Hì mí post xong truyện kia nên hum nay lại típ tục post típ truyện nì.
Mọi người ủng hộ nha![]()
Sân bay Tân Sơn Nhất .
An Tâm nhón chân cố thoát khỏi nhóm người nhốn nháo trước mặt, nhưng cũng không thể được. Họ cao quá, to quá!
An Tâm nhăn nhó. Như thế này thì phải làm sao đây?
Vừa nóng vừa khó chịu, đã vậy còn bị đẩy qua đẩy lại do chen chút nhau. Nhưng cũng phải thông cảm thôi. Ai ai cũng muốn nhìn thấy mặt người thân họ sau nhiều năm xa cách.
Như hôm nay cô có mặt ở đây. Cũng giống như họ, cô chờ đón người bạn thân sau nhiều năm xa cách nhau.
Đi với An Tâm cũng là một người bạn thân. Anh ta nãy giờ đứng yên lặng dõi mắt vào hướng hành khách đang đi ra. Anh bồi hồi theo bước chân từng người.
Tâm trạng anh có giống như An Tâm không? Bỗng trên hai vai anh bị đè nặng tiếng An Tâm sát bên:
− Sao không thấy Tử Đằng vậy anh? Máy bay hạ cánh hơn tiếng đồng hồ rồi.
− Em đừng quá nôn nóng. Hành khách đang ra, từ từ chúng ta cũng sẽ thấy Tử Đằng thôi.
− Năm năm xa cách rồi, em không biết bây giờ Tử Đằng ra sao? Có gì thay đổi không? Không biết Tử Đằng có nhận ra chúng ta không nữa?
− Muốn biết như thế nào, chúng ta cứ chờ chút nữa đi.
An Tâm nhón chân nhìn vào dòng hành khách đang ra. Cô lắc lắc tay Nhất Trung:
− Sao em nôn nao quá. Mấy năm cách xa nhau rồi, em nghĩ Tử Đằng chắc đẹp hơn, sang trọng quý phái hơn và còn giống tây nữa. Nhất Trung nè!
− Em muốn nói gì?
− Anh có công nhận với em không? Năm năm rồi chúng ta không gặp Tử Đằng.
− Anh không biết.
An Tâm nói, giọng vô tư:
− Hổng chừng qua bên ấy, Tử Đằng tìm được một anh chàng Mỹ cũng nên.
Nhưng mà như thế cũng tốt, dù chúng ta không ở bên cạnh Tử Đằng thì Tử Đằng vẫn có người bầu bạn, quan tâm chăm sóc.
Mỗi lời nói của An Tâm làm trái tim Nhất Trung đau nhói.
Năm năm rồi, thời gian đâu ngắn. Tử Đằng quyết chí ra đi, anh đâu cản được, mà anh có cản cũng không lấy quyền gì mà cản.
Nhất Trung còn nhớ rất rõ lần đầu tiên anh gặp Tử Đằng và An Tâm…
Hai cô bé đi chợ bị bọn móc túi lấy hết tiền. An Tâm thì khóc nhè vì sợ. Còn Tử Đằng, dù lúc đó cô chỉ mới mười bảy tuổi, nhưng bản tính cứng rắn, chẳng những cô không lo sợ mà còn rất bình tĩnh để tìm cách giải quyết vấn đề.
Tử Đằng cương quyết từ chối nhận sự giúp đỡ của anh.
Thời gian đầu, để tiếp cận được hai cô bé cũng không phải là dễ, Nhất Trung từng bỏ bao nhiêu giờ học ở giảng đường, mới biết An Tâm và Tử Đằng là cô nhi. Hai cô bé sống ở Nhà tình thương quận Gò Vấp. Gia đình Nhất Trung thuộc hàng giàu có, nên để đạt được mục đích của mình, anh đã trở thành một trong những Mạnh Thường Quân của nhà tình thương.
Nhất Trung đâu thể lấy tiền ở gia đình mãi, cho nên ngoài giờ học ở giảng đường anh còn làm thêm để có tiền… quyên góp. Kiên nhẫn sẽ thành công. Nhất Trung từ từ cũng được sự quan tâm đoái hoài của An Tâm và Tử Đằng.
Dù là cô nhi cuộc sống thiếu thốn tình thương, thậm chí còn bị hạn chế trong tình bạn, nhưng hai cô gái luôn có cuộc sống thoải mái không suy nghĩ nhiều về cuộc đời.
An Tâm thì dịu dàng nữ tính, còn Tử Đằng thì thẳng thắn cương nghị. Nhưng cả hai đều khả ái xinh đẹp.
Từ một tình bạn đơn thuần, dần dần Nhất Trung – chàng sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa yêu thầm Tử Đằng lúc nào không hay. Cô càng vô tư bao nhiêu, thì anh càng khổ bấy nhiêu. Nhưng anh không thổ lộ trong lúc này, vì Tử Đằng trong sáng quá. Làm thế nào đây? Chỉ còn cách là chờ đợi thôi.
Ngày theo ngày, tháng theo tháng, rồi Tử Đằng nhận được học bổng du học ở Mỹ.
Không muốn làm người ra đi vướng bận. Nhất Trung âm thầm giữ lấy tình yêu đó để tiễn người đi.
Thời gian có thể làm cho cuộc sống nhiều thay đổi, nhưng riêng Nhất Trung thì không. Anh vẫn một lòng, dù rằng Tử Đằng không hề hay biết. Sự chờ đợi của anh thật là không uổng công. Cuối cùng Tử Đằng cũng quay về.
Anh mang trong tim bao niềm hy vọng. Nhưng không hiểu vì sao những lời bóng gió của An Tâm làm anh cảm thấy khó chịu. Nhất Trung thật sự không muốn nhìn thấy ai bên cạnh Tử Đằng.
Ngày hôm nay đây, lòng anh có giống như An Tâm không? Nôn nao hồi hộp lạ là tâm trạng của anh hiện giờ.
− Nhất Trung! Anh nhìn kìa! Là Tử Đằng đó.
Tiếng la kèm theo cái đập tay khá mạnh của An Tâm làm Nhất Trung giật mình. Anh ngơ ngác:
− Tử Đằng đâu?
− Đang ra cửa kìa!
Nhìn theo tay chỉ của An Tâm. Nhất Trung thấy Tử Đằng đẩy vali ra cửa, bên cạnh là một người đàn ông ngoại quốc. Họ vừa đi vừa trò chuyện rất than mật và vui vẻ.
Đôi mắt Nhất Trung thoáng tối lại. Chẳng lẽ lời An Tâm bông đùa là thật sao? Mà cũng có thể, khi cuộc sống thay đổi thì con người cũng có quá nhiều sự đổi thay. Lòng Nhất Trung chùng lại, không nôn nao như lúc ban đầu nữa.
An Tâm nào để ý đến sự thay đổi của Nhất Trung. Cô nắm tay anh chen qua rừng người. Khi đã gần đến cửa ra, cô gọi lớn:
− Tử Đằng, Tử Đằng! Ta và Nhất Trung ở đây nè.
Nghe gọi tên mình, Tử Đằng đưa mắt tìm kiếm. Nhận ra An Tâm và Nhất Trung, cô đưa tay vẫy:
− Nhất Trung! An Tâm!
Đẩy nhanh xe hành lý về phía trước, Tử Đằng và An Tâm vui mừng trong vòng tay nhau.
An Tâm thút thít:
− Ta nhớ mi quá, Tử Đằng ạ.
− Ta cũng vậy. Nhưng sao mi lại khóc?
− Tại ta mừng quá.
− Thôi, đừng mít ướt quá! Năm năm trước, mi cũng vậy và bây giờ cũng vậy. Thật là xấu quá đi.
Nhất Trung lên tiếng:
− An Tâm khóc vì trùng phùng đó.
Tử Đằng quay sang Nhất Trung:
− Còn anh nữa, năm năm rồi vẫn không khắc phục được giọt nước mắt của An Tâm sao?
Nhất Trung so vai:
− Đã là tính rồi thì khó mà thay đổi. Em có giỏi thì làm chuyện ấy đi, chứ anh… đầu hàng từ lâu.
Anh đùa:
− Bão lụt những năm vừa qua ở Việt Nam là do An Tâm gây ra không đó.
An Tâm trừng mắt:
− Anh còn dám nói!
Tử Đằng khoanh tay nghiêng đầu nhìn Nhất Trung:
− Năm năm, anh không có gì thay đổi cả. Nhưng giọng điệu của anh thì có chút xíu thay đổi đó.
− Vậy sao?
An Tâm xoay bạn:
− Mi hình như thay đổi nhiều đó.
− Sao ta không biết?
− Đẹp hơn và chững chạc hơn. Nhất Trung cũng thấy vậy mà, phải không anh?
− Ờ.
Nhất Trung chỉ ậm ừ cho qua. Điều anh quan tâm là người đàn ông ngoại quốc đứng sau lưng Tử Đằng nãy giờ im lặng. Anh muốn hỏi lắm nhưng vẫn chưa có cơ hội.
An Tâm vui mừng vì gặp lại bạn, nhưng cô không quên người đàn ông ngoại quốc cao đó. An Tâm nháy mắt làm hiệu. Như chợt hiểu, Tử Đằng tươi cười.
− Ồ! Ta quên giới thiệu với mi và anh Nhất Trung.
Tử Đằng đến bên người đàn ông ngoại quốc, cô thân mật ôm lấy cánh tay ông:
− Đây là Kendvin, người đã giúp đỡ Tử Đằng trong năm năm học ở Mỹ. Kendvin vừa là người bạn, vừa là người cha của Tử Đằng.
Cô chỉ An Tâm và Nhất Trung, nói bằng tiếng Anh lưu loát:
− An Tâm, Nhất Trung – hai người bạn thân nhất của con ở Việt Nam.
