Khi một mối quan hệ kết thúc, bạn nghĩ là mình sẽ không bao giờ ngoái nhìn lại nữa.


Nhưng thật ra, trải qua một thời gian, nếu như bạn vẫn không ngừng hối tiếc chuyện này, sao không thử cho mình một cơ hội.

Nếu bạn vẫn còn tình cảm

Bạn vẫn giữ toàn bộ những quà tặng lớn bé của người ta, vẫn không nỡ xóa đi một cái tin nhắn nào cả, và đôi khi bắt gặp mình mỉm cười một mình khi nhớ về những kỉ niệm cũ?

Lúc này đòi hỏi bạn phải suy nghĩ kỹ càng, vì sau khi chia tay chúng ta thường hụt hẫng một thời gian và rất nhớ cái cảm giác được có một người yêu. Phải chắc chắn là tình cảm cả hai trước đây vốn tốt đẹp, phải tin là quay về để yêu nhau hơn, và thật sự chắc chắn là mình vẫn rất cần người ta đấy nhé.

Dù bạn là người chủ động hay bị động trong chuyện chia tay, thì hãy bắt đầu chuẩn bị tâm lý cho việc phải là người nhún mình trước. Có thể thành công, hoặc cũng có thể thất bại, nhưng dù sao cũng rất đáng để thử, phải không?

Trước khi liên lạc với người ta, hãy bắt đầu làm mới mình trước đã. Cho mình một vẻ ngoài tươi tắn và lạc quan. Sau đó rà soát một số khuyết điểm có thể sửa được như tật hay quên, nóng nảy, cả tính hay giận hờn vô cớ để thay đổi.

Chủ động liên lạc với người ta, tạo ra các cuộc gặp gỡ giữa những người bạn chung của cả hai. Không phải ai cũng có thể duy trì mối quan hệ bè bạn sau khi chia tay, nên bạn cần phải nỗ lực với sự giúp đỡ của bạn bè nhiều lắm đấy.

Đã chuẩn bị tâm lý cho những tình huống xấu nhất rồi, nên bạn hãy tỏ ra thật tự nhiên. Hãy giáp mặt nói chuyện một cách ngắn gọn và đơn giản thôi. Đừng nhắc gì đến “quá khứ đau buồn” cả, nói chuyện hiện tại thôi.

Gợi ý thử người ta tham gia vào một sự kiện nào đó đông người. Việc người ta nhận lời hoặc từ chối sẽ cho bạn biết người ta đang muốn gì trong mối quan hệ với bạn.

Thử liều lĩnh tán tỉnh một chút bằng các chiêu thức trước đây bạn đã từng làm. Mỉm cười nhiều hơn, chọc ghẹo nhau một tí, và lắng nghe quan tâm tới công việc hiện tại của người ta. Chắc chắn người ta sẽ hiểu.

Cho mình một khoảng lặng để nói lời xin lỗi. Chỉ đơn giản là xin lỗi một cách nghiêm túc và chân thành, sau đó chuyển đề tài sang vấn đề khác.

Nếu người ta từ chối gặp lại bạn lần sau, thì hãy giữ cho mình bình tĩnh và cư xử lịch thiệp trước mặt người ta. Nước mắt là dành cho khi bạn ở một mình. Đừng nài nỉ hay van xin bi lụy, không có kết quả gì cả đâu.

Chấp nhận kết quả và quên đi người không thật sự dành cho mình bạn nhé.

Nếu anh ấy là người muốn quay về

Trường hợp này thì dễ dàng hơn khi người chủ động muốn hàn gắn là anh ấy. Nhưng dù sao thì bạn cũng phải cần suy nghĩ về một số vấn đề sau:

Tìm hiểu về thái độ người ta sau thời gian cả hai chia tay, cũng như thông qua một số người bạn để xem người ta nghĩ gì sau khi mối quan hệ kết thúc. Bạn sẽ biết được suy nghĩ thật sự của đối phương.

Hãy dùng cái đầu tỉnh táo để phân tích người ta của thì hiện tại nhé. Sau một thời gian không ở cạnh nhau, hiển nhiên ai cũng có ít nhiều thay đổi. Nếu chuyển biến theo hướng tích cực dĩ nhiên là tốt rồi. Còn nếu như bạn cảm thấy đó không còn là người xưa của mình nữa, thì tốt nhất đừng đem trái tim mình đi đặt cược nhé.

Nói thẳng thắn về những sai sót của cả hai trong thời gian quen nhau để cùng sửa chữa. Tiếp thu những đóng góp của người ta để thay đổi bản thân mình tốt hơn nhé.

Có một số khuyết điểm của người ta bạn hoàn toàn có thể cho qua. Nhưng nên phân tích kĩ lưỡng để chắc chắn đó không phải là bản chất nhé. Nên nhớ là sự bao dung nào cũng có giới hạn, và nếu lí do chia tay là do bạn bị lừa dối, thì tốt nhất nên dừng lại.

Bỏ qua những lỗi lầm trước đây của người ta nếu như thật sự bạn đã muốn quay về. Xác định rõ ràng là mình không nhắc đến chúng nữa dẫu cho sau này cả hai có những lúc “cơm không lành canh không ngọt”.

Đừng bỏ rơi tình yêu nếu như trái tim bạn không muốn thế. Và bắt đầu lại một cách hoàn hảo hơn nhé.


Đặng Thị Hạnh Dung
[Nguồn muctim.com.vn]