Công hiệu của hạt chanh, Hạt đậu-Thuốc của mùa hè
Hạt chanh, một dư phẩm thường bị loại bỏ khi sử dụng quả chanh, lại là vị thuốc được dùng khá phổ biến theo kinh nghiệm dân gian.
- Khi trẻ bị ho, lấy hạt chanh, hạt quất, lá thạch xương bồ - mỗi vị 10g, mật gà đen một cái. Tất cả dùng tươi, giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm cho chín rồi uống làm 2-3 lần trong ngày.
- Hoặc hạt chanh 10g, lá hẹ 15g, hoa đu đủ đực 15g, nước 20ml. Các dược liệu đem nghiền nát, hòa với nước rồi thêm mật ong hoặc đường kính, uống làm 3 lần trong ngày, dùng vài ngày.
- Để giải độc chữa rắn cắn, lấy hạt chanh tươi hoặc phơi khô 10-20g nhai nhỏ, nuốt nước, lấy bã đắp vào vết cắn (đây là kinh nghiệm của nhân dân ở một số vùng miền núi nước ta và ở một vài địa phương của Ấn Độ).
Về cơ chế tác dụng của hạt chanh đối với nọc rắn, theo kinh nghiệm dân gian, những vị thuốc có chất đắng thường có tác dụng giải độc tốt (chất đắng trong hạt chanh đã được xác định là lemonin hay pepolimonin).
- Dùng riêng hoặc phối hợp hạt chanh 15g, mướp đắng 10 hạt, rễ thạch xương bồ 12g, củ gấu 20g, muối ăn vài hạt. Tất cả để tươi giã nhỏ, ngâm với 30ml nước sôi trong 10 phút, khuấy đều rồi chắt hoặc lọc. Người lớn uống làm hai lần cách nhau 20 phút; trẻ em dưới 15 tuổi uống 1/4 đến 1/3 liều người lớn.
- Ngoài ra, hạt chanh vừa tách khỏi múi quả (10-20g) ngâm ngay vào một chén nước nóng trong vài giờ. Chất nước dính bao quanh hạt sẽ nở và tan ra thành một dung dịch đặc nhầy, thêm đường, uống một lần trong ngày, chữa táo bón.
Hạt đậu - Thuốc của mùa hè
Làm thế nào để bữa ăn mùa hè vừa ngon lại vừa mát và bổ, đó là thử thách với các bà nội trợ. Ưu tiên các loại đậu là một giải pháp hay.
Đậu xanh:
Theo Đông y, hạt đậu xanh vị ngọt mát, hơi tanh có tác dụng giải nóng, tiêu khát, trừ bỏ phù thũng, lợi tiểu, chữa lở loét...
Giá đỗ: Thường ăn giá sống, xào và muối chua. Giá tính mát, tác dụng vào hai kinh bàng quang và tỳ, giúp thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát. Ngoài ra, giá đậu còn cung cấp vitamin C và E.
Cháo đậu xanh: Đậu xanh xay nấu cả vỏ cùng gạo. Đây là món ăn rất tốt cho mùa hè, có thể ăn cháo đậu xanh với đường hay muối (nước mắm). Cháo đậu xanh trị tiêu khát, uống nhiều nước, giải độc, nóng, lợi tiểu, thanh nhiệt, hạ khí.
Kết hợp đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, mỗi thứ 300 g nấu chung với cam thảo, ăn cả bã lẫn nước trong vòng 7 ngày, dùng phòng các chứng bệnh mùa hè.
Đậu nành (đậu tương):
Đậu nành chứa 40% protit, 20% lipit. Người ta cho rằng đậu nành là “thịt chay”, vì thế nên chỉ dùng ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, trong đậu nành có rất nhiều muối khoáng và các vitamin B1, B2, E...
Đậu phụ: Vị ngọt, tính mát, nhuận tràng, bổ trong, giải độc. Đậu phụ thích hợp với mọi lứa tuổi, là món ăn chủ đạo trong ăn chay.
Giá đậu nành: Đối với phụ nữ, ăn giá đậu nành xào tái thêm một chút gừng có thể cải thiện được mái tóc, làm cho mái tóc óng mượt và còn có thể làm giảm béo vì trong giá đậu nành có rất nhiều vitamin C, caroten, chất khoáng.
Cháo đậu nành: Đậu nành ngâm nước, đãi vỏ sạch, cùng với một ít gạo nấu nhừ thành cháo. Cháo đậu nành giúp nhuận phế, tiêu đầy trướng hơi, lợi tiểu.
Đậu nành là thức ăn rất cần thiết cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chậm phát triển, người bệnh đái tháo đường, bệnh gout.
Đậu đen:
Theo “Nam dược thần hiệu”, đậu đen vị ngọt, tính hàn, bổ thận, gan, máu. Đậu đen trị được nhiều bệnh như trừ phong nhiệt, giải độc, giải nhiệt và dùng làm thuốc bổ dưỡng. Đậu đen rất thích hợp với người thận yếu hư, suy nhược khi cảm nặng, là món ăn giải nhiệt rất tốt trong mùa hè.
Cháo đậu đen: Đậu đen ngâm nước 2 giờ, cho thêm một ít gạo nấu nhừ thành cháo. Ăn nóng hay ăn nguội tùy thích. Khi ăn kết hợp với đậu phụ rán. Đây là món ăn giúp lợi tiểu, giải nhiệt rất tốt, thích hợp với mọi lứa tuổi.
