Học ĐH chất lượng cao ở đâu?
Được ưu tiên học bổng; được tạo điều kiện sử dụng các phương tiện trang thiết bị hỗ trợ học tập, nghiên cứu hiện đại của trường; được cung cấp đầy đủ tài liệu; ưu tiên cử đi học nước ngoài...




Giờ học của SV hệ cử nhân tài năng khoa vật lý (năm 2) Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM)

Đó là những ưu đãi mà các trường ĐH dành cho SV các lớp đào tạo chất lượng cao...

Cử đi học nước ngoài

Ở phía Bắc, năm 2005 ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) sẽ tuyển sinh 135 SV hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng các ngành toán học, cơ học, vật lý, hóa học, sinh học và hệ đào tạo cử nhân chất lượng cao các ngành địa lý, địa chất, môi trường và khí tượng - thủy văn - hải dương học. Đối tượng được tuyển thẳng vào các chương trình này là thành viên đội tuyển quốc gia tham dự kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực hoặc đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia lớp 12 về môn học phù hợp với ngành học.

Ở phía Nam, các trường thành viên ĐHQG TP.HCM cũng dành nhiều chỉ tiêu cho các chương trình đào tạo tài năng. Đầu tiên phải kể đến chương trình đào tạo kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa. Trường này tuyển 40 SV cho ngành kỹ thuật chế tạo từ những thí sinh (TS) trúng tuyển vào các ngành cơ khí, công nghệ dệt may, kỹ thuật nhiệt và cơ điện tử; 40 SV ngành công nghệ thông tin, 40 SV chuyên ngành tự động hóa, 40 SV ngành công nghệ hóa từ những SV cùng khoa.

Ngoài ưu tiên về điều kiện học tập, những SV thuộc chương trình đào tạo tài năng ở tỉnh xa còn được ưu tiên bố trí chỗ ở với điều kiện tốt và được hỗ trợ một phần kinh phí; được các nhà khoa học đầu ngành, các giáo sư, tiến sĩ giỏi và có uy tín trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, được ưu tiên cử đi học tập tại nước ngoài theo chỉ tiêu của Nhà nước hoặc theo các dự án hợp tác quốc tế phù hợp với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp SV còn được ưu tiên xét chuyển tiếp cao học, chuyển tiếp nghiên cứu sinh, được ưu tiên chọn cử đi nghiên cứu, học tập sau ĐH ở nước ngoài hoặc được ưu tiên tuyển chọn làm cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu của các trường.


ĐH Khoa học tự nhiên tuyển sinh chương trình cử nhân tài năng với 90 SV. Trong đó, ngành công nghệ thông tin có 30 chỉ tiêu, các ngành toán - tin, vật lý, hóa học, mỗi ngành 20 chỉ tiêu. Nguồn tuyển cho chương trình là những TS trúng tuyển kỳ thi tuyển ĐH chính qui vào trường.

Trong đó, trường sẽ chọn mỗi ngành 50 TS có điểm trúng tuyển cao nhất trong tổng số TS đăng ký học hệ cử nhân tài năng và xét tuyển theo chỉ tiêu và thứ tự ưu tiên: TS đoạt giải quốc tế, HS trường phổ thông năng khiếu, xét điểm môn thi tương ứng với ngành đăng ký, khảo sát năng khiếu nếu cần thiết.

Một thành viên khác của ĐHQG TP.HCM là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũng dành 60 chỉ tiêu cho chương trình đào tạo cử nhân tài năng các ngành: văn học, Đông phương học, ngữ văn Anh và lịch sử. Chỉ tiêu mỗi ngành là 15 SV. Nguồn tuyển là những TS đã trúng tuyển vào ĐH KHXH&NV và những TS đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, quốc gia. Để được xét tuyển, TS trúng tuyển phải có tổng điểm các môn thi từ 21 điểm trở lên, không có môn nào dưới 5.

Riêng môn thi thuộc ngành đăng ký xét tuyển phải đạt từ 7 trở lên. Các SV đoạt giải quốc tế, quốc gia được tuyển thẳng. Các SV còn lại sau khi thi vấn đáp môn chuyên ngành và kiến thức tổng hợp phải thi viết môn chuyên ngành (văn học thi văn, lịch sử thi sử, Đông phương học thi Anh văn, ngữ văn Anh thi Anh văn).

Tuyển từ TS đạt điểm cao

Năm 2005, chương trình hợp tác Việt - Pháp đào tạo kỹ sư chất lượng cao tiếp tục được thực hiện tại bốn trường ĐH là Bách khoa Hà Nội, Xây dựng Hà Nội, Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).

Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tuyển 45 chỉ tiêu trong số TS trúng tuyển vào trường năm 2005. Muốn theo học, TS phải đạt mức điểm qui định và đăng ký với phòng đào tạo để dự thi tuyển. ĐH Xây dựng Hà Nội tuyển 90 chỉ tiêu vào khối A. Việc tuyển chọn căn cứ vào kết quả tuyển sinh năm 2005 với môn toán lấy hệ số 3, vật lý lấy hệ số 2 và hóa hệ số 1. Trong khi đó, số chỉ tiêu tuyển sinh chương trình này tại ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) là 110. Đối tượng dự tuyển là những TS trúng tuyển vào trường ở tất cả các ngành.

Đối với ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), số lượng tuyển là 45 TS, nhưng đến khi TS trúng tuyển trường mới có hướng dẫn cụ thể. Riêng ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) tuyển sinh chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao đối với các ngành công nghệ thông tin và công nghệ điện tử - viễn thông; ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) tuyển sinh các ngành văn học, ngôn ngữ, triết học và lịch sử. Một thành viên khác của ĐHQG Hà Nội là ĐH Ngoại ngữ thì tuyển sinh các ngành Anh, Nga, Pháp và Trung; hai khoa kinh tế và luật tuyển các ngành kinh tế chính trị, kinh tế đối ngoại và luật học.

Năm 2005, ĐH Luật TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tuyển sinh các lớp đào tạo cử nhân chất lượng cao từ những TS trúng tuyển vào trường trong kỳ thi tuyển sinh và SV học xong năm thứ nhất có kết quả học tập từ loại giỏi trở lên. SV dự tuyển phải tham dự một buổi thi trắc nghiệm để đánh giá về trình độ chung và thi vấn đáp để đánh giá mức độ thông minh, tư chất và năng khiếu của từng người.

Theo Tuổi trẻ