-
Chương 56
Băng cọ vào băng nghe lộng óc, khối băng khổng lồ từ phiến băng Milne đâm thẳng xuống biển, làm toé lên những cột nước lớn. Đập mạnh vào mặt nước, khối băng giảm tốc độ, cơ thể đang trong trạng thái không trọng lượng của Rachel bị đập mạnh vào mặt băng. Tolland và Corky cũng rơi xuống ngay gần đó.
Theo đà, khối băng chìm sâu xuống nước. Rachel thấy trong mắt mình mặt biển ngầu bọt dâng ngược lên, giống như người ưa mạo hiểm buộc dây vào chân để nhảy từ trên cầu xuống, nhưng sợi dây lại quá dài. Dâng lên..., dâng lên nữa... và thế là... Cơn ác mộng thuở nhỏ bỗng chốc hiện ra. Băng tuyết..., nước..., bóng tối.
Kinh hoàng tột độ.
Mặt trên của khối băng bị nhấn chìm xuống dưới mực nước, và những luồng nước lạnh giá của Bắc Băng Dương chảy ùa vào từ mọi phía. Nước biển táp mạnh vào cơ thể Rachel, rồi bủa vây cô tứ phía. Vùng da mặt không được bộ quần áo bảo hộ che chở rát như bị bỏng. Khối băng tiếp tục chìm xuống thêm nữa, Rachel cố ngoi lên mặt nước, lớp đệm gel lúc này như một chiếc phao.
Nước mặn xộc vào mồm, nhưng giờ cô đã nổi được trên mặt nước.
Hai người kia cũng đang lóp ngóp quanh cô, sợi dây vẫn buộc họ vào nhau. Ngay khi Rachel vừa nổi hẳn lên trên mặt nước thì Tolland đã hét lớn.
“Nó lại nổi lên đấy!”
Ông chưa dứt lời, Rachel đã cảm thấy những luồng nước rất mạnh đẩy từ dưới lên. Như đầu máy xe lửa khổng lồ giảm tốc độ rồi đổi hướng, khối băng lớn đã giảm hẳn tốc độ trong lòng nước, lúc này đang nổi dần lên ngay dưới chân họ. Cách mặt biển vài mét, tiếng ì oạp, ầm ì vọng lên. Khối băng khổng lồ đang trồi lên.
Nó trồi lên rất nhanh, như lao lên từ bóng đêm. Rachel bị nâng bổng lên. Nước xáo động mạnh, mặt trên của khối băng đã chạm người cô. Rachel chới với, cố hết sức giữ thăng bằng, khối băng tròng trành trồi dần lên, đẩy Rachel lên, cùng cả ngàn ga-lông nước biển. Vừa trồi lên, khối băng vừa lắc lư, tròng trành, như thể đang tìm xem tâm trọng lực của nó ở điểm nào. Rachel loạng choạng đứng trên mặt băng rộng mênh mông, nước cao đến ngang bụng. Khi nước bắt đầu rút khỏi mặt băng, dòng chảy xiết cuốn phăng cô ra tận ngoài rìa. Trượt trong tư thế nằm sấp, cô thấy mép tảng băng đang đến tiến sát vào người.
Cố lên! Giọng nói của mẹ cô vang lên y như thuở nào, lúc cô vẫn còn bét đang thì thụp trong cái hồ đóng băng. Cố lên, đừng để bị chìm!
Bị giật mạnh ngang thắt lưng, chút không khí cuối cùng còn lại trong hai lá phổi của Rachel cạn kiệt. Còn cách mép phiến băng vài mét, cô quẫy mạnh người và dừng lại được. Cách đó khoảng mười mét, Corky cũng vừa dừng lại như cô, thân thể nát nhừ. Mỗi người bị cuốn khỏi mặt băng theo một hướng khác nhau, và nhờ có lực đà của ông mà cô dừng lại được. Nước rút đi rất nhanh, và một bóng đen khác xuất hiện ngay gần Corky. Bò lồm cồm, tay bám chặt, sợi dây buộc vào thắt lưng Corky, miệng nôn thốc ra toàn nước biển.
Michael Tolland.
Luồng nước cuối cùng đã thoát xuống khỏi mặt phiến băng, Rachel kinh hãi nằm bất động, nghe những âm thanh của biển. Sau đó cảm thấy băng giá buốt đến tận cổ, cô nhổm người lên. Tảng băng khổng lồ vẫn đang lắc qua lắc lại như viên nước đá khổng lồ trong cốc. Đau đớn, cuồng loạn, cô bò về phía hai người kia.
Trên cao, trên đỉnh phiến băng, Delta-Một dùng kính nhìn xuyên đêm để quan sát nước biển cuộn xoáy quanh tảng băng trôi mới nhất của Bắc Băng Dương. Không nhìn thấy người nào trong nước, nhưng anh không hề ngạc nhiên. Nước biển tối sẫm. Còn các nạn nhân của anh thì mặc quần áo và đội mũ màu đen.
Căng mắt, anh cố nhìn rõ khối băng lớn đang nổi lềnh bềnh. Rất nhanh, nó đang trôi ra xa theo luồng hải lưu thềm lục địa.
Đã định chuyển hướng quan sát xuống mặt biển, anh chợt trông thấy ba đốm màu đen trên mặt băng. Xác của họ đó sao? Delta-Một căng mắt nhìn.
“Cậu có thấy gì không?” Delta-Hai hỏi.
Delta-Một không nói gì, tay điều chỉnh kính phóng đại. Trong ánh sáng mờ ảo hắt lên từ mặt băng, anh kinh ngạc trông thấy ba người nằm bất động. Không thể biết họ còn sống hay đã chết. Và cũng không cần phải biết. Nếu còn sống thì vài giờ nữa họ sẽ chết, dù mặc trên người bộ quần áo vi khí hậu kia; cả ba đều bị ướt, trời lại sắp nổi giông bão, và họ đang trôi dạt ra vùng biển đáng sợ nhất trên trái đất. Không một ai có thể tìm thấy xác của họ.
“Chỉ có vài bóng đen thôi”. Delta-Một quay người đáp. “Quay về căn cứ, nào
-
Chương 57
Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton đặt ly rượu Courvoisier trên bệ lò sưởi trong căn hộ của ông tại khu chung cư Westbrooke, vừa cho than vào lò vừa trầm ngâm suy nghĩ. Sáu người đàn ông cùng ở trong phòng với ông đều đang im lặng, chờ đợi Những câu chuyện phiếm đều đã kết thúc, giờ là lúc Thượng nghị sĩ phải tung ra khẩu hiệu quảng cáo cho bản thân mình. Họ biết thế. Ông cũng biết thế.
Làm chính trị cũng giống như đi chào hàng.
Cần phải gây dựng lòng tin. Cho họ thấy là mình hiểu vấn đề của họ. “Chắc các vị cũng biết”, ông quay về phía họ và nói, “mấy tháng nay tôi đã gặp rất nhiều người trong tình cảnh giống như các vị”. Ông mỉm cười, ngồi xuống cùng với họ. “Các vị là những người duy nhất mà tôi mời đến nhà riêng. Các vị đều là những người xuất chúng, vì thế tôi lấy làm vinh hạnh được làm quen”.
Sexton khoanh tay trước ngực, đưa mắt nhìn khắp phòng, nhìn thẳng vào mắt từng vị khách một. Sau đó, ông tập trung vào đối tượng đầu tiên - người đàn ông dáng bệ vệ đội mũ cao bồi.
“Công ty Vũ trụ Houston”, ông nói “tôi rất mừng vì ông đã đến”.
Ông già Texas đó càu nhàu: “Tôi ghét cái thành phố này”.
“Tôi không trách ông về điều đó. Thành phố này đã đối xử với ông một cách bất công”.
Ông già đội mũ đó chằm chằm nhìn Sexton nhưng không nói gì.
“Cách đây 12 năm”, Sexton bắt đầu nói, “Ông đã đưa ra một đề nghị đối với Chính phủ. Ông muốn xây cho họ một sân bay vũ trụ với mức giá chỉ năm triệu đô la”.
“Đúng thế. Tôi vẫn còn giữ bản kế hoạch chi tiết đây”.
“Ấy thế nhưng NASA đã thuyết phục được Chính phủ rằng sân sân bay vũ trụ của Hoa Kỳ phải là một dự án của NASA”.
“Đúng thế. Họ bắt tay xây dựng sân bay đó cách đây gần chục năm”.
“Một thập niên. Và không những sân bay vũ trụ đó chưa thể đi vào hoạt động toàn bộ, mà nó đã ngốn mất số tiền nhiều gấp 20 lần mức giá ông đưa ra. Là người dân đóng thuế, tôi phát sợ”.
Tiếng xì xào tán thưởng nổi lên trong phòng. Sexton lần lượt nhìn thẳng vào mắt từng vị khách.
“Tôi cũng biết rằng”, ngài Thượng nghị sĩ nói tiếp, “một số công ty của các vị đây đã đưa ra giá năm mươi triệu đô la cho một lần phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo”.
Một số người gật đầu.
“Ấy thế nhưng NASA đã nẫng tay trên của quý vị bằng cách chào mức giá có ba mươi tám triệu đô một lần phóng..., mặc dù giá thật của mỗi lần phóng lên tới 150 triệu!”
“Bằng cách đó họ đã ngăn cản chúng tôi tiến vào vũ trụ”. Một người lên tiếng. “Các công ty tư nhân không thể cạnh tranh nổi khi họ chấp nhận mức giá lỗ tới bốn trăm phần trăm, nhưng vẫn có thể tiếp tục kinh doanh”.
“Các vị cũng không cần phải cạnh tranh theo kiểu đó”.
Tất cả đều gật gù.
Lúc này Sexton quay sang nhà kinh doanh dáng khắc khổ bên cạnh mình, ông đã đọc tài liệu về ông ta một cách rất say sưa.
Giống đa số những doanh nghiệp đang tài trợ cho Sexton, nhà quân sự này vì ngán ngẩm mức lương ba cọc ba đồng và tệ quan liêu của Chính phủ nên đã từ bỏ sự nghiệp quân sự để kinh doanh trong lĩnh vực vũ trụ.
“Công ty Kistler”, Sexton lắc đầu buồn bã và nói “công ty của các vị đã thiết kế và chế tạo những tên lửa có khả năng vận chuyến hàng hóa lên vũ trụ với giá chỉ hai ngàn đô la một pound, so với mức giá mười ngàn đô la của NASA”. Ông ngừng một lát để lời nói có thêm trọng lượng. “Ấy thế nhưng vẫn không tìm được khách hàng nào cả”.
“Làm sao mà tôi có nổi khách hàng”. Ông ta đáp. “Tuần trước NASA vừa ăn chặn của tôi bằng cách chào giá với Motorola có tám trăm mười hai đô la để phóng một vệ tinh viễn thông. Trên thực tế Chính phủ đã làm vụ đó với mức lỗ lên tới chín trăm phần trăm!”
Sexton gật đầu. Những người đóng thuế đang phải nai lưng ra mà bao cấp cho một tổ chức có hiệu suất thấp bằng một phần mười các đối thủ cạnh tranh của nó. “Thật đau lòng”. Ông thấp giọng nói “rằng NASA đang cố sức kìm hãm sự cạnh tranh trong lĩnh vực vũ trụ. Họ hất cảng các công ty tư nhân ra bằng cách cung cấp dịch vụ với mức giá thấp hơn giá thị trường”.
“Đó chính là trò Wal-Mart trong vũ trụ, chứ còn gì nữa”. Người đàn ông Texas nói.
Sự giống nhau đáng ghét, Sextơn thầm nghĩ. Mình phải nhớ lấy điều này. Wal-Mart từng khét tiếng về chiến thuật thâm nhập thị trường mới bằng cách bán dưới giá, và tiêu diệt hết các doanh nghiệp địa phương.
“Tôi thấy quá mệt mỏi”, người đàn ông Texas lại nói tiếp “vì cứ phải trả hết tỉ này đến tỉ khác tiền thuế để Chính phủ có đủ tiền nẫng tay trên các khách hàng của tôi!”
“Tôi biết”, Sexton nói “và rất thông cảm với ông”.
“Chính vì không được nhận tài trợ nên Rotary Rocket đang chết dần”. Người đàn ông ăn mặc rất chỉnh tề, nói. “Luật cấm tài trợ chẳng qua là bộ luật giết người!”
“Tôi hoàn toàn tán thành”. Sexton đã từng vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng NASA cũng đã bảo vệ sự độc quyền của họ bằng cách vận động Chính phủ thông qua bộ luật cấm dùng các phương tiện vận tải vũ trụ cho mục đích quảng cáo. Bộ luật đó cấm các công ty tư nhân nhận tiền từ các nhà tài trợ cũng như các hợp đồng quảng cáo logo - giống như cách các tay đua xe chuyên nghiệp vẫn thường làm - các phương tiện vận tải trên vũ trụ chỉ được phép có chữ U.S.A, và tên công ty chế tạo. Ở một quốc gia mà doanh thu từ quảng cáo lên tới 185 tỉ đô la mỗi năm, các công ty vũ trụ tư nhân không thu nổi một xu từ lĩnh vực này.
“Đó là hành động cướp bóc!” Một người lên tiếng. “Tôi dự định duy trì hoạt động của công ty cho đến tháng năm, khi chúng tôi có thể phóng thử mô hình tên lửa du lịch đầu tiên của cả nước. Và hy vọng nhận được rất nhiều tiền từ quảng cáo. Nike đã đề nghị tài trợ cho chứng tôi những bảy triệu đô la để hình chiếc giày của họ kèm theo khẩu hiệu “Hãy xốc tới!” được in trên vỏ quả tên lửa đó. Pepsi đưa ra số tiền nhiều gấp đôi như thế cho dòng chữ “Pepsi: sự lựa chọn của tương lai”. Nhưng theo luật Liên bang, nếu in hình quảng cáo thì quả tên lửa đó bị cấm phóng lên!”
“Đúng thế!” Thượng nghị sĩ Sexton nói. “Và nếu đắc cử thì tôi sẽ tìm cách hủy bỏ điều luật cấm tài trợ đó. Tôi xin hứa như vậy. Từng inch trên mặt đất đều được tận dụng để quảng cáo và vũ trụ cũng nên như thế”.
Lúc này Sexton đưa mắt nhìn thính giả của mình, nhìn sâu vào mắt từng người một, nói một cách trang trọng. “Tuy nhiên, phải nói rằng trở ngại chính trong công cuộc tư hữu hóa NASA không phải là các đạo luật mà chính là hình ảnh của nó trong lòng công chúng. Hầu hết dân Mỹ vẫn giữ trong lòng hình ảnh đầy thi vị và đẹp đẽ về chương trình vũ trụ của Hoa Kỳ. Họ vẫn tin rằng NASA là một bộ phận cần thiết của Chính phủ”.
“Chẳng qua là tại mấy bộ phim chết tiệt đó của Hollywood!” Một người nói. “Hollywood đã làm không biết bao nhiêu bộ phim kiểu NASA cứu nguy cho trái đất khi bị một sao Chổi tấn công. Họ tuyên truyền bằng cách ấy đấy!”
Những bộ phim về NASA được chiếu nhan nhản khắp nơi, Sexton biết, chẳng qua là vì lý do kinh tế. Sau thành công vang dội của bộ phim Súng ngắn siêu hạng do Tom Cruise thủ vai chính, có tác dụng quảng bá mạnh mẽ cho Hải quân Mỹ - NASA nhận thấy rằng Hollywood rất có tiềm năng trở thành bộ phận quan hệ công chúng đặc biệt hữu hiệu. Thế là họ bắt đầu cho phép các nhà làm phim sử dụng cơ sở vật chất của NASA mà không cần phải trả tiền - các bệ phóng, dàn thiết bị điều khiển, các cơ sở luyện tập. Vốn quen phải chi những khoản tiền khổng lồ để thuê địa điểm mỗi khi bấm máy bên ngoài trường quay, các nhà sản xuất phim chớp ngay lấy cơ hội để tiết kiệm cho ngân quỹ của mình hàng tỷ đô la, họ sản xuất những bộ phim hành động về NASA. Dĩ nhiên chỉ sau khi NASA thông qua kịch bản thì Hollywood mới được sử dụng địa điểm của họ mà không mất tiền.
“Đấy là thủ đoạn nhồi sọ công chúng”, Một người khác làu bàu. “Những bộ phim đó chẳng là gì so với những tiểu xảo của NASA để lấy lòng dân chúng. Đưa một công dân nào đó lên vũ trụ ư? Hiện giờ họ định đưa một phi hành đoàn toàn là nữ lên quỹ đạo ư? Toàn những thủ đoạn tuyên truyền!”
Sexton thở dài, càng nói giọng ông càng trở nên khúc chiết. “Đúng vậy, không cần phải nhắc chắc các vị cũng nhớ một sự kiện xảy ra hồi cuối những năm tám mươi. Khi đó Bộ Giáo dục bị khủng hoảng ngân sách và quay sang buộc tội NASA là đã phung phí nhiều triệu đô la đáng ra phải được chi cho giáo dục. Thế là NASA bày trò làm ra vẻ quan tâm đến giáo dục. Họ đưa một cô giáo dạy phổ thông lên vũ trụ”. Sexton ngừng một lát. “Các vị còn nhớ Christa McAuliffe chứ?”
Căn phòng chìm trong yên lặng.
“Thưa các vị”. Sexton nói, dừng bước bên lò sưởi. “Tôi tin là đã đến lúc người Mỹ hiểu ra sự thật, vì tương lai của toàn nước Mỹ. Đã đến lúc người Mỹ phải hiểu ra rằng NASA chẳng hề giúp chúng ta tiến vào vũ trụ, thực ra nó đang gây cản trở cho việc thăm dò vũ trụ. Vũ trụ cũng là một ngành kinh doanh như mọi ngành khác, và ngăn cản không cho các công ty tư nhân tham gia vào là có tội. Cứ nhìn ngành công nghiệp máy tính mà xem, đơn vị thời gian của những tiến bộ và những thay đổi là từng tuần một! Vì sao ư? Bởi vì chúng ta áp dụng cơ chế thị trường tự do ở đó: Hiệu suất làm việc và tầm nhìn xa trông rộng được đền đáp bằng lợi nhuận. Giả sử Chính phủ vẫn đang độc chiếm ngành này xem, chắc giờ chúng ta vẫn phải lóp ngóp trong tăm tối. Ngành vũ trụ của chúng ta đang đình trệ. Chúng ta nên chuyển giao công cuộc thăm dò vũ trụ sang cho thành phần kinh tế tư nhân, vì nó thuộc về họ. Rồi người Mỹ sẽ phải kinh ngạc khi chứng kiến sự tăng trưởng, khi thấy nhiều chỗ làm mới được tạo ra và những giấc mơ của họ trở thành hiện thực. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên để cơ chế thị trường tự do giúp người Mỹ vươn lên tầm cao mới trong vũ trụ. Nếu đắc cử, tôi sẽ nỗ lực hết sức nhằm khai thông mọi bế tắc, và mở rộng cửa thị trường vũ trụ”.
Sexton nâng cao ly rượu Cognac trong tay.
“Thưa các vị, hôm nay các vị đã tới đây để xem tôi có xứng đáng với lòng tin của quý vị hay không. Hy vọng rằng những gì tôi vừa thể hiện đã gây dựng được lòng tin đó. Cần phải có các nhà đầu tư thì mới có các công ty; tương tự như thế, phải có các nhà đầu tư thì mới có chiếc ghế Tổng thống. Cũng giống như các cổ đông trông chờ cổ tức, các nhà đầu tư chính trị như các vị trong đợi cơ hội làm ăn. Thông điệp mà tối nay tôi muốn chuyển đến các vị là rất đơn giản: Hãy tài trợ cho tôi, tôi sẽ không quên các vị Không bao giờ. Chúng ta có những ước nguyện giống nhau và cùng chung một mục đích”.
Sexton cụng ly với cả nhóm.
“Với sự giúp đỡ của các vị, tôi sẽ nhanh chóng trở thành chủ nhân Nhà Trắng... Còn các vị sẽ vươn tới bầu trời”.
Cách đó vài mét, Gabrielle Ashe sững sờ đứng trong bóng tối. Từ trong phòng vọng ra tiếng cụng ly lách cách cùng với tiếng lửa cháy lép bép trong lò.
-
Chương 58
Hoảng hốt, chàng kỹ thuật viên trẻ của NASA lao như tên bắn trong bán sinh quyển. Vừa xảy ra sự kiện hãi hùng! Anh tìm thấy ông Giám đốc Ekstrom đứng một mình gần khu báo chí.
“Báo cáo Giám đốc”, anh hổn hển nói “vừa có tai nạn!”
Ekstrom quay lại, ánh mắt xa xăm, như thể đang đắm chìm trong những âu lo nào đó.
“Cậu nói gì? Tai nạn à? Ở đâu?”
“Ở hố trục vớt tảng thiên thạch. Một cái xác vừa nổi lên. Tiến sĩ Wailee Ming”.
Sắc mặt Ekstrom không hề thay đổi. “Tiến sĩ Ming à. Nhưng mà..”
“Chúng tôi vớt được ông ấy lên, nhưng quá muộn. Ông ấy mất rồi”.
“Lạy Chúa, ông ấy ngã xuống đó được bao lâu rồi?”
“Chắc là khoảng một tiếng đồng hồ. Có lẽ ông ấy trượt chân xuống đó, chìm xuống tận dưới đáy, đến khi cơ thể đã trương lên thì mới nổi lên”.
Nước da đỏ au của Ekstrom trở thành đỏ tía. “Quỷ tặc! Còn ai biết chuyện này nữa?”
“Không ai cả. Mỗi hai chúng tôi thôi ạ. Vừa vớt ông ấy lên, chúng tôi nghĩ là nên báo cáo Giám đốc trước đã...”
“Các cậu làm thế là đúng”. Ekstrom thở hắt ra nặng nhọc. “Giấu kín ngay xác tiến sĩ Ming, không nói gì hết”.
Anh chàng kỹ thuận viên bối rối. “Nhưng, thưa Giám đốc, tôi...”
Ekstrom đặt bàn tay to bè lên vai chàng kỹ thuật viên. “Cậu nghe tôi nói này. Đây là một tai nạn đáng tiếc, chẳng ai mong muốn điều này. Dĩ nhiên là sẽ đến lúc tôi phải lo chuyện hậu sự cho ông ấy một cách tươm tất. Tuy nhiên, bây giờ chưa phải lúc”.
“Tức là bây giờ phải giấu kín cái xác ạ?”
Đôi mắt Bắc Âu lạnh lẽo của Ekstrom cụp xuống. “Cậu nghĩ mà xem. Nói cho mọi người biết cũng được thôi, nhưng làm thế thì được cái gì? Chỉ còn một giờ nữa là cuộc họp báo bắt đầu. Loan báo rằng có tai nạn chết người sẽ phủ bóng đen lên phát kiến của chúng ta và làm ảnh hưởng đến không khí chung. Tiến sĩ Ming đã bất cẩn; và tôi không định để NASA trả giá cho điều đó. Các nhà khoa học dân sự ở đây đã được chú ý quá nhiều. Tôi không có ý định để cho một sai lầm ngu ngốc của họ phủ bóng đen lên vinh quang chung của mọi người. Tai nạn của tiến sĩ Ming phải được giữ kín đến hết cuộc họp báo. Cậu có hiểu không?”
Chàng kỹ thuật viên gật đầu, mặt tái xám. “Tôi sẽ giấu kín xác ông ấy”.
Chương 59
Đi biển đã lâu, Michael Tolland hiểu rằng đại dương chẳng do dự, cũng chẳng tiếc thương khi kết liễu sinh mạng các nạn nhân của nó. Kiệt sức, nẳm bẹp trên phiến băng rộng, ông chỉ còn lờ mờ nhìn thấy phiến băng Milne đang dần lùi xa. Ông biết dòng hải lưu Bắc Cực chảy xiết bắt nguồn từ quần đảo Elizabeth chảy theo hình vòng cung quanh chỏm băng Bắc Cực rồi chảy đến sát bờ biển Bắc Nga. Điều đó không quan trọng, hành trình ấy phải mất vài tháng...
Chỉ còn khoảng 30 phút nữa..., nhiều nhất là 45 phút.
Ông biết nếu không có bộ quần áo đặc biệt này, cả ba người đã chết từ lâu. Ơn Chúa, những bộ quần áo liền quần có đệm gel Marl IX này đã giữ cho họ khỏi ướt - điều kiện tối cần thiết để tồn tại trong thời tiết lạnh giá này. Lớp đệm giữ nhiệt bao quanh thân thể họ không đủ giảm nhẹ sức va đập của những cú ngã, nó còn giữ lại cho họ chút hơi ấm ít ỏi còn sót lại.
Chẳng mấy chốc nữa, thân nhiệt của họ sẽ giảm dần. Ban đầu chân tay sẽ có cảm giác tê cứng do máu rút về bảo vệ những cơ quan nội tạng quan trọng nhất. Tiếp đó sẽ là trạng thái mê sảng kèm theo ảo giác khi cả hệ tim mạch lẫn hai lá phổi đều giảm tốc, dẫn đến thiếu ô xy não. Sau đó, cơ thể sẽ bắt đầu nỗ lực cuối cùng nhằm duy trì chút thân nhiệt còn lại bằng cách chấm dứt mọi hoạt động trừ quả tim và buồng phổi, kết quả là trạng thái bất tỉnh. Cuối cùng, khu vực thần kinh trung ương điều tiết tim và phổi cũng sẽ ngừng hoạt động.
Tolland trân trối nhìn Rachel, lòng thầm ước giá như ông có thể làm được điều gì đó để cứu cô.
Cảm giác tê cứng khắp người Rachel Sexton không đau đớn như cô tưởng. Nó gần như một loại thuốc gây tê. Morphine của thiên nhiên. Lúc ngã từ trên cao xuống, kính bảo hộ của cô bị văng mất, giờ đây, giá lạnh khiến hai mắt Rachel không hé ra nổi.
Rachel trông thấy Corky và Tolland ở gần đó. Tolland đang nhìn cô ánh mắt đầy nuối tiếc. Một bên má của Corky bị dập nát, bê bết máu, và ông đang cử động, đầy đau đớn.
Toàn thân Rachel run lên lập cập trong khi tâm trí cô bị xáo tung với những câu hỏi. Ai? Vì sao? Cảm giác nặng nề đang tăng dần trong cơ thể khlen tâm trí lại càng rối bời hơn. Mọi sự kiện trở nên thật khó hiểu. Dường như sức sống trong cô đang cạn dần, và cơ thể đang bị một thế lực nào đó khiến cho mụ mị. Cô gắng sức cưỡng lại. Lúc này, một cơn giận dữ đang tràn lấp tâm trí cô, và Rachel tận dụng nó để thoát khỏi cơn buồn ngủ.
Chúng cố tình giết cả nhóm! Cô đưa mắt nhìn mặt biển và nhận thấy những kẻ đó đã làm được điều chúng muốn. Cả ba coi như đã chết Ngay lúc này, dù biết mình không còn cơ hội sống sót để khui ra toàn bộ sự thật về trò gian trá đang được dựng lên trên phiến băng Milne, cô đã lờ mờ đoán ra kẻ chủ mưu.
Giám đốc Ekstrom là người được lợi nhiều nhất. Chính ông ta đã phái cả nhóm bọn họ ra ngoài phiến băng. Cũng chính ông ta lại có những mối quan hệ với cả Lầu Năm Góc và đội đặc nhiệm. Nhưng đem đặt tảng thiên thạch vào giữa phiến băng như thế thì Ekstrom được lợi lộc gì đây? Còn ai nữa cũng được hưởng lợi từ chuyện này?
Rachel nghĩ tới Zach Herney, thầm băn khoăn không hiểu ông ta là kẻ đồng mưu hay chỉ bị gài bẫy. Tổng thống không hề biết gì hết. Ông ấy vô tội. Hiển nhiên là cả Tổng thống cũng bị NASA lừa. Chỉ còn chưa đầy một giờ đồng hồ nữa là Tổng thống sẽ công bố phát kiến của NASA. Và sẽ có cả những lời xác thực của các nhà khoa học dân sự được phát kèm theo.
Bốn nhà khoa học đã chết.
Giờ đây Rachel không còn làm gì được nữa để ngăn cuộc họp báo đó. Nhưng cô tự thề với mình sẽ không tha thứ cho bất cứ kẻ nào nhúng tay vào vụ việc bẩn thỉu này.
Dồn hết sức lực, Rachel thu người ngồi dậy. Hai chân nặng như chì và mỗi khớp xương đều đau như xé khi chân tay co lại.
Chậm chạp, Rachel quỳ gối thật thăng bằng trên mặt băng trơn. Đầu óc quay cuồng. Xung quanh là đại dương cuộn sóng.
Nằm ngay gần đó, Tolland đang nhìn cô đầy dò hỏi. Có lẽ ông tưởng cô định cầu nguyện. Dĩ nhiên là không, nhưng cách này cũng cố thể mang lại cho họ cơ hội sống sót.
Rachel quờ tay quanh thắt lưng lần tìm chiếc rìu nhỏ. Những ngón tay tê cứng chạm được vào cán rìu, cô lật ngược nó xuống như hình chữ T lộn ngược. Sau đó, với tất cả sức lực còn lại trong cơ thể, Rachel bổ cái rìu xuống mặt băng. Thịch. Rồi lần nữa. Thịch.
Máu trong huyết quản cô hình như đã đặc quánh lại. Thịch. Ánh mắt Tolland đầy ngỡ ngàng. Rachel tiếp tục bổ rìu. Thịch.
Tolland cố chống khuỷu tay nhỏm dậy. “Ra...chel?”
Rachel không trả lời. Cần phải tiết kiệm năng lượng. Thịch. Thịch.
“Tôi nghĩ là...”, Tolland nói “ở xa thế này thì..., chắc SAA... không nghe được đâu...”
Rachel ngạc nhiên quay sang. Cô quên mất ông là chuyên gia hải dương học và có thể hiểu vì sao cô làm thế này. Anh nói đúng... nhưng tôi có gọi SAA đâu.
Cô tiếp tục bổ rìu.
SAA (Suboceanic Acoustic Array) là tên tắt của Mạng ăng ten âm học ngầm dưới nước, di vật của thời kỳ chiến tranh lạnh, ngày nay được các nhà hải dương học sử dụng để nghe những tín hiệu của cá heo. Vì trong môi trường nước, âm thanh có thể lan xa đến hàng trăm dặm nên hệ thống năm mươi lăm chiếc loa đặt ngầm trong lòng đại dương của SAA thu được một lượng âm thanh đáng ngạc nhiên. Vùng biển Viễn Bắc này không nằm trong phạm vi của SAA, nhưng Rachel biết có những đôi tai khác đang từng giờ từng phút lắng nghe những âm thanh phát ra từ vùng thềm lục địa này - những thiết bị mà chỉ rất ít người được biết đến.
Thịch... thịch... thịch.
Thịch... thịch... thịch.
Thịch... thịch... thịch.
Rachel không hi vọng hành động này sẽ cứu mạng cho cô và hai nhà khoa học này, cảm giác tê cóng như kim châm đang lan tỏa khắp người. Cô tin họ chỉ còn sống được khoảng nửa giờ nữa, không thể hơn. Gặp được đội cứu hộ lúc này là điều không tưởng. Nhưng cô làm thế này không phải để được ứng cứu.
Thịch... thịch... thịch.
Thịch... thịch... thịch.
Thịch... thịch... thịch.
“Không kịp nữa đâu...” Tolland bảo cô.
Làm thế nay không phải vì chúng ta, cô thầm nghĩ, mà là vì tờ giấy trong túi áo của tôi. Cô nghĩ đến bức ảnh chụp cắt lớp trong túi áo bảo hộ của mình. Tôi phải chuyển bức ảnh này đến NRO, càng nhanh càng tốt.
Dù đầu đã mụ đi, Rachel vẫn tin chắc thông điệp của cô sẽ được chuyển đến đích. Từ giữa thập niên 80, NRO đã lắp đặt một mạng lưới mới mạnh gấp 30 lần để thay thế SAA. Là hệ thống tai nghe ngầm dưới đại dương trị giá 12 tỉ đô la của NRO. Classic Wizard có thể nghe được âm thanh trên khắp địa cầu. Trong vòng vài giờ tới, nhận được một chuỗi âm thanh đều đặn lặp đi lặp lại chuyển về từ các tai nghe ngầm trong lòng Bắc Băng Dương, những siêu máy tính Cray của NRO và NASA đặt tại điểm tiếp nhận âm thanh Menwith Hill, ở Vương quốc Anh sẽ giải mã chúng thành thông điệp SOS, xác định vị trí phát ra âm thanh, rồi phát lệnh cho máy bay cứu hộ tại căn cứ không quân Thule đặt trên đảo Greenland cất cánh. Rồi chiếc máy bay sẽ phát hiện thấy ba người nằm co quắp trên tảng băng trôi. Cứng đờ. Đã chết. Một trong ba người đó là nhân viên cao cấp của NRO, và trong túi áo cô có một bức ảnh.
Bức ảnh chụp cắt lớp.
Di vật cuối cùng của Norah Mangor.
Khi đội cứu hộ xem bức ảnh, bí mật về lỗ khoan bên dưới tảng thiên thạch sẽ bị hé lộ. Rachel không thể tưởng tượng tiếp những sự kiện tiếp theo, nhưng cô biết chắc chắn một điều - bí mật này sẽ không bị chôn vùi cùng với thi thể của họ.
-
Chương 60
Mới trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, vị Tổng thống nào cũng dành thời gian vào xem gian nhà kho được canh giữ cẩn mật chất đầy những đồ đạc quý giá do các đời Tổng thống trước để lại: Bàn ghế, đồ bạc, đồ văn phòng phẩm, giường đệm, những món đó có từ thời Tơng thơng George Washington. Và vị Tổng thống nào cũng được quyền chọn bất cứ thứ gì họ ưa thích để sử dụng trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Đồ nội thất cố định duy nhất ở Nhà Trắng là chiếc giường ngủ trong phòng Lincoln. Buồn cười là ở chỗ chính Tổng thống Lincoln thì lại chưa từng nằm ngủ trên chiếc giường đó.
Zach Herney đang ngồi trong phòng bầu dục, bên chiếc bàn do thần tượng của ông để lại - Tổng thống Harry Truman. Tuy có vẻ hơi hẹp so với những chiếc bàn hiện đại, nó chính là nơi người ta đã bí mật gài “bọ nghe lén”, và nó luôn nhắc cho Herney nhớ rằng ông sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những thiếu sót trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Ông coi trọng trách mà mình đang đảm nhận là một vinh dự, và thường xuyên khích lệ đội ngũ nhân viên của mình tận tâm tận lực với tất cả những nhiệm vụ được giao.
“Thưa Tổng thống”. Một cô thư ký gọi lớn. “Đường dây của ngài đã thông rồi đấy ạ”.
Herney vẫy tay: “Cảm ơn cô”.
Ông với tay nhấc ống nghe. Dù rất ưa thích sự kín đáo vì muốn tự tay quay số, lúc này ông không thể làm việc đó. Hai nhân viên hóa trang đang lăng xăng chỉnh đốn lại đầu tóc, mặt mũi cho ông. Ngay trước bàn làm việc của ông lúc này là một đội ngũ nhân viên truyền hình đang lắp đặt thiết bị, thêm vào đó là mấy chuyên gia về quan hệ công chúng vừa chạy rối rít khắp phòng vừa sôi nổi bàn luận.
Chưa đầy một giờ nữa...
Herney nhấn nút chiếc máy cá nhân trước mặt. “Lawrence? Phải anh đấy không?”
“Tôi đây”. Giọng ông Giám đốc NASA nghe mệt mỏi và xa xăm.
“Mọi thứ ổn cả chứ?”
“Sắp có bão, nhưng nhân viên của tôi khẳng định rằng liên lạc bằng vệ tinh sẽ không bị ảnh hưởng. Tốt cả. Chỉ còn chưa đầy một giờ nữa là sẽ hoàn tất mọi việc”.
“Tuyệt lắm. Hi vọng mọi người đều thấy phấn khởi”.
“Rất phấn khởi. Nhân viên của tôi đang vô cùng vui vẻ. Chúng tôi vừa cụng ly xong”.
Herney cười lớn. “Hay lắm. Lawrence này, tôi muốn gọi điện trước giờ họp báo để nói lời cảm ơn anh. Tối nay sẽ là một buổi tối lịch sử”.
Ông Giám đốc ngập ngừng, do dự, khác hẳn cung cách thường ngày: “Chắc chắn là thế, thưa Tổng thống. Chúng ta đã phải đợi khá lâu rồi”.
Herney ngần ngừ. “Anh có vẻ hơi mệt thì phải”.
“Tôi cần ánh nắng mặt trời và một cái giường thực thụ”.
“Một giờ nữa thôi. Hãy cố cười tươi trước ống kính, hãy tận hưởng giây phút ấy, rồi tôi sẽ phái máy bay đưa anh về thủ đô”.
“Tôi mong đến lúc đó lắm rồi”. Ông ta lại im lặng một lần nữa.
Là một nhà thương thuyết sành sỏi, Herney biết cách lắng nghe những gì người khác không nói ra thành lời. Giọng nói của ông Giám đốc NASA thể hiện điều gì đó hơi khác lạ. “Anh có chắc là mọi việc đều ổn cả không?”
“Tôi chắc chứ”.
“Anh đã xem đoạn phim tài liệu do Michael Tolland gửi về chưa?”
“Rồi”. Tổng thống đáp. “Ông ta làm tốt lắm”.
“Đúng thế! Anh cho gọi ông ấy đến là phải đấy”.
“Anh vẫn còn bực nình vì chuyện tôi gọi mấy nhà khoa học dân sự đó đến đấy à?”
“Lạy Chúa, điều này cũng đúng nốt”. Ông Giám đốc càu nhàu một cách hóm hỉnh, giọng lại mạnh mẽ như thường ngày.
Herney thấy yên tâm hơn. Ekstrom vẫn ổn, ông thầm nghĩ, chắc chỉ hơi mệt mỏi thôi. “Thế nhé! Tôi sẽ gặp anh trên cầu truyền hình. Chúng ta sẽ cho cả nước một phen choáng váng”.
“Đúng thế”.
“Này, Lawrence!” Lúc này giọng ông trở nên trang nghiêm “Anh đã lập công rất lớn. Tôi sẽ không bao giờ quên”.
Bên ngoài bán sinh quyển, vừa vật lộn với cơn gió dữ, Delta-Ba vừa xếp lại các dụng cụ của Norah Mangor lên chiếc xe trượt đã bị lật úp. Chất các thứ lên xong, anh phủ tấm vải bọc nhựa lên trên, sau đó để xác Norah lên trên cùng, buộc chặt lại. Anh đang chuẩn bị kéo chiếc xe đi thì đã thấy hai đồng đội kia trượt từ dưới chân dốc lên.
“Kế hoạch thay đổi”. Delta-Một hét lớn từ phía cuối gió “Ba người kia trượt ra khỏi phiến băng rồi”.
Delta-Ba không ngạc nhiên. Anh biết điều đó có nghĩa là gì. Kế hoạch của đội Delta định sắp đặt các xác chết để giả dạng một vụ tai nạn không còn khả thi nữa. Để lại một cái xác duy nhất sẽ khiến người ta đặt ra rất nhiều câu hỏi. “Bị cuốn đi à?” Anh hỏi.
Delta-Một gật đầu: “Tôi sẽ thu thập lại những cây đèn phát sáng, còn hai anh hãy ném cái xe ấy đi”.
Trong khi Delta-Một cẩn thận dò ngược lại con đường của các nhà khoa học, nhặt nhạnh hết mọi chứng cứ về sự có mặt của họ, hai người kia đẩy chiếc xe trượt chất nặng về phía cuối sông băng.
Sau khi vất vả vượt qua mấy ụ tuyết, họ cũng đến được bờ mép phiến băng Milne. Họ chỉ cần đẩy nhẹ, chiếc xe cùng với thi thể của Norah Mangor sẽ lập tức lặng lẽ lao qua mép vực, rơi thẳng xuống đại dương.
Sạch sẽ, Delta-Ba thầm nghĩ.
Trên đường quay về căn cứ, Delta-Ba hài lòng thấy gió katabatic đã xóa sạch vết giày trượt của họ trên mặt băng.
-
Chương 61
Chiếc tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân Charlotte có mặt trên Biển Bắc đã được năm ngày nay. Sự có mặt của nó ở khu vực này được coi là tuyệt mật.
Là một chiếc tàu ngầm thuộc Câu lạc bộ Los Angelesl, Charlotte được thiết kế để “nghe được hết nhưng không bị người khác nghe thấy”. Tuốc bin máy của nó nặng bốn mươi hai tấn được đệm bằng lò xo để không một rung động nào bị truyền ra ngoài. Dù là chiếc tàu bí mật, thân con tàu này dài hơn bất kỳ một tàu ngầm hiện đại nào khác. Với chiều dài từ mũi đến đuôi là 120 mét, nếu được đặt trên sân vận động NFL, nó sẽ đè bẹp cả hai cầu gôn. Với chiều dài thân gấp bảy lần chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hoa Kỳ, tàu Charlotte chiếm chỗ của 6.927 gallon nước khi chìm hẳn, và có thể tuần tiễu dưới biển với một vận tốc kinh ngạc - ba mươi lăm hải lý một giờ.
Thông thường, con tàu chỉ lặn ở độ sâu ngay dưới dốc giảm nhiệt, độ sâu đặc trưng luôn làm nhiễu loạn các phản hồi siêu âm khiến cho các trên bờ không thể phát hiện được nó. Đủ chỗ trên boong cho thủy thủ đoàn gồm 148 người, với độ sâu tối đa là năm trăm mét, Charlotte là đỉnh cao, là niềm tự hào của Hải quân Hoa Kỳ. Hệ thống tạo khí oxy bằng phương pháp điện phân, hai lò phản ứng hạt nhân và những động cơ lắp đặt bên trong cho phép con tàu đi vòng quanh trái đất hai mươi mốt vòng liên tục mà không cần phải nổi lên. Chất thải của người ở trên tàu, cũng giống như ở những con tàu khác, được nén thành những khối vuông nặng sáu mươi kg rồi phóng ra biển. Những khối chất thải khổng lồ này vẫn được gọi một cách hài hước là “phân cá voi”.
Kỹ thuật viên đang ngồi trực bên bàn đo dao động trong Phòng siêu âm của con tàu là người giỏi nhất trên thế giới trong lĩnh vực này. Bộ não của anh có thể được coi là một cuốn từ điển sống về các loại âm thanh và sóng siêu âm. Anh có thể nhận biết được tiếng động tạo ra bởi những chân vịt tàu ngầm của Nga, bởi hàng trăm loài sinh vật biển, và định vị được những núi lửa ngầm dưới nước ở tận Nhật Bản.
Tuy nhiên, lúc này anh đang tập trung chú ý đến một chuỗi âm thanh đều đều lặp đi lặp lại, dù rất dễ nhận ra, đây là những âm thanh lạ.
“Cậu không tưởng tượng được tớ đang nghe thấy cái gì đâu”. Anh chuyển tai nghe sang cho người thư ký đang viết nhật ký tàu.
Người thư ký đeo tai nghe vào, và ngay lập tức nhận ra chuỗi âm thanh ấy. “Chúa ơi, rõ mồn một. Chúng ta làm gì bây giờ nhỉ?”
Anh chàng chuyên viên siêu âm đã lập tức quay số gọi cho thuyền trưởng...
Khi viên thuyền trưởng vào phòng siêu âm, kỹ thuật viên liền cắm giắc tai nghe vào một hệ thống loa phóng thanh nhỏ.
Thuyền trưởng lắng nghe. Ngạc nhiên.
Thịch... thịch... thịch.
Thịch... thịch... thịch.
Chậm dần. Chậm dần. Những tiếng động yếu dần đi, mờ dần đi.
“Tọa độ bao nhiêu?” Viên thuyền trưởng hỏi.
Anh chàng kỹ thuật viên hắng giọng: “Thưa thuyền trưởng, âm thanh này phát ra từ mặt nước, cách chúng ta ba dặm về mạn phải”.
-
Chương 62
Trong hành lang tối bên ngoài căn hộ của Thượng nghị sĩ Sexton, hai chân Gabrielle run lên, không phải vì phải đứng im quá lâu, mà vì thất vọng sau những gì vừa nghe được. Cuộc họp kín trong phòng vẫn còn tiếp tục, nhưng cô không muốn nghe thêm gì nữa.
Sự thật đã quá hiển nhiên.
Thượng nghị sĩ Sexton đang nhận hối lộ của các công ty vu trụ tư nhân. Hóa ra Marjorie Tench nói thật.
Cảm giác kinh hãi vì bị phản bội xâm chiếm khắp cơ thể Gabrielle. Cô đã tin tưởng ông. Đã đấu tranh cho ông. Sao ông lại có thể hành động thế này cơ chứ? Cô đã chứng kiến ngài Thượng nghị sĩ nói dối nhiều lần về đời tư của ông, nhưng làm chính trị thì phải thế. Còn đây là vi phạm luật pháp.
Vẫn còn chưa đắc cử mà ông ấy đã đem bán rẻ Nhà Trắng!
Gabrielle biết cô không thể nào phò tá ngài Thượng nghị sĩ được nữa. Hứa hẹn về đạo luật tư hữu hóa NASA kiểu này là xem thường cả luật pháp lẫn chế độ dân chủ. Cho dù ngài Thượng nghị sĩ có thật sự cho rằng làm như thế là đúng đi nữa thì hành động này cũng có nghĩa là chặn trước ảnh hưởng của những cơ chế cân bằng quyền lực trong Chính phủ, là phớt lờ những lý lẽ có thể sẽ rất thỏa đáng của Nghị viện, các cố vấn, cử tri và các nhà vận động hành lang. Đưa ra lời đảm bảo về đạo luật này đối với NASA, Sexton đã dọn đường cho vô số hành vi lợi dụng chức vụ - nhất là chuyện mua bán nội bộ, chà đạp lên lợi ích chung vì tư lợi cá nhân cho một số quan chức lắm tiền nhiều của.
Ghê tởm, cô không biết nên xử trí thế nào.
Điện thoại đổ chuông ngay sau lưng Gabrielle, phá tan sự yên lặng trong hành lang mờ tối. Giật mình, cô quay lại. Tiếng chuông phát ra từ máy điện thoại cầm tay nằm trong túi áo khoác của một vị khách.
“Xin lỗi các vị” Chất giọng Texas cất lên. “Chuông điện thoại của tôi”.
Gabrielle nghe thấy tiếng ông ta sột soạt đứng dậy. Ông ta sắp ra, ngoài này! Quay phắt ra đằng sau, cô chạy ngược về phía cửa ra vào được nửa đường, cô rẽ trái, nấp kín vào phòng bếp, vừa kịp lúc người đàn ông Texas đó ra đến hành lang. Sợ cứng người, cô đứng im thin thít.
Ông ta đi qua sát Gabrielle nhưng không để ý.
Dù tim đang đập thình thịch, cô vẫn nghe tiếng ông ta sột soạt ở chỗ mắc treo quần áo, cuối cùng thì cũng bắt đầu trả lời.
“Sao hả?... Lúc nào?... Thật à?... Chúng tôi sẽ bật lên. Cảm ơn nhé”.
Ông ta tắt máy và quay vào trong phòng, vừa đi vừa nói lớn: “Này các vị, bật tivi lên đi. Zach Herney sắp tổ chức hóp báo khẩn cấp. Tám giờ tối nay. Trên tất cả các kênh. Có thể ông ta sắp tuyên chiến với Trung Quốc, mà cũng có thể là sân bay vũ trụ rớt xuống đại dương mất rồi”.
“Chúng ta cụng ly vì buổi họp báo đó, nào!” Một người hô hào.
Tất cả cùng cười lớn.
Gabrielle thấy phòng bếp quay cuồng chao đảo quanh cô. Họp báo lúc tám giờ tối sao? Có vẻ như Tench không nói dối. Bà ta đã cho Gabriell suy nghĩ đến tám giờ tối về việc thú nhận có quan hệ với Thượng nghị sĩ. Hãy tránh xa ông ta trước khi quá muộn. Bà ta đã bảo cô thế. Gabrielle tưởng đó là hạn chót để Nhà Trắng bắt đầu rỉ tin cho giới báo chí, nhưng giờ thì có lẽ họ muốn đích thân công bố tin này.
Họp báo khẩn cấp? Càng nghĩ. Gabrielle càng thấy lạ. Herney định công khai mớ bòng bong này ư? Ông ta đích thân làm việc nay hay sao?
Trong phòng, tivi đã được bật lên. Ầm ỹ. Giọng người phát thanh viên có vẻ rất phấn khích. “Nhà Trắng không hé lộ bất cứ chi hết nào về nội dung của buổi họp báo do Tổng thống chủ trì tối nay, và có rất nhiều tin đồn thổi. Một số nhà phân tích cho rằng trong thời gian gần đây Zach Herney thường xuyên vắng bóng trong chiến dịch tranh cử và rất có thể tối nay Tổng thống sẽ tuyên bố rút lui không tranh cử nhiệm kỳ hai nữa”.
Những tiếng reo vui đầy hi vọng vang lên trong phòng.
Ngớ ngẩn. Gabrielle nghĩ thầm. Sau khi đã thu thập được chừng ấy thông tin về sự thối nát của Sexton, không thể có chuyện Nhà Trắng tuyên bố bỏ cuộc. Cuộc họp báo nay chắc chắn đề cập đến chuyện khác. Gabrielle thấy lòng nặng trĩu, tin rẳng mình đã biết trước nội dung đó là gì.
Vội vã, cô kiểm tra đồng hồ. Không đầy một giờ nữa. Cô cần phải quyết định một việc. Và Gabrielle biết mình cần phải nói chuyện với ai. Kẹp chặt chiếc phong bì bên mạng sườn, cô lặng lẽ rời khỏi hành lang.
Đứng bên cửa ra vào, anh chàng vệ sĩ có vẻ như trút được gánh nặng: “Tôi nghe có tiếng reo vui trong phòng. Chắc cô vừa mang đến tin tốt lành”.
Gabrielle cười gượng, tiến về phía thang máy.
Ngoài đường phố, đêm xuống với cảm giác bứt rứt khác lạ.
Vẫy taxi, Gabrielle cố nhắc nhở bản thân rằng cô biết rất rõ nơi cần phải đến.
“Trường quay đài truyền hình ABC”, cô bảo người tài xế “càng nhanh càng tốt”.
Chương 63
Nằm nghiêng trên mặt băng, Michael Tolland gối đầu trên cánh tay đã tê dại và mất hẳn cảm giác. Dù hai bờ mi đã nặng trĩu, ông vẫn cố mở mắt ra. Nằm ở tư thế này, ông nhìn lần cuối cùng thế giới quanh nình - giờ đây chỉ còn là biển và băng đá - nhìn theo phương nằm nghiêng. Quang cảnh này có lẽ thật thích hợp với cả một ngày dài toàn những sự kiện dị thường.
Một sự yên tĩnh lạ lùng bao trùm tảng băng trôi. Corky và Rachel đều đang nằm bất động, những tiếng thình thịch không cờn vang lên nữa. Càng xa tảng băng trôi mà họ đang nằm, gió càng nhẹ dần đi Tolland thấy cả cơ thể mình cũng đang dần trở nên tĩnh lặng hơn. Chiếc mũ bó chặt lấy đầu làm cho tiếng hít thở của ông bị phóng đại lên trong màng nhĩ. Những hơi thở đang chậm dần đi, nông dần đi. Cơ thể ông từ lâu đã mất khả năng chống chọi lại cảm giác tê cứng do máu rút khỏi những chỗ xa tim để thu về bảo vệ những cơ quan thiết yếu nhất - phản xạ cuối cùng của bản năng sinh tồn để tránh trạng thái hôn mê, giống như thủy thủ đoàn đang dần dần rút khỏi con tàu.
Ông đã thua, ông biết thế.
Thật kỳ lạ, chẳng còn chút cảm giác đau đớn nào nữa. Cơ thể ông đã qua giai đoạn đó rồi. Lúc này toàn thân ông như một quả bớng mới được bơm căng. Tê dại. Bồng bềnh. Một trong những cơ chế căn bản nhất của cơ thể - phản xạ nháy mắt - bắt đầu ngưng hoạt động, thị lực của ông giảm dần. Lượng hơi ấm chứa hơi nước luân chuyển trong các mạch máu nhỏ quanh đồng tử và giác mạc của ông đang nhanh chóng đông cứng lại. Tolland nhìn lại một lan nữa phiến băng Milne, lúc này dù còn là một khối mờ mờ ảo ảo trong ánh trăng sáng bạc.
Linh hồn ông bắt đầu chấp nhận tư thế của kẻ chiến bại trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Ông đưa mắt nhìn những con sóng bạc. Gió vẫn rắt mạnh.
Lúc này ảo ảnh bắt đầu hiện ra. Thật kỳ lạ, trong những khoảnh khắc cuối cùng trước khi chìm vào vô thức, ông không có ảo ảnh về sự cứu rỗi, về sự ấm áp và êm ái. Ảo ảnh cuối cùng trong đời ông thật đáng sợ.
Một con thủy quái nhô lên ngay bên cạnh tảng băng, phun phì phì, làm mặt nước cuộn xoáy. Nó giống hệt một quái vật biển bí hiểm - trơn láng, đen sì, vỏ ngoài bằng sắt, bao quanh bởi vô vàn bọt nước. Tolland vận hết sức lực còn lại để chớp mắt. Ông nhìn rõ hơn được một chút. Con quái vật đang tiến lại gần, chồm lên tảng băng y như con cá sấu khổng lồ đang chồm lên con thuyền bé nhỏ. To khủng khiếp, nó chồm đến sát cạnh ông, da nó nhầy nhẫy nước, và sáng lấp lóa.
Tất cả những hình bóng mờ ảo ấy biến mất. Chỉ còn lại những tiếng động. Tiếng kim loại nghiến vào kim loại. Tiếng sắt nghiến vào băng. Gần, gần hơn. Kéo những xác người đi.
Rachel...
Tolland thấy mình bị lôi đi một cách thô bạo.
Rồi tất cả chìm trong màn đêm.
-
Chương 64
Gabrielle Ashe chạy thục mạng lên phòng sản xuất trên tầng ba của tòa nhà Đài truyền hình ABC, ấy thế nhưng những người đang làm việc trong tòa nhà này còn chạy nhanh hơn cô. Cường độ làm việc cao, hai mươi tư giờ mỗi ngày là đặc điểm của căn phòng này, nhưng lúc này, căn phòng thậm chí còn mang dáng vẻ của văn phòng thị trường chứng khoán vào giờ cao điểm. Những biên tập viên mặt mày căng thẳng đang ý ới gọi nhau, nhiều nhân viên tay cầm những tờ fax chạy qua chạy lại từ ô này sang ô khác để so sánh thông tin, vài nhân viên vừa hít những ống ngửi Snicker và Mountain Dew vừa thở hổn hển sau những cuốc chạy lăng xăng khắp căn phòng lớn.
Gabrielle đến đây để gặp Yolanda Cole.
Thường thì Yolanda ở trong khu văn phòng tường kính dành cho những nhà quản lý cần có sự yên tĩnh để suy nghĩ. Nhưng tối nay Yolanda ở trong phòng lớn, giữa cảnh vội vã nhốn nháo này. Trông thấy Gabrielle, chị thốt lên vui vẻ, cởi mở như mọi khi.
“Chào Gab!” Yolanda mặc váy hoa, đeo cặp kính có gọng hình mu rùa. Như mọi khi, chị đeo vô số đồ trang sức sặc sỡ trên người vâ quần áo. Chị vừa tiến về phía Gabrielle vừa vẫy vẫy tay. “Ôm hôn nhau đã nào!”