Đậu đỏ:
Theo y học cổ truyền, đậu đỏ có vị ngọt chua, tính bình, không độc. Đậu đỏ trị được các chứng mụn lở, thủy thũng, đi tả, đau buốt cơ thể, nôn mửa...
Cháo đậu đỏ: Giúp tiêu phù nước tiểu, lợi tiểu tiện, tránh độc. Cách nấu như cháo đậu xanh, đậu đen.
Điều kì diệu từ thực phẩm
Điều kỳ diệu của thực phẩm
Thực phẩm không chỉ cung cấp dinh dưỡng còn là nguồn bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu cùng những hợp chất chống ôxi hoá cho cơ thể. Kết hợp những thực phẩm sau trong bữa ăn hàng ngày, cơ thể bạn sẽ được cung cấp những chất cần thiết, duy trì và nâng cao sức khoẻ.
1. Đậu hạt:
Tất cả những cây họ đậu đều chứa những hợp chất bảo vệ tim, có tác dụng ngăn chặn ung thư, tiểu đường và các bệnh tim. Đậu giàu chất xơ, có tác dụng hạ thấp lượng cholesterol xấu trong cơ thể.
2. Quả việt quất:
Rất giàu chất anthocyanins, giúp hạ thấp cholesterol, ngăn vón máu và bảo vệ tế bào cơ thể. Việt quất xanh, tía đều có tác dụng như nhau.
3. Súp lơ:
Loại cây lá xanh này chứa nhiều vitamin trong đó có folate, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh alzeimer. Ngoài ra một hợp chất trong súp lơ có tên sulforaphane có thể tiêu diệt vi khuẩn gây lở loét.
4. Yến mạch:
Một trong những loại ngũ cốc rất giàu chất phytochemical có lợi cho tim. Ngoài ra, trong yến mạch còn có beta glucan, một chất xơ hoà tan có tác dụng hạ thấp cholesterol và giúp no lâu.
5. Cam:
Loại quả này cung cấp đủ vitamin C, folate, xơ và betacaroten. Bên cạnh đó, cam chứa nhiều hợp chất có tác dụng chống lão hoá.
6. Bí ngô:
Bí ngô đỏ, vàng, cam đều rất giàu carotenoids, alpha và betacaroten có tác dụng nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Đây cũng là nguồn cung cấp chất chống ôxi hoá và giàu chất xơ.
7. Cá hồi:
Giàu axit béo omega-3, bảo vệ tim, ngăn ngừa viêm khớp kinh niên và có thể cải thiện tinh thần.
8. Đậu nành:
Chứa nhiều isoflavone bảo vệ tim, chống lại các căn bệnh ung thư và chứng loãng xương.
9. Rau chân vịt:
Giàu folate, rất cần cho phụ nữ chuẩn bị mang thai. Rau chân vịt có nhiều lutein, một chất chống ôxi hoá giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mù loà.
10. Trà xanh và đen:
Rất giàu flavonoids, một chất chống lão hóa, tốt cho sức khỏe. Trà có thể uống cùng với sữa mà không làm giảm khả năng hấp thụ hợp chất này.
11. Cà chua:
Chứa lycopen, tốt cho tim và ngăn ngừa ung thư tiền liệt tuyến. Cà chua tươi và cà chua đóng hộp đều giàu chất này. Bạn có thể chế biến cà chua với một chút dầu ôliu để tăng sự hấp thu vào cơ thể.
12. Gà tây: (hoặc các loại thịt đỏ như thịt bò, cừu)
Thực phẩm giàu prôtêin này còn có nhiều kẽm, sắt và vitamin B12, cần cho sự phát triển của các mô. Ngoài ra, thịt đỏ như thịt bò nạc còn có axit béo omega-3.
13. Quả hạch:
Giàu chất xơ và dầu có lợi cùng hàng loạt vitamin và khoáng chất, có thể dùng để bổ sung axit omega-3 thay cho cá.
14. Sữa chua:
Nguồn cung cấp dồi dào can xi và prôtêin, có tác dụng diệt khuẩn nhờ chất probiotics có tác dụng làm sạch hệ thống tiêu hoá. Theo “ The ustralian Womens weekly”
Mướp đắng vị thuốc chống ung thư
Các nhà khoa học đã phát hiện trong mướp đắng có một loại protein hoạt tính, có khả năng phòng ngừa ung thư rất hiệu quả. Loại protein này kích thích hệ miễn dịch, loại trừ độc tố trong cơ thể. Theo Đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng, có công dụng dưỡng huyết, bổ gan, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, dùng trị các chứng bệnh nhiệt, trúng nắng, kiết lỵ, u nhọt, đau mắt đỏ do nhiệt.
Dưới đây là một số bài thuốc từ mướp đắng:
- Mụn nhọt, rôm sẩy: Dây mướp đắng đun sôi để nguội dùng để tắm sẽ hết rôm sẩy và mụn nhọt.
- Hạ nhiệt, sáng mắt, giải độc: Mướp đắng một lượng vừa đủ, phơi hoặc sấy khô, mỗi ngày dùng 15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 - 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
- Tiểu đường: Lấy lá mướp đắng đun lấy nước, nước này có tác dụng hạ nhiệt và rất tốt cho những người bị bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, từ mướp đắng ta có thể chế biến thành các món ăn ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng như: Mướp đắng nhồi nhân đậu hũ với nấm mèo, mướp đắng xào.
Những món ăn này có tác dụng tăng cường sức khoẻ và đặc biệt rất tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường.