Trang 1/2 12 cuốicuối
kết quả từ 1 tới 8 trên 9

Ðề tài: Giã từ trường yêu - Nguyễn Ðông Phương

  1. #1
    Nhím Ngông Nghênh Hàn Cát Nhi's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 2005
    Nơi Cư Ngụ
    Quảng Bình
    Bài gởi
    14,798

    Exclamation Giã từ trường yêu - Nguyễn Ðông Phương

    Giã Từ Trường Yêu là một truyện dài vui, lãng mạn và rất dễ thương của tuổi học trò. Tác giả Nguyễn Ðông Phương sẽ đưa chúng ta trở về với một thời áo trắng ham chơi đùa, phá phách, ghép đôi và mơ mộng vẩn vơ về một bóng hình khác phái.


    1

    Cổng trường phổ thông trung học Mỹ Hưng đứng núp mình khiêm tốn dưới cây phượng vĩ cao to, cành lá sum sê tỏa bóng. Mọi ngày trong giờ học cổng trường luôn đóng kín. Bác Lưu bảo vệ trường lúc nào cũng nghiêm túc với công việc của mình. Nhưng hôm nay đã quá giờ vào lớp mà một cánh cửa phụ của cổng mở toang. Lớp trưởng Lạc cùng Hải Sún, Hưng Ngưu Ma Vương, Cường Lé, Hùng... và mấy bạn nữ Mỹ Dung, Ngọc Hiệp... đứng lố nhố ngay bên cổng. Trên tay mấy bạn nữ là những chùm mận chín đỏ. Họ vừa ăn vừa tán chuyện tưng bừng. "Chắc lớp sáng nay được nghỉ", Từ xa Thúy Vân vui vẻ nghĩ thế. Vừa đến đã nghe Hải Sún thông báo:
    - Sáng nay được nghỉ giờ cô Hạnh với thầy Ðoàn. Thằng Sưu rủ sang nhà nó chơi.
    Trong sân trường các bạn lũ lượt kéo ra, Thằng Sưu lưng hơi còng ôm vở đi đầu. Sưu rất hiếu khách. Nhà Sưu ở Hòa Ðông bên kia sông Ái. Vườn nhà Sưu rộng mênh mông nhiều cây ăn quả. Bọn Thúy Vân sang nhà Sưu chơi rất nhiều lần từ lúc còn học lớp 6. Những chùm khế, xoài vàng óng, những trái ổi tròn căng thơm phức và vô số thơm, mít, bưởi... Hấp dẫn bọn háu ăn. Không những thế vườn cây rộng, cành lá sum sê tỏa bóng mát rượi làm sân chơi vô cùng thú vị. Sưu thỉnh thoảng mời cả lớp sang chơi. Lâu lâu không thấy nó mời bọn Thúy Vân gợi ý. Sưu vốn dễ tính và chìu bạn. Sáng nay trời trong mát rất thích hợp cho một chuyến đi chơi. Lớp trưởng Lạc quay sang hỏi cả bọn:
    - Bây giờ đi ngã nào?
    Có hai ngã đi qua nhà Sưu. Ngã đi vòng qua cầu xa hơn. Ngã đi tắt phải qua sông bằng đò. Mấy bạn nữ tranh nhau ý kiến. Thúy Vân nheo mắt:
    - Ði ngã sang đò Lạc ơi!
    Mỹ Dung cười châm vào:
    - Nó luôn có "bơi sĩ" hộ tống nên mạnh miệng, không sợ Hà Bá.
    Mỹ Dung ám chỉ Hoàng Hòa. Hòa là tay bơi số 1 của lớp, mấy năm liền đại diện trường đi dự Hội Khoẻ Phù Ðổng môn bơi lội:
    Thúy Vân liếc xéo Mỹ Dung:
    - Mi luôn có "định kiến lệch lạc". "Bơi sĩ" hộ tống cho cả lớp chứ mình chi ta!
    Mỹ Dung, Ngọc Hiệp cười nhìn sang Hoàng Hòa đang đứng gần đó. Hoàng Hòa chớp mắt quay lơ. Hòa rất ngán khi phải gặp mấy bạn nữ và bị chọc ghẹo linh tinh. Chúng nó "cặp đôi" Hoàng Hòa với Thúy Vân. Hoàng Hòa đẹp trai, học giỏi, biết đàn, hát và nhiều tài vặt khác.
    Chẳng cần thống nhất ý kiến cả lớp kéo đi ào ào. Can Trọc dẫn đầu. Phút chốc bọn lớp Vân rời khỏi cổng trường rẽ trái theo con đường nhỏ bao quanh chân đồi. Vậy Can Trọc dẫn lớp đi ngã tắt. Sông Ái từ thượng nguồn đổ về qua trung tâm huyện lỵ bao quanh những dãy đồi cao xuôi về Hòa Ðông, làng của Sưu, rẽ làm hai nhánh chạy ra biển. Tháng tư, gió trên cao lồng lộng. Bọn lớp Vân đi dưới những rặng xoan ven chân đồi sum sê xanh mát. Những vệt nắng vàng như mật xuyên qua những tán lá đong đưa, nhảy múa trên lối mòn càng làm cho bước chân them rộn ràng nhộn nhịp. Hưng Ngưu Ma Vương cứ bô bô:
    - Xoài nhà thằng Sưu, giống xoài thanh ca ấy trái bằng bắp tay da còn xanh nhưng bên trong cơm đã dày trục vàng tươm màu nghệ tươi vừa giòn vừa chua ngọt... Hưng dừng lại đắc chí với sự mô tả của mình rồi lên giọng không biết bắt chước ai như người lớn:
    - Lấy dao thật bén gọt vỏ, bỏ hột, xắt lát vừa không dày không mỏng. Nước mắm ớt, tỏi, đường làm một chén nhé! Bốc một lát xoài chấm vào rồi đưa lên miệng cắn một phát nhai... - Hưng Ngưu Ma Vương suýt xoa:
    - Tuyệt... vời! Trời... ơi!
    Hưng chưa dứt tiếng bỗng vấp ngã xuống bờ ruộng. Cả lớp cười ầm vang. Tiếng Ngọc Hiệp:
    - Hưng Ngưu Ma Vương! Ai bảo ngươi bày món xoài chấm nước mắm ly kỳ rồi mê ăn tham uống lấy một mình đến nỗi té ngã?
    Hưng vừa vấp té chứ ta chỉ tưởng tượng thôi. Nếu như ăn được các vị đã xáp vô... giành giật từ khuya rồi... Ðằng sau mấy "ranh con" vọng tới.
    - Ðáng đời con ạ! Chưa tới nhà thằng Sưu đã ăn xoài tưởng tượng, "ấp phê" quá ngã té lá vừa.
    - Báo hại mấy đứa nữ!
    - Hại gì! Bọn ta có sao đâu? - Ngọc Hiệp nổi tiếng chanh chua chu miệng lên, mắt... trợn trừng mấy cha phát biểu lung tung. Cường Lé vọt lên:
    - Nghe Hưng bày món xoài... miệng, tao thấy mấy đứa nữ đi như chạy, cũng suýt bị ngã.
    Cường Lé hắng giọng làm ra vẻ đàn anh:
    - Từ từ nghen mấy em! Ðừng vội nôn nóng mà bị nạn. Xem Hưng Ngưu Ma Vương đó mà làm gương.
    Cường Lé chưa dứt lời đã nghe rào rào những hòn đất như từ phía trước ném lại. Nó la lên, né qua, lùi lại tránh... đòn. Cả bọn vừa đi vừa đùa giỡn một hồi đã đến bên sông. Những lũy tre ken dày, um tùm ngả bóng xuống dòng nước xanh ngắt. Bến đò ngang vắng lặng dưới vòm tre yên ả bỗng huyên náo hẳn lên. Lũ học sinh như đàn bướm trắng sà xuống mé nước. Bọn con trai hăng hái xắn quần lội xuống. Nhiều nhóm chia nhau rình bắt những chú tôm, cá nhỏ ven bờ. Bờ sông thoai thoải cát mịn màng thật là nơi lý tưởng để các nhóm khác nô đùa té nước la hét vang trời.
    Trái với cái ồn ã của bọn con trai. Trên thảm cỏ ven bờ mấy bạn nữ ngồi lặng yên nhìn ra sông nước mênh mông. Bên kia bờ mấy cánh diều ai thả bay lửng lơ giữa nền trời cao xanh ngắt. Một cơn gió thoảng, những chiếc lá tre loăn xoăn rụng rơi trên bến nước theo dòng trôi xuôi. Khác với những lần đi chơi trước, Thúy Vân không được tự nhiên. Nó lặng lẻ nhìn những chiếc lá rơi mà bần thần như ai "hớp hồn". Lần đầu tiên trong đời nó có một chuyện lo mà không dám thổ lộ cùng ai kể cả Ngọc Hiệp và Mỹ Dung là hai bạn thân nhất ngồi cùng bàn. Thúy Vân nghĩ: "Hai con nhỏ này mà biết được chúng nó sẽ trêu chọc mình tới bến. Nhưng cứ giữ bí mật mãi thì không ai chia sẻ với mình...?"
    Tất cả bắt đầu từ đêm văn nghệ lớp kết nghĩa với câu lạc bộ văn nghệ Hương Ðồng ở quán cà phê Thanh Thảo. Câu chuyện bắt đầu từ đêm ấy.
    Liên hoan văn nghệ được tổ chức ngay trước quán Thanh Thảo, một khoảng sân rộng bên bờ sông Ái. Văn nghệ lửa trại chứ không có sân khấu. Ðêm không trăng sao thăm thẳm. Khán giả, ngoài học sinh của lớp, anh chị em trong ban văn nghệ Hương Ðồng, câu lạc bộ văn nghệ Hương Ðồng còn là bạn bè thân hữu, những khách mời trong giới văn nghệ của huyện. Lâu nay hễ có dịp văn nghệ khi giới thiệu Thúy Vân, học sinh 12A4 trung học Mỹ Hưng là khán giả vỗ tay rầm vang bởi Thúy Vân có giọng ca hay và đặc biệt ngâm thơ rất tuyệt. Lần này càng dậy lên những tràng pháo tay bởi người điều khiển chương trình đã dành cho Thúy Vân một tiết mục ngâm thơ "Tự biên tự diễn". Thúy Vân được nhiều người biết đến do có nhiều bài thơ nhỏ đăng trên báo Mực Tím, Áo Trắng, Hoa Học Trò... Ðêm đó Thúy Vân chọn ngâm bài thơ "Phượng Hồng", một cảm xúc mới nhất khi mùa hè sắp đến. Tiếng sáo cất lên dìu dặt lan tỏa ra không gian mênh mông... Tiếng đàn réo rắc nương theo giọng ngâm như chuyên chở nguồn xúc cảm từ ý thơ, hồn thơ đến với người nghe:
    "Phượng hồng rực sân rồi đó!
    Hè sang - ôi phải xa trường
    Tiếng ve chảy đầy lối nhớ
    Ai còn nhặt cánh hoa vương...
    Giờ chơi ai chờ gốc phượng
    Thẩn thờ về dạo cuối sân
    Vu vơ tìm chi màu nắng
    Bọc đầy tà áo bâng khuâng...
    Phượng hồng hay lòng ta đấy
    Cháy ran bao nỗi lặng thầm
    Ký âm trong màu hoa thắm
    U hoài hát mãi lời câm..." (*)
    Tiếng thơ đã dứt lâu rồi mà cả sân vườn vẫn còn lặng im. Rồi những tràng pháo tay như sấm nổ. Khán giả ùa lên tặng hoa. Những bó hoa hồng tươi vừa mới cắt từ những khoảnh sân vườn, những vườn hoa trong thị trấn. Một trong những bó hoa đó bên trong có ém một phong thư... Phong thư không đề tên tác giả. Và lúc đó nhiều người lên tặng hoa. Thúy Vân cũng bối rối nên không nhớ bó hoa đó của người nào...
    - Nghĩ gì mà thừ người vậy? "Cảm" nặng hay nhẹ mà như là người mất hồn! - Ngọc Hiệp đập vai Thúy Vân choàng tỉnh:
    - À!... Ðò sang chưa?
    Ngọc Hiệp nheo mắt:
    - Hỏi vô duyên lãng xẹt. Ðò chưa sang mi mới ngồi đây mà mơ mộng chứ! "Cảm" nặng rồi.
    Thúy Vân cười khỏa lấp:
    - Mi mới "nóng lạnh phát sốt". Khi không bảo người ta "cảm".
    Mỹ Dung chen vào:
    - Mấy ngày nay tao thấy Thúy Vân sao sao đâu... Có điều chi thì khai báo nhé! Giấu kỹ bệnh càng nặng hối không kịp đó.
    Thúy Vân chu miệng lên định... chối thì dưới bến Sưu hô to:
    - Anh em ơi chuẩn bị qua đò!
    Tất cả nhìn ra. Cậu của Sưu vừa chống đò cập bến. Ðó là một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi, người thấp lùn, da rám nắng, tay chân to khỏe, rắn chắc. Ông lúc nào cũng tươi cười. Ánh mắt luôn tỏa ra sự nhân hậu, hiền từ. Bọn lớp Vân rất quí mến ông. Lần nào cũng vậy khi bọn trẻ kéo qua nhà Sưu chơi thì ông chống đò, mặc dù ông không phải là người phụ trách đưa đò ở bến sông này. Cứ mười lăm em một chuyến. Ông luôn nhắc nhở:
    - Ngồi yên các cháu! Ðừng động đậy làm ghe lắc lư...
    Gì thì gì chứ khi ngồi lên đò bọn lớp Vân tuyệt đối vâng lời ông. Dưới bến bọn Lạc, Hưng Ngưu Ma Vương. Cường Lé, Can Trọc đã lên ghe. Can Trọc nói vọng vào:
    - Sang chuyến sau nghen mấy "em", bọn "anh" qua trước hái xoài trộn nước mắm...
    Nghe nói xoài chấm nước mắm đứa nào cũng chảy nước miếng Mỹ Dung bắt tay làm loa hô xuống.
    - Nhớ đợi bọn này mới được ăn nghe chưa!
    Không khí bến sông rộn ràng vui như tết.


    :tim::tim::tim::tim::tim::tim::tim::tim:

  2. #2
    Nhím Ngông Nghênh Hàn Cát Nhi's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 2005
    Nơi Cư Ngụ
    Quảng Bình
    Bài gởi
    14,798

    Default

    2


    Thúy Vân ngồi trầm tư nhìn qua cửa sổ. Ngoài vườn giàn mướp cạnh bờ ao khoe đầy những bông hoa vàng tươi. Màu vàng rực rỡ, nổi bật giữa vườn cây lá xanh tươi như hấp dẫn vẫy gọi ong bướm từ đâu bay về rộn rã. Những đàn bướm đủ màu sắc sặc sỡ nhởn nhơ bay lượn như đi dự hội. Những con ong bầu to như ngón tay màu xanh tím kêu "ri ri" bay loang loáng dưới nắng mai. Nếu không bận tâm vì những lá thư rắc rối Thúy Vân mặc sức rình rập, đuổi bắt mấy chú bướm vàng có chấm tròn màu tím biếc trên cánh để ép cất vào bộ sưu tập... Hôm đi chơi ở nhà Sưu về Thúy Vân nhận được một phong thư nữa. Lần này do bưu điện chuyển. Cũng những "lời tình cảm", ái mộ như thư trước nhưng lần này có thêm một đề nghị. Tác giả giấu tên viết "nếu không có gì bận mời Thúy Vân đến chơi tại câu lạc bộ văn nghệ quán cà phê Thanh Thảo vào chiều chủ nhật tuần này".
    Thúy Vân chưa biết "tác giả" là ai, nhưng ở câu lạc bộ văn nghệ Hương Ðồng thì có biết nhưng chưa quen một số anh chị qua đêm giao lưu kết nghĩa mấy tuần trước. Ðó là một nhóm học sinh, sinh viên và giới viết lách nghiệp dư hay hội họp, sinh hoạt để thưởng ngoạn những sáng tác thơ ca, nhạc, tiểu phẩm do họ sáng tác. Những tay đàn hát của huyện cũng được mời tham gia nhưng còn đang do dự không muốn vào vì muốn dành thời gian để học. Năm nay thi hết cấp rồi. Ðang suy nghĩ vẩn vơ bỗng Thúy Vân giật mình. Mỹ Dung và Ngọc Hiệp ùa vào phòng như cơn gió. Thúy Vân giấu nhanh lá thư đang để trên quyển vở xuống hộc bàn nhưng không qua mắt được Ngọc Hiệp.
    - Ê! Bắt quả tang nghe chưa! Ðang đọc thư của Hoàng Hòa, thấy bọn ta vào liền cất giấu... - Hiệp chỉ tay hoạnh họe.
    Thúy Vân lúng túng định chối:
    - Ðâu có, thư của anh Biền tao ở thành phố gửi về.
    Mỹ Dung chống nạnh hai tay hất hàm:
    - Thật không? Mau đem ra đây tao kiểm tra, chữ anh Biền tao biết liền.
    Biền trước đây hay làm thơ tặng Mỹ Dung. Hiện Biền là sinh viên đang theo học ở thành phố. Ngọc Hiệp đế thêm vào:
    -Thiệt vàng sợ chi lửa, Thúy Vân mi cứ đem ra. Biết đâu thư anh Biền có gì liên quan đến Mỹ Dung...
    Biết không thể giấu được Thúy Vân đành cười thua:
    - Ðó! Dưới hộc bàn kìa! Ðứa nào xem cứ xem.
    Ngọc Hiệp liếc xéo Thúy Vân, tay trịnh trọng đưa vào hộc bàn như một điều tra viên vừa phát hiện một vụ án lớn. Ngọc Hiệp, Mỹ Dung châu đầu vào đọc. Hai nét mặt thật căng thẳng và nghiêm trang. Những nếp nhăn trên trán Ngọc Hiệp từ từ giãn ra.
    - À ra thế! Chàng ta hẹn nàng chiều chủ nhật tuần này tức chiều nay tại cà phê Thanh Thảo. To gan thật!
    Mỹ Dung nhìn Thúy Vân:
    - Bây giờ mi tính sao?
    - Biết đâu! Ta không có suy nghĩ gì hết. Thúy Vân thụ động trả lời.
    Ngọc Hiệp nheo mắt:
    - Bọn ta không can dự, luận bàn gì cuộc "hò hẹn" của mi với nó, chỉ hỏi mi tính sao với sự phát hiện của bọn ta. Và không trừ khả năng bọn ta sẽ chuyển thông tin ấy lên mạng internet để... khắp thế giới đều biết!
    Thúy Vân buột miệng:
    - Ấy chết! Ðừng! Ðừng!
    Biết chúng buộc mình "hối lộ" nên Thúy Vân hứa ngay:
    - Một chầu chè xôi nước quán bà Ba.
    Ngọc Hiệp nhếch môi cười:
    - Ðược, biết điều như thế là tốt. Nhưng bây giờ phải có cái gì sơ sơ trước đã!
    Biết hai đứa bạn luôn háu ăn Thúy Vân mở ngăn kéo lôi ra gói kẹo dừa Bến Tre của bà bạn mẹ vừa cho nó.
    - Cám ơn anh chàng Hoàng Hòa đẹp trai, học giỏi, đàn hay sớm ươm trồng cây si ở cổng nhà mi nên bọn ta mới được ăn thứ kẹo ngon này.
    Không lấy gì làm chắc rằng Hoàng Hòa là tác giả những lá thư kia. Hơn nữa nét chữ viết không phải của Hoàng Hòa. Nhưng Thúy Vân chưa kịp thanh minh. Vốn bản tính hiền hậu. Thúy Vân luôn bị bạn "ăn hiếp". Mỹ Dung và Ngọc Hiệp được thể càng lấn tới. Lần này Thúy Vân càng ngán hai đứa bạn quí. Nó nghĩ "Mình đang gặp rắc rối, đáng lẽ chúng nó "gỡ rối tơ lòng" giùm mình. Ðằng này chúng cứ vô tư..."
    Thấy Thúy Vân mặt cứ rầu rĩ nhìn ra vườn Ngọc Hiệp mới cảm thấy ái ngại. Nó vuốt nhẹ tóc bạn:
    - Sao mà buồn quá vậy? Thế là chuyện giữa mi với người ấy đến giai đoạn... lâm ly bi đát rồi. khổ thế! Tao biết mà một khi đã vướng vào "sợi dây tình ái" cũng giống như... gà mắt tóc!
    Ðang buồn bực Thúy Vân cũng phải phì cười trước nhận định hàm hồ của Ngọc Hiệp. Có gì đâu mà nó hô lên dữ quá. Thúy Vân bắt bẻ lại nó chơi:
    - Mi nói "tao biết mà..." tức là mi đã biết, nghĩa là mi "sư phụ" ta khoản này...
    Mỹ Dung tủm tỉm cười liếc xéo Ngọc Hiệp ra vẻ đồng tình với Thúy Vân:
    - Thúy Vân nói nghe có lý!
    Ngọc Hiệp chưng hửng. Nó chớp mắt lúng túng nhưng trấn tĩnh ngay:
    - Tao... làm gì biết! Chẳng qua tao đọc đâu đó trong sách.
    Thúy Vân chắp tay lại:
    - Ta bái phục mi nhanh hơn chồn!
    Ngọc Hiệp được đà càng lên giọng hể hả:
    - Nhanh chậm gì. Cái gì cũng có sách vở hết. Ðọc thì biết thôi. Ðâu phải trải qua rồi mới biết...
    Dẩu sao ba bạn cũng cười vui vẻ. Thúy Vân một thoáng như quên đi những âu lo lúc nãy. Một lát Ngọc Hiệp tiếp tục ba hoa.
    - Nhờ quan sát, nhận xét thực tế kết hợp với tham khảo, nghiên cứu trong sách vở, báo chí ta nắm rõ như biết chắc trong tay những hiện tượng như trường hợp của mi bây giờ. Thúy Vân mở to mắt nhìn Ngọc Hiệp.
    - Mi nói sao có vẻ bài bản y như nhà tâm lý học!
    Ngọc Hiệp nhún vai, cử chỉ tự tin:
    - Dĩ nhiên ta đã "dày công nghiên cứu" từ lâu rồi. Nói cho dễ hiểu thầy thuốc đâu nhất thiết phải trãi qua bệnh để biết bệnh và trị được bệnh...
    Mỹ Dung chen vào:
    - Thế mi chữa được bệnh không?
    - Ồ! Tất nhiên rồi! Bắt mạch, kê toa, bốc thuốc... - Ngọc Hiệp khoát tay rất điệu nghệ. Nó nhìn Thúy Vân rồi mỉm cười.
    - Nếu ai gặp "rắc rối tâm tình" đến gặp ta. Ta sẽ giải quyết nhanh chóng rốt ráo, đảm bảo không đẹp không ăn tiền. Còn tuyệt hơn các mục "giải đáp tâm tình" trên các báo...
    Thấy Ngọc Hiệp "nổ" quá xá, Thúy Vân tin. Nó bắt đầu nhìn Ngọc Hiệp với con mắt cảm phục. Ngọc Hiệp lại nghiêng ngó nhìn Thúy Vân ra vẻ thẩm định lại:
    - Khi nãy ta nói giỡn để trêu chọc mi, hơi quá "đô" một tí cho vui, chứ sự thật không đến nỗi thế phải không? Người ta gửi thư "ái mộ" mi coi như một hình thức tán tỉnh. Mi nửa thích thú nửa lo sợ phải không? Người ta mời mi đến quán, mi nửa bực bội vì người chưa quen mà dám mời mọc. Nhưng cũng cảm thấy vui vui bởi có người quan tâm đúng không? Nhưng toàn bộ sự việc mi rất lo âu bởi sợ rề rà tốn thời gian ảnh hưởng đến việc học tập đúng chưa?
    Thúy Vân cười giòn:
    - Ðúng! Ðúng! Sao mi "siêu" quá vậy. Mi có thể giúp ta!
    Ngọc Hiệp cười vỗ vai bạn:
    - Dĩ nhiên nếu thân chủ yêu cầu. Còn về khoản trả công tất nhiên phải hậu hĩ.
    Biết bạn có tâm hồn ăn uống nên Thúy Vân gật đầu hứa:
    - Cái đó khỏi lo.
    Mỹ Dung khi nãy đến giờ lẻn ra vườn, bây giờ nó lại vào với chùm mận chín trên tay. Ba bạn vừa ăn vừa đấu chuyện sôi nổi. Chuyện trường, chuyện lớp và nhất là chuyện chiều nay được bàn kỹ dưới sự cố vấn của Ngọc Hiệp: Ði hay không đi đến Câu lạc bộ văn nghệ tại quán cà phê Thanh Thảo.

    :tim::tim::tim::tim::tim::tim:

  3. #3
    Nhím Ngông Nghênh Hàn Cát Nhi's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 2005
    Nơi Cư Ngụ
    Quảng Bình
    Bài gởi
    14,798

    Default


    3
    Nói Câu lạc bộ văn nghệ cho oai chứ thực ra chỉ có một nhóm người chủ chốt, lâu lâu mới họp mặt anh em một lần. Những người chủ chốt đó là anh Trần Tử Sinh trưởng nhóm, Hoàng Hòa, Triều Hải, Nguyên Dũng và sau nầy có chị Lệ Yên công tác ở phòng thông tin văn hóa...
    Câu lạc bộ xuất thân từ ban nhạc. Ban nhạc xuất thân từ... dàn nhạc cụ cho thuê của Trần Tử Sinh. Trần Tử Sinh trước đây cũng là học sinh Trung học Mỹ Hưng. Tử Sinh vốn có năng khiếu về âm nhạc. Anh hát hay, đàn giỏi và làm trưởng ban văn nghệ trường. Ngoài công việc ở trường, anh thành lập riêng một ban nhạc ở nhà và lần hồi cũng sắm được bộ trống, đàn điện, Ampli, Micrô... Ban nhạc chuyên phục vụ cho các đám cưới, lễ lạc hay bất cứ việc gì nếu có thân chủ yêu cầu. Rồi ban nhạc cũng không tồn tại được lâu bởi Trần Tử Sinh tốt nghiệp lớp 12. Anh đậu Ðại Học Tổng Hợp vào thành phố học. Học được gần ba năm Tử Sinh phải bỏ học bởi hoàn cảnh gia đình lâm vào cảnh bi đát. Ba bỏ theo vợ bé. Mẹ qua đời đột ngột vì bạo bệnh ở tuổi năm mươi để lại bốn đứa con nhỏ mà anh là con đầu. Tử Sinh bỏ học từ thành phố về cáng đáng việc nhà lo cho em ăn học. Dàn nhạc cụ ngày trước trở thành phương tiện kiếm sống. Tử Sinh cho thuê nhạc cụ cho bất cứ ai cần. Anh lập lại ban nhạc cũ để phục các lễ tiệc. Các nhạc công là Triều Hải, một tay trống chơi rất "ngầu", cũng là bạn cũ của Tử Sinh. Anh không vào Ðại học. Hiện là thợ sữa chữa ti vi, đầu máy. Anh Nguyên Dũng chơi Ác-coóc, cũng là chủ hiệu may "Anh Vân" ở thị trấn. Hoàng Hòa chơi bass được Tử Sinh tuyển dụng từ năm nay. Lệ Yên làm ở phòng thông tin văn hóa từng đạt giải nhì liên hoan tiếng hát truyền hình của tỉnh. Lê Yên là "ca sĩ" trong ban nhạc, chị hát và ngâm thơ đều tuyệt. Trần Tử Sinh có một tâm hồn rất yêu văn nghệ nói chung. Anh không giới hạn hoạt động của mình trong lĩnh vực kinh tế. Tử Sinh muốn ban nhạc trở thành nơi hội tụ, giao lưu trong giới nhạc nói riêng và những ai sáng tác văn nghệ nói chung... Câu lạc bộ văn nghệ ra đời. "Trụ sở" đóng ở quán cà phê Thanh Thảo ngay đầu cầu thị trấn cũng sát bên nhà Tử Sinh. Người sáng lập câu lạc bộ còn muốn hoạt động của mình mang tính chất Xã hội, từ thiện. Có những đêm biểu diễn phục vụ hoặc lấy tiền giúp cho đồng bào nghèo, trợ cấp hội khuyến học, học sinh nghèo vượt khó... Nhiều đêm thơ, ca nhạc phục vụ ngày thương binh liệt sĩ, chào mừng bà mẹ Việt Nam anh hùng...
    So với các anh trong ban nhạc Hoàng Hòa còn rất trẻ về tuổi đời cũng như tay nghề. Hoàng Hòa rất siêng năng học hỏi các anh. Ðáp lại các anh cũng nhiệt tình chỉ bảo. Hoàng Hòa bận học ở trường nên thời gian tham gia ban nhạc cũng hạn chế. Tuy vậy nhờ ngoại hình trắng trẻo, "bảnh trai" lại chơi đàn khá, thổi sáo hay, mỗi lần xuất hiện ở những đêm ban nhạc phục vụ Hoàng Hòa được khán giả rất mến mộ. Người ta nói "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Hoàng Hòa tuy còn là học sinh, nhưng đã được như vậy cũng nhờ ba là một nhạc công trong đoàn ca múa Hương Quê của tỉnh nay đã nghỉ hưu. Ðể có tên gọi trong những lần biểu diễn Tử Sinh đặt tên ban nhạc là Hương Ðồng. Linh hồn của các lần sinh hoạt câu lạc bộ văn nghệ là ban nhạc. Những đêm giao lưu, bình thơ, giới thiệu sáng tác đều được ban nhạc giúp vui quan trọng hơn các "ca sĩ" của ban nhạc sẽ trình bày những ca khúc hoặc diễn ngâm những bài thơ của các tác giả. Dĩ nhiên quán cà phê Thanh Thảo nơi đăng cai tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ bao thầu việc bán cà phê, giải khát. Hoạt động của quán nhộn nhịp hẳn lên.
    Tuy hoạt động văn nghệ vừa vui và có thu nhập nhưng Tử Sinh thỉnh thoảng cũng buồn bã thể hiện qua nét mặt rầu rĩ. Mọi người đều hiểu hoàn cảnh gia đình anh rất khốn khó. Ðường công danh của anh nửa chừng phải gián đoạn bởi gánh nặng nuôi dưỡng đàn em nhỏ. Anh không thể để đàn em bơ vơ côi cút ở quê nhà để tiếp tục con đường học vấn. Mỗi mùa thi, khi những chòm phượng thấp thoáng giữa những vòm lá xanh, ve sầu tấu khúc hè về Tử Sinh càng u sầu. Bởi năm ấy anh giã từ mái trường Ðại học cũng độ hè về. Những chiều Tử Sinh lặng lẽ nhìn về một phương trời xa. Những phút giây như thế anh em trong ban nhạc nhìn nhau ngầm hiểu: Tử Sinh đang nhớ về bạn cũ, trường xưa nơi thành phố ấy.
    Chiều nay chủ nhật hàng tuần ban nhạc tập hợp dợt nhưng tuần này nhạc cụ bị mướn nên "nhạc công" được nghỉ. Tử Sinh ngồi tư lự một mình trong quán cà phê Thanh Thảo.
    Ba cô gái tiến vào quán. Ngọc Hiệp đi đầu thật hăm hở. Thúy Vân bẽn lẽn. Mỹ Dung vô tư huýt gió "Người tình mùa đông". Họ chọn một góc khuất gọi mấy ly nước. Mỹ Dung đưa mắt quan sát khắp quán. Mắt nó dừng lại ở người thanh niên ốm gầy, tóc để dài ngồi ũ rũ cách đó một khoảng khá xa. Bởi mãi đăm chiêu mặt hướng về phía khác nên người thanh niên không biết ba cô gái đã vào quán và đang nhìn mình. Mỹ Dung nháy Ngọc Hiệp:
    - Mi biết anh chàng kia là ai không? Sao trông anh ta có vẻ u sầu quá vậy?
    Ngọc Hiệp liếc mắt cười cười:
    - Ngày bữa gì anh chết sống này!
    Thúy Vân ngạc nhiên:
    - Ủa! Mi quen anh ta à!
    Ngọc Hiệp khôi hài:
    - Cha này ai không biết. Anh ta chết đi rồi sống lại nên gọi là Tử Sinh, trưởng ban nhạc Hương Ðồng đó.
    Thúy Vân và Mỹ Dung sực nhớ lại đêm lớp kết nghĩa với câu lạc bộ văn nghệ Trần Tử Sinh đứng ra tổ chức, là người giới thiệu chương trình. Ðêm đó đông người quá vả lại bọn lớp Vân quá quan tâm vào các tiết mục văn nghệ cũng như trò chơi nên không để ý kỹ những người trong ban nhạc. Trước đây Tử Sinh có học trường Mỹ Hưng nhưng chỉ học lớp 12. Lúc đó Vân, Dưng còn học cấp 2 nên không biết. Sau này có nghe biết ban nhạc Hương Ðồng nhưng Tử Sinh kiểu như "ông bầu" là người tổ chức sau sân khấu nên Vân, Dung không rõ. Duy Ngọc Hiệp có biết bởi anh cô là Ngọc Sang bạn của Tử Sinh. Ngọc Sang làm thơ, Nhiều đêm "giao lưu" ở câu lạc bộ văn nghệ.
    Ngọc Hiệp lại liếc nhìn anh chàng Tử Sinh rồi khiều nhẹ Mỹ Dung:
    - Hình như anh ta đang chờ đợi ai. Hay là chờ đợi Thúy Vân. Mỹ Dung ngước mắt vẻ không tin.
    - Vô lý! Anh ta chờ Thúy Vân sao Thúy Vân sờ sờ ở đây mà không biết.
    Thúy Vân nhìn hai bạn nói chuyện với nhau không hiểu mô tê gì cả. Ngọc Hiệp cười tủm tỉm:
    - Biết đâu "Người tình trong mộng" thường không rõ mặt.
