Chọn trường hay chọn nghề?
Bạn sẽ chọn nghề nào trước khi đặt bút vào bộ hồ sơ đăng ký dự thi năm 2005? Chọn nghề như thế nào để phù hợp năng lực cá nhân, nghề nào sẽ là bệ phóng cho bạn thành đạt trong đời?




HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) được đại diện Trường CĐBC Hoa Sen tư vấn tuyển sinh năm 2005

Thi trường nào, ngành nào? Không đơn giản là chọn một nơi để học lên cao hơn sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, mà chính là chọn lấy một nghề, một hướng đi cho cả cuộc đời mình.

Mình chọn nghề hay nghề chọn mình?

“Con tôi rất mê máy vi tính, từ nhỏ đã chơi game giỏi, thi vào ngành công nghệ thông tin được không?”; “Tôi thích học ngành báo chí hoặc du lịch vì được đi nhiều nơi”... Cứ đến mùa tuyển sinh, các chuyên gia tư vấn lại được nghe những câu hỏi kiểu như vậy.

Nhiều HS và cả phụ huynh chọn nghề cho con vì những hiểu biết hết sức sơ sài về nghề nghiệp đó. Chơi game giỏi không có nghĩa là có khả năng học tốt ngành công nghệ thông tin; tương tự nghề báo, nghề hướng dẫn viên du lịch không chỉ được đi mà còn bao nhiêu yêu cầu, thách thức của nghề nghiệp mà không phải ai cũng có thể phù hợp với nghề mình thích.

Lời khuyên của các chuyên gia tư vấn luôn nhấn mạnh: chọn nghề mình thích chưa đủ mà còn cân nhắc học lực bản thân có đủ để trúng tuyển và đủ điều kiện theo học ngành nghề đó đến khi tốt nghiệp hay không, cũng như khả năng, sức khỏe và các phẩm chất cá nhân khác để theo đuổi nghề đó trọn đời...

Theo ông Nguyễn Toàn, hiệu trưởng Trường TH Kỹ thuật nghiệp vụ Thủ Đức(TP.HCM), chọn trường, chọn nghề dự thi trước hết phải xác định đó là chọn một nghề cho cả cuộc đời mình. Thế nhưng có đến hơn 50% HS lớp 12 chưa được trang bị gì cho việc chọn đường đi của cuộc đời mình. Dễ thấy nhất, hiện đa số HS chỉ chọn trường nào dễ trúng tuyển chứ chưa xác định đó là nghề mình sẽ theo cả đời. Do đó, nhiều trường hợp trúng tuyển rồi mới cảm thấy mình chọn lầm nghề hoặc mãi đến khi ra trường đi xin việc mới thấm thía những vất vả, khó khăn, thậm chí thất bại vì “nghề không chọn mình”!

TS Nguyễn Thuấn, phó hiệu trưởng ĐH Mở-bán công TP.HCM, lại dẫn ra con số đáng lo ngại là gần 60% SV ra trường có nhu cầu được đào tạo lại về ngoại ngữ, vi tính, các kỹ năng hỗ trợ nghề nghiệp và học lại cả những kiến thức đã được đào tạo trong trường ĐH! Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu ĐH KHXH & NV (ĐHQG TP.HCM) mới đây, 34,5% SV ba trường thuộc ĐHQG TP.HCM muốn bỏ ngành đang học hoặc dao động về ngành học của mình.

Trong khi đó, chuyên viên tư vấn Trần Trọng Miêng nêu thực tế đúc kết từ nhiều năm tư vấn tuyển sinh của mình: chỉ có khoảng 5-10% thí sinh chọn nghề vì yêu thích, đam mê nghề nghiệp, còn lại chọn theo bạn bè, theo ý thích của người khác hoặc đơn giản vì thấy nghề đó có vẻ “oách”, nhàn hạ...

Con đường ngắn nhất?

Thiết thực nhất, mỗi thí sinh nên tự cân nhắc khả năng của chính mình, tự đánh giá một cách trung thực: điểm thi của mình có khả năng vượt qua điểm sàn (có thể tham khảo năm 2004) không (để còn tìm kiếm cơ hội với NV2,3) trước khi đặt trọn niềm hi vọng vào bất kỳ trường ĐH, CĐ nào.


Theo TS Nguyễn Thuấn, để lựa chọn ngành nghề phù hợp cần căn cứ vào một số điều kiện cơ bản như: sở thích nghề nghiệp và hoàn cảnh bản thân; mục tiêu đào tạo và nhu cầu xã hội của ngành nghề đó; uy tín, điều kiện học tập ở trường định dự thi và cuối cùng mới là khả năng dự thi và trúng tuyển vào trường đã lựa chọn.

Còn theo ông Nguyễn Toàn, trước hết cần xác định mình có phù hợp và thật sự yêu thích công việc cụ thể của ngành nghề đó không. Sau đó mới nên quyết định chọn ngành và cuối cùng mới là cân nhắc học lực, điều kiện riêng của mình để quyết định thi vào bậc học nào: ĐH, CĐ hay THCN, học nghề.

Cũng cần lưu ý, học lực là yếu tố quyết định sẽ trúng tuyển hay không nhưng lại không quyết định sự thành công của mỗi người trong đời. Học giỏi, thi đậu vào trường mình yêu thích chưa chắc đã có thể dễ dàng thành công sau này. Mục đích sau cùng của con đường lập nghiệp là sau khi học xong có thể hành nghề đúng chức danh ngành nghề đã được đào tạo. Đặc biệt, đối với các ngành năng khiếu như: nhạc, họa, sân khấu, thiết kế thời trang, mỹ thuật... là những ngành có thể hấp dẫn thí sinh nhưng rất kén người. Do vậy, nếu không có năng khiếu đặc biệt, không thật sự say mê thì không nên chọn những nghề này.

Và cuối cùng có một thông tin thí sinh cần biết: mỗi năm chỉ có khoảng 10% thí sinh dự thi trúng tuyển vào ĐH. Nếu bạn không thuộc tốp trên, bị gạt lại ngoài cổng trường ĐH cũng không phải đã cùng đường! Lời khuyên của các chuyên gia tư vấn luôn nhấn mạnh: sự học của mỗi người không phải chỉ ở giai đoạn đầu đời, và vào ĐH ngay sau khi tốt nghiệp THPT không phải đã là con đường duy nhất.

Bạn vẫn có thể tự tin chọn con đường khác để vào đời, sau này vẫn còn rất nhiều cơ hội để học lên ĐH, CĐ thông qua các loại hình như tại chức, từ xa, liên thông... đang ngày càng phát triển. Theo ông Nguyễn Toàn, chọn đúng nghề phù hợp với mình là con đường ngắn nhất để có việc làm và thành đạt sau này.

Theo Tuổi trẻ