Gói Tết vào lọ
(Những mẩu chuyện nho nhỏ, chắp ghép từ những ký ức có thực)

1. Năm ngoái, nhà tôi rộn ràng chuẩn bị Tết sớm hơn đến mấy tuần so với lệ thường. Khi đường Sài Gòn còn chưa xuất hiện bóng mai vàng, mẹ tôi đã lên một danh sách dài những món Tết cần chuẩn bị. Mẹ ngó tới ngó lui xem loại nguyên liệu nào có thể mua trước, thứ nào phải chờ thêm mấy bữa.

Có bản kế hoạch trong tay, mẹ tôi tự tin đi “thu gom” rau củ, vật liệu. Mọi năm tôi đều chở mẹ đi mua đồ ăn Tết. Mẹ tôi sắm sửa rất lâu, lựa chọn rất kỹ. Me là quả phải mập, tròn, ngâm lên mới đẹp; cải chắc, trắng thì đẹp nhưng phải cẩn thận kẻo cho chất tẩy. Rồi, đến trả giá ở chợ Tết cũng cần thật nhiều “tâm huyết” và “kỹ thuật”. 500 hay 1000 đồng cũng phải trả, thỉnh thoảng còn phải giả vờ bỏ sang hàng khác và mong người bán kéo mình lại. Đi chợ Tết với mẹ vừa bực lại vừa thương, nhưng thương thì nhiều hơn là bực.

Năm nay mẹ chuẩn bị Tết từ những ngày tôi chưa được nghỉ ở trường, thế nên mẹ phải tự mày mò bắt xe buýt để dạo vòng vòng các chợ. Mỗi ngày căn bếp nhà tôi lại có thêm món mới. Hôm nay, mới xuất hiện những rổ củ cải, củ kiệu phơi. Hôm sau, gia nhập thêm một xô me đặt trong góc bếp. Hôm sau nữa, thấy thịt cá được làm sạch, tẩm ướp để trong nồi, xoong, chảo ngập cả bàn bếp. Tôi ngạc nhiên sao năm nay mẹ chuẩn bị Tết sớm thế, rồi nghĩ chắc mẹ nắm bắt quy tắc thị trường: mua sớm cho rẻ, mấy ngày giáp Tết chợ đông đúc mẹ đỡ phải bon chen. Thật là bà nội trợ thông minh hết cỡ!

2. Mấy buổi sáng sau đó, mẹ lôi hết chai, lọ, hộp trong nhà ra, rửa thật sạch, tráng xà bông, tráng nước sôi, cho thêm chút dấm cho khử mùi, cuối cùng mẹ mang phơi nắng. Mẹ xếp một hàng chai, lọ bên khung cửa sổ, xếp từ thấp đến cao, xếp từ bé đến lớn, không quên lẩm nhẩm: “Lọ này để đựng me, lọ này đựng thịt muối, lọ này đựng củ cải…”. Tôi đứng từ xa quan sát và tò mò lắm: mọi năm mẹ chỉ chuẩn bị hai lọ thủy tinh lớn, một để đựng củ cải, một để đựng me ngâm.

Tôi dắt xe ra khỏi nhà trong lúc mẹ đang dùng vải mùng lau từng trái me ngâm xếp vào 3 lọ nhỏ thay vì 1 lọ lớn như mọi năm, trên bếp là nồi nước đường để nguội chuẩn bị chế vào. Tự dưng tôi cứ ngần ngừ ở cửa không muốn đi. Năm ngoái, chị tôi chưa lấy chồng, hai chị em phụ mẹ công việc này. Năm nay, không có chị giúp mẹ, tôi chưa nghỉ Tết, mẹ phải lúi húi làm một mình…

“Đi học lẹ đi. Trễ bây giờ!”, mẹ nhắc.

3. Khi tôi thức dậy vào sáng cuối tuần, đi xuống nhà, mẹ tôi đã dậy từ sớm và đang đứng với chảo thịt kho nâu óng cạnh bên những chai, lọ được lót lớp giấy bóng bên trong.
Tôi xớn tới và nhúng ngón tay vào phết thử miếng nước kho dẻo quẹo:
“Úi! Mặn!”
“Mặn mới giữ được lâu!”
“Thì…tại mẹ làm trước chi? Sao không để gần Tết làm rồi ăn luôn cho mới mẻ ngon lành?”
“Xời, mai người ta đi rồi. Không làm giờ sao gửi sang bển kịp?”
“Hả? Gửi sang đâu?”
“Gửi sang cho chị mày để nó ăn Tết. Mẹ cố tình làm mặn mới để được lâu. Khi nào ăn, nó pha thêm nước dùng vô là vừa”
Tôi ngơ ngác nhìn mẹ. Trước giờ tôi có nghe người ta gửi đồ ăn sang nước ngoài nhưng toàn các món khô ráo, nhẹ nhàng như kẹo, như mứt, tôi chưa từng thấy ai ôm “tham vọng” gửi những món như me ngâm, củ kiệu, như thịt kho nước dừa, như cá kho tiêu đi nửa vòng trái đất.
“Gửi hết qua nước ngoài thiệt hả mẹ? Coi chừng nước nôi tùm lum”
“Mẹ có cách”

4. Để tiện mang đi xa, tất cả các món từ củ kiệu ngâm đến thịt kho mẹ đều tách riêng phần nước cho vào chai, phần cái cho vào lọ, đóng nắp thật chặt, cho vào bao cột thun lại, rồi bọc lớp bao nữa, lớp nữa, lớp nữa. Cả chục lớp như thế rồi quấn nhiều lượt băng keo bên ngoài, kín đến mức chính tôi cũng bắt đầu tin là đi cả chục vòng trái đất nước mắm ngâm cải cũng không tràn ra được. Mẹ xếp tất cả chai lọ vào thùng, lèn thêm giấy, vải, bông thật êm, gói gém rất gọn. Kỹ càng là thế mà gửi đi rồi, mẹ vẫn chậc lưỡi âu lo: “Không biết mấy cái lọ có gặp bất trắc gì không?”

Chỉ mấy hôm sau, chị tôi nhận được. Chai lọ vẫn vẹn nguyên, các thức bên trong vẫn thơm ngát mùi “Tết” và ấm vị thức ăn của mẹ. Kể từ ngày chị tôi cưới đến nay mới lại nghe giọng bà chị sụt sùi: “Con nhớ Việt Nam. Nhớ Tết. Nhớ bánh chưng. Nhớ me ngâm. Nhớ mẹ... Nhớ nhà mình”

Năm nay chị tôi ăn Tết tha hương. Ở Mỹ cái gì cũng có, chỉ có đồ ăn mẹ nấu là không, nhưng mẹ nói “Mẹ có cách” nghĩa là có cách, từ nhỏ đến giờ mẹ có thất bại bao giờ trong việc yêu thương con cái.

“Mẹ đang khóc hả? Nghe giọng nghèn nghẹt”, chị tôi hỏi trong cuộc điện thoại đường dài.

“Đâu! Chắc đường dây trục trặc”, mẹ nói mắt đỏ hoe.

Mai Anh D. Viết kể chuyện.


#NewYear2017
#astoryteller
#renaissancepublishing

P.s:
Tết đến ngoài cửa, bạn có đang xa nhà không?
Mọi thư từ/chuyện kể gửi về địa chỉ: [email protected] bạn nhé.