Kendvin bật nói một câu tiếng Việt:
− Hân hạnh làm quen!
Nhất Trung bắt tay Kendvin, giọng cởi mở hơn:
− Ông cũng biết nói tiếng Việt nữa à?
Kendvin cười tươi:
− Do Tử Đằng, con gái của tôi dạy cho tôi.
− Thế ông thấy tiếng Việt thế nào?
− Rất là khó học. Trong năm năm, tôi chỉ học được một ít thôi. An Tâm chen vào:
− Ông đã đến Việt Nam lần nào chưa?
− Đây là lần đầu tiên. Nếu Tử Đằng chưa học xong, chắc tôi cũng chưa có cơ hội đến Việt Nam đâu.
− Ông thấy quê hương Việt Nam tôi thế nào?
− Tôi nghe những người bạn tôi đã từng đến Việt Nam nói: Việt Nam đang từng bước hòa nhập vào thế giới, rất tiến bộ. Để… để tôi có dịp tham quan rồi, tôi sẽ nói lên suy nghĩ của tôi cho cô nghe.
− Ồ! Thế nhận xét của ông về con người Việt Nam?
− Gần gũi và rất dễ thương.
− Điển hình như Tử Đằng phải không, thưa ông?
− Tất nhiên!
Mọi người cùng cười. Nhất Trung nhắc nhở:
− Hay chúng ta cùng lên xe đi. Xe chạy, chúng ta nói chuyện cũng được.
− OK!
Nhất Trung ngoắt ngoắt chiếc tắc xi gần đó. Sau khi anh phụ tài xế bỏ hành lý vào cốp, thì lên ghế trên ngồi, nhường băng ghế sau cho hai cô gái và ba nuôi của Tử Đằng. Nhất Trung nhớ lại suy nghĩ vừa rồi của mình mà cảm thấy buồn cười. Tại sao anh không nghĩ người đàn ông ngoại quốc kia là người đỡ đầu, từng giúp đỡ Tử Đằng ở Mỹ? Người con gái như Tử Đằng không bao giờ chọn người ngoại quốc làm người yêu. Tuyệt đối cô không bao giờ quên cuộc sống trước đây.
Xe lăn bánh rời khỏi địa phận sân bay. An Tâm nói:
− Mi về chỗ ta nghe.
− Ở đâu?
− Ta thuê một phòng trọ ở đường 3 tháng 2.
− Rộng không?
− Thêm mi nữa cũng dư.
Tử Đằng suy nghĩ:
− Nhưng còn ba nuôi ta? Ta không thể bỏ ông ấy một mình được. Ông ấy vì thương ta nên đưa ta về. Với lại đây là lần đầu tiên ba nuôi về Việt Nam, có rất nhiều cái ông ấy chưa biết.
− Vậy…
Nhất Trung đề nghị:
− Hay là em để ba nuôi của em ở chỗ anh, còn em thì ở với An Tâm.
− Em nghĩ là không nên. Em không muốn phiền đến gia đình anh. Cám ơn ý tốt của anh và An Tâm, nhưng em đã có quyết định lúc chuẩn bị về đây. Tạm thời em và ba nuôi ở khách sạn. Sau đó tìm thuê một căn biệt thự cho ba nuôi ở trong thời gian ba nuôi lưu lại Việt Nam.
− Nhưng…
− Như thế em thấy sẽ tiện hơn. Đừng buồn em nha.
Biết có nói với Tử Đằng như thế nào cũng vô ích. Khi ý cô đã quyết thì không ai có thể thay đổi được. Nhất Trung còn biết làm gì nữa chứ.
− Nếu em đã quyết định như thế thì anh không ép. Nhưng có cần gì đến anh thì cứ lên tiếng, anh sẵn sàng giúp cho em.
Tử Đằng chồm về phía trước:
− Anh không nói, em cũng có ý nhờ nữa. Anh giúp em tìm thuê một căn biệt thự ở thành phố đi. Trong thời gian ba nuôi ở đây, em muốn ba thưởng thức hết cảnh đẹp của quê hương mình.
− OK.
− Cám ơn anh trước nha, Nhất Trung.
− Em quá khách sáo rồi. Chúng ta là bạn mà.
− Em đâu có quên. Hì…
Tử Đằng nhí nhảnh bẹo má An Tâm :
− Đừng buồn nha! Khi nào ba nuôi ta trở về Mỹ thì ta sẽ đến ở với mi.
− Ta không buồn, chỉ thấy ganh tị thôi.
− Ôi! Như thế thì không tốt đâu. Tâm thì phải tịnh chứ.
An Tâm cười:
− Đùa với mi cho vui, ai nói làm mi khó xử chứ. Chúng ta còn nhiều thời gian mà.
− Năm năm, thời gian như thế làm gì không có sự thay đổi. Ta thấy mi không còn nhút nhát như trước, nhưng bản tính mít ướt không biết có thật sự bỏ được chưa?
− Mi nghĩ sao?
− Chắc là…
An Tâm xua tay:
− Thôi, đừng đoán già đoán non nữa. Lần này mi trở về thật rồi thì từ từ sẽ biết thôi. Ta có còn mít ướt hay không, hạ hồi sẽ nói. Bây giờ thì thử nói cảm nhận của mi đi. Tâm trạng mi thế nào khi về lại quê hương?
Tử Đằng nhìn ra hai bên đường:
− Ngổn ngang, hồi hộp, nôn nao… Năm năm xa xứ, bây giờ trước mắt ta, cái gì cũng mới lạ. Cuộc sống đô thị đổi thay nhiều quá. Việt Nam đang hòa nhập vào thế giới không sai.
− Coi đó là sự tiến bộ, xã hội văn minh thì trẻ em lang thang càng nhiều. Ngôi nhà tình thương là quãng đời tuổi thơ của ta và mi, bây giờ có rất nhiều trẻ em vô thừa nhận sống ở đó.
Đôi mắt Tử Đằng tự nhiên chợt buồn:
− Chắc xơ Tâm bây giờ già lắm. Bà có khỏe không?
− Khỏe. Xơ nhắc đến mi luôn. Biết mi về, chắc xơ mừng lắm.
An Tâm đặt tay lên vai bạn:
− Tốt lắm rồi, đừng suy nghĩ nhiều nữa. Hôm nào rảnh, ta và mi sẽ đến thăm xơ và các em.
− Ừ.
Tử Đằng đưa tay vuốt mặt. Ký ức tuổi thơ như ùa về.
Ông Kendvin như hiểu được tâm trạng của cô con gái đáng thương. Ông khẽ nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Tử Đằng như truyền thêm sức mạnh. Cô nhìn ông xúc động:
− Cám ơn papa.
Tuổi thơ của những cô nhi như Tử Đằng không có nhiều kỷ niệm đẹp. Có chăng chỉ là những mất mát cô đơn.
=============================
Chọn cho mình bộ đồ ưng ý, Tử Đằng nhảy chân sáo ra khỏi phòng. Cô đến gõ cửa phòng bên cạnh:
Cộc… cộc… cộc…
Cánh cửa phòng bật mở, Tử Đằng cười tươi:
− Good morning, papa!
Ông Kendvin ngắm cô con gái nuôi:
− Ồ, Tử Đằng! Con xinh quá!
− Thật không ba?
Tử Đằng bước vào phòng:
− Buổi tối, ba ngủ có ngon không?
− Con đoán thử xem.
Tử Đằng nghiêng đầu:
− Hình như ba chưa quen với khí hậu Việt Nam?
− Đành chịu thôi con, sống đâu quen đó mà. Thế còn con? Về lại quê hương gặp lại những người bạn thân quen, ba thấy con khác hơn những ngày tháng học ở Mỹ.
− Thông cảm cho những người con xa xứ mà ba. Thú thật, bây giờ gặp lại họ, con như thấy mình sống lại những tháng năm tuổi thơ. Ba ơi!
Tử Đằng ôm cổ ông Kendvin:
− Ba có buồn con không?
− Tại sao lại phải buồn con, hả con gái?
− Vì con loanh quanh với bè bạn bỏ ba một mình.
Ông Kendvin âu yếm vuốt tóc Tử Đằng:
− Tuy ba không hiểu ngôn ngữ Việt Nam cho lắm, nhưng ba cảm nhận được người Việt Nam sống có nghĩa tình thủy chung. Con có được hai người bạn than rất tốt, Tử Đằng ạ. Nhất là con bé An Tâm, người ta hiền lành mà cứ bị con ăn hiếp luôn.
− Trời! Ba nói An Tâm hiền là ba lầm rồi đó. Khoảng mười năm trước, An Tâm hiền thì con dám tin. Còn bây giờ phải nói ngược lại: con bị An Tâm ăn hiếp thì có.
− Thế còn anh chàng Nhất Trung thì sao? Nếu ba đoán không lầm thì cậu ta đang để ý con gái của ba.
Tử Đằng la lên:
− Ôi! Ba nói gì kỳ vậy? Con chỉ xem Nhất Trung như anh của con thôi. Ba nói thế, anh ấy nghe được sẽ cười con chết.
− Tại con không để ý đó thôi. Ánh mắt Nhất Trung nhìn con tha thiết và nồng nàn.
− Ba…
− Con gái à! Ba nói lên điều này không phải vô căn cứ đâu. Có lẽ Nhất Trung đã yêu con từ lâu lắm. Anh ta âm thầm giữ tình yêu ấy cho đến bây giờ. Ngày hôm nay, khi con đi học trở về, biết con chưa có người yêu, Nhất Trung
không bỏ qua cơ hội đâu. Ông Kendvin ôm vai Tử Đằng:
− Ba nói lên điều này không phải làm con suy nghĩ. Đừng bận lòng, cái gì đến sẽ đến thôi.
− Nhưng… ba ơi! Không biết thì thôi, nếu biết điều ba nói là sự thật, thì con không thể để cho anh Trung thêm hy vọng. Vì anh ấy chỉ có thể là một người anh trai của con thôi, ba ạ.
− Tử Đằng! Lúc nào ba cũng muốn con vui và sống trong hạnh phúc. Cuộc đời con nhiều bất hạnh, ba muốn mình được bù đắp cho con.
− Ba ơi! Ba cho con tình thương như thế đã quá đủ rồi. Năm năm học ở Mỹ, nếu không có ba, con không biết mình có được ngày hôm nay không? Con muốn được phụng dưỡng ba lúc tuổi già. Nhưng con…
Ông Kendvin cắt ngang:
− Nhưng con không thể sống ở Mỹ với ba chứ gì? Ba hiểu mà. Có được một đứa con nuôi như con, ba rất hãnh diện và hạnh phúc.
− Ba!
− Con là công dân của Việt Nam, con không thuộc về nước Mỹ. Đừng áy náy!
− Để ba trở về Mỹ một mình, ba có buồn không?
− Nếu buồn thì ba đâu đưa con về đây.
− Con hứa với ba, nếu có dịp, con sẽ sang Mỹ thăm ba.
− Có mới nói nghe.
Tử Đằng giơ ngón tay út mình lên:
− Ba ngoéo tay với con nha!
− Trò chơi của người Việt Nam ấy hả?
Ông Kendvin cười, nhưng ông cũng giơ ngón tay lên ngoéo với Tử Đằng:
− Nhất trí như vậy đi!
Hai cha con cùng cười. Tử Đằng vô tình nhìn thấy tờ lịch trên tường :
− Nhanh thật! Mới đây mà mười ngày rồi. Hay là ba ơi ! Ba ở chơi với con thêm tháng nữa nha.
− Mắc công con không được tự do.
− Ba nói gì vậy?
− Không phải sao? Ba vướng bận làm con không rong chơi với bạn bè được, cũng không xin được việc làm.
− Bạn bè còn nhiều thời gian mà. Còn công việc, con không phủ nhận là con đang rất muốn được làm việc, vì năm năm du học chỉ chờ có ngày hôm nay. Nhưng trong thời gian này, con sẽ tìm hiểu và để ý đến nhiều công ty. Xem
công việc nào thích hợp với ngành học của con thì con sẽ vào công ty đó. Ba có thể yên tâm, con còn nhiều thời gian để chơi với ba.
Tử Đằng nũng nịu:
− Ngày mai, chúng ta dọn đến căn biệt thự mới ở rồi. Chẳng lẽ ba nỡ để con một mình cô đơn trong căn nhà ấy sao?
Nhìn khuôn mặt Tử Đằng, ông Kendvin không nỡ từ chối, dù ở Mỹ công việc của ông cũng bộn bề.
− Thôi được rồi, ba sẽ ở lại với con thêm một tháng nữa. Cộng thêm hai mươi ngày còn lại là năm mươi ngày. Con chịu chưa?
Tử Đằng nhảy lên:
− Hoan hô ba!
Nhìn nụ cười trên môi con gái, ông Kendvin thấy mình hạnh phúc vô cùng. Dù sao cũng phải cám ơn thượng đế đã để ông và Tử Đằng gặp nhau. Hai con người ở hai tổ quốc xa xôi đều có chung một tâm trạng cô đơn.
Tử Đằng là một cô nhi, nhưng cô có cả nghị lực và cả một ý chí tuyệt vời. Tất cả những gì cô chọn không chỉ có ích cho riêng cô. Lần gặp Tử Đằng đầu tiên ở trường đại học, ông biết mình cần phải làm gì cho cô.
Tử Đằng là một cô gái bé nhỏ, cô cầm tình thương và sự sẻ chia. Tuy ông và cô không cùng chung ngôn ngữ, nhưng thật sự hiểu nhau như tình thân. Cuộc đời ông không vợ không con, nên ông xem Tử Đằng như con ruột của
mình. Ông thật sự vui vẻ trong năm năm có Tử Đằng, cô là nguồn hạnh phúc cuối đời của ông.
Đột nhiên thấy ông Kendvin im lặng, mắt nhìn về một hướng, Tử Đằng nghiêng đầu lí lắc:
− Ba đang nghĩ gì vậy? Nhớ về ai phải không?
− Nhớ về con đó.
− Về con?
Tử Đằng chỉ vào mình:
− Con đang ở trước mặt ba mà.
− Thì ba có nói gì đâu. Ba chỉ nhớ lại khoảng thời gian ba gặp con và con sống với ba ở Mỹ.
− Con đã đem lại cho ba nhiều phiền phức?
− Không phải, ba rất hạnh phúc khi có con đấy.
− Thật hả ba?
− Ừm. Cám ơn thượng đế, ngài đã ban con cho ba.
− Vậy con cũng cám ơn thượng đế, vì ngài đã ban ba cho con.
Tử Đằng ngả đầu lên vai ông Kendvin:
− Cám ơn tất cả những gì ba đã làm cho con, mang đến cho con niềm hạnh phúc.
Ông Kendvin véo mũi Tử Đằng:
− Lại nói ơn nghĩa nữa rồi. Ba không thích đâu.
− Vậy thì con không nói. Papa! Chúng ta đi ăn sáng đi.
− Trời! Con nhớ rồi sao?
− Ba…
Tử Đằng bẽn lẽn:
− Xin lỗi, mải nói chuyện nên con quên mất. Ba ơi! Bây giờ chúng ta đi nha. Con đưa ba đi ăn món đặc sản của Huế.
Ông Kendvin khoác áo vào:
− Con gọi điện cho bạn con cùng đi.
− Con có nói rồi, nhưng họ bảo sáng nay họ bận việc. Với lại giờ này, Nhất Trung và An Tâm đang ở công ty, họ không còn thời gian.
− Người ta có việc, còn cha con mình giờ này mới ăn sáng.
− Thôi mà ba.
Tử Đằng níu tay ông Kendvin:
− Sau khi ăn sáng, con đưa ba đến thăm ngôi nhà tình thương ở Gò Vấp, nơi mà con gái ba có nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Kế đó, chúng ta đến tham quan căn nhà của chúng ta chuẩn bị ở. Ba thấy sao?
− Theo ý con đi.
− Ba không miễn cưỡng chứ?
− Con gái à! Sao con lại nói vậy ?
− Con…
− Ba sang Việt Nam tất cả là vì con, thì những gì liên quan đến con, ba cũng muốn biết.
− Ba…
Ông nháy mắt:
− Đi được chưa, con gái?
− Dạ.
Tử Đằng nhí nhảnh theo ông Kendvin xuống lầu. Họ rời khách sạn khi mặt trời bắt đầu lên cao.
===================================
Chiếc tắc xi dừng lại trước cổng nhà tình thương. Tử Đằng bước xuống, lòng đầy bồi hồi khôn tả. Năm năm rồi, cô đã rời xa nơi này. Cổng nhà tình thương không có gì thay đổi ngoài màu sơn mới. Tử Đằng đưa tay đẩy nhẹ cánh
cổng sắt màu xanh. Bên trong vắng lặng. Có lẽ các em đang trong giờ học giờ làm việc cũng nên.
Bâng khuâng, Tử Đằng ngồi xuống bên khóm hoa loa kèn màu vàng – cái màu nổi bật hơn trong tất cả các màu hoa.
Nâng nhẹ cánh hoa trong tay, Tử Đằng nghiêng đầu thì thầm khi nhận ra khóm hoa này cô đã trồng lúc cô sang Mỹ du học.
− Ta trở về đây rồi, mi có mừng ta không? Trông mi tươi tốt và sinh sôi nhiều đấy chứ. Ai đã bỏ công chăm sóc mi vậy?
Tử Đằng chống cằm:
− Người bỏ công chăm sóc mi chắc cũng là người yêu quý mi như ta vậy, phải không?
Một cái bóng in dài trên nền xi măng. Tử Đằng giật mình đứng dậy, vì cô nhớ ra cô đến đây không chỉ có một mình.
− Papa!
Cô chạy xung quanh:
− Đây là khung trời tuổi thơ của con đó. Ngôi nhà này và những người ở đây đã cho con cuộc sống.
− Con đang rất hạnh phúc khi đứng ở đây, phải không?
− Sao ba biết?
− Vì con là con ba.
Ông Kendvin phóng tầm mắt khắp nơi:
− Những người trong ngôi nhà này đâu hết rồi nhỉ?
− Chắc họ bận việc hết rồi.
Tử Đằng nắm tay ông Kendvin:
− Chúng ta tìm xơ Tâm chào hỏi đi ba.
Ông Kendvin ghìm người lại, nói:
− Ba nghĩ… không khí ở đây có cái gì đó không ổn. Nó vắng lặng đến không có một chút hơi ấm. Con nhìn đi, từng khung cửa sổ ở đây đều trống vắng lạnh lẽo.
Tử Đằng nhíu mày. Ba nói phải rồi! Nếu các em đang học, ít ra cũng nghe tiếng chứ? Còn các xơ nữa… không thấy bóng dáng một ai.
Cô buông tay ba nuôi, chạy bay đến bên cửa sổ căn phòng gần đó. Bàn ghế trống không, chẳng thấy dấu tích của một buổi học nào cả. Sao lạ vậy?
Tử Đằng còn chưa tìm được câu trả lời thì điện thoại cầm tay có tín hiệu. Cô mở máy nhìn vào màn hình:
− Là An Tâm !
Tử Đằng áp máy vào tai:
− Alô.
− Tử Đằng! Mi đang làm gì vậy?
− Không làm gì hết. Ủa! Mi nói hôm nay rất bận, không thể gọi cho ta mà.
− Nhưng khác rồi. Mi đến nhà tình thương ngay đi.
− Mi đang ở đấy à?
Không trả lời bạn, An Tâm gấp gáp:
− Nhanh nghe Tử Đằng! Chậm trễ sẽ không kịp nữa đâu.
− An Tâm! Chuyện gì vậy?
Nhưng An Tâm đã tắt máy, Tử Đằng nhìn điện thoại rồi nhìn vào khoảng không trước mặt ngơ ngác. Xong, cô vụt chạy đi.
Ông Kendvin với theo:
− Tử Đằng! Đã xảy ra chuyện gì?
Nhưng Tử Đằng nào nghe thấy, cô chạy qua bao nhiêu dãy phòng cô cũng không biết. Khi dừng lại trước một căn phòng đầy ắp người, Tử Đằng mới bật lên tiếng:
− Xơ ơi!
Không khí yên lặng đến nghẹn thở. Mọi người đang đứng, vội nép qua. Tử Đằng lững thững bước vào trong với khuôn mặt mất hồn. Đã có chuyện thật rồi.
Trên chiếc giường có một người nằm đấy hơi thở yếu ớt. Tử Đằng lao đến.
− Xơ ơi!
Cô gục đầu xuống bên giường, nước mắt chực rơi. An Tâm đứng gần đó vội nói:
− Xơ đang trông chờ mi đó.
Tử Đằng nắm lấy cánh tay gầy guộc của người đàn bà mà mọi người đang gọi là xơ Tâm.
− Xơ ơi! Con đã trở về đây rồi. Tử Đằng của xơ đã trở về đây rồi.
Xơ Tâm nhìn Tử Đằng bằng đôi mắt lờ mờ:
− Tử Đằng! Đúng là con rồi.
Tử Đằng áp tay sờ vào má mình:
− Vâng. Năm năm nơi xứ người, con nhớ xơ lắm. Xơ ơi! Con đã tốt nghiệp rồi, con đã lấy được cái bằng đại học rồi.
Vị xơ già mấp máy môi:
− Tốt, tốt lắm! Con đã không phụ tấm lòng và sự mong mỏi của bao người. Xơ yên tâm lắm. Như vậy xơ ra đi cũng đã mãn nguyện.
− Không xơ ơi… xơ đừng nói thế. Năm năm rồi, con không được làm tròn nghĩa vụ của mình, bây giờ xơ phải để con chăm sóc cho xơ chứ.
Xơ Tâm mỉm miệng cười:
− Đời người, ai tránh khỏi sinh lão bệnh tử. Tuổi già rồi, ai không chết. Ngày cuối đời của của xơ mà xơ được nhìn thấy con thành người, có một tương lai tốt đẹp, xơ không có sự đòi hỏi nào hơn. Tử Đằng! Nghe xơ nói nè.
− Dạ.
− Không cha, không mẹ, không cội nguồn, đó cũng là số phận của mỗi con người… Con đừng lấy đó làm mặc cảm. Hãy sống thật tốt, con nhé!
− Con xin nghe lời xơ dạy.
An Tâm cũng quỳ xuống:
− Xơ ơi! Xơ có thể an tâm. Chúng con sẽ cố gắng để không phụ lòng của xơ và tất cả mọi người.
− Tốt lắm!
Sự tinh anh của ngày nào không còn nữa. Xơ Tâm giờ đây giống như một ngọn nến sắp tắt. Chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua cũng có thể…
Còn những người đang sống trong ngôi nhà tình thương này không giấu được giọt nước mắt đau thương, khi biết mình sắp tiễn đưa một linh hồn về với cõi hư vô.
Xơ Tâm là cha là mẹ, là tình yêu là cuộc sống của hàng trăm con người trong mái nhà này. Thế mà… Con người, ai không có một lần chết. Nhưng với xơ Tâm, không ai không thể lưu luyến, bùi ngùi.
Người đàn ông nãy giờ im lặng trong đám đông đang khóc thương xơ Tâm, lên tiếng hỏi người bên cạnh mình:
− Hai cô gái đó là ai? Đã biết xơ đang mệt, tại sao làm phiền xơ lâu như thế ?
− Ông không biết à? Họ là hai cô gái từng sống trong mái nhà tình thương này, và cũng được xơ Tâm xem như con ruột của mình.
− Sao tôi không từng thấy họ nhỉ?
− Cô gái quỳ bên trái của xơ tên là An Tâm. Đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm. Cổ không còn sống ở đây nữa nhưng cũng thường về đây thăm xơ và chúng tôi. Còn cô gái quỳ bên phải của xơ tên là Tử Đằng. Cô ấy vừa du học ở Mỹ về. Xơ Tâm còn kéo dài được cuộc sống cho đến ngày hôm nay là trông chờ Tử Đằng đó.
− Thế à?
− Tử Đằng đã làm cho xơ mãn nguyện.
Người đàn ông hướng tầm nhìn về phía Tử Đằng. Anh muốn biết mặt cô gái này như thế nào mà xơ Tâm đặt trọn niềm tin như thế. Có thể cô ta có một bản lĩnh gì đó. Mà thường những cô gái như thế, anh thấy thú vị vô cùng.
− Xơ, xơ ơi! Đừng bỏ chúng con.
Tiếng thét của Tử Đằng làm cho người đàn ông giật mình. Anh ta lách khỏi đám đông đang khóc.
− Xơ Tâm ra đi không có gì hối tiếc.
Anh nhìn hai cô gái đang gục bên xác của xơ:
− Đừng quá thương tâm mà xơ không được thanh thản.
Anh ta nói với những người có mặt:
− Mọi người hãy cố gắng nén đau thương để còn tỉnh tâm hoàn thành tâm nguyện của xơ nữa. Bây giờ tôi sẽ đi thu xếp mọi chuyện.
Người đàn ông vừa quay lưng đi thì mọi người cũng tản ra. Đúng là nước mắt không giải quyết được gì.
An Tâm quẹt nước mắt ngẩng lên, cô không quên hỏi cô bạn đứng gần đó:
− Ngọc Hương à! Người đàn ông lúc nãy là ai mà có vẻ uy quyền quá vậy?
− Chị không biết thật sao?
An Tâm lắc đầu:
− Không quen, không biết và cũng chưa từng nhìn thấy.
− Ông ấy tên là Bình Nguyên, người bảo trợ cho nhà tình thương của chúng ta trong năm năm qua. Đứa bé tên là Xuân Phúc mà chị đưa về đã được ông ấy nhận làm cha đỡ đầu.
− Thế ư? Vậy thì tốt quá!
An Tâm ra dấu cho Ngọc Hương là cô chỉ muốn biết thế thôi, rồi cô quay lại chỗ Tử Đằng. Nhưng Tử Đằng không còn ở đó nữa. Nhỏ ấy mới đây mà? Trong lúc An Tâm đang tìm kiếm thì Tử Đằng một mình lang thang ra khuôn
viên.
Đầu óc trống không, trước mặt cô khoảng không gian có một màu u ám. Tại sao lại như thế? Câu trả lời này ai trả lời cho cô đây?
Năm năm. Năm năm xa quê hương, ngày trở về niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi buồn lại đưa tới.
Xơ Tâm- người thân yêu nhất của Tử Đằng ra đi, để lại trong lòng cô nhiều nỗi mất mát đau thương.
Xơ chưa kịp nhìn thấy cô thành tài sau năm năm cố gắng. Vậy mà xơ đã vội vã ra đi.
− Xơ ơi…
Tử Đằng quỳ xuống bên nhành hoa lan trắng, nước mắt chảy theo từng tiếng nấc nghẹn ngào.
Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai cô, cảm thông và chia sẻ:
− Tử Đằng !
− Ba nuôi!
Tử Đằng gục vào lòng ông Kendvin thổn thức:
− Ba ơi! Có phải con có lỗi với xơ nhiều lắm không? Người giống như một người mẹ, dạy dỗ con nên người. Vì tương lai mà con phải chia tay người trong nhiều thương nhớ. Và giờ đây con, lại đau đớn tiễn người trong khi con chưa đền đáp được công ơn to lớn đó.
− Tử Đằng! Làm người là phải chấp nhận tạo hóa. Con đừng quá đau buồn!
Ba nghĩ xơ Tâm ra đi nhưng trong lòng rất vui và thanh thản, vì đã nhìn thấy con trở về khôn lớn và trưởng thành.
− Nếu hôm nay con không đến đây kịp thì con sẽ ân hận suốt đời.
− Con gái à! Cứng rắn lên. Con không chỉ vì con, vì cái người đã mất, mà còn vì các em trong ngôi nhà này nữa.
− Ba…
− Ba sẽ ở bên con và giúp đỡ cho con. Con phải sống cho xứng đáng trong cuộc đời làm người của mình.
Tử Đằng xúc động:
− Ba ơi! Con cám ơn ba.
− Đừng như thế, con gái của ba.
Tử Đằng dùng tay lau nước mắt. Khuôn mặt cô lem luốc trông rất buồn cười.
Ông Kendvin gục gặc:
− Phải vậy chứ. Du Tử Đằng của ba, không được yếu đuối trong hoàn cảnh nào.
Tử Đằng nhìn ông:
− Bây giờ con phải làm gì đây ba?
− Phụ mọi người làm lễ cho xơ Tâm, để người trở về với thượng đế, bởi nơi đó là nơi ở của người.
Ông Kendvin dìu Tử Đằng đứng lên. Cô chợt thấu hiểu cái chết không đáng sợ, đáng sợ nhất là không trọn vẹn làm người.
Tử Đằng sẽ xứng đáng với sự mong mỏi của mọi người. Nhất là xơ Tâm, như người mẹ kính yêu bao năm.
==================================
Cúi đầu một lần nữa trước ngôi mộ của người đã khuất, Tử Đằng lẩm bẩm:
− Vĩnh biệt xơ. Vĩnh biệt một cuộc đời.
Hai cô gái trong đoàn đưa tiễn là người sau cùng rời khỏi nghĩa trang. Đoạn đường vắng vẻ, lạnh lẽo, bởi sự chết chóc nào có hơi ấm đâu.
An Tâm chở Tử Đằng trên chiếc xe Wave của mình. Họ không nói với nhau một lời nào trong suốt đoạn đường dài, bởi họ đang nghiền ngẫm nỗi đau của sự mất mát.
Tử Đằng là người đau đớn nhất. Năm năm ở Mỹ, cô đã không được cận kề xơ lúc tuổi già. Ngày trở về, những tưởng sẽ được cùng xơ chia sẻ trong niềm vui của người con xa xứ. Nào ngờ…
Tử Đằng cắn môi:
− Ân tình cô chưa kịp đền đáp cho người thì người đã vội vã đi xa.
Đưa đôi mắt buồn bã nhìn dòng người. Thời gian vô tình cứ trôi, mà con người thì cứ chờ đợi. Xơ Tâm chờ cô những năm năm. Không phải cô có phước hơn những người khác sao? Thế thì Tử Đằng không thể phí phạm thêm thời gian nữa. Cô phải bắt tay vào việc, nếu không sẽ không còn kịp nữa.
Một Tử Đằng mạnh mẽ của xơ, một Tử Đằng cứng rắn của ba… Cô không thể để ba thất vọng.
Xe vào trung tâm thành phố, Tử Đằng chợt nói:
− Tìm chỗ nào uống nước đi, An Tâm .
An Tâm đột ngột dừng xe. Cô quay lại nhìn bạn Tử Đằng, nhướng mắt.
− Bộ ta lạ lắm sao?
− Ồ, không lạ. Nhưng…
An Tâm không nói hết câu. Cô tiếp tục cho xe chạy và tấp vào một quán gần đó.
Tử Đằng bước xuống và đi thẳng vào trong. Cô không quan tâm những gì chung quanh, cũng chẳng mảy may nhìn đến tên quán là gì.
Chọn cái bàn gần cửa sổ, Tử Đằng vừa ngồi xuống thì An Tâm mới vào tới.
− Mi làm gì đi nhanh quá vậy? Làm ta theo muốn hụt hơi.
Tử Đằng chẳng nói chẳng rằng. Đợi An Tâm ngồi xuống, cô ra hiệu cho người phục vụ đứng gần đó.
Anh thanh niên bước lại:
− Hai cô dùng gì?
Không hỏi ý kiến An Tâm , Tử Đằng nói luôn:
− Hai ly cà phê, anh ạ.
An Tâm mở to mắt:
− Sao lại uống cà phê?
− Bộ không được ư?
− Không phải. Ta nhớ mi có bao giờ uống cà phê đâu.
− Thì hôm nay chẳng có gì lạ cả.
Tử Đằng nhìn người phục vụ:
− Một cà phê, một nước cam. Thế nhé!
Người phục vụ đi rồi, Tử Đằng ngả người ra ghế mắt lim dim, trông cô có vẻ mệt mỏi lắm.
An Tâm không lo lắng:
− Mi không sao chứ?
− Không sao. Ta chỉ muốn tỉnh táo một chút thôi.
− Hai ngày nay mi chẳng mở miệng nói với ai một câu. Lúc nào cũng lầm lầm lì lì chịu đựng, làm cho mọi người cuống cả lên.
Tử Đằng nhếch môi:
− Đâu phải lần đầu tiên mi và mọi người biết ta.
− Nhưng chi bằng mi nói cái gì đó.
− Chẳng phải bây giờ ta đang nói chuyện với mi sao? Yên tâm đi! Ta chẳng có gì đâu. Ta yên lặng bởi vì ta không muốn mọi người làm phiền đến ta.
− Vẫn biết thế. Mi gọi điện cho ba nuôi của mi chưa? Ông ấy lo cho mi nhiều lắm đó.
− Hai ngày, mải bận bịu với đám tang của xơ, lại còn làm ba nuôi ta lo lắng… ta có lỗi quá. À, mà nè!
Tử Đằng chồm lên:
− Mi biết người nào đứng ra lo đám tang cho xơ không?
− Ba nuôi của mi và còn một người nữa.
− Ai?
− Nghe Ngọc Hương nói, ông ta là người bảo trợ cho nhà tình thương trong suốt năm năm qua.
− Tên gì vậy?
− Bình Nguyên.
− Được rồi. Mi nói với Ngọc Hương tìm cho ta địa chỉ, để ta cám ơn ông ta. Còn ba nuôi ta, để ta cám ơn ông ấy.
An Tâm đặt tay lên vai bạn:
− Với xơ Tâm, tất cả đều tốt đẹp. Mi đừng buồn nữa nghe, không khéo ảnh hưởng đến sức khỏe đấy. Nếu xơ còn sống, xơ cũng đâu muốn mi ngã bệnh, phải không?
− Xơ Tâm mãi mãi ở trong trái tim ta.
An Tâm đề nghị:
− Uống nước xong, chúng ta đi tìm cái gì ăn nghe.
− Mi đói à?
− Không. Ta chỉ sợ mi đói thôi.
− Ta không thấy đói. Nhưng nếu mi muốn ăn thì cùng ăn.
Dù biết bạn miễn cưỡng, nhưng An Tâm cũng thấy vui. Tử Đằng chịu ăn là tốt rồi.
Người phục vụ mang nước ra. Tử Đằng nhìn giọt cà phê mà lòng buồn rười rượi. Cô cố gắng để không khóc nữa, chứ nước mắt vẫn còn đong đầy.
An Tâm để ống hút vào miệng, chưa kịp hút thì cô đã ú ớ…
Tử Đằng ngạc nhiên:
− Mi bị làm sao vậy?
− Ông ấy kìa!
Tử Đằng nhìn quanh:
− Ông nào?
− Bình Nguyên đó.
Theo tay chỉ của An Tâm, Tử Đằng thấy một người đàn ông cao to, lịch lãm rất ư là đẹp trai đang đi cùng một cô gái vào quán. Họ tìm bàn để ngồi thì phải?
− Có đúng là ông ta không ?
− Không sai đâu. Ta nhìn thấy ông ta một lần hôm xơ mất, và nói chuyện với ông ta hai lần vào ngày hôm qua trong giờ tang lễ.
− Thế à?
− Tại mi không để ý, chứ ông ta cũng biết mi.
An Tâm vừa dứt lời thì Bình Nguyên và cô gái đi tới. Anh vui vẻ khi nhận ra người quen.
− Chào hai cô! Chúng tôi có thể ngồi cùng bàn, được không?
An Tâm lịch sự:
− Anh chị cứ tự nhiên.
Còn Tử Đằng thì thản nhiên không một lời chào, cô bận rộn cho ly cà phê của mình.
Bình Nguyên kéo ghế cho cô bạn gái của mình. Anh nhìn Tử Đằng:
− Cô cũng uống cà phê à?
− Chẳng lẽ đàn ông uống được, phụ nữ chúng tôi không uống được sao?
Một câu trả lời gây ấn tượng. Bình Nguyên thích thú bởi khuôn mặt lạnh lùng gai góc của Tử Đằng. Anh gọi nước cho cô bạn gái và gọi cho mình một ly cà phê. Bình Nguyên hỏi:
− Hai cô đưa xơ đến nơi an nghỉ về, phải không?
An Tâm gật đầu:
− Vâng.
− Xin lỗi, sáng nay tôi có một cuộc họp quan trọng ở công ty, nên tôi không thể đi.
An Tâm cắt ngang:
− Không có gì đâu, ông đừng áy náy. Chúng tôi còn phải cám ơn ông đã lo cho xơ chu đáo.
− Cô đừng khách sáo. Tôi và xơ Tâm cũng là chỗ quen biết nhau mà. An Tâm hỏi:
− Ông Nguyên này! Nghe nói ông là người bảo trợ cho nhà tình thương của chúng tôi, phải không?
− Hai từ “bảo trợ” của cô, tôi nghe sao lớn lao quá. Thật ra tôi chỉ muốn giúp các em trong nhà tình thương có một cuộc sống tốt đẹp hơn thôi. Tôi cũng giống như các em, nhưng tôi may mắn hơn là tôi có gia đình, có cha mẹ yêu thương, có một cuộc sống đầy đủ. Cho nên tôi muốn làm một cái gì đó cho các em, để các em không mặc cảm trong cuộc sống xã hội.
− Ông tốt quá! Thay mặt các em ở nhà tình thương, tôi xin cám ơn ông.
Bình Nguyên cười:
− Nhà tình thương của xơ Tâm có những người như hai cô ở đây thay thế, thật là quý quá. Tôi thấy các em mến và nghe lời hai cô lắm.
− Chúng tôi cũng lớn lên ở đó mà.
Cô gái đi theo Bình Nguyên thấy anh không có ý định giới thiệu mình, cô nũng nịu vòi vĩnh:
− Anh Nguyên! Anh không giới thiệu hai người bạn của anh cho em biết sao?
Bình Nguyên nhìn Tử Đằng một lúc. Bởi nãy giờ cô là người đứng ngoài cuộc, im lặng trong câu chuyện của mọi người. Muốn gợi chuyện với cô, chỉ còn cách là giới thiệu về nhau.
Bình Nguyên hắng giọng:
− Tên tôi là Bình Nguyên, chắc hai cô đã biết. Cô bạn của tôi tên Thái Hà. An Tâm và Tử Đằng gật đầu chào cô gái bên cạnh Bình Nguyên. Trong ấy, ánh mắt của Tử Đằng ơ hờ không quan tâm người đối diện mình như thế nào.
Cử chỉ của Tử Đằng làm cho Thái Hà tức tối, nhưng cô chẳng thể nói gì được.
Thái Hà mím nhẹ môi:
− Hân hạnh được biết hai cô.
Bình Nguyên thì chẳng để tâm đến thái độ im lặng của Tử Đằng. Anh để ý, hai ngày trong tang lễ của xơ Tâm, cô chẳng có một lời nào với ai, lúc nào cũng im lặng chịu đựng. Nhưng có một điều Bình Nguyên không thể không chú ý. Đó là sự quyết đoán và tình yêu thương xuất phát từ con người có trái tim nhân hậu.
Bình Nguyên biết cái tên gọi “Tử Đằng” từ những con người sống trong ngôi nhà tình thương, chứ anh chưa từng nói chuyện với cô một lần nào. Bình Nguyên đoán chắc Tử Đằng không phải là cô gái dễ chịu.
Anh xởi lởi:
− Tôi còn chưa được biết tên hai cô.
Lại là An Tâm lên tiếng :
− Xin lỗi. Tên tôi là An Tâm, còn bạn của tôi tên Tử Đằng.
− Tên hai cô lạ quá. À ! Hai cô nói hai cô lớn lên ở nhà tình thương, sao tôi không thấy nhỉ ?
− Bởi vì chúng tôi đã có cuộc sống riêng, nên không còn ở trong ngôi nhà tình thương nữa.
− Thế à? Tôi nhớ có lần xơ Tâm nói với tôi, trong ngôi nhà tình thương này có hai cô gái rất dễ thương. Xơ xem hai cô gái ấy như con của mình vậy. Một đứa ở gần và một đứa ở xa tít trời Tây. Một đứa mạnh mẽ và một đứa dịu dàng. Xơ mong cô gái mạnh mẽ ấy biết bao.
− Ấy là xơ nói đến Tử Đằng đấy. Tử Đằng du học ở Mỹ, nhỏ trở về được mấy ngày là xơ… ra đi.
Bình Nguyên chép miệng:
− Tôi thấy cô có vẻ đơn độc quá.
− Tính của Tử Đằng không phải trầm lắng vậy đâu. Có lẽ sự ra đi của xơ Tâm làm Tử Đằng bị sốc.
Ngồi nghe mẩu đối thoại của hai người, Thái Hà xen vào:
− Họ không phải là bạn của anh sao?
− Hai cô ấy lớn lên từ nhà tình thương.
− Thì ra…
Thái Hà mỉa mai:
− Cần sự quan tâm của người khác.
− Em nói gì vậy?
− Không đúng sao? Họ cần những người đàn ông như anh, có địa vị, đẹp trai và giàu có. Những khuôn mặt đáng thương này, em thấy nhiều rồi.
− Thái Hà!
Bình Nguyên nạt lớn:
− Em thôi cái lối nói chuyện đó được không? Em hiểu gì về người ta mà vội vàng nói này nói nọ chứ?
Thái Hà bướng bỉnh:
− Em không hiểu hay anh đang u mê? Mẹ bảo em phải ngó chừng anh là không sai mà.
− Thái Hà!
Bình Nguyên rất giận, hai tay anh nắm chặt lại. Tử Đằng thấy điều đó chứ, nhưng cô chỉ nhếch môi rồi đứng bật dậy:
− Về thôi An Tâm.
− Tử Đằng!
Nhưng Tử Đằng đã đặt tờ giấy bạc năm mươi ngàn xuống bàn và vội vã ra ngoài.
An Tâm chỉ kịp chào Bình Nguyên, xong cô nối bước theo bạn. Còn lại hai người, Bình Nguyên cố đè nén cơn giận. Anh hất mặt:
− Ngồi đây nữa sao?
Bình Nguyên gọi người tính tiền nước. Anh im lặng ra xe, chẳng nói với Thái Hà một lời nào.
Biết mình quá đáng, nhưng Thái Hà không thể để cho hai cô gái kia có được tình cảm của Bình Nguyên được. Nhất định không. Đáng lo với cô nhất là Tử Đằng. Cô gái này thật không đơn giản tí nào. Hình như Bình Nguyên đã bắt đầu có ấn tượng với cô ta. Như thế thì càng không thể. Cô không thể để người khác thay thế cô bên cạnh Bình Nguyên được.
Thấy Bình Nguyên im lặng trên suốt một đoạn đường. Thái Hà rụt rè:
− Anh giận em phải không?
− Chẳng những giận mà còn xấu hổ nữa. Em làm anh bất ngờ thật đấy.
− Bình Nguyên…
− Cho dù em không thích họ, em cũng không nên buông ra những lời như vậy. Em xúc phạm đến lòng tự trọng và cả danh dự của họ, em biết không?
Ngừng một chút, Bình Nguyên nói tiếp:
− Họ đang buồn vì đã mất đi người thân, em không những không an ủi chia sẻ với họ, mà còn làm cho họ thêm đau đớn. Đồng là phận gái như nhau, sao em tàn nhẫn quá vậy?
− Bình Nguyên! Em xin lỗi.
− Em không cần phải xin lỗi anh. Thái Hà! Anh thấy thất vọng về em quá. Anh những tưởng chúng ta có thể tiến xa hơn một chút. Nhưng em đã không tôn trọng anh, tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Có thể chúng ta chưa hoàn toàn hiểu nhau.
Thái Hà hốt hoảng:
− Bình Nguyên! Anh nói gì vậy? Chẳng lẽ…
− Cho anh thời gian nhé, Thái Hà. Em cho anh thời gian cũng là chúng ta cho nhau thời gian đấy.
− Không. Em không đồng ý.
− Thái Hà. Bĩnh tĩnh lại đi.
− Em không chấp nhận chia tay với anh.
− Thế anh có đòi chia tay với em đâu.
− Vậy…
− Chúng ta cần có thời gian để hiểu về nhau nhiều hơn.
− Như thế chẳng khác nào chia tay.
Bình Nguyên dừng xe trước một căn biệt thự sang trọng. Anh nhỏ nhẹ:
− Em vào nghỉ đi.
− Em không vào.
− Đừng như thế!
− Em sẽ vào trừ khi anh rút lại lời nói vừa rồi.
Bình Nguyên vẫn dịu giọng:
− Chúng ta không phải trẻ con và anh cũng không muốn nói hai lời. Anh mệt mỏi lắm rồi, anh cũng muốn được nghỉ ngơi.
Anh mở cửa xe:
− Em xuống đi.
Thái Hà muốn khóc:
− Bình Nguyên! Đừng giận em và cũng đừng bỏ em có được không? Em hứa với anh, từ đây về sau, em sẽ không như thế nữa.
Để Thái Hà không dây dưa, Bình Nguyên gật đầu:
− Được rồi.
− Chiều, anh gọi điện cho em nha.
− Ừ. Em vào đi.
Chợt nhiên Thái Hà hiền từ, Bình Nguyên cũng không muốn làm căng. Nhưng không nghiêm khắc thì Thái Hà sẽ không sợ. Anh biết chuyện lúc nãy, Tử Đằng giận lắm. Rồi anh sẽ gặp cô sau để xin lỗi.
Bình Nguyên cho xe lướt êm. Bầu trời dịu mát làm lòng anh bớt căng thẳng.
Ngừng xe trước cánh cổng sắt màu xanh. Bình Nguyên ấn còi:
Tin… tin… tin…
Không lâu sau, trong nhà có người đi ra, và cánh cổng sắt được mở. Bình Nguyên cho xe chạy luôn vào sân. Vừa mở cửa xe bước xuống thì có tiếng chào:
− Cậu chủ mới về!
Anh gật đầu đáp lại người làm của gia đình, rồi đi thẳng vào phòng khách. Gian phòng vắng lặng. Bình Nguyên quay sang người làm :
− Mẹ tôi đâu, chị Trâm?
Hà Trâm chưa kịp lên tiếng thì đã nghe tiếng bà Hằng Thu:
− Mẹ đây. Về đến nhà chưa kịp cởi giày là hỏi mẹ đâu rồi.
Bình Nguyên ôm vai mẹ:
− Tại con nhớ mẹ mà.
Bà Hằng Thu nạt:
− Thôi đi cậu! Câu không hay mình già hay sao vậy?
Bình Nguyên cười, anh dìu mẹ đến xa lông:
− Bộ già rồi không được phép nhõng nhẽo với mẹ sao? À! Mẹ đang làm gì sau bếp vậy ?
− Chỉ dẫn Hà Trâm làm những món mà con thích.
− Chi cực thân vậy mẹ. Món nào mà con ăn chẳng được.
− Nói vậy sao được. Mẹ thấy lúc này con gầy lắm đó. Bộ công ty công việc nhiều lắm sao?
− Không nhiều lắm. Nhưng mẹ yên tâm, con lớn rồi, con có thể biết lo cho mình mà.
− Nếu con biết lo thì vợ con đâu bỏ con.
− Mẹ! Chuyện đã là quá khứ và con cũng đã quên, xin mẹ đừng nhắc lại.
Hà Trâm mang ly nước cam đặt lên bàn:
− Cậu chủ uống nước cho khỏe. Khoảng một tiếng nữa là có cơm ăn rồi.
− Được rồi, chị cứ làm công việc của mình đi.
− Vâng. Tôi xin phép.
Hà Trâm lui vào trong. Bình Nguyên nhìn ly nước cam mà nhớ về quá khứ, lòng tràn ngập đắng cay…
Anh và Tú Linh quen nhau trong một buổi chiều chiêu đãi đối tác. Ấn tượng đầu tiên họ để lại cho nhau là lịch sự, ga-lăng và chịu chơi.
Nguyễn Thái Bình Nguyên - Tổng giám đốc công ty thiết kế, quảng cáo Thái Nguyên. Đẹp trai, học thức, địa vị, giàu có. Trên thương trường, anh được mệnh danh là “tuổi trẻ tài cao”. Bình Nguyên và Tú Linh – người mẫu thời trang - sớm trở thành đôi trai tài gái sắc sau “tiếng sét” chưa đầy hai tuần đánh trúng. Họ bên nhau như hình với bóng. Bình Nguyên hãnh diện khi có một người yêu tuyệt đẹp như vậy.
Cuộc tình của hai người cũng vậy, không ít xôn xao. Rồi đám cưới diễn ra tưng bừng sau ba tháng cặp bồ với nhau.
Bình Nguyên thể hiện mình là một người chồng gương mẫu, là người đàn ông có trách nhiệm trong gia đình. Anh rất là yêu vợ. Thời gian đầu họ sống với nhau rất hạnh phúc. Ai ai cũng ngưỡng mộ.
Công ty ngày càng phất lên. Tên tuổi của Bình Nguyên càng nổi cộm và anh lao đầu vào công việc như không có thời gian. Gia đình với anh chỉ còn là tiếng nói. Quan hệ vợ chồng nhạt dần, và cái hạnh phúc mà người ta thèm muốn không còn nữa.
Tú Linh không chịu được thời gian trống trải cô đơn. Giai đoạn đầu, cô hạnh phúc bao nhiêu thì bây giờ cay đắng bấy nhiêu. Tối ngủ bên chồng giống như ngủ chung một khúc gỗ. Bởi Bình Nguyên sau những giờ làm việc mệt mỏi là anh lăn đùng ra ngủ chẳng biết gì.
Tú Linh bắt đầu rong chơi thâu đêm suốt sáng, quên luôn đường về nhà. Má chồng than phiền thì cô đổ thừa và cãi lý. Thương con, bà Hằng Thu cũng chẳng biết phải làm sao. Con trai mải mê công việc, con dâu lấy cớ buồn để rong chơi.
Ngày qua ngày, giấy làm sao gói được lửa. Cuối cùng rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Lời bàn tán xì xầm đến tai Bình Nguyên. Anh không tin đó là sự thật, nên mới quyết định nói chuyện với vợ. Hôm đó, Bình Nguyên sắp xếp công việc về nhà sớm, dự định đưa Tú Linh đi chơi, ăn uống, dạo phố. Vì cũng lâu rồi, hai vợ chồng không có thời gian riêng cho nhau.
Tú Linh không có nhà, cô đi đâu, người làm chẳng biết và mẹ cũng chẳng hay. Điện thoại cầm tay thì không liên lạc được. Bình Nguyên đợi đến nửa đêm vẫn chưa thấy Tú Linh về. Anh bắt đầu thấy giận. Thì ra những lời bàn tán bên ngoài không sai. Tú Linh không còn là một người vợ chính chuyên ngoan hiền, là một cô dâu thảo nữa. Vì cớ gì, Tú Linh trở thành như vậy chứ? Tại anh, hay tại gia đình này bạc đãi cô? Bấy lâu, anh lao đầu vào công việc, anh đã không có thời gian quan tâm Tú Linh, không có thời gian để ý đến những việc cô làm. Nhưng không vì thế mà anh không tròn trách nhiệm của một người chồng.
Bình Nguyên nghĩ hoài vẫn nghĩ không ra tại sao Tú Linh thay đổi? Anh nhớ cô không thích ra ngoài khi không có anh. Thậm chí cô không ngủ nếu anh bận việc chưa về… Thế mà… hình như…
Bình Nguyên chưa nhận ra rằng Tú Linh hôm nay không giống Tú Linh của ngày xưa.
Anh nửa nằm nửa ngồi trên xa lông, đôi mắt cứ nhìn vào một khoảng không, miệng thì rít thuốc liên tục. Cái gạt tàn thuốc trên bàn đã không còn chỗ để đựng tàn thuốc của anh. Nhìn thấy con như thế, không chịu đựng được, bà Hằng Thu lên tiếng.
− Con định đốt chết tim gan mình hay sao vậy, Nguyên? Sao phải đọa đày mình như thế?
Bình Nguyên dụi tắt điếu thuốc cuối cùng còn lại. Anh hỏi:
− Mẹ nói gì?
− Cả buổi rồi. Từ lúc con đi làm về tới giờ, con chẳng buồn ăn, nước cũng chẳng uống, chỉ ngồi im lặng hút thuốc. Con có tâm sự à? Hay công ty xảy ra chuyện gì?
− Không có mẹ ạ.
− Vậy… mẹ thấy con lạ hơn thường ngày lắm. Buồn Tú Linh à?
− Mẹ…
Bình Nguyên sửa lại tư thế ngồi, khuôn mặt anh lộ vẻ trịnh trọng:
− Con hỏi và mẹ phải nói thật cho con biết.
Bà Hằng Thu lạ lẫm:
− Bình Nguyên! Có chuyện gì thì con cứ nói, sao cứ rào trước đón sau hoài vậy?
− Con nghe người ta bàn tán rằng: Tú Linh dạo này có nhiều thay đổi. Đi chơi thâu đêm suốt sáng.
Bà Hằng Thu giật mình:
− Ai nói với con vậy?
− Mà có đúng như thế không, hả mẹ?
− Con đừng nghe người ta nói lung tung mà nghĩ không tốt cho vợ mình. Tú Linh ra ngoài chỉ vì công việc, hay rong chơi với vài người bạn cho đỡ buồn thôi.
Bình Nguyên lớn giọng:
− Mẹ đừng bênh vực cô ấy nữa. Con biết dạo này Tú Linh làm mẹ không hài lòng, nhưng mẹ không nói chỉ vì mẹ thương con, sợ con buồn. Nhưng mẹ có biết như thế càng làm cho Tú Linh hư hỏng không? Đừng nói con mải mê công việc mà không biết gì? Tú Linh đã hoàn toàn thay đổi trong suy nghĩ của con và mẹ. Hôm nay, nếu con không hủy chuyến công tác đột xuất thì có lẽ con vẫn chưa biết gì.
Anh đứng lên đi qua đi lại:
− Phụ nữ có chồng mà còn ra ngoài, hơn nửa đêm vẫn chưa thấy về… Đi đâu chứ?
− Chắc Tú Linh về bên mẹ ruột cũng nên.
− Con đã gọi rồi. Mẹ bảo hơn một tháng không thấy mặt Tú Linh.
Bình Nguyên đập tay xuống bàn:
− Loạn hết rồi! Trong ngôi nhà này chẳng còn một nguyên tắc nào cả. Làm con mà muốn đi đâu thì đi, chẳng thưa trình với ai.
Bà Hằng Thu lo sợ:
− Nguyên! Khuya rồi, không nên làm kinh động đến hàng xóm. Có chuyện gì cũng từ từ con ạ.
Bình Nguyên ngồi trở lại ghế. Anh nhìn đồng hồ trên tay có về suy nghĩ, rồi nói:
− Mẹ đi nghỉ đi, để con chờ Tú Linh cho.
Bà Hằng Thu chần chừ:
− Nhưng con phải hứa với mẹ: khi Tú Linh về không được nổi giận làm ầm ĩ. Mọi việc phải tỉnh táo mới phán xét được.
− Vâng, con hứa.
Bình Nguyên đứng lên:
− Hà Trâm chắc nghỉ rồi, để con đưa mẹ về phòng.
Bà Hằng Thu khoác tay:
− Không cần đâu. Tự mẹ đi được rồi. Con cũng nên đi ngủ sớm, ngày mai còn phải đến công ty.
− Dạ, Tú Linh về, con sẽ đi ngủ.
− Mẹ nghĩ con không cần thiết phải chờ. Có thể nó không về, mà nếu có về tự nó sẽ mở cửa vào.
− Cô ấy có chìa khóa riêng? Và cô ấy cũng thường xuyên về trễ như thế này, sao mẹ?
Bà Hằng Thu bỏ đi về phòng. Bởi bà biết, nếu bà ở lại sẽ nói ra những chuyện không nên nói trong lúc này. Chuyện vợ chồng của Bình Nguyên, hãy để cho Bình Nguyên giải quyết.
Còn lại một mình, Bình Nguyên tìm vui vào lon bia để giết chết thời gian. Anh vừa uống vừa ngẫm nghĩ những chuyện mà người đời đang bàn tán:
− “Tú Linh không còn chung thủy. Cô đã phản bội anh”.
Nếu đúng là như thế, thì anh đối diện với sự thật này như thế nào đây? Bình Nguyên lắc đầu để xua tan nhiều suy nghĩ. Anh không dám tin Tú Linh phản bội anh. Nhưng anh phải tìm ra lý do vì sao Tú Linh luôn về khuya và rất
khuya. Bình Nguyên ngửa cổ uống cạn lon bia. Máu trong người chợt nóng lên, anh vung mạnh tay. Vỏ lon bia bay vèo trong không gian… Chợt có tiếng người kêu lên.
− Ái…
Bình Nguyên bật dậy, song anh không rời chỗ của mình. Anh đứng yên đó, ánh mắt hướng ra ngoài.
Tú Linh bước vào, cô chợt khựng lại:
− Anh…
Bình Nguyên hỏi, giọng cố nhẹ nhàng:
− Em có biết giờ này là mấy giờ không?
− Em…
− Làm gì mà về khuya vậy?
Tú Linh lúng túng trước đôi mắt của chồng. Cô đưa tay lên xoa dấu đỏ mà vỏ lon bia trúng phải ở ngoài sân nhằm giảm bớt sự căng thẳng.
− Em gặp một vài người bạn thời trung học, và… bọn em đã quên hết thời gian.
− Và đêm nào cũng có bạn thời trung học, phải không?