    Thúy Vân bây giờ mới hé môi:
    -Các người nói toàn những chuyện trên trời dưới đất. Uống nước đi rồi về
    Thúy Vân nhấc ly Coca lên uống rồi sửa soạn đứng dậy. Ngọc Hiệp can:
    - Từ từ đã mi. còn sớm chán, chơi chút nữa có sao đâu! Hôm ở nhà Thúy Vân sau khi "nghiên cứu" kỹ 2 lá thư thật ra là hai mảnh giấy nhỏ cả ba đều nhận định rằng người viết đã không quen biết lại dám cả gan "hẹn" tại quán cà phê Thanh Thảo. Thúy Vân không chuyện gì lo nghĩ và chẳng hà cớ gì phải đến. Chiều chủ nhật ba bạn rṀ§ nhau đi ăn chè bắp bên kia sông. Trên đường về không hiểu sao Ngọc Hiệp nỗi hung dẫn vào quán. Mặc dù lúc ở nhà Thúy Vân, Ngọc Hiệp tuyên án "xử tử" kẻ vô lễ dám ngang nhiên gửi thư hẹn mời mà trước đó không hề quen biết...
    Ba cô gái không còn để mắt tới anh chàng tóc dài ngồi ở góc quán bên kia nữa. Câu chuyện của họ xoay qua việc trường lớp. Mấy chai Coca còn vỏ không. Thúy Vân mấy lần nhấp nhỏm đứng dậy. Bỗng nhiên có tiếng xe lạch cạch trước quán. Hoàng Hòa dựng xe thong thả bước vào. Trông nó vô tư hồn nhiên. Ngọc Hiệp vỗ tay đánh bốp.
    - Thôi rồi "Còn ai trồng khoai đất này". Chính nó hẹn chiều nay chớ ai.
    Hoàng Hòa giật mình khi thấy ba bạn gái cùng lớp nhìn nó chằm chằm. Nhìn qua góc quán thấy Tử Sinh ngồi đó. Vốn nhanh lẹ Hoàng Hòa chạy vội lại chỗ Tử Sinh xởi lởi:
    - Anh Sinh ơi, chiều chủ nhật sao buồn thế. Hay là cùng sang bàn bên kia chơi với mấy đứa bạn lớp em!
    Như sực tỉnh Tử Sinh mới ngẩng mặt nhìn Hoàng Hòa và quay nhìn lại chỗ bàn Thúy Vân. Ðang buồn bỗng có Hoàng Hòa đến lại rũ sang chơi với mấy bạn nữ của Hòa, Tử Sinh phần nào tươi tỉnh. Anh đứng dậy theo Hòa sang bàn của bọn Dung, Vân, Hiệp. Hoàng Hòa giới thiệu:
    - Ðây là Thúy Vân, Ngọc Hiệp, Mỹ Dung, "tam quái" lớp em đó.
    Ngọc Hiệp trợn mắt nhìn Hoàng Hòa trong khi Tử Sinh tươi cười:
    - Thông thường thì "tứ quái". Như vậy thiếu một cô nữa rồi!
    Hoàng Hòa cười hì hì:
    - Thế mà "tam quái" mới lạ chứ. Quái đản, quái dị, quái chiêu thuộc băng nữ quái...
    Hiệp, Vân, Dung há hốc miệng nhìn Hoàng Hòa. Mọi ngày ở lớp Hoàng Hòa hiền khô sao hôm nay bỗng nhiên "xí xộn" quá xá.
    Hoàng Hòa liếng thoắng:
    - Còn đây, anh Trần Tử Sinh, "xếp" của Hoàng Hòa trong ban nhạc đó.
    Ba cô gái cười chào Tử Sinh. Tử Sinh lịch sự:
    - Rất hân hạnh được làm quen với bạn của Hoàng Hòa.
    Tử Sinh hướng về phía Thúy Vân:
    - Thúy Vân thì nghe, biết lâu rồi hôm nay mới vinh dự được gặp mặt.
    Thúy Vân cười bẽn lẽn.
    - Tụi em mới vinh dự được gặp mặt trưởng ban nhạc Hương Ðồng..
    Ngọc Hiệp thêm:
    - Kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ nữa chứ!
    Nó bỗng nhìn Tử Sinh với con mắt tinh quái.
    - Nói chung là một nhân vật giữ nhiều trọng trách.
    Mỹ Dung nãy giờ yên lặng bỗng góp chuyện:
    - Làm lớn thế ai được gặp mặt mà không vinh hạnh!
    Tử Sinh cười:
    - Không dám đâu...
    Ngọc Hiệp gắt lời:
    - Riêng tụi em cảm thấy rất vinh hạnh và diễm phúc nữa. Bởi vì... - Ngọc Hiệp ngập ngừng.
    Hoàng Hòa xen vào:
    - Vì sao?
    Ngọc Hiệp liếc ngó Tử Sinh đùa cợt rất văn vẻ:
    - Bởi vì trong những trường hợp như thế này người làm "quan lớn" thường tỏa bóng mát đùm bọc, chở che... bao thầu các khoản lặt vặt cho những kẻ may mắn được tiếp cận.
    Ngọc Hiệp cười ranh mãnh nhìn về phía quầy hàng đang bày những thỏi sô cô la, bánh bông lan, kem hộp trong tủ gương lạnh.
    Hoàng Hòa vỗ tay:
    - Anh Tử Sinh thấy chưa! Tụi bạn em "nổ" ghê lắm. Mà mỗi lần nổ về phía ai cam đoan một trăm phần trăm người đó bị thiệt hại.
    Tử Sinh cười hiền khô:
    - Không! Anh không cảm thấy "bị thiệt hại". Như thế càng vui. Bạn em thông minh lắm.
    Tử Sinh ra dấu về phía quầy hàng. Một lát cô phục vụ mang ra một dĩa bánh to đủ loại. Lại có nước ngọt, cà phê đá.
    Ngọc Hiệp quay sang Thúy Vân, Mỹ Dung hể hả:
    - Ðúng không mấy em! Người ta nói "chọn mặt gửi vàng", bọn mình chọn đúng người gửi "Nguyện vọng".
    Tử Sinh vui hẳn lên. Những nét ưu tư cách đây mấy chục phút bỗng biến đâu mất. Anh sôi nổi:
    - Các em dùng bánh đi!
    Chẳng đợi mời lâu, Hiệp, Dung mỗi đứa nhón ngay một thỏi sô cô la. Thúy Vân cầm một miếng bánh bông lan nhỏ. Hoàng Hòa bóc bịch kem. Tử Sinh lấy muỗng khuấy cà phê...
    Ngọc Hiệp vui vẻ:
    - Chân thành cảm ơn. Nhưng sao khi nảy thấy anh rầu quá vậy. - Nó ngước mắt hỏi Tử Sinh.
    - Ừ, lúc nào ngồi một mình là anh vậy. - Tử Sinh đáp.
    Hoàng Hòa tiếp:
    - Bây giờ anh Tử Sinh có bạn để nói chuyện hết buồn rồi nghen. Vừa rồi ba bạn Hiệp, Vân, Dung chọn đúng người để gửi nguyện vọng thì lúc này anh cũng chọn đúng phóc đối tượng gửi gắm... tâm tình riêng.
    Tử Sinh vỗ tay, mắt sáng lên long lanh:
    - Ðúng! Ðúng!
    Ngọc Hiệp liếc Thúy Vân rồi nhìn Tử Sinh như gợi ý:
    - Có Thúy Vân nè, đối tượng số 1 đó.
    Thúy Vân cười chống chế:
    - Nó xạo đấy anh. Chính nó mới đúng đối tượng.
    Hoàng Hòa xen vào:
    - Chọn ai thì để tự ảnh. Không thể "đề xuất".
    Mỹ Dung cười:
    - Nhỡ ảnh chọn sai thì sao?
    Thúy Vân đề nghị:
    - Tụi em là tập thể nên xưa nay quen tâm tình... tập thể. Anh khỏi phải chọn riêng đối tượng nào.
    Hoàng Hòa vui vẻ:
    - Tất nhiên có tâm tình tập thể nhưng cũng có tâm tình riêng chứ, phải không các bạn? Hòa đoán rằng chiều nay anh Tử Sinh đang có nỗi buồn riêng, coi như một nỗi niềm riêng lẻ nên không thể trang trải tập thể được. Anh phải có một đối tượng có thể cảm thông với anh.
    Mỹ Dung vỗ tay đánh "đét".
    - Ðúng rồi! Trời xui đất khiến, Thúy Vân cũng có người hẹn ở đây để "giải bày tâm sự" mà không biết người đó là ai. Chắc chắn anh Tử Sinh thôi.
    Hoàng Hòa gập đầu:
    - Thế là Thúy Vân đúng đối tượng rồi. Sao mà thiêng vậy. Thôi bọn mình vào trong chơi bida để anh Tử Sinh với Thúy Vân tâm sự.
    Vừa nói Hoàng Hòa đứng dậy kéo Mỹ Dung và Ngọc Hiệp đi. Thúy Vân giẫy nẫy:
    - Không! Không! Ði về thôi... và nó đứng dậy.
    Tử Sinh trố mắt kinh ngạc. Anh thấy Hiệp, Dung, Hòa ăn ý nhau quá. Không biết có sự đặt trước hay tình cờ. Tử Sinh nhìn Thúy Vân khẩn khoản:
    - Em cứ ngồi lại đây chơi đừng về! Bạn em đùa vui vậy thôi. sẽ không có gửi gắm riêng tư gì cả. Bọn mình tâm tình tập thể thôi..
    Thúy Vân miệng lẩm nhẩm:
    - "Không! Không!...". - Vừa nói nó vội vã chạy ra sân chẳng kịp chào ai lấy xe đạp của Ngọc Hiệp đạp chạy thẳng một mạch, mặc cho Tử Sinh, Hoàng Hòa, Mỹ Dung, Ngọc Hiệp đứng đó tần ngần không biết ra làm sao...


