mà mắt không rời sân bóng, đuổi mãi theo từng bước chân của Dũng một cách đầy tự hào và thán phục.
- Nè ! Sao đủ được. - Hiếu cau mày. -Giận hả Hà ?
- Không ! Từ nay Hiếu khỏi chơi bóng cho đội nữa, khổ thân và phiền phức lắm. Làm phiền bạn bấy nhiêu đó đủ rồi.
- Ê! Nói thế tức là sao… có ý gì ? - Hiếu bực bội và phóng tầm mắt nhìn theo ánh mắt của Hà lẫn Hương.
Đôi mắt nó cau có tức giận khi phát hiện ra Dũng cận đang sôi nổi quả quyết dập những pha bóng gây cấn cứu nguy cho đội nhà nâng cao tỉ số cách biệt mỗi lúc mỗi lấn lướt hơn
Những tràng vỗ tay vang lên tán thưởng đầy thuyết phục của cổ động viên lớp và trường, dường như dành quá nhiều ưu ái ngưỡng mộ cho Dũng, càng khiến Minh Hiếu sôi lên ngọn lửa căm giận và ganh ghét.
Vị trí tối ưu của no, bấy lâu nay không ai đủ bản lĩnh thay thế, giờ đã bị Dũng chiếm đoạt một cách công khai và có phần trội hơn. Chạm tự ái, Minh Hiếu hằn học lắc vai Kim Hà thô bạo như quát.
- Ai ch phét thằng người Sài Gòn thế chỗ tui vậy ? Hà phải không?
- Phải. – Hà nghiêm giọng trả lời. – Không lý Hiếu buộc đội trường bỏ cuộc vì thiếu mỗi mình bạn à? Nên nhớ giùm cho đừng bao giờ để mọi người chỉ vì mỗi một mình Hiếu.
- Hà…
- Tôi nói rõ ràng rồi. Trách nhiệm lớp phó Văn thể mỹ buộc phải tìm người khác thế vào thôi.
- Ai trong lớp mình có thể được, riêng thằng Dũng thì không. - Hiếu gầm gừ hung dữ. – Tôi chưa đồng ý.
- Tại sao vậy? – Hương xen vào. - Vị trí này không hẳn độc tôn dành cho Hiếu. Thể thao học đường là rèn luyện thể lực khỏe mạnh phải cần có nhiều đội viên bóng dự bị để kịp thời lấp vào chỗ trống khi đột xuất thiếu vắng ai đó. Làm việc gì cũng thế, chủ động vẫn luôn hơn bị động. Vả lại, Dũng làm rất tốt vai trò và trách nhiệm của mình ở vị trí của Hiếu có thua sút gì đâu.
- Tôi… - Hiếu mím môi giận dữ. Nó thật sự không ngờ thằng ngườ Sài Gòn này lắm tài đến thế.
Tự nhiên lại tạo cơ hội cho nó chen chân vào đội bóng để khẳng định tài bằng một cách điêu luyện tài tình thì thật tức chết đi được !
Càng nghĩ Hiếu càng hậm hực cay cú. Sự ganh tị lớn dần làm nó khó chịu vô cùng. Cố giữ bình tĩnh theo dõi trận đấu nhưng nó luôn để ý tìm sơ hở của Dũng để có những lời phê bình chê trách… nhưng thật lòng mà nói, Dũng tuyệt vời, đến Hiếu còn phải công nhận.
Trận đấu kết thúc với tỉ số chung cuộc đội bạn thua đậm liên tục ba ván. Dũng cười thật tươi hân hoan trong vòng tay bè bạn cùng đội và cùng lớp, những lời chúc mừng lẫn hài lòng của thầy thể dục càng khiến cho Hiếu mất tự chủ, Nó cảm thấy tự ti mặc cảm vì bị bơ vơ, lạc lõng và “thất sủng”, chẳng một ai quan tâm ngó ngàng tới.
Hiếu lầm lũi bước nhanh, mang theo nỗi giận đầy ứ, uất nghẹn và trút phát cả lên người Dũng cận. Một thằng đáng ghét, từ đầu lù lù vác thân về để chiếm đoạt và lấn lướt tài nghệ của nó trong lòng các bạn.
Sự bực tức này nếu nó không trút được… thì khó lòng sống yên.
Mai Liên giận đến run người và tức trào nước mắt. Vì nghĩ các bạn trong lớp chơi khâm mình, vắt chanh bỏ vo?
Nhỏ ngẩng cao mặt thách thức chận ngang lối đi của Thiên Hương và Kim Hà đang dẫn xe ra khỏi cổng trường.
- Tao có chuyện muốn nói với mày đây Hương.
- Việc gì vậy Liên?
- Làm tỉnh quá hén. - Giọng Mai Liên gay gắt. – Làm bạn bao lâu nay giờ mới biết lòng dạ mày đó, thật không ngờ.
- Nè ! Liên nói gì tôi không hiểu. Còn nữa, đang họp lớp, tự nhiên bỏ về là ý gì ?
- Liên với Hiếu độ này kỳ quặc thế nào ấy, tụi mình không sao hiểu nổi. – Hà xen vào. – Hình như muốnn hoạt động độc lập thì phải. Đang tập trung ôn bài chuẩn bị kỳ thi học kỳ I sắp tới, tự nhiên bỏ ngang, chẳng chịu tham gia gì cả, bỏ dồn đống cho Hà với Hương.
- Lỗi không phải do tao với Minh Hiếu.
- Vậy theo Liên tại ai ? – Hà bốp chát. - Lớp trưởng đang thi đua khối, ai cũng bận bù đầu. Thành tích tốt đạt được cả tập thể hưởng, đâu riêng cá nhân nào. Hễ biết mình có năng khiếu là luôn muốn người khác đầu luỵ, khẩn cầu chắc! Tùy ý Liên thôi, tụi này chẳng ép uổng. Muốn thì làm, không thì thôi, có người khác thay thế.
- Đủ rồi đó Hà. Tao biết dạo này mày ngon lắm, đừng có lên mặt dạy khôn người khác. Con người tao là vậy đó.
- Thế chận đường tụi này làm gì? – Hà căng giọng. - Chiều phải tập văn nghệ nữa, đâu rãnh đứng ở đây nghe trách móc giận hờn. Hương ! Mình về đi.
Hà kéo nhẹ tay Hương tỏ ý chấm dứt chuyện cần bàn, rồi ấn chân vào bàn đạp lướt về phía trước. Hương nhìn Mai Liên từ tốn hỏi:
- Theo Liên thấy… Hương làm sai việc gì à? Mày giận tao vụ gì? Học chung mấy năm trời, có gì phật ý cứ nói, để trong bụng hoài ai biết đâu sửa đổi. Lúc nãy góp ý Liên là việc chung của tập thể lớp chứ không có gì cá nhân cả. Cuốn từ điển Anh Văn của Dũng cũng nên trả lại cho người ta học, đùa dai như vậy dễ bị hiểu lầm mình không tốt.
- Nói vậy tức mày nghĩ tao tham hả?
- Hương chưa bao giờ có ý đó.
- Tóm lại một câu, trong tất cả các phong trào thi đua của lớp, có thằng Dũng cận thì không có tao với Minh Hiếu.
- Sao kỳ vậy? – Hương bất bình phản đối, nhỏ nghiêm ngặt. - Ở tập thể lớp thì mọi người đều có quyền bình đẳng tham gia bất cứ việc gì, môn nào họ thích, dù không cần năng khiếu thực tài. Dũng cũng thế, nó cũng là thành viên của lớp, sao cấm đoán được huống gì nó có tài thực tế, mang vinh quang về cho tập thể lớp, mà ai cũng biết, cũng công nhận. Mình nghĩ chẳng có lý do gì rút tên nó ra khỏi danh sách vận động viên. Vả lại, biểu quyết cả rồi, đã gởi lên thầy thể dục. Riêng Mai Liên và Hiếu tham dự hay không thì tùy, nếu như hai bạn cho đó là sự từ chối chính đáng. Ai cũng lớn rồi, chúng ta là những người chủ tương lai của đất nước, phải dám nhìn thẳng vào vấn đề, dám chịu trách nhiệm về việc mình làm, để mai này bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời khỏi lập lờ, lơ lửng và quan trọng là... đừng bao giờ đố kỵ tài năng, tự cho mình là cao hơn người khác . Xã hội ngày nay cần người có tài lẫn có đức, thiếu một trong hai thứ đó đều trở thành người vô dụng cả . Những gì muốn nói mình đã nói xong rồi, Liên suy nghĩ lại đi . Thật sự chẳng ai muốn mất đoàn kết, hãy vì phong trào thi đua của cả lớp mà nắm chặt lấy tay nhau phấn đấu cùng tiến bộ . Thành tích đạt được không phải chỉ của riêng ai, tập thể hưởng thôi.
- Đủ rồi Hương . - Liên cắt ngang . - Tao không đủ thời gian nghe nữa đâu, khỏi cần giảng đạo . Mày về đi, nhưng nhớ cho kỹ khỏi ghi tên tao và Hiếu nhé.
- Vậy là Liên quyết định dứt khoát rồi à ?
- Ừ ! Mấy năm nay không có thằng Dũng tụi tao cũng làm nên thành tích chớ có khi nào để lớp thất vọng không ? Tại sao tập thể không chịu nghĩ lại chứ ?
- Nhưng thêm Dũng thì đội thi đấu của mình sẽ tăng cường lực lượng để mạnh hơn chứ đâu có hại gì ai ? Hoặc có đụng chạm chi tới Liên và Hiếu ?
- Vậy Hương trả lời sao với sự việc thế người ngang xương trong tuần rồi thi đấu giao hữu bóng rổ ? Đừng nói là Hương không biết đó.
- Tất nhiên là Hương có ở đó . Chuyện không có gì quá đáng cả . Bởi vì tới giờ không có Hiếu phải thế người . Không lí bỏ cuộc ?
- Nói với Hương uổng calo quá đi . - Liên nóng giận gạt ngang, không thèm nói thêm lời nào . Nó cố ấn chân vào bàn đạp chạy nhanh bỏ lại Thiên Hương với cái lắc đầu bực bội khó chịu.
Dạo này ở lớp toàn là chuyện đâu đâu, rối bù đầu óc, Hương cảm thấy quá mệt mỏi . Vai trò lớp trưởng chưa bao giờ nhỏ thấy nặng nhọc rối tung như lúc này.
Đoạn đường về tới nhà như dài thêm ra bởi cơn mưa dai dẳng ngập ngụa nước lẫn sình, lại trơn trợt với những khúc đã trôi hết đá đỏ.
Hương thật sự vất vả với chiếc xe đạp của mình, nhỏ không tài nào chạy được đành dẫn bộ và cố hết sức né tránh để khỏi lấm bẩn áo quần.
Lo âu nhìn chiếc kim đồng hồ đeo tay nhích dần về con số bảy, nhỏ thầm kêu khổ trong dạ . Bởi hôm nay có tiết thi đầu giờ của giáo viên, làm lớp trưởng đi trễ là việc không nên có, khó ăn nói cũng như biết trả lời sao bây giờ.
Dường như biết cô chủ đang gấp rút thu ngắn đoạn đường tới trường, chiếc xe muốn trêu ngươi nên trở chứng không phải lúc . Cái vỏ xe vốn nhòn nhẵn gai, giời cán nhằm vật nhọn khiến cho ruột bị thủng, xì lép xẹp . Khốn khổ vô cùng luôn, Hương càu nhàu rồi tự mình nghe, mà không biết phải làm gì với hoàn cảnh hiện tại . Cuối cùng nhỏ quyết định thật nhanh, đem gửi xe vào nhà cạnh đường rồi bôn ba cuốc bộ . Mười phút trôi qua, nhỏ đã tới được đoạn khô ráo . Ánh mắt sáng lên khi thấy Mai Liên trờ xe tới :
- Liên ơi ! May quá... làm ơn cho Hương quá giang nhé . Đường sình mà xe mình lại hư rồi.
- Vậy à ? - Liên lạnh nhạt . - Rất tiếc bánh xe sau của tôi yếu lắm không thể chở lớp trưởng được . Thông cảm đón xe bạn khác mà đi nhé.
Hương hụt hẫng mất vài giây mới vội bước nhanh, khi bóng Mai Liên vụt về phía trước . Nhỏ đi như chạy để mong kéo kịp thời gian . Mồ hôi túa ra như tắm dù đang là buổi sáng . Chưa bao giờ nhỏ mong gặp bạn đến thế này . Thêm một nguồn hy vọng mới, khi từ xa bóng Minh Hiếu lù lù xuất hiện.
- Hiếu . - Hương vẫy nhanh . Chiếc xe Hiếu vẫn bon bon không hề giảm tốc độ, như không hề nghe nhỏ gọi . Thấy vậy nhỏ ức lòng muốn khóc.
- Bạn bè cái kiểu gì kì cục, hình như tụi nó muốn cô lập mình thì phải . Năm phút nữa tới giờ thi rồi, làm sao đây... chẳng tài nào kịp . Chết thật rồi... xe đạp ơi... mi hại ta.
- Hương ! - Tiếng xe thắng gấp lại.
- Ủa Dũng ! - Hương mừng rỡ.
- Lên xe đi... sắp tới giờ rồi.
- Ừ ! Xong rồi, chạy đi... nhanh lên một chút.
- Biết . - Dũng ấn chân vào bàn đạp, chiếc xe vút nhanh . - Xe Hương đâu ?
- Hư rồi . Nè, thật quá may mắn cho Hương vì cứ tưởng trễ mất thôi . À phải, sắp tới giờ Dũng còn đi đâu vậy ?
- Đón Hương chứ đi đâu . Để lội bộ trễ là cái chắc.
- Xạo ! Sao biết Hương đi bộ ?
- Thì... nghe nói.
- Ai ?
- Người nào Hương xin quá giang đó.
- Mai Liên à ? - Hương cau mày, nhưng lại im lặng không hỏi thêm gì nữa cả . Chẳng biết lòng nhỏ nghĩ điều chi mà Dũng chỉ nghe tiếng thở dài liên tục.
Gởi xe xong cả hai chạy nhanh đến lớp cũng vừa khi tiếng trống đổ dồn dập báo giờ vào thi . Kim Hà reo vui :
- Tao tưởng trễ đấy.
- Ừ ! - Hương nhẹ gật đầu, nhưng ánh mắt nhìn nhanh qua chỗ Mai Liên lẫn Minh Hiếu để kịp nhìn thấy cái cười ha hả của hai tụi nó.
Giờ thi cũng trôi qua nhanh chóng . Cả lớp xôn xao cùng bàn luận về đề bài :
- Làm được không Hà ? - Hương hỏi.
- Khó quá, tao làm chưa kịp xong . Còn Hương thế nào ? Nè ! Mày nhìn qua bàn Minh Hiếu thử coi kìa, hình như Dũng bị mất cái gì đó, thấy nó kiếm quá trời.
Đưa mắt nhìn theo tay Hà, Hương lại bắt gặp cái cười nửa miệng rất khó ưa của Minh Hiếu . Còn Dũng đang cau có với đôi mắt không gọng kính, tối sầm phía trước như bị ụp mảnh vải đen.
Hình như suốt buổi học đó Dũng ngồi cầm bút chứ không hề viết được chữ nào và cũng chẳng tài nào nhìn được chữ của thầy, nói chi là làm bài kiểm tra, cuối giờ đành buộc lòng nộp giấy trắng khiến thầy toán ngạc nhiên hỏi lớn.
- Dũng đâu... em đứng lên !
- Dạ ! - Dũng bật dậy cuối gầm mặt.
- Như thế này là sao đây ? - Thầy cáu gắt . - Em trả lời đi, không làm bài là tại sao ?
- Thưa... kính cận em bị hư . - Dũng ngập ngừng nói làm cả lớp cười ồ lên . To nhất có lẽ là giọng cười khoái trá của Minh Hiếu . - Em sơ ý làm rớt xuống đất và tròng bị bể rồi cho nên chẳng thấy gì cả . Em xin lỗi thầy.
- Thôi được rồi... em ngồi xuống . À không, lên đây nhận lại bài kiểm tra . Coi như tôi cho cơ hội lần nữa.
Thầy toán trầm ngâm khá lâu rồi gật nhẹ đầu nói lớn :
- Không biết em có thể trả lời miệng những phương trình tôi nêu ra bây giờ không nhỉ ? Trúng thì mười điểm, sai thì số 0 . Em có quyền suy nghĩ lại đề nghị này.
Hương và Kim Hà đều lo âu nhìn về phía Dũng chờ đợi quyết định của nó . Bởi thang điểm lỡ bị điểm không cộng vào sổ thì coi như toi mạng.
- Thưa thầy, - Hương bật dậy . - Em xin phép có ý kiến ạ.
- Nói đi, tôi đang nghe.
- Xin thầy cho bạn Dũng kiểm tra lại một mình những tiết học tới khi đã làm xong kiến cận.
- Không được, giờ kiểm tra này là cuối học kỳ đấy . Không còn thời gian đâu để chờ đợi nữa . Hôm nay thứ năm, đến thứ bảy là phải thi rồi.
Chương 3
- Vậy... nếu câu trả lời miệng của Dũng không sai nhiều... thì có thể cho ít điểm lại, chứ đâu nhất thiết phải lãnh 0 ạ ?
- Đó là ân huệ lắm rồi, không được khiếu nại . Không lý nào cả tập thể lớp em chỉ vì mỗi một mình Dũng làm chậm lại à ? Còn tôi bị khiển trách ? Phần ai nấy lo đi . Hãy chú tâm coi như đây là một kỳ thi quan trọng, không được quyền sơ ý, nếu lỡ trục trặc thì hỏng ráng chịu đừng kêu ai.
- Thưa thầy...
- Em ngồi xuống . - Thầy toán nghiêm giọng tỏ ý chấm dứt mọi đề nghị rồi nhìn Dũng hỏi . - Thế em suy nghĩ kỹ chưa ?
- Dạ rồi . - Dũng gật mạnh đầu đầy tự tin nói . - Xin thầy cho đề ạ.
- Được ! Cố nghe cho kỹ nhé . Em nào ngồi gần có thể chép lại đề rồi đọc kỹ dùm Dũng . Tôi cho em mười phút còn lại của tiết này.
Thầy nhíu sâu đôi mày đọc rõ từng con số . Hương ghi thật nhanh rồi nhìn Kim Hà . Cả lớp nhao nhao bàn luận.
- Khó quá thầy ơi, sao làm nổi với mười phút được.
- Cho thêm thời gian đi thầy.
- Dũng ơi .. cố lên nhé.
- Im lặng . - Thầy gõ mạnh cây thước xuống bàn để vãn hồi trật tự.
Dũng cau mày bỏ ngoài tai bao sự Ồn ào, đôi mắt cận thật tội nghiệp cúi sát vào trang giấy trắng, cố viết ra những con số li ti khô khan chẳng ngay hàng thẳng lối.
Cả lớp cũng căng thẳng hồi hộp theo Dũng . Ai cũng cố giải cho thật nhanh và gọn đề toán khó nuốt trôi này trong vòng mười phút.
Hương là học sinh cừ nhất cũng lắc đầu cho rằng thời gian quá ít, mà lời giải quá dài, không cách nào tài nào tóm gọn cho kịp quy định.
Năm phút, rồi bảy tám phút trôi nhanh như cái chớp mắt . Trán Dũng lấm tấm mồ hôi, nét mặt nó thật căng thẳng.
- Tới giờ rồi, trả lời đi . - Thầy lên tiếng và nhìn chăm chú vào Dũng.
Nó bật ra những lời giải gọn gàng súc tích như in sẵn trong não, nhanh hơn cả bấm bằng máy điện tử.
Hương và Kim Hà thở phào nhẹ nhõm lẫn vui mừng ra mặt . Còn thầy thì như reo lên vì phát hiện ra cậu học trò ưng ý . Dũng thật sự đã làm cho thầy vừa kinh ngạc vừa hứng thú . Bởi thầy biết được đề toán mình ra mức độ khó đến thế nào, trên thực tế nó vốn dĩ là bài thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
- Đúng không các em ? - Thầy nghiêm trang hỏi . - Có ai có ý kiến gì không ?
Cả lớp im lặng . Hình như đề toán này đã vượt khá xa vốn hiểu biết và khả năng của tập thể.
- Đúng không Dũng ? - Thầy hỏi đúng.
- Thưa thầy... đúng ạ . - Dũng khẳng định đầy tự tin.
- Chắc chắn chứ ?
- Dạ !
- Nếu như... tôi nói sai thì sao ?
- Thưa... Ở điểm nào, xin thầy giải cho . Theo em thì... không thể nào sai được.
Nếu có thì chỉ là cách giải khác thôi ạ . Nhưng kết quả cho ra cũng hoàn toàn như thế này.
- Vậy theo em... Ở đề này có mấy cách dẫn giải ?
- Dạ... ba ạ, nhưng tóm tắt gọn thì chỉ có một cách duy nhất mà em đã thể hiện . Hai cách còn lại phải đi vòng, áp dụng quy tắc tam thức rồi mới co cụm chứng minh để cho ra kết quả.
- Rất tốt, cám ơn em . Dũng xứng đáng được nhận điểm mười cộng đấy . - Giọng thầy thật hài lòng . - Bây giờ mời một em nào đó lên bảng ghi hệ chữ số theo giải trình của Dũng, sẵn thầy trò mình học tập luôn . Lớp trưởng đâu...
- Dạ ! - Hương đứng lên, đi nhanh tới khung bảng đen.
Tội nghiệp cho cặp mắt cận của Dũng lại một lần nữa khốn khổ trước những con số . Cả lớp đều vui, duy chỉ có hai người hằn học với sự thông minh học giỏi của Dũng.
Hiếu mím môi cố nén sự ganh tị bùng nổ ngày một lớn hơn trong lòng . Nó đứng lên ra về dù cả lớp đang cùng thầy ngồi lại.
Quang lủi nhanh vào đám đông nhưng không tránh khỏi cặp mắt lục tìm của Hiếu.
- Ê Quang ! Đứng lại đã . - Hiếu gọi lớn.
- Gì nữa đây ! - Quang cau mày . - Mày tha cho tao được rồi đó.
- Gì dữ vậy... tụi mình vẫn là bạn kia mà . À phải ! Cừ lắm đấy, chỉ một phát dậm chân là đi toi đời cái kiếng cận của thằng người Sài Gòn . Tao bái phục sát đất luôn đấy . Quang này, tiếp tới là tiết mục gì nữa há, cứ tự do thoải mái quạy đã đời nó đi nghen !
- Mày dư hơi, rảnh rỗi thì làm lấy một mình, đừng lôi kéo tao vào cuộc nữa . Tao với thằng đó không thù oán gì cả . Còn nữa, mày không thấy mình hại người chẳng bằng ý trời à ? Nó không tốn sức gì lại nổi bật hẳn lên, thầy toán cưng như trứng mỏng, cả trường biết tiếng . Nó hơn tao với mày cái đầu đấy.
- Con khỉ . - Hiếu bực dọc . - Tóm lại phải triệt nó, nếu không, tao chẳng cam tâm . Muốn thế mày nhất định phải giúp tao một tay mới xong việc.
- Muốn thì tự làm lấy.
- Còn mày ?
- Không . - Quang đáp cộc lốc rồi bỏ đi nhưng bị Hiếu nhanh chân hơn cản lối . - Mày muốn gì nữa chứ Hiếu ?
- Hình như miệng tao ít giữ kín chuyện đã được biết lắm đó.
- Ê... mày dọa tao à ? - Quang nổi nóng . - Thằng này cóc sợ đâu.
- Mày ngon lắm . - Hiếu gật đầu rất anh chị . Nó nhìn Quang với ánh mắt cười cợt . - Anh hùng rơm, để coi thế diện còn giữ được không khi cả lớp biết cái tin giật gân về mày . Nào là đi xe cúp, ở nhà lầu, con trai giàu có học giỏi... ha... ha... ha... - Hiếu cười lớn như xoáy mạnh vào màng tai của Quang . - Mọi thứ hơn người, ai dè...
- Mày im đi . - Quang hét lớn hai tay bịt chặt tai . - Tao... cấm mày nói nữa... nếu không thì đừng có trách.
- Trời ơi... tao sợ quá . - Hiếu nhún vai chế diễu.
- Muốn đánh tao chứ gì ? Thử đi rồi biết con ạ . Đụng tới tao, mày đủ tiền lo thuốc không hả ? Bày đặt ta đây . Hết ngon từ lâu rồi . Có mơ cũng không được như ngày xưa . Nếu muốn bạn bè, nên nghe lời tao, để khỏi đổ bể chuyện tùm lum, tụi con gái bàn tán.
- Được, không nhiều lời . Tóm lại, mày muốn tao làm gì thằng Dũng, nói đại đi dài dòng quá phí thời gian.
- Làm gì cũng được, miễn nó rớt kính cận ra khỏi mắt trong đợt tham gia thi đấu cuối tuần này là tốt . Nhưng nhớ cho rằng không để nó có thời gian mua lại kịp lúc.
- Như vậy mày cho là ổn à ? Thật quá đáng . - Quang nóng giận . - Thành tích lập được cả lớp đều hưởng, sao có thể hại cả bạn . Tao không làm được đâu.
- Quang . - Hiếu gọi giật lại khi thấy Quang dợm bước . - Như vậy mày quyết định rồi chứ ? Không ân hận à ?
- Không.
- Suy nghĩ kĩ lại đi.
- Tao chẳng có gì để nói nữa cả . - Nói xong Quang bỏ đi nhanh, hai tay thọc túi quần lầm lũi bước . Trông dáng điệu thật chán chường.
Minh Hiếu mím môi rít giọng :
- Mày không làm thì thằng Dũng cũng chẳng thoát khỏi tay tao đâu . Hãy chờ xem.
Vừa lúc đó Mai Liên đỗ xe lại, hất mặt hỏi :
- Đi đâu để ta tìm muốn chết vậy Hiếu ?
- Kiếm quỷ Quang nè.
- Nó đâu rồi, gặp chưa ?
- Rồi . - Hiếu hầm hừ . - Dở chứng không chịu hợp tác . Chẳng biết làm thế nào bây giờ . Hết tuần này là vào cuộc rồi.
- Quang không chịu thì mình làm, lo gì chứ . Hiếu bày cách chơi khăm thằng Dũng... nhưng lại tạo thêm cơ hội cho nó lấy uy tín . Cái kính cận bị bể không uổng phí chút nào . Hôm đó khi nhìn thấy mặt nhỏ Thiên Hương và Kim Hà thấy ghét gì đâu ấy . Nói thật nha... thằng Dũng mà chuyển đi, mình dám cúng ông địa nải chuối lắm đó.
- Thôi đi bà... nói tào lao hoài . - Hiếu cau có gắt gỏng . - Bây giờ về nhà chưa ?
- Chi vậy ?
- Mượn xe đi lại đằng này một chút . Còn nữa, dư thời gian thì tới nhà thăm mẹ Thiên Hương một lát . Bà phải biết nói gì rồi chứ ? Chuyện thọc mạch, con gái dễ làm hơn . Cố làm sao để hai tụi nó khỏi liên kết chơi thân, mình mới có cơ hội ngoi lên được . Cái thằng quỷ ám đó từ đâu chui lên... mà thứ gì cũng biết rành, báo hại bọn ta mất chỗ đứng . Hôm qua mình tình cờ nghe nhỏ Kim Hà thắc mắc về việc đóng tiền quỹ của lớp đấy, Mai Liên coi chừng đó.
- Chẳng hơi đâu mà sợ . - Liên trễ môi . - Tôi làm gì cũng có sổ sách giấy tờ . Nghi mặc kệ nó . Ngon thì xung phong làm thủ quỹ đi.
- Tôi nghe nói lại vậy, còn sợ hay không tùy Liên . Tóm lại, rất có nhiều khả năng bị ê mặt đó.
- Còn lâu . Tôi làm gì chứ ?
- Có hay không Liên tự biết . Nè đưa xe đây tôi lái cho.
- Đây . - Liên trao tay lái cho Hiếu để ngồi lùi về phía sau với nét mặt khó chịu vô cùng . Thật lòng mà nói, nhỏ hơi lo về những lời úp mở của Hiếu.
Thật ra... số tiền quỹ không lớn lắm... nhưng nó là của tập thế lớp... lỡ tụi nó biết được... thì tiền ở đâu mà thường vào.
- Ê ! Liên nhìn kìa ! - Hiếu gọi nhỏ chỉ hướng ngược chiều với nó là Dũng cận đang đi cùng Thiên Hương và Kim Hà.
Chẳng biết họ đang nói gì, chỉ thấy cười rất tươi và ra vẻ tâm đắc, hớn hở lắm . Mai Liên hậm hực nói :
- Mấy con nhỏ khó ưa quá trời . Coi thử có con đường liên xã nào đó quẹo cua đi Hiếu, đừng cho tụi nó gặp mình.
- Sợ gì ?
- Ghét thôi . Tuần rồi nó bị bể bánh xe, quá giang ai thèm cho, để đi bộ cho bỏ tật ngu, bênh vực kẻ lạ mặt, đồ thứ khôn nhà dại chợ . Phải rồi, tới nhà thằng Khải đi, biểu nó chơi Dũng cận một vố.
- Liên tưởng mình là ai hả ? Nói nó chịu nghe sao ?
- Tại sao không chứ ? Nó chúa ghét Dũng cận, để việc này Liên lo được . Nè Hiếu, theo bạn thằng quỷ người Sài Gòn có biết lội sông hoặc lội sình bùn được không hả ? Liên nghĩ nó học tuy giỏi nhưng chắc chắn dở ba thứ miệt vườn quê mình lắm đó . Bấm bụng rủ nó đ chơi một lần được không Hiếu ?
- Ừ ! Để coi lại.
- Con khỉ, chuyện gì cũng lưỡng lự hoài . Nghe Thiên Hương nói nó thích câu cá lắm . Nếu thiệt là vậy, coi như Liên trả được cơn giận rồi . - Liên cười hài lòng với ý nghĩ vừa chợt đến.
Chia tay với Hiếu, nó ra về lòng cảm thấy phơi phới khi nghĩ tới lúc chơi xỏ được Dũng.
Phen này quyết chí cho nó bò xuống sình để coi đủ sức vợt bóng bàn cho kỳ thi tới được không, rồi sẽ biết Dũng ơi... Hãy chờ đấy ! Mày thua chắc rồi, đừng mơ không có đối thủ quật nổi mình.
Dũng ung dung đưa bước với cây cần câu và chiếc giỏ đựng cá rô cầm tay . Nó đi dọc theo con đường đất cạnh những thửa ruộng đang vào thì con gái xanh mượt như thảm nhung chạy xa tít ngút ngàn tầm mắt.
Miền quê mùa này thật bình dị và êm ả . Những ngọn gió nhẹ làm gợn sóng lúa nhấp nhô tuyệt đẹp, lẫn khuất vào những vuống vườn rợp bóng cây ăn quả đang vào mùa sai cành trĩu quả . Những bờ dậu mồng tơi xanh um bao bọc mái tranh hiền hòa đơn sơ trông đến mộc mạc nằm như ngủ giữa buổi trưa, tạo nên làng quê Việt Nam một nét độc đáo rất riêng biệt, mà có lẽ chưa đất nước nào có được . Nhất là khi chiều xuống, khói lam quấn quýt bên mái nhà, tỏa lan đều lên những lũy tre cuối xóm làng.
Làng quê Việt Nam thường ẩn mình dưới vườn cây, chạy dài dọc theo bờ sông dịu hiền như bàn tay mẹ âu yếm sẵn sàng ban dòng sữa phù sa màu mỡ, bồi đắp chở che cho tình người, tình đất . Những rặng cây nối dài xanh um tạo cho Dũng cảm giác như đang lạc bước vào cõi xưa trong chuyện cổ tích bà thường kể, mà bao cây lá ấy là bộ râu dài muôn trượng của ông khổng lồ cứ dài... dài thêm mãi.
Ngoài giờ học ở trường ra, có lẽ Dũng khoái nhất là lang thang chui từ bụi cây này sang con mương khác để câu cá, để nhìn ngắm quê hương hoa gấm của nước non mình.
Lớn lên ở thành thị Ồn ào bụi khói và tiếng xe cùng bao rắc rối của cuộc sống trong những kế mưu sinh, hình như Dũng chán ngấy với cảnh đó . Nhất là gia đình mình . Tiền bạc, vật chất, cha mẹ nó không thiếu... nhưng có lẽ nó thiếu tình cảm êm ấm, dịu dàng của một mái nhà hòa thuận sau ngày dài bon chen vất vả ở xã hội và thương trường.
Dũng là đứa con duy nhất của ba mẹ, được cưng như trứng mỏng, muốn gì được nấy, xin gì cũng cho, đòi chi cũng có . Vật chất, tiền tài nói chung Dũng đều có . Nhưng có một thứ Dũng rất cần và xin mãi mà cha mẹ vẫn không thể đáp ứng được, đó là sự quan tâm tình cảm thiêng liêng của cha mẹ dành cho nó chứ không phải thể hiện qua đồng tiền.
Mẹ Dũng không thuộc loại phụ nữ tề gia nội trợ . Cuộc sống của bà là xã hội thương trường . Đối với mẹ, tiền là trên hết và là tất cả . Còn Dũng .. nó thực sự không biết mình nằm ở đâu, vị trí thế nào trong lòng, trong trái tim mẹ.
Nó buồn lắm, cảm thấy quá cô đơn, cô độc trong chính căn nhà mà ai nhìn vào cũng cho là tổ ấm lý tưởng của gia đình cha mẹ mình . Không chịu đựng nổi sự tẻ nhạt buồn chán đó với đám bạn bè giàu có, đua đòi hưởng thụ và bất cần sự quan tâm chăm sóc tinh thần của cha mẹ . Thế là nó bỏ đi... bỏ tất cả mọi thứ ở lại sau lưng đế làm cuộc đổi đời về với bà, với chú ở chốn thị trấn nhỏ bé này nơi miền quê êm ả với khu trường huyện luôn rợp bóng mát của những gốc phượng già.
Dũng tìm quên và học tập một cách rất bình dị với các bạn cùng thầy cô mới. Nó thật sự hài lòng với cuộc sống hiện đại.
- Dũng - Mai Liên gọi lớn làm nó giật mình rời khỏi dòng suy tự - Làm gì có vẻ buồn quá vậy? Nhớ thành phố hả?
- Đâu có - Dũng cười đưa tay gãi tóc là thói quen cố hữu - Ủa, nhà của Liên ở đây à?
- Ừ! Nè câu được cá nhiều không, đưa Liên coi thử.
- Chưa có con nào cả. - Dũng thơ thẩn nói.
- Xạo!
- Thiệt đó, không tin Liên thử coi đi. - Nó chìa cái giỏ về phía Liên cười e dè. - Câu
cá giải trí thôi, đôi lúc đứng mỏi cả chân vẫn không tài nào làm cá cắn câu.
- Tại Dũng tìm không đúng chỗ. Liên biết có một nơi rất nhiều cá, nhưng đi hơi xa, mãi tận cuối xóm.
- Thiệt hả, Liên chỉ đi.
- Đi một mình à?
- Ừ!
- Nhưng đường hơi khó đi, qua hai cây cầu tre lắt lẽo bắc qua sông mới tới được.
- Kệ, hôm nay chủ nhật cũng rảnh thì sợ gì đường xa.
- Vậy... liệu có qua cầu được không? - Liên cười tinh quái, nghịch ngợm. - Nhưng nói đi, còn nói lại, con trai như Dũng lo gì té đau hoặc tõm xuống sông, phải không? Muốn gia nhập vào cuộc sống ở đây phải biết và làm được những việc đơn giản đó. Cởi bỏ cái lớp thị thành thực thụ thì mới làm dân thị trấn, nhắm được không Dũng?
Dũng cười không trả lời. Đôi mắt nó nhấp nháy sau làn kính cận trông ngộ nghĩnh lạ! Nhưng Mai Liên vốn dĩ thiếu thiện cảm từ đầu, nó thản nhiên tiếp:
- Đi tới cuối con đường này là tới cây cầu bắt qua kênh, ở đó có bãi ruộng hoang có nhiều cá lắm. Hôm kia, tụi thằng Hiếu câu được toàn loại bự ngon ơi là ngon. Mê lắm. Còn nữa, ở đó toàn ruộng cạn không sâu, tự do thoải mái đi lại, đừng lo bị dính sình. Hy vọng chiều nay Dũng có được nồi canh chua do chính mình câu cá để nấu. Tiếc thật, nếu Liên rảnh đi theo Dũng... Nhưng bận rồi, phải ở nhà phụ mẹ thôi. Dũng đi đi kẻo chiều rồi.
- Ừ! Dũng đi nhé Liên.
Dũng quay bước nên không kịp nhìn thấy nụ cười nửa miệng thâm hiểm của Mai Liên. Nó hả hê đi vòng đường tắt theo dấu chân Dũng cận.
- Liên!
- Hiếu! Làm hết hồn. Đi đâu vậy?
- Theo thằng Dũng - Hiếu trả lời và đảo mắt nhìn quanh. - Nó mới đây biến đi đâu rồi?
Ở đường kia. Mình đi đi. - Liên giục rồi cả hai lần theo, cười nhỏ. - Phen này, nếu lên được nó cũng rim người, để xem bản lãnh dân thành phố tới đâu khi chiến đấu với sình non. Mình chờ nó lún sâu từ từ rồi dìm luôn đầu nó.
- Ê Liên!
- Gì?
- Có khi nào nó chết luôn không bà? Xuống đó khó ngoi lên lắm đấy.
- Nói gì ghê quá vậy? - Liên nhìn Hiếu. - Mình đi nhanh lên một chút để coi thế nào. Lỡ nó lún lầy thì còn kịp kéo lên.
- Có gan chơi sợ gì chứ? - Hiếu chậm chạp tiếp tục đe dọa thêm Mai Liên. - Chỗ đó vắng lắm, ít người qua lại. Lún rồi càng vùng vẫy càng mau bị chìm xuống, chết như chơi. Có bề gì bà chịu trách nhiệm đó. Con gái bày đặt ác độc, mai này lớn lên ở giá luôn chứ ai dám cưới.
- Ê! Vừa phải thôi nha Hiếu! - Mai Liên gắt. - Ai biểu nó ngu ráng chịu, liên can gì tới tôi chứ? - Giọng Mai Liên cũng hơi lo âu. - Việc này Hiếu cũng có phần đó, chính bạn chỉ nơi này bày biểu tôi tìm cách dẫn thằng Dũng cận tới.
- Thì đã sao? - Hiếu bật cười thích thú. - Dọa một chút đã sợ tái cả mặt. Đúng là con gái có khác. Xưa tới giờ bà có nghe ai bị chìm sình mà chết chưa? Sao mà dễ tin quá vậy. Thôi đi lẹ lên thôi.
Hiếu bước nhanh với đôi chân trần thoăn thoắt, theo sau là Mai Liên. Cả hai vẹt bụi rậm lấn tới, xuyên qua khỏi mấy vuông vườn là nhìn được thửa ruộng hoang với những dề lục bình có màu hoa tím nhạt lẫn lau sậy lác đác quanh khu cỏ ấy.
Thật sự mà nói ở đây cũng có rất nhiều cá, nhưng chỉ nằm giữa khu trũng nước, ít ai câu bắt được nếu như không có đủ khả năng lấn chiếc xuồng nhỏ qua vùng lầy với lau lách, cỏ cây chằng chịt quanh miệng.
Thoạt nhìn và không phải người dân thật thụ Ở vùng này rất dễ bị lầm lẫn vì cứ ngỡ dưới những cỏ cây kia là vùng đất cứng đi được. Nhưng thực tế nó toàn là sình nhão lún lầy. Sơ ý lọt chân xuống phải chật vật lắm mới ngoi lên khỏi, nếu không có ai kịp đi ngang qua kéo hộ thì coi như tiêu đời dễ hơn trở bàn tay.
Khi Hiếu và Mai Liên tới nơi. Cả hai nhìn quanh tìm kiếm. Bốn bề hoang vu, vắng lặng, rì rào chỉ là những bông cỏ may lung linh trong gió như đưa lời tâm sự.
- Nó đâu rồi Liên?
- Ai biết đâu.
- Có thể nó không tới. Thằng quỷ đó khôn lắm, đi xa ngu gì lội cho mệt. Vả lại, nó câu cá thư giãn thần kinh thôi, đâu phải câu cá kiếm ăn cho cực thân.
- Nói cũng phải, nhưng nó thích cá lắm. Ngày kia chính mắt Liên thấy nó câu được con cá bé tí tẹo mà mừng hơn bắt được vàng. Chẳng phải nó nghèo khổ tìm cá bán đổi cơm gạo mà tại nó thích, thì không lý do sợ xa bỏ cuộc đâu. Có thể nó chưa đi tới kịp tụi mình.
- Không đâu. Đường nó đi gần hơn tôi với bà lội đó. - Hiếu phóng tầm mắt nhìn bao quát với một bàn tay che ngang mày như thể cố giảm bớt ánh nắng chói lọi của ông mặt trời làm cay mắt. - Liên! Nhìn coi phải cái giỏ cá của thằng Dũng nằm ở vạc cỏ đó không?
- Đâu!
- Đó... Ở góc trái kìa, còn cần câu thì nằm xa hơn. Thấy chưa Liên?
- Có thấy gì đâu! - Liên nhón chân cố nhìn rõ. - Ý trời... phải rồi Hiếu ơi. Ủa, vậy thằng Dũng đâu?
- Ai biết... lẽ nào nó lọt xuống sình lún lầy luôn rồi. - Hiếu đâm lọ - Đâu bà chạy lại đó coi rõ hơn coi.
- Thôi... tôi sợ quá. - Liên run giọng. - Lỡ nó chìm thiệt thì sao hả Hiếu? Hay mình la làng lên đi, coi có ai cứu giúp mình mò xác thằng Dũng lên.
- Im đi bà... khùng! - Hiếu nạt lớn và chạy nhanh về phía có cần câu và giỏ cá. Một chiếc giày bata trắng của Dũng còn vướng lại ở lùm cỏ rậm rì dây leo nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của nó đâu cả.
Đôi mắt Hiếu mở to đảo quanh lùng sục từng bụi rậm tìm kiếm, lòng nó bắt đầu run sợ, lo lắng. Nỗi lo ngày một lớn dần khiến Hiếu cơ hồ như không tự chủ được nữa.
- Đưa tay làm loa miệng nó kêu thật lớn:
- Dũng ơi... Dũng... - Giọng Hiếu vang xa âm hơi theo gió lồng lộng. - Dũng ơi... mày đâu rồi...
- Dũng ơi... Dũng ơi... - Liên gọi theo trong cuống cuồng lo lắng. - Hiếu ơi... tính sao bây giờ? Chắc là nó chìm xuống sình thật quá. Tôi sợ lắm...
- Dũng ơi... Dũng ơi... - Hiếu gọi hai lần nữa. Đáp lại lời Hiếu chỉ là tiếng gió vi vu, lao xao cỏ lá. Nó thật sự quá kinh sợ, quá hãi hùng, đôi chân như tê dại không nhất lên nổi.
Mai Liên cũng thế. Cả hai run rẩy tái nhợt nhạt cả mặt, cố gào lên kêu gọi Dũng đến khan cả giọng. Giữa cái lúc tuyệt vọng nhất thì Dũng chạy nhanh về toàn thân sũng nước từ đầu tới chân hỏi:
- Ủa Hiếu, Mai Liên. Sao hai bạn lại ở đây và hình như khóc nữa. Chuyện gì vậy?
- Mày... Hiếu bật dậy dụi mắt, nó thoáng mừng nhưng rồi nổi cáu. - Đi đâu kệ tao, hỏi làm gì. Nè! Ai chỉ mày tới đây câu cá hả?
- Thì Mai Liên. Nhưng... tôi chưa có câu được con nào cả.
- Tao không tin. Nói đi, tự nãy giờ mày lủi trốn ở đâu?
- Tôi vừa tới, chưa kịp quăng cần câu thì có tiếng bà mẹ la làng kêu cứu hộ con mình đi học về qua cầu tre bị trượt chân té xuốn nước cho nên...
- Cứu người ta chứ gì? Oai quá hén. - Mai Liên dài giọng khi lấy lại được tinh thần. - Xí! Đi dâu cũng ta đây. Hiếu, mình về thôi.
- Ừ!
- Khoan đã... hai bạn chờ tôi một lát. - Dũng nói nhanh. - Đợi tôi về luôn.
- Nè! Bộ tụi này thân với mày lắm à. - Hiếu cau mặt. - Đi được, về được.
Nói xong nó bỏ ngang lấn bước, theo sau là Mai Liên. Cả hai đi một hơi không thèm nhìn lại và lặng im đến suốt đoạn đường về tới nhà, chẳng ai mở lời câu nào.
- Hiếu về nghen... Liên tới nhà rồi.
- Biết. - Hiếu cộc cằn. - Bà đó, tính tào lao hại nó không được báo đời thêm lo muốn chết luôn.
- Bỏ đi. Hoàn cảnh đó ai không sợ chứ. Cũng may nó không có gì, mình chỉ hù cho bỏ ghét thôi.
- Nhát như thỏ.
- Bộ Hiếu gan lắm hả?
- Thôi mệt, không nói nhiều. - Hiếu quê độ bỏ đi nhanh.
Chiều xuống thật chậm, tắt hẳn ánh nắng, Mai Liên cũng có ý đợi hoài sao Dũng cận vẫn không đi ngang qua lối nhà mình, hay có ai đó chỉ nó lội đường tắt, hơi đâu mà lo lắng.
Nhỏ tự trấn an, nhưng hình như cứ phập phồng mãi và mang theo luôn vào giấc ngủ.