− Em…
− Tú Linh! Em có biết em có chồng rồi không? Anh không cấm em có những mối quan hệ bạn bè, nhưng em phải biết mình và phải biết cho người khác. Kiểu cách em đi đứng như vậy, mọi người nghĩ sao về em, nghĩ sao về
anh và nghĩ sao về gia đình này? Nếu hôm nay, anh không hủy bỏ chuyến công tác đột xuất, thì anh sẽ không biết mấy lúc gần đây em tệ đến như vậy. Em làm anh thất vọng quá.
− Thất vọng?
Tú Linh ném túi xách của mình xuống xa lông:
− Anh thấy thất vọng rồi sao? Vậy còn tôi, tôi phải nói gì đây? Tôi lấy anh, những tưởng mình là một cô gái diễm phúc. Nhưng hoàn toàn trái lại với suy nghĩ của tôi. Hạnh phúc là gì, tôi không hề biết đến. Sống bên anh, tôi chỉ là
một cái bóng mờ, một người xa lạ. Anh chỉ biết có công việc, không hề biết tôi bên cạnh anh. Vậy tình yêu mà anh dành cho tôi không hề có.
− Tú Linh! Em đang trách anh đó à?
− Tôi không dám. Và tôi càng không có cái quyền với người đàn ông của mọi người như anh.
− Tú Linh! Anh biết đã có đôi lúc làm em buồn. Nhưng là vợ, em phải hiểu cho anh chứ. Tất cả những gì anh làm đều vì em, vì gia đình.
Tú Linh hét lên:
− Tôi không cần. Cái tôi cần là tình yêu và hạnh phúc. Nhưng anh không hề cho tôi.
− Tú Linh!
Bình Nguyên bặm môi:
− Và em dựa vào những điều đó để phản bội lại anh? Em nói đi!
Tú Linh hất ngược mái tóc ra sau:
− Tôi phản bội anh à?
Cô cười:
− Đáng lý tôi không làm những điều có lỗi với anh. Nhưng chính anh, chính anh đã đẩy tôi đến con đường phản bội lại anh.
− Tú Linh! Cô đừng ngụy biện cho mình. Tôi cảm thấy tôi không có làm gì sai đối với cô.
− Vậy tôi sai ư? Được, thế thì anh định làm gì? Ly dị phải không?
Bình Nguyên đập tay xuống bàn:
− Cô đừng nói khích tôi!
Tú Linh khoanh tay:
− Tôi biết anh sẽ không bao giờ chấp nhận và tha thứ cho tôi về những việc tôi đã làm, và tôi cũng sẽ không bao giờ ân hận khi chia tay anh đâu. Ly dị, đó là sự giải thoát cho tôi và anh đó.
− Cô im đi!
− Bình Nguyên! Làm vợ anh, đó là điều nuối tiếc trong cuộc đời của tôi. Tú Linh quay lưng, bỏ lại Bình Nguyên với bao nỗi đắng cay và thất vọng. Kết thúc một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhanh như vậy sao?
− Con đang nghĩ gì vậy?
Bà Hằng Thu lên tiếng phá tan suy nghĩ của anh. Bình Nguyên giả lả:
− Không. Con đang suy nghĩ vài việc cần làm ở công ty thôi.
− Chứ không phải nhớ Tú Linh à?
− Cô ấy không xứng đáng.
Bà Hằng Thu thở dài:
− Sinh con, sao mẹ không hiểu con được chứ. Tú Linh là người con yêu con cưới, đâu phải muốn quên là quên. Mẹ muốn nhắc nhở con, nếu muốn ngày mai tốt đẹp thì đừng níu kéo quá khứ làm gì nữa. Con trai của mẹ đâu phải không tìm được một người vợ xứng đáng khác.
Bình Nguyên nhăn mặt:
− Mẹ à! Thật sự con không còn nhớ đến Tú Linh.
− Vậy thì tốt! Sao hôm nay con về sớm thế.
− Sáng nay có một cuộc họp quan trọng ở công ty, rồi con ra ngoài với Thái Hà có việc và đi thẳng về nhà luôn.
− Thế sao con không đưa Thái Hà về chơi? Con bé mến con lắm đó.
Bình Nguyên nhún vai:
− Con chỉ xem Thái Hà là một người bạn, một người em, ngoài ra không có ý nghĩ khác. Mẹ đừng quan tâm.
− Tại sao không quan tâm cho được khi chuyện hạnh phúc gia đình con bỏ sang một bên? Bình Nguyên! Con không còn trẻ nữa đâu.
− Con biết chứ. Nhưng không vì thế mà con sai lầm một lần nữa.
− Con không có tình cảm với Thái Hà. Vậy có cô gái nào làm con quan tâm chưa?
Bình Nguyên lắc nhẹ:
− Chưa đâu mẹ ạ. Nhưng có một chuyện, con cần nói với mẹ.
− Là chuyện gì?
− Không nên căng thẳng đâu.
Bình Nguyên từ từ trước khuôn mặt hơi quan trọng của bà Hằng Thu :
− Mẹ còn nhớ con có nói với mẹ hôm nay là lễ truy điệu xơ Tâm và đưa xơ về nơi an nghỉ?
− Có, mẹ nhớ.
− Nhưng rất tiếc, con lại không đi được. Xong cuộc họp thì đã trễ giờ.
− Con không cần áy náy. Xơ Tâm hiểu cho con mà.
Bình Nguyên chống cằm:
− Lúc con ra ngoài với Thái Hà, con vô tình gặp hai cô gái ở nhà tình thương mà xơ Tâm xem như con ruột của mình.
− Rồi sau đó?
Bà Hằng Thu nhìn con trai:
− Hình như có người đã gây ấn tượng cho con?
− Mẹ nói đúng. Cô ấy trở về từ nước Mỹ xa xôi.
Bà Hằng Thu nhíu mày:
− Sống ở Mỹ à?
− Không. Cô ấy được học bổng du học ở Mỹ. Tử Đằng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong con ở lần gặp đầu tiên. Cô ấy tượng trưng cho những con người không đầu hàng số phận. Có nghị lực và ý chí cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
− Nói thế…
Bình Nguyên xua tay:
− Mẹ đừng vội hiểu lầm. Chúng con chưa là bạn của nhau, vì có sự hiểu lầm nho nhỏ. Nhưng con muốn nói cho mẹ biết để mẹ khỏi ngỡ ngàng nếu sau này con trai mẹ cưới một người vợ là cô nhi.
− Con nói gì vậy Bình Nguyên? Mẹ không hề có ý nghĩ phân biệt giai cấp. Nói vậy là con không hiểu được mẹ rồi.
− Mẹ đừng giận con. Tại con không biết nói sao.
− Bình Nguyên à! Người con chọn cũng là người mẹ chọn. Yên tâm đi ! Mẹ cũng hy vọng cô gái Tử Đằng gì đó... dụ được con.
Bình Nguyên la lên:
− Mẹ! Chúng con còn chưa ngồi nói chuyện với nhau mà. Mẹ nói vậy, lỡ cô ấy nghe được thì con quê lắm đó.
− Thế à?
Bà Hằng Thu háy mắt:
− Xem ra con cũng trân trọng cô ta lắm.
− Tử Đằng là một cô gái kỳ lạ.
− Bộ con không kỳ lạ sao? Thế còn Thái Hà? Gặp Tử Đằng, Thái Hà không có phản ứng gì sao?
− Mẹ đừng nhắc, con đang khó chịu đây.
− Hai đứa gây nhau à?
− Gây nhau thì nói làm gì. Thái Hà tỏ ra coi thường và khinh miệt gia thế người khác. Con không hài lòng.
− Tính tình Thái Hà bấy lâu cũng nhu mì lắm mà. Hay tại con bé ghen?
− Cô ta muốn thể hiện mình thì đúng hơn?
− Con giận phải không, Bình Nguyên?
Bình Nguyên ngả người ra xa lông:
− Con không thích Thái Hà có thái độ như hôm nay nữa.
− Được rồi, để mẹ nói khéo với nó. À! Việc Thái Hà muốn vào công ty con làm, con nghĩ sao ?
− Càng giảm bớt phiền phức càng hay.
− Nghĩa là…
− Thái Hà không giúp được gì cho con đâu. Công ty con đang tuyển kỹ sư kiến trúc chứ không tuyển thư ký. Mẹ nói với cô ấy giúp con.
Bình Nguyên vừa dứt lời thì chuông điện thoại reo. Anh nhìn bà Hằng Thu như năn nỉ:
− Nếu là Thái Hà thì mẹ nói con đã ngủ rồi nhé.
Bà Hằng Thu lắc đầu, xong cũng nhấc ống nghe:
− Alô!
− Bác ơi! Cháu là Thái Hà đây.
Quả Bình Nguyên đoán không sai.
− À! Cháu tìm Bình Nguyên phải không?
− Vâng. Anh ấy về chưa hả bác?
− Về rồi. Nhưng Bình Nguyên đã ngủ.
− Vậy…
− Cháu có gì nhắn lại không?
− Dạ thôi. Để cháu gọi lại sau cho anh ấy. Cám ơn bác.
Bà Hằng Thu gác máy:
− Như thế này thì không hay đâu nghe Nguyên.
− Tại mẹ chứ bộ. Bạn bè giới thiệu làm mai… Mẹ sợ con trai mẹ ế sao ?
− Đó là một phần. Một phần mẹ thấy Thái Hà thông minh, xinh đẹp.
− Kẹo mạch nha thì có.
− Ừ, không phải con cũng đang cặp bồ với nó sao?
− Đi chơi với nhau, đâu phải là cặp bồ đâu mẹ.
Bình Nguyên đứng lên:
− Con đi rửa mặt đây. Hình như giờ cơm sắp tới rồi.
Bà Hằng Thu thở ra khi nhìn theo dáng con trai. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, Bình Nguyên có quá nhiều thay đổi.
<3>