    :tim::tim::tim::tim::tim::tim:

  4. #4
    Nhím Ngông Nghênh Hàn Cát Nhi's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 2005
    Nơi Cư Ngụ
    Quảng Bình
    Bài gởi
    14,798

    Default

    4
    Vừa thấy Ngọc Hiệp và Mỹ Dung ở đầu đường Thúy Vân mừng rỡ như cả năm chưa gặp. Mặc dù chỉ mới không gặp nhau đâu chưa quá ba ngày do được nghĩ lễ bắt đầu qua ngày chủ nhật. Buổi sáng thứ hai sinh hoạt ngoại khóa, do thầy cô bận họp ba bạn gặp nhau hết sức vui vẻ, chuyện ở quán cà phê Thanh Thảo coi như bỏ qua không ai nhắc đến nữa. Dù sao từ ấy đến giờ cũng gần tháng rồi.
    Thúy Vân hân hoan:
    - Nhìn mặt các ngươi thấy vui vẻ quá, chắc vừa gặp chuyện vui.
    Ngọc Hiệp quan sát Thúy Vân rồi đùa cợt lại:
    - Ðâu vui bằng mi, nhìn này!
    Hiệp chỉ xuống chiếc xe đạp Thúy Vân đang đi. Thúy Vân vừa được ba sắm cho chiếc xe mới toanh "hết cấp". Thúy Vân cười:
    - Quà thưởng thành quả học kỳ vừa qua!
    Mỹ Dung săm soi nhìn chiếc xe buột miệng:
    - Ba mi tuyệt thật, khen thưởng kịp thời đúng lúc...
    Ngọc Hiệp chợt nheo mắt nhìn Thúy Vân:
    - Ê! mi có biết rửa xe không?
    Thúy Vân thành thật:
    - Sao không biết. Tao vừa rửa xong, lau khô cẩn thận...
    Ngọc Hiệp cười lớn:
    - Mi "quê một cục". Rửa xe mới không thể hiểu theo nghĩa đen nghe chưa!
    Thúy Vân ngạc nhiên:
    Rửa xe là... rửa xe chứ còn nghĩa bóng nghĩa gió gì nữa? Mi học ở đâu đó?
    Mỹ Dung chỉ vào quán chè "bà Ba":
    - Nó học ở trong này...
    Thúy Vân thoáng hiểu phì cười:
    - Học cái gì trong đó?
    Ngọc Hiệp tỉnh khô:
    - Ừ! Không riêng gì quán nầy mà ở tất cả các quán khác. Hễ ai có được món đồ mới trị giá 10.000 đồng trở lên thì dẫn bạn bè đến "Rửa".
    Thúy Vân cười:
    - Thì bây giờ ta dẫn xe với các ngươi vào mượn chủ quán cái ca, xin ít nước, múc nước... rửa giùm ta.
    Mỹ Dung trợn mắt:
    - Mi giả vờ "Thông minh mà chậm hiểu". "Rửa" cũng có nghĩa là "Khao" bạn bè một chầu mừng món đồ mới của mình đó.
    Vừa nói Ngọc Hiệp nắm tay lái xe Thúy Vân dẫn vào quán chè bà ba. Thúy Vân than:
    - Không biết trong từ điển tiếng Việt có xếp "Rửa" với "Khao" vào một nhóm từ đồng nghĩa không!
    Ngọc Hiệp cười hề hả:
    - Chắc chắn là có thôi, nếu không sau nầy người ta bổ sung có khó gì...
    Tuy bị buộc phải đãi bạn một chầu chè nhưng Thúy Vân rất vui vẻ và cũng ngán mấy đứa bạn già miệng già mồm. Ba cô gái ngồi chễm chệ trên những chiếc nghế mây to quanh một cái bàn tròn. Trước mặt họ ba ly chè "thập cẩm" rất hấp dẫn... Ðang ăn bổng nhiên Ngọc Hiệp bỏ muỗng xuống, mặt trở nên lo lắng:
    - Ê! bọn mi đã làm xong "tác phẩm" chưa?
    Nguyên là cô Hạnh giáo viên Văn đã ra bài tập ở nhà. Mỗi học sinh phải "sáng tác" một tác phẩm thơ hoặc văn. Bài tập ngoại khóa của cô có nhiều mục đích. Một trong những mục đích mà cô nhắm đến là muốn lớp có một tập san trong đó tuyển những thơ văn của các em. Coi như tập san là một dạng lưu bút để làm lưu niệm trước khi học sinh như đàn chim rờI xa mái trường trung học tung cánh đi bốn phương. Bài tập của cô không gò bó về phương pháp cũng như đề tài, rất tự do. Nhưng cũng chính vì thế nhiều học sinh chẳng biết đâu lần mò. Nhưng cũng có bạn bước đầu viết được những bài thơ nhỏ, những tạp văn tùy bút... Và đặc biệt một số bạn rất khá có khả năng "cho ra" những tác phẩm hay. Bởi các bạn đó thường xuyên đọc báo Mực Tím, Áo Trắng, Hoa Học Trò... và có tham gia gửi bài. Một vài "Tác Giả" của lớp có tác phẩm đăng báo Mực Tím. Trong số đó có Thúy Vân.
    - Bọn ta có ý định nhờ mi chỉ cho ít đường. Thú thật làm thơ ta cũng có tập tễnh đôi câu. Nhưng viết rồi lại bỏ đi bởi khi đọc lại thấy... lãng xẹt. Văn lại càng mù tịt.
    Mỹ Dung biểu đồng tình:
    - Ừ! Ta cũng vậy. Không hiểu sao mình dốt chuyện văn thơ quá. Ðến nước nầy phải trông cậy vào Thúy Vân thôi!
    Nghe hai bạn sắp nhờ vả lại mình Thúy Vân ngồi yên chớp mắt. Bỗng nhiên một ý nghĩ tinh nghịch thoáng hiện trong đầu nó. Có lẽ bị Ngọc Hiệp và Mỹ Dung bắt nạt nhiều lần nên nó cũng học lại được mấy chiêu. Thúy Vân ra vẻ nhiệt tình:
    - Ồ! Ta sẽ sẵn sàng nhưng...
    - Vì sao lại "nhưng"? Bộ mi... - Ngọc Hiệp bồn chồn.
    Thúy Vân tỉnh queo:
    - Bọn mi đưa lời "thỉnh cầu" hơi muộn, phải chi sớm hơn một chút nữa.
    Mỹ Dung trố mắt ngạc nhiên:
    - Gì mà muộn? Còn cả hai tuần nữa mới hết hạn nộp bài mà!
    Ngọc Hiệp nghi ngờ:
    - Sớm một chút nữa là lúc nào?
    Thúy Vân vẫn giữ bộ nghiêm:
    - Ví dụ như lúc trước khi vào quán nầy... Ðó là ta nói đối với ta thôi tất nhiên phải ảnh hưởng đến những thỉnh cầu bọn mi. Lúc đó tình hình sẽ khác, ta đâu đến nỗi phãi đi rửa xe...
    Ngọc Hiệp và Mỹ Dung cùng "à" lên một tiếng.
    Mỹ Dung cười nhìn Thúy Vân.
    - Nhà ngươi cũng đáo để thật chứ chẳng vừa đâu!
    Thúy Vân nheo mắt tinh nghịch:
    - Chớ sao! "Cá ăn kiến rồi kiến sẽ ăn cá", lẽ đời xưa nay là vậy các em quên rồi sao?
    Mỹ Dung quay sang Ngọc Hiệp:
    - Qua lĩnh vực "thi ca" này Thúy Vân nó "lên đời", "chuyển tông" rồi, biết tính sao đây?
    - Bây giờ nhà ngươi yêu cầu bọn ta "đáp ứng" những gì để lời "thỉnh cầu" được giải quyết? - Ngọc Hiệp hỏi.
    - Ðể từ từ ta suy nghĩ đã. - Thúy Vân đáp.
    Ngọc Hiệp xuống nước:
    - Chỗ bạn bè mi nghĩ gì cũng vừa vừa nhẹ nhẹ thôi nghen!
    - Lâu lắm mới nghe mi xuống lời kêu gọi "chỗ bạn bè". Nói vậy chứ ta không bắt chẹt đâu. Trước mắt bây giờ thay vì ta "rửa xe" các ngươi phải mừng xe mới của ta.
    Vừa nói Thúy Vân nháy mắt xuống mấy ly chè...
    Mỹ Dung cười:
    - Ðược rồi, ta với Ngọc Hiệp sẽ lo ngay... Ta với nó vốn "chiêu hiền đãi sĩ" mà.
    Ngọc Hiệp vào đề ngay:
    - Bây giờ tranh thủ thời gian nghỉ nầy mi có thể hướng dẩn bọn ta về đề tài cũng như cách viết.
    - Hướng dẫn về cách làm thơ đi! - Mỹ Dung thêm.


    :tim::tim::tim::tim::tim::tim:

  5. #5
    Nhím Ngông Nghênh Hàn Cát Nhi's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 2005
    Nơi Cư Ngụ
    Quảng Bình
    Bài gởi
    14,798

    Default

    4 (cont)

    Ngọc Hiệp biểu đồng tình:
    - Ðúng đó! Ðọc thơ Thúy Vân đăng trên báo mực tím bài "Thương Màu Phượng Thắm" hay ghê. Không biết muốn làm một bài thơ như thế người viết phải có những điều kiện gì, làm như thế nào, bắt đầu từ đâu...
    Nghe hai bạn muốn đi sâu tìm hiểu công việc "Thơ thẩn" của mình Thúy Vân cảm thấy thích thú. Nhưng thật tình nó cũng chẳng biết "lý thuyết" về làm thơ. Quá trình "sáng tác" của nó là một nhu cầu tự nhiên bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Nó cũng chưa hề nghĩ làm thơ phải làm như thế nào bây giờ phải "lên lớp" bất tử như vậy nó thật lúng túng. Nhưng đã lỡ nhận làm "hướng dẫn viên" coi như "cỡi lưng cọp" rồi Thúy Vân cũng đóng bộ chơi luôn. Thúy Vân trầm lặng. đưa đôi mắt trong veo nhìn ra ngoài. Nó đang nghiệm lại mình làm thơ như thế nào. Trong phút giây yên lặng nó vất vả như đang vật với chính mình. Nó cố gắng moi trong óc ra một vài cọng... lý thuyết khả dĩ để "lên lớp" Mỹ Dung và Ngọc Hiệp coi như "bửu bối" hù chúng nó và để sau nầy chiếm thế thượng phong trong những lần bị Hiệp, Dung già miệng, già mồm hiếp đáp dài dài...
    Trong lúc đó Ngọc Hiệp, Mỹ Dung đưa mắt nhìn nhau. Những nét tinh nghịch, láu lĩnh hàng ngày trên khuôn mặt hai đứa biến mất. Thay vào đó là sự nghiêm trang đến buồn cười. Hai đứa thật sự cảm phục cô bạn "đại thi hào" đang trầm mặt trong cõi tâm linh và sắp ban cho những bí quyết thiêng liêng mầu nhiệm...
    Thời gian chầm chậm trôi. Thúy Vân cũng nghĩ ra được một đôi điều lý... sự. Nó tằng hắng lấy giọng rồi lừ mắt lướt qua hai bạn. Mỹ Dung, Ngọc Hiệp như nín thở hồi hộp. không gian im ắng đến nỗi con ruồi bay qua cũng nghe được.
    - Thơ là tiếng ngân dài của cảm xúc từ con tim. Nhưng không phải ai cũng có được cảm xúc. Muốn có cảm xúc phải tập cho mình (nếu không có năng khiếu bẩm sinh) những cảm nhận, suy nghĩ hết sức tinh nhạy và độc đáo đối với tong chi tiết nhỏ của cuộc sống đang diễn ra quanh ta hàng ngày...
    Ngọc Hiệp và Mỹ Dung cùng ồ lên một tiếng cảm phục. Chúng nó biết đâu Thúy Vân nhớ lại một đoạn đâu đó trong sách mà nó đọc được.
    Mỹ Dung nóng nãy:
    - Tuyệt quá nhưng mi hãy nói cụ thể hơn một chút.
    Thúy Vân trừng mắt:
    - Từ từ, không được xen ngang.
    Ngọc Hiệp nhíu mày nhìn Mỹ Dung ra vẻ không hài lòng về thái độ hấp tấp của bạn. Mỹ Dung rụt cổ ngồi lặng thinh...
    Thúy Vân làm bộ phật ý không nói nữa. Ngọc Hiệp, Mỹ Dung nhìn nhau lo lắng. Hành cho hai bạn lo âu một lúc Thuý Vân mới trở lại "nội dung kiến thức" lúc nãy và có chiếu cố đến ý kiến "xen ngang" của Mỹ Dung:
    - Nghe rồi tự mình liên hệ với thực tế chứ ai hơi sức đâu mà cụ thể... Nhưng thôi ta cũng cho một ví dụ như thế này để các ngươi hiểu rồi từ đó mà... suy ra. Một chi tiết bình thường thôi, nhìn một bông hoa tàn tạ, héo úa rụng rơi trong vườn sau cơn mưa chiều, đối với người thường thì đó là điều hiển nhiên không có gì đáng nghĩ, đáng nói. Nhưng đối với người có hồn thơ thì lẽ thường tình, đơn giản đó gây cho họ một xúc cảm mạnh, do những cảm nhận tinh tế xuất phát từ nhiều mối liên tưởng trong... cuộc sống. Cảm xúc nẫy sinh sẽ thành thơ. Những ý thơ sẽ bắt đầu từ đó...
    Ngọc Hiệp buộc miệng:
    - Tuyệt cú mèo! Phải thế mới làm thơ được chứ!
    - Ừ! - Thúy Vân tiếp. - Như vậy trước tiên phải giàu cảm xúc, suy nghĩ độc đáo...
    Nghe bạn "thuyết" một hơi Hiệp, Dung đều lác mắt. Chúng có biết đâu Thúy Vân photocopy lại nguyên trong sách. Ðến đây Thúy Vân cũng gần hết vốn...
    Mỹ Dung thắc mắc:
    - Bản thân ta cũng có thể có những nguồn cảm xúc từ thế giới chung quanh nhưng làm sao diễn đạt thành... thơ.
    Thúy Vân làm bộ giữ "bí mật":
    - Cái đó bí quyết... gia truyền. Ta chỉ truyền cho in ít thôi tùy theo thái độ, cử chỉ thành tâm "học đạo" của bọn mi.
    Ngọc Hiệp suýt xoa:
    - Bọn ta rất quyết tâm và sẽ trả công mi xứng đáng.
    Thúy Vân suýt cười xòa nhưng nén lại được:
    - Khi đã có cảm xúc, nghĩ suy rồi thì dùng... chữ viết để diễn đạt...
    Khi "thuyết giảng" đến đây "Ðại thi hào" coi như đã vét sạch vốn không còn gì để nói. Vì quá thần phục cô bạn nên Ngọc Hiệp, Mỹ Dung không để ý Thúy Vân đang lúng túng. Nhưng thi sĩ cũng kịp trấn tĩnh. Nó cũng học thói "đáo để" như Ngọc Hiệp:
    - Thôi đủ rồi, khi nào cần sẽ nói tiếp:
    Mỹ Dung năn nỉ:
    - Trời ơi! Sao lại không cần. Mi nói bọn ta hiểu ngay nhưng đến cái lõi của vấn đề chỗ thực hành như thế nào mi lại dừng bất tử thế có ác không chứ!!!?
    Thúy Vân gõ gõ tay lên bàn thản nhiên:
    - Khi nãy mi không nghe dùng từ "bí quyết" hay sao. Một khi ‘’bí quyết’’ được truyền đạt thì phải đi kèm theo những điều kiện.
    Ngọc Hiệp nhăn nhó:
    - Ðiều kiện gì? Trước mắt bọn ta đang mừng xe mới mi đây nè...
    - Nhằm nhò gì mấy cái lẻ tẻ. - Thúy Vân học đâu được cái bĩu môi rất điệu nghệ.
    - Thế mi cho biết cụ thể những "Ðiều kiện ắt có và đủ" để bí quyết được truyền đạt đến bọn ta?
    Thúy Vân gật gù:
    - Thường lệ mỗi buổi chiều thứ bảy một chầu chè bà Ba.
    - Nhất trí! - Ngọc Hiệp đưa tay ra bắt tay Thúy Vân. Thúy Vân rụt tay lại:
    - Ðó là thường lệ thôi chưa kể những lần đột xuất tùy hứng.
    Mỹ Dung le lưỡi:
    - Yêu cầu quá cao nhưng vì tâm hồn đam mê nghệ thuật bọn ta đồng ý.
    Ngọc Hiệp cười:
    - Tâm hồn đam mê nghệ thuật phải chấp nhận hy sinh vì tâm hồn ăn uống...
    Thúy Vân lừ mắt nhìn Ngọc Hiệp ý chừng "liệu hồn".
    Ngọc Hiệp buộc phải nín lặng ra bộ hoàn toàn nhất trí. Thúy Vân chậm rãi mở cặp lôi ra một quyển sổ bìa cứng màu xanh nước biển, giữa có hình đóa hồng tươi sặc sỡ tươi như thật, những giọt sương còn đọng trên cánh hoa đài các, khôi nguyên... Thúy Vân cẩn thận mở quyển sổ ra. Bên trong những trang giấy màu hồng, xanh, trắng chi chít những chữ. Có những tờ giấy rời xinh xắn chính giữa hay xéo ngang trình bày nắn nót mấy vần thơ... Ngọc Hiệp, Mỹ Dung chăm chú nhìn vào "cõi linh thiêng" nơi cất giữ chữ-nghĩa-tâm hồn của Thúy Vân.
    Lật lật mấy trang vở Thúy Vân chớp chớp mắt nhìn ra ngoài cửa quán. Nắng lên cao, trời xanh ngắt, tong đám mây trắng như bông nhởn nhơ phiêu bong như hút lấy ánh nhìn Thúy Vân cùng lãng du về phía chân trời xa xôi. Một cơn gió mạnh, lá ngoài vườn rơi xào xạc. Những trang giấy trong cuốn sổ trên tay Thúy Vân cũng bị gió cuốn lật qua rột roạt. Một mảnh giấy xanh nhạt bay ra rơi xuống đất nằm cạnh chân Ngọc Hiệp. Ngọc Hiệp nhón chân kẹp lấy miếng giấy cầm đưa lên cho Mỹ Dung. Mãi lơ đễnh Thúy Vân không để ý. Ngọc Hiệp và Mỹ Dung cắm cúi nhìn vào mảnh giấy xanh:
    Mai bé về chỉ còn lại mình anh.
    Sân trường Vắng - Cây bàng mơ mắt đỏ.
    Lạy trời nắng anh ươm lời bé ngỏ.
    Rồi lại mưa để tình bé lên xanh.
    Mai bé về anh còn lại quẩn quanh.
    Gom nhung nhớ chăm chút vườn yêu dấu.
    Bé có vui khi ngàn chim về đậu.
    Hát run lời chờ mong...
    Mai bé về đem kỷ niệm ra hong.
    Thì thầm khoe với trời thu biêng biếc.
    Những vần thơ chủ nhật hồng da diết.
    Chỉ gieo mãi một vần: Bé yêu. (*)
    T.T.S

    :tim::tim::tim::tim::tim::tim:

  6. #6
    Nhím Ngông Nghênh Hàn Cát Nhi's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 2005
    Nơi Cư Ngụ
    Quảng Bình
    Bài gởi
    14,798

    Default



    4 (tt)

    Ngọc Hiệp buộc miệng la:
    - Trời ạ! Có chuyện to rồi!
    Thúy Vân như sực tỉnh và kịp phát giác ra mảnh giấy nhỏ trong tập sổ mình đang ở trên tay mỹ Dung, Ngọc Hiệp.
    - Tờ giấy lộn bậy bạ, đưa đây ngay! - Thúy Vân bối rối
    Mỹ Dung lên tiếng:
    - Không phải tờ giấy lộn bậy bạ mà là một bài thơ tình!
    - Chết ta rồi! - Thúy Vân la lên khi đã nhận ra mảnh giấy xanh có bài thơ nhỏ.
    - Ðưa trả đây gấp! - Thúy Vân đưa tay về phía Ngọc Hiệp.
    - Bình tĩnh đã nào! Sao lại có chuyện đưa lại dễ dàng thế. - Ngọc Hiệp bắt đầu lên giọng.
    Thúy Vân xuống nước năn nỉ:
    - Hai đứa đưa lại cho ta đi! Gì ta cũng chịu.
    Ngọc Hiệp che miệng cười:
    - Hic! Hic! Hic! Một áng thơ tình tuyệt tác từ những cảm xúc tuyệt vời. Tác giả T.T.S tức Trần Tử Sinh đã bắt đúng tần số... thơ của mi và đã dùng thơ nối mạng chuyển tải lời thì thầm con tim... Ôi! Bọn ta không ngờ từ hôm ở quán cà phê Thanh Thảo đến nay có bấy nhiêu mà một chuyện tình đã lên... ngôi!
    Thúy Vân mặt ỉu xìu:
    - Bày đặt văn vẻ. Ðưa lại cho người ta đi! Các ngươi mất phép lịch sự quá.
    Mỹ Dung chu miệng:
    - Bọn ta đâu có lịch sự mà mất.
    - Ðể bọn ta giữ tạm ít hôm. Ngày mai đem xuống lớp bình thơ tác giả Trần Tử Sinh gởi Thúy Vân chơi. - Ngọc Hiệp đế vào.
    - Ấy chết! Ðừng giỡn! - Thúy Vân mặt biến sắc.
    Ngọc Hiệp giở giọng "Giang Hồ" ra:
    - Bây giờ mi muốn lấy lại để cất giấu tang chứng: "Anh ươm lời bé ngỏ"..., "Tình bé lên xanh", "Chủ nhật hồng da diết". "Mãi một vần: Bé yêu"... chứ gì. Muốn thế phải "điều đình" với bọn ta giống như lúc nãy bọn ta "điều đình" với mi những điều kiện để mi truyền đạt hướng dẫn cách làm thơ...
    Ðang lo âu Thúy Vân cũng phì cười trước cái láu lĩnh của Ngọc Hiệp.
    - Thôi huề hết.
    - Nghĩa là sao? - Mỹ Dung hỏi.
    - Bọn mi trả lại mảnh giấy cho ta, ta sẽ truyền hết bí quyết vô điều kiện.
    - Hic! Hic! Hic! - Ngọc Hiệp cười, chưa cân bằng để mi phán là "huề".
    - Chứ mi còn đòi gì nữa? - Thúy Vân liếc mắt hỏi.
    Ngọc Hiệp hoa tay trong không khí, mặt nghênh nghênh thật dễ ghét:
    - Mi phải truyền hết "bí quyết" cho bọn ta đi kèm theo những điều kiện mi đưa ra lúc nãy bây giờ thì... ngược lại, nghĩa là mi trở thành chủ chi...
    - Trời! Mi đáo để thật!
    Mỹ Dung hớn hở huýt sáo rồi cười tưng tửng:
    - Ðời là thế có gì phải than thở. Chính khi nãy mi nói "Cá ăn kiến, kiến ăn cá" mà...
    Thúy Vân đành nhượng bộ:
    - Thôi ta chấp nhận tất cả.
    Ngọc Hiệp một tay đưa mảnh giấy lại cho Thúy Vân, tay kia vỗ vỗ vai bạn, vừa an ủi, vừa dọa:
    - Tốt lắm! Cố gắng mà thi hành hiệp ước bất thành văn nầy. Tử Sinh biết được ảnh càng thương mi chịu nhiều xui xẻo vì ảnh. Nhưng chớ có dại dột mà phản bội các điều khoản đã thỏa thuận. Hai đứa ta đã photocopy mảnh giấy nầy vào... bộ nhớ hết rồi nghen!...
    Thúy Vân hơi rầu rầu tí xíu nhưng cũng vui vẻ ngay. Nó gọi chủ quán tính tiền. Ngọc Hiệp, Mỹ Dung nhìn nhau cười đắc thắng. Hai đứa không ngờ sáng nay gặp nhiều chuyện vui đến thế...

