Trang 16/25 đầuđầu ... 610111213141516171819202122 ... cuốicuối
kết quả từ 121 tới 128 trên 197

Ðề tài: Thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn (toàn tập)

  1. #121
    Tiểu học - Đại học chữ to
    Tham gia ngày
    Feb 2017
    Bài gởi
    236
    Blog Đã Viết
    14

    Default





    ĐÀ LẠT MÙA TRĂNG

    Đà Lạt ta về để nhớ em
    Nhớ mùa trăng trước ướt hương đêm
    Xa em, xa cả mùa trăng ấy
    Xa áo thu bay tóc gió mềm.

    Đâu khúc đàn mơ bên suối thơ
    Mảnh trăng chìm nổi giữa bơ vơ
    Đồi Cù thuở ấy mình ly biệt
    Hai nẻo chia xa nỗi đợi chờ.

    Lung linh như nước hồ Xuân Hương
    Mắt em buồn lệ mờ trong sương
    Người đi nghiêng ngả vầng trăng lạnh
    Ngả bóng trăng rơi rải mặt đường.

    Ta đã xa rồi em cũng xa
    Thương trời Đà Lạt hạt mưa sa
    Thương màu trăng cũ soi trên áo
    Áo lụa tình trăng sáng mượt mà.

    Đá vỡ còn đây vọng dấu chân
    Một thời lóng ngóng bước bâng khuâng
    Một thời hai đứa cùng xây mộng
    Mộng cũng chia tan chẳng được gần.

    Lấp loáng đồi thông những bóng mây
    Những mùa trăng biếc, biếc trên cây
    Ta qua phố cũ buồn muôn lối
    Áo trắng ai bay gió lạnh đầy?

    Đà Lạt 1999
    (Tuyển tập thơ Thơ Nhà Giáo – NXB Văn Hóa Dân Tộc 2003)


    Thanh Trắc Nguyễn Văn






    Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

  2. #122
    Nhập Môn
    Tham gia ngày
    Jun 2017
    Bài gởi
    2

    Default

    Bài viết khá chi tiết , lâu rồi mới thấy trên diễn đàn có bài viết thế này , cái này mình đang tìm, thank chủ thớt đã tìm và chia sẻ cho anh em

  3. #123
    Tiểu học - Đại học chữ to
    Tham gia ngày
    Feb 2017
    Bài gởi
    236
    Blog Đã Viết
    14

    Default





    TRÁI TIM YÊU

    Trái tim lắm lúc lạc lầm
    Chỉ là sỏi đá lại thầm mộng mơ
    Trái tim nghĩ cũng dại khờ
    Yêu thương một phút đợi chờ ngàn năm.

    2001
    (Tập thơ Cỏ Hoa Thì Thầm – NXB Thanh Niên 2002)


    Thanh Trắc Nguyễn Văn






    Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

  4. #124
    Tiểu học - Đại học chữ to
    Tham gia ngày
    Feb 2017
    Bài gởi
    236
    Blog Đã Viết
    14

    Default





    ĐỌC BÀI THƠ NỬA ĐỜI CỦA THANH TRẮC NGUYỄN VĂN

    Tôi biết Thanh Trắc Nguyễn Văn hơn 10 năm nay! Rồi gặp anh với 2 nhà thơ Trần Ngọc Hưởng và Thái Thanh Nguyên năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh. Lần gặp ấy, ba thi sĩ (hai nam, một nữ) đã để lại trong tôi ấn tượng không thể quên được, nhất là tác giả bài thơ NỬA ĐỜI này!

    Tôi không loanh quanh kể lại chuyện gặp gỡ xúc động ấy nhưng tôi muốn nhớ lại để chiêm nghiệm với bài thơ mà nhân vật tâm trữ tình chính là tác giả - nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn - một người đã cầm bút hơn 10 năm kể từ “Hoa sứ trắng” (tập thơ đầu tay xuất bản năm 1997)… Thanh Trắc Nguyễn Văn sinh năm 1962 là một nhà giáo yêu văn học (tôi khẳng định như thế vì biết anh đã góp mặt rất nhiều thi tuyển và từ 1997 đến nay đã cho ra mắt độc giả 4 tập thơ riêng) vừa tham gia dạy học và sáng tác thơ, văn đặc biệt thơ anh được chọn vào “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” (NXB Văn học, 2000).

    “Nửa đời” là bài thơ viết cho mình, mang tâm trạng như nhiều thi sĩ khác, viết để giải bày tâm trạng của người làm thơ. Bài thơ viết khi nhà thơ ngoài bốn mươi tuổi - cái tuổi đến độ chín của người thơ, đủ để trải nghiệm, đủ để biểu đạt triết lý ẩn chứa trong ngôn ngữ thi ca... Bằng thể lục bát vắt dòng nhấn ý thể hiện rõ nét tứ - ý, nhấn mạnh nội dung biểu đạt cô và sắc với cách lựa chọn ngôn từ cẩn trọng của một người cầm bút khá lâu:

    Nửa đời
    Nhỏ lệ làm sông
    Thuyền yêu chèo mãi
    Vẫn không thấy bờ.

    Khổ thơ thứ nhất mở đầu bằng cách giới thiệu “Nửa đời nhỏ lệ làm sông/ Thuyền yêu chèo mãi vẫn không thấy bờ…”. Tôi cứ nghĩ mãi hình ảnh “nhỏ lệ làm sông?! Thi sĩ trời phú cho trái tim đa sầu đa cảm, buồn vui chợt đến, chợt đi để rồi từ trái tim ấy những câu thơ cất lên như xé ruột gan. Biện pháp tu từ nói quá của anh “nhỏ lệ làm sông” chấp nhận, nhưng xét trong mạch cảm, mạch nghĩ với câu thơ sau thì đó chính là gom góp yêu thương của con thuyền tình yêu hành trình trên con đường kiếp người. Viết được câu thơ này chắc hẳn người thơ có sự trải nghiệm trong tình yêu, đổ vỡ trong hôn nhân, xót xa cay đắng trước con đường đi tìm bến hạnh phúc cho tâm hồn mình! Tôi cảm như thế bởi câu thơ thứ hai trong khổ thứ nhất “vẫn không thấy bờ” của anh ngầm truyền vào tôi nỗi xa xót khi kết hợp với “nhỏ lệ làm sông”…

    Khổ thứ hai cũng chỉ hai câu lục tách thành 4 dòng:

    Nửa đời
    xếp chữ làm thơ
    Chữ “tình” đi mất
    bỏ “khờ” chèo queo…

    kéo tôi về với thực tại đắng đót của những người làm thơ. Thật ra có người làm thơ may mắn bởi tri âm tri kỷ, người bạn đời của mình cũng có trái tim đồng cảm sẻ chia thông cảm với họ; nhưng có người khó có sự đồng thuận khi làm thơ với gia đình. Có phải chăng đó là luật bù trừ mà “giời đày” cho các thi sĩ? Hay do sự “tỉnh táo” khác người của người làm thơ mà người thân yêu xa cách? Có phải trong thời buổi mà “cơm áo gạo tiền” đầy vất vả lo toan, khiến cho người vợ khó chấp nhận khi thấy chồng suốt ngày đam mê với văn chương? “Cơm áo không đùa với khách thơ”? Tôi đã nghe, thấy và chứng kiến nhiều thi sĩ mải đeo đuổi đam mê và cuối cùng phải chia tay với “người bạn trăm năm” trong nỗi niềm đau đớn khắc khoải đến cô độc cháy lòng! Chữ “tình” ở đây, trong khổ thơ này phải chăng là điều ấy? Người đi rồi để lại nỗi cô đơn! Cô đơn ngập tràn đến “khờ” để rồi “chèo queo “ với đời, “chèo queo” với thơ, “chèo queo” khắc khoải giữa đời…..

    Đến khổ thứ ba, chất thi sĩ tài hoa thoắt hiện trong cái “chiêm nghiệm” thực tế phũ phàng:

    Nửa đời
    Bán mảnh trăng treo
    Tháng năm rơi trắng
    Cái nghèo còn mang…

    Hàn Mặc Tử đã từng rao “Ai mua trăng tôi bán trăng cho…” Trăng là hình ảnh thiên nhiên vĩnh hằng! Không riêng ai, không sở hữu của ai phải mua bán! Có “bán” chăng là cách nói của thi sĩ, khát vọng và tình yêu; xót xa và hạnh phúc… tháng năm thi sĩ miệt mài lao động nghệ thuật chưng cất nên những câu thơ góp cho đời những “bông hoa” ngát hương trong “vườn văn học”. Người làm nghệ thuật chân chính, thường họ không nghĩ đến làm kinh tế, có khi cả đời chỉ viết được một tác phẩm hay. Nhưng không đam mê, không lao vào, tận tâm tận lực với văn chương liệu có thành công, có tác phẩm hay không? Trải qua nửa đời rồi ngẫm lại, người thơ thấy “cái nghèo còn mang”. Không phải đó là sự hối tiếc, ân hận; không phải là xót xa cái nghèo bám víu người thơ- còn có sự liên tưởng thú vị hơn nhiều với hình ảnh tưởng tượng khá độc đáo “tháng năm rơi trắng..” Tính từ “trắng” (theo cách ngắt nhịp của câu thơ) gợi lên ý thức sống- ý thức thời gian, khát khao dâng hiến nhưng chưa có được cái mà mình khao khát ước mơ rất chân thành không cao xa diệu vợi. Và chiêm nghiệm hành trình trên con đường thi ca đến đích trải qua bao thăng trầm gian khó, có khi trắng cả thời gian tâm huyết hoài bão của mình mà kết quả không thành!

    Khổ cuối của bài thơ cũng lặp lại điệp khúc “nửa đời” khởi đầu câu lục, nhưng ý thơ làm tôi “ngộ” ra một điều mới phát hiện từ chiêm nghiệm của “anh” của “mình”!

    Nửa đời
    Nhặt giấc mơ hoang
    Một đêm vấp nhớ
    Bàng hoàng tìm em.

    “Sống trên đời cần có một tấm lòng” (Trịnh Công Sơn). Tấm lòng với tình yêu, với cuộc sống, với đam mê, với gia đình… Nhưng để làm được mơ ước hoài bão mình khao khát chỉ có một con đường “đi tới” trên con đường đầy chông gai trắc trở khó khăn, với quyết tâm và nghị lực phi thường! Trên con đường “nhặt giấc mơ hoang” đến “nửa đời” bỗng “một đêm” nhận ra tình yêu anh dành cho em, dành cho cái nửa của mình thật lớn lao ắp đầy nỗi nhớ, để rồi “bàng hoàng” đi tim “cái nửa” mình đã đánh mất lâu nay!

    “Em”- chủ thể thứ hai- hiện lên cuối bài thơ đi kèm với một tính từ “bàng hoàng” và một động từ “tìm” cho thấy một tâm trạng vừa bàng hoàng vừa khắc khoải xa xót của một tâm hồn thi sĩ sau những “giấc mơ hoang”….

    “Nửa đời” của Thanh Trắc Nguyễn Văn là một bài thơ hay! Thật khó có thể cảm nhận hết bằng ngôn ngữ. Những cảm nhận của tôi theo cách cảm của người làm thơ, yêu thơ, say thơ và có sự đồng cảm sẻ chia với người thơ! Hy vọng “nửa đời” còn lại của tác giả bài thơ này sẽ gặt hái hạnh phúc trên con đường “tìm em”- Em trong tình yêu và em tác phẩm nghệ thuật mà mọi người yêu thích!

    Bình Định, 20.01.2010
    (Giải nhất Bình thơ trong tháng tại trang web văn học Đất Đứng)


    Nhà thơ Lê Bá Duy






    ---------------------------------------------------------------------





    NỬA ĐỜI

    Nửa đời
    Nhỏ lệ làm sông
    Thuyền yêu chèo mãi
    Vẫn không thấy bờ.

    Nửa đời
    Xếp chữ làm thơ
    Chữ “tình” đi mất
    Bỏ “khờ” chèo queo.

    Nửa đời
    Bán mảnh trăng treo
    Tháng năm rơi trắng
    Cái nghèo còn mang.

    Nửa đời
    Nhặt giấc mơ hoang
    Một đêm vấp nhớ
    Bàng hoàng tìm em.

    (Báo Văn Nghệ Trẻ ngày 14.12.2008)

    Thanh Trắc Nguyễn Văn





    Ghi chú: Ảnh Hoa hậu Việt Nam 2008 Trần Thị Thùy Dung (áo dài xanh hoa) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

  5. #125
    Tiểu học - Đại học chữ to
    Tham gia ngày
    Feb 2017
    Bài gởi
    236
    Blog Đã Viết
    14

    Default





    LỐI CŨ

    Lang thang một tiếng chuông chùa
    Sen hồng chợt nở nhớ mùa hạ xưa
    Con đường gầy guộc nắng mưa
    Em xa lối ấy
    Sao chưa thấy về?

    2001
    (Tập thơ Cỏ Hoa Thì Thầm – NXB Thanh Niên 2002)


    Thanh Trắc Nguyễn Văn






    Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

  6. #126
    Tiểu học - Đại học chữ to
    Tham gia ngày
    Feb 2017
    Bài gởi
    236
    Blog Đã Viết
    14

    Default





    LỐI CŨ (bản tứ tuyệt)

    Lang thang một tiếng chuông chùa
    Sen hồng chợt nở nhớ mùa hạ xưa
    Con đường gầy guộc nắng mưa
    Em xa lối ấy... Sao chưa thấy về?

    2001
    (Tập thơ Cỏ Hoa Thì Thầm – NXB Thanh Niên 2002)


    Thanh Trắc Nguyễn Văn





    Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

  7. #127
    Tiểu học - Đại học chữ to
    Tham gia ngày
    Feb 2017
    Bài gởi
    236
    Blog Đã Viết
    14

    Default





    PHỐ CỔ

    Ta về như chiếc lá
    Rụng rơi xuống cội nguồn
    Lang thang chiều phố cổ
    Gió mỏng mềm như sương.

    Nhà em xưa ngõ vắng
    Một thuở qua ngại ngùng
    Giờ nhặt mùi hoa cũ
    Cầm nắng vàng run run…

    Hỏi hoa hoa đã úa
    Hỏi nắng nắng sang sông
    Hỏi người người chẳng nhớ
    Biết em còn hay không?

    Phố cổ hoá phố chợ
    Đèn nhấp nháy ngược xuôi
    Nhà mái bằng thay ngói
    Tường sơn nước thay vôi.

    Cổng đình giờ quét đỏ
    Phừng phực lửa hoàng hôn
    Ta về nghèn nghẹn nhớ
    Phỏng rát cháy tâm hồn.

    Mảnh sân rêu cổ tích
    Mọc lênh khênh dãy lầu
    Nửa đau đau chìm lắng
    Nửa buồn buồn dâng cao.

    Ta về như mây trắng
    Gục khóc cuối chân trời
    Tìm em chiều phố cổ
    Sương khói mờ chơi vơi.

    1998
    (Tập thơ Cỏ Hoa Thì Thầm – NXB Thanh Niên 2002)


    Thanh Trắc Nguyễn Văn






    Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

  8. #128
    Tiểu học - Đại học chữ to
    Tham gia ngày
    Feb 2017
    Bài gởi
    236
    Blog Đã Viết
    14

    Default





    HOA TƯỜNG VI

    Hoa tường vi tim tím đỏ
    Xao xuyến mãi một người xa
    Một nụ cười em trong nắng
    Hay trái tim hồng trong hoa?

    2001
    (Tập thơ Cỏ Hoa Thì Thầm – NXB Thanh Niên 2002)


    Thanh Trắc Nguyễn Văn






    Ghi chú: Ảnh diễn viên Tường vi và ảnh hoa tường vi sưu tầm từ internet

Trang 16/25 đầuđầu ... 610111213141516171819202122 ... cuốicuối

Thread Information

Users Browsing this Thread

Hiện đang có 9 tv xem bài này. (0 thành viên và 9 khách)

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • Bạn không được quyền đăng bài
  • Bạn không được quyền trả lời bài viết
  • Bạn không được quyền kèm dữ liệu trong bài viết
  • Bạn không được quyền sửa bài
  •