Yolanda Cole là biên tập viên nội dung cho chương trình thời sự của Đài ABC đã được mười sáu năm. Do chị có dáng người béo lùn, nhiều tàn nhang, đầu hơi hói nên mọi người ở đây thường gọi đùa chị là “U già”. Đằng sau vẻ ngoài nghiêm nghị và phong cách hài hước của chị là sự nhạy bén và kỹ năng khai thác tin siêu việt. Chị gặp Gabrielle trong buổi tọa đàm về phụ nữ và chính trị mà Gabrielle tới dự hồi mới lên thủ đô. Hai người đã nói về khả năng của Gabrielle, về những thách thức một phụ nữ sẽ phải đối mặt khi sống và làm việc ở Washington, và cuối cùng là về Elvis Presley – niềm đam mê mà hóa ra cả hai cùng chia sẻ. Yolanda đã che chở cho Gabrielle, giúp cô tạo dựng những mối quan hệ cần thiết. Cứ mỗi tháng một lần, Gabrielle lại ghé thăm Yolanda.
Gabrielle ôm hôn Yolanda thật chặt. Sự nhiệt tình của chị ngay lập tức khiến cô thấy phấn chấn hơn.
Yolanda lùi lại một bước và ngắm Gabrielle. “Trông em như già một trăm tuổi vậy, cô bé ạ. Có chuyện gì thế?”
Gabrielle hạ thấp giọng: “Em đang gặp chuyện chẳng lành, Yolanda ạ”.
“Câu này nghe hơi vô lý đấy. Ngài ứng cử viên của em đang thắng thế cơ mà”.
“Có chỗ nào để chị em mình nói chuyện riêng một chút được không?”
“Không đúng lúc rồi, em yêu ạ. Khoảng nửa tiếng nữa Tổng thống sẽ tổ chức một cuộc họp báo. Và bọn chị vẫn chưa có chút manh mối nào về nội dung cuộc họp. Chị phải chạy chương trình bình luận của nhà phân tích, lại đang phải làm mò đây này”.
“Em biết nội dung cuộc họp báo đó”.
Cặp kính của Yolanda trễ hẳn xuống sống mũi, trông đầy hoài nghi. “Gabrielle này, người đưa tin của em trong nội bộ Nhà Trắng cũng không biết gì về cuộc họp này cơ mà. Em bảo là Thượng nghị sĩ Sexton biết trước nội dung rồi à?”
“Không. Em bảo là cá nhân em có thông tin. Cho em xin năm phút thôi. Em sẽ nói cho chị biết”.
Yolanda đưa mắt nhìn chiếc phong bì màu đỏ của Nhà Trắng trong tay Gabrielle: “Cái phong bì này là của Nhà Trắng. Em lấy ở đâu ra thế?”
“Sau cuộc gặp riêng với Marjorie Tench chiều nay”.
Yolanda nhìn cô hồi lâu. “Nào, đi theo chị”.
Trong căn phòng tường kính của Yolanda. Gabrielle đã kể hết về đêm ân ái giữa cô và Thượng nghị sĩ Sexton, cái đêm mà Tench đã có những bức ảnh làm bằng chứng.
Yolanda cười lớn, lắc đầu, nhiên là chị làm nghề báo ở Washington đã đủ lâu để không còn bị bất ngờ bởi bất cứ điều gì nữa. “Gab này, chị đã có linh cảm là em và ông Thượng nghị sĩ thể nào cũng quan hệ với nhau. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Ông ta có danh tiếng, con em lại xinh đẹp. Những bức ảnh này quả là tệ. Nhưng chẳng có gì đáng lo ngại đâu em ơi”.
Không có gì đáng lo?
Gabrielle giải thích rằng Tench có chứng cứ cho thấy Sexton nhận những khoản tiền hiến tặng bất hợp pháp từ các công ty vũ trụ, và cô vừa nghe lỏm được một cuộc họp bí mật của SFF cho thấy đó đúng là sự thật. Lại một lần nữa, vẻ mặt của Yolanda chẳng hề thay đổi mãi cho đến khi Gabrielle nói ra ý định của cô.
Lúc này. Yolanda có vẻ lo lắng. “Gabrielle này, nếu em muốn công khai chuyện đã qua đêm với một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và không muốn dính líu đến những lời nói dối trá của ông ấy thì đấy là chuyện của riêng em. Nhưng chị nói em nghe, đó là một quyết định tồi. Em phải suy nghĩ thật kỹ càng, thật chín chắn về những hậu quả của những hânh động ấy”.
“Chị chẳng hiểu gì cả. Em làm gì còn thời gian”.
“Chị hiểu hết. Em yêu này, dù cho thời gian vẫn đang trôi, có những điều em không được phép làm. Em không thể hạ bệ một Thượng nghị sĩ bằng vụ xì căng đan ái tình. Như thế là tự sát. Nghe chị đi, em bé, nếu em định hạ bệ một ứng cử viên Tổng thống thì trước tiên hãy lên xe và lái đi thật xa thủ đô Wasington. Người ta sẽ treo thưởng cho kẻ nào bắt được em. Người ta phải chi những khoản tiền lớn mới đôn được một ứng cử viên lên. Đây là vấn đề quyền lực và tiền bạc - thứ mà người ta sẵn sàng giết nhau để giành giật đấy!”
Lúc này, Gabrielle lặng im...
“Theo chị”, Yolanda nói, “bà Tench chỉ hù dọa tí chút với hy vọng rằng em sẽ quá sợ hãi và làm điều gì đó ngu ngốc - chẳng hạn như rút lui hoặc thú nhận vụ việc này. - Yolanda chỉ chiếc phong bì màu đỏ trong tay Gabrielle. - Những bức ảnh chụp em cùng với Sexton sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu cả em lẫn ông ta đều không công nhận chúng. Nhà Trắng biết rằng nếu họ xì những bức ảnh này thì ông Sexton sẽ lập tức nói rằng đây chỉ là ảnh giả và phản đòn lại Tổng thống”.
“Em cũng đã nghĩ đến chuyện ấy, nhưng còn trò nhận hối lộ thì...”
“Này cô bé của chị, em hãy nghĩ mà xem. Nếu Nhà Trắng vẫn chưa công khai chuyện đó thì tức là họ sẽ không làm điều đó. Tổng thống tỏ ra khá kiên định về vấn để vận động tranh cử một cách tích cực. Chị đoán là ông ấy định chặn trước vụ tai tiếng về ngành công nghiệp vũ trụ. Ông ta bảo bà Tench lừa gạt em chút xíu, dọa cho em sợ đến nỗi phải thú nhận vụ tình ái, đây chỉ là một đòn đánh lén thôi”.
Gabrielle phân vân. Yolanda có lý, nhưng cô vẫn chưa hết băn khoăn. Cô đưa tay chỉ phòng sản xuất tin thời sự đang nhốn nháo: “Yolanda này, nhân viên của chị đang chuẩn bị tường thuật buổi họp báo của Tổng thống. Nếu không phải chuyện tình ái và hối lộ thì ông ấy sẽ nói về cái gì đây?”
Yolanda có vẻ ngạc nhiên: “Hượm đã nào, em cho rằng em và ông Sexton là nội dung của buổi họp này sao?”
“Hoặc là chuyện nhận hối lộ, hoặc là cả hai. Tench bảo là em được phép suy nghĩ đến tám giờ tối, chậm hơn thì đích thân Tổng thống sẽ công bố...”
Yolanda cười sặc sụa, cười rung cả căn phòng kính. “Ôi! Chị xin em! Em làm chị chết mất!”
Gabrielle chẳng có lòng dạ nào mà cười. “Chị bảo sao?”
“Gab, em nghe chị đi”, Yolanda cố nhịn cười “tin chị đi. Chị đã làm việc với Nhà Trắng mười sáu năm nay rồi. Không đời nào Zach Herney sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông chỉ để tuyên bố rằng ông ta nghi ngờ có chuyện nhận hối lộ hay chuyện có người lén lút ăn nằm với nhau. Loại thông tin như thế thì người ta chỉ rỉ tai cánh nhà báo thôi. Cướp thời lượng của tất cả các chương trình khác chỉ để kêu ca, phàn nàn về *** hay những nghi ngờ về tài chính mờ ám trong tranh cử sẽ càng làm cho ông ta mất điểm trong mắt mọi người”.
“Mờ ám à?” Gabrielle nhảy dựng lên. “Đem bán rẻ bản thân chỉ để lấy vài triệu đô la cho việc quảng bá tên tuổi của mình mà chỉ là chuyện mờ ám thôi sao?”
“Em có chắc chắn là ông ấy đang thực sự làm thế không?” Giọng nói của Yolanda lúc này trở nên nghiêm trang. “Em có tin chắc đến nỗi công bố trên tivi chuyện đó không? Em nghĩ mà xem. Thời đại này làm gì cũng phải có phường có hội, và tài chính là vấn đề rất phức tạp. Biết đâu cuộc gặp đó của ông Sexton là hợp pháp thì sao?”
“Ông ấy đang vi phạm pháp luật”. Gabrielle nói, chẳng phải thế hay sao?
“Rất có thể đấy chỉ là luận điệu của Marjorie Tench mà thôi. Các ứng cử viên vẫn thường xuyên nhận những khoản hiến tặng kín đáo của các tập đoàn lớn. Chuyện đó có thể không đẹp đẽ gì, nhưng chưa chắc đã là phạm pháp. Thực ra hầu hết các điều luật đều đề cập đến chuyện chi tiêu như thế nào chứ không phải chuyện tiền từ đâu mà có”.
Gabrielle lưỡng lự, không còn dám chắc như trước nữa.
“Gab này, chiều nay Nhà Trắng đã chơi em một vố đấy. Họ định chia rẽ em và vị ứng cử viên của em. Và cho đến lúc này thì em đã cắn câu rồi. Nếu cần có một người để mà tin tưởng thì có lẽ em nên chọn ông Sexton hơn là nhảy sang thuyền của Tổng thống để làm một người như Marjorie Tench”.
Điện thoại của Yolanda đổ chuông. Chị trả lời, gật gù, ghi ghi chép chép. “Hay lắm”. Cuối cùng chị nói “Tôi sẽ đến đó ngay, cảm ơn nhé”.
Yolanda gác máy, quay lại nhìn cô: “Gab này, có vẻ như em không làm sao cả, đứng như chị dự đoán”.
“Chuyện gì thế?”
“Chị chưa có thông tin chính xác, nhưng ít ra cũng biết được rằng cuộc họp báo của Tổng thống sẽ không đề cập đến chuyện ầm ỹ về *** hay tài chính nào cả”.
Gabrielle chợt thấy tràn đầy hy vọng, và ước ao đó là sự thật. “Làm sao chị biết được?”
“Có một người trong nội bộ Nhà Trắng vừa rỉ tin rằng nội dung cuộc họp là về NASA”.
Gabrielle ngồi thẳng dậy: “NASA à?”
Yolanda nháy mắt tinh nghịch: “Biết đâu đêm nay em lại may mắn. Chị đoán là do sức ép của Thượng nghị sĩ Sexton nên Nhà Trắng buộc phải bỏ dự án sân bay vũ trụ quốc tế đấy. Cho nên họ mới huy động tất cả các phương tiện truyền thông toàn cầu như thế chứ”.
Họp báo để thông báo hủy bỏ dự án sân bay vũ trụ sao? Gabrielle không thể tin nổi.
Yolanda đứng dậy. “Bà Tench nói chuyện với em chiều nay phải không? Rất có thể đó chỉ là đòn nhử để gây thêm khó khăn cho ông Sexton trước khi Tổng thống tiến hành họp báo để thông báo tin xấu nào đó. Không thể dùng một chuyện nhảm nhí kiểu như xì căng đang về *** để đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại của Tổng thống đâu. Dù sao thì chị cũng có rất nhiều việc. Bây giờ em hãy tự pha cho mình một ly cà phê, bật ti vi của chị lên, rồi ngồi đây, cùng mọi người ở đây đợi xem có chuyện gì. Còn hai mươi phút nữa là cuộc họp báo bắt đầu. Chị cam đoan với em là tối nay Tổng thống không đề cập đến vấn để mà em lo sợ đâu. Ông ấy muốn cả thế giới phải chú ý lắng nghe. Cho nên đó phải là một vấn đề vô cùng quan trọng”. Yolanda nháy mắt nhìn Gabrielle đầy khích lệ. “Nào, đưa cho chị cái phong bì”.
“Gì ạ?”
Yolanda chìa tay ra. “Những bức ảnh này sẽ được khóa kỹ trong ngăn tủ của chị cho đến khi mọi chuyện kết thúc. Chị muốn đảm bảo là em không làm điều gì ngu ngốc”.
Miễn cưỡng. Gabrielle đưa chiếc phong bì cho Yolanda.
Yolanda cất chiếc phong bì vào một ngăn kéo tủ, khóa lại cẩn thận rồi bỏ dùa khóa vào túi. “Rồi em sẽ cảm ơn chị, Gab ạ. Chị thế đấy”. Vừa đi ra, Yolanda vừa tinh nghịch lùa tay vào tóc Gabrielle. “Ngồi yên nhé. Chị tin là sắp có tin tốt lành rồi đấy”.
Gabrielle ngồi một mình trong căn phòng kính, cố giữ cho tinh than phấn chấn như lúc vẫn còn có Yolanda ở đố. Tuy nhiên, nụ cười đầy mãn nguyện và xảo quyệt của Mal)one Tench cứ lởn vởn trong tâm trí cô. Không biết Tổng thống sắp công bố với cả thế giới chuyện gì, nhưng chắc chắn điều đó không có lợi cho Thượng nghị sĩ Sexton.
-
Chương 65
Rachel Sexton cảm tưởng như cô đang bị người ta thiêu sống.
Một trận mưa lửa!
Cô cố mở mắt, nhưng chỉ nhìn thấy những cái bóng lờ mờ trong một vùng ánh sáng chói loà. Xung quanh cô mưa rơi xối xả. Những giọt mưa nóng bỏng. Rơi như quất xuống da thịt cô. Trong tư thế nằm nghiêng, cô cảm thấy từng luồng nước bỏng rát đang chảy bên dưới mình. Rachel thu mình, như đứa trẻ nắm trong bụng mẹ, cố tránh luồng chất lỏng bỏng rát đang xối xả tuôn xuống. Có mùi hóa chất. Có thể là chất Chroline. Cô cố bò ra chỗ khác, nhưng không thể. Những bàn tay rất khỏe đang túm chặt lấy hai vai, đè cô xuống:
Thả tôi ra! Tôi bị bỏng mất!
Theo bản năng, cô lại cố thoát ra, và lại một lần nữa bị giữ chặt. “Yên nào”. Một người đàn ông lên tiếng. Tiếng Anh. Giọng Mỹ, âm chuẩn. “Sẽ hết nhanh thôi mà”.
Cái gì sẽ hết? Cô băn khoăn. Cơn đau ư? Cuộc sống của tôi ư? Cô cố nhìn cho rõ. Nơi này quá sáng. Căn phòng rất nhỏ. Chật chội. Trần rất thấp.
“Tôi bị bỏng!” Tiếng thét của Rachel nghe chỉ như thì thào.
“Không sao đâu”. Người đó nói. “Nước này chỉ âm ấm thôi. Tin tôi đi!”
Rachel nhận thấy cô gần như không mặc gì, trên người chỉ còn lại bộ quần áo lót ướt sũng. Cô không thấy ngượng, trí não cô côn đang bận bịu với quá nhiều câu hỏi.
Mọi sự kiện ùa về trong tâm trí. Phiến băng. Bức ảnh chụp cắt lớp. Cuộc tấn công. Họ là ai? Tôi đang ở đâu? Cô cổ ghép những sự kiện với nhau, nhưng đầu óc mụ mẫm. Trong tâm trí hỗn độn mụ mị chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Michael và Corky... họ đâu cả rồi?
Rachel cố nhìn cho rõ, nhưng chỉ thấy được những người đang đứng bên cô. Tất câ bọn họ đều mặc quần áo lặn mầu xanh.
Cô muốn nói, nhưng miệng không thốt nên lời. Cảm giác bỏng rát ở da giờ bị thế chỗ cho những cơn đau buốt chạy dọc suốt các cơ bắp, như những chẩn động địa tầng.
“Hãy thả lỏng cơ thể”. Người đàn ông đang cúi xuống bên cô nói. “Phải để cho máu lưu thông trở lại trong hệ cơ của cô”. Anh ta nói y như thầy thuốc. “Cô hãy cố gắng cử động chân tay càng nhiều càng tốt”.
Những cơn đau chạy xuyên khắp cơ thể cổ như thể từng đường gân thớ thịt đang bị ai lấy búa nện. Cô nằm trong luồng nước chảy, ngực co thắt lại, không thở nổi.
“Hãy cử động chân và tay đi”. Ông ta ra lệnh. “Đau cũng phải cố”.
Rachel cố. Mỗi lần cử động là một lần như có dao đâm vào từng khớp xương. Những tia nước lại một lần nữa chuyển thành nóng. Lại bị bỏng rát. Cơn đau như xé vẫn tiếp tục. Đúng lúc Rachel không thể chịu đựng hơn được nữa, có người tiêm cho cô một mũi. Cơn đau giảm đi nhanh chóng, cảm giác nhức nhối giảm dần. Những cơn co giật giảm dần. Rachel lại bắt đầu thở được.
Một cảm giác khác lại chạy suốt cơ thể cô - cảm giác bị kim châm. Mọi nơi - như dao đâm - mạnh dần lên, mạnh dần lên.
Hàng triệu mũi kim đang châm rất mạnh, châm ở bất cứ vùng nào trên cơ thể mà cô cử động. Rachel cố không cử động, nhưng những tia nước đau rát cứ tiếp tục xối thẳng vào cô. Những người đàn ông này vẫn giữ chặt hai cánh tay của cô, ép cô phải cử động.
Chúa ơi! Đau quá! Quá yếu, cô không thể chống cự lại. Đau đớn và kiệt sức, nước mắt chảy tràn xuống hai má Rachel. Cô nhắm chặt hai mắt lại, không nhìn gì nữa.
Rốt cuộc, cảm giác kứn châm cũng bắt đầu giảm dần. Cơn mưa cũng ngừng. Rachel mở mắt ra, và bắt đầu nhìn được rõ hơn.
Lúc này cô mới nhìn thấy họ.
Ngay gần cô, Corky và Tolland đang nẳm run rẩy, ướt sũng.
Nhìn vẻ đau đớn trên nét mặt hai người. Rachel đoán họ cũng vừa trải qua những cảm giác y như mình. Đôi mắt nâu của Tolland trông đỏ ngầu và đờ đẫn. Nhìn thấy Rachel, ông cố nở một nụ cười, nhưng đôi môi tái xám chỉ hơi run run.
Rachel cố ngồi dậy, nhìn quang cảnh lạ lùng xung quanh. Cả ba người, chân tay vẫn còn đang nm rẩy, chỉ mặc đồ lót, đang nằm trong một phòng tắm chật hẹp.