    :tim::tim::tim::tim::tim::tim:

  7. #7
    Nhím Ngông Nghênh Hàn Cát Nhi's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 2005
    Nơi Cư Ngụ
    Quảng Bình
    Bài gởi
    14,798

    Default

    5
    Nắng mỗi ngày thêm gay gắt. Bầu trời như cao hơn, xanh hơn, không một gợn mây. Ðâu đây trong những tán lá rũ mình dước ông mặt trời đỏ lưỡng hừng hực, văng vẳng tiếng ve râm ran. Trong vòm lá xanh trên cành phượng ở cổng trường lấp ló những chòm hoa phượng đỏ tươi. Mùa hè như ập đến gõ cửa từng nhà mỗi học sinh mà bảo rằng: ‘’Nè! Các bạn ơi sắp nghỉ ngơi rồi đó, không ai đến lớp ngồi học mà chịu nỗi cái nắng nóng của tôi đâu... Riêng các bạn cuối cấp dù nắng nôi thế nào củng phải ‘’tăng tốc’’ lên học thi đãy nhé... Thời gian không chờ các bạn đâu...’’.
    Chuyện bài tập ‘’sáng tác’’ rồi cũng xong. Dưới sự góp ý, giúp đỡ của Thúy Vân, Ngọc Hiệp và Mỹ Dung đều hoàn thành một tác phẩm thơ. Tất cả đã nộp cho cô giáo Hạnh. Cô đang duyệt, sửa bài và sẽ cho Rônêô. Vào những ngày này mọi việc ‘’Râu ria’’ không liên quan đến việc học thi đều bị xếp xó kể cả chuyện thơ phú ‘’nối mạng’’ giữa Tử Sinh và Thúy Vân mà Mỹ Dung, Ngọc Hiệp cho là đã và đang xảy ra, một đề tài rất hấp dẫn. Tất cả cùng chúi mũi vào học thi. Cổng trường đã khép lại cho các bạn lớp dưới nghỉ ngơi thỏa thích. Bọn lớp Vân đang ở trong giai đoạn học thi cao điểm. Năm nay kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học được gọi là thi tú tài gồm đến 6 môn thi. Tất nhiên ai cũng muốn mình vượt qua được cửa ải này để tiếp bước vào Ðại Học... Thúy Vân, Mỹ Dung, Ngọc Hiệp học đến phờ người. Nhiều đêm thức khuya làm mắt các cô trủng sâu, dáng gầy hơn. Một chiều Thúy Vân tranh thủ đến nhà Ngọc Hiệp mượn quyển giải bài tập Hóa, thấy Ngọc Hiệp ngủ gục trên bàn học. Những tia nắng xuyên qua cửa sổ nhảy múa trong phòng như khúc luân vũ mùa hè đem theo cái nóng kinh người. Nhiều giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt hốc hác của Ngọc Hiệp, Thúy Vân thấy thương. Nó muốn ‘’hù’’ một tiếng hay làm một cái gì đó cho Ngọc Hiệp giật mình tỉnh dậy nhưng thay vì thế Thúy Vân lại tìm cái quạt giấy phe phẩy cho bạn chút gió hiếm hoi. Hình như chút gió mát dù đang ngủ khuôn mặt Ngọc Hiệp có vẻ tươi tỉnh hơn. Thúy Vân cảm thấy thế. Một lúc lâu Ngọc Hiệp cựa mình rồi mở choàng mắt. Thấy Thúy Vân quạt cho mình Ngọc Hiệp cười:
    - Có người quạt cho mình ngủ thế này còn gì bằng...
    - Thấy mi ngủ giữa sao hỏa, ta kiếm cho chút gió...
    - Nghe cảm động thật. Hèn gì nhờ gió mát của mi mà tao mơ một giấc mơ đẹp. - Ngọc Hiệp vừa trả lời vừa lấy khăn ướt lau mặt.
    Thúy Vân chăm chú:
    - Mi mơ thấy gì?
    Ngọc Hiệp mắt sáng lên:
    - Ta mơ thấy bọn mình thi đậu Tú Tài, xong đậu luôn Ðại Học.
    - Ôi mơ cao quá! Nếu không nhờ ta quạt mát đưa hồn mi bay bỗng tận mây xanh chắc mi ‘’sà’’ xuống bọn mình rớt ừ ự hết. - Thúy Vân cười hóm hỉnh.
    Ngọc Hiệp nhìn Thúy Vân, mắt long lanh:
    - Nhưng nếu có thế thôi thì... nói làm gì!
    - Thế còn mơ gì nữa? - Thúy Vân ngạc nhiên.
    - Nói mi đừng chọc quê ta nhé. Cho đến bây giờ ta vẫn còn hồi hộp, một cảm giác rất khó tả...
    - Yên trí! Tường thuật lại đi, giấc mơ hoa, mơ tiên gì đó cũng được.
    Ngọc Hiệp lặng lẽ như đang nhớ lại giấc mơ qua. Nó nói nhỏ chỉ vừa Thúy Vân nghe như sợ người khác nghe được.
    - Ta mơ hôm lớp họp mặt lần cuối trước khi vào Ðại Học mọi ngườI yêu cầu ta hát. Nhưng ta không biết hát nên đọc thơ. Cái bài thơ ‘’Mưa Hoa’’ ấy, một cảm xúc khi ta về thăm lại trường cấp 2, trong đó có một chi tiết thật vẫn còn đeo đẳng đến tận bây giờ và có lẽ đến... suốt đời. Bài thơ này khi ta tập tễnh làm ra mi đã giúp sửa chữa, gọt giũa, thêm bớt, thay thế từ ngữ, hình ảnh. Nhưng chi tiết đó ta lờ đi nên không hiểu hết... và ta mơ ta đọc bài ‘’Mưa Hoa’’ ấy giữa đêm liên hoan chia tay để tặng cho một người.

    Về thăm trường cũ
    Mưa bay
    Sợi giăng giăng nhớ
    Sợi quay quắt tìm.
    Dẫu xưa
    Năm tháng nổi chìm
    Ðâu bài cô giảng
    Thầy nghiêm khắc ngồi?!
    Trò chơi nông nổi lỡ rồi...
    Ðể đôi mắt trách...
    Một đời thiết tha...
    Ðung đưa
    Gió chạm vỡ òa
    Khoảng trời tuổi mộng
    Mưa hoa
    Nở đầy!!! (*)


    :tim::tim::tim::tim::tim::tim:

  8. #8
    Nhím Ngông Nghênh Hàn Cát Nhi's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 2005
    Nơi Cư Ngụ
    Quảng Bình
    Bài gởi
    14,798

    Default

    5 (cont)

    Và người đó đã lên tặng cho ta một đóa hoa hồng.
    - Cực kỳ lãng mạn. - Thúy Vân la lên.
    - Cho đến bây giờ dư âm của bao cảm xúc lúc đó dù là mờ thôi vẫn còn lưu lại đến bây giờ.
    Thúy Vân bật cười:
    - Lúc nào học căng quá có lẽ ta cũng bắt chước mi... ngủ gục để có được những giấc mơ lãng mạn.
    Ngọc Hiệp ngồi lặng lẽ, khuôn mặt ‘’chằn ăn’’ quỉ quái của nó hằng ngày biến đâu mất. Thay vào đó sự trầm tư với đôi mắt xa xăm phảng phất những nét ưu buồn. Ðang lúc soạn trong chồng sách học thi của Ngọc Hiệp để tìm quyển sách bài tập Hóa bất chợt Thúy Vân nhìn qua bắt gặp Ngọc Hiệp ngồi đó như đang chìm đắm trong hồi tưởng về giấc mơ hồng của nó. Thúy Vân nhíu mày ngạc nhiên. Lần đầu tiên nó thấy một Ngọc Hiệp bần thần ngớ ngẩn, xem ra có vẻ ưu tư và buồn. Tất cả đều trái ngược với bản chất hồn nhiên, vui nhộn, ưa quậy phá hằng ngày của nó. Thúy Vân vỗ vai Ngọc Hiệp.
    - Nè, vẫn chưa tỉnh mộng hay sao?
    Ngọc Hiệp cười nhẹ:
    - Tỉnh rồi nhưng vẫn còn mơ...
    - Sao hôm nay mi ăn nói lẩm cẩm quá, hay là học quá phát khùng. - Thúy Vân đưa tay sờ trán Ngọc Hiệp.
    Thúy Vân chợt nhớ ra:
    - Í mà quên! Người tặng hoa cho mi là ai vậy?
    - Chưa thể nói được.
    Thúy Vân vỗ tay cười:
    - Hic! Hic! Quả đúng như lời thầy Bình thường nói: ‘’Giấy mơ là cuộc sống thực tại kéo dài’’. Giấc mơ cũng có cơ sở từ thực tế đấy. Nhưng nó là ai?
    Ngọc Hiệp bồi hồi ngược dòng ký ức.
    Sáng hôm ấy mặc dầu dậy thật sớm nhưng vì phải bận phụ với mẹ dọn dẹp nhà cửa nên nó đến trường muộn hơn thường lệ. Vừa xong việc nó rửa tay qua loa, thay vội áo quần, vớ cái cặp sách nhảy lên xe, đạp vùn vụt xuống trường. Nếu không sợ trễ giờ nó cứ thong thả mà đạp xe bởi đã mấy năm học trung học từ lớp 6 nó phải đi về trên chiếc xe đạp. Ðường xa trên chiếc xe cà tàng tạo cho nó thói quen dưỡng sức mà đi không phải vội vã. Với lại nó có một tâm hồn nhạy cảm với thiên nhiên. Nó thích trên đường đi nhìn ngắm trời mây, cánh đồng lúa xanh mênh mông và bên kia những dãy núi lô nhô trải dài đến tận chân trời. Con đường này nó đi lại cả tỷ lần từ thời thơ ấu. Nó thuộc lòng. Quen nhẵn mắt đến từng con dốc nhỏ, đoạn cầu, từng ổ gà, gốc cây, đến mỗi màu sắc từng cánh đồng, khối hình những dãy núi... Thế mà cứ mỗi sớm mai đi qua nó thấy như chúng đều khác lạ và mới đẹp làm sao. Hôm nay núi xanh hơn, trời trong và lặng gió. Trên cao những áng mây trắng lững lờ trôi dạt về phía núi ngàn xa... Thảo nào cô giáo viên văn bảo nó giàu cảm xúc hay mộng mơ và nhiều khả năng quan sát, cảm nhận tinh tế. Nhưng hôm nay quẳng cái mộng mơ chết tiệt ấy đi. Thời gian đâu để mà nhìn ngắm trời mây! Lớp 9/4 của nó, lớp quỉ quái ấy có những qui định riêng rất lạ đời mà không lớp nào có. Một học sinh của lớp vi phạm nội qui nhà trường như đi học trễ, không thuộc bài, không làm bài tập ở nhà hay những qui định khác dù đã bị thầy cô khiển trách, phạt nhưng liền sau đó sẽ bị cả lớp ‘’phạt’’ thêm trong giờ ra chơi hay bất cứ thời gian nào thuận tiện. Cách phạt là bị... đấm tập thể. Con gái thì bị bung tai. Năm sau dân kẹp tóc được tha. Bọn con trai vẫn giữ nguyên lệ cũ. Nguyên do bắt đầu từ giờ học của thầy Nam. Thật ra không phải vì giờ học đó mà tại thằng Hưng Ngưu Ma Vương, Hải Sún... bày đặt thêm ra biến thành một trò chơi. Trò chơi ngày càng thêm hấp dẫn khiến cả lớp hồ hỡi tham gia xem như một dịp để mà chơi lẫn nhau, ít ra cũng bị vài chục cú đấm vào lưng. Học sinh nào bị lớp phạt coi như bị ‘’đọa’’. Hôm đó tiết toán thầy Nam lớp đã đăng ký với đoàn trường tiết học tốt. Trong phần kiểm tra bài cũ có một học sinh không làm bài tập ở nhà. Thế là tiết học không thể xếp loại tốt. Cả lớp rầu như đám ma. Thầy Thanh chủ nhiệm ‘’giũa’’ lớp một trận tơi bời. Thầy bảo lớp không có tinh thần tập thể ‘’Mình vì mọi người, mọi người vì mình’’. Thầy nói: ‘’Mỗi hành vi của một cá nhân đều ảnh hưởng đến tập thể và ngược lại. Ðơn cử như một học sinh đi trễ. Xin vào lớp làm giờ học phải dừng lại mấy phút ảnh hưởng đến mấy chục con người. Cá nhân đó phải vì tập thể mà không làm mất thời gian của họ. Tập thể vì quyền lợi của mình và cũng vì lợi ích của cá nhân đó không để cho cá nhân đó vi phạm’’. Sau khi liên hệ vì bạn đó mà cả lớp thiệt thòi thầy kết luận:
    - Từ nay tập thể lớp vì quyền lợi tất cả mà có biện pháp với những cá nhân sai phạm, không chấp hành...
    Ðã hết tiết, đến giờ ra chơi, thầy ra khỏi lớp mà cả lớp vẫn ngồi lặng lẽ. Lớp trưởng Lạc đứng dậy:
    - Từ nay cho đến hết năm học lớp ta nêu cao hơn tinh thần ‘’Mình vì mọi người, mọi người vì mình’’ trong học tập cũng như các loại hoạt động khác...
    Thằng Minh Nhòng bỗng nhiên vọt lên bàn giơ nắm tay lên:
    - Nhất trí! Nêu cao! Nêu cao!
    Hải Sún ngồi bàn sau lia ngang mắt cá chân Minh Nhòng ‘’Cốp’’ một thước đau điếng.
    - Khi không mi nhảy lên bàn hô khẩu hiệu thế làm sao cả lớp nhất trí với mi được.
    Minh Nhòng suýt xoa đau, lớp cười ồ lên. Ðợi cho lớp yên lặng Lạc nói tiếp:
    - Lớp sẽ theo dõi, xếp loại yếu về đạo đức cũng như ý kiến nghị với thầy chủ nhiệm bạn nào thiếu ý thức tập thể, cụ thể là...
    Lạc còn muốn trình bày thêm thì Hưng Ngưu Ma Vương từ đâu dưới lớp chạy lên bục giảng la to:
    - Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của lớp trưởng nghĩa nghĩa... là... là...
    Hưng Ngưu Ma Vương bỗng nói cà lăm khiến mấy bạn nữ ôm nhau cười rũ rượi. Từ lúc vào học lớp 6 cho đến nay chưa bao giờ thấy Hưng đội mũ nón. Cho dù là mưa nắng mà mùa nắng ở đây như thiêu đốt, nắng ‘’bể đầu’’. Một lần Vĩnh, ‘’sư’’ đọc truyện Tàu, thấy Hưng lùi lũi đi giữa nắng trưa. Vĩnh nói ‘’Hưng đầu trâu mới chịu nổi nắng này’’. Từ đó Hưng mang biệt danh ‘’Hưng đầu trâu’’. Mỗi lần bị ai gọi như vậy Hưng rượt đuổi Vĩnh chạy... Vĩnh bí quá đành đặt lại tên, thay ‘’đầu trâu’’ thành ‘’ngưu ma vương’’ nghe ‘’bác học’’ hơn. Ai cũng biết ‘’ngưu’’ là trâu nhưng Hưng có vẻ chấp nhận, không rượt đuổi đánh Vĩnh nữa...
    Ðang hứng chí định phát biểu hùng hồn trước lớp bỗng thấy mình cà lăm Hưng Ngưu Ma Vương cụt hứng. Nhưng vốn là học sinh giỏi, thông minh, Hưng trấn tĩnh ngay và bắt đầu ý kiến, cử chỉ mềm mỏng hơn:
    - Tôi ý kiến thế này các bạn ạ! Từ nay mỗi học sinh của lớp ta vi phạm nội qui kỹ luật trường lớp tức là không có tinh thần tập thể, không ‘’vì mọi người’’. Mà tập thể lớp ta đang phấn đãu đạt danh hiệu lớp tiên tiến. Bạn đó đã không vì tập thể thì tập thể sẽ không vì bạn đó. Ngoài những biện phát mà lớp trưởng nêu lúc nãy tôi đề nghị phạt thêm... Cả lớp nhao nhao lên:
    - Ðúng! Ðúng! Phải bi phạt!
    - Phạt như thế nào?
    - Phạt ra sao? - Nhiều câu hỏi dồn dập.
    Lớp trưởng Lạc chưa biết ý kiến thế nào vì tình huống hơi đột ngột. Hải Sún nhanh nhảu:
    - Nữ thì bị bung tai... tập thể. Í quên, tập thể bung tai. Nam thì bị đấm vào lưng hội đồng tức là bị cả lớp... đấm.
    - Ý kiến hay!
    - Nhất trí! Nhất trí!
    Cả lớp hoan hô, bàn tán sôi nổi cho đến hết giờ ra chơi vào tiết học khác mới tạm yên. Không ngờ một sáng kiến quái đản đó đi vào hiện thực, được áp dụng triệt để. Một học sinh nói chuyện trong giờ học cho dù thầy cô không nói gì. Sau tiết học thế nào bạn đó cũng bị đấm tưng bừng như một trò chơi vui hết cỡ. Rồi không thuộc bài, cóp pi, đánh lộn, đi học trễ và nhiều vi phạm khác đều bị đem ra “xử” rất kiên quyết. Em nào lỡ vi phạm coi như “hội đồng” đấm cho ê ẩm kêu la hết xiết...
    ... Sáng nay sợ đến lớp trễ bị đòn hội đồng nó cắm cúi đạp xe chạy vù vù. Nhiều bóng trắng cùng chiều nó bỏ lại sau. Ðang ngon trớn bỗng có tiếng kêu:
    - Ê! Ðợi với!
    Nó quay đầu nhìn lại và thầm kêu “thôi chết rồi!”. Ngọc Hiệp đang loay hoay với chiếc xe bị hỏng. Nó quay xe lại. Ngọc Hiệp cười tỉnh khô:
    - Giúp chữa giùm xe Hiệp đi! Xích bị kẹt giữa ở líp với đuôi sườn.
    - Sao bỗng hư xe bất tử vậy? Nó cố gắng cười thật tươi. Nó vội vã tấp xe bên đường tìm một que nhọn trổ hết tài khéo léo của đôi tay đưa sợi xích về vị trí cũ. Nhưng sợi xích thật bướng bỉnh, không muốn đi theo ý của nó.
    Gần mười phút rồi hai mươi phút trôi qua. Trời buổi sáng mát thế mà trên trán nó đã lấm tấm mồ hôi... cuối cùng sợi xích quái ác cũng về yên lại chổ cũ như lúc nó chưa trở chứng. Nó đưa tay quệt mồ hôi trán nhìn qua cô bạn đang cười bày ra cái răng khểnh... thấy ghét. Nó mất mấy phút đứng nhìn lớ ngớ như trách, như không... Như sực tỉnh nó vù lên xe, đạp vùn vụt quên mất lời chào... Nhưng đã trễ mất rồi... Nó có biết đâu ánh nhìn của nó cho đến bây giờ vẫn còn làm nặng lòng người bày đặt trò hư xe để... hại nó!

    *
    * *

    - Từ ấy đến giờ mi thấy nó như thế nào? - Thúy Vân hỏi.
    - Thấy thương thương, tội tội...
    - Hèn gì tình cảm đó ấp ủ nên đi vào thơ và cả giấc mơ... - Thúy Vân chép miệng cười, chợt hỏi:
    - Nhưng nó... là ai?
    Ngọc Hiệp lắc đầu:
    - Không, không thể nói được...
    Thúy Vân định đùa với Ngọc Hiệp về giấc mơ nhưng nhìn lại bạn, Thúy Vân thấy thương. Ngọc Hiệp u buồn thật sự. Nó ngồi đó lặng lẽ trầm ngâm. Có thể nào một giấc mơ nhỏ có khả năng thay đổi Ngọc Hiệp đến như vậy. Ôi cái tuổi 17, 18 tâm tư dao động như hình Sin biết đâu mà lường. Thúy Vân ra về không quên quay lại nhìn Ngọc Hiệp lần nữa. Lần đầu tiên hai đứa chia tay nhau trong yên lặng khác mọi lần cười đùa chọc phá nhau ầm ĩ.
    Chiều nắng xuống dần. Trời vẫn còn nóng kinh khủng...

    :tim::tim::tim::tim::tim::tim:

Trang 1/2 12 cuốicuối

Thread Information

Users Browsing this Thread

Hiện đang có 1 tv xem bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • Bạn không được quyền đăng bài
  • Bạn không được quyền trả lời bài viết
  • Bạn không được quyền kèm dữ liệu trong bài viết
  • Bạn không được quyền sửa bài
  •