kết quả từ 1 tới 6 trên 6

Ðề tài: Khánh Hòa - Điểm hẹn (đối với opla đó mà, khì khì)

  1. #1
    VODKA
    Khách

    Default Khánh Hòa - Điểm hẹn (đối với opla đó mà, khì khì)

    Hòn Chồng

    Khác với Ponagar, một công trình do con người tạo dựng, Hòn Chồng là một thắng cảnh của thiên nhiên. Hòn Chồng là một bán đảo nằm ở phía Bắc thành phố Nha Trang. Dân địa phương phân biệt hai khóm đá lớn, gồm những tầng đá xếp lớp chồng lên nhau, một nằm trên bờ sát thôn Cù Lao, một nằm dưới biển, gọi tách là Hòn Chồng và Hòn Vợ.
    Khu vực Hòn Chồng là một quần thể những khối đá lớn, nhỏ nhiều tầng, nhiều lớp với những hình thù kỳ dị xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống biển như có một bàn tay khổng lồ nào sắp đặt, tạo dựng trong một trò chơi xếp hình tinh nghịch. Có những khối đá rất lớn trên những khối đá nhỏ hơn, trông rất chênh vênh, hờ hững. Lạ nhất là trên một khối đá lớn như một ngôi nhà tầng nằm trên mỏm cao nhất, mặt tương đối bằng phẳng hướng ra biển có in dấu một bàn tay khổng lồ hằn sâu trong đá, như thuở mới tạo sơn, đã có một bàn tay khổng lồ nào bấu vịn vào để lại dấu vết đến ngày nay.
    Muốn vừa tắm biển, vừa leo núi thì du khách thường tìm đến Hòn Chồng. Hòn Chồng là một nơi đặc sắc vì nó quy tụ quần thể các khối đá lớn nhỏ khác nhau, xếp nhiều tầng nhiều lớp với các hình thù kỳ ảo xếp chồng lên nhau.
    Khu vực Hòn Chồng là những khối đá chạy thẳng từ trên bờ cao xuống biển dưới sự sắp đặt như một trò chơi xếp hình của tạo hóa. Người ta có thể luồn qua các khe đá, leo trèo trên những khối đá lớn tự nhiên được dựng trên những khối đá nhỏ, chênh vênh như sắp muốn đổ. Có những hòn đá tí hon tự dưng chễm chệ ngồi trên những hòn đá đại, nghênh về hướng biển. Có những tảng đá châu đầu vào nhau tạo thành một cái vòm cổng. Khóm đá nằm ngoài biển gồm những lớp đá lớn chồng lên nhau, lớp chìm, lớp nổi trên mặt nước, chịu đựng sóng to gió lớn mà những tảng đá bên trên không hề lung lay.
    Và có những bãi đá trũng lọt giữa các tảng đá mênh mông. Khóm nằm trên cát cũng có một tảng đá lớn nổi lên như cái gò. Điều đặc biệt là trên tảng đá lớn nhất có mặt tương đối bằng phẳng hướng ra biển in hằn sâu trong đá dấu một bàn tay khổng lồ với 5 đầu ngón tay vấn lại. Tương truyền, có một người khổng lồ đến xứ này ngoạn cảnh, gặp bầy tiên nữ đang tắm, ông dừng lại say sưa ngắm và vô tình trượt chân ngã, ông vội bám tay vào núi khiến sườn núi sụp đổ, đá văng xuống để lại vết tay ông hằn trên đá. Dấu chân trượt ngã đủ năm ngón cũng để lại dấu tích ở khu vực suối Tiên.
    Tắm biển ở giữa khung cảnh kỳ vĩ này rất thú vị. Nó tạo cho ta cảm giác thích thú và mới lạ thay vì chỉ tắm ở bãi biển thoai thoải cát thông thường. Dịp này, du khách cũng không thể không ghé thăm Tháp Bà Ponagar ở phía bắc cửa sông Cái, một di tích kiến trúc Chăm tiêu biểu, nơi thờ Thiên Y Ana (Mẹ Xứ Sở) vì Hòn Chồng chỉ cách Tháp Bà chừng dăm trăm mét!
    200 km bờ biển của Khánh Hòa có đến 200 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác. Trong đó có khoảng trên 100 đảo thuộc về quần đảo Trường Sa, quần đảo ở điểm cực Ðông của Tổ quốc, mảnh đất Việt đầu tiên đón nhận ánh nắng ban mai . Và những hòn đảo còn lại nằm rải rác trong các vịnh Nha Trang, vịnh Văn Phong và vịnh Cam Ranh.

    Hòn Bà


    Một cuộc hành trình để trở thành con người sống hoà mình với thiên nhiên, chẳng bận tâm gì với tiện nghi của đời thường, mang trong lòng mình cảm giác chinh phục được độ cao 1.513m. Để từ độ cao đó có thể nhìn thấy những cơn mưa rơi nơi này mà chẳng làm ướt nơi kia, để thấm nỗi sợ hãi nếu chỉ có một mình mình với lau lách và cỏ cây.
    Hòn Bà cách Nha Trang 37 cây số. Cuộc hành trình đi tới Suối Dầu trên quốc lộ 1A hướng TP.HCM. Rẽ vào đường đi từ quốc lộ 1A vào đến chân núi là 17 cây số. Nhưng cuộc hành trình chỉ thật sự bắt đầu khi bạn leo lên ngọn núi với chiều dài lên cao gần 10 cây số. Sự hấp dẫn của việc chinh phục Hòn Bà chính là sự thay đổi cảm giác khi bước chân cứ vượt qua độ cao lên của núi cho đến khi chạm đến bình nguyên - nơi mà ngày xưa bác sĩ Yersin đã dựng nhà để ở, trồng cây quinquina với diện tích 30km2. Theo tài liệu còn lưu giữ thì vào năm 1915 , khi đó bác sĩ Yersin đang làm việc ở Nha Trang, sau nhiều lần khảo sát, ông nhận thấy khí hậu ở Hòn Bà với độ cao trên 1.500m, tương đương với độ cao ở Đà Lạt nên có thể thích hợp để biến nơi này thành nơi trồng cây quinquina dùng làm nguyên liệu chế ra thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét. Tuy nhiên, sau một thời gian, việc trồng cây quinquina của bác sĩ Yersin thất bại cho nên ông không tiếp tục. Còn trong ý tưởng những người làm du lịch ở Nha Trang là chọn Hòn Bà để biến nơi này thành một "Đà Lạt" ngay trong lòng thành phố biển. Hiện nay công việc mở đường đến chân núi Hòn Bà và tiếp tục mở đường lên đỉnh núi với tổng kinh phí dự trù 82 tỉ đồng đang được tiến hành. Trong kế hoạch, sau khi mở đường, vùng núi non Hòn Bà sẽ trở thành một khu dân cư ước chừng 3.000 người. Có khu nhà nghỉ, rừng hoa cũng như có cả cáp treo để khách du lịch có thể thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt vời của ngọn núi này.
    Tất nhiên là không hiếm người cho rằng việc "chinh phục Hòn Bà là công việc rỗi hơi", nhưng đây lại là một cảm giác mạnh gần như không phải ai cũng có thể đi được.
    Anh Nguyễn Lân, một chủ nhà hàng ở Nha Trang nhưng cũng là một người rất tâm đắc với công việc nghiên cứu về Hòn Bà, cho biết anh đã chinh phục Hòn Bà trong lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc vì quá mệt. Cảm giác đọng lại của anh Lân chính là nằm ngủ giữa trùng cỏ xanh, trong không gian như nhìn thấy bên kia là Đà Lạt. Dấu vết ngày xưa của bác sĩ Yersin gần như đã không còn gì. Nhưng cảm giác ngủ trong sương, ngủ giữa cây cỏ và thức dậy trong sương mù là cảm giác tuyệt vời. Anh Lê Văn Hiệp, chủ trang trại Suối Cá nằm dưới chân núi Hòn Bà mặc dù chẳng liên quan gì đến công việc du lịch, nhưng trang trại này bỗng nhiên trở thành điểm nghỉ chân trước khi chinh phục Hòn Bà vào mờ sáng. Ngay trang trại Suối Cá có một khu vườn trồng quế bên cạnh thác nước cho ai thích treo võng ngủ qua đêm.
    Chưa lên Hòn Bà thì không hình dung ra được chuyện gì xảy ra. Đi trung bình băng theo con đường do những hướng dẫn viên du lịch mở chỉ có 9 cây số, nhưng là con đường khá dốc. Còn con đường ngày xưa bác sĩ Yersin mở lên đỉnh là đường vòng theo núi dài 21 km giờ đây đã khuất trong cây rừng. Lưu ý là ngày xưa con đường mở chỉ vừa đủ cho phương tiện vận chuyển chính là... con ngựa.
    Có một hướng dẫn viên rất rành rẽ về con đường lên đỉnh Hòn Bà là anh Nguyễn Xuân Vinh. Anh quê ở Thanh Hóa, vào Nha Trang sinh sống đã 22 năm. Anh là một trong những người mở con đường mới vào năm 1998. Anh Vinh nói: “Ngay tại đỉnh núi không có nước. Ngày xưa bác sĩ Yersin xây hồ hứng nước mưa, vì trên đỉnh hay mưa chiều". Cuộc hành trình cho người chưa hề lên đỉnh Hòn Bà vì thế cũng cần theo một người phụ mang vác thức ăn, nước, võng và những thứ linh tinh khác.
    Nói thì đơn giản. Khi trời mờ sáng, mọi người còn sung sức thì sau khi vượt qua con đường nhỏ xuyên qua những cây cao su cổ thụ bác sĩ Yersin đã trồng, chưa ai thấy mệt; nhưng khi bắt đầu leo dốc, mỗi người phải chặt một nhánh cây để chống song vẫn có thể hát ca, để rồi khi đến hai con dốc không có tên trên bản đồ khá thẳng đứng là dốc Yên Ngựa và dốc Gốc Cây Cháy dễ làm cho người đi nản lòng. Cảnh quan thay đổi liên tục. Rừng đại ngàn, rừng lồ ô rồi tới rừng lá, cả những loại cây rất sắc, tất nhiên cũng chẳng thiếu muỗi rừng. Vượt qua hai con dốc sẽ gặp con đường bằng. Con đường bám theo vách núi, từ nơi đây có thể nhìn thấy thành phố Nha Trang bên dưới. Đây là nơi mặc sức cho dương xỉ và phong lan chen mọc. Đi vào mùa xuân thì cảnh quan càng lộng lẫy hơn. Chính cảnh quan và đường bằng khiến cho bao nhiêu mệt mỏi biến mất. Sự thay đổi khí hậu và cảnh quan của chuyến chinh phục Hòn Bà là yếu tố hấp dẫn người chinh phục.(Theo SGTT)

  2. #2
    VODKA
    Khách

    Default

    Ðến Nha Trang thăm hòn Ông

    Từ TP Nha Trang, theo quốc lộ khoảng 60 km về hướng bắc là huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Từ đây, sau chuyến hải trình hơn một tiếng đồng hồ du khách sẽ có mặt tại hòn đảo nhỏ thuộc vịnh Văn Phong, điểm cực đông của tổ quốc. Ðó là Hòn Ông, điểm du lịch duy nhất của Khánh Hòa còn giữ được vẻ hoang sơ và chưa bị bàn tay con người khai thác.
    Biển ở đây sạch và xanh đến lạ kỳ. Nếu đến đây vào khoảng giữa tháng hai và tháng năm (mùa ruốc) hoặc sứa sinh sản, bạn sẽ được chứng kiến cảnh đàn cá voi tung tăng đùa giỡn gần bờ để săn mồi chúng yêu thích. Dải cát trắng mịn thoai thoải theo triền các gờ đá nổi lô nhô tạo nên một phong cảnh nên thơ, êm ả. Hương biển tinh khiết quyện với hơi gió mặn mòi phả vào mặt đem lại cho ta cảm giác dễ chịu khó quên.
    Sau khi đắm mình trong thiên nhiên, tận hưởng thú du ngoạn thuyển buồm, bơi lặn, câu cá..., bạn có thể lên núi thăm nhà sàn dân tộc với kiểu kiến trúc độc đáo ngay trên đảo, thưởng thức những món ăn hải sản tươi rói như: tôm hùm hấp, rắn biển chiên, xào, sò nướng mỡ hành thơm nức mũi..
    Thú nhất là được tắm biển sớm, ngắm bình minh lên giữa bầu không khí trong lành quang đẵng. Nghỉ ngơi một chút lại có mặt trên thuyền ra khơi tham quan thế giới san hô đủ màu sắc có những bầy cá bé xinh hiền hòa bơi lội xung quanh.
    Ðảo Hòn Ông nhỏ nhắn phủ đầy một màu xanh, trông xa chỉ thấy hàng dừa vươn cao lá, nghỉ ngơi tại đây để có giây phút bình yên sau những tất bật mệt nhọc của đời thường.

    Thác Yang Bay - Thác ở xứ biển

    Cách đây năm năm, thác Yang Bay vẫn còn là một tên gọi không ai biết đến. Nó nằm lẩn khuất trong cánh rừng thuộc xã Phước Thượng, huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa. Nhưng giờ đây, sau khi tỉnh Khánh Hòa đầu tư mở con đường đến tận chân thác, thác được coi là một điểm du lịch dã ngoại hấp dẫn với các bạn trẻ học sinh sinh viên.
    Yang Bay theo cách gọi của người dân tộc Raglay có nghĩa là “thác trời”. Thác nằm trong khu vực buôn Y Bay. Từ Nha Trang, đi theo đường đến huyện Khánh Vĩnh, còn 4km tới thị trấn thì gặp xã Sông Cầu, theo con đường rẽ trái tiếp tục đi gần 5km nữa thì đến thác. Cũng có thể đi băng qua xã Diên Thọ (đường đến Nhà máy nước khoáng Đảnh Thạnh, con đường này gần hơn nhưng khó đi). Hiện nay gần như không có một phương tiện công cộng nào đến thác ngoài phương tiện “độc quyền” là xe hai bánh. Thác Yang Bay nằm ở độ cao 600m so với đất liền. Để mở con đường đến thác, có đoạn phải xẻ đôi núi ra khiến quang cảnh chung quanh thêm hấp dẫn. Thác Yang Bay được coi như là thượng nguồn của một nhánh sông từ trên cao nguyên đổ về sông Cái, Nha Trang.
    Thác từ trên cao, chen trong cánh rừng đại ngàn tạo ra những dốc thác khác nhau, mỗi dốc thác lại có nhiều hồ lớn nhỏ, nước trong veo, cá hồn nhiên bơi lội. Kết thúc cuộc hành trình của thác là một thác nhỏ với độ cao 10m lài dần xuống. Chân thác là một hồ nước cạn, rộng mênh mông, có thể nhìn thấy lớp cát đá bên dưới. Nhưng sự hấp dẫn của Yang Bay còn ở ý tưởng chinh phục. Nhiều người đi trước đã tạo ra con đường nhô lên cao dần, phải vượt qua những mỏm đá cheo leo để đi lên đỉnh.
    Trên thực tế chưa ai tới được nơi cuối cùng của thác. Thường thì các bạn trẻ chỉ đến hồ hai hoặc hồ ba rồi kiếm một tảng đá bằng phẳng giữa dòng nước đang đổ về xuôi, chọn nơi nghỉ ngơi trong cuộc rong chơi. Những người ít thích mạo hiểm thì không vượt thác mà vượt qua “hồ của thác”. Hồ nước sạch, nước chỉ lưng chừng nửa mét. Xắn quần vượt qua là bước vào thế giới của đại ngàn bờ bên kia. Nơi đó có những cây đại thụ che rợp mát, dưới bóng cây là thảm lá rụng.
    Hiện Công ty du lịch Long Phú đang đầu tư xây dựng thác Yang Bay thành một khu du lịch, trên nguyên tắc vẫn tôn trọng vẻ hoang sơ như nó vốn có. Một đập tràn dài 30m đã được xây xong tạo con đường băng qua thác. Đập tạo ra một hồ bơi khá lý tưởng với độ sâu trung bình 1,2m - đảm bảo an toàn cho những ai chưa biết bơi. Ngoài ra cánh rừng bên kia thác cũng sẽ được chăm sóc để đẹp hơn và an toàn hơn cho những chuyến dã ngoại của du khách.(TT)

  3. #3
    VODKA
    Khách

    Default

    Sức hút hòn Tằm

    Trong số những điểm chính của các tour du lịch biển - đảo ở Nha Trang hiện nay, hòn Tằm đang được coi là nổi trội nhất không chỉ nhờ ưu thế thiên nhiên mà còn ở sự thiết kế, đầu tư xây dựng và cách khai thác du lịch được du khách coi là hấp dẫn hơn cả.
    Nằm trong vùng vịnh thuộc dự án Khu bảo tồn biển Hòn Mun, hòn Tằm có lợi thế là khá gần với trung tâm thành phố Nha Trang. Từ bến tàu dưới chân biệt điện Bảo Đại (nay là khách sạn…), du khách có thể đến đảo và trở về bất cứ lúc nào, kể cả trong đêm, chỉ trong khoảng chưa đầy 15 phút (bằng thuyền máy), năm phút (canô cao tốc). Hòn Tằm có diện tích hơn 130ha, nhìn xa tựa như một con tằm với "sân chơi" là cả một vùng biển được bao quanh bởi hòn Tre, hòn Một, hòn Miễu (có hồ cá Trí Nguyên) nên thuận gió và tương đối ít sóng, là nơi lý tưởng để các bạn vui chơi trên biển (dù bay, lướt ván, thuyền buồm, môtô nước, chèo thuyền, câu cá, phao chuối…).
    Hiện trên đảo có cơ sở dịch vụ du lịch được xây dựng tập trung thành hai khu. Khu A (được xây dựng trước) với nhiều dịch vụ, kể cả phòng nghr, giá cả có phần mềm hơn. Còn khu B mới đưa vào kinh doanh từ năm 2001 với một nhà hàng và các nhà nghỉ độc lập (hai phòng/nhà) nằm dưới chân đảo, gần bãi tắm với cảnh quan đẹp, yên tĩnh, thích hợp cho các nhu cầu nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng…
    Có một dịch vụ tại đây cũng thu hút nhiều khách: lặn du thám các khu vực quanh đảo cùng một số nơi khác trong khu bảo tồn biển hòn Mun. (Theo TBDL)

    Suối Hoa Lan

    Với chiều dài 6 km và trong một khoảng không gian không rộng lắm, suối Hoa Lan - (còn gọi là suối Tử Sĩ) thuộc xã Ninh Phú, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - được hình thành từ nhiều suối nhỏ của những ngọn núi trong dãy Hòn Hèo và đã trải mình qua cả ba địa hình: núi cao, đồng bằng và biển cả.
    Cách thành phố Nha Trang 17 km về phía bắc, bắt nguồn từ nhiều suối nhỏ trong dãy Hòn Hèo, chảy qua những ghềnh thác cheo leo và một vùng đất bằng, diện tích khoảng 20 ha, Hoa Lan đổ nước trực tiếp vào vịnh Nha Phu. Dọc theo con suối, đủ loại cây rừng mọc quấn quýt bên nhau, thành tầng thành lớp và đặc biệt nổi bật là hoa phong lan.
    Dọc suối, đủ loại cây rừng mọc quấn quýt bên nhau, thành tầng thành lớp. Ðặc biệt, suối có rất nhiều hoa phong lan. Đến với khu du lịch này du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của biển trời, non nước, được hít thở bầu không khí trong lành của rừng cây, thác nước.
    Suối Hoa Lan không những là nơi có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn ghi dấu tích của người Chăm đã từng sinh sống từ thuở xa xưa và là căn cứ cách mạng của hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Sau khi chảy qua những ghềnh thác cheo leo, Hoa Lan đổ nước trực tiếp vào vịnh Nha Phu, một vịnh biển xinh đẹp trù phú của Nha Trang. Nối vịnh biển và dãy Hòn Hèo là một khoảng đất bằng, diện tích quãng 20 ha, nghĩa là chỉ trong một khoảng không gian không rộng lắm, Hoa Lan đã trải mình qua cả ba hình thế: núi cao, đồng bằng và biển cả.
    Cuối năm 1998 Công ty Khách sạn Hoàng Gia, thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá Khánh Hòa (Khatoco) đã tiến hành đầu tư xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái. Mặt bằng dưới chân núi được san ủi làm đường đi, xây nhà cửa, trồng cây xanh cho bóng mát, xây hồ nuôi cá sấu. Nhiều nhà sàn, nhà nấm mọc lên, theo thiết kế phù hợp với khung cảnh thiên nhiên. Một con đường bộ dọc sườn núi được mở song song với suối, tại những đoạn đường dốc có xây bậc để du khách lên xuống dễ dàng. Ngoài ra còn có những đường nhánh đi xuống thác, lần lượt từ thác số 1 đến thác số 4 giúp khách chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của đá, nước và cây rừng.
    Trên tảng đá dưới chân suối còn nguyên dòng chữ Chàm cổ được khắc sâu rất đẹp, ghi sự kiện một ông vua Chàm ngày trước từng hành hương lên Hoa Lan. Lần theo bước chân người xưa, chúng ta gặp những ghềnh đá kỳ vĩ. Núi Hòn Hèo cao 700m, ngọn thác cao nhất ở đây là 350m. Tuỳ độ bền của đôi chân, khách có thể dừng ở thác số 1, số 2 hoặc lên cao hơn. Mỗi thác một dáng hình, một vẻ đẹp. Khi đã mỏi chân, bất cứ ai cũng thích ngả lưng trên những thạch bàn, ngắm nhìn trời xanh qua kẽ lá, hoặc tắm mình trong làn nước tinh khiết, mát lạnh của suối. Nhờ những ưu thế về địa hình, khoảng cách...Hoa Lan thu hút đủ các thành phần du khách, nhất là các bạn trẻ và khách du lịch nước ngoài. Có nhiều du khách thích ở qua đêm bên suối Hoa Lan để được sống trong cảnh hoang sơ của rừng núi.
    Với 30.000 đồng một người, bằng tàu thủy, tour du lịch Hoa Lan sẽ đưa bạn bắt đầu từ bến Đá Chồng, qua vịnh Nha Phu và cập bến Hòn Hèo sau 30 phút. Cuộc vui chơi của khách thường kéo dài từ 4 đến 5 giờ đồng hồ, nhưng rất nhiều người thích lưu lại ở đây để được sống trong cảnh hoang sơ của rừng núi ban đêm. Hiện Công ty Khách sạn Hoàng Gia đang chuẩn bị dự án phát triển môn leo núi ở Hoa Lan. Dự án được Công ty ký với Didier, một doanh nhân người Pháp thông qua sự môi giới của Công ty Lửa Việt ở TP HCM.

  4. #4
    VODKA
    Khách

    Default

    Suối Ba Hồ

    Cách thành phố Nha Trang khoảng 25km về phía bắc, thuộc địa phận huyện Ninh Hòa. Ðó là một con suối bắt nguồn từ đỉnh Hòn Son, cao trên 660 m, chảy giữa hai triền núi đá xuống cánh đồng thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích rồi đổ ra đầm Nha Phu. Suối mang tên Ba Hồ vì phía đầu nguồn, trên đường vượt núi, băng rừng để xuống với biển, có ba lần suối mở lòng ra ngay trên lưng núi, tạo liên tiếp ba cái hồ với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, mỗi hồ mỗi khác khiến từ xưa con suối đã được du khách gần xa biết đến cùng với những huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn gắn với nó.
    Ðến với suối Ba Hồ, muốn được tận mắt thưởng thức trọn vẹn cảnh quan nơi này, du khách phải chuẩn bị hành trang và tinh thần leo núi vì từ Hồ Nhất tới Hồ Nhì phải men theo bờ suối dốc cheo leo khoảng gần một ngàn mét. Từ Hồ Nhì tiếp tục ngược lên Hồ Ba tuy gần hơn, chỉ khoảng 300 - 400m nữa nhưng lau lách um tùm, đá dựng cheo leo thách thức những ai muốn đến với tận cùng cảnh đẹp.

    Lang thang trên suối đổ

    Khánh Hòa có một địa danh rất thú vị nhưng còn ít người biết đến: Suối Đổ. Suối Đổ nằm trên dãy núi Phước Trạch, thuộc địa bàn xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, cách Nha Trang khoảng hơn 10km về phía Nam. Phong cảnh nơi đây trữ tình với suối reo, thác đổ và màu xanh bạt ngàn của cây lá.
    Đường lên Suối Đổ cheo leo với nhiều bậc thang bằng đá và những rễ cây. Một bên là rừng bạt ngàn. Một bên là dòng suối chảy ào ào qua các khe đá, lúc ẩn, lúc hiện giữa những khoảng cây xanh um tùm. Đây đó lô nhô những tảng đá to nhỏ, nhiều hình dáng như được đẽo gọt bằng phẳng, chắn ngang đường đi của nước, bắt suối tách ra thành những khe nhỏ róc rách. Leo lên cao chừng hai trăm mét sẽ có hai con đường dẫn đến Quan Âm Sơn tự (bên phải) và Phổ Đà Sơn tự (bên trái).
    Chùa Quan Âm tọa trên khoảng đất rộng chừng vài trăm mét vuông, bên cạnh dòng suối rì rào chảy qua các khe đá, tạo thành những cái thác nhỏ trắng xoá Trước sân chùa, tượng Phật Quan Âm mặc "áo gấm" trắng đang dõi mắt nhìn xuống những mảnh ruộng xanh tốt dưới chân núi, nơi có những cánh cò trắng đang dập dờn chao liệng. Ngoài ngôi chánh điện, phía bên trái còn có miếu thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana. Bên cạnh là đền thờ "Ngũ mẫu" (5 mẹ: Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ). Mỗi ngài một vẻ, sinh động và uy nghi.
    Men theo những triền đá bên suối, du khách sẽ sang Phổ Đà Sơn tự. Tuy nhỏ hơn chùa Quan Âm, nhưng cảnh quan của Phổ Đà Sơn tự cũng rất nên thơ, với hồ sen trước mặt và núi đá bao quanh… Phía sau Phổ Đà Sơn tự có một con đường mòn quanh co dẫn lên Giếng Tiên. Giếng Tiên là một hồ nước nhỏ có đường kính khoảng 5m, bao quanh là núi đá. Giếng Tiên sâu hun hút, nước rất trong và mát, quanh năm không bao giờ cạn.
    Trên Suối Đổ còn một địa danh linh thiêng nữa là Động Ma Ha. Động trông như một túp lều bằng đá. Nơi đây người làm rẫy đặt bàn thờ, bốn mùa có đủ hương hoa để thờ các vị thiên thần thổ địa. Người ta đồn rằng nước của Suối Đổ có thể trị được bách bệnh. Không biết thực hư ra sao, nhưng đến Suối Đổ, du khách có thể gặp gỡ trò chuyện với những "bệnh nhân" từ xa lặn lội đến đây để chữa bệnh bằng nước suối. Ngoài ra, trên Suối Đổ còn nhiều loại cây rừng được dùng làm thuốc Nam. Lang thang trên những triền núi, du khách sẽ gặp nhiều "thầy lang" tay xách nách mang đủ thứ cây lá. Không hề giấu nghề , họ vui vẻ giới thiệu: thứ lá này chữa bệnh tiểu đường rất hiệu nghiệm, loại quả này ngâm rượu trị bệnh khớp rất hay…
    Nếu có dịp đến Nha Trang, bạn đừng quên ghé Suối Đổ. Chắc chắn rằng khi đã đến đó một lần, bạn sẽ mong có ngày trở lại. (Theo TBDL)

  5. #5
    VODKA
    Khách

    Default

    Biển Dốc Lết

    Khu giải trí mới hoàn thành

    Khánh Hòa được xem là nơi hội tụ của các bãi biển đẹp nhất trong cả nước, trong đó có bãi biển Dốc Lết (xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa) do Công ty du lịch Khánh Hòa quản lý từ năm 1994.
    Địa danh Dốc Lết xuất phát từ thủa rất xa xưa, chỉ nghe các cụ già kể lại rằng: "Khi xưa nơi đây có một cồn cát cao vút, mỗi lần qua lại rất khó khăn. Người dân phải dùng mo cau để trượt từ trên cao xuống...".
    Leo lên những mỏm cát tràn đầy lá dương mới cảm thấy sự thâm thúy của tên gọi. Dốc Lết có nghĩa là bạn sẽ "lết" sau khi "leo" lên những mỏm cát hấp dẫn kia, bởi cát như muốn níu chân bạn lại, không muốn bạn rời xa.
    Đi từ thành phố Nha Trang theo quốc lộ 1, về hướng Bắc khoảng 49 km, đến ngã ba rẽ phải chừng 14 km thì vào đến khu du lịch Dốc Lết. Đứng từ bãi biển Dốc Lết phóng tầm mắt nhìn ra sẽ thấy bán đảo Hòn Khói, góc bên phải là Nhà máy đóng tàu liên doanh Hyundai Vinashin hoạt động ngày đêm. Xa xa các dãy núi trập trùng trong mây khói.
    Ðiểm độc đáo ở nơi này là khách sẽ chạm mặt với khu vực ruộng muối Hòn Khối nổi danh trước khi đến bãi biển. Những đồng muối trong mùa khai thác chói chang mầu trắng trong mùa hè là cảm giác rất riêng, cũng là một phần vẻ đẹp của Dốc Lết. Công ty du lịch Khánh Hòa đảm nhận quy hoạch tổng diện tích bãi biển là 3,8 héc-ta, nhưng đến nay mới đưa vào khai thác 1,9 ha.
    Những đụn cát có mầu trắng muốt cứ trườn lên những đồi thông. Những đụn cát ấy đã chứng kiến những câu chuyện tình thơ mộng của những chàng trai và những cô gái ở xóm Cát thuộc xã Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa trước khi trở thành một bãi biển lạ kỳ ở Khánh Hòa quyến rũ hàng trăm nghìn du khách mỗi năm tìm đến.
    Nhưng hơn bốn năm nay, Dốc Lết trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, được du khách chọn để thăm trước khi vào Nha Trang, hoặc là nơi để thư giãn vào những ngày nghỉ cho chính người dân địa phương. Công ty du lịch Khánh Hòa đã đầu tư liên tục trong bốn năm ròng với tổng chi phí lên tới bảy tỷ đồng để biến một bãi biển hoang tàn thành một thắng cảnh thu hút khách du lịch với lượng khách mỗi ngày bình thường lên tới vài nghìn người, riêng ngày lễ tết có thể đón một lúc cả chục nghìn người.
    Khu du lịch Dốc Lết có hàng dương xanh ngát phủ kín hơn 2,5 km theo chiều dài bờ biển cát trắng mịn. Từ bờ đi ra đến 100 - 110 m mực nước cũng chỉ tới ngực, thoai thoải ra xa dần, không sâu như các bãi biển khác mà mặt nước thì lăn tăn gợn sóng thật êm ả! Nước biển trong xanh và thật sạch bởi khu vực này không có con sông nào đổ vào.
    Gần 50 lều cho khách thuê được bố trí hài hòa dọc theo thềm biển với giá 70.000 đồng/lều, khách có thể thuê thêm ghế dựa với giá 5.000 đồng/chiếc. Ưu thế của bãi biển tại đây là độ nông kéo dài ra khơi lên tới gần 100 m, sóng biển nhỏ nên bất cứ ai cũng có thể "nhảy xuống biển mà tắm" dù không biết bơi. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc khu du lịch Dốc Lết là người có duyên nợ với nơi này. Cách đây gần mười năm, chính tay ông đã trồng những hàng dừa đầu tiên cho bãi biển, rồi sau đó ông đã làm nhiệm vụ ở nơi khác. Nay trở lại làm giám đốc, hàng dừa ông trồng năm xưa đã phủ xanh và trĩu trái.
    Dốc Lết đã tạo cảnh quan dựa vào ưu thế riêng của mình, nhưng không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Trước hết là khu rừng "lết" gần như vẫn còn nguyên vẹn. Sau những giờ phút tung tăng đùa giỡn với sóng biển, du khách vẫn có thể đến khu đồi cát trượt cát cho đến khi mệt nhoài lại xuống biển tắm... Du khách đến Dốc Lết còn có thú đi dạo dọc theo thềm biển, để dấu chân mình in trên nền cát, hoặc nằm phơi nắng nghe tiếng sóng trộn cùng tiếng rơi khẽ khàng của lá dương.
    Ở Dốc Lết hiện có 16 nhà nghỉ xây theo lối nhà sàn, khá đẹp để ai muốn ở lại tận hưởng đêm trên biển có thể ghé vào. Mỗi nhà nghỉ là một thế giới riêng của bạn. Con đường lát gạch nhỏ chen trong rừng dương liễu đầy lá rụng, có cả tiếng chim chào buổi sáng. Mỗi nhà nghỉ đều có một lu nước bằng đất nung đựng nước mát với chiếc gáo dừa gác lên trên.
    Có nhiều loại phòng cho du khách chọn lựa với giá từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng/ngày. Trong ánh trăng đêm, lữ khách hãy tản bộ một vòng trên bờ biển cát trắng lung linh, xem ngư dân lưới cá, thẻ mực, câu ghẹ, bắt nghêu và thử tài làm ngư phủ. Đi cùng đoàn du lịch sẽ có đêm lửa trại với những tiết mục vui cười thỏa thích, cả đoàn cùng giao lưu, xích lại gần nhau, giải tỏa những nỗi mệt nhọc ngày thường. Khi lửa trại sắp tàn là lúc mọi người được thưởng thức món cháo hào, cháo nghêu đặc sản ngọt lịm khó quên. Trước khi đi ngủ, mình cùng nhau xuống biển tắm đêm, làm dịu đi cái "lửa" của các trò chơi vận động và tô cháo nóng. Đó cũng là những giờ phút khó quên.
    Sau những giờ nô đùa, vẫy vùng trong "hồ nước mặn", du khách có thể nghỉ giải lao ở những căn chòi lộng gió, thưởng thức những món hải sản thật tươi, mà lại rẻ hơn rất nhiều lần so với các bãi biển khác trong vùng. Giá cả chỉ khoảng 25.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, bạn tha hồ chọn cho mình loại hải sản ưa thích: tôm, ghẹ, cua biển, ốc nhảy, tôm tích biển, ốc gai, sò lông biển, sò dương... những thứ hải sản này đều rất tuyệt: cua và ghẹ không hề bị "ốp", tất cả đều "rộng" dưới nước biển, chờ du khách "đặt hàng" mới đem lên chế biến ngay.
    Người bán cũng dễ chịu, không "tráo" hàng khách đã mua. Ngã giá xong, họ giúp du khách nấu chín và dọn lên ăn nóng với đầy đủ các gia vị ăn kèm. Xong bữa họ lại dọn dẹp sạch sẽ nơi khách nghỉ ngơi, khách có thể nằm dài thư giãn trên các ghế bố, tận hưởng gió biển và tiếng sóng rì rào. Du khách cũng có thể vào nhà hàng đặt trước các xuất ăn theo khẩu vị của mình, để sau khi tắm biển lên mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng, giá cả từ 20.000 đồng đến 35.000 đồng/suất. Ở đây có cho thuê các loại dịch vụ tắm biển như: phao, quần - áo bơi, võng... giá từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng
    Du khách nhớ Dốc Lết với hình ảnh những cụm dương liễu đang cố trườn mình cùng cát, hình ảnh những ngư dân ngồi vá lưới sau chuyến đi biển. Cũng có thể tự mình lang thang trong cánh rừng đầy bóng dương liễu phủ, dẫm chân lên thềm lá mà hít thở mùi cây cỏ trộn cùng mùi gió biển. Dốc Lết là một bãi biển rất lạ kỳ đối với bất cứ ai đã từng đến.
    Bãi biển tuyệt đẹp này đã được quan tâm đầu tư mạnh vào năm 2002: con đường gập ghềnh dẫn đến Dốc Lết trước kia nay đã được trải nhựa từ đầu quốc lộ. Điện nước đầy đủ với diện tích phục vụ gần 5 ha: 15ha còn lại đang được quy hoạch nhằm xây dựng các khu vực nghỉ ngơi, vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách muốn nghỉ lại. Hiện nay khu du lịch Dốc Lết có thể phục vụ gần 10.000 người cùng lúc.

    Du lịch đáy biển Hòn Mun

    Du lịch tham quan đáy biển Hòn Mun là tour du lịch mới có gần đây ở Khánh Hòa và đây cũng là loại hình du lịch mới của Việt Nam. Du lịch đáy biển Hòn Mun, bạn sẽ đi trên chiếc tàu du lịch dài 20m, rộng 5m, có 2 động cơ với tổng công suất 600CV, chở được 80 du khách. Tàu được thiết kế vừa đẹp vừa tiện, mới nhìn đã thấy hấp dẫn! Khi bước lên tàu, càng thấy rõ tính thẩm mỹ và tính khoa học trong mỗi chi tiết nhỏ. Phòng tham quan của tàu có 07 ô cửa quan sát đáy biển qua lớp kính ngoại dày 5cm. Trong đó, có 1 ô lớn và 6 ô nhỏ; ô lớn - rộng 2m², dành cho 20 người ngồi xem; ô nhỏ - măt kính đáy rộng1,3m², dành cho 10 người ngồi xem. Tàu phục vụ du khách tham quan đáy biển cả ngày và đêm. Ban đêm, tàu có dàn đèn pha cực mạnh, soi rõ mồn một các thảm thực vật và mọi sinh vật lớn nhỏ, làm cho đáy biển thêm lung linh huyền diệu! Tàu xuất phát ở bến trước mặt Viện Hải Dương Học. Sau hơn nửa giờ, du khách sẽ được đưa đến vùng biển Hòn Mun. Đây là một vùng biển tuyệt đẹp và đa dạng sinh học vào bậc nhất thế giới, và việc tham quan vùng biển này là ước nguyện bao đời của cư dân miền duyên hải Phú Yên - Khánh Hòa. Khi đến khu vực tham quan, tàu chạy với tốc độ rất chậm, gần như thả trôi trên mặt nước. Cảnh vật của đáy biển Hòn Mun hiện ra lấp lánh muôn màu. Lớp lớp san hô đủ các hình thù đung đưa, dập dờn trong đáy nước. Hàng đàn tôm cá tung tăng bơi lội, nô giỡn và len lỏi trong các hốc đá. Muôn ngàn sinh vật lớn bé cứ thản nhiên với cuộc sống trong lòng biển xanh mà không hề bỉết đến sự hiện diện của con người ?
    Khi ai đó lần đầu tiên xem mô hình thuỷ cung ở các đô thị đã "ồ” lên kinh ngạc, thì cái tiếng "ồ" đó sẽ phải nhân lên gấp bội khi lần đầu tiên được tham quan đáy biển Hòn Mun trên tàu đáy kính mà giá vé hiện nay chỉ là 150.000 đồng.
    Phát triển các loại hình du lịch theo phương thức khai thác bền vững như loại tàu tham quan đáy biển Hòn Mun chẳng những có hiệu qủa kinh tế cao mà còn góp phần bảo tồn sinh học biển - một vấn đề nổi cộm ờ nước ta hiện nay.
    Ông Hoàng Hữu Hoa - Giám đốc Doanh nghiệp Thế Giới Biển là chủ của tàu du lịch đáy kính, cho biết: nhu cầu khách đi tham quan biển bằng tàu đáy kính ngày càng lớn, nên công ty đang đầu tư đóng thêm 02 ca nô đáy kính có sức chở 20 người, nhằm phục vụ các đoàn tham quan số lượng ít và giá vé thấp hơn. Theo kế hoạch, 02 ca nô này sẽ đưa vào sử dụng trong năm nay. (Theo TBDL)

  6. #6
    I <3 T.N. Miki's Avatar
    Tham gia ngày
    Mar 2005
    Nơi Cư Ngụ
    In anh 2's heart
    Bài gởi
    3,069

    Default

    hihi..opla post bài về Khánh Hòa, làm bé Jane nhớ Nha Trang quá, hic..hic... không biết đến tới bao giờ mới có thể thăm lại Nha Trang thân yêu của Jane đây nữa!!!! Mấy cái Hòn ở trên Jane biết hết rồi, nhưng mà cái Hòn Ông là ở chỗ nào vậy, hồi giờ chưa nghe qua đó!

    Never underestimate the power of Love

    When you follow your dream, it will come true!

Thread Information

Users Browsing this Thread

Hiện đang có 1 tv xem bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Thành Viên đã ghé thăm: 0

There are no members to list at the moment.

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • Bạn không được quyền đăng bài
  • Bạn không được quyền trả lời bài viết
  • Bạn không được quyền kèm dữ liệu trong bài viết
  • Bạn không được quyền sửa